Ươm mầm khởi nghiệp sẽ trở thành mục tiêu của các trường ĐH

Kết luận phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo và Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị sớm đưa vào chương trình giảng dạy của các trường vấn đề khởi nghiệp một cách sâu sắc và thực tế hơn. Ươm mầm khởi nghiệp là một mục tiêu của đại học.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị sớm đưa vào chương trình giảng dạy của các trường vấn đề khởi nghiệp một cách sâu sắc và thực tế hơn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại phiên họp kéo dài gần bốn giờ đồng hồ, các đại biểu đã tập trung vào các vấn đề chính yếu. Nổi bật là các vấn đề liên quan đến đội ngũ giáo viên, chương trình học và tự chủ Đại Học. Đồng thời có nhiều ý kiến liên quan đến việc xây dựng công dân toàn cầu, Thủ tướng qua đó cũng khẳng định rằng công dân toàn cầu nhưng phải mang bản sắc văn hóa Việt Nam và hiểu biết lịch sử Việt Nam. Dù đất nước có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng không chạy theo xã hội thị trường mà quên đi cái cội nguồn của dân tộc.

Thủ tướng cũng bày tỏ sự vui mừng khi thấy thành quả của giáo dục Việt Nam trong việc xây dựng một môi trường hiếu học. Đặc biệt là trong thi cử quốc tế - Học sinh Việt Nam đạt rất nhiều thành tích cao và thể hiện được sự thông minh, chịu khó trước sự quan sát của bạn bè quốc tế. Thủ tướng hy vọng rằng đây sẽ nguồn nhân lực tốt phục vụ cho sự phát triển của đất nước, của quốc gia.

Nhiều ý kiến phát biểu của Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng, nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc và một số đại biểu khác cũng đề cập đến việc thúc đẩy, vận dụng công nghệ mới trong giảng dạy, học tập. Các ý kiến cũng lưu ý đếnn khái niệm "xóa mù công nghệ". Thủ tướng cho rằng, điều này rất cần cho việc xây dựng Chính phủ điện tử, công dân điện tử, thành phố thông minh.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhất trí với ý kiến của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan về tinh thần học tập là suốt đời chứ không phải chỉ gói gọn trong một tấm bằng Giáo Sư - Thủ tướng cho rằng chúng ta cần đổi mới phương pháp dạy và học. Nội dung học tập tuy quan trọng nhưng quan trọng nhất vẫn là phương pháp và kỹ năng học tập, xử lý thông tin.

Không hạ chất lượng tiêu chí xét duyệt giáo sư, phó giáo sư

Đề cập đến các nội dung đã nêu đầu phiên họp, Thủ tướng cho biết việc phát triển đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định và được các đại biểu thảo luận đầu tiên. Các ý kiến đều cho rằng nên quy hoạch lại cơ sở các trường sư phạm, nâng cao chất lượng đào tạo cũng như đầu vào. Đồng thời chính phủ nên có biện pháp nâng cao chính sách, chế độ cho giáo viên cũng như đổi mới phương pháp giảng dạy.

Một vấn đề quan trọng như khởi nghiệp cũng được Thủ tướng đề nghị đưa vào chương trình giảng dạy của các trường một cách sâu sắc và thực tế hơn. Ươm mầm khởi nghiệp giờ đây chính là một mục tiêu của trường đại học.

Về xét phong hàm Giáo sư - Phó giáo sư, Thủ tướng cũng nhất trí với các ý kiến đại biểu rằng quy trình và tiêu chí xét duyệt giờ đây cần phải chặt chẽ hơn. Nhiều ý kiến cũng đề nghị nên nâng tiêu chí và tăng cường sự công khai, minh bạch để có thể hội nhập quốc tế trong việc xét phong hàm Giáo sư - Phó giáo sư

Thủ tướng cũng lưu ý rằng việc tự chủ giáo dục Đại Học nên được làm chặt chẽ và tốt hơn để tránh gây rối loạn. Tuy tình hình thực tế cho thấy đang triển khai rất tốt nhưng cũng không nên chủ quan.

Thủ tướng và các thành viên Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo và Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đồng thời Bộ GD&ĐT cũng được Thủ tướng giao cho việc tổng hợp, nghiên cứu đề xuất để cách hiểu và cách chỉ đạo cùng thống nhất với nhau. Cùng phát triển cách tiếp cận mới trong vấn đề tự chủ Đại Học sao cho phù hợp với cách làm ở Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ rằng tự chủ tài chính không có nghĩa là nhà nước sẽ ngưng đầu tư cho các trường Đại Học.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GD&ĐT thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc Hội về lộ trình thực hiện đổi mới trong giáo dục phổ thông. Đặc biệt là bộ sách giáo khoa nên được biên soạn đầy đủ và phù hợp với chương trình mới cũng như bảo đảm yêu cầu giảm tải, khoa học, thiết thực. Ông cũng đề nghị Bộ GD&ĐT nên khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong tháng 6/2018.

Thegioiluat.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC