[Tuyển sinh 2018] Đại Học liệu có phải thiên đường?

Đại Học vốn luôn là ước mơ của rất nhiều bạn học sinh cuối cấp. Dường như cứ mỗi năm vào độ tháng tư, tháng năm - hình ảnh các em học sinh miệt mài "cày" sách vở tại lớp học lại là hình ảnh quen thuộc. Nhưng liệu Đại Học có phải là "thiên đường" hay không? Hay Đại học là con đường ngắn nhất để thành công? Hãy cùng Thế giới Luật tìm hiểu qua bài viết sau đây:

Đại học - Lời hứa hẹn về một "thiên đường" trước mặt

Em A. hiện đang là một học sinh lớp 12 tại một trường THPT trên địa bàn TP.HCM. Khi được hỏi về lịch học hiện nay - em luôn than thở rằng phải dậy từ lúc 4h sáng để học bài trước khi tới lớp và lịch học của em luôn kéo dài cho đến khi đồng hồ điểm 0h sáng. Vì theo khối D nên em hiện chỉ tập trung vào tổ hợp môn "Toán - Văn - Anh" để thi vào ngành Luật - ngành em đã mong muốn từ lâu. Em cũng kể rằng giáo viên khi tạo động lực cho các em chuyên tâm học tập thì luôn hứa hẹn rằng lên Đại Học sẽ không còn phải lo nghĩ nhiều, thời gian học linh động và lại còn được thỏa thích "ăn chơi" bất cứ lúc nào chứ không còn phải tập trung học thuộc các tác phẩm, công thức và cả "mẹo" như hiện nay. 

Hầu hết các em học sinh cuối cấp chúng tôi từng tiếp xúc qua đều có một niềm tin mãnh liệt về việc lên Đại Học sẽ là một "bước đệm" mới cho bản thân. Không khó để nhận ra rằng áp lực học căng thẳng và đề thi thay đổi cả về "chất" lẫn "lượng" liên tục theo hướng khó dần như hiện nay đã khiến các em mong mỏi có một lối thoát cho chính mình. Đại Học vì thế đã giống như một niềm tin được dựng xây vững chắc bằng những lời hứa hẹn rằng sẽ thay đổi hẳn cuộc đời của một con người - trở thành sinh viên là sau này sẽ có tương lai, bớt đi những mối lo và không còn áp lực thêm với những kỳ thi.

Lên Đại Học là sẽ không còn những mối lo? (Ảnh minh họa)
 

Nhưng sự thật có phải luôn như "mơ"?

Rời xa ngôi trường THPT của em A. Chúng tôi đến với những ngôi trường Đại Học trên địa bàn thành phố - nơi các sinh viên vẫn ngày đêm miệt mài trên giảng đường và là nơi các em học sinh cuối cấp đang phấn đấu để được trúng tuyển. Xung quanh đó là những quán café, những cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 và các hàng quán vẫn tấp nập người ra vào. Không khó để nhận ra những khuôn mặt bơ phờ, mệt mỏi ẩn phía sau lớp khẩu trang. Phần đông trong số đó là các sinh viên vừa kết thúc ca học lúc sáng sớm - nhiều em trong số đó thức "cày" game từ tận tối hôm qua.

Sinh viên ăn nhậu ở khu làng Đại Học Thủ Đức (Ảnh minh họa)

Tiếp cận một sinh viên nam vừa bước vào quán café - chúng tôi chào hỏi đôi điều và biết được em tên D, là sinh viên năm nhất của một trường Đại Học nổi tiếng trên địa bàn thành phố. D. hiện đang học chuyên ngành Luật Kinh Tế sau khi trúng tuyển với 23 điểm trong kỳ thi tuyển sinh Đại Học năm 2017. Nhưng khi lên Đại Học thì D. phát hiện có quá nhiều mối lo chứ không chỉ riêng việc học.

Là con cả của một gia đình vốn theo nghề giáo, em từ nhỏ đã được ba mẹ "rèn" sẵn việc học và lúc nào cũng phải trong tình trạng "tay cầm bút - tay cầm vở" chứ không được ngơi nghỉ. Và điều gì đến cũng đến, D. trong lần đầu xa gia đình đã ngay lập tức bị "Shock văn hóa" vì Đại Học quá khác biệt so với thời phổ thông. Em tâm sự rằng không chỉ học hành mà còn phải lo tự lập một mình, tự quản lý chi tiêu cũng như đồ đạc. Đôi lần việc này làm em căng thẳng muốn nghỉ học để về quê nhưng vì nghĩ đến ba mẹ, D. đã suy nghĩ và ở lại để tiếp tục con đường học vấn.

"Đại học" chưa bao giờ là con đường duy nhất để vào đời!

Ở Việt Nam, có thể điểm mặt 5 “anh tài” tỷ phú không học Đại học là ông Đoàn Nguyên Đức (chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai), ông Lê Phước Vũ (chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen), ông Dương Ngọc Minh (chủ tịch Thủy sản Hùng Vương), bà Chu Thị Bình - Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc MPC và bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc công ty Quốc Cường Gia Lai (top 15 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2012).


Ông Đoàn Nguyên Đức - thành công rực rỡ dù không cần đến bằng Đại Học (Ảnh minh họa).
 
Tất nhiên việc kể tên những tấm gương làm giàu ở trên không phải để khuyến khích bạn rớt Đại học mà chỉ để chỉ ra rằng bạn vẫn hoàn toàn có thể thành công bằng việc đi những con đường khác. Những khóa học ngắn hạn và dài hạn luôn luôn được mở ra liên tục cho những người muốn chuyên sâu trong các lĩnh vực nhất định mà không cần đến Đại Học. Ngay cả ở nước ngoài, các sinh viên cũng thường được định hướng đi học nghề rồi đi làm để qua đó nâng cao kiến thức nhờ các trải nghiệm thực tiễn. 

Với nền công nghệ 4.0 - rất nhiều người đã thành công nhờ việc khởi nghiệp trong các lĩnh vực như kinh doanh, nghệ thuật, giải trí. Trừ một số ngành nghề đặc thù như Luật Sư, Kỹ sư,... thì phải được qua đào tạo chuyên sâu, còn những ngành nghề như kinh doanh, tiếp thị, viết lách thì các chuyên gia vẫn khuyến khích bạn hãy đi học những khóa học ngắn hạn của các tổ chức nổi tiếng trên thế giới hoặc chọn học trực tuyến tại EdX hoặc Coursera. Đây là những nền tảng quy tụ các chuyên gia hàng đầu thế giới và chắc chắn sẽ giúp bạn tiến đi rất xa.

Lời kết : 

Đại học chưa bao giờ là con đường duy nhất để thành công. Cũng không phải là con đường duy nhất để vào đời. Đại Học là một nơi mà bạn sẽ gửi gắm vào đó bốn năm thanh xuân để có thể phát triển cuộc sống cũng như tìm thêm những kinh nghiệm cho bản thân. Khi là một sinh viên Đại Học, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm cho chính mọi thứ diễn ra trong cuộc sống và cả bản thân mình chứ không thể tìm kiếm một "thiên đường" như nhiều người vẫn nghĩ.

Và các em cuối cấp, cho dù có thi rớt Đại Học hay vào phải một ngôi trường không mong muốn. Hãy luôn nhớ, cuộc đời không chỉ nằm gọn trong chiếc bằng cử nhân!
Thegioiluat.

 





 

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC