QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/2014/QH13

Hà Nội, ngày 23 tháng 06 năm 2014

 

LUẬT

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật bảo vệ môi trường.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; chính sách, biện pháp và nguồn lực để bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong bảo vệ môi trường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật.

2. Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật và các hình thái vật chất khác.

3. Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành.

4. Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.

5. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường là mức giới hạn của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, hàm lượng của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải, các yêu cầu kỹ thuật và quản lý được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản bắt buộc áp dụng để bảo vệ môi trường.

6. Tiêu chuẩn môi trường là mức giới hạn của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, hàm lượng của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải, các yêu cầu kỹ thuật và quản lý được các cơ quan nhà nước và các tổ chức công bố dưới dạng văn bản tự nguyện áp dụng để bảo vệ môi trường.

7. Sức khỏe môi trường là trạng thái của những yếu tố vật chất tạo thành môi trường có tác động đến sức khỏe và bệnh tật của con người.

8. Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật.

9. Suy thoái môi trường là sự suy giảm về chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật.

10. Sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng.

11. Chất gây ô nhiễm là các chất hóa học, các yếu tố vật lý và sinh học khi xuất hiện trong môi trường cao hơn ngưỡng cho phép làm cho môi trường bị ô nhiễm.

12. Chất thải là vật chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.

13. Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.

14. Công nghiệp môi trường là một ngành kinh tế cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

15. Quản lý chất thải là quá trình phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải.

16. Phế liệu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm đã bị loại bỏ từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác.

17. Sức chịu tải của môi trường là giới hạn chịu đựng của môi trường đối với các nhân tố tác động để môi trường có thể tự phục hồi.

18. Kiểm soát ô nhiễm là quá trình phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm.

19. Hồ sơ môi trườngtập hợp các tài liệu về môi trường, tổ chức và hoạt động bảo vệ môi trường của cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ theo quy định của pháp luật.

20. Quan trắc môi trường là quá trình theo dõi có hệ thống về thành phần môi trường, các yếu tố tác động lên môi trường nhằm cung cấp thông tin đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường và các tác động xấu đối với môi trường.

21. Quy hoạch bảo vệ môi trường là việc phân vùng môi trường để bảo tồn, phát triển và thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường gắn với hệ thống giải pháp bảo vệ môi trường trong sự liên quan chặt chẽ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo đảm phát triển bền vững.

22. Đánh giá môi trường chiến lược là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển để đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động bất lợi đến môi trường, làm nền tảng và được tích hợp trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.

23. Đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó.

24. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường bao gồm hệ thống thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải và quan trắc môi trường.

25. Khí nhà kính là các khí trong khí quyển gây ra sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.

26. Ứng phó với biến đổi khí hậu là các hoạt động của con người nhằm thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

27. Tín chỉ các-bon là sự chứng nhận hoặc giấy phép có thể giao dịch thương mại liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính.

28. An ninh môi trường là việc bảo đảm không có tác động lớn của môi trường đến sự ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế của quốc gia.

29. Thông tin môi trường là số liệu, dữ liệu về môi trường dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự.

Điều 4. Nguyên tắc bảo vệ môi trường

1. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.

2. Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quyền trẻ em, thúc đẩy giới và phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.

3. Bảo vệ môi trường phải dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm thiểu chất thải.

4. Bảo vệ môi trường quốc gia gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu; bảo vệ môi trường bảo đảm không phương hại chủ quyền, an ninh quốc gia.

5. Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

6. Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên và ưu tiên phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường.

7. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng thành phần môi trường, được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường.

8. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường

1. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường; kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để xây dựng kỷ cương và văn hóa bảo vệ môi trường.

3. Bảo tồn đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải.

4. Ưu tiên xử lý vấn đề môi trường bức xúc, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường nguồn nước; chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư; phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.

5. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; bố trí khoản chi riêng cho bảo vệ môi trường trong ngân sách với tỷ lệ tăng dần theo tăng trưởng chung; các nguồn kinh phí bảo vệ môi trường được quản lý thống nhất và ưu tiên sử dụng cho các lĩnh vực trọng điểm trong bảo vệ môi trường.

6. Ưu đãi, hỗ trợ về tài chính, đất đai cho hoạt động bảo vệ môi trường, cơ sở sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường.

7. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường.

8. Phát triển khoa học, công nghệ môi trường; ưu tiên nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường; áp dụng tiêu chuẩn môi trường đáp ứng yêu cầu tốt hơn về bảo vệ môi trường.

9. Gắn kết các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên với ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh môi trường.

10. Nhà nước ghi nhận, tôn vinh cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường.

11. Mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường; thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.

Điều 6. Những hoạt động bảo vệ môi trường được khuyến khích

1. Truyền thông, giáo dục và vận động mọi người tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.

2. Bảo vệ, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

3. Giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng và tái chế chất thải.

4. Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ô-dôn.

5. Đăng ký cơ sở, sản phẩm thân thiện với môi trường; sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường.

6. Nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, công nghệ thân thiện với môi trường.

7. Đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất thiết bị, dụng cụ bảo vệ môi trường; cung cấp dịch vụ bảo vệ môi trường; thực hiện kiểm toán môi trường; tín dụng xanh; đầu tư xanh.

8. Bảo tồn và phát triển nguồn gen bản địa; lai tạo, nhập nội các nguồn gen có giá trị kinh tế và có lợi cho môi trường.

9. Xây dựng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, khu dân cư thân thiện với môi trường.

10. Phát triển các hình thức tự quản và tổ chức hoạt động dịch vụ giữ gìn vệ sinh môi trường của cộng đồng dân cư.

11. Hình thành nếp sống, thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường, xóa bỏ hủ tục gây hại đến môi trường.

12. Đóng góp kiến thức, công sức, tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; thực hiện hợp tác công tư về bảo vệ môi trường.

Điều 7. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Phá hoại, khai thác trái phép nguồn tài nguyên thiên nhiên.

2. Khai thác nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp hủy diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật.

3. Khai thác, kinh doanh, tiêu thụ các loài thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

4. Vận chuyển, chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

5. Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí.

6. Đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật.

7. Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

8. Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

9. Nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức.

10. Nhập khẩu, quá cảnh động vật, thực vật chưa qua kiểm dịch; vi sinh vật ngoài danh mục cho phép.

11. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho con người, sinh vật và hệ sinh thái; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

12. Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên.

13. Xâm hại công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.

14. Hoạt động trái phép, sinh sống ở khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là khu vực cấm do mức độ đặc biệt nguy hiểm về môi trường đối với con người.

15. Che giấu hành vi hủy hoại môi trường, cản trở hoạt động bảo vệ môi trường, làm sai lệch thông tin dẫn đến gây hậu quả xấu đối với môi trường.

16. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái quy định về quản lý môi trường.

Chương II

QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Mục 1. QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 8. Nguyên tắc, cấp độ, kỳ quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Quy hoạch bảo vệ môi trường phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

a) Phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia bảo đảm phát triển bền vững;

b) Bảo đảm thống nhất với quy hoạch sử dụng đất; thống nhất giữa các nội dung cơ bản của quy hoạch bảo vệ môi trường;

c) Bảo đảm nguyên tắc bảo vệ môi trường quy định tại Điều 4 của Luật này.

2. Quy hoạch bảo vệ môi trường gồm 02 cấp độ là quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

3. Kỳ quy hoạch bảo vệ môi trường là 10 năm, tầm nhìn đến 20 năm.

Điều 9. Nội dung cơ bản của quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia gồm các nội dung cơ bản sau:

a) Đánh giá hiện trạng môi trường, quản lý môi trường, dự báo xu thế diễn biến môi trường và biến đổi khí hậu;

b) Phân vùng môi trường;

c) Bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường rừng;

d) Quản lý môi trường biển, hải đảo và lưu vực sông;

đ) Quản lý chất thải;

e) Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; hệ thống quan trắc môi trường;

g) Các bản đồ quy hoạch thể hiện nội dung quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản này;

h) Nguồn lực thực hiện quy hoạch;

i) Tổ chức thực hiện quy hoạch.

2. Nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh được thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương bằng một quy hoạch riêng hoặc lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 10. Trách nhiệm lập quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức xây dựng nội dung hoặc lập quy hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Điều 11. Tham vấn, thẩm định, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Tham vấn trong quá trình lập quy hoạch bảo vệ môi trường được quy định như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bằng văn bản và tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lấy ý kiến các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) bằng văn bản và tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

2. Thẩm định và phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường được quy định như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội đồng thẩm định liên ngành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh sau khi lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 12. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Quy hoạch bảo vệ môi trường phải được định kỳ xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Thời hạn rà soát định kỳ đối với quy hoạch bảo vệ môi trường là 05 năm kể từ ngày quy hoạch bảo vệ môi trường được phê duyệt.

2. Việc điều chỉnh quy hoạch bảo vệ môi trường được thực hiện khi có sự điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia, của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được thực hiện theo quy định tại các điều 8, 9, 10 và 11 của Luật này và pháp luật có liên quan.

Mục 2. ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC

Điều 13. Đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược

1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược gồm:

a) Chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế, vành đai kinh tế;

b) Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;

c) Chiến lược, quy hoạch phát triển khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghiệp;

d) Chiến lược, quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên quy mô từ 02 tỉnh trở lên;

đ) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh có tác động lớn đến môi trường;

e) Điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của đối tượng thuộc các điểm a, b, c, d và đ khoản này.

2. Chính phủ quy định danh mục đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

Điều 14. Thực hiện đánh giá môi trường chiến lược

1. Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật này có trách nhiệm lập hoặc thuê tổ chức tư vấn lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.

2. Đánh giá môi trường: chiến lược phải được thực hiện đồng thời với quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

3. Kết quả thực hiện đánh giá môi trường chiến lược phải được xem xét, tích hợp vào nội dung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

4. Trên cơ sở thực hiện đánh giá môi trường chiến lược, cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược gửi cơ quan có thẩm quyền để thẩm định.

Điều 15. Nội dung chính của báo cáo đánh giá môi trường chiến lược

1. Sự cần thiết, cơ sở pháp lý của nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

2. Phương pháp thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

3. Tóm tắt nội dung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

4. Môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội của vùng chịu sự tác động bởi chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

5. Đánh giá sự phù hợp của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch với quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường.

6. Đánh giá, dự báo xu hướng tích cực và tiêu cực của các vấn đề môi trường trong trường hợp thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

7. Đánh giá, dự báo xu hướng tác động của biến đổi khí hậu trong việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

8. Tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

9. Giải pháp duy trì xu hướng tích cực, phòng ngừa, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường trong quá trình thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

10. Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong quá trình thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và kiến nghị hướng xử lý.

Điều 16. Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược

1. Trách nhiệm tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được quy định như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định;

b) Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình và của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

2. Việc thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được tiến hành thông qua hội đồng thẩm định do thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược thành lập.

3. Cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược tổ chức điều tra, đánh giá thông tin trong báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; lấy ý kiến phản biện của cơ quan, tổ chức, chuyên gia có liên quan.

Điều 17. Tiếp thu ý kiến thẩm định và báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược

1. Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có trách nhiệm hoàn chỉnh báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và dự thảo văn bản chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của hội đồng thẩm định.

2. Cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược báo cáo bằng văn bản kết quả thẩm định cho cấp có thẩm quyền phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

3. Báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược là căn cứ để cấp có thẩm quyền phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

Mục 3. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

Điều 18. Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường

1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường gồm:

a) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

b) Dự án có sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử - văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng;

c) Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

2. Chính phủ quy định danh mục dự án quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.

Điều 19. Thực hiện đánh giá tác động môi trường

1. Chủ dự án thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này tự mình hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường.

2. Việc đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

3. Kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường thể hiện dưới hình thức báo cáo đánh giá tác động môi trường.

4. Chi phí lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc nguồn vốn đầu tư dự án do chủ dự án chịu trách nhiệm.

Điều 20. Lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Chủ dự án phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường trong các trường hợp sau:

a) Không triển khai dự án trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường;

b) Thay đổi địa điểm thực hiện dự án so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt;

c) Tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

2. Chính phủ quy định chi tiết điểm c khoản 1 Điều này.

Điều 21. Tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường

1. Tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường nhằm hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, hạn chế thấp nhất các tác động xấu đến môi trường và con người, bảo đảm sự phát triển bền vững của dự án.

2. Chủ dự án phải tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức, cộng đồng chịu tác động trực tiếp bởi dự án.

3. Các dự án không phải thực hiện tham vấn gồm:

a) Phù hợp với quy hoạch của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho giai đoạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng;

b) Thuộc danh mục bí mật nhà nước.

Điều 22. Nội dung chính của báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Xuất xứ của dự án, chủ dự án, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án; phương pháp đánh giá tác động môi trường.

2. Đánh giá việc lựa chọn công nghệ, hạng mục công trình và các hoạt động của dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

3. Đánh giá hiện trạng môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội nơi thực hiện dự án, vùng lân cận và thuyết minh sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án.

4. Đánh giá, dự báo các nguồn thải và tác động của dự án đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

5. Đánh giá, dự báo, xác định biện pháp quản lý rủi ro của dự án đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

6. Biện pháp xử lý chất thải.

7. Các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

8. Kết quả tham vấn.

9. Chương trình quản lý và giám sát môi trường.

10. Dự toán kinh phí xây dựng công trình bảo vệ môi trường và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường.

11. Phương án tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Điều 23. Thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án sau:

a) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

b) Dự án liên ngành, liên tỉnh thuộc đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 18 của Luật này, trừ dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh;

c) Dự án do Chính phủ giao thẩm định.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư của mình nhưng không thuộc đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.

3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư của mình và các dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư trên địa bàn không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Điều 24. Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan được giao thẩm định tổ chức việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thông qua hội đồng thẩm định hoặc thông qua việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định.

2. Thành viên hội đồng thẩm định và cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến của mình.

3. Trường hợp cần thiết, cơ quan thẩm định tổ chức khảo sát thực tế, lấy ý kiến phản biện của cơ quan, tổ chức và chuyên gia để thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

4. Trong thời gian thẩm định, trường hợp có yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ dự án để thực hiện.

Điều 25. Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được chỉnh sửa theo yêu cầu của cơ quan thẩm định, thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan thẩm định có trách nhiệm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; trường hợp không phê duyệt phải trả lời cho chủ dự án bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền thực hiện các việc sau:

a) Quyết định chủ trương đầu tư dự án đối với các đối tượng quy định tại Điều 18 của Luật này trong trường hợp pháp luật quy định dự án phải quyết định chủ trương đầu tư;

b) Cấp, điều chỉnh giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản đối với dự án thăm dò, khai thác khoáng sản;

c) Phê duyệt kế hoạch thăm dò, kế hoạch phát triển mỏ đối với dự án thăm dò, khai thác dầu khí;

d) Cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với dự án có hạng mục xây dựng công trình thuộc đối tượng phải có giấy phép xây dựng;

đ) Cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án không thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này.

Điều 26. Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt

1. Thực hiện các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

2. Trường hợp thay đổi quy mô, công suất, công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt nhưng chưa đến mức phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 của Luật này, chủ đầu tư dự án phải giải trình với cơ quan phê duyệt và chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Điều 27. Trách nhiệm của chủ đầu tư trước khi đưa dự án vào vận hành

1. Tổ chức thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

2. Phải báo cáo cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ vận hành dự án đối với dự án lớn, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường do Chính phủ quy định. Những dự án này chỉ được vận hành sau khi cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Điều 28. Trách nhiệm của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định và quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của chủ đầu tư dự án được quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật này, cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường phải tổ chức kiểm tra và cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án. Trường hợp phải phân tích các chỉ tiêu môi trường phức tạp thì thời gian cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

Mục 4. KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 29. Đối tượng phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường

1. Dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.

2. Phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 30. Nội dung kế hoạch bảo vệ môi trường

1. Địa điểm thực hiện.

2. Loại hình, công nghệ và quy mô sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

3. Nguyên liệu, nhiên liệu sử dụng.

4. Dự báo các loại chất thải phát sinh, tác động khác đến môi trường.

5. Biện pháp xử lý chất thải và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

6. Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Điều 31. Thời điểm đăng ký, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường

Chủ dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại Điều 29 của Luật này phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 32 của Luật này xem xét, xác nhận trước khi triển khai dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Điều 32. Trách nhiệm tổ chức thực hiện việc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường

1. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường của những dự án sau:

a) Dự án nằm trên địa bàn 02 huyện trở lên;

b) Dự án trên vùng biển có chất thải đưa vào địa bàn tỉnh xử lý;

c) Dự án có quy mô lớn và có nguy cơ tác động xấu tới môi trường trên địa bàn tỉnh theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, trừ dự án quy định tại khoản 1 Điều này; Ủy ban nhân dân cấp huyện có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường đối với dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình nằm trên địa bàn một xã.

3. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được kế hoạch bảo vệ môi trường, cơ quan có thẩm quyền quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Điều này phải xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường; trường hợp không xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 33. Trách nhiệm của chủ dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sau khi kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận

1. Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận.

2. Trường hợp xảy ra sự cố môi trường phải dừng hoạt động, thực hiện biện pháp khắc phục và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện dự án hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan có liên quan.

3. Hợp tác và cung cấp mọi thông tin có liên quan cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường kiểm tra, thanh tra.

4. Lập và đăng ký lại kế hoạch bảo vệ môi trường cho dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong các trường hợp sau:

a) Thay đổi địa điểm;

b) Không triển khai thực hiện trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận.

5. Trường hợp dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thay đổi tính chất hoặc quy mô đến mức thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thì chủ đầu tư dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và gửi cho cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Điều 34. Trách nhiệm của cơ quan xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường

1. Kiểm tra việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận.

2. Tiếp nhận và xử lý kiến nghị về bảo vệ môi trường của chủ dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tổ chức, cá nhân liên quan đến dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

3. Phối hợp với chủ đầu tư dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xử lý sự cố môi trường xảy ra trong quá trình thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Chương III

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

Điều 35. Bảo vệ môi trường trong điều tra, đánh giá, lập quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học

1. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học phải được điều tra, đánh giá thực trạng, khả năng tái sinh, giá trị kinh tế để làm căn cứ lập quy hoạch sử dụng hợp lý; xác định giới hạn cho phép khai thác, mức thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường, bồi hoàn đa dạng sinh học, bồi thường thiệt hại về môi trường, các biện pháp khác để bảo vệ tài nguyên và môi trường.

2. Việc điều tra, đánh giá và lập quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 36. Bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng

Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động khác tác động đến môi trường đất, nước, không khí và đa dạng sinh học liên quan đến rừng phải thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về đa dạng sinh học, về bảo vệ và phát triển rừng và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 37. Bảo vệ môi trường trong điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên

1. Việc điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên phải tuân thủ quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên phải có nội dung về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

3. Trong quá trình điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường; phải phục hồi môi trường theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 38. Bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân khi tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường như sau:

a) Thu gom và xử lý nước thải theo quy định của pháp luật;

b) Thu gom, xử lý chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải rắn;

c) Có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế việc phát tán bụi, khí thải độc hại và tác động xấu khác đến môi trường xung quanh;

d) Phải có kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường cho toàn bộ quá trình thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường trong quá trình thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản;

đ) Ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Khoáng sản có tính chất độc hại phải được lưu giữ, vận chuyển bằng thiết bị chuyên dụng, được che chắn tránh phát tán ra môi trường.

3. Việc sử dụng máy móc, thiết bị có tác động xấu đến môi trường, hóa chất độc hại trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

4. Việc thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến dầu khí, khoáng sản khác có chứa nguyên tố phóng xạ, chất độc hại, chất nổ phải thực hiện quy định của Luật này và pháp luật về an toàn hóa chất, an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan chỉ đạo việc thống kê nguồn thải, đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường của cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản; tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở này.

Chương IV

ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Điều 39. Quy định chung về ứng phó với biến đổi khí hậu

1. Mọi hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết hài hòa với ứng phó biến đổi khí hậu.

2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng, triển khai thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc phạm vi quản lý của mình.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp Chính phủ xây dựng, tổ chức thực hiện, hướng dẫn các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Điều 40. Lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

1. Nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu phải được thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy định tại Điều 13 của Luật này.

2. Việc tích hợp nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực phải dựa trên cơ sở đánh giá tác động qua lại giữa các hoạt động của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch với môi trường, biến đổi khí hậu và xây dựng hệ thống giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Điều 41. Quản lý phát thải khí nhà kính

1. Nội dung quản lý phát thải khí nhà kính gồm:

a) Xây dựng hệ thống quốc gia về kiểm kê khí nhà kính;

b) Thực hiện các hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội;

c) Quản bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng, bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái;

d) Kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ các quy định về kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;

đ) Hình thành và phát triển thị trường tín chỉ các-bon trong nước và tham gia thị trường tín chỉ các-bon thế giới;

e) Hợp tác quốc tế về giảm nhẹ khí nhà kính.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, ngành có liên quan tổ chức kiểm kê khí nhà kính, xây dựng báo cáo quốc gia về quản lý phát thải khí nhà kính phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 42. Quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn

1. Ưu tiên xây dựng, thực hiện chính sách, kế hoạch quản lý, giảm thiểu, loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

2. Cấm sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất và tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 43. Phát triển năng lượng tái tạo

1. Năng lượng tái tạo là năng lượng được khai thác từ nước, gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, sóng biển, nhiên liệu sinh học và các nguồn tài nguyên năng lượng có khả năng tái tạo khác.

2. Khuyến khích sản xuất, nhập khẩu, sử dụng máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông dùng năng lượng tái tạo.

Điều 44. Sản xuất và tiêu thụ thân thiện môi trường

1. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm tham gia sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.

2. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được chứng nhận nhãn sinh thái theo quy định của pháp luật.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông giới thiệu, quảng bá về sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.

Điều 45. Thu hồi năng lượng từ chất thải

1. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải.

2. Nhà nước có chính sách khuyến khích giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải.

Điều 46. Quyền và trách nhiệm của cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu

1. Cộng đồng có quyền được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về biến đổi khí hậu, trừ các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước.

2. Cộng đồng có trách nhiệm tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

3. Cơ quan quản lý về biến đổi khí hậu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Điều 47. Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu

1. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ về ứng phó với biến đổi khí hậu được ưu tiên gồm:

a) Phát triển ngành và liên ngành khoa học về quản lý, đánh giá, giám sát và dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, sức khỏe cộng đồng;

b) Hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ hiện đại trong giảm nhẹ khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường sức cạnh tranh của các ngành kinh tế, sản xuất trọng điểm, phát triển nền kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng xanh.

2. Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thực hiện hoặc tham gia hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Điều 48. Hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu

1. Nhà nước có chính sách hợp tác quốc tế thu hút đầu tư, hỗ trợ tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới nền kinh tế xanh.

2. Chính phủ quy định lộ trình, phương thức tham gia hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính toàn cầu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và cam kết tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Chương V

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Điều 49. Quy định chung về bảo vệ môi trường biển và hải đảo

1. Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh liên quan đến biển và hải đảo phải có nội dung về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Nguồn phát thải từ đất liền, hải đảo và các hoạt động trên biển phải được kiểm soát, ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên biển và hải đảo phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức cứu hộ, cứu nạn và tổ chức, cá nhân có liên quan khác.

4. Tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển và hải đảo phải chủ động ứng phó sự cố môi trường và có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân có liên quan khác trong ứng phó sự cố môi trường trên biển và hải đảo.

5. Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch khai thác nguồn lợi từ biển, hải đảo, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng ngập mặn, khu di sản tự nhiên và hải đảo phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch bảo vệ môi trường.

Điều 50. Kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường biển và hải đảo

1. Chất thải từ đất liền ra biển, phát sinh trên biển và hải đảo phải được thống kê, phân loại, đánh giá và có giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2. Dầu, mỡ, dung dịch khoan, nước dằn tàu, hóa chất và các chất độc hại khác được sử dụng trong các hoạt động trên biển và hải đảo sau khi sử dụng phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý theo quy định về quản lý chất thải.

3. Việc nhận chìm, đổ thải ở biển và hải đảo phải căn cứ vào đặc điểm, tính chất của loại chất thải và phải được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

4. Kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường biển và hải đảo phải tuân thủ các điều ước quốc tế về biển và hải đảo mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 51. Phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trên biển và hải đảo

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển và hải đảo có nguy cơ gây sự cố môi trường phải có kế hoạch, nguồn lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cảnh báo, thông báo kịp thời về sự cố môi trường trên biển và tổ chức ứng phó, khắc phục hậu quả.

Chương VI

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NƯỚC, ĐẤT VÀ KHÔNG KHÍ

Mục 1. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NƯỚC SÔNG

Điều 52. Quy định chung về bảo vệ môi trường nước sông

1. Bảo vệ môi trường nước sông là một trong những nội dung cơ bản của quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng nước sông.

2. Nguồn thải vào lưu vực sông phải được quản lý phù hợp với sức chịu tải của sông.

3. Chất lượng nước sông, trầm tích phải được theo dõi, đánh giá.

4. Bảo vệ môi trường lưu vực sông phải gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác và sử dụng nguồn nước sông.

5. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý chất thải trước khi xả thải vào lưu vực sông theo quy định của pháp luật.

Điều 53. Nội dung kiểm soát và xử ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông

1. Thống kê, đánh giá, giảm thiểu và xử chất thải đổ vào lưu vực sông.

2. Định kỳ quan trắc và đánh giá chất lượng nước sông và trầm tích.

3. Điều tra, đánh giá sức chịu tải của sông; công bố các đoạn sông, dòng sông không còn khả năng tiếp nhận chất thải; xác định hạn ngạch xả nước thải vào sông.

4. Xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường dòng sông, đoạn sông bị ô nhiễm.

5. Quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường nước, trầm tích sông xuyên biên giới và chia sẻ thông tin trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế.

6. Xây dựng và tổ chức thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông.

7. Công khai thông tin về môi trường nước và trầm tích của lưu vực sông cho các tổ chức quản lý, khai thác và sử dụng nước sông.

Điều 54. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với bảo vệ môi trường nước lưu vực sông nội tỉnh

1. Công khai thông tin các nguồn thải vào lưu vực sông.

2. Chỉ đạo, tổ chức các hoạt động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn thải vào lưu vực sông.

3. Tổ chức đánh giá sức chịu tải của sông; ban hành hạn ngạch xả nước thải vào sông; công bố thông tin về những đoạn sông không còn khả năng tiếp nhận chất thải.

4. Tổ chức đánh giá thiệt hại do ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông.

5. Chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông.

Điều 55. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với bảo vệ môi trường nước lưu vực sông

1. Đánh giá chất lượng môi trường nước, trầm tích các lưu vực sông liên tỉnh và xuyên biên giới.

2. Điều tra, đánh giá sức chịu tải, xác định hạn ngạch xả nước thải phù hợp với mục tiêu sử dụng nước và công bố thông tin.

3. Ban hành, hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật môi trường nước và trầm tích lưu vực sông.

4. Ban hành, hướng dẫn việc đánh giá sức chịu tải của lưu vực sông, hạn ngạch xả nước thải vào sông liên tỉnh, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường các dòng sông, đoạn sông bị ô nhiễm.

5. Tổ chức và chỉ đạo hoạt động bảo vệ môi trường lưu vực sông liên tỉnh.

6. Tổ chức đánh giá các nguồn thải gây ô nhiễm, mức độ thiệt hại và tổ chức xử lý ô nhiễm lưu vực sông liên tỉnh.

7. Tổng hợp thông tin về chất lượng môi trường nước, trầm tích các lưu vực sông, hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

8. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông liên tỉnh.

Mục 2. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CÁC NGUỒN NƯỚC KHÁC

Điều 56. Bảo vệ môi trường nguồn nước hồ, ao, kênh, mương, rạch

1. Nguồn nước hồ, ao, kênh, mương, rạch phải được điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng và bảo vệ để điều hòa nguồn nước.

2. Hồ, ao, kênh, mương, rạch trong đô thị, khu dân cư phải được quy hoạch để cải tạo, bảo vệ.

3. Tổ chức, cá nhân không được lấn chiếm, xây dựng trái phép công trình, nhà ở trên mặt nước hoặc trên bờ tiếp giáp mặt nước hồ, ao, kênh, mương, rạch; hạn chế tối đa việc san lấp hồ, ao trong đô thị, khu dân cư.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng và lập kế hoạch bảo vệ, điều hòa chế độ nước của hồ, ao, kênh, mương, rạch; lập và thực hiện kế hoạch cải tạo hoặc di dời các khu, cụm nhà ở, công trình trên hồ, ao, kênh, mương, rạch gây ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn dòng chảy, suy thoái hệ sinh thái đất ngập nước và làm mất mỹ quan đô thị.

Điều 57. Bảo vệ môi trường hồ chứa nước phục vụ mục đích thủy lợi, thủy điện

1. Việc xây dựng, quản lý và vận hành hồ chứa nước phục vụ mục đích thủy lợi, thủy điện phải gắn với bảo vệ môi trường.

2. Không được lấn chiếm diện tích, đổ chất thải rắn, đất, đá vào hồ; xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường vào hồ.

3. Cơ quan quản lý hồ chứa nước phục vụ mục đích thủy lợi, thủy điện có trách nhiệm quan trắc môi trường nước hồ định kỳ tối thiểu 03 tháng một lần.

Điều 58. Bảo vệ môi trường nước dưới đất

1. Chỉ được sử dụng các loại hóa chất trong danh mục cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thăm dò, khai thác nước dưới đất.

2. Có biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước dưới đất qua giếng khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất. Cơ sở khai thác nước dưới đất có trách nhiệm phục hồi môi trường khu vực thăm dò, khai thác. Các lỗ khoan thăm dò, lỗ khoan khai thác không còn sử dụng phải được trám lấp theo đúng quy trình kỹ thuật.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sử dụng hóa chất độc hại, chất phóng xạ phải có biện pháp bảo đảm không để rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại và chất thải phóng xạ vào nguồn nước dưới đất.

4. Kho chứa hóa chất, cơ sở xử lý, khu chôn lấp chất thải nguy hại phải được xây dựng bảo đảm an toàn kỹ thuật, có biện pháp ngăn cách hóa chất độc hại ngấm vào nguồn nước dưới đất theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm nước dưới đất phải có trách nhiệm xử lý ô nhiễm nước dưới đất.

Mục 3. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐẤT

Điều 59. Quy định chung về bảo vệ môi trường đất

1. Bảo vệ môi trường đất là một trong những nội dung cơ bản của quản lý tài nguyên đất.

2. Quy hoạch, kế hoạch, dự án và các hoạt động có sử dụng đất phải xem xét tác động đến môi trường đất và có giải pháp bảo vệ môi trường đất.

3. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quyền sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ môi trường đất.

4. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm môi trường đất có trách nhiệm xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất.

Điều 60. Quản lý chất lượng môi trường đất

1. Chất lượng môi trường đất phải được điều tra, đánh giá, phân loại, quản lý và công khai thông tin đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Việc phát thải chất thải vào môi trường đất không được vượt quá khả năng tiếp nhận của môi trường đất.

3. Vùng đất có nguy cơ suy thoái phải được khoanh vùng, theo dõi và giám sát.

4. Vùng đất bị suy thoái phải được cải tạo, phục hồi.

5. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tổ chức điều tra, đánh giá và công khai thông tin về chất lượng môi trường đất.

Điều 61. Kiểm soát ô nhiễm môi trường đất

1. Các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất phải được xác định, thống kê, đánh giá và kiểm soát.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tổ chức kiểm soát ô nhiễm môi trường đất.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thực hiện biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường đất tại cơ sở.

4. Vùng đất, bùn bị ô nhiễm dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ dùng trong chiến tranh, thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu và chất độc hại khác phải được điều tra, đánh giá, khoanh vùng và xử lý bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 4. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ

Điều 62. Quy định chung về bảo vệ môi trường không khí

1. Các nguồn phát thải khí vào môi trường phải được đánh giá và kiểm soát.

2. Tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát thải khí tác động xấu đến môi trường có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý bảo đảm chất lượng môi trường không khí theo quy định của pháp luật.

Điều 63. Quản lý chất lượng môi trường không khí xung quanh

Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm theo dõi, đánh giá chất lượng môi trường không khí xung quanh và công bố công khai thông tin; trường hợp môi trường không khí xung quanh bị ô nhiễm thì phải cảnh báo, xử lý kịp thời.

Điều 64. Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí

1. Nguồn phát thải khí phải được xác định về lưu lượng, tính chất và đặc điểm của khí thải.

2. Việc xem xét, phê duyệt dự án và hoạt động có phát thải khí phải căn cứ vào sức chịu tải của môi trường không khí, bảo đảm không có tác động xấu đến con người và môi trường.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn phát thải khí công nghiệp lớn phải đăng ký nguồn gây ô nhiễm, đo đạc, thống kê, kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về lưu lượng, tính chất, đặc điểm khí thải.

4. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn phát thải khí công nghiệp lưu lượng lớn phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục và được cơ quan quản nhà nước có thẩm quyền cấp phép xả thải.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương VII

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ

Điều 65. Bảo vệ môi trường khu kinh tế

1. Khu kinh tế phải có công trình hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Ban quản lý khu kinh tế phải có bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường.

3. Ban quản lý khu kinh tế phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tổ chức thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường; báo cáo về công tác bảo vệ môi trường trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.

Điều 66. Bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao

1. Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tổ chức kiểm tra hoạt động về bảo vệ môi trường; báo cáo về hoạt động bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật.

2. Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải có bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường.

3. Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Quy hoạch các khu chức năng, các loại hình hoạt động phải phù hợp với các hoạt động bảo vệ môi trường;

b) Đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và có hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục; có thiết bị đo lưu lượng nước thải;

c) Bố trí bộ phận chuyên môn phù hợp để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.

Điều 67. Bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung

1. Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp phải thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường sau:

a) Xây dựng phương án bảo vệ môi trường;

b) Đầu tư hệ thống thu gom, xử nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

c) Tổ chức quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật;

d) Bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường.

2. Ban quản lý khu kinh doanh, dịch vụ tập trung phải thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường sau:

a) Xây dựng phương án bảo vệ môi trường;

b) Đầu tư hệ thống thu gom nước thải, chất thải rắn đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

c) Bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:

a) Kiểm tra, thanh tra việc xây dựng và triển khai phương án bảo vệ môi trường tại cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung;

b) Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về công tác bảo vệ môi trường tại cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.

Điều 68. Bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau:

a) Thu gom, xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

b) Thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải rắn theo quy định của pháp luật;

c) Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải theo quy định của pháp luật; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động;

d) Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị đáp ứng khả năng phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường;

đ) Xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ môi trường.

2. Cơ sở sản xuất hoặc kho tàng thuộc các trường hợp sau phải có khoảng cách bảo đảm không có tác động xấu đối với khu dân cư:

a) Có chất dễ cháy, dễ nổ;

b) Có chất phóng xạ hoặc bức xạ mạnh;

c) Có chất độc hại đối với người và sinh vật;

d) Phát tán bụi, mùi, tiếng ồn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người;

đ) Gây ô nhiễm nguồn nước.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh lượng chất thải lớn, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường phải có bộ phận chuyên môn hoặc nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường; phải được xác nhận hệ thống quản lý môi trường theo quy định của Chính phủ.

4. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 69. Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y phải thực hiện quy định về bảo vệ môi trường tại khoản 1 và khoản 2 Điều 78 của Luật này.

2. Phân bón, sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi đã hết hạn sử dụng; dụng cụ, bao bì đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sau khi sử dụng phải được xử lý theo quy định về quản lý chất thải.

3. Khu chăn nuôi tập trung phải có phương án bảo vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu sau:

a) Bảo đảm vệ sinh môi trường đối với khu dân cư;

b) Thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải;

c) Chuồng, trại phải được vệ sinh định kỳ; bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh;

d) Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh.

Điều 70. Bảo vệ môi trường làng nghề

1. Làng nghề phải đáp ứng điều kiện về bảo vệ môi trường sau:

a) Có phương án bảo vệ môi trường làng nghề;

b) Có kết cấu hạ tầng bảo đảm thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

c) Có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường.

2. Cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề do Chính phủ quy định phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Xây dựng và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật.

3. Cơ sở sản xuất không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 68 của Luật này;

b) Tuân thủ kế hoạch di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã có làng nghề được quy định như sau:

a) Lập, triển khai thực hiện phương án bảo vệ môi trường cho làng nghề trên địa bàn;

b) Hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề;

c) Hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác bảo vệ môi trường làng nghề.

5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện có làng nghề được quy định như sau:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn;

b) Hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác bảo vệ môi trường làng nghề.

6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có làng nghề được quy định như sau:

a) Quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường;

b) Bố trí ngân sách cho các hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề;

c) Chỉ đạo, tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn;

d) Chỉ đạo xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải; khu tập kết, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại cho làng nghề;

đ) Quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề; có kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 71. Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc thú y thủy sản, hóa chất trong nuôi trồng thủy sản phải thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật có liên quan.

2. Không được sử dụng thuốc thú y thủy sản, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép trong nuôi trồng thủy sản.

3. Thuốc thú y thủy sản, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản đã hết hạn sử dụng; bao bì đựng thuốc thú y thủy sản, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản sau khi sử dụng; bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh trong ao nuôi thủy sản phải được thu gom, xử lý theo quy định về quản lý chất thải.

4. Khu nuôi trồng thủy sản tập trung phải phù hợp với quy hoạch và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường sau:

a) Chất thải phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật;

b) Phục hồi môi trường sau khi ngừng hoạt động nuôi trồng thủy sản;

c) Bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản; không được sử dụng hóa chất độc hại hoặc tích tụ độc hại.

5. Không xây dựng khu nuôi trồng thủy sản tập trung trên bãi bồi đang hình thành vùng cửa sông ven biển.

6. Không phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản.

Điều 72. Bảo vệ môi trường đối với bệnh viện và cơ sở y tế

1. Bệnh viện và cơ sở y tế phải thực hiện yêu cầu bảo vệ môi trường sau:

a) Thu gom, xử lý nước thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

b) Phân loại chất thải rắn y tế tại nguồn; thực hiện thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải rắn y tế bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

c) Có kế hoạch, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế gây ra;

d) Chất thải y tế phải được xử lý sơ bộ loại bỏ mầm bệnh có nguy cơ lây nhiễm trước khi chuyển về nơi lưu giữ, xử lý, tiêu hủy tập trung;

đ) Xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2. Cơ sở chiếu xạ, dụng cụ thiết bị y tế có sử dụng chất phóng xạ phải đáp ứng yêu cầu của pháp luật về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.

3. Chủ đầu tư bệnh viện, cơ sở y tế có trách nhiệm bố trí đủ kinh phí để xây dựng công trình vệ sinh, hệ thống thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

4. Người đứng đầu bệnh viện, cơ sở y tế có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và quy định pháp luật liên quan.

Điều 73. Bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng

1. Quy hoạch xây dựng phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

2. Trong thiết kế xây dựng và dự toán của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải tác động xấu đến môi trường phải có hạng mục công trình xử lý chất thải theo quy định của pháp luật.

3. Việc thi công công trình xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường sau:

a) Công trình xây dựng trong khu dân cư phải có biện pháp bảo đảm không phát tán bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

b) Việc vận chuyển vật liệu xây dựng phải được thực hiện bằng phương tiện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường;

c) Nước thải, chất thải rắn và các loại chất thải khác phải được thu gom, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Điều 74. Bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải

1. Quy hoạch giao thông phải tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường.

2. Phương tiện giao thông cơ giới phải được cơ quan đăng kiểm xác nhận đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường mới được đưa vào sử dụng.

3. Phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, chất thải phải được che chắn, không để rơi vãi gây ô nhiễm môi trường trong khi tham gia giao thông.

4. Tổ chức, cá nhân hoạt động giao thông vận tải hàng nguy hiểm phải bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện, năng lực về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

5. Việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu có nguy cơ gây sự cố môi trường phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng, bảo đảm không rò rỉ, phát tán ra môi trường;

b) Có giấy phép vận chuyển của cơ quan quản nhà nước có thẩm quyền;

c) Khi vận chuyển phải theo đúng tuyến đường và thời gian quy định trong giấy phép.

Điều 75. Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa

1. Máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất, hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

2. Cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất, hàng hóa sau:

a) Máy móc, thiết bị, phương tiện không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

b) Máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hóa chất, hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu;

d) Máy móc, thiết bị, phương tiện bị nhiễm chất phóng xạ, vi trùng gây bệnh, chất độc khác chưa được tẩy rửa hoặc không có khả năng làm sạch;

đ) Thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc không bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm;

e) Thuốc, nguyên liệu làm thuốc sử dụng cho người, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng hoặc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

3. Việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

Điều 76. Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu

1. Phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ quy định.

2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Có kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu bảo đảm điều kiện về bảo vệ môi trường;

b) Có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu, xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

3. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu có trách nhiệm sau:

a) Chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất;

b) Phải xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; không được cho, bán tạp chất đi kèm phế liệu;

c) Phải tái xuất phế liệu không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; trường hợp không tái xuất được thì phải xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải;

d) Thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định của Chính phủ.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau:

a) Kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phế liệu nhập khẩu;

b) Hằng năm, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tình hình nhập khẩu, sử dụng phế liệu và các vấn đề môi trường liên quan đến phế liệu nhập khẩu tại địa bàn.

Điều 77. Bảo vệ môi trường trong hoạt động lễ hội, du lịch

1. Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường sau:

a) Niêm yết quy định về bảo vệ môi trường tại khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch và hướng dẫn thực hiện;

b) Lắp đặt, bố trí đủ và hợp lý công trình vệ sinh, thiết bị thu gom chất thải;

c) Bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường.

2. Cá nhân đến khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú và lễ hội thực hiện các quy định sau:

a) Tuân thủ nội quy, hướng dẫn về bảo vệ môi trường của khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú;

b) Bỏ chất thải đúng nơi quy định;

c) Giữ gìn vệ sinh công cộng;

d) Không xâm hại cảnh quan di tích, các loài sinh vật tại khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú.

Điều 78. Bảo vệ môi trường đối với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, chuyển giao và xử lý hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y phải thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật có liên quan.

2. Hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y có độc tính cao, bền vững, lan truyền, tích tụ trong môi trường, tác động xấu tới môi trường và sức khỏe con người phải được đăng ký, kiểm kê, kiểm soát, quản lý thông tin, đánh giá, quản lý rủi ro và xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 79. Bảo vệ môi trường đối với cơ sở nghiên cứu, phòng thử nghiệm

1. Cơ sở nghiên cứu, phòng thử nghiệm phải thực hiện các yêu cầu bảo vệ môi trường sau:

a) Thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

b) Phân loại chất thải rắn tại nguồn; thu gom và xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn;

c) Xử lý, tiêu hủy mẫu, vật phẩm phân tích thí nghiệm, hóa chất bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

d) Có kế hoạch, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

2. Cơ sở nghiên cứu, phòng thử nghiệm có sử dụng chất phóng xạ phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân theo quy định của pháp luật.

3. Thủ trưởng cơ sở nghiên cứu, phòng thử nghiệm có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này và quy định của pháp luật có liên quan.

Chương VIII

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ, KHU DÂN CƯ

Điều 80. Yêu cầu bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư

1. Bảo vệ môi trường đô thị thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa, lịch sử và bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch.

2. Có kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường đồng bộ, phù hợp với quy hoạch đô thị, khu dân cư tập trung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Có thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, tập trung chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với khối lượng, chủng loại chất thải và đủ khả năng tiếp nhận chất thải đã được phân loại tại nguồn từ các hộ gia đình trong khu dân cư.

4. Bảo đảm yêu cầu về cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường; lắp đặt và bố trí công trình vệ sinh nơi công cộng.

5. Chủ đầu tư dự án khu dân cư tập trung, chung cư phải thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

6. Đối với khu dân cư phân tán phải có địa điểm, hệ thống thu gom, xử lý rác thải; có hệ thống cung cấp nước sạch và các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn.

Điều 81. Bảo vệ môi trường nơi công cộng

1. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; phân loại, chuyển rác thải vào thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải; không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng.

2. Tổ chức, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu du lịch, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác có trách nhiệm sau:

a) Bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý;

b) Bố trí công trình vệ sinh công cộng; phương tiện, thiết bị thu gom chất thải đáp ứng nhu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường;

c) Niêm yết quy định về giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.

Điều 82. Yêu cầu bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình

1. Giảm thiểu, phân loại tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đến đúng nơi quy định.

2. Giảm thiểu, xử lý và xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định.

3. Không được phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh.

4. Nộp đủ và đúng thời hạn phí bảo vệ môi trường; chi trả cho dịch vụ thu gom, xử lý chất thải theo quy định của pháp luật;

5. Tham gia hoạt động bảo vệ môi trường công cộng và tại khu dân cư.

6. Có công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn.

Điều 83. Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường

1. Nhà nước khuyến khích cộng đồng dân cư thành lập tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống.

2. Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường được thành lập và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, cộng đồng trách nhiệm, tuân theo quy định của pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Kiểm tra, đôn đốc hộ gia đình, cá nhân thực hiện quy định về giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường;

b) Tổ chức thu gom, tập kết và xử lý chất thải;

c) Giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu dân cư và nơi công cộng;

d) Xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước về bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho sức khỏe và môi trường;

đ) Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã quy định về tổ chức, hoạt động và tạo điều kiện để tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường hoạt động có hiệu quả.

Điều 84. Bảo vệ môi trường trong mai táng, hỏa táng

1. Khu mai táng, hỏa táng phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Phù hợp với quy hoạch;

b) Có vị trí, khoảng cách đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư;

c) Không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh.

2. Việc quàn, ướp, di chuyển, chôn cất thi thể, hài cốt phải bảo đảm yêu cầu về vệ sinh môi trường.

3. Việc mai táng người chết do dịch bệnh nguy hiểm thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.

4. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ mai táng phải chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, về vệ sinh phòng dịch.

5. Nhà nước khuyến khích việc hỏa táng, chôn cất trong khu nghĩa trang theo quy hoạch, xóa bỏ hủ tục gây ô nhiễm môi trường.

Chương IX

QUẢN LÝ CHẤT THẢI

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI

Điều 85. Yêu cầu về quản lý chất thải

1. Chất thải phải được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và tiêu hủy.

2. Chất thải thông thường có lẫn chất thải nguy hại vượt ngưỡng quy định mà không thể phân loại được thì phải quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải nguy hại.

3. Chính phủ quy định chi tiết về quản lý chất thải.

Điều 86. Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải

1. Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng phải được phân loại.

2. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ làm phát sinh chất thải có trách nhiệm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng.

Điều 87. Thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ

1. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

2. Người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển sản phẩm thải bỏ đến nơi quy định.

3. Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tổ chức việc thu gom sản phẩm thải bỏ.

4. Việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 88. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý chất thải

Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau:

1. Lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải trên địa bàn.

2. Đầu tư xây dựng, tổ chức vận hành công trình công cộng phục vụ quản lý chất thải trên địa bàn.

3. Ban hành, thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động quản lý chất thải theo quy định của pháp luật.

Điều 89. Trách nhiệm của chủ đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trong quản lý chất thải

1. Bố trí mặt bằng tập kết chất thải trong phạm vi quản lý.

2. Xây dựng và tổ chức vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Mục 2. QUẢN LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI

Điều 90. Lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép xử lý chất thải nguy hại

1. Chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải lập hồ sơ về chất thải nguy hại và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

2. Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện và có giấy phép mới được xử lý chất thải nguy hại.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định danh mục chất thải nguy hại và cấp phép xử lý chất thải nguy hại.

Điều 91. Phân loại, thu gom, lưu giữ trước khi xử lý chất thải nguy hại

1. Chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải tổ chức phân loại, thu gom, lưu giữ và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; trường hợp chủ nguồn thải chất thải nguy hại không có khả năng xử lý chất thải nguy hại đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường phải chuyển giao cho cơ sở có giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

2. Chất thải nguy hại phải được lưu giữ trong phương tiện, thiết bị chuyên dụng bảo đảm không tác động xấu đến con người và môi trường.

Điều 92. Vận chuyển chất thải nguy hại

1. Chất thải nguy hại phải được vận chuyển bằng phương tiện, thiết bị chuyên dụng phù hợp và được ghi trong giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

2. Chất thải nguy hại được vận chuyển sang nước khác phải tuân thủ các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 93. Điều kiện của cơ sở xử lý chất thải nguy hại

1. Địa điểm thuộc quy hoạch do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Có khoảng cách bảo đảm để không ảnh hưởng xấu đối với môi trường và con người.

3. Có công nghệ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng cho việc lưu giữ và xử lý chất thải nguy hại đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

4. Có công trình, biện pháp bảo vệ môi trường.

5. Có nhân sự quản lý được cấp chứng chỉ và nhân sự kỹ thuật có trình độ chuyên môn phù hợp.

6. Có quy trình vận hành an toàn công nghệ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng.

7. Có phương án bảo vệ môi trường.

8. Có kế hoạch phục hồi môi trường sau khi chấm dứt hoạt động.

9. Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt.

Điều 94. Nội dung quản lý chất thải nguy hại trong quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Đánh giá, dự báo nguồn phát thải nguy hại và lượng phát thải.

2. Khả năng thu gom, phân loại tại nguồn.

3. Khả năng tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng.

4. Vị trí, quy mô điểm thu gom, tái chế và xử lý.

5. Công nghệ xử lý chất thải nguy hại.

6. Nguồn lực thực hiện.

7. Tiến độ thực hiện.

8. Phân công trách nhiệm.

Mục 3. QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN THÔNG THƯỜNG

Điều 95. Trách nhiệm phân loại chất thải rắn thông thường

Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phát sinh chất thải rắn thông thường có trách nhiệm phân loại chất thải rắn thông thường tại nguồn để thuận lợi cho việc tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý.

Điều 96. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường

1. Chất thải rắn thông thường phải được thu gom, lưu giữ và vận chuyển đến nơi quy định bằng phương tiện, thiết bị chuyên dụng.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tổ chức thu gom, lưu giữ và vận chuyển chất thải rắn thông thường trên địa bàn quản lý.

Điều 97. Tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn thông thường

Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có phát sinh chất thải rắn thông thường có trách nhiệm tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn thông thường. Trường hợp không có khả năng tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn thông thường phải chuyển giao cho cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý.

Điều 98. Nội dung quản lý chất thải rắn thông thường trong quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Đánh giá, dự báo nguồn phát thải rắn thông thường và lượng phát thải.

2. Khả năng thu gom, phân loại tại nguồn.

3. Khả năng tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng.

4. Vị trí, quy mô điểm thu gom, tái chế và xử lý.

5. Công nghệ xử lý chất thải rắn thông thường.

6. Nguồn lực thực hiện.

7. Tiến độ thực hiện.

8. Phân công trách nhiệm.

Mục 4. QUẢN LÝ NƯỚC THẢI

Điều 99. Quy định chung về quản lý nước thải

1. Nước thải phải được thu gom, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2. Nước thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định về chất thải nguy hại.

Điều 100. Thu gom, xử lý nước thải

1. Đô thị, khu dân cư tập trung phải có hệ thống thu gom riêng nước mưa và nước thải.

2. Nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

3. Bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn; bùn thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải nguy hại.

Điều 101. Hệ thống xử nước thải

1. Đối tượng sau phải có hệ thống xử lý nước thải:

a) Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung;

b) Khu, cụm công nghiệp làng nghề;

c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không liên thông với hệ thống xử lý nước thải tập trung.

2. Hệ thống xử lý nước thải phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Có quy trình công nghệ phù hợp với loại hình nước thải cần xử lý;

b) Đủ công suất xử lý nước thải phù hợp với khối lượng nước thải phát sinh;

c) Xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

d) Cửa xả nước thải vào hệ thống tiêu thoát phải đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát;

đ) Phải được vận hành thường xuyên.

3. Chủ quản lý hệ thống xử lý nước thải phải thực hiện quan trắc định kỳ nước thải trước và sau khi xử lý. Số liệu quan trắc được lưu giữ làm căn cứ để kiểm tra hoạt động của hệ thống xử lý nước thải.

4. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô xả thải lớn và có nguy cơ tác hại đến môi trường phải tổ chức quan trắc môi trường nước thải tự động và chuyển số liệu cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Mục 5. QUẢN LÝ VÀ KIỂM SOÁT BỤI, KHÍ THẢI, TIẾNG ỒN, ĐỘ RUNG, ÁNH SÁNG, BỨC XẠ

Điều 102. Quản lý và kiểm soát bụi, khí thải

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát tán bụi, khí thải phải kiểm soát và xử lý bụi, khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2. Phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị, công trình xây dựng phát tán bụi, khí thải phải có bộ phận lọc, giảm thiểu khí thải, thiết bị che chắn hoặc biện pháp khác để giảm thiểu bụi bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

3. Bụi, khí thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.

Điều 103. Quản lý và kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ

1. Tổ chức, cá nhân gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải kiểm soát, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu dân cư gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải thực hiện biện pháp giảm thiểu, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.

3. Tổ chức, cá nhân quản lý tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải có biện pháp giảm thiểu, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

4. Cấm sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo nổ. Việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo hoa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chương X

XỬ LÝ Ô NHIỄM, PHỤC HỒI VÀ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG

Mục 1. XỬ LÝ CƠ SỞ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NGHIÊM TRỌNG

Điều 104. Xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

1. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là cơ sở có hành vi thải nước thải, khí thải, bụi, chất thải rắn, tiếng ồn, độ rung và các chất gây ô nhiễm khác vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ở mức độ nghiêm trọng.

2. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và đưa vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kèm theo biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường.

3. Việc rà soát, phát hiện cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tiến hành hằng năm và theo trình tự sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ lập danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này và biện pháp xử lý gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và biện pháp xử lý gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định danh sách và biện pháp xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng;

d) Quyết định xử lý đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải được thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi cơ sở có hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và công khai cho cộng đồng dân cư biết để kiểm tra, giám sát.

4. Trách nhiệm tổ chức xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng quy định như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn;

b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh;

c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc thẩm quyền quản lý;

d) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hằng năm đánh giá kết quả triển khai thực hiện xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 2. XỬ LÝ, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG KHU VỰC BỊ Ô NHIỄM

Điều 105. Quy định chung về khắc phục ô nhiễm môi trường và phân loại khu vực ô nhiễm

1. Khắc phục ô nhiễm môi trường là hoạt động giảm thiểu tác động của ô nhiễm đến môi trường, con người và nâng cao chất lượng môi trường tại khu vực môi trường bị ô nhiễm.

2. Khu vực môi trường bị ô nhiễm được phân loại theo 03 mức độ gồm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 106. Khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường

1. Việc xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm gồm:

a) Xác định phạm vi, giới hạn của khu vực môi trường bị ô nhiễm;

b) Xác định mức độ ô nhiễm, đánh giá rủi ro;

c) Xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan;

d) Các giải pháp xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường;

đ) Xác định các thiệt hại đối với môi trường làm căn cứ để yêu cầu các bên gây ô nhiễm phải bồi thường.

2. Dự án khai thác mỏ, khoáng sản phải có phương án cải tạo, phục hồi môi trường trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi hoạt động và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường. Phương án cải tạo, phục hồi môi trường gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Xác định khả năng, phạm vi và mức độ gây ô nhiễm môi trường;

b) Đánh giá rủi ro;

c) Lựa chọn phương án khả thi cải tạo, phục hồi môi trường;

d) Kế hoạch và kinh phí để cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc dự án.

Điều 107. Trách nhiệm trong khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường

1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sau:

a) Có phương án cải tạo, phục hồi môi trường khi tiến hành các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;

b) Tiến hành biện pháp khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường khi gây ô nhiễm môi trường;

c) Trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng gây ô nhiễm môi trường mà không tự thỏa thuận được về trách nhiệm thì cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong việc khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm trên địa bàn, hằng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau:

a) Quy định tiêu chí phân loại khu vực ô nhiễm môi trường;

b) Hướng dẫn thực hiện hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường; kiểm tra xác nhận hoàn thành khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường;

c) Điều tra, đánh giá và tổ chức thực hiện các hoạt động khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với các khu vực bị ô nhiễm liên tỉnh.

4. Trường hợp môi trường bị ô nhiễm do thiên tai gây ra hoặc chưa xác định được nguyên nhân thì bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm huy động nguồn lực để tổ chức khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường.

Mục 3. PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC VÀ XỬ LÝ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG

Điều 108. Phòng ngừa sự cố môi trường

1. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phương tiện vận tải có nguy cơ gây ra sự cố môi trường phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

a) Lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường;

b) Lắp đặt thiết bị, dụng cụ, phương tiện ứng phó sự cố môi trường;

c) Đào tạo, huấn luyện, xây dựng lực lượng tại chỗ ứng phó sự cố môi trường;

d) Thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng biện pháp an toàn theo quy định của pháp luật;

đ) Có biện pháp loại trừ nguyên nhân gây ra sự cố môi trường khi phát hiện có dấu hiệu sự cố môi trường.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện các nội dung sau:

a) Điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ các loại sự cố môi trường có thể xảy ra trong phạm vi cả nước, từng khu vực, địa phương;

b) Xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ và ứng phó sự cố môi trường;

c) Xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường hằng năm và định kỳ 05 năm.

Điều 109. Ứng phó sự cố môi trường

1. Trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra sự cố;

b) Sự cố môi trường xảy ra ở cơ sở, địa phương nào thì người đứng đầu cơ sở, địa phương đó có trách nhiệm huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để kịp thời ứng phó sự cố;

c) Sự cố môi trường xảy ra trong phạm vi nhiều cơ sở, địa phương thì người đứng đầu cơ sở, địa phương nơi có sự cố có trách nhiệm phối hợp ứng phó;

d) Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó sự cố của cơ sở, địa phương thì người đứng đầu phải khẩn cấp báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để kịp thời huy động các cơ sở, địa phương khác tham gia ứng phó sự cố môi trường; cơ sở, địa phương được yêu cầu huy động phải thực hiện biện pháp ứng phó sự cố môi trường trong phạm vi khả năng của mình.

2. Việc ứng phó sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

3. Nhân lực, vật tư, phương tiện sử dụng để ứng phó sự cố môi trường được bồi hoàn và thanh toán chi phí theo quy định của pháp luật.

4. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường gây ra được thực hiện theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 110. Xây dựng lực lượng ứng phó sự cố môi trường

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm xây dựng năng lực phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.

2. Nhà nước xây dựng lực lượng ứng phó sự cố môi trường và hệ thống trang thiết bị cảnh báo sự cố môi trường.

3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở dịch vụ ứng phó sự cố môi trường.

Điều 111. Xác định thiệt hại do sự cố môi trường

1. Nội dung điều tra, xác định thiệt hại do sự cố môi trường gồm:

a) Phạm vi, giới hạn khu vực bị ô nhiễm do sự cố môi trường;

b) Mức độ ô nhiễm;

c) Nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan;

d) Biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường;

đ) Thiệt hại đối với môi trường làm căn cứ để yêu cầu bên gây ô nhiễm, sự cố phải bồi thường.

2. Trách nhiệm điều tra, xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do sự cố môi trường gây ra được quy định như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do sự cố môi trường gây ra trên địa bàn;

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh tổ chức, điều tra, xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do sự cố môi trường gây ra trên địa bàn liên tỉnh.

3. Kết quả điều tra về nguyên nhân, mức độ, phạm vi ô nhiễm và thiệt hại về môi trường phải được công khai.

Điều 112. Trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường

1. Tổ chức, cá nhân gây sự cố môi trường có trách nhiệm sau:

a) Thực hiện yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong quá trình điều tra, xác định phạm vi, giới hạn, mức độ, nguyên nhân, biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường;

b) Tiến hành ngay biện pháp ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường và hạn chế sự lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân trong vùng;

c) Thực hiện biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường;

d) Bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan;

đ) Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường việc ứng phó và khắc phục sự cố môi trường.

2. Trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng gây ra sự cố môi trường mà không tự thỏa thuận về trách nhiệm thì cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong việc khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường.

3. Trường hợp sự cố môi trường do thiên tai gây ra hoặc chưa xác định được nguyên nhân thì bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm huy động các nguồn lực để tổ chức xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường.

4. Trường hợp sự cố môi trường xảy ra trên địa bàn liên tỉnh thì việc khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chương XI

QUY CHUẨN KỸ THUẬT MÔI TRƯỜNG, TIÊU CHUẨN MÔI TRƯỜNG

Điều 113. Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường

1. Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh gồm:

a) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với đất;

b) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nước mặt và nước dưới đất;

c) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nước biển;

d) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với không khí;

đ) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với âm thanh, ánh sáng, bức xạ;

e) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với tiếng ồn, độ rung.

2. Quy chuẩn kỹ thuật về chất thải gồm:

a) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp, dịch vụ, nước thải từ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nước thải sinh hoạt, phương tiện giao thông và hoạt động khác;

b) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật về khí thải của các nguồn di động và cố định;

c) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật về chất thải nguy hại.

3. Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường khác.

Điều 114. Nguyên tắc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường

1. Đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường; phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường.

2. Có tính khả thi, phù hợp với mức độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ công nghệ của đất nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Phù hợp với đặc điểm của khu vực, vùng, ngành sản xuất.

4. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương phải nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia hoặc đáp ứng yêu cầu quản lý môi trường có tính đặc thù.

Điều 115. Ký hiệu quy chuẩn kỹ thuật môi trường

1. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, ký hiệu là QCVN số thứ tự MT: năm ban hành/BTNMT.

2. Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường, ký hiệu là QCĐP số thứ tự MT: năm ban hành/tên viết tắt tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 116. Yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh

1. Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh quy định giá trị giới hạn cho phép của các thông số môi trường phù hợp với mục đích sử dụng thành phần môi trường gồm:

a) Giá trị tối thiểu của các thông số môi trường bảo đảm sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật;

b) Giá trị tối đa cho phép của các thông số môi trường để không gây ảnh hưởng xấu đến sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật.

2. Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh phải chỉ dẫn phương pháp chuẩn về đo đạc, lấy mẫu, phân tích để xác định thông số môi trường.

Điều 117. Yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật về chất thải

1. Quy chuẩn kỹ thuật về chất thải phải quy định cụ thể hàm lượng tối đa của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.

2. Hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong chất thải được xác định căn cứ vào tính chất độc hại, khối lượng chất thải phát sinh và sức chịu tải của môi trường tiếp nhận chất thải.

3. Quy chuẩn kỹ thuật về chất thải phải có chỉ dẫn phương pháp chuẩn về lấy mẫu, đo đạc và phân tích để xác định hàm lượng các chất gây ô nhiễm.

Điều 118. Xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường

1. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành và chứng nhận hợp quy quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia, địa phương phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương.

Điều 119. Tiêu chuẩn môi trường

1. Tiêu chuẩn môi trường gồm tiêu chuẩn chất lượng môi trường xung quanh, tiêu chuẩn về chất thải và các tiêu chuẩn môi trường khác.

2. Toàn bộ hoặc một phần tiêu chuẩn môi trường trở thành bắt buộc áp dụng khi được viện dẫn trong văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

3. Tiêu chuẩn cơ sở áp dụng trong phạm vi quản lý của tổ chức công bố tiêu chuẩn.

Điều 120. Xây dựng, thẩm định và công bố tiêu chuẩn môi trường

1. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định tiêu chuẩn môi trường phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng dự thảo, đề nghị thẩm định tiêu chuẩn quốc gia về môi trường.

3. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo và công bố tiêu chuẩn quốc gia về môi trường.

4. Cơ quan, tổ chức xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở về môi trường theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Chương XII

QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG

Điều 121. Hoạt động quan trắc môi trường

1. Cơ quan, tổ chức về bảo vệ môi trường tổ chức thực hiện quan trắc môi trường xung quanh.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành danh mục và hướng dẫn thực hiện quan trắc chất phát thải đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc danh mục chịu trách nhiệm quan trắc chất phát thải phải bảo đảm tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật môi trường và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 122. Thành phần môi trường và chất phát thải cần được quan trắc

1. Môi trường nước gồm nước mặt lục địa, nước dưới đất, nước biển.

2. Môi trường không khí gồm không khí trong nhà, không khí ngoài trời.

3. Tiếng ồn, độ rung, bức xạ, ánh sáng.

4. Môi trường đất, trầm tích.

5. Phóng xạ.

6. Nước thải, khí thải, chất thải rắn.

7. Hóa chất nguy hại phát thải và tích tụ trong môi trường.

8. Đa dạng sinh học.

Điều 123. Chương trình quan trắc môi trường

1 .Chương trình quan trắc môi trường quốc gia gồm chương trình quan trắc môi trường lưu vực sông và hồ liên tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm, môi trường xuyên biên giới và môi trường tại các vùng có tính đặc thù.

2. Chương trình quan trắc môi trường cấp tỉnh gồm các chương trình quan trắc thành phần môi trường trên địa bàn.

3. Chương trình quan trắc môi trường của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gồm quan trắc chất phát thải và quan trắc các thành phần môi trường theo quy định của pháp luật.

Điều 124. Hệ thống quan trắc môi trường

1. Hệ thống quan trắc môi trường gồm:

a) Quan trắc môi trường quốc gia;

b) Quan trắc môi trường cấp tỉnh;

c) Quan trắc môi trường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

2. Các tổ chức tham gia hệ thống quan trắc môi trường gồm:

a) Tổ chức lấy mẫu, đo đạc mẫu môi trường tại hiện trường;

b) Phòng thí nghiệm, phân tích mẫu môi trường;

c) Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị quan trắc môi trường;

d) Tổ chức quản lý, xử lý số liệu và lập báo cáo kết quả quan trắc môi trường.

3. Hệ thống quan trắc môi trường phải được quy hoạch đồng bộ, có tính liên kết, tạo thành mạng lưới thống nhất và toàn diện.

Điều 125. Trách nhiệm quan trắc môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra hoạt động quan trắc môi trường trên phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường quốc gia.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả quan trắc môi trường.

3. Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện chương trình quan trắc phát thải và các thành phần môi trường; báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Điều 126. Điều kiện hoạt động quan trắc môi trường

1. Tổ chức có đủ kỹ thuật viên về chuyên ngành quan trắc môi trường và trang bị kỹ thuật cần thiết được tham gia hoạt động quan trắc môi trường.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 127. Quản lý số liệu quan trắc môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý số liệu quan trắc môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc môi trường; công bố kết quả quan trắc môi trường quốc gia; hướng dẫn nghiệp vụ và hỗ trợ kỹ thuật quản lý số liệu quan trắc môi trường.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý số liệu quan trắc môi trường và công bố kết quả quan trắc môi trường của địa phương.

3. Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quản lý số liệu quan trắc môi trường và công bố kết quả quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật.

Chương XIII

THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG, CHỈ THỊ MÔI TRƯỜNG, THỐNG KÊ MÔI TRƯỜNG VÀ BÁO CÁO MÔI TRƯỜNG

Mục 1. THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Điều 128. Thông tin môi trường

1. Thông tin môi trường gồm số liệu, dữ liệu về thành phần môi trường, các tác động đối với môi trường, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, hoạt động bảo vệ môi trường.

2. Cơ sở dữ liệu môi trường là tập hợp thông tin về môi trường được xây dựng, cập nhật và duy trì đáp ứng yêu cầu truy nhập, sử dụng thông tin cho công tác bảo vệ môi trường và phục vụ lợi ích công cộng.

Điều 129. Thu thập và quản lý thông tin môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương thu thập và quản lý thông tin môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

2. Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thu thập, quản lý thông tin môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường của Bộ, ngành, địa phương và tích hợp với cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

3. Khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lập hồ sơ môi trường, quản lý thông tin về tác động đối với môi trường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Điều 130. Công bố, cung cấp thông tin môi trường

1. Tổ chức, cá nhân quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường có trách nhiệm báo cáo thông tin môi trường trong phạm vi quản lý của mình với cơ quan quản lý về môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường liên quan đến hoạt động của mình cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.

3. Bộ, ngành hằng năm có trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.

Điều 131. Công khai thông tin môi trường

1. Thông tin môi trường phải được công khai gồm:

a) Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

b) Thông tin về nguồn thải, chất thải, xử lý chất thải;

c) Khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường;

d) Các báo cáo về môi trường;

đ) Kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường.

Các thông tin quy định tại khoản này mà thuộc danh mục bí mật nhà nước thì không được công khai.

2. Hình thức công khai phải bảo đảm thuận tiện cho những đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin.

3. Cơ quan công khai thông tin môi trường chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin.

Mục 2. CHỈ THỊ MÔI TRƯỜNG VÀ THỐNG KÊ MÔI TRƯỜNG

Điều 132. Chỉ thị môi trường

1. Chỉ thị môi trường là thông số cơ bản phản ánh các yếu tố đặc trưng của môi trường phục vụ mục đích đánh giá, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, lập báo cáo hiện trạng môi trường.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành, hướng dẫn triển khai thực hiện bộ chỉ thị môi trường quốc gia.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện bộ chỉ thị môi trường địa phương trên cơ sở bộ chỉ thị môi trường quốc gia.

Điều 133. Thống kê môi trường

1. Thống kê môi trường là hoạt động điều tra, báo cáo, tổng hợp, phân tích và công bố các chỉ tiêu cơ bản phản ánh bản chất và diễn biến của các vấn đề môi trường theo không gian và thời gian.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê môi trường, tổ chức thực hiện công tác thống kê môi trường quốc gia; hướng dẫn công tác thống kê môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê môi trường quốc gia.

3. Bộ, ngành tổ chức thực hiện công tác thống kê môi trường trong phạm vi quản lý; xây dựng cơ sở dữ liệu về thống kê môi trường của ngành, lĩnh vực; hằng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về chỉ tiêu thống kê môi trường.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện công tác thống kê môi trường của địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu về thống kê môi trường của địa phương; hằng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về chỉ tiêu thống kê môi trường.

Mục 3. BÁO CÁO MÔI TRƯỜNG

Điều 134. Trách nhiệm báo cáo công tác bảo vệ môi trường hằng năm

1. Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.

4. Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác bảo vệ môi trường.

5. Bộ, ngành báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý.

6. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ, Quốc hội về công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước.

7. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc xây dựng báo cáo công tác bảo vệ môi trường.

Điều 135. Nội dung báo cáo công tác bảo vệ môi trường

1. Hiện trạng, diễn biến các thành phần môi trường.

2. Quy mô, tính chất và tác động của các nguồn phát thải.

3. Tình hình thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường; kết quả thanh tra, kiểm tra.

4. Danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tình hình xử lý.

5. Nguồn lực về bảo vệ môi trường.

6. Đánh giá công tác quản lý và hoạt động bảo vệ môi trường.

7. Phương hướng và giải pháp bảo vệ môi trường.

Điều 136. Nội dung bảo vệ môi trường trong báo cáo kinh tế - xã hội hằng năm

Báo cáo kinh tế - xã hội hằng năm của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp phải đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường và công tác bảo vệ môi trường.

Điều 137. Trách nhiệm lập báo cáo hiện trạng môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường lập báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 05 năm một lần; hằng năm lập báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo hiện trạng môi trường của địa phương 05 năm một lần; căn cứ những vấn đề bức xúc về môi trường của địa phương, quyết định lập báo cáo chuyên đề về môi trường.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn công tác lập báo cáo hiện trạng môi trường.

Điều 138. Nội dung báo cáo hiện trạng môi trường

1. Tổng quan về tự nhiên, kinh tế, xã hội.

2. Các tác động môi trường.

3. Hiện trạng và diễn biến các thành phần môi trường.

4. Những vấn đề bức xúc về môi trường và nguyên nhân.

5. Tác động của môi trường đối với kinh tế, xã hội.

6. Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật và các hoạt động bảo vệ môi trường.

7. Dự báo thách thức về môi trường.

8. Phương hướng và giải pháp bảo vệ môi trường.

Chương XIV

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 139. Nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

1. Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2. Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, chính sách, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường.

3. Tổ chức, xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc; định kỳ đánh giá hiện trạng môi trường, dự báo diễn biến môi trường.

4. Xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường; thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường; tổ chức xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường.

5. Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học; quản lý chất thải; kiểm soát ô nhiễm; cải thiện và phục hồi môi trường.

6. Cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về môi trường.

7. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; thanh tra trách nhiệm quản nhà nước về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường; xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

8. Đào tạo nhân lực khoa học và quản lý môi trường; giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo vệ môi trường.

9. Tổ chức nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

10. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện ngân sách nhà nước cho các hoạt động bảo vệ môi trường.

11. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Điều 140. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Chính phủ

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước.

Điều 141. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và có trách nhiệm sau:

1. Chủ trì xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án quốc gia về bảo vệ môi trường.

2. Chủ trì xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; ban hành văn bản hướng dẫn kỹ thuật theo thẩm quyền.

3. Chủ trì giải quyết hoặc đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên tỉnh.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn và xây dựng hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, thông tin môi trường và báo cáo môi trường; chỉ đạo, tổ chức đánh giá hiện trạng môi trường quốc gia và địa phương.

5. Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền hoạt động xây dựng, thẩm định, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường; thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

6. Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền việc cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về bảo vệ môi trường.

7. Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, an toàn sinh học; quản lý chất thải; kiểm soát ô nhiễm; cải thiện và phục hồi môi trường.

8. Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chính sách, chương trình, mô hình thử nghiệm về sản xuất và tiêu thụ bền vững, thân thiện với môi trường; hướng dẫn, chứng nhận sản phẩm, cơ sở thân thiện với môi trường; chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động cải thiện sức khỏe môi trường.

9. Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

10. Chỉ đạo và hướng dẫn việc lồng ghép nội dung về bảo vệ môi trường trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, chiến lược quốc gia về tài nguyên nước và quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; chiến lược tổng thể quốc gia về điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản.

11. Xây dựng và tổ chức thực hiện hệ thống chỉ tiêu đánh giá, theo dõi tình hình thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc; truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường.

12. Trình Chính phủ việc tham gia tổ chức quốc tế, ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về môi trường; chủ trì hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

Điều 142. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành thông tư, thông tư liên tịch về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực bộ, ngành quản lý.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Luật này và phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc phạm vi quản lý của mình; hằng năm báo cáo Chính phủ các hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thuộc bộ, ngành quản lý.

3. Trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường trong chiến lược, quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vùng và dự án, công trình thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoạt động thu hút đầu tư và tổ chức triển khai việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý;

b) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, chất thải trong nông nghiệp và các hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý;

c) Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử lý các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc thẩm quyền quản lý, phát triển ngành công nghiệp môi trường và tổ chức triển khai thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý;

d) Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng về cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn và nước thải tại đô thị, khu sản xuất dịch vụ tập trung, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, làng nghề và khu dân cư nông thôn tập trung và hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý;

đ) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý phương tiện giao thông vận tải và hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý;

e) Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, hoạt động mai táng, hỏa táng; tổ chức việc thống kê nguồn thải, đánh giá mức độ ô nhiễm, xử lý chất thải của bệnh viện, cơ sở y tế và hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý;

g) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, lễ hội, thể thao, du lịch và hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý;

h) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quốc phòng theo quy định của pháp luật; huy động lực lượng tham gia hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường trong lực lượng vũ trang thuộc thẩm quyền quản lý;

i) Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động phòng chống tội phạm về môi trường và bảo đảm an ninh trật tự trong lĩnh vực môi trường; huy động lực lượng tham gia hoạt động ứng phó với sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường trong lực lượng vũ trang thuộc thẩm quyền quản lý;

k) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Luật này và phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong phạm vi quản lý.

Điều 143. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau:

a) Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chương trình, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường;

b) Tổ chức thực hiện pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ về bảo vệ môi trường;

c) Xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc môi trường của địa phương phù hợp với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia;

d) Tổ chức đánh giá và lập báo cáo môi trường. Truyền thông, phổ biến, giáo dục chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường;

đ) Tổ chức thẩm định, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, hướng dẫn và tổ chức kiểm tra xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền;

e) Cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền;

g) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về môi trường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định của pháp luật có liên quan; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh;

h) Chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm sau:

a) Ban hành theo thẩm quyền quy định, chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường;

b) Tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ về bảo vệ môi trường;

c) Xác nhận, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền;

d) Hằng năm, tổ chức đánh giá và lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường;

đ) Truyền thông, phổ biến, giáo dục chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường;

e) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định của pháp luật có liên quan;

g) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan giải quyết các vấn đề môi trường liên huyện;

h) Chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân cấp xã;

i) Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau:

a) Xây dựng kế hoạch, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn; vận động nhân dân xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước; hướng dẫn việc đưa tiêu chí về bảo vệ môi trường vào đánh giá thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, khu dân cư và gia đình văn hóa;

b) Xác nhận, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường theo ủy quyền; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của hộ gia đình, cá nhân;

c) Phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp trên trực tiếp;

d) Hòa giải tranh chấp về môi trường phát sinh trên địa bàn theo quy định của pháp luật về hòa giải;

đ) Quản lý hoạt động của thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và tổ chức tự quản về giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường trên địa bàn;

e) Hằng năm, tổ chức đánh giá và lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường;

g) Chủ trì, phối hợp với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tổ chức công khai thông tin về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với cộng đồng dân cư;

h) Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.

Chương XV

TRÁCH NHIỆM CỦA MẬT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI, TỔ CHỨC XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP VÀ CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ TRONG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 144. Trách nhiệm và quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên và nhân dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường.

Điều 145. Trách nhiệm và quyền của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp

1. Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có trách nhiệm sau:

a) Tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường;

b) Tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

2. Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có quyền sau:

a) Được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

b) Tham vấn đối với dự án có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;

c) Tư vấn, phản biện về bảo vệ môi trường với cơ quan quản lý nhà nước và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan theo quy định của pháp luật;

d) Tham gia hoạt động kiểm tra về bảo vệ môi trường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;

đ) Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Cơ quan quản lý môi trường các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện cho tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện các quyền quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 146. Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư

1. Đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quyền yêu cầu chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường thông qua đối thoại trực tiếp hoặc bằng văn bản; tổ chức tìm hiểu thực tế về công tác bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thu thập, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp.

2. Đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với cơ sở.

3. Đại diện cộng đồng dân cư có quyền tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.

4. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện các yêu cầu của đại diện cộng đồng dân cư theo quy định tại Điều này.

Chương XVI

NGUỒN LỰC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 147. Chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường

1. Chi hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường gồm:

a) Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, chương trình, đề án về bảo vệ môi trường;

b) Thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược;

c) Hoạt động quan trắc môi trường; xây dựng hệ thống thông tin môi trường và báo cáo môi trường;

d) Hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra; kiểm soát ô nhiễm môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường; quản lý chất thải và bảo tồn đa dạng sinh học; đào tạo, truyền thông về bảo vệ môi trường; phổ biến và đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường; hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường;

đ) Các hoạt động quản lý bảo vệ môi trường khác.

2. Chi đầu tư phát triển bảo vệ môi trường gồm chi cho các dự án xây dựng, cải tạo công trình xử lý chất thải, xây dựng và trang bị trạm quan trắc và phân tích môi trường do Nhà nước quản lý; đầu tư phương tiện, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn đa dạng sinh học; cải tạo nguồn nước bị ô nhiễm, trồng và chăm sóc cây xanh tại nơi công cộng, khu vực công ích.

3. Việc xây dựng dự toán và quản lý sử dụng ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 148. Phí bảo vệ môi trường

1. Tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường.

2. Mức phí bảo vệ môi trường được quy định trên cơ sở sau:

a) Khối lượng chất thải ra môi trường, quy mô ảnh hưởng tác động xấu đối với môi trường;

b) Mức độ độc hại của chất thải, mức độ gây hại đối với môi trường;

c) Sức chịu tải của môi trường tiếp nhận chất thải.

3. Mức phí bảo vệ môi trường được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn.

4. Nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường được sử dụng cho hoạt động bảo vệ môi trường.

Điều 149. Quỹ bảo vệ môi trường

1. Quỹ bảo vệ môi trường tổ chức tài chính được thành lập ở trung ương, ngành, lĩnh vực, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.

Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập quỹ bảo vệ môi trường.

2. Vốn hoạt động của quỹ bảo vệ môi trường quốc gia và cấp tỉnh được hình thành từ các nguồn sau:

a) Ngân sách nhà nước hỗ trợ;

b) Phí bảo vệ môi trường;

c) Các khoản bồi thường cho Nhà nước về thiệt hại môi trường;

d) Các khoản hỗ trợ, đóng góp, ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

3. Thẩm quyền thành lập quỹ bảo vệ môi trường được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động quỹ bảo vệ môi trường quốc gia, quỹ bảo vệ môi trường của Bộ, cơ quan ngang bộ, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động quỹ bảo vệ môi trường của mình;

c) Tổ chức, cá nhân thành lập quỹ bảo vệ môi trường của mình và hoạt động theo điều lệ của quỹ.

Điều 150. Phát triển dịch vụ môi trường

1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp dịch vụ môi trường thông qua hình thức đấu thầu, cơ chế hợp tác công tư trong các lĩnh vực sau:

a) Thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải;

b) Quan trắc, phân tích môi trường, đánh giá tác động môi trường;

c) Phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, công nghệ môi trường;

d) Tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường;

đ) Giám định về môi trường đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ;

e) Giám định thiệt hại về môi trường; giám định sức khỏe môi trường;

g) Các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ hướng dẫn thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 151. Ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

1. Nhà nước ưu đãi, hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường sau:

a) Xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt;

b) Xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, khu chôn lấp chất thải;

c) Xây dựng trạm quan trắc môi trường;

d) Xây dựng cơ sở công nghiệp môi trường, công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích công cộng;

đ) Sản xuất, kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường;

e) Chuyển đổi hoạt động của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 152. Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ về bảo vệ môi trường

1. Tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ về bảo vệ môi trường được hưởng ưu đãi và hỗ trợ.

2. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng công nghệ về bảo vệ môi trường được ưu tiên gồm:

a) Nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải;

b) Nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường và công nghệ khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;

c) Nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm; cải tạo, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường;

d) Nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng công nghệ kiểm soát ô nhiễm, quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường và công nghệ dự báo, cảnh báo sớm các biến đổi môi trường;

đ) Nghiên cứu xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu;

e) Nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp cải thiện sức khỏe môi trường, giảm thiểu tác hại của môi trường đối với con người.

Điều 153. Phát triển công nghiệp môi trường

Nhà nước đầu tư và có chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển công nghiệp môi trường; xây dựng đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật xử và tái chế chất thải; hình thành và phát triển các khu xử lý, tái chế chất thải tập trung; sản xuất, cung cấp thiết bị, sản phẩm phục vụ yêu cầu bảo vệ môi trường.

Điều 154. Truyền thông, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường

1. Phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường phải được thực hiện thường xuyên và rộng rãi.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong bảo vệ môi trường được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí có trách nhiệm truyền thông về pháp luật bảo vệ môi trường.

4. Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí có trách nhiệm truyền thông về bảo vệ môi trường thuộc lĩnh vực quản lý.

Điều 155. Giáo dục về môi trường, đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường

1. Chương trình chính khóa của các cấp học phổ thông phải có nội dung giáo dục về môi trường.

2. Nhà nước ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường; khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục về môi trường và đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết chương trình giáo dục về môi trường và đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường.

Chương XVII

HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 156. Ký kết, gia nhập điều ước quốc tế về môi trường

Điều ước quốc tế có lợi cho việc bảo vệ môi trường toàn cầu, môi trường khu vực, môi trường trong nước và phù hợp với lợi ích, khả năng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ưu tiên xem xét để ký kết, gia nhập.

Điều 157. Bảo vệ môi trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

1. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và cá nhân chủ động đáp ứng yêu cầu về môi trường để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường khu vực và quốc tế.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hội nhập kinh tế quốc tế có trách nhiệm phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường trong nước.

Điều 158. Mở rộng hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường

1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong nước; nâng cao vị trí, vai trò của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về bảo vệ môi trường trong khu vực và quốc tế.

2. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, hỗ trợ hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, bảo tồn thiên nhiên và các hoạt động khác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; phát triển và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

3. Nhà nước đẩy mạnh hợp tác với các nước láng giềng và khu vực để giải quyết các vấn đề quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường có liên quan.

Chương XVIII

THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ MÔI TRƯỜNG

Điều 159. Trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường

1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trên phạm vi cả nước.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với cơ sở, dự án, công trình thuộc phạm vi bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trên địa bàn.

Điều 160. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 161. Tranh chấp về môi trường

1. Nội dung tranh chấp về môi trường gồm:

a) Tranh chấp về quyền, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng thành phần môi trường;

b) Tranh chấp về xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường;

c) Tranh chấp về trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường.

2. Các bên tranh chấp về môi trường gồm:

a) Tổ chức, cá nhân sử dụng thành phần môi trường có tranh chấp với nhau;

b) Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các thành phần môi trường và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cải tạo, phục hồi khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái, bồi thường thiệt hại về môi trường.

3. Việc giải quyết tranh chấp về môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp dân sự ngoài hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.

4. Tranh chấp về môi trường trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà một hoặc các bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài được giải quyết theo pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp có quy định khác trong điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 162. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về môi trường

1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân có quyền tố cáo vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố cáo.

3. Thời hiệu khởi kiện về môi trường được tính từ thời điểm tổ chức, cá nhân bị thiệt hại phát hiện được thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của tổ chức, cá nhân khác.

Chương XIX

BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ MÔI TRƯỜNG

Điều 163. Thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường

Thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gồm:

1. Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường;

2. Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra.

Điều 164. Nguyên tắc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường

1. Ô nhiễm môi trường và hậu quả do ô nhiễm môi trường phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, điều tra và kết luận kịp thời.

2. Hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường của tổ chức, cá nhân phải được phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

3. Nguyên tắc xác định trách nhiệm cá nhân được quy định như sau:

a) Người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình;

b) Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra;

c) Trường hợp cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường do thực hiện nhiệm vụ được tổ chức giao thì tổ chức phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Điều 165. Xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường

1. Sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gồm các mức độ sau:

a) Có suy giảm;

b) Suy giảm nghiêm trọng;

c) Suy giảm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Việc xác định phạm vi, giới hạn môi trường bị suy giảm chức năng, tính hữu ích gồm:

a) Xác định giới hạn, diện tích của khu vực, vùng lõi bị suy giảm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng;

b) Xác định giới hạn, diện tích vùng đệm trực tiếp bị suy giảm;

c) Xác định giới hạn, diện tích các vùng khác bị ảnh hưởng từ vùng lõi và vùng đệm.

3. Việc xác định các thành phần môi trường bị suy giảm gồm:

a) Xác định số lượng thành phần môi trường bị suy giảm, loại hình hệ sinh thái, giống loài bị thiệt hại;

b) Mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái, giống loài.

4. Việc tính chi phí thiệt hại về môi trường được quy định như sau:

a) Chi phí thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của các thành phần môi trường;

b) Chi phí xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường;

c) Chi phí giảm thiểu hoặc triệt tiêu nguồn gây thiệt hại;

d) Thăm dò ý kiến các đối tượng liên quan;

đ) Tùy điều kiện cụ thể có thể áp dụng một trong những biện pháp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này để tính chi phí thiệt hại về môi trường, làm căn cứ để bồi thường và giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường.

5. Việc xác định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được tiến hành độc lập hoặc có sự phối hợp giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại.

Trường hợp mỗi bên hoặc các bên có yêu cầu thì cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tham gia hướng dẫn cách tính xác định thiệt hại hoặc chứng kiến việc xác định thiệt hại.

6. Việc xác định thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do gây ô nhiễm, suy thoái môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 166. Giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường

1. Giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc cơ quan giải quyết việc bồi thường thiệt hại về môi trường.

2. Căn cứ giám định thiệt hại gồm hồ sơ đòi bồi thường thiệt hại, thông tin, số liệu, chứng cứ và căn cứ khác liên quan đến bồi thường thiệt hại và đối tượng gây thiệt hại.

3. Việc lựa chọn tổ chức giám định thiệt hại phải được sự đồng thuận của bên đòi bồi thường và bên phải bồi thường; trường hợp các bên không thống nhất thì việc chọn tổ chức giám định thiệt hại do cơ quan được giao trách nhiệm giải quyết việc bồi thường thiệt hại quyết định.

Điều 167. Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường

1. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.

2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.

3. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho môi trường phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định của Chính phủ.

Chương XX

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 168. Điều khoản chuyển tiếp

1. Hồ sơ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận để giải quyết theo thủ tục hành chính về môi trường trước ngày Luật này có hiệu lực thì được xử lý theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận.

2. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép, giấy chứng nhận về môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn ghi trong giấy phép, giấy chứng nhận đó.

Điều 169. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

Luật bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Điều 170. Quy định chi tiết

Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 23 tháng 6 năm 2014.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Sinh Hùng

 

THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 01/01/2015

QUỐC HỘI

THE NATIONAL ASSEMBLY
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness

---------------

Số: 55/2014/QH13

 No. 55/2014/QH13

Hà Nội, ngày 23 tháng 06 năm 2014

Hanoi, June 23, 2014

 

 

LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

LAW ON ENVIRONMENTAL PROTECTION

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

Quốc hội ban hành Luật bảo vệ môi trường.
The National Assembly hereby promulgates the Law on Environmental Protection.

Chương I
Chapter I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
GENERAL PROVISIONS

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Article 1. Governing scope

Luật này quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; chính sách, biện pháp và nguồn lực để bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong bảo vệ môi trường.
This Law provides statutory provisions on environmental protection activities; measures and resources used for the purpose of environmental protection; rights, powers, duties and obligations of regulatory bodies, agencies, organizations, households and individuals who are tasked with the environmental protection task.

Điều 2. Đối tượng áp dụng
Article 2. Applicable entities

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.
This Law is applied to regulatory bodies, public agencies, organizations, family households and individuals within the territory of the Socialist Republic of Vietnam, including mainland, islands, territorial waters and airspace.

Điều 3. Giải thích từ ngữ
Article 3. Interpretation of terms

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
In this Law, the terms shall be construed as follows:

1. Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật.
1. Environment refers to a system of natural and artificial physical factors affecting the existence and development of human beings and creatures.

2. Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật và các hình thái vật chất khác.
2. Environment components refer to physical constituent elements forming an integral part of the environment such as land, water, air, sound, light, organism and things in other physical forms.

3. Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành.
3. Environmental protection refers to the environmental conservation, and the prevention and control of harmful impacts on environment; the response to environmental emergencies; the mitigation of environmental pollution, degradation, improvement and remediation; proper extraction and consumption of natural resources for the purpose of maintaining a pure environment.

4. Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.
4. Sustainable development refers to the formal process in which the development can help keep pace with rigorous needs that emerge at the present time without causing any harm to the likelihood of future generations’ satisfying such needs on the basis of sustaining a close and harmonious cooperation amongst the economic growth, social progress and environmental protection.

5. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường là mức giới hạn của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, hàm lượng của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải, các yêu cầu kỹ thuật và quản lý được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản bắt buộc áp dụng để bảo vệ môi trường.
5. Technical regulations on environment refer to a set of parameters relating to the environmental quality in surrounding areas, amount of contaminants that remain in wastes, technical and managerial requirements which are issued by a competent regulatory authority in the form of a written document that entities involved must be binding on to serve the purpose of environmental protection.

6. Tiêu chuẩn môi trường là mức giới hạn của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, hàm lượng của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải, các yêu cầu kỹ thuật và quản lý được các cơ quan nhà nước và các tổ chức công bố dưới dạng văn bản tự nguyện áp dụng để bảo vệ môi trường.
6. Environmental standards refer to a set of parameters relating to the environmental quality in surrounding areas, amount of contaminants that remain in wastes, technical and managerial requirements which are issued by a competent regulatory authority in the form of a written document that entities involved may choose to follow at their discretion to serve the purpose of environmental protection.

7. Sức khỏe môi trường là trạng thái của những yếu tố vật chất tạo thành môi trường có tác động đến sức khỏe và bệnh tật của con người.
7. Environmental health refers to the state of physical factors in the environment that can affect the human health and cause human diseases.

8. Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật.
8. Environmental pollution refers to the change in the environment components in breach of technical regulations on environment and environmental standards, which can result in adverse impacts on human beings and creatures.

9. Suy thoái môi trường là sự suy giảm về chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật.
9. Environmental degradation refers to a reduction in the quality and amount of environment components, which can pose a threat to human beings and creatures.

10. Sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng.
10. Environmental emergencies refer to any unexpected event that happens as a result of human activities or environmental changes, which can seriously contaminate, degrade or disturb the environment.

11. Chất gây ô nhiễm là các chất hóa học, các yếu tố vật lý và sinh học khi xuất hiện trong môi trường cao hơn ngưỡng cho phép làm cho môi trường bị ô nhiễm.
11. Environmental contaminant refers to chemicals, physical and biological substance, when introduced into the environment, that exceed the permitted benchmark, resulting in the environmental pollution.

12. Chất thải là vật chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.
12. Wastes refer to a kind of materials emitted from activities such as manufacturing, trading, service, daily activities and others.

13. Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.
13. Hazardous wastes refer to the waste that exhibits one or more of hazardous traits such as toxicity, reactivity, infectivity, ignitability, corrosivity or other poisonous characteristics.

14. Công nghiệp môi trường là một ngành kinh tế cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
14. Environmental industry refers to an economic sector that involves the supplying of technological solutions, equipment, services and products used to suit the requirements for environmental protection.

15. Quản lý chất thải là quá trình phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải.
15. Waste management refers to the process of prevention, control, minimization, monitoring, classification, collection, transportation, reuse, recycling and disposition of wastes.

16. Phế liệu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm đã bị loại bỏ từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác.
16. Scrap refers to materials that are collected, classified and selected from discarded materials and products during the manufacturing or consumption process, which can be then reused as materials for another manufacturing process.

17. Sức chịu tải của môi trường là giới hạn chịu đựng của môi trường đối với các nhân tố tác động để môi trường có thể tự phục hồi.
17. Environment’s maximal load refers to the maximum resistance of the environment against influential factors which can enable the environment itself to be remediated.

18. Kiểm soát ô nhiễm là quá trình phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm.
18. Pollution control refers to the process for preventing, detecting, controlling and removal of pollutants or contaminants.

19. Hồ sơ môi trườngtập hợp các tài liệu về môi trường, tổ chức và hoạt động bảo vệ môi trường của cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ theo quy định của pháp luật.
19. Environmental regulatory dossier refers to a combination of documents on the environment and environmental protection processes and activities performed by agencies, organizations, and businesses in accordance with laws.

20. Quan trắc môi trường là quá trình theo dõi có hệ thống về thành phần môi trường, các yếu tố tác động lên môi trường nhằm cung cấp thông tin đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường và các tác động xấu đối với môi trường.
20. Environmental monitoring refers to the formal processes and activities that need to take place to monitor the quality and components of the environment in a systematic manner as well as factors affecting the environment in order to provide necessary information to prepare the assessment on current status and change of the environment quality, and harmful impacts on the environment.

21. Quy hoạch bảo vệ môi trường là việc phân vùng môi trường để bảo tồn, phát triển và thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường gắn với hệ thống giải pháp bảo vệ môi trường trong sự liên quan chặt chẽ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo đảm phát triển bền vững.
21. Planning for environmental protection refers to the environmental zoning scheme to conserve, develop and establish technical infrastructural systems for the environmental protection in line with a range of measures to be taken to protect the environment, which must be closely connected with the general planning for socio-economic development to aim for the sustainable development.

22. Đánh giá môi trường chiến lược là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển để đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động bất lợi đến môi trường, làm nền tảng và được tích hợp trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.
22. Strategic environmental assessment refers to the analysis and forecast of existing or potential impacts on the environment, which have been described in the development strategy, planning and proposal, in order to provide measures to control and reduce adverse impacts on the environment, and to serve as a ground for and to be incorporated in such development strategy, planning and proposal with the objective of ensuring the sustainable development.

23. Đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó.
23. Environmental impact assessment refers to the analysis and prediction of environmental impacts of specific investment projects in order to take preventive measures to protect the environment during the implementation of such projects.

24. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường bao gồm hệ thống thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải và quan trắc môi trường.
24. Environmental protection infrastructure refers to the system for collecting, storing, transporting, recycling, reusing and disposing waste substances and monitoring the environment.

25. Khí nhà kính là các khí trong khí quyển gây ra sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.
25. Greenhouse gas refers to a gas in an atmosphere causing the global warming and climate change.

26. Ứng phó với biến đổi khí hậu là các hoạt động của con người nhằm thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
26. Response to climate change refers to actions that human beings may take to adapt to and mitigate the climate change.

27. Tín chỉ các-bon là sự chứng nhận hoặc giấy phép có thể giao dịch thương mại liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính.
27. Carbon credit refers to any tradable certificate or permit relating to a reduction in greenhouse gas emission.

28. An ninh môi trường là việc bảo đảm không có tác động lớn của môi trường đến sự ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế của quốc gia.
28. Environmental security refers to the assurance about none of significant threats posed by environmental events and trends to the politic and social stability as well as the economic growth in a country.

29. Thông tin môi trường là số liệu, dữ liệu về môi trường dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự.
29. Environmental information refers to environmental figures and data represented in the form of signs, letters, numbers, images, sounds or the like.

Điều 4. Nguyên tắc bảo vệ môi trường
Article 4. Principles of environmental protection

1. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.
1. Environmental protection is the responsibilities and obligations of every agency, organization, family household and individual.

2. Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quyền trẻ em, thúc đẩy giới và phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.
2. Environmental protection must harmonize with the economic growth, social security, assurance about the children’s right, promotion of gender equality, development and conservation of biodiversity, response to climate changes, in order to ensure the human right to live in a pure environment.

3. Bảo vệ môi trường phải dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm thiểu chất thải.
3. Environmental protection must be performed on the basis that natural resources are properly consumed and amount of waste substances are reduced to a minimum.

4. Bảo vệ môi trường quốc gia gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu; bảo vệ môi trường bảo đảm không phương hại chủ quyền, an ninh quốc gia.
4. National environmental protection must conform to the regional and global environmental protection; environmental protection must ensure no harm to the national sovereignty and security.

5. Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
5. Environmental protection must comply with the natural laws and characteristics, cultural and historical identities as well as the level of socio-economic development of the country.

6. Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên và ưu tiên phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường.
6. Environmental protection activities must be carried out in a regular manner, and prioritize the prevention and control of environmental pollution, emergencies and degradation.

7. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng thành phần môi trường, được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường.
7. Any organization, family household or individual, who uses environment components and profits from the environment, is obliged to make their financial contribution to the environmental protection task.

8. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
8. Any organization, family household or individual, who causes environmental pollution, emergencies and degradation, is responsible to find remedial solutions, pay damages and assumes other responsibilities as stipulated by laws.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường
Article 5. Regulatory policies on the environmental protection

1. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường; kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
1. Facilitate the involvement of organizations, family households and individuals in the environmental protection activities; inspect and supervise the performance of environmental protection activities in accordance with laws.

2. Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để xây dựng kỷ cương và văn hóa bảo vệ môi trường.
2. Propagate, raise people's awareness of environmental protection in association with impose administrative punishments; introduce economic measure and others to reinforce statutes and etiquettes of the environmental protection.

3. Bảo tồn đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải.
3. Conserve the biological diversity; extract and use natural resources in a proper and economical manner; develop green and renewable energy; strengthen recycling, reuse and reduce waste substances to a minimum.

4. Ưu tiên xử lý vấn đề môi trường bức xúc, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường nguồn nước; chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư; phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.
4. Prioritize the solutions to pressing environmental problems, serious environmental pollution and water contamination; enhance the environmental protection at residential areas and improve the environmental protection infrastructure.

5. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; bố trí khoản chi riêng cho bảo vệ môi trường trong ngân sách với tỷ lệ tăng dần theo tăng trưởng chung; các nguồn kinh phí bảo vệ môi trường được quản lý thống nhất và ưu tiên sử dụng cho các lĩnh vực trọng điểm trong bảo vệ môi trường.
5. Diversify investment funds for the environmental protection; reserve a specified amount of expenditures allocated from the government budget for the environmental protection, which equals to a gradual increase in the growth rate; perform the consistent management of funds for the environmental protection and prioritize the utilization of these funds for key industries in the environmental protection.

6. Ưu đãi, hỗ trợ về tài chính, đất đai cho hoạt động bảo vệ môi trường, cơ sở sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường.
6. Provide financial and land preferences and supports for the environmental protection activities, environment-friendly manufacturers and businesses.

7. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường.
7. Intensify the training for workforce involved in the environmental protection task.

8. Phát triển khoa học, công nghệ môi trường; ưu tiên nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường; áp dụng tiêu chuẩn môi trường đáp ứng yêu cầu tốt hơn về bảo vệ môi trường.
8. Increase the development of environmental technology and science; prioritize the study, transfer and application of technological advances, high and eco-friendly technologies; introduce environmental standards to better meet the requirements for the environmental protection.

9. Gắn kết các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên với ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh môi trường.
9. Combine environmental and natural resource protection activities with the response to climate change and environmental security assurance.

10. Nhà nước ghi nhận, tôn vinh cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường.
10. Commend and reward agencies, organizations, family households and individuals for their active role in environmental protection activities.

11. Mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường; thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.
11. Seek and enter into more international cooperation in the environmental protection; fulfill the international commitment to the environmental protection.

Điều 6. Những hoạt động bảo vệ môi trường được khuyến khích
Article 6. Course of actions that are advised to take to protect the environment

1. Truyền thông, giáo dục và vận động mọi người tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.
1. Communicate, educate and mobilize people to participate in the environmental protection, keep the environment clean, protect natural landscapes and biodiversity.

2. Bảo vệ, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
2. Protect and use natural resources in an appropriate and cost-efficient manner.

3. Giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng và tái chế chất thải.
3. Control, collect, reuse and recycle wastes.

4. Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ô-dôn.
4. Bring forth the response to climate change; develop and use green and renewable energy sources; make a reduction in the greenhouse gas emission and gases causing the ozone layer depletion.

5. Đăng ký cơ sở, sản phẩm thân thiện với môi trường; sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường.
5. File an application for registration as eco-friendly establishments and products; manufacture, trade and consume eco-friendly products.

6. Nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, công nghệ thân thiện với môi trường.
6. Conduct scientific researches, technology transfer and apply the technology for the disposal and recycling of wastes, and environment-friendly technologies.

7. Đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất thiết bị, dụng cụ bảo vệ môi trường; cung cấp dịch vụ bảo vệ môi trường; thực hiện kiểm toán môi trường; tín dụng xanh; đầu tư xanh.
7. Invest in establishing plants for the production of devices and equipment used for the environmental protection; supply environmental protection services; carry out the environmental auditing; provide green credits and investments.

8. Bảo tồn và phát triển nguồn gen bản địa; lai tạo, nhập nội các nguồn gen có giá trị kinh tế và có lợi cho môi trường.
8. Conserve and develop indigenous genes; produce and import genetic resources which are of high economic value and environmental benefit.

9. Xây dựng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, khu dân cư thân thiện với môi trường.
9. Erect eco-friendly villages and hamlets at mountainous areas and minority communities, and residential zones.

10. Phát triển các hình thức tự quản và tổ chức hoạt động dịch vụ giữ gìn vệ sinh môi trường của cộng đồng dân cư.
10. Develop organizations and environmental sanitation services in various forms, which shall be autonomously managed by the residential community.

11. Hình thành nếp sống, thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường, xóa bỏ hủ tục gây hại đến môi trường.
11. Form good life styles and habits towards the environmental sanitation; eradicate depraved customs that can pose risks to the environment.

12. Đóng góp kiến thức, công sức, tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; thực hiện hợp tác công tư về bảo vệ môi trường.
12. Contribute intellectual, effort and financial contribution to environmental protection activities; enter into public-private partnership in the environmental protection.

Điều 7. Những hành vi bị nghiêm cấm
Article 7. Prohibited acts

1. Phá hoại, khai thác trái phép nguồn tài nguyên thiên nhiên.
1. Ruin and illegally extract natural resources.

2. Khai thác nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp hủy diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật.
2. Obtain biotic resources by means of mass-killing equipment, devices and methods; carry out such production process in wrong seasons and in breach of legal regulations on the permitted productivity.

3. Khai thác, kinh doanh, tiêu thụ các loài thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
3. Obtain, trade and consume wild plants and animals identified in the list of preferentially-protected endangered, precious and scarce species, regulated by the competent authority.

4. Vận chuyển, chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
4. Transport and bury poisons, radioactive substances, wastes and other hazardous substances in violation of technical process of the environmental protection.

5. Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí.
5. Get rid of untreated wastes or sewage to meet the rigorous standards stipulated in technical regulations on environment; spread toxics, radioactive substances and other hazardous substances out to the land, water and air.

6. Đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật.
6. Discharge hazardous wastewater, waste substances and microorganisms and other poisonous agents which can impose risks to human beings and creatures into water sources.

7. Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
7. Discharge smoke, dirt and gas containing toxic agents or smells into the air; emit the radiation, discharge the radioactivity and get substances to be exposed to the ionization, which exceeds the acceptable level stipulated in the technical regulations on environment.

8. Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
8. Generate noises and vibrations in excess of the acceptable level stipulated in the technical regulations on environment.

9. Nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức.
9. Import and transit waste substances from overseas countries in any form.

10. Nhập khẩu, quá cảnh động vật, thực vật chưa qua kiểm dịch; vi sinh vật ngoài danh mục cho phép.
10. Import and transit untested animals, plants, and microorganisms that are not identified in the list of permitted species.

11. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho con người, sinh vật và hệ sinh thái; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
11. Manufacture and trade products likely to pose risks to human beings, creatures and ecology; manufacture and utilize raw materials and building materials containing toxic agents in excess of the acceptable level prescribed in the technical regulations on environment.

12. Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên.
12. Sabotage or infringe upon natural heritage sites and wildlife sanctuaries.

13. Xâm hại công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.
13. Wreck structures, equipment and facilities used for environmental protection activities.

14. Hoạt động trái phép, sinh sống ở khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là khu vực cấm do mức độ đặc biệt nguy hiểm về môi trường đối với con người.
14. Carry out illegal operations and live in areas defined as banned areas by the competent authority due to their seriously dangerous environment for human beings.

15. Che giấu hành vi hủy hoại môi trường, cản trở hoạt động bảo vệ môi trường, làm sai lệch thông tin dẫn đến gây hậu quả xấu đối với môi trường.
15. Conceal acts of environmental depletion as well as interfere with the environmental protection and misrepresent the information that can cause bad effects on the environment.

16. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái quy định về quản lý môi trường.
16. Abuse the power or authority, or overuse powers or lack responsibilities of the competent entities to infringe upon the regulations on environmental management.

Chương II
Chapter II

QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
PLANNING FOR ENVIRONMENTAL PROTECTION, STRATEGIC ENVIRONMENT ASSESSMENT, ENVIRONMENTAL IMPACT ASSESSMENT AND ENVIRONMENTAL PROTECTION PLAN

Mục 1. QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Section 1. PLANNING FOR ENVIRONMENTAL PROTECTION

Điều 8. Nguyên tắc, cấp độ, kỳ quy hoạch bảo vệ môi trường
Article 8. Principle, level and term of the planning for environmental protection

1. Quy hoạch bảo vệ môi trường phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
1. Planning for environmental protection must comply with the following principles:

a) Phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia bảo đảm phát triển bền vững;
a) Conform to the natural, socio-economic conditions; the general strategy and planning for the socio-economic development, and national defense and security maintenance; the national environment protection strategy with the aim of ensuring the sustainable development;

b) Bảo đảm thống nhất với quy hoạch sử dụng đất; thống nhất giữa các nội dung cơ bản của quy hoạch bảo vệ môi trường;
b) Ensure the conformity to the planning for land use; keep basic contents given in the planning for environmental protection consistent;

c) Bảo đảm nguyên tắc bảo vệ môi trường quy định tại Điều 4 của Luật này.
c) Ensure the conformity to principles of environmental protection as prescribed in Article 4 of this Law.

2. Quy hoạch bảo vệ môi trường gồm 02 cấp độ là quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh.
2. Planning for environmental protection shall include 02 levels such as the planning for environmental protection at the national and provincial level.

3. Kỳ quy hoạch bảo vệ môi trường là 10 năm, tầm nhìn đến 20 năm.
3. The planning period of environmental protection is 10 years with a vision to 20 years later.

Điều 9. Nội dung cơ bản của quy hoạch bảo vệ môi trường
Article 9. Basic contents of the planning for environmental protection

1. Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia gồm các nội dung cơ bản sau:
1. The national-level planning for environmental protection consists of the basic contents as follows:

a) Đánh giá hiện trạng môi trường, quản lý môi trường, dự báo xu thế diễn biến môi trường và biến đổi khí hậu;
a) Assessment on current environmental status, environmental management, prediction for trends towards environmental and climate changes;

b) Phân vùng môi trường;
b) Environmental zoning;

c) Bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường rừng;
c) Biodiversity and forest conservation;

d) Quản lý môi trường biển, hải đảo và lưu vực sông;
d) Environmental management of sea, islands and river basins;

đ) Quản lý chất thải;
dd) Waste management;

e) Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; hệ thống quan trắc môi trường;
e) Environmental protection infrastructure; environmental monitoring system;

g) Các bản đồ quy hoạch thể hiện nội dung quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản này;
g) Planning maps representing contents prescribed at Points b, c, d, dd and e of this Clause;

h) Nguồn lực thực hiện quy hoạch;
h) Resources required for the implementation;

i) Tổ chức thực hiện quy hoạch.
i) Implementation.

2. Nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh được thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương bằng một quy hoạch riêng hoặc lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
2. The provincial-level planning for environmental protection must align with the specific conditions that exist in each locality through a separate or integrated planning as per the general planning for the socio-economic development.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
3. Details of this Article shall be regulated by the Government.

Điều 10. Trách nhiệm lập quy hoạch bảo vệ môi trường
Article 10. Responsibility for preparing the planning for environmental protection

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia.
1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall prepare the national-level planning for environmental protection.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức xây dựng nội dung hoặc lập quy hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn.
2. People’s Committees of centrally-governed cities and provinces (hereinafter referred to as provincial People’s Committee) shall take charge of formulating processes or preparing the local planning for environmental protection.

Điều 11. Tham vấn, thẩm định, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường
Article 11. Consultation on, inspection and approval of the planning for environmental protection

1. Tham vấn trong quá trình lập quy hoạch bảo vệ môi trường được quy định như sau:
1. Consultation on the preparation of the planning for environmental protection is regulated as follows:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bằng văn bản và tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia;
a) The Ministry of Natural Resources and Environment shall consult with Ministries, regulatory agencies and provincial People’s Committees in writing and hold an official consultation with relevant regulatory agencies and organizations during the preparation of the national-level planning for environmental protection;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lấy ý kiến các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) bằng văn bản và tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh.
b) Provincial People’s Committees shall consult with departments, regulatory agencies and People’s Committees of a district, town or city (hereinafter referred to as district-level People's Committee) in writing and hold an official consultation with relevant regulatory agencies and organizations during the preparation of the provincial-level planning for environmental protection.

2. Thẩm định và phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường được quy định như sau:
2. Inspection and approval of the planning for environmental protection shall be required as follows:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội đồng thẩm định liên ngành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia;
a) The Ministry of Natural Resources and Environment shall establish a Council for interdisciplinary inspection and prepare the national-level planning for environmental protection for submission to the Prime Minister with the intent to seeking the approval for that planning.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh sau khi lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản.
b) Provincial People’s Committee shall inspect and approve the report on the provincial-level planning for environmental protection after obtaining written advice from the Ministry of Natural Resources and Environment.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
3. Details of this Article shall be regulated by the Government.

Điều 12. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch bảo vệ môi trường
Article 12. Review and modification of the planning for environmental protection

1. Quy hoạch bảo vệ môi trường phải được định kỳ xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Thời hạn rà soát định kỳ đối với quy hoạch bảo vệ môi trường là 05 năm kể từ ngày quy hoạch bảo vệ môi trường được phê duyệt.
1. The planning for environmental protection must be periodically rechecked, revised and assessed in terms of the developmental process of that planning in order to make any proper adjustment thereto for the purpose of enabling the planning to conform to the socio-economic development conditions in each period. Time span for the periodical review of the planning for environmental protection shall be within a period of 5 years that begins with the approval date.

2. Việc điều chỉnh quy hoạch bảo vệ môi trường được thực hiện khi có sự điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia, của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được thực hiện theo quy định tại các điều 8, 9, 10 và 11 của Luật này và pháp luật có liên quan.
2. Adjustment and revision to the planning for environmental protection shall be commenced whenever the strategy for socio-economic development, national defense and security maintenance at national level or provincial level is adjusted. Such efforts shall be made in accordance with regulations specified in Articles 8, 9, 10 and 11 enshrined in this Law and other legal instruments.

Mục 2. ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC
Section 2. STRATEGIC ENVIRONMENT ASSESSMENT

Điều 13. Đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược
Article 13. Strategic environment assessment objects

1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược gồm:
1. Strategic environment assessment objects include:

a) Chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế, vành đai kinh tế;
a) General strategy and planning for socio-economic development of socio-economic regions, key economic regions, corridors and belts;

b) Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;
b) General planning for socio-economic development of centrally-governed cities and provinces and special administrative – economic units;

c) Chiến lược, quy hoạch phát triển khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghiệp;
c) Strategy and planning for development of economic, processing and exporting, high technology, and industrial zones;

d) Chiến lược, quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên quy mô từ 02 tỉnh trở lên;
d) Strategy and planning for extraction and utilization of natural resources that require an inclusion of 02 or more provinces;

đ) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh có tác động lớn đến môi trường;
dd) Strategy, planning and proposal for industrial and sectoral development at the national, local and provincial level that can significantly affect the environment;

e) Điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của đối tượng thuộc các điểm a, b, c, d và đ khoản này.
e) Adjustment to the strategy, planning and proposal for specified objects described at Points a, b, c, d and dd of this Clause.

2. Chính phủ quy định danh mục đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.
2. List of strategic environment assessment objects shall be regulated by the Government.

Điều 14. Thực hiện đánh giá môi trường chiến lược
Article 14. Carrying out the strategic environment assessment

1. Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật này có trách nhiệm lập hoặc thuê tổ chức tư vấn lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.
1. The regulatory agencies tasked with the preparation of strategy, planning and proposal as stipulated in Clause 1 Article 13 of this Law shall assume their responsibility for preparing or hiring an advisory organization to prepare the report on strategic environment assessment.

2. Đánh giá môi trường: chiến lược phải được thực hiện đồng thời với quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
2. The strategic environment assessment must be carried out simultaneously with the process for preparing the strategy, planning and proposal.

3. Kết quả thực hiện đánh giá môi trường chiến lược phải được xem xét, tích hợp vào nội dung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
3. The final result of the strategic environment assessment must be checked and incorporated into the strategy, planning and proposal.

4. Trên cơ sở thực hiện đánh giá môi trường chiến lược, cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược gửi cơ quan có thẩm quyền để thẩm định.
4. On the basis of carrying out the strategic environment assessment, the regulatory agencies tasked with the preparation of strategy, planning and proposal shall assume their responsibility for preparing the report on strategic environment assessment for submission to the competent authority for the inspection purpose.

Điều 15. Nội dung chính của báo cáo đánh giá môi trường chiến lược
Article 15. Main subject-matters of the report on strategic environment assessment

1. Sự cần thiết, cơ sở pháp lý của nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
1. Necessity and legal grounds for the task of preparing the strategy, planning and proposal.

2. Phương pháp thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.
2. Method for carrying out the strategic environment assessment.

3. Tóm tắt nội dung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
3. Summary of subject-matters included in the strategy, planning and proposal.

4. Môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội của vùng chịu sự tác động bởi chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
4. Natural and socio-economic environment of an area which is affected by the strategy, planning and proposal.

5. Đánh giá sự phù hợp của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch với quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường.
5. Assessment on the conformity of the strategy, planning and proposal to environmental protection viewpoints and objectives.

6. Đánh giá, dự báo xu hướng tích cực và tiêu cực của các vấn đề môi trường trong trường hợp thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
6. Assessment and prediction with reference to the positive and negative trend towards environmental issues to be provided in the case of implementing the strategy, planning and proposal.

7. Đánh giá, dự báo xu hướng tác động của biến đổi khí hậu trong việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
7. Assessment and prediction with reference to the trend in climate change impacts in the course of implementing the strategy, planning and proposal.

8. Tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.
8. Consultation to be required in the process of the strategic environment assessment.

9. Giải pháp duy trì xu hướng tích cực, phòng ngừa, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường trong quá trình thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
9. Measures for sustaining the positive trends, controlling and mitigating negative trends towards environmental issues in the process of the strategy, planning and proposal.

10. Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong quá trình thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và kiến nghị hướng xử lý.
10. Issues that need to be further researched in the process of implementing the strategy, planning, proposal, and recommended solutions.

Điều 16. Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược
Article 16. Verification of the report on strategic environment assessment

1. Trách nhiệm tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được quy định như sau:
1. Responsibility for verifying the report on strategic environment assessment shall be specified as follows:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định;
a) The Ministry of Natural Resources and Environment shall carry out the verification of the report on strategic environment assessment in respect of the strategy, planning and proposal decided by the National Assembly, Government and the Prime Minister;

b) Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình;
b) Ministries and quasi-ministerial agencies shall arrange to verify the report on strategic environment assessment in respect of the strategy, planning and proposal within their jurisdiction;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình và của Hội đồng nhân dân cùng cấp.
c) Provincial People’s Committees shall verify the report on strategic environment assessment in respect of the strategy, planning and proposal within their authority to grant approval and within the jurisdiction of People’s Council at the same administrative level.

2. Việc thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được tiến hành thông qua hội đồng thẩm định do thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược thành lập.
2. The verification of the report on strategic environment assessment must be performed by an inspection council established by the head or the person who takes over as a leader of the agency in charge of preparing the report on strategic environment assessment.

3. Cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược tổ chức điều tra, đánh giá thông tin trong báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; lấy ý kiến phản biện của cơ quan, tổ chức, chuyên gia có liên quan.
3. The agency in charge of verifying the report on strategic environment assessment shall arrange to inspect and assess the information given in the report on strategic environment assessment; conduct a poll to collect opinions from regulatory agencies, organizations and experts involved.

Điều 17. Tiếp thu ý kiến thẩm định và báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược
Article 17. Receiving the verification comments and reporting the conclusive result of verification of the report on the strategic environment assessment

1. Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có trách nhiệm hoàn chỉnh báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và dự thảo văn bản chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của hội đồng thẩm định.
1. The regulatory agencies in charge of developing the strategy, planning and proposal shall assume their responsibility for completing the report on strategic environment assessment and preparing a written draft of the strategy, planning and proposal on the basis of conducting proper researches and referring to responses from the inspection council.

2. Cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược báo cáo bằng văn bản kết quả thẩm định cho cấp có thẩm quyền phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
2. The regulatory in charge of verifying the report on strategic environment assessment shall send a written report on the verification result to the competent authority to obtain the approval for the strategy, planning and proposal.

3. Báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược là căn cứ để cấp có thẩm quyền phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
3. The conclusive result of verification of the report on strategic environment assessment shall serve as the ground for the approval of strategy, planning and proposal granted by the competent authority.

Mục 3. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG
Section 3. ENVIRONMENTAL IMPACT ASSESSMENT

Điều 18. Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường
Article 18. Environmental impact assessment objects

1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường gồm:
1. Environmental impact assessment objects consist of:

a) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
a) Projects subject to the decision on investment intentions made by the National Assembly, Government and the Prime Minister;

b) Dự án có sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử - văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng;
b) Projects that use land parcels situated in wildlife sanctuaries, national parks, historical – cultural monuments, world heritage sites, biosphere reserves, scenic beauty areas that have been ranked;

c) Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.
c) Projects that can cause bad effects on the environment.

2. Chính phủ quy định danh mục dự án quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.
2. List of projects mentioned at Points b and c Clause 1 of this Article shall be regulated by the Government.

Điều 19. Thực hiện đánh giá tác động môi trường
Article 19. Carrying out the environment impact assessment

1. Chủ dự án thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này tự mình hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường.
1. Owners of projects regulated in Clause 1 Article 18 of this Law shall carry out, on his own, or hire an advisory organization to carry out the environmental impact assessment and take statutory responsibility for the conclusive result after carrying out such assessment.

2. Việc đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án.
2. The environment impact assessment must be performed in the preparatory stage of the project.

3. Kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường thể hiện dưới hình thức báo cáo đánh giá tác động môi trường.
3. The conclusive result yielded after carrying out the environment impact assessment shall be expressed in the form of the report on environmental impact assessment.

4. Chi phí lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc nguồn vốn đầu tư dự án do chủ dự án chịu trách nhiệm.
4. Expenses incurred from the formulation and inspection of the report on environmental impact assessment, and included in total investment budget shall be covered by the project owner.

Điều 20. Lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường
Article 20. Remaking the report on the environment impact assessment

1. Chủ dự án phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường trong các trường hợp sau:
1. Project owners must repeat the report on the environment impact assessment when:

a) Không triển khai dự án trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường;
a) The project is not executed within a period of 24 months as from the date on which the decision on approving the report on environmental impact assessment is made;

b) Thay đổi địa điểm thực hiện dự án so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt;
b) Project location has been changed as against the approved plan specified in the report on environmental impact assessment;

c) Tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
c) An increase in the size, capacity and technological changes can cause adverse impacts on the environment in comparison with the approved alternatives identified in the report on environmental impact assessment.

2. Chính phủ quy định chi tiết điểm c khoản 1 Điều này.
2. Details of Point c Clause 1 in this Article shall be regulated by the Government.

Điều 21. Tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường
Article 21. Consultation to be required in the process of the strategic environment assessment

1. Tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường nhằm hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, hạn chế thấp nhất các tác động xấu đến môi trường và con người, bảo đảm sự phát triển bền vững của dự án.
1. The consultation to be required in the process of environmental impact assessment is aimed at completing the report on environmental impact assessment, helps minimize the bad impacts on the environment and human beings and ensure the sustainable development of the project.

2. Chủ dự án phải tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức, cộng đồng chịu tác động trực tiếp bởi dự án.
2. Project owners are obliged to consult with regulatory agencies, organizations and communities that are directly affected by the project.

3. Các dự án không phải thực hiện tham vấn gồm:
3. Projects that do not require the consultation include:

a) Phù hợp với quy hoạch của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho giai đoạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng;
a) Those in conformity with the planning for concentrated manufacturing, trading and service provision areas under the approval of the report on environmental impact assessment at the infrastructural construction stage for the project;

b) Thuộc danh mục bí mật nhà nước.
b) Those specified in the list of state secret projects.

Điều 22. Nội dung chính của báo cáo đánh giá tác động môi trường
Article 22. Main subject-matters of the report on environmental impact assessment

1. Xuất xứ của dự án, chủ dự án, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án; phương pháp đánh giá tác động môi trường.
1. Origin of the project, project owners, and the competent authority's approval of the project; method of the environmental impact assessment.

2. Đánh giá việc lựa chọn công nghệ, hạng mục công trình và các hoạt động của dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.
2. Evaluation of technological choice, work items and any activity relating to the project which can cause bad effects on the environment.

3. Đánh giá hiện trạng môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội nơi thực hiện dự án, vùng lân cận và thuyết minh sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án.
3. Assessment of current status of natural and socio-economic environment carried out at areas where the project is located, adjacent areas and demonstration of the suitability of the selected project site.

4. Đánh giá, dự báo các nguồn thải và tác động của dự án đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
4. Assessment and forecast of waste sources, and the impact of the project on the environment and community health.

5. Đánh giá, dự báo, xác định biện pháp quản lý rủi ro của dự án đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
5. Assessment, forecast and determination of measures for managing the risks of the project posed to the environment and community health.

6. Biện pháp xử lý chất thải.
6. Waste disposal measures.

7. Các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
7. Measures for minimizing the impact of the project on the environment and community health.

8. Kết quả tham vấn.
8. Consultation result.

9. Chương trình quản lý và giám sát môi trường.
9. Environmental management and supervision programs.

10. Dự toán kinh phí xây dựng công trình bảo vệ môi trường và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường.
10. Budget estimate for the construction of environmental protection facilities and measures to be taken to minimize the environmental impact.

11. Phương án tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
11. Alternatives to the application of measures for the environment protection.

Điều 23. Thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường
Article 23. Authority to verify the report on environmental impact assessment

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án sau:
1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall arrange to verify the report on environmental impact assessment in respect of the following projects:

a) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
a) Projects subject to the decision on investment intentions made by the National Assembly, Government and the Prime Minister;

b) Dự án liên ngành, liên tỉnh thuộc đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 18 của Luật này, trừ dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh;
b) Interdisciplinary or inter-provincial projects stipulated at Points b and c Clause 1 Article 18 in this Law, exclusive of those classified as the secret projects in the field of national defense and security;

c) Dự án do Chính phủ giao thẩm định.
c) Projects verified by the Government’s authorized entities.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư của mình nhưng không thuộc đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.
2. Ministries and quasi-ministerial agencies shall inspect the report on environmental impact assessment in respect of projects that shall be permitted under their decision and approval, but are not specified in regulations mentioned at Points b and c Clause 1 of this Article.

3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư của mình và các dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh.
3. The Ministry of National Defense and the Ministry of Public Security shall arrange to verify the report on environmental impact assessment in respect of projects that shall be permitted under their decision and approval, and those classified as the secret projects in the field of national defense and security.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư trên địa bàn không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
4. Provincial People’s Committees shall arrange to verify the report on environmental impact assessment in respect of investment projects within their territories that are not regulated at Clause 1, 2 and 3 of this Article.

Điều 24. Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường
Article 24. Verification of the report on environmental impact assessment

1. Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan được giao thẩm định tổ chức việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thông qua hội đồng thẩm định hoặc thông qua việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định.
1. The Head or the person who takes over as a leader of the agency in charge of the verification task shall arrange to carry out the verification of the report on environmental impact assessment by means of seeking the permission from the inspection council or obtaining advisory opinions from relevant agencies and organizations, and concurrently bear legal responsibility for their verification result.

2. Thành viên hội đồng thẩm định và cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến của mình.
2. Members of the inspection council and entities that are requested to contribute their advisory opinions shall be legally responsible for such of their opinions.

3. Trường hợp cần thiết, cơ quan thẩm định tổ chức khảo sát thực tế, lấy ý kiến phản biện của cơ quan, tổ chức và chuyên gia để thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
3. When necessary, the agency in charge of verification shall arrange to conduct a poll to obtain the critical opinions from other institutions, organizations and experts in relation to the verification of the report on environmental impact assessment.

4. Trong thời gian thẩm định, trường hợp có yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ dự án để thực hiện.
4. Within a verification period, where any adjustment or supplementation is required, the inspection agency is responsible to send a written notification thereof to the project owner.

Điều 25. Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường
Article 25. Approval of the report on the environmental impact assessment

1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được chỉnh sửa theo yêu cầu của cơ quan thẩm định, thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan thẩm định có trách nhiệm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; trường hợp không phê duyệt phải trả lời cho chủ dự án bằng văn bản và nêu rõ lý do.
1. Within a period of 20 days which begins with the date when the report on environmental impact assessment is received after being adjusted at the request of the verification agency, the head or the person who takes over as the leader of the inspection agency shall be responsible to approve the report on environmental impact assessment; if the report is rejected, the project owner must be notified in writing in which the reasons for such rejection must be clearly explained.

2. Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền thực hiện các việc sau:
2. Decision on verifying the report on environmental impact assessment shall serve as the ground for the competent authority's following tasks:

a) Quyết định chủ trương đầu tư dự án đối với các đối tượng quy định tại Điều 18 của Luật này trong trường hợp pháp luật quy định dự án phải quyết định chủ trương đầu tư;
a) Decision on the intention to invest in the projects specified in Article 18 of this Law must be granted if the project is required to obtain such decision in accordance with laws.

b) Cấp, điều chỉnh giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản đối với dự án thăm dò, khai thác khoáng sản;
b) Issuing and revising the prospecting permit, mineral extraction permit in respect of the mineral exploration and extraction projects;

c) Phê duyệt kế hoạch thăm dò, kế hoạch phát triển mỏ đối với dự án thăm dò, khai thác dầu khí;
c) Approving the plan for prospecting or exploration, and the plan for mine development in respect of petroleum exploration and extraction;

d) Cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với dự án có hạng mục xây dựng công trình thuộc đối tượng phải có giấy phép xây dựng;
d) Issue and revising the construction permit in respect of the projects on the development of works or structures that are required to obtain the construction permit before commencement;

đ) Cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án không thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này.
dd) Issuing the investment certificate with reference to projects that are not regulated at Points a, b, c and d in this Clause.

Điều 26. Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt
Article 26. Responsibility assumed by the project owner after being granted the approval of their report on the environmental impact assessment

1. Thực hiện các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
1. Comply with the requests specified in the approval of their report on environmental impact assessment.

2. Trường hợp thay đổi quy mô, công suất, công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt nhưng chưa đến mức phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 của Luật này, chủ đầu tư dự án phải giải trình với cơ quan phê duyệt và chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
2. Where any change in the project size, capacity and technology applied in the project execution is blamed for the bad impact on the environment in comparison with the alternatives given in the approved report on environmental impact assessment, but is not too serious to make another report as stipulated at Point c Clause 1 Article 20 pf this Law, the project owner must send their explanation to the agency who grants the approval of the report on environmental impact assessment, and the project shall be commenced only after obtaining the permission from such agency.

Điều 27. Trách nhiệm của chủ đầu tư trước khi đưa dự án vào vận hành
Article 27. Responsibility assumed by the project owner before bringing the project into operation.

1. Tổ chức thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
1. Apply measures for the environmental protection under the decision on the approval of their report on environmental impact assessment.

2. Phải báo cáo cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ vận hành dự án đối với dự án lớn, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường do Chính phủ quy định. Những dự án này chỉ được vận hành sau khi cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
2. Notify the agency who grants the approval of the report on environmental impact assessment of the developmental process of environmental protection works functioning as an ancillary part of major projects that can cause bad impacts on the environment in accordance with the Governmental regulations. These projects will be commenced only after the agency in charge of the approval of the report on environmental impact assessment has inspected and certified the completion of environmental protection works.

Điều 28. Trách nhiệm của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường
Article 28. Responsibility of the agency in charge of approving the report on the environmental impact assessment

1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định và quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
1. Bear the statutory responsibility for their conclusive result and decision on the approval of the report on environmental impact assessment.

2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của chủ đầu tư dự án được quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật này, cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường phải tổ chức kiểm tra và cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án. Trường hợp phải phân tích các chỉ tiêu môi trường phức tạp thì thời gian cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.
2. Within a period of 15 days as from the date on which the project owner’s report on the completion of environmental protection works under the regulations specified in Clause 2 Article 27 of this Law, the agency in charge of approving the report on environmental impact assessment must examine and issue the certificate of completion of environmental protection works. Where an analysis of complicated environmental criteria is required, the time span for the issuance of the certificate of completion of environmental protection works can be extended for less than 30 days.

Mục 4. KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Section 4. ENVIRONMENTAL PROTECTION PLAN

Điều 29. Đối tượng phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường
Article 29. Objects that require the formulation of environmental protection plan

1. Dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.
1. Investment projects that are not identified as objects that require the environmental impact assessment.

2. Phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
2. Alternatives for the production, trading and services that are not identified as objects that require the formulation of investment projects in accordance with the law on investment.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
3. Details of this Article shall be regulated by the Government.

Điều 30. Nội dung kế hoạch bảo vệ môi trường
Article 30. Subject-matters of the environmental protection plan

1. Địa điểm thực hiện.
1. Project site.

2. Loại hình, công nghệ và quy mô sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
2. Type, technology and scale of production, trading and service.

3. Nguyên liệu, nhiên liệu sử dụng.
3. Required raw materials and fuels.

4. Dự báo các loại chất thải phát sinh, tác động khác đến môi trường.
4. Forecast of wastes and any other substances affecting the environment.

5. Biện pháp xử lý chất thải và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
5. Measures for disposing of wastes and mitigating the bad environmental impact.

6. Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
6. Measures to be applied for the environment protection.

Điều 31. Thời điểm đăng ký, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường
Article 31. Time of registration and certification of the environmental protection plan

Chủ dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại Điều 29 của Luật này phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 32 của Luật này xem xét, xác nhận trước khi triển khai dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Owners of projects, alternatives for production, trading and service provision as regulated in Article 29 of this Law must prepare the environmental protection plan for submission to competent authorities, according to regulations specified in Article 32 of this Law, for the purpose of consideration and certification before the project is commenced and alternatives for production, trading and service provision are put into operation.

Điều 32. Trách nhiệm tổ chức thực hiện việc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường
Article 32. Responsibility for confirmation of the environmental protection plan

1. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường của những dự án sau:
1. The environment protection agency affiliated to provincial People’s Committees must certify the environmental protection plan in respect of the following projects:

a) Dự án nằm trên địa bàn 02 huyện trở lên;
a) Those that shall be executed in more than 02 districts;

b) Dự án trên vùng biển có chất thải đưa vào địa bàn tỉnh xử lý;
b) Those that shall be executed on polluted marine zones with waste substances to be shipped for the purpose of inland treatment in a province;

c) Dự án có quy mô lớn và có nguy cơ tác động xấu tới môi trường trên địa bàn tỉnh theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
c) Those that are designed at a large scale and can cause bad impacts on the environment of a province in accordance with the Minister of Natural Resources and Environment.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, trừ dự án quy định tại khoản 1 Điều này; Ủy ban nhân dân cấp huyện có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường đối với dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình nằm trên địa bàn một xã.
2. District-level People’s Committee shall certify the environmental protection plan of projects and alternatives for production, trading and service provision within the vicinity of a specified district, except for those regulated in Clause 1 of this Article; district-level People’s Committee is entitled to authorize People’s Committee of a commune, ward or town (hereinafter referred to as communal People’s Committee) to certify the environmental protection plan for projects, alternatives for production, trading and service provision managed by family households within the territory of a specific commune.

3. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được kế hoạch bảo vệ môi trường, cơ quan có thẩm quyền quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Điều này phải xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường; trường hợp không xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Within a period of 10 days as from the receipt of the environmental protection plan, competent authorities stipulated in Clause 1 and 2 of this Article must certify the registration of the environmental protection plan; where the certification of registration of the environmental protection plan is refused, the competent authority must send a written notification in which the reasons for this refusal must be clearly stated.

Điều 33. Trách nhiệm của chủ dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sau khi kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận
Article 33. Responsibility assumed by the project owner and owner of manufacturing or business establishment upon completion of certification of the environmental protection plan

1. Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận.
1. Measures to be applied for the environment protection according to the approved plan for environmental protection.

2. Trường hợp xảy ra sự cố môi trường phải dừng hoạt động, thực hiện biện pháp khắc phục và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện dự án hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan có liên quan.
2. Where an environmental emergency occurs, all operations must be suspended, take remedial measures and promptly notify the communal or People’s Committee of a commune or district where the project is executed, or the environmental protection agency affiliated to the provincial People’s Committee as well as relevant competent agencies.

3. Hợp tác và cung cấp mọi thông tin có liên quan cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường kiểm tra, thanh tra.
3. Cooperate with and provide all required information for governmental bodies in charge of State management of the environmental protection, which serve the purpose of examination and inspection.

4. Lập và đăng ký lại kế hoạch bảo vệ môi trường cho dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong các trường hợp sau:
4. Prepare another plan and repeat the registration of the plan for environmental protection for investment projects, alternatives for production, trading and service provision in the following cases:

a) Thay đổi địa điểm;
a) Relocation;

b) Không triển khai thực hiện trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận.
b) Failure to put the approved plan for environmental protection into operation within a period of 24 months as from the date on which the approval is granted.

5. Trường hợp dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thay đổi tính chất hoặc quy mô đến mức thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thì chủ đầu tư dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và gửi cho cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
5. Where projects and alternatives for production, trading and service provision have been changed in respect of their size and characteristics so significantly that another report on the environmental impact assessment must be in place, owners of such manufacturing or business establishments must prepare the report on environmental impact assessment for submission to the competent authority for the purpose of verification and approval.

Điều 34. Trách nhiệm của cơ quan xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường
Article 34. Responsibility of the agency in charge of certifying the environmental protection plan

1. Kiểm tra việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận.
1. Examine the application of measures for the environment protection according to the approved environmental protection plan.

2. Tiếp nhận và xử lý kiến nghị về bảo vệ môi trường của chủ dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tổ chức, cá nhân liên quan đến dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
2. Receive and deal with environmental protection recommendations of project owners and owners of manufacturing or business establishments, individuals participating in the project and alternatives for production, trading and service provision.

3. Phối hợp với chủ đầu tư dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xử lý sự cố môi trường xảy ra trong quá trình thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
3. Cooperate with project owners and owners of manufacturing or business establishments, and any relevant entity in settling environmental emergencies that take place during the implementation of projects and alternatives for production, trading and service provision.

Chương III
Chapter III

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
ENVIRONMENTAL PROTECTION CONCERNS DURING THE EXTRACTION AND UTILIZATION OF NATURAL RESOURCES

Điều 35. Bảo vệ môi trường trong điều tra, đánh giá, lập quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học
Article 35. Environmental protection concerns during the inspection, assessment and preparation of the planning for utilization of natural resources and biodiversity

1. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học phải được điều tra, đánh giá thực trạng, khả năng tái sinh, giá trị kinh tế để làm căn cứ lập quy hoạch sử dụng hợp lý; xác định giới hạn cho phép khai thác, mức thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường, bồi hoàn đa dạng sinh học, bồi thường thiệt hại về môi trường, các biện pháp khác để bảo vệ tài nguyên và môi trường.
1. The current status, recyclability and economic value of natural resources and biodiversity must be investigated and evaluated to serve as a basis for the preparation of the plan for proper utilization; define the limit on permitted extraction levels, severance tax rates, environmental protection fees, environmental remediation deposits, biodiversity reimbursable costs, environmental damages and other measures for the environmental protection.

2. Việc điều tra, đánh giá và lập quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. The inspection, assessment and preparation of the planning for utilization of natural resources must be performed in accordance with laws.

Điều 36. Bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng
Article 36. Protection and sustainable development of forest resources

Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động khác tác động đến môi trường đất, nước, không khí và đa dạng sinh học liên quan đến rừng phải thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về đa dạng sinh học, về bảo vệ và phát triển rừng và quy định của pháp luật có liên quan.
All activities relating to production, trading and service provision as well as others that cause impacts on land, water, air resources and forest-related biodiversity must comply with regulations set out in this Law and the law on biodiversity, protection and development of forests, and other relevant laws.

Điều 37. Bảo vệ môi trường trong điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên
Article 37. Environmental protection concerns during the basic survey, exploration, extraction and utilization of natural resources

1. Việc điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên phải tuân thủ quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
1. The basic survey, exploration, extraction and utilization of natural resources must comply with the planning approved by competent regulatory agencies.

2. Giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên phải có nội dung về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
2. A permit for exploration, extraction and utilization of natural resources must enclose the information about environmental protection in accordance with laws.

3. Trong quá trình điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường; phải phục hồi môi trường theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan.
3. In course of basic survey, exploration, extraction and utilization of natural resources, interested organizations and individuals bear responsibility for fulfilling the requirements for environmental protection; must carry out the environmental remediation in accordance with this Law and other relevant laws.

Điều 38. Bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản
Article 38. Environmental protection concerns during the exploration, extraction and processing of minerals

1. Tổ chức, cá nhân khi tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường như sau:
1. In course of prospecting, extraction and processing of minerals, interested organizations or individuals must find preventive measures and responses to environmental emergencies and meet requirements for environmental protection, rehabilitation and remediation as follows:

a) Thu gom và xử lý nước thải theo quy định của pháp luật;
a) Collect and dispose of wastewater in accordance with laws;

b) Thu gom, xử lý chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải rắn;
b) Collect and dispose of solid wastes in accordance with the regulations on solid waste management;

c) Có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế việc phát tán bụi, khí thải độc hại và tác động xấu khác đến môi trường xung quanh;
c) Take measures to prevent and control the spread of hazardous waste dusts and emissions that can pose threats to the surroundings;

d) Phải có kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường cho toàn bộ quá trình thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường trong quá trình thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản;
d) Draw up a plan for environmental rehabilitation and remediation for all processes of exploration, extraction and processing of minerals, and take ongoing action to rehabilitate and restore the environment in course of exploration, extraction and processing of minerals;

đ) Ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.
dd) Provide environmental remediation deposits in accordance with laws.

2. Khoáng sản có tính chất độc hại phải được lưu giữ, vận chuyển bằng thiết bị chuyên dụng, được che chắn tránh phát tán ra môi trường.
2. Minerals with hazardous properties must be handled and shipped by dedicated transports and properly covered to prevent being spread out to the environment.

3. Việc sử dụng máy móc, thiết bị có tác động xấu đến môi trường, hóa chất độc hại trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
3. Employment of machinery and equipment that can cause harmful impacts on the environment, hazardous chemicals in the mineral exploration and extraction is subject to the examination and inspection carried out by the agency in charge of State management of environmental protection.

4. Việc thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến dầu khí, khoáng sản khác có chứa nguyên tố phóng xạ, chất độc hại, chất nổ phải thực hiện quy định của Luật này và pháp luật về an toàn hóa chất, an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.
4. Prospecting, extraction, shipping and processing of petroleum and minerals that contain radioactive, toxic and explosive agents must conform to regulations set out in this Law and the law on chemical safety, radiation safety and nuclear safety.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan chỉ đạo việc thống kê nguồn thải, đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường của cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản; tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở này.
5. The Ministry of Natural Resources and Environment shall direct and cooperate with the Ministry of Industry and Trade, other relevant Ministries, quasi-ministerial organs, Governmental bodies and provincial People’s Committees in jointly providing guidance on the statistical report on waste discharges, assessment of environmental contamination level of mineral extraction and processing sites; examine and inspect the compliance with laws on the environmental protection thereof.

Chương IV
Chapter IV

ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
RESPONSE TO CLIMATE CHANGE

Điều 39. Quy định chung về ứng phó với biến đổi khí hậu
Article 39. General provisions on the response to climate change

1. Mọi hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết hài hòa với ứng phó biến đổi khí hậu.
1. All activities relating to the environmental protection must be harmoniously connected with the response to climate change.

2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
2. Organizations or individuals shall be responsible to fulfill requirements for the environmental protection and response to climate change during their production, trading and service provision as stipulated in this Law and other relevant laws.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng, triển khai thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc phạm vi quản lý của mình.
3. Ministries, quasi-ministerial organs and People’s Committees at all administrative levels shall design and develop the action plan for the environmental protection and response to climate change within their area of competence.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp Chính phủ xây dựng, tổ chức thực hiện, hướng dẫn các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
4. The Ministry of Natural Resources and Environment shall assist the Government in designing, implementing and providing guidelines for the responses to climate change.

Điều 40. Lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Article 40. Integration of main contents of responses to climate change with the strategy, planning and proposal for socio-economic development

1. Nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu phải được thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy định tại Điều 13 của Luật này.
1. Main contents of response to climate change must be included in the strategy, planning, proposal for socio-economic development as well as planning for industrial and sectoral development, which is applicable to objects required to make a report on strategic environment assessment as prescribed in Article 13 of this Law.

2. Việc tích hợp nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực phải dựa trên cơ sở đánh giá tác động qua lại giữa các hoạt động của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch với môi trường, biến đổi khí hậu và xây dựng hệ thống giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
2. The integration of main contents of responses to climate change into the strategy, planning and proposal for socio-economic development as well as planning for industrial and sectoral development must rely on the assessment of correlation of activities described in the strategy, planning and proposal with the environment, climate change, and a range of measures to be taken for the environmental protection and response to climate change.

Điều 41. Quản lý phát thải khí nhà kính
Article 41. Management of greenhouse gas emissions

1. Nội dung quản lý phát thải khí nhà kính gồm:
1. Management of greenhouse gas emissions shall be described as follows:

a) Xây dựng hệ thống quốc gia về kiểm kê khí nhà kính;
a) Setting the national regulations on the inventorying of greenhouse gases;

b) Thực hiện các hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội;
b) Taking action to reduce the harmful impact of greenhouse gases in conformity with socio-economic conditions;

c) Quản bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng, bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái;
c) Managing the forest resources in a sustainable manner, conserving and increasing forest carbon stock, protecting and fostering ecosystems;

d) Kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ các quy định về kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;
d) Examining and inspecting the compliance with regulations on inventorying and reducing greenhouse gas emissions;

đ) Hình thành và phát triển thị trường tín chỉ các-bon trong nước và tham gia thị trường tín chỉ các-bon thế giới;
dd) Creating and developing carbon credit markets in the country, and participating in carbon credit markets in the globe;

e) Hợp tác quốc tế về giảm nhẹ khí nhà kính.
e) Entering into the international cooperation in an effort to reduce greenhouse gases.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, ngành có liên quan tổ chức kiểm kê khí nhà kính, xây dựng báo cáo quốc gia về quản lý phát thải khí nhà kính phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall direct and cooperate with relevant Ministries and industries in carrying out the inventorying of greenhouse gases, compile a national report on the management of greenhouse gas emission which meet the rigorous standards set out in the international agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

Điều 42. Quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn
Article 42. Management of ozone-depleting substances

1. Ưu tiên xây dựng, thực hiện chính sách, kế hoạch quản lý, giảm thiểu, loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.
1. Prioritize the introduction and implementation of policies on and plans for management, mitigation and elimination of ozone-depleting substances.

2. Cấm sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất và tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Prohibit the production, importation, temporary importation and re-exportation as well as consumption of ozone-depleting substances in uniformity with the regulations set out in the international agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

Điều 43. Phát triển năng lượng tái tạo
Article 43. Renewable energy development

1. Năng lượng tái tạo là năng lượng được khai thác từ nước, gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, sóng biển, nhiên liệu sinh học và các nguồn tài nguyên năng lượng có khả năng tái tạo khác.
1. Renewable energy refers to energy that comes from resources such as water, wind, sunlight, geothermal heat, tides, waves, biological fuels and other resources that can generate renewable energy.

2. Khuyến khích sản xuất, nhập khẩu, sử dụng máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông dùng năng lượng tái tạo.
2. Promote the production, importation and employment of renewable energy-driven machinery, equipment and means of transport.

Điều 44. Sản xuất và tiêu thụ thân thiện môi trường
Article 44. Eco-friendly production and consumption

1. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm tham gia sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.
1. Agencies, organizations, family households or individuals shall be responsible to manufacture and consume eco-friendly products and services.

2. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được chứng nhận nhãn sinh thái theo quy định của pháp luật.
2. The Head of state budget-funded institutions shall bear their responsibility for preferring eco-friendly products and services that have been recognized as ecolabels under legal regulations.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông giới thiệu, quảng bá về sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.
3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall direct and cooperate with communications agencies in performing the advertisement and promotion activities for such eco-friendly products and services.

Điều 45. Thu hồi năng lượng từ chất thải
Article 45. Waste-to-energy process

1. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải.
1. Owner of manufacturing or business establishments must be responsible for reducing, reusing and recycling wastes, and generating the energy from wastes.

2. Nhà nước có chính sách khuyến khích giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải.
2. The Government shall provide preferential policies on the mitigation, reuse and recycling of wastes, and generation of the energy from wastes.

Điều 46. Quyền và trách nhiệm của cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu
Article 46. Rights and responsibilities of the human community for the response to climate change

1. Cộng đồng có quyền được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về biến đổi khí hậu, trừ các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước.
1. Human community shall be vested with the right to provide and request the provision of information about climate change issues, exclusive of information specified in the list of state secret information.

2. Cộng đồng có trách nhiệm tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
2. Human community shall be responsible for participating in activities relating to the response to climate change.

3. Cơ quan quản lý về biến đổi khí hậu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
3. The regulatory agency in charge of climate change issues shall bear responsibility for providing information and create events to raise people's awareness of climate change as well as provide better supports to human communities to get involved in activities relating to the response to climate change.

Điều 47. Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu
Article 47. Development and application of technological and scientific advances for the response to climate change

1. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ về ứng phó với biến đổi khí hậu được ưu tiên gồm:
1. All activities relating to the study, transfer and application of technological and scientific advances for the response to climate change shall be given priority, including:

a) Phát triển ngành và liên ngành khoa học về quản lý, đánh giá, giám sát và dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, sức khỏe cộng đồng;
a) Developing a single scientific discipline or a combination of scientific disciplines of the management, assessment, supervision and prediction of impacts caused by climate change on the socio-economic growth, environmental issues and community health;

b) Hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ hiện đại trong giảm nhẹ khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường sức cạnh tranh của các ngành kinh tế, sản xuất trọng điểm, phát triển nền kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng xanh.
b) Conduct basic and applied scientific investigation and research; develop and transfer technological advances in reducing greenhouse gases and coping with climate change; enhance the competitiveness of the economy, key manufacturing industries; promote the development of low carbon economy and green growth.

2. Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thực hiện hoặc tham gia hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
2. Agencies, organizations and manufacturing or business establishment shall be responsible for conducting or engaging in scientific and technological researches, transfer and application with the aim of responding to the climate change.

Điều 48. Hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu
Article 48. International cooperation in the response to climate change

1. Nhà nước có chính sách hợp tác quốc tế thu hút đầu tư, hỗ trợ tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới nền kinh tế xanh.
1. The State shall introduce policies on international cooperation in attracting more investments, financial aids, develop and transfer technologies, and enhance its competence in taking measures to respond to the climate change with the aim of building a green economy in the future.

2. Chính phủ quy định lộ trình, phương thức tham gia hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính toàn cầu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và cam kết tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. The Government shall regulate the roadmap and modality for their participation in reducing global greenhouse gases in conformity with socio-economic conditions and commitments made in the international agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

Chương V
Chapter V

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO
PROTECTION OF MARINE AND ISLAND ENVIRONMENT

Điều 49. Quy định chung về bảo vệ môi trường biển và hải đảo
Article 49. General provisions on the protection of marine and island environment

1. Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh liên quan đến biển và hải đảo phải có nội dung về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
1. Strategy, planning and proposal for the socio-economic development, national defense and security relating to sea and islands must include environmental protection and response to climate change.

2. Nguồn phát thải từ đất liền, hải đảo và các hoạt động trên biển phải được kiểm soát, ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Waste sources discharged from mainland, islands and marine activities must be controlled, prevented, mitigated and disposed in accordance with laws.

3. Việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên biển và hải đảo phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức cứu hộ, cứu nạn và tổ chức, cá nhân có liên quan khác.
3. Prevention and response to environmental emergencies that take place on the sea and islands require the close cooperation between regulatory bodies, rescue teams and other relevant entities.

4. Tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển và hải đảo phải chủ động ứng phó sự cố môi trường và có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân có liên quan khác trong ứng phó sự cố môi trường trên biển và hải đảo.
4. Organizations or individuals operating on the sea and islands must take the initiative in responding to environmental emergencies and bear their responsibility for working with regulatory bodies and other interested entities to respond to environmental emergencies that occur on the sea and islands.

5. Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch khai thác nguồn lợi từ biển, hải đảo, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng ngập mặn, khu di sản tự nhiên và hải đảo phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch bảo vệ môi trường.
5. Strategy, planning and proposal for the extraction of natural resources from marine zones, islands, wildlife sanctuaries, mangrove forest, natural and island heritage sites must align with the strategy and planning for environmental protection.

Điều 50. Kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường biển và hải đảo
Article 50. Controlling and processing of marine and island environment pollution

1. Chất thải từ đất liền ra biển, phát sinh trên biển và hải đảo phải được thống kê, phân loại, đánh giá và có giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
1. Waste substances discharged from the mainland to the seas and derived from the sea and islands must be statistically reported, assessed and subject to any measure to be taken to prevent, reduce and dispose them to achieve accepted standards set out in the technical regulations on environment.

2. Dầu, mỡ, dung dịch khoan, nước dằn tàu, hóa chất và các chất độc hại khác được sử dụng trong các hoạt động trên biển và hải đảo sau khi sử dụng phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý theo quy định về quản lý chất thải.
2. Oil, fat, drilling fluids, ballast water, chemicals and other hazardous substances after being used for activities on the sea and islands must be collected, stored, transported and disposed in accordance with regulations on waste management.

3. Việc nhận chìm, đổ thải ở biển và hải đảo phải căn cứ vào đặc điểm, tính chất của loại chất thải và phải được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
3. Dumping and discharge of wastes on the marine zones and islands must be based on the specific features and attributes of wastes and must be permitted by the competent regulatory agencies.

4. Kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường biển và hải đảo phải tuân thủ các điều ước quốc tế về biển và hải đảo mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
4. Preventive and remedial measures against marine and island environmental pollution must comply with International Agreements on sea and islands to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

Điều 51. Phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trên biển và hải đảo
Article 51. Prevention of and response to marine and island environmental emergencies

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển và hải đảo có nguy cơ gây sự cố môi trường phải có kế hoạch, nguồn lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
1. Organizations or individuals whose activities on the sea and islands can pose a threat to causing environmental emergencies must set up plan and prepare resources to prevent and respond to environmental emergencies as well as send a report to regulatory agencies.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cảnh báo, thông báo kịp thời về sự cố môi trường trên biển và tổ chức ứng phó, khắc phục hậu quả.
2. Ministries, quasi-ministerial agencies, Governmental organs and provincial People’s Committees within their powers and jurisdiction must be responsible for promptly alerting and notifying any marine environmental emergency as well as take responsive and remedial measures.

Chương VI
Chapter VI

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NƯỚC, ĐẤT VÀ KHÔNG KHÍ
ENVIRONMENTAL PROTECTION FOR WATER, LAND AND AIR

Mục 1. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NƯỚC SÔNG
Section 1. ENVIRONMENTAL PROTECTION FOR RIVER WATER

Điều 52. Quy định chung về bảo vệ môi trường nước sông
Article 52. General provisions on the environmental protection for river water

1. Bảo vệ môi trường nước sông là một trong những nội dung cơ bản của quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng nước sông.
1. The environmental protection for river water is one of basic requirements set out in the planning and proposal for extraction and utilization of river water.

2. Nguồn thải vào lưu vực sông phải được quản lý phù hợp với sức chịu tải của sông.
2. Waste discharges drained out to the river basin must be managed to meet the accepted standards of river’s maximal load.

3. Chất lượng nước sông, trầm tích phải được theo dõi, đánh giá.
3. The quality of river water and sediments must be monitored and assessed.

4. Bảo vệ môi trường lưu vực sông phải gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác và sử dụng nguồn nước sông.
4. The environmental protection for the river basin must be closely connected with the biodiversity conservation, river water extraction and utilization.

5. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý chất thải trước khi xả thải vào lưu vực sông theo quy định của pháp luật.
5. Owners of manufacturing or business establishments, family households and individuals must be responsible for reducing and disposing of waste substances before being discharged to the river basin as stipulated by laws.

Điều 53. Nội dung kiểm soát và xử ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông
Article 53. Processes for monitoring and controlling the river-water environmental pollution

1. Thống kê, đánh giá, giảm thiểu và xử chất thải đổ vào lưu vực sông.
1. Make a statistical report, assess, mitigate and dispose of wastes discharged to the river basin.

2. Định kỳ quan trắc và đánh giá chất lượng nước sông và trầm tích.
2. Carry out the periodical monitoring and assessment of the quality of river water and sediments.

3. Điều tra, đánh giá sức chịu tải của sông; công bố các đoạn sông, dòng sông không còn khả năng tiếp nhận chất thải; xác định hạn ngạch xả nước thải vào sông.
3. Investigate and assess the river’s maximal load; publicize river sections or rivers that are no longer capable of loading waste substances; determine the limited amount of wastes discharged to the river.

4. Xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường dòng sông, đoạn sông bị ô nhiễm.
4. Control pollution conditions and improve the environmental condition for contaminated river sections or rivers.

5. Quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường nước, trầm tích sông xuyên biên giới và chia sẻ thông tin trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế.
5. Conduct the trans-border monitoring and assessment of the environmental quality of river water and sediments, and share necessary information on the basis of complying with international laws and practices.

6. Xây dựng và tổ chức thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông.
6. Develop and become involved in the initiative for the river environmental protection.

7. Công khai thông tin về môi trường nước và trầm tích của lưu vực sông cho các tổ chức quản lý, khai thác và sử dụng nước sông.
7. Disclose the information about river water and sediment environment to the organization specializing in the management, extraction and utilization of river water.

Điều 54. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với bảo vệ môi trường nước lưu vực sông nội tỉnh
Article 54. Responsibility of provincial People’s Committees for the environmental protection for water derived from provincial rivers

1. Công khai thông tin các nguồn thải vào lưu vực sông.
1. Disclose the information about waste discharges into rivers.

2. Chỉ đạo, tổ chức các hoạt động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn thải vào lưu vực sông.
2. Direct and arrange activities to prevent and control waste discharges drained to the river.

3. Tổ chức đánh giá sức chịu tải của sông; ban hành hạn ngạch xả nước thải vào sông; công bố thông tin về những đoạn sông không còn khả năng tiếp nhận chất thải.
3. Conduct the assessment of the river’s maximal load; determine the limited amount of wastes discharged to the river; publicize river sections or rivers that are no longer capable of loading waste substances.

4. Tổ chức đánh giá thiệt hại do ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông.
4. Carry out the assessment of loss incurred by the river-water environmental pollution and the control of such pollution conditions.

5. Chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông.
5. Direct the formulation and development of the initiative for the river environmental protection.

Điều 55. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với bảo vệ môi trường nước lưu vực sông
Article 55. Responsibility of the Ministry of Natural Resources and Environment for the river-water environmental protection

1. Đánh giá chất lượng môi trường nước, trầm tích các lưu vực sông liên tỉnh và xuyên biên giới.
1. Assess the quality of river water and sediments at inter-provincial and trans-border rivers.

2. Điều tra, đánh giá sức chịu tải, xác định hạn ngạch xả nước thải phù hợp với mục tiêu sử dụng nước và công bố thông tin.
2. Investigate and assess the river’s maximal load, determine the limited amount of waste discharges which corresponds to the objective of using water and making the related information known to the public.

3. Ban hành, hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật môi trường nước và trầm tích lưu vực sông.
3. Issue and provide guidance for the implementation of technical regulations on river-water and sediment environment.

4. Ban hành, hướng dẫn việc đánh giá sức chịu tải của lưu vực sông, hạn ngạch xả nước thải vào sông liên tỉnh, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường các dòng sông, đoạn sông bị ô nhiễm.
4. Issue and provide guidance for the assessment of the river’s maximal load and quota of sewage discharged to the inter-provincial rivers, control the pollution condition and improve the environmental health for contaminated river and river sections.

5. Tổ chức và chỉ đạo hoạt động bảo vệ môi trường lưu vực sông liên tỉnh.
5. Arrange and direct activities that should be performed for the purpose of the environmental protection for inter-provincial river water.

6. Tổ chức đánh giá các nguồn thải gây ô nhiễm, mức độ thiệt hại và tổ chức xử lý ô nhiễm lưu vực sông liên tỉnh.
6. Conduct the assessment of the polluting waste discharges, damaging levels and take measures to control the pollution condition for inter-provincial rivers.

7. Tổng hợp thông tin về chất lượng môi trường nước, trầm tích các lưu vực sông, hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
7. Make a final report on the information about the quality of river water and sediments and send an annual report on this matter to the Prime Minister.

8. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông liên tỉnh.
8. Prepare and submit the initiative for the water environmental protection for inter-provincial rivers to the Prime Minister to seek an approval.

Mục 2. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CÁC NGUỒN NƯỚC KHÁC
Section 2. ENVIRONMENTAL PROTECTION FOR OTHER SOURCES OF WATER

Điều 56. Bảo vệ môi trường nguồn nước hồ, ao, kênh, mương, rạch
Section 56. Environmental protection for lake, pond, canal and ditch water

1. Nguồn nước hồ, ao, kênh, mương, rạch phải được điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng và bảo vệ để điều hòa nguồn nước.
1. The reserve and quality of lake, pond, canal and ditch water sources must be investigated, assessed and protected for the purpose of water moderation.

2. Hồ, ao, kênh, mương, rạch trong đô thị, khu dân cư phải được quy hoạch để cải tạo, bảo vệ.
2. Lake, pond, canal and ditch located in the urban and residential area must be renovated and protected to meet the requirements set out in the planning.

3. Tổ chức, cá nhân không được lấn chiếm, xây dựng trái phép công trình, nhà ở trên mặt nước hoặc trên bờ tiếp giáp mặt nước hồ, ao, kênh, mương, rạch; hạn chế tối đa việc san lấp hồ, ao trong đô thị, khu dân cư.
3. Organizations or individuals do not allow to encroach upon and illegally erect houses and structures on the water surface or near lake, pond, canal and ditch; restrict the sand-filling of lake and pond in the urban and residential area.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng và lập kế hoạch bảo vệ, điều hòa chế độ nước của hồ, ao, kênh, mương, rạch; lập và thực hiện kế hoạch cải tạo hoặc di dời các khu, cụm nhà ở, công trình trên hồ, ao, kênh, mương, rạch gây ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn dòng chảy, suy thoái hệ sinh thái đất ngập nước và làm mất mỹ quan đô thị.
4. Provincial People’s Committees take responsibility for investigating and assessing the reserve and quality of water as well as set up plans for protection and moderation of water flows on lake, pond, canal and ditch; formulate and develop the plan for renovation or relocation of residential zones, clusters and structures built on the lake, pond, canal and ditch that can cause environmental pollution and block the water current as well as degrade the wetland environment and ruin urban landscapes.

Điều 57. Bảo vệ môi trường hồ chứa nước phục vụ mục đích thủy lợi, thủy điện
Article 57. Environmental protection for water reservoirs or lakes for the purpose of irrigation and hydropower

1. Việc xây dựng, quản lý và vận hành hồ chứa nước phục vụ mục đích thủy lợi, thủy điện phải gắn với bảo vệ môi trường.
1. The construction, management and operation of water reservoirs or lakes for the purpose of irrigation and hydropower must meet the requirement for the environmental protection.

2. Không được lấn chiếm diện tích, đổ chất thải rắn, đất, đá vào hồ; xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường vào hồ.
2. Do not encroach upon the land area and dump solid wastes, lands and stones out to lakes; drain wastewater that has not been treated properly as required by the technical regulations on environment into the lake.

3. Cơ quan quản lý hồ chứa nước phục vụ mục đích thủy lợi, thủy điện có trách nhiệm quan trắc môi trường nước hồ định kỳ tối thiểu 03 tháng một lần.
3. The agency in charge of water reservoirs or lakes for the purpose of irrigation and hydropower shall be responsible to conduct the tri-monthly environmental monitoring for lake water.

Điều 58. Bảo vệ môi trường nước dưới đất
Article 58. Environmental protection for underground water

1. Chỉ được sử dụng các loại hóa chất trong danh mục cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thăm dò, khai thác nước dưới đất.
1. Only allow to use permitted chemical in the approved list released by the competent regulatory agency in course of prospecting and extraction of underground water.

2. Có biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước dưới đất qua giếng khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất. Cơ sở khai thác nước dưới đất có trách nhiệm phục hồi môi trường khu vực thăm dò, khai thác. Các lỗ khoan thăm dò, lỗ khoan khai thác không còn sử dụng phải được trám lấp theo đúng quy trình kỹ thuật.
2. Take preventive measures against the pollution of underground water through prospecting and extraction wells. Underground water facilities must be responsible for environmental remediation at prospecting and extraction sites. Abandoned exploration and extraction drill holes must be refilled in compliance with proper technical process.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sử dụng hóa chất độc hại, chất phóng xạ phải có biện pháp bảo đảm không để rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại và chất thải phóng xạ vào nguồn nước dưới đất.
3. Production, trading and service provision facilities that employ harmful chemicals and radioactive substances must apply preventive measures against leakage and spread out to the underground water.

4. Kho chứa hóa chất, cơ sở xử lý, khu chôn lấp chất thải nguy hại phải được xây dựng bảo đảm an toàn kỹ thuật, có biện pháp ngăn cách hóa chất độc hại ngấm vào nguồn nước dưới đất theo quy định của pháp luật.
4. Chemical sheds, treatment facilities and landfills of hazardous wastes must be developed to ensure technical safety, and apply necessary measures to barricade harmful chemicals absorbed into the underground water in accordance with legal regulations.

5. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm nước dưới đất phải có trách nhiệm xử lý ô nhiễm nước dưới đất.
5. Organizations or individuals who contaminate the underground water must assume their responsibility for dealing with the underground water pollution.

Mục 3. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐẤT
Section 3. Protection of land environment

Điều 59. Quy định chung về bảo vệ môi trường đất
Article 59. General provisions on the environmental protection for land

1. Bảo vệ môi trường đất là một trong những nội dung cơ bản của quản lý tài nguyên đất.
1. The environmental protection is one of fundamental requirements for the management of land resource.

2. Quy hoạch, kế hoạch, dự án và các hoạt động có sử dụng đất phải xem xét tác động đến môi trường đất và có giải pháp bảo vệ môi trường đất.
2. Sketch out the planning, proposal, project and action plan for the land utilization must consider the impact on land environment and introduce measures to protect the land environment.

3. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quyền sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ môi trường đất.
3. Organization, family household and individual who is vested with the land ownership is obliged to perform the land environmental protection.

4. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm môi trường đất có trách nhiệm xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất.
4. Organization, family household and individual who pollutes the land environment shall be liable to carry out the treatment, renovation and remediation of land environment.

Điều 60. Quản lý chất lượng môi trường đất
Article 60. Management of land environmental quality

1. Chất lượng môi trường đất phải được điều tra, đánh giá, phân loại, quản lý và công khai thông tin đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.
1. Land environmental quality must be investigated, assessed, classified and managed as well as disclose relevant information to organizations and individuals involved.

2. Việc phát thải chất thải vào môi trường đất không được vượt quá khả năng tiếp nhận của môi trường đất.
2. Wastes discharged into the land environment are not allowed to exceed the land’s maximal load.

3. Vùng đất có nguy cơ suy thoái phải được khoanh vùng, theo dõi và giám sát.
3. Land areas faced with the degradation must be confined to being expanded, tracked and monitored.

4. Vùng đất bị suy thoái phải được cải tạo, phục hồi.
4. Degraded land areas must be rehabilitated and restored.

5. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tổ chức điều tra, đánh giá và công khai thông tin về chất lượng môi trường đất.
5. The regulatory agency in charge of the environmental protection must be responsible for investigating, assessing and disclosing relevant information about the land environmental quality.

Điều 61. Kiểm soát ô nhiễm môi trường đất
Article 61. Controlling of land environmental pollution

1. Các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất phải được xác định, thống kê, đánh giá và kiểm soát.
1. Elements that can pose a risk of polluting the land environment must be defined, statistically reported, assessed and controlled.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tổ chức kiểm soát ô nhiễm môi trường đất.
2. The regulatory agencies in charge of the environmental protection shall be responsible for taking necessary measures to control the land pollution.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thực hiện biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường đất tại cơ sở.
3. Manufacturing or business establishments shall be responsible for applying measures to control the environmental pollution thereat.

4. Vùng đất, bùn bị ô nhiễm dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ dùng trong chiến tranh, thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu và chất độc hại khác phải được điều tra, đánh giá, khoanh vùng và xử lý bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường.
4. Land areas containing soil and mud exposed to the dioxin agent which is derived from the herbicide used in the war time, remains of plant pesticides and other hazardous substances must be investigated, assessed, restricted and disposed in order to meet the required standards set out in the environmental protection regulations.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
5. Details of this Article shall be regulated by the Government.

Mục 4. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ
Section 4. PROTECTION OF AIR ENVIRONMENT

Điều 62. Quy định chung về bảo vệ môi trường không khí
Article 62. General provisions on the aerial environment protection

1. Các nguồn phát thải khí vào môi trường phải được đánh giá và kiểm soát.
1. All waste gases discharged into the aerial environment must be assessed and controlled.

2. Tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát thải khí tác động xấu đến môi trường có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý bảo đảm chất lượng môi trường không khí theo quy định của pháp luật.
2. Organizations or individuals involving in the harmful gas emission that causes bad effects on the environment during their production, trading and service provision activities must be responsible for reducing and disposing of such waste gases in order to meet the accepted standards for aerial environment as stipulated by laws.

Điều 63. Quản lý chất lượng môi trường không khí xung quanh
Article 63. Management of aerial environment quality

Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm theo dõi, đánh giá chất lượng môi trường không khí xung quanh và công bố công khai thông tin; trường hợp môi trường không khí xung quanh bị ô nhiễm thì phải cảnh báo, xử lý kịp thời.
The regulatory agency in charge of the environmental protection shall take their responsibility for monitoring and assessing the quality of aerial environment as well as disclose relevant information hereof; where the air pollution is detected, a prompt alert and solution must be in place.

Điều 64. Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí
Article 64. Controlling of aerial environment pollution

1. Nguồn phát thải khí phải được xác định về lưu lượng, tính chất và đặc điểm của khí thải.
1. Waste gas emission source must be determined in respect of amount, properties and features of these emissions.

2. Việc xem xét, phê duyệt dự án và hoạt động có phát thải khí phải căn cứ vào sức chịu tải của môi trường không khí, bảo đảm không có tác động xấu đến con người và môi trường.
2. The examination and approval of projects and operations that emit waste gases must depend on the aerial environment’s maximal load and ensure none of threats to human and environmental health.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn phát thải khí công nghiệp lớn phải đăng ký nguồn gây ô nhiễm, đo đạc, thống kê, kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về lưu lượng, tính chất, đặc điểm khí thải.
3. Manufacturing or business establishments that are likely to emit a large amount of industrial waste gases must register polluting sources, measure, statistically report, inventory and set up database relating to the amount, characteristics and properties of waste emissions.

4. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn phát thải khí công nghiệp lưu lượng lớn phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục và được cơ quan quản nhà nước có thẩm quyền cấp phép xả thải.
4. Manufacturing or business establishments that are own the large source of industrial emissions must install the automatic and non-stop waste-gas monitoring equipment and must be licensed by the relevant competent authority.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
5. Details of this Article shall be regulated by the Government.

Chương VII
Chapter VII

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ
ENVIRONMENTAL PROTECTION IN MANUFACTURING, TRADING, AND SERVICE PROVISION

Điều 65. Bảo vệ môi trường khu kinh tế
Article 65. Environmental protection in economic zones

1. Khu kinh tế phải có công trình hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
1. Every economic zone must have infrastructure works serving environmental protection as prescribed by law.

2. Ban quản lý khu kinh tế phải có bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường.
2. Every management board of economic zones must have a unit specialized in environmental protection.

3. Ban quản lý khu kinh tế phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tổ chức thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường; báo cáo về công tác bảo vệ môi trường trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật.
3. The management boards of economic zones shall cooperate with local regulatory bodies in organizing environmental protection and shall report the environmental protection tasks in economic zones as prescribed by law.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.
4. The Minister of Natural Resources and Environment shall elaborate this Article.

Điều 66. Bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao
Article 66. Environmental protection in industrial parks, export-processing zones, and hi-tech zones

1. Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tổ chức kiểm tra hoạt động về bảo vệ môi trường; báo cáo về hoạt động bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật.
1. Management boards of industrial parks, export-processing zones, and hi-tech zones shall cooperate with local regulatory bodies in inspecting environmental protection tasks and report the environmental protection tasks in their industrial parks, export-processing zones, and hi-tech zones as prescribed by law.

2. Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải có bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường.
2. Management boards of industrial parks, export-processing zones, and hi-tech zones must have units specialized in environmental protection.

3. Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải bảo đảm các yêu cầu sau:
3. Investors in industrial parks, export-processing zones, and hi-tech zones must satisfy the requirements below:

a) Quy hoạch các khu chức năng, các loại hình hoạt động phải phù hợp với các hoạt động bảo vệ môi trường;
a) The zoning and operations must be suitable for environmental protection tasks;

b) Đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và có hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục; có thiết bị đo lưu lượng nước thải;
b) The concentrated wastewater collection and treatment system are conformable with environmental regulations; there is an automatic and continuous wastewater monitoring system as well as wastewater flow rate meters.

c) Bố trí bộ phận chuyên môn phù hợp để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
c) Appropriate units are assigned to take charge of environmental protection tasks.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.
4. The Minister of Natural Resources and Environment shall elaborate this Article.

Điều 67. Bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung
Article 67. Environmental protection in industrial complexes and concentrated business zones

1. Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp phải thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường sau:
1. Investors in industrial complexes and concentrated business zones must perform the following environmental protection tasks:

a) Xây dựng phương án bảo vệ môi trường;
a) Formulate an environmental protection plan;

b) Đầu tư hệ thống thu gom, xử nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
b) Invest in a wastewater collection and treatment system that meet environmental standards;

c) Tổ chức quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật;
c) Carry out environmental monitoring as prescribed by law;

d) Bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường.
d) Assign employees in charge of environmental protection.

2. Ban quản lý khu kinh doanh, dịch vụ tập trung phải thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường sau:
2. Management boards of concentrated business zones shall perform the environmental protection tasks below:

a) Xây dựng phương án bảo vệ môi trường;
a) Formulate an environmental protection plan;

b) Đầu tư hệ thống thu gom nước thải, chất thải rắn đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
b) Invest in a wastewater and solid waste collection and treatment system that meet environmental standards;

c) Bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường.
c) Assign employees in charge of environmental protection.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:
3. The People’s Committees of districts are obliged to:

a) Kiểm tra, thanh tra việc xây dựng và triển khai phương án bảo vệ môi trường tại cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung;
a) Inspect the formulation and implementation of environmental protection plans in industrial complexes and concentrated business zones;

b) Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về công tác bảo vệ môi trường tại cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung.
b) Submit reports on environmental protection in industrial complexes and concentrated business zones to competent authorities.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.
4. The Minister of Natural Resources and Environment shall elaborate this Article.

Điều 68. Bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
Article 68. Environmental protection in manufacturing and business establishments

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau:
1. Manufacturing and business establishments are obliged to:

a) Thu gom, xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
a) Collect and treat wastewater in accordance with environmental standards;

b) Thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải rắn theo quy định của pháp luật;
b) Collect, classify, store, treat, and discharge solid waste in accordance with law;

c) Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải theo quy định của pháp luật; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động;
c) Minimize, collect, treat dust and exhaust gases in accordance with law; ensure no leakage and discharge of noxious gases into the environment; limit noise, vibration, light and heat emission that negatively affects the surrounding environment and employees;

d) Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị đáp ứng khả năng phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường;
d) Provide sufficient resources and equipment for prevention and response to environmental emergencies;

đ) Xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ môi trường.
dd) Formulate and implement environmental protection plans;

2. Cơ sở sản xuất hoặc kho tàng thuộc các trường hợp sau phải có khoảng cách bảo đảm không có tác động xấu đối với khu dân cư:
2. Manufacturing establishments or warehouses must ensure that there are no negative impacts on residential areas if they:

a) Có chất dễ cháy, dễ nổ;
a) Have inflammable and/or explosive substances;

b) Có chất phóng xạ hoặc bức xạ mạnh;
b) Have radioactive substances or strongly radiating substances;

c) Có chất độc hại đối với người và sinh vật;
c) Have substances that are harmful to humans and animals;

d) Phát tán bụi, mùi, tiếng ồn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người;
d) Emit dust, smell, noise that negatively affect human health;

đ) Gây ô nhiễm nguồn nước.
dd) Cause pollution to water sources.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh lượng chất thải lớn, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường phải có bộ phận chuyên môn hoặc nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường; phải được xác nhận hệ thống quản lý môi trường theo quy định của Chính phủ.
3. Manufacturing and business establishments that produce a large a mount of waste that is likely to seriously affect the environment must specialized units or employees specialized in environmental protection; the environment management systems of which must be certified as prescribed by the government.

4. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và quy định của pháp luật có liên quan.
4. Owners of manufacturing and business establishments are responsible for fulfilling the environmental protection requirements in Clauses 1, 2, and 3 of this Article and relevant regulations of law.

Điều 69. Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp
Article 69. Environmental protection in agricultural production

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y phải thực hiện quy định về bảo vệ môi trường tại khoản 1 và khoản 2 Điều 78 của Luật này.
1. Every entity that produces, imports, sells, and/or uses pesticides and veterinary medicines must comply with environmental protection regulations in Clause 1 and Clause 2 Article 78 of this Article.

2. Phân bón, sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi đã hết hạn sử dụng; dụng cụ, bao bì đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sau khi sử dụng phải được xử lý theo quy định về quản lý chất thải.
2. Expired fertilizers, products for breeding environment remediation; containers of fertilizers, pesticides and veterinary medicine must be treated after use in accordance with waste management regulations.

3. Khu chăn nuôi tập trung phải có phương án bảo vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu sau:
3. Every concentrated breeding zone must have an environmental protection plan and:

a) Bảo đảm vệ sinh môi trường đối với khu dân cư;
a) Ensure environmental hygienic of the residential areas;

b) Thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải;
b) Collect, treat wastewater and solid wastes in accordance with waste management regulations;

c) Chuồng, trại phải được vệ sinh định kỳ; bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh;
c) Periodically clean the farms, pens to prevent, and response to epidemics;

d) Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh.
d) Deal with dead animals in accordance with regulations on hazardous waste management and preventive medicine.

Điều 70. Bảo vệ môi trường làng nghề
Article 70. Environmental protection in trade villages

1. Làng nghề phải đáp ứng điều kiện về bảo vệ môi trường sau:
1. Every trade villages are obliged to:

a) Có phương án bảo vệ môi trường làng nghề;
a) Have an environmental protection plan;

b) Có kết cấu hạ tầng bảo đảm thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
b) Have infrastructure works for collecting, classifying, storing, treating, and discharging wastes in accordance with environmental standards;

c) Có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường.
c) Has an autonomous unit in charge of environmental protection.

2. Cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề do Chính phủ quy định phải đáp ứng các yêu cầu sau:
2. Manufacturing establishments involved in the trades encouraged by the government in trade villages are obliged to:

a) Xây dựng và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
a) Formulate and implement environmental protection plans as prescribed by law;

b) Thực hiện các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật.
b) Take measures to minimize noise, vibration, light, dust, heat, exhaust gases, wastewater; tackle pollution on the spot; collect, classify, store, and treat solid wastes as prescribed by law.

3. Cơ sở sản xuất không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này phải đáp ứng các yêu cầu sau:
3. Manufacturing establishments other than those mentioned in Clause 2 of this Article are obliged to:

a) Tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 68 của Luật này;
a) Comply with regulations in Clause 1 Article 68 of this Law;

b) Tuân thủ kế hoạch di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
b) Comply with the plans for relocation or trade conversion made by competent authorities.

4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã có làng nghề được quy định như sau:
4. The People’s Committees of communes that have trade villages are obliged to:

a) Lập, triển khai thực hiện phương án bảo vệ môi trường cho làng nghề trên địa bàn;
a) Formulate and implement environmental protection plans in local trade villages;

b) Hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề;
c) Provide instructions on operation of autonomous units in charge of environmental protection in trade villages;

c) Hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác bảo vệ môi trường làng nghề.
c) Submit annual reports on environmental protection in trade villages to the People’s Committee of the district.

5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện có làng nghề được quy định như sau:
5. The People’s Committees of districts that have trade villages are obliged to:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn;
a) Direct and inspect environmental protection in local trade villages;

b) Hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác bảo vệ môi trường làng nghề.
b) Submit annual reports on environmental protection in trade villages to the People’s Committee of the province.

6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có làng nghề được quy định như sau:
6. The People’s Committees of provinces that have trade villages are obliged to:

a) Quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường;
a) Attach environmental protection to development and renovation of trade villages;

b) Bố trí ngân sách cho các hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề;
b) Provide funding for environmental protection in trade villages;

c) Chỉ đạo, tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn;
c) Direct and organize assessment of pollution levels and deal with environmental pollution in local trade villages;

d) Chỉ đạo xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải; khu tập kết, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại cho làng nghề;
d) Direct the development of wastewater collection and treatment systems; gathering sites for conventional solid wastes and hazardous wastes produced by trade villages.

đ) Quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề; có kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư.
dd) Make planning for trade villages complexes; move establishments causing serious environmental pollution from residential areas.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
7. The government shall elaborate this Article.

Điều 71. Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản
Article 71. Environmental protection in aquaculture

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc thú y thủy sản, hóa chất trong nuôi trồng thủy sản phải thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật có liên quan.
1. Every entity that produces, imports, and/or sells aquacultural medicines or chemicals must comply with environmental protection regulations and relevant regulations of law.

2. Không được sử dụng thuốc thú y thủy sản, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép trong nuôi trồng thủy sản.
2. Do not use aquacultural medicines or chemicals that are expired or not on the list of permissible substances in aquaculture.

3. Thuốc thú y thủy sản, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản đã hết hạn sử dụng; bao bì đựng thuốc thú y thủy sản, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản sau khi sử dụng; bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh trong ao nuôi thủy sản phải được thu gom, xử lý theo quy định về quản lý chất thải.
3. Expired aquaculture medicines and chemicals; used containers of aquaculture medicines and chemicals, mud and feed that deposit while cleaning must be collected and treated in accordance with waste management regulations.

4. Khu nuôi trồng thủy sản tập trung phải phù hợp với quy hoạch và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường sau:
4. Concentrated aquaculture zones must be conformable with planning and satisfy the following requirements:

a) Chất thải phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật;
b) Wastes are collected and treated in accordance with law;

b) Phục hồi môi trường sau khi ngừng hoạt động nuôi trồng thủy sản;
b) The environment is remedied after aquaculture is terminated;

c) Bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản; không được sử dụng hóa chất độc hại hoặc tích tụ độc hại.
c) Environmental hygiene condition and prevention of aquacultural epidemics are ensured; no harmful chemicals or deposits are used.

5. Không xây dựng khu nuôi trồng thủy sản tập trung trên bãi bồi đang hình thành vùng cửa sông ven biển.
5. The concentrated aquaculture zone is not built on an alluvial ground that is forming an estuary.

6. Không phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản.
6. Mangrove forests are not destroyed to serve aquaculture.

Điều 72. Bảo vệ môi trường đối với bệnh viện và cơ sở y tế
Article 72. Environmental protection in hospitals and medical facilities

1. Bệnh viện và cơ sở y tế phải thực hiện yêu cầu bảo vệ môi trường sau:
1. Hospitals and medical facilities are obliged to:

a) Thu gom, xử lý nước thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
a) Collect and treat medical wastewater in accordance with environmental standards;

b) Phân loại chất thải rắn y tế tại nguồn; thực hiện thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải rắn y tế bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
b) Classify solid biomedical waste at source; collect, transport, store, and treat medical solid waste in accordance with environmental standards;

c) Có kế hoạch, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế gây ra;
c) There are plans and equipment for prevention and response to environmental emergencies;

d) Chất thải y tế phải được xử lý sơ bộ loại bỏ mầm bệnh có nguy cơ lây nhiễm trước khi chuyển về nơi lưu giữ, xử lý, tiêu hủy tập trung;
d) Biomedical wastes must be preliminarily treated to eliminate pathogens that are likely to spread before wastes are stored, treated, or destroyed at a gathering site.

đ) Xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
dd) Exhaust gases are treated in accordance with environmental standards;

2. Cơ sở chiếu xạ, dụng cụ thiết bị y tế có sử dụng chất phóng xạ phải đáp ứng yêu cầu của pháp luật về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.
2. Radiation facilities and medical equipment using radioactive substances must comply with regulations of law on radiation safety and nuclear safety.

3. Chủ đầu tư bệnh viện, cơ sở y tế có trách nhiệm bố trí đủ kinh phí để xây dựng công trình vệ sinh, hệ thống thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
3. Investors in hospitals and medical facilities shall provide sufficient funding to build sanitary works, waste collection, storage, and treatment systems that satisfy environmental protection requirements.

4. Người đứng đầu bệnh viện, cơ sở y tế có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và quy định pháp luật liên quan.
4. Heads of hospitals and medical facilities are responsible for fulfilling the environmental protection requirements in Clauses 1, 2, and 3 of this Article and relevant regulations of law.

Điều 73. Bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng
Article 73. Environmental protection in construction

1. Quy hoạch xây dựng phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.
1. Construction planning must comply with regulations on environmental protection.

2. Trong thiết kế xây dựng và dự toán của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải tác động xấu đến môi trường phải có hạng mục công trình xử lý chất thải theo quy định của pháp luật.
2. Waste treatment works must be included in the construction design and budget of the construction of manufacturing and business establishments that produce wastes negatively impact the environment.

3. Việc thi công công trình xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường sau:
3. Construction must satisfy the following environmental protection requirements:

a) Công trình xây dựng trong khu dân cư phải có biện pháp bảo đảm không phát tán bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
a) Measures are taken to ensure that the construction sites in residential areas do not produce dust, heat, noise, vibration, and light beyond environmental standards;

b) Việc vận chuyển vật liệu xây dựng phải được thực hiện bằng phương tiện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường;
b) Building materials are transported with suitable vehicles that ensure no leakage or environmental pollution;

c) Nước thải, chất thải rắn và các loại chất thải khác phải được thu gom, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
c) Solid wastes and other wastes are collected and treated in accordance with environmental standards.

Điều 74. Bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải
Article 74. Environmental protection in transport

1. Quy hoạch giao thông phải tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường.
1. Traffic planning must comply with regulations on environmental protection.

2. Phương tiện giao thông cơ giới phải được cơ quan đăng kiểm xác nhận đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường mới được đưa vào sử dụng.
2. Motor vehicles must be certified as conformable with environmental standards by registry authorities before they are put into operation.

3. Phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, chất thải phải được che chắn, không để rơi vãi gây ô nhiễm môi trường trong khi tham gia giao thông.
3. Vehicles used for transporting raw materials and wastes must be covered while they are using public roads in order to avoid leakage and pollution.

4. Tổ chức, cá nhân hoạt động giao thông vận tải hàng nguy hiểm phải bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện, năng lực về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
4. Organizations and individuals involved in transport of dangerous goods must have qualifications in environmental protection as prescribed by law.

5. Việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu có nguy cơ gây sự cố môi trường phải bảo đảm các yêu cầu sau:
5. The transport of goods at risk of environmental emergencies must satisfy the following requirements:

a) Sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng, bảo đảm không rò rỉ, phát tán ra môi trường;
a) Specialized equipment and vehicles are used to ensure no leakage or discharge;

b) Có giấy phép vận chuyển của cơ quan quản nhà nước có thẩm quyền;
b) A license to transport is issued by a competent authority;

c) Khi vận chuyển phải theo đúng tuyến đường và thời gian quy định trong giấy phép.
c) The route and time are conformable with the license.

Điều 75. Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa
Article 75. Environmental protection in goods import and transit

1. Máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất, hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
1. Machinery, equipment, vehicles, raw materials, fuel, chemicals, and goods imported or in transit must satisfy environmental protection requirements.

2. Cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất, hàng hóa sau:
2. The following machinery, equipment, vehicles, raw materials, fuel, chemicals, and goods are banned from import:

a) Máy móc, thiết bị, phương tiện không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
a) Machinery, equipment, and vehicles that fail to comply with environmental protection requirements;

b) Máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Machinery, equipment, and vehicles that are used and intended to be disassembled, except for the case in Clause 3 of this Article;

c) Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hóa chất, hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu;
c) Raw materials, fuel, chemicals, and goods on the list of goods banned from import;

d) Máy móc, thiết bị, phương tiện bị nhiễm chất phóng xạ, vi trùng gây bệnh, chất độc khác chưa được tẩy rửa hoặc không có khả năng làm sạch;
d) Machinery, equipment, and vehicles contaminated with radioactive substances, bacteria, and other poisonous substances that have not been cleaned or cannot be cleaned;

đ) Thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc không bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm;
dd) Food, food ingredients, food additives, food containers that are expired or not conformable with food safety regulations;

e) Thuốc, nguyên liệu làm thuốc sử dụng cho người, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng hoặc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
e) Medicines, ingredients of medicines used for human, veterinary medicines, pesticides that are expired or not conformable with food safety regulations.

3. Việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
3. The import of used ships must comply with environmental standards. The Government shall specify the permissible importers and conditions for importing, disassembling used ships.

Điều 76. Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu
Article 76. Environmental protection during import of scrap

1. Phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ quy định.
1. Scrap imported into Vietnam must satisfy environmental standards and on the list of permissible scrap materials compiled by the Prime Minister.

2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải đáp ứng các yêu cầu sau:
2. Scrap importer must:

a) Có kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu bảo đảm điều kiện về bảo vệ môi trường;
a) Have separate warehouses and areas that meet environmental protection requirements for gathering scrap;

b) Có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu, xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
b) Have technologies and equipment that meet environmental protection requirements for recycling scrap and treating impurities in scrap.

3. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu có trách nhiệm sau:
3. Scrap importers are obliged to:

a) Chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất;
a) Only import scrap as raw materials;

b) Phải xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; không được cho, bán tạp chất đi kèm phế liệu;
b) Impurities in scrap must be treated in accordance with environmental standards and must not be given or sold;

c) Phải tái xuất phế liệu không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; trường hợp không tái xuất được thì phải xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải;
c) Scrap that is fails to meet environmental standards must be re-exported. Otherwise, they must be treated in accordance with regulations of law on waste management;

d) Thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định của Chính phủ.
d) Deposits shall be paid to import scrap as prescribed by the Government.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau:
4. The People’s Committees of provinces shall:

a) Kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phế liệu nhập khẩu;
a) Carry out inspections, find and stop violations against regulations of law on imported scrap;

b) Hằng năm, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tình hình nhập khẩu, sử dụng phế liệu và các vấn đề môi trường liên quan đến phế liệu nhập khẩu tại địa bàn.
b) Submit annual reports to the Ministry of Natural Resources and Environment on import and use of scrap and environmental issues pertaining to imported scrap locally.

Điều 77. Bảo vệ môi trường trong hoạt động lễ hội, du lịch
Article 77. Environmental protection during festivals and in the tourism industry

1. Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường sau:
1. Every entity that manages or operates tourist attractions, resorts, and lodging establishments must:

a) Niêm yết quy định về bảo vệ môi trường tại khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch và hướng dẫn thực hiện;
a) Post the regulations on environmental protection at the tourist attractions and provide instructions;

b) Lắp đặt, bố trí đủ và hợp lý công trình vệ sinh, thiết bị thu gom chất thải;
b) Adequately and rationally install sanitary facilities and waste collection systems;

c) Bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường.
c) Appoint employees in charge of environmental hygiene.

2. Cá nhân đến khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú và lễ hội thực hiện các quy định sau:
2. Visitors to tourist attractions, lodging establishments, and festivals must:

a) Tuân thủ nội quy, hướng dẫn về bảo vệ môi trường của khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú;
a) Comply with the regulations on environmental protection at the tourist attractions or lodging establishments;

b) Bỏ chất thải đúng nơi quy định;
b) Discard wastes properly;

c) Giữ gìn vệ sinh công cộng;
c) Keep public hygiene;

d) Không xâm hại cảnh quan di tích, các loài sinh vật tại khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú.
d) Not to infringe upon the landscape, relics and animals at the tourist attractions or lodging establishments.

Điều 78. Bảo vệ môi trường đối với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y
Article 78. Environmental protection with regard to chemicals, pesticides, and veterinary medicines

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, chuyển giao và xử lý hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y phải thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật có liên quan.
1. Every entity that produces, imports, sells, uses, transports, stores, transfers, and/or processes chemicals, pesticides, and/or veterinary medicines must comply with environmental protection regulations and relevant regulations of law.

2. Hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y có độc tính cao, bền vững, lan truyền, tích tụ trong môi trường, tác động xấu tới môi trường và sức khỏe con người phải được đăng ký, kiểm kê, kiểm soát, quản lý thông tin, đánh giá, quản lý rủi ro và xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Chemicals, pesticides, and veterinary medicines with high toxicity, stability, likely to spread or agglomerate in the environment and negatively impact the environment and human health must be registered, managed, assessed, and processed in accordance with law.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.
3. The Minister of Natural Resources and Environment shall take charge and cooperate with the Minister of Industry and Trade and the Minister of Agriculture and Rural development in elaborating this Article.

Điều 79. Bảo vệ môi trường đối với cơ sở nghiên cứu, phòng thử nghiệm
Article 79. Environmental protection by research institutes and laboratories

1. Cơ sở nghiên cứu, phòng thử nghiệm phải thực hiện các yêu cầu bảo vệ môi trường sau:
1. Research institutes and laboratories must:

a) Thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
a) Collect and treat medical wastewater in accordance with environmental standards;

b) Phân loại chất thải rắn tại nguồn; thu gom và xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn;
b) Classify solid wastes at sources; collect and treat solid wastes in accordance with regulations of law on solid waste management;

c) Xử lý, tiêu hủy mẫu, vật phẩm phân tích thí nghiệm, hóa chất bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
c) Process, destroy test specimens and chemicals in accordance with environmental standards;

d) Có kế hoạch, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
d) Make plans and provide equipment for prevention and response to environmental emergencies.

2. Cơ sở nghiên cứu, phòng thử nghiệm có sử dụng chất phóng xạ phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân theo quy định của pháp luật.
2. Every research institute and laboratory that uses radioactive substances must comply with regulations of law on radiation safety and nuclear safety.

3. Thủ trưởng cơ sở nghiên cứu, phòng thử nghiệm có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này và quy định của pháp luật có liên quan.
3. Heads of research institutes and laboratories are responsible for fulfilling the environmental protection requirements in Clause 1 and Clause 2 of this Article and relevant regulations of law.

Chương VIII
Chapter VIII

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ, KHU DÂN CƯ
ENVIRONMENTAL PROTECTION IN URBAN AREAS AND RESIDENTIAL AREAS

Điều 80. Yêu cầu bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư
Article 80. Environmental protection requirements applied to urban areas and residential areas

1. Bảo vệ môi trường đô thị thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa, lịch sử và bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch.
1. Urban environmental protection must ensure sustainable development associated with sustention of natural, cultural, historical elements and the proportion of green space according to planning.

2. Có kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường đồng bộ, phù hợp với quy hoạch đô thị, khu dân cư tập trung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. The infrastructural works serving environmental protection are uniform and conformable with the urban planning approved by a competent authority.

3. Có thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, tập trung chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với khối lượng, chủng loại chất thải và đủ khả năng tiếp nhận chất thải đã được phân loại tại nguồn từ các hộ gia đình trong khu dân cư.
3. There are adequate equipment, vehicles and places for classifying wastes at source, collecting, gathering domestic solid wastes, and receiving wastes classified by households therein.

4. Bảo đảm yêu cầu về cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường; lắp đặt và bố trí công trình vệ sinh nơi công cộng.
4. Ensure urban landscape, environmental hygiene; public sanitation works are installed.

5. Chủ đầu tư dự án khu dân cư tập trung, chung cư phải thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
5. Investors in concentrated residential area projects and apartment buildings shall fulfill the environmental protection requirements prescribed in Clause 2 and Clause 3 of this Article.

6. Đối với khu dân cư phân tán phải có địa điểm, hệ thống thu gom, xử lý rác thải; có hệ thống cung cấp nước sạch và các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn.
6. Scattered residential areas must have places and system for collecting and treating wastes, clean water supply systems, and activities to develop a green, clean, and safe environment.

Điều 81. Bảo vệ môi trường nơi công cộng
Article 81. Environmental protection in public places

1. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; phân loại, chuyển rác thải vào thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải; không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng.
1. Organizations, households, and individuals are responsible for complying with environmental protection regulations and keep public hygiene; classify wastes and put them into public trashcans or permissible dumpsites; do not let domestic animals spoil public hygiene.

2. Tổ chức, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu du lịch, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác có trách nhiệm sau:
2. Managers of parks, amusement parks, tourist resorts, markets, train stations, bus stations, ports, ferry terminals, and other public places shall:

a) Bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý;
a) Appoint employees to collect wastes and clean the environment under their management;

b) Bố trí công trình vệ sinh công cộng; phương tiện, thiết bị thu gom chất thải đáp ứng nhu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường;
b) Provide public sanitation works; equipment and vehicles for collecting wastes to ensure environmental hygiene;

c) Niêm yết quy định về giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.
c) Post public hygiene regulations.

Điều 82. Yêu cầu bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình
Article 82. Environmental protection requirements applied to households

1. Giảm thiểu, phân loại tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đến đúng nơi quy định.
1. Minimize, classify wastes at source; collect and take wastes to proper places.

2. Giảm thiểu, xử lý và xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định.
2. Minimize, process, and discharge domestic sewages at proper places.

3. Không được phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh.
3. Do not emit exhaust gases, make noises, vibration, and other impacts beyond the limits in environmental standards, which cause negative impacts to the local community.

4. Nộp đủ và đúng thời hạn phí bảo vệ môi trường; chi trả cho dịch vụ thu gom, xử lý chất thải theo quy định của pháp luật;
4. Pay environmental protection fees sufficiently and punctually; pay fees for wastes collection and waste treatment services as prescribed by law;

5. Tham gia hoạt động bảo vệ môi trường công cộng và tại khu dân cư.
5. Participate in public environmental protection tasks.

6. Có công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn.
6. The sanitation works and breeding farms must ensure hygiene and safety.

Điều 83. Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường
Article 83. Autonomous environmental protection organizations

1. Nhà nước khuyến khích cộng đồng dân cư thành lập tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống.
1. Communities are encouraged by the State to establish local autonomous environmental protection organizations.

2. Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường được thành lập và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, cộng đồng trách nhiệm, tuân theo quy định của pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ sau:
2. Autonomous environmental protection organizations are established and operated voluntarily in accordance with law to perform the following tasks:

a) Kiểm tra, đôn đốc hộ gia đình, cá nhân thực hiện quy định về giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường;
a) Urge households and individuals to comply with regulations on hygiene and environmental protection;

b) Tổ chức thu gom, tập kết và xử lý chất thải;
b) Organize the collection, gathering, and treatment of wastes;

c) Giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu dân cư và nơi công cộng;
c) Keep environmental hygiene in the residential area and public places;

d) Xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước về bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho sức khỏe và môi trường;
d) Formulate and organize the implementation of environmental protection commitments; encourage the people to give up unsound customs and bad habits that are harmful for health and the environment;

đ) Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.
d) Participate in supervision of adherence to regulations of law on environmental protection of local manufacturing and business establishments.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã quy định về tổ chức, hoạt động và tạo điều kiện để tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường hoạt động có hiệu quả.
3. The People’s Committees of communes shall specify the organization, operation of autonomous environmental protection organizations, and facilitate their operation.

Điều 84. Bảo vệ môi trường trong mai táng, hỏa táng
Article 84. Environmental protection during burial and cremation

1. Khu mai táng, hỏa táng phải bảo đảm các yêu cầu sau:
1. Every burial and cremation site must:

a) Phù hợp với quy hoạch;
a) Comply with the planning;

b) Có vị trí, khoảng cách đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư;
b) Its location and distance satisfy the requirements with regard to environmental hygiene and landscape of the residential area;

c) Không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh.
c) Not pollute water sources and the surroundings.

2. Việc quàn, ướp, di chuyển, chôn cất thi thể, hài cốt phải bảo đảm yêu cầu về vệ sinh môi trường.
2. Dead bodies and remains shall be treated, transported, and buried in accordance with environmental hygiene requirements.

3. Việc mai táng người chết do dịch bệnh nguy hiểm thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.
3. The burial of people who die of dangerous epidemics shall comply with regulations of the Ministry of Health.

4. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ mai táng phải chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, về vệ sinh phòng dịch.
4. Provider of burial services must comply with regulations of law on environmental protection and infection control.

5. Nhà nước khuyến khích việc hỏa táng, chôn cất trong khu nghĩa trang theo quy hoạch, xóa bỏ hủ tục gây ô nhiễm môi trường.
5. The State recommends that cremation and burial be carried out in cemeteries according to planning and unsound customs that cause environmental pollution be given up.

Chương IX
Chapter IX

QUẢN LÝ CHẤT THẢI
WASTE MANAGEMENT

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI
Section 1. GENERAL REGULATIONS ON WASTE MANAGEMENT

Điều 85. Yêu cầu về quản lý chất thải
Article 85. Requirements applied to waste management

1. Chất thải phải được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và tiêu hủy.
1. Wastes must be managed throughout the process of generation, minimization, classification, collection, transport, recycling, and destruction.

2. Chất thải thông thường có lẫn chất thải nguy hại vượt ngưỡng quy định mà không thể phân loại được thì phải quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải nguy hại.
2. Conventional wastes that contain hazardous wastes beyond permissible limits and cannot be classified shall be managed in accordance with hazardous waste.

3. Chính phủ quy định chi tiết về quản lý chất thải.
3. The Government shall elaborate regulations on waste management.

Điều 86. Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải
Article 86. Minimization and recycling of wastes

1. Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng phải được phân loại.
1. Wastes that can be recycled and used as energy must be classified.

2. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ làm phát sinh chất thải có trách nhiệm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng.
2. Owners of manufacturing and business organizations that produce wastes are responsible for minimizing, recycling wastes, or transfer wastes to the organizations capable of recycling such wastes.

Điều 87. Thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ
Article 87. Collecting and treating discarded products

1. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.
1. Owners manufacturing and business establishments must collect and treat discarded products.

2. Người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển sản phẩm thải bỏ đến nơi quy định.
2. Users are responsible for taking discarded products to proper places.

3. Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tổ chức việc thu gom sản phẩm thải bỏ.
3. The People’s Committees and environment authorities shall facilitate manufacturing and business establishments to collect discarded products.

4. Việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
4. Discarded products shall be collected and treated in accordance with decisions of the Prime Minister.

Điều 88. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý chất thải
Article 88. Responsibilities of the People’s Committees for waste management

Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau:
The People’s Committees, within the area of their competence, are obliged to:

1. Lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải trên địa bàn.
1. Formulate, approve and implement planning for local waste treatment infrastructure.

2. Đầu tư xây dựng, tổ chức vận hành công trình công cộng phục vụ quản lý chất thải trên địa bàn.
2. Invest in and operate public works serving local waste management.

3. Ban hành, thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động quản lý chất thải theo quy định của pháp luật.
3. Introduce incentive policies to support waste management as prescribed by law.

Điều 89. Trách nhiệm của chủ đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trong quản lý chất thải
Article 89. Responsibilities of investors in industrial parks, export-processing zones, hi-tech zones for waste management

1. Bố trí mặt bằng tập kết chất thải trong phạm vi quản lý.
1. Provide sufficient areas for gathering wastes under their management.

2. Xây dựng và tổ chức vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung.
2. Develop and operate concentrated sewage treatment systems.

Mục 2. QUẢN LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI
Section 2. MANAGEMENT of HAZARDOUS WASTES

Điều 90. Lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép xử lý chất thải nguy hại
Article 90. Document compilation, registration and licensing of hazardous waste treatment

1. Chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải lập hồ sơ về chất thải nguy hại và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp tỉnh.
1. Every entity that discharges hazardous wastes shall compile documents about hazardous wastes and apply for registration with an environment authority.

2. Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện và có giấy phép mới được xử lý chất thải nguy hại.
2. Only capable and licensed entities may process hazardous wastes.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định danh mục chất thải nguy hại và cấp phép xử lý chất thải nguy hại.
3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall compile a list of hazardous wastes and issue licenses to process hazardous waste.

Điều 91. Phân loại, thu gom, lưu giữ trước khi xử lý chất thải nguy hại
Article 91. Classification, collection, and storage of hazardous wastes prior to processing

1. Chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải tổ chức phân loại, thu gom, lưu giữ và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; trường hợp chủ nguồn thải chất thải nguy hại không có khả năng xử lý chất thải nguy hại đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường phải chuyển giao cho cơ sở có giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
1. Every entity that discharges hazardous wastes must collect, store, and process hazardous wastes in accordance with environmental standards; if the entity that discharges hazardous wastes fails to process hazardous wastes in accordance with environmental standards, hazardous wastes shall be transferred to an entity licensed to process hazardous wastes.

2. Chất thải nguy hại phải được lưu giữ trong phương tiện, thiết bị chuyên dụng bảo đảm không tác động xấu đến con người và môi trường.
2. Hazardous wastes must be kept in specialized containers that ensure no negative impacts on humans and the environment.

Điều 92. Vận chuyển chất thải nguy hại
Article 92. Transport of hazardous wastes

1. Chất thải nguy hại phải được vận chuyển bằng phương tiện, thiết bị chuyên dụng phù hợp và được ghi trong giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
1. Hazardous wastes must be transported with suitable vehicles and equipment which are specified in the license to process hazardous wastes.

2. Chất thải nguy hại được vận chuyển sang nước khác phải tuân thủ các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Hazardous wastes transported to another country must comply with the international agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

Điều 93. Điều kiện của cơ sở xử lý chất thải nguy hại
Article 93. Conditions of facilities that process hazardous wastes

1. Địa điểm thuộc quy hoạch do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
1. Its location is approved by a competent authority.

2. Có khoảng cách bảo đảm để không ảnh hưởng xấu đối với môi trường và con người.
2. Its distance ensures no negative impacts on the environment and human.

3. Có công nghệ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng cho việc lưu giữ và xử lý chất thải nguy hại đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
3. There are technologies and specialized equipment for storing and processing hazardous waste in accordance with environmental standards.

4. Có công trình, biện pháp bảo vệ môi trường.
4. There are constructions and measures for environmental protection.

5. Có nhân sự quản lý được cấp chứng chỉ và nhân sự kỹ thuật có trình độ chuyên môn phù hợp.
5. There are managers granted certificates and qualified technicians.

6. Có quy trình vận hành an toàn công nghệ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng.
6. There are procedures for safe operation of specialized equipment.

7. Có phương án bảo vệ môi trường.
7. There is an environmental protection plan.

8. Có kế hoạch phục hồi môi trường sau khi chấm dứt hoạt động.
8. There is a plan for environmental remediation after shutdown.

9. Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt.
9. There is an environmental impact assessment report approved by the Ministry of Natural Resources and Environment.

Điều 94. Nội dung quản lý chất thải nguy hại trong quy hoạch bảo vệ môi trường
Article 94. Waste management contents in environmental protection planning

1. Đánh giá, dự báo nguồn phát thải nguy hại và lượng phát thải.
1. Assessment and forecast for sources and amount of hazardous wastes.

2. Khả năng thu gom, phân loại tại nguồn.
2. Ability to collect and classify at source.

3. Khả năng tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng.
3. Ability to recycle.

4. Vị trí, quy mô điểm thu gom, tái chế và xử lý.
4. Locations and scale of the gathering, recycling, and processing sites.

5. Công nghệ xử lý chất thải nguy hại.
5. Hazardous waste processing technologies.

6. Nguồn lực thực hiện.
6. Resources

7. Tiến độ thực hiện.
7. Schedule.

8. Phân công trách nhiệm.
8. Task assignment.

Mục 3. QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN THÔNG THƯỜNG
Section 3. MANAGEMENT CONVENTIONAL SOLID WASTES

Điều 95. Trách nhiệm phân loại chất thải rắn thông thường
Article 95. Responsibility to classify conventional solid wastes

Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phát sinh chất thải rắn thông thường có trách nhiệm phân loại chất thải rắn thông thường tại nguồn để thuận lợi cho việc tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý.
Owners of manufacturing and business establishments, organizations, households, and individuals that produce conventional solid wastes are responsible for classifying them at source to facilitate their recycling and processing.

Điều 96. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường
Article 96. Collection and transport of conventional solid wastes

1. Chất thải rắn thông thường phải được thu gom, lưu giữ và vận chuyển đến nơi quy định bằng phương tiện, thiết bị chuyên dụng.
1. Conventional solid wastes shall be collected, stored, and transported with specialized vehicles and equipment.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tổ chức thu gom, lưu giữ và vận chuyển chất thải rắn thông thường trên địa bàn quản lý.
2. Environment authorities shall organize the collection, storage, and transport of conventional solid wastes locally.

Điều 97. Tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn thông thường
Article 97. Recycling and treating conventional solid wastes

Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có phát sinh chất thải rắn thông thường có trách nhiệm tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn thông thường. Trường hợp không có khả năng tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn thông thường phải chuyển giao cho cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý.
Owners of manufacturing and business establishments, organizations, households, and individuals that produce conventional solid wastes are responsible for recycling and treating them. If conventional solid wastes cannot be recycled or treated, they shall be sent to the organizations capable of recycling such or processing such wastes.

Điều 98. Nội dung quản lý chất thải rắn thông thường trong quy hoạch bảo vệ môi trường
Article 98. Conventional solid waste management contents in environmental protection planning

1. Đánh giá, dự báo nguồn phát thải rắn thông thường và lượng phát thải.
1. Assessment and forecast for sources and amount of conventional solid wastes.

2. Khả năng thu gom, phân loại tại nguồn.
2. Ability to collect and classify at source.

3. Khả năng tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng.
3. Ability to recycle.

4. Vị trí, quy mô điểm thu gom, tái chế và xử lý.
4. Location and scale of the gathering, recycling, and processing sites.

5. Công nghệ xử lý chất thải rắn thông thường.
5. Conventional solid waste treatment technologies

6. Nguồn lực thực hiện.
6. Resources

7. Tiến độ thực hiện.
7. Schedule.

8. Phân công trách nhiệm.
8. Task assignment.

Mục 4. QUẢN LÝ NƯỚC THẢI
Section 4. WASTEWATER MANAGEMENT

Điều 99. Quy định chung về quản lý nước thải
Article 99. GENERAL REGULATIONS ON WASTEWATER MANAGEMENT

1. Nước thải phải được thu gom, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
1. Wastewater shall be collected and treated in accordance with environmental standards.

2. Nước thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định về chất thải nguy hại.
2. Wastewater that contains hazardous elements beyond the permissible limits shall be managed in accordance with regulations on hazardous wastes

Điều 100. Thu gom, xử lý nước thải
Article 100. Collection and treatment of wastewater

1. Đô thị, khu dân cư tập trung phải có hệ thống thu gom riêng nước mưa và nước thải.
1. Every urban area and concentrated residential area must have a system for separating rainwater and wastewater.

2. Nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
2. Wastewater produced by manufacturing and business establishments must be collected and treated in accordance with environmental standards.

3. Bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn; bùn thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải nguy hại.
3. Waste sludge from wastewater treatment systems shall be managed in accordance with regulations of law on solid waste management; waste sludge that contains hazardous wastes beyond permissible limits and shall be managed in accordance with hazardous wastes.

Điều 101. Hệ thống xử nước thải
Article 101. Sewage treatment system

1. Đối tượng sau phải có hệ thống xử lý nước thải:
1. The following entities must have sewage treatment systems:

a) Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung;
a) Concentrated manufacturing/business zones;

b) Khu, cụm công nghiệp làng nghề;
b) Trade villages complexes;

c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không liên thông với hệ thống xử lý nước thải tập trung.
c) Manufacturing and business establishments that are not connected to any concentrated sewage treatment systems.

2. Hệ thống xử lý nước thải phải bảo đảm các yêu cầu sau:
2. Every sewage treatment system must:

a) Có quy trình công nghệ phù hợp với loại hình nước thải cần xử lý;
a) Have a technology process suitable for the type of wastewater that needs treating;

b) Đủ công suất xử lý nước thải phù hợp với khối lượng nước thải phát sinh;
b) Have a treatment capacity that is sufficient for the amount of wastewater produced;

c) Xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
c) Treat wastewater according to environmental standards;

d) Cửa xả nước thải vào hệ thống tiêu thoát phải đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát;
d) Has the wastewater discharge outlets located at positions convenient for inspection and supervision;

đ) Phải được vận hành thường xuyên.
dd) Be operated regularly.

3. Chủ quản lý hệ thống xử lý nước thải phải thực hiện quan trắc định kỳ nước thải trước và sau khi xử lý. Số liệu quan trắc được lưu giữ làm căn cứ để kiểm tra hoạt động của hệ thống xử lý nước thải.
3. The manager of the sewage treatment system shall carry out periodic monitory before and after the treatment. Monitory data shall be kept as the basis for sewage treatment system inspection.

4. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô xả thải lớn và có nguy cơ tác hại đến môi trường phải tổ chức quan trắc môi trường nước thải tự động và chuyển số liệu cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4. Manufacturing and business establishments that produce a large amount of wastewater that is likely to harm the environment must carry out automatic environmental monitoring send data to competent authorities as prescribed by the Ministry of Natural Resources and Environment.

Mục 5. QUẢN LÝ VÀ KIỂM SOÁT BỤI, KHÍ THẢI, TIẾNG ỒN, ĐỘ RUNG, ÁNH SÁNG, BỨC XẠ
Section 5. MANAGEMENT AND CONTROL OF DUST, EXHAUST GASES, NOISE, VIBRATION, LIGHT, AND RADIATION

Điều 102. Quản lý và kiểm soát bụi, khí thải
Article 102. Management and control of dust and exhaust gases

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát tán bụi, khí thải phải kiểm soát và xử lý bụi, khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
1. Any entity that produces dust and/or exhaust gases during their business operation shall take measures to control and treat dust/exhaust gases in accordance with environmental standards.

2. Phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị, công trình xây dựng phát tán bụi, khí thải phải có bộ phận lọc, giảm thiểu khí thải, thiết bị che chắn hoặc biện pháp khác để giảm thiểu bụi bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
2. Vehicles, machinery, equipment, constructions that produce dust and/or exhaust gases must have filters, covers, or other parts to minimize exhaust gases and reduce dust in accordance with environmental standards.

3. Bụi, khí thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.
3. Dust and exhaust gases that contain hazardous elements beyond the permissible limits shall be managed in accordance with regulations on hazardous wastes.

Điều 103. Quản lý và kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ
Article 103. Management and control of noise, vibration, light, and radiation

1. Tổ chức, cá nhân gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải kiểm soát, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
1. Any entity that creates noise, vibration, light, and/or radiation must take measures to control and treat them in accordance with environmental standards.

2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu dân cư gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải thực hiện biện pháp giảm thiểu, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.
2. Manufacturing and business establishments in residential areas that create noise must take measures to minimize them to avoid affecting the local community.

3. Tổ chức, cá nhân quản lý tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải có biện pháp giảm thiểu, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
3. Managers of the routes with heavy traffic that produces noise, vibration, light, and radiation must take measures to minimize them in accordance with environmental standards.

4. Cấm sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo nổ. Việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo hoa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
4. It is prohibited to manufacture, import, transport, sell, and use firecrackers. The Prime Minister shall decide the manufacture, import, transport, sale, and use of firework.

Chương X
Chapter X

XỬ LÝ Ô NHIỄM, PHỤC HỒI VÀ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG
POLLUTION CONTROL, ENVIRONMENTAL REMEDIATION AND IMPROVEMENT

Mục 1. XỬ LÝ CƠ SỞ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NGHIÊM TRỌNG
Section 1. ACTIONS AGAINST ESTABLISHMENTS CAUSING SERIOUS ENVIRONMENTAL POLLUTION

Điều 104. Xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Article 104. Actions against establishments causing serious environmental pollution

1. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là cơ sở có hành vi thải nước thải, khí thải, bụi, chất thải rắn, tiếng ồn, độ rung và các chất gây ô nhiễm khác vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ở mức độ nghiêm trọng.
1. An establishment causing serious environmental pollution means any establishment that discharges wastewater, exhaust gases, dust, solid wastes, noise, vibration, and other pollutants beyond the permissible limits to a serious extent.

2. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và đưa vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kèm theo biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường.
2. Establishments causing serious environmental pollution shall incur penalties for administrative violations, be compelled to take measures for pollution removal, and be put on the list of establishments causing serious environmental pollution.

3. Việc rà soát, phát hiện cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tiến hành hằng năm và theo trình tự sau:
3. Establishments causing serious environmental pollution shall be determined annually in the following order:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ lập danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này và biện pháp xử lý gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;
a) The People’s Committees of provinces shall cooperate with Ministries, ministerial agencies, Governmental agencies in compiling lists of local establishments causing environmental pollution, except for the case in Point b of this Clause, and proposing remedial measures, then submit them to the Ministry of Natural Resources and Environment; the Ministry of Natural Resources and Environment shall request the Prime Minister to make a decision;

b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và biện pháp xử lý gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;
b) The Ministry of National Defense and the Ministry of Public Security shall cooperate with the People’s Committees of provinces in making lists of national defense and security establishments causing serious environmental pollution, proposing remedial measures, and submit them to the Ministry of Natural Resources and Environment; The Ministry of Natural Resources and Environment shall request the Prime Minister to make a decision.

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định danh sách và biện pháp xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng;
c) The Ministry of Natural Resources and Environment shall cooperate with other Ministries, ministerial agencies, Governmental agencies, and the People’s Committee of the provinces in submitting the lists of establishments causing serious environmental pollution and proposed remedial measures;

d) Quyết định xử lý đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải được thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi cơ sở có hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và công khai cho cộng đồng dân cư biết để kiểm tra, giám sát.
d) The decisions to take actions against establishments causing serious environmental pollution shall be notified to the People’s Committees of the districts and communes where such establishments are located, and announced to the local community for the purpose of inspection and supervision.

4. Trách nhiệm tổ chức xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng quy định như sau:
4. Responsibility for taking actions against establishments causing serious environmental pollution:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn;
a) The People’s Committees of provinces shall cooperate with Ministries, ministerial agencies, and Governmental agencies in taking actions against local establishments causing serious environmental pollution;

b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh;
b) The Ministry of National Defense and the Ministry of Public Security shall cooperate with the People’s Committees of provinces in taking actions against national defense and security establishments causing serious environmental pollution;

c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc thẩm quyền quản lý;
c) Ministries, ministerial agencies, and Governmental agencies shall cooperate with the People’s Committees of provinces in taking actions against local establishments causing serious environmental pollution;

d) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hằng năm đánh giá kết quả triển khai thực hiện xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
d) Ministries, ministerial agencies, Governmental agencies, the People’s Committees of provinces shall submit annual reports on actions against establishments causing serious environmental pollution to the Ministry of Natural Resources and Environment.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
5. The government shall elaborate this Article.

Mục 2. XỬ LÝ, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG KHU VỰC BỊ Ô NHIỄM
Section 2. ENVIRONMENTAL REMEDIATION

Điều 105. Quy định chung về khắc phục ô nhiễm môi trường và phân loại khu vực ô nhiễm
Article 105. General regulations on environmental pollution reduction and classification of polluted areas

1. Khắc phục ô nhiễm môi trường là hoạt động giảm thiểu tác động của ô nhiễm đến môi trường, con người và nâng cao chất lượng môi trường tại khu vực môi trường bị ô nhiễm.
1. Pollution reduction means minimization of impacts of pollution on the environment and humans, improvement of environmental quality in the polluted area.

2. Khu vực môi trường bị ô nhiễm được phân loại theo 03 mức độ gồm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng.
2. Polluted areas shall be classified as pollution, serious pollution, and particularly serious pollution

Điều 106. Khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường
Article 106. Pollution reduction and environmental remediation

1. Việc xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm gồm:
1. Determination of a polluted area includes:

a) Xác định phạm vi, giới hạn của khu vực môi trường bị ô nhiễm;
a) Determine the boundary of the polluted area;

b) Xác định mức độ ô nhiễm, đánh giá rủi ro;
b) Determination of the pollution level and risk assessment;

c) Xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan;
c) Determination or causes and accountability or relevant parties;

d) Các giải pháp xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường;
d) Solutions for pollution removal and environmental remediation;

đ) Xác định các thiệt hại đối với môi trường làm căn cứ để yêu cầu các bên gây ô nhiễm phải bồi thường.
dd) Determination of damage as the basis for claiming compensation.

2. Dự án khai thác mỏ, khoáng sản phải có phương án cải tạo, phục hồi môi trường trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi hoạt động và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường. Phương án cải tạo, phục hồi môi trường gồm các nội dung chủ yếu sau:
2. Environment improvement and remediation plan of mining projects must be approved before such projects are put into operation; environmental remediation deposit shall be paid. An environment improvement and remediation plan consists of:

a) Xác định khả năng, phạm vi và mức độ gây ô nhiễm môi trường;
a) Ability, scale, and level of environmental pollution;

b) Đánh giá rủi ro;
b) Risk assessment;

c) Lựa chọn phương án khả thi cải tạo, phục hồi môi trường;
c) Feasible solution for environmental remediation;

d) Kế hoạch và kinh phí để cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc dự án.
d) Plan and budget for environmental remediation.

Điều 107. Trách nhiệm trong khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường
Article 107. Pollution reduction and environmental remediation

1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sau:
1. Organizations and individuals are obliged to:

a) Có phương án cải tạo, phục hồi môi trường khi tiến hành các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;
a) Find a feasible solution for environmental remediation when executing projects likely to cause environmental pollution;

b) Tiến hành biện pháp khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường khi gây ô nhiễm môi trường;
b) Take measures for pollution reduction and environmental improvement when causing environmental pollution;

c) Trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng gây ô nhiễm môi trường mà không tự thỏa thuận được về trách nhiệm thì cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong việc khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.
c) If environmental pollution is caused by multiple entities without responsibility attributed, the environment authority shall cooperate with relevant entities to attribute responsibility for pollution reduction and environmental remediation of each entity.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm trên địa bàn, hằng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. The People’s Committee of the province shall determine local polluted areas and submit annual reports the Ministry of Natural Resources and Environment.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau:
3. The Ministry of Natural Resources and Environment is obliged to:

a) Quy định tiêu chí phân loại khu vực ô nhiễm môi trường;
a) Establish criteria for classifying polluted areas;

b) Hướng dẫn thực hiện hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường; kiểm tra xác nhận hoàn thành khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường;
b) Provide instructions on environmental remediation and improvement; inspect and verify completion of pollution reduction and environmental remediation;

c) Điều tra, đánh giá và tổ chức thực hiện các hoạt động khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với các khu vực bị ô nhiễm liên tỉnh.
c) Carry out surveys, assessments of pollution reduction and environmental remediation in interprovincial polluted areas.

4. Trường hợp môi trường bị ô nhiễm do thiên tai gây ra hoặc chưa xác định được nguyên nhân thì bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm huy động nguồn lực để tổ chức khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường.
4. If the environment is polluted due to natural disaster or an unknown cause, competent authorities shall mobilize forces to carry out pollution reduction and environmental remediation.

