ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/KH-UBND

Hà Giang, ngày 11 tháng 01 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2017

Thực hiện văn bản số 8689/BNN-TY ngày 13/10/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2017.

Để triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh bệnh động vật theo đúng quy định của Luật thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; đồng thời để giảm thiểu thiệt hại trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thúc đẩy chăn nuôi phát triển ổn định, góp phần hoàn thành mục tiêu tỷ trọng chăn nuôi đạt 31,5% trong ngành nông nghiệp năm 2017. UBND tỉnh xây dựng kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2017, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Đảm bảo có sự chủ động trong triển khai các biện pháp để phòng, chống dịch, bệnh cho đàn vật nuôi; kịp thời kiểm soát và khống chế các ổ dịch bệnh nguy hiểm phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh... góp phần phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững, bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Công tác tổ chức triển khai thực hiện phải có sự chỉ đạo và phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và cả hệ thống chính trị; huy động được toàn dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

- Các biện pháp phòng, chống dịch trên vật nuôi phải tuân thủ theo quy định của Luật thú y, hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục thú y và UBND tỉnh.

- Tổ chức phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản kịp thời, phù hợp và hiệu quả, không để lãng phí các nguồn kinh phí đầu tư hỗ trợ; phải sử dụng các biện pháp “phòng là chính”, trong đó công tác tiêm phòng vắc xin và vệ sinh tiêu độc, khử trùng là biện pháp then chốt; khi có dich xảy ra phải khống chế kịp thời, hạn chế lây lan, thiệt hại cho người chăn nuôi.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Đối với công tác phòng dịch

1.1. Duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp để chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. Tổ chức lực lượng thường trực, giám sát chặt chẽ tình hình dịch trên địa bàn, nắm bắt và xử lý kịp thời, sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó khi có dịch xảy ra.

1.2. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở.

1.3. Tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cơ sở, nhằm phát hiện sớm, thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh và khống chế dịch trong diện hẹp, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

1.4. Tổ chức tập huấn cho đội ngũ thú y cơ sở. Đảm bảo 100% cán bộ thú y cơ sở phải được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ để tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh tại cơ sở.

1.5. Tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng vác xin định kỳ và tiêm phòng bổ sung, đảm bảo chất lượng và hiệu quả của công tác tiêm phòng, tỷ lệ tiêm phòng đối với Trâu, bò phải đạt 100% tổng đàn; Đối với lợn đạt 80% tổng đàn; Đối với đàn chó nuôi phải đạt 80% tổng đàn (riêng đối với vùng có ổ dịch dại tỷ lệ tiêm phòng phải đạt 100% tổng đàn chó nuôi); Đối với gia cầm: Tiêm phòng vác xin Cúm gia cầm tại những vùng ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh.

1.6. Quản lý chặt chẽ động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa bàn tỉnh; 100% gia súc, gia cầm nhập về chăn nuôi của các Chương trình, Dự án, Nghị quyết 209 phải được kiểm tra, cách ly theo dõi và tiêm phòng theo quy định.

1.7. Quy hoạch các cơ sở giết mổ tập trung tại trung tâm các huyện, thành phố theo đề án tỉnh đã phê duyệt; 100% các huyện phải quy hoạch địa điểm xây dựng cơ sở giết mổ tại trung tâm huyện; 50% số xã có hoạt động buôn bán giết mổ phải xây dựng được các điểm giết mổ tập trung tại địa bàn xã; 100% sản phẩm động vật tiêu thụ trên thị trường được kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.

1.8. Tổ chức thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng trên địa bàn. 100% các ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao được tiêu độc định kỳ; phát động triển khai thực hiện tháng hành động vệ sinh tiêu độc khử trùng 2-3 đợt/năm, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh phát sinh.

2. Đối với công tác chống dịch

Khi có dịch xảy ra các huyện, thành phố phải thực hiện khẩn trương đồng bộ, quyết liệt các biện pháp chống dịch theo quy định) nhằm đảm bảo thực hiện tốt các nội dung sau:

- Triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp chống dịch theo quy định đảm bảo kịp thời khống chế địch bệnh, không để lây lan ra diện rộng.

- Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để chống dịch tại vùng khống chế và vùng đệm.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định.

- Cấp kinh phí kịp thời, đảm bảo có đủ kinh phí để phục vụ cho công tác chống dịch trên địa bàn.

