Trường hợp hỗn hợp lỗi trong Luật Hình sự là gì?

Hỗn hợp lỗi là trường hợp trong cấu thành tăng nặng của tội có hai loại lỗi (cố ý và vô ý) được quy định đối với những tình tiết khách quan khác nhau.

Lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với tất cả các tình tiết khách quan được miêu tả trong cấu thành cơ bản của tội phạm. Trường hợp hỗn hợp lỗi chỉ được quy định trong cấu thành tăng nặng của một số tội phạm, khi dấu hiệu lỗi trong cấu thành cơ bản là cố ý, nhưng trong cấu thành tăng nặng của tội phạm đó, người phạm tội đã vô ý gây ra hậu quả nhất định. Trường hợp hỗn hợp lỗi chỉ có thể xảy ra đối với người phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và vô ý đối với hậu quả do hành vi đó gây ra.

Ví dụ: Tội cố ý gây thương tích (Điều 134 BLHS) là tội phạm có lỗi cố ý. Cấu thành tăng nặng của tội phạm này (Khoản 4, 5) có dấu hiệu là làm chết người, thì người phạm tội có lỗi vô ý đối với hậu quả chết người này (không mong muốn và không để mặc hậu quả chết người xảy ra); khi thực hiện hành vi phạm tội, họ chỉ mong muốn hậu quả thương tích xảy ra. Nếu người phạm tội có lỗi cố ý đối với hậu quả chết người mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả chết người xảy ra) thì họ phạm tội giết người (Điều 123 BLHS).

Trong Khoa học luật hình sự, cần phân biệt trường hợp hỗn hợp lỗi với lối hỗn hợp. Lỗi hỗn hợp là trường hợp chỉ thái độ tâm lý của nhiều người đối với hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà họ đã gây ra. Thông thường, đây là trường hợp hậu quả xảy ra trên thực tế có cả lỗi của người phạm tội và người bị hại. Còn hỗn hợp lỗi là trường hợp chỉ thái độ tâm lý của một người đối với hành vi và đối với hậu quả nguy hiểm cho xã hội khi họ thực hiện tội phạm.