Mục 3. PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC VÀ XỬ LÝ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG
Section 3. Preventing and responding to environmental emergencies

Điều 108. Phòng ngừa sự cố môi trường
Section 108. Preventing environmental emergencies

1. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phương tiện vận tải có nguy cơ gây ra sự cố môi trường phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
1. Owners of manufacturing establishments, business establishments or vehicles at risk of causing environmental emergencies shall take the following measures:

a) Lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường;
a) Make plans for preventing and responding to environmental emergencies;

b) Lắp đặt thiết bị, dụng cụ, phương tiện ứng phó sự cố môi trường;
b) Install equipment and devices serving response to environmental emergencies;

c) Đào tạo, huấn luyện, xây dựng lực lượng tại chỗ ứng phó sự cố môi trường;
c) Provide training for intramural environmental emergency response teams;

d) Thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng biện pháp an toàn theo quy định của pháp luật;
d) Carry out regular inspections and implement safety measures as prescribed by law;

đ) Có biện pháp loại trừ nguyên nhân gây ra sự cố môi trường khi phát hiện có dấu hiệu sự cố môi trường.
d) Take measures to eliminate the causes of environmental emergencies when finding any sign of environmental emergencies.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện các nội dung sau:
2. Ministries, ministerial agencies, the People’s Committees, within the area of their competence, shall:

a) Điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ các loại sự cố môi trường có thể xảy ra trong phạm vi cả nước, từng khu vực, địa phương;
a) Carry out surveys and assessments of the risk of environmental emergencies nationwide and in each region/administrative division;

b) Xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ và ứng phó sự cố môi trường;
b) Make plans for environmental emergency prevention, warning, and response;

c) Xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường hằng năm và định kỳ 05 năm.
c) Make annual and 5 years plans for environmental emergency prevention and response.

Điều 109. Ứng phó sự cố môi trường
Article 109. Environmental emergency response

1. Trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường được quy định như sau:
1. Responsibility for environmental emergency response

a) Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra sự cố;
a) Any entity that causes an environmental emergency shall take emergency measures to ensure safety of people and property; rescue people and property, then notify the local government or a local agency specialized in environmental protection;

b) Sự cố môi trường xảy ra ở cơ sở, địa phương nào thì người đứng đầu cơ sở, địa phương đó có trách nhiệm huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để kịp thời ứng phó sự cố;
b) The head of the establishment and administrative division where the environmental emergency occurs shall promptly mobilize forces, equipment and vehicles to emergency response;

c) Sự cố môi trường xảy ra trong phạm vi nhiều cơ sở, địa phương thì người đứng đầu cơ sở, địa phương nơi có sự cố có trách nhiệm phối hợp ứng phó;
c) If an environmental emergency occurs to many establishments or administrative divisions, the heads of such establishments and administrative divisions shall cooperate with each other in emergency response;

d) Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó sự cố của cơ sở, địa phương thì người đứng đầu phải khẩn cấp báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để kịp thời huy động các cơ sở, địa phương khác tham gia ứng phó sự cố môi trường; cơ sở, địa phương được yêu cầu huy động phải thực hiện biện pháp ứng phó sự cố môi trường trong phạm vi khả năng của mình.
d) If the situation is beyond the capability of them, the heads shall request the superior agency to mobilize forces from other establishments or administrative divisions to environmental emergency response; the requested establishments or administrative divisions shall implement the emergency response measures within their competence.

2. Việc ứng phó sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
2. Response to particularly serious environmental emergencies shall be carried out in accordance with regulations of law on state of emergencies.

3. Nhân lực, vật tư, phương tiện sử dụng để ứng phó sự cố môi trường được bồi hoàn và thanh toán chi phí theo quy định của pháp luật.
3. Manpower, supplies, and vehicles for environmental emergency response shall be reimbursed in accordance with law.

4. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường gây ra được thực hiện theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan.
4. This Law and relevant regulations of law shall apply to responsibility for paying compensation for environmental emergencies.

Điều 110. Xây dựng lực lượng ứng phó sự cố môi trường
Article 110. Developing environmental emergency response forces

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm xây dựng năng lực phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.
1. Manufacturing and business establishments shall improve their ability to prevent and respond to environmental emergencies.

2. Nhà nước xây dựng lực lượng ứng phó sự cố môi trường và hệ thống trang thiết bị cảnh báo sự cố môi trường.
2. The State shall develop environmental emergency response forces and environmental emergency warning system.

3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở dịch vụ ứng phó sự cố môi trường.
3. Investment in emergency response services is encouraged.

Điều 111. Xác định thiệt hại do sự cố môi trường
Article 111. Determination of damage caused by environmental emergencies

1. Nội dung điều tra, xác định thiệt hại do sự cố môi trường gồm:
1. The investigation into damage caused by an environmental emergency shall deal with:

a) Phạm vi, giới hạn khu vực bị ô nhiễm do sự cố môi trường;
a) Determine the boundary of the area polluted because of the environmental emergency;

b) Mức độ ô nhiễm;
b) Pollution levels;

c) Nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan;
c) Causes and accountability or relevant parties;

d) Biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường;
d) Measures for pollution reduction and environmental remediation;

đ) Thiệt hại đối với môi trường làm căn cứ để yêu cầu bên gây ô nhiễm, sự cố phải bồi thường.
dd) Damage to the environment as the basis for claiming compensation.

2. Trách nhiệm điều tra, xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do sự cố môi trường gây ra được quy định như sau:
2. Responsibility for investigation into damage caused by environmental emergencies:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do sự cố môi trường gây ra trên địa bàn;
a) The People’s Committee of the province shall carry out investigation into damage caused by local environmental emergencies;

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh tổ chức, điều tra, xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do sự cố môi trường gây ra trên địa bàn liên tỉnh.
b) The Ministry of Natural Resources and Environment shall instruct the People’s Committees of provinces to determine the scale of pollution and damage caused by interprovincial environmental emergencies.

3. Kết quả điều tra về nguyên nhân, mức độ, phạm vi ô nhiễm và thiệt hại về môi trường phải được công khai.
3. Investigation results must be announced.

Điều 112. Trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường
Article 112. Responsibility for environmental remediation

1. Tổ chức, cá nhân gây sự cố môi trường có trách nhiệm sau:
1. Any entity that causes an environmental emergency is obliged to:

a) Thực hiện yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong quá trình điều tra, xác định phạm vi, giới hạn, mức độ, nguyên nhân, biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường;
a) Comply with the requests of environment authorities during the investigations to determine the pollution scale, levels, and remedial measures.

b) Tiến hành ngay biện pháp ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường và hạn chế sự lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân trong vùng;
b) Immediately take measures to prevent the pollution sources, stop the pollution from spreading and affecting local people’s health;

c) Thực hiện biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường;
c) Take measures for pollution reduction environmental remediation at the request of environment authorities.

d) Bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan;
d) Pay damages in accordance with this Law and relevant regulations;

đ) Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường việc ứng phó và khắc phục sự cố môi trường.
dd) Submit reports on environmental emergency response and environmental remediation to environment authorities.

2. Trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng gây ra sự cố môi trường mà không tự thỏa thuận về trách nhiệm thì cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong việc khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường.
2. If the environmental emergency is caused by multiple entities and they fail to reach an agreement on responsibility, the environment authority shall cooperate with relevant entities to attribute responsibility for pollution reduction and environmental remediation of each entity.

3. Trường hợp sự cố môi trường do thiên tai gây ra hoặc chưa xác định được nguyên nhân thì bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm huy động các nguồn lực để tổ chức xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường.
3. If the environmental emergency is caused by a natural disaster or an unknown cause, competent authorities shall mobilize forces to carry out pollution reduction and environmental remediation.

4. Trường hợp sự cố môi trường xảy ra trên địa bàn liên tỉnh thì việc khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
4. If an environmental emergency occurs in multiple provinces, the Prime Minister shall direct the pollution reduction and environmental remediation.

Chương XI
Chapter XI

QUY CHUẨN KỸ THUẬT MÔI TRƯỜNG, TIÊU CHUẨN MÔI TRƯỜNG
ENVIRONMENTAL TECHNICAL REGULATIONS, ENVIRONMENTAL STANDARDS

Điều 113. Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường
Article 113. Environmental technical regulation system

1. Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh gồm:
1. Technical regulations on surrounding environment quality include:

a) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với đất;
a) Environmental technical regulations on soil

b) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nước mặt và nước dưới đất;
b) Environmental technical regulations on surface water and underground water;

c) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nước biển;
c) Environmental technical regulations on sea water;

d) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với không khí;
d) Environmental technical regulations on air;

đ) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với âm thanh, ánh sáng, bức xạ;
đ) Environmental technical regulations on sound, light, and radiation;

e) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với tiếng ồn, độ rung.
e) Environmental technical regulations on noise, vibration;

2. Quy chuẩn kỹ thuật về chất thải gồm:
2. Technical regulations on waste:

a) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp, dịch vụ, nước thải từ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nước thải sinh hoạt, phương tiện giao thông và hoạt động khác;
a) Technical regulations on wastewater from industries, services, breeding, aquatic production, domestic, traffic and other activities;

b) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật về khí thải của các nguồn di động và cố định;
b) Technical regulations on exhaust gas from mobile and fixed sources;

c) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật về chất thải nguy hại.
c) Technical regulations on hazardous waste

3. Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường khác.
3. Other technical regulations

Điều 114. Nguyên tắc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường
Article 114. Principles of constructing environmental technical regulations

1. Đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường; phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường.
1. Meeting goals of environmental protection; preventing, remedying environmental pollution, degradation and problem.

2. Có tính khả thi, phù hợp với mức độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ công nghệ của đất nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Being feasible, suitable for socio-economic development, technological level of the country, and meeting requirements of international economic integration.

3. Phù hợp với đặc điểm của khu vực, vùng, ngành sản xuất.
3. Being suitable for characteristics of area, regions and production industries

4. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương phải nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia hoặc đáp ứng yêu cầu quản lý môi trường có tính đặc thù.
4. Local technical regulations must be stricter than national technical regulations or meet requirements of specifically designed environmental management.

Điều 115. Ký hiệu quy chuẩn kỹ thuật môi trường
Article 115. Symbols of environmental technical regulations

1. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, ký hiệu là QCVN số thứ tự MT: năm ban hành/BTNMT.
1. National environmental technical regulations, symbolized as QCVN, ordinal number MT: Issuing year/BTNMT.

2. Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường, ký hiệu là QCĐP số thứ tự MT: năm ban hành/tên viết tắt tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Local environmental technical regulations, symbolized as QCĐP, ordinal number MT:

Điều 116. Yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh
Article 116. Requirements for technical regulations on surrounding environment quality

1. Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh quy định giá trị giới hạn cho phép của các thông số môi trường phù hợp với mục đích sử dụng thành phần môi trường gồm:
1. Technical regulations on surrounding environmental quality which regulates the threshold limit value of the environmental factor suitable for use of environmental components include:

a) Giá trị tối thiểu của các thông số môi trường bảo đảm sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật;
a) Minimum value of the environmental factors that ensures life and normal growth of human and living beings;

b) Giá trị tối đa cho phép của các thông số môi trường để không gây ảnh hưởng xấu đến sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật.
b) Permissible maximum value of the environmental factors that serves not to cause any negative effect on life and normal growth of human and living beings.

2. Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh phải chỉ dẫn phương pháp chuẩn về đo đạc, lấy mẫu, phân tích để xác định thông số môi trường.
2. Technical regulations on surrounding environmental quality must provide guidance on standard method for measuring, sampling and analysis to determine environmental factors.

Điều 117. Yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật về chất thải
Article 117. Requirements for technical regulations on waste

1. Quy chuẩn kỹ thuật về chất thải phải quy định cụ thể hàm lượng tối đa của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.
1. Technical regulations on waste must specifically regulate maximum amount of pollutants contained in the waste ensuring that they can not cause environmental pollution.

2. Hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong chất thải được xác định căn cứ vào tính chất độc hại, khối lượng chất thải phát sinh và sức chịu tải của môi trường tiếp nhận chất thải.
2. Amount of pollutants contained in the waste is determined by relying on the nature of toxicity, quantity of generated waste and loading capacity of the waste receiving environment.

3. Quy chuẩn kỹ thuật về chất thải phải có chỉ dẫn phương pháp chuẩn về lấy mẫu, đo đạc và phân tích để xác định hàm lượng các chất gây ô nhiễm.
3. Technical regulations on waste must provide guidance on standard method for sampling, measurement and analysis to determine amount of pollutants.

Điều 118. Xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường
Article 118. Construction and promulgation of environmental technical regulations

1. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành và chứng nhận hợp quy quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia, địa phương phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
1. Authorities, sequences and procedures of constructing, promulgating and endorsing compatibility of national, local environmental technical regulations must follow regulations of the law on technical standard and regulations.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
2. The Minister of Natural Resources and Environment promulgate national technical regulations on environment.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương.
3. People’s committees of provinces promulgate local technical regulations on environment.

Điều 119. Tiêu chuẩn môi trường
Article 119. Environmental standards

1. Tiêu chuẩn môi trường gồm tiêu chuẩn chất lượng môi trường xung quanh, tiêu chuẩn về chất thải và các tiêu chuẩn môi trường khác.
1. Environmental standards include standards on surrounding environmental quality, waste and other standards.

2. Toàn bộ hoặc một phần tiêu chuẩn môi trường trở thành bắt buộc áp dụng khi được viện dẫn trong văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
2. Whole or part of the environmental technical regulations becomes compulsorily applicable when it is cited from legal documents and environmental technical regulations.

3. Tiêu chuẩn cơ sở áp dụng trong phạm vi quản lý của tổ chức công bố tiêu chuẩn.
3. Applicable entity standards within management of the standard promulgating agency.

Điều 120. Xây dựng, thẩm định và công bố tiêu chuẩn môi trường
Article 120. Construction, appraisal and promulgation of environmental standards

1. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định tiêu chuẩn môi trường phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
1. Authorities, sequence and procedures of constructing, appraising environmental standards must follow regulations of the law on technical standards and regulations.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng dự thảo, đề nghị thẩm định tiêu chuẩn quốc gia về môi trường.
2. The Minister of Natural Resources and Environment shall organize construction of the draft and propose appraisal of the national environmental standards.

3. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo và công bố tiêu chuẩn quốc gia về môi trường.
3. The Minister of Science and Technology shall organize appraisal of the draft and promulgate the national environmental standards.

4. Cơ quan, tổ chức xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở về môi trường theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
4. Agencies and organizations shall organize construction and promulgation of the entity standards of the law on technical standards and regulations.

Chương XII
Chapter XII

QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG
ENVIRONMENTAL MONITORING

Điều 121. Hoạt động quan trắc môi trường
Article 121. Environmental monitoring

1. Cơ quan, tổ chức về bảo vệ môi trường tổ chức thực hiện quan trắc môi trường xung quanh.
1. Environmental protection agencies and organizations organize the implementation of surrounding environmental monitoring.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành danh mục và hướng dẫn thực hiện quan trắc chất phát thải đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường.
2. The Ministry of Natural Resources and Environment promulgates the list and guides the implementation of emission monitoring with respect to production, business and service entities at risk of imposing effects on the environment.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc danh mục chịu trách nhiệm quan trắc chất phát thải phải bảo đảm tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật môi trường và quy định của pháp luật có liên quan.
3. Production, business and service entities which are not on the list of entities responsible for emission monitoring must ensure their compliance with environmental technical regulations and relevant regulations.

Điều 122. Thành phần môi trường và chất phát thải cần được quan trắc
Article 122. Environmental components and emissions to be monitored

1. Môi trường nước gồm nước mặt lục địa, nước dưới đất, nước biển.
1. Water includes surface water, underground water and sea water.

2. Môi trường không khí gồm không khí trong nhà, không khí ngoài trời.
2. Air includes indoor and outdoor air.

3. Tiếng ồn, độ rung, bức xạ, ánh sáng.
3. Noise, vibration, radiation and light.

4. Môi trường đất, trầm tích.
4. Soil and deposits

5. Phóng xạ.
5. Nuclear radiation

6. Nước thải, khí thải, chất thải rắn.
6. Wastewater, exhaust gas and solid waste.

7. Hóa chất nguy hại phát thải và tích tụ trong môi trường.
7. Hazardous chemicals emitted and built up in the environment.

8. Đa dạng sinh học.
8. Biological diversity.

Điều 123. Chương trình quan trắc môi trường
Article 123. Environmental monitoring program

1 .Chương trình quan trắc môi trường quốc gia gồm chương trình quan trắc môi trường lưu vực sông và hồ liên tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm, môi trường xuyên biên giới và môi trường tại các vùng có tính đặc thù.
1. National environmental monitoring program includes environmental monitoring programs at inter-provincial river and lake basins, key economic zones, trans-border, and geographically distinct zones.

2. Chương trình quan trắc môi trường cấp tỉnh gồm các chương trình quan trắc thành phần môi trường trên địa bàn.
2. Provincial environmental monitoring program includes monitoring programs on environmental components in the area.

3. Chương trình quan trắc môi trường của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gồm quan trắc chất phát thải và quan trắc các thành phần môi trường theo quy định của pháp luật.
3. Environmental monitoring program of industrial parks, export processing zones, high-tech zones, industrial complex, trade villages and production, business and service facilities includes monitoring programs on emissions and environmental components in accordance with the law.

Điều 124. Hệ thống quan trắc môi trường
Article 124. Environmental monitoring system

1. Hệ thống quan trắc môi trường gồm:
1. Environmental monitoring system includes:

a) Quan trắc môi trường quốc gia;
a) National environmental monitoring;

b) Quan trắc môi trường cấp tỉnh;
b) Provincial environmental monitoring;

c) Quan trắc môi trường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
c) Intramural environmental monitoring.

2. Các tổ chức tham gia hệ thống quan trắc môi trường gồm:
2. Organizations involved in the environmental monitoring system include:

a) Tổ chức lấy mẫu, đo đạc mẫu môi trường tại hiện trường;
a) Organizations in charge of on-site sampling and measurements;

b) Phòng thí nghiệm, phân tích mẫu môi trường;
b) Sample analyzing laboratories;

c) Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị quan trắc môi trường;
c) Monitoring equipment inspecting and standardizing organizations;

d) Tổ chức quản lý, xử lý số liệu và lập báo cáo kết quả quan trắc môi trường.
d) Data management and handling, monitoring result establishing and reporting organizations.

3. Hệ thống quan trắc môi trường phải được quy hoạch đồng bộ, có tính liên kết, tạo thành mạng lưới thống nhất và toàn diện.
3. Environmental monitoring system must be synchronized and interconnected to create a consistent and comprehensive network.

Điều 125. Trách nhiệm quan trắc môi trường
Article 125. Environmental monitoring responsibilities

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra hoạt động quan trắc môi trường trên phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường quốc gia.
1. The Ministry of Natural Resources and Environment directs, instructs and monitors environmental monitoring on national level; organizes the implementation of national environmental monitoring.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả quan trắc môi trường.
2. People’s committees of provinces organizes an environmental monitoring program in the area, reports to the People’s Council of the same level and the Ministry of Natural Resources and Environment on monitoring results.

3. Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện chương trình quan trắc phát thải và các thành phần môi trường; báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
3. Industrial parks, export processing zones, high-tech zones, industrial complex, trade villages and production, business and service bases must implement the monitoring program on emissions and environmental components; report to regulatory agencies on environmental protection in accordance with the law.

Điều 126. Điều kiện hoạt động quan trắc môi trường
Article 126. Conditions of environmental monitoring

1. Tổ chức có đủ kỹ thuật viên về chuyên ngành quan trắc môi trường và trang bị kỹ thuật cần thiết được tham gia hoạt động quan trắc môi trường.
1. Any organization that is fully staffed in environmental monitoring and equipped with necessary facilities is permitted to participate in the environmental monitoring.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
2. The government shall detail this Article.

Điều 127. Quản lý số liệu quan trắc môi trường
Article 127. Environmental monitoring data management

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý số liệu quan trắc môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc môi trường; công bố kết quả quan trắc môi trường quốc gia; hướng dẫn nghiệp vụ và hỗ trợ kỹ thuật quản lý số liệu quan trắc môi trường.
1. The Ministry of Natural Resources and Environment manages environmental monitoring data; constructs national database on environmental monitoring; promulgate results of national monitoring; provides professional training and technical supports for the management of environmental monitoring.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý số liệu quan trắc môi trường và công bố kết quả quan trắc môi trường của địa phương.
2. People’s committees of provinces manage environmental monitoring data and promulgate results of local monitoring.

3. Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quản lý số liệu quan trắc môi trường và công bố kết quả quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật.
3. Industrial parks, export processing zones, high-tech zones, industrial complex, trade villages and production, business and service bases shall manage environmental monitoring data and promulgate results of environmental monitoring in accordance with the law.

Chương XIII
Chapter XIII

THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG, CHỈ THỊ MÔI TRƯỜNG, THỐNG KÊ MÔI TRƯỜNG VÀ BÁO CÁO MÔI TRƯỜNG
ENVIRONMENTAL INFORMATION, DIRECTIVE, STATISTICS AND REPORTING

Mục 1. THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG
Section 1. ENVIRONMENTAL INFORMATION

Điều 128. Thông tin môi trường
Article 128. Environmental information

1. Thông tin môi trường gồm số liệu, dữ liệu về thành phần môi trường, các tác động đối với môi trường, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, hoạt động bảo vệ môi trường.
1. Environmental information includes figures, data about environmental components, environmental impacts, policies and law on environment and environmental protection.

2. Cơ sở dữ liệu môi trường là tập hợp thông tin về môi trường được xây dựng, cập nhật và duy trì đáp ứng yêu cầu truy nhập, sử dụng thông tin cho công tác bảo vệ môi trường và phục vụ lợi ích công cộng.
2. Environmental database is a collection of information about the environment being constructed, updated and maintained to meet the demands for access and use of information for environmental protection tasks and for the public interests.

Điều 129. Thu thập và quản lý thông tin môi trường
Article 129. Collection and management of environmental information

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương thu thập và quản lý thông tin môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.
1. The Ministry of Natural Resources and Environment actively coordinates with the ministerial, departmental and local levels to collect and manage environmental information, construct national environmental database.

2. Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thu thập, quản lý thông tin môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường của Bộ, ngành, địa phương và tích hợp với cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.
2. Ministries, departments and people’s committees of all levels, within their own duties and authorities, collect and manage environmental information, construct ministerial, departmental and local environmental database and integrate them into the national environmental database.

3. Khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lập hồ sơ môi trường, quản lý thông tin về tác động đối với môi trường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
3. Industrial parks, export processing zones, high-tech zones, industrial complex, trade villages and production, business and service bases prepare environmental dossiers; manage information of environmental impacts from activities of production, business and service.

Điều 130. Công bố, cung cấp thông tin môi trường
Article 130. Announcement and supply of environmental information

1. Tổ chức, cá nhân quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường có trách nhiệm báo cáo thông tin môi trường trong phạm vi quản lý của mình với cơ quan quản lý về môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
1. Organizations, individuals managing industrial parks, export processing zones, high-tech zones, industrial complexes, trade villages and production, business and service facilities and being subject to the list responsible for the preparation of environmental impact assessment reports are responsible for reporting to the environmental management agencies under people’s committees of provinces on environmental information within their authorities.

2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường liên quan đến hoạt động của mình cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.
2. Production, business and service bases which are not subject to the list as stipulated in Paragraph 1 of this Article are responsible for supplying environmental information in relation to their operation to the people’s committees of districts and communes.

3. Bộ, ngành hằng năm có trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Annually, the ministries, departments are responsible for supplying environmental information relating to branches and areas under their management to the Ministry of Natural Resources and Environment.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.
4. The Ministry of Natural Resources and Environment shall detail this Article.

Điều 131. Công khai thông tin môi trường
Article 131. Publishing of environmental information

1. Thông tin môi trường phải được công khai gồm:
1. Environmental information to be made known in public includes:

a) Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
a) Strategic environmental assessment report, environmental impact assessment report and environmental protection plan;

b) Thông tin về nguồn thải, chất thải, xử lý chất thải;
b) Information of emission sources, emissions and treatment of waste;

c) Khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường;
c) Areas suffering from serious and particularly serious pollution, degradation, areas at risk of environmental incident;

d) Các báo cáo về môi trường;
d) Environmental reports;

đ) Kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường.
đ) Results of environment inspections.

Các thông tin quy định tại khoản này mà thuộc danh mục bí mật nhà nước thì không được công khai.
1. Information stipulated in this Paragraph and classified as state secrets is not permitted to be published.

2. Hình thức công khai phải bảo đảm thuận tiện cho những đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin.
2. The publishing method must ensure convenience for information recipients

3. Cơ quan công khai thông tin môi trường chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin.
3. Information-publishing agencies are legally responsible for accuracy of the information.

Mục 2. CHỈ THỊ MÔI TRƯỜNG VÀ THỐNG KÊ MÔI TRƯỜNG
Section 2. Environmental indicators and statistics

Điều 132. Chỉ thị môi trường
Article 132. Environmental indicators

1. Chỉ thị môi trường là thông số cơ bản phản ánh các yếu tố đặc trưng của môi trường phục vụ mục đích đánh giá, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, lập báo cáo hiện trạng môi trường.
1. Environmental indicators are quantities that reflect specific characters of the environment for the purpose of evaluating and monitoring the developments of environmental quality, preparation of report on current environmental condition.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành, hướng dẫn triển khai thực hiện bộ chỉ thị môi trường quốc gia.
2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall construct, promulgate and instruct the implementation of the national environmental directive.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện bộ chỉ thị môi trường địa phương trên cơ sở bộ chỉ thị môi trường quốc gia.
2. People’s committees of provinces shall construct, promulgate and develop the implementation of local environmental directive based on the national environmental directive.

Điều 133. Thống kê môi trường
Article 133. Environmental statistics

1. Thống kê môi trường là hoạt động điều tra, báo cáo, tổng hợp, phân tích và công bố các chỉ tiêu cơ bản phản ánh bản chất và diễn biến của các vấn đề môi trường theo không gian và thời gian.
1. Environmental statistics are an activity of enquiry, reporting, compilation, analysis and promulgation of basic criteria reflecting nature and situation of environmental matters according to space and time.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê môi trường, tổ chức thực hiện công tác thống kê môi trường quốc gia; hướng dẫn công tác thống kê môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê môi trường quốc gia.
2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall promulgate the system of environmental statistics criteria, organizes the implementation of national environmental statistics tasks; instructs tasks of environmental statistics; construct national environmental statistics database.

3. Bộ, ngành tổ chức thực hiện công tác thống kê môi trường trong phạm vi quản lý; xây dựng cơ sở dữ liệu về thống kê môi trường của ngành, lĩnh vực; hằng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về chỉ tiêu thống kê môi trường.
3. Ministries, departments shall organize the implementation of environmental statistics tasks within their management; construct environmental statistics database of branches and areas; make annual reports to the Ministry of Natural Resources and Environment on criteria of environmental statistics.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện công tác thống kê môi trường của địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu về thống kê môi trường của địa phương; hằng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về chỉ tiêu thống kê môi trường.
4. People’s committees of provinces shall organize the implementation of local environmental statistics tasks; construct database of local environmental statistics; make annual reports to the Ministry of Natural Resources and Environment on criteria of environmental statistics.

Mục 3. BÁO CÁO MÔI TRƯỜNG
Section 3. Environmental reporting

Điều 134. Trách nhiệm báo cáo công tác bảo vệ môi trường hằng năm
Article 134. Annual environmental protection reporting responsibilities

1. Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.
1. The People’s Committees of communes shall submit reports on local environmental protection tasks to the People’s Council of the same commune and the People’s Committee of districts. .

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.
2. People’s Committees of districts shall submit reports on local environmental protection tasks to the People’s Council of the same district and the People’s Committee of provinces.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.
3. People’s committees of provinces report on local environmental protection to the People’s Councils of the same province and the Ministry of Natural Resources and Environment.

4. Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác bảo vệ môi trường.
4. Management boards of economic, industrial, export processing, high-tech zones, industrial complexes must report to people’s committees of provinces on environmental protection.

5. Bộ, ngành báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý.
5. Ministries, departments shall report on the tasks of environmental protection in management to the Ministry of Natural Resources and Environment.

6. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ, Quốc hội về công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước.
5. Ministry of Natural Resources and Environment reports on environmental protection on the national scale to the Government and National Assembly

7. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc xây dựng báo cáo công tác bảo vệ môi trường.
6. Ministry of Natural Resources and Environment shall instruct the construction of environmental protection report.

Điều 135. Nội dung báo cáo công tác bảo vệ môi trường
Article 135. Report of environmental protection tasks

1. Hiện trạng, diễn biến các thành phần môi trường.
1. Quo status, happening of environmental components.

2. Quy mô, tính chất và tác động của các nguồn phát thải.
2. Scale, nature and impacts of emission sources.

3. Tình hình thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường; kết quả thanh tra, kiểm tra.
3. Adherence to regulations of law on environmental protection; results of investigation, inspection.

4. Danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tình hình xử lý.
4. List of entities causing serious pollution to the environment and disciplinary/remedial actions

5. Nguồn lực về bảo vệ môi trường.
5. Resources for environmental protection

6. Đánh giá công tác quản lý và hoạt động bảo vệ môi trường.
6. Evaluation of environmental protection management and operation

7. Phương hướng và giải pháp bảo vệ môi trường.
7. Environmental protection plan and solutions

Điều 136. Nội dung bảo vệ môi trường trong báo cáo kinh tế - xã hội hằng năm
Article 136. Annual socio-economic report on environmental protection

Báo cáo kinh tế - xã hội hằng năm của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp phải đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường và công tác bảo vệ môi trường.
Annual socio-economic reports by the Government and People’s committees of all levels must specify the implementation of environmental protection criteria and environmental protection tasks.

Điều 137. Trách nhiệm lập báo cáo hiện trạng môi trường
Article 137. Environmental quo status reporting responsibilities

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường lập báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 05 năm một lần; hằng năm lập báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia.
1. The Ministry of Natural Resources and Environment prepares national environmental quo status report every five years; prepares annual thematic report on national environment.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo hiện trạng môi trường của địa phương 05 năm một lần; căn cứ những vấn đề bức xúc về môi trường của địa phương, quyết định lập báo cáo chuyên đề về môi trường.
2. People’s committees of provinces prepares local environmental quo status report every five years; based on local environmental pressing issues, shall decide to prepare thematic report on environment.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn công tác lập báo cáo hiện trạng môi trường.
3. The Minister of Natural Resources and Environment instructs the preparation of environmental quo status report.

Điều 138. Nội dung báo cáo hiện trạng môi trường
Article 138. Environmental quo status report

1. Tổng quan về tự nhiên, kinh tế, xã hội.
1. Overview of natural, economic and social conditions

2. Các tác động môi trường.
2. Environmental impacts

3. Hiện trạng và diễn biến các thành phần môi trường.
3. Quo status and happening of environmental components

4. Những vấn đề bức xúc về môi trường và nguyên nhân.
4. Environmental pressing issues and causes

5. Tác động của môi trường đối với kinh tế, xã hội.
5. Environmental impacts on economy and society

6. Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật và các hoạt động bảo vệ môi trường.
6. Implementation of policies, law and environmental protection activities

7. Dự báo thách thức về môi trường.
7. Forecasting of environmental challenges

8. Phương hướng và giải pháp bảo vệ môi trường.
8. Environmental protection plan and solutions

Chương XIV
Chapter XIV

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
RESPONSIBILITIES OF REGULATORY AGENCIES FOR ENVIRONMENTAL PROTECTION

Điều 139. Nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
Article 139. State management on environmental protection

1. Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
1. Constructing, promulgating by authority and organizing the implementation of legal documents on environmental protection, promulgating environmental standard, technical process system.

2. Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, chính sách, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường.
2. Constructing, directing the implementation of strategies, policies, programs, projects, planning and plans on environment.

3. Tổ chức, xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc; định kỳ đánh giá hiện trạng môi trường, dự báo diễn biến môi trường.
3. Organizing, constructing, managing monitoring system; carrying out regular evaluation of environmental conditions, forecasting environmental happenings.

4. Xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường; thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường; tổ chức xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường.
4. Constructing, appraising and approving environmental protection planning; appraising strategic environmental assessment report; appraising, approving environmental impact assessment report and inspecting, endorsing environmental protection works; organizing and endorsing environmental protection plan;

5. Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học; quản lý chất thải; kiểm soát ô nhiễm; cải thiện và phục hồi môi trường.
5. Directing, instructing and organizing the implementation of biological diversity preserving activities; managing waste; controlling pollution; improving and restoring the environment.

6. Cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về môi trường.
6. Awarding, extending, revoking environmental licenses, certificates.

7. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; thanh tra trách nhiệm quản nhà nước về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường; xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
7. Investigating, inspecting the execution of the law on environmental protection; Investigating state management responsibilities on environmental protection;

8. Đào tạo nhân lực khoa học và quản lý môi trường; giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo vệ môi trường.
8. Training human force in charge of scientific and environmental management, educating and propagandizing knowledge and law on environmental protection.

9. Tổ chức nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
9. Organizing study and application of scientific and technological advances in environmental protection.

10. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện ngân sách nhà nước cho các hoạt động bảo vệ môi trường.
10. Directing, instructing, inspecting and evaluating the implementation of state budget on environmental protection.

11. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
11. Furthering international cooperation in environmental protection.

Điều 140. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Chính phủ
Article 140. State management responsibilities of the Government for environmental protection

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước.
The government is unanimous in state management on environmental protection throughout the country.

Điều 141. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Article 141. State management responsibilities of the Minister of Natural Resources and Environment to environmental protection

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và có trách nhiệm sau:
The Minister of Natural Resources and Environment is responsible to the Government for unifying state management on environmental protection and takes the following responsibilities:

1. Chủ trì xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án quốc gia về bảo vệ môi trường.
1. Constructing and submitting to the Government, the Prime Minister legal documents, policies, strategies, planning, plans, programs, and national projects on environmental protection.

2. Chủ trì xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; ban hành văn bản hướng dẫn kỹ thuật theo thẩm quyền.
2. Constructing and promulgating legal documents by authority, national technical regulations on environment; promulgating technical instruction documents.

3. Chủ trì giải quyết hoặc đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên tỉnh.
3. Self-handling or sending proposal to the Government, the Prime Minister for handling of inter-branch, inter-provincial environmental issues.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn và xây dựng hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, thông tin môi trường và báo cáo môi trường; chỉ đạo, tổ chức đánh giá hiện trạng môi trường quốc gia và địa phương.
4. Directing, instructing and constructing national environmental monitoring system, environmental information and reporting system; directing, organizing national and local environmental actual state assessment.

5. Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền hoạt động xây dựng, thẩm định, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường; thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
5. Directing, instructing and organizing the implementation of construction activities by authority, appraising, approving environmental protection planning; appraising strategic environmental assessment report; appraising, approving environmental impact assessment report; endorsing environmental protection plan; inspecting, endorsing completion of environmental protection works.

6. Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền việc cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về bảo vệ môi trường.
6. Directing, instructing and organizing the implementation of awarding, extending and revoking environmental licenses, certificates by authority.

7. Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, an toàn sinh học; quản lý chất thải; kiểm soát ô nhiễm; cải thiện và phục hồi môi trường.
7. Directing, instructing and organizing the implementation of biological diversity preserving activities, biological safety; carrying out waste management; controlling pollution; improving and restoring the environment.

8. Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chính sách, chương trình, mô hình thử nghiệm về sản xuất và tiêu thụ bền vững, thân thiện với môi trường; hướng dẫn, chứng nhận sản phẩm, cơ sở thân thiện với môi trường; chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động cải thiện sức khỏe môi trường.
8. Constructing and organizing the implementation of policies, programs, sustainable and environmental friendly production and consumption models, instructing and endorsing environmental friendly product, institution; directing, instructing environmental health improving activities.

9. Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
9. Inspecting, investigating and handling violations of the law on environmental protection; settling claims, accusations, petitions in relation to environmental protection according to the law.

10. Chỉ đạo và hướng dẫn việc lồng ghép nội dung về bảo vệ môi trường trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, chiến lược quốc gia về tài nguyên nước và quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; chiến lược tổng thể quốc gia về điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản.
10. Directing and instructing the insertion of environmental protection contents into national land use planning and plan, national strategy on water natural resources and general planning of inter-provincial river valley; national overall strategy on basic investigation, survey, exploitation and processing of mineral resources.

11. Xây dựng và tổ chức thực hiện hệ thống chỉ tiêu đánh giá, theo dõi tình hình thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc; truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường.
11. Constructing and organizing the implementation of assessment criteria system, following up the compliance with the law on environmental protection across the country; communicating, popularizing and educating environmental protection law.

12. Trình Chính phủ việc tham gia tổ chức quốc tế, ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về môi trường; chủ trì hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.
12. Submitting to the Government the participation into international organizations, signing or applying for membership of the international treaty on environmental protection; chairing activities of international cooperation on environmental protection.

Điều 142. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ
Article 142. State management responsibilities of Ministers, heads of ministerial level bodies on environmental protection

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành thông tư, thông tư liên tịch về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực bộ, ngành quản lý.
1. Ministers, heads of ministerial level bodies shall take charge of and cooperate with the Minister of Natural Resources and Environment in constructing and promulgating circulars, joint circulars on environmental protection in the areas managed by ministries and departments.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Luật này và phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc phạm vi quản lý của mình; hằng năm báo cáo Chính phủ các hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thuộc bộ, ngành quản lý.
2. Ministers, heads of ministerial level bodies shall carry out the duties stipulated in this law and coordinate with the Minister of Natural Resources and Environment to organize the execution of the law on environmental protection within its own management; carrying out annual reporting to the Government on state management activities on environmental protection in the areas managed by ministers and departments.

3. Trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được quy định như sau:
3. Responsibilities of ministers, heads of ministerial level bodies are defined as follows:

a) Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường trong chiến lược, quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vùng và dự án, công trình thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoạt động thu hút đầu tư và tổ chức triển khai việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý;
a) The Minister of Planning and Investment shall actively coordinate with The Minister of Natural Resources and Environment, Ministers, heads of ministerial level bodies and chairpersons of the people’s committees of provinces to meet requirements of environmental protection in the strategy, general planning and plan of social-economic development of the country, region, project, works under authorities of the National Assembly, Government, Prime Minister, working to attract investment and organizing the implementation of law enforcement on environmental protection in the area of management.

b) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, chất thải trong nông nghiệp và các hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý;
b) The Minister of Agriculture and Rural Development shall actively coordinate with the Minister of Natural Resources and Environment, Ministers, heads of ministerial level bodies and chairpersons of the people’s committees of provinces to organize the implementation of law enforcement on environmental protection in production, importing, exporting, use of chemicals, plant protection chemicals, veterinary drugs, fertilizers, waste substances in agriculture and other activities in management;

c) Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử lý các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc thẩm quyền quản lý, phát triển ngành công nghiệp môi trường và tổ chức triển khai thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý;
c) The Minister of Trade and Industry shall actively coordinate with the Minister of Natural Resources and Environment, Ministers, heads of ministerial level bodies and chairpersons of the people’s committees of provinces to handle industrial establishments causing serious environmental pollution under management authority, develop environmental industries and organize the implementation of law enforcement on environmental protection in management;

d) Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng về cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn và nước thải tại đô thị, khu sản xuất dịch vụ tập trung, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, làng nghề và khu dân cư nông thôn tập trung và hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý;
d) The Minister of Construction shall actively coordinate with the Minister of Natural Resources and Environment, Ministers, heads of ministerial level bodies and chairpersons of the people’s committees of provinces to organize the implementation of law enforcement on environmental protection in such construction activities as infrastructural structures of water supply, water drainage, solid waste and urban waste water treatment, centralized service production area, construction material production bases, trade villages, centralized rural residential area and other activities in the area of management;

đ) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý phương tiện giao thông vận tải và hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý;
đ) The Minister of Transport shall actively coordinate with the Minister of Natural Resources and Environment, Ministers, heads of ministerial level bodies and chairpersons of the people’s committees of provinces to organize the implementation of law enforcement on environmental protection in such construction activities as infrastructural structures of traffic, traffic vehicle management and other activities in the area of management;

e) Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, hoạt động mai táng, hỏa táng; tổ chức việc thống kê nguồn thải, đánh giá mức độ ô nhiễm, xử lý chất thải của bệnh viện, cơ sở y tế và hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý;
e) The Minister of Health shall actively coordinate with the Minister of Natural Resources and Environment, Ministers, heads of ministerial level bodies and chairpersons of the people’s committees of provinces to organize the implementation of law enforcement on environmental protection in the areas of health, food hygiene safety, burial and cremation activities; organizing statistics of waste sources, evaluation of pollution degree, treatment of medical waste from hospitals, medical institutions and other activities in the area of management;

g) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, lễ hội, thể thao, du lịch và hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý;
g) The Minister of Culture, Sports and Tourism actively coordinates with the Minister of Natural Resources and Environment, Ministers, heads of ministerial level bodies and chairpersons of the people’s committees of provinces to organize the implementation of law enforcement on environmental protection in activities of culture, festivals, sports, tourism, and other activities in the area of management;

h) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quốc phòng theo quy định của pháp luật; huy động lực lượng tham gia hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường trong lực lượng vũ trang thuộc thẩm quyền quản lý;
h) The Minister of National Defense actively coordinates with the Minister of Natural Resources and Environment, Ministers, heads of ministerial level bodies and chairpersons of the people’s committees of provinces to organize the implementation of law enforcement on environmental protection in the area of national defense in accordance with the law; mobilize forces to engage in activities of coping, remedying the incident in accordance with the law; direct, instruct, examine, and investigate the environmental protection tasks by the armed forces within authorities of management;

i) Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động phòng chống tội phạm về môi trường và bảo đảm an ninh trật tự trong lĩnh vực môi trường; huy động lực lượng tham gia hoạt động ứng phó với sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường trong lực lượng vũ trang thuộc thẩm quyền quản lý;
i) The Minister of Public Security is responsible for organizing, directing activities of environmental crime fighting and ensuring security in the area of environment; mobilizing forces to engage in the activity of coping with environmental incidents in accordance with the law; direct, instruct, examine and investigate the environmental protection tasks by the armed forces within authorities of management;

k) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Luật này và phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong phạm vi quản lý.
k) Ministers, heads of ministerial level bodies execute the duties stipulated in this Law and coordinates with the Minister of Natural Resources and Environment to organize the implementation of law enforcement on environmental protection in the area of management.

Điều 143. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp
Article 143. State management responsibilities of the people’ committees of all levels on environmental protection

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau:
1. The people’s committees of provinces take the following responsibilities:

a) Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chương trình, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường;
a) Constructing, promulgating by authority legal documents, policies, programs, planning, plans on environmental protection;

b) Tổ chức thực hiện pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ về bảo vệ môi trường;
b) Organizing the implementation of law, strategies, programs, plans and duties on environmental protection;

c) Xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc môi trường của địa phương phù hợp với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia;
c) Constructing, managing environmental monitoring system in the locality in suitability with general planning of national environmental monitoring;

d) Tổ chức đánh giá và lập báo cáo môi trường. Truyền thông, phổ biến, giáo dục chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường;
d) Organizing appraisal and establishment of environmental report. Communicating, popularizing and educating policies and law on environmental protection;

đ) Tổ chức thẩm định, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, hướng dẫn và tổ chức kiểm tra xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền;
đ) Organizing appraisal, approval of environmental protection planning, environmental impact assessment report, endorsing completion of environmental protection works, instructing and organizing the inspection of environmental protection plan by authority;

e) Cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền;
e) Awarding, extending, revoking licenses, certificates of environmental protection by authorities;

g) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về môi trường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định của pháp luật có liên quan; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh;
g) Inspecting, investigating, handling law violations of environmental protection; settling claims, accusations, petitions concerning environment in accordance with the law on complaints and denunciations.

h) Chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.
h) Being responsible to the Government for any serious environmental pollution in the area.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm sau:
2. The people’s committees of communes take the following responsibilities:

a) Ban hành theo thẩm quyền quy định, chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường;
a) Promulgating by authorities regulations, programs, and plans on environmental protection;

b) Tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ về bảo vệ môi trường;
b) Organizing the implementation of strategies, programs, plans and duties on environmental protection;

c) Xác nhận, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền;
c) Endorsing, inspecting the implementation of environmental protection plan by authorities;

d) Hằng năm, tổ chức đánh giá và lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường;
d) Organizing appraisal and establishment of environmental protection tasks on a yearly basis;

đ) Truyền thông, phổ biến, giáo dục chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường;
đ) Communicating, popularizing and educating policies and laws on environmental protection;

e) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định của pháp luật có liên quan;
e) Inspecting, investigating, handling law violations on environmental protection; settling claims, accusations, petitions on environmental protection according to the law on complaints and denunciations,

g) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan giải quyết các vấn đề môi trường liên huyện;
g) Coordinating with the people’s committees of districts concerned to settle inter-district environmental problems

h) Chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân cấp xã;
h) Directing state management tasks of the People’s committees of communes on environmental protection

i) Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.
i) Being responsible to the People’s committees of provincial levels for any serious environmental pollution in the area.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau:
3. The People’s committees of communes take the following responsibilities:

a) Xây dựng kế hoạch, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn; vận động nhân dân xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước; hướng dẫn việc đưa tiêu chí về bảo vệ môi trường vào đánh giá thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, khu dân cư và gia đình văn hóa;
a) Constructing plan, carrying out the duties of environmental protection, environmental hygiene preservation in the area; mobilizing people to construct the contents of environmental protection in the village regulation; providing guidance on putting the criteria of environmental protection into evaluation of hamlets, villages, and small villages (normally inhabited by mountainous ethnic minorities), neighborhoods and courteous families;

b) Xác nhận, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường theo ủy quyền; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của hộ gia đình, cá nhân;
b) Endorsing, inspecting the implementation of environmental protection plans by authorities; inspecting compliance with the law on environmental protection by households, individuals;

c) Phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp trên trực tiếp;
c) Detecting and handling by authorities violations of the law on environmental protection or reporting direct to state management agencies of higher levels on environmental protection;

d) Hòa giải tranh chấp về môi trường phát sinh trên địa bàn theo quy định của pháp luật về hòa giải;
d) Reconciling environmental disputes arising in the area in accordance with the law on reconciliation;

đ) Quản lý hoạt động của thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và tổ chức tự quản về giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường trên địa bàn;
đ) Managing activities of hamlets, villages, small villages (mountainous ethnic minorities), neighborhoods and organizations to self-govern environmental hygiene preservation and protection in the area;

e) Hằng năm, tổ chức đánh giá và lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường;
e) Organizing appraisal and establishment of environmental protection tasks on a yearly basis;

g) Chủ trì, phối hợp với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tổ chức công khai thông tin về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với cộng đồng dân cư;
g) Actively coordinating with production, business, and service entities in the area to popularize information of environmental protection of the institutions to the residential community;

h) Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.
h) Being responsible to the People’s committees of districts for any serious environmental pollution in the area.

Chương XV
Chapter XV

TRÁCH NHIỆM CỦA MẬT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI, TỔ CHỨC XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP VÀ CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ TRONG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
RESPONSIBILITIES OF VIETNAM FATHERLAND FRONT, SOCIO-POLITICAL ORGANIZATIONS, SOCIO–OCCUPATIONAL ORGANIZATIONS AND RESIDENTIAL COMMUNITY FOR ENVIRONMENTAL PROTECTION

Điều 144. Trách nhiệm và quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Article 144. Responsibilities and rights of Vietnam Fatherland Front

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên và nhân dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường.
1. Vietnam Fatherland Front, within its duties and powers, is responsible for propagandizing and mobilizing membership organizations and people to engage in environmental protection activity.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường.
2. Vietnam Father Front carries out giving advice, responding and observing the implementation of policies, law on environmental protection according to the law. State management agencies of all levels are responsible for creating favorable conditions for Vietnam Fatherland Front to take part in environmental protection.

Điều 145. Trách nhiệm và quyền của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp
Article 145. Responsibilities and rights of socio-political organizations, socio-occupational organizations

1. Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có trách nhiệm sau:
1. Socio-political organizations, socio-occupational organizations take the following responsibilities:

a) Tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường;
a) Complying with the law on environmental protection;

b) Tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
b) Taking part in activities of environmental protection.

2. Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có quyền sau:
2. Socio-political organizations, socio-occupational organizations have the following rights:

a) Được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
a) Being granted access to and the right to ask for information of environmental protection in accordance with the law;

b) Tham vấn đối với dự án có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;
b) Consulting about projects in relation to its functions, duties and authorities;

c) Tư vấn, phản biện về bảo vệ môi trường với cơ quan quản lý nhà nước và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan theo quy định của pháp luật;
c) Consulting, responding on environmental protection to state management agencies and owners of production, business and service entities concerned in accordance with the law;

d) Tham gia hoạt động kiểm tra về bảo vệ môi trường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;
d) Engaging in activities of investigation into environmental protection at production, business and service entities in relation to its functions, duties and authorities;

đ) Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
đ) Submitting petition to competent authorities for handling violations of the law on environmental protection.

3. Cơ quan quản lý môi trường các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện cho tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện các quyền quy định tại khoản 2 Điều này.
3. Environmental management agencies of all levels are responsible for creating favorable conditions for socio-political organizations, socio-occupational organizations to exercise the rights as stipulated in Paragraph 2 of this Article.

Điều 146. Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư
Article 146. Rights and obligations of local communities

1. Đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quyền yêu cầu chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường thông qua đối thoại trực tiếp hoặc bằng văn bản; tổ chức tìm hiểu thực tế về công tác bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thu thập, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp.
1. Representatives of local communities under environmental effects of production, business and service entities have the right to ask the owners of those production, business and service entities to provide information of environmental protection through direct dialogs or in writing; organize practical enquiry into environmental protection tasks by production, business and service entities; collect, supply information to competent agencies and take responsibility for the information supplied.

2. Đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với cơ sở.
2. Representatives of residential community in the area under environmental effects of production, business and service entities have the right to ask state management agencies concerned to supply results of investigation, inspection and handling of the entities.

3. Đại diện cộng đồng dân cư có quyền tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.
3. Representatives of residential community have the right to take part in the evaluation of environmental protection tasks by production, business and service entities; implementing all the measures to protect rights and interests of residential community in accordance with the law.

4. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện các yêu cầu của đại diện cộng đồng dân cư theo quy định tại Điều này.
4. Owners of production, business and service entities must fulfill the requirements of residential community.

Chương XVI
Chapter XVI

NGUỒN LỰC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
RESOURCES FOR ENVIRONMENTAL PROTECTION

Điều 147. Chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường
Article 147. Expenditure of state budget on environmental protection

1. Chi hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường gồm:
1. Expenditure on environmental protection includes:

a) Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, chương trình, đề án về bảo vệ môi trường;
a) Constructing strategies, planning, plans, technical processes, technical instructions, technical economic norms, technical regulations on environment, programs and projects on environmental protection;

b) Thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược;
b) Appraising environmental protection planning, strategic environmental assessment report;

c) Hoạt động quan trắc môi trường; xây dựng hệ thống thông tin môi trường và báo cáo môi trường;
c) Carrying out environmental monitoring; constructing environmental information and reporting system;

d) Hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra; kiểm soát ô nhiễm môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường; quản lý chất thải và bảo tồn đa dạng sinh học; đào tạo, truyền thông về bảo vệ môi trường; phổ biến và đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường; hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường;
d) Providing supports to tasks of investigation and inspection; controlling and treating environmental pollution, preventing, coping and remedying environmental incidents; managing wastes and preserving biological diversity; Training, communicating about environmental protection; popularizing and evaluating the exercising of the law on environmental protection; furthering international cooperation on environmental protection;

đ) Các hoạt động quản lý bảo vệ môi trường khác.
đ) Other environmental protection management activities.

2. Chi đầu tư phát triển bảo vệ môi trường gồm chi cho các dự án xây dựng, cải tạo công trình xử lý chất thải, xây dựng và trang bị trạm quan trắc và phân tích môi trường do Nhà nước quản lý; đầu tư phương tiện, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn đa dạng sinh học; cải tạo nguồn nước bị ô nhiễm, trồng và chăm sóc cây xanh tại nơi công cộng, khu vực công ích.
2. Expenditures on the development of environmental protection includes those for construction projects, reformation of waste treatment works, constructing and equipping environmental observing and analyzing stations managed by regulatory agencies; investing in equipment, facilities for preventing, coping and remedying environmental pollution, degradation and incident; coping with climate change; preserving biological diversity; reforming polluted water sources, growing and caring green trees in public places, public utility areas.

3. Việc xây dựng dự toán và quản lý sử dụng ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
3. Developing cost estimation and managing use of state budget for environmental protection are done in accordance with the law on state budget.

Điều 148. Phí bảo vệ môi trường
Article 148. Cost of environmental protection

1. Tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường.
1. Organizations, individuals discharging waste into the environment or causing negative effects on the environment shall pay an environment protection fee.

2. Mức phí bảo vệ môi trường được quy định trên cơ sở sau:
2. Rate of environmental protection fee depends on:

a) Khối lượng chất thải ra môi trường, quy mô ảnh hưởng tác động xấu đối với môi trường;
a) Amount of waste discharged into the environment, scale of negative effects on the environment;

b) Mức độ độc hại của chất thải, mức độ gây hại đối với môi trường;
b) Levels of toxicity, levels of hazard for the environment;

c) Sức chịu tải của môi trường tiếp nhận chất thải.
c) Capacity of waste-receiving environment.

3. Mức phí bảo vệ môi trường được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn.
3. The rate of environmental protection is adjusted to requirements of environmental protection and socio-economic conditions of the country in each stage.

4. Nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường được sử dụng cho hoạt động bảo vệ môi trường.
4. Collected environmental protection fees shall be used for environmental protection activities.

Điều 149. Quỹ bảo vệ môi trường
Article 149. Environmental protection fund

1. Quỹ bảo vệ môi trường tổ chức tài chính được thành lập ở trung ương, ngành, lĩnh vực, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.
1. The Environmental Protection Funds include the central environment protection fund, environment protection funds of Ministries and specialized authorities, and provincial environment protection funds that are established to support environmental protection activities.

Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập quỹ bảo vệ môi trường.
The state has encouraged enterprises, organizations, individuals to establish their own environmental protection funds.

2. Vốn hoạt động của quỹ bảo vệ môi trường quốc gia và cấp tỉnh được hình thành từ các nguồn sau:
2. Capital for national and provincial environmental protection funds is derived from the following sources:

a) Ngân sách nhà nước hỗ trợ;
a) State budget;

b) Phí bảo vệ môi trường;
b) Environmental protection fees:

c) Các khoản bồi thường cho Nhà nước về thiệt hại môi trường;
c) Compensations to the state for environmental damages;

d) Các khoản hỗ trợ, đóng góp, ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
d) Grants, aids, and entrusted investments from domestic and overseas entities.

3. Thẩm quyền thành lập quỹ bảo vệ môi trường được quy định như sau:
3. The authority to establish environmental protection fund are regulated as follows:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động quỹ bảo vệ môi trường quốc gia, quỹ bảo vệ môi trường của Bộ, cơ quan ngang bộ, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
a) The Prime Minister decides the establishment, organization and operation of environmental protection funds on national, ministerial, ministerial-level body, economic corporate and state corporate levels

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động quỹ bảo vệ môi trường của mình;
b) Provincial People’s committees decide the establishment, organization and operation of their own environmental protection funds;

c) Tổ chức, cá nhân thành lập quỹ bảo vệ môi trường của mình và hoạt động theo điều lệ của quỹ.
c) Organizations, individuals shall establish their own environmental protection funds and operation in accordance with the statute of the fund.

Điều 150. Phát triển dịch vụ môi trường
Article 150. Environmental service development

1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp dịch vụ môi trường thông qua hình thức đấu thầu, cơ chế hợp tác công tư trong các lĩnh vực sau:
1. The state encourages organizations, individuals to establish environmental service business through bidding, public-private partnership (PPP) in the following areas:

a) Thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải;
a) Collecting, transporting, recycling and treating waste;

b) Quan trắc, phân tích môi trường, đánh giá tác động môi trường;
b) Observing, analyzing environmental, assessing environmental treatment;

c) Phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, công nghệ môi trường;
c) Developing, transferring environmental friendly production technology, environmental technology;

d) Tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường;
d) Providing environmental consultancy, training, and information;

đ) Giám định về môi trường đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ;
đ) Carrying out environmental appraisal towards goods, machinery, equipment, and technology;

e) Giám định thiệt hại về môi trường; giám định sức khỏe môi trường;
e) Appraising environmental damage and health;

g) Các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường.
g) Other environmental protection services

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ hướng dẫn thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.
2. The Minister of Natural Resources and Environment shall actively coordinates with Ministers, heads of ministerial level bodies to provide guidance on the implementation of the regulations mentioned in Paragraph 1 of this Article.

Điều 151. Ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường
Article 151. Incentives and support for environmental protection tasks

1. Nhà nước ưu đãi, hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường sau:
1. The state shall provide favors, supports to environmental protection tasks below

a) Xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt;
a) Constructing domestic wastewater treatment systems;

b) Xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, khu chôn lấp chất thải;
b) Constructing plants for recycling, treating conventional solid waste, hazardous waste, and waste landfill sites;

c) Xây dựng trạm quan trắc môi trường;
c) Constructing environmental monitoring stations;

d) Xây dựng cơ sở công nghiệp môi trường, công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích công cộng;
d) Constructing environmental industrial bases, environmental protection works for the benefits of public interests;

đ) Sản xuất, kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường;
đ) Manufacturing and trading eco-friendly products;

e) Chuyển đổi hoạt động của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
e) Transforming operation of industrial parks, industrial complex, and entities causing serious pollution to the environment.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
2. The Government shall detail this Article.

Điều 152. Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ về bảo vệ môi trường
Article 152. Development and application of science and technology to environmental protection

1. Tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ về bảo vệ môi trường được hưởng ưu đãi và hỗ trợ.
1. Organizations, individuals involved in the study, transfer, development and application of science and technology to environmental protection shall enjoy favors and supports.

2. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng công nghệ về bảo vệ môi trường được ưu tiên gồm:
2. Favored activities of study, transfer, development and application of technology to environmental protection include:

a) Nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải;
a) Studying, transferring, developing and applying technology of waste recycling;

b) Nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường và công nghệ khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;
b) Studying, transferring, developing and applying environmental friendly technology and exploiting technology, making effective use of natural resources, saving energy, preserving nature and biological diversity;

c) Nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm; cải tạo, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường;
c) Studying, transferring, developing and applying waste treatment technology, preventing, minimizing pollution; reforming, restoring and improving environmental quality;

d) Nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng công nghệ kiểm soát ô nhiễm, quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường và công nghệ dự báo, cảnh báo sớm các biến đổi môi trường;
d) Studying, transferring, developing and applying pollution control technology, environmental change forecasting and warning technology; observing and assessing environmental quality;

đ) Nghiên cứu xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu;
đ) Studying and constructing facilities to cope with climate change;

e) Nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp cải thiện sức khỏe môi trường, giảm thiểu tác hại của môi trường đối với con người.
e) Studying and applying measures to improve environmental health, minimize environmental impact on people.

Điều 153. Phát triển công nghiệp môi trường
Article 153. Environmental industry development

Nhà nước đầu tư và có chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển công nghiệp môi trường; xây dựng đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật xử và tái chế chất thải; hình thành và phát triển các khu xử lý, tái chế chất thải tập trung; sản xuất, cung cấp thiết bị, sản phẩm phục vụ yêu cầu bảo vệ môi trường.
The state shall invest and provide favors and supports to individuals, organizations being involved in the development of environmental industry; in the construction and upgrading of technical infrastructure for waste treatment and recycling; in the establishment and development of centralized waste treatment and recycling sites; in the production and supply of equipment, products in service of environmental protection.

Điều 154. Truyền thông, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường
Article 154. Communicating and popularizing the law on environmental protection

1. Phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường phải được thực hiện thường xuyên và rộng rãi.
1. Dissemination and education of the law on environmental protection shall be done regularly and extensively.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong bảo vệ môi trường được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.
2. Any agency, organization, and individual whose performance in environmental protection is excellent shall be commended and rewarded in accordance with the law on emulation and commendation.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí có trách nhiệm truyền thông về pháp luật bảo vệ môi trường.
3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall coordinate with press agencies responsible for spreading the law on environmental protection.

4. Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí có trách nhiệm truyền thông về bảo vệ môi trường thuộc lĩnh vực quản lý.
4. Ministries, ministerial level bodies shall coordinate with the Ministry of Natural Resources and Environment, and the media responsible to communicate the law on environmental protection under the management.

Điều 155. Giáo dục về môi trường, đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường
Article 155. Provision of environmental education and provision of training for environmental protection forces

1. Chương trình chính khóa của các cấp học phổ thông phải có nội dung giáo dục về môi trường.
1. Curriculum of general education levels shall convey environmental content.

2. Nhà nước ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường; khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục về môi trường và đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường.
2. The state put priority on training human resource for environmental protection; encouraging every organization, individual to participate in the education of environment and training human resource for environmental protection.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết chương trình giáo dục về môi trường và đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường.
3. The Ministry of Education and Training shall actively coordinate with the Minister of Natural Resources and Environment to detail the educational program of environment and provide training to human resource on environmental protection.

Chương XVII
Chapter XVII

HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
INTERNATIONAL COOPERATION ON ENVIRONMENTAL PROTECTION

Điều 156. Ký kết, gia nhập điều ước quốc tế về môi trường
Article 156. Signing and becoming a member in the international treaty of environmental protection

Điều ước quốc tế có lợi cho việc bảo vệ môi trường toàn cầu, môi trường khu vực, môi trường trong nước và phù hợp với lợi ích, khả năng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ưu tiên xem xét để ký kết, gia nhập.
The international treaty which is beneficial to global, regional and national environmental protection and is suitable for the interests and capabilities of The Socialist Republic of Vietnam shall be considered for signing and participation.

Điều 157. Bảo vệ môi trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế
Article 157. Environmental protection during international economic integration

1. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và cá nhân chủ động đáp ứng yêu cầu về môi trường để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường khu vực và quốc tế.
1. The state shall encourage bodies, organizations, and individuals to actively meet the requirements of environment in order to enhance competitiveness of goods and services on regional and international markets.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hội nhập kinh tế quốc tế có trách nhiệm phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường trong nước.
2. Agencies, organizations, and individuals participating in international economic integration shall be responsible for preventing and minimizing negative impact on domestic environment.

Điều 158. Mở rộng hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường
Article 158. Expanding international cooperation on environmental protection

1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong nước; nâng cao vị trí, vai trò của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về bảo vệ môi trường trong khu vực và quốc tế.
1. The state shall encourage organizations, individuals to cooperate with foreign organizations, individuals, and overseas Vietnamese in order to enhance capacity and efficiency of environmental protection in the country; enhance position and role of the Socialist Republic of Vietnam in environmental protection in the region and in the world.

2. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, hỗ trợ hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, bảo tồn thiên nhiên và các hoạt động khác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; phát triển và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.
2. The state shall create favorable conditions for foreign organizations, individuals and overseas Vietnamese to invest and support training of human resource, scientific study, technological transfer, natural preservation and other activities in environmental protection; to develop and make appropriate and effective use of resources of international cooperation in environmental protection.

3. Nhà nước đẩy mạnh hợp tác với các nước láng giềng và khu vực để giải quyết các vấn đề quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường có liên quan.
3. The state shall further cooperation with neighboring and regional countries to settle issues of management and exploitation of natural resources and environmental protection.

Chương XVIII
Chapter XVIII

THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ MÔI TRƯỜNG
INVESTIGATING, INSPECTING AND HANDLING VIOLATIONS, SETTLING ENVIRONMENTAL DISPUTES, CLAIMS AND ACCUSATIONS

Điều 159. Trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường
Article 159. Responsibilities for organizing and directing the investigation and inspection of environmental protection tasks

1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trên phạm vi cả nước.
1. The Minister of Natural Resources and Environment shall organize and direct the investigation and inspection of environmental protection in accordance with the law on a national scale.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với cơ sở, dự án, công trình thuộc phạm vi bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh.
2. The Minister of National Defense, Minister of Public Security shall organize and direct the investigation and inspection of environmental protection with respect to establishments, projects and works under national secrecy in defense and security.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trên địa bàn.
3. Chairpersons of the Provincial People’s committees shall organize and direct the investigation and inspection of environmental protection in accordance with the law in the area.

Điều 160. Xử lý vi phạm
Article 160. Actions against violations

1. Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
1. Any organization and individual who violates the law on environmental protection causing pollution and degradation to the environment, causing losses to other organizations and individuals shall be responsible for remedying the consequences, restoring the environment, compensating for the damages in accordance with the regulation of this Law and relevant laws.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Heads of agencies, organizations, officials and public servants who misuse their titles and powers to cause troubles and harassment to organizations, individuals, be involved in cover-ups on violators of environmental protection or show lack of responsibility for environmental pollution and problem, depending on the nature and seriousness of violations, shall incur penalties according to applicable regulations of the law.

Điều 161. Tranh chấp về môi trường
Article 161. Environmental disputes

1. Nội dung tranh chấp về môi trường gồm:
1. Environmental disputes include:

a) Tranh chấp về quyền, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng thành phần môi trường;
a) Disputes concerning rights and responsibilities for environmental protection in exploitation and use of environmental components;

b) Tranh chấp về xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường;
b) Disputes concerning determination of causes to environmental pollution, degradation and problem;

c) Tranh chấp về trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường.
c) Disputes concerning responsibilities for handling and remedying consequences, compensating for losses caused by environmental pollution, degradation and problem.

2. Các bên tranh chấp về môi trường gồm:
2. Parties in dispute over environment

a) Tổ chức, cá nhân sử dụng thành phần môi trường có tranh chấp với nhau;
a) Organizations, individuals using environmental components in dispute:

b) Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các thành phần môi trường và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cải tạo, phục hồi khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái, bồi thường thiệt hại về môi trường.
b) Organizations, individuals who exploit and use environmental components and organizations, individuals who are responsible for reforming and restoring the polluted and degraded environmental area, and compensating for environmental damages.

3. Việc giải quyết tranh chấp về môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp dân sự ngoài hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.
3. Settlement of environmental disputes shall be done in accordance with the law on non-contractual civil dispute settlement and the regulation of relevant law.

4. Tranh chấp về môi trường trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà một hoặc các bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài được giải quyết theo pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp có quy định khác trong điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
4. Environmental disputes that take place within the Socialist Republic of Vietnam in which either or both of the parties are foreign organization, individual shall be settled in accordance with the law by the Socialist Republic of Vietnam except otherwise as stipulated in the international treaty of which the Socialist Republic of Vietnam is a member.

Điều 162. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về môi trường
Article 162. Complaints, accusations and lawsuits

1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
1. Organizations, individuals are entitled to file a complaint and lawsuit against any breach of environmental protection in accordance with the law.

2. Cá nhân có quyền tố cáo vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố cáo.
2. Individuals are entitled to report any breach of environmental protection to the authorities according to the law on claims and denunciations.

3. Thời hiệu khởi kiện về môi trường được tính từ thời điểm tổ chức, cá nhân bị thiệt hại phát hiện được thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của tổ chức, cá nhân khác.
3. Time limit for filing a lawsuit over environment shall begin when the aggrieved individual’s detection of the damage caused by the breach of environmental protection regulations by other organizations, individuals.

Chương XIX
Chapter XIX

BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ MÔI TRƯỜNG
COMPENSATIONS FOR ENVIRONMENTAL DAMAGES

Điều 163. Thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường
Article 163. Damages caused by environmental pollution and degradation

Thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gồm:
Damages caused by environmental pollution and degradation include:

1. Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường;
1. Deterioration in environmental function and productivity

2. Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra.
2. Loss of human life and health, properties and legal interests of the organizations, individuals due to the deterioration.

Điều 164. Nguyên tắc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường
Article 164. Principles of handling responsibilities of organizations, individuals causing environmental pollution

1. Ô nhiễm môi trường và hậu quả do ô nhiễm môi trường phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, điều tra và kết luận kịp thời.
1. Environmental pollution and its consequences shall be studied, investigated and concluded opportunely by regulatory authorities.

2. Hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường của tổ chức, cá nhân phải được phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
2. Any act causing environmental pollution, degradation committed by organizations, individuals shall be handled opportunely according to the law.

3. Nguyên tắc xác định trách nhiệm cá nhân được quy định như sau:
3. Principles of handling responsibilities shall be defined as follows:

a) Người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình;
a) Head of the organization shall take responsibility for any breach of environmental protection relating to activity of his/her organization.

b) Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra;
b) Organizations, individuals causing environmental pollution, degradation shall be responsible for remedying the consequences and compensating for the damages caused.

c) Trường hợp cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường do thực hiện nhiệm vụ được tổ chức giao thì tổ chức phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
c) In case any individual that causes environmental pollution, degradation during the execution of the tasks assigned by his/her organization, the organization shall be responsible for compensating for damages caused according to the law.

Điều 165. Xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường
Article 165. Determination of damages caused by environmental pollution, degradation

1. Sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gồm các mức độ sau:
1. Degrees of deterioration in environmental function and productivity are as below:

a) Có suy giảm;
a) Mild

b) Suy giảm nghiêm trọng;
b) Serious

c) Suy giảm đặc biệt nghiêm trọng.
c) Alarming level

2. Việc xác định phạm vi, giới hạn môi trường bị suy giảm chức năng, tính hữu ích gồm:
2. Determination of scope, area of the environment under deterioration in function and productivity includes:

a) Xác định giới hạn, diện tích của khu vực, vùng lõi bị suy giảm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng;
a) Scope and area of zone and core zone under critical and particularly critical deterioration;

b) Xác định giới hạn, diện tích vùng đệm trực tiếp bị suy giảm;
b) Scope, area of buffer zone under direct deterioration;

c) Xác định giới hạn, diện tích các vùng khác bị ảnh hưởng từ vùng lõi và vùng đệm.
c) Scope, area of other areas under the impact of core zone and buffer zone.

3. Việc xác định các thành phần môi trường bị suy giảm gồm:
3. Determination of environmental components under deterioration includes:

a) Xác định số lượng thành phần môi trường bị suy giảm, loại hình hệ sinh thái, giống loài bị thiệt hại;
a) Determination of number of environmental components under deterioration, categories of ecosystem similar to damaged one;

b) Mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái, giống loài.
b) Degree of damage to each environmental component, ecosystem and categories.

4. Việc tính chi phí thiệt hại về môi trường được quy định như sau:
4. Calculation of environmental damages is defined as follows:

a) Chi phí thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của các thành phần môi trường;
a) Initial and lasting damages due to deterioration in function and productivity of environmental components;

b) Chi phí xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường;
b) Cost for environmental treatment, reformation and restoration;

c) Chi phí giảm thiểu hoặc triệt tiêu nguồn gây thiệt hại;
c) Cost for minimizing or eliminating damage-causing sources

d) Thăm dò ý kiến các đối tượng liên quan;
d) Making enquiries from relevant entities;

đ) Tùy điều kiện cụ thể có thể áp dụng một trong những biện pháp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này để tính chi phí thiệt hại về môi trường, làm căn cứ để bồi thường và giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường.
đ) Depending on specific condition, one of the measures mentioned in Points a, b, c and d of this Paragraph may be applied to calculate environmental damages, and served as a foundation for compensation and damage compensation settlement.

5. Việc xác định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được tiến hành độc lập hoặc có sự phối hợp giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại.
5. Calculation of damages due to deterioration in environmental function and productivity is done independently or with coordination of the damage causing party and affected party.

Trường hợp mỗi bên hoặc các bên có yêu cầu thì cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tham gia hướng dẫn cách tính xác định thiệt hại hoặc chứng kiến việc xác định thiệt hại.
In case either or both of the parties have requests, environmental protection agencies are responsible for instructing the calculation to determine the damages or witnessing determination of damages.

6. Việc xác định thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do gây ô nhiễm, suy thoái môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật.
6. Determination of damages to human life and health, properties and legal interests of organizations, individuals caused by environmental pollution and degradation is done in accordance with the law.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
7. The Government shall detail this Article.

Điều 166. Giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường
Article 166. Determination of damages caused by deterioration in environmental function and productivity

1. Giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc cơ quan giải quyết việc bồi thường thiệt hại về môi trường.
1. Appraisal of damages caused by deterioration in environmental function and productivity is done at the request of organizations, individuals affected or the agency involved in settling damage compensation.

2. Căn cứ giám định thiệt hại gồm hồ sơ đòi bồi thường thiệt hại, thông tin, số liệu, chứng cứ và căn cứ khác liên quan đến bồi thường thiệt hại và đối tượng gây thiệt hại.
2. Foundations for appraising damages include a written proposal for damage compensation, information, data, evidence and others in relation to the compensation and damage causing subject.

3. Việc lựa chọn tổ chức giám định thiệt hại phải được sự đồng thuận của bên đòi bồi thường và bên phải bồi thường; trường hợp các bên không thống nhất thì việc chọn tổ chức giám định thiệt hại do cơ quan được giao trách nhiệm giải quyết việc bồi thường thiệt hại quyết định.
3. Deciding on a damage appraising organization shall be jointly agreed by both parties; in case both parties fail to come to an agreement, the decision on the damage appraising organization shall be made by the agency assigned for settling damage compensation.

Điều 167. Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường
Article 167. Liability insurance for environmental damages

1. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.
4. The State encourages insurance businesses to undertake liability insurance for environmental damages.

2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.
2. The State encourages organizations, individuals operating in production, business and service to buy liability insurance for environmental damages.

3. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho môi trường phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định của Chính phủ.
3. Organizations, individuals operating in production, business and service who are at risk of causing significant damage to the environment must buy liability insurance for environmental damages in accordance with the law of the Government.

Chương XX
Chapter XX

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
EXECUTION PROVISIONS

Điều 168. Điều khoản chuyển tiếp
Article 168. Transitional clause

1. Hồ sơ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận để giải quyết theo thủ tục hành chính về môi trường trước ngày Luật này có hiệu lực thì được xử lý theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận.
1. The dossier which has been received the competent authorities in accordance with the administrative procedures on environment before the effective date of this Law shall be processed in accordance with the law at the time of receiving.

2. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép, giấy chứng nhận về môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn ghi trong giấy phép, giấy chứng nhận đó.
2. Every license or certificate issued under the Law on Environmental Protection No. 52/2005/QH11 shall remain valid until its expiry date.

Điều 169. Hiệu lực thi hành
Article 169. Effect

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.
This law is effective from January 01, 2015.

Luật bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
The Law on Environmental Protection No. 52/2005/QH11 shall become invalid since the effective date of this Law.

Điều 170. Quy định chi tiết
Article 170. Detailed regulations

Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.
The Government shall detail articles, paragraphs stated in the Law.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 23 tháng 6 năm 2014.
This Law has been ratified on June 23, 2014 at the 8th National Assembly, 7th session of the Socialist Republic of Vietnam.

 

 

 

THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 01/01/2015

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Luật bảo vệ môi trường 2014

Số hiệu 55/2014/QH13 Ngày ban hành 23/06/2014
Ngày có hiệu lực 01/01/2015 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Quốc hội Tình trạng Đang có hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Luật bảo vệ môi trường 2014 (55/2014/QH13) quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; chính sách, biện pháp và nguồn lực để bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong bảo vệ môi trường.
Mục lục

Mục lục

Close