- Thực hiện công bố dịch và công bố hết dịch theo quy định.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

1. Giải pháp về phòng dịch

1.1. Về chỉ đạo, điều hành

Kiện toàn Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch động vật các cấp; Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên BCĐ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện và xác định vai trò của người đứng đầu của các đơn vị, địa phương trong việc lãnh chỉ đạo thực hiện công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh; định kỳ, đột xuất tổ chức họp đánh giá, chỉ ra tồn tại, đề xuất các giải pháp, tham mưu các chủ trương chỉ đạo trong thời gian tiếp theo.

Các thôn bản phải thành lập tổ chỉ đạo của thôn để thực hiện công tác phòng, chống dịch, trong đó: Trưởng thôn, bản làm tổ trưởng, thú y thôn làm tổ phó và các chốt của thôn làm thành viên, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng tháng và đột xuất khi có dịch xảy ra với UBND và trưởng ban thú y xã.

1.2. Về Thông tin tuyên truyền, tập huấn

* Thông tin tuyên truyền:

- Tổ chức tuyên truyền thường xuyên về công tác phòng, chống dịch; phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về thú y, cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản; thông tin kịp thời, chính sách về tình hình dịch bệnh, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh động vật; những ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, sức khỏe, tính mạng của con người; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

- Tổ chức tuyên truyền chuyên đề, trọng điểm về tiêm phòng vắc xin, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh từ động vật sang người.

* Đào tạo, tập huấn: Các huyện, thành phố rà soát số lượng thú y xã, thôn bản chưa được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ (do hợp nhất các chức danh). Tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ cho đội ngũ này đảm bảo hoạt động có hiệu quả.

- Tổ chức tập huấn về công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y cho cán bộ thú y xã, phường, thị trấn có trình độ chuyên môn từ trung cấp chăn nuôi thú y trở lên để thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ tại các xã (giao cho Chi cục thú y tham mưu tổ chức thực hiện).

1.3. Giải pháp kỹ thuật

a) Về tiêm phòng vắc xin

- Phạm vi tiêm phòng: Thực hiện tại 195/195 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

- Đối tượng vật nuôi phải tiêm vắc xin phòng bệnh: trâu, bò, ngựa, dê, lợn, chó, gia cầm trong diện tiêm phòng.

- Tổng đàn vật nuôi dự kiến phải tiêm phòng trên địa bàn toàn tỉnh năm 2017 là: Trâu, bò: 273.350 con; lợn: 530.696 con; chó: 110,171 con (theo số liệu thống kê 1/10/2016 của Cục thống kê).

- Loại vác xin tiêm phòng:

* Đối với Trâu, Bò: Thực hiện tiêm phòng vác xin LMLM, Nhiệt thán, THT trâu bò cho đàn trâu, bò trên địa bàn, đảm bảo 100% đàn trâu, bò phải được tiêm phòng đối với 3 bệnh chủ yếu đó là: Bệnh LMLM, Nhiệt thán, THT trâu bò, ngoài ra thực hiện tiêm phòng bổ sung chống dịch khi có dịch bệnh xảy ra.

* Đối với Lợn: Thực hiện tiêm phòng 2 bệnh chính đó là: Bệnh THT lợn và bệnh Dịch tả lợn, tiêm phòng 100% cho tất cả các loại lợn trong diện tiêm; Tiêm phòng bệnh Tai xanh khi có dịch xảy ra theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

* Đối với Dê: Thực hiện tiêm phòng vắc xin LMLM, Nhiệt thán cho đàn dê tại các vùng ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao.

* Đối với Chó, Mèo: Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho 100% đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn.

* Đối với Gia cầm: Thực hiện tiêm phòng vác xin Newcastle và Tụ huyết trùng cho đàn gà ở mọi lứa tuổi; Tiêm phòng vác xin Cúm gia cầm tại các ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao tại các huyện Vị Xuyên và thành phố Hà Giang; thực hiện tiêm phòng chống dịch khi có dịch xảy ra theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

- Tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin tối thiểu phải đặt trên 80% so với tổng đàn (100% diện tiêm), thực hiện bổ sung tiêm phòng hàng tháng cho những gia súc chưa được tiêm phòng, đảm bảo 100% gia súc phải được tiêm phòng và có miễn dịch bảo hộ.

- Dụng cụ tiêm phòng (hộp bảo ôn, xi lanh, kim tiêm...) phải được trang bị đầy đủ khi triển khai tiêm phòng.

b) Về quản lý giám sát dịch bệnh

- Tăng cường hệ thống thông tin giám sát dịch bệnh đến tận cơ sở, từng thôn, bản, tổ dân phố... có địa chỉ để tiếp nhận những thông tin khai báo về tình hình dịch bệnh động vật từ người dân. Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng thôn, bản có trách nhiệm báo cáo kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn với chính quyền cơ sở và thú y cấp xã.

- Tổ chức thường trực để tiếp nhận thông tin kịp thời về dịch bệnh động vật tại các Trạm Thú y và Chi cục Thú y tỉnh.

- Quản lý chặt chẽ đàn gia súc, gia cầm nhập vào địa bàn; 100% gia súc, gia cầm nhập về chăn nuôi của các Chương trình, Dự án, Nghị quyết 209 phải được kiểm tra, cách ly theo dõi và tiêm phòng theo quy định trước khi nhập đàn. Các huyện, thành phế phải có quy hoạch xây dựng khu cách ly kiểm dịch để nuôi cách ly theo dõi đối với gia súc, gia cầm làm giống trước khi nhập đàn địa phương, nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan qua con đường vận chuyển.

- Thực hiện giám sát chủ động bằng việc lấy mẫu xét nghiệm định kỳ sự lưu hành của các mầm bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng.

- Sau các đợt tiêm phòng định kỳ vắc xin LMLM, Tụ huyết trùng trâu bò, chủ động thời gian tổ chức các đợt lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng để xác định mức độ bản hộ của vắc xin phòng bệnh (Lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng vác xin LMLM giao cho Chi cục Thú y thực hiện; Lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng vác xin THT trâu bò các huyện chủ động lấy mẫu gửi về chi cục thú y để xét nghiệm).

- Khi phát hiện gia súc, gia cầm chết: Lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán địch bệnh, định týp vi rút gây bệnh, xác minh ổ dịch (nếu có), từ đó có các biện pháp phòng, chống hiệu quả.

c) Về vệ sinh tiêu độc khử trùng

- Công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường bằng hóa chất nhằm mục đích tiêu diệt và hạn chế mầm bệnh là nguyên nhân gây bệnh đang tồn tại trong môi trường góp phần khống chế, ngăn chặn các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh và lây lan trên địa bàn, đồng thời đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch vệ sinh tiêu độc trên địa bàn, tổ chức phát động và triển khai tháng hành động vệ sinh tiêu độc khử trùng ít nhất 2 lần/ năm, chỉ đạo các xã, phường thị trấn tổ chức thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên tại các hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi, khu vực giết mổ, chợ kinh doanh động vật, sản phẩm động vật tươi sống ít nhất mỗi tháng phải được phun tiêu độc, khử trùng 01 lần.

- Hóa chất sử dụng: Ngoài phần hóa chất tỉnh cấp, các huyện, thành phố chủ động sử dụng nguồn ngân sách đã được phân bổ để mua hóa chất tổ chức triển khai đảm bảo ngăn chặn và hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan trên địa bàn.

d) Về Kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y

* Kiểm dịch vận chuyển:

- Thực hiện kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn, đặc biệt đối với động vật làm giống. Duy trì hoạt động của Chốt kiểm dịch động vật Vĩnh Tuy để kiểm tra, kiểm soát động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh.

- Tăng cường hiệu quả hoạt động của các đội kiểm tra lưu động, để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của Pháp luật.

- Các huyện giáp biên tổ chức kiểm soát triệt để việc xuất, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn. Thành lập các Tổ kiểm soát cơ động đo lực lượng Biên phòng chủ trì tăng cường tuần tra kiểm soát tại các đường mòn lối mở dọc tuyến biên giới. Xử lý triệt để tình trạng xuất, nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới thẩm lậu vào địa bàn và gắn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nếu để xảy ra tình trạng nhập lậu động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh.

* Kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y:

- Trên cơ sở đề án của UBND tỉnh đã phê duyệt, các huyện, thành phố quy hoạch địa điểm xây dựng dự án, bố trí nguồn vốn (mời gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng) để xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại thị trấn trung tâm huyện, nhằm kiểm soát được dịch bệnh. Năm 2017 các huyện, thành phố phải quy hoạch xong địa điểm và lập dự án, báo cáo cụ thể tiến độ thực hiện với UBND tỉnh.

- Chỉ đạo UBND các xã triển khai quy hoạch xây dựng điểm giết mổ tập trung cho các hộ tham gia giết mổ tiêu thụ tại xã (theo quy định tại thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y). Giao cho UBND các xã có trách nhiệm bố trí địa điểm để xây dựng đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

đ). Kiểm soát định kỳ các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm

- Đối với cơ sở chăn nuôi động vật tập trung: Thực hiện kiểm tra kiểm soát định kỳ các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn nhằm quản lý giám sát trong quá trình nuôi, hướng dẫn các cơ sở thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, nuôi thủy sản đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.

- Đối với các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình: Giao cho UBND các xã có trách nhiệm quản lý giám sát và hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện công tác vệ sinh thú y trong chăn nuôi, định kỳ khử trùng tiêu độc đảm bảo vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường.

- Đối với các cơ sở giết mổ động vật tập trung và các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ: Phải được cơ quan chuyên ngành thú y cấp tỉnh thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y mới được phép hoạt động.

1.4. Công tác thanh tra, kiểm tra

Thực hiện thanh tra, kiểm tra các hoạt động đối với công tác thú y trên địa bàn, đảm bảo chấp hành đúng các quy định của pháp luật về thú y.

- Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất về các hoạt động công tác thú y trên địa bàn, để kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Thành lập các đội kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, huyện để kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm trong lưu thông động vật, sản phẩm động vật cũng như các vi phạm trong công tác phòng, chống dịch theo quy định của Luật Thú y.

2. Giải pháp về chống dịch

2.1. Công tác tuyên truyền

Khi có dịch xảy ra, UBND các huyện, thành phố giao cho các cơ quan truyền thông (báo, đài phát thanh, truyền hình) của địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh và các biện pháp phòng chống đến từng hộ gia đình và cộng đồng dân cư. Các đoàn thể quần chúng (nông dân, phụ nữ, mặt trận...) tham gia công tác tuyên truyền phổ biến thông tin về dịch bệnh và các biện pháp phòng chống đến từng hộ gia đình, hội viên trong xã, thôn bản để tổ chức thực hiện.

2.2. Thông tin cảnh báo dịch

- Cấp tỉnh: Khi có dịch xảy ra, Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm thông tin cảnh báo về tình hình dịch bệnh đang xảy ra trên địa bàn, xác định những vùng có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Tùy tốc độ lây lan của từng loại dịch bệnh, từ 2-7 ngày thông báo một lần, đến khi hết dịch.

- Cấp huyện: Thông tin báo cáo kịp thời về tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn về Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục thú y) để phối hợp chỉ đạo thực hiện xác định những xã, thôn bản có nguy cơ lây nhiễm cao để có biện pháp phòng chống kịp thời. Thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh đến các xã, thôn bản và các huyện liền kề để chủ động phòng tránh, cần phối hợp nhiều hình thức thông tin như: Ban hành thông báo gửi các xã, phát tin trên loa đài truyền thanh, Đài truyền hình huyện....; lập biển báo tại các chợ ở trung tâm huyện, trục đường giao thông chính đi vào vùng dịch (nếu vùng dịch có từ 2 xã trở lên).

- Cấp xã: Căn cứ thông báo cảnh báo dịch của cấp huyện và diễn biến dịch bênh trên địa bàn thông báo cho các thôn bản, người dân biết để cảnh giác và đối phó với nguy cơ lây lan dịch bệnh. Lập biển báo dịch tại các đầu mối giao thông chính đi vào vùng dịch, tại các xã. Thông báo dịch dán tại trụ sở xã, phường, thị trấn, các trụ sở thôn bản, chợ để mọi người biết và chủ động phòng tránh địch bệnh lây lan.

- Cấp thôn bản: Tổ chức họp dân thông báo tình hình dịch bệnh, nguy cơ lây lan và các biện pháp cần phải thực hiện để phòng chống dịch, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng, chống dịch.

2.3. Giải pháp về kỹ thuật

Khi phát hiện ổ dịch bệnh nguy hiểm xảy ra phải kịp thời bao vây, khống chế, dập tắt dịch ngay trong diện hẹp theo quy định của Luật thú y, hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục thú y và UBND tỉnh, cụ thể:

a) Khai báo dịch: Người chăn nuôi khi phát hiện gia súc, gia cầm mắc bệnh phải thực hiện nuôi cách ly đồng thời báo cáo ngay với chính quyền địa phương và cán bộ thú y sở tại để kiểm tra, xác minh và hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch

b) Xác minh chẩn đoán dịch bệnh: Khi nhận được thông tin ở cơ sở báo cáo về tình hình dịch bệnh, Trạm thú y huyện phải tiến hành xuống cơ sở kiểm tra, xác minh dịch bệnh và báo cáo lên Chi cục thú y tỉnh, cần thiết phải lấy mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh.

c) Các biện pháp xử lý ổ dịch: Cần phải triển khai khẩn trương, đồng bộ, nhanh gọn, triệt để các biện pháp xử lý ổ dịch theo quy định, đảm bảo khoanh vùng, khống chế không để dịch bệnh lây lan. Gồm:

- Thành lập hoặc kiện toàn Ban chỉ đạo chống dịch các cấp từ tỉnh đến cơ sở để chỉ đạo chống dịch.

- Thành lập các chốt chặn tạm thời trên các tuyến đường giao thông ra vào ổ dịch.

- Lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh để có giải pháp khống chế phù hợp.

- Thực hiện khoanh vùng ổ dịch, xác định vùng dịch, vùng uy hiếp để chỉ đạo chống dịch đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

- Cách ly điều trị gia súc mắc bệnh (đối với những bệnh điều trị được), đối với những bệnh không điều trị được phải tiến hành tiêu hủy ngay những gia súc mắc bệnh (dịch tả lợn, tai xanh, cúm gia cầm...) theo quy định.

- Triển khai khẩn trương việc tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch, đảm bảo 100% gia súc cảm nhiễm trong vùng dịch phải được tiêm phòng và có miễn dịch bảo hộ.

- Tổ chức triển khai thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng triệt để tại vùng dịch và các vùng lân cận, đảm bảo tiêu diệt mầm bệnh phát tán ngoài môi trường.

d) Thực hiện công bố dịch và công bố hết dịch theo quy định của Luật Thú y.

3. Nguồn kinh phí và cơ chế tài chính

3.1. Ngân sách Trung ương đảm bảo

- Chương trình khống chế: Hỗ trợ kinh phí mua vắc xin LMLM tiêm phòng cho đàn trâu, bò của huyện Vị Xuyên.

- Chương trình 30a: Hỗ trợ 100 % vắc xin LMLM, Nhiệt thán, THT trâu bò, Dịch tả lợn cho 6 huyện 30a (Riêng vắc xin tai xanh và cúm gia cầm hỗ trợ khi có dịch xảy ra).

3.2. Ngân sách tỉnh đảm bảo

- Kinh phí mua vắc xin LMLM cho 4 huyện vùng đệm (Bắc Quang, Quảng Bình, Bắc Mê và Thành phố Hà Giang).

- Kinh phí mua thuốc sát trùng; Lấy mẫu giám sát dịch bệnh LMLM, chẩn đoán xét nghiệm; bảo quản và vận chuyển vắc xin từ tỉnh đến huyện; Kinh phí thanh, kiểm tra công tác thú y trên địa bàn;

3.3. Ngân sách các huyện, thành phố đảm bảo

- Kinh phí mua vắc xin, hóa chất (ngoài phần Trung ương và tỉnh hỗ frợ).

- Kinh phí tuyên truyền phòng, chống bệnh Dại; kinh phí quản lý đàn chó nuôi.

- Kinh phí đào tạo nghề cho đội ngũ thú y thôn bản.

- Kinh phí mua bổ sung trang thiết bị, dụng cụ, vật tư phục vụ công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh...

- Kinh phí kiểm tra, giám sát dịch bệnh.

- Hỗ trợ kinh phí cho người trực tiếp tham gia công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn.

- Hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh gây ra hoặc do phải áp dụng biện pháp xử lý bắt buộc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chi phí xử lý.

4. Kinh phí thực hiện

4.1. Đối với công tác phòng dịch

Khái toán kinh phí năm 2017: 25.280.466.000 đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 11.629.851.000 đồng

- Ngân sách tỉnh: 5.027.000.000 đồng

- Ngân sách huyện, thành phố: 8.623.615.000 đồng

Phần ngân sách các huyện, thành phố: Chỉ khái toán phần kinh phí mua vắc xin (ngoài phần vắc xin được Trung ương và tỉnh hỗ trợ); Các chi phí khác để phục vụ công tác phòng dịch trên địa bàn, các huyện, thành phố phải chủ động bố trí nguồn kinh phí đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác tiêm phòng, phòng dịch gồm: Kinh phí quản lý đàn chó nuôi, kinh phí kiểm tra, giám sát dịch bệnh, tập huấn, kinh phí mua vắc xin, hóa chất, dụng cụ, vật tư, trang thiết bị bổ sung để phục vụ công tác tiêm phòng, phòng, chống dịch, trang bị bảo hộ cho cán bộ thú y khi thực hiện tiêm phòng tại cơ sở, đảm bảo phải được trang bị đầy đủ để phục vụ cho công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Riêng đối với vác xin tiêm phòng Cúm gia cầm. Khi có dịch xảy ra Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp vắc xin để tiêm phòng bao vây ổ dịch.

4.2. Đối với công tác chống dịch

Khi có dịch xảy ra trên địa bàn, các huyện, thành phố chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách huyện để đảm bảo cho công tác chống dịch. Trường hợp dịch xảy ra trên diện rộng, nhu cầu kinh phí thực hiện chống dịch lớn, ngân sách huyện không cần đối đủ nguồn để đảm bảo, huyện, thành phố báo cáo về tỉnh xem xét hỗ trợ.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan thường trực) có trách nhiệm:

- Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo hiệu quả.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật của các địa phương trên địa bàn tỉnh, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện tại cơ sở.

- Giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT làm đầu mối phối hợp UBND các huyện, thành phố và các ngành chức năng liên quan tổ chức, kiểm tra, hướng dẫn và triển khai thực hiện kế hoạch; Lập dự toán kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh để thực hiện kế hoạch này, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt để tổ chức thực hiện; báo cáo định kỳ, đột xuất về UBND tỉnh theo quy định

- Chỉ đạo Chi cục thú y thực hiện:

+ Kiểm tra, giám sát việc lập kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tại các huyện, thành phố.

+ Xây dựng kế hoạch tiêm phòng, cung ứng vắc xin, vật tư thú y, dụng cụ cho các địa phương kịp thời theo nhu cầu đăng ký của các huyện.

+ Lấy mẫu giám sát dịch bệnh, chẩn đoán, xác minh ổ dịch.

+ Kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa bàn tỉnh (đặc biệt là kiểm tra, kiểm soát đối với động vật làm giống phục vụ các chương trình, dự án, hỗ trợ phát triển chăn nuôi của tỉnh); thực hiện tốt công tác kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y đảm bảọ vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi cho phép lưu hành trên thị trường.

+ Phối hợp với cơ quan truyền thông tổ chức, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn.

+ Báo cáo định kỳ, đột xuất kết quả thực hiện phòng chống dịch; Tổ chức hội nghị sơ, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm triển khai có hiệu quả các biện pháp kỹ thuật phòng chống dịch bệnh động vật. Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Khi có dịch xảy ra: Tham mưu cho UBND tỉnh về các biện pháp chỉ đạo chống dịch; Kiểm tra, hướng dẫn và phối hợp với UBND các huyện, thành phố có dịch chỉ đạo triển khai các các biện pháp ngăn chặn khống chế dịch theo quy định; Xây dựng dự toán kinh phí chống dịch trình UBND tỉnh phê duyệt; Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin về diễn biến tình hình dịch bệnh, tiến độ thực hiện các biện pháp chống dịch...

- Chỉ đạo Trung tâm khuyến nông tỉnh: Phối hợp với Chi cục thú y, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo và giao trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ khuyến nông xã, thôn bản cùng với Trưởng ban thú y xã, phường thị trấn thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh trên địa bàn quản lý.

2. Sở Tài chính

- Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch, tham mưu trình UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện theo khả năng cân đối ngân sách.

- Hướng dẫn các huyện, thành phố chịu trách nhiệm bố trí kinh phí để thực hiện kế hoạch. Khi có dịch xảy ra kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí phòng chống dịch theo nhiệm vụ cần thiết phải đảm bảo.

3. Sở Công thương: Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn, đặc biệt là nhập từ tỉnh ngoài vào; Xử lý vi phạm về kinh doanh, buôn bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động theo quy định; Phối hợp trong công tác kiểm tra liên ngành, chốt chặn.

4. Sở Y tế: Giám sát, phát hiện, chia sẻ thông tin, tuyên truyền phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT trong phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT- BNNPTNT về hướng dẫn phối hợp phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường: chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương giám sát và xử lý môi trường tại các khu vực có dịch nguy hiểm và khu vực tiêu hủy gia súc, gia cầm bệnh; Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh.

6. Sở Khoa học và Công nghệ: Ưu tiên, bố trí các đề tài, dự án khoa học về phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện, thành phố để thực hiện các đề tài, dự án và tổ chức, triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn.

7. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh và chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức thông tin kịp thời, chính sách cho nhân dân về nguy cơ, tác hại, diễn biến dịch bệnh động vật và các văn bản quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh bố trí nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2017 theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT đảm bảo đủ nguồn lực để triển khai thực hiện.

9. Sở Lao động - TBXH: Có trách nhiệm tổ chức tập huấn đào tạo nghề cho đội ngũ thú y xã, thôn bản trên địa bàn toàn tỉnh.

10. Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng trong ngành tham gia tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản; cử cán bộ phối hợp trong hoạt động kiểm tra, chốt kiểm dịch liên nga2nh cũng như xử lý các trường hợp vi phạm.

