QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 08/2012/QH13

Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2012

 

LUẬT

GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật giáo dục đại học.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với trường cao đẳng, trường đại học, học viện, đại học vùng, đại học quốc gia; viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ; tổ chức và cá nhân có liên quan đến giáo dục đại học.

Điều 3. Áp dụng Luật giáo dục đại học

Tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và quản lý giáo dục đại học tuân theo quy định của Luật này, Luật giáo dục và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Giáo dục chính quy là hình thức đào tạo theo các khoá học tập trung toàn bộ thời gian tại cơ sở giáo dục đại học để thực hiện chương trình đào tạo một trình độ của giáo dục đại học.

2. Giáo dục thường xuyên gồm vừa làm vừa học và đào tạo từ xa, là hình thức đào tạo theo các lớp học, khóa học tại cơ sở giáo dục đại học hoặc cơ sở liên kết đào tạo, phù hợp với yêu cầu của người học để thực hiện chương trình đào tạo ở trình độ cao đẳng, đại học.

3. Ngành đào tạo là một tập hợp những kiến thức và kỹ năng chuyên môn của một lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp, khoa học nhất định. Ngành đào tạo bao gồm nhiều chuyên ngành đào tạo.

4. Chuyên ngành đào tạo là một tập hợp những kiến thức và kỹ năng chuyên môn chuyên sâu của một ngành đào tạo.

5. Liên thông trong giáo dục đại học là biện pháp tổ chức đào tạo trong đó người học được sử dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở trình độ cao hơn cùng ngành đào tạo hoặc khi chuyển sang ngành đào tạo hay trình độ đào tạo khác.

6. Chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình đào tạo là yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng mà người học phải đạt được sau khi kết thúc một chương trình đào tạo.

7. Cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục đại học mà phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ.

8. Đại học là cơ sở giáo dục đại học bao gồm tổ hợp các trường cao đẳng, trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tổ chức theo hai cấp, để đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Điều 5. Mục tiêu của giáo dục đại học

1. Mục tiêu chung:

a) Đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế;

b) Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ nhân dân.

2. Mục tiêu cụ thể đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ:

a) Đào tạo trình độ cao đẳng để sinh viên có kiến thức chuyên môn cơ bản, kỹ năng thực hành thành thạo, hiểu biết được tác động của các nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội trong thực tiễn và có khả năng giải quyết những vấn đề thông thường thuộc ngành được đào tạo;

b) Đào tạo trình độ đại học để sinh viên có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành được đào tạo;

c) Đào tạo trình độ thạc sĩ để học viên có kiến thức khoa học nền tảng, có kỹ năng chuyên sâu cho nghiên cứu về một lĩnh vực khoa học hoặc hoạt động nghề nghiệp hiệu quả, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo;

d) Đào tạo trình độ tiến sĩ để nghiên cứu sinh có trình độ cao về lý thuyết và ứng dụng, có năng lực nghiên cứu độc lập, sáng tạo, phát triển tri thức mới, phát hiện nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội và giải quyết những vấn đề mới về khoa học, công nghệ, hướng dẫn nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn.

Điều 6. Trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học

1. Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học gồm trình độ cao đẳng, trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định cụ thể việc đào tạo trình độ kỹ năng thực hành, ứng dụng chuyên sâu cho người đã tốt nghiệp đại học ở một số ngành chuyên môn đặc thù.

2. Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được thực hiện theo hai hình thức là giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

Điều 7. Cơ sở giáo dục đại học

1. Cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm:

a) Trường cao đẳng;

b) Trường đại học, học viện;

c) Đại học vùng, đại học quốc gia (sau đây gọi chung là đại học);

d) Viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.

2. Cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được tổ chức theo các loại hình sau đây:

a) Cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc sở hữu nhà nước, do Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất;

b) Cơ sở giáo dục đại học tư thục thuộc sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân, do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất.

3. Cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài gồm:

a) Cơ sở giáo dục đại học có 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài;

b) Cơ sở giáo dục đại học liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước.

Điều 8. Đại học quốc gia

1. Đại học quốc gia là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển.

2. Đại học quốc gia có quyền chủ động cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy. Đại học quốc gia chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các bộ, ngành khác và Ủy ban nhân dân các cấp nơi đại học quốc gia đặt địa điểm, trong phạm vi chức năng theo quy định của Chính phủ và phù hợp với pháp luật.

Đại học quốc gia được làm việc trực tiếp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để giải quyết những vấn đề liên quan đến đại học quốc gia. Khi cần thiết, giám đốc đại học quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển của đại học quốc gia.

3. Chủ tịch hội đồng đại học quốc gia và giám đốc, phó giám đốc đại học quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.

4. Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đại học quốc gia.

Điều 9. Phân tầng cơ sở giáo dục đại học

1. Cơ sở giáo dục đại học được phân tầng nhằm phục vụ công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện quản lý nhà nước.

2. Cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng nhằm đánh giá uy tín và chất lượng đào tạo; phục vụ công tác quản lý nhà nước và ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước.

3. Cơ sở giáo dục đại học được phân tầng và xếp hạng theo các tiêu chí:

a) Vị trí, vai trò trong hệ thống giáo dục đại học;

b) Quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo;

c) Cơ cấu các hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ;

d) Chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học;

đ) Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

4. Cơ sở giáo dục đại học được phân tầng thành:

a) Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu;

b) Cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng;

c) Cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành.

5. Chính phủ quy định tiêu chuẩn phân tầng cơ sở giáo dục đại học; ban hành khung xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học theo mỗi tầng và tiêu chuẩn của từng hạng trong khung phục vụ công tác quản lý nhà nước và ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học.

Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng đối với đại học, trường đại học; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận xếp hạng đối với trường cao đẳng; căn cứ kết quả xếp hạng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định kế hoạch ưu tiên đầu tư, giao nhiệm vụ và cơ chế quản lý đặc thù đối với các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với nhu cầu nhân lực và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong từng giai đoạn.

Căn cứ kết quả xếp hạng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi cơ sở giáo dục đại học đặt trụ sở hoặc có tổ chức hoạt động đào tạo để hỗ trợ cơ sở giáo dục đại học tư thục về đất đai, tín dụng và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Điều 10. Ngôn ngữ dùng trong cơ sở giáo dục đại học

Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục đại học.

Căn cứ quy định của Thủ tướng Chính phủ, cơ sở giáo dục đại học quyết định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường.

Điều 11. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học

1. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học là sự phân bố, sắp xếp hệ thống các trường cao đẳng, trường đại học, học viện, đại học, với cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp với quy mô dân số, vị trí địa lý, vùng lãnh thổ trên toàn quốc và từng địa phương, cho từng thời kỳ, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của đất nước.

2. Nguyên tắc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học:

a) Phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành, vùng, địa phương; bảo đảm cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ và cơ cấu vùng miền; đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân;

b) Bảo đảm tính đa dạng, đồng bộ của hệ thống giáo dục đại học, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, với sản xuất và dịch vụ; từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế;

c) Phù hợp với năng lực đầu tư của Nhà nước và khả năng huy động nguồn lực của toàn xã hội; tạo điều kiện để mọi người đều có cơ hội tham gia xây dựng cơ sở giáo dục đại học;

d) Tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ chủ yếu, các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và các ngành trọng điểm, các vùng kinh tế trọng điểm và các vùng đặc biệt khó khăn.

3. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Cơ cấu hệ thống giáo dục đại học và quy mô đào tạo theo ngành học, trình độ đào tạo, loại hình cơ sở giáo dục đại học;

b) Phân bố các cơ sở giáo dục đại học theo tính chất, đặc điểm kinh tế - xã hội từng vùng, từng địa phương;

c) Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục;

d) Cơ sở vật chất, kỹ thuật.

4. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học.

Điều 12. Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học

1. Phát triển giáo dục đại học để đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

2. Tăng ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học; đầu tư có trọng điểm để hình thành một số cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao, theo định hướng nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, các ngành công nghệ cao và ngành kinh tế - xã hội then chốt đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.

3. Thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học; ưu tiên về đất đai, thuế, tín dụng, đào tạo cán bộ để khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận; ưu tiên cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học tư thục có vốn đầu tư lớn, bảo đảm các điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật; cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục đại học vì mục đích vụ lợi.

4. Gắn đào tạo với nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với tổ chức nghiên cứu khoa học và với doanh nghiệp.

5. Nhà nước đặt hàng và bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với cơ sở giáo dục đại học có tiềm lực mạnh về khoa học và công nghệ.

6. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền và trách nhiệm tiếp nhận, tạo điều kiện để người học, giảng viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

7. Có chế độ thu hút, sử dụng và đãi ngộ thích hợp để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ và chức danh phó giáo sư, giáo sư của các cơ sở giáo dục đại học.

8. Thực hiện chính sách ưu tiên đối với đối tượng được hưởng chính sách xã hội, đối tượng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và đối tượng theo học các ngành đặc thù đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục đại học.

Điều 13. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn thể và tổ chức xã hội trong cơ sở giáo dục đại học

1. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong cơ sở giáo dục đại học được thành lập và hoạt động theo quy định của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật.

2. Đoàn thể, tổ chức xã hội trong cơ sở giáo dục đại học được thành lập và hoạt động theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và điều lệ của đoàn thể, tổ chức xã hội.

3. Cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm tạo điều kiện cho tổ chức Đảng, đoàn thể và tổ chức xã hội được thành lập và hoạt động theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Chương II

TỔ CHỨC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Mục 1. CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Điều 14. Cơ cấu tổ chức của trường cao đẳng, trường đại học, học viện

1. Cơ cấu tổ chức của trường cao đẳng, trường đại học, học viện công lập gồm:

a) Hội đồng trường;

b) Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường cao đẳng, trường đại học; giám đốc, phó giám đốc học viện;

c) Phòng, ban chức năng;

d) Khoa, bộ môn; tổ chức khoa học và công nghệ;

đ) Tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

e) Phân hiệu (nếu có);

g) Hội đồng khoa học và đào tạo, các hội đồng tư vấn.

2. Trường cao đẳng, trường đại học thành viên của đại học có cơ cấu tổ chức theo quy định trong Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học.

3. Trường cao đẳng, trường đại học tư thục có cơ cấu tổ chức theo quy định tại các điểm b, c, d, đ, e và g khoản 1 Điều này và có hội đồng quản trị, ban kiểm soát.

4. Cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài được tự chủ về cơ cấu tổ chức.

Điều 15. Cơ cấu tổ chức của đại học

1. Hội đồng đại học.

2. Giám đốc, phó giám đốc.

3. Văn phòng, ban chức năng.

4. Trường đại học thành viên; viện nghiên cứu khoa học thành viên.

5. Trường cao đẳng thành viên; khoa, trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ.

6. Tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

7. Phân hiệu (nếu có).

8. Hội đồng khoa học và đào tạo, các hội đồng tư vấn.

Điều 16. Hội đồng trường

1. Hội đồng trường được thành lập ở trường cao đẳng, trường đại học, học viện công lập.

2. Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của nhà trường. Hội đồng trường có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Quyết nghị chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và quy chế về tổ chức và hoạt động của nhà trường;

b) Quyết nghị phương hướng hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục;

c) Quyết nghị về cơ cấu tổ chức và phương hướng đầu tư phát triển của nhà trường;

d) Quyết nghị về việc thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các tổ chức của cơ sở giáo dục đại học;

đ) Giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng trường, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của nhà trường.

3. Thành viên hội đồng trường:

a) Hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, bí thư đảng ủy, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; đại diện một số khoa, đại diện cơ quan chủ quản cơ sở giáo dục đại học;

b) Một số thành viên hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh.

4. Chủ tịch hội đồng trường do thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm.

Tiêu chuẩn chủ tịch hội đồng trường như tiêu chuẩn của hiệu trưởng quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật này.

5. Nhiệm kỳ của hội đồng trường là 05 năm và theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng.

Hội đồng trường làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số.

6. Thủ tục thành lập, số lượng và cơ cấu thành viên; nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường; nhiệm vụ và quyền hạn của chủ tịch, thư ký hội đồng trường; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch và các thành viên hội đồng trường được quy định cụ thể trong Điều lệ nhà trường.

Điều 17. Hội đồng quản trị

1. Hội đồng quản trị được thành lập ở trường cao đẳng, trường đại học tư thục.

2. Hội đồng quản trị là tổ chức đại diện duy nhất cho chủ sở hữu của nhà trường. Hội đồng quản trị có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức thực hiện các nghị quyết của đại hội đồng cổ đông;

b) Quyết nghị chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và quy chế về tổ chức và hoạt động của nhà trường;

c) Quyết nghị phương hướng hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục;

d) Quyết nghị những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và phương hướng đầu tư phát triển của nhà trường;

đ) Giám sát việc thực hiện các nghị quyết của hội đồng quản trị, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của nhà trường.

3. Thành viên hội đồng quản trị:

a) Đại diện của các tổ chức, cá nhân có số lượng cổ phần đóng góp ở mức cần thiết theo quy định;

b) Hiệu trưởng; đại diện cơ quan quản lý địa phương nơi cơ sở giáo dục đại học có trụ sở; đại diện tổ chức Đảng, đoàn thể; đại diện giảng viên.

4. Chủ tịch hội đồng quản trị do hội đồng quản trị bầu theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín.

Chủ tịch hội đồng quản trị phải có trình độ đại học trở lên.

5. Nhiệm kỳ của hội đồng quản trị là 05 năm. Hội đồng quản trị làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số.

6. Thủ tục thành lập, số lượng và cơ cấu thành viên; nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng quản trị; tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của chủ tịch, thư ký; việc công nhận, không công nhận hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, các thành viên hội đồng quản trị được quy định trong Điều lệ, Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

Điều 18. Hội đồng đại học

1. Hội đồng đại học có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đại học;

b) Quyết nghị về phương hướng hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục;

c) Quyết nghị về cơ cấu tổ chức và phương hướng đầu tư phát triển của đại học;

d) Quyết nghị về việc thành lập, giải thể, sáp nhập, chia, tách các tổ chức quy định tại khoản 3, 5, 6, 7 Điều 15 của Luật này; thông qua đề án thành lập, giải thể, sáp nhập, chia, tách các tổ chức quy định tại khoản 4 Điều 15 của Luật này;

đ) Giám sát việc thực hiện các nghị quyết của hội đồng đại học, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của đại học.

2. Thành viên hội đồng đại học gồm:

a) Giám đốc, các phó giám đốc; bí thư đảng ủy, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; hiệu trưởng các trường cao đẳng, đại học thành viên; viện trưởng các viện nghiên cứu khoa học thành viên;

b) Đại diện cơ quan quản lý nhà nước; một số thành viên hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh.

3. Nhiệm kỳ của hội đồng đại học là 05 năm và theo nhiệm kỳ của giám đốc đại học. Hội đồng đại học làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số.

4. Thủ tục thành lập, số lượng và cơ cấu thành viên; nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng đại học; tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của chủ tịch, thư ký; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch và các thành viên hội đồng đại học được quy định cụ thể trong Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học.

Điều 19. Hội đồng khoa học và đào tạo

1. Hội đồng khoa học và đào tạo được thành lập theo quyết định của hiệu trưởng trường cao đẳng, trường đại học, giám đốc học viện, đại học, có nhiệm vụ tư vấn cho hiệu trưởng, giám đốc về việc xây dựng:

a) Quy chế, quy định về đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, tiêu chuẩn tuyển dụng giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên thư viện, phòng thí nghiệm;

b) Kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên của nhà trường;

c) Đề án mở ngành, chuyên ngành đào tạo, triển khai và hủy bỏ các chương trình đào tạo; định hướng phát triển khoa học và công nghệ, kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ, phân công thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, khoa học và công nghệ.

2. Hội đồng khoa học và đào tạo gồm: hiệu trưởng; các phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo, nghiên cứu khoa học; trưởng các đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học; các nhà khoa học có uy tín đại diện cho các lĩnh vực, ngành chuyên môn.

Điều 20. Hiệu trưởng

1. Hiệu trưởng trường cao đẳng, trường đại học, giám đốc học viện, đại học (sau đây gọi chung là hiệu trưởng) là người đại diện cho cơ sở giáo dục đại học trước pháp luật, chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. Hiệu trưởng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận.

Nhiệm kỳ của hiệu trưởng là 05 năm. Hiệu trưởng được bổ nhiệm và bổ nhiệm lại theo nhiệm kỳ và không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

2. Tiêu chuẩn hiệu trưởng:

a) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 05 năm;

b) Có trình độ tiến sĩ đối với hiệu trưởng trường đại học, giám đốc học viện, đại học; có trình độ thạc sĩ trở lên đối với hiệu trưởng trường cao đẳng;

c) Có sức khoẻ tốt. Độ tuổi khi bổ nhiệm hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập bảo đảm để tham gia ít nhất một nhiệm kỳ hiệu trưởng.

3. Nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng:

a) Ban hành các quy chế, quy định trong cơ sở giáo dục đại học theo nghị quyết của hội đồng trường, hội đồng quản trị, hội đồng đại học;

b) Quyết định thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các tổ chức của cơ sở giáo dục đại học theo nghị quyết của hội đồng trường, hội đồng quản trị, hội đồng đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm và miễn nhiệm các chức danh trưởng, phó các tổ chức của cơ sở giáo dục đại học;

c) Tổ chức thực hiện nghị quyết của hội đồng trường, hội đồng quản trị, hội đồng đại học;

d) Xây dựng quy hoạch và phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý;

đ) Tổ chức thực hiện các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học;

e) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và chịu sự giám sát, thanh tra, kiểm tra theo quy định;

g) Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp thu ý kiến và chịu sự giám sát của cá nhân, tổ chức, đoàn thể trong cơ sở giáo dục đại học;

h) Hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng và ban giám hiệu trước hội đồng trường, hội đồng quản trị, hội đồng đại học;

i) Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

4. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập, chủ tịch hội đồng quản trị cơ sở giáo dục đại học tư thục là chủ tài khoản, chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ công tác quản lý tài chính và tài sản của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm công khai, minh bạch về tài chính theo quy định của pháp luật; chấp hành các quy định về kế toán và kiểm toán. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tư thục là đại diện chủ tài khoản theo ủy quyền, thực hiện quyền hạn và nghĩa vụ như chủ tài khoản trong phạm vi được ủy quyền.

Điều 21. Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học

1. Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học thuộc cơ cấu tổ chức và chịu sự quản lý, điều hành của cơ sở giáo dục đại học. Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học không có tư cách pháp nhân độc lập, đóng ở tỉnh, thành phố khác với nơi đặt trụ sở chính của cơ sở giáo dục đại học, chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt phân hiệu.

2. Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học thực hiện các nhiệm vụ theo sự điều hành của hiệu trưởng, báo cáo với hiệu trưởng về các hoạt động của phân hiệu, báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt phân hiệu về các hoạt động liên quan đến thẩm quyền quản lý của địa phương.

3. Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 22 của Luật này.

Mục 2. THÀNH LẬP, SÁP NHẬP, CHIA, TÁCH, GIẢI THỂ CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC; CHO PHÉP, ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO

Điều 22. Điều kiện thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học

1. Cơ sở giáo dục đại học được thành lập hoặc cho phép thành lập khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có dự án thành lập phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đã được phê duyệt;

b) Có chấp thuận bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của cơ sở giáo dục đại học về việc thành lập cơ sở giáo dục đại học và xác nhận về quyền sử dụng đất;

c) Có xác nhận về khả năng tài chính đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục đại học của cơ quan có thẩm quyền;

d) Đối với cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài còn phải có Giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan có thẩm quyền.

2. Sau thời hạn 04 năm, kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực, nếu cơ sở giáo dục đại học không được cho phép hoạt động đào tạo thì quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập hết hiệu lực.

Điều 23. Điều kiện để được cho phép hoạt động đào tạo

1. Cơ sở giáo dục đại học được cho phép hoạt động đào tạo khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học;

b) Có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, ký túc xá sinh viên, cơ sở phục vụ giáo dục thể chất đáp ứng yêu cầu hoạt động đào tạo; địa điểm xây dựng bảo đảm môi trường sư phạm, an toàn cho người học, người dạy và người lao động theo nội dung dự án đã cam kết;

c) Có chương trình đào tạo và giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định;

d) Có đội ngũ giảng viên cơ hữu và cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu;

đ) Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;

e) Có quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

2. Sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày quyết định cho phép hoạt động đào tạo có hiệu lực, nếu cơ sở giáo dục đại học không triển khai hoạt động đào tạo thì quyết định cho phép hoạt động đào tạo hết hiệu lực.

Điều 24. Sáp nhập, chia, tách cơ sở giáo dục đại học

Việc sáp nhập, chia, tách cơ sở giáo dục đại học phải bảo đảm các yêu cầu sau:

1. Phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học;

2. Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội;

3. Bảo đảm quyền lợi của giảng viên, viên chức, người lao động và người học;

4. Góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học.

Điều 25. Đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở giáo dục đại học

1. Cơ sở giáo dục đại học bị đình chỉ hoạt động đào tạo trong những trường hợp sau đây:

a) Có hành vi gian lận để được thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo;

b) Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này;

c) Người cho phép hoạt động đào tạo không đúng thẩm quyền;

d) Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ hoạt động;

đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo phải xác định rõ lý do đình chỉ, thời hạn đình chỉ, biện pháp bảo đảm lợi ích hợp pháp của giảng viên, người lao động và người học. Quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

3. Sau thời hạn đình chỉ, nếu nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ được khắc phục thì người có thẩm quyền quyết định đình chỉ ra quyết định cho phép tiếp tục hoạt động đào tạo.

Điều 26. Giải thể cơ sở giáo dục đại học

1. Cơ sở giáo dục đại học bị giải thể trong những trường hợp sau đây:

a) Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật;

b) Hết thời hạn đình chỉ hoạt động đào tạo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ;

c) Mục tiêu và nội dung hoạt động trong quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học không còn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội;

d) Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục đại học;

đ) Không thực hiện đúng cam kết theo dự án được phê duyệt sau thời hạn 05 năm, kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực.

2. Quyết định giải thể cơ sở giáo dục đại học phải xác định rõ lý do giải thể, các biện pháp bảo đảm lợi ích hợp pháp của giảng viên, người học và người lao động. Quyết định giải thể cơ sở giáo dục đại học phải được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 27. Thủ tục và thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục đại học

1. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể điều kiện và thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học, học viện, đại học và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể điều kiện và thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường cao đẳng.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập đại học, học viện, trường đại học công lập; quyết định cho phép thành lập trường đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập trường cao đẳng công lập; quyết định cho phép thành lập trường cao đẳng tư thục.

3. Người có thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học thì có thẩm quyền quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục đại học.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo đối với trường cao đẳng, trường đại học, học viện, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.

Chương III

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Điều 28. Nhiệm vụ và quyền hạn của trường cao đẳng, trường đại học, học viện

1. Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển cơ sở giáo dục đại học.

2. Triển khai hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.

3. Phát triển các chương trình đào tạo theo mục tiêu xác định; bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo.

4. Tổ chức bộ máy; tuyển dụng, quản lý, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động.

5. Quản lý người học; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của giảng viên, viên chức, nhân viên, cán bộ quản lý và người học; dành kinh phí để thực hiện chính sách xã hội đối với đối tượng được hưởng chính sách xã hội, đối tượng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; bảo đảm môi trường sư phạm cho hoạt động giáo dục.

6. Tự đánh giá chất lượng đào tạo và chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục.

7. Được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, cơ sở vật chất; được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật.

8. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực; xây dựng và tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị.

9. Hợp tác với các tổ chức kinh tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao, y tế, nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài.

10. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và chịu sự kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ sở giáo dục đại học đặt trụ sở hoặc có tổ chức hoạt động đào tạo theo quy định.

11. Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 29. Nhiệm vụ và quyền hạn của đại học

1. Nhiệm vụ và quyền hạn của đại học:

a) Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển đại học;

b) Quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động đào tạo của đại học;

c) Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực, chia sẻ tài nguyên và cơ sở vật chất dùng chung trong đại học;

d) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và chịu sự kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đại học đặt trụ sở theo quy định;

đ) Được chủ động cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức bộ máy;

e) Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

2. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học thành viên.

Điều 30. Nhiệm vụ và quyền hạn của viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ

1. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định về đào tạo trình độ tiến sĩ.

2. Phải có đơn vị chuyên trách là khoa, phòng hoặc ban để tổ chức và quản lý đào tạo trình độ tiến sĩ.

Điều 31. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài

1. Xây dựng và thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giảng dạy, nghiên cứu khoa học; xây dựng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, thiết bị, giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập; bảo đảm chất lượng và thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục đại học; tổ chức hoạt động đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức và hoạt động theo quyết định cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo.

3. Công khai cam kết chất lượng đào tạo, công khai về nguồn lực và tài chính.

4. Chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Định kỳ báo cáo về tình hình hoạt động và giải trình theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, cơ quan có thẩm quyền và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài đặt trụ sở và hoạt động.

5. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người học, giảng viên và những người lao động khác, kể cả trong trường hợp chấm dứt hoặc buộc phải chấm dứt hoạt động trước thời hạn.

6. Tôn trọng pháp luật, phong tục, tập quán của Việt Nam.

7. Được Nhà nước bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

8. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 32. Quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học

1. Cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.

2. Cơ sở giáo dục đại học không còn đủ năng lực thực hiện quyền tự chủ hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện quyền tự chủ, tùy thuộc mức độ, bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương IV

HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO

Điều 33. Mở ngành, chuyên ngành đào tạo

1. Điều kiện để cơ sở giáo dục đại học được mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ:

a) Ngành và chuyên ngành đăng ký đào tạo phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, cả nước cũng như của từng lĩnh vực;

b) Có đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu;

c) Có cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập;

d) Có chương trình đào tạo bảo đảm chuẩn kiến thức và kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp và đáp ứng yêu cầu liên thông giữa các trình độ và với các chương trình đào tạo khác.

2. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể điều kiện, trình tự, thủ tục mở hoặc đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học và ngành hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; quyết định cho phép mở hoặc đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, ngành hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Đại học quốc gia, các cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, ngành hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo đã được phê duyệt thuộc lĩnh vực đào tạo của nhà trường khi có đủ năng lực đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Điều 34. Chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh

1. Chỉ tiêu tuyển sinh:

a) Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, phù hợp với các điều kiện về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và thiết bị;

b) Cơ sở giáo dục đại học tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chịu trách nhiệm công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học;

c) Cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh thì tuỳ theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức tuyển sinh:

a) Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển;

b) Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và ban hành quy chế tuyển sinh.

Điều 35. Thời gian đào tạo

1. Thời gian đào tạo các trình độ của giáo dục đại học thực hiện theo hình thức giáo dục chính quy quy định tại Điều 38 của Luật giáo dục.

2. Thời gian đào tạo theo tín chỉ được xác định trên cơ sở số học phần và khối lượng tín chỉ tích lũy quy định cho từng chương trình và trình độ đào tạo.

Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định số học phần và khối lượng tín chỉ tích lũy cho từng chương trình và trình độ đào tạo.

3. Thời gian đào tạo mỗi trình độ của giáo dục đại học thực hiện theo hình thức giáo dục thường xuyên dài hơn ít nhất là một học kỳ so với thời gian đào tạo theo hình thức giáo dục chính quy.

Điều 36. Chương trình, giáo trình giáo dục đại học

1. Chương trình đào tạo:

a) Chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học gồm: mục tiêu, chuẩn kiến thức, kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp; nội dung đào tạo, phương pháp đánh giá đối với mỗi môn học và ngành học, trình độ đào tạo; bảo đảm yêu cầu liên thông giữa các trình độ và với các chương trình đào tạo khác;

b) Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ gồm: mục tiêu, chuẩn kiến thức, kỹ năng của học viên, nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp; khối lượng kiến thức, kết cấu chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, luận văn, luận án;

c) Cơ sở giáo dục đại học được sử dụng chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục nước ngoài đã được kiểm định và công nhận về chất lượng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo các trình độ của giáo dục đại học;

d) Cơ sở giáo dục đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ;

đ) Cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng chương trình đào tạo và thực hiện chương trình đào tạo đã được kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam, bảo đảm không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng, không có nội dung xuyên tạc lịch sử, ảnh hưởng xấu đến văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục và đoàn kết các dân tộc Việt Nam, hòa bình, an ninh thế giới; không có nội dung truyền bá tôn giáo;

e) Chương trình đào tạo theo hình thức giáo dục thường xuyên có nội dung như chương trình đào tạo theo hình thức giáo dục chính quy.

2. Giáo trình giáo dục đại học:

a) Giáo trình giáo dục đại học cụ thể hóa yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình đào tạo đối với mỗi môn học, ngành học bảo đảm mục tiêu của các trình độ đào tạo của giáo dục đại học;

b) Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn giáo trình sử dụng chung các môn lý luận chính trị, quốc phòng - an ninh để làm tài liệu giảng dạy, học tập trong các cơ sở giáo dục đại học;

c) Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, duyệt giáo trình giáo dục đại học để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập trong cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở thẩm định của Hội đồng thẩm định giáo trình do hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học thành lập;

d) Cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện các quy định về sở hữu trí tuệ và bản quyền trong sử dụng giáo trình và công bố công trình nghiên cứu khoa học.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học; quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; quy định các môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo đối với các trình độ đào tạo của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài; quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục đại học.

Điều 37. Tổ chức và quản lý đào tạo

1. Việc tổ chức và quản lý đào tạo được thực hiện theo niên chế hoặc tín chỉ.

2. Cơ sở giáo dục đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức và quản lý đào tạo theo khóa học, năm học và học kỳ, thực hiện quy chế và chương trình đào tạo đối với mỗi trình độ đào tạo, hình thức đào tạo.

3. Cơ sở giáo dục đại học chỉ được liên kết đào tạo trình độ cao đẳng, đại học theo hình thức giáo dục thường xuyên với cơ sở giáo dục là trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân với điều kiện cơ sở giáo dục được liên kết đào tạo bảo đảm các yêu cầu về môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện và cán bộ quản lý.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế đào tạo và liên kết đào tạo.

Điều 38. Văn bằng giáo dục đại học

1. Văn bằng giáo dục đại học được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp một trình độ đào tạo theo một hình thức đào tạo, gồm: bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ.

a) Sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo cao đẳng, có đủ điều kiện thì được dự thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp, nếu đạt yêu cầu hoặc tích lũy đủ số tín chỉ theo quy định và đáp ứng chuẩn đầu ra của cơ sở giáo dục đại học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng;

b) Sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo đại học, có đủ điều kiện thì được dự thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp, nếu đạt yêu cầu hoặc tích lũy đủ số tín chỉ theo quy định và đáp ứng chuẩn đầu ra của cơ sở giáo dục đại học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp bằng tốt nghiệp đại học;

c) Học viên hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ, có đủ điều kiện thì được bảo vệ luận văn, nếu đạt yêu cầu theo quy định thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp bằng thạc sĩ;

d) Nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ, có đủ điều kiện thì được bảo vệ luận án, nếu đạt yêu cầu theo quy định thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp bằng tiến sĩ.

2. Cơ sở giáo dục đại học in phôi văn bằng, cấp văn bằng cho người học; công bố công khai các thông tin liên quan về văn bằng cho người học trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mẫu văn bằng giáo dục đại học; việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ văn bằng giáo dục đại học; quy định trách nhiệm và thẩm quyền cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam khi liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài; quy định trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện việc cấp văn bằng giáo dục đại học tại Việt Nam; ký hiệp định tương đương và công nhận văn bằng với các nước, tổ chức quốc tế; quy định trình tự, thủ tục công nhận văn bằng giáo dục đaị học do cơ sở giáo dục đại học nước ngoài cấp.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định văn bằng công nhận trình độ kỹ năng thực hành, ứng dụng cho những người được đào tạo chuyên sâu sau khi tốt nghiệp đại học ở một số ngành chuyên môn đặc thù.

Chương V

HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 39. Mục tiêu hoạt động khoa học và công nghệ

1. Nâng cao chất lượng giáo dục đại học, năng lực nghiên cứu và khả năng ứng dụng khoa học và công nghệ của giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý, viên chức.

2. Hình thành và phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho người học; phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao.

3. Tạo ra tri thức, công nghệ, giải pháp mới để phát triển khoa học và giáo dục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Điều 40. Nội dung hoạt động khoa học và công nghệ

1. Nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học giáo dục, khoa học công nghệ để tạo ra tri thức và sản phẩm mới.

2. Ứng dụng các kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống.

3. Xây dựng các phòng thí nghiệm, các cơ sở nghiên cứu phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, các vườn ươm công nghệ, gắn phát triển công nghệ với tạo sản phẩm mới.

4. Tham gia tuyển chọn, tư vấn, phản biện, thực hiện các nhiệm vụ, hợp đồng khoa học và công nghệ, các nhiệm vụ theo đơn đặt hàng.

Điều 41. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học trong hoạt động khoa học và công nghệ

1. Xây dựng, thực hiện chiến lược và kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ.

2. Nghiên cứu khoa học và công nghệ để phục vụ và nâng cao chất lượng đào tạo.

3. Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra tri thức, công nghệ, giải pháp mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với năng lực khoa học, công nghệ của nhà trường.

4. Tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc ký kết hợp đồng khoa học và công nghệ; thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

5. Sử dụng tiền, tài sản, giá trị tài sản trí tuệ, các nguồn thu hợp pháp để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, sản xuất kinh doanh.

6. Thành lập tổ chức nghiên cứu và phát triển, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

7. Được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; chuyển giao, chuyển nhượng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ; công bố kết quả hoạt động khoa học và công nghệ.

8. Bảo vệ lợi ích của Nhà nước và xã hội; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; giữ bí mật khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật.

9. Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 42. Trách nhiệm của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ

1. Chính phủ quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học, ưu tiên cho các cơ sở giáo dục đại học có tiềm lực mạnh về nhân lực nghiên cứu và triển khai ứng dụng.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng chính sách ưu tiên đầu tư phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành có liên quan quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.

Chương VI

HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC QUỐC TẾ

Điều 43. Mục tiêu hoạt động hợp tác quốc tế

1. Nâng cao chất lượng giáo dục đại học theo hướng hiện đại, tiếp cận nền giáo dục đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

2. Tạo điều kiện để cơ sở giáo dục đại học phát triển bền vững, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Điều 44. Các hình thức hợp tác quốc tế của cơ sở giáo dục đại học

1. Liên kết đào tạo.

2. Thành lập văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam.

3. Hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học.

4. Tư vấn, tài trợ, đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị.

5. Bồi dưỡng, trao đổi giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý và người học.

6. Liên kết thư viện, trao đổi thông tin phục vụ hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ; cung ứng chương trình đào tạo; trao đổi các ấn phẩm, tài liệu và kết quả hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ.

7. Tham gia các tổ chức giáo dục, khoa học, hội nghề nghiệp khu vực và quốc tế.

8. Mở văn phòng đại diện cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam ở nước ngoài.

9. Các hình thức hợp tác khác theo quy định của pháp luật.

Điều 45. Liên kết đào tạo với nước ngoài

1. Liên kết đào tạo với nước ngoài là việc xây dựng và thực hiện chương trình hợp tác đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, nhằm thực hiện chương trình đào tạo để cấp văn bằng hoặc cấp chứng chỉ, nhưng không hình thành pháp nhân mới.

2. Chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài là chương trình của nước ngoài hoặc chương trình do hai bên cùng xây dựng. Chương trình đào tạo được thực hiện toàn bộ tại Việt Nam hoặc một phần tại Việt Nam và một phần tại nước ngoài.

3. Các cơ sở giáo dục đại học liên kết đào tạo với nước ngoài phải đảm bảo những điều kiện về đội ngũ giảng viên; cơ sở vật chất, thiết bị; chương trình, nội dung giảng dạy; tư cách pháp lý; giấy chứng nhận kiểm định chất lượng do cơ quan kiểm định chất lượng nước ngoài cấp hoặc do Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận; giấy phép đào tạo trong lĩnh vực liên kết.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Giám đốc đại học phê duyệt chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tổ chức tại đại học.

5. Trường hợp chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài bị đình chỉ tuyển sinh hoặc bị chấm dứt hoạt động do không duy trì điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này, cơ sở giáo dục đại học phải bảo đảm lợi ích hợp pháp của giảng viên, người học và người lao động; bồi hoàn kinh phí cho người học, thanh toán các khoản thù lao giảng dạy, các quyền lợi khác của giảng viên và người lao động theo hợp đồng lao động đã ký kết hoặc thỏa ước lao động tập thể, thanh toán các khoản nợ thuế và các khoản nợ khác (nếu có).

6. Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai các thông tin liên quan về chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài trên trang thông tin điện tử của nhà trường và phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 46. Văn phòng đại diện

1. Văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài có chức năng đại diện cho cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.

2. Văn phòng đại diện có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thúc đẩy hợp tác với cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thông qua việc xúc tiến xây dựng các chương trình, dự án hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học;

b) Tổ chức các hoạt động giao lưu, tư vấn, trao đổi thông tin, hội thảo, triển lãm trong lĩnh vực giáo dục đại học nhằm giới thiệu về tổ chức, cơ sở giáo dục đại học nước ngoài;

c) Đôn đốc, giám sát việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác giáo dục đại học đã ký kết với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam;

d) Không được thực hiện hoạt động giáo dục đại học sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam và không được phép thành lập chi nhánh trực thuộc văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam.

3. Cơ sở giáo dục đại học nước ngoài được cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có tư cách pháp nhân;

b) Có thời gian hoạt động giáo dục đại học ít nhất là 05 năm ở nước sở tại;

c) Có điều lệ, tôn chỉ, mục đích hoạt động rõ ràng;

d) Có quy chế tổ chức, hoạt động của văn phòng đại diện dự kiến thành lập tại Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại học.

5. Văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau:

a) Hết thời hạn ghi trong giấy phép;

b) Theo đề nghị của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thành lập văn phòng đại diện;

c) Giấy phép bị thu hồi vì không hoạt động sau thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép lần đầu hoặc 03 tháng, kể từ ngày được gia hạn giấy phép;

d) Bị phát hiện có sự giả mạo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện;

đ) Có những hoạt động trái với nội dung của giấy phép;

e) Vi phạm các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Điều 47. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học trong hoạt động hợp tác quốc tế

1. Thực hiện các hình thức hợp tác quốc tế quy định tại Điều 44 của Luật này.

2. Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Được bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 48. Trách nhiệm của Nhà nước về hợp tác quốc tế

1. Chính phủ có chính sách phù hợp thực hiện các cam kết song phương và đa phương, nhằm tạo điều kiện phát triển hoạt động hợp tác quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học theo nguyên tắc đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển giáo dục đại học; tăng cường quản lý về liên doanh, liên kết giáo dục đại học với nước ngoài.

2. Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách đầu tư, chế độ đãi ngộ nhằm thu hút các nhà khoa học và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động tài trợ, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; quy định cụ thể điều kiện, thủ tục về hợp tác quốc tế quy định tại các điều 44, 45 và 46 của Luật này.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc khuyến khích cơ sở giáo dục đại học đầu tư, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong hoạt động giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với nước ngoài; quy định việc quản lý hoạt động cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam, việc liên kết của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.

Chương VII

BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG VÀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Điều 49. Mục tiêu, nguyên tắc và đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục đại học

1. Mục tiêu của kiểm định chất lượng giáo dục đại học:

a) Bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục đại học;

b) Xác nhận mức độ cơ sở giáo dục đại học hoặc chương trình đào tạo đáp ứng mục tiêu giáo dục đại học trong từng giai đoạn nhất định;

c) Làm căn cứ để cơ sở giáo dục đại học giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo;

d) Làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo và nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực.

2. Nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục đại học:

a) Độc lập, khách quan, đúng pháp luật;

b) Trung thực, công khai, minh bạch;

c) Bình đẳng, bắt buộc, định kỳ.

3. Đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục đại học:

a) Cơ sở giáo dục đại học;

b) Chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Điều 50. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục đại học

1. Thành lập tổ chức chuyên trách về bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.

2. Xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.

3. Tự đánh giá, cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo; định kỳ đăng ký kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở giáo dục đại học.

4. Duy trì và phát triển các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, gồm:

a) Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên;

b) Chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập;

c) Phòng học, phòng làm việc, thư viện, hệ thống công nghệ thông tin, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành, ký túc xá và các cơ sở dịch vụ khác;

d) Nguồn lực tài chính.

5. Công bố công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của cơ sở giáo dục đại học và phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 51. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học về kiểm định chất lượng giáo dục đại học

1. Chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

2. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

3. Được lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong số các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận để kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo.

4. Được khiếu nại, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền về các quyết định, kết luận, hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Điều 52. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục

1. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có nhiệm vụ đánh giá và công nhận cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học.

Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

2. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập khi có đề án thành lập phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; được phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục khi có cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính, đội ngũ kiểm định viên đáp ứng yêu cầu hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học; quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đại học, chuẩn đối với chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, yêu cầu tối thiểu để chương trình đào tạo được thực hiện; quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục đại học; nguyên tắc hoạt động, điều kiện và tiêu chuẩn của tổ chức, cá nhân hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục; quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; cho phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.

Điều 53. Sử dụng kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học được sử dụng làm căn

cứ để xác định chất lượng giáo dục đại học, vị thế và uy tín của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hỗ trợ đầu tư, giao nhiệm vụ; là căn cứ để Nhà nước và xã hội giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Chương VIII

GIẢNG VIÊN

Điều 54. Giảng viên

1. Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học là người có nhân thân rõ ràng; có phẩm chất, đạo đức tốt; có sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; đạt trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 77 của Luật giáo dục.

2. Chức danh của giảng viên bao gồm trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư.

3. Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên. Trường hợp đặc biệt ở một số ngành chuyên môn đặc thù do Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo quy định.

Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ từ thạc sĩ trở lên làm giảng viên.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, quy định việc bồi dưỡng, sử dụng giảng viên.

Điều 55. Nhiệm vụ và quyền của giảng viên

1. Giảng dạy theo mục tiêu, chương trình đào tạo và thực hiện đầy đủ, có chất lượng chương trình đào tạo.

2. Nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, bảo đảm chất lượng đào tạo.

3. Định kỳ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy.

4. Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của giảng viên.

5. Tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học.

6. Tham gia quản lý và giám sát cơ sở giáo dục đại học, tham gia công tác Đảng, đoàn thể và các công tác khác.

7. Được ký hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật.

8. Được bổ nhiệm chức danh của giảng viên, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

9. Các nhiệm vụ và quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 56. Chính sách đối với giảng viên

1. Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.

2. Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tạo điều kiện về chỗ ở, được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ.

3. Nhà nước có chính sách điều động, biệt phái giảng viên làm việc tại cơ sở giáo dục đại học ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; khuyến khích giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học ở vùng thuận lợi đến công tác tại các cơ sở giáo dục đại học ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện để giảng viên ở vùng này an tâm công tác.

4. Giảng viên có trình độ tiến sĩ, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư công tác trong cơ sở giáo dục đại học có thể kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc, đồng thời cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu.

5. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể chính sách đối với giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học.

Điều 57. Giảng viên thỉnh giảng và báo cáo viên

1. Giảng viên thỉnh giảng trong cơ sở giáo dục đại học được quy định tại Điều 74 của Luật giáo dục.

Giảng viên thỉnh giảng thực hiện các nhiệm vụ và được hưởng các quyền theo hợp đồng thỉnh giảng được ký giữa hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học với giảng viên thỉnh giảng.

2. Cơ sở giáo dục đại học được mời giảng viên thỉnh giảng, mời báo cáo viên là các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, nghệ nhân ở trong nước và nước ngoài.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể về giảng viên thỉnh giảng và báo cáo viên.

Điều 58. Các hành vi giảng viên không được làm

1. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học và người khác.

2. Gian lận trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học.

3. Lợi dụng danh hiệu nhà giáo và hoạt động giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Chương IX

NGƯỜI HỌC

Điều 59. Người học

Người học là người đang học tập và nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục đại học, gồm sinh viên của chương trình đào tạo cao đẳng, chương trình đào tạo đại học; học viên của chương trình đào tạo thạc sĩ; nghiên cứu sinh của chương trình đào tạo tiến sĩ.

Điều 60. Nhiệm vụ và quyền của người học

1. Học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện theo quy định.

2. Tôn trọng giảng viên, cán bộ quản lý, viên chức và nhân viên của cơ sở giáo dục đại học; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và rèn luyện.

3. Tham gia lao động và hoạt động xã hội, hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh, trật tự, phòng, chống tiêu cực, gian lận trong học tập và thi cử, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

4. Được tôn trọng và đối xử bình đẳng, không phân biệt nam nữ, dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện.

5. Được tạo điều kiện trong học tập, tham gia hoạt động khoa học và công nghệ, các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao.

6. Đóng góp ý kiến, tham gia quản lý và giám sát hoạt động giáo dục và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục.

7. Được hưởng chính sách đối với người học thuộc đối tượng hưởng ưu tiên và chính sách xã hội.

8. Các nhiệm vụ và quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 61. Các hành vi người học không được làm

1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, người học của cơ sở giáo dục đại học và người khác.

2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh.

3. Tham gia tệ nạn xã hội, gây rối an ninh trật tự trong cơ sở giáo dục đại học hoặc nơi công cộng và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

4. Tổ chức hoặc tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật.

Điều 62. Chính sách đối với người học

1. Người học trong cơ sở giáo dục đại học được hưởng các chính sách về học bổng và trợ cấp xã hội, chế độ cử tuyển, tín dụng giáo dục, miễn, giảm phí dịch vụ công cộng theo quy định tại các điều 89, 90, 91 và 92 của Luật giáo dục.

2. Người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh không phải đóng học phí, được ưu tiên trong việc xét cấp học bổng, trợ cấp xã hội.

3. Chính phủ quy định cụ thể chính sách ưu tiên đối với người học thuộc đối tượng được hưởng ưu tiên và chính sách xã hội.

Điều 63. Nghĩa vụ làm việc có thời hạn theo sự điều động của Nhà nước

1. Người học chương trình giáo dục đại học nếu được hưởng học bổng và chi phí đào tạo do Nhà nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với Nhà nước Việt Nam, thì sau khi tốt nghiệp phải chấp hành sự điều động làm việc của Nhà nước trong thời gian ít nhất là gấp đôi thời gian được hưởng học bổng và chi phí đào tạo, nếu không chấp hành thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.

2. Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày người học được công nhận tốt nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm phân công làm việc đối với người học đã được công nhận tốt nghiệp, quá thời hạn trên, nếu người học không được phân công làm việc thì không phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.

3. Chính phủ quy định cụ thể về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo.

Chương X

TÀI CHÍNH, TÀI SẢN CỦA CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Điều 64. Nguồn tài chính của cơ sở giáo dục đại học

Các nguồn tài chính của cơ sở giáo dục đại học bao gồm:

1. Ngân sách nhà nước (nếu có);

2. Học phí và lệ phí tuyển sinh;

3. Thu từ các hoạt động hợp tác đào tạo, khoa học công nghệ, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ;

4. Tài trợ, viện trợ, quà biếu, tặng, cho của các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài;

5. Đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

6. Nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 65. Học phí, lệ phí tuyển sinh

1. Học phí, lệ phí tuyển sinh là khoản tiền mà người học phải nộp cho cơ sở giáo dục đại học để bù đắp chi phí đào tạo.

2. Chính phủ quy định nội dung, phương pháp xây dựng mức học phí, lệ phí tuyển sinh, khung học phí, lệ phí tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập.

3. Cơ sở giáo dục đại học công lập được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh nằm trong khung học phí, lệ phí tuyển sinh do Chính phủ quy định.

4. Cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh theo quy định của pháp luật.

5. Mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh phải được công bố công khai cùng thời điểm với thông báo tuyển sinh.

6. Cơ sở giáo dục đại học thực hiện chương trình đào tạo chất lượng cao được thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chí xác định chương trình đào tạo chất lượng cao; có trách nhiệm quản lý, giám sát mức thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo.

Điều 66. Quản lý tài chính của cơ sở giáo dục đại học

1. Cơ sở giáo dục đại học thực hiện chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế và công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

2. Cơ sở giáo dục đại học có sử dụng ngân sách nhà nước được Nhà nước giao nhiệm vụ gắn với nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

3. Phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học tư thục được sử dụng như sau:

a) Dành ít nhất 25% để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học, cho các hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, viên chức, cán bộ quản lý giáo dục, phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học hoặc cho các mục đích từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội. Phần này được miễn thuế;

b) Phần còn lại, nếu phân phối cho các nhà đầu tư và người lao động của cơ sở giáo dục đại học thì phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

4. Giá trị tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động của cơ sở giáo dục đại học tư thục và giá trị của các tài sản được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng cho cơ sở giáo dục đại học tư thục là tài sản chung không chia, được quản lý theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển.

5. Việc rút vốn và chuyển nhượng vốn đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm sự ổn định và phát triển của cơ sở giáo dục đại học.

6. Chính phủ quy định phương thức và tiêu chí phân bổ nguồn ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học, về tài chính của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài trong hoạt động giáo dục.

7. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, thanh tra việc quản lý và sử dụng đúng mục đích nguồn tài chính tại các cơ sở giáo dục đại học.

Điều 67. Quản lý và sử dụng tài sản của cơ sở giáo dục đại học

1. Cơ sở giáo dục đại học quản lý, sử dụng tài sản được hình thành từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước; tự chủ, tự chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng tài sản hình thành từ các nguồn ngoài ngân sách nhà nước.

2. Tài sản và đất đai được Nhà nước giao cho cơ sở giáo dục đại học tư thục quản lý và tài sản mà cơ sở giáo dục đại học tư thục được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng phải được sử dụng đúng mục đích, không chuyển đổi mục đích sử dụng và không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào.

3. Tài sản của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, thanh tra việc quản lý và sử dụng tài sản nhà nước của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Chính phủ.

Chương XI

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Điều 68. Nội dung quản lý nhà nước về giáo dục đại học

1. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục đại học.

2. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học.

3. Quy định khối lượng, cấu trúc chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra tối thiểu của người học sau khi tốt nghiệp; tiêu chuẩn giảng viên; tiêu chuẩn cơ sở vật chất và thiết bị của cơ sở giáo dục đại học; việc biên soạn, xuất bản, in và phát hành giáo trình, tài liệu giảng dạy; quy chế thi và cấp văn bằng, chứng chỉ.

4. Quản lý việc bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đại học, chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học, chuẩn đối với chương trình đào tạo các trình độ giáo dục đại học và yêu cầu tối thiểu để chương trình đào tạo được thực hiện, quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục, quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

5. Thực hiện công tác thống kê, thông tin về tổ chức và hoạt động giáo dục đại học.

6. Tổ chức bộ máy quản lý giáo dục đại học.

7. Tổ chức, chỉ đạo việc đào tạo, bồi dưỡng, quản lý giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đại học.

8. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để phát triển giáo dục đại học.

9. Tổ chức, quản lý công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục đại học.

10. Tổ chức, quản lý hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục đại học.

11. Quy định việc tặng danh hiệu vinh dự cho người có nhiều công lao đối với sự nghiệp giáo dục đại học.

12. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về giáo dục đại học.

Điều 69. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục đại học.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học theo thẩm quyền.

4. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học theo phân cấp của Chính phủ; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn; thực hiện xã hội hoá giáo dục đại học; bảo đảm đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học tại địa phương.

Điều 70. Thanh tra, kiểm tra

1. Thanh tra hoạt động giáo dục đại học, bao gồm:

a) Thanh tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về giáo dục đại học;

b) Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về giáo dục đại học;

c) Xác minh, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về giáo dục đại học.

2. Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành về giáo dục đại học.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thanh tra, kiểm tra về giáo dục đại học. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra về giáo dục đại học theo phân công và phân cấp của Chính phủ.

4. Cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự thanh tra và tự kiểm tra theo quy định của pháp luật. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học chịu trách nhiệm về thanh tra, kiểm tra trong cơ sở giáo dục đại học.

Điều 71. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính; cá nhân còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:

1. Thành lập cơ sở giáo dục đại học hoặc tổ chức hoạt động giáo dục trái pháp luật;

2. Vi phạm các quy định về tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;

3. Xuất bản, in, phát hành tài liệu trái pháp luật;

4. Làm hồ sơ giả, vi phạm quy chế tuyển sinh, thi cử và cấp văn bằng, chứng chỉ;

5. Xâm phạm nhân phẩm, thân thể giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục; ngược đãi, hành hạ người học;

6. Vi phạm quy định về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học;

7. Gây rối, làm mất an ninh, trật tự trong cơ sở giáo dục đại học;

8. Làm thất thoát kinh phí, lợi dụng hoạt động giáo dục đại học để thu tiền sai quy định hoặc vì mục đích vụ lợi;

9. Gây thiệt hại về cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục đại học;

10. Các hành vi khác vi phạm pháp luật về giáo dục đại học.

Chương XII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 72. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

Điều 73. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Sinh Hùng

 

THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 01/01/2013

 

QUỐC HỘI

 

NATIONAL ASSEMBLY
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom – Happiness

---------------

Luật số: 08/2012/QH13

Law No. 08/2012/QH13

Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2012
Hanoi, June 18, 2012

 

 


LUẬT

LAW

GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
ON HIGHER EDUCATION

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Pursuant to the Constitution 1992 of the Socialist Republic of Vietnam amended and supplemented under the Resolution No. 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật giáo dục đại học.
The National Assembly promulgates the Law on Higher Education.

Chương I
Chapter I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
GENERAL PROVISIONS

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Article 1. Scope of regulation

Luật này quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
This Law specifies the organization, duties and authority of higher education institutions, the activities of training, science and technology, international cooperation, higher education quality assessment and assurance, the lecturers, the students, the higher education institutions property and finance, and the State management of higher education.

Điều 2. Đối tượng áp dụng
Article 2. Subjects of application

Luật này áp dụng đối với trường cao đẳng, trường đại học, học viện, đại học vùng, đại học quốc gia; viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ; tổ chức và cá nhân có liên quan đến giáo dục đại học.
This Law is applicable to colleges, universities, academies, regional universities, national universities, scientific research institutes eligible for doctorate training, other organizations and individuals related to higher education.

Điều 3. Áp dụng Luật giáo dục đại học
Article 3. The application of the Law on Higher Education.

Tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và quản lý giáo dục đại học tuân theo quy định của Luật này, Luật giáo dục và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
The organization and operation of higher education institutions and higher education management agencies must comply with this Law, the Law on Education and other relevant law provisions.

Điều 4. Giải thích từ ngữ
Article 4. Interpretation of terms

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
In this Law, the following terms are construed as follows:

1. Giáo dục chính quy là hình thức đào tạo theo các khoá học tập trung toàn bộ thời gian tại cơ sở giáo dục đại học để thực hiện chương trình đào tạo một trình độ của giáo dục đại học.
1. Formal education is the form of education in which full-time courses are provided at higher education institutions in order to implement a training program at a certain level of higher education.

2. Giáo dục thường xuyên gồm vừa làm vừa học và đào tạo từ xa, là hình thức đào tạo theo các lớp học, khóa học tại cơ sở giáo dục đại học hoặc cơ sở liên kết đào tạo, phù hợp với yêu cầu của người học để thực hiện chương trình đào tạo ở trình độ cao đẳng, đại học.
2. Continuing education, including in-service training and distance learning, is the form of education in which the classes and courses are provided at higher education institutions or associate education facilities depending on the students’ demand in order to implement a college or university training program.

3. Ngành đào tạo là một tập hợp những kiến thức và kỹ năng chuyên môn của một lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp, khoa học nhất định. Ngành đào tạo bao gồm nhiều chuyên ngành đào tạo.
3. A training profession is a collection of knowledge and professional skills of a certain profession or science. A training profession includes various majors.

4. Chuyên ngành đào tạo là một tập hợp những kiến thức và kỹ năng chuyên môn chuyên sâu của một ngành đào tạo.
4. A majors is a collection of advanced professional skills and knowledge of a profession.

5. Liên thông trong giáo dục đại học là biện pháp tổ chức đào tạo trong đó người học được sử dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở trình độ cao hơn cùng ngành đào tạo hoặc khi chuyển sang ngành đào tạo hay trình độ đào tạo khác.
5. Transferring  in higher educationis a solution for training management by which the students may use their existing education results to study further in the same profession or when they shift to another profession or level.

6. Chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình đào tạo là yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng mà người học phải đạt được sau khi kết thúc một chương trình đào tạo.
6. The skill and knowledge standards of the training program is the minimum requirement for knowledge and skills that a student must obtain after completing the training program

7. Cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục đại học mà phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ.
7. Non-profit foreign-capitalized higher education institutions and private higher education institutions are higher education institutions of which the cumulative annual profit is not shared but to reinvest in the higher education institution development; the shareholders or contributors do not receive dividend or the dividend does not exceed the interest rate of the Government ‘s bonds.

8. Đại học là cơ sở giáo dục đại học bao gồm tổ hợp các trường cao đẳng, trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tổ chức theo hai cấp, để đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
8. Universities are higher education institutions including the colleges, universities, affiliated scientific research institutes belonging to different fields, separated into two levels for higher education.

Điều 5. Mục tiêu của giáo dục đại học
Article 5. The target of higher education

1. Mục tiêu chung:
1. General target:

a) Đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế;
a) Training human resources, enhancing people’s intelligence; doing science and technology researches in order to create knowledge and new products serving the socio-economic development, assure National defense and security and international integration;

b) Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ nhân dân.
b) Training students that possess political quality, ethics; possess knowledge and professional practical skills, possess capability of researching and applying science and technology corresponding to their grade; possess creativity, professional responsibility and adaptability to the working conditions; aware of

2. Mục tiêu cụ thể đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ:
2. Specific target of college education, university education, master’s and doctorate programs:

a) Đào tạo trình độ cao đẳng để sinh viên có kiến thức chuyên môn cơ bản, kỹ năng thực hành thành thạo, hiểu biết được tác động của các nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội trong thực tiễn và có khả năng giải quyết những vấn đề thông thường thuộc ngành được đào tạo;
a) The college education provides students with the basic professional knowledge and proficient practical skills, the ability to understand the impacts of natural law principles on real life and the ability to solve the usual problems related to the trained profession;

b) Đào tạo trình độ đại học để sinh viên có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành được đào tạo;
b) The university education provides students with the comprehensive profession knowledge, thorough grasp of the natural – social law and principle, basic practical skill and the ability to work independently, creatively and solve the problems related to the trained profession;

c) Đào tạo trình độ thạc sĩ để học viên có kiến thức khoa học nền tảng, có kỹ năng chuyên sâu cho nghiên cứu về một lĩnh vực khoa học hoặc hoạt động nghề nghiệp hiệu quả, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo;
c) The master’s program provides students with fundamental scientific knowledge and advanced research skills of a certain science or a certain profession, with the ability to work independently, creatively and the capability of detecting and solving the problems related to the trained profession;

d) Đào tạo trình độ tiến sĩ để nghiên cứu sinh có trình độ cao về lý thuyết và ứng dụng, có năng lực nghiên cứu độc lập, sáng tạo, phát triển tri thức mới, phát hiện nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội và giải quyết những vấn đề mới về khoa học, công nghệ, hướng dẫn nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn.
d) The doctorate program provides the graduate students with advanced knowledge of theoretical and practical skills, with the ability to do researches independently and creatively in order to develop new knowledge, discover new natural—social laws and principles, solve new scientific and technological problems, guide the science research and professional activities.

Điều 6. Trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học
Article 6. The levels and training forms of higher education

1. Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học gồm trình độ cao đẳng, trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.
1. The levels of higher education include: college, university, master’s and doctorate.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định cụ thể việc đào tạo trình độ kỹ năng thực hành, ứng dụng chuyên sâu cho người đã tốt nghiệp đại học ở một số ngành chuyên môn đặc thù.
The Minister of Education and Training shall cooperate with other Ministries and Heads of ministerial-level agencies to specify the training of practical skills and advanced application for the graduates in a number of special profession.

2. Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được thực hiện theo hai hình thức là giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.
2. The levels of higher education are provided in 2 forms being formal education and continuing education.

Điều 7. Cơ sở giáo dục đại học
Article 7. Higher education institutions

1. Cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm:
1. The higher education institutions in the national educational system include:

a) Trường cao đẳng;
a) Colleges;

b) Trường đại học, học viện;
b) Universities, academies;

c) Đại học vùng, đại học quốc gia (sau đây gọi chung là đại học);
c) Local universities, national universities (hereinafter referred to as universities);

d) Viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.
d) Scientific research institutes eligible of doctorate training.

2. Cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được tổ chức theo các loại hình sau đây:
2. The Vietnam’s higher education institutions are organized in the following forms:

a) Cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc sở hữu nhà nước, do Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất;
a) State-owned public higher education institutions of which the facilities are invested and built by the State;

b) Cơ sở giáo dục đại học tư thục thuộc sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân, do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất.
b) Private higher education institutions possessed by social organizations, socio-professional organizations, private economic organizations or individuals, invested and built by social organizations, socio-professional organizations, private economic organizations or individuals.

3. Cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài gồm:
3. Higher education institutions invested by foreigners include:

a) Cơ sở giáo dục đại học có 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài;
a) Higher education institutions 100% invested by foreigners

b) Cơ sở giáo dục đại học liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước.
b) Joint higher education institutions invested by foreigners and domestic investors.

Điều 8. Đại học quốc gia
Article 8. National universities

1. Đại học quốc gia là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển.
1. National universities are scientific and technological training and research centers of various professions, prioritized to develop by the State.

2. Đại học quốc gia có quyền chủ động cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy. Đại học quốc gia chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các bộ, ngành khác và Ủy ban nhân dân các cấp nơi đại học quốc gia đặt địa điểm, trong phạm vi chức năng theo quy định của Chính phủ và phù hợp với pháp luật.
2. National universities have the initiative in the activities of training, doing scientific, financial, international relation research and organize their own structure. National universities are under the State management of the Ministry of Education and Training, or the Ministries and sectors, People’s Committees all levels where the national universities are located as prescribed by the Government and law provisions.

Đại học quốc gia được làm việc trực tiếp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để giải quyết những vấn đề liên quan đến đại học quốc gia. Khi cần thiết, giám đốc đại học quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển của đại học quốc gia.
National universities are entitled to directly work with Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, People’s Committees of central-affiliated cities and provinces to solve the issues related to the national universities. If necessary, the directors of national universities shall send reports to the Prime Minister on the issues related to the operation and development of national universities.

3. Chủ tịch hội đồng đại học quốc gia và giám đốc, phó giám đốc đại học quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.
3. The council president, the director and deputy director of a national university is designated and discharged by the Prime Minister.

4. Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đại học quốc gia.
4. The Government shall specify the functions, tasks and power of national universities.

Điều 9. Phân tầng cơ sở giáo dục đại học
Article 9. Higher education institution classification

1. Cơ sở giáo dục đại học được phân tầng nhằm phục vụ công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện quản lý nhà nước.
1. Higher education institutions are classified in order to serve the higher education institution network planning consistent with the socio-economic development requirements and the plan for developing and improving the capability of scientific research and training of the higher education institutions; perform the State management.

2. Cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng nhằm đánh giá uy tín và chất lượng đào tạo; phục vụ công tác quản lý nhà nước và ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước.
2. The higher education institutions are ranked in order to assess the prestige and quality, serving the State management and investment priority for the State budget.

3. Cơ sở giáo dục đại học được phân tầng và xếp hạng theo các tiêu chí:
3. The higher education institution are classified and ranked under the following criteria:

a) Vị trí, vai trò trong hệ thống giáo dục đại học;
a) Their positions and roles in the higher education system;

b) Quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo;
b) Their scales, professions and training levels;

c) Cơ cấu các hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ;
c) Their science, technology and training mechanism;

d) Chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học;
d) The quality of training and scientific research;

đ) Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
dd) The higher education quality assessment results.

4. Cơ sở giáo dục đại học được phân tầng thành:
4. The higher education institution are classified into

a) Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu;
a) Higher education institutions towards research;

b) Cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng;
b) Higher education institutions towards application;

c) Cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành.
c) Higher education institutions towards practice;

5. Chính phủ quy định tiêu chuẩn phân tầng cơ sở giáo dục đại học; ban hành khung xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học theo mỗi tầng và tiêu chuẩn của từng hạng trong khung phục vụ công tác quản lý nhà nước và ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học.
5. The Government shall specify the standards of higher education institution classification; promulgate the higher education institution ranking bracket of each class and the standards of each rank in the bracket serving the State management and the priority of investment in higher education from the State budget.

Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng đối với đại học, trường đại học; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận xếp hạng đối với trường cao đẳng; căn cứ kết quả xếp hạng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định kế hoạch ưu tiên đầu tư, giao nhiệm vụ và cơ chế quản lý đặc thù đối với các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với nhu cầu nhân lực và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong từng giai đoạn.
The Prime Minister shall accredit the rankings of universities; the Minister of Education and Training shall accredit the rankings of colleges. Depending on the rankings, competent State management agencies shall make decisions on the plan of investment priority, the objectives and special management mechanism of the higher education institutions consistent with the demands for the workforce and the national socio-economic development in each period.

Căn cứ kết quả xếp hạng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi cơ sở giáo dục đại học đặt trụ sở hoặc có tổ chức hoạt động đào tạo để hỗ trợ cơ sở giáo dục đại học tư thục về đất đai, tín dụng và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Depending on the rankings, the Ministry of Education and Training shall cooperate with People’s Committees of central-affiliated cities and provinces (hereinafter referred to as provincial People’s Committees) where the higher education institutions are located or where their training activities are organized in order to support the private higher education institutions in land, credit and employee training.

Điều 10. Ngôn ngữ dùng trong cơ sở giáo dục đại học
Article 10. Language in higher education institutions

Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục đại học.
Vietnamese is the official language in higher education institutions

Căn cứ quy định của Thủ tướng Chính phủ, cơ sở giáo dục đại học quyết định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường.
Basing on the Prime Minister’s provision, the higher education institutions shall make decisions on using foreign languages in school.

Điều 11. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học
Article 11. Higher education institution network planning

1. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học là sự phân bố, sắp xếp hệ thống các trường cao đẳng, trường đại học, học viện, đại học, với cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp với quy mô dân số, vị trí địa lý, vùng lãnh thổ trên toàn quốc và từng địa phương, cho từng thời kỳ, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của đất nước.
1. Higher education institution network planning is the arrangement of the system of colleges, universities, academies with appropriate professions and training levels for the population, geographical locations nationwide and locally in each period, consistent with the strategy for socio-economic development and National defense and security.

2. Nguyên tắc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học:
2. Principles of higher education institution network planning

a) Phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành, vùng, địa phương; bảo đảm cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ và cơ cấu vùng miền; đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân;
a) Consistent with the strategy and planning for socio-economic development of the country, the sectors and the localities; assuring the profession structure, level structure and locality structure; satisfying the people’s demand for education;

b) Bảo đảm tính đa dạng, đồng bộ của hệ thống giáo dục đại học, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, với sản xuất và dịch vụ; từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế;
b) Assuring the diversity and uniformity of the higher education system, combining training with scientific research, production and services; step by step enhance the training quality, serving the industrialization, modernization and international integration.

c) Phù hợp với năng lực đầu tư của Nhà nước và khả năng huy động nguồn lực của toàn xã hội; tạo điều kiện để mọi người đều có cơ hội tham gia xây dựng cơ sở giáo dục đại học;
c) Consistent with the investment capability of the State and the resource mobilization of the society; creating favorable conditions for everyone to participate in the higher education institution construction.

d) Tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ chủ yếu, các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và các ngành trọng điểm, các vùng kinh tế trọng điểm và các vùng đặc biệt khó khăn.
d) Prioritizing the investment in the primary objectives, the key higher education institutions and key professions, key economic regions and impoverished areas.

3. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học gồm các nội dung chủ yếu sau:
3. The higher education institution network planning include the following contents:

a) Cơ cấu hệ thống giáo dục đại học và quy mô đào tạo theo ngành học, trình độ đào tạo, loại hình cơ sở giáo dục đại học;
a) The higher education system framework and the training scale by profession, training level and form of higher education institutions;

b) Phân bố các cơ sở giáo dục đại học theo tính chất, đặc điểm kinh tế - xã hội từng vùng, từng địa phương;
b) Locating higher education institutions basing on their properties and the local socio-economic characteristics;

c) Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục;
c) The teaching staff and education management staff;

d) Cơ sở vật chất, kỹ thuật.
d) Material and technical facilities.

4. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học.
4. The Prime Minister shall approve the higher education institution network planning.

Điều 12. Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học
Article 12. The State policies on higher education development

1. Phát triển giáo dục đại học để đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
1. Higher education development for training the qualified and quality workforce in order to satisfy the demand for socio-economic development and assure the National defense and security.

2. Tăng ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học; đầu tư có trọng điểm để hình thành một số cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao, theo định hướng nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, các ngành công nghệ cao và ngành kinh tế - xã hội then chốt đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.
2. Increasing the budget for higher education; concentrating the investment in high quality higher education institutions towards basic science, hi-tech and key socio-economic professions in order to reach the world-class level.

3. Thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học; ưu tiên về đất đai, thuế, tín dụng, đào tạo cán bộ để khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận; ưu tiên cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học tư thục có vốn đầu tư lớn, bảo đảm các điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật; cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục đại học vì mục đích vụ lợi.
3. Socializing the higher education, offer incentives for land, tax, credit and employee training in order to encourage non-profit foreign-capitalized higher education institutions and private higher education institutions; prioritizing the establishment of private higher education institutions with intensive investment, assure the establishment conditions as prescribed by law. It is prohibited to misuse the higher education activities for earning illegal profit.

4. Gắn đào tạo với nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với tổ chức nghiên cứu khoa học và với doanh nghiệp.
4. Combining training with research and application of science and technology; boosting the cooperation between higher education institutions, scientific research organizations and enterprises.

5. Nhà nước đặt hàng và bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với cơ sở giáo dục đại học có tiềm lực mạnh về khoa học và công nghệ.
5. The foreign shall place orders and assure the budget for the fulfillment of scientific and technological duties of higher education institutions that show high potential of science and technology.

6. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền và trách nhiệm tiếp nhận, tạo điều kiện để người học, giảng viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
6. Agencies, organizations and enterprises are entitled and responsible for receiving and facilitating the lecturers’ and students’ study, practice, scientific research and technology transfers, contributing to the training quality improvement.

7. Có chế độ thu hút, sử dụng và đãi ngộ thích hợp để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ và chức danh phó giáo sư, giáo sư của các cơ sở giáo dục đại học.
7. Formulating appropriate attraction and benefit policy in order to built and improve the teaching staff’s quality, concentrate on the teaching staff with PhD degree and associate professor, professor title in higher education institutions.

8. Thực hiện chính sách ưu tiên đối với đối tượng được hưởng chính sách xã hội, đối tượng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và đối tượng theo học các ngành đặc thù đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục đại học.
8. Implementing the preferential policies on subjects of social policies, subjects in ethnic areas, areas with poor socio-economic conditions and the subjects learning special profession satisfying the workforce demand for socio-economic development; achieving sexual equality in higher education.

Điều 13. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn thể và tổ chức xã hội trong cơ sở giáo dục đại học
Article 13. The Communist organizations, and social organizations in higher education institutions

1. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong cơ sở giáo dục đại học được thành lập và hoạt động theo quy định của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật.
1. The Communist organizations in higher education institutions are established and operated as prescribed in the Charter of the Communist Party of Vietnam within the scope of the Constitution and Law.

2. Đoàn thể, tổ chức xã hội trong cơ sở giáo dục đại học được thành lập và hoạt động theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và điều lệ của đoàn thể, tổ chức xã hội.
2. The social organizations in higher education institutions are established and operated under the Constitution, the Law and their own charter.

3. Cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm tạo điều kiện cho tổ chức Đảng, đoàn thể và tổ chức xã hội được thành lập và hoạt động theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
3. Higher education institutions are responsible for facilitate the establishment and operation of Communist organizations and social organizations as prescribed in Clause 1 and Clause 2 this Article.

Chương II
Chapter II

TỔ CHỨC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
ORGANIZATIONS OF HIGHER EDUCATION INSTITUTIONS

Mục 1. CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Section 1. The organizational structure of higher education institutions

Điều 14. Cơ cấu tổ chức của trường cao đẳng, trường đại học, học viện
Article 14. Organizational structure of colleges, universities and academies

1. Cơ cấu tổ chức của trường cao đẳng, trường đại học, học viện công lập gồm:
1. The organizational structure of public colleges, universities includes:

a) Hội đồng trường;
a) The school council;

b) Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường cao đẳng, trường đại học; giám đốc, phó giám đốc học viện;
b) The Principal, Deputy Principal of the college or the university; the Director, Deputy Director of the academy;

c) Phòng, ban chức năng;
c) Functional Departments;

d) Khoa, bộ môn; tổ chức khoa học và công nghệ;
d) Faculty, academic department; science and technology organizations;

đ) Tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
dd) Other organizations serving the training, scientific and technological research; production, trading and service facilities;

e) Phân hiệu (nếu có);
e) Other campuses (if any);

g) Hội đồng khoa học và đào tạo, các hội đồng tư vấn.
g) The Science and training council, the advisory councils.

2. Trường cao đẳng, trường đại học thành viên của đại học có cơ cấu tổ chức theo quy định trong Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học.
2. Colleges, universities affiliated to the university of which the organizational structure complies with the organization charter and the university operation.

3. Trường cao đẳng, trường đại học tư thục có cơ cấu tổ chức theo quy định tại các điểm b, c, d, đ, e và g khoản 1 Điều này và có hội đồng quản trị, ban kiểm soát.
3. Private colleges, universities with organizational structure as prescribed in Point b, c, d, dd, e and g Clause 1 this Article that have the Board of Directors, the Control Board.

4. Cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài được tự chủ về cơ cấu tổ chức.
4. Foreign-capitalized higher education institutions with independent organizational structure.

Điều 15. Cơ cấu tổ chức của đại học
Article 15. The organizational structure of universities

1. Hội đồng đại học.
1. The university council;

2. Giám đốc, phó giám đốc.
2. Director, Deputy Director.

3. Văn phòng, ban chức năng.
3.  Offices, functional departments;

4. Trường đại học thành viên; viện nghiên cứu khoa học thành viên.
4. Affiliated universities, affiliated scientific research institutes.

5. Trường cao đẳng thành viên; khoa, trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ.
5. Affiliated colleges, scientific and technological research faculties and centers.

6. Tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
6. Other organizations serving the training, scientific research; production, trading and service facilities;

7. Phân hiệu (nếu có).
7. Other campuses (if any);

8. Hội đồng khoa học và đào tạo, các hội đồng tư vấn.
8. The Science and training council, the advisory councils.

Điều 16. Hội đồng trường
Article 16. The school council;

1. Hội đồng trường được thành lập ở trường cao đẳng, trường đại học, học viện công lập.
1. The school councils are established at public colleges, universities and academies.

2. Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của nhà trường. Hội đồng trường có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
2. The school council is the administrative organization representing the school ownership. The school council has the following duties and authority:

a) Quyết nghị chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và quy chế về tổ chức và hoạt động của nhà trường;
a) Resolving the development plans, strategies, planning and the regulations on the school organization and operation;

b) Quyết nghị phương hướng hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục;
b) Resolving the orientation of operation, training, science and technology, international cooperation, assuring the education quality;

c) Quyết nghị về cơ cấu tổ chức và phương hướng đầu tư phát triển của nhà trường;
c) Resolving the organizational structure and the development roadmap of the school;

d) Quyết nghị về việc thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các tổ chức của cơ sở giáo dục đại học;
d) Resolving the establishment, merger, division, separation, dissolution of the organizations affiliated to the higher education institution;

đ) Giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng trường, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của nhà trường.
dd) Supervising the implementation of the School council’s resolutions, the implementation of the democratic regulations on the school activities.

3. Thành viên hội đồng trường:
3.  The School council members;

a) Hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, bí thư đảng ủy, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; đại diện một số khoa, đại diện cơ quan chủ quản cơ sở giáo dục đại học;
a) The principal, deputy principals, the Party Committee Secretary, the Union’s president, the Secretary Communist Youth Union of Ho Chi Minh City ; the representatives from a number of faculties, the representatives from the authorities in charge of the higher education institution;

b) Một số thành viên hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh.
b) A number of members working in education, science, technology, production and trading.

4. Chủ tịch hội đồng trường do thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm.
4. The President of the School council is designated by the Head of the competent State agency.

Tiêu chuẩn chủ tịch hội đồng trường như tiêu chuẩn của hiệu trưởng quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật này.
The standards of the President of the School council are similar to that of the principal as prescribed in Clause 2 Article 20 of this Law.

5. Nhiệm kỳ của hội đồng trường là 05 năm và theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng.
5. The tenure of the School council is 05 years and attached to the principal's tenure.

Hội đồng trường làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số.
The School council works on the principle of collectives and under the majority rule.

6. Thủ tục thành lập, số lượng và cơ cấu thành viên; nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường; nhiệm vụ và quyền hạn của chủ tịch, thư ký hội đồng trường; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch và các thành viên hội đồng trường được quy định cụ thể trong Điều lệ nhà trường.
6. The procedures for establishing, the quantity and the member framework, the duties and authority of the School council, the duties and authority of the President, the Secretary of the School council, the designation and discharge the President and other School council members are specified in the School Charter.

Điều 17. Hội đồng quản trị
Article 17. Board of Directors

1. Hội đồng quản trị được thành lập ở trường cao đẳng, trường đại học tư thục.
1. The Board of Directors are established at private colleges and universities.

2. Hội đồng quản trị là tổ chức đại diện duy nhất cho chủ sở hữu của nhà trường. Hội đồng quản trị có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
2. The Board of Directors is the only representative organization of the school ownership. The Board of Directors has the following duties and authority:

a) Tổ chức thực hiện các nghị quyết của đại hội đồng cổ đông;
a) Organizing the implementation of the resolutions of the Shareholder general assembly;

b) Quyết nghị chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và quy chế về tổ chức và hoạt động của nhà trường;
b) Resolving the development plans, strategies, planning and the regulations on the school organization and operation;

c) Quyết nghị phương hướng hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục;
c) Resolving the orientation of operation, training, science and technology, international cooperation, assuring the education quality;

d) Quyết nghị những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và phương hướng đầu tư phát triển của nhà trường;
d) Resolving the issues related to the organizations, personnel, finance, property and the orientation of the school investment and development;

đ) Giám sát việc thực hiện các nghị quyết của hội đồng quản trị, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của nhà trường.
dd) Supervising the implementation of the Board of Director’s resolutions, the implementation of the democratic regulations on the school activities.

3. Thành viên hội đồng quản trị:
3. The Board of Directors’ members;

a) Đại diện của các tổ chức, cá nhân có số lượng cổ phần đóng góp ở mức cần thiết theo quy định;
a) The representatives of organizations, individuals of which the shares are ample as prescribed;

b) Hiệu trưởng; đại diện cơ quan quản lý địa phương nơi cơ sở giáo dục đại học có trụ sở; đại diện tổ chức Đảng, đoàn thể; đại diện giảng viên.
b) The Principal, the representatives from local authorities where the offices of the higher education institution are located; the representatives of the Communist Party organizations; the representatives of the lecturers.

4. Chủ tịch hội đồng quản trị do hội đồng quản trị bầu theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín.
4. The President of Board of Directors is elected by the Board of Directors under the majority rule and ballot.

Chủ tịch hội đồng quản trị phải có trình độ đại học trở lên.
The President of Board of Directors must hold a Bachelor’s degree or above.

5. Nhiệm kỳ của hội đồng quản trị là 05 năm. Hội đồng quản trị làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số.
5. The tenure of the Board of Directors is 05 years. The Board of Directors works on the principle of collectives and under the majority rule.

6. Thủ tục thành lập, số lượng và cơ cấu thành viên; nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng quản trị; tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của chủ tịch, thư ký; việc công nhận, không công nhận hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, các thành viên hội đồng quản trị được quy định trong Điều lệ, Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
6. The procedures for establishing, the quantity and the member framework, the duties and authority of the Board of Directors, the duties and authority of the President, the Secretary, the recognition and non-recognition of the Board of Directors, the President of Board of Directors and other members of the Board of Directors are specified in the Charter and Regulation on the school organization and operation.

Điều 18. Hội đồng đại học
Article 18. The University Council;

1. Hội đồng đại học có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. The University Council has the following duties and authority:

a) Phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đại học;
a) Approving the university development plans, strategies and planning;

b) Quyết nghị về phương hướng hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục;
b) Resolving the orientation of operation, training, science and technology, international cooperation, assuring the education quality;

c) Quyết nghị về cơ cấu tổ chức và phương hướng đầu tư phát triển của đại học;
c) Resolving the organizational structure and the development roadmap of the university;

d) Quyết nghị về việc thành lập, giải thể, sáp nhập, chia, tách các tổ chức quy định tại khoản 3, 5, 6, 7 Điều 15 của Luật này; thông qua đề án thành lập, giải thể, sáp nhập, chia, tách các tổ chức quy định tại khoản 4 Điều 15 của Luật này;
d) Resolving the establishment, dissolution, merger, division and separation of the organizations specified in Clause 3, 5, 6, 7 Article 15 of this Law; passing the plans on the establishment, dissolution, merger, division and separation of the organizations specified in Clause 4 Article 15 of this Law;

đ) Giám sát việc thực hiện các nghị quyết của hội đồng đại học, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của đại học.
dd) Supervising the implementation of the University Council’s resolutions, the implementation of the democratic regulations on the university activities.

2. Thành viên hội đồng đại học gồm:
2. The members of the University Council include:

a) Giám đốc, các phó giám đốc; bí thư đảng ủy, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; hiệu trưởng các trường cao đẳng, đại học thành viên; viện trưởng các viện nghiên cứu khoa học thành viên;
a) The Director, Deputy Director, the Party Committee Secretary, the Union’s president, the Secretary Communist Youth Union of Ho Chi Minh City ; the Principals of the affiliated colleges and universities; the Directors of the affiliated scientific research institutes;

b) Đại diện cơ quan quản lý nhà nước; một số thành viên hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh.
b) The representatives of State management agencies; a number of members working in education, science, technology, production and trading.

3. Nhiệm kỳ của hội đồng đại học là 05 năm và theo nhiệm kỳ của giám đốc đại học. Hội đồng đại học làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số.
3. The tenure of the University Council is 05 years and attached to the Director’s tenure. The University Council works on the principle of collectives and under the majority rule.

4. Thủ tục thành lập, số lượng và cơ cấu thành viên; nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng đại học; tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của chủ tịch, thư ký; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch và các thành viên hội đồng đại học được quy định cụ thể trong Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học.
4. The procedures for establishing, the quantity and the member framework, the duties and authority of the University Council, the standards, duties and authority of the President, the Secretary of the School council, the designation and discharge the President and other members of the University Council are specified in the Charter on the University organization and operation.

Điều 19. Hội đồng khoa học và đào tạo
Article 19. The Science and Training Council

1. Hội đồng khoa học và đào tạo được thành lập theo quyết định của hiệu trưởng trường cao đẳng, trường đại học, giám đốc học viện, đại học, có nhiệm vụ tư vấn cho hiệu trưởng, giám đốc về việc xây dựng:
1. The Science and Training Councils are established under the decisions from the principals of colleges and universities, the Directors of the academies and universities, in charge of counseling the principals and directors on the construction of:

a) Quy chế, quy định về đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, tiêu chuẩn tuyển dụng giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên thư viện, phòng thí nghiệm;
a) The regulations and provisions on the training, science and technology activities, the standards of recruiting lecturers, researchers, library workers, laboratory workers;

b) Kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên của nhà trường;
b) The plans on developing the teaching staff and researching staff;

c) Đề án mở ngành, chuyên ngành đào tạo, triển khai và hủy bỏ các chương trình đào tạo; định hướng phát triển khoa học và công nghệ, kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ, phân công thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, khoa học và công nghệ.
c)The plans on training new professions and majors, deploying and canceling the training programs; guiding the scientific and technological development, the plans on science and technology activities, assigning the training, science and technology duties.

2. Hội đồng khoa học và đào tạo gồm: hiệu trưởng; các phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo, nghiên cứu khoa học; trưởng các đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học; các nhà khoa học có uy tín đại diện cho các lĩnh vực, ngành chuyên môn.
2. The Science and Training Council includes: the Principals, the Deputy Principals in charge on training and scientific research; the heads of training and scientific research units; the reputable scientists being the representatives form various professions.

Điều 20. Hiệu trưởng
Article 20. The Principal

1. Hiệu trưởng trường cao đẳng, trường đại học, giám đốc học viện, đại học (sau đây gọi chung là hiệu trưởng) là người đại diện cho cơ sở giáo dục đại học trước pháp luật, chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. Hiệu trưởng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận.
1. The principals of colleges, universities, the directors of academies and universities (hereinafter referred to as principals) are the representatives of higher education institutions before the law, being responsible for the management of the activities of higher education institutions. The principals are designated or accredited by competent State agencies.

Nhiệm kỳ của hiệu trưởng là 05 năm. Hiệu trưởng được bổ nhiệm và bổ nhiệm lại theo nhiệm kỳ và không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
The tenure of a principal is 05 years. The principals are designated and re-designated by tenure and not exceeding two consecutive tenures.

2. Tiêu chuẩn hiệu trưởng:
2. The standards of principals;

a) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 05 năm;
a) Having political credentials, having strong sense of dignity, having prestige within the science and education community, having capability of management and having participated in faculty management or department management in at least 05 years.

b) Có trình độ tiến sĩ đối với hiệu trưởng trường đại học, giám đốc học viện, đại học; có trình độ thạc sĩ trở lên đối với hiệu trưởng trường cao đẳng;
b) The principals of universities, the directors of academies and universities must have the doctorates; the principals of colleges must have the master’s degree or above

c) Có sức khoẻ tốt. Độ tuổi khi bổ nhiệm hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập bảo đảm để tham gia ít nhất một nhiệm kỳ hiệu trưởng.
c) Having good health. The age of a designated principal of a public higher education institution must be adequate for at least a principal’s tenure

3. Nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng:
3. The duties and authority of principals:

a) Ban hành các quy chế, quy định trong cơ sở giáo dục đại học theo nghị quyết của hội đồng trường, hội đồng quản trị, hội đồng đại học;
a) Promulgating the regulations and provisions of the higher education institutions under the resolutions from the School Council, the Board of Directors or the University Council;

b) Quyết định thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các tổ chức của cơ sở giáo dục đại học theo nghị quyết của hội đồng trường, hội đồng quản trị, hội đồng đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm và miễn nhiệm các chức danh trưởng, phó các tổ chức của cơ sở giáo dục đại học;
b) Making decisions on the merger, division, separation, dissolution of the organizations affiliated to the higher education institution under the resolutions from the School Council, the Board of Directors or the University Council; designating, discharging the chiefs and deputies of the organizations affiliated to the higher education institution;

c) Tổ chức thực hiện nghị quyết của hội đồng trường, hội đồng quản trị, hội đồng đại học;
c) Organizing the implementation of the resolutions from the School Council, the Board of Directors or the University Council;

d) Xây dựng quy hoạch và phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý;
d) Planning the development of teaching staff and management staff;

đ) Tổ chức thực hiện các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học;
dd) Organizing the training, scientific researches, international cooperation, assuring the higher education quality;

e) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và chịu sự giám sát, thanh tra, kiểm tra theo quy định;
e) Implementing the information and report regulations, subject to the supervisions and inspections as prescribed;

g) Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp thu ý kiến và chịu sự giám sát của cá nhân, tổ chức, đoàn thể trong cơ sở giáo dục đại học;
g) Building and implementing the internal democratic regulations; obtaining opinions and subject to the supervisions from individuals and organizations in the higher education institution;

h) Hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng và ban giám hiệu trước hội đồng trường, hội đồng quản trị, hội đồng đại học;
h) Reporting the duty fulfillment of the principal and the management board to the School Council, the Board of Directors, the University Council;

i) Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
i) Other duties and authority as prescribed by law provisions.

4. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập, chủ tịch hội đồng quản trị cơ sở giáo dục đại học tư thục là chủ tài khoản, chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ công tác quản lý tài chính và tài sản của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm công khai, minh bạch về tài chính theo quy định của pháp luật; chấp hành các quy định về kế toán và kiểm toán. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tư thục là đại diện chủ tài khoản theo ủy quyền, thực hiện quyền hạn và nghĩa vụ như chủ tài khoản trong phạm vi được ủy quyền.
4. The principals of public higher education institutions, the President of Board of Directors of private higher education institutions are the account owners and shall be responsible for the financial management and property management of the higher education institutions; enjoy the autonomy and bear the transparent financial responsibility as prescribed by law provisions; observing the provisions on accounting and audit. The principals of private higher education institutions authorized to represent the account owners shall have the authority and duties similar to that of the account owners as authorized.

Điều 21. Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học
Article 21. Higher education institution campus

1. Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học thuộc cơ cấu tổ chức và chịu sự quản lý, điều hành của cơ sở giáo dục đại học. Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học không có tư cách pháp nhân độc lập, đóng ở tỉnh, thành phố khác với nơi đặt trụ sở chính của cơ sở giáo dục đại học, chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt phân hiệu.
1. The branches of a higher education institution belong to its organizational structure and subject to its management. The branches of a higher education institution do not have independent legal status, situated in other provinces or cities different from that where the head office of the higher education institutions is situated, subject to the management of the provincial People’s Committee where the branches are situated.

2. Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học thực hiện các nhiệm vụ theo sự điều hành của hiệu trưởng, báo cáo với hiệu trưởng về các hoạt động của phân hiệu, báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt phân hiệu về các hoạt động liên quan đến thẩm quyền quản lý của địa phương.
2. The branches of a higher education institution shall fulfill their duties under the management of the principal and shall report their activities to the principal, report the activities related to the local management authority to the provincial People’s Committees where the branches are situated.

3. Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 22 của Luật này.
3. The branches of a higher education institution are established under the decisions from the Minister of Education and Training when the conditions specified in Article 22 of this Law are satisfied:

Mục 2. THÀNH LẬP, SÁP NHẬP, CHIA, TÁCH, GIẢI THỂ CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC; CHO PHÉP, ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO
Section 2. THE ESTABLISHMENT, MERGER, DIVISION, SEPARATION, DISSOLUTION OF HIGHER EDUCATION INSTITUTIONS: AUTHORIZING, SUSPENDING THE TRAINING ACTIVITIES

Điều 22. Điều kiện thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học
Article 22. Conditions for establishing or approving the establishment of higher education institutions

1. Cơ sở giáo dục đại học được thành lập hoặc cho phép thành lập khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. A higher education institution is established or authorized to be established when the following conditions are satisfied:

a) Có dự án thành lập phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đã được phê duyệt;
a) Having the establishment project consistent with the socio-economic development planning and the approved higher education institution network planning;

b) Có chấp thuận bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của cơ sở giáo dục đại học về việc thành lập cơ sở giáo dục đại học và xác nhận về quyền sử dụng đất;
b) Having the written consent from the provincial People’s Committee where the head office of the higher education institution is situated about the establishment of the higher education institutions and the certification of the land tenancy;

c) Có xác nhận về khả năng tài chính đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục đại học của cơ quan có thẩm quyền;
c) Having the certification of the financial capability of the investment in the construction of the higher education institution from competent agencies;

d) Đối với cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài còn phải có Giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan có thẩm quyền.
d) For foreign-capitalized higher education institutions, the Investment certificate from competent agencies is required.

2. Sau thời hạn 04 năm, kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực, nếu cơ sở giáo dục đại học không được cho phép hoạt động đào tạo thì quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập hết hiệu lực.
2. After 04 years as from the decision on the establishment or the decision on approving the establishment takes effect, if the higher education institution is banned from training activities, the decision on the establishment or the decision on approving the establishment shall be invalidated.

Điều 23. Điều kiện để được cho phép hoạt động đào tạo
Article 23. Conditions for training activities

1. Cơ sở giáo dục đại học được cho phép hoạt động đào tạo khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. A higher education institution is allowed to do training activities when the following conditions are satisfied:

a) Có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học;
a) Having the decision on the establishment or the decision on approving the establishment of the higher education institution;

b) Có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, ký túc xá sinh viên, cơ sở phục vụ giáo dục thể chất đáp ứng yêu cầu hoạt động đào tạo; địa điểm xây dựng bảo đảm môi trường sư phạm, an toàn cho người học, người dạy và người lao động theo nội dung dự án đã cam kết;
b) Having land, facilities, equipment, dorms, PE facilities serving the demands for training activities; the construction location must satisfy the pedagogic principles, must be safe for students, teachers and other workers under the committed project;

c) Có chương trình đào tạo và giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định;
c) Having the training programs and teaching materials as prescribed;

d) Có đội ngũ giảng viên cơ hữu và cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu;
d) Having adequate full-time teaching staff and management staff that are professionally qualified ;

đ) Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;
dd) Having sufficient financial resources for sustaining and developing the higher education institution operation;

e) Có quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
e) Having the regulations on the organization and operation of the higher education institution.

2. Sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày quyết định cho phép hoạt động đào tạo có hiệu lực, nếu cơ sở giáo dục đại học không triển khai hoạt động đào tạo thì quyết định cho phép hoạt động đào tạo hết hiệu lực.
2. After 03 years as from the decision on authorizing the training activities takes effect, if the higher education institution does not engage in the training activities, such decision shall be invalidated.

Điều 24. Sáp nhập, chia, tách cơ sở giáo dục đại học
Article 24. Merging, dividing, separating higher education institutions

Việc sáp nhập, chia, tách cơ sở giáo dục đại học phải bảo đảm các yêu cầu sau:
The merger, division and separation of higher education institutions must satisfy the following requirements:

1. Phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học;
1. Conformable with the higher education institution network planning;

2. Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội;
2. Satisfying the demands for socio-economic development;

3. Bảo đảm quyền lợi của giảng viên, viên chức, người lao động và người học;
3. Assuring the interests of lecturers, officials, employees and students;

4. Góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học.
4. Contributing to higher education quality and efficiency improvement.

Điều 25. Đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở giáo dục đại học
Article 25. Suspending the training activities of higher education institutions

1. Cơ sở giáo dục đại học bị đình chỉ hoạt động đào tạo trong những trường hợp sau đây:
1. The higher education institution shall have their training activities suspended in the following cases:

a) Có hành vi gian lận để được thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo;
a) Committing fraud acts in order to get the approval for the establishment or the training activities;

b) Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này;
b) Not satisfying one of the conditions specified in Clause 1 Article 23 of this Law;

c) Người cho phép hoạt động đào tạo không đúng thẩm quyền;
c) The person in charge of approving training activities is not competent;

d) Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ hoạt động;
d) Committing violations of law provisions on education that are liable to administrative sanctions being suspending the operation;

đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
dd) Other cases as prescribed by law provisions.

2. Quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo phải xác định rõ lý do đình chỉ, thời hạn đình chỉ, biện pháp bảo đảm lợi ích hợp pháp của giảng viên, người lao động và người học. Quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
2. The decision on suspending the training activities must specify the reasons, the duration and the measures for assuring the lawful interests of the lecturers, the employees and the students. The decision on suspending the training activities must be publicly announced on means of mass media

3. Sau thời hạn đình chỉ, nếu nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ được khắc phục thì người có thẩm quyền quyết định đình chỉ ra quyết định cho phép tiếp tục hoạt động đào tạo.
3. After the suspension expires, if the causes of the suspensions are remedied, the person competent to make the decision on suspension shall make the decision on continue the training activities.

Điều 26. Giải thể cơ sở giáo dục đại học
Article 26. Dissolving higher education institutions

1. Cơ sở giáo dục đại học bị giải thể trong những trường hợp sau đây:
1. The higher education institution shall be dissolved in the following cases:

a) Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật;
a) Seriously violating the law provisions;

b) Hết thời hạn đình chỉ hoạt động đào tạo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ;
b) Failing to remedy the cause of the suspension after it expires;

c) Mục tiêu và nội dung hoạt động trong quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học không còn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội;
c) The operation contents and target in decision on the establishment or the decision on approving the establishment of the higher education institution are no longer appropriate for the socio-economic development requirements;

d) Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục đại học;
d) The dissolution is requested by the organizations and individuals that establish the higher education institution;

đ) Không thực hiện đúng cam kết theo dự án được phê duyệt sau thời hạn 05 năm, kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực.
dd) Failing to fulfill the commitment of the approved project after 05 years as from day the decision on the establishment or the decision on approving the establishment takes effect.

2. Quyết định giải thể cơ sở giáo dục đại học phải xác định rõ lý do giải thể, các biện pháp bảo đảm lợi ích hợp pháp của giảng viên, người học và người lao động. Quyết định giải thể cơ sở giáo dục đại học phải được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
2. The decision on dissolving the higher education institution must specify the reasons, the duration and the measures for assuring the lawful interests of the lecturers, the employees and the students. The decision on dissolving the higher education institution must be publicly announced on means of mass media

Điều 27. Thủ tục và thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục đại học
Article 27. Procedures and authority for establishing, approving the establishment, the training activities, suspending the training activities, merging, dividing, separating and dissolving higher education institutions

1. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể điều kiện và thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học, học viện, đại học và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.
1. The Prime Minister shall specify the conditions and procedures for establishing, approving the establishment, the training activities, suspending the training activities, merging, dividing, separating and dissolving universities, academies and foreign-capitalized higher education institutions

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể điều kiện và thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường cao đẳng.
The Minister of Education and Training  shall specify the conditions and procedures for establishing, approving the establishment, the training activities, suspending the training activities, merging, dividing, separating and dissolving colleges.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập đại học, học viện, trường đại học công lập; quyết định cho phép thành lập trường đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.
2. The Prime Minister shall make decisions on establishing public universities and academies; decisions on approving the establishment of private universities and foreign-capitalized higher education institutions

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập trường cao đẳng công lập; quyết định cho phép thành lập trường cao đẳng tư thục.
The Minister of Education and Training shall make decisions on establishing public colleges; decisions on approving the establishment of private colleges.

3. Người có thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học thì có thẩm quyền quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục đại học.
3. The persons competent to establish or authorize the establishment of higher education institutions are also competent to make decisions on the merger, division, separation, dissolution of higher education institutions.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo đối với trường cao đẳng, trường đại học, học viện, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.
4. The Minister of Education and Training shall make decisions on approving, suspending the training activities of colleges, universities, academies, scientific research institutes eligible for doctorate training and foreign-capitalized higher education institutions.

Chương III
Chapter III

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
DUTIES AND AUTHORITY OF HIGHER EDUCATION INSTITUTIONS

Điều 28. Nhiệm vụ và quyền hạn của trường cao đẳng, trường đại học, học viện
Article 28. Duties and authority of colleges, universities and academies

1. Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển cơ sở giáo dục đại học.
1. Formulating the university development plans and strategies;

2. Triển khai hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.
2. Deploying the science, technology and training activities, international cooperation, assuring the education quality;

3. Phát triển các chương trình đào tạo theo mục tiêu xác định; bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo.
3. Developing the training programs towards the determined target; assuring the connection among the training programs and levels.

4. Tổ chức bộ máy; tuyển dụng, quản lý, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động.
4. Organizing the mechanism, recruitment, management and improvement of the teaching staff, the management staff and other employees.

5. Quản lý người học; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của giảng viên, viên chức, nhân viên, cán bộ quản lý và người học; dành kinh phí để thực hiện chính sách xã hội đối với đối tượng được hưởng chính sách xã hội, đối tượng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; bảo đảm môi trường sư phạm cho hoạt động giáo dục.
5. Managing the students; assuring the lawful rights and interests of the lecturers, management staff, other employees and students; allocating budget for the implementation of social policies on subjects of social policies, subjects in ethnic areas, areas with poor socio-economic conditions and the subjects learning special profession satisfying the workforce demand for socio-economic development; assuring the pedagogic environment.

6. Tự đánh giá chất lượng đào tạo và chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục.
6. Actively assessing the training quality and subject to the education quality inspections.

7. Được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, cơ sở vật chất; được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật.
7. Using land and facilities allocated or leased out by the State; enjoying tax exemption and reduction as prescribed by law.

8. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực; xây dựng và tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị.
8. Mobilizing, managing and using the resources; building and enhancing the facilities, investing in equipment.

9. Hợp tác với các tổ chức kinh tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao, y tế, nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài.
9. Cooperating with domestic and foreign economic, educational, cultural, sports, medical, scientific research organizations

10. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và chịu sự kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ sở giáo dục đại học đặt trụ sở hoặc có tổ chức hoạt động đào tạo theo quy định.
10. Implement the regulations on information and reports, subject to the inspections from the Ministry of Education and Training, relevant Ministries, sectors and provincial People’s Committees where the higher education institutions are situated or organize training activities as prescribed.

11. Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
11. Other duties and authority as prescribed by law provisions.

Điều 29. Nhiệm vụ và quyền hạn của đại học
Article 29. Duties and authority of universities

1. Nhiệm vụ và quyền hạn của đại học:
1. Duties and authority of universities

a) Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển đại học;
a) Formulating the university development plans and strategies;

b) Quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động đào tạo của đại học;
b) Managing, operating, organizing the training activities of universities;

c) Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực, chia sẻ tài nguyên và cơ sở vật chất dùng chung trong đại học;
c) Mobilizing, managing and using the resources; sharing the facilities of universities;

d) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và chịu sự kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đại học đặt trụ sở theo quy định;
d) Implement the regulations on information and reports, subject to the inspections from the Ministry of Education and Training, the Governmental Inspectors, relevant Ministries, sectors and provincial People’s Committees where universities are situated as prescribed.

đ) Được chủ động cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức bộ máy;
dd) Enjoying the autonomy in the activities of training, researches of science, technology, finance, international relation and organizational mechanism;

e) Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
e) Other duties and authority as prescribed by law provisions.

2. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học thành viên.
2. The Prime Minister shall promulgate the Regulation on the organization and operation of national universities and their affiliated higher education institutions; the Minister of Education and Training shall promulgate the Regulation on the organization and operation of regional universities and their affiliated higher education institutions.

Điều 30. Nhiệm vụ và quyền hạn của viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ
Article 30. Duties and authority of scientific research institutes eligible of doctorate training.

1. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định về đào tạo trình độ tiến sĩ.
1. Fulfilling the duties and exercising the authority as prescribed by law provisions on doctorate training.

2. Phải có đơn vị chuyên trách là khoa, phòng hoặc ban để tổ chức và quản lý đào tạo trình độ tiến sĩ.
2. Having specialized units being faculties or departments to organize and manage doctorate training.

Điều 31. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài
Article 31. Duties and authority of foreign-capitalized higher education institutions

1. Xây dựng và thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giảng dạy, nghiên cứu khoa học; xây dựng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, thiết bị, giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập; bảo đảm chất lượng và thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục đại học; tổ chức hoạt động đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật.
1. Building and achieving the objectives, carrying out the training programs, scientific research; building the teaching staff, facilities, equipment and teaching materials; assuring the quality and carrying out higher education quality inspections; organizing the training activities, awarding qualifications and certificates as prescribed by law.

2. Tổ chức và hoạt động theo quyết định cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo.
2. Organizing and operating under the decisions on approving the establishment, the training activities.

3. Công khai cam kết chất lượng đào tạo, công khai về nguồn lực và tài chính.
3. Publicly offering guarantee of the training quality, disclosing the resources and finance

4. Chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Subject to the State management of education of the Ministry of Education and Training.

Định kỳ báo cáo về tình hình hoạt động và giải trình theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, cơ quan có thẩm quyền và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài đặt trụ sở và hoạt động.
Periodically reporting the operation and making explanations at the request from the Ministry of Education and Training, relevant Ministries, sectors and provincial People’s Committees where the foreign-capitalized higher education institutions are situated.

5. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người học, giảng viên và những người lao động khác, kể cả trong trường hợp chấm dứt hoặc buộc phải chấm dứt hoạt động trước thời hạn.
5. Assuring the lawful rights and interests of the students, lecturers and other employees, including the early termination of operation.

6. Tôn trọng pháp luật, phong tục, tập quán của Việt Nam.
6. Observing the Vietnam’s law and traditions.

7. Được Nhà nước bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
7. Having their the lawful rights and interests protected by the State as prescribed by Vietnam’s law provisions and the International Agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

8. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
8. Other duties and authority as prescribed by law provisions.

Điều 32. Quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học
Article 32. The autonomy of higher education establishments

1. Cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.
1. Higher education institutions are independent in the primary activities such as organization, personnel, finance, property, training, science and technology, international cooperation, assuring the higher education quality. Higher education institutions shall enjoying greater autonomy depending on the capability, the rankings and the education quality assessment results

2. Cơ sở giáo dục đại học không còn đủ năng lực thực hiện quyền tự chủ hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện quyền tự chủ, tùy thuộc mức độ, bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Higher education institutions incapable of autonomy or committing law violations while enjoying the autonomy shall be handled as prescribed by law depending on the seriousness.

Chương IV
Chapter IV

HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO
TRAINING ACTIVITIES

Điều 33. Mở ngành, chuyên ngành đào tạo
Article 33. Training new professions and majors

1. Điều kiện để cơ sở giáo dục đại học được mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ:
1. The conditions for training new professions and majors at colleges, universities, or master’s, doctorate level:

a) Ngành và chuyên ngành đăng ký đào tạo phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, cả nước cũng như của từng lĩnh vực;
a) The professions and majors being trained are conformable with the demands for the workforce serving the socio-economic development of the locality, the region, the entire country or in each field;

b) Có đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu;
b) Having structurally, quantitatively and qualitatively qualified full-time teaching staff and scientific staff;

c) Có cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập;
c) Having facilities, equipment, libraries and teaching materials sufficiently satisfying the teaching and learning requirements;

d) Có chương trình đào tạo bảo đảm chuẩn kiến thức và kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp và đáp ứng yêu cầu liên thông giữa các trình độ và với các chương trình đào tạo khác.
d) The training programs can satisfy the standards of knowledge and skills of the students after graduated and satisfy the requirements for educational transfer among the levels and other training programs.

2. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể điều kiện, trình tự, thủ tục mở hoặc đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học và ngành hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; quyết định cho phép mở hoặc đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, ngành hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
2. The Minister of Education and Training shall specify the conditions and procedures for establishing or suspending the profession training at college, university level, the profession training or major training at master’s and doctorate level; make decisions on approving the establishment or suspending the profession training at college, university level, the profession training or major training at master’s and doctorate level.

Đại học quốc gia, các cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, ngành hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo đã được phê duyệt thuộc lĩnh vực đào tạo của nhà trường khi có đủ năng lực đáp ứng các điều kiện theo quy định.
National universities, higher education institutions meeting national standards are entitled to be independent and responsible for the establishment of new profession training at college or university level,  profession training or major training at master’s and doctorate level within the list of profession training and major training that have been approved belonging to the scope of training of the school when the conditions are satisfied as prescribed.

Điều 34. Chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh
Article 34. Enrolment targets and enrolment organization

1. Chỉ tiêu tuyển sinh:
1. Enrolment targets:

a) Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, phù hợp với các điều kiện về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và thiết bị;
a) The enrolment targets are set on the basis of the requirements for socio-economic development and the workforce development planning, consistent with the quantitative and qualitative conditions of the teaching staff, facilities and equipment.

b) Cơ sở giáo dục đại học tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chịu trách nhiệm công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học;
b) Higher education institutions shall autonomously determine the enrolment targets, be responsible for disclosing the enrolment targets, the training quality and the conditions assuring the training quality.

c) Cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh thì tuỳ theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
c) Higher education institutions committing violations of the provisions on enrolment targets shall be handled as prescribed by law depending on the seriousness.

2. Tổ chức tuyển sinh:
2. Enrolment organization:

a) Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển;
a) The methods of enrolment include: entrance exams, profile evaluation or combination methods;

b) Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.
b) higher education institutions shall autonomously make decisions on the enrolment methods and bear responsibilities for the enrolment.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và ban hành quy chế tuyển sinh.
3. The Minister of Education and Training shall specify the determination of enrolment targets and promulgate the enrolment regulation.

Điều 35. Thời gian đào tạo
Article 35. Training duration

1. Thời gian đào tạo các trình độ của giáo dục đại học thực hiện theo hình thức giáo dục chính quy quy định tại Điều 38 của Luật giáo dục.
1. The training duration at higher education levels shall be carried out in the form of formal education specified in Article 38 of the Law on Education.

2. Thời gian đào tạo theo tín chỉ được xác định trên cơ sở số học phần và khối lượng tín chỉ tích lũy quy định cho từng chương trình và trình độ đào tạo.
2. The duration of credit-based are determined on the basis of quantity of subjects and credits of each program and level of training.

Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định số học phần và khối lượng tín chỉ tích lũy cho từng chương trình và trình độ đào tạo.
The principal of the higher education institution shall determine the quantity of subjects and credits of each program and level of training.

3. Thời gian đào tạo mỗi trình độ của giáo dục đại học thực hiện theo hình thức giáo dục thường xuyên dài hơn ít nhất là một học kỳ so với thời gian đào tạo theo hình thức giáo dục chính quy.
3. The training duration at each higher education level carried out in the form of continuing education must be at least one-semester longer than the training duration in the form of formal education.

Điều 36. Chương trình, giáo trình giáo dục đại học
Article 36. Higher education programs and textbooks

1. Chương trình đào tạo:
1. Training program:

a) Chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học gồm: mục tiêu, chuẩn kiến thức, kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp; nội dung đào tạo, phương pháp đánh giá đối với mỗi môn học và ngành học, trình độ đào tạo; bảo đảm yêu cầu liên thông giữa các trình độ và với các chương trình đào tạo khác;
a) The training programs at the college and university level include: the targets, skill and knowledge standards of students after graduated; the training contents, assessment methods of each subject, profession and training level; satisfying the requirements for educational transfer between the levels and other training programs;

b) Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ gồm: mục tiêu, chuẩn kiến thức, kỹ năng của học viên, nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp; khối lượng kiến thức, kết cấu chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, luận văn, luận án;
b) Training programs at master’s and doctorate level include: the targets, skill and knowledge standards of students and graduate students after graduated; the volume of knowledge, the structure of the Training programs at master’s and doctorate level theses and dissertations

c) Cơ sở giáo dục đại học được sử dụng chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục nước ngoài đã được kiểm định và công nhận về chất lượng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo các trình độ của giáo dục đại học;
c) Higher education institutions are entitled to adopt foreign training programs of which the quality has been evaluated and recognized in order to serve the higher education training at different levels.

d) Cơ sở giáo dục đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ;
d) Higher education institutions are autonomous and responsible for the development, appraisal and introduction of the training programs at college, university, master’s and doctorate levels;

đ) Cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng chương trình đào tạo và thực hiện chương trình đào tạo đã được kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam, bảo đảm không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng, không có nội dung xuyên tạc lịch sử, ảnh hưởng xấu đến văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục và đoàn kết các dân tộc Việt Nam, hòa bình, an ninh thế giới; không có nội dung truyền bá tôn giáo;
dd) Foreign-capitalized higher education institutions are autonomous and responsible for the development and implementation of the training programs evaluated by a Vietnam’s education quality assessment organization that do not harm the National defense and security, social interests, that do not distort history or negatively impact the culture, ethics, good customs, good traditions and solidarity of Vietnam’s communities as well as the world peace and security, that do not contain religious propagation;

e) Chương trình đào tạo theo hình thức giáo dục thường xuyên có nội dung như chương trình đào tạo theo hình thức giáo dục chính quy.
e) The contents of training programs in the form of continuing education are similar to that of the training programs in the form of formal education.

2. Giáo trình giáo dục đại học:
2. Higher education textbooks:

a) Giáo trình giáo dục đại học cụ thể hóa yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình đào tạo đối với mỗi môn học, ngành học bảo đảm mục tiêu của các trình độ đào tạo của giáo dục đại học;
a) Higher education textbooks must specify the requirements for knowledge and skills in the training program of each subject and each profession, aiming for the targets of the training level

b) Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn giáo trình sử dụng chung các môn lý luận chính trị, quốc phòng - an ninh để làm tài liệu giảng dạy, học tập trong các cơ sở giáo dục đại học;
b) The Ministry of Education and Training shall organize the compilation of the textbooks for the political theory and National defense subjects;

c) Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, duyệt giáo trình giáo dục đại học để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập trong cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở thẩm định của Hội đồng thẩm định giáo trình do hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học thành lập;
c) The principals of higher education institutions shall organize the compilation or select and approve the higher education textbooks in accordance with the appraisal from the textbook appraisal council established by the principal;

d) Cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện các quy định về sở hữu trí tuệ và bản quyền trong sử dụng giáo trình và công bố công trình nghiên cứu khoa học.
d) Higher education institutions must implement the provisions on intellectual property and copyright during the use of textbooks and announcement of scientific research works.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học; quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; quy định các môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo đối với các trình độ đào tạo của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài; quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục đại học.
3. The Minister of Education and Training shall specify the minimum knowledge volume and requirements that the student must reach after graduated regarding each training level of higher education; specify the compulsory subjects in the training programs of foreign-capitalized higher education institutions; specify the compilation, selection, appraisal, approval and use of higher education textbooks and teaching documents.

Điều 37. Tổ chức và quản lý đào tạo
Article 37. Training organization and management

1. Việc tổ chức và quản lý đào tạo được thực hiện theo niên chế hoặc tín chỉ.
1. The training organization and management are carried out by year or by credit.

2. Cơ sở giáo dục đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức và quản lý đào tạo theo khóa học, năm học và học kỳ, thực hiện quy chế và chương trình đào tạo đối với mỗi trình độ đào tạo, hình thức đào tạo.
2. Higher education institutions are autonomous and responsible for the by course, by academic year and by semester, implement the regulations and training programs of each training level and training form.

3. Cơ sở giáo dục đại học chỉ được liên kết đào tạo trình độ cao đẳng, đại học theo hình thức giáo dục thường xuyên với cơ sở giáo dục là trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân với điều kiện cơ sở giáo dục được liên kết đào tạo bảo đảm các yêu cầu về môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện và cán bộ quản lý.
3. Higher education institutions are only allowed to cooperate in college and university education in the form of continuing education with other universities, colleges, vocational intermediate schools, provincial continuing education centers, schools affiliated to State agencies, political organizations, socio-political organizations, the People’s armed forces as long as the associate educational institutions can satisfy the requirements for pedagogic environment, facilities, libraries and management staff.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế đào tạo và liên kết đào tạo.
4. The Minister of Education and Training shall promulgate the regulations on training and associate training.

Điều 38. Văn bằng giáo dục đại học
Article 38. Higher education diplomas

1. Văn bằng giáo dục đại học được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp một trình độ đào tạo theo một hình thức đào tạo, gồm: bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ.
1. The higher education diplomas are issued to students after graduated from a training level under a training form, including: College degree, university degree, master’s degree and doctorate degree.

a) Sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo cao đẳng, có đủ điều kiện thì được dự thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp, nếu đạt yêu cầu hoặc tích lũy đủ số tín chỉ theo quy định và đáp ứng chuẩn đầu ra của cơ sở giáo dục đại học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng;
a) The students completing the college program shall take the final exam or do the dissertation if eligible. If the exam is passed or the cumulative credit quantity is sufficient, and other out put standards of the higher education institution are satisfied, the principal shall issued the college degree;

b) Sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo đại học, có đủ điều kiện thì được dự thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp, nếu đạt yêu cầu hoặc tích lũy đủ số tín chỉ theo quy định và đáp ứng chuẩn đầu ra của cơ sở giáo dục đại học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp bằng tốt nghiệp đại học;
b) The students completing the university program shall take the final exam or do the dissertation if eligible. If the exam is passed or the cumulative credit quantity is sufficient, and other out put standards of the higher education institution are satisfied, the principal shall issued the university degree;

c) Học viên hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ, có đủ điều kiện thì được bảo vệ luận văn, nếu đạt yêu cầu theo quy định thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp bằng thạc sĩ;
c) The students completing the master’s program shall do the dissertation if eligible. If the dissertation is passed, the principal shall issued the master’s degree;

d) Nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ, có đủ điều kiện thì được bảo vệ luận án, nếu đạt yêu cầu theo quy định thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp bằng tiến sĩ.
d) The graduate students completing the doctorate program shall do the dissertation if eligible. If the dissertation is passed, the principal shall issued the doctorate degree;

2. Cơ sở giáo dục đại học in phôi văn bằng, cấp văn bằng cho người học; công bố công khai các thông tin liên quan về văn bằng cho người học trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học.
2. Educational institutions shall print and issued diplomas to students, disclosing the information about the diplomas on their websites.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mẫu văn bằng giáo dục đại học; việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ văn bằng giáo dục đại học; quy định trách nhiệm và thẩm quyền cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam khi liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài; quy định trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện việc cấp văn bằng giáo dục đại học tại Việt Nam; ký hiệp định tương đương và công nhận văn bằng với các nước, tổ chức quốc tế; quy định trình tự, thủ tục công nhận văn bằng giáo dục đaị học do cơ sở giáo dục đại học nước ngoài cấp.
3. The Minister of Education and Training shall specify the higher education diplomas form; the printing, management, issuance, recall and annulment of higher education diplomas; specify the responsibilities and authority for diploma issuance of Vietnam’s higher education institutions in training cooperation with foreign higher education institutions; specify the responsibilities of foreign-capitalized higher education institutions issuing higher education diplomas in Vietnam; sign the mutual diploma recognition agreements with other countries and international organizations; specify the procedures for recognizing the higher education diplomas issued by foreign higher education institutions.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định văn bằng công nhận trình độ kỹ năng thực hành, ứng dụng cho những người được đào tạo chuyên sâu sau khi tốt nghiệp đại học ở một số ngành chuyên môn đặc thù.
4. The Minister of Education and Training shall take lead and cooperate with other Ministries and Heads of ministerial-level agencies to specify the diplomas for recognizing the practice and application skills of persons that undergo extensive training after university graduation in a number of special profession.

Chương V
Chapter V

HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
SCIENCE AND TECHNOLOGY ACTIVITIES

Điều 39. Mục tiêu hoạt động khoa học và công nghệ
Article 39. The targets of science and technology activities

1. Nâng cao chất lượng giáo dục đại học, năng lực nghiên cứu và khả năng ứng dụng khoa học và công nghệ của giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý, viên chức.
1. Improving the higher education quality, the science and technology research and application capability of lecturers, researchers, management staff and other employees.

2. Hình thành và phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho người học; phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao.
2. Building and developing the scientific research capability for students; spotting and cultivating talent in order to satisfy the requirements for skilled workforce.

3. Tạo ra tri thức, công nghệ, giải pháp mới để phát triển khoa học và giáo dục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
3. Creating new solution, knowledge and technology for scientific and educational development, contributing to socio-economic development, assure the National defense and security.

Điều 40. Nội dung hoạt động khoa học và công nghệ
Article 40. The contents of science and technology activities

1. Nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học giáo dục, khoa học công nghệ để tạo ra tri thức và sản phẩm mới.
1. Doing basic science, social science, educational science and technology researches for creating new knowledge and products.

2. Ứng dụng các kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống.
2. Applying the technology transfer and research results to the practice production and life.

3. Xây dựng các phòng thí nghiệm, các cơ sở nghiên cứu phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, các vườn ươm công nghệ, gắn phát triển công nghệ với tạo sản phẩm mới.
3. Building the laboratories and research institutions serving scientific research, training, and technological cultivation, integrating technological development with new product creation.

4. Tham gia tuyển chọn, tư vấn, phản biện, thực hiện các nhiệm vụ, hợp đồng khoa học và công nghệ, các nhiệm vụ theo đơn đặt hàng.
4. Participating in the recruitment, consultation, performance of the science and technology contracts, duties and other ordered duties.

Điều 41. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học trong hoạt động khoa học và công nghệ
Article 41. Duties and authority of higher education institutions in science and technology activities

1. Xây dựng, thực hiện chiến lược và kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ.
1. Formulating the science and technology development plans and strategies;

2. Nghiên cứu khoa học và công nghệ để phục vụ và nâng cao chất lượng đào tạo.
2. Doing scientific and technological researches for improving the training quality.

3. Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra tri thức, công nghệ, giải pháp mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với năng lực khoa học, công nghệ của nhà trường.
3. Doing scientific research and technology transfers in order to create new solutions, technology and knowledge, contributing in socio-economic development consistently with the science and technology capability of the school.

4. Tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc ký kết hợp đồng khoa học và công nghệ; thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
4. Being independent and responsible for the science and technology contract conclusion; performing the science and technology duties, participating in the selection and performance of science and technology duties.

5. Sử dụng tiền, tài sản, giá trị tài sản trí tuệ, các nguồn thu hợp pháp để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, sản xuất kinh doanh.
5. Using money, property, intellectual property and other lawful revenues to perform the science and technology duties, production and business.

6. Thành lập tổ chức nghiên cứu và phát triển, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
6. Establishing organizations of research and development, organizations of science and technology services, science and technology enterprises.

7. Được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; chuyển giao, chuyển nhượng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ; công bố kết quả hoạt động khoa học và công nghệ.
7. Having the intellectual property rights protected; being entitled to transfer the results of science and technology activities, announcing the results of science and technology activities.

8. Bảo vệ lợi ích của Nhà nước và xã hội; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; giữ bí mật khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật.
8. Protecting the interests of the State and the society; the lawful rights and interests of organizations and individuals engaging in science and technology activities; protecting the science and technology confidentiality as prescribed by law.

9. Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
9. Other duties and authority as prescribed by law provisions.

Điều 42. Trách nhiệm của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ
Article 42. The responsibilities of the State for scientific and technological development

1. Chính phủ quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học, ưu tiên cho các cơ sở giáo dục đại học có tiềm lực mạnh về nhân lực nghiên cứu và triển khai ứng dụng.
1. The Government shall specify the investment in developing the potential and encouraging science and technology activities in higher education institutions, prioritizing the higher education institutions with great potential workforce of research and application.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng chính sách ưu tiên đầu tư phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.
2. The Ministry of Science and Technology shall take lead and cooperate with the Ministry of Education and Training, the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance in formulating the policies on investment in scientific and technological development in higher education institutions.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành có liên quan quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.
3. The Ministry of Education and Training shall take lead and cooperate with the Ministry of Science and Technology, other relevant Ministries and sectors in elaborating the science and technology activities in higher education institutions.

Chương VI
Chapter VI

HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC QUỐC TẾ
INTERNATIONAL COOPERATION

Điều 43. Mục tiêu hoạt động hợp tác quốc tế
Article 43. The targets of international cooperation

1. Nâng cao chất lượng giáo dục đại học theo hướng hiện đại, tiếp cận nền giáo dục đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
1. Improving the higher education quality towards modernizations, approaching the develop higher education in the region and in the world.

2. Tạo điều kiện để cơ sở giáo dục đại học phát triển bền vững, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Facilitating the sustainable development of higher education institutions, training skilled and qualified workforce serving the country’s industrialization and modernization.

Điều 44. Các hình thức hợp tác quốc tế của cơ sở giáo dục đại học
Article 44. The forms of international cooperation of higher education institutions

1. Liên kết đào tạo.
1. Associate training.

2. Thành lập văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam.
2. Establishing representative offices of foreign higher education institutions in Vietnam.

3. Hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học.
3. Cooperating in scientific research and technology transfers, organizing science conventions and seminars.

4. Tư vấn, tài trợ, đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị.
4. Counseling, sponsoring, investing in the development of facilities and equipment.

5. Bồi dưỡng, trao đổi giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý và người học.
5. Training, exchanging lecturers, researchers, management staff and students.

6. Liên kết thư viện, trao đổi thông tin phục vụ hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ; cung ứng chương trình đào tạo; trao đổi các ấn phẩm, tài liệu và kết quả hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ.
6. Connecting libraries, exchanging information serving the training, science and technology activities; providing training programs; exchanging the documents and results of training, science and technology activities.

7. Tham gia các tổ chức giáo dục, khoa học, hội nghề nghiệp khu vực và quốc tế.
7. Participating in regional and international science, education organizations and professional associations.

8. Mở văn phòng đại diện cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam ở nước ngoài.
8. Establishing representative offices of Vietnamese higher education institutions in other countries.

9. Các hình thức hợp tác khác theo quy định của pháp luật.
9. Other forms of cooperation as prescribed by law provisions.

Điều 45. Liên kết đào tạo với nước ngoài
Article 45. Training association with foreign parties

1. Liên kết đào tạo với nước ngoài là việc xây dựng và thực hiện chương trình hợp tác đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, nhằm thực hiện chương trình đào tạo để cấp văn bằng hoặc cấp chứng chỉ, nhưng không hình thành pháp nhân mới.
1. Training association with foreign parties is the development and implementation of the training association program between a Vietnamese higher education institution and a foreign higher education institutions in order to issue diplomas or certificates without establishing new legal entities.

2. Chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài là chương trình của nước ngoài hoặc chương trình do hai bên cùng xây dựng. Chương trình đào tạo được thực hiện toàn bộ tại Việt Nam hoặc một phần tại Việt Nam và một phần tại nước ngoài.
2. The training programs in association with a foreign party are formulated by both parties. The training program is completely implemented in Vietnam or partially in Vietnam and partially overseas.

3. Các cơ sở giáo dục đại học liên kết đào tạo với nước ngoài phải đảm bảo những điều kiện về đội ngũ giảng viên; cơ sở vật chất, thiết bị; chương trình, nội dung giảng dạy; tư cách pháp lý; giấy chứng nhận kiểm định chất lượng do cơ quan kiểm định chất lượng nước ngoài cấp hoặc do Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận; giấy phép đào tạo trong lĩnh vực liên kết.
3. The higher education institutions in association with foreign parties must satisfy the conditions for teaching staff, facilities, equipment, training programs and contents, legal status; the quality assessment certificate issued by foreign quality assessment agencies or by the Ministry of Education and Training; the training license of the associated field.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
4. The Minister of Education and Training shall approve the training programs in association with foreign parties at the college, university, master’s and doctorate level.

Giám đốc đại học phê duyệt chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tổ chức tại đại học.
The university directors shall approve the training programs in association with foreign parties at other levels apart from the college, university, master’s and doctorate level provided at the universities.

5. Trường hợp chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài bị đình chỉ tuyển sinh hoặc bị chấm dứt hoạt động do không duy trì điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này, cơ sở giáo dục đại học phải bảo đảm lợi ích hợp pháp của giảng viên, người học và người lao động; bồi hoàn kinh phí cho người học, thanh toán các khoản thù lao giảng dạy, các quyền lợi khác của giảng viên và người lao động theo hợp đồng lao động đã ký kết hoặc thỏa ước lao động tập thể, thanh toán các khoản nợ thuế và các khoản nợ khác (nếu có).
5. The enrolment and operation of training programs in association with foreign parties shall be suspended if the conditions specified in Clause 3 this Article are not satisfied. Higher education institutions must assure the lawful interests of lecturers, students and employees; reimburse the school fee, pay the teaching remuneration and other benefits of lecturers and employees under the signed labor contract or collective labor agreement, pay the tax debts and other debts (if any).

6. Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai các thông tin liên quan về chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài trên trang thông tin điện tử của nhà trường và phương tiện thông tin đại chúng.
6. Higher education institutions must publicly disclose the information about the training programs in association with foreign parties on the school websites and means of mass media

Điều 46. Văn phòng đại diện
Article 46. Representative offices

1. Văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài có chức năng đại diện cho cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.
1. Representative offices of foreign higher education institutions represent the foreign higher education institutions.

2. Văn phòng đại diện có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
2. A representative office has the following duties and authority:

a) Thúc đẩy hợp tác với cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thông qua việc xúc tiến xây dựng các chương trình, dự án hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học;
a) Enhancing the cooperation with Vietnamese higher education institutions by expediting the formulation of cooperation programs and projects on higher education.

b) Tổ chức các hoạt động giao lưu, tư vấn, trao đổi thông tin, hội thảo, triển lãm trong lĩnh vực giáo dục đại học nhằm giới thiệu về tổ chức, cơ sở giáo dục đại học nước ngoài;
b) Organizing the information exchanges, consultation, seminars and exhibition of higher education in order to introduce the foreign higher education institutions;

c) Đôn đốc, giám sát việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác giáo dục đại học đã ký kết với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam;
c) Expediting and supervising the implementation of the higher education cooperation agreement signed with Vietnamese higher education institutions;

d) Không được thực hiện hoạt động giáo dục đại học sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam và không được phép thành lập chi nhánh trực thuộc văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam.
d) It is prohibited to engage in higher education activities that directly generate incomes in Vietnam, to establish branches of the representative offices in Vietnam.

3. Cơ sở giáo dục đại học nước ngoài được cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau đây:
3. Foreign higher education institutions are licensed to establish representative offices in Vietnam when the following conditions are satisfied:

a) Có tư cách pháp nhân;
a) Having legal status;

b) Có thời gian hoạt động giáo dục đại học ít nhất là 05 năm ở nước sở tại;
b) The duration of higher education operation in the home country is 05 years or longer;

c) Có điều lệ, tôn chỉ, mục đích hoạt động rõ ràng;
c) Having specific goals, principles and charter of operation;

d) Có quy chế tổ chức, hoạt động của văn phòng đại diện dự kiến thành lập tại Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
d) having regulations on the organization and operation of the representative office planned to be established in Vietnam in accordance with Vietnam’s law

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại học.
4. The Minister of Education and Training shall license the establishment of representative offices of foreign educational institutions that engage in higher education.

5. Văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau:
5. The operation of representative offices of foreign higher education institutions is terminated in the following cases:

a) Hết thời hạn ghi trong giấy phép;
a) The license expires;

b) Theo đề nghị của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thành lập văn phòng đại diện;
b) The termination is request by the foreign higher education institution that established the representative office.

c) Giấy phép bị thu hồi vì không hoạt động sau thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép lần đầu hoặc 03 tháng, kể từ ngày được gia hạn giấy phép;
c) The license is withdrawn because of no operation after 06 months as from the date of licensing, or 03 months as from the date of license extension;

d) Bị phát hiện có sự giả mạo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện;
d) The forgeries in the application for licensing the representative office establishment are detected;

đ) Có những hoạt động trái với nội dung của giấy phép;
dd) Engaging in activities contrary to the license;

e) Vi phạm các quy định khác của pháp luật Việt Nam.
e) Violating other Vietnam’s law provisions;

Điều 47. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học trong hoạt động hợp tác quốc tế
Article 47. Duties and authority of higher education institutions in international cooperation

1. Thực hiện các hình thức hợp tác quốc tế quy định tại Điều 44 của Luật này.
1. Performing the forms of cooperation as prescribed in Article 44 of this Law.

2. Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Observing the Vietnam’s law provisions and the International Agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

3. Được bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Having their the lawful rights and interests protected as prescribed by Vietnam’s Law provisions and the International Agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

Điều 48. Trách nhiệm của Nhà nước về hợp tác quốc tế
Article 48. Responsibilities of the State for international cooperation

1. Chính phủ có chính sách phù hợp thực hiện các cam kết song phương và đa phương, nhằm tạo điều kiện phát triển hoạt động hợp tác quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học theo nguyên tắc đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển giáo dục đại học; tăng cường quản lý về liên doanh, liên kết giáo dục đại học với nước ngoài.
1. The Government shall formulate appropriate policies on implementing the bilateral and multilateral agreements in order to facilitate the development of international cooperation among the higher education institutions towards satisfying the requirements for socio-economic development in accordance with the higher education development strategies and planning; enhancing the management of higher education association with foreign parties.

2. Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách đầu tư, chế độ đãi ngộ nhằm thu hút các nhà khoa học và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động tài trợ, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; quy định cụ thể điều kiện, thủ tục về hợp tác quốc tế quy định tại các điều 44, 45 và 46 của Luật này.
2. The Prime Minister shall formulate the policies on investment and preferential treatment in order to attract Vietnamese scientists overseas to participating in the sponsorship, training, scientific research and technology transfers; specify the conditions and procedures for international cooperation prescribed in Point 44, 45, and 46 of this Law.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc khuyến khích cơ sở giáo dục đại học đầu tư, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong hoạt động giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với nước ngoài; quy định việc quản lý hoạt động cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam, việc liên kết của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.
3. The Minister of Education and Training shall specify the encouragement to higher education institutions to invest in and expand the international cooperation in training, scientific research, technology transfers with foreign parties; specify the management of foreign higher education institutions in Vietnam, the association between Vietnamese higher education institutions and foreign higher education institutions.

Chương VII
Chapter VII

BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG VÀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
HIGHER EDUCATION QUALITY ASSURANCE AND ASSESSMENT

Điều 49. Mục tiêu, nguyên tắc và đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục đại học
Article 49. Targets, principles, and subjects of higher education quality assessment

1. Mục tiêu của kiểm định chất lượng giáo dục đại học:
1. The targets of higher education quality assessment:

a) Bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục đại học;
a) Assuring and improving the higher education quality;

b) Xác nhận mức độ cơ sở giáo dục đại học hoặc chương trình đào tạo đáp ứng mục tiêu giáo dục đại học trong từng giai đoạn nhất định;
b) Verifying the fulfillment of the higher education duties in each period of the higher education institutions or the training programs;

c) Làm căn cứ để cơ sở giáo dục đại học giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo;
c) Forming the bases for higher education institutions to provide explanation for competent State management agencies and for the society about the actual training quality;

d) Làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo và nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực.
d) Forming the basis for students to choose higher education institutions, training programs and for the recruitment of employers.

2. Nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục đại học:
2. The principles of higher education quality assessment:

a) Độc lập, khách quan, đúng pháp luật;
a) Independent, objective and lawful;

b) Trung thực, công khai, minh bạch;
b) Truthful, public and express;

c) Bình đẳng, bắt buộc, định kỳ.
c) Equitable, compulsory and periodic

3. Đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục đại học:
3. The subjects of higher education quality assessment:

a) Cơ sở giáo dục đại học;
a) Higher education institutions;

b) Chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
b) The training programs of higher education

Điều 50. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục đại học
Article 50. Duties and authority of higher education institutions in higher education quality assurance

1. Thành lập tổ chức chuyên trách về bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.
1. Establishing the organizations specialized in higher education quality assurance.

2. Xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.
2. Formulating and implementing plans for higher education quality assurance;

3. Tự đánh giá, cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo; định kỳ đăng ký kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở giáo dục đại học.
3. Actively assessing, innovating and improving the training quality; periodically registering for the assessment of the training program and the higher education institution.

4. Duy trì và phát triển các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, gồm:
4. Sustaining and developing the conditions for training quality assurance, including:

a) Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên;
a) The teaching staff, management staff and employees;

b) Chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập;
b) The training programs, textbooks and teaching materials;

c) Phòng học, phòng làm việc, thư viện, hệ thống công nghệ thông tin, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành, ký túc xá và các cơ sở dịch vụ khác;
c) The classrooms, offices, library, information technology system, laboratories, workshops, dorms and other amenities;

d) Nguồn lực tài chính.
d) The financial resources.

5. Công bố công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của cơ sở giáo dục đại học và phương tiện thông tin đại chúng.
5. Publicly announcing the conditions for assuring the training quality, scientific research and training results, the quality assessment and assurance results on the websites of the Ministry of Education and Training, the higher education institution and means of mass media.

Điều 51. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học về kiểm định chất lượng giáo dục đại học
Article 51. Duties and authority of higher education institutions in higher education quality assessment

1. Chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.
1. Subject to the education quality assessment at the request from State management agencies in charge of education.

2. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
2. Implement the regulations on information and report on higher education quality assessment.

3. Được lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong số các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận để kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo.
3. Being entitled to choose an education quality assessment organization among the education quality assessment organizations accredited by the Ministry of Education and Training to carry out the assessment of the higher education institution quality and the training program quality.

4. Được khiếu nại, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền về các quyết định, kết luận, hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
4. Being entitled to complain and denounce to competent agencies about the decisions, conclusions and illegal acts of organizations and individuals that carry out higher education quality assessment.

Điều 52. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục
Article 52. Education quality assessment organizations

1. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có nhiệm vụ đánh giá và công nhận cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học.
1. Education quality assessment organizations are responsible for to assess and recognize the qualification of higher education institutions and the training programs.

Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Education quality assessment organizations are legal entities and bear responsibilities before the law for the higher education quality assessment.

2. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập khi có đề án thành lập phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; được phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục khi có cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính, đội ngũ kiểm định viên đáp ứng yêu cầu hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
2. Education quality assessment organizations are established after the establishment projects are made in accordance with the education quality assessment organization network planning; The education quality assessment is granted when the facilities, equipment, finance and the assessment staff satisfy the requirements for higher education quality assessment.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học; quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đại học, chuẩn đối với chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, yêu cầu tối thiểu để chương trình đào tạo được thực hiện; quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục đại học; nguyên tắc hoạt động, điều kiện và tiêu chuẩn của tổ chức, cá nhân hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục; quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; cho phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.
3. The Minister of Education and Training shall promulgate the national standards of higher education institutions; specify the standards of higher education quality assessment, the standards of training programs of higher education, the minimum requirements for implementing the training program; the process and period of higher education quality assessment; the principles of operation, the conditions and standards of organizations and individuals engaging in education quality assessment; the issuance and withdrawal of education quality assessment certificate; the decision on the establishment or the decision on approving the establishment of education quality assessment organizations; granting the education quality assessment.

Điều 53. Sử dụng kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học được sử dụng làm căn
Article 53. Using the higher education quality assessment results.

cứ để xác định chất lượng giáo dục đại học, vị thế và uy tín của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hỗ trợ đầu tư, giao nhiệm vụ; là căn cứ để Nhà nước và xã hội giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
The higher education quality assessment results shall be used as the basis for determining the higher education quality, the reputation and prestige of higher education institutions, the entitlement autonomy and independent responsibilities; the investment support and duty allocation; as the basis for the State and the society to supervise the operation of higher education institutions.

Chương VIII
Chapter VIII

GIẢNG VIÊN
LECTURERS

Điều 54. Giảng viên
Article 54. Lecturers

1. Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học là người có nhân thân rõ ràng; có phẩm chất, đạo đức tốt; có sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; đạt trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 77 của Luật giáo dục.
1. The lecturers in higher education institutions are people with clear backgrounds, good qualities and conscience, good health on occupational demand; professionally qualified as prescribed in Point e Clause 1 Article 77 of the Law on Education

2. Chức danh của giảng viên bao gồm trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư.
2. The lecturer’s titles include: assistant lecturer, lecturer, senior lecturer, associate professor, professor.

3. Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên. Trường hợp đặc biệt ở một số ngành chuyên môn đặc thù do Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo quy định.
3. The standard degree of university lecturers is master’s degree or above. Other special cases of special profession shall be specified by the Minister of Education and Training .

Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ từ thạc sĩ trở lên làm giảng viên.
The principals of higher education institutions shall prioritize the recruitment of people that possess the master’s degree or above.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, quy định việc bồi dưỡng, sử dụng giảng viên.
4. The Minister of Education and Training shall introduce the pedagogic technique improvement programs, specify the lecturer cultivation and employment.

Điều 55. Nhiệm vụ và quyền của giảng viên
Article 55. Duties and authority of lecturers

1. Giảng dạy theo mục tiêu, chương trình đào tạo và thực hiện đầy đủ, có chất lượng chương trình đào tạo.
1. Teaching consistently with the targets and the training program, fully and efficiently implement the training program.

2. Nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, bảo đảm chất lượng đào tạo.
2. Studying, developing technology transfers and science application, assuring the training quality.

3. Định kỳ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy.
3. Periodically attending the courses in improving political theory, profession and teaching methods.

4. Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của giảng viên.
4. Preserving the credentials, reputations and honor of lecturers

5. Tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học.
5. Respecting the students’ dignity, treating students equitably, protecting the lawful rights and interests of students.

6. Tham gia quản lý và giám sát cơ sở giáo dục đại học, tham gia công tác Đảng, đoàn thể và các công tác khác.
6. Participating in managing and supervising the higher education institution, participating in the Party’s activities, collective activities and other works.

7. Được ký hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật.
7. Being entitled to sign visiting lecturer and scientific research contracts with higher education institutions and scientific research institutions as prescribed by law.

8. Được bổ nhiệm chức danh của giảng viên, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
8. Being given lecturers' titles, awarded the “People’s educator”, “Elite educator” titles and get commendation as prescribed by law.

9. Các nhiệm vụ và quyền khác theo quy định của pháp luật.
9. Other duties and authority as prescribed by law provisions.

Điều 56. Chính sách đối với giảng viên
Article 56. Policies on lecturers

1. Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.
1. The lecturers in the higher education institution shall be sent to attend profession improvement courses, enjoy salaries and occupational benefits, seniority pay and other benefits as prescribed by the Government.

2. Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tạo điều kiện về chỗ ở, được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ.
2. The teachers in the higher education institutions located in poor areas shall enjoy accommodation incentives, preferential benefits and other incentive policies as prescribed by the Government.

3. Nhà nước có chính sách điều động, biệt phái giảng viên làm việc tại cơ sở giáo dục đại học ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; khuyến khích giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học ở vùng thuận lợi đến công tác tại các cơ sở giáo dục đại học ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện để giảng viên ở vùng này an tâm công tác.
3. The State shall formulate the policy on mobilizing and sending lecturers to higher education institutions located in poor areas; encouraging lecturers in favorable areas to work at higher education institutions located in poor areas and facilitate their tasks.

4. Giảng viên có trình độ tiến sĩ, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư công tác trong cơ sở giáo dục đại học có thể kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc, đồng thời cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu.
4. Healthy lecturers holding doctorate degrees, professor or associate professor titles working at higher education institutions may extend the working time when reaching the retirement age in order to continue teaching and doing scientific research if such extension is demanded by both the higher education institution and the lecturers themselves.

5. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể chính sách đối với giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học.
5. The Prime Minister shall specify the policy on lecturers in higher education institutions.

Điều 57. Giảng viên thỉnh giảng và báo cáo viên
Article 57. Visiting lecturers and speakers

1. Giảng viên thỉnh giảng trong cơ sở giáo dục đại học được quy định tại Điều 74 của Luật giáo dục.
1. Visiting lecturers in higher education institutions are specified in Article 74 of the Law on Education

Giảng viên thỉnh giảng thực hiện các nhiệm vụ và được hưởng các quyền theo hợp đồng thỉnh giảng được ký giữa hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học với giảng viên thỉnh giảng.
Visiting lecturers fulfill the duties and have the rights under the visiting lecturer contracts signed between the principal of the higher education institution and the visiting lecturer.

2. Cơ sở giáo dục đại học được mời giảng viên thỉnh giảng, mời báo cáo viên là các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, nghệ nhân ở trong nước và nước ngoài.
2. Higher education institutions are entitled to invite visiting lecturers and speakers being Vietnamese and foreign experts, scientists, business people and artists.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể về giảng viên thỉnh giảng và báo cáo viên.
3. The Minister of Education and Training shall promulgate provisions on visiting lecturers and speakers .

Điều 58. Các hành vi giảng viên không được làm
Article 58. Prohibited acts of lecturers

1. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học và người khác.
1. Offending the honor, dignity and abusing the body of students and other people.

2. Gian lận trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học.
2. Cheating at training and scientific research

3. Lợi dụng danh hiệu nhà giáo và hoạt động giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
3. Misusing the educator’s title and education activities to commit violations of law.

Chương IX
Chapter IX

NGƯỜI HỌC
STUDENTS

Điều 59. Người học
Article 59. Students

Người học là người đang học tập và nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục đại học, gồm sinh viên của chương trình đào tạo cao đẳng, chương trình đào tạo đại học; học viên của chương trình đào tạo thạc sĩ; nghiên cứu sinh của chương trình đào tạo tiến sĩ.
Students are people learning and doing scientific researches at higher education institutions including students learning college programs, university programs and master’s program, graduate students doing doctorates.

Điều 60. Nhiệm vụ và quyền của người học
Article 60. Duties and authority of students

1. Học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện theo quy định.
1. Studying, doing scientific researches and training as prescribed.

2. Tôn trọng giảng viên, cán bộ quản lý, viên chức và nhân viên của cơ sở giáo dục đại học; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và rèn luyện.
2. Showing respect for the lecturers, the management staff and other employees at the higher education institution; working closely and collaboratively during the study and training

3. Tham gia lao động và hoạt động xã hội, hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh, trật tự, phòng, chống tiêu cực, gian lận trong học tập và thi cử, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
3. Participating in labor and social activities, environment protection, preserving the order and security, preventing and fighting misconduct and cheating in study and examinations, preventing and fighting crimes and social evils.

4. Được tôn trọng và đối xử bình đẳng, không phân biệt nam nữ, dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện.
4. Being equitably respected and treated without sexual, religious and racial discrimination, being provided with sufficient information about learning and training.

5. Được tạo điều kiện trong học tập, tham gia hoạt động khoa học và công nghệ, các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao.
5. Enjoying favorable conditions for learning and participating in science and technology activities, sports and cultural activities

6. Đóng góp ý kiến, tham gia quản lý và giám sát hoạt động giáo dục và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục.
6. Offering opinions and participating in managing and supervising the educations activities and other conditions for education quality assurance.

7. Được hưởng chính sách đối với người học thuộc đối tượng hưởng ưu tiên và chính sách xã hội.
7. Prioritized subjects shall benefit from preferential policies.

8. Các nhiệm vụ và quyền khác theo quy định của pháp luật.
8. Other duties and authority as prescribed by law provisions.

Điều 61. Các hành vi người học không được làm
Article 61. Prohibited acts of students

1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, người học của cơ sở giáo dục đại học và người khác.
1. Offending the honor, dignity, abusing the body of lecturers, management staff, employees, other students at higher education institutions and other people.

2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh.
2. Cheating at study, examination and enrolment.

3. Tham gia tệ nạn xã hội, gây rối an ninh trật tự trong cơ sở giáo dục đại học hoặc nơi công cộng và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
3. Engaging in activities of social evils or disturbances in higher education institutions or at public places and other acts of violations of law.

4. Tổ chức hoặc tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật.
4. Organizing or participating in illegal activities.

Điều 62. Chính sách đối với người học
Article 62. Policies on students

1. Người học trong cơ sở giáo dục đại học được hưởng các chính sách về học bổng và trợ cấp xã hội, chế độ cử tuyển, tín dụng giáo dục, miễn, giảm phí dịch vụ công cộng theo quy định tại các điều 89, 90, 91 và 92 của Luật giáo dục.
1. The students in higher education institutions shall enjoy the policies on scholarships and social benefits, direct entry regulations, public charge exemption and reduction as prescribed in Article 89, 90, 91 and 92 of the Law on Education.

2. Người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh không phải đóng học phí, được ưu tiên trong việc xét cấp học bổng, trợ cấp xã hội.
2. Students of special profession serving the requirements for socio-economic development, National defense and security are exempted from tuition fees, prioritized in scholarship consideration and social benefits

3. Chính phủ quy định cụ thể chính sách ưu tiên đối với người học thuộc đối tượng được hưởng ưu tiên và chính sách xã hội.
3. The Government shall specify the preferential policies on students being subjects of priority and social policies.

Điều 63. Nghĩa vụ làm việc có thời hạn theo sự điều động của Nhà nước
Article 63. Fixed-term work obligations under the State’s mobilization

1. Người học chương trình giáo dục đại học nếu được hưởng học bổng và chi phí đào tạo do Nhà nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với Nhà nước Việt Nam, thì sau khi tốt nghiệp phải chấp hành sự điều động làm việc của Nhà nước trong thời gian ít nhất là gấp đôi thời gian được hưởng học bổng và chi phí đào tạo, nếu không chấp hành thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.
1. The students of higher education programs from of whom the scholarship and training costs are covered by the State or sponsored by foreign parties under the Agreements with Vietnam must obey the mobilization from the State for a time being at least twice as long as the time benefiting from the scholarship and supported training costs. Otherwise, the scholarship and the training costs must be reimbursed.

2. Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày người học được công nhận tốt nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm phân công làm việc đối với người học đã được công nhận tốt nghiệp, quá thời hạn trên, nếu người học không được phân công làm việc thì không phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.
2. Within 12 months as from the graduation is recognized, competent State agencies are responsible for to assign task to the graduated students. If they do not receive any assignment after that time limit, the reimbursement of scholarship and training costs are not required

3. Chính phủ quy định cụ thể về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo.
3. The Government shall specify the reimbursement of scholarship and tuition fees

Chương X
Chapter X

TÀI CHÍNH, TÀI SẢN CỦA CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
FINANCE AND PROPERTY OF HIGHER EDUCATION INSTITUTIONS

Điều 64. Nguồn tài chính của cơ sở giáo dục đại học
Article 64. Financial sources of higher education institutions

Các nguồn tài chính của cơ sở giáo dục đại học bao gồm:
The financial sources of higher education institutions include:

1. Ngân sách nhà nước (nếu có);
1. The State budget (if any);

2. Học phí và lệ phí tuyển sinh;
2. Tuition fees and enrolment charges;

3. Thu từ các hoạt động hợp tác đào tạo, khoa học công nghệ, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ;
3. Revenue from the activities of associate training, scientific and technology; production, trading and services;

4. Tài trợ, viện trợ, quà biếu, tặng, cho của các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài;
4. Sponsorship, aid, gift and presents from domestic or foreign organizations and individuals;

5. Đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;
5. Investment from domestic or foreign organizations and individuals;

6. Nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
6. Other legal revenues as prescribed by law provisions.

Điều 65. Học phí, lệ phí tuyển sinh
Article 65. Tuition fees and enrolment charges

1. Học phí, lệ phí tuyển sinh là khoản tiền mà người học phải nộp cho cơ sở giáo dục đại học để bù đắp chi phí đào tạo.
1. Tuition fees and enrolment charges are the amount the students must pay to higher education institutions for defraying the training costs.

2. Chính phủ quy định nội dung, phương pháp xây dựng mức học phí, lệ phí tuyển sinh, khung học phí, lệ phí tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập.
2. The Government shall specify the content and method for fixing the tuition fees and enrolment charges, the tuition fee and enrolment charge bracket at public higher education institutions.

3. Cơ sở giáo dục đại học công lập được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh nằm trong khung học phí, lệ phí tuyển sinh do Chính phủ quy định.
3. Higher education institutions are entitled to independently determine the tuition fees and enrolment charges within the tuition fee and enrolment charge bracket specified by the Government..

4. Cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh theo quy định của pháp luật.
4. Private higher education institutions and foreign-capitalized higher education institutions are entitled to independently determine the tuition fees and enrolment charges as prescribed by law.

5. Mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh phải được công bố công khai cùng thời điểm với thông báo tuyển sinh.
5. The rates of tuition fees and enrolment charges must be disclosed simultaneously with the enrolment notice.

6. Cơ sở giáo dục đại học thực hiện chương trình đào tạo chất lượng cao được thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo.
6. Higher education institutions providing high quality training programs are entitled to collect tuition fees equivalently to the training quality.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chí xác định chương trình đào tạo chất lượng cao; có trách nhiệm quản lý, giám sát mức thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo.
The Minister of Education and Training shall specify the criteria for identifying high quality training programs and beat responsibilities for managing and supervising the tuition fees equivalent to the training quality

Điều 66. Quản lý tài chính của cơ sở giáo dục đại học
Article 66. Financial management of higher education institutions

1. Cơ sở giáo dục đại học thực hiện chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế và công khai tài chính theo quy định của pháp luật.
1. Higher education institutions shall implement the regulation on finance, accounting, audit, tax and financial disclosure as prescribed by law.

2. Cơ sở giáo dục đại học có sử dụng ngân sách nhà nước được Nhà nước giao nhiệm vụ gắn với nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
2. Higher education institutions using the State budget to perform the duties assigned by the State are responsible for managing and using the State budget in accordance with law provisions on the Law on State budget

3. Phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học tư thục được sử dụng như sau:
3. The financial difference between the incomings and outgoings from the activities of training and scientific research of private higher education institutions shall be used as follows:

a) Dành ít nhất 25% để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học, cho các hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, viên chức, cán bộ quản lý giáo dục, phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học hoặc cho các mục đích từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội. Phần này được miễn thuế;
a) At least 25% is used for investing in higher education institution development, in education activities and improving facilities, purchasing equipment, training lecturers, employees and the management staff serving the learning and the life of students or for charity purposes and social responsibility. This amount is exempted from tax;

b) Phần còn lại, nếu phân phối cho các nhà đầu tư và người lao động của cơ sở giáo dục đại học thì phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
b) The rest, if being distributed to investors and employees of the higher education institutions, is taxable as prescribed by law provisions on tax.

4. Giá trị tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động của cơ sở giáo dục đại học tư thục và giá trị của các tài sản được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng cho cơ sở giáo dục đại học tư thục là tài sản chung không chia, được quản lý theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển.
4. The value of cumulative property during the operation of private higher education institutions and the value of donated property are not distributable and managed on the principal of preservation and development.

5. Việc rút vốn và chuyển nhượng vốn đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm sự ổn định và phát triển của cơ sở giáo dục đại học.
5. The capital withdrawal and transfer of private higher education institutions must comply with the Prime Minister’s provisions, assuring the stability and development of higher education institutions.

6. Chính phủ quy định phương thức và tiêu chí phân bổ nguồn ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học, về tài chính của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài trong hoạt động giáo dục.
6. The Government shall specify the methods and criteria for allotting the State budget to higher education institutions and specify the finance of foreign-capitalized higher education institutions engaging in education activities.

7. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, thanh tra việc quản lý và sử dụng đúng mục đích nguồn tài chính tại các cơ sở giáo dục đại học.
7. The Ministry of Education and Training, Ministries, ministerial-level agencies and provincial People’s Committees shall inspect the management and proper use of the financial sources at higher education institutions.

Điều 67. Quản lý và sử dụng tài sản của cơ sở giáo dục đại học
Article 67. Property management and utilization of higher education institutions

1. Cơ sở giáo dục đại học quản lý, sử dụng tài sản được hình thành từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước; tự chủ, tự chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng tài sản hình thành từ các nguồn ngoài ngân sách nhà nước.
1. Higher education institutions shall manage and use the property invested from the State budget in accordance with law provisions on the management and utilization of State-owned property; be responsible for the management and utilization of the property from other sources.

2. Tài sản và đất đai được Nhà nước giao cho cơ sở giáo dục đại học tư thục quản lý và tài sản mà cơ sở giáo dục đại học tư thục được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng phải được sử dụng đúng mục đích, không chuyển đổi mục đích sử dụng và không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào.
2. The property and land allocated to private higher education institutions and property donated to private higher education institutions must be used properly without changing the use purpose and converted into private ownership in any form.

3. Tài sản của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. The property of foreign-capitalized higher education institutions are protected under the Vietnam’s Law provisions and the International Agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, thanh tra việc quản lý và sử dụng tài sản nhà nước của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Chính phủ.
4. The Ministry of Education and Training, Ministries, ministerial-level agencies and provincial People’s Committees shall inspect the management and utilization of the State-owned property at higher education institutions as prescribed by the Government.

Chương XI
Chapter XI

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
STATE MANAGEMENT OF HIGHER EDUCATION

Điều 68. Nội dung quản lý nhà nước về giáo dục đại học
Article 68. The contents of the State management of higher education

1. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục đại học.
1. Formulating and guiding the higher education development plans, policies, planning and strategies;

2. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học.
2. Promulgating and organizing the implementation of legal documents on higher education.

3. Quy định khối lượng, cấu trúc chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra tối thiểu của người học sau khi tốt nghiệp; tiêu chuẩn giảng viên; tiêu chuẩn cơ sở vật chất và thiết bị của cơ sở giáo dục đại học; việc biên soạn, xuất bản, in và phát hành giáo trình, tài liệu giảng dạy; quy chế thi và cấp văn bằng, chứng chỉ.
3. Determining the volume and structure f training programs, the minimum output standards of students after graduation, the standards of lecturers, facilities and equipment of higher education institutions; the compilation and publication of textbooks and teaching materials, the regulations on examinations and diploma, certificate issuance.

4. Quản lý việc bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đại học, chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học, chuẩn đối với chương trình đào tạo các trình độ giáo dục đại học và yêu cầu tối thiểu để chương trình đào tạo được thực hiện, quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục, quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
4. Managing the higher education quality assurance,  specifying the standards of higher education quality assessment, the national standards of higher education institutions, the standards of training programs of higher education, the minimum requirements for implementing the training program; the process and period of higher education quality assessment; the State management of higher education quality assessment.

5. Thực hiện công tác thống kê, thông tin về tổ chức và hoạt động giáo dục đại học.
5. Making the statistics and providing information about the of higher education organization and operation.

6. Tổ chức bộ máy quản lý giáo dục đại học.
6. Organizing the higher education management mechanism.

7. Tổ chức, chỉ đạo việc đào tạo, bồi dưỡng, quản lý giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đại học.
7. Organizing and guiding the training and management of lecturers and the management staff.

8. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để phát triển giáo dục đại học.
8. Mobilizing, managing and using the resources for higher education development.

9. Tổ chức, quản lý công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục đại học.
9. Organizing and managing the science and technology researches and application, the production and business of higher education.

10. Tổ chức, quản lý hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục đại học.
10. Organizing the international cooperation in higher education.

11. Quy định việc tặng danh hiệu vinh dự cho người có nhiều công lao đối với sự nghiệp giáo dục đại học.
11. Specifying the title award for people that make enormous contribution to higher education.

12. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về giáo dục đại học.
12. Inspecting the observance of law, settling complaints and denunciation, handling the violation of law provisions on higher education.

Điều 69. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học
Article 69. State management agencies in charge of higher education

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
1. The Government shall unify the State management of higher education.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
2. The Ministry of Education and Training are responsible to the Government for the State management of higher education.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học theo thẩm quyền.
3. Ministries, ministerial-level agencies shall cooperate with the Ministry of Education and Training in the State management of higher education intra vires.

4. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học theo phân cấp của Chính phủ; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn; thực hiện xã hội hoá giáo dục đại học; bảo đảm đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học tại địa phương.
4. Provincial People’s Committees are in charge of State management of higher education under the decentralization by the Government; inspecting the observance of law provisions on education of the local higher education institutions; socializing higher education; satisfying the requirements for expansion and improvement of the quality and efficiency of local higher education.

Điều 70. Thanh tra, kiểm tra
Article 70. Inspection

1. Thanh tra hoạt động giáo dục đại học, bao gồm:
1. The inspection of higher education includes:

a) Thanh tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về giáo dục đại học;
a) Inspecting the implementation of law and policies on higher education;

b) Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về giáo dục đại học;
b) Detecting, preventing and handling intra vires or request competent State agencies to handle the violations of law provisions on higher education;

c) Xác minh, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về giáo dục đại học.
c) Verifying and requesting competent State agencies to settle complaints and denunciation about higher education.

2. Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành về giáo dục đại học.
2. The Inspectorate of the Ministry of Education and Training shall fulfill the duties and authority to carry out administrative inspections and professional inspections of higher education.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thanh tra, kiểm tra về giáo dục đại học. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra về giáo dục đại học theo phân công và phân cấp của Chính phủ.
3. The Minister of Education and Training shall direct, guide and organize the inspections of higher education. Ministries, ministerial-level agencies and provincial People’s Committees shall cooperate with the Ministry of Education and Training to carry out inspections of higher education under the assignment and decentralization by the Government.

4. Cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự thanh tra và tự kiểm tra theo quy định của pháp luật. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học chịu trách nhiệm về thanh tra, kiểm tra trong cơ sở giáo dục đại học.
4. Higher education institutions shall actively carry out inspections as prescribed by law. The principals of higher education institutions are responsible for the inspections of higher education institutions.

Điều 71. Xử lý vi phạm
Article 71. Handling violations

Tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính; cá nhân còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:
Organizations and individuals committing one of the following acts shall be liable to administrative sanctions depending on the nature and extent of the violations; individuals may also be liable to criminal prosecution and pay compensation for the damage (if any) as prescribed by law:

1. Thành lập cơ sở giáo dục đại học hoặc tổ chức hoạt động giáo dục trái pháp luật;
1. Establishing higher education institutions or organizing education activities illegally;

2. Vi phạm các quy định về tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;
2. Violating the provisions on the organization and operation of higher education institutions.

3. Xuất bản, in, phát hành tài liệu trái pháp luật;
3. Illegally publishing, printing and issuing materials;

4. Làm hồ sơ giả, vi phạm quy chế tuyển sinh, thi cử và cấp văn bằng, chứng chỉ;
4. Forging profiles, violating regulations on the enrolment, examinations and issuance of diplomas or certificates.

5. Xâm phạm nhân phẩm, thân thể giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục; ngược đãi, hành hạ người học;
5. Offending the dignity or the body of lecturers, educational managers; mistreating students;

6. Vi phạm quy định về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học;
6. Violating provisions on higher education quality assurance and assessment

7. Gây rối, làm mất an ninh, trật tự trong cơ sở giáo dục đại học;
7. Causing disturbance in higher education institutions;

8. Làm thất thoát kinh phí, lợi dụng hoạt động giáo dục đại học để thu tiền sai quy định hoặc vì mục đích vụ lợi;
8. Causing budget loss, misusing higher education activities to gain profit illegally;

9. Gây thiệt hại về cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục đại học;
9. Causing damage to the facilities of higher education institutions;

10. Các hành vi khác vi phạm pháp luật về giáo dục đại học.
10. Other acts of violations of law provisions on higher education.

Chương XII
Chapter XII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
IMPLEMENTATION PROVISIONS

Điều 72. Hiệu lực thi hành
Article 72. Effect

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
This Law takes effect on January 01, 2013.

Điều 73. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
Article 73. Implementation guidance and elaboration

Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật.
The Government and competent agencies shall elaborate and guide the implementation of the assigned Articles and Clauses in this Law.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012.
This Law has been passed on June 18, 2012  by the National Assembly of the 8th  Socialist Republic of Vietnam, in the 3rd session.

 

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

THE PRESIDENT OF
THE NATIONAL ASSEMBLY





Nguyễn Sinh Hùng

Nguyen Sinh Hung

 

THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 01/01/2013

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Luật giáo dục đại học 2012

Số hiệu 08/2012/QH13 Ngày ban hành 18/06/2012
Ngày có hiệu lực 01/01/2013 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Quốc hội Tình trạng Đang có hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Luật giáo dục đại học 2012 quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
Mục lục

Mục lục

Close