QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Luật số: 41/2013/QH13

Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2013

 

LUẬT

BẢO VỆ VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hoạt động phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm dịch thực vật; quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thực vật là cây và sản phẩm của cây.

2. Bảo vệ thực vật là hoạt động phòng, chống sinh vật gây hại thực vật.

3. Kiểm dịch thực vật là hoạt động ngăn chặn, phát hiện, kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát và sinh vật gây hại lạ.

4. Chủ thực vật là tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hoặc trực tiếp quản lý thực vật.

5. Sinh vật có ích là sinh vật có lợi trực tiếp hoặc gián tiếp đối với thực vật bao gồm vi sinh vật có ích, côn trùng có ích, động vật và các sinh vật có ích khác.

6. Sinh vật gây hại là sinh vật gây ra thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp đối với thực vật bao gồm vi sinh vật gây bệnh, côn trùng gây hại, cỏ dại và các sinh vật có hại khác.

7. Sinh vật gây hại lạ là sinh vật gây hại chưa xác định được tên khoa học và chưa từng được phát hiện ở Việt Nam.

8. Đối tượng kiểm dịch thực vật là sinh vật gây hại có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật, chưa có hoặc có nhưng phân bố hẹp ở Việt Nam và phải được kiểm soát nghiêm ngặt.

9. Đối tượng phải kiểm soát là sinh vật gây hại không phải là đối tượng kiểm dịch thực vật nhưng sự có mặt của chúng trên vật liệu dùng để làm giống có nguy cơ gây thiệt hại lớn về kinh tế, phải được kiểm soát ở Việt Nam.

10. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật là thực vật, phương tiện sản xuất, bảo quản, vận chuyển hoặc các vật thể khác có khả năng mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật.

11. Chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật là tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hoặc trực tiếp vận chuyển, quản lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

12. Phân tích nguy cơ dịch hại là quá trình đánh giá về sinh học, cơ sở khoa học và kinh tế để quyết định biện pháp kiểm dịch thực vật đối với một loài sinh vật gây hại.

13. Vùng không nhiễm sinh vật gây hại là vùng ở đó có bằng chứng khoa học về việc không có mặt một loài sinh vật gây hại cụ thể và các điều kiện bảo đảm không có loài sinh vật gây hại đó được duy trì.

14. Kiểm tra vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật là việc quan sát, lấy mẫu, giám định vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật để xác định tình trạng nhiễm sinh vật gây hại hoặc sự tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật.

15. Xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật là việc áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn hoặc diệt trừ triệt để đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát và sinh vật gây hại lạ.

16. Thuốc bảo vệ thực vật là chất hoặc hỗn hợp các chất hoặc chế phẩm vi sinh vật có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn, xua đuổi, dẫn dụ, tiêu diệt hoặc kiểm soát sinh vật gây hại thực vật; điều hòa sinh trưởng thực vật hoặc côn trùng; bảo quản thực vật; làm tăng độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng thuốc.

17. Thuốc bảo vệ thực vật kỹ thuật (sau đây gọi chung là thuốc kỹ thuật) là sản phẩm có hàm lượng hoạt chất cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định được dùng để sản xuất thuốc thành phẩm.

18. Hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật là chất hoặc thành phần hữu hiệu có hoạt tính sinh học của thuốc bảo vệ thực vật.

19. Thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm (sau đây gọi chung là thuốc thành phẩm) là sản phẩm được sản xuất từ thuốc kỹ thuật với dung môi, phụ gia theo quy trình công nghệ nhất định, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có nhãn hàng hóa và được phép đưa vào lưu thông, sử dụng.

20. Thuốc bảo vệ thực vật sinh học là sản phẩm có thành phần hữu hiệu là vi sinh vật sống hoặc chất có nguồn gốc từ vi sinh vật, thực vật, động vật.

21. Sản xuất thuốc bảo vệ thực vật bao gồm sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật, thuốc thành phẩm, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật.

22. Thời gian cách ly là khoảng thời gian tối thiểu kể từ ngày sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lần cuối cùng đến ngày thu hoạch sản phẩm hoặc khoảng thời gian tối thiểu kể từ ngày sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lần cuối cùng trong quá trình bảo quản đến khi sản phẩm được đưa vào sử dụng.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật

1. Phát hiện sớm, kết luận nhanh chóng, chính xác; xử lý triệt để, ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập, lan rộng của đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát, sinh vật gây hại lạ.

2. Phòng, chống sinh vật gây hại thực hiện theo phương châm phòng là chính; áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp sinh vật gây hại theo hướng bền vững, trong đó ưu tiên biện pháp sinh học, sử dụng giống cây trồng chống chịu sinh vật gây hại, biện pháp kỹ thuật canh tác, thực hành nông nghiệp tốt.

3. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện nguyên tắc bốn đúng bao gồm đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách; tuân thủ thời gian cách ly; bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái.

4. Áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, kết hợp khoa học và công nghệ hiện đại với kinh nghiệm truyền thống của nhân dân.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật

1. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực; xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật cho cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật; xây dựng và phát triển hệ thống thông tin, dự báo và cảnh báo sinh vật gây hại; nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật ít độc hại, giống cây trồng chống chịu sinh vật gây hại và các biện pháp quản lý sinh vật gây hại theo hướng bền vững.

2. Hỗ trợ xây dựng các vùng không nhiễm sinh vật gây hại; xây dựng và phát triển các loại hình tổ chức dịch vụ bảo vệ thực vật gắn với dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; chống dịch, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất sau khi dịch hại xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại lớn.

3. Khuyến khích xây dựng khu công nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống thu gom, xử lý thuốc bảo vệ thực vật và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; sản xuất, sử dụng bao gói thuốc bảo vệ thực vật từ vật liệu dễ tái chế; tập huấn, phổ biến sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả cho người sử dụng thuốc.

4. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bảo đảm nguồn lực để thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật; khuyến khích công nhận và thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Điều 6. Thông tin và tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật

1. Việc thông tin và tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật nhằm cung cấp kiến thức về sinh vật gây hại thực vật, các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại và chính sách, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Nội dung thông tin, tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật phải bảo đảm tính chính xác, kịp thời, dễ hiểu.

2. Việc thông tin và tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật được thực hiện bằng hình thức sau đây:

a) Thông qua cổng thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng;

b) Xây dựng các tài liệu chuyên đề, tạp chí, tờ rơi;

c) Tổ chức triển lãm, hội thảo, tập huấn;

d) Tổ chức các diễn đàn để tham vấn rộng rãi về chính sách, pháp luật, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

đ) Các hình thức phù hợp khác.

3. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước về thông tin, tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật được quy định như sau:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

b) Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn việc thông tin và tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thông tin và tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

4. Tổ chức, cá nhân có hoạt động thông tin và tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 7. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

b) Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

c) Tổ chức thực hiện công tác phát hiện, dự báo, cảnh báo sinh vật gây hại thực vật; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; chỉ đạo phòng, chống dịch;

d) Tổ chức thực hiện công tác kiểm dịch thực vật bao gồm phân tích nguy cơ dịch hại, kiểm dịch nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, chuyển vào kho ngoại quan (sau đây gọi chung là nhập khẩu), xuất khẩu, tạm xuất, tái xuất (sau đây gọi chung là xuất khẩu), quá cảnh, kiểm dịch sau nhập khẩu, kiểm dịch nội địa và xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

đ) Tổ chức thực hiện công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật bao gồm đăng ký thuốc, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, bảo quản, quảng cáo, bao gói, ghi nhãn, sử dụng, thu hồi, tiêu hủy, thu gom và xử lý thuốc, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;

e) Quy định nội dung hướng dẫn, tập huấn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

g) Quản lý và hướng dẫn việc cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

h) Tổ chức điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

i) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

k) Thống kê về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

l) Hợp tác quốc tế về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, đề xuất việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

m) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo thẩm quyền.

3. Các bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, có trách nhiệm sau đây:

a) Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố mất an toàn thực phẩm do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông sản thực phẩm;

b) Bộ Công thương chủ trì phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đối với thuốc bảo vệ thực vật, thực vật thuộc diện kiểm dịch thực vật; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc quản lý sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật, vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

c) Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, quyết định việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

d) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì hướng dẫn tiêu hủy thuốc, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định về bảo tồn đa dạng sinh học liên quan đến lĩnh vực bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc bảo vệ thực vật; phối hợp hướng dẫn thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;

đ) Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định điều kiện hoàn tất thủ tục hải quan, sự phối hợp của cơ quan hải quan với cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, thuốc bảo vệ thực vật khi xuất khẩu, nhập khẩu; quy định nội dung khai báo kiểm dịch thực vật trong nội dung khai báo của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh;

e) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định về bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong trường hợp bảo đảm quốc phòng và an ninh.

Điều 8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng không nhiễm sinh vật gây hại trên địa bàn;

b) Quyết định phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí, huy động nguồn lực của địa phương theo quy định của pháp luật để phòng, chống sinh vật gây hại thực vật;

c) Chỉ đạo, tổ chức chống dịch, thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất khi xảy ra dịch hại thực vật; thống kê, đánh giá thiệt hại do dịch gây ra trên địa bàn; thực hiện chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, khôi phục sản xuất;

d) Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về công tác bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, ý thức, trách nhiệm của chủ thực vật trong phòng, chống sinh vật gây hại và ý thức, trách nhiệm của người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với cộng đồng, môi trường;

đ) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí kinh phí, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật vô chủ tại địa phương;

e) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo thẩm quyền.

2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có trách nhiệm sau đây:

a) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, ý thức, trách nhiệm của chủ thực vật trong phòng, chống sinh vật gây hại và ý thức, trách nhiệm của người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với cộng đồng, môi trường;

b) Quy định địa điểm thu gom, tổ chức, hướng dẫn thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;

c) Phối hợp với cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật trên địa bàn điều tra, giám sát, quản lý dịch hại thực vật để bảo vệ sản xuất; hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; kiểm tra, quản lý hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương;

d) Tổ chức công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật; chống dịch, thống kê, đánh giá thiệt hại do dịch hại thực vật gây ra; thực hiện chính sách hỗ trợ chống dịch cho nông dân, triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất khi xảy ra dịch để giảm nhẹ thiệt hại, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất;

đ) Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo thẩm quyền.

Điều 9. Hệ thống cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật

Hệ thống cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật được tổ chức từ trung ương đến cấp huyện.

Chính phủ quy định về tổ chức hệ thống cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Điều 10. Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp

Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật để nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống sinh vật gây hại, kiểm dịch thực vật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 11. Hợp tác quốc tế về bảo vệ và kiểm dịch thực vật

1. Hợp tác quốc tế về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin về phòng, chống sinh vật gây hại, kiểm dịch thực vật, thuốc bảo vệ thực vật.

2. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương là đầu mối trao đổi thông tin về bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và thuốc bảo vệ thực vật trong hoạt động hợp tác quốc tế.

Điều 12. Phí, lệ phí về bảo vệ và kiểm dịch thực vật

Tổ chức, cá nhân có hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật phải trả phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Điều 13. Hành vi bị cấm

1. Sử dụng biện pháp bảo vệ và kiểm dịch thực vật trái quy định của Luật này.

2. Không áp dụng hoặc cố ý áp dụng không đúng các biện pháp chống dịch.

3. Nhập khẩu, sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thực vật bị nhiễm sinh vật gây hại hoặc sử dụng giống cây bị nhiễm sinh vật gây hại trong Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật, Danh mục đối tượng phải kiểm soát mà chưa được xử lý.

4. Phát tán sinh vật gây hại.

5. Đưa đất, nhập khẩu sinh vật gây hại vào Việt Nam, nhân nuôi sinh vật gây hại, trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

6. Sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam; thuốc bảo vệ thực vật giả, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng; thuốc bảo vệ thực vật không có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật này.

7. Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật không có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hoặc quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật không đúng với nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật.

8. Sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản, vận chuyển, thải bỏ, thu gom, xử lý thuốc và bao gói thuốc bảo vệ thực vật trái quy định của Luật này.

Chương 2.

PHÒNG, CHỐNG SINH VẬT GÂY HẠI THỰC VẬT

Điều 14. Yêu cầu phòng, chống sinh vật gây hại thực vật

1. Chủ động thực hiện các biện pháp quản lý tổng hợp sinh vật gây hại bao gồm sử dụng giống cây trồng chống chịu sinh vật gây hại, vệ sinh đồng ruộng, bố trí thời vụ, sử dụng phân bón, mật độ hợp lý và các biện pháp khác thân thiện với môi trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển, tăng sức đề kháng, hạn chế sự phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại, bảo vệ và phát triển sinh vật có ích.

2. Thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm, áp dụng các biện pháp phòng ngừa kịp thời, hiệu quả, không để sinh vật gây hại lây lan; coi trọng biện pháp canh tác, biện pháp sinh học, vật lý, cơ giới và kinh nghiệm truyền thống của nhân dân. Chủ động thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong phòng, chống sinh vật gây hại thực vật.

3. Chỉ sử dụng biện pháp hóa học khi đã áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nhưng mật độ sinh vật gây hại vẫn gia tăng có nguy cơ gây thiệt hại đến năng suất, chất lượng cây trồng.

4. Biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật phải được phổ biến, tuyên truyền, tập huấn sâu rộng trong nhân dân, bảo đảm an toàn đối với người, thực vật, động vật và môi trường.

Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của chủ thực vật

1. Chủ thực vật có quyền sau đây:

a) Được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cung cấp thông tin về tình hình sinh vật gây hại và hướng dẫn thực hiện biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại, biện pháp duy trì điều kiện vùng không nhiễm sinh vật gây hại;

b) Tham gia chương trình tập huấn nâng cao kiến thức về phòng, chống sinh vật gây hại phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương;

c) Chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại phù hợp với khả năng, điều kiện và đáp ứng quy định tại Điều 14 của Luật này;

d) Ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân hành nghề dịch vụ bảo vệ thực vật và được bồi thường thiệt hại do lỗi của bên cung cấp dịch vụ theo quy định pháp luật;

đ) Được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định.

2. Chủ thực vật có nghĩa vụ sau đây:

a) Theo dõi, phát hiện kịp thời sinh vật gây hại và áp dụng biện pháp phù hợp để phòng, chống sinh vật gây hại thực vật hiệu quả, an toàn, không để lây lan;

b) Báo cáo ngay với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật nơi gần nhất khi phát hiện sinh vật gây hại lạ hoặc sinh vật gây hại có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng;

c) Cung cấp thông tin về tình hình sinh vật gây hại thực vật, phối hợp và tạo điều kiện cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật thực hiện nhiệm vụ khi được yêu cầu;

d) Thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch khi có công bố dịch hại thực vật;

đ) Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật này;

e) Khắc phục hậu quả hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại.

Điều 16. Trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật

1. Điều tra, phát hiện sinh vật gây hại; xác định thời gian phát sinh, diện phân bố, mức độ gây hại của sinh vật gây hại. Thông báo kịp thời tình hình sinh vật gây hại và hướng dẫn biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật.

2. Tiếp nhận, xử lý thông tin và hướng dẫn các biện pháp xử lý đối với các sinh vật gây hại do chủ thực vật, tổ chức, cá nhân thông báo.

3. Xây dựng, duy trì hệ thống giám sát, cảnh báo sinh vật gây hại, biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

4. Chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ trong phòng, chống sinh vật gây hại thực vật.

5. Tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ, kỹ thuật viên bảo vệ thực vật và người sản xuất.

6. Tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước để chỉ đạo và tổ chức việc phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm tra, xác minh tình hình sinh vật gây hại để đề xuất công bố dịch và công bố hết dịch hại thực vật; đề xuất cấp thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia, chính sách hỗ trợ chống dịch và khôi phục, phát triển sản xuất.

7. Đánh giá, xác định thiệt hại do dịch hại thực vật gây ra và đề xuất mức hỗ trợ, các biện pháp khắc phục.

8. Thông tin và hướng dẫn biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; hướng dẫn các biện pháp chống dịch, theo dõi, tổng hợp, đánh giá hiệu quả chống dịch.

9. Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất công tác bảo vệ thực vật, kết quả chống dịch khi có công bố dịch hại thực vật ở địa phương với cơ quan quản lý trực tiếp và cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp trên.

Điều 17. Công bố dịch hại thực vật

1. Công bố dịch hại thực vật trong các trường hợp sau đây:

a) Khi sinh vật gây hại thực vật bùng phát, có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật;

b) Khi phát hiện sinh vật gây hại lạ, đối tượng phải kiểm soát có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật;

c) Khi phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam, có nguy cơ lây lan.

2. Thẩm quyền công bố dịch hại thực vật được quy định như sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ đề xuất của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công bố dịch tại địa phương trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và báo cáo ngay Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

b) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ đề xuất của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương quyết định công bố dịch trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này khi dịch xảy ra có nguy cơ lây lan, gây thiệt hại nghiêm trọng từ hai tỉnh trở lên và trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này, đồng thời báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 18. Tổ chức chống dịch hại thực vật

1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm sau đây:

a) Chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dịch huy động nguồn lực tại địa phương nhanh chóng thực hiện các biện pháp khống chế, dập tắt dịch, ngăn ngừa dịch lây lan sang các vùng khác; kiểm tra việc công bố dịch và tổ chức chống dịch của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dịch;

b) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc hỗ trợ chống dịch và triển khai việc hỗ trợ chống dịch;

c) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả chống dịch và kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ chống dịch, khắc phục hậu quả do dịch gây ra và khôi phục sản xuất.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Chỉ đạo cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan của tỉnh thực hiện các biện pháp để nhanh chóng khống chế, dập tắt dịch, ngăn ngừa dịch lây lan sang các vùng khác;

b) Bố trí, huy động nguồn lực tại địa phương để phòng, chống dịch;

c) Chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến các biện pháp chống dịch trên địa bàn;

d) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, thực hiện bình ổn giá vật tư nông nghiệp trong chống dịch;

đ) Thực hiện các chính sách hỗ trợ chống dịch, khắc phục hậu quả do dịch gây ra, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất;

e) Đề xuất Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí, vật tư và nguồn lực khi yêu cầu chống dịch vượt quá khả năng của địa phương;

g) Báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả chống dịch và thực hiện chính sách hỗ trợ chống dịch, khắc phục hậu quả do dịch gây ra, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm sau đây:

a) Huy động nguồn lực tại địa phương thực hiện các biện pháp chống dịch theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên;

b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các biện pháp chống dịch trên địa bàn;

c) Thực hiện các chính sách hỗ trợ chống dịch, khắc phục hậu quả do dịch gây ra, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất trên địa bàn;

d) Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên quyết định hỗ trợ kinh phí, vật tư và nguồn lực khi yêu cầu chống dịch vượt quá khả năng của địa phương;

đ) Báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên về kết quả chống dịch và thực hiện chính sách hỗ trợ chống dịch, khắc phục hậu quả do dịch gây ra, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.

4. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tham mưu, hướng dẫn các biện pháp chống dịch, xác định thiệt hại do dịch gây ra, theo dõi, tổng hợp, đánh giá hiệu quả chống dịch và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại khoản 9 Điều 16 của Luật này.

5. Chủ thực vật, tổ chức, cá nhân có liên quan nơi có dịch phải thực hiện đúng các biện pháp chống dịch theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Điều 19. Công bố hết dịch hại thực vật

Khi dịch hại thực vật đã được khống chế và không còn nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng thì người có thẩm quyền công bố dịch theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này quyết định công bố hết dịch.

Điều 20. Dự trữ và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia

1. Dự trữ thuốc bảo vệ thực vật thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về số lượng, danh mục thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia;

b) Thuốc bảo vệ thực vật thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.

2. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thuộc hàng dự trữ quốc gia trong chống dịch được quy định như sau:

a) Trong trường hợp đột xuất, cấp bách khi có dịch và căn cứ vào đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dịch, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định xuất, cấp thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia để kịp thời chống dịch có giá trị tương ứng với thẩm quyền quyết định chi ngân sách của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tại Luật ngân sách nhà nước và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời thông báo với Bộ Tài chính về việc xuất, cấp thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc tiếp nhận, bảo quản, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia được hỗ trợ để chống dịch kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích và báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thuộc hàng dự trữ quốc gia đã hỗ trợ cho địa phương.

Điều 21. Kinh phí chống dịch hại thực vật

1. Nguồn kinh phí chống dịch hại thực vật bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước;

b) Kinh phí của chủ thực vật;

c) Đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài, tổ chức quốc tế và các nguồn hợp pháp khác.

2. Chính phủ quy định việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí chống dịch hại thực vật.

Điều 22. Nội dung hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật

1. Điều tra, dự báo và cung cấp thông tin về sinh vật gây hại thực vật; tư vấn cho chủ thực vật biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật.

2. Thực hiện các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật, trừ các biện pháp quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật này.

Điều 23. Điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật

1. Tổ chức, cá nhân được hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật khi có đủ điều kiện sau đây:

a) Người trực tiếp làm dịch vụ bảo vệ thực vật phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, sinh học hoặc có giấy chứng nhận tập huấn về bảo vệ thực vật;

b) Có trang thiết bị làm dịch vụ bảo vệ thực vật phù hợp;

c) Có địa chỉ giao dịch hợp pháp, rõ ràng;

d) Được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức, cá nhân này có địa chỉ giao dịch hợp pháp.

2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 24. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật có quyền sau đây:

a) Được trả chi phí thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật theo hợp đồng ký kết với chủ thực vật;

b) Tham dự chương trình tập huấn, nâng cao kiến thức về phòng, chống sinh vật gây hại thực vật phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương;

c) Tham gia chương trình thông tin, truyền thông về phòng, chống sinh vật gây hại thực vật;

d) Được quyền khiếu nại kết luận và quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật có nghĩa vụ sau đây:

a) Duy trì các điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật theo quy định tại Điều 23 của Luật này trong quá trình hoạt động;

b) Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

c) Chấp hành quy định của pháp luật về hợp đồng, pháp luật về lao động và các nghĩa vụ khác;

d) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Chương 3.

KIỂM DỊCH THỰC VẬT

Điều 25. Quy định về kiểm dịch thực vật

1. Kiểm dịch thực vật được thực hiện đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và kiểm dịch thực vật nội địa theo quy định tại Luật này, trừ trường hợp được miễn trừ kiểm dịch thực vật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Trong từng thời kỳ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các danh mục sau đây:

a) Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

b) Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam;

c) Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật;

d) Danh mục đối tượng phải kiểm soát.

Điều 26. Yêu cầu đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu

1. Vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khi nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu cấp;

b) Không có sinh vật gây hại trong danh mục quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 25 của Luật này hoặc sinh vật gây hại lạ;

c) Bao bì đóng gói vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu phải được xử lý theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam.

2. Vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam được phép nhập khẩu theo quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật này phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Có Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu do cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương của Việt Nam cấp;

b) Đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 27. Phân tích nguy cơ dịch hại

1. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam phải được phân tích nguy cơ dịch hại.

2. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương của Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại trên cơ sở thông tin do cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu cung cấp và các nguồn thông tin hiện có khác.

3. Căn cứ kết quả phân tích nguy cơ dịch hại, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương của Việt Nam cho phép hoặc không cho phép nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật và thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu và tổ chức, cá nhân có liên quan biết.

4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định nội dung thông tin cần cung cấp để phân tích nguy cơ dịch hại; quy trình, nội dung phân tích nguy cơ dịch hại.

Điều 28. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu;

b) Hợp đồng thương mại;

c) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân.

2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương;

b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương xem xét và cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu; trường hợp không cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 29. Kiểm dịch thực vật nhập khẩu

1. Khi nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, chủ vật thể phải làm thủ tục kiểm dịch thực vật. Địa điểm thực hiện kiểm dịch thực vật là cửa khẩu đầu tiên hoặc nơi mà từ đó vật thể được đưa vào Việt Nam, trường hợp đặc biệt thì được thực hiện tại địa điểm khác có đủ điều kiện cách ly do cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương quyết định.

2. Đối với những vật thể có nguy cơ cao mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cửa khẩu nhập khẩu.

3. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật mang theo hành lý xách tay hoặc hành lý gửi theo phương tiện chuyên chở phải được khai báo và kiểm tra theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật chỉ được thông quan sau khi hoàn thành đầy đủ các thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu.

5. Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật được thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật này.

Điều 30. Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu

1. Giống cây trồng chưa có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về giống cây trồng, sinh vật có ích sử dụng trong bảo vệ thực vật khi nhập khẩu phải thực hiện các quy định tại Điều 26 của Luật này và phải được kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu tại khu cách ly kiểm dịch thực vật.

2. Giống cây trồng theo quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được gieo trồng ngoài khu cách ly sau khi được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật kết luận không nhiễm sinh vật gây hại thuộc danh mục quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 25 của Luật này hoặc sinh vật gây hại lạ.

3. Sinh vật có ích chỉ được nhân nuôi, sử dụng sau khi được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật kết luận bảo đảm yêu cầu về kiểm dịch thực vật sau khi kiểm dịch tại khu cách ly kiểm dịch thực vật.

4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cụ thể số lượng mẫu giống cây trồng, sinh vật có ích được phép nhập khẩu theo quy định tại Điều này; điều kiện khu cách ly; trình tự, thủ tục và nội dung kiểm dịch thực vật tại khu cách ly kiểm dịch thực vật.

Điều 31. Kiểm dịch thực vật xuất khẩu

1. Vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu phải được kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

2. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương thực hiện việc kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước nhập khẩu.

3. Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật xuất khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật này. Trường hợp đã kiểm dịch tại cơ sở sản xuất hoặc nơi xuất phát hoặc nơi bảo quản ở sâu trong nội địa thì chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải xuất trình Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật khi đến cửa khẩu cuối cùng để xuất khẩu.

Điều 32. Kiểm dịch thực vật quá cảnh

1. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khi quá cảnh Việt Nam phải được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương đồng ý và kiểm dịch tại cửa khẩu đầu tiên nơi vật thể được đưa vào Việt Nam.

2. Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật quá cảnh thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật này.

Điều 33. Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật

1. Đăng ký kiểm dịch thực vật được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân trước khi nhập khẩu, quá cảnh vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải đăng ký, nộp hồ sơ cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương để kiểm dịch;

b) Tổ chức, cá nhân trước khi xuất khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải đăng ký, nộp hồ sơ cho cơ quan chuyên ngành về bảo vệ và kiểm dịch thực vật nơi gần nhất để kiểm dịch.

2. Việc kiểm dịch vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật được quy định như sau:

a) Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật quyết định và thông báo cho chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật về địa điểm và thời gian tiến hành kiểm dịch;

b) Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch, nếu đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật thì cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Trường hợp kéo dài hơn 24 giờ do yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật hoặc trường hợp không cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật thì cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật thông báo hoặc trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật biết.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 34. Xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh

1. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải xử lý trong các trường hợp sau đây:

a) Vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam, đối tượng phải kiểm soát hoặc sinh vật gây hại lạ; vật thể có nguy cơ cao mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam;

b) Vật thể phải xử lý để đáp ứng quy định kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu;

c) Vật thể vô chủ, không rõ nguồn gốc.

2. Biện pháp xử lý bao gồm xông hơi khử trùng, xử lý nhiệt, xử lý hơi nước nóng, chiếu xạ, tái xuất, tiêu hủy, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và các biện pháp khác.

3. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương quyết định áp dụng biện pháp xử lý thích hợp quy định tại khoản 2 Điều này, trừ các biện pháp quy định tại Điều 35 của Luật này.

4. Chi phí xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này do chủ vật thể chi trả; chi phí xử lý vật thể quy định tại điểm c khoản 1 Điều này do ngân sách nhà nước bảo đảm.

5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 35. Tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu; cấm xuất khẩu, nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

1. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hoặc cấm xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp sau đây:

a) Vật thể nhập khẩu được xác định có nguy cơ cao mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật xâm nhập, lây lan và đe dọa sản xuất nông nghiệp trong nước, an ninh lương thực quốc gia và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuất khẩu của Việt Nam;

b) Vật thể xuất khẩu không bảo đảm yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu và có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

2. Khi các nguy cơ quy định tại khoản 1 Điều này đã được khắc phục thì vật thể được tiếp tục xuất khẩu, nhập khẩu.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 36. Hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

1. Việc xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải do tổ chức có Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật thực hiện.

2. Hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bao gồm:

a) Xông hơi khử trùng;

b) Xử lý nhiệt;

c) Xử lý hơi nước nóng;

d) Chiếu xạ;

đ) Các hoạt động kỹ thuật khác.

Điều 37. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

Tổ chức được cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật bao gồm:

a) Có địa điểm xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, nhà xưởng, kho chứa trang thiết bị, phương tiện phù hợp với quy mô hành nghề;

b) Có đầy đủ trang thiết bị và quy trình kỹ thuật;

c) Có đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Điều kiện về nhân lực bao gồm:

a) Người trực tiếp quản lý, điều hành của tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải có trình độ chuyên môn phù hợp từ đại học trở lên; bảo đảm sức khỏe theo quy định;

b) Người trực tiếp thực hiện xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải được tập huấn, được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương kiểm tra trình độ chuyên môn, tay nghề và cấp thẻ hành nghề; bảo đảm sức khỏe theo quy định.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 38. Hồ sơ, trình tự, thủ tục và thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Bản thuyết minh về cơ sở vật chất - kỹ thuật, nhân lực bảo đảm điều kiện hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật theo quy định tại Điều 37 của Luật này;

d) Giấy chứng nhận trình độ chuyên môn, Giấy chứng nhận sức khỏe theo quy định tại Điều 37 của Luật này;

đ) Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được quy định như sau:

a) Tổ chức có nhu cầu hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương;

b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương kiểm tra thực tế điều kiện hành nghề của tổ chức đó; nếu đủ điều kiện thì cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 39. Hồ sơ, trình tự và thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

1. Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được cấp lại trong các trường hợp sau đây:

a) Bị mất, sai sót, hư hỏng;

b) Có sự thay đổi về phạm vi, quy mô hành nghề hoặc thông tin liên quan đến tổ chức đăng ký;

c) Hết hạn theo quy định tại Điều 40 của Luật này.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

b) Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật đã được cấp, trừ trường hợp bị mất;

c) Giấy chứng nhận trình độ chuyên môn của người quản lý, điều hành, giấy chứng nhận tập huấn về xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật hoặc Thẻ hành nghề của những người trực tiếp thực hiện xử lý theo quy định tại Điều 37 của Luật này;

d) Giấy chứng nhận sức khỏe của người quản lý, điều hành và những người trực tiếp thực hiện xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

đ) Tài liệu về quy trình kỹ thuật; danh mục phương tiện, trang thiết bị hành nghề tại thời điểm đề nghị;

e) Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

3. Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật này.

Điều 40. Hiệu lực của Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

1. Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật có giá trị trong thời hạn 05 năm.

2. Trước 03 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật hết hạn, tổ chức hành nghề phải nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận trong trường hợp có nhu cầu tiếp tục hành nghề.

Điều 41. Thu hồi Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

1. Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Bị tẩy xóa, sửa chữa nội dung;

b) Tổ chức hành nghề vi phạm pháp luật mà bị xử phạt vi phạm hành chính từ 03 lần trong một năm hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 03 lần liên tiếp về một hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

c) Tổ chức hành nghề có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

2. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

Điều 42. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

1. Tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật có quyền sau đây:

a) Ký kết và thực hiện hợp đồng với chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật;

b) Cấp chứng nhận đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật đã được xử lý;

c) Đề xuất biện pháp kỹ thuật để xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật với cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

d) Khiếu nại kết luận và quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

2. Tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật có nghĩa vụ sau đây:

a) Chỉ được phép hành nghề khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật và duy trì các điều kiện quy định tại Điều 37 của Luật này trong quá trình hoạt động;

b) Chỉ được thực hiện dịch vụ xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật đúng quy định trong Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

c) Thực hiện việc xử lý theo chỉ định và chịu sự giám sát của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong trường hợp phải xử lý vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát, sinh vật gây hại lạ;

d) Bảo đảm không làm ảnh hưởng đến chất lượng vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được xử lý và sức khỏe cộng đồng;

đ) Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

e) Chấp hành quy định của pháp luật về hợp đồng, pháp luật về lao động và các nghĩa vụ khác;

g) Định kỳ hàng năm báo cáo tình hình hoạt động xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật với cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

Điều 43. Kiểm dịch thực vật nội địa

1. Chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khi vận chuyển vật thể từ vùng bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật đến các vùng khác phải khai báo với cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương nơi gần nhất để thực hiện việc kiểm dịch và được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

2. Vật thể nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật đã được xử lý khi đưa vào sử dụng phải được kiểm tra, giám sát tại địa phương.

3. Nông sản, lâm sản bảo quản trong kho, giống cây trồng nhập khẩu, giống cây trồng mới được đưa về gieo trồng tại địa phương phải được theo dõi tình hình sinh vật gây hại.

4. Sinh vật có ích nhập nội trong quá trình sử dụng phải được theo dõi, đánh giá, phát hiện và xử lý kịp thời những tác động bất lợi do chúng gây ra.

5. Vùng không nhiễm sinh vật gây hại phải được giám sát thường xuyên để duy trì các điều kiện của vùng này.

6. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 44. Trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong hoạt động kiểm dịch thực vật

1. Kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu.

2. Kiểm dịch thực vật nội địa.

3. Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu tại khu cách ly kiểm dịch thực vật.

4. Giám sát vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và chuyển vào kho ngoại quan.

5. Quyết định biện pháp xử lý; giám sát, xác nhận việc thực hiện biện pháp xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật xuất khẩu, nhập khẩu.

6. Quản lý các hoạt động xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

7. Xây dựng và hướng dẫn thực hiện các biện pháp kiểm dịch thực vật.

8. Tổ chức xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật vô chủ, không rõ nguồn gốc từ nước ngoài vào Việt Nam.

9. Chỉ định tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật để xử lý trong trường hợp phải xử lý vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát, sinh vật gây hại lạ; yêu cầu chủ vật thể thực hiện và chịu chi phí.

10. Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu để thực hiện việc kiểm dịch tại nước xuất khẩu hoặc các yêu cầu kiểm dịch theo quy định của nước nhập khẩu tại Việt Nam.

11. Cung cấp thông tin về kiểm dịch thực vật cho các nước có liên quan khi được yêu cầu.

Điều 45. Nhiệm vụ và quyền hạn của công chức kiểm dịch thực vật

1. Thực hiện kiểm dịch thực vật theo quy định tại Luật này; nghiêm chỉnh chấp hành quy trình nghiệp vụ kiểm dịch thực vật và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

2. Yêu cầu chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan, phương tiện, nhân lực cần thiết cho việc kiểm dịch.

3. Hướng dẫn, giám sát việc thực hiện biện pháp xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

4. Thực hiện việc kiểm tra, lấy mẫu trong quá trình kiểm dịch theo quy định.

5. Đối với những nơi thuộc bí mật quốc phòng, an ninh và trường hợp đặc biệt khác thì được tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch thực vật nhưng phải bảo đảm yêu cầu bảo mật.

Điều 46. Quy định trang phục đối với công chức kiểm dịch thực vật

1. Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch thực vật, công chức kiểm dịch thực vật phải mang trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu và thẻ công chức kiểm dịch thực vật.

2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 47. Quyền và nghĩa vụ của chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

1. Chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật có quyền sau đây:

a) Được cung cấp thông tin về kiểm dịch thực vật;

b) Được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật hướng dẫn phát hiện, nhận biết sinh vật gây hại, các biện pháp xử lý vật thể bị nhiễm sinh vật gây hại;

c) Yêu cầu cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cung cấp thông tin cho nước nhập khẩu đối với vật thể phải phân tích nguy cơ dịch hại;

d) Khiếu nại về kết quả kiểm dịch thực vật và quyết định của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

2. Chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật có nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện yêu cầu của công chức kiểm dịch thực vật khi thi hành công vụ như mở, đóng phương tiện vận chuyển, kho chứa, kiện hàng, bố trí nhân lực, phương tiện phục vụ kiểm tra, lấy mẫu vật thể; chịu trách nhiệm bảo quản vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật trong thời gian thực hiện các thủ tục kiểm dịch thực vật và hướng dẫn công chức kiểm dịch vào nơi có vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật để kiểm dịch;

b) Cung cấp thông tin cần thiết phục vụ công tác kiểm dịch khi cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật yêu cầu;

c) Theo dõi và kiểm tra vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu trong quá trình vận chuyển, bảo quản, sử dụng. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát hoặc sinh vật gây hại lạ phải báo ngay cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gần nhất;

d) Thực hiện đúng, kịp thời việc xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật theo quyết định và hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

đ) Thực hiện đầy đủ các biện pháp quy định tại Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật khi vận chuyển, bảo quản, sử dụng vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

e) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Chương 4.

QUẢN LÝ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

MỤC 1. QUẢN LÝ THUỐC VÀ ĐĂNG KÝ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 48. Quy định chung về quản lý thuốc bảo vệ thực vật

1. Thuốc bảo vệ thực vật là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được quản lý theo danh mục.

2. Hàng năm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam.

3. Tổ chức, cá nhân được nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

4. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp phải có giấy phép nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật này thì chỉ được sử dụng đúng mục đích ghi trong giấy phép.

Điều 49. Thuốc bảo vệ thực vật không được đăng ký hoặc bị loại khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam

1. Thuốc bảo vệ thực vật không được đăng ký vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam bao gồm:

a) Thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam;

b) Thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ cao ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường;

c) Thuốc thành phẩm hoặc hoạt chất trong thuốc thành phẩm có độc cấp tính loại I, II theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS), trừ thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật dùng để xông hơi khử trùng, thuốc trừ chuột; thuốc trừ mối gây hại công trình xây dựng, đê điều; thuốc bảo quản lâm sản mà lâm sản đó không dùng làm thực phẩm và dược liệu;

d) Thuốc bảo vệ thực vật trùng tên thương phẩm với thuốc bảo vệ thực vật khác có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam;

đ) Thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất methyl bromide.

2. Thuốc bảo vệ thực vật bị loại khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam trong trường hợp sau đây:

a) Có bằng chứng khoa học về thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường;

b) Thuốc bảo vệ thực vật hiệu lực thấp đối với sinh vật gây hại;

c) Thuốc bảo vệ thực vật của các tổ chức, cá nhân đăng ký tự nguyện rút khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 50. Tổ chức, cá nhân được đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam

1. Tổ chức, cá nhân trong nước sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc sản xuất thuốc thành phẩm từ thuốc kỹ thuật.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc sản xuất thuốc thành phẩm từ thuốc kỹ thuật có văn phòng đại diện, công ty, chi nhánh công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật đang được phép hoạt động tại Việt Nam.

3. Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có đủ điều kiện về sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật quy định tại Điều 61 và Điều 63 của Luật này được tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này ủy quyền.

Điều 51. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;

b) Bản sao Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;

c) Mẫu nhãn thuốc bảo vệ thực vật;

d) Kết quả khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam.

2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương;

b) Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương tổ chức thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật có giá trị trong thời hạn 05 năm và có thể được gia hạn.

Điều 52. Hồ sơ, trình tự, thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật

1. Trước 03 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật hết hạn, nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu gia hạn thì phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn.

2. Hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:

a) Đơn đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;

b) Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật đã được cấp;

c) Nhãn thuốc bảo vệ thực vật đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật.

3. Trình tự, thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương;

b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật; trường hợp không gia hạn phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật được gia hạn có giá trị trong thời hạn 05 năm.

Điều 53. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật

1. Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật được cấp lại trong trường hợp sau đây:

a) Bị mất, sai sót, hư hỏng;

b) Có thay đổi tên thương phẩm của thuốc hoặc thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân đăng ký.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;

b) Giấy tờ xác nhận nội dung thay đổi;

c) Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật đã được cấp, trừ trường hợp bị mất.

3. Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:

a) Trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 52 của Luật này;

b) Trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này.

Điều 54. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật

1. Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Bị tẩy xóa, sửa chữa nội dung;

b) Phát hiện giấy tờ giả, thông tin không trung thực trong hồ sơ đã đăng ký;

c) Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm mà pháp luật quy định phải thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;

d) Có quyết định về việc loại thuốc đó khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

2. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật.

MỤC 2. KHẢO NGHIỆM THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 55. Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật

1. Việc khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện đối với tất cả thuốc bảo vệ thực vật trước khi đăng ký vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; đối với thuốc bảo vệ thực vật sinh học được xét giảm yêu cầu khảo nghiệm.

2. Việc khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật chỉ được tiến hành sau khi có Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương và do tổ chức có đủ điều kiện khảo nghiệm theo quy định tại Điều 59 của Luật này thực hiện.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 56. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;

b) Giấy tờ chứng minh đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 50 của Luật này;

c) Tài liệu kỹ thuật của thuốc bảo vệ thực vật.

2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương;

b) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật có giá trị trong thời hạn 05 năm.

Điều 57. Cấp lại Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật

1. Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật được cấp lại trong trường hợp bị mất, sai sót, hư hỏng hoặc thay đổi tên thương phẩm, thông tin của tổ chức, cá nhân đăng ký khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;

b) Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật đã được cấp, trừ trường hợp bị mất.

3. Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương;

b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương cấp lại Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 58. Thu hồi Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật

1. Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Bị tẩy xóa, sửa chữa nội dung;

b) Phát hiện giấy tờ giả, thông tin không trung thực trong hồ sơ xin cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;

c) Thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người, động vật, thực vật, hệ sinh thái và môi trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương có thẩm quyền thu hồi Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 59. Điều kiện đối với tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật

1. Tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Người đứng đầu tổ chức phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, sinh học, hóa học và có giấy chứng nhận tập huấn về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;

b) Người lao động có trình độ chuyên môn phù hợp và đã được tập huấn về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;

c) Có cơ sở vật chất - kỹ thuật bảo đảm cho công tác khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;

d) Không trực tiếp đứng tên đăng ký hoặc được ủy quyền đứng tên đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam.

2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự, thủ tục công nhận, công bố danh sách tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 60. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật

1. Tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật có quyền sau đây:

a) Được cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;

b) Được thu phí khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật theo quy định;

c) Khiếu nại quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật có nghĩa vụ sau đây:

a) Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phải khách quan, chính xác;

b) Tuân thủ đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật và các yêu cầu khảo nghiệm;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khảo nghiệm;

d) Lưu giữ toàn bộ số liệu thô của khảo nghiệm tối thiểu 05 năm kể từ ngày khảo nghiệm kết thúc;

đ) Chịu sự kiểm tra, giám sát hoạt động khảo nghiệm của cơ quan có thẩm quyền;

e) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

MỤC 3. SẢN XUẤT, BUÔN BÁN, NHẬP KHẨU, XUẤT KHẨU, VẬN CHUYỂN, BẢO QUẢN, QUẢNG CÁO, BAO GÓI, GHI NHÃN VÀ SỬ DỤNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 61. Điều kiện đối với cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật

1. Điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật được quy định như sau:

a) Cơ sở sản xuất thuốc có địa điểm, nhà xưởng, kho thuốc, bảo đảm về diện tích, khoảng cách an toàn cho người, vật nuôi và môi trường theo đúng quy định, phù hợp với quy mô sản xuất;

b) Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ phù hợp với loại thuốc bảo vệ thực vật được sản xuất;

c) Có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;

d) Có đủ trang thiết bị để kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật do mình sản xuất ra. Trường hợp không có đủ trang thiết bị thì phải có hợp đồng kiểm tra chất lượng với tổ chức được chỉ định kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với mỗi lô sản phẩm xuất xưởng.

2. Điều kiện về nhân lực được quy định như sau:

a) Người trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất của cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành hóa học, bảo vệ thực vật, sinh học;

b) Người lao động trực tiếp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải được huấn luyện, bồi dưỡng về chuyên môn phù hợp.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định chi tiết điều kiện đối với cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 62. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật

1. Cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có quyền sau đây:

a) Sản xuất thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam;

b) Nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất hoặc tái xuất theo hợp đồng ký kết với nước ngoài;

c) Thông tin, quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Điều 70 của Luật này và pháp luật về quảng cáo;

d) Các quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có nghĩa vụ sau đây:

a) Sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; tiêu chuẩn cơ sở do cơ sở sản xuất thuốc công bố;

b) Sử dụng người lao động trực tiếp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm sức khỏe, được đào tạo, bồi dưỡng về an toàn lao động và chuyên môn;

c) Chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc và chỉ được phép xuất xưởng, lưu thông trên thị trường thuốc đạt chất lượng;

d) Cung cấp tài liệu cần thiết cho việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

đ) Bồi thường thiệt hại trong trường hợp do lỗi của cơ sở sản xuất theo quy định của pháp luật;

e) Khi phát hiện thuốc không bảo đảm yêu cầu theo quy định, cơ sở sản xuất có trách nhiệm thực hiện việc thu hồi theo quy định tại khoản 2 Điều 73 của Luật này;

g) Chủ cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng, phòng ngừa sự cố do thuốc bảo vệ thực vật gây ra khi sử dụng; bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho người lao động trực tiếp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật;

h) Chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, hóa chất, lao động, môi trường;

i) Thực hiện quy định của pháp luật về thuế bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 63. Điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật

1. Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Có địa điểm hợp pháp, bảo đảm về diện tích, khoảng cách an toàn cho người, vật nuôi và môi trường theo đúng quy định;

b) Có kho thuốc đúng quy định, trang thiết bị phù hợp để bảo quản, xử lý thuốc bảo vệ thực vật khi xảy ra sự cố;

c) Chủ cơ sở buôn bán thuốc và người trực tiếp bán thuốc bảo vệ thực vật phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, sinh học, hóa học hoặc có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật.

2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 64. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật

1. Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có quyền sau đây:

a) Buôn bán thuốc thành phẩm có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam;

b) Được cung cấp thông tin và hướng dẫn liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật;

c) Chủ cơ sở và người trực tiếp buôn bán thuốc được tham gia tập huấn về an toàn sử dụng, bảo quản, vận chuyển và phòng ngừa sự cố do thuốc bảo vệ thực vật gây ra.

2. Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý thuốc bảo vệ thực vật;

b) Chỉ được sử dụng người trực tiếp bán thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm sức khỏe và đã được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn;

c) Niêm yết giá bán và lập sổ theo dõi việc mua, bán thuốc;

d) Hướng dẫn sử dụng thuốc cho người mua theo đúng nội dung của nhãn thuốc;

đ) Khi phát hiện sự cố gây rò rỉ, phát tán thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, môi trường sinh thái, cơ sở buôn bán thuốc phải áp dụng ngay biện pháp khắc phục, đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố để giám sát và có các biện pháp cảnh báo, phòng ngừa hậu quả xấu;

e) Chỉ bán thuốc bảo vệ thực vật dùng để xông hơi khử trùng cho người có thẻ hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật hoặc cho tổ chức có Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

g) Cung cấp thông tin liên quan đến việc buôn bán thuốc bảo vệ thực vật của cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;

h) Bồi thường thiệt hại do lỗi của cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật;

i) Khi phát hiện thuốc của cơ sở buôn bán không bảo đảm các yêu cầu theo quy định, cơ sở buôn bán có trách nhiệm thông báo cho đại lý trực tiếp hoặc cơ sở sản xuất đã cung cấp thuốc để thu hồi ngay toàn bộ thuốc đó trên thị trường; tham gia thu hồi thuốc đã bán ra;

k) Chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, hóa chất, môi trường, lao động;

l) Thực hiện quy định của pháp luật về thuế bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 65. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật;

b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Bản thuyết minh về cơ sở vật chất - kỹ thuật, nhân lực, trình độ chuyên môn bảo đảm điều kiện sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Điều 61 và Điều 63 của Luật này;

d) Giấy chứng nhận về trình độ chuyên môn, giấy chứng nhận bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về thuốc bảo vệ thực vật của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Điều 61 và Điều 63 của Luật này;

đ) Giấy chứng nhận sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật;

e) Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật quy định tại khoản 4 Điều này;

b) Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật kiểm tra thực tế điều kiện sản xuất, buôn bán tại cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; nếu đủ điều kiện thì trong thời hạn 15 ngày phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Bị tẩy xóa, sửa chữa nội dung;

b) Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật mà bị xử phạt vi phạm hành chính từ 03 lần trong một năm hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 03 lần liên tiếp về một hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

c) Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi giấy chứng nhận.

4. Thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:

a) Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật;

b) Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 66. Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật

1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có giá trị trong thời hạn 05 năm.

2. Trước 03 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn, trong trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại được thực hiện như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 65 của Luật này.

Điều 67. Nhập khẩu, xuất khẩu thuốc bảo vệ thực vật

1. Tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam được nhập khẩu hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nhập khẩu thuốc đó mà không cần giấy phép nhập khẩu trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tổ chức, cá nhân phải có giấy phép khi nhập khẩu các loại thuốc bảo vệ thực vật sau đây:

a) Thuốc bảo vệ thực vật chưa có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam để tạm nhập, tái xuất hoặc nhập khẩu để sản xuất tại Việt Nam nhằm mục đích xuất khẩu theo hợp đồng đã ký với nước ngoài;

b) Thuốc bảo vệ thực vật để xông hơi khử trùng chứa hoạt chất methyl bromide và các hoạt chất có độ độc cấp tính loại I, II theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS);

c) Thuốc bảo vệ thực vật chưa có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam nhập khẩu để khảo nghiệm nhằm mục đích đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;

d) Thuốc bảo vệ thực vật chưa có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam nhập khẩu để thử nghiệm, nghiên cứu; sử dụng trong các dự án của nước ngoài tại Việt Nam; thuốc bảo vệ thực vật làm hàng mẫu, hàng phục vụ triển lãm, hội chợ và sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

đ) Thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam nhưng nhập khẩu để làm chất chuẩn.3. Thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này phải được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc khi nhập khẩu và chỉ được nhập khẩu khi đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật. 4. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật;

b) Bảo sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này;

c) Các giấy tờ chứng minh, đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.

5. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

6. Tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật được phép xuất khẩu thuốc thành phẩm và thuốc kỹ thuật theo quy định của pháp luật về thương mại của Việt Nam và nước nhập khẩu.

Điều 68. Vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật

1. Vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm của pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không, hàng hải, các quy định khác của pháp luật có liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trường hợp chỉ vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật sinh học không bắt buộc phải tuân thủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm nhưng phải tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Trường hợp xảy ra sự cố gây rò rỉ, phát tán thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình vận chuyển, người điều khiển phương tiện, chủ hàng, chủ phương tiện có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế hậu quả, khắc phục sự cố, đồng thời báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố để tiếp tục theo dõi và có các biện pháp cảnh báo, phòng ngừa hậu quả.

Điều 69. Bảo quản thuốc bảo vệ thực vật

1. Việc bảo quản thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ hướng dẫn về bảo quản của nhà sản xuất ghi trên nhãn, bao gói; bảo đảm an toàn đối với con người, vật nuôi và môi trường.

2. Kho bảo quản thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm khoảng cách an toàn, xa trường học, bệnh viện, khu dân cư tập trung; bảo đảm yêu cầu kỹ thuật trong bảo quản; có cảnh báo; có trang thiết bị, phương tiện xử lý sự cố phù hợp với đặc tính nguy hiểm của thuốc bảo vệ thực vật; bảo đảm quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, hóa chất, bảo hộ lao động, bảo vệ môi trường.

3. Kho chuyên dùng bảo quản thuốc bảo vệ thực vật sinh học không bắt buộc phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều này nhưng phải bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.

4. Trường hợp thuốc bảo vệ thực vật bị rò rỉ, phát tán có nguy cơ gây tác hại đến con người, vật nuôi, môi trường, tổ chức, cá nhân bảo quản thuốc có trách nhiệm áp dụng ngay các biện pháp cần thiết để hạn chế hậu quả, khắc phục sự cố và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố để được hỗ trợ khắc phục và giám sát, ngăn ngừa hậu quả xấu; tổ chức, cá nhân có thuốc bảo quản bị rò rỉ, phát tán phải chịu mọi chi phí để khắc phục sự cố và bồi thường thiệt hại do sự cố gây ra.

5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định chi tiết điều kiện kho bảo quản thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 70. Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật

1. Chỉ được quảng cáo các loại thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

2. Nội dung quảng cáo phải đúng với nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật, phù hợp với hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật trên địa bàn, có nội dung cảnh báo về mức độ nguy hiểm, độc hại và chỉ dẫn phòng ngừa tác hại của thuốc bảo vệ thực vật.

3. Việc quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật phải tuân theo quy định của pháp luật về quảng cáo.

Điều 71. Bao gói, nhãn thuốc bảo vệ thực vật

1. Bao gói thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Vật liệu phải bền chắc, không bị thuốc bảo vệ thực vật chứa bên trong ăn mòn, phá hủy, rò rỉ, phát tán thuốc ra ngoài;

b) Không ảnh hưởng đến chất lượng của thuốc bảo vệ thực vật;

c) Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bao gói thuốc bảo vệ thực vật hoặc tiêu chuẩn cơ sở do cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật công bố áp dụng;

d) Không gây nguy hiểm cho người, động vật và môi trường.

2. Thuốc bảo vệ thực vật lưu thông trên thị trường phải có nhãn đáp ứng yêu cầu sau đây:

a) Ngôn ngữ bằng tiếng Việt;

b) Chứa thông tin đầy đủ hướng dẫn người sử dụng thuốc an toàn;

c) Tuân thủ quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và hướng dẫn của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS);

d) Nhãn thuốc bảo vệ thực vật phải phù hợp với nội dung mẫu nhãn đã đăng ký với cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quy cách, vật liệu, kiểm tra, kiểm định bao gói thuốc và hướng dẫn cụ thể việc ghi nhãn thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 72. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

1. Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có quyền sau đây:

a) Được cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả;

b) Yêu cầu cơ sở bán thuốc hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng nội dung của nhãn thuốc;

c) Được bồi thường thiệt hại do lỗi của cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ nguyên tắc sử dụng thuốc bốn đúng quy định tại khoản 3 Điều 4 của Luật này; thực hiện đúng hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc;

b) Chỉ được sử dụng thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam;

c) Khi xảy ra sự cố hoặc phát hiện thuốc bảo vệ thực vật gây hậu quả xấu cho con người và môi trường trong quá trình sử dụng, người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế hậu quả và báo cáo ngay Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố để có biện pháp khắc phục hậu quả;

d) Phải bảo quản thuốc, thu gom bao gói thuốc sau khi sử dụng để đúng nơi quy định;

đ) Người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong xông hơi khử trùng phải có giấy chứng nhận tập huấn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

e) Bồi thường thiệt hại do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định gây ra.

MỤC 4. THU HỒI, TIÊU HỦY, THU GOM VÀ XỬ LÝ BAO GÓI THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT SAU SỬ DỤNG

Điều 73. Thu hồi thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường, xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi

1. Thuốc bảo vệ thực vật phải thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định;

b) Hết hạn sử dụng;

c) Nhãn, bao gói thuốc bảo vệ thực vật có sai sót hoặc không đúng quy định.

2. Khi phát hiện thuốc bảo vệ thực vật thuộc diện bị thu hồi thì cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về lô thuốc phải thu hồi và có trách nhiệm thu hồi ngay toàn bộ thuốc đó.

Trong trường hợp cơ sở sản xuất, nhập khẩu không tự nguyện thu hồi thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định bắt buộc thu hồi.

3. Các biện pháp xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi bao gồm:

a) Tái xuất;

b) Tái chế;

c) Khắc phục lỗi ghi nhãn, bao gói;

d) Tiêu hủy.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định cụ thể khoản này.

4. Thẩm quyền xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi được quy định như sau:

a) Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương quyết định biện pháp và thời hạn xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi; kiểm tra việc thu hồi và xử lý thuốc của cơ sở buôn bán trên địa bàn; xử lý vi phạm về thu hồi thuốc bảo vệ thực vật của cơ sở buôn bán trên địa bàn theo quy định;

b) Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương quyết định biện pháp và thời hạn xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi; kiểm tra việc thu hồi và xử lý thuốc của cơ sở sản xuất; xử lý vi phạm về thu hồi thuốc bảo vệ thực vật của cơ sở buôn bán khi việc thu hồi thuốc xảy ra trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

5. Cơ sở sản xuất, nhập khẩu có thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi phải chịu mọi chi phí thu hồi và xử lý.

Điều 74. Tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật

1. Các loại thuốc bảo vệ thực vật phải tiêu hủy bao gồm:

a) Thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng ở Việt Nam, không có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, c và d khoản 2 Điều 67 của Luật này;

b) Thuốc bảo vệ thực vật giả;

c) Thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng mà không thể tái chế;

d) Thuốc bảo vệ thực vật không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định mà không thể tái chế hoặc tái xuất;

đ) Thuốc bảo vệ thực vật vô chủ, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

2. Tổ chức, cá nhân có thuốc bảo vệ thực vật buộc tiêu hủy phải thực hiện việc tiêu hủy theo quy định quản lý chất thải nguy hại của pháp luật về bảo vệ môi trường và chịu mọi chi phí.

3. Trường hợp thuốc bảo vệ thực vật vô chủ thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc tiêu hủy và bố trí kinh phí.

Điều 75. Thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng

1. Việc thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định về quản lý chất thải nguy hại của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Kinh phí thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí từ ngân sách địa phương.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Chương 5.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 76. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 36/2001/PL-UBTVQH10 ngày 08 tháng 8 năm 2001 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

2. Các loại giấy phép, giấy chứng nhận về bảo vệ và kiểm dịch thực vật đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa hết thời hạn được ghi trong giấy thì vẫn có giá trị sử dụng cho đến khi hết thời hạn.

Điều 77. Quy định chi tiết

Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2013.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Sinh Hùng

 

THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 01/01/2015
 
QUỐC HỘI
THE NATIONAL ASSEMBLY
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Independence - Freedom - Happiness
---------------
Luật số: 41/2013/QH13
Number: 41/2013/QH13
Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2013
Hanoi, November 25, 2013

LUẬT
LAW

BẢO VỆ VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT
ON PLANT PROTECTION AND QUARANTINE
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;
Quốc hội ban hành Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
The National Assembly hereby promulgates the Law on Plant Protection and Quarantine.
Chương 1.
Chapter 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
GENERAL PROVISIONS
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Article 1. Governing scope
Luật này quy định về hoạt động phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm dịch thực vật; quản lý thuốc bảo vệ thực vật.
This Law is enshrined by the regulations on the plant protection against harmful pests, pathogens and diseases, plant phytosanitation and pesticide management.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Article 2. Applicable entities
Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại Việt Nam.
This Law is applied to both domestic and foreign organization and/or individual involved in plant protection and quarantine activities in Vietnam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Article 3. Definition of terms
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
In this Law, terms shall be construed as follows:
1. Thực vật là cây và sản phẩm của cây.
1. Plant means plants and plant products.
2. Bảo vệ thực vật là hoạt động phòng, chống sinh vật gây hại thực vật.
2. Plant protection means the control and prevention of plant pests, pathogens and diseases.
3. Kiểm dịch thực vật là hoạt động ngăn chặn, phát hiện, kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát và sinh vật gây hại lạ.
3. Plant quarantine means the exclusion, detection and control of quarantine plant pests, regulated plant pests and alien harmful organisms.
4. Chủ thực vật là tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hoặc trực tiếp quản lý thực vật.
4. Plant owner means organization or individual who has the ownership and use right or direct management of plants.
5. Sinh vật có ích là sinh vật có lợi trực tiếp hoặc gián tiếp đối với thực vật bao gồm vi sinh vật có ích, côn trùng có ích, động vật và các sinh vật có ích khác.
5. Beneficial organism means organisms that bring about directly or indirectly helpful effects on plants, including microorganisms, insects, animals and others.
6. Sinh vật gây hại là sinh vật gây ra thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp đối với thực vật bao gồm vi sinh vật gây bệnh, côn trùng gây hại, cỏ dại và các sinh vật có hại khác.
6. Harmful organism means organisms that can cause directly or indirectly harmful effects on plants, including pathogenic microorganisms, plant pests, noxious weeds and others.
7. Sinh vật gây hại lạ là sinh vật gây hại chưa xác định được tên khoa học và chưa từng được phát hiện ở Việt Nam.
7. Alien harmful organism means harmful organisms that have yet to be given scientific names and found in Vietnam.
8. Đối tượng kiểm dịch thực vật là sinh vật gây hại có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật, chưa có hoặc có nhưng phân bố hẹp ở Việt Nam và phải được kiểm soát nghiêm ngặt.
8. Quarantine plant pest means harmful organisms that can cause severe damage to plants, are absent or of limited distribution throughout Vietnam and must be strictly controlled.
9. Đối tượng phải kiểm soát là sinh vật gây hại không phải là đối tượng kiểm dịch thực vật nhưng sự có mặt của chúng trên vật liệu dùng để làm giống có nguy cơ gây thiệt hại lớn về kinh tế, phải được kiểm soát ở Việt Nam.
9. Regulated plant pest means harmful organisms other than quarantine plant pests of which their presence on living plant parts that serve the breeding purposes can cause serious damage to the economy, which must be subject to control measures in Vietnam.
10. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật là thực vật, phương tiện sản xuất, bảo quản, vận chuyển hoặc các vật thể khác có khả năng mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật.
10. Plant quarantine article means plants and facilities or equipment serving the storage and transportation purpose or other articles which are likely to harbour or spread quarantine plant pests.
11. Chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật là tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hoặc trực tiếp vận chuyển, quản lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
11. Owner of plant quarantine articles means organization, individual who has the ownership, use right or direct transportation and management of plant quarantine articles.
12. Phân tích nguy cơ dịch hại là quá trình đánh giá về sinh học, cơ sở khoa học và kinh tế để quyết định biện pháp kiểm dịch thực vật đối với một loài sinh vật gây hại.
12. Pest risk analysis means the process of biological assessment, scientific and economic rationales for the decision to apply plant phytosanitary measures against a single harmful organism.
13. Vùng không nhiễm sinh vật gây hại là vùng ở đó có bằng chứng khoa học về việc không có mặt một loài sinh vật gây hại cụ thể và các điều kiện bảo đảm không có loài sinh vật gây hại đó được duy trì.
13. Harmful organism disinfected zone means the area where there exist scientific evidence to prove the absence of a specific harmful organism and conditions under which the absence of such a harmful organism is insured.
14. Kiểm tra vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật là việc quan sát, lấy mẫu, giám định vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật để xác định tình trạng nhiễm sinh vật gây hại hoặc sự tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật.
14. Examination of plant quarantine articles means the observation, sampling and testing of plant quarantine articles which serve as an indicator to assess the infection of harmful organisms or compliance with regulations on the plant quarantine.
15. Xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật là việc áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn hoặc diệt trừ triệt để đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát và sinh vật gây hại lạ.
15. Treatment of plant quarantine articles means the application of proper phytosanitary measures to prevent or eradicate quarantine plant pests, regulated plant pests as well as alien harmful organisms.
16. Thuốc bảo vệ thực vật là chất hoặc hỗn hợp các chất hoặc chế phẩm vi sinh vật có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn, xua đuổi, dẫn dụ, tiêu diệt hoặc kiểm soát sinh vật gây hại thực vật; điều hòa sinh trưởng thực vật hoặc côn trùng; bảo quản thực vật; làm tăng độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng thuốc.
16. Pesticide means the substance or any mixture of substances or the microbiological agent which is meant for preventing, inhibiting, repelling, seducing, destroying or mitigating the harmful impact of plant pests, pathogens and diseases; regulating or controlling the growth of plants or insects; serving the purpose of plant storage; increasing the safety and efficacy for the use of various plant protection products.
17. Thuốc bảo vệ thực vật kỹ thuật (sau đây gọi chung là thuốc kỹ thuật) là sản phẩm có hàm lượng hoạt chất cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định được dùng để sản xuất thuốc thành phẩm.
17. Pesticide consisting of technical materials (hereinafter referred to as technical materials) means a kind of plant protection products which contain a small amount of active ingredients and achieve required quality standards as well as are used for the manufacturing of pesticide products.
18. Hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật là chất hoặc thành phần hữu hiệu có hoạt tính sinh học của thuốc bảo vệ thực vật.
18. Pesticide active ingredient means the substance or any biologically efficacious ingredient of pesticides.
19. Thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm (sau đây gọi chung là thuốc thành phẩm) là sản phẩm được sản xuất từ thuốc kỹ thuật với dung môi, phụ gia theo quy trình công nghệ nhất định, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có nhãn hàng hóa và được phép đưa vào lưu thông, sử dụng.
19. Finished pesticide product (hereinafter referred to as finished pesticide) means the product made from technical materials, solvents and additives and manufactured through a specific technology process, which must conform to national technical regulations, must have registered labels and obtain permission to be commonly used.
20. Thuốc bảo vệ thực vật sinh học là sản phẩm có thành phần hữu hiệu là vi sinh vật sống hoặc chất có nguồn gốc từ vi sinh vật, thực vật, động vật.
20. Biological pesticide means the product consisting of active ingredients, which are of biological activity of living microorganisms or any substance derived from microorganisms, plants or animals.
21. Sản xuất thuốc bảo vệ thực vật bao gồm sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật, thuốc thành phẩm, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật.
21. Pesticide production is composed of the manufacturing of active ingredients, technical materials, finished pesticides and the packaging of pesticide products.
22. Thời gian cách ly là khoảng thời gian tối thiểu kể từ ngày sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lần cuối cùng đến ngày thu hoạch sản phẩm hoặc khoảng thời gian tối thiểu kể từ ngày sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lần cuối cùng trong quá trình bảo quản đến khi sản phẩm được đưa vào sử dụng.
22. Quarantine duration means the minimum period ranging from the last utilization of pesticides to the harvest of plant products or the minimum period from the last utilization of pesticides in the process of plant product storage to the launch of products.
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật
Article 4. Rules of the plant protection and quarantine
1. Phát hiện sớm, kết luận nhanh chóng, chính xác; xử lý triệt để, ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập, lan rộng của đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát, sinh vật gây hại lạ.
1. Conduct early detection, draw immediate and accurate conclusion; timely eradicate and inhibit the invasion and spread of quarantine plant pests, regulated plant pests and alien harmful organisms.
2. Phòng, chống sinh vật gây hại thực hiện theo phương châm phòng là chính; áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp sinh vật gây hại theo hướng bền vững, trong đó ưu tiên biện pháp sinh học, sử dụng giống cây trồng chống chịu sinh vật gây hại, biện pháp kỹ thuật canh tác, thực hành nông nghiệp tốt.
2. Prevent and control harmful organisms in which the preventive measure is given a top priority; apply integrated pest controls associated with sustainable developmental orientation in which biological controls, use of plant varieties that are of harmful organism resistance, cultivation techniques and good agricultural practices are prioritized.
3. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện nguyên tắc bốn đúng bao gồm đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách; tuân thủ thời gian cách ly; bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái.
3. Observe the 4-right rules for the utilization of pesticides, including right product, right time, right dose and concentration, and right method; adhere to regulated quarantine duration; ensure the efficacy of pesticides and safety for people, food safety and mitigate environmental pollution and ecological protection.
4. Áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, kết hợp khoa học và công nghệ hiện đại với kinh nghiệm truyền thống của nhân dân.
4. Apply scientific and technological advances as well as combine modern scientific and technological concepts with traditional and cultural practices learn from people.
Điều 5. Chính sách của Nhà nước về hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật
Article 5. Government policies on the plant protection and quarantine
1. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực; xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật cho cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật; xây dựng và phát triển hệ thống thông tin, dự báo và cảnh báo sinh vật gây hại; nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật ít độc hại, giống cây trồng chống chịu sinh vật gây hại và các biện pháp quản lý sinh vật gây hại theo hướng bền vững.
1. Invest in human resource development projects; construct and upgrade technical facilities and infrastructural systems for plant protection and quarantine authorities; perform the construction and development of information, forecast and alert system for harmful organisms; conduct scientific researches and apply technological advances in the manufacturing of biological pesticides or plant protection products with low level of toxicity, plant varieties with resistance to harmful organisms as well as take control measures against harmful organisms in a sustainable manner.
2. Hỗ trợ xây dựng các vùng không nhiễm sinh vật gây hại; xây dựng và phát triển các loại hình tổ chức dịch vụ bảo vệ thực vật gắn với dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; chống dịch, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất sau khi dịch hại xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại lớn.
2. Assist in setting up harmful organism disinfected zone; work on the construction and development of various types of plant protection services associated with technical agriculture services in a professional manner for the purpose of agricultural commodity production on a large scale; take action to control plant pests and pathogens, maintain the stability for human lives as well as restore the production after plant pests or pathogens cause considerable damage or losses in a vast area.
3. Khuyến khích xây dựng khu công nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống thu gom, xử lý thuốc bảo vệ thực vật và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; sản xuất, sử dụng bao gói thuốc bảo vệ thực vật từ vật liệu dễ tái chế; tập huấn, phổ biến sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả cho người sử dụng thuốc.
3. Provide the incentive for the construction of industrial zones specializing in the manufacturing, collection and treatment of pesticides and used pesticide packs or containers; manufacture and use pesticide packs or containers made from easily recycled materials; organize training courses and sessions to discuss the safe and effective use of pesticides.
4. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bảo đảm nguồn lực để thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật; khuyến khích công nhận và thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
4. Enhance the international cooperation, allow for sufficient resources to fulfill international commitments on the plant protection and quarantine; promote the mutual recognition in the plant protection and quarantine.
Điều 6. Thông tin và tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật
Article 6. Information and communication on the plant protection and quarantine
1. Việc thông tin và tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật nhằm cung cấp kiến thức về sinh vật gây hại thực vật, các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại và chính sách, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Nội dung thông tin, tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật phải bảo đảm tính chính xác, kịp thời, dễ hiểu.
1. The information and communication on the plant protection and quarantine are aimed at providing knowledge about harmful organisms on plants, preventive and control measures as well as legal regulations and policies on the plant protection and quarantine. Contents of information and communication on plant protection and quarantine must be accurate, on time and understandable.
2. Việc thông tin và tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật được thực hiện bằng hình thức sau đây:
2. Information and communication on the plant protection and quarantine shall be carried out through and/or by:
a) Thông qua cổng thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng;
a) Websites managed by Ministries, ministry-level and Governmental bodies, local authorities and means of mass media;
b) Xây dựng các tài liệu chuyên đề, tạp chí, tờ rơi;
b) Journals, magazines and flyers;
c) Tổ chức triển lãm, hội thảo, tập huấn;
c) Exhibitions, workshops and training courses;
d) Tổ chức các diễn đàn để tham vấn rộng rãi về chính sách, pháp luật, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
d) Forums that must be held to openly discuss policies and laws, and exchange information and experience about the plant protection and quarantine;
đ) Các hình thức phù hợp khác.
dd) Other proper approaches.
3. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước về thông tin, tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật được quy định như sau:
3. Responsibilities of regulatory agencies for the information and communication on plant protection and quarantine are specified as follows:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
a) The Ministry of Agriculture and Rural Development must direct and provide accurate and timely information about the plant protection and quarantine;
b) Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn việc thông tin và tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
b) The Ministry of Information and Communications must direct and provide guidance on the information and communication on the plant protection and quarantine;
c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thông tin và tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
c) Ministries, ministerial-level agencies, Governmental bodies, People’s Committees at all administrative levels within their area of competence and jurisdiction must conduct information and communication activities for the plant protection and quarantine.
4. Tổ chức, cá nhân có hoạt động thông tin và tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Organization, individual participating in the information and communication on the plant protection and quarantine must comply with provisions set out in this Law and other relevant regulations.
Điều 7. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ
Article 7. Responsibilities of the Government and Ministries
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong phạm vi cả nước.
1. The Government must ensure the consistency in the state management of the plant protection and quarantine activities that occur across the country.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, có trách nhiệm sau đây:
2. The Ministry of Agriculture and Rural Development must bear full accountability to the Government for performing their state management over the plant protection and quarantine activities as specified below:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
a) Issue within their area of competence or request competent authorities to issue and implement policies, legislative documents, technical regulations and standards for the plant protection and quarantine;
b) Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
b) Build up and direct the implementation of strategy, planning and proposal for the plant protection and quarantine;
c) Tổ chức thực hiện công tác phát hiện, dự báo, cảnh báo sinh vật gây hại thực vật; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; chỉ đạo phòng, chống dịch;
c) Carry out the detection, forecast and warning activities against harmful organisms on plants; set up the information system and database of the plant protection and quarantine; direct the prevention and control against plant pests and pathogens;
d) Tổ chức thực hiện công tác kiểm dịch thực vật bao gồm phân tích nguy cơ dịch hại, kiểm dịch nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, chuyển vào kho ngoại quan (sau đây gọi chung là nhập khẩu), xuất khẩu, tạm xuất, tái xuất (sau đây gọi chung là xuất khẩu), quá cảnh, kiểm dịch sau nhập khẩu, kiểm dịch nội địa và xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
d) Conduct the plant quarantine activities such as pest risk analyses and plant quarantine activities for the importation, temporary importation and reexportation, temporary exportation and reimportation, inter-border movement and bonded warehousing (hereinafter referred to as importation), exportation, temporary exportation and reexportation (hereinafter referred to as exportation), transit, post entry quarantine, domestic quarantine and treatment of plant quarantine articles;
đ) Tổ chức thực hiện công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật bao gồm đăng ký thuốc, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, bảo quản, quảng cáo, bao gói, ghi nhãn, sử dụng, thu hồi, tiêu hủy, thu gom và xử lý thuốc, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;
dd) Carry out the pesticide management including the registration, testing, manufacturing, trading, importation, exportation, transportation, storage, advertisement, packaging, labeling, utilization, revocation, destruction, collection and treatment of pesticides and pesticide packs or containers after use;
e) Quy định nội dung hướng dẫn, tập huấn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
e) Stipulate instructional and training contents towards the use of pesticides and issue the practicing certificate for the treatment of plant quarantine articles;
g) Quản lý và hướng dẫn việc cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
g) Manage and provide instructions for the issuance, reissuance, renewal or replacement and revocation of licenses and certificates in the sector of plant protection and quarantine;
h) Tổ chức điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
h) Organize initial surveys, scientific researches and training courses on the plant protection and quarantine;
i) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
i) Communicate, disseminate and provide education about laws and knowledge relating to the plant protection and quarantine;
k) Thống kê về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
k) Make a statistical report on the plant protection and quarantine;
l) Hợp tác quốc tế về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, đề xuất việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
l) Cooperate with foreign partners in the plant protection and quarantine, and put forward a proposal for the conclusion and accession of international treaties and agreements upon the plant protection and quarantine;
m) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo thẩm quyền.
m) Inspect, examine and settle complaints, denunciations and any violation against laws on the plant protection and quarantine under their jurisdiction.
3. Các bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, có trách nhiệm sau đây:
3. Ministries, who are eligible to carry out the state management over the plant protection and quarantine within their jurisdiction, shall have the following responsibilities:
a) Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố mất an toàn thực phẩm do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông sản thực phẩm;
a) The Ministry of Health in association with the Ministry of Agriculture and Rural Development shall regulate the preventive and control measures to mitigate any risk of food safety probably caused by the improper use of pesticides during the manufacturing process of agricultural products;
b) Bộ Công thương chủ trì phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đối với thuốc bảo vệ thực vật, thực vật thuộc diện kiểm dịch thực vật; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc quản lý sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật, vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
b) The Ministry of Industry and Trade shall lead the inhibition and control against trafficking, counterfeiting and fraudulent trading of pesticides and plants; cooperate with the Ministry of Agriculture and Rural Development to manage the production, trading, exportation and importation of pesticides and plant quarantine articles;
c) Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, quyết định việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
c) The Ministry of Science and Technology shall cooperate with the Ministry of Agriculture and Rural Development to set up and make a decision to conduct scientific researches and technology development projects in the sector of the plant protection and quarantine;
d) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì hướng dẫn tiêu hủy thuốc, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định về bảo tồn đa dạng sinh học liên quan đến lĩnh vực bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc bảo vệ thực vật; phối hợp hướng dẫn thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;
d) The Ministry of Natural Resources and Environment shall provide directions on destroying pesticides and dispose of used pesticide packs or containers; cooperate with the Ministry of Agriculture and Rural Development to issue or request competent agencies to issue regulations on biodiversity conservation regarding the plant protection, quarantine and pesticide management; work with relevant entities to provide instructions for the collection of used pesticide packs or containers;
đ) Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định điều kiện hoàn tất thủ tục hải quan, sự phối hợp của cơ quan hải quan với cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, thuốc bảo vệ thực vật khi xuất khẩu, nhập khẩu; quy định nội dung khai báo kiểm dịch thực vật trong nội dung khai báo của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh;
dd) The Ministry of Finance shall direct and cooperate with the Ministry of Agriculture and Rural Development to carry out the enforcement of regulations on requirements for the completion of customs procedures, the cooperation of customs authority with agencies specializing in the plant protection and quarantine to adhere to required customs procedures, examination and surveillance over plant quarantine articles and pesticides for importation and exportation; stipulate plant quarantine contents that must be clearly stated in the declaration of incoming or outgoing passengers;
e) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định về bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong trường hợp bảo đảm quốc phòng và an ninh.
e) The Ministry of National Defense and the Ministry of Public Security shall direct and cooperate with the Ministry of Agriculture and Rural Development to carry out the enforcement of regulations on plant protection and quarantine with the aim of national defence and security maintenance.
Điều 8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp
Article 8. Responsibilities of People’s Committees at all administrative levels
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) có trách nhiệm sau đây:
1. The People’s Committee of centrally-affiliated cities and provinces (hereinafter referred to as provincial People’s Committee) and the People’s Committee of a provincial or municipal district, district-level town and provincial city (hereinafter referred to as district-level People’s Committee) shall be responsible to:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng không nhiễm sinh vật gây hại trên địa bàn;
a) Issue within their area of competence or request competent authorities to promulgate legislative documents on the plant protection and quarantine; design and implement the planning for harmful organism disinfected zones in their areas;
b) Quyết định phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí, huy động nguồn lực của địa phương theo quy định của pháp luật để phòng, chống sinh vật gây hại thực vật;
b) Decide to distribute, manage and use the budget or mobilize local resources under legal regulations on the inhibition and control against harmful organisms on plants;
c) Chỉ đạo, tổ chức chống dịch, thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất khi xảy ra dịch hại thực vật; thống kê, đánh giá thiệt hại do dịch gây ra trên địa bàn; thực hiện chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, khôi phục sản xuất;
c) Direct and get ready for the control of plant pests and pathogens as well as take relevant measures to protect production activities in case the outbreak of pests or diseases occurs; make a statistical and assessment report on any damage or losses due to plant pests or diseases throughout the areas under their jurisdiction; adopt supportive policies on stabilizing human lives and restoring the production;
d) Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về công tác bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, ý thức, trách nhiệm của chủ thực vật trong phòng, chống sinh vật gây hại và ý thức, trách nhiệm của người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với cộng đồng, môi trường;
d) Organize training courses on the plant protection and quarantine activities, and pesticides; communication, dissemination and education activities for the purpose of raising awareness about the importance of the law on plant protection and quarantine and the crucial role of plant owners in preventing and controlling harmful organisms as well as the responsibility of pesticide users for the community and environment;
đ) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí kinh phí, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật vô chủ tại địa phương;
dd) Provincial People’s Committees must allocate the budget and direct district-level People’s Committees to collect and dispose of pesticide packs or containers after use as well as destroy unclaimed pesticides throughout the areas under their jurisdiction;
e) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo thẩm quyền.
e) Inspect, examine and settle complaints, denunciations and any violation against laws on the plant protection and quarantine within their area of competence.
2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có trách nhiệm sau đây:
2. People’s Committees of a hamlet, ward or town (hereinafter referred to as People’s Committees of a hamlet) shall be responsible to:
a) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, ý thức, trách nhiệm của chủ thực vật trong phòng, chống sinh vật gây hại và ý thức, trách nhiệm của người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với cộng đồng, môi trường;
a) Organize communication, dissemination and education activities to raise awareness about the compliance with the law on the plant protection and quarantine; plant owner’s awareness and responsibility for the prevention and control of harmful organisms; and pesticide’s awareness and responsibility for the community and environment;
b) Quy định địa điểm thu gom, tổ chức, hướng dẫn thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;
b) Determine the landfill site and organize human forces or give guidance on the collection of used pesticide packs or containers;
c) Phối hợp với cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật trên địa bàn điều tra, giám sát, quản lý dịch hại thực vật để bảo vệ sản xuất; hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; kiểm tra, quản lý hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương;
c) Cooperate with local agencies specializing in the plant protection and quarantine to investigate, monitor and manage plant pests and pathogens for production protection; guide people to use pesticides in a safe and effective manner; examine and manage plant protection services, pesticide trading and utilization throughout the areas under their jurisdiction;
d) Tổ chức công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật; chống dịch, thống kê, đánh giá thiệt hại do dịch hại thực vật gây ra; thực hiện chính sách hỗ trợ chống dịch cho nông dân, triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất khi xảy ra dịch để giảm nhẹ thiệt hại, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất;
d) Make all necessary arrangements for the plant protection and quarantine; control plant pests and diseases, prepare statistical and assessment report on any damage or losses due to plant pests and diseases; develop policies on supporting farmers in the inhibition against plant pests and diseases; apply protective measures for the production in case of the outbreak of plant pests and diseases in order to mitigate any damage, stabilize human lives and restore production;
đ) Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo thẩm quyền.
dd) Inspect and settle complaints, denunciations and any violation against laws on the plant protection and quarantine under their jurisdiction.
Điều 9. Hệ thống cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật
Article 9. System of agencies specializing in the plant protection and quarantine
Hệ thống cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật được tổ chức từ trung ương đến cấp huyện.
This system is decentralized from central to district administrative levels.
Chính phủ quy định về tổ chức hệ thống cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
The Government shall govern how agencies specializing in the plant protection and quarantine are organized.
Điều 10. Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp
Article 10. Role of socio-political bodies, socio-occupational political institutions, social organizations and socio-occupational units
Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật để nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống sinh vật gây hại, kiểm dịch thực vật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Socio-political bodies, socio-occupational political institutions, social organizations and socio-occupational units are entitled to give their constructive advice on legislative documents concerning the plant protection and quarantine; communicate and disseminate legal knowledge about the plant protection and quarantine in order to raise people’s awareness about the inhibition against harmful organisms, plant quarantine and pesticide utilization.
Điều 11. Hợp tác quốc tế về bảo vệ và kiểm dịch thực vật
Article 11. International cooperation in the plant protection and quarantine
1. Hợp tác quốc tế về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin về phòng, chống sinh vật gây hại, kiểm dịch thực vật, thuốc bảo vệ thực vật.
1. International cooperation in the plant protection and quarantine must put much concentration on scientific researches, technology transfers, technical training courses, experience swaps and information exchanges for the inhibition against harmful organisms, plant quarantine and pesticides.
2. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương là đầu mối trao đổi thông tin về bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và thuốc bảo vệ thực vật trong hoạt động hợp tác quốc tế.
2. Centrally-governed agencies specializing in the plant protection and quarantine shall act as a focal point in international cooperations for the exchange of information about the plant protection and quarantine, and pesticides.
Điều 12. Phí, lệ phí về bảo vệ và kiểm dịch thực vật
Article 12. Fees and charges for the plant protection and quarantine
Tổ chức, cá nhân có hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật phải trả phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Organization, individual involved in or benefited from the plant protection and quarantine activities must pay fees and/or charges in accordance with legal regulations on fees and charges.
Điều 13. Hành vi bị cấm
Article 13. Prohibited acts
1. Sử dụng biện pháp bảo vệ và kiểm dịch thực vật trái quy định của Luật này.
1. Apply plant protection and quarantine measures in breach of provisions set out in this Law.
2. Không áp dụng hoặc cố ý áp dụng không đúng các biện pháp chống dịch.
2. Fail to apply proper preventive measures or intentionally apply improper preventive measures against plant pests or diseases.
3. Nhập khẩu, sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thực vật bị nhiễm sinh vật gây hại hoặc sử dụng giống cây bị nhiễm sinh vật gây hại trong Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật, Danh mục đối tượng phải kiểm soát mà chưa được xử lý.
3. Import, manufacture, transport, keep or trade any plant infected with harmful organisms or use untreated plant varieties infected with harmful organisms listed in the nomenclature of quarantine plant pests and regulated plant pests.
4. Phát tán sinh vật gây hại.
4. Spread harmful organisms.
5. Đưa đất, nhập khẩu sinh vật gây hại vào Việt Nam, nhân nuôi sinh vật gây hại, trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
5. Import soils and harmful organisms into Vietnam, raise and breed harmful organisms, except for the case in which there is a written consent from the Minister of Agriculture and Rural Development.
6. Sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam; thuốc bảo vệ thực vật giả, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng; thuốc bảo vệ thực vật không có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật này.
6. Manufacture, import, trade and use pesticides listed in the nomenclature of prohibited pesticides in Vietnam; counterfeited, unknown and expired pesticides; pesticides that are not specified in the nomenclature of permitted pesticides in Vietnam, except for the case stipulated in Clause 2 Article 67 of this Law.
7. Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật không có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hoặc quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật không đúng với nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật.
7. Advertise pesticides listed in the nomenclature of prohibited pesticides in Vietnam; pesticides that are not specified in the nomenclature of permitted pesticides in Vietnam, or advertise pesticides with the information in contrast to the contents specified in the Certificate of Pesticide Registration.
8. Sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản, vận chuyển, thải bỏ, thu gom, xử lý thuốc và bao gói thuốc bảo vệ thực vật trái quy định của Luật này.
8. Manufacture, trade, use, store, transport, dump, collect and dispose of pesticides and pesticide packs or containers, which is in breach of this Law.
Chương 2.
Chapter 2.
PHÒNG, CHỐNG SINH VẬT GÂY HẠI THỰC VẬT
CONTROL AND PREVENTION OF HARMFUL PLANT ORGANISMS
Điều 14. Yêu cầu phòng, chống sinh vật gây hại thực vật
Article 14. Requirements for the control and prevention of harmful plant organisms
1. Chủ động thực hiện các biện pháp quản lý tổng hợp sinh vật gây hại bao gồm sử dụng giống cây trồng chống chịu sinh vật gây hại, vệ sinh đồng ruộng, bố trí thời vụ, sử dụng phân bón, mật độ hợp lý và các biện pháp khác thân thiện với môi trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển, tăng sức đề kháng, hạn chế sự phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại, bảo vệ và phát triển sinh vật có ích.
1. Take proactive approaches to integrated pest management to control and prevent harmful organisms such as using plant varieties that are of high resistance to harmful organisms, field sanitation, planting schedule, fertilizer use, proper planting density and other eco-friendly methods in order to provide favorable conditions for the plant maturity and growth, and improve the resistance of plants, restrict and suppress the proliferation and population of harmful organisms, protect and multiply beneficial organisms.
2. Thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm, áp dụng các biện pháp phòng ngừa kịp thời, hiệu quả, không để sinh vật gây hại lây lan; coi trọng biện pháp canh tác, biện pháp sinh học, vật lý, cơ giới và kinh nghiệm truyền thống của nhân dân. Chủ động thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong phòng, chống sinh vật gây hại thực vật.
2. Regularly monitor, early detect and apply preventive measures in a timely and effective manner, and control the spread of harmful organisms; realize the importance of the cultivation methods, biological, physical and mechanical controls as well as cultural practices from farmers. Proactively apply good agricultural practices (briefly called GAP) in the control and prevention of harmful plant organisms.
3. Chỉ sử dụng biện pháp hóa học khi đã áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nhưng mật độ sinh vật gây hại vẫn gia tăng có nguy cơ gây thiệt hại đến năng suất, chất lượng cây trồng.
3. Only apply chemical controls if the application of pest controls mentioned in Clause 1 and Clause 2 of this Article can not reduce the density of harmful organisms, which pose the risk of damage to productivity and quality of plants.
4. Biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật phải được phổ biến, tuyên truyền, tập huấn sâu rộng trong nhân dân, bảo đảm an toàn đối với người, thực vật, động vật và môi trường.
4. Communicate, disseminate and thoroughly train pest control practices amongst farmers, ensure the safety for people, plants, animals and surroundings.
Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của chủ thực vật
Article 15. Rights and obligations of plant owners
1. Chủ thực vật có quyền sau đây:
1. Plant owners have following rights:
a) Được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cung cấp thông tin về tình hình sinh vật gây hại và hướng dẫn thực hiện biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại, biện pháp duy trì điều kiện vùng không nhiễm sinh vật gây hại;
a) Have access to the information, provided by agencies specializing in the plant protection and quarantine, concerning harmful organisms and their instructions on applying harmful organism controls and taking approach to continuing to obtain required standards for pest disinfected zones;
b) Tham gia chương trình tập huấn nâng cao kiến thức về phòng, chống sinh vật gây hại phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương;
b) Attend the training classes to improve knowledge about the control and prevention of harmful organisms, which must conform to specific conditions at local areas;
c) Chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại phù hợp với khả năng, điều kiện và đáp ứng quy định tại Điều 14 của Luật này;
c) Proactively apply pest controls that conform to the capability, conditions and comply with regulations specified in Article 14 of this Law;
d) Ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân hành nghề dịch vụ bảo vệ thực vật và được bồi thường thiệt hại do lỗi của bên cung cấp dịch vụ theo quy định pháp luật;
d) Enter into the contract with organizations, individuals who are eligible to provide plant protection services and claim compensation for any mistake made by service providers as stipulated by laws;
đ) Được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định.
dd) Receive subsidies granted by the Government as stipulated by laws.
2. Chủ thực vật có nghĩa vụ sau đây:
2. Plant owners must fulfill following obligations:
a) Theo dõi, phát hiện kịp thời sinh vật gây hại và áp dụng biện pháp phù hợp để phòng, chống sinh vật gây hại thực vật hiệu quả, an toàn, không để lây lan;
a) Timely track and detect harmful organisms and apply proper pest controls in an effective and safe manner to prevent the spread of plant pests and diseases;
b) Báo cáo ngay với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật nơi gần nhất khi phát hiện sinh vật gây hại lạ hoặc sinh vật gây hại có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng;
b) Promptly notify the People’s Committee of a hamlet or the nearest agency specializing in the plant protection and quarantine when nonindigenous pathogens or any harmful organisms that are likely to cause serious damage are detected;
c) Cung cấp thông tin về tình hình sinh vật gây hại thực vật, phối hợp và tạo điều kiện cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật thực hiện nhiệm vụ khi được yêu cầu;
c) Provide the information about plant pests and pathogens, and cooperate with and facilitate agencies specializing in the plant protection and quarantine to fulfill their tasks when required;
d) Thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch khi có công bố dịch hại thực vật;
d) Tighten pest controls in the event of the outbreak of plant pests and diseases;
đ) Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật này;
dd) Use pesticides in compliance with regulations specified in Clause 2 Article 72 of this Law;
e) Khắc phục hậu quả hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại.
e) Overcome the aftermath of plant pests and diseases or pay compensation for any incurred damage or loss as stipulated by laws due to failure to apply or improper application of pest controls.
Điều 16. Trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật
Article 16. Responsibility assumed by agencies specializing in the plant protection and quarantine
1. Điều tra, phát hiện sinh vật gây hại; xác định thời gian phát sinh, diện phân bố, mức độ gây hại của sinh vật gây hại. Thông báo kịp thời tình hình sinh vật gây hại và hướng dẫn biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật.
1. Investigate and detect harmful organisms; determine the appearance, introduction, geographical distribution and impact of harmful organisms. Timely report relevant information about harmful organisms and provide instructions on controlling plant pests and pathogens.
2. Tiếp nhận, xử lý thông tin và hướng dẫn các biện pháp xử lý đối với các sinh vật gây hại do chủ thực vật, tổ chức, cá nhân thông báo.
2. Receive and process the information as well as recommend proper measures that should be applied to control and prevent harmful organisms reported by any plant owner, organization or individual.
3. Xây dựng, duy trì hệ thống giám sát, cảnh báo sinh vật gây hại, biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
3. Develop and maintain the system of plant pest surveillance, alert and pest controls; set up plant protection and quarantine database.
4. Chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ trong phòng, chống sinh vật gây hại thực vật.
4. Transfer scientific and technological advances in the prevention and control of harmful organisms on plants.
5. Tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ, kỹ thuật viên bảo vệ thực vật và người sản xuất.
5. Organize training courses to improve knowledge for pest control officers, technicians and manufacturers.
6. Tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước để chỉ đạo và tổ chức việc phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm tra, xác minh tình hình sinh vật gây hại để đề xuất công bố dịch và công bố hết dịch hại thực vật; đề xuất cấp thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia, chính sách hỗ trợ chống dịch và khôi phục, phát triển sản xuất.
6. Consult with State management agencies to direct and organize the plant pest control; examine and verify relevant information about harmful organisms to propose the announcement of plant pests and diseases as well as the announcement of successful control of plant pests and diseases; submit the proposal for the allotment of pesticides which are stored for the national security purpose, propose policies on supporting the prevention and control of plant pests and diseases as well as the manufacturing restoration and development.
7. Đánh giá, xác định thiệt hại do dịch hại thực vật gây ra và đề xuất mức hỗ trợ, các biện pháp khắc phục.
7. Assess and measure any loss or damage caused by plant pests and pathogens as well as recommend subsidy rates and remedial measures.
8. Thông tin và hướng dẫn biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; hướng dẫn các biện pháp chống dịch, theo dõi, tổng hợp, đánh giá hiệu quả chống dịch.
8. Provide information and instructions on pest controls; track, analyze and assess the efficiency of pest controls.
9. Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất công tác bảo vệ thực vật, kết quả chống dịch khi có công bố dịch hại thực vật ở địa phương với cơ quan quản lý trực tiếp và cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp trên.
9. Deliver periodical or sudden reports on plant protection activities and outcomes in case of the outbreak of plant pests and diseases in localities to the directly managing agencies and superior agencies specializing in the plant protection and quarantine.
Điều 17. Công bố dịch hại thực vật
Article 17. Announcement of plant pests and diseases
1. Công bố dịch hại thực vật trong các trường hợp sau đây:
1. Plant pests and diseases must be announced in case of:
a) Khi sinh vật gây hại thực vật bùng phát, có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật;
a) The outbreak and spread of harmful organisms on a vast area as well as great damage to plants;
b) Khi phát hiện sinh vật gây hại lạ, đối tượng phải kiểm soát có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật;
b) The detection of alien harmful organisms and regulated plant pests which can cause severe damage to plants;
c) Khi phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam, có nguy cơ lây lan.
c) The detection of the invasion of quarantine plant pests into the territory of Vietnam which pose the risk of spread.
2. Thẩm quyền công bố dịch hại thực vật được quy định như sau:
2. Authority to announce plant pests and diseases is specified as follows:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ đề xuất của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công bố dịch tại địa phương trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và báo cáo ngay Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
a) The President of the provincial People’s Committee shall refer to requests of agricultural management agencies affiliated to the provincial People’s Committee to decide whether the information about current plant pests and diseases should be announced if that is the case mentioned at Point a Clause 1 of this Article, and the send an immediately report to the Minister of Agriculture and Rural Development;
b) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ đề xuất của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương quyết định công bố dịch trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này khi dịch xảy ra có nguy cơ lây lan, gây thiệt hại nghiêm trọng từ hai tỉnh trở lên và trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này, đồng thời báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ.
b) The Minister of Agriculture and Rural Development shall refer to the request of centrally-governed agencies specializing in the plant protection and quarantine to make a decision on the announcement of plant pests and disease, if that is the case mentioned at Point a Clause 1 of this Article, when they pose the high risk of spread and cause severe damage in more than two provinces and if that is the case mentioned at Point b, Point c, Clause 1 of this Article, and must then submit a prompt report to the Prime Minister.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
3. Specific regulations shall be enshrined in this Article by the Government.
Điều 18. Tổ chức chống dịch hại thực vật
Article 18. Combating plant pests and diseases
1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm sau đây:
1. The Minister of Agriculture and Rural Development shall be responsible to:
a) Chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dịch huy động nguồn lực tại địa phương nhanh chóng thực hiện các biện pháp khống chế, dập tắt dịch, ngăn ngừa dịch lây lan sang các vùng khác; kiểm tra việc công bố dịch và tổ chức chống dịch của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dịch;
a) Direct the President of the People’s Committee of the province impacted by plant pests and diseases to mobilize local resources to quickly apply proper measures to control, eradicate and prevent the spread of plant pests and diseases to other areas; check the announcement and preparation for the control of plant pests and diseases, made by the President of the People’s Committee of the province impacted by such plant pests and diseases;
b) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc hỗ trợ chống dịch và triển khai việc hỗ trợ chống dịch;
b) Seek the Prime Minister’s decision to support pest control activities and then proceed to put this decision into practice;
c) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả chống dịch và kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ chống dịch, khắc phục hậu quả do dịch gây ra và khôi phục sản xuất.
c) Send a full report to the Prime Minister on the final outcome of pest controls and supportive policies which are aimed at combating and overcoming the aftermath of plant pests and diseases as well as restore production activities.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
2. The President of the provincial People’s Committee shall be responsible to:
a) Chỉ đạo cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan của tỉnh thực hiện các biện pháp để nhanh chóng khống chế, dập tắt dịch, ngăn ngừa dịch lây lan sang các vùng khác;
a) Direct agencies specializing in the plant protection and quarantine, relevant organizations and individuals in their province to immediately apply proper measures to control, eradicate and prevent plant pests and diseases to be infected to other areas;
b) Bố trí, huy động nguồn lực tại địa phương để phòng, chống dịch;
b) Allow for and mobilize local resources for pest controls;
c) Chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến các biện pháp chống dịch trên địa bàn;
c) Direct the communication and dissemination of pest controls in their areas;
d) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, thực hiện bình ổn giá vật tư nông nghiệp trong chống dịch;
d) Enhance the inspection, examination and stabilization of agricultural material price during the prevention and control of plant pests and diseases;
đ) Thực hiện các chính sách hỗ trợ chống dịch, khắc phục hậu quả do dịch gây ra, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất;
dd) Follow policies on supporting the pest control, coping with the aftermath of plant pests and diseases, stabilizing people's lives and restoring production activities;
e) Đề xuất Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí, vật tư và nguồn lực khi yêu cầu chống dịch vượt quá khả năng của địa phương;
e) Advise the Minister of Agriculture and Rural Development to request the Prime Minister to approve financial, material and resource support if the pest control requires much more than what the local area under their authority can provide;
g) Báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả chống dịch và thực hiện chính sách hỗ trợ chống dịch, khắc phục hậu quả do dịch gây ra, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.
g) Send a complete report to the Minister of Agriculture and Rural Development on the outcome of pest control and the effectiveness of policies on supporting pest control and coping with the aftermath of plant pests and diseases, stabilizing human lives and restoring production activities.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm sau đây:
3. The President of the People’s Committee of a district and hamlet shall be responsible to:
a) Huy động nguồn lực tại địa phương thực hiện các biện pháp chống dịch theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên;
a) Mobilize local resources to apply relevant measures to prevent and control plant pests and diseases according to the direction from the President of the People’s Committee at superior administrative level;
b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các biện pháp chống dịch trên địa bàn;
b) Communicate and disseminate pest control practices likely to be applied in the affected areas;
c) Thực hiện các chính sách hỗ trợ chống dịch, khắc phục hậu quả do dịch gây ra, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất trên địa bàn;
c) Follow policies on supporting the pest control, coping with the aftermath of plant pests and diseases, stabilizing people's lives and restoring production activities in the affected areas;
d) Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên quyết định hỗ trợ kinh phí, vật tư và nguồn lực khi yêu cầu chống dịch vượt quá khả năng của địa phương;
d) Request the President of the People’s Committee at higher administrative level to approve the financial, material and resource support if the pest control requires much more than what their local areas can provide on their own;
đ) Báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên về kết quả chống dịch và thực hiện chính sách hỗ trợ chống dịch, khắc phục hậu quả do dịch gây ra, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.
dd) Send a complete report to the President of the People’s Committee at a higher administrative level regarding the outcome of pest control and the effectiveness of policies on supporting pest control, coping with the aftermath of plant pests and diseases, stabilizing human lives and restoring the production to its normal condition.
4. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tham mưu, hướng dẫn các biện pháp chống dịch, xác định thiệt hại do dịch gây ra, theo dõi, tổng hợp, đánh giá hiệu quả chống dịch và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại khoản 9 Điều 16 của Luật này.
4. Agencies specializing in the plant protection and quarantine within their area of competence and jurisdiction shall be responsible to give advice to and instructions on pest controls, determine any damage and loss caused by plant pests and diseases, and track, compile and analyze data relating to the effectiveness of pest control as well as adhere to the reporting regime as stipulated in Clause 9 Article 16 of this Law.
5. Chủ thực vật, tổ chức, cá nhân có liên quan nơi có dịch phải thực hiện đúng các biện pháp chống dịch theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
5. Affected plant owner, organization and individual must strictly follow pest controls as required by the President of People’s Committee of a hamlet.
Điều 19. Công bố hết dịch hại thực vật
Article 19. Announcement of successful control of plant pests and diseases
Khi dịch hại thực vật đã được khống chế và không còn nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng thì người có thẩm quyền công bố dịch theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này quyết định công bố hết dịch.
When plant pests and diseases have been successfully controlled and reduced to no risk of severe damage, the authorized person who is eligible to make the announcement of plant pests and diseases as regulated in Clause 2 Article 17 of this Law can decide to announce the successful control of plant pests and diseases.
Điều 20. Dự trữ và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia
Article 20. Reserves and use of pesticides listed in the nomenclature of state-reserved commodities
1. Dự trữ thuốc bảo vệ thực vật thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia được quy định như sau:
1. Reserves of pesticides listed in the nomenclature of state-reserved commodities shall be regulated as follows:
a) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về số lượng, danh mục thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia;
a) The Minister of Agriculture and Rural Development must submit the report on the number and nomenclature of state-reserved pesticides to the Prime Minister to seek his decision;
b) Thuốc bảo vệ thực vật thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.
b) Pesticides listed in the nomenclature of state-reserved commodities shall be managed and used under legal regulations on state reserve.
2. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thuộc hàng dự trữ quốc gia trong chống dịch được quy định như sau:
2. The use of pesticides listed in the nomenclature of state-reserved commodities shall be regulated as follows:
a) Trong trường hợp đột xuất, cấp bách khi có dịch và căn cứ vào đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dịch, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định xuất, cấp thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia để kịp thời chống dịch có giá trị tương ứng với thẩm quyền quyết định chi ngân sách của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tại Luật ngân sách nhà nước và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời thông báo với Bộ Tài chính về việc xuất, cấp thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia;
a) In the event of sudden and urgent needs, and with reference to the request of the President of the People’s Committee of the affected province, the Minister of Agriculture and Rural Development shall have the authority to allocate and dispense state-reserved pesticides to timely control and prevent plant pests and diseases, which is equivalent to that of the Minister of Finance to decide to spend on the state budget, stipulated by the State Budget Law and then report this to the Prime Minister, simultaneously notify the Ministry of Finance of such dispensation and allocation;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc tiếp nhận, bảo quản, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia được hỗ trợ để chống dịch kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích và báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thuộc hàng dự trữ quốc gia đã hỗ trợ cho địa phương.
b) The President of the provincial People’s Committee must direct the receipt, storage and use of state-reserved pesticides with the aim of controlling plant pests and diseases in a timely and effective manner and for the right purpose, and report the final outcome of the use of state-reserved pesticides that have been dispensed to their local areas.
Điều 21. Kinh phí chống dịch hại thực vật
Article 21. Budget for the prevention and control of plant pests and diseases
1. Nguồn kinh phí chống dịch hại thực vật bao gồm:
1. The budget for the prevention and control of plant pests and diseases includes:
a) Ngân sách nhà nước;
a) The State budget;
b) Kinh phí của chủ thực vật;
b) Plant owner’s expense;
c) Đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài, tổ chức quốc tế và các nguồn hợp pháp khác.
c) Contributions and aids from domestic or foreign organizations, individuals, international organizations and other legal financial sources.
2. Chính phủ quy định việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí chống dịch hại thực vật.
2. The Government shall regulate the mobilization, management and use of the budget for the prevention and control of plant pests and diseases.
Điều 22. Nội dung hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật
Article 22. Contents of plant protection services
1. Điều tra, dự báo và cung cấp thông tin về sinh vật gây hại thực vật; tư vấn cho chủ thực vật biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật.
1. Investigate, forecast and provide information about harmful organisms on plants; give advice to plant owners to choose proper measures to be taken to prevent and control harmful organisms.
2. Thực hiện các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật, trừ các biện pháp quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật này.
2. Apply appropriate measures for the control and prevention of harmful plant organisms, except for the measures or practices prescribed in Clause 2 Article 34 of this Law.
Điều 23. Điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật
Article 23. Requirements for plant protection services
1. Tổ chức, cá nhân được hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật khi có đủ điều kiện sau đây:
1. Organization and individual shall be entitled to provide plant protection services provided that they can satisfy the following requirements:
a) Người trực tiếp làm dịch vụ bảo vệ thực vật phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, sinh học hoặc có giấy chứng nhận tập huấn về bảo vệ thực vật;
a) Any entity who directly supply plant protection services must achieve an associate degree or higher in agriculture, horticulture, plant protection, biology or a certificate of completion of training in the plant protection;
b) Có trang thiết bị làm dịch vụ bảo vệ thực vật phù hợp;
b) Relevant facilities and equipment required to provide plant protection services must be made available;
c) Có địa chỉ giao dịch hợp pháp, rõ ràng;
c) Contact address must be definite and lawful;
d) Được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức, cá nhân này có địa chỉ giao dịch hợp pháp.
d) A written consent from the People’s Committee of the hamlet where these organizations, individuals are legally located must be present.
2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.
2. The Minister of Agriculture and Rural Development shall be responsible to provide detailed regulations enshrined in this Law.
Điều 24. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật
Article 24. Rights and obligations of plant protection service providers
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật có quyền sau đây:
1. Plant protection service providers shall have the following rights:
a) Được trả chi phí thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật theo hợp đồng ký kết với chủ thực vật;
a) Receive payments for their provision of plant protection services under the contract with plant owners;
b) Tham dự chương trình tập huấn, nâng cao kiến thức về phòng, chống sinh vật gây hại thực vật phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương;
b) Attend training courses to improve knowledge about the control and prevention of harmful organisms, depending on specific conditions at each locality;
c) Tham gia chương trình thông tin, truyền thông về phòng, chống sinh vật gây hại thực vật;
c) Participate in information and communication programs for the prevention and control of harmful organisms on plants;
d) Được quyền khiếu nại kết luận và quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
d) Exercise their right to lodge an appeal against the conclusion and decision of competent inspection and state management agencies under legal regulations on appeals.
2. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật có nghĩa vụ sau đây:
2. Plant protection service providers must fulfill the following obligations:
a) Duy trì các điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật theo quy định tại Điều 23 của Luật này trong quá trình hoạt động;
a) Keep satisfying necessary requirements under regulations described in Article 23 of this Law in the course of providing plant protection services;
b) Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
b) Comply with legal regulations on the plant protection and quarantine;
c) Chấp hành quy định của pháp luật về hợp đồng, pháp luật về lao động và các nghĩa vụ khác;
c) Observe legal regulations on contracts and laws on labor as well as other obligations;
d) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
d) Pay compensations under legal regulations.
Chương 3.
Chapter 3.
KIỂM DỊCH THỰC VẬT
PLANT QUARANTINE
Điều 25. Quy định về kiểm dịch thực vật
Article 25. Regulations on the plant quarantine
1. Kiểm dịch thực vật được thực hiện đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và kiểm dịch thực vật nội địa theo quy định tại Luật này, trừ trường hợp được miễn trừ kiểm dịch thực vật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
1. The plant quarantine must be performed for imported and exported plant quarantine articles or those in transit and it also involves the quarantine practices on domestic plants in accordance with this Law, except for any exemption and relief of the plant quarantine stipulated by the Minister of Agriculture and Rural Development.
2. Trong từng thời kỳ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các danh mục sau đây:
2. In each period, the Minister of Agriculture and Rural Development shall issue the following nomenclatures:
a) Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
a) Nomenclature of plant quarantine articles;
b) Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam;
b) Nomenclature of plant quarantine articles subject to the pest risk analysis before being imported into Vietnam;
c) Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật;
c) Nomenclature of quarantine plant pests;
d) Danh mục đối tượng phải kiểm soát.
d) Nomenclature of regulated plant pests.
Điều 26. Yêu cầu đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu
Article 26. Requirements for plant quarantine articles to be imported
1. Vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khi nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
1. Those listed in the nomenclature of plant quarantine articles must meet the requirements below before being imported:
a) Có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu cấp;
a) Obtain the phytosanitary certificate issued by competent plant quarantine agencies located in exporting countries;
b) Không có sinh vật gây hại trong danh mục quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 25 của Luật này hoặc sinh vật gây hại lạ;
b) Confirm that none of harmful organisms in the nomenclature regulated at Point c and Point d Clause 2 Article 25 of this Law or alien harmful organisms is present;
c) Bao bì đóng gói vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu phải được xử lý theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam.
c) Package of imported plant quarantine articles must be treated under Vietnam’s national technical regulations.
2. Vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam được phép nhập khẩu theo quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật này phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
2. Articles listed in the nomenclature of plant quarantine articles which are subject to the pest risk analysis before being imported into Vietnam in accordance with regulations specified in Clause 4 Article 27 of this Law shall be allowed for importation if they can meet the following requirements:
a) Có Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu do cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương của Việt Nam cấp;
a) Obtain the phytosanitary certificate issued by agencies specializing in the plant protection and quarantine at a central level in Vietnam;
b) Đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này.
b) Satisfy requirements regulated in Clause 1 of this Article.
Điều 27. Phân tích nguy cơ dịch hại
Article 27. Pest risk analysis
1. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam phải được phân tích nguy cơ dịch hại.
1. Plant quarantine articles mentioned in the nomenclature of plant quarantine articles subject to pest risk analyses before being imported into Vietnam must undergo pest risk analyses.
2. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương của Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại trên cơ sở thông tin do cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu cung cấp và các nguồn thông tin hiện có khác.
2. Centrally-governed agencies specializing in the plant protection and quarantine in Vietnam take responsibility to perform the pest risk analysis on the basis of the information provided by the competent plant quarantine organization based in the exporting country as well as other available information.
3. Căn cứ kết quả phân tích nguy cơ dịch hại, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương của Việt Nam cho phép hoặc không cho phép nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật và thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu và tổ chức, cá nhân có liên quan biết.
3. Based on the result of plant pest analysis, centrally-governed agencies specializing in the plant protection and quarantine in Vietnam shall or shall not allow the importation of plant quarantine articles and must send a written notification to the competent plant protection organization based in the exporting country as well as related organization or individual.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định nội dung thông tin cần cung cấp để phân tích nguy cơ dịch hại; quy trình, nội dung phân tích nguy cơ dịch hại.
4. The Minister of Agriculture and Rural Development shall regulate the information content required to be provided for the pest risk analysis; processes and contents of the pest risk analysis.
Điều 28. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu
Article 28. Application and procedures for the issuance of the phytosanitary certificate for imported plants
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu bao gồm:
1. Supportive documents for the application for the issuance of the phytosanitary certificate for imported plants must include:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu;
a) A letter of request for the issuance of the phytosanitary certificate for imported plants;
b) Hợp đồng thương mại;
b) A commercial contract;
c) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân.
c) A copy of the applicant’s Certificate of Business Registration.
2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu được quy định như sau:
2. Procedural steps in applying for the issuance of the phytosanitary certificate for imported plants are regulated as follows:
a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương;
a) Organization, individual must submit their application for the phytosanitary certificate for their imported plants to centrally-governed agencies specializing in the plant protection and quarantine;
b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương xem xét và cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu; trường hợp không cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
b) Within a period of 15 days from the date on which valid application documents are fully provided, centrally-governed agencies specializing in the plant protection and quarantine shall consider and issue the phytosanitary certificate for imported plants. Otherwise, they must make a written response in which reasons for the refusal of applicant’s requests must be clearly specified.
Điều 29. Kiểm dịch thực vật nhập khẩu
Article 29. Plant quarantine for the purpose of importation
1. Khi nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, chủ vật thể phải làm thủ tục kiểm dịch thực vật. Địa điểm thực hiện kiểm dịch thực vật là cửa khẩu đầu tiên hoặc nơi mà từ đó vật thể được đưa vào Việt Nam, trường hợp đặc biệt thì được thực hiện tại địa điểm khác có đủ điều kiện cách ly do cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương quyết định.
1. Before being allowed to import plant quarantine articles, plant owners must follow procedures for the plant quarantine. Location where the plant quarantine is carried out is the first border checkpoint or anywhere through which these articles enter into Vietnam. In some special cases, the plant quarantine shall be performed in other locations where quarantine conditions are satisfactory, which depends on the decision made by centrally-governed agencies specializing in the plant protection and quarantine.
2. Đối với những vật thể có nguy cơ cao mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cửa khẩu nhập khẩu.
2. As for articles that are of high risk of infecting quarantine plant pests into Vietnam, the Minister of Agriculture and Rural Development shall regulate the bordergate through which they are imported into Vietnam.
3. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật mang theo hành lý xách tay hoặc hành lý gửi theo phương tiện chuyên chở phải được khai báo và kiểm tra theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Plant quarantine articles that are carried along with hand luggage or loaded on means of conveyance must be declared and inspected according to regulations enforced by the Minister of Agriculture and Rural Development.
4. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật chỉ được thông quan sau khi hoàn thành đầy đủ các thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu.
4. Plant quarantine articles shall be granted the customs clearance only after required procedures for imported plant quarantine have been completed.
5. Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật được thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật này.
5. All procedures and processes for the plant quarantine must be gone through as prescribed in Article 33 of this Law.
Điều 30. Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu
Article 30. Plant quarantine after importation
1. Giống cây trồng chưa có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về giống cây trồng, sinh vật có ích sử dụng trong bảo vệ thực vật khi nhập khẩu phải thực hiện các quy định tại Điều 26 của Luật này và phải được kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu tại khu cách ly kiểm dịch thực vật.
1. Plant varieties that have not yet listed in the nomenclature of licensed plant varieties in Vietnam according to legal regulations on plant varieties and beneficial organisms used in plant protection products are legally imported provided that they comply with regulations described in Article 26 of this Law, which will be then subject to the plant quarantine after importation at the quarantine zone for the plant quarantine.
2. Giống cây trồng theo quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được gieo trồng ngoài khu cách ly sau khi được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật kết luận không nhiễm sinh vật gây hại thuộc danh mục quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 25 của Luật này hoặc sinh vật gây hại lạ.
2. Plant varieties prescribed in Clause 1 of this Article shall be only planted outside the quarantine zone after agencies specializing in the plant protection and quarantine have come to conclusion that they are not infected with harmful organisms listed in the nomenclature regulated at Point c and Point d Clause 2 Article 25 of this Law or any alien harmful organisms.
3. Sinh vật có ích chỉ được nhân nuôi, sử dụng sau khi được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật kết luận bảo đảm yêu cầu về kiểm dịch thực vật sau khi kiểm dịch tại khu cách ly kiểm dịch thực vật.
3. Beneficial organisms shall be only bred and used after agencies specializing in the plant protection and quarantine come to conclusion that they have successfully met required standards for the plant quarantine that have been carried out at the quarantine zone.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cụ thể số lượng mẫu giống cây trồng, sinh vật có ích được phép nhập khẩu theo quy định tại Điều này; điều kiện khu cách ly; trình tự, thủ tục và nội dung kiểm dịch thực vật tại khu cách ly kiểm dịch thực vật.
4. The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide detailed instructions on the number of plant variety samples and beneficial organisms allowed to be imported in accordance with regulations of this Law; facilities and conditions of quarantine zones; processes, procedures and contents of plant quarantine carried out at these quarantine zones.
Điều 31. Kiểm dịch thực vật xuất khẩu
Article 31. Plant quarantine for the purpose of exportation
1. Vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu phải được kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
1. Articles listed in the nomenclature of plant quarantine articles before being exported must undergo the plant quarantine and must apply for the issuance of the phytosanitary certificate.
2. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương thực hiện việc kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước nhập khẩu.
2. Centrally-governed agencies specializing in the plant protection and quarantine must carry out the plant quarantine and issue the phytosanitary certificate as stipulated by Vietnam laws and required by importing countries.
3. Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật xuất khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật này. Trường hợp đã kiểm dịch tại cơ sở sản xuất hoặc nơi xuất phát hoặc nơi bảo quản ở sâu trong nội địa thì chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải xuất trình Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật khi đến cửa khẩu cuối cùng để xuất khẩu.
3. Procedures and processes for the plant quarantine for the purpose of exportation must comply with regulations specified in Article 33 of this Law. If plant quarantine articles have successfully passed the phytosanitation measures at manufacturing facilities or origin places or storage located deep inside the domestic area, the phytosanitary certificate must be present at the final bordergate for exportation.
Điều 32. Kiểm dịch thực vật quá cảnh
Article 32. In-transit plant quarantine
1. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khi quá cảnh Việt Nam phải được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương đồng ý và kiểm dịch tại cửa khẩu đầu tiên nơi vật thể được đưa vào Việt Nam.
1. Plant quarantine articles in transit in Vietnam must be permitted by and satisfactorily takes the phytosanitary measures at the first border checkpoint where these articles enter into Vietnam.
2. Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật quá cảnh thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật này.
2. Procedures and processes for the phytosanitary measures for in-transit plants must adhere to Article 33 of this Law.
Điều 33. Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật
Article 33. Processes and procedures for applying for the phytosanitation of imported, exported and in-transit plants and issuance of the phytosanitary certificate
1. Đăng ký kiểm dịch thực vật được quy định như sau:
1. Registration of the plant phytosanitation shall be regulated as follows:
a) Tổ chức, cá nhân trước khi nhập khẩu, quá cảnh vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải đăng ký, nộp hồ sơ cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương để kiểm dịch;
a) Organization, individual before having their plant quarantine articles imported or in transit must register and submit their valid documentation to centrally-governed agencies specializing in the plant protection and quarantine for the plant phytosanitation;
b) Tổ chức, cá nhân trước khi xuất khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải đăng ký, nộp hồ sơ cho cơ quan chuyên ngành về bảo vệ và kiểm dịch thực vật nơi gần nhất để kiểm dịch.
b) Organization, individual before having their plant quarantine articles exported must register and submit their valid documentation to the nearest agency specializing in the plant protection and quarantine for the plant phytosanitation.
2. Việc kiểm dịch vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật được quy định như sau:
2. The phytosanitation of plant quarantine articles and issuance of the phytosanitary certificate shall be regulated as follows:
a) Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật quyết định và thông báo cho chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật về địa điểm và thời gian tiến hành kiểm dịch;
a) Within 01 working day from the date on which full valid documentation is received, the agency specializing in the plant protection and quarantine must make their decision and notify the location and time for the phytosanitation measures to owners of plant quarantine articles;
b) Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch, nếu đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật thì cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
b) Within 24 hours from the start of the phytosanitation test, when realizing that requirements for the plant phytosanitation have been satisfied, the agency specializing in the plant protection and quarantine must issue the phytosanitary certificate.
Trường hợp kéo dài hơn 24 giờ do yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật hoặc trường hợp không cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật thì cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật thông báo hoặc trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật biết.
If the procedures take more than 24 hours due to technical requirements or the issuance of the phytosanitary certificate is refused, the agency specializing in the plant protection and quarantine must send a written notification or response and clarify the reasons for this refusal to owners of plant quarantine articles.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.
3. The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide detailed regulations enshrined in this Article.
Điều 34. Xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh
Article 34. Treatment and processing of imported, exported or in-transit plant quarantine articles
1. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải xử lý trong các trường hợp sau đây:
1. Plant quarantine articles must be treated in case hereof:
a) Vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam, đối tượng phải kiểm soát hoặc sinh vật gây hại lạ; vật thể có nguy cơ cao mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam;
a) Be infected with quarantine plant pests stipulated by Vietnam's laws, regulated plant pests or alien harmful organisms; Pose a high risk of carrying quarantine plant pests as prescribed in Vietnam’s laws;
b) Vật thể phải xử lý để đáp ứng quy định kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu;
b) Be subject to the treatment measures to fulfill requirements set out in the regulation on the plant quarantine by importing countries;
c) Vật thể vô chủ, không rõ nguồn gốc.
c) Unclaimed or unidentified articles or those which are of unknown origin.
2. Biện pháp xử lý bao gồm xông hơi khử trùng, xử lý nhiệt, xử lý hơi nước nóng, chiếu xạ, tái xuất, tiêu hủy, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và các biện pháp khác.
2. Treatment methods are composed of vapor steam cleaning, temperature treatment, hot air and vapor heat treatment, irradiation, reexportation, destruction, export suspension, export and import prohibition as well as others.
3. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương quyết định áp dụng biện pháp xử lý thích hợp quy định tại khoản 2 Điều này, trừ các biện pháp quy định tại Điều 35 của Luật này.
3. The centrally-governed agency specializing in the plant protection and quarantine shall decide which treatment measures must be properly applied according to the regulations set out in Clause 2 of this Law, except for those stipulated by Article 35 of this Law.
4. Chi phí xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này do chủ vật thể chi trả; chi phí xử lý vật thể quy định tại điểm c khoản 1 Điều này do ngân sách nhà nước bảo đảm.
4. Cost and expense incurred by the treatment of plant quarantine articles as stipulated at Point a and Point b Clause 1 of this Article shall be covered by owners of such articles; as regards those regulated at Point c Clause 1 of this Article, the cost and expense incurred shall be secured by the state budget.
5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.
5. The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide detailed regulations enshrined in this Article.
Điều 35. Tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu; cấm xuất khẩu, nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
Article 35. Suspension and prohibition of plant quarantine articles for exportation and importation
1. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hoặc cấm xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp sau đây:
1. The exportation and importation of plant quarantine articles shall be suspended or banned in case hereof:
a) Vật thể nhập khẩu được xác định có nguy cơ cao mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật xâm nhập, lây lan và đe dọa sản xuất nông nghiệp trong nước, an ninh lương thực quốc gia và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuất khẩu của Việt Nam;
a) Imported articles are determined to have a high risk of carrying quarantine plant pests which can cause them to be introduced and spread, and pose a threat to domestic agriculture and national food security as well as result in severe damage to Vietnam's exportation;
b) Vật thể xuất khẩu không bảo đảm yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu và có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
b) Exported articles do not satisfy required standards for the plant quarantine set out by the importing country and can threaten Vietnam's exporting market.
2. Khi các nguy cơ quy định tại khoản 1 Điều này đã được khắc phục thì vật thể được tiếp tục xuất khẩu, nhập khẩu.
2. If risks or threats specified in Clause 1 of this Article have been already managed, the importation and exportation of such articles shall be resumed.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
3. Specific regulations shall be enshrined in this Article by the Government.
Điều 36. Hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
Article 36. Treatment practice of plant quarantine articles
1. Việc xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải do tổ chức có Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật thực hiện.
1. The treatment of quarantine plant articles must be performed by the organization that holds the practicing certificate of plant quarantine articles.
2. Hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bao gồm:
2. Treatment practices of plant quarantine articles must include:
a) Xông hơi khử trùng;
a) Vapor steam cleaning;
b) Xử lý nhiệt;
b) Temperature treatment;
c) Xử lý hơi nước nóng;
c) Hot air and vapor heat treatment;
d) Chiếu xạ;
d) Irradiation;
đ) Các hoạt động kỹ thuật khác.
dd) Other techniques.
Điều 37. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
Article 37. Requirements for the certification of the practicing treatment of plant quarantine articles
Tổ chức được cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải có đủ các điều kiện sau đây:
The organization that is eligible for the certification of the practicing treatment of plant quarantine articles must satisfy the following requirements:
1. Điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật bao gồm:
1. In terms of material and technical conditions:
a) Có địa điểm xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, nhà xưởng, kho chứa trang thiết bị, phương tiện phù hợp với quy mô hành nghề;
a) Build a treatment site of plant quarantine articles, workshop, facilities, warehouse of equipment and appliances which conform to the practicing capability;
b) Có đầy đủ trang thiết bị và quy trình kỹ thuật;
b) Prepare a sufficient amount of devices and technical processes;
c) Có đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
c) Ensure fire prevention and fighting, and environment protection in compliance with legal regulations.
2. Điều kiện về nhân lực bao gồm:
2. In terms of human resource:
a) Người trực tiếp quản lý, điều hành của tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải có trình độ chuyên môn phù hợp từ đại học trở lên; bảo đảm sức khỏe theo quy định;
a) The direct manager, who is directly manage the treatment practices of plant quarantine articles, must achieve a bachelor’s degree at least and show his/her good health;
b) Người trực tiếp thực hiện xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải được tập huấn, được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương kiểm tra trình độ chuyên môn, tay nghề và cấp thẻ hành nghề; bảo đảm sức khỏe theo quy định.
b) The employee, who is directly responsible for the treatment of plant quarantine articles, must be trained and his/her expertise and skills in the treatment of plant quarantine articles must be tested by the centrally-governed agency specializing in the plant protection and quarantine before the issuance of the practicing certificate; good health is obligatory as stipulated by laws.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.
3. The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide detailed regulations enshrined in this Article.
Điều 38. Hồ sơ, trình tự, thủ tục và thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
Article 38. Application, procedure and authority for the certification of the treatment practice of plant quarantine articles
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bao gồm:
1. Application documents for the certification of the treatment practice of plant quarantine articles must include:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
a) An application letter;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
b) A copy of the applicant’s Certificate of Business Registration;
c) Bản thuyết minh về cơ sở vật chất - kỹ thuật, nhân lực bảo đảm điều kiện hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật theo quy định tại Điều 37 của Luật này;
c) A demonstration of technical facilities and human resource to prove that the applicant is qualified for the treatment practice of plant quarantine articles as prescribed in Article 37 of this Law;
d) Giấy chứng nhận trình độ chuyên môn, Giấy chứng nhận sức khỏe theo quy định tại Điều 37 của Luật này;
d) A certificate of competence and health certificate in conformity with regulations set out in Article 37 of this Law;
đ) Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
dd) A set of documents to prove satisfactory standards for fire prevention and fighting, and environment protection in compliance with legal regulations.
2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được quy định như sau:
2. Procedure and application for the issuance of the practicing certificate of the treatment of plant quarantine articles shall be regulated as follows:
a) Tổ chức có nhu cầu hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương;
a) Any organization who wishes to provide the treatment service of quarantine plant articles must submit their documents to apply for the practicing certificate of plant quarantine articles to the centrally-governed agency specializing in the plant protection and quarantine;
b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương kiểm tra thực tế điều kiện hành nghề của tổ chức đó; nếu đủ điều kiện thì cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
b) Within a period of 15 days from the date on which valid application documents are fully provided, the centrally-governed agency specializing in the plant protection and quarantine must carry out the inspection on their conditions for service provision; if required conditions have been fully provided, the practicing certificate of the treatment of plant quarantine articles must be issued; otherwise, written response must be sent in which clear reasons for this refusal must be stated as well.
Điều 39. Hồ sơ, trình tự và thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
Article 39. Application document and procedure the certification of the treatment practice of plant quarantine articles
1. Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được cấp lại trong các trường hợp sau đây:
1. The renewal of the practicing certificate of the treatment of plant quarantine articles shall be permitted in the following cases:
a) Bị mất, sai sót, hư hỏng;
a) Loss, error or damage;
b) Có sự thay đổi về phạm vi, quy mô hành nghề hoặc thông tin liên quan đến tổ chức đăng ký;
b) A change to the scope and scale of work and any other information regarding the certificate holder;
c) Hết hạn theo quy định tại Điều 40 của Luật này.
c) The certificate is expired under the regulations specified in Article 40 of this Law.
2. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bao gồm:
2. Application documents for the reissuance of the practicing certificate of the treatment of plant quarantine articles must include:
a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
a) An application letter;
b) Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật đã được cấp, trừ trường hợp bị mất;
b) The old practicing certificate of the treatment of plant quarantine articles, except for the loss;
c) Giấy chứng nhận trình độ chuyên môn của người quản lý, điều hành, giấy chứng nhận tập huấn về xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật hoặc Thẻ hành nghề của những người trực tiếp thực hiện xử lý theo quy định tại Điều 37 của Luật này;
c) A certificate of competence held by the direct manager; a certificate of completion of the training in the treatment of plant quarantine articles or the practicing certificate card held by the employee who are directly responsible for the treatment practice as stipulated in Article 37 of this Law;
d) Giấy chứng nhận sức khỏe của người quản lý, điều hành và những người trực tiếp thực hiện xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
d) A health certificate of the direct manager and the employees who are directly responsible for the treatment practice of plant quarantine articles;
đ) Tài liệu về quy trình kỹ thuật; danh mục phương tiện, trang thiết bị hành nghề tại thời điểm đề nghị;
dd) Technical manuals and instructions; list of equipment and devices available at the applying time;
e) Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
e) A proof of fulfillment of requirements for fire prevention and fighting, and environment protection as prescribed in legal regulations.
3. Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật này.
3. Procedural steps in applying for the reissuance of the certificate of the treatment practice of plant quarantine articles shall adhere to regulations set out in Clause 2 Article 38 of this Law.
Điều 40. Hiệu lực của Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
Article 40. Validity of the practicing certificate of the treatment of plant quarantine articles
1. Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật có giá trị trong thời hạn 05 năm.
1. The practicing certificate of the treatment of plant quarantine articles shall be valid within 05 years.
2. Trước 03 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật hết hạn, tổ chức hành nghề phải nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận trong trường hợp có nhu cầu tiếp tục hành nghề.
2. Before 03 months till the date on which the practicing certificate of the treatment of plant quarantine articles is expired, the practicing organization must submit their documents to competent certification agencies if they wish to get their certificate renewed.
Điều 41. Thu hồi Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
Article 41. Revocation of the practicing certificate of the treatment of plant quarantine articles
1. Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
1. The practicing certificate of the treatment of plant quarantine articles shall be revoked in the following cases:
a) Bị tẩy xóa, sửa chữa nội dung;
a) It is deliberately erased or modified;
b) Tổ chức hành nghề vi phạm pháp luật mà bị xử phạt vi phạm hành chính từ 03 lần trong một năm hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 03 lần liên tiếp về một hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
b) The practicing organization has committed law-breaking acts and has been liable for fines for administrative violations at the frequency of more than 3 times a year or for any violations in the field of plant protection and quarantine at the same frequency thereof;
c) Tổ chức hành nghề có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
c) The practicing organization has committed any other violations that cause their practicing certificate of the treatment of plant quarantine articles to be revoked as stipulated by laws.
2. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
2. The centrally-governed agency specializing in the plant protection and quarantine has the authority to revoke the practicing certificate of the treatment of plant quarantine articles.
Điều 42. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
Article 42. Rights and obligations of the practicing organization of the treatment of plant quarantine articles
1. Tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật có quyền sau đây:
1. The practicing organization of the treatment of plant quarantine articles has the rights as follows:
a) Ký kết và thực hiện hợp đồng với chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật;
a) Conclude and enter into the contract with the owner of plant quarantine articles according to legal regulations;
b) Cấp chứng nhận đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật đã được xử lý;
b) Grant the certificate of completed treatment of plant quarantine articles;
c) Đề xuất biện pháp kỹ thuật để xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật với cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
c) Recommend technical measures for the treatment of plant quarantine articles to the agency specializing in the plant protection and quarantine;
d) Khiếu nại kết luận và quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
d) Lodge an appeal against the conclusion and decision of competent inspection and state management agencies within their area of competence.
2. Tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật có nghĩa vụ sau đây:
2. The practicing organization of the treatment of plant quarantine articles must secure the following obligations:
a) Chỉ được phép hành nghề khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật và duy trì các điều kiện quy định tại Điều 37 của Luật này trong quá trình hoạt động;
a) Deliver their services only after achieving the practicing certificate of the treatment of plant quarantine articles issued by the competent certification agency and ensure requirements specified in Article 37 of this Law to be consecutively fulfilled during their operation;
b) Chỉ được thực hiện dịch vụ xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật đúng quy định trong Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
b) Provide the registered services as specified in the practicing certificate of the treatment of plant quarantine articles;
c) Thực hiện việc xử lý theo chỉ định và chịu sự giám sát của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong trường hợp phải xử lý vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát, sinh vật gây hại lạ;
c) Carry out the treatment under the direction and supervision of the agency specializing in the plant protection and quarantine if the articles to be treated are infected with quarantine plant pests, regulated plant pests and alien harmful organisms;
d) Bảo đảm không làm ảnh hưởng đến chất lượng vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được xử lý và sức khỏe cộng đồng;
d) Ensure no adverse impact on the quality of plant quarantine articles to be treated as well as human health;
đ) Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
dd) Bear responsibility for the result of the treatment of plant quarantine articles;
e) Chấp hành quy định của pháp luật về hợp đồng, pháp luật về lao động và các nghĩa vụ khác;
e) Observe legal regulations on contracts and labor laws as well as other obligations;
g) Định kỳ hàng năm báo cáo tình hình hoạt động xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật với cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
g) Send the annual report on the treatment of plant quarantine articles to the competent certification agency of the treatment of plant quarantine articles.
Điều 43. Kiểm dịch thực vật nội địa
Article 43. Domestic plant quarantine
1. Chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khi vận chuyển vật thể từ vùng bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật đến các vùng khác phải khai báo với cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương nơi gần nhất để thực hiện việc kiểm dịch và được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
1. Upon transporting an article from the zone infected with quarantine plant pests to other areas, the owner of plant quarantine articles must inform the nearest agency specializing in the plant protection and quarantine to carry out the phytosanitation and obtain the phytosanitary certificate.
2. Vật thể nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật đã được xử lý khi đưa vào sử dụng phải được kiểm tra, giám sát tại địa phương.
2. The article, which is infected with quarantine plant pests and already treated, must be inspected and monitored when being used at the locality.
3. Nông sản, lâm sản bảo quản trong kho, giống cây trồng nhập khẩu, giống cây trồng mới được đưa về gieo trồng tại địa phương phải được theo dõi tình hình sinh vật gây hại.
3. Agriculture and forestry products stored in the warehouse, imported plant varieties and those that have been newly cultivated at the locality must be subject to the monitoring of harmful organisms.
4. Sinh vật có ích nhập nội trong quá trình sử dụng phải được theo dõi, đánh giá, phát hiện và xử lý kịp thời những tác động bất lợi do chúng gây ra.
4. Imported beneficial organisms in use must be tracked and assessed in order to timely detect and take immediate action against any possible harmful impact.
5. Vùng không nhiễm sinh vật gây hại phải được giám sát thường xuyên để duy trì các điều kiện của vùng này.
5. Harmful organism disinfected zone must be regularly monitored to sustain satisfactory conditions for the ongoing use.
6. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.
6. The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide detailed regulations enshrined in this Article.
Điều 44. Trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong hoạt động kiểm dịch thực vật
Article 44. Responsibility assumed by agencies specializing in the plant protection and quarantine for the plant phytosanitation
1. Kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu.
1. Perform the phytosanitation of imported and exported plants.
2. Kiểm dịch thực vật nội địa.
2. Carry out the phytosanitation of domestic plants.
3. Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu tại khu cách ly kiểm dịch thực vật.
3. Conduct the phytosanitation of imported plants at the plant quarantine zone.
4. Giám sát vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và chuyển vào kho ngoại quan.
4. Monitor imported, exported, in-transit plant quarantine articles and those that are moved to the bonded warehouse.
5. Quyết định biện pháp xử lý; giám sát, xác nhận việc thực hiện biện pháp xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật xuất khẩu, nhập khẩu.
5. Decide which pest control shall be applied; monitor and confirm the application of pest controls over plant quarantine articles for the export and import purposes.
6. Quản lý các hoạt động xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
6. Manage all activities relating to the treatment of plant quarantine articles.
7. Xây dựng và hướng dẫn thực hiện các biện pháp kiểm dịch thực vật.
7. Adopt and provide instructions on phytosanitary measures.
8. Tổ chức xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật vô chủ, không rõ nguồn gốc từ nước ngoài vào Việt Nam.
8. Carry out activities relating to the treatment of plant quarantine articles which are unclaimed and unidentified to be introduced into Vietnam.
9. Chỉ định tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật để xử lý trong trường hợp phải xử lý vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát, sinh vật gây hại lạ; yêu cầu chủ vật thể thực hiện và chịu chi phí.
9. Appoint the practicing organization specializing in the treatment of plant quarantine articles if the articles to be treated are infected with quarantine plant pests, regulated plant pests or alien harmful organisms; request the owner of such articles to be responsible for the treatment and pay any expenses incurred.
10. Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu để thực hiện việc kiểm dịch tại nước xuất khẩu hoặc các yêu cầu kiểm dịch theo quy định của nước nhập khẩu tại Việt Nam.
10. Cooperate with competent agencies specializing in the phytosanitation of plants coming from exporting countries in order to take phytosanitary measures at exporting countries or other phytosanitary requirements regulated by Vietnam.
11. Cung cấp thông tin về kiểm dịch thực vật cho các nước có liên quan khi được yêu cầu.
11. Provide relevant information about the plant quarantine to related countries upon request.
Điều 45. Nhiệm vụ và quyền hạn của công chức kiểm dịch thực vật
Article 45. Duties and powers of plant quarantine officers
1. Thực hiện kiểm dịch thực vật theo quy định tại Luật này; nghiêm chỉnh chấp hành quy trình nghiệp vụ kiểm dịch thực vật và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
1. Carry out the plant quarantine activities as stipulated by this Law; strictly comply with any phytosanitary manuals or processes as well as bear responsibility for the fulfillment of their duties and powers.
2. Yêu cầu chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan, phương tiện, nhân lực cần thiết cho việc kiểm dịch.
2. Request owners of plant quarantine articles to provide relevant documents and materials, necessary facilities and human resource for the phytosanitation.
3. Hướng dẫn, giám sát việc thực hiện biện pháp xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
3. Provide instructions and carry out the supervision on phytosanitary measures and other control practices for plant quarantine articles.
4. Thực hiện việc kiểm tra, lấy mẫu trong quá trình kiểm dịch theo quy định.
4. Work at the testing and sampling throughout the phytosanitary processes as stipulated by laws.
5. Đối với những nơi thuộc bí mật quốc phòng, an ninh và trường hợp đặc biệt khác thì được tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch thực vật nhưng phải bảo đảm yêu cầu bảo mật.
5. As regards any secret regarding national defence and security as well as other special cases, they are provided with favorable conditions to fulfill their phytosanitary duties but must ensure the confidentiality.
Điều 46. Quy định trang phục đối với công chức kiểm dịch thực vật
Article 46. Regulations on clothes of plant quarantine officers
1. Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch thực vật, công chức kiểm dịch thực vật phải mang trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu và thẻ công chức kiểm dịch thực vật.
1. When fulfilling the phytosanitary tasks, plant quarantine officers must wear uniform with badge, stripe, insignia, nameplate and plant quarantine officer's card.
2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.
2. The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide detailed regulations enshrined in this Article.
Điều 47. Quyền và nghĩa vụ của chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
Article 47. Rights and obligations of the owner of plant quarantine articles
1. Chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật có quyền sau đây:
1. The owner of plant quarantine articles has the rights as follows:
a) Được cung cấp thông tin về kiểm dịch thực vật;
a) Be provided with information about the plant quarantine;
b) Được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật hướng dẫn phát hiện, nhận biết sinh vật gây hại, các biện pháp xử lý vật thể bị nhiễm sinh vật gây hại;
b) Be guided by the agency specializing in the plant protection and quarantine to detect and classify harmful organisms and phytosanitary measures against any article infected with harmful organisms;
c) Yêu cầu cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cung cấp thông tin cho nước nhập khẩu đối với vật thể phải phân tích nguy cơ dịch hại;
c) Request the agency specializing in the plant protection and quarantine to provide relevant information about the article subject to the pest risk analysis for importing countries;
d) Khiếu nại về kết quả kiểm dịch thực vật và quyết định của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
d) File their appeals against the phytosanitary result and any decision that has been made by the agency specializing in the plant protection and quarantine.
2. Chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật có nghĩa vụ sau đây:
2. The owner of plant quarantine articles must secure the following obligations:
a) Thực hiện yêu cầu của công chức kiểm dịch thực vật khi thi hành công vụ như mở, đóng phương tiện vận chuyển, kho chứa, kiện hàng, bố trí nhân lực, phương tiện phục vụ kiểm tra, lấy mẫu vật thể; chịu trách nhiệm bảo quản vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật trong thời gian thực hiện các thủ tục kiểm dịch thực vật và hướng dẫn công chức kiểm dịch vào nơi có vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật để kiểm dịch;
a) Follow any request or order of plant quarantine officers such as opening or closing their means of transportation, warehouse, consignment, preparing necessary employees and devices to support the inspection and sampling; bear responsibility to safe-keep plant quarantine articles in the process of phytosanitation and show plant quarantine officers the place where plant quarantine articles are placed to take any phytosanitary measures;
b) Cung cấp thông tin cần thiết phục vụ công tác kiểm dịch khi cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật yêu cầu;
b) Provide necessary information to support the phytosanitation upon the request of the agency specializing in the plant protection and quarantine;
c) Theo dõi và kiểm tra vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu trong quá trình vận chuyển, bảo quản, sử dụng. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát hoặc sinh vật gây hại lạ phải báo ngay cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gần nhất;
c) Monitor and examine imported plant quarantine articles during transportation, storage and use. Whenever plant quarantine articles are found or suspected of being infected with quarantine plant pests, regulated plant pests or alien harmful organisms, the agency specializing in the plant protection and quarantine or the nearest People’s Committee of a hamlet must be promptly reported;
d) Thực hiện đúng, kịp thời việc xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật theo quyết định và hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
d) Take proper and timely phytosanitary measures for the treatment of plant quarantine articles under the decision and direction of the agency specializing in the plant protection and quarantine;
đ) Thực hiện đầy đủ các biện pháp quy định tại Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật khi vận chuyển, bảo quản, sử dụng vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
dd) Fully follow phytosanitary measures as specified in the phytosanitary certificate during the transportation, storage and use of plant quarantine articles;
e) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
e) Take on other obligations as stipulated b laws.
Chương 4.
Chapter 4.
MỤC 1. QUẢN LÝ THUỐC VÀ ĐĂNG KÝ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT
SECTION 1. PESTICIDE MANAGEMENT AND REGISTRATION
Điều 48. Quy định chung về quản lý thuốc bảo vệ thực vật
Article 48. General provisions
1. Thuốc bảo vệ thực vật là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được quản lý theo danh mục.
1. Pesticide refers to a kind of commodities that requires certain conditions for its trading and must be managed according to specific nomenclatures.
2. Hàng năm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam.
2. The Minister of Agriculture and Rural Development shall issue annual nomenclatures of permitted pesticides and nomenclature of prohibited pesticides in Vietnam.
3. Tổ chức, cá nhân được nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
3. Organization and individual are allowed to import, manufacture, trade and use any pesticide listed in the nomenclature of permitted pesticides in Vietnam.
4. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp phải có giấy phép nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật này thì chỉ được sử dụng đúng mục đích ghi trong giấy phép.
4. Organization and individual who are licensed to import pesticides as regulated in Clause 2 Article 67 of this Law must adhere to the regulated use mentioned in the license.
Điều 49. Thuốc bảo vệ thực vật không được đăng ký hoặc bị loại khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam
Article 49. Unregistered pesticides or those that are removed from the Nomenclature of permitted pesticides in Vietnam
1. Thuốc bảo vệ thực vật không được đăng ký vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam bao gồm:
1. Pesticides that are not registered in the Nomenclature of permitted pesticides in Vietnam comprise include:
a) Thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam;
a) Any pesticide listed in the Nomenclature of prohibited pesticides;
b) Thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ cao ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường;
b) Any pesticide that is of high risk of adversely impacting human health, domestic animals, ecology and environment;
c) Thuốc thành phẩm hoặc hoạt chất trong thuốc thành phẩm có độc cấp tính loại I, II theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS), trừ thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật dùng để xông hơi khử trùng, thuốc trừ chuột; thuốc trừ mối gây hại công trình xây dựng, đê điều; thuốc bảo quản lâm sản mà lâm sản đó không dùng làm thực phẩm và dược liệu;
c) Any finished pesticide product or active ingredient that consists of high content of toxicity classified into level I and II according to Globally Harmonized System (briefly called GHS) for the classification and labeling of chemicals, except for bio-pesticides and those used for vapor steam cleaning and rodenticides; termiticides for structural and dyke protection purpose; pesticides for the storage of forestry products which do not serve the purpose of food and herbal ingredients;
d) Thuốc bảo vệ thực vật trùng tên thương phẩm với thuốc bảo vệ thực vật khác có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam;
d) Any pesticide that have the same brand name as other pesticides listed in the Nomenclature of permitted pesticides in Vietnam;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất methyl bromide.
dd) Any pesticide composed of the active ingredient methyl bromide.
2. Thuốc bảo vệ thực vật bị loại khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam trong trường hợp sau đây:
2. Pesticides that are eliminated from the Nomenclature of permitted pesticides in Vietnam shall be specified as follows:
a) Có bằng chứng khoa học về thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường;
a) Any pesticide has been scientifically proven that it can cause harmful impact on human health, domestic animals, ecosystem and environment;
b) Thuốc bảo vệ thực vật hiệu lực thấp đối với sinh vật gây hại;
b) Any pesticide that is of low efficacy in killing harmful organisms;
c) Thuốc bảo vệ thực vật của các tổ chức, cá nhân đăng ký tự nguyện rút khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
c) Any pesticide that has been eliminated from the Nomenclature of permitted pesticides in Vietnam at any organization’s discretion.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.
3. The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide detailed regulations enshrined in this Article.
Điều 50. Tổ chức, cá nhân được đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam
Article 50. Organization and individual entitled to register their pesticides in Vietnam
1. Tổ chức, cá nhân trong nước sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc sản xuất thuốc thành phẩm từ thuốc kỹ thuật.
1. Domestic organization, individual getting involved in the manufacturing of active ingredients, technical materials or finished pesticide products from technical materials.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc sản xuất thuốc thành phẩm từ thuốc kỹ thuật có văn phòng đại diện, công ty, chi nhánh công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật đang được phép hoạt động tại Việt Nam.
2. Foreign organization and individual getting involved in the manufacturing of active ingredients, technical materials or finished pesticide products from technical materials, who have registered their legal representative offices, agencies or branches in Vietnam.
3. Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có đủ điều kiện về sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật quy định tại Điều 61 và Điều 63 của Luật này được tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này ủy quyền.
3. Any domestic or foreign organization and individual eligible for the manufacturing and trading of pesticides as stipulated in Article 61 and 63 of this Law, who are authorized by another organization and individual regulated in Clause 1 and 2 of this Article.
Điều 51. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật
Article 51. Application and procedure for the issuance of the certificate of pesticide registration
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:
1. Application documents for the certification of pesticide registration include:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;
a) An application letter;
b) Bản sao Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;
b) A copy of the certificate of pesticide testing;
c) Mẫu nhãn thuốc bảo vệ thực vật;
c) A pesticide label sample;
d) Kết quả khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam.
d) The result of the pesticide testing in Vietnam.
2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:
2. Procedures for the issuance of the certificate of pesticide registration are regulated as follows:
a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương;
a) Organization, individual must submit their application for the certification of pesticide registration to the centrally-governed agency specializing in the plant protection and quarantine;
b) Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương tổ chức thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
b) Within a period of 06 months from the date on which valid application documents are fully provided, the centrally-governed agency specializing in the plant protection and quarantine shall carry out the assessment and request the Minister of Agriculture and Rural Development to validate their pesticides in the Nomenclature of permitted pesticides in Vietnam; issue the Certificate of Pesticide Registration; in case of refusing to issue the certificate, they must send a written response to state clearly reasons for this refusal.
3. Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật có giá trị trong thời hạn 05 năm và có thể được gia hạn.
3. The certificate of pesticide registration shall be valid for 05 years and can be renewed.
Điều 52. Hồ sơ, trình tự, thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật
Article 52. Application and procedure for the renewal of the certificate of pesticide registration
1. Trước 03 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật hết hạn, nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu gia hạn thì phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn.
1. Before 03 months till the date on which the certificate of pesticide registration is expired and in case of having demand for renewal, organization and individual must submit their application documents for this.
2. Hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:
2. Application documents for the renewal of the certificate of pesticide registration must include:
a) Đơn đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;
a) An application letter;
b) Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật đã được cấp;
b) The current certificate of pesticide registration;
c) Nhãn thuốc bảo vệ thực vật đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật.
c) The label of pesticide that need to be renewed for the certificate of pesticide registration.
3. Trình tự, thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:
3. Procedures for the renewal of the certificate of pesticide registration are regulated as follows:
a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương;
a) Organization, individual must submit their application for the renewal of pesticide registration certificate to the centrally-governed agency specializing in the plant protection and quarantine;
b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật; trường hợp không gia hạn phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
b) Within a period of 15 days from the date on which valid application documents are fully submitted, the centrally-governed agency specializing in the plant protection and quarantine shall proceed to renew the certificate of pesticide registration; otherwise, they must send a written response to clearly explain the reason for this rejection.
4. Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật được gia hạn có giá trị trong thời hạn 05 năm.
4. The renewed certificate of pesticide registration shall be valid for 05 years.
Điều 53. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật
Article 53. Application and procedure for the reissuance of the certificate of pesticide registration
1. Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật được cấp lại trong trường hợp sau đây:
1. The certificate of pesticide registration shall be reissued in the following cases:
a) Bị mất, sai sót, hư hỏng;
a) If it is lost, erroneous or damaged;
b) Có thay đổi tên thương phẩm của thuốc hoặc thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân đăng ký.
b) A change to the brand name or information relating to the applicant;
2. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:
2. Application documents for the reissuance of pesticide registration must include:
a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;
a) An application letter;
b) Giấy tờ xác nhận nội dung thay đổi;
b) A written confirmation of modified contents;
c) Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật đã được cấp, trừ trường hợp bị mất.
c) The old certificate of pesticide registration, except for the case in which the old certificate has been lost.
3. Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:
3. Procedures for the reissuance of the certificate of pesticide registration are regulated as follows:
a) Trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 52 của Luật này;
a) Those prescribed at Point a Clause 1 of this Article shall comply with regulations specified in Clause 3 Article 52 of this Law;
b) Trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này.
b) Those prescribed at Point b Clause 1 of this Article shall comply with regulations specified in Clause 2 Article 51 of this Law;
Điều 54. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật
Article 54. Revocation of the certificate of pesticide registration
1. Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
1. The certificate of pesticide registration shall be revoked in the following cases:
a) Bị tẩy xóa, sửa chữa nội dung;
a) If it is deliberately erased or changed;
b) Phát hiện giấy tờ giả, thông tin không trung thực trong hồ sơ đã đăng ký;
b) Falsified documents or inaccurate information enclosed in the application are found;
c) Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm mà pháp luật quy định phải thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;
c) Any organization and individual commits violations that cause their certificates to be revoked as stipulated by laws;
d) Có quyết định về việc loại thuốc đó khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
d) A decision on removing a pesticide from the Nomenclature of permitted pesticides in Vietnam is available.
2. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật.
2. The centrally-governed agency specializing in the plant protection and quarantine has the authority to revoke the certificate of pesticide registration.
MỤC 2. KHẢO NGHIỆM THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT
SECTION 2. PESTICIDE TESTING
Điều 55. Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật
Article 55. Pesticide Testing
1. Việc khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện đối với tất cả thuốc bảo vệ thực vật trước khi đăng ký vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; đối với thuốc bảo vệ thực vật sinh học được xét giảm yêu cầu khảo nghiệm.
1. Testing must be conducted for every pesticide before entering the Nomenclature of permitted pesticides and for bio-pesticides of which the testing criteria are made less intense.
2. Việc khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật chỉ được tiến hành sau khi có Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương và do tổ chức có đủ điều kiện khảo nghiệm theo quy định tại Điều 59 của Luật này thực hiện.
2. Pesticide testing shall be conducted only by the entities prescribed in Article 59 of this Law and after the pesticide testing permit is issued by the centrally-governed agency specializing in the plant protection and quarantine.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.
3. The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide detailed regulations enshrined in this Article.
Điều 56. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật
Article 56. Applications and procedures for issuing pesticide testing permits
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:
1. Every application for pesticide testing permit includes:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;
a) A written request for issuing pesticide testing permit;
b) Giấy tờ chứng minh đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 50 của Luật này;
b) A proof of the compliance with requirements prescribed in Article 50 of this Law;
c) Tài liệu kỹ thuật của thuốc bảo vệ thực vật.
c) Technical documents of the pesticide
2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:
2. Procedures for issuing pesticide testing permit:
a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương;
a) The applicant shall send the application for pesticide testing permit to the centrally-governed agency specializing in the plant protection and quarantine.
b) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
b) Within 30 days from the full receipt of the valid application, the centrally-governed agency specializing in the plant protection and quarantine shall issue the pesticide testing permit. Otherwise, a written reply and the explanation for this refusal must be sent.
3. Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật có giá trị trong thời hạn 05 năm.
3. The pesticide testing permit shall valid for 05 years.
Điều 57. Cấp lại Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật
Article 57. Re-issuance of pesticide testing permits
1. Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật được cấp lại trong trường hợp bị mất, sai sót, hư hỏng hoặc thay đổi tên thương phẩm, thông tin của tổ chức, cá nhân đăng ký khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật.
1. The re-issuance of pesticide testing permit shall be made if the permit is lost, inaccurate, damaged or there is a need to change the product’s name or the information on the entity described on the permit.
2. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:
2. Every application for the re-issuance of pesticide testing permit includes:
a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;
a) A written request for re-issuing pesticide testing permit;
b) Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật đã được cấp, trừ trường hợp bị mất.
b) The old pesticide testing permit, except for the case of loss.
3. Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:
3. Procedures for re-issuing pesticide testing permit:
a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương;
a) The applicant shall send the application for pesticide testing permit to the centrally-governed agency specializing in the plant protection and quarantine.
b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương cấp lại Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
b) Within 10 days from the full receipt of the satisfactory application, the centrally-governed agency specializing in the plant protection and quarantine shall make the re-issuance of the pesticide testing permit, otherwise a written reply and the explanation for this refusal must be sent.
Điều 58. Thu hồi Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật
Article 58. Revocation of pesticide testing permits
1. Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
1. The pesticide testing permit shall be revoked in the following cases:
a) Bị tẩy xóa, sửa chữa nội dung;
a) The contents on the permit are altered;
b) Phát hiện giấy tờ giả, thông tin không trung thực trong hồ sơ xin cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;
b) Any false document or information in the application is detected;
c) Thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người, động vật, thực vật, hệ sinh thái và môi trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
c) The pesticide threatens human and animal health, vegetation, ecosystem and the environment according to the regulations of the Minister of Agriculture and Rural Development.
2. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương có thẩm quyền thu hồi Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật.
2. The centrally-governed agency specializing in the plant protection and quarantine shall have the jurisdiction to revoke pesticide testing permits.
Điều 59. Điều kiện đối với tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật
Article 59. Requirements for pesticide testing organizations
1. Tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
1. Every pesticide testing organization must fulfill the following requirements:
a) Người đứng đầu tổ chức phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, sinh học, hóa học và có giấy chứng nhận tập huấn về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;
a) The organization’s head must achieve a bachelor degree in plant protection, cultivation, biology or chemistry or higher and a certificate of completion of the training on pesticide testing.
b) Người lao động có trình độ chuyên môn phù hợp và đã được tập huấn về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;
b) Employees obtain suitable qualifications and experience the training courses on the pesticide testing;
c) Có cơ sở vật chất - kỹ thuật bảo đảm cho công tác khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;
c) The facilities are sufficient for the pesticide testing;
d) Không trực tiếp đứng tên đăng ký hoặc được ủy quyền đứng tên đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam.
d) It does not or is authorized to register pesticides in Vietnam.
2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự, thủ tục công nhận, công bố danh sách tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật.
2. The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide procedures for making and publishing the list of organizations which are qualified for conducting the pesticide testing.
Điều 60. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật
Article 60. Entitlements and Obligations of pesticide testing organizations
1. Tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật có quyền sau đây:
1. Every pesticide testing organization is entitled to:
a) Được cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;
a) Be provided with information related to pesticide testing;
b) Được thu phí khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật theo quy định;
b) Collect payments charged for the pesticide testing according to the regulations;
c) Khiếu nại quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
c) Make complaints against decisions of competent agencies.
2. Tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật có nghĩa vụ sau đây:
2. The pesticide testing organization must:
a) Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phải khách quan, chính xác;
a) Give unprejudiced and accurate results of pesticide testing;
b) Tuân thủ đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật và các yêu cầu khảo nghiệm;
b) Comply with the technical testing regulations and standards;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khảo nghiệm;
c) Take legal responsibility for the testing result;
d) Lưu giữ toàn bộ số liệu thô của khảo nghiệm tối thiểu 05 năm kể từ ngày khảo nghiệm kết thúc;
d) Keep all the preliminary testing figures for at least 05 years from the completion of the testing;
đ) Chịu sự kiểm tra, giám sát hoạt động khảo nghiệm của cơ quan có thẩm quyền;
dd) Be subject to the supervision and inspection by the competent agencies;
e) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
e) Compensate for any damage according to the regulations of the Law.
MỤC 3. SẢN XUẤT, BUÔN BÁN, NHẬP KHẨU, XUẤT KHẨU, VẬN CHUYỂN, BẢO QUẢN, QUẢNG CÁO, BAO GÓI, GHI NHÃN VÀ SỬ DỤNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT
SECTION 3. MANUFACTURE, TRADE, IMPORTATION, EXPORTATION, TRANSPORTATION, STORAGE, ADVERTISEMENT, PACKAGING, LABELING AND USE OF PESTICIDE
Điều 61. Điều kiện đối với cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật
Article 61. Requirements for pesticide manufacturers
1. Điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật được quy định như sau:
1. Technical facility requirements:
a) Cơ sở sản xuất thuốc có địa điểm, nhà xưởng, kho thuốc, bảo đảm về diện tích, khoảng cách an toàn cho người, vật nuôi và môi trường theo đúng quy định, phù hợp với quy mô sản xuất;
a) The factory and warehouse of the manufacturer must be built with sufficient space and safe distances in order to ensure the safety for people, animals and environment according to the regulations;
b) Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ phù hợp với loại thuốc bảo vệ thực vật được sản xuất;
b) Machines, equipment and technology process must be suitable for the manufacturing of pesticides;
c) Có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;
c) Waste treatment system must meet the national technical regulations and standards for the environment protection;
d) Có đủ trang thiết bị để kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật do mình sản xuất ra. Trường hợp không có đủ trang thiết bị thì phải có hợp đồng kiểm tra chất lượng với tổ chức được chỉ định kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với mỗi lô sản phẩm xuất xưởng.
d) The manufacturer should have equipment in order to inspect the quality of the pesticides to be produced. If it does not have sufficient equipment, it must enter into a contract for the quality examination with an organization specializing in the pesticide quality examination for every product batch.
2. Điều kiện về nhân lực được quy định như sau:
2. Personnel requirements:
a) Người trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất của cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành hóa học, bảo vệ thực vật, sinh học;
a) The production supervisor must achieve a bachelor degree in the plant protection, biology or chemistry or any other higher degrees;
b) Người lao động trực tiếp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải được huấn luyện, bồi dưỡng về chuyên môn phù hợp.
b) The employees who directly participate in the production must be well-trained.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định chi tiết điều kiện đối với cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật.
3. The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide National technical regulations and detailed requirements applied to pesticide manufacturers.
Điều 62. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật
Article 62. Entitlements and obligations of pesticide manufacturers
1. Cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có quyền sau đây:
1. Every pesticide manufacturer is entitled to:
a) Sản xuất thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam;
a) Produce pesticides on the Nomenclature of permitted pesticides;
b) Nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất hoặc tái xuất theo hợp đồng ký kết với nước ngoài;
b) Import pesticides for the manufacturing or re-exportation purposes according to terms and conditions agreed in the contract with foreign partners;
c) Thông tin, quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Điều 70 của Luật này và pháp luật về quảng cáo;
c) Advertise the pesticides according to Article 70 of this Law and the Law on advertisement;
d) Các quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
d) Enjoy other rights according to this Law and other relevant legal regulations.
2. Cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có nghĩa vụ sau đây:
2. The pesticide manufacturer must:
a) Sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; tiêu chuẩn cơ sở do cơ sở sản xuất thuốc công bố;
a) Apply the National technical regulations and their internal criteria set out for the pesticide production;
b) Sử dụng người lao động trực tiếp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm sức khỏe, được đào tạo, bồi dưỡng về an toàn lao động và chuyên môn;
b) Employ healthy employees and train them on the occupational safety and professional knowledge.
c) Chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc và chỉ được phép xuất xưởng, lưu thông trên thị trường thuốc đạt chất lượng;
c) Take responsibility for the quality of the pesticides and only launch the pesticides that are of satisfactory quality to the market.
d) Cung cấp tài liệu cần thiết cho việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
d) Provide necessary documents for the inspection by competent agencies according to the regulations of the Law;
đ) Bồi thường thiệt hại trong trường hợp do lỗi của cơ sở sản xuất theo quy định của pháp luật;
dd) Compensate for any damage at the manufacturer’s fault according to the regulations of the Law;
e) Khi phát hiện thuốc không bảo đảm yêu cầu theo quy định, cơ sở sản xuất có trách nhiệm thực hiện việc thu hồi theo quy định tại khoản 2 Điều 73 của Luật này;
e) Recall pesticides according to Clause 2 Article 73 of this Law in case they fail to meet the regulated requirements;
g) Chủ cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng, phòng ngừa sự cố do thuốc bảo vệ thực vật gây ra khi sử dụng; bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho người lao động trực tiếp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật;
g) The manager of pesticide production establishment must provide the training on the use of pesticides; provide adequate professional training for employees who directly participate in the pesticide production;
h) Chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, hóa chất, lao động, môi trường;
h) Comply with the regulations of the Laws on fire prevention and fighting, chemicals, Labor and environment;
i) Thực hiện quy định của pháp luật về thuế bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
i) Comply with the regulations of the Laws on environmental protection tax and other relevant laws.
Điều 63. Điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật
Article 63. Requirements for trading pesticides
1. Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
1. Pesticide traders must fulfill all the following requirements:
a) Có địa điểm hợp pháp, bảo đảm về diện tích, khoảng cách an toàn cho người, vật nuôi và môi trường theo đúng quy định;
a) They must have a lawful store which has sufficient area and is located at a safe distance away from people, domestic animals in order to ensure the safety for them and protect the environment according to the legal regulations;
b) Có kho thuốc đúng quy định, trang thiết bị phù hợp để bảo quản, xử lý thuốc bảo vệ thực vật khi xảy ra sự cố;
b) The entity must have proper warehouse and equipment in order to store the pesticide and deal with any trouble that arises;
c) Chủ cơ sở buôn bán thuốc và người trực tiếp bán thuốc bảo vệ thực vật phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, sinh học, hóa học hoặc có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật.
c) The owner and the salespersons of the store must achieve an associate degree in plant protection, cultivation, biology or chemistry or any higher degree, or a certificate of completion of the professional training on pesticides.
2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.
2. The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide detailed regulations enshrined in this Article.
Điều 64. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật
Article 64. Entitlements and Obligations of pesticide trading entities
1. Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có quyền sau đây:
1. Pesticide traders are entitled to:
a) Buôn bán thuốc thành phẩm có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam;
a) Trade finished pesticide products listed in the Nomenclature of permitted pesticides;
b) Được cung cấp thông tin và hướng dẫn liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật;
b) Be provided with relevant information and guidance related to the pesticides;
c) Chủ cơ sở và người trực tiếp buôn bán thuốc được tham gia tập huấn về an toàn sử dụng, bảo quản, vận chuyển và phòng ngừa sự cố do thuốc bảo vệ thực vật gây ra.
c) Be provided with the training on the safe use, storage, transportation and problem-solving skills related to the pesticides for the owner and the salespersons of the store.
2. Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có nghĩa vụ sau đây:
2. The pesticide trader must:
a) Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý thuốc bảo vệ thực vật;
a) Comply with the regulations of the Law on managing pesticides;
b) Chỉ được sử dụng người trực tiếp bán thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm sức khỏe và đã được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn;
b) Only let employees sell pesticide if they are healthy and have been trained properly;
c) Niêm yết giá bán và lập sổ theo dõi việc mua, bán thuốc;
c) Publish the selling price and keep logbook for the sale of pesticides;
d) Hướng dẫn sử dụng thuốc cho người mua theo đúng nội dung của nhãn thuốc;
d) Give instruction manuals of using the pesticides to buyers according to their labels;
đ) Khi phát hiện sự cố gây rò rỉ, phát tán thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, môi trường sinh thái, cơ sở buôn bán thuốc phải áp dụng ngay biện pháp khắc phục, đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố để giám sát và có các biện pháp cảnh báo, phòng ngừa hậu quả xấu;
dd) Take remedial measures on finding any leakage and dispersion of pesticide that may cause negative impacts on human, animal health and the environment, send a report to the People’s Committee of commune in order for the People’s Committee to supervise, give warnings and take preventive measures to prevent any unexpected situations.
e) Chỉ bán thuốc bảo vệ thực vật dùng để xông hơi khử trùng cho người có thẻ hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật hoặc cho tổ chức có Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
e) Only sell pesticides serving as a vapor steam cleaner to the person who holds the practicing card of plant quarantine article treatment or the organization that hold the practicing certificate of plant quarantine article treatment;
g) Cung cấp thông tin liên quan đến việc buôn bán thuốc bảo vệ thực vật của cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;
g) Provide relevant information about the sale of pesticides for competent agencies upon request;
h) Bồi thường thiệt hại do lỗi của cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật;
h) Compensate for any damage at the trader’s fault according to the regulations of the Law;
i) Khi phát hiện thuốc của cơ sở buôn bán không bảo đảm các yêu cầu theo quy định, cơ sở buôn bán có trách nhiệm thông báo cho đại lý trực tiếp hoặc cơ sở sản xuất đã cung cấp thuốc để thu hồi ngay toàn bộ thuốc đó trên thị trường; tham gia thu hồi thuốc đã bán ra;
i) Notify the direct distributor or the manufacturer of any pesticide that is found not to meet the requirements in order for the distributor or the manufacturer to recall such sold pesticide; Participate in recalling the sold ineligible pesticide;
k) Chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, hóa chất, môi trường, lao động;
k) Comply with the regulations of the Laws on fire prevention and fighting, chemicals, occupational and environmental safety;
l) Thực hiện quy định của pháp luật về thuế bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
l) Comply with the regulations of the Laws on environmental protection tax and the relevant regulations.
Điều 65. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật
Article 65. Application, procedure for and authority to issue and revoke the Certificate of eligibility for pesticide production or the Certificate of eligibility for pesticide trading
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:
1. Applications for the Certificate of eligibility for pesticide production and trading include:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật;
a) A written request for issuing Certificate of eligibility for pesticide production or trading;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
b) A copy of the Certificate of Business Registration;
c) Bản thuyết minh về cơ sở vật chất - kỹ thuật, nhân lực, trình độ chuyên môn bảo đảm điều kiện sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Điều 61 và Điều 63 của Luật này;
c) A statement on the technical facilities and personnel which fulfill the pesticide production or trading requirements according to Articles 61 and 63 of this Law;
d) Giấy chứng nhận về trình độ chuyên môn, giấy chứng nhận bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về thuốc bảo vệ thực vật của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Điều 61 và Điều 63 của Luật này;
d) Qualifications and certificates of the training on the pesticides of the owner and employees who directly participate in the production or trading according to Articles 61 and 63 of this Law;
đ) Giấy chứng nhận sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật;
dd) The health certificates of the owner and the employees;
e) Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
e) A proof of the fulfillment of requirements of fire prevention and fighting and environmental protection according to the regulations of the Law;
2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:
2. Procedures for issuing Certificate of eligibility for pesticide production or trading:
a) Tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật quy định tại khoản 4 Điều này;
a) A pesticide manufacturer or seller shall send an application for the Certificate of eligibility for pesticide production or trading to the centrally-governed agency specializing in the plant protection and quarantine according to Clause 4 this Article;
b) Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật kiểm tra thực tế điều kiện sản xuất, buôn bán tại cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; nếu đủ điều kiện thì trong thời hạn 15 ngày phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
b) The centrally-governed agency specializing in plant protection and quarantine shall carry out an inspection of the production or trading conditions of the applicant after receiving the satisfactory application; If all the requirements are met, the authority shall issue the Certificate of eligibility for pesticide production or trading to the applicant within 15 days from the inspection date, otherwise it shall reply with a notification and the explanation.
3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
3. An issued Certificate of eligibility for pesticide production or trading shall be revoked in the following cases:
a) Bị tẩy xóa, sửa chữa nội dung;
a) The contents on the certificate are altered;
b) Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật mà bị xử phạt vi phạm hành chính từ 03 lần trong một năm hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 03 lần liên tiếp về một hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
b) The entity commits administrative violations at the frequency of 03 times in a year or an administrative violation against the regulations of plant protection and quarantine at the frequency of 03 consecutive times;
c) Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi giấy chứng nhận.
c) The entity commits another violation due to which the certificate shall be revoke according to the Law.
4. Thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:
4. The jurisdiction to issue and revoke Certificates of eligibility for pesticide production or trading:
a) Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật;
a) The centrally-governed agency specializing in the plant protection and quarantine shall have the jurisdiction to issue and revoke Certificates of eligibility for pesticide production.
b) Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.
b) Local agency specializing in the plant protection and quarantine shall have the jurisdiction to issue and revoke Certificates of eligibility for pesticide trading.
Điều 66. Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật
Article 66. Valid period of Certificate of eligibility for pesticide production or trading
1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có giá trị trong thời hạn 05 năm.
1. Every Certificate of eligibility for pesticide production or trading is valid for 05 years.
2. Trước 03 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn, trong trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại được thực hiện như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 65 của Luật này.
2. If an entity wants to extend the Certificate of eligibility for pesticide production or trading, he/she must send an application for extension the certificate at least 03 months before it expires. Application, procedures for extension the certificate are prescribed in Clauses 1 and 2 Article 65 of this Law.
Điều 67. Nhập khẩu, xuất khẩu thuốc bảo vệ thực vật
Article 67. Import and export of pesticides
1. Tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam được nhập khẩu hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nhập khẩu thuốc đó mà không cần giấy phép nhập khẩu trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
1. An entity who registers for putting pesticides on the Nomenclature of permitted pesticides is allowed to import or authorize other entities to import such pesticides without an import permit except the cases prescribed in Clause 2 this Article.
2. Tổ chức, cá nhân phải có giấy phép khi nhập khẩu các loại thuốc bảo vệ thực vật sau đây:
2. An entity is required to obtain an import permit in order to import the following pesticides:
a) Thuốc bảo vệ thực vật chưa có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam để tạm nhập, tái xuất hoặc nhập khẩu để sản xuất tại Việt Nam nhằm mục đích xuất khẩu theo hợp đồng đã ký với nước ngoài;
a) A pesticide which is not on the Nomenclature of permitted pesticides and imported for re-export or for manufacture for the purpose of export according to conditions of a contract signed with a foreign entity;
b) Thuốc bảo vệ thực vật để xông hơi khử trùng chứa hoạt chất methyl bromide và các hoạt chất có độ độc cấp tính loại I, II theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS);
b) A pesticide used for steam treatment which contains methyl bromine and other active ingredient having class I or II acute toxicity according to the globally harmonized system (GHS);
c) Thuốc bảo vệ thực vật chưa có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam nhập khẩu để khảo nghiệm nhằm mục đích đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;
c) A pesticide which is not on the Nomenclature of permitted pesticides and imported for testing in order to be registered;
d) Thuốc bảo vệ thực vật chưa có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam nhập khẩu để thử nghiệm, nghiên cứu; sử dụng trong các dự án của nước ngoài tại Việt Nam; thuốc bảo vệ thực vật làm hàng mẫu, hàng phục vụ triển lãm, hội chợ và sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
d) A pesticide which is not on the Nomenclature of permitted pesticides and imported for researching; being used in foreign projects in Vietnam; being used as model or in exhibitions or a number of special cases according to the Minister of Agriculture and Rural Development;
đ) Thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam nhưng nhập khẩu để làm chất chuẩn.
dd) A pesticides which is on the Nomenclature of prohibited pesticides and imported for referential material;
3. Thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này phải được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc khi nhập khẩu và chỉ được nhập khẩu khi đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật.
3. Imported pesticides prescribed in Clause 1 and Point b Clause 2 this Article must pass a state quality inspection by the centrally-governed agency specializing in the plant protection and quarantine according to the regulations of the Law.
4. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:
4. Every application for pesticide import permit includes:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật;
a) A request for issuing pesticide import permit;
b) Bảo sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này;
b) A copy of Certificate of Business registration of the applicant with regard to the cases prescribed in Point a, b and c Clause 2 this Article;
c) Các giấy tờ chứng minh, đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.
c) The documents proving the fulfillments the requirements prescribed in Clause 2 this Article.
5. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:
5. Procedures for issuing pesticide import permit:
a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương;
a) The applicant shall send the application for pesticide import permit to the centrally-governed agency specializing in the plant protection and quarantine;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
b) Within 05 days from the receipt of the satisfactory application, the centrally-governed agency specializing in the plant protection and quarantine shall issue the pesticide import permit otherwise it shall reply with a notification and the explanation.
6. Tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật được phép xuất khẩu thuốc thành phẩm và thuốc kỹ thuật theo quy định của pháp luật về thương mại của Việt Nam và nước nhập khẩu.
6. Pesticide trading entities are allowed to export finished pesticide products and technical materials according to the regulations of the Law on commerce of Vietnam and the importing countries.
Điều 68. Vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật
Article 68. Transporting pesticides
1. Vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm của pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không, hàng hải, các quy định khác của pháp luật có liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
1. The transport of pesticides must comply with the regulations on transporting hazardous products of the Law on roads, inland waterways, railway, airline, marine navigation, relevant law provisions and the International Agreements to which Vietnam is a signatory.
Trường hợp chỉ vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật sinh học không bắt buộc phải tuân thủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm nhưng phải tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
The transport of bio-pesticides which is not subjected to the regulations on transporting hazardous products shall comply with the relevant law provisions and the International Agreements to which Vietnam is a signatory.
2. Trường hợp xảy ra sự cố gây rò rỉ, phát tán thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình vận chuyển, người điều khiển phương tiện, chủ hàng, chủ phương tiện có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế hậu quả, khắc phục sự cố, đồng thời báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố để tiếp tục theo dõi và có các biện pháp cảnh báo, phòng ngừa hậu quả.
2. If there is any leak or dispersion of pesticide during the transport, the driver, goods owner, owner of transporting mean must take measures for control the trouble and report the situation to the People’s Committee of the commune in which the trouble takes place in order for the People’s Committee to monitor, give warnings, and take measures for negative result prevention.
Điều 69. Bảo quản thuốc bảo vệ thực vật
Article 69. Preservation of pesticides
1. Việc bảo quản thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ hướng dẫn về bảo quản của nhà sản xuất ghi trên nhãn, bao gói; bảo đảm an toàn đối với con người, vật nuôi và môi trường.
1. The preservation of pesticides must comply with the guidance on the preservation of the manufacturer which is printed on the labels or packages; ensure the safety of people, animal and environment.
2. Kho bảo quản thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm khoảng cách an toàn, xa trường học, bệnh viện, khu dân cư tập trung; bảo đảm yêu cầu kỹ thuật trong bảo quản; có cảnh báo; có trang thiết bị, phương tiện xử lý sự cố phù hợp với đặc tính nguy hiểm của thuốc bảo vệ thực vật; bảo đảm quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, hóa chất, bảo hộ lao động, bảo vệ môi trường.
2. Pesticides preservation warehouses must have the safe distance from schools, hospitals, residential areas, ensure the technical requirements for preservation; ***; have equipment for handling troubles which is suitable to the nature of the preserved pesticides; comply with the regulations of the Laws on fire prevention and fighting; chemicals, work safety and environmental protection.
3. Kho chuyên dùng bảo quản thuốc bảo vệ thực vật sinh học không bắt buộc phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều này nhưng phải bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.
3. Bio-pesticide preservation warehouses which are not subject to the regulation in Clause 2 this Article must ensure no serious harm to the environment.
4. Trường hợp thuốc bảo vệ thực vật bị rò rỉ, phát tán có nguy cơ gây tác hại đến con người, vật nuôi, môi trường, tổ chức, cá nhân bảo quản thuốc có trách nhiệm áp dụng ngay các biện pháp cần thiết để hạn chế hậu quả, khắc phục sự cố và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố để được hỗ trợ khắc phục và giám sát, ngăn ngừa hậu quả xấu; tổ chức, cá nhân có thuốc bảo quản bị rò rỉ, phát tán phải chịu mọi chi phí để khắc phục sự cố và bồi thường thiệt hại do sự cố gây ra.
4. If a pesticide is leaking or dispersing that may be harmful to people, animals and the environment, pesticide storage entity must take necessary measures for controlling the consequence and report the situation to the People’s Committee of the commune in which the trouble takes place in order for the People’s Committee to monitor, give warnings, and take measures for negative result prevention. The entity who preserves such pesticide shall bear all costs of remedial measures for the trouble and compensate for the damages.
5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định chi tiết điều kiện kho bảo quản thuốc bảo vệ thực vật.
5. The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide National technical regulations and detailed requirements applied to pesticide preservation warehouse.
Điều 70. Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật
Article 70. Advertisement of pesticides
1. Chỉ được quảng cáo các loại thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
1. Only the pesticides on the Nomenclature of permitted pesticides are allowed to be advertised.
2. Nội dung quảng cáo phải đúng với nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật, phù hợp với hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật trên địa bàn, có nội dung cảnh báo về mức độ nguy hiểm, độc hại và chỉ dẫn phòng ngừa tác hại của thuốc bảo vệ thực vật.
2. The advertisement contents must be suitable with the contents of the pesticide registration certificate, the technical guidance of the local agency specializing in the plant protection and quarantine, contain the warnings about the hazards, toxicity and guidance on using the pesticide.
3. Việc quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật phải tuân theo quy định của pháp luật về quảng cáo.
3. The advertisement of pesticides must comply with the regulations of the Law on advertisement;
Điều 71. Bao gói, nhãn thuốc bảo vệ thực vật
Article 71. Packages and labels of pesticides
1. Bao gói thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
1. Every pesticide package must:
a) Vật liệu phải bền chắc, không bị thuốc bảo vệ thực vật chứa bên trong ăn mòn, phá hủy, rò rỉ, phát tán thuốc ra ngoài;
a) Be made from serviceable material which is not eroded by the contained pesticide;
b) Không ảnh hưởng đến chất lượng của thuốc bảo vệ thực vật;
b) Not affect the quality of the contained pesticide;
c) Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bao gói thuốc bảo vệ thực vật hoặc tiêu chuẩn cơ sở do cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật công bố áp dụng;
c) Meet the National technical regulations on pesticide packages or the published criteria of the manufacturer;
d) Không gây nguy hiểm cho người, động vật và môi trường.
d) Be harmless to people, animals and the environment.
2. Thuốc bảo vệ thực vật lưu thông trên thị trường phải có nhãn đáp ứng yêu cầu sau đây:
2. Every pesticide label must:
a) Ngôn ngữ bằng tiếng Việt;
a) Be printed in Vietnamese;
b) Chứa thông tin đầy đủ hướng dẫn người sử dụng thuốc an toàn;
b) Contain sufficient information on guidance on safe use of the pesticide;
c) Tuân thủ quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và hướng dẫn của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS);
c) Comply with the regulations on product labels and the guidance of the globally harmonized system (GHS)
d) Nhãn thuốc bảo vệ thực vật phải phù hợp với nội dung mẫu nhãn đã đăng ký với cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương.
d) Be suitable to the contents which are registered to the centrally-governed agency specializing in the plant protection and quarantine.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quy cách, vật liệu, kiểm tra, kiểm định bao gói thuốc và hướng dẫn cụ thể việc ghi nhãn thuốc bảo vệ thực vật.
3. The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide specifications, materials, methods of inspection of pesticide packages and labels.
Điều 72. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Article 72. Entitlements and Obligations of pesticide using entities
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có quyền sau đây:
1. Every entity using pesticides is entitled to:
a) Được cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả;
a) Be provided with information and guidance on safe and efficient use of pesticides;
b) Yêu cầu cơ sở bán thuốc hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng nội dung của nhãn thuốc;
d) Request the pesticide selling entities to give guidance on using the pesticides according to the labels;
c) Được bồi thường thiệt hại do lỗi của cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật.
c) Be compensated for damages at the pesticide selling entity’s fault according to the regulations of the Law;
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nghĩa vụ sau đây:
2. The entity using pesticides must:
a) Tuân thủ nguyên tắc sử dụng thuốc bốn đúng quy định tại khoản 3 Điều 4 của Luật này; thực hiện đúng hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc;
a) Follow the guidelines on using pesticide prescribed in Clause 3 Article 4 of this Law; follow the guidance printed on the labels;
b) Chỉ được sử dụng thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam;
b) Use only the pesticides on the Nomenclature of permitted pesticides;
c) Khi xảy ra sự cố hoặc phát hiện thuốc bảo vệ thực vật gây hậu quả xấu cho con người và môi trường trong quá trình sử dụng, người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế hậu quả và báo cáo ngay Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố để có biện pháp khắc phục hậu quả;
c) Take necessary measures for control the consequence if any trouble or negative impact on people and the environment is detected during the use of pesticide, and report the situation to the People’s Committee of the commune in order for the People’s Committee to take timely remedial measures;
d) Phải bảo quản thuốc, thu gom bao gói thuốc sau khi sử dụng để đúng nơi quy định;
d) Preserve pesticides, arrange used packages properly;
đ) Người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong xông hơi khử trùng phải có giấy chứng nhận tập huấn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
dd) obtain a certificate of training on disinfecting steam treatment before using pesticides for such treatment according to the regulations of the Minister of Agriculture and Rural Development.
e) Bồi thường thiệt hại do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định gây ra.
e) Compensate for damages which are caused by using pesticides improperly.
MỤC 4. THU HỒI, TIÊU HỦY, THU GOM VÀ XỬ LÝ BAO GÓI THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT SAU SỬ DỤNG
SECTION 4. RECALL, DESTRUCTION, COLLECTION OF AND MEASURES FOR PESTICIDE PACKAGE AFTER USE
Điều 73. Thu hồi thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường, xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi
Article 73. Recall and management of pesticides
1. Thuốc bảo vệ thực vật phải thu hồi trong các trường hợp sau đây:
1. Pesticides must be recalled in the following cases:
a) Không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định;
a) The pesticides do not meet the national technical regulations and standards;
b) Hết hạn sử dụng;
b) The pesticides have expired;
c) Nhãn, bao gói thuốc bảo vệ thực vật có sai sót hoặc không đúng quy định.
c) Packages or labels of the pesticides are improper.
2. Khi phát hiện thuốc bảo vệ thực vật thuộc diện bị thu hồi thì cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về lô thuốc phải thu hồi và có trách nhiệm thu hồi ngay toàn bộ thuốc đó.
2. On finding that a pesticide must be recalled, the pesticide manufacturer or importer is responsible for announcing through mass media the pesticide and recalling the pesticide.
Trong trường hợp cơ sở sản xuất, nhập khẩu không tự nguyện thu hồi thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định bắt buộc thu hồi.
If the pesticide manufacturer or importer is not willing to recall the pesticide, the competent agencies shall force the recall.
3. Các biện pháp xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi bao gồm:
3. The handling measures for recalling pesticides include:
a) Tái xuất;
a) Re-export;
b) Tái chế;
b) Re-processing
c) Khắc phục lỗi ghi nhãn, bao gói;
c) Rectification of packages and/or labels
d) Tiêu hủy.
d) Destruction.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định cụ thể khoản này.
The Minister of Agriculture and Rural development shall provide guidelines for this Clause.
4. Thẩm quyền xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi được quy định như sau:
4. Jurisdiction over recalled pesticides:
a) Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương quyết định biện pháp và thời hạn xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi; kiểm tra việc thu hồi và xử lý thuốc của cơ sở buôn bán trên địa bàn; xử lý vi phạm về thu hồi thuốc bảo vệ thực vật của cơ sở buôn bán trên địa bàn theo quy định;
a) Local agency specializing in the plant protection and quarantine shall decide measures and time for dealing with the recalled pesticides; inspect the recall and management of pesticide of local trading entities; take actions against the violations on pesticide recall of local trading entities according to the regulations;
b) Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương quyết định biện pháp và thời hạn xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi; kiểm tra việc thu hồi và xử lý thuốc của cơ sở sản xuất; xử lý vi phạm về thu hồi thuốc bảo vệ thực vật của cơ sở buôn bán khi việc thu hồi thuốc xảy ra trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
b) The centrally-governed agency specializing in the plant protection and quarantine shall decide measures and time for dealing with the recalled pesticides; inspect the recall and management of pesticide of manufacturers; take actions against the violations on pesticide recall of trading entities if the recall takes place in many central-affiliated cities and provinces;
5. Cơ sở sản xuất, nhập khẩu có thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi phải chịu mọi chi phí thu hồi và xử lý.
5. The pesticide manufacturers and importers having recalled pesticides shall bear all costs of the recall and management.
Điều 74. Tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật
Article 74. Destruction of pesticides
1. Các loại thuốc bảo vệ thực vật phải tiêu hủy bao gồm:
1. A pesticide shall be destroyed in the following cases:
a) Thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng ở Việt Nam, không có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, c và d khoản 2 Điều 67 của Luật này;
a) The pesticide is listed on the Nomenclature of prohibited pesticides or not on the Nomenclature of permitted pesticides except the cases prescribed in Points a, c and d Clause 2 Article 67 of this Law;
b) Thuốc bảo vệ thực vật giả;
b) The pesticide is fake;
c) Thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng mà không thể tái chế;
c) The pesticide has been expired and cannot be recycled.
d) Thuốc bảo vệ thực vật không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định mà không thể tái chế hoặc tái xuất;
d) The pesticide does not meet the national technical regulations and standards and cannot be recycled or re-exported;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật vô chủ, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
dd) The pesticide does not have an owner or clear origin.
2. Tổ chức, cá nhân có thuốc bảo vệ thực vật buộc tiêu hủy phải thực hiện việc tiêu hủy theo quy định quản lý chất thải nguy hại của pháp luật về bảo vệ môi trường và chịu mọi chi phí.
2. The entity that has demand for pesticide destruction must conduct the destruction and pay all costs according to the regulations of the Law on managing hazardous wastes and the Law on environmental protection.
3. Trường hợp thuốc bảo vệ thực vật vô chủ thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc tiêu hủy và bố trí kinh phí.
3. The provincial People’s Committees shall instruct the destruction of abandoned pesticides and bear the costs.
Điều 75. Thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng
Article 75. Collection and management of used pesticide packages
1. Việc thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định về quản lý chất thải nguy hại của pháp luật về bảo vệ môi trường.
1. The collection and management of used pesticide packages must comply with the regulations of this Law and the regulations on managing hazardous waste of the Law on environmental protection.
2. Kinh phí thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí từ ngân sách địa phương.
2. The local budget for collecting and managing used pesticide packages shall be funded by the local state budget under the decision of the provincial People’s Committee.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
3. The Ministry of Agriculture and Rural development shall take charge and cooperate with the Ministry of Natural Resources and Environment in providing guidelines for collecting used pesticide packages.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
4. The Ministry of Natural Resources and Environment shall provide guidelines for managing used pesticide packages.
Chương 5.
Chapter 5
Điều 76. Hiệu lực thi hành
Article 76. Effect
1. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.
1. This Law will take effect in January 01, 2015.
Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 36/2001/PL-UBTVQH10 ngày 08 tháng 8 năm 2001 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
The Ordinance on the plant protection and quarantine No. 36/2001/PL-UBTVQH10 dated August 08, 2001 shall become invalid from the effective date of this Law.
2. Các loại giấy phép, giấy chứng nhận về bảo vệ và kiểm dịch thực vật đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa hết thời hạn được ghi trong giấy thì vẫn có giá trị sử dụng cho đến khi hết thời hạn.
2. Unexpired certificates of plant protection and quarantine which are issued before the effective date of this Law shall be valid until their expiring date.
Điều 77. Quy định chi tiết
Article 77. Specific provisions
Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.
The government shall provide specific provisions for this Law.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2013.
This Law has been passed in the XIII National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam, Session 6 on November 25, 2013.
  CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Sinh Hung
   
 
 
THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 01/01/2015

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013

Số hiệu 41/2013/QH13 Ngày ban hành 25/11/2013
Ngày có hiệu lực 01/01/2015 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Quốc hội Tình trạng Đang có hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 (41/2013/QH13) quy định về hoạt động phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm dịch thực vật; quản lý thuốc bảo vệ thực vật.
Mục lục

Mục lục

Close