11. Cục Hải quan, Biên phòng tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.

12. Các Tổ chức chính trị xã hội: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; chỉ đạo trong hệ thống từ tỉnh đến cơ sở vận động hội viên, đoàn viên tích cực thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trong gia đình và cộng đồng.

13. UBND các huyện, thành phố

- Kiện toàn và tăng cường hoạt động Ban chỉ đạo PCD bệnh động vật cấp huyện, phân công trách nhiệm và địa bàn cụ thể cho các thành viên BCĐ.

- Xây dựng kế hoạch chủ động phòng chống dịch trên địa bàn, phân khai rõ nguồn kinh phí (của huyện, xã và của người dân) để tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Nếu huyện nào để xảy ra dịch bệnh thì Bí thư, Chủ tịch huyện đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

- Phối hợp với Chi cục thú y chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện giám sát dịch bệnh tới thôn bản, hộ chăn nuôi, phát hiện sớm, kịp thời không để lây lan ra diện rộng; điều tra, thống kê các số liệu về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh; triển khai công tác tiêm phòng vắc xin, chống dịch; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; quy hoạch giết mổ tập trung; vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi...

- Chỉ đạo UBND các xã, phường quản lý chặt chẽ đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn; triển khai công tác quy hoạch chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường; tổ chức giám sát tình hình dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, phát hiện sớm các ổ dịch nhằm kịp thời bao vây, khống chế không để dịch lây lan; thực hiện giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm đến tận: thôn, bản, hộ chăn nuôi; thường xuyên vệ sinh, khử trùng môi trường đảm bảo an toàn dịch bệnh.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, ban quản lý các chợ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, buôn bán không đúng nơi quy định.

- Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương đặc biệt là công tác tiêm phòng vắc xin định kỳ và tiêm phòng bệnh Dại trong năm. Báo cáo kết quả triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn quản lý về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

- Khi có dịch xảy ra: Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo, tổ chức giao ban định kỳ; Thành lập bộ phận thường trực chỉ đạo chống dịch, chỉ đạo và huy động nhân lực, vật lực cho chống dịch, chủ động sử dụng nguồn ngân sách đã được tỉnh phân bổ để chi cho công tác chống dịch, song phải đảm bảo tính kịp thời, đúng quy định. Nếu nguồn kinh phí không đáp ứng đủ báo cáo đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ.

Căn cứ nội dung kế hoạch, yêu cầu UBND các huyện, thành phố; các ngành chức năng và các đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Cục thú y;
- T.Tr Tỉnh ủy;
- Ủy ban MTTQ và các đoàn thể;
- CT, PCT UBND tỉnh phụ trách;
- Các Sở, Ngành: NN và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và ĐT, Công thương, Y tế, Tài nguyên và MT, Thông tin và TT, LĐ-TBXH, Công an, Hải quan, Biên phòng, Báo Hà Giang, Đài PTTH tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- LĐVP (Đ/c Sang, Hùng);
- VNPTioffice;
- Lưu: VT, NNTNMT,KT

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Tiến

 

NHU CẦU VẮC XIN VÀ KINH PHÍ MUA VẮC XIN TIÊM PHÒNG GIA SÚC NĂM 2017
(Kèm theo Kế hoạch số: 16/KH-UBND, ngày 11/01/2017 của UBND tỉnh Hà Giang)

ĐVT: 1.000 đồng

TT

Tên huyện

Tổng đàn trâu, bò

Tổng đàn lợn

Tổng đàn chó

Vắc xin trung ương hỗ trợ

Vắc xin huyện mua

Tổng tiền vắc xin / năm

Ngân sách Trung ương hỗ trợ

Ngân sách tỉnh mua

Ngân sách huyện mua

LMLM trâu, bò

Nhiệt thán

THT trâu, bò

Dịch tả lợn

THT lợn

Dại chó

 

 

SL (Liều)

Đ.Giá

T.Tiền

SL (Liều)

Đ.Giá

T.Tiền

SL (Liều)

Đ.Giá

T.Tiền

SL (Liều)

Đ.Giá

T.Tiền

SL (Liều)

Đ.Giá

T.Tiền

SL (Liều)

Đ.Giá

T.Tiền

 

 

 

 

I

6 huyện 30a

1

Đồng Văn

21.332

22.119

11.428

42.664

16,695

712.275

21.332

8

170.656

42.664

6,1

260.250

35.390

4,2

148.638

35.390

4,2

148.638

9.142

11,0

100.562

186.582

1.291.820

 

249.200

2

Mèo Vạc

28.907

21.232

9.736

57.814

16,695

965.205

28.907

8

231.256

57.814

6,1

352.665

33.971

4,2

142.678

33.971

4,2

142.678

7.789

11,0

85.679

220.266

1.691.804

 

228.357

3

Yên Minh

33.974

49.028

8.361

67.948

16,695

1.134.392

33.974

8

271.792

67.948

6,1

414.483

78.445

4,2

329.469

78.445

4,2

329.469

6.689

11,0

73.579

333.449

2.150.136

 

403.048

4

Quản Bạ

20.142

33.177

4.084

40.284

16,695

672.541

20.142

8

161.136

40.284

6,1

245.732

53.083

4,2

222.949

53.083

4,2

222.949

3.267

11,0

35.937

210.143

1.302.358

 

258.886

5

H. Su Phì

27.799

75.040

9.688

55.598

16,695

928.209

27.799

8

222.392

55.598

6,1

339.148

120.064

4,2

504.269

120.064

4,2

504.269

7.750

11,0

85.250

386.873

1.994.017

 

589.519

6

Xín Mần

28.622

60.182

10.856

57.244

16,695

955.689

28.622

8

228.976

57.244

6,1

349.188

96.291

4,2

404.422

96.291

4,2

404.422

8.685

11,0

95.535

344.377

1.938.275

 

499.957

7

Vị Xuyên

37.779

 

 

75.558

16,695

1.261.441

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0

75.558

1.261.441

 

 

Tổng

160.776

260.778

54.153

397.110

16,695

6.629.751

160.776

8

1.286.208

321.552

6,1

1.961.467

417.244

4,2

1.752.425

417.244

4,2

1.752.425

43.322

11,0

476.542

1.757.248

11.629.851

 

2.228.967

II

Các huyện còn lại (Vắc xin do tỉnh, huyện mua)

1

Vị Xuyên

37.779

79.773

15.021

0

 

 

37.779

8

302.232

75.558

6,1

460.904

127.637

4,2

536.075

127.637

4,2

536.075

12.017

11,0

132.187

380.628

 

 

1.967.474

2

Bắc Mê

26.311

36.162

6.924

52.622

16,695

878.524

26.311

8

210.488

52.622

6,1

320.994

57.859

4,2

243.008

57.859

4,2

243.008

5.539

11,0

60.929

252.812

 

878.524

1.078.427

3

TP Hà Giang

2.899

13.587

3.363

5.798

16,695

96.798

2.899

8

23.192

5.798

6,1

35.368

21.739

4,2

91.304

21.739

4,2

91.304

2.690

11,0

29.590

60.663

 

96.798

270.757

4

Bắc Quang

22.744

85.515

20.851

45.488

16,695

759.422

22.744

8

181.952

45.488

6,1

277.477

136.824

4,2

574.661

136.824

4,2

574.661

16.681

11,0

183.491

404.049

 

759.422

1.792.241

5

Quang Bình

22.841

54.881

9.859

45.682

16,695

762.661

22.841

8

182.728

45.682

6,1

278.660

87.810

4,2

368.802

87.810

4,2

368.802

7.887

11,0

86.757

297.712

 

762.661

1.285.749

Tổng

112.574

269.918

56.018

149.590

16,695

2.497.405

112.574

8

900.592

225.148

6,1

1.373.403

431.869

4,2

1.813.850

431.869

4,2

1.813.850

44.814

11,0

492.954

1.395.864

0

2.497.405

6.394.648

Tổng cộng

273.350

530.696

110.171

546.700

16,695

9.127.157

273.350

8

2.186.800

546.700

6,1

3.334.870

849.113

4,2

3.566.275

849.113

4,2

3.566.275

88.136

11,0

969.496

3.153.112

11.629.851

2.497.405

8.623.615

Ghi chú: Nhu cầu vắc xin: 100% so với tổng đàn trâu bò. 80% với tổng đàn lợn, chó; giá vắc xin thời điềm đầu năm 2017 theo báo giá của nhà sản xuất

THEGIOILUAT.VN
Không xác định

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Kế hoạch 16/KH-UBND phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2017 do tỉnh Hà Giang ban hành

Tên tiếng Anh Kế hoạch 16/KH-UBND phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2017 do tỉnh Hà Giang ban hành
Số hiệu 16/KH-UBND Ngày ban hành 11/01/2017
Ngày có hiệu lực 11/01/2017 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Tỉnh Hà Giang Tình trạng Không xác định

Tóm tắt nội dung

Kế hoạch 16/KH-UBND phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2017 do tỉnh Hà Giang ban hành
Mục lục

Mục lục

Close