Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là gì

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là gì?

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không phải là một trong các giai đoạn thực hiện tội phạm nhưng có liên quan mật thiết đến các giai đoạn thực hiện tội phạm (vì việc xác định điều kiện về thời điểm tự nguyện chấm dứt hành vi phạm tội trong tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải dựa trên lý luận về việc xác định các giai đoạn thực hiện tội phạm). Vì vậy, trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được nghiên cứu cùng với các giai đoạn thực hiện tội phạm.

Thứ nhất, việc chấm dứt hành vi phạm tội phải diễn ra trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc giai đoạn phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành. Vì trong hai trường hợp này, người phạm tội ý thức được rằng chưa thực hiện hoặc chưa thực hiện hết các hành vi mà họ cho là cần thiết để gây ra hậu quả của tội phạm. Do đó, mới có việc tự ý “nửa chừng” chấm dứt việc phạm tội.

Thứ hai, hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải được thể hiện một cách dứt khoát. Người phạm tội phải hoàn toàn từ bỏ hẳn ý định phạm tội của mình trong tư tưởng và chấm dứt ngay hành vi phạm tội trong thực tế. Không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội khi người phạm tội tạm ngưng hành vi phạm tội của mình để tìm cơ hội khác thuận lợi hơn sẽ tiếp tục thực hiện tội phạm.

Thứ ba, việc chấm dứt hành vi phạm tội phải tự nguyện. Người phạm tội tự quyết định việc chấm dứt tội phạm của mình; việc chấm dứt này là do động lực bên trong của người phạm tội chứ không phải do điều kiện khách quan chi phối. Khi dừng lại, người phạm tội vẫn tin rằng hiện tại không có gì ngăn cản và vẫn có thể tiếp tục thực hiện tội phạm. Động cơ của việc chấm dứt tội phạm có thể rất khác nhau, như do hối hận, do sợ bị phát hiện và bị trừng trị bởi pháp luật,... Luật Hình sự không đòi hỏi người phạm tội chấm dứt tội phạm do thực sự ăn năn hối hận mà chỉ cần họ thể hiện việc chấm dứt một cách tự nguyện và dứt khoát.

Trách nhiệm hình sự của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội?

Điều 16 BLHS 2015 quy định: “Người tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vị thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này”.

Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm nên họ vẫn bị coi là người phạm tội, nhưng họ không phải chịu TNHS về tội định phạm do chính sách hình sự khoan hồng của Nhà nước. Việc BLHS quy định người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm được xây dựng trên cơ sở:

Thứ nhất, về khách quan, hành vi đã thực hiện của người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội chưa thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm định thực hiện; về chủ quan, người phạm tội đã hoàn toàn từ bỏ hẳn ý định phạm tội của mình. Do đó, hành vi đã thực hiện của họ đã giảm đi một cách đáng kể tính nguy hiểm cho xã hội của loại tội định thực hiện.

Thứ hai, việc quy định chế định này khuyến khích những người đang chuẩn bị phạm tội hoặc thậm chí đã bắt tay vào việc thực hiện tội phạm không tiếp tục phạm tội nữa, để được hưởng chính sách hình sự khoan hồng của Nhà nước.

Nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Bởi vì, tuy người phạm tội đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, nhưng hành vi thực tế đã thực hiện của họ đã thoả mãn những dấu hiệu và thể hiện bản chất nguy hiểm cho xã hội của một tội phạm khác nên cẩn xử lý về hình sự đối với hành vi phạm tội này.

Ví dụ: A đột nhập vào một doanh trại quân đội, lấy trộm súng để đi giết B. Nhưng khi mang súng đến nhà B, A thấy ân hận về hành vi của mình nên từ bỏ hẳn ý định giết B, vứt súng xuống sông và quay về. Như vậy, theo quy định của Luật Hình sự Việt Nam, A được miễn trách nhiệm hình sự về tội giết người (Điều 123 BLHS); nhưng hành vi của A đã thoả mãn những dấu hiệu của tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng (Điều 304 BLHS) nên A vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC