ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CT-UBND

Hà Nam, ngày 27 tháng 3 năm 2017

 

CHỈ THỊ

V/V TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, NÂNG CAO HIỆU QUẢ KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG BỀN VỮNG CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN TẬP TRUNG

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương xã hội hóa công trình nước sạch nông thôn, công tác đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thác công trình nước sạch tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Một số địa bàn của tỉnh gặp khó khăn về nước sạch đã cơ bản được giải quyết. Nhiều công trình cấp nước tập trung được đầu tư xây mới hoàn thành, các công trình cũ xuống cấp được đầu tư cải tạo, nâng cấp đảm bảo cấp nước bền vững góp phần cải thiện đời sống của người dân nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại: toàn tỉnh vẫn còn 20 trạm cấp nước nhỏ lẻ xuống cấp, bị hư hỏng chưa được thanh lý; 15 trạm cấp nước do UBND xã quản lý vận hành kém hiệu quả chưa được cải tạo, nâng cấp hoặc chưa bàn giao cho doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, dẫn đến chất lượng nước không đảm bảo; một số công trình chưa được quyết toán hoặc hồ sơ quyết toán chưa đảm bảo yêu cầu; nguồn vốn đầu tư đa dạng từ nhiều chương trình và nhiều nguồn khác nhau nên việc theo dõi, hạch toán, tính khấu hao công trình chưa được quan tâm đúng mức; chưa tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất vào giá thành nước sạch; việc phê duyệt giá bán nước, cấp bù giá nước chưa được thực hiện.

Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 27/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị quản lý công trình thực hiện các nội dung sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện rà soát, đánh giá việc thực hiện giao công trình nước sạch tập trung, đề xuất giải pháp tăng cường quản lý nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh cụ thể:

- Các công trình đã giao cho doanh nghiệp quản lý đang hoạt động ổn định, có hiệu quả: tiếp tục kiểm tra nắm bắt tình hình hoạt động của các đơn vị, hỗ trợ kỹ thuật quản lý vận hành, kiểm tra chất lượng nước, đảm bảo cho các công trình cấp nước hoạt động hiệu quả, bền vững.

- Các công trình chưa được giao cho doanh nghiệp quản lý: Trợ giúp chủ đầu tư tổ chức xác định giá trị tài sản còn lại lập phương án mời gọi các doanh nghiệp tham gia vào quản lý khai thác.

- Các công trình đã được giao cho đối tượng quản lý nhưng hoạt động không hiệu quả, chất lượng nước không đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế: Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, tổ chức đánh giá xác định giá trị còn lại, đề xuất phương án xử lý, tham mưu UBND tỉnh xem xét thu hồi công trình giao cho đơn vị khác có đủ năng lực để đầu tư, quản lý, khai thác vận hành.

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp nhu cầu đầu tư, hỗ trợ vốn hàng năm cho các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung bằng hình thức xã hội hóa trong lĩnh vực cấp nước phù hợp quy hoạch được phê duyệt.

Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật vận hành, khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn. Định kỳ kiểm tra chất lượng nước tại các nhà máy, thông báo kết quả kiểm tra đến các đơn vị quản lý vận hành, cơ quan chủ quản, đề xuất biện pháp xử lý đối với những công trình cấp nước không đạt tiêu chuẩn.

Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan, hàng năm đánh giá lại hiện trạng, tình hình hoạt động các công trình cấp nước tập trung nông thôn; đồng thời kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị quản lý vận hành xây dựng quy trình vận hành phù hợp với công nghệ, thiết bị của từng nhà máy.

Rà soát, tổng hợp tình hình hoạt động của các công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh, phối hợp cung cấp số liệu cho ngành Tài nguyên và Môi trường.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, thực hiện về cơ chế ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư liên tịch số 37/2014/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 31/10/2014 về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn.

3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, tổ chức thực hiện, xác định giá trị còn lại thực tế của các công trình chưa được giao hoặc đã được giao nhưng hoạt động không hiệu quả.

Đề xuất phương án phê duyệt điều chỉnh giá bán nước đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành. Căn cứ tình hình thực tế cân đối ngân sách địa phương quyết định cấp bù từ nguồn Ngân sách địa phương hoặc nguồn Chương trình mục tiêu (nếu có) trong trường hợp giá bán nước sạch nông thôn do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thấp hơn giá thành được tính đúng, tính đủ theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cấp nước.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường: Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các đơn vị quản lý các công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Rà soát, tổng hợp tình hình khai thác, sử dụng nguồn nước, các nguồn thải vào nguồn nước trên địa bàn; lập danh mục các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, đề xuất phương án xử lý;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn các các đơn vị quản lý công trình cấp nước thực hiện các chính sách ưu đãi về đất, tiền thuê đất (đối với các đơn vị có nhu cầu).

5. Sở Y tế: Tổ chức và chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng thực hiện chức năng, thẩm quyền kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước của các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn tại Thông tư số 50/2015/TT-BYT ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế về quy định việc kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nước sạch nông thôn trên địa bàn.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quản lý công trình trên địa bàn bảo vệ nguồn nước và các công trình cấp nước;

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, tổ chức quản lý công trình trên địa bàn tổng hợp các trạm cấp nước, quản lý vận hành kém hiệu quả chưa được cải tạo nâng cấp, đề xuất phương án bàn giao cho doanh nghiệp (hoặc) các đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý đầu tư nâng cấp;

Các công trình nhỏ lẻ bị hư hỏng, không còn hoạt động: tổ chức thanh lý tài sản, xoá tên khỏi danh sách các công trình cấp nước, đề xuất phương án cấp nước trên cơ sở quy hoạch.

7. Các đơn vị được giao quản lý vận hành công trình nước sạch tập trung: nâng cao ý thức trách nhiệm của đơn vị quản lý trong vận hành, khai thác, chủ động kiểm tra sửa chữa hư hỏng, duy tu bảo dưỡng thường xuyên định kỳ các công trình cấp nước tập trung nông thôn làm giảm chi phí vận hành, giảm tỷ lệ thất thoát nước, đảm bảo cấp nước: đủ nguồn, chất lượng ổn định đạt quy chuẩn theo quy định hiện hành.

8. Đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, các cơ quan đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền các tầng lớp nhân dân, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, sử dụng, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn theo phạm vi trách nhiệm của mình; vận động, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng sử dụng nước sạch nông thôn, bảo vệ nguồn nước, sử dụng tiết kiệm nước, bảo vệ công trình cấp nước và tạo điều kiện cho đơn vị quản lý vận hành, đơn vị thi công, xây dựng lắp đặt đường ống.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị quản lý vận hành thực hiện nghiêm túc các nội dung trên để phát huy hiệu quả đầu tư, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các Sở: NN&PTNT, YT, TN&MT, KH&ĐT,TC;
- Báo Hà Nam, Đài PTTH;
- Các Hội, đoàn thể tỉnh: PN, ND, CCB, ĐTN;
- VPUB: LĐVP(2).NN, VX, KT;
- Lưu VT, NN.
C-NN/2017

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Đông

 

THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 27/03/2017

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2017 tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung do tỉnh Hà Nam ban hành

Số hiệu 04/CT-UBND Ngày ban hành 27/03/2017
Ngày có hiệu lực 27/03/2017 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Tỉnh Hà Nam Tình trạng Đang có hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2017 tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung do tỉnh Hà Nam ban hành
Mục lục

Mục lục

Close