VỤ VINASUN DÁN KHẨU HIỆU PHẢN ĐỐI UBER, GRAB – MỘT BÀI HỌC THỰC TẾ CHO SINH VIÊN LUẬT

Hầu hết tất cả các sinh viên đều cảm thấy việc học Luật truyền thống qua các quyển giáo trình là khô khan, khá nhàm chán. Nhưng nếu bạn học Luật qua các sự kiện “hot” xảy ra hằng ngày và xem nó như là một minh họa cho những kiến thức mà bạn đã học trên lớp, bạn sẽ cảm thấy việc học luật hết sức thú vị vì bạn có góc nhìn đa chiều với các sự việc xảy ra xung quanh mình và hơn hết là bạn sẽ nhớ các điều luật nhanh và lâu hơn. Lần này Thế giới Luật sẽ giúp các bạn học Luật qua một vụ việc đang “hot” mấy ngày này “VỤ VINASUN DÁN KHẨU HIỆU PHẢN ĐỐI UBER, GRAB”

Trong mấy ngày vừa qua, Hãng Taxi Vinasun đã dán các decal với nội dung: “Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam” hay “Đề nghị dừng thí điểm Grap và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh” . Nhiều Luật sư cho rằng Vinasun đã vi phạm Luật cạnh tranh 2004. Vậy dựa vào cơ sở pháp lý nào để khẳng định điều đó ??? Chúng ta hãy liên hệ đến  Điều 39 và  Điều 43, Luật cạnh tranh 2004:
Điều 39. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong Luật này bao gồm:

1. Chỉ dẫn gây nhầm lẫn;

2. Xâm phạm bí mật kinh doanh;

3. Ép buộc trong kinh doanh;

4. Gièm pha doanh nghiệp khác;

5. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác;

6. Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh;

7. Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh;

8. Phân biệt đối xử của hiệp hội;

9. Bán hàng đa cấp bất chính;

10. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác theo tiêu chí xác định tại khoản 4 Điều 3 của Luật này do Chính phủ quy định.”

Điều 43. Gièm pha doanh nghiệp khác

Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.”

Vậy rõ ràng Vinasun đã vi phạm vào khoản 4 điều 39 và điều 43 của Luật Cạnh tranh vì nội dung trên decal ghi "Yêu cầu Grab và Uber phải chấp hành đúng pháp luật Việt Nam" khiến người tiêu dùng có thể gây hiểu nhầm hai thương hiệu kia chưa chấp hành tốt pháp luật Việt Nam, có thể gây mất uy tín đối với 2 doanh nghiệp Grab và Uber."

Vì thế Uber và Grab khiếu nại lên cơ quan chức năng nếu nhận thấy rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm, cạnh tranh không lành mạnh. Vậy cơ quan nào sẽ thụ lý vụ việc này ??? Chúng ta liên hệ đến Khoản 4, Điều 2 Nghị định 06/2006/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý cạnh tranh:

“4. Về cạnh tranh:

a) Thụ lý, tổ chức điều tra các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh để Hội đồng cạnh tranh xử lý theo quy định của pháp luật.

b) Tổ chức điều tra xử lý đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh khác theo quy định của pháp luật.

c) Thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ theo các quy định của pháp luật để trình Bộ trưởng Bộ Thương mại quyết định hoặc trình Thủ trướng Chính phủ quyết định.

d) Kiểm soát quá trình tập trung kinh tế.

đ) Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin về các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, các doanh nghiệp độc quyền, về quy tắc cạnh tranh trong hiệp hội, về các trường hợp miễn trừ.”

Vì vậy, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương sẽ giải quyết vụ này nếu có khiếu nại từ Uber và Grab


Ảnh Internet

Vấn đề cuối cùng là Vinasun sẽ bị phạt như thế nào? Chúng ta hãy đọc qua Khoản 1 và Khoản 2 Điều 117, Luật Cạnh tranh 2004:

“1. Đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh.”
Đó là những hình thức xử phạt mà Vinasun có thể phải chịu. Vậy nếu bị phạt tiền thì Vinasun phải bị phạt bao nhiêu tiền? Khoản 2, Điều 31, Nghị định 71/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh quy định rằng:

2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác;

b) Gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên”

Trong trường hợp của Vinasun, rõ ràng hãng taxi này đã sử dụng hình thức trực tiếp bằng miếng decan dán sau đuôi xe để hạ uy tín của Grab và Uber ở thành phố Hồ Chí Minh nên phải nộp phạt từ 50.000.000-100.000.000 đồng

Vậy là chỉ qua vụ “VINASUN DÁN KHẨU HIỆU PHẢN ĐỐI UBER, GRAB” các bạn đã học được các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, định nghĩa của hành vi gièm pha doanh nghiệp, cơ quan thụ lý khi xảy ra cạnh tranh không lành mạnh và hình thức xử phạt rồi. Môn Luật không khô khan như bạn nghĩ phải không nào!

Thegioiluat.vn

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC