Văn bản "Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005" đã HẾT HIỆU LỰC từ ngày 01/07.2016 và được thay thế bởi Luật điều ước quốc tế 2016, có hiệu lực từ 01/07/2016

QUỐC HỘI

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do -Hạnh phúc

Số: 41/2005/QH11

Hà Nội , ngày 14 tháng 6 năm 2005

 

LUẬT

KÝ KẾT,GIA NHẬP VÀ THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CỦA QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM SỐ 41/2005/QH11 NGÀY 14 THÁNG 6 NĂM 2005

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Luật này quy định về việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về việc ký kết, gia nhập, bảo lưu, lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, công bố, đăng ký, thực hiện, giải thích, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước và nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác.
2. Giấy ủy quyền là văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định một hoặc nhiều người đại diện cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện một hoặc nhiều hành vi pháp lý liên quan đến việc đàm phán, ký điều ước quốc tế.
3. Giấy ủy nhiệm là văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định một hoặc nhiều người đại diện cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham dự hội nghị quốc tế để thực hiện một hoặc nhiều hành vi pháp lý liên quan đến việc đàm phán, thông qua văn bản điều ước quốc tế tại hội nghị hoặc thực hiện điều ước quốc tế nhiều bên.
4. Ký kết là những hành vi pháp lý do người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, bao gồm đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt điều ước quốc tế hoặc trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế.
5. Ký là hành vi pháp lý do người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền thực hiện, bao gồm ký điều ước quốc tế không phải phê chuẩn hoặc phê duyệt và ký điều ước quốc tế phải phê chuẩn hoặc phê duyệt.
6. Ký tắt là hành vi pháp lý do người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền thực hiện để xác nhận văn bản điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dự định ký là văn bản cuối cùng đã được thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.
7. Phê chuẩn là hành vi pháp lý do Quốc hội hoặc Chủ tịch nước thực hiện để chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đã ký đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
8. Phê duyệt là hành vi pháp lý do Chính phủ thực hiện để chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đã ký đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
9. Trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế là việc trao đổi thư, công hàm hoặc văn kiện có tên gọi khác tạo thành điều ước quốc tế hai bên giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.
10. Gia nhập là hành vi pháp lý do Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thực hiện để chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế nhiều bên đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ký điều ước quốc tế đó, không phụ thuộc vào việc điều ước quốc tế này đã có hiệu lực hay chưa có hiệu lực.
11. Bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tuyên bố của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên nhằm loại trừ hoặc thay đổi hiệu lực pháp lý của một hoặc một số quy định trong điều ước quốc tế khi áp dụng đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
12. Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên là điều ước quốc tế đang có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
13. Chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế là hành vi pháp lý do Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thực hiện để từ bỏ hiệu lực của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
14. Từ bỏ hoặc rút khỏi điều ước quốc tế là hành vi pháp lý do Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thực hiện để từ bỏ việc chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
15. Tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế là hành vi pháp lý do Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thực hiện để tạm dừng thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
16. Bên ký kết nước ngoài là quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế.
17. Tổ chức quốc tế là tổ chức liên chính phủ.

Điều 3. Nguyên tắc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế
Việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế phải tuân thủ những nguyên tắc sau đây:
1. Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, cấm sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế;
2. Phù hợp với các quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
3. Phù hợp với lợi ích quốc gia, đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
4. Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ không được trái với điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước;
5. Điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội phải được trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi đàm phán, ký hoặc gia nhập; trong trường hợp đàm phán, ký hoặc gia nhập điều ước quốc tế có quy định trái với văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho ý kiến;
6. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuân thủ điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đồng thời có quyền đòi hỏi thành viên khác cũng phải tuân thủ điều ước quốc tế đó.

Điều 4. Quản lý nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế
Nội dung quản lý nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế bao gồm:
1. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
2. Tổ chức và bảo đảm thực hiện điều ước quốc tế;
3. Tuyên truyền, phổ biến các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
4. Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thi hành pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
5. Tổ chức lưu trữ, lưu chiểu, sao lục, dịch, công bố và đăng ký điều ước quốc tế;
6. Thống kê, rà soát các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập;
7. Xây dựng kế hoạch dài hạn và kế hoạch hằng năm về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
8. Giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm các quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
9. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
10. Hợp tác quốc tế trong việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

Điều 5. Cơ quan quản lý nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
2. Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện quản lý nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

Điều 6. Điều ước quốc tế và quy định của pháp luật trong nước
1. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.
2. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về cùng một vấn đề.
3. Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó.

Điều 7. Các loại điều ước quốc tế
1. Điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập bao gồm:
a) Điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước;
b) Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ.
2. Điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước trong các trường hợp sau đây:
a) Điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu Nhà nước khác;
b) Điều ước quốc tế về hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia;
c) Điều ước quốc tế về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về tương trợ tư pháp;
d) Điều ước quốc tế về tổ chức quốc tế phổ cập và tổ chức quốc tế khu vực quan trọng;
đ) Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.
3. Điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Chính phủ trong các trường hợp sau đây:
a) Để thực hiện điều ước quốc tế đã được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước;
b) Điều ước quốc tế về các lĩnh vực, trừ các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này;
c) Điều ước quốc tế về các tổ chức quốc tế, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này;
d) Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Chính phủ theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.

Điều 8. Chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế bằng một trong những hành vi sau đây:
1. Ký điều ước quốc tế không phải phê chuẩn hoặc phê duyệt;
2. Phê chuẩn điều ước quốc tế;
3. Phê duyệt điều ước quốc tế;
4. Trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế;
5. Gia nhập điều ước quốc tế;
6. Hành vi khác theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.

CHƯƠNG II

KÝ KẾT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

MỤC 1

ĐỀ XUẤT ĐÀM PHÁN, KÝ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Điều 9. Trách nhiệm đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế
1. Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi là cơ quan đề xuất) căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật, yêu cầu hợp tác quốc tế, chủ động đề xuất với Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế.
2. Trước khi đề xuất với Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất phải lấy ý kiến kiểm tra bằng văn bản của Bộ Ngoại giao theo quy định tại Điều 10, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp theo quy định tại các điều từ Điều 17 đến Điều 21 của Luật này và ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
3. Trong trường hợp Bộ Ngoại giao đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế thì phải lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan đề xuất với Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế về hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia.
4. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm xây dựng dự thảo điều ước quốc tế của bên Việt Nam; trong trường hợp dự thảo điều ước quốc tế đã được bên ký kết nước ngoài chuẩn bị thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm nghiên cứu dự thảo đó, xây dựng phương án chấp nhận, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng dự thảo của bên Việt Nam.

Điều 10. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao trong việc kiểm tra đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế
 1. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm kiểm tra đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế.
2. Nội dung kiểm tra đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế bao gồm:
a) Sự cần thiết, mục đích đàm phán, ký điều ước quốc tế trên cơ sở đánh giá quan hệ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên ký kết nước ngoài;
b) Đánh giá sự phù hợp của điều ước quốc tế với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế;
c) Đánh giá sự phù hợp của điều ước quốc tế với lợi ích quốc gia, đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
d) Đánh giá sự phù hợp của điều ước quốc tế đó với điều ước quốc tế về cùng một lĩnh vực mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
đ) Cấp ký, danh nghĩa ký, tên gọi, hình thức, ngôn ngữ, hiệu lực, kỹ thuật văn bản điều ước quốc tế;
e) Việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế;
g) Rà soát, đối chiếu văn bản điều ước quốc tế bằng tiếng Việt với văn bản điều ước quốc tế bằng tiếng nước ngoài.

Điều 11. Thẩm quyền, nội dung quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế
1. Chủ tịch nước quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước với người đứng đầu Nhà nước khác.
2. Chính phủ quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ, nhân danh Nhà nước, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
Chính phủ có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch nước trước khi quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước hoặc điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định phải được phê chuẩn.
3. Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội; trong trường hợp đàm phán, ký điều ước quốc tế có quy định trái với văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho ý kiến.
4. Chính phủ quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế bằng văn bản với những nội dung sau đây:
a) Tên gọi, hình thức, ngôn ngữ và danh nghĩa ký điều ước quốc tế;
b) Người đại diện, thẩm quyền của người đại diện trong việc đàm phán, ký điều ước quốc tế;
c) Hiệu lực, việc áp dụng tạm thời điều ước quốc tế;
d) Bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên;
đ) ý kiến về nội dung điều ước quốc tế và những vấn đề cần thiết khác;
e) Quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế;
g) Trách nhiệm của cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Điều 12. Trình tự, thủ tục trình, quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế
1. Chậm nhất là ba mươi ngày trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất có trách nhiệm lấy ý kiến kiểm tra bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cơ quan đề xuất trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
3. Cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được trả lời bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Chính phủ quyết định:
a) Đàm phán, ký điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình hoặc kể từ ngày nhận được ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc thông báo ý kiến của Quốc hội về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
b) Trình Chủ tịch nước quyết định về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình trong trường hợp Chủ tịch nước ký với người đứng đầu Nhà nước khác;
c) Báo cáo Chủ tịch nước về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này hoặc điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định phải được phê chuẩn chậm nhất là mười lăm ngày trước khi quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế;
d) Trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình.
5. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế quy định tại điểm d khoản 4 Điều này trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình.
Trong trường hợp cho ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế có quy định trái với văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho ý kiến.

Điều 13. Trình tự, thủ tục Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế
1. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế quy định tại điểm d khoản 4 Điều 12 của Luật này tại phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội theo trình tự sau đây:
a) Đại diện Chính phủ thuyết trình về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế;
b) Đại diện Uỷ ban đối ngoại, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban hữu quan của Quốc hội phát biểu ý kiến;
c) Đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan được mời tham dự phiên họp phát biểu ý kiến;
d) Uỷ ban thường vụ Quốc hội thảo luận;
đ) Chủ tọa phiên họp tóm tắt những ý kiến của thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế;
e) Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế.
2. Ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế được thể hiện bằng văn bản và là cơ sở để Chủ tịch nước hoặc Chính phủ xem xét, quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế đó. 
Trong trường hợp cho ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế có quy định trái với các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho ý kiến.

Điều 14. Nội dung tờ trình, báo cáo đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế
Tờ trình, báo cáo đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế phải có những nội dung sau đây:
1. Sự cần thiết, yêu cầu, mục đích đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế;
2. Nội dung chính của điều ước quốc tế;
3. Tên gọi, hình thức, danh nghĩa ký, người đại diện ký, ngôn ngữ, hiệu lực, hình thức hiệu lực, thời hạn hiệu lực và việc áp dụng tạm thời điều ước quốc tế;
4. Các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ điều ước quốc tế đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
5. Đánh giá tác động chính trị, kinh tế - xã hội và những tác động khác;
6. Đánh giá việc tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Luật này;
7. Đánh giá sự phù hợp về nội dung của điều ước quốc tế đó với điều ước quốc tế về cùng một lĩnh vực mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
8. Đánh giá mức độ tương thích giữa quy định của điều ước quốc tế với quy định của pháp luật Việt Nam;
9. Kiến nghị bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên;
10. Kiến nghị về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế hoặc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế;
11. Những vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa cơ quan đề xuất với các cơ quan, tổ chức hữu quan, giữa bên Việt Nam với bên ký kết nước ngoài và kiến nghị biện pháp xử lý.

Điều 15. Hồ sơ trình về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế
1. Hồ sơ của cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế bao gồm:
a) Tờ trình của cơ quan đề xuất có những nội dung quy định tại Điều 14 của Luật này;
b) Văn bản điều ước quốc tế bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài; trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt kèm theo;
c) ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan;
d) Các tài liệu cần thiết khác.
2. Hồ sơ của Chính phủ trình hoặc báo cáo Chủ tịch nước về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước do Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu Nhà nước khác; đàm phán, ký điều ước quốc tế khác nhân danh Nhà nước; đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ phải được phê chuẩn bao gồm:
a) Tờ trình hoặc báo cáo của Chính phủ có những nội dung quy định tại Điều 14 của Luật này;
b) Lý do của việc phải phê chuẩn điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ;
c) Văn bản điều ước quốc tế bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài; trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt kèm theo;
d) Các tài liệu cần thiết khác.
3. Hồ sơ của Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội bao gồm:
a) Tờ trình của Chính phủ có những nội dung quy định tại Điều 14 của Luật này;
b) Văn bản điều ước quốc tế bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài; trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt kèm theo;
c) Các tài liệu cần thiết khác.

Điều 16. Ngôn ngữ, hình thức của điều ước quốc tế
l. Điều ước quốc tế hai bên phải có văn bản bằng tiếng Việt, trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài. Văn bản bằng tiếng Việt phải được Bộ Ngoại giao cho ý kiến trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, ký.
Trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm dịch điều ước quốc tế đó ra tiếng Việt và thống nhất với Bộ Ngoại giao để đối chiếu với ngôn ngữ được ký của điều ước quốc tế trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, ký.
2. Bản chính điều ước quốc tế hai bên của phía Việt Nam phải được in trên giấy điều ước, đóng bìa điều ước, đóng dấu nổi của Bộ Ngoại giao hoặc của cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa các bên ký kết.

MỤC 2

THẨM ĐỊNH ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Điều 17. Điều ước quốc tế phải được thẩm định
Điều ước quốc tế phải được thẩm định trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, ký.
Điều 18. Phạm vi thẩm định điều ước quốc tế
Điều ước quốc tế được thẩm định về các nội dung sau đây:
1. Tính hợp hiến;
2. Mức độ tương thích với các quy định của pháp luật Việt Nam;
3. Khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế;
4. Yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế.

Điều 19. Thẩm quyền thẩm định điều ước quốc tế
1. Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định điều ước quốc tế.
2. Trong trường hợp Bộ Tư pháp đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế hoặc cơ quan khác đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định điều ước quốc tế.
Thành phần của Hội đồng thẩm định điều ước quốc tế có sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Điều 20. Trình tự, thủ tục thẩm định điều ước quốc tế
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm gửi Bộ Tư pháp hồ sơ đề nghị thẩm định điều ước quốc tế trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế.
2. Bộ Tư pháp hoặc Hội đồng thẩm định điều ước quốc tế tiến hành thẩm định điều ước quốc tế. Kết quả thẩm định được gửi đến cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định.
3. Trong trường hợp điều ước quốc tế được thẩm định có quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan đề xuất kiến nghị biện pháp xử lý.

Điều 21. Hồ sơ đề nghị thẩm định điều ước quốc tế
1. Hồ sơ đề nghị thẩm định điều ước quốc tế bao gồm:
a) Văn bản đề nghị thẩm định, trong đó đánh giá tính hợp hiến, mức độ tương thích giữa quy định của điều ước quốc tế với quy định của pháp luật Việt Nam; khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế;
b) Dự thảo tờ trình Chính phủ về đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế;
c) Bản sao điều ước quốc tế bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài; trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt kèm theo;
d) ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan;
đ) Các tài liệu cần thiết khác.
2. Số lượng hồ sơ gửi thẩm định là năm bộ.

MỤC 3

ỦY QUYỀN ĐÀM PHÁN, KÝ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ, ỦY NHIỆM THAM DỰ HỘI NGHỊ QUỐC TẾ

Điều 22. Đàm phán, ký điều ước quốc tế không cần Giấy ủy quyền, tham dự hội nghị quốc tế không cần Giấy ủy nhiệm
1. Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao không cần Giấy ủy quyền khi đàm phán, ký điều ước quốc tế và không cần Giấy ủy nhiệm khi tham dự hội nghị quốc tế để đàm phán, thông qua văn bản điều ước quốc tế hoặc thực hiện điều ước quốc tế (sau đây gọi là hội nghị quốc tế).
2. Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài không cần Giấy ủy quyền để đàm phán, thông qua văn bản điều ước quốc tế giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước tiếp nhận.
3. Người đứng đầu phái đoàn đại diện thường trực của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại tổ chức quốc tế hoặc cơ quan thuộc tổ chức này không cần Giấy ủy nhiệm để đàm phán, thông qua văn bản điều ước quốc tế với tổ chức hoặc cơ quan đó.

Điều 23. Đàm phán, ký điều ước quốc tế phải có Giấy ủy quyền, tham dự hội nghị quốc tế phải có Giấy ủy nhiệm
1. Việc đàm phán, ký điều ước quốc tế hoặc tham dự hội nghị quốc tế phải có Giấy ủy quyền hoặc Giấy ủy nhiệm, trừ các trường hợp quy định tại Điều 22 của Luật này.
2. Trưởng đoàn đàm phán điều ước quốc tế do Chủ tịch nước ký với người đứng đầu Nhà nước khác phải được Chủ tịch nước ủy quyền bằng văn bản.
3. Trưởng đoàn đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ hoặc nhân danh Nhà nước do Chính phủ quyết định đàm phán, ký phải được Chính phủ ủy quyền bằng văn bản.
4. Trưởng đoàn tham dự hội nghị quốc tế phải được Chính phủ ủy nhiệm bằng văn bản.
Trong trường hợp phải ủy nhiệm cho các thành viên của đoàn Việt Nam tham dự hội nghị quốc tế theo quy định của hội nghị thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình Chính phủ quyết định.
5. Người được ủy quyền đàm phán, ký điều ước quốc tế hoặc ủy nhiệm tham dự hội nghị quốc tế phải là lãnh đạo cơ quan đề xuất hoặc là người được cơ quan đề xuất trình Chính phủ quyết định sau khi đã lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao.
6. Trong trường hợp không cử người đi ký điều ước quốc tế hoặc tham dự hội nghị quốc tế ở nước ngoài thì sau khi thỏa thuận với Bộ Ngoại giao, cơ quan đề xuất trình Chính phủ quyết định ủy quyền hoặc ủy nhiệm người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao hoặc người đứng đầu phái đoàn đại diện thường trực của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại tổ chức quốc tế, cơ quan thuộc tổ chức này hoặc người đại diện khác ký điều ước quốc tế hoặc tham dự hội nghị quốc tế đó.

Điều 24. Thủ tục đối ngoại về cấp Giấy ủy quyền, Giấy ủy nhiệm
1. Bộ Ngoại giao hoàn thành thủ tục đối ngoại về cấp Giấy ủy quyền đàm phán, ký điều ước quốc tế, Giấy ủy nhiệm tham dự hội nghị quốc tế trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được quyết định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế, tham dự hội nghị quốc tế.
2. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký Giấy ủy quyền đàm phán, ký điều ước quốc tế, Giấy ủy nhiệm tham dự Hội nghị quốc tế; trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vắng mặt thì một Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy nhiệm ký.
3. Trong trường hợp quyết định ủy quyền hoặc quyết định ủy nhiệm chưa xác định rõ người được ủy quyền hoặc được ủy nhiệm, tên đầy đủ bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài của điều ước quốc tế thì chậm nhất là năm ngày, trước ngày đàm phán, ký điều ước quốc tế hoặc tham dự hội nghị quốc tế, cơ quan đề xuất có trách nhiệm thông báo bằng văn bản những thông tin này cho Bộ Ngoại giao để hoàn thành thủ tục cấp Giấy ủy quyền hoặc Giấy ủy nhiệm.
4. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm kịp thời trình Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định trong trường hợp có sự thay đổi về người được ủy quyền hoặc người được ủy nhiệm; Bộ Ngoại giao hoàn thành thủ tục đối ngoại về cấp Giấy ủy quyền hoặc Giấy ủy nhiệm theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này sau khi có quyết định của Chủ tịch nước hoặc Chính phủ.

MỤC 4

KÝ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Điều 25. Rà soát, đối chiếu văn bản điều ước quốc tế
Trước khi tiến hành ký tắt điều ước quốc tế, ký điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất phối hợp với Bộ Ngoại giao và cơ quan nhà nước hữu quan rà soát, đối chiếu văn bản tiếng Việt với văn bản tiếng nước ngoài để bảo đảm chính xác về nội dung và thống nhất về hình thức.
Điều 26. Xác thực văn bản điều ước quốc tế
1. Văn bản điều ước quốc tế được xác thực theo thủ tục quy định tại điều ước quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài tham gia soạn thảo điều ước quốc tế đó.
2. Trong trường hợp không có thủ tục quy định tại khoản 1 Điều này thì văn bản điều ước quốc tế được coi là xác thực khi đại diện có thẩm quyền của bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài ký tắt điều ước quốc tế hoặc ký điều ước quốc tế đó.
3. Văn bản điều ước quốc tế đã được xác thực là văn bản cuối cùng của điều ước quốc tế đó.

Điều 27. Ký điều ước quốc tế
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm phối hợp với Bộ Ngoại giao hoàn thành thủ tục ký và văn bản điều ước quốc tế, tổ chức lễ ký điều ước quốc tế. Lễ ký được tổ chức trang trọng, trên bàn ký có quốc kỳ Việt Nam và quốc kỳ của bên ký kết nước ngoài hoặc cờ của tổ chức quốc tế hữu quan, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa các bên.
2. Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã quyết định cho ký điều ước quốc tế nhưng chưa thể tổ chức ký được thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm kịp thời báo cáo và kiến nghị biện pháp xử lý với Chính phủ, đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao để phối hợp.
3. Trong trường hợp có những thay đổi liên quan đến danh nghĩa ký, quyền, nghĩa vụ của bên Việt Nam, quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc có những thay đổi cơ bản khác so với nội dung văn bản điều ước quốc tế đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho ký thì điều ước quốc tế chỉ được ký sau khi có quyết định cho ký của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 28. Ký điều ước quốc tế trong chuyến thăm của Đoàn cấp cao
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm phối hợp với Bộ Ngoại giao hoàn thành thủ tục ký và văn bản điều ước quốc tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho ký trong chuyến thăm của Đoàn cấp cao Việt Nam tại nước ngoài hoặc của Đoàn cấp cao nước ngoài tại Việt Nam.
2. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm kịp thời báo cáo và kiến nghị biện pháp xử lý với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao để phối hợp trong trường hợp điều ước quốc tế đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho ký, nhưng chưa thể tổ chức ký được trong chuyến thăm của Đoàn cấp cao Việt Nam tại nước ngoài hoặc của Đoàn cấp cao nước ngoài tại Việt Nam.
3. Bộ Ngoại giao chủ trì hoặc phối hợp rà soát, đối chiếu văn bản cuối cùng của điều ước quốc tế, phối hợp với bên nước ngoài tổ chức lễ ký điều ước quốc tế trong chuyến thăm của Đoàn cấp cao Việt Nam tại nước ngoài hoặc của Đoàn cấp cao nước ngoài tại Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên ký kết nước ngoài hoặc quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 29. Trách nhiệm gửi văn bản điều ước quốc tế sau khi ký
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm gửi Bộ Ngoại giao bản chính điều ước quốc tế, bản dịch bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài, bản ghi điện tử nội dung điều ước quốc tế bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài để hoàn thành thủ tục về điều ước quốc tế trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày điều ước quốc tế hai bên được ký ở trong nước hoặc kể từ ngày đoàn đàm phán, ký điều ước quốc tế ở nước ngoài về nước.
2. Trong trường hợp người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao hoặc phái đoàn đại diện thường trực của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại tổ chức quốc tế ký điều ước quốc tế thì người ký có trách nhiệm báo cáo, gửi ngay bản sao điều ước quốc tế đã ký cho Bộ Ngoại giao và trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày ký phải gửi bản chính điều ước quốc tế đến cơ quan đề xuất.
Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được bản chính điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm gửi Bộ Ngoại giao bản sao điều ước quốc tế nhiều bên đã được cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên chứng thực, bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt, bản ghi điện tử nội dung điều ước quốc tế bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài để hoàn thành thủ tục về điều ước quốc tế trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được bản sao điều ước quốc tế do cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên gửi đến.

MỤC 5

PHÊ CHUẨN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Điều 30. Đề xuất phê chuẩn điều ước quốc tế
1. Cơ quan đề xuất trình Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong trường hợp điều ước quốc tế đã ký phải được phê chuẩn.
Trong trường hợp Bộ Ngoại giao là cơ quan đề xuất phê chuẩn điều ước quốc tế thì Bộ Ngoại giao trình Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế đó sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
2. Trong trường hợp Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế thì Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với cơ quan đề xuất gửi hồ sơ đề nghị thẩm tra điều ước quốc tế đến cơ quan thẩm tra.

Điều 31. Điều ước quốc tế phải được phê chuẩn
Những điều ước quốc tế sau đây phải được phê chuẩn:
1. Điều ước quốc tế có quy định phải phê chuẩn;
2. Điều ước quốc tế được ký nhân danh Nhà nước;
3. Điều ước quốc tế được ký nhân danh Chính phủ có quy định trái với quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc có quy định liên quan đến ngân sách nhà nước.

Điều 32. Thẩm quyền, nội dung quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế
1. Quốc hội quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu Nhà nước khác; phê chuẩn các điều ước quốc tế khác theo đề nghị của Chủ tịch nước.
2. Chủ tịch nước quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế quy định tại Điều 31 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế có những nội dung sau đây:
a) Tên điều ước quốc tế được phê chuẩn, thời gian và địa điểm ký;
b) Nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên và những vấn đề cần thiết khác;
c) Quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội để thực hiện điều ước quốc tế được phê chuẩn;
d) Trách nhiệm của cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan về việc hoàn thành thủ tục phê chuẩn và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế.

Điều 33. Điều ước quốc tế phải được thẩm tra
Điều ước quốc tế trình Quốc hội phê chuẩn phải được thẩm tra.
Điều 34. Phạm vi thẩm tra điều ước quốc tế
Điều ước quốc tế được thẩm tra về các nội dung sau đây:
1. Sự cần thiết phê chuẩn điều ước quốc tế;
2. Việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất phê chuẩn điều ước quốc tế;
3. Tính hợp hiến và mức độ tương thích với các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
4. Khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế;
5. yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội để thực hiện điều ước quốc tế.

Điều 35. Thẩm quyền thẩm tra điều ước quốc tế
Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội là cơ quan chủ trì thẩm tra điều ước quốc tế. Hội đồng dân tộc, Uỷ ban khác của Quốc hội có trách nhiệm tham gia thẩm tra điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực Hội đồng, Uỷ ban phụ trách hoặc theo sự phân công của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Điều 36. Trình tự, thủ tục thẩm tra điều ước quốc tế
1. Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với cơ quan đề xuất gửi hồ sơ đề nghị thẩm tra điều ước quốc tế đến cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan tham gia thẩm tra điều ước quốc tế chậm nhất là hai mươi ngày trước ngày bắt đầu phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội và chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.  
2. Cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức phiên họp để thẩm tra điều ước quốc tế với sự tham gia của cơ quan tham gia thẩm tra và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thẩm tra.
3. Việc thẩm tra điều ước quốc tế được tiến hành theo trình tự sau đây:
a) Đại diện Chính phủ thuyết trình về điều ước quốc tế.
b) Các đại biểu tham dự phiên họp nêu câu hỏi và đại diện Chính phủ trình bày bổ sung;
c) Đại diện Thường trực Uỷ ban đối ngoại phát biểu ý kiến;
d) Đại diện Thường trực Hội đồng, Thường trực Uỷ ban tham gia thẩm tra và đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan tham dự phiên họp phát biểu ý kiến;
đ) Thành viên Uỷ ban đối ngoại thảo luận.
Trong quá trình thẩm tra, đại diện Chính phủ trình bày bổ sung ý kiến để làm rõ vấn đề mà Uỷ ban đối ngoại, đại biểu tham dự phiên họp thẩm tra nêu ra hoặc yêu cầu;
e) Chủ tọa phiên họp kết luận; đối với những vấn đề quan trọng và cần thiết thì chủ tọa phiên họp lấy biểu quyết.
4. Báo cáo thẩm tra điều ước quốc tế trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội phải phản ánh đầy đủ ý kiến của thành viên Uỷ ban đối ngoại và ý kiến của Hội đồng dân tộc, Uỷ ban tham gia thẩm tra.
Báo cáo thẩm tra được gửi đến Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội theo thời hạn do pháp luật quy định.

Điều 37. Hồ sơ đề nghị thẩm tra điều ước quốc tế
Hồ sơ đề nghị thẩm tra điều ước quốc tế bao gồm:
1. Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị phê chuẩn điều ước quốc tế;
2. Bản sao điều ước quốc tế, bản dịch bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài;
3. Các tài liệu cần thiết khác.

Điều 38. Trình tự, thủ tục trình, quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan về việc phê chuẩn điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được bản chính hoặc bản sao điều ước quốc tế quy định tại Điều 29 của Luật này.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cơ quan đề xuất trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
3. Cơ quan đề xuất trình Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được trả lời bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
4. Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ về việc phê chuẩn điều ước quốc tế.
5. Chủ tịch nước xem xét, quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình hoặc trình Quốc hội phê chuẩn điều ước quốc tế chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.
6. Quốc hội quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế tại kỳ họp Quốc hội.

Điều 39. Trình tự, thủ tục Quốc hội xem xét, phê chuẩn điều ước quốc tế tại kỳ họp Quốc hội
Quốc hội xem xét, phê chuẩn điều ước quốc tế tại kỳ họp Quốc hội theo trình tự sau đây:
1. Chủ tịch nước báo cáo về đề nghị phê chuẩn điều ước quốc tế;
2. Đại diện Chính phủ thuyết trình về điều ước quốc tế;
3. Đại diện Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra;
4. Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể về những nội dung cơ bản của điều ước quốc tế; trước khi thảo luận tại phiên họp toàn thể, Tổ hoặc Đoàn đại biểu Quốc hội có thể thảo luận về nội dung điều ước quốc tế.
Trong quá trình thảo luận, cơ quan đề xuất phê chuẩn điều ước quốc tế được trình bày bổ sung về những vấn đề liên quan đến nội dung điều ước quốc tế;
5. Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về việc phê chuẩn điều ước quốc tế.
Điều ước quốc tế được phê chuẩn khi có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực nghị quyết về việc phê chuẩn điều ước quốc tế. Chủ tịch nước ký lệnh công bố nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn điều ước quốc tế.

Điều 40. Hồ sơ trình về việc phê chuẩn điều ước quốc tế
1. Hồ sơ của cơ quan đề xuất trình Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế bao gồm:
a) Tờ trình của cơ quan đề xuất, trong đó đánh giá tác động của điều ước quốc tế đối với Việt Nam; kiến nghị về việc phê chuẩn, thời điểm phê chuẩn, nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên; kiến nghị về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ để thực hiện điều ước quốc tế;
b) Bản sao điều ước quốc tế, bản dịch bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài;
c) ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan;
d) Dự kiến kế hoạch tổ chức thực hiện điều ước quốc tế;
đ) Các tài liệu cần thiết khác.
2. Hồ sơ của Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế bao gồm:
a) Tờ trình của Chính phủ, trong đó đánh giá tác động của điều ước quốc tế đối với Việt Nam; kiến nghị về việc phê chuẩn, nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên; kiến nghị về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội để thực hiện điều ước quốc tế;
b) Bản sao điều ước quốc tế, bản dịch bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài;
c) Các tài liệu cần thiết khác.
3. Hồ sơ của Chủ tịch nước trình Quốc hội về việc phê chuẩn điều ước quốc tế bao gồm:
a) Tờ trình của Chủ tịch nước, trong đó nêu rõ lý do đề nghị Quốc hội quyết định phê chuẩn, đánh giá tác động của điều ước quốc tế đối với Việt Nam; kiến nghị nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên; kiến nghị về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ư­ớc quốc tế, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội để thực hiện điều ước quốc tế;
b) Bản sao điều ước quốc tế, bản dịch bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài;
c) Các tài liệu cần thiết khác.

Điều 41. Thông báo về việc phê chuẩn điều ước quốc tế
1. Bộ Ngoại giao thông báo cho bên ký kết nước ngoài hoặc cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về việc phê chuẩn điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày Chủ tịch nước ký lệnh công bố nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn điều ước quốc tế hoặc kể từ ngày nhận được quyết định của Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế.
2. Chủ tịch nước ký văn kiện phê chuẩn điều ước quốc tế hai bên. Văn kiện phê chuẩn điều ước quốc tế hai bên có các nội dung quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 32 của Luật này và các nội dung cần thiết khác.
 Bộ Ngoại giao tiến hành thủ tục trao đổi văn kiện phê chuẩn với bên ký kết nước ngoài trong trường hợp điều ước quốc tế hai bên có quy định hoặc có thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài về việc phải hoàn thành thủ tục trao đổi văn kiện phê chuẩn để điều ước quốc tế có hiệu lực. 
3. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký văn kiện phê chuẩn điều ước quốc tế nhiều bên gửi cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vắng mặt thì một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được Bộ trưởng ủy nhiệm ký, trừ trường hợp có quy định khác của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
4. Bộ Ngoại giao thông báo cho các cơ quan nhà nước hữu quan về ngày có hiệu lực của điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày điều ước quốc tế hai bên đã được phê chuẩn có hiệu lực hoặc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về ngày có hiệu lực của điều ước quốc tế nhiều bên đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

MỤC 6

PHÊ DUYỆT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Điều 42. Đề xuất phê duyệt điều ước quốc tế
 Cơ quan đề xuất trình Chính phủ quyết định phê duyệt điều ước quốc tế sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong trường hợp điều ước quốc tế đã ký phải được phê duyệt; trong trường hợp Bộ Ngoại giao là cơ quan đề xuất phê duyệt điều ước quốc tế thì Bộ Ngoại giao trình Chính phủ quyết định phê duyệt điều ước quốc tế sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Điều 43. Điều ước quốc tế phải được phê duyệt
Những điều ước quốc tế sau đây phải được phê duyệt:
1. Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định phải phê duyệt;
2. Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định trái với quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ;
3. Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định phải hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ.

Điều 44. Thẩm quyền, nội dung quyết định phê duyệt điều ước quốc tế
 1. Chính phủ quyết định phê duyệt điều ước quốc tế quy định tại Điều 43 của Luật này.
2. Quyết định phê duyệt điều ước quốc tế có những nội dung sau đây:
a) Tên điều ước quốc tế, thời gian và địa điểm ký;
b) Nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên và những vấn đề cần thiết khác;
 c) Quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ư­ớc quốc tế; kiến nghị hoặc quyết định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ để thực hiện điều ước quốc tế được phê duyệt;
 d) Trách nhiệm của cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan về việc hoàn thành thủ tục phê duyệt và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế.

Điều 45. Trình tự, thủ tục trình, quyết định phê duyệt điều ước quốc tế
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan về việc phê duyệt điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được bản chính hoặc bản sao điều ước quốc tế quy định tại Điều 29 của Luật này.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cơ quan đề xuất trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
3. Cơ quan đề xuất trình Chính phủ quyết định phê duyệt điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được trả lời bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
4. Chính phủ quyết định phê duyệt điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình.

Điều 46. Hồ sơ trình về việc phê duyệt điều ước quốc tế
Hồ sơ của cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc phê duyệt điều ước quốc tế bao gồm:
1. Tờ trình của cơ quan đề xuất, trong đó đánh giá tác động của điều ước quốc tế đối với Việt Nam; kiến nghị về việc phê duyệt, thời điểm phê duyệt, nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên; kiến nghị về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ để thực hiện điều ước quốc tế;
2. Bản sao điều ước quốc tế, bản dịch bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài;
3. ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan;
4. Dự kiến kế hoạch tổ chức thực hiện điều ước quốc tế;
5. Các tài liệu cần thiết khác.

Điều 47. Thông báo về việc phê duyệt điều ước quốc tế
1. Bộ Ngoại giao thông báo cho bên ký kết nước ngoài hoặc cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về việc phê duyệt điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày Chính phủ quyết định phê duyệt.
2. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký văn kiện phê duyệt điều ước quốc tế nhiều bên gửi cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vắng mặt thì một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được Bộ trưởng ủy nhiệm ký, trừ trường hợp có quy định khác của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
3. Bộ Ngoại giao thông báo cho các cơ quan nhà nước hữu quan về ngày có hiệu lực của điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày điều ước quốc tế đã được phê duyệt có hiệu lực hoặc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về ngày có hiệu lực của điều ước quốc tế nhiều bên đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 48. Trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế
1. Việc trao đổi văn kiện giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài tạo thành điều ước quốc tế hai bên, nếu văn kiện được trao đổi có quy định.
2. Quy định tại các điều từ Điều 9 đến Điều 29 của Luật này được áp dụng đối với việc trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế.

CHƯƠNG III

GIA NHẬP ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ NHIỀU BÊN

Điều 49. Trách nhiệm đề xuất gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên
1. Cơ quan đề xuất căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, yêu cầu hợp tác quốc tế chủ động đề xuất với Chính phủ về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên.
2. Trước khi đề xuất với Chính phủ về việc gia nhập điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất phải lấy ý kiến kiểm tra bằng văn bản của Bộ Ngoại giao theo quy định tại Điều 10 của Luật này, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp theo quy định tại các điều từ Điều 17 đến Điều 21 của Luật này và ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
3. Trong trường hợp Bộ Ngoại giao trình Chính phủ về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên thì phải lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan đề xuất với Chính phủ về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên về hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia.
4. Trong trường hợp Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên thì Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với cơ quan đề xuất gửi hồ sơ đề nghị thẩm tra đến cơ quan thẩm tra.

Điều 50. Thẩm quyền, nội dung quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên
1. Quốc hội quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên theo đề nghị của Chủ tịch nước.
2. Chủ tịch nước quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên nhân danh Nhà nước, điều ước quốc tế nhiều bên có quy định phải phê chuẩn, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Chính phủ quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên nhân danh Chính phủ.
4. Quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên có những nội dung sau đây:
a) Tên điều ước quốc tế được gia nhập, thời gian và địa điểm ký hoặc thông qua;
b) Nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên và những vấn đề cần thiết khác;
c) Quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ để thực hiện điều ước quốc tế được gia nhập;
d) Trách nhiệm của cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan về việc hoàn thành thủ tục gia nhập và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế.

Điều 51. Trình tự, thủ tục trình, quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên
1. Chậm nhất là ba mươi ngày trước khi trình Chính phủ về việc gia nhập  điều ước quốc tế nhiều bên, cơ quan đề xuất có trách nhiệm lấy ý kiến kiểm tra bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cơ quan đề xuất trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
3. Cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được trả lời bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Chính phủ quyết định:
a) Gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên nhân danh Chính phủ trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình hoặc kể từ ngày nhận được ý kiến của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên có điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
b) Trình Chủ tịch nước về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật này trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình;
c) Trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên có điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình. 
5. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên quy định tại điểm c khoản 4 Điều này theo trình tự quy định tại Điều 13 của Luật này.
6. Chủ tịch nước quyết định:
a) Gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật này trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình;
b) Trình Quốc hội quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.
7. Quốc hội quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên tại kỳ họp Quốc hội theo trình tự, thủ tục tương tự quy định tại Điều 39 của Luật này; trước khi trình Quốc hội thì điều ước quốc tế phải được thẩm tra theo trình tự, thủ tục tương tự quy định tại các điều từ Điều 34 đến Điều 37 của Luật này.

Điều 52. Hồ sơ trình về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên
1. Hồ sơ của cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên bao gồm:
a) Tờ trình của cơ quan đề xuất có những nội dung quy định tại Điều 14 của Luật này;
b) Bản sao điều ước quốc tế, bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt;
c) ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan;
d) Danh sách các thành viên của điều ước quốc tế, văn bản sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế, bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu, tuyên bố của các bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế, thủ tục pháp lý cần thiết và các thông tin khác liên quan đến việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên;
đ) Dự kiến kế hoạch tổ chức thực hiện điều ước quốc tế;
e) Các tài liệu cần thiết khác.
2. Hồ sơ của Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên bao gồm:
a) Tờ trình của Chính phủ, trong đó đánh giá tác động của điều ước quốc tế nhiều bên đối với Việt Nam; kiến nghị về việc gia nhập, nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên; kiến nghị về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội để thực hiện điều ước quốc tế;
b) Bản sao điều ước quốc tế, bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt;
c) Danh sách các thành viên của điều ước quốc tế, văn bản sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế, bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu, tuyên bố của các bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế, thủ tục pháp lý cần thiết và các thông tin khác liên quan đến việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên;
d) Ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội trong trường hợp đề xuất gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên quy định tại điểm c khoản 4 Điều 51 của Luật này;
đ) Các tài liệu cần thiết khác.
3. Trong trường hợp Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên quy định tại điểm c khoản 4 Điều 51 của Luật này thì hồ sơ của Chính phủ bao gồm những nội dung quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này.
4. Hồ sơ của Chủ tịch nước trình Quốc hội về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên bao gồm:
a) Tờ trình của Chủ tịch nước, trong đó nêu rõ lý do đề nghị Quốc hội quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên; đánh giá tác động của điều ước quốc tế nhiều bên đối với Việt Nam; kiến nghị nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên; kiến nghị về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội để thực hiện điều ước quốc tế;
b) Bản sao điều ước quốc tế, bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt;
c) Danh sách các thành viên của điều ước quốc tế, văn bản sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế, bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu, tuyên bố của các bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế, thủ tục pháp lý cần thiết và các thông tin khác liên quan đến việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên;
d) Các tài liệu cần thiết khác.

Điều 53. Thông báo về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên
1. Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về việc gia nhập điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày Chủ tịch nước ký lệnh công bố nghị quyết của Quốc hội về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên hoặc kể từ ngày nhận được quyết định của Chủ tịch nước hoặc của Chính phủ về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên.
2. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký văn kiện gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên gửi cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vắng mặt thì một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được Bộ trưởng ủy nhiệm ký, trừ trường hợp có quy định khác của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
3. Bộ Ngoại giao thông báo cho các cơ quan nhà nước hữu quan về ngày có hiệu lực của điều ước quốc tế nhiều bên đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.

CHƯƠNG IV

BẢO LƯU ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ NHIỀU BÊN

Điều 54. Bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm nêu rõ kiến nghị đưa ra bảo lưu đối với điều ước quốc tế nhiều bên, yêu cầu, nội dung, thời điểm tuyên bố bảo lưu trong tờ trình Chính phủ về việc ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên được phép bảo lưu và có điều khoản mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần tuyên bố bảo lưu.
2. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm nêu rõ kiến nghị chính thức khẳng định lại bảo lưu đối với điều ước quốc tế nhiều bên mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố khi ký điều ước quốc tế đó trong tờ trình Chính phủ về việc phê chuẩn hoặc phê duyệt điều ước quốc tế nhiều bên.
3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên có quyền quyết định việc bảo lưu điều ước quốc tế đó.

Điều 55. Thông báo về bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Cơ quan đề xuất phối hợp với Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi ký điều ước quốc tế đó. 
2. Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế có điều khoản mà Việt Nam tuyên bố bảo lưu hoặc phải khẳng định lại bảo lưu đã tuyên bố khi ký điều ước quốc tế đó.
3. Bộ Ngoại giao thông báo cho các cơ quan nhà nước hữu quan về ngày có hiệu lực của tuyên bố bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.

Điều 56. Chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm nêu rõ yêu cầu, nội dung chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài; kiến nghị thời điểm đưa ra chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu và hậu quả pháp lý của việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu trong tờ trình Chính phủ về việc ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên trong trường hợp điều ước quốc tế nhiều bên được phép bảo lưu nhưng phải có sự chấp nhận của các bên ký kết đối với bảo lưu được đưa ra.
2. Trong trường hợp bên ký kết nước ngoài đưa ra bảo lưu đối với điều ước quốc tế nhiều bên sau khi cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước nhiều bên thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình bổ sung về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
3. Hồ sơ của cơ quan đề xuất trình bổ sung về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu quy định tại khoản 2 Điều này bao gồm:
a) Tờ trình của cơ quan đề xuất có những nội dung quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Bản sao điều ước quốc tế nhiều bên, bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt;
c) ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan;
d) Các tài liệu cần thiết khác.

Điều 57. Thẩm quyền quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài
1. Quốc hội quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế nhiều bên mà Quốc hội quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập.
2. Chủ tịch nước quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế nhiều bên mà Chủ tịch nước quyết định ký, phê chuẩn hoặc gia nhập.
3. Chính phủ quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế nhiều bên mà Chính phủ quyết định ký, phê duyệt hoặc gia nhập.
Việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu phải được thể hiện bằng văn bản.

Điều 58. Trình tự, thủ tục trình, quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài
1. Trình tự, thủ tục trình, quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế nhiều bên được thực hiện tương tự  quy định tại Điều 38 của Luật này.
2. Quốc hội quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế nhiều bên khi quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập điều ước quốc tế đó hoặc sau khi nhận được tờ trình bổ sung về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu.
3. Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế nhiều bên khi quyết định ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế đó hoặc trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được tờ trình bổ sung về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu.

Điều 59. Thông báo về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài
1. Cơ quan đề xuất phối hợp với Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên tuyên bố của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 
2. Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài khi gửi các văn kiện phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký thông báo đối ngoại về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu gửi cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vắng mặt thì một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được Bộ trưởng ủy nhiệm ký, trừ trường hợp có quy định khác của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
4. Bộ Ngoại giao thông báo cho các cơ quan nhà nước hữu quan về ngày có hiệu lực của việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.

Điều 60. Rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình Chính phủ về việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đưa ra bảo lưu hoặc phản đối bảo lưu có quyền quyết định rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu đó.
Trình tự, thủ tục trình, quyết định rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu được thực hiện tương tự quy định tại Điều 38 của Luật này.
Việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu phải được thể hiện bằng văn bản.
3. Hồ sơ trình về việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu bao gồm:
a) Tờ trình về việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu, hậu quả pháp lý của việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu;
b) Bản sao điều ước quốc tế, bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt;
c) Ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan;
d) Các tài liệu cần thiết khác.
4. Thủ tục thông báo về việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu được thực hiện tương tự quy định tại Điều 55 và Điều 59 của Luật này.

CHƯƠNG V

HIỆU LỰC, ÁP DỤNG TẠM THỜI TOÀN BỘ HOẶC MỘT PHẦN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Điều 61. Hiệu lực của điều ước quốc tế
Điều ước quốc tế có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam theo thể thức và thời hạn được quy định trong điều ước quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.

Điều 62. áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế
Điều ước quốc tế hoặc một phần của điều ước quốc tế có thể được áp dụng tạm thời trong thời gian hoàn thành thủ tục để điều ước quốc tế có hiệu lực theo quy định của điều ước quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.
Điều 63. Chấm dứt áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế
1. Việc áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế chấm dứt nếu bên Việt Nam thông báo cho bên ký kết nước ngoài hoặc bên ký kết nước ngoài thông báo cho bên Việt Nam về việc chấm dứt áp dụng tạm thời điều ước quốc tế đó, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác hoặc bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài có thỏa thuận khác.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định ký điều ước quốc tế có quyền quyết định chấm dứt áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó.
3. Trình tự, thủ tục chấm dứt áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế được thực hiện tương tự quy định tại các điều 12, 14 và 15 của Luật này.

Điều 64. Thông báo về việc chấm dứt áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế
1. Bộ Ngoại giao thông báo cho bên ký kết nước ngoài quyết định của bên Việt Nam về việc chấm dứt áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế hoặc trả lời của bên Việt Nam đối với quyết định của bên ký kết nước ngoài về việc chấm dứt áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Bộ Ngoại giao thông báo cho các cơ quan nhà nước hữu quan về ngày chấm dứt áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày việc chấm dứt có hiệu lực.

CHƯƠNG VI

LƯU CHIỂU, LƯU TRỮ, SAO LỤC, CÔNG BỐ, ĐĂNG KÝ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Điều 65. Cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên
Bộ Ngoại giao thực hiện việc lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được chỉ định là cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên đó.
Điều 66. Nội dung lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên
1. Nội dung lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên bao gồm:
a) Lưu giữ bản chính của điều ước quốc tế nhiều bên và Giấy ủy quyền;
b) Chứng thực bản sao điều ước quốc tế nhiều bên, lập văn bản điều ước quốc tế nhiều bên bằng các thứ tiếng theo quy định của điều ước quốc tế đó và gửi cho các thành viên điều ước quốc tế, các quốc gia có quyền trở thành thành viên điều ước quốc tế nhiều bên;
c) Tiếp nhận văn bản chữ ký đối với điều ước quốc tế nhiều bên, nhận và lưu giữ văn kiện, thông báo và các thông tin có liên quan đến điều ước quốc tế đó;
d) Kiểm tra tính hợp thức và hợp lệ của các chữ ký, văn kiện, thông báo hoặc thông tin liên quan đến điều ước quốc tế nhiều bên;
đ) Thông báo cho các thành viên điều ước quốc tế nhiều bên và các quốc gia có quyền trở thành thành viên điều ước quốc tế nhiều bên về những văn kiện, thông báo và thông tin liên quan đến điều ước quốc tế đó;
e) Thông báo cho các quốc gia có quyền trở thành thành viên điều ước quốc tế nhiều bên về thời điểm đã nhận hoặc lưu chiểu đủ số lượng văn bản chữ ký, văn kiện phê chuẩn, phê duyệt, chấp thuận hoặc gia nhập để điều ước quốc tế đó có hiệu lực;
g) Đăng ký điều ước quốc tế nhiều bên tại Ban thư ký của Liên hợp quốc.
2. Trong trường hợp bên Việt Nam là cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên mà bên ký kết nước ngoài khiếu nại về việc lưu chiểu điều ước quốc tế đó thì Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan trình Chính phủ xem xét, quyết định. Chính phủ quyết định giải quyết khiếu nại trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Bộ Ngoại giao trình.
Bộ Ngoại giao thông báo kết quả giải quyết khiếu nại cho bên ký kết nước ngoài trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có quyết định của Chính phủ.

Điều 67. Lưu trữ điều ước quốc tế
1. Bộ Ngoại giao lưu trữ bản chính điều ước quốc tế hai bên; bản chính điều ước quốc tế nhiều bên trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên; bản sao được chứng thực của điều ước quốc tế nhiều bên mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; văn kiện phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế và các văn kiện khác có liên quan.
2. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm gửi Bộ Ngoại giao bản chính hoặc bản sao được chứng thực và bản dịch bằng tiếng Việt của điều ước quốc tế theo thời hạn quy định tại Điều 29 của Luật này.

Điều 68. Sao lục điều ước quốc tế
Bộ Ngoại giao sao lục điều ước quốc tế có hiệu lực gửi Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ để báo cáo, gửi các cơ quan, tổ chức hữu quan để thực hiện, gửi Văn phòng Chính phủ để đăng Công báo của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được điều ước quốc tế hai bên có hiệu lực hoặc ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về hiệu lực của điều ước quốc tế nhiều bên đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 69. Công bố điều ước quốc tế
1. Điều ước quốc tế có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được công bố trên Công báo của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Niên giám điều ước quốc tế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài hoặc có quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong trường hợp có yêu cầu không công bố điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất trình Chính phủ quyết định sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
2. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được bản sao điều ước quốc tế có hiệu lực do Bộ Ngoại giao gửi, Văn phòng Chính phủ đăng điều ước quốc tế đó trên Công báo của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Hằng năm, Bộ Ngoại giao tổ chức biên soạn và ấn hành Niên giám điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Điều 70. Đăng ký điều ước quốc tế
Bộ Ngoại giao đăng ký tại Ban thư ký của Liên hợp quốc điều ước quốc tế hai bên có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và điều ước quốc tế nhiều bên có hiệu lực trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.

CHƯƠNG VII
THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

MỤC 1
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Điều 71. Kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế
1. Cơ quan đề xuất căn cứ vào tính chất, nội dung của điều ước quốc tế, nhiệm vụ và quyền hạn được giao trình Chính phủ quyết định kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
2. Kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế bao gồm những nội dung sau đây:
a) Lộ trình thực hiện điều ước quốc tế;
b) Dự kiến phân công trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện điều ước quốc tế;
c) Kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế;
d) Các biện pháp tổ chức, quản lý, tài chính và các biện pháp cần thiết khác để thực hiện điều ước quốc tế;
đ) Tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế.

Điều 72. Trình tự, thủ tục trình phê duyệt kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan về dự thảo kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về hiệu lực của điều ước quốc tế đó.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến trả lời cơ quan đề xuất bằng văn bản trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
3. Cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được trả lời của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
4. Thủ tướng Chính phủ quyết định kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo kế hoạch do cơ quan đề xuất trình.

Điều 73. Triển khai kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế
1. Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đó.
2. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, nếu phát sinh vấn đề liên quan đến việc giải thích, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế thì cơ quan đề xuất tiến hành các thủ tục theo quy định tại các mục 2, 3 và 4 của Chương này.

MỤC 2
GIẢI THÍCH ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Điều 74. Điều ước quốc tế được giải thích
Điều ước quốc tế được giải thích trong các trường hợp sau đây:
1. Có đề nghị giải thích điều ước quốc tế của bên ký kết nước ngoài;
2. Có đề nghị giải thích điều ước quốc tế của cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan;
3. Các trường hợp cần thiết khác.

Điều 75. Yêu cầu và căn cứ giải thích điều ước quốc tế
1. Điều ước quốc tế phải được giải thích phù hợp với tinh thần, mục đích và nội dung của điều ước quốc tế và nghĩa thông thường của những thuật ngữ được sử dụng trong điều ước quốc tế đó.
2. Căn cứ để giải thích điều ước quốc tế bao gồm:
a) Văn bản điều ước quốc tế và các phụ lục kèm theo điều ước quốc tế đó;
b) Thỏa thuận có liên quan đến điều ước quốc tế của toàn bộ thành viên điều ước quốc tế khi ký kết điều ước quốc tế đó;
c) Văn kiện có liên quan đến điều ước quốc tế do thành viên điều ước quốc tế đưa ra khi ký kết điều ước quốc tế đó và được các thành viên khác chấp nhận;
d) Thỏa thuận về việc giải thích hoặc thực hiện các quy định của điều ước quốc tế giữa các thành viên điều ước quốc tế sau khi ký điều ước quốc tế đó;
đ) Thực tiễn giải thích điều ước quốc tế được các thành viên điều ước quốc tế công nhận;
e) Quy định của pháp luật quốc tế được áp dụng trong quan hệ giữa các thành viên điều ước quốc tế.
3. Trong trường hợp đã áp dụng những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều này để giải thích nhưng kết quả giải thích vẫn chưa rõ ràng hoặc bất hợp lý thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào việc chuẩn bị điều ước quốc tế, hoàn cảnh ký kết điều ước quốc tế và những căn cứ khác để giải thích.

Điều 76. Thẩm quyền, nội dung quyết định giải thích điều ước quốc tế
1. Uỷ ban thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận và đại biểu Quốc hội quyết định việc giải thích điều ước quốc tế trong các trường hợp sau đây:
a) Điều ước quốc tế do Quốc hội quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập;
b) Điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội; điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội;
c) Điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
d) Các trường hợp cần thiết khác.
2. Chính phủ tự mình hoặc theo đề nghị của cơ quan đề xuất quyết định việc giải thích điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước và nhân danh Chính phủ, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Quyết định giải thích điều ước quốc tế phải được thể hiện bằng văn bản. Văn bản giải thích điều ước quốc tế có những nội dung sau đây:
a) Tên, thời gian và địa điểm ký điều ước quốc tế được giải thích;
b) Nội dung giải thích điều ước quốc tế;
c) Trách nhiệm của cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Điều 77. Trình tự, thủ tục trình, quyết định giải thích điều ước quốc tế
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị giải thích điều ước quốc tế do bên ký kết nước ngoài gửi hoặc do Bộ Ngoại giao chuyển đến hoặc do cơ quan, tổ chức hữu quan của Việt Nam yêu cầu.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời cơ quan đề xuất bằng văn bản trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
3. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình Chính phủ về việc giải thích điều ước quốc tế trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được trả lời bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Chính phủ quyết định:
a) Giải thích điều ước quốc tế quy định tại khoản 2 Điều 76 của Luật này trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình; trong trường hợp giải thích điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước thì phải báo cáo Chủ tịch nước chậm nhất là mười lăm ngày trước khi quyết định giải thích điều ước quốc tế đó;
b) Trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc giải thích điều ước quốc tế quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 76 của Luật này trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình;
c) Trình Chủ tịch nước để Chủ tịch nước trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội giải thích điều ước quốc tế quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 76 của Luật này trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình.
5. Chủ tịch nước trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội giải thích điều ước quốc tế quy định tại điểm c khoản 4 Điều này trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình.
6. Uỷ ban thường vụ Quốc hội giải thích điều ước quốc tế trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chủ tịch nước hoặc Chính phủ trình.

Điều 78. Hồ sơ trình, báo cáo về việc giải thích điều ước quốc tế
Hồ sơ trình, báo cáo về việc giải thích điều ước quốc tế bao gồm:
1. Tờ trình hoặc báo cáo trong đó nêu rõ yêu cầu, căn cứ giải thích điều ước quốc tế, đề xuất nội dung giải thích điều ước quốc tế;
2. Bản sao điều ước quốc tế và bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài;
3. Đề nghị giải thích điều ước quốc tế của bên ký kết nước ngoài hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan của Việt Nam;
4. ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan;
5. Các tài liệu cần thiết khác.

Điều 79. Thông báo về việc giải thích điều ước quốc tế
1. Trong trường hợp bên ký kết nước ngoài đề nghị giải thích điều ước quốc tế thì Bộ Ngoại giao thông báo cho bên ký kết nước ngoài về nội dung giải thích điều ước quốc tế của bên Việt Nam trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản giải thích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp sau khi bên Việt Nam thông báo về nội dung giải thích điều ước quốc tế mà bên ký kết nước ngoài có đề nghị mới về giải thích điều ước quốc tế đó thì trình tự, thủ tục giải thích điều ước quốc tế được thực hiện theo quy định tại Điều 77 của Luật này.  
2. Trong trường hợp cơ quan nhà nước hữu quan của Việt Nam đề nghị giải thích điều ước quốc tế thì cơ quan đề xuất thông báo cho cơ quan này về nội dung giải thích điều ước quốc tế trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được văn bản giải thích điều ước quốc tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Trong trường hợp bên Việt Nam đề nghị bên ký kết nước ngoài giải thích điều ước quốc tế thì Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan đề xuất, cơ quan nhà nước hữu quan của Việt Nam về nội dung giải thích điều ước quốc tế của bên ký kết nước ngoài trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản giải thích điều ước quốc tế của bên ký kết nước ngoài.
Trường hợp sau khi bên ký kết nước ngoài thông báo về nội dung giải thích điều ước quốc tế mà bên Việt Nam có đề nghị mới về giải thích điều ước quốc tế đó thì trình tự, thủ tục giải thích điều ước quốc tế được thực hiện theo quy định tại Điều 77 của Luật này.

MỤC 3
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, GIA HẠN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Điều 80. Sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế
Điều ước quốc tế được sửa đổi, bổ sung, gia hạn theo quy định của điều ước quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.
Điều 81. Thẩm quyền, nội dung quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế
1. Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế do Quốc hội quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập.
2. Chủ tịch nước quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế do Chủ tịch nước quyết định ký, phê chuẩn hoặc gia nhập.
3. Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế do Chính phủ quyết định phê duyệt, gia nhập hoặc ký nhưng không phải phê chuẩn.
4. Quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế được thể hiện bằng văn bản với những nội dung sau đây:
a) Tên của điều ước quốc tế được sửa đổi, bổ sung, gia hạn; thời gian, địa điểm ký và thời điểm có hiệu lực;
b) Nội dung sửa đổi, bổ sung, thời gian gia hạn điều ước quốc tế;
c) Trách nhiệm của cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Điều 82. Trình tự, thủ tục trình, quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế do bên ký kết nước ngoài gửi hoặc do Bộ Ngoại giao chuyển đến hoặc do cơ quan nhà nước hữu quan của Việt Nam yêu cầu.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời cơ quan đề xuất bằng văn bản trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
3. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được trả lời bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này.
Chậm nhất là chín mươi ngày trước khi điều ước quốc tế chấm dứt hiệu lực, cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình Chính phủ về việc gia hạn hiệu lực của điều ước quốc tế, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác hoặc bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài có thoả thuận khác.
4. Chính phủ quyết định:
a) Sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế quy định tại khoản 3 Điều 81 của Luật này trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình;
b) Trình Chủ tịch nước quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế quy định tại khoản 2 Điều 81 của Luật này trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình.
5. Chủ tịch nước quyết định:
a) Sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế quy định tại khoản 2 Điều 81 của Luật này trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình;
b) Trình Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế  quy định tại khoản 1 Điều 81 của Luật này trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình.
6. Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế tại kỳ họp Quốc hội theo trình tự, thủ tục tương tự quy định tại Điều 39 của Luật này; trước khi trình Quốc hội thì điều ước quốc tế phải được thẩm tra theo trình tự, thủ tục tương tự quy định tại các điều từ Điều 34 đến Điều 37 của Luật này.

Điều 83. Hồ sơ trình về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế
Hồ sơ trình về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế bao gồm:
1. Tờ trình, trong đó nêu rõ mục đích, yêu cầu, cơ sở pháp lý và hậu quả pháp lý của việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế;
2. Bản sao điều ước quốc tế, bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài;
3. Đề nghị về việc sửa đổi, bổ sung, thời gian gia hạn điều ước quốc tế của bên ký kết nước ngoài hoặc cơ quan nhà nước hữu quan của Việt Nam;
4. ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan;
5. Các tài liệu cần thiết khác.

Điều 84. Thông báo về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế
1. Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan đề xuất thông báo cho bên ký kết nước ngoài về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế đó.
2. Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan đề xuất và các cơ quan nhà nước hữu quan về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế có hiệu lực.

MỤC 4
CHẤM DỨT HIỆU LỰC, TỪ BỎ, RÚT KHỎI, TẠM ĐÌNH CHỈ THỰC HIỆN TOÀN BỘ HOẶC MỘT PHẦN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Điều 85. Căn cứ chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế
1. Việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.
2. Điều ước quốc tế bị chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện trong những trường hợp sau đây:
a) Theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo thỏa thuận của toàn bộ thành viên điều ước quốc tế đó;
b) Có điều ước quốc tế được ký kết sau quy định về cùng một nội dung với điều ước quốc tế đó;
c) Do hậu quả của việc vi phạm điều ước quốc tế đó;
d) Do đối tượng điều chỉnh của điều ước quốc tế đó không còn tồn tại hoặc bị hủy bỏ;
đ) Do sự thay đổi cơ bản hoàn cảnh khi ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế làm ảnh hưởng đến việc thực hiện điều ước quốc tế đó;
e) Do cắt quan hệ ngoại giao hoặc quan hệ lãnh sự;
g) Do xung đột với một quy phạm bắt buộc mới được hình thành của pháp luật quốc tế.
3. Điều ước quốc tế nhiều bên có thể bị tạm đình chỉ thực hiện theo thỏa thuận của một số thành viên điều ước quốc tế đó.

Điều 86. Chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế do có điều ước quốc tế được ký kết sau về cùng một nội dung
1. Điều ước quốc tế giữa bên Việt Nam và thành viên khác chấm dứt hiệu lực nếu bên Việt Nam và thành viên này ký một điều ước quốc tế mới về cùng một nội dung, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Điều ước quốc tế được ký trước quy định tại khoản 1 Điều này tạm đình chỉ thực hiện trong trường hợp có thỏa thuận giữa bên Việt Nam và thành viên khác của điều ước quốc tế đó.

Điều 87. Chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế do hậu quả của việc vi phạm điều ước quốc tế
1. Trong trường hợp bên ký kết nước ngoài vi phạm nghiêm trọng điều ước quốc tế hai bên mà Việt Nam là thành viên thì bên Việt Nam có quyền chấm dứt hiệu lực hoặc tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó.
2. Trong trường hợp có sự vi phạm rõ ràng điều ước quốc tế của một hoặc nhiều thành viên điều ước quốc tế nhiều bên mà Việt Nam là thành viên thì bên Việt Nam có quyền:
a) Thỏa thuận với các thành viên khác về việc chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó trong quan hệ giữa bên Việt Nam và các thành viên này với thành viên vi phạm hoặc giữa bên Việt Nam và các thành viên này với nhau;
b) Tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế nhiều bên trong quan hệ giữa bên Việt Nam và thành viên vi phạm điều ước quốc tế đó khi bên Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng do vi phạm này gây ra;
c) Tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó trong quan hệ giữa bên Việt Nam và các thành viên khác khi vi phạm này làm thay đổi cơ bản việc bên Việt Nam và các thành viên khác tiếp tục thực hiện những nghĩa vụ phát sinh từ điều ước quốc tế đó.

Điều 88. Chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế do đối tượng điều chỉnh không còn tồn tại hoặc bị hủy bỏ
1. Bên Việt Nam có quyền chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi điều ước quốc tế trong trường hợp đối tượng gắn liền với việc thực hiện điều ước quốc tế đó không còn tồn tại hoặc đã bị hủy bỏ.
2. Bên Việt Nam có quyền tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế trong trường hợp việc không thể thực hiện được điều ước quốc tế đó chỉ là tạm thời.

Điều 89. Chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế do sự thay đổi cơ bản hoàn cảnh khi ký kết hoặc gia nhập
1. Bên Việt Nam có quyền viện dẫn sự thay đổi cơ bản hoàn cảnh khi ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế để chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế đó trong trường hợp sự tồn tại của hoàn cảnh đó là cơ sở chủ yếu để bên Việt Nam đồng ý chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế và thay đổi đó làm thay đổi cơ bản phạm vi các nghĩa vụ mà bên Việt Nam còn phải thực hiện theo điều ước quốc tế.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với điều ước quốc tế xác định đường biên giới quốc gia giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.

Điều 90. Chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế do cắt quan hệ ngoại giao hoặc quan hệ lãnh sự
Trong trường hợp cắt quan hệ ngoại giao hoặc quan hệ lãnh sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và thành viên khác của điều ước quốc tế mà việc tồn tại quan hệ ngoại giao hoặc quan hệ lãnh sự là điều kiện không thể thiếu được để thực hiện điều ước quốc tế thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình Chính phủ về việc chấm dứt hiệu lực hoặc tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế đó.
Điều 91. Chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế do xung đột với một quy phạm bắt buộc mới hình thành của pháp luật quốc tế
Điều ước quốc tế đang có hiệu lực mà xung đột với quy phạm bắt buộc mới hình thành của pháp luật quốc tế thì vô hiệu và bị chấm dứt hiệu lực.
Điều 92. Tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế nhiều bên theo thỏa thuận của một số thành viên điều ước quốc tế
1. Bên Việt Nam có thể ký kết thỏa thuận với một số thành viên của điều ước quốc tế nhiều bên về việc tạm đình chỉ thực hiện một số quy định của điều ước quốc tế đó trong quan hệ giữa bên Việt Nam và các thành viên này trong các trường hợp sau đây:
a) Điều ước quốc tế có quy định cho phép việc thỏa thuận giữa các thành viên trong việc tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế;
b) Việc tạm đình chỉ không bị điều ước quốc tế đó cấm, với điều kiện không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ phát sinh từ điều ước quốc tế của các thành viên khác còn lại và không mâu thuẫn với đối tượng và mục đích của điều ước quốc tế đó.
2. Bên Việt Nam thông báo cho các thành viên khác còn lại về việc ký kết thỏa thuận và các quy định cụ thể của điều ước quốc tế mà bên Việt Nam có ý định tạm đình chỉ thực hiện, trừ trường hợp điều ước quốc tế đó có quy định khác.

Điều 93. Thẩm quyền, nội dung quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế
1. Quốc hội quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế mà Quốc hội quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập.
2. Chủ tịch nước quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế mà Chủ tịch nước quyết định ký, phê chuẩn hoặc gia nhập.
3. Chính phủ quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế mà Chính phủ quyết định phê duyệt, gia nhập, ký điều ước quốc tế không phải phê chuẩn.
4. Quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế được thể hiện bằng văn bản với những nội dung sau đây:
a) Tên điều ước quốc tế bị chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, thời gian, địa điểm ký và thời hạn có hiệu lực của điều ước quốc tế;
b) Trách nhiệm của cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Điều 94. Trình tự, thủ tục trình, quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế do bên ký kết nước ngoài gửi hoặc do Bộ Ngoại giao chuyển đến hoặc do cơ quan nhà nước hữu quan của Việt Nam yêu cầu.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời cơ quan đề xuất bằng văn bản trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
3. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình Chính phủ về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được trả lời bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Chính phủ quyết định:
a) Chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế quy định tại khoản 3 Điều 93 của Luật này trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình;
b) Trình Chủ tịch nước quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế quy định tại khoản 2 Điều 93 của Luật này trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình.
5. Chủ tịch nước quyết định:
a) Chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế quy định tại khoản 2 Điều 93 của Luật này trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình;
b) Trình Quốc hội quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế quy định tại khoản 1 Điều 93 của Luật này trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình.
6. Quốc hội quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế tại kỳ họp Quốc hội theo trình tự, thủ tục tương tự quy định tại Điều 39 của Luật này; trước khi trình Quốc hội thì điều ước quốc tế phải được thẩm tra theo trình tự, thủ tục tương tự quy định tại các điều từ Điều 34 đến Điều 37 của Luật này.

Điều 95. Hồ sơ trình về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế
Hồ sơ trình về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế bao gồm:
1. Tờ trình, trong đó nêu rõ lý do, cơ sở pháp lý và hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế;
2. Bản sao điều ước quốc tế, bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài;
3. Đề nghị chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế của bên ký kết nước ngoài hoặc cơ quan nhà nước hữu quan của Việt Nam;
4. Ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan;
5. Các tài liệu cần thiết khác.

Điều 96. Thông báo về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế
1. Cơ quan đề xuất phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện các thủ tục chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 93 của Luật này.
Bộ Ngoại giao thông báo cho bên ký kết nước ngoài về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế hai bên đã được ký kết với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký thông báo về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế nhiều bên gửi cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vắng mặt thì một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được Bộ trưởng ủy nhiệm ký, trừ trường hợp có quy định khác của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
3. Bộ Ngoại giao thông báo cho các cơ quan nhà nước hữu quan về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế có hiệu lực.

CHƯƠNG VIII
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
TRONG HOẠT ĐỘNG KÝ KẾT, GIA NHẬP VÀ
THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Điều 97. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tuân thủ điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 98. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao
Trong việc thực hiện quản lý nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Chủ trì hoặc phối hợp soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
2. Chủ trì tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
3. Trình Chính phủ kế hoạch dài hạn và kế hoạch hằng năm về việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
4. Báo cáo Chính phủ theo định kỳ hằng năm hoặc theo yêu cầu; báo cáo  Chủ tịch nước theo yêu cầu về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
5. Hoàn thành các thủ tục đối ngoại liên quan đến ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
6. Hoàn thành các thủ tục đối ngoại để bảo vệ quyền và lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp bên ký kết nước ngoài vi phạm điều ước quốc tế;
7. Trực tiếp tham gia phục vụ hoạt động ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế trong chuyến thăm của Đoàn cấp cao Việt Nam ở nước ngoài và của Đoàn cấp cao nước ngoài tại Việt Nam;
8. Hợp tác quốc tế trong việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế theo thẩm quyền hoặc theo sự phân công của Chính phủ;
9. Tổ chức lưu trữ, lưu chiểu, sao lục, công bố và đăng ký điều ước quốc tế;
10. Chủ trì hoặc phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
11. Thống kê, rà soát điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Điều 99. Trách nhiệm của cơ quan đề xuất
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan đề xuất có những trách nhiệm sau đây:
1. Xây dựng kế hoạch dài hạn, kế hoạch hằng năm về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Ngoại giao để tổng hợp trình Chính phủ; kế hoạch hằng năm được gửi đến Bộ Ngoại giao chậm nhất vào ngày 15 tháng 10 năm trước;
2. Chủ động đề xuất hoàn thành thủ tục pháp lý đối với điều ước quốc tế;
3. Xây dựng lộ trình và biện pháp cụ thể để thực hiện điều ước quốc tế có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do mình đề xuất ký kết hoặc gia nhập;
4. Chủ trì tổ chức hoặc phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do mình đề xuất ký kết hoặc gia nhập;
5. Kiến nghị Chính phủ những biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp điều ước quốc tế do mình đề xuất ký kết hoặc gia nhập bị vi phạm;
6. Xây dựng báo cáo về tình hình ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Ngoại giao để tổng hợp trình Chính phủ chậm nhất vào ngày 15 tháng 11 hằng năm. Báo cáo của cơ quan đề xuất được xây dựng theo mẫu do Bộ Ngoại giao quy định.
Trong trường hợp có yêu cầu, cơ quan đề xuất báo cáo về tình hình ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế với Chủ tịch nước, Chính phủ. 

Điều 100. Trách nhiệm giám sát hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế
1. Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội có trách nhiệm giám sát hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.
2. Hoạt động giám sát được thực hiện công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Điều 101. Phạm vi giám sát, chương trình giám sát
1. Phạm vi giám sát hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế bao gồm:
a) Giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
b) Giám sát việc thực hiện điều ước quốc tế.
2. Giám sát hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế là một nội dung thuộc chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội.

Điều 102. Các hoạt động giám sát
1. Quốc hội giám sát thông qua các hoạt động sau đây:
a) Xem xét báo cáo về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Chủ tịch nước, Chính phủ;
b) Xem xét báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến đối với việc đàm phán, ký, gia nhập điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội;
c) Xem xét điều ước quốc tế đang có hiệu lực do Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định ký kết, gia nhập có dấu hiệu trái với Hiến pháp;
d) Xem xét việc trả lời chất vấn của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
2. Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát thông qua các hoạt động sau đây:
a) Xem xét báo cáo về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Chính phủ;
b) Xem xét tờ trình của Chính phủ về việc đàm phán, ký, gia nhập điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
c) Xem xét điều ước quốc tế đang có hiệu lực do Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định ký kết, gia nhập có dấu hiệu trái với Hiến pháp;
d) Xem xét việc trả lời chất vấn của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội.
3. Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội giám sát thông qua các hoạt động sau đây:
a) Xem xét báo cáo hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Chính phủ thuộc lĩnh vực Hội đồng, Uỷ ban phụ trách hoặc theo sự phân công của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
b) Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về các vấn đề liên quan đến hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế mà Hội đồng, Uỷ ban quan tâm.
4. Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát thông qua các hoạt động sau đây:
a) Tổ chức Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế và việc thực hiện điều ước quốc tế tại địa phương;
b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương trả lời về những vấn đề liên quan đến hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế mà Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm;
c) Cử đại biểu Quốc hội trong Đoàn tham gia Đoàn giám sát của các cơ quan của Quốc hội giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế và việc thực hiện điều ước quốc tế tại địa phương khi có yêu cầu.
5. Đại biểu Quốc hội giám sát thông qua các hoạt động sau đây:
a) Chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
b) Giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế và việc thực hiện các điều ước quốc tế tại địa phương.

Điều 103. Thẩm quyền xem xét kết quả giám sát
1. Căn cứ vào kết quả giám sát, Quốc hội có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện điều ước quốc tế;
b) Yêu cầu Chính phủ quyết định hoặc Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định về việc sửa đổi, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế có dấu hiệu trái với Hiến pháp; trong trường hợp quyết định này thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định;
c) Ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn trong trường hợp cần thiết.
2. Căn cứ vào kết quả giám sát, Uỷ ban thường vụ Quốc hội có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu Chính phủ quyết định hoặc Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định về việc sửa đổi, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế có dấu hiệu trái với Hiến pháp; trong trường hợp quyết định này thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định;
b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm điều ước quốc tế tại Việt Nam; yêu cầu Chính phủ quyết định hoặc Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm điều ước quốc tế của bên ký kết nước ngoài gây thiệt hại đến lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; trong trường hợp quyết định này thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định;
c) Ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn trong trường hợp cần thiết.
3. Căn cứ vào kết quả giám sát, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội có các quyền sau đây:
a) Kiến nghị, yêu cầu Chính phủ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xuất hoặc quyết định về việc sửa đổi, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế do Chính phủ quyết định ký kết hoặc gia nhập có dấu hiệu trái với Hiến pháp;
b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm điều ước quốc tế tại Việt Nam; yêu cầu Chính phủ quyết định hoặc trình Chủ tịch nước quyết định về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm điều ước quốc tế của bên ký kết nước ngoài gây thiệt hại đến lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; trong trường hợp quyết định này thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định.
4. Căn cứ vào kết quả giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội có các quyền sau đây:
a) Kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế;
b) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vấn đề có liên quan đến chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
c) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm điều ước quốc tế tại địa phương.

Điều 104. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát
Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có trách nhiệm theo quy định tại Luật này và pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội.

CHƯƠNG IX
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 105. Kinh phí ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế
Kinh phí ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ khác.
Chính phủ hướng dẫn cụ thể việc cấp, sử dụng và quản lý kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

Điều 106. Điều khoản chuyển tiếp
1. Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên đã được ký kết hoặc gia nhập trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp cần thiết.
2. Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện cho đến khi chấm dứt hiệu lực theo quy định của điều ước quốc tế đó; trong trường hợp điều ước quốc tế có quy định về việc mặc nhiên gia hạn hiệu lực, không quy định về thời hạn hiệu lực hoặc quy định có giá trị vô thời hạn thì Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định về việc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế đó.
3. Trong thời hạn một năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, căn cứ vào tình hình thực hiện điều ước quốc tế, các cơ quan quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm sau đây:
a) Đề xuất áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế quy định tại khoản 1 Điều này; 
b) Đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế mới nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ để thay thế điều ước quốc tế quy định tại khoản 2 Điều này trong trường hợp cần thiết.

Điều 107. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2006.
2. Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế ngày 20 tháng 8 năm 1998 hết hiệu lực từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
3. Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005.
 

 

Nguyễn Văn An

(Đã ký)

 

THEGIOILUAT.VN
Hết hiệu lực
Hết HL: 01/07/2016
 QUỐC HỘI
THE NATIONAL ASSEMBLY
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness

---------------
Luật số: 41/2005/QH11
Law No. 41/2005/QH11
Hà Nội, ngày 14  tháng 06  năm 2005
Hanoi, June 14, 2005

LAW
LUẬT

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Luật này quy định về việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

Pursuant to the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam, which was amended and supplemented under Resolution No. 51/2001/QH10 of December 25, 2001 of the Xth National Assembly, the 10th session;This Law provides for the conclusion, accession to and implementation of treaties.
CHƯƠNG I
Chapter I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
GENERAL PROVISIONS
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Article 1.- Scope of application
Luật này quy định về việc ký kết, gia nhập, bảo lưu, lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, công bố, đăng ký, thực hiện, giải thích, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước và nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
This Law provides for the conclusion, accession, reservation, deposit, keeping custody, making of certified copies, publication, registration, implementation, interpretation, amendment, supplementation, extension, termination, denunciation, withdrawal, suspension of application of treaties concluded or acceded to in the name of the State or the name of the Government of the Socialist Republic of Vietnam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Article 2.- Interpretation of terms
Trong Luật này những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
In this Law, the following terms are construed as follows:
1. Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác.
1. Treaties concluded or acceded to by the Socialist Republic of Vietnam mean agreements in written form concluded or acceded to in the name of the State or in the name of the Government of the Socialist Republic of Vietnam with one or more states, international organizations or other subjects of international law, regardless of their tittles, such as treaty, convention, agreement, covenant, arrangement, protocol, memorandum of understanding, exchanged diplomatic note or other titles.
2. Giấy ủy quyền là văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định một hoặc nhiều người đại diện cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện một hoặc nhiều hành vi pháp lý liên quan đến việc đàm phán, ký điều ước quốc tế.
2. Full powers means a document issued by a competent state agency designating one or more persons to represent the Socialist Republic of Vietnam in performing one or more legal acts concerning the negotiation and signing of treaties.
3. Giấy ủy nhiệm là văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định một hoặc nhiều người đại diện cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham dự hội nghị quốc tế để thực hiện một hoặc nhiều hành vi pháp lý liên quan đến việc đàm phán, thông qua văn bản điều ước quốc tế tại hội nghị hoặc thực hiện điều ước quốc tế nhiều bên.
3. Credentials means a document issued by a competent state agency designating one or more persons to represent the Socialist Republic of Vietnam in attending international conferences to perform one or more legal acts in relation to the negotiation, adoption of the texts of treaties at the international conferences or to the implementation of multilateral treaties.
4. Ký kết là những hành vi pháp lý do người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, bao gồm đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt điều ước quốc tế hoặc trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế.
4. Conclusion means legal acts performed by competent persons or state agencies including acts of negotiation, signing, ratification, approval of treaties or exchange of instruments constituting treaties.
5. Ký là hành vi pháp lý do người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền thực hiện, bao gồm ký điều ước quốc tế không phải phê chuẩn hoặc phê duyệt và ký điều ước quốc tế phải phê chuẩn hoặc phê duyệt.
5. Signing means a legal act performed by a competent or authorized person, including signing of a treaty not subject to ratification or approval and signing of a treaty subject to ratification or approval.
6. Ký tắt là hành vi pháp lý do người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền thực hiện để xác nhận văn bản điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dự định ký là văn bản cuối cùng đã được thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.
6. Initialing means a legal act performed by a competent or authorized person to confirm that the text of a treaty the Socialist Republic of Vietnam intends to sign is the final text agreed upon with a foreign contracting party.
7. Phê chuẩn là hành vi pháp lý do Quốc hội hoặc Chủ tịch nước thực hiện để chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đã ký đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
7. Ratification means a legal act performed by the National Assembly or the State President, expressing the consent of the Socialist Republic of Vietnam to be bound by a signed treaty.
8. Phê duyệt là hành vi pháp lý do Chính phủ thực hiện để chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đã ký đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
8. Approval means a legal act performed by the Government, expressing the consent of the Socialist Republic of Vietnam to be bound by a signed treaty.
9. Trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế là việc trao đổi thư, công hàm hoặc văn kiện có tên gọi khác tạo thành điều ước quốc tế hai bên giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.
9. Exchange of instruments constituting a treaty means the exchange of letters or diplomatic notes or otherwise named documents constituting a bilateral treaty between the Socialist Republic of Vietnam and the foreign contracting party.
10. Gia nhập là hành vi pháp lý do Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thực hiện để chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế nhiều bên đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ký điều ước quốc tế đó, không phụ thuộc vào việc điều ước quốc tế này đã có hiệu lực hay chưa có hiệu lực.
10. Accession means a legal act performed by the National Assembly, the State President or the Government, expressing the consent of the Socialist Republic of Vietnam to be bound by a multilateral treaty in case the Socialist Republic of Vietnam has not signed such treaty, irrespective of the entry into force of the treaty.
11. Bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tuyên bố của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên nhằm loại trừ hoặc thay đổi hiệu lực pháp lý của một hoặc một số quy định trong điều ước quốc tế khi áp dụng đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
11. Reservation of the Socialist Republic of Vietnam means a statement made by the Socialist Republic of Vietnam when signing, ratifying, approving or acceding to a multilateral treaty, whereby it purports to exclude or modify the legal effect of one or more certain provision of the treaty in its application to the Socialist Republic of Vietnam.
12. Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên là điều ước quốc tế đang có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
12. Treaties to which Vietnam is a party mean treaties being in force to the Socialist Republic of Vietnam.
13. Chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế là hành vi pháp lý do Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thực hiện để từ bỏ hiệu lực của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
13. Termination of a treaty means a legal act performed by the National Assembly, the State President or the Government, denouncing the effect of a treaty to which the Socialist Republic of Vietnam is a party.
14. Từ bỏ hoặc rút khỏi điều ước quốc tế là hành vi pháp lý do Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thực hiện để từ bỏ việc chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
14. Denunciation of or withdrawal from a treaty means a legal act performed by the National Assembly, the State President or the Government, denouncing the consent of the Socialist Republic of Vietnam to be bound by a treaty.
15. Tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế là hành vi pháp lý do Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thực hiện để tạm dừng thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
15. Suspension of the application of a treaty means a legal act performed by the National Assembly, the State President or the Government, suspending the application of the whole or part of a treaty to which the Socialist Republic of Vietnam is a party.
16. Bên ký kết nước ngoài là quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế.
16. Foreign parties mean States, international organizations or other subjects of international law.
17. Tổ chức quốc tế là tổ chức liên chính phủ.
17. International organizations mean inter-governmental organizations.
Điều 3. Nguyên tắc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế
Article 3.- Principles of conclusion, accession to and implementation of treaties
Việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế phải tuân thủ những nguyên tắc sau đây:
The conclusion, accession to and implementation of treaties must comply with the following principles:
1. Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, cấm sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế;
1. Respect for national independence, sovereignty, territorial integrity, prohibition of the use of force or threat to use force, non-interference in the domestic affairs of each other, equality, mutual benefit and other fundamental principles of international law;
2. Phù hợp với các quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
2. Conformity with the provisions of the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;
3. Phù hợp với lợi ích quốc gia, đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
3. Conformity with national interests, foreign policy of the Socialist Republic of Vietnam;
4. Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ không được trái với điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước;
4. Treaties in the name of the Government must not contradict treaties in the name of the State;
5. Điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội phải được trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi đàm phán, ký hoặc gia nhập; trong trường hợp đàm phán, ký hoặc gia nhập điều ước quốc tế có quy định trái với văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho ý kiến;
5. A treaty containing provision(s) that contravene, or have not been made in, legal documents of the National Assembly or the National Assembly Standing Committee or a treaty the implementation of which requires amendment, supplementation, cancellation or promulgation of legal documents of the National Assembly or the National Assembly Standing Committee, must be submitted to the National Assembly Standing Committee for consideration before it is negotiated, signed or acceded to; in case of negotiation, signing of or accession to a treaty containing provision(s) contrary to legal documents of the National Assembly, the National Assembly Standing Committee shall report it to the National Assembly for opinions;
6. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuân thủ điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đồng thời có quyền đòi hỏi thành viên khác cũng phải tuân thủ điều ước quốc tế đó.
6. The Socialist Republic of Vietnam complies with treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a party; meanwhile, it requests other parties to treaties to comply with such treaties.
Điều 4. Quản lý nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế
Article 4.- State management of the conclusion, accession to and implementation of treaties
Nội dung quản lý nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế bao gồm:
The contents of State management of the conclusion, accession to, and implementation of treaties shall include:
1. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
1. Promulgating legal documents on the conclusion, accession to, and implementation of treaties;
2. Tổ chức và bảo đảm thực hiện điều ước quốc tế;
2. Organizing and guaranteeing the implementation of treaties;
3. Tuyên truyền, phổ biến các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
3. Propagating and popularizing treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a party;
4. Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thi hành pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
4. Propagating, popularizing, and guiding the implementation of, law on the conclusion, accession to, and implementation of treaties;
5. Tổ chức lưu trữ, lưu chiểu, sao lục, dịch, công bố và đăng ký điều ước quốc tế;
5. Organizing the custody, deposit, making of certified copies, translation, publication and registration of treaties;
6. Thống kê, rà soát các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập;
6. Gathering statistics on, and scrutinizing treaties already concluded or acceded to by the Socialist Republic of Vietnam;
7. Xây dựng kế hoạch dài hạn và kế hoạch hằng năm về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
7. Formulating long-term and annual plans on the conclusion, accession to and implementation of treaties;
8. Giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm các quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
8. Overseeing, supervising, inspecting and settling violations of the provisions of law on the conclusion, accession to and implementation of treaties;
9. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
9. Settling complaints and accusations relating to the conclusion, accession to and implementation of treaties;
10. Hợp tác quốc tế trong việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
10. Undertaking international co-operation in the conclusion, accession to and implementation of treaties.
Điều 5. Cơ quan quản lý nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế
Article 5.- Agencies performing state management of the conclusion, accession to and implementation of treaties
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
1. The Government shall perform the unified state management of the conclusion, accession to and implementation of treaties.
2. Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
2. The Ministry of Foreign Affairs shall take responsibility to the Government for performing the state management of the conclusion, accession to, and implementation of treaties.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện quản lý nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
3. Ministries and ministerial-level agencies shall, within the scope of their tasks and powers, coordinate with the Ministry of Foreign Affairs in performing the state management of the conclusion, accession to and implementation of treaties.
Điều 6. Điều ước quốc tế và quy định của pháp luật trong nước
Article 6.- Treaties and provisions of domestic law
1. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.
1. In cases where a legal document and a treaty to which the Socialist Republic of Vietnam is a party, contains different provisions on the same matter, the provisions of the treaty shall prevail.
2. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về cùng một vấn đề.
2. The promulgation of legal documents must ensure that they shall not obstruct the implementation of treaties which contain provisions on the same matter and to which the Socialist Republic of Vietnam is a party.
3. Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó.
3. On the basis of the requirements, contents and nature of a treaty, the National Assembly, the State President or the Government, when deciding to consent to be bound by the treaty, shall also decide on the direct application of the whole or part of the treaty to agencies, organizations and/or individuals in case the provisions of the treaty are explicit and specific enough for implementation; or decide or propose to amend, supplement, cancel or promulgate legal documents for the implementation of the treaty.
Điều 7. Các loại điều ước quốc tế
Article 7.- Types of treaties
1. Điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập bao gồm:
1. Bilateral or multilateral treaties concluded or acceded to by the Socialist Republic of Vietnam include:
a) Điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước;
a/ Treaties in the name of the State;
b) Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ.
b/ Treaties in the name of the Government;
2. Điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước trong các trường hợp sau đây:
2. Treaties shall be concluded or acceded to in the name of the State in the following cases:
a) Điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu Nhà nước khác;
a/ Treaties signed by the State President with the Head(s) of other State(s);
b) Điều ước quốc tế về hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia;
b/ Treaties on peace, security, national boundaries, territory and sovereignty;
c) Điều ước quốc tế về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về tương trợ tư pháp;
c/ Treaties on fundamental rights and obligations of citizens, on legal assistance;
d) Điều ước quốc tế về tổ chức quốc tế phổ cập và tổ chức quốc tế khu vực quan trọng;
d/ Treaties on universal international organizations and important regional organizations;
đ) Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.
e/ Treaties concluded in the name of the State in accordance with the agreement with foreign contracting parties.
3. Điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Chính phủ trong các trường hợp sau đây:
3. Treaties shall be concluded or acceded to in the name of the Government in the following cases:
a) Để thực hiện điều ước quốc tế đã được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước;
a/ For the implementation of other treaties concluded or acceded to in the name of the State;
b) Điều ước quốc tế về các lĩnh vực, trừ các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này;
b/ Treaties on various fields other than those stated at Point b and Point c, Clause 2 of this Article;
c) Điều ước quốc tế về các tổ chức quốc tế, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này;
c/ Treaties on international organizations other than those stated at Point d, Clause 2 of this Article;
d) Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Chính phủ theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.
d/ Treaties concluded in the name of the Government in accordance with the agreement with foreign contracting parties.
Điều 8. Chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế
Article 8.- Consent to be bound by treaties
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế bằng một trong những hành vi sau đây:
The Socialist Republic of Vietnam may take any of the following acts to express its consent to be bound by a treaty:
1. Ký điều ước quốc tế không phải phê chuẩn hoặc phê duyệt;
1. Signing of the treaty not subject to ratification or approval;
2. Phê chuẩn điều ước quốc tế;
2. Ratification of the treaty;
3. Phê duyệt điều ước quốc tế;
3. Approval of the treaty;
4. Trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế;
4. Exchange of instruments constituting the treaty;
5. Gia nhập điều ước quốc tế;
5. Accession to the treaty;
6. Hành vi khác theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.
6. Other acts as agreed upon with foreign contracting parties.
CHƯƠNG II
Chapter II
KÝ KẾT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
CONCLUSION OF TREATIES
MỤC 1
Section 1.
ĐỀ XUẤT ĐÀM PHÁN, KÝ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
RECOMMENDATIONS ON NEGOTIATION AND SIGNING OF TREATIES
Điều 9. Trách nhiệm đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế
Article 9.- Responsibility of making recommendations on the negotiation and signing of treaties
1. Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi là cơ quan đề xuất) căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật, yêu cầu hợp tác quốc tế, chủ động đề xuất với Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế.
1. The Supreme People's Court, the Supreme People's Procuracy, ministries, ministerial-level agencies and Government-attached agencies (hereinafter referred to as the recommending agencies) shall base themselves on their respective legally-established tasks and powers and the requirements of international cooperation to take initiative in submitting to the Government recommendations on the negotiation and signing of treaties.
2. Trước khi đề xuất với Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất phải lấy ý kiến kiểm tra bằng văn bản của Bộ Ngoại giao theo quy định tại Điều 10, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp theo quy định tại các điều từ Điều 17 đến Điều 21 của Luật này và ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
2. Prior to the submission of recommendations to the Government on the negotiation and signing of treaties, the recommending agencies must obtain written examination opinions from the Ministry of Foreign Affairs as provided for in Article 10 of this Law and evaluation opinions from the Ministry of Justice as provided for in Article 17 to Article 21 of this Law, and opinions from concerned agencies and organizations.
3. Trong trường hợp Bộ Ngoại giao đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế thì phải lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
3. In cases where the Ministry of Foreign Affairs recommends the negotiation and signing of a treaty, it must obtain evaluation opinions from the Ministry of Justice and written opinions from concerned agencies and organizations.
Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan đề xuất với Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế về hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia.
The Ministry of Foreign Affairs shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned agencies and organizations in, recommending to the Government the negotiation and signing of treaties on peace, security, national boundaries, territory and sovereignty.
4. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm xây dựng dự thảo điều ước quốc tế của bên Việt Nam; trong trường hợp dự thảo điều ước quốc tế đã được bên ký kết nước ngoài chuẩn bị thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm nghiên cứu dự thảo đó, xây dựng phương án chấp nhận, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng dự thảo của bên Việt Nam.
4. The recommending agencies shall be responsible for preparing drafts of treaties of the Vietnamese side. In cases where a draft treaty has been prepared by a foreign contracting party, the recommending agency shall have to study such draft, prepare different options of acceptance, amendment and/or supplementation or compile a draft of the Vietnamese side.
Điều 10. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao trong việc kiểm tra đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế
Article 10.- Responsibility of the Ministry of Foreign Affairs for examining recommendations on the negotiation and signing of treaties
 1. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm kiểm tra đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế.
1. The Ministry of Foreign Affairs shall be responsible for examining the recommendations on the negotiation and signing of treaties.
2. Nội dung kiểm tra đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế bao gồm:
2. Contents of examination of recommendations on the negotiation and signing of treaties:
a) Sự cần thiết, mục đích đàm phán, ký điều ước quốc tế trên cơ sở đánh giá quan hệ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên ký kết nước ngoài;
a/ The necessity and purposes of negotiation and signing of a treaty, on the basis of evaluating the relations between the Socialist Republic of Vietnam and the foreign contracting party concerned;
b) Đánh giá sự phù hợp của điều ước quốc tế với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế;
b/ Evaluation of the conformity of the treaty with fundamental principles of international law;
c) Đánh giá sự phù hợp của điều ước quốc tế với lợi ích quốc gia, đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
c/ Evaluation of the conformity of the treaty with national interests and foreign policy of the Socialist Republic of Vietnam;
d) Đánh giá sự phù hợp của điều ước quốc tế đó với điều ước quốc tế về cùng một lĩnh vực mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
d/ Evaluation of the conformity of the treaty with treaties on the same field, to which the Socialist Republic of Vietnam is a party;
đ) Cấp ký, danh nghĩa ký, tên gọi, hình thức, ngôn ngữ, hiệu lực, kỹ thuật văn bản điều ước quốc tế;
e/ The authorities to sign the treaty, the name under which the treaty will be signed, the title, form, language(s), entry into force and wording techniques of the treaty;
e) Việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế;
f/ The compliance with the order and procedures for making recommendations on the negotiation and signing of treaties;
g) Rà soát, đối chiếu văn bản điều ước quốc tế bằng tiếng Việt với văn bản điều ước quốc tế bằng tiếng nước ngoài.
g/ Checking and comparison of the Vietnamese text with the foreign-language text of the treaty.
Điều 11. Thẩm quyền, nội dung quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế
Article 11.- Competence to decide on negotiation and signing of treaties and contents of such decision
1. Chủ tịch nước quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước với người đứng đầu Nhà nước khác.
1. The State President shall decide on the negotiation and signing of treaties in the name of the State with the Head(s) of other State(s).
2. Chính phủ quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ, nhân danh Nhà nước, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
2. The Government shall decide on the negotiation and signing of treaties in the name of the Government or in the name of the State, except for the case stated in Clause 1 of this Article.
Chính phủ có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch nước trước khi quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước hoặc điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định phải được phê chuẩn.
The Government shall be responsible for reporting to the State President before making a decision on the negotiation and signing of a treaty in the name of the State or a treaty in the name of the Government containing a provision that the treaty is subject to ratification.
3. Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội; trong trường hợp đàm phán, ký điều ước quốc tế có quy định trái với văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho ý kiến.
3. The Government shall submit to the National Assembly Standing Committee for consideration the negotiation and conclusion of treaties containing provisions that contravene, or have not been made in, legal documents promulgated by the National Assembly or the National Assembly Standing Committee, or treaties the implementation of which requires amendment, supplementation, cancellation or promulgation of legal documents of the National Assembly or the National Assembly Standing Committee; in case of negotiation and signing of treaties containing provisions contrary to legal documents of the National Assembly, the National Assembly Standing Committee shall report it to the National Assembly for opinions.
4. Chính phủ quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế bằng văn bản với những nội dung sau đây:
4. The Government shall make decisions in written form on the negotiation and signing of treaties. Such a decision shall contain the following contents:
a) Tên gọi, hình thức, ngôn ngữ và danh nghĩa ký điều ước quốc tế;
a/ The title, form, language(s) of the treaty and the name in which the treaty shall be signed;
b) Người đại diện, thẩm quyền của người đại diện trong việc đàm phán, ký điều ước quốc tế;
b/ The representative and his/her powers in negotiating or signing the treaty;
c) Hiệu lực, việc áp dụng tạm thời điều ước quốc tế;
c/ The entry into force, provisional application of the treaty;
d) Bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên;
d/ The reservation, acceptance of or objection to reservation(s) made by the foreign contracting party(ies), declaration with respect to the multilateral treaty;
đ) ý kiến về nội dung điều ước quốc tế và những vấn đề cần thiết khác;
e/ Opinions on the contents of the treaty and other necessary issues;
e) Quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế;
f/ The decision on direct application of the whole or part of the treaty; the decision or proposal to amend, supplement, cancel or promulgate legal documents for the implementation of the treaty;
g) Trách nhiệm của cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
g/ The responsibilities of the recommending agency, the Ministry of Foreign Affairs and concerned agencies and organizations.
Điều 12. Trình tự, thủ tục trình, quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế
Article 12.- Order and procedures for submitting recommendations and deciding on negotiation and signing of treaties
1. Chậm nhất là ba mươi ngày trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất có trách nhiệm lấy ý kiến kiểm tra bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
1. At least thirty days before submitting recommendations to the Government on the negotiation and signing of treaties, the recommending agencies shall have to obtain written examination opinions from the Ministry of Foreign Affairs, evaluation opinions from the Ministry of Justice, and opinions from concerned agencies and organizations.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cơ quan đề xuất trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
2. The consulted agencies and organizations mentioned in Clause 1 of this Article shall have to make written replies to the recommending agencies within fifteen days after the date of receipt of the written request for opinions.
3. Cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được trả lời bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này.
3. The recommending agencies shall submit to the Government for decision the negotiation and signing of treaties within ten days after the date of receipt of written replies from the concerned agencies and organizations stated in Clause 1 of this Article.
4. Chính phủ quyết định:
4. The Government shall decide:
a) Đàm phán, ký điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình hoặc kể từ ngày nhận được ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc thông báo ý kiến của Quốc hội về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
a/ To negotiate and sign a treaty within fifteen days after the date of receipt of the dossier submitted by the recommending agency or after the date of receipt of the opinions of the National Assembly Standing Committee or its notice on the opinions of the National Assembly on the negotiation and conclusion of a treaty containing provisions that contravene, or have not been made in, legal documents promulgated by the National Assembly or the National Assembly Standing Committee, or a treaty the implementation of which requires amendment, supplementation, cancellation or promulgation of legal documents of the National Assembly or the National Assembly Standing Committee;
b) Trình Chủ tịch nước quyết định về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình trong trường hợp Chủ tịch nước ký với người đứng đầu Nhà nước khác;
b/ To submit to the State President for decision the negotiation and signing of a treaty in the name of the State within fifteen days after the date of receipt of the dossier from the recommending agency in case the State President will sign the treaty with the Head(s) of other State(s);
c) Báo cáo Chủ tịch nước về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này hoặc điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định phải được phê chuẩn chậm nhất là mười lăm ngày trước khi quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế;
c/ To report to the State President on the negotiation and signing of a treaty in the name of the State other than the case stated at Point b, Clause 4 of this Article or of a treaty in the name of the Government containing a provision that the treaty is subject to ratification, at least fifteen days before making decision on the negotiation and signing of the treaty;
d) Trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình.
d/ To submit to the National Assembly Standing Committee for consideration the negotiation and signing of a treaty containing provisions that contravene, or have not been made in, legal documents promulgated by the National Assembly and its Standing Committee, or a treaty the implementation of which requires amendment, supplementation, cancellation or promulgation of legal documents of the National Assembly or the National Assembly Standing Committee, within fifteen days after the date of receipt of the dossier submitted by the recommending agency.
5. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế quy định tại điểm d khoản 4 Điều này trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình.
5. The National Assembly Standing Committee shall give its opinions on the negotiation and signing of a treaty stated at Point d, Clause 4 of this Article within thirty days after the date of receipt of the dossier submitted by the Government.
Trong trường hợp cho ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế có quy định trái với văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho ý kiến.
In case of giving opinions on the negotiation and signing of a treaty containing provisions contrary to legal documents of the National Assembly, the National Assembly Standing Committee shall report it to the National Assembly for opinions.
Điều 13. Trình tự, thủ tục Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế
Article 13.- Order and procedures for the National Assembly Standing Committee to give opinions on the negotiation and signing of treaties
1. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế quy định tại điểm d khoản 4 Điều 12 của Luật này tại phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội theo trình tự sau đây:
1. The National Assembly Standing Committee shall give its opinions on the negotiation and conclusion of treaties stated at Point d, Clause 4, Article 12 of this Law at its session in the following order:
a) Đại diện Chính phủ thuyết trình về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế;
a/ The Government's representative makes a presentation on the negotiation and signing of the treaty in question;
b) Đại diện Uỷ ban đối ngoại, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban hữu quan của Quốc hội phát biểu ý kiến;
b/ Representatives of the Foreign Affairs Committee, the Ethnic Council and concerned committees of the National Assembly present their opinions;
c) Đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan được mời tham dự phiên họp phát biểu ý kiến;
c/ Representatives of concerned agencies and organizations invited to participate in the session present their opinions;
d) Uỷ ban thường vụ Quốc hội thảo luận;
d/ The National Assembly Standing Committee debates;
đ) Chủ tọa phiên họp tóm tắt những ý kiến của thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế;
e/ The chairperson of the session summarizes the opinions of the Standing Committee members on the negotiation and signing of the treaty;
e) Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế.
f/ The National Assembly Standing Committee adopts the opinions on the negotiation and signing of the treaty.
2. Ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế được thể hiện bằng văn bản và là cơ sở để Chủ tịch nước hoặc Chính phủ xem xét, quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế đó. 
2. Opinions of the National Assembly Standing Committee on the negotiation and signing of treaties shall be made in writing and serve as a basis for the State President or the Government to consider and decide to negotiate and sign such treaties.
Trong trường hợp cho ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế có quy định trái với các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho ý kiến.
In case of giving opinions on the negotiation and signing of a treaty containing provisions contrary to legal documents of the National Assembly, the National Assembly Standing Committee shall report it to the National Assembly for opinions.
Điều 14. Nội dung tờ trình, báo cáo đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế
Article 14.- Contents of submission documents, reports on recommendations on the negotiation and signing of treaties
Tờ trình, báo cáo đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế phải có những nội dung sau đây:
A submission document or report on the recommendation on the negotiation and signing of a treaty shall contain the following contents:
1. Sự cần thiết, yêu cầu, mục đích đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế;
1. The necessity, requirements and objectives of the negotiation and signing of the treaty;
2. Nội dung chính của điều ước quốc tế;
2. Main contents of the treaty;
3. Tên gọi, hình thức, danh nghĩa ký, người đại diện ký, ngôn ngữ, hiệu lực, hình thức hiệu lực, thời hạn hiệu lực và việc áp dụng tạm thời điều ước quốc tế;
3. The title, form and the name in which the treaty shall be signed, the representative for signing, the language(s), entry into force and manner of entry into force, duration of effect and provisional application of the treaty;
4. Các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ điều ước quốc tế đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
4. Rights and obligations arising from the treaty with respect to the Socialist Republic of Vietnam;
5. Đánh giá tác động chính trị, kinh tế - xã hội và những tác động khác;
5. Assessment of political, socio-economic and other impacts;
6. Đánh giá việc tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Luật này;
6. Evaluation of the observance of the principles set forth in Article 3 of this Law;
7. Đánh giá sự phù hợp về nội dung của điều ước quốc tế đó với điều ước quốc tế về cùng một lĩnh vực mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
7. Evaluation of the conformity of the contents of the treaty with other treaties on the same field, to which the Socialist Republic of Vietnam is a party;
8. Đánh giá mức độ tương thích giữa quy định của điều ước quốc tế với quy định của pháp luật Việt Nam;
8. Evaluation of the compatibility between the provisions of the treaty and the provisions of Vietnamese laws;
9. Kiến nghị bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên;
9. Recommendations on any reservation, acceptance of or objection to reservation(s) made by the foreign contracting party(ies), declaration with respect to the multilateral treaty;
10. Kiến nghị về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế hoặc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế;
10. Recommendations on direct application of the whole or part of the treaty or recommendations on amendment, supplementation, cancellation or promulgation of legal documents for the implementation of the treaty;
11. Những vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa cơ quan đề xuất với các cơ quan, tổ chức hữu quan, giữa bên Việt Nam với bên ký kết nước ngoài và kiến nghị biện pháp xử lý.
11. Issues on which opinions remain divergent between the recommending agency and concerned agencies and organizations, between Vietnam and the foreign contracting party (parties), as well as recommendations on the measures to handle such issues.
Điều 15. Hồ sơ trình về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế
Article 15.- Dossiers submitted for the negotiation and signing of treaties
1. Hồ sơ của cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế bao gồm:
1. The dossier submitted by the recommending agency to the Government shall comprise:
a) Tờ trình của cơ quan đề xuất có những nội dung quy định tại Điều 14 của Luật này;
a/ The recommending agency's submission document, with the contents stated in Article 14 of this Law;
b) Văn bản điều ước quốc tế bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài; trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt kèm theo;
b/ The Vietnamese and foreign-language texts of the treaty; in case the treaty will be signed only in foreign language(s), the Vietnamese translation is required;
c) ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan;
c/ Examination opinions of the Ministry of Foreign Affairs, evaluation opinions of the Ministry of Justice, and opinions of concerned agencies and organizations;
d) Các tài liệu cần thiết khác.
d/ Other necessary documents.
2. Hồ sơ của Chính phủ trình hoặc báo cáo Chủ tịch nước về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước do Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu Nhà nước khác; đàm phán, ký điều ước quốc tế khác nhân danh Nhà nước; đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ phải được phê chuẩn bao gồm:
2. The dossier submitted or report made by the Government to the State President on the negotiation and signing of a treaty in the name of the State to be signed by the State President and the Head(s) of other State(s) or on the negotiation and signing of a treaty in the name of the State or a treaty in the name of the Government, which is subject to ratification, shall comprise:
a) Tờ trình hoặc báo cáo của Chính phủ có những nội dung quy định tại Điều 14 của Luật này;
a/ The Government's submission document or report, with the contents stated in Article 14 of this Law;
b) Lý do của việc phải phê chuẩn điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ;
b/ The reason for the treaty in the name of the Government to be subject to ratification;
c) Văn bản điều ước quốc tế bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài; trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt kèm theo;
c/ The Vietnamese and foreign-language texts of the treaty; in case the treaty will be signed only in foreign language(s), the Vietnamese translation is required;
d) Các tài liệu cần thiết khác.
d/ Other necessary documents.
3. Hồ sơ của Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội bao gồm:
3. The dossier submitted by the Government to the National Assembly Standing Committee for consideration on the negotiation and signing of a treaty containing provisions that contravene, or have not been made in, legal documents promulgated by the National Assembly or the National Assembly Standing Committee or a treaty the implementation of which requires amendment, supplementation, cancellation or promulgation of legal documents of the National Assembly or the National Assembly Standing Committee, shall comprise:
a) Tờ trình của Chính phủ có những nội dung quy định tại Điều 14 của Luật này;
a/ The Government's submission document, with the contents stated in Article 14 of this Law;
b) Văn bản điều ước quốc tế bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài; trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt kèm theo;
b/ The Vietnamese and foreign-language versions of the treaty; in case the treaty will be signed only in foreign language(s), the Vietnamese translation is required;
c) Các tài liệu cần thiết khác.
c/ Other necessary documents.
Điều 16. Ngôn ngữ, hình thức của điều ước quốc tế
Article 16.- Language(s), form of a treaty
l. Điều ước quốc tế hai bên phải có văn bản bằng tiếng Việt, trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài. Văn bản bằng tiếng Việt phải được Bộ Ngoại giao cho ý kiến trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, ký.
1. A bilateral treaty shall have a text in Vietnamese, unless otherwise agreed upon between the Vietnamese party and the foreign contracting party. The Vietnamese text of a treaty must be commented by the Ministry of Foreign Affairs before recommendations on the negotiation and signing of the treaty are submitted to the Government.
Trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm dịch điều ước quốc tế đó ra tiếng Việt và thống nhất với Bộ Ngoại giao để đối chiếu với ngôn ngữ được ký của điều ước quốc tế trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, ký.
In cases where a treaty shall be signed only in foreign language(s), the recommending agency shall have to translate the treaty into Vietnamese and consult the Ministry of Foreign Affairs on the comparison between the Vietnamese translation and the text in the language(s) in which the treaty will be signed before recommendations on the negotiation and signing of the treaty are submitted to the Government.
2. Bản chính điều ước quốc tế hai bên của phía Việt Nam phải được in trên giấy điều ước, đóng bìa điều ước, đóng dấu nổi của Bộ Ngoại giao hoặc của cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa các bên ký kết.
2. The original text of a bilateral treaty for the Vietnamese party must be printed on treaty paper, bound with treaty covers and sealed with the embossed stamp of the Ministry of Foreign Affairs or of the foreign-based diplomatic mission of the Socialist Republic of Vietnam, unless otherwise agreed by the contracting parties.
MỤC 2
Section 2.
THẨM ĐỊNH ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
EVALUATION OF TREATIES
Điều 17. Điều ước quốc tế phải được thẩm định
Article 17.- Treaties subject to evaluation
Điều ước quốc tế phải được thẩm định trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, ký.
A treaty must be evaluated before recommendations on the negotiation and signing of the treaty are submitted to the Government.
Điều 18. Phạm vi thẩm định điều ước quốc tế
Article 18.- Scope of evaluation of treaties
Điều ước quốc tế được thẩm định về các nội dung sau đây:
A treaty shall be evaluated in terms of:
1. Tính hợp hiến;
1. The conformity with the Constitution;
2. Mức độ tương thích với các quy định của pháp luật Việt Nam;
2. The compatibility with the provisions of Vietnamese laws;
3. Khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế;
3. The possibility of direct application of the whole or part of the treaty;
4. Yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế.
4. The requirements for amendment, supplementation, cancellation or promulgation of legal documents for the implementation of the treaty.
Điều 19. Thẩm quyền thẩm định điều ước quốc tế
Article 19.- Competence to evaluate treaties
1. Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định điều ước quốc tế.
1. The Ministry of Justice shall be responsible for evaluating treaties.
2. Trong trường hợp Bộ Tư pháp đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế hoặc cơ quan khác đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định điều ước quốc tế.
2. In case of evaluating a treaty recommended for negotiation and signing by the Ministry of Justice or a treaty recommended for negotiation and signing by another agency but on which opinions are divergent, the Minister of Justice shall establish a Council for evaluating the treaty.
Thành phần của Hội đồng thẩm định điều ước quốc tế có sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Members of the Treaty-Evaluating Council shall include representatives from the Ministry of Foreign Affairs, the Government Office, and concerned agencies and organizations.
Điều 20. Trình tự, thủ tục thẩm định điều ước quốc tế
Article 20.- Order and procedures for evaluating treaties
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm gửi Bộ Tư pháp hồ sơ đề nghị thẩm định điều ước quốc tế trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế.
1. The recommending agency shall have to send the Ministry of Justice a dossier of request for evaluation of the treaty before submitting to the Government recommendations on the negotiation and signing of the treaty.
2. Bộ Tư pháp hoặc Hội đồng thẩm định điều ước quốc tế tiến hành thẩm định điều ước quốc tế. Kết quả thẩm định được gửi đến cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định.
2. The Ministry of Justice or the Evaluating Council shall evaluate the treaty, then send the evaluation results to the recommending agency and the Ministry of Foreign Affairs within fifteen days after the date of receipt of the dossier of request for evaluation.
3. Trong trường hợp điều ước quốc tế được thẩm định có quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan đề xuất kiến nghị biện pháp xử lý.
3. In cases where the evaluated treaty contains provisions that contravene, or have not been made in, legal documents promulgated by the National Assembly or the National Assembly Standing Committee, or a treaty the implementation of which requires amendment, supplementation, cancellation or promulgation of legal documents of the National Assembly or the National Assembly Standing Committee, the Ministry of Justice shall have to coordinate with the recommending agency in proposing measures to handle these cases.
Điều 21. Hồ sơ đề nghị thẩm định điều ước quốc tế
Article 21.- Dossiers of request for evaluation of treaties
1. Hồ sơ đề nghị thẩm định điều ước quốc tế bao gồm:
1. A dossier of request for evaluation of a treaty shall comprise:
a) Văn bản đề nghị thẩm định, trong đó đánh giá tính hợp hiến, mức độ tương thích giữa quy định của điều ước quốc tế với quy định của pháp luật Việt Nam; khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế;
a/ A written request for evaluation, which assesses the conformity of the treaty with the Constitution, the compatibility between the treaty and legal documents, and the possibility of direct application of the whole or part of the treaty, and proposes amendment, supplementation, cancellation or promulgation of legal documents for the implementation of the treaty;
b) Dự thảo tờ trình Chính phủ về đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế;
b/ A draft submission document of the Government, recommending the negotiation and signing of the treaty;
c) Bản sao điều ước quốc tế bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài; trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt kèm theo;
c/ Copies of the Vietnamese and foreign-language versions of the treaty; in case the treaty will be signed only in foreign language(s), its Vietnamese translation is required;
d) ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan;
d/ Opinions of concerned agencies and organizations;
đ) Các tài liệu cần thiết khác.
e/ Other necessary documents.
2. Số lượng hồ sơ gửi thẩm định là năm bộ.
2. The required number of sets of a dossier sent for evaluation is five.
MỤC 3
Section 3.
ỦY QUYỀN ĐÀM PHÁN, KÝ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ, ỦY NHIỆM THAM DỰ HỘI NGHỊ QUỐC TẾ
FULL POWERS FOR NEGOTIATION AND SIGNING OF TREATIES, CREDENTIALS FOR PARTICIPATION IN INTERNATIONAL CONFERENCES
Điều 22. Đàm phán, ký điều ước quốc tế không cần Giấy ủy quyền, tham dự hội nghị quốc tế không cần Giấy ủy nhiệm
Article 22.- Negotiation and signing of treaties without requiring Full Powers, participation in international conferences without requiring Credentials
1. Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao không cần Giấy ủy quyền khi đàm phán, ký điều ước quốc tế và không cần Giấy ủy nhiệm khi tham dự hội nghị quốc tế để đàm phán, thông qua văn bản điều ước quốc tế hoặc thực hiện điều ước quốc tế (sau đây gọi là hội nghị quốc tế).
1. The State President, the Prime Minister and the Minister of Foreign Affairs do not need Full Powers for negotiating and signing treaties and do not need Credentials for participating in international conferences in relation to the negotiation and adoption of the texts of treaties or implementation of treaties (hereafter referred to as international conferences).
2. Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài không cần Giấy ủy quyền để đàm phán, thông qua văn bản điều ước quốc tế giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước tiếp nhận.
2. Heads of foreign-based diplomatic missions of the Socialist Republic of Vietnam do not need Full Powers for negotiating and adopting the texts of treaties between the Socialist Republic of Vietnam and the host countries.
3. Người đứng đầu phái đoàn đại diện thường trực của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại tổ chức quốc tế hoặc cơ quan thuộc tổ chức này không cần Giấy ủy nhiệm để đàm phán, thông qua văn bản điều ước quốc tế với tổ chức hoặc cơ quan đó.
3. Heads of permanent representative missions of the Socialist Republic of Vietnam in international organizations or in agencies of such organizations do not need Credentials for negotiating and adopting the texts of treaties with such international organizations or agencies.
Điều 23. Đàm phán, ký điều ước quốc tế phải có Giấy ủy quyền, tham dự hội nghị quốc tế phải có Giấy ủy nhiệm
Article 23.- Negotiation and signing of treaties requiring Full Powers, participation in international conferences requiring Credentials
1. Việc đàm phán, ký điều ước quốc tế hoặc tham dự hội nghị quốc tế phải có Giấy ủy quyền hoặc Giấy ủy nhiệm, trừ các trường hợp quy định tại Điều 22 của Luật này.
1. The negotiation and signing of treaties or participation in international conferences shall require Full Powers or Credentials, except for the cases stated in Article 22 of this Law.
2. Trưởng đoàn đàm phán điều ước quốc tế do Chủ tịch nước ký với người đứng đầu Nhà nước khác phải được Chủ tịch nước ủy quyền bằng văn bản.
2. Heads of delegations for negotiation of treaties to be signed directly by the State President and the Heads of other States must be authorized by the State President in written form.
3. Trưởng đoàn đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ hoặc nhân danh Nhà nước do Chính phủ quyết định đàm phán, ký phải được Chính phủ ủy quyền bằng văn bản.
3. Heads of delegations for negotiation and signing of treaties in the name of the Government or treaties in the name of the State, which the Government has decided on their negotiation and signing, must be authorized by the Government in written form.
4. Trưởng đoàn tham dự hội nghị quốc tế phải được Chính phủ ủy nhiệm bằng văn bản.
4. Heads of delegations participating in international conferences must be mandated by the Government in written form.
Trong trường hợp phải ủy nhiệm cho các thành viên của đoàn Việt Nam tham dự hội nghị quốc tế theo quy định của hội nghị thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình Chính phủ quyết định.
In case it is required to mandate members of a delegation of Vietnam to participate in an international conference in accordance with the rules of the conference, the recommending agency shall have to submit the issue to the Government for decision.
5. Người được ủy quyền đàm phán, ký điều ước quốc tế hoặc ủy nhiệm tham dự hội nghị quốc tế phải là lãnh đạo cơ quan đề xuất hoặc là người được cơ quan đề xuất trình Chính phủ quyết định sau khi đã lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao.
5. Persons authorized to negotiate or sign treaties or mandated to participate in international conferences must be leaders of the recommending agencies or those who have been nominated by the recommending agencies and decided by the Government, after consulting the Ministry of Foreign Affairs.
6. Trong trường hợp không cử người đi ký điều ước quốc tế hoặc tham dự hội nghị quốc tế ở nước ngoài thì sau khi thỏa thuận với Bộ Ngoại giao, cơ quan đề xuất trình Chính phủ quyết định ủy quyền hoặc ủy nhiệm người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao hoặc người đứng đầu phái đoàn đại diện thường trực của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại tổ chức quốc tế, cơ quan thuộc tổ chức này hoặc người đại diện khác ký điều ước quốc tế hoặc tham dự hội nghị quốc tế đó.
6. In case of not sending any person for signing a treaty or participating in an international conference abroad, after having reached an agreement with the Ministry of Foreign Affairs, the recommending agency shall propose the Government to authorize or mandate the head of the diplomatic mission or permanent representative mission of the Socialist Republic of Vietnam in an international organization or in an agency of such organization or another representative to sign such treaty or to participate in the international conference.
Điều 24. Thủ tục đối ngoại về cấp Giấy ủy quyền, Giấy ủy nhiệm
Article 24.- Diplomatic procedures for issuing Full Powers, Credentials
1. Bộ Ngoại giao hoàn thành thủ tục đối ngoại về cấp Giấy ủy quyền đàm phán, ký điều ước quốc tế, Giấy ủy nhiệm tham dự hội nghị quốc tế trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được quyết định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế, tham dự hội nghị quốc tế.
1. The Ministry of Foreign Affairs shall complete diplomatic procedures for issuing Full Powers for negotiation or signing of a treaty or Credentials for participation in an international conference within ten days after the date of receipt of the written decision made by the competent state agency on the negotiation and signing of the treaty or participation in the international conference.
2. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký Giấy ủy quyền đàm phán, ký điều ước quốc tế, Giấy ủy nhiệm tham dự Hội nghị quốc tế; trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vắng mặt thì một Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy nhiệm ký.
2. The Minister of Foreign Affairs shall sign Full Powers for negotiation and signing of treaties or Credentials for participation in international conferences; if the Minister of Foreign Affairs is absent, a Vice-Minister of Foreign Affairs, who is authorized by the Minister of Foreign Affairs, shall sign such documents.
3. Trong trường hợp quyết định ủy quyền hoặc quyết định ủy nhiệm chưa xác định rõ người được ủy quyền hoặc được ủy nhiệm, tên đầy đủ bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài của điều ước quốc tế thì chậm nhất là năm ngày, trước ngày đàm phán, ký điều ước quốc tế hoặc tham dự hội nghị quốc tế, cơ quan đề xuất có trách nhiệm thông báo bằng văn bản những thông tin này cho Bộ Ngoại giao để hoàn thành thủ tục cấp Giấy ủy quyền hoặc Giấy ủy nhiệm.
3. In cases where a decision on authorization or mandate does not specify the person authorized or mandated and the full title of the treaty in the Vietnamese and foreign language(s), at least five days before the start of the negotiation or signing of the treaty or participation in the international conference, the recommending agency shall have to notify in writing the Ministry of Foreign Affairs of the said information for the completion of the procedures for issuing Full Powers or Credentials.
4. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm kịp thời trình Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định trong trường hợp có sự thay đổi về người được ủy quyền hoặc người được ủy nhiệm; Bộ Ngoại giao hoàn thành thủ tục đối ngoại về cấp Giấy ủy quyền hoặc Giấy ủy nhiệm theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này sau khi có quyết định của Chủ tịch nước hoặc Chính phủ.
4. The recommending agencies shall have to submit in a timely manner to the State President or the Government for decision any changes relating to the persons authorized or mandated; the Ministry of Foreign Affairs shall complete diplomatic procedures for issuing Full Powers or Credentials under the provisions of Clauses 1, 2 and 3 of this Article, upon the decision made by the State President or the Government.
MỤC 4
Section 4.
KÝ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
SIGNING OF TREATIES
Điều 25. Rà soát, đối chiếu văn bản điều ước quốc tế
Article 25.- Check, comparison of the texts of treaties
Trước khi tiến hành ký tắt điều ước quốc tế, ký điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất phối hợp với Bộ Ngoại giao và cơ quan nhà nước hữu quan rà soát, đối chiếu văn bản tiếng Việt với văn bản tiếng nước ngoài để bảo đảm chính xác về nội dung và thống nhất về hình thức.
Before initialing or signing a treaty, the recommending agency shall coordinate with the Ministry of Foreign Affairs and concerned state agencies in checking and comparing the text in Vietnamese and the text in foreign language(s) to ensure the correctness of the contents and the uniformity of the form of the texts of the treaty.
Điều 26. Xác thực văn bản điều ước quốc tế
Article 26.- Authentication of the texts of treaties
1. Văn bản điều ước quốc tế được xác thực theo thủ tục quy định tại điều ước quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài tham gia soạn thảo điều ước quốc tế đó.
1. The text of a treaty shall be authenticated according to the procedures provided for in the treaty or as agreed upon between the Vietnamese party and the foreign contracting party(ies) participating in drafting the treaty.
2. Trong trường hợp không có thủ tục quy định tại khoản 1 Điều này thì văn bản điều ước quốc tế được coi là xác thực khi đại diện có thẩm quyền của bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài ký tắt điều ước quốc tế hoặc ký điều ước quốc tế đó.
2. Failing the procedures provided for in Clause 1 of this Article, the text of a treaty shall be deemed as authentic when competent representatives of the Vietnamese side and the foreign contracting party(ies) initial or sign the treaty.
3. Văn bản điều ước quốc tế đã được xác thực là văn bản cuối cùng của điều ước quốc tế đó.
3. The authenticated text of a treaty is the final text of the treaty.
Điều 27. Ký điều ước quốc tế
Article 27.- Signing of treaties
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm phối hợp với Bộ Ngoại giao hoàn thành thủ tục ký và văn bản điều ước quốc tế, tổ chức lễ ký điều ước quốc tế. Lễ ký được tổ chức trang trọng, trên bàn ký có quốc kỳ Việt Nam và quốc kỳ của bên ký kết nước ngoài hoặc cờ của tổ chức quốc tế hữu quan, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa các bên.
1. The recommending agencies shall have to coordinate with the Ministry of Foreign Affairs in completing the signing procedures and finalizing the texts of treaties and organizing the signing ceremonies of treaties. The signing ceremonies shall be held solemnly; on the signing table there must be national flags of Vietnam and of the foreign contracting party(ies) or international organization concerned, unless otherwise provided for by the contracting parties.
2. Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã quyết định cho ký điều ước quốc tế nhưng chưa thể tổ chức ký được thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm kịp thời báo cáo và kiến nghị biện pháp xử lý với Chính phủ, đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao để phối hợp.
2. In cases where the competent state agency has decided to approve the signing of a treaty, however it is impossible to organize the signing of such treaty, the recommending agency shall promptly report the case to the Government, recommending handling measures and, at the same time, notify the Ministry of Foreign Affairs thereof for coordination.
3. Trong trường hợp có những thay đổi liên quan đến danh nghĩa ký, quyền, nghĩa vụ của bên Việt Nam, quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc có những thay đổi cơ bản khác so với nội dung văn bản điều ước quốc tế đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho ký thì điều ước quốc tế chỉ được ký sau khi có quyết định cho ký của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. In cases where there are changes relating to the name under which the treaty will be signed, rights and obligations of the Vietnamese side, which contain provisions that contravene, or have not been made in, legal documents promulgated by the National Assembly or the National Assembly Standing Committee, or other fundamental changes in the text of the treaty the signing of which has been approved by the competent state agency, such treaty shall only be signed after its signing is approved by the competent state agency.
Điều 28. Ký điều ước quốc tế trong chuyến thăm của Đoàn cấp cao
Article 28.- Signing of treaties during visits by high-level delegations
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm phối hợp với Bộ Ngoại giao hoàn thành thủ tục ký và văn bản điều ước quốc tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho ký trong chuyến thăm của Đoàn cấp cao Việt Nam tại nước ngoài hoặc của Đoàn cấp cao nước ngoài tại Việt Nam.
1. The recommending agencies shall have to coordinate with the Ministry of Foreign Affairs in completing the signing procedures and finalizing the texts of treaties the signing of which has been approved by competent state agencies during the visits by high-level Vietnamese delegations to foreign countries or by high-level foreign delegations to Vietnam.
2. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm kịp thời báo cáo và kiến nghị biện pháp xử lý với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao để phối hợp trong trường hợp điều ước quốc tế đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho ký, nhưng chưa thể tổ chức ký được trong chuyến thăm của Đoàn cấp cao Việt Nam tại nước ngoài hoặc của Đoàn cấp cao nước ngoài tại Việt Nam.
2. The recommending agencies shall have to promptly report to competent state agencies, with recommendations on handling measures and, at the same time, notify the Ministry of Foreign Affairs for coordination the case where it is impossible to organize the signing of a treaty during a visit by a high-level Vietnamese delegation to a foreign country or by a high-level foreign delegation to Vietnam, though the signing of the treaty has been approved by the competent state agency.
3. Bộ Ngoại giao chủ trì hoặc phối hợp rà soát, đối chiếu văn bản cuối cùng của điều ước quốc tế, phối hợp với bên nước ngoài tổ chức lễ ký điều ước quốc tế trong chuyến thăm của Đoàn cấp cao Việt Nam tại nước ngoài hoặc của Đoàn cấp cao nước ngoài tại Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên ký kết nước ngoài hoặc quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. The Ministry of Foreign Affairs shall assume the prime responsibility for or coordinate the check and comparison of the final texts of treaties, and coordinate with the foreign parties in organizing the signing ceremonies of treaties during visits by high-level Vietnamese delegations to foreign countries or by high-level foreign delegations to Vietnam, unless otherwise agreed upon with foreign parties or otherwise decided by competent state agencies.
Điều 29. Trách nhiệm gửi văn bản điều ước quốc tế sau khi ký
Article 29.- Responsibility to transmit texts of treaties after their signing
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm gửi Bộ Ngoại giao bản chính điều ước quốc tế, bản dịch bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài, bản ghi điện tử nội dung điều ước quốc tế bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài để hoàn thành thủ tục về điều ước quốc tế trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày điều ước quốc tế hai bên được ký ở trong nước hoặc kể từ ngày đoàn đàm phán, ký điều ước quốc tế ở nước ngoài về nước.
1. Within ten days after the date of signing of a bilateral treaty in Vietnam or after the date of arrival of the delegation for negotiation and signing of the treaty in case the treaty was signed abroad, the recommending agency shall have to send the original text of the treaty and the Vietnamese translation of the treaty in case it was signed only in foreign language(s) and an electronic version of the contents of the text of the treaty in the Vietnamese and foreign language(s) to the Ministry of Foreign Affairs for completion of treaty procedures.
2. Trong trường hợp người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao hoặc phái đoàn đại diện thường trực của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại tổ chức quốc tế ký điều ước quốc tế thì người ký có trách nhiệm báo cáo, gửi ngay bản sao điều ước quốc tế đã ký cho Bộ Ngoại giao và trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày ký phải gửi bản chính điều ước quốc tế đến cơ quan đề xuất.
2. In cases where the head of a diplomatic mission or permanent representative mission of the Socialist Republic of Vietnam in an international organization signs a treaty, the person who signed the treaty shall have to report and promptly transmit a copy of the signed treaty to the Ministry of Foreign Affairs and send, within fifteen days after the date of signing, the original text of the treaty to the recommending agency.
Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được bản chính điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này.
Within ten days after the date of receipt of the original text of the treaty, the recommending agency shall perform its responsibilities stated in Clause 1 of this Article.
3. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm gửi Bộ Ngoại giao bản sao điều ước quốc tế nhiều bên đã được cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên chứng thực, bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt, bản ghi điện tử nội dung điều ước quốc tế bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài để hoàn thành thủ tục về điều ước quốc tế trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được bản sao điều ước quốc tế do cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên gửi đến.
3. The recommending agency shall have to send a copy of a multilateral treaty, which has been authenticated by the depository of the multilateral treaty, a Vietnamese translation of the treaty and an electronic version of the contents of the text of the treaty in the Vietnamese and foreign language(s) to the Ministry of Foreign Affairs for completion of treaty procedures within ten days after the date of receipt of such copy sent by the depository of the multilateral treaty.
MỤC 5
Section 5.
PHÊ CHUẨN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
RATIFICATION OF TREATIES
Điều 30. Đề xuất phê chuẩn điều ước quốc tế
Article 30.- Recommendations on ratification of treaties
1. Cơ quan đề xuất trình Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong trường hợp điều ước quốc tế đã ký phải được phê chuẩn.
1. The recommending agency shall submit to the Government for further submission to the State President the ratification of a treaty, after having obtained written opinions from the Ministry of Foreign Affairs and concerned agencies and organizations, in case the signed treaty is subject to ratification.
Trong trường hợp Bộ Ngoại giao là cơ quan đề xuất phê chuẩn điều ước quốc tế thì Bộ Ngoại giao trình Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế đó sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
In cases where the Ministry of Foreign Affairs is the agency recommending the ratification of a treaty, it shall submit to the Government for further submission to the State President the ratification of the treaty, after having obtained written opinions from concerned agencies and organizations.
2. Trong trường hợp Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế thì Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với cơ quan đề xuất gửi hồ sơ đề nghị thẩm tra điều ước quốc tế đến cơ quan thẩm tra.
2. In cases where the State President submits to the National Assembly for decision the ratification of a treaty, the Office of the State President shall coordinate with the recommending agency to send the dossier of request for verification of the treaty to the verifying agency.
Điều 31. Điều ước quốc tế phải được phê chuẩn
Article 31.- Treaties subject to ratification
Những điều ước quốc tế sau đây phải được phê chuẩn:
Treaties subject to ratification include:
1. Điều ước quốc tế có quy định phải phê chuẩn;
1. Treaties that contain provisions that the treaties are subject to ratification;
2. Điều ước quốc tế được ký nhân danh Nhà nước;
2. Treaties signed in the name of the State;
3. Điều ước quốc tế được ký nhân danh Chính phủ có quy định trái với quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc có quy định liên quan đến ngân sách nhà nước.
3. Treaties signed in the name of the Government, which contain provisions contrary to the provisions of legal documents promulgated by the National Assembly or the National Assembly Standing Committee or relating to the state budget.
Điều 32. Thẩm quyền, nội dung quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế
Article 32.- Competence to decide on the ratification of treaties and contents of such decision
1. Quốc hội quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu Nhà nước khác; phê chuẩn các điều ước quốc tế khác theo đề nghị của Chủ tịch nước.
1. The National Assembly shall decide to ratify treaties signed by the State President and the Head(s) of other State(s); ratify other treaties at the proposal of the State President.
2. Chủ tịch nước quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế quy định tại Điều 31 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
2. The State President decides to ratify treaties defined in Article 31 of this Law, except for the case stated in Clause 1 of this Article.
3. Quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế có những nội dung sau đây:
3. A decision to ratify a treaty shall have the following contents:
a) Tên điều ước quốc tế được phê chuẩn, thời gian và địa điểm ký;
a/ The title, time and place of signing of the treaty which is ratified;
b) Nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên và những vấn đề cần thiết khác;
b/ Contents of reservation, acceptance of or objection to reservation(s) made by the foreign contracting party(ies), declaration with respect to a multilateral treaty, and other necessary issues;
c) Quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội để thực hiện điều ước quốc tế được phê chuẩn;
c/ The decision on direct application of the whole or part of the treaty; the decision or proposal to amend, supplement, cancel or promulgate legal documents of the National Assembly and the National Assembly Standing Committee for the implementation of the ratified treaty;
d) Trách nhiệm của cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan về việc hoàn thành thủ tục phê chuẩn và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế.
d/ The responsibilities of the recommending agency, the Ministry of Foreign Affairs and other concerned agencies and organizations in completing the procedures for ratifying and organizing the implementation of the treaty.
Điều 33. Điều ước quốc tế phải được thẩm tra
Article 33.- Treaties subject to verification
Điều ước quốc tế trình Quốc hội phê chuẩn phải được thẩm tra.
Treaties submitted to the National Assembly for ratification shall be subject to verification.
Điều 34. Phạm vi thẩm tra điều ước quốc tế
Article 34.- Scope of verification of treaties
Điều ước quốc tế được thẩm tra về các nội dung sau đây:
Treaties shall be verified in terms of the following contents:
1. Sự cần thiết phê chuẩn điều ước quốc tế;
1. The necessity of ratification;
2. Việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất phê chuẩn điều ước quốc tế;
2. The observance of the order and procedures for recommending ratification;
3. Tính hợp hiến và mức độ tương thích với các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
3. The conformity with the Constitution and the compatibility with legal documents promulgated by the National Assembly and the National Assembly Standing Committee;
4. Khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế;
4. The possibility of direct application of the whole or part of the treaty;
5. yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội để thực hiện điều ước quốc tế.
5. The requirement for amendment, supplementation, cancellation or promulgation of legal documents of the National Assembly and the National Assembly Standing Committee for the implementation of the treaty.
Điều 35. Thẩm quyền thẩm tra điều ước quốc tế
Article 35.- Competence to verify treaties
Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội là cơ quan chủ trì thẩm tra điều ước quốc tế. Hội đồng dân tộc, Uỷ ban khác của Quốc hội có trách nhiệm tham gia thẩm tra điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực Hội đồng, Uỷ ban phụ trách hoặc theo sự phân công của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
The Foreign Affairs Committee of the National Assembly shall assume the prime responsibility for verifying treaties. The Ethnic Council and other Committees of the National Assembly shall be responsible for participating in verifying treaties within the domains under their charge or as assigned by the National Assembly Standing Committee.
Điều 36. Trình tự, thủ tục thẩm tra điều ước quốc tế
Article 36.- Order and procedures for verifying treaties
1. Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với cơ quan đề xuất gửi hồ sơ đề nghị thẩm tra điều ước quốc tế đến cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan tham gia thẩm tra điều ước quốc tế chậm nhất là hai mươi ngày trước ngày bắt đầu phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội và chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.  
1. The Office of the State President shall coordinate with the recommending agencies in submitting the dossiers of request for verification of treaties to the agency with the prime verifying responsibility and the verification-participating agencies at least twenty days before the date of opening of the session of the National Assembly Standing Committee or at least thirty days before the date of opening of the session of the National Assembly.
2. Cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức phiên họp để thẩm tra điều ước quốc tế với sự tham gia của cơ quan tham gia thẩm tra và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thẩm tra.
2. The agency with the prime verifying responsibility shall convene meetings for the verification of treaties with the participation of the verification-participating agencies and concerned agencies and organizations within fifteen days after the date of receipt of the dossiers of request for verification.
3. Việc thẩm tra điều ước quốc tế được tiến hành theo trình tự sau đây:
3. The verification of a treaty shall be conducted in the following order:
a) Đại diện Chính phủ thuyết trình về điều ước quốc tế.
a/ The Government's representative makes a presentation on the treaty;
b) Các đại biểu tham dự phiên họp nêu câu hỏi và đại diện Chính phủ trình bày bổ sung;
b/ The participants in the meeting raise questions and the Government's representative gives additional information;
c) Đại diện Thường trực Uỷ ban đối ngoại phát biểu ý kiến;
c/ A representative of the standing body of the Foreign Affairs Committee expresses his/her opinions;
d) Đại diện Thường trực Hội đồng, Thường trực Uỷ ban tham gia thẩm tra và đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan tham dự phiên họp phát biểu ý kiến;
d/ Representatives of the standing bodies of the verification-participating Council and/or Committees and representatives of the concerned agencies and organizations participating in the meeting express their opinions;
đ) Thành viên Uỷ ban đối ngoại thảo luận.
e/ Members of the Foreign Affairs Committee debate.
Trong quá trình thẩm tra, đại diện Chính phủ trình bày bổ sung ý kiến để làm rõ vấn đề mà Uỷ ban đối ngoại, đại biểu tham dự phiên họp thẩm tra nêu ra hoặc yêu cầu;
In the course of verification, the Government's representative may give additional explanations to clarify the matters raised or requested by Foreign Affairs Committee and/or participants in the verification meeting;
e) Chủ tọa phiên họp kết luận; đối với những vấn đề quan trọng và cần thiết thì chủ tọa phiên họp lấy biểu quyết.
f/ The chairman of the meeting concludes; for important and necessary issues, he/she shall put them to vote.
4. Báo cáo thẩm tra điều ước quốc tế trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội phải phản ánh đầy đủ ý kiến của thành viên Uỷ ban đối ngoại và ý kiến của Hội đồng dân tộc, Uỷ ban tham gia thẩm tra.
4. Reports on verification of treaties for submission to the National Assembly and National Assembly Standing Committee must fully reflect the opinions of the Foreign Affairs Committee members and the opinions of the verification-participating Ethnic Council and/or Committees.
Báo cáo thẩm tra được gửi đến Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội theo thời hạn do pháp luật quy định.
Verification reports shall be sent to the National Assembly and the National Assembly Standing Committee within the time limits provided for by law.
Điều 37. Hồ sơ đề nghị thẩm tra điều ước quốc tế
Article 37.- Dossiers of request for verification of treaties
Hồ sơ đề nghị thẩm tra điều ước quốc tế bao gồm:
A dossier of request for verification of a treaty shall comprise:
1. Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị phê chuẩn điều ước quốc tế;
1. The State President's report on the recommendation of the ratification of the treaty;
2. Bản sao điều ước quốc tế, bản dịch bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài;
2. A copy of the treaty and the Vietnamese translation in case the treaty was signed only in foreign language(s);
3. Các tài liệu cần thiết khác.
3. Other necessary documents.
Điều 38. Trình tự, thủ tục trình, quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế
Article 38.- Order and procedures for submitting and deciding on the ratification of treaties
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan về việc phê chuẩn điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được bản chính hoặc bản sao điều ước quốc tế quy định tại Điều 29 của Luật này.
1. The recommending agency shall have to obtain opinions from the Ministry of Foreign Affairs and concerned agencies and organizations on the ratification of a treaty within fifteen days after the date of receipt of the original text or a copy of the treaty as provided for in Article 29 of this Law.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cơ quan đề xuất trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
2. The consulted agencies and organizations stated in Clause 1 of this Article shall have to send their written replies to the recommending agency within fifteen days after the date of receipt of the written requests for opinions.
3. Cơ quan đề xuất trình Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được trả lời bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
3. The recommending agency shall submit to the Government for further submission to the State President the ratification of a treaty within fifteen days after the date of receipt of written replies from concerned agencies and organizations.
4. Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ về việc phê chuẩn điều ước quốc tế.
4. The Government shall submit to the State President for decision the ratification of a treaty within fifteen days after the date of receipt of the dossier for ratification of the treaty.
5. Chủ tịch nước xem xét, quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình hoặc trình Quốc hội phê chuẩn điều ước quốc tế chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.
5. The State President shall consider and decide to ratify a treaty within fifteen days after the date of receipt of the dossier submitted by the Government or submit the treaty to the National Assembly for ratification at least thirty days before the date of opening of the National Assembly session.
6. Quốc hội quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế tại kỳ họp Quốc hội.
6. The National Assembly shall decide to ratify treaties at its sessions.
Điều 39. Trình tự, thủ tục Quốc hội xem xét, phê chuẩn điều ước quốc tế tại kỳ họp Quốc hội
Article 39.- Order and procedures for the National Assembly to consider and ratify treaties at its sessions
Quốc hội xem xét, phê chuẩn điều ước quốc tế tại kỳ họp Quốc hội theo trình tự sau đây:
The National Assembly shall consider and ratify a treaty at its sessions in the following order:
1. Chủ tịch nước báo cáo về đề nghị phê chuẩn điều ước quốc tế;
1. The State President reports on the recommendation of the ratification of a treaty;
2. Đại diện Chính phủ thuyết trình về điều ước quốc tế;
2. A Government's representative makes a presentation on the treaty;
3. Đại diện Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra;
3. A Foreign Affairs Committee's representative presents the verification report;
4. Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể về những nội dung cơ bản của điều ước quốc tế; trước khi thảo luận tại phiên họp toàn thể, Tổ hoặc Đoàn đại biểu Quốc hội có thể thảo luận về nội dung điều ước quốc tế.
4. The National Assembly debates basic contents of the treaty in plenary session; before plenary session debate, groups or delegations of National Assembly deputies may discuss the contents of the treaty;
Trong quá trình thảo luận, cơ quan đề xuất phê chuẩn điều ước quốc tế được trình bày bổ sung về những vấn đề liên quan đến nội dung điều ước quốc tế;
In the course of debate, the agency recommending the ratification of the treaty may give additional information on the matters relating to the contents of the treaty;
5. Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về việc phê chuẩn điều ước quốc tế.
5. The National Assembly votes to adopt a resolution on the ratification of the treaty.
Điều ước quốc tế được phê chuẩn khi có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực nghị quyết về việc phê chuẩn điều ước quốc tế. Chủ tịch nước ký lệnh công bố nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn điều ước quốc tế.
A treaty shall be ratified once it is voted for by more than half of the total number of National Assembly deputies. The National Assembly chairman shall sign the resolution on the ratification of the treaty for authentication. The State President shall sign an order to promulgate the National Assembly resolution on the ratification of the treaty.
Điều 40. Hồ sơ trình về việc phê chuẩn điều ước quốc tế
Article 40.- Dossiers submitted for ratification of treaties
1. Hồ sơ của cơ quan đề xuất trình Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế bao gồm:
1. A dossier submitted by the recommending agency to the Government for further submission to the State President for the ratification of a treaty shall comprise:
a) Tờ trình của cơ quan đề xuất, trong đó đánh giá tác động của điều ước quốc tế đối với Việt Nam; kiến nghị về việc phê chuẩn, thời điểm phê chuẩn, nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên; kiến nghị về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ để thực hiện điều ước quốc tế;
a/ The recommending agency's submission document, which contains an assessment of the impacts of the treaty on Vietnam, recommendations on the ratification, time for ratification, the contents of reservation, acceptance of or objection to the reservation(s) made by the foreign contracting party(ies), declaration with respect to a multilateral treaty; recommendations on the direct application of the whole or part of the treaty, amendment, supplementation, cancellation or promulgation of legal documents of the National Assembly, the National Assembly Standing Committee or the Government for the implementation of the treaty;
b) Bản sao điều ước quốc tế, bản dịch bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài;
b/ A copy of the treaty and the Vietnamese translation in case the treaty was signed only in foreign language(s);
c) ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan;
c/ The opinions of the Ministry of Foreign Affairs and concerned agencies and organizations;
d) Dự kiến kế hoạch tổ chức thực hiện điều ước quốc tế;
d/ A proposed plan for implementation of the treaty;
đ) Các tài liệu cần thiết khác.
e/ Other necessary documents.
2. Hồ sơ của Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế bao gồm:
2. A dossier submitted by the Government to the State President for the ratification of a treaty shall comprise:
a) Tờ trình của Chính phủ, trong đó đánh giá tác động của điều ước quốc tế đối với Việt Nam; kiến nghị về việc phê chuẩn, nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên; kiến nghị về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội để thực hiện điều ước quốc tế;
a/ The Government's submission document, which contains an assessment of the impacts of the treaty on Vietnam, recommendations on the ratification, the contents of reservation, acceptance of or objection to the reservation(s) made by the foreign contracting party(ies), declaration with respect to a multilateral treaty; recommendations on the direct application of the whole or part of the treaty, amendment, supplementation, cancellation or promulgation of legal documents of the National Assembly and the National Assembly Standing Committee for the implementation of the treaty;
b) Bản sao điều ước quốc tế, bản dịch bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài;
b/ A copy of the treaty and the Vietnamese translation in case the treaty was signed only in foreign language(s);
c) Các tài liệu cần thiết khác.
c/ Other necessary documents;
3. Hồ sơ của Chủ tịch nước trình Quốc hội về việc phê chuẩn điều ước quốc tế bao gồm:
3. A dossier submitted by the State President to the National Assembly for the ratification of a treaty shall comprise:
a) Tờ trình của Chủ tịch nước, trong đó nêu rõ lý do đề nghị Quốc hội quyết định phê chuẩn, đánh giá tác động của điều ước quốc tế đối với Việt Nam; kiến nghị nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên; kiến nghị về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ư­ớc quốc tế, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội để thực hiện điều ước quốc tế;
a/ The State President's submission document, which clearly states the reasons for the proposed ratification of the treaty by the National Assembly, contains an assessment of the impacts of the treaty on Vietnam, recommendations on the contents of reservation, acceptance of or objection to the reservation(s) made by the foreign contracting party(ies), declaration with respect to a multilateral treaty; recommendations on the direct application of the whole or part of the treaty, amendment, supplementation, cancellation or promulgation of legal documents of the National Assembly, the National Assembly Standing Committee for the implementation of the treaty;
b) Bản sao điều ước quốc tế, bản dịch bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài;
b/ A copy of the treaty and the Vietnamese translation in case the treaty was signed only in foreign language(s);
c) Các tài liệu cần thiết khác.
c/ Other necessary documents.
Điều 41. Thông báo về việc phê chuẩn điều ước quốc tế
Article 41.- Notification of the ratification of treaties
1. Bộ Ngoại giao thông báo cho bên ký kết nước ngoài hoặc cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về việc phê chuẩn điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày Chủ tịch nước ký lệnh công bố nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn điều ước quốc tế hoặc kể từ ngày nhận được quyết định của Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế.
1. The Ministry of Foreign Affairs shall notify foreign contracting party(ies) or the depository of the multilateral treaty of the ratification of a treaty within fifteen days after the date of signing of the order by the State President on the promulgation of the National Assembly resolution on the ratification of the treaty, or after the date of receipt of the State President decision on the ratification of the treaty.
2. Chủ tịch nước ký văn kiện phê chuẩn điều ước quốc tế hai bên. Văn kiện phê chuẩn điều ước quốc tế hai bên có các nội dung quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 32 của Luật này và các nội dung cần thiết khác.
2. The State President shall sign the instruments of ratification of a bilateral treaty. Instruments of ratification of a bilateral treaty shall have the contents specified at Points a and b, Clause 3, Article 32 of this Law and other necessary contents.
 Bộ Ngoại giao tiến hành thủ tục trao đổi văn kiện phê chuẩn với bên ký kết nước ngoài trong trường hợp điều ước quốc tế hai bên có quy định hoặc có thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài về việc phải hoàn thành thủ tục trao đổi văn kiện phê chuẩn để điều ước quốc tế có hiệu lực. 
The Ministry of Foreign Affairs shall carry out the procedures for exchanging the instruments of ratification of a treaty with the foreign contracting party if so stipulated in the bilateral treaty or so agreed with the foreign contracting party that the procedures for exchanging the instruments of ratification must be completed in order to enforce the treaty.
3. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký văn kiện phê chuẩn điều ước quốc tế nhiều bên gửi cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
3. The Minister of Foreign Affairs shall sign the instruments of ratification of a multilateral treaty to be sent to the depository of such treaty.
Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vắng mặt thì một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được Bộ trưởng ủy nhiệm ký, trừ trường hợp có quy định khác của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
In cases where the Minister of Foreign Affairs is absent, a Vice-Minister of Foreign Affairs, who is authorized by the Minister of Foreign Affairs, shall sign such instruments, unless otherwise provided for by the depository of the multilateral treaty.
4. Bộ Ngoại giao thông báo cho các cơ quan nhà nước hữu quan về ngày có hiệu lực của điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày điều ước quốc tế hai bên đã được phê chuẩn có hiệu lực hoặc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về ngày có hiệu lực của điều ước quốc tế nhiều bên đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
4. The Ministry of Foreign Affairs shall notify concerned agencies of the date of entry into force of a treaty within fifteen days after the date of entry into force of the ratified bilateral treaty or after the date of receipt of the notification by the depository of the date of entry into force of the multilateral treaty for the Socialist Republic of Vietnam.
MỤC 6
Section 6.
PHÊ DUYỆT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
APPROVAL OF TREATIES
Điều 42. Đề xuất phê duyệt điều ước quốc tế
Article 42.- Recommendations on approval of treaties
 Cơ quan đề xuất trình Chính phủ quyết định phê duyệt điều ước quốc tế sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong trường hợp điều ước quốc tế đã ký phải được phê duyệt; trong trường hợp Bộ Ngoại giao là cơ quan đề xuất phê duyệt điều ước quốc tế thì Bộ Ngoại giao trình Chính phủ quyết định phê duyệt điều ước quốc tế sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
The recommending agency shall submit a treaty to the Government for decision and approval after having obtained written opinions of the Ministry of Foreign Affairs and concerned agencies and organizations in case the signed treaty is subject to approval; in case the Ministry of Foreign Affairs recommends the approval of a treaty, it shall submit the treaty to the Government for decision and approval after having obtained written opinions of concerned agencies and organizations.
Điều 43. Điều ước quốc tế phải được phê duyệt
Article 43.- Treaties subject to approval
Những điều ước quốc tế sau đây phải được phê duyệt:
The following treaties are subject to approval:
1. Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định phải phê duyệt;
1. Treaties in the name of the Government which contain a provision requiring approval;
2. Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định trái với quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ;
2. Treaties in the name of the Government which contain provisions contrary to the provisions of legal documents of the Government;
3. Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định phải hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ.
3. Treaties in the name of the Government which contain a provision requiring the completion of domestic legal procedures.
Điều 44. Thẩm quyền, nội dung quyết định phê duyệt điều ước quốc tế
Article 44.- Competence to decide on the approval of treaties and contents of such decision
 1. Chính phủ quyết định phê duyệt điều ước quốc tế quy định tại Điều 43 của Luật này.
1. The Government shall decide to approve treaties specified in Article 43 of this Law.
2. Quyết định phê duyệt điều ước quốc tế có những nội dung sau đây:
2. A decision to approve a treaty shall contain the following contents:
a) Tên điều ước quốc tế, thời gian và địa điểm ký;
a/ The title, time and place of signing of the treaty;
b) Nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên và những vấn đề cần thiết khác;
b/ The contents of reservation, acceptance of or objection to the reservation(s) made by the foreign contracting party(ies), declaration with respect to a multilateral treaty and other necessary issues;
 c) Quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ư­ớc quốc tế; kiến nghị hoặc quyết định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ để thực hiện điều ước quốc tế được phê duyệt;
c/ Decision on direct application of the whole or part of the treaty; proposal or decision to amend, supplement, cancel or promulgate legal documents of the National Assembly, the National Assembly Standing Committee and the Government for the implementation of the approved treaty;
 d) Trách nhiệm của cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan về việc hoàn thành thủ tục phê duyệt và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế.
d/ The responsibilities of the recommending agency, the Ministry of Foreign Affairs and other concerned agencies and organizations for completing the procedures for approval and organizing the implementation of the treaty.
Điều 45. Trình tự, thủ tục trình, quyết định phê duyệt điều ước quốc tế
Article 45.- Order and procedures for submitting and deciding on the approval of treaties
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan về việc phê duyệt điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được bản chính hoặc bản sao điều ước quốc tế quy định tại Điều 29 của Luật này.
1. The recommending agency shall have to obtain opinions of the Ministry of Foreign Affairs and concerned agencies and organizations on the approval of a treaty within fifteen days after the date of receipt of the original text or a copy of the treaty as provided for in Article 29 of this Law.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cơ quan đề xuất trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
2. The consulted agencies and organizations stated in Clause 1 of this Article shall have to send written replies to the recommending agency within fifteen days after the date of receipt of the written requests for opinions.
3. Cơ quan đề xuất trình Chính phủ quyết định phê duyệt điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được trả lời bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
3. The recommending agency shall submit the treaty to the Government for decision and approval within fifteen days after the date of receipt of written replies from concerned agencies and organizations.
4. Chính phủ quyết định phê duyệt điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình.
4. The Government shall decide on the approval of the treaty within fifteen days after the date of receipt of the dossier submitted by the recommending agency.
Điều 46. Hồ sơ trình về việc phê duyệt điều ước quốc tế
Article 46.- Dossiers submitted for the approval of treaties
Hồ sơ của cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc phê duyệt điều ước quốc tế bao gồm:
A dossier submitted by the recommending agency to the Government for the approval of a treaty shall comprise:
1. Tờ trình của cơ quan đề xuất, trong đó đánh giá tác động của điều ước quốc tế đối với Việt Nam; kiến nghị về việc phê duyệt, thời điểm phê duyệt, nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên; kiến nghị về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ để thực hiện điều ước quốc tế;
1. The recommending agency's submission document, which contains an assessment of the impacts of the treaty on Vietnam; recommendations on the approval, point of time for approval, the contents of reservation, acceptance of or objection to the reservation(s) made by the foreign contracting party(ies), declaration with respect to a multilateral treaty; recommendations on direct application of the whole or part of the treaty, amendment, supplementation, cancellation or promulgation of legal documents of the National Assembly, the National Assembly Standing Committee and the Government for the implementation of the treaty;
2. Bản sao điều ước quốc tế, bản dịch bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài;
2. A copy of the treaty and the Vietnamese translation in case the treaty was signed only in foreign language(s);
3. ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan;
3. The opinions of the Ministry of Foreign Affairs and concerned agencies and organizations;
4. Dự kiến kế hoạch tổ chức thực hiện điều ước quốc tế;
4. A proposed plan on the implementation of the treaty;
5. Các tài liệu cần thiết khác.
5. Other necessary documents.
Điều 47. Thông báo về việc phê duyệt điều ước quốc tế
Article 47.- Notification of the approval of treaties
1. Bộ Ngoại giao thông báo cho bên ký kết nước ngoài hoặc cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về việc phê duyệt điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày Chính phủ quyết định phê duyệt.
1. The Ministry of Foreign Affairs shall notify the foreign contracting party(ties) or the depository of a multilateral treaty of the approval of a treaty within fifteen days after the date of the approval decision made by the Government.
2. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký văn kiện phê duyệt điều ước quốc tế nhiều bên gửi cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
2. The Minister of Foreign Affairs shall sign the instruments of approval of a multilateral treaty to be sent to the depository of the treaty.
Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vắng mặt thì một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được Bộ trưởng ủy nhiệm ký, trừ trường hợp có quy định khác của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
In cases where the Minister of Foreign Affairs is absent, a Vice-Minister of Foreign Affairs, who is authorized by the Minister of Foreign Affairs, shall sign such instruments, unless otherwise provided for by the depository.
3. Bộ Ngoại giao thông báo cho các cơ quan nhà nước hữu quan về ngày có hiệu lực của điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày điều ước quốc tế đã được phê duyệt có hiệu lực hoặc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về ngày có hiệu lực của điều ước quốc tế nhiều bên đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. The Ministry of Foreign Affairs shall notify concerned agencies and organizations of the date of entry into force of a treaty within fifteen days after the date of entry into force of the approved treaty or after the date of receipt of the notification from the depository of the date of entry into force of the multilateral treaty for the Socialist Republic of Vietnam.
Điều 48. Trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế
Article 48.- Exchange of instruments constituting treaties
1. Việc trao đổi văn kiện giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài tạo thành điều ước quốc tế hai bên, nếu văn kiện được trao đổi có quy định.
1. The instruments exchanged between the Socialist Republic of Vietnam and a foreign contracting party shall constitute a bilateral treaty, if it is so provided in the exchanged documents.
2. Quy định tại các điều từ Điều 9 đến Điều 29 của Luật này được áp dụng đối với việc trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế.
2. The provisions of Articles from 9 to 29 of this Law shall apply to the exchange of documents constituting treaties.
CHƯƠNG III
Chapter III
GIA NHẬP ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ NHIỀU BÊN
ACCESSION TO MULTILATERAL TREATIES
Điều 49. Trách nhiệm đề xuất gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên
Article 49.- Responsibility for recommendation on accession to multilateral treaties
1. Cơ quan đề xuất căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, yêu cầu hợp tác quốc tế chủ động đề xuất với Chính phủ về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên.
1. The recommending agencies, on the basis of their legally defined tasks and powers and the requirement for international cooperation, shall take initiative in submitting to the Government recommendations on the accession to multilateral treaties.
2. Trước khi đề xuất với Chính phủ về việc gia nhập điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất phải lấy ý kiến kiểm tra bằng văn bản của Bộ Ngoại giao theo quy định tại Điều 10 của Luật này, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp theo quy định tại các điều từ Điều 17 đến Điều 21 của Luật này và ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
2. Before submitting recommendations on accession to treaties to the Government, the recommending agencies must obtain written examination opinions of the Ministry of Foreign Affairs in accordance with the provisions of Article 10 of this Law, evaluation opinions of the Ministry of Justice in accordance with the provisions of Articles 17 to 21 of this Law, and opinions of concerned agencies and organizations.
3. Trong trường hợp Bộ Ngoại giao trình Chính phủ về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên thì phải lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
3. In cases where the Ministry of Foreign Affairs submits the recommendation on the accession to a multilateral treaty to the Government, it must obtain evaluation opinions from the Ministry of Justice and written opinions from concerned agencies and organizations.
Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan đề xuất với Chính phủ về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên về hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia.
The Ministry of Foreign Affairs shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned agencies and organizations, in submitting to the Government recommendations on the accession to multilateral treaties on peace, security, national boundaries, territory and sovereignty.
4. Trong trường hợp Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên thì Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với cơ quan đề xuất gửi hồ sơ đề nghị thẩm tra đến cơ quan thẩm tra.
4. In cases where the State President submits to the National Assembly for decision the accession to a multilateral treaty, the Office of the State President shall coordinate with the recommending agency in submitting to the verifying agency the dossier of request for verification.
Điều 50. Thẩm quyền, nội dung quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên
Article 50.- Competence to decide on accession to multilateral treaties and contents of such decisions
1. Quốc hội quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên theo đề nghị của Chủ tịch nước.
1. The National Assembly shall decide on the accession to multilateral treaties at the proposal of the State President.
2. Chủ tịch nước quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên nhân danh Nhà nước, điều ước quốc tế nhiều bên có quy định phải phê chuẩn, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
2. The State President shall decide on the accession to multilateral treaties in the name of the State and multilateral treaties subject to ratification, except for the case stated in Clause 1 of this Article.
3. Chính phủ quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên nhân danh Chính phủ.
3. The Government shall decide on the accession to multilateral treaties in the name of the Government.
4. Quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên có những nội dung sau đây:
4. A decision on the accession to a multilateral treaty shall have the following contents:
a) Tên điều ước quốc tế được gia nhập, thời gian và địa điểm ký hoặc thông qua;
a/ The title, time and place of signing or approval of the acceded treaty;
b) Nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên và những vấn đề cần thiết khác;
b/ The contents of reservation, acceptance of or objection to the reservation(s) made by the foreign contracting parties, declaration with respect to the multilateral treaty and other necessary issues;
c) Quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ để thực hiện điều ước quốc tế được gia nhập;
c/ The decision on direct application of the whole or part of the treaty; the decision or proposal to amend, supplement, cancel or promulgate legal documents of the National Assembly, the National Assembly Standing Committee or the Government for the implementation of the acceded treaty;
d) Trách nhiệm của cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan về việc hoàn thành thủ tục gia nhập và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế.
d/ The responsibilities of the recommending agency, the Ministry of Foreign Affairs and other concerned agencies and organizations for completing the procedures for accession to and organizing the implementation of the treaty.
Điều 51. Trình tự, thủ tục trình, quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên
Article 51.- Order and procedures for submitting recommendations and deciding on accession to multilateral treaties
1. Chậm nhất là ba mươi ngày trước khi trình Chính phủ về việc gia nhập  điều ước quốc tế nhiều bên, cơ quan đề xuất có trách nhiệm lấy ý kiến kiểm tra bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
1. At least thirty days before submitting to the Government the recommendation on the accession to a multilateral treaty, the recommending agency shall have to obtain written examination opinions from the Ministry of Foreign Affairs, evaluation opinions from the Ministry of Justice, and opinions from concerned agencies and organizations.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cơ quan đề xuất trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
2. The consulted agencies and organizations stated in Clause 1 of this Article shall have to send their written replies to the recommending agency within fifteen days after the date of receipt of the written request for opinions.
3. Cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được trả lời bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này.
3. The recommending agency shall submit to the Government the recommendation on the accession to the multilateral treaty within fifteen days after the date of receipt of written opinions of the agencies and organizations stated in Clause 1 of this Article.
4. Chính phủ quyết định:
4. The Government shall decide:
a) Gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên nhân danh Chính phủ trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình hoặc kể từ ngày nhận được ý kiến của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên có điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
a/ To accede to a multilateral treaty in the name of the Government within fifteen days after the date of receipt of the dossier submitted by the recommending agency or after the date of receipt of opinions of the National Assembly or the National Assembly Standing Committee on the accession to a multilateral treaty containing provisions which contravene, or have not been made in, legal documents promulgated by the National Assembly or the National Assembly Standing Committee or a treaty the implementation of which requires amendment, supplementation, cancellation or promulgation of legal documents of the National Assembly or the National Assembly Standing Committee;
b) Trình Chủ tịch nước về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật này trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình;
b/ To submit to the State President the accession to a multilateral treaty specified in Clause 2, Article 50 of this Law within fifteen days after the date of receipt of the dossier submitted by the recommending agency;
c) Trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên có điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình. 
c/ To submit to the National Assembly Standing Committee for opinion the accession to a multilateral treaty containing provisions which contravene, or have not been made in, legal documents promulgated by the National Assembly or the National Assembly Standing Committee or a treaty the implementation of which requires amendment, supplementation, cancellation or promulgation of legal documents of the National Assembly or the National Assembly Standing Committee, within fifteen days after the date of receipt of the dossier submitted by the recommending agencies.
5. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên quy định tại điểm c khoản 4 Điều này theo trình tự quy định tại Điều 13 của Luật này.
5. The National Assembly Standing Committee shall give opinions on the accession to a multilateral treaty specified at Point c, Clause 4 of this Article in the order provided for in Article 13 of this Law.
6. Chủ tịch nước quyết định:
6. The State President shall decide:
a) Gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật này trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình;
a/ To accede to a multilateral treaty specified in Clause 2, Article 50 of this Law, within fifteen days after the date of receipt of the dossier submitted by the Government;
b) Trình Quốc hội quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.
b/ To submit to the National Assembly for decision the accession to a multilateral treaty specified in Clause 1, Article 50 of this Law at least thirty days before the date of opening of the National Assembly session.
7. Quốc hội quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên tại kỳ họp Quốc hội theo trình tự, thủ tục tương tự quy định tại Điều 39 của Luật này; trước khi trình Quốc hội thì điều ước quốc tế phải được thẩm tra theo trình tự, thủ tục tương tự quy định tại các điều từ Điều 34 đến Điều 37 của Luật này.
7. The National Assembly shall decide on the accession to a multilateral treaty at its session in the order and according to the procedures provided for in Article 39 of this Law; before being submitted to the National Assembly, the treaty must be verified in the order and according to the procedures provided for in Articles 34 to 37 of this Law.
Điều 52. Hồ sơ trình về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên
Article 52.- Dossiers submitted for the accession to multilateral treaties
1. Hồ sơ của cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên bao gồm:
1. A dossier submitted by the recommending agency to the Government for the accession of a multilateral treaty shall comprise:
a) Tờ trình của cơ quan đề xuất có những nội dung quy định tại Điều 14 của Luật này;
a/ The recommending agency's rational document, with the contents specified in Article 14 of this Law;
b) Bản sao điều ước quốc tế, bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt;
b/ A copy of the treaty and the Vietnamese translation of the treaty;
c) ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan;
c/ Examination opinions of the Ministry of Foreign Affairs, evaluation opinions of the Ministry of Justice, and opinions of concerned agencies and organizations;
d) Danh sách các thành viên của điều ước quốc tế, văn bản sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế, bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu, tuyên bố của các bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế, thủ tục pháp lý cần thiết và các thông tin khác liên quan đến việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên;
d/ The list of parties to the treaty, documents on amendments, supplements to the treaty, reservations, acceptance of or objection to reservations, declarations made by the foreign contracting parties with respect to the treaty, legal procedures required for, and other necessary information relating to, the accession to the treaty;
đ) Dự kiến kế hoạch tổ chức thực hiện điều ước quốc tế;
e/ A proposed plan for the implementation of the treaty;
e) Các tài liệu cần thiết khác.
f/ Other necessary documents.
2. Hồ sơ của Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên bao gồm:
2. A dossier submitted by the Government to the State President for the accession to a multilateral treaty shall comprise:
a) Tờ trình của Chính phủ, trong đó đánh giá tác động của điều ước quốc tế nhiều bên đối với Việt Nam; kiến nghị về việc gia nhập, nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên; kiến nghị về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội để thực hiện điều ước quốc tế;
a/ The Government's submission document, which contains an assessment of the impacts of the treaty on Vietnam; recommendations on the accession, the contents of reservation, acceptance or objection to the reservation(s) made by the foreign contracting parties, declaration with respect to a multilateral treaty; recommendations on direct application of the whole or part of the treaty, amendment, supplementation, cancellation or promulgation of legal documents of the National Assembly or the National Assembly Standing Committee for the implementation of the treaty;
b) Bản sao điều ước quốc tế, bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt;
b/ A copy of the treaty and the Vietnamese translation of the treaty;
c) Danh sách các thành viên của điều ước quốc tế, văn bản sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế, bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu, tuyên bố của các bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế, thủ tục pháp lý cần thiết và các thông tin khác liên quan đến việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên;
c/ The list of parties to the treaty, documents on amendments, supplements to the treaty, reservations, acceptance of or objection to reservations, declarations made by the foreign contracting parties with respect to the treaty, legal procedures required for, and other necessary information relating to, the accession of the treaty;
d) Ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội trong trường hợp đề xuất gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên quy định tại điểm c khoản 4 Điều 51 của Luật này;
d/ Opinions of the National Assembly Standing Committee or the National Assembly in case of recommendation on the accession to a multilateral treat specified at Point c, Clause 4, Article 51 of this Law;
đ) Các tài liệu cần thiết khác.
e/ Other necessary documents.
3. Trong trường hợp Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên quy định tại điểm c khoản 4 Điều 51 của Luật này thì hồ sơ của Chính phủ bao gồm những nội dung quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này.
3. In case the Government submits to the National Assembly Standing Committee for consideration the accession to a multilateral treaty specified at Point c, Clause 4, Article 51 of this Law, the Government's dossier shall comprise documents stated at Points a, b, c and e, Clause 2 of this Article.
4. Hồ sơ của Chủ tịch nước trình Quốc hội về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên bao gồm:
4. A dossier submitted by the State President to the National Assembly for the accession to a multilateral treat shall comprise:
a) Tờ trình của Chủ tịch nước, trong đó nêu rõ lý do đề nghị Quốc hội quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên; đánh giá tác động của điều ước quốc tế nhiều bên đối với Việt Nam; kiến nghị nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên; kiến nghị về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội để thực hiện điều ước quốc tế;
a/ The State President's submission document, which clearly spells out the reasons for proposing the National Assembly to decide on the accession, contains an assessment of the impacts of the treaty on Vietnam, recommendations on the accession, the contents of reservation, acceptance or objection to the reservation(s) made by the foreign contracting parties, declaration with respect to a multilateral treaty; recommendations on direct application of the whole or part of the treaty, amendment, supplementation, cancellation or promulgation of legal documents of the National Assembly or the National Assembly Standing Committee for the implementation of the treaty;
b) Bản sao điều ước quốc tế, bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt;
b/ A copy of the treaty and the Vietnamese translation of the treaty;
c) Danh sách các thành viên của điều ước quốc tế, văn bản sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế, bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu, tuyên bố của các bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế, thủ tục pháp lý cần thiết và các thông tin khác liên quan đến việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên;
c/ The list of parties to the treaty, documents on amendments, supplements to the treaty, reservations, acceptance of or objection to reservations, declarations made by the foreign contracting parties with respect to the treaty, legal procedures required for the accession to and other necessary information relating to the accession of the treaty;
d) Các tài liệu cần thiết khác.
d/ Other necessary documents.
Điều 53. Thông báo về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên
Article 53.- Notification of accession to multilateral treaties
1. Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về việc gia nhập điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày Chủ tịch nước ký lệnh công bố nghị quyết của Quốc hội về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên hoặc kể từ ngày nhận được quyết định của Chủ tịch nước hoặc của Chính phủ về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên.
1. The Ministry of Foreign Affairs shall notify the depository of a multilateral treaty of the accession to the treaty within fifteen days after the date of signing of the order by the State President to promulgate the National Assembly resolution on the accession to the treaty or after the date of receipt of the decision made by the State President or the Government on the accession to the treaty.
2. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký văn kiện gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên gửi cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
2. The Minister of Foreign Affairs shall sign the instruments of accession to a multilateral treaty to be sent to the depository of the multilateral treaty.
Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vắng mặt thì một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được Bộ trưởng ủy nhiệm ký, trừ trường hợp có quy định khác của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
In cases where the Minister of Foreign Affairs is absent, a Vice-Minister of Foreign Affairs, who is authorized by the Minister of Foreign Affairs, shall sign such instruments, unless otherwise provided for by the depository of the multilateral treaty.
3. Bộ Ngoại giao thông báo cho các cơ quan nhà nước hữu quan về ngày có hiệu lực của điều ước quốc tế nhiều bên đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
3. The Ministry of Foreign Affairs shall notify concerned state agencies of the date of entry into force of a multilateral treaty for the Socialist Republic of Vietnam within fifteen days after the date of receipt of notification by the depository of the multilateral treaty.
CHƯƠNG IV
Chapter IV
BẢO LƯU ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ NHIỀU BÊN
RESERVATIONS TO MULTILATERAL TREATIES
Điều 54. Bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Article 54.- Reservations made by the Socialist Republic of Vietnam
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm nêu rõ kiến nghị đưa ra bảo lưu đối với điều ước quốc tế nhiều bên, yêu cầu, nội dung, thời điểm tuyên bố bảo lưu trong tờ trình Chính phủ về việc ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên được phép bảo lưu và có điều khoản mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần tuyên bố bảo lưu.
1. The recommending agency shall have to clearly state, in its submission document submitted to the Government on the signing, approval, ratification of or accession to a multilateral treaty to which reservations are allowed and which contain provision(s) to which the Socialist Republic of Vietnam should declare its reservation(s), the proposal for reservation(s), the requirements, contents and time for declaration of reservations.
2. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm nêu rõ kiến nghị chính thức khẳng định lại bảo lưu đối với điều ước quốc tế nhiều bên mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố khi ký điều ước quốc tế đó trong tờ trình Chính phủ về việc phê chuẩn hoặc phê duyệt điều ước quốc tế nhiều bên.
2. The recommending agency shall have to clearly state, in its submission document submitted to the Government on the ratification or approval of a multilateral treaty, the proposal to formally confirm the reservation(s) declared by the Socialist Republic of Vietnam at the time of signing of the multilateral treaty.
3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên có quyền quyết định việc bảo lưu điều ước quốc tế đó.
3. The state agency competent to decide on the signing, ratification, approval of or accession to a multilateral treaty shall also be competent to decide on making reservation(s) to such treaty.
Điều 55. Thông báo về bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Article 55.- Notification of reservations made by the Socialist Republic of Vietnam
1. Cơ quan đề xuất phối hợp với Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi ký điều ước quốc tế đó. 
1. The recommending agency shall coordinate with the Ministry of Foreign Affairs in notifying the depository of a multilateral treaty of the reservation(s) made by the Socialist Republic of Vietnam at the time of signing of such treaty.
2. Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế có điều khoản mà Việt Nam tuyên bố bảo lưu hoặc phải khẳng định lại bảo lưu đã tuyên bố khi ký điều ước quốc tế đó.
2. The Ministry of Foreign Affairs shall notify the depository of a multilateral treaty of the reservation(s) made by the Socialist Republic of Vietnam within fifteen days after the date of receipt of the decision made by competent state agency on the ratification, approval of or accession to the treaty which contains provision(s) of which the Socialist Republic of Vietnam declares its reservations or which requires subsequent confirmation of reservation(s) declared at the time of signing of the treaty.
3. Bộ Ngoại giao thông báo cho các cơ quan nhà nước hữu quan về ngày có hiệu lực của tuyên bố bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
3. The Ministry of Foreign Affairs shall notify concerned state agencies of the entry into force of the declaration of the Socialist Republic of Vietnam on the reservation(s) made to the treaty within fifteen days after the date of receipt of the notification from the depository of the multilateral treaty.
Điều 56. Chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài
Article 56.- Acceptance of or objection to reservations made by foreign contracting parties
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm nêu rõ yêu cầu, nội dung chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài; kiến nghị thời điểm đưa ra chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu và hậu quả pháp lý của việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu trong tờ trình Chính phủ về việc ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên trong trường hợp điều ước quốc tế nhiều bên được phép bảo lưu nhưng phải có sự chấp nhận của các bên ký kết đối với bảo lưu được đưa ra.
1. The recommending agency shall, in its submission document submitted to the Government on the signing, ratification, approval of or accession to a multilateral treaty which permits reservations and stipulates that reservations are subject to acceptance by the contracting parties, have to clearly state the requirement and the contents of the acceptance of or objection to reservations made by the foreign contracting party(ies), the proposed time to express acceptance or objection to such reservations and the legal consequences of such acceptance or objection.
2. Trong trường hợp bên ký kết nước ngoài đưa ra bảo lưu đối với điều ước quốc tế nhiều bên sau khi cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước nhiều bên thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình bổ sung về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
2. In cases where a foreign contracting party makes a reservation to a multilateral treaty after the recommending agency submits to the Government the signing, ratification, approval or accession to the multilateral treaty, the recommending agency shall have to additionally submit the recommendation on the acceptance of or objection to such reservation, after obtaining written opinions from the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Justice and concerned agencies and organizations.
3. Hồ sơ của cơ quan đề xuất trình bổ sung về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu quy định tại khoản 2 Điều này bao gồm:
3. A dossier submitted by the recommending agency on the additional recommendation on the acceptance of or objection to a reservation as provided for in Clause 2 of this Article shall comprise:
a) Tờ trình của cơ quan đề xuất có những nội dung quy định tại khoản 1 Điều này;
a/ The recommending agency's submission document with the contents specified in Clause 1 of this Article;
b) Bản sao điều ước quốc tế nhiều bên, bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt;
b/ A copy of the multilateral treaty and the Vietnamese translation of the treaty;
c) ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan;
c/ Opinions of the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Justice and concerned agencies and organizations;
d) Các tài liệu cần thiết khác.
d/ Other necessary documents.
Điều 57. Thẩm quyền quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài
Article 57.- Competence to decide on acceptance of or objection to reservations made by foreign contracting parties
1. Quốc hội quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế nhiều bên mà Quốc hội quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập.
1. The National Assembly shall decide to accept or object to reservations made by foreign contracting parties with respect to multilateral treaties to which the National Assembly has decided on the ratification or accession.
2. Chủ tịch nước quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế nhiều bên mà Chủ tịch nước quyết định ký, phê chuẩn hoặc gia nhập.
2. The State President shall decide to accept or object to reservations made by foreign contracting parties with respect to multilateral treaties to which the State President has decided on the signing, ratification or accession.
3. Chính phủ quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế nhiều bên mà Chính phủ quyết định ký, phê duyệt hoặc gia nhập.
3. The Government shall decide to accept or object to reservations made by foreign contracting parties with respect to multilateral treaties to which the Government has decided on the signing, approval or accession.
Việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu phải được thể hiện bằng văn bản.
The acceptance of or objection to reservations must be established in writing.
Điều 58. Trình tự, thủ tục trình, quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài
Article 58.- Order and procedures for submitting recommendations and deciding on the acceptance of or objection to reservations made by foreign contracting parties
1. Trình tự, thủ tục trình, quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế nhiều bên được thực hiện tương tự  quy định tại Điều 38 của Luật này.
1. The order and procedures for submitting recommendations and deciding on the acceptance or objection to reservations made by foreign contracting parties with respect to multilateral treaties shall be similar to those provided for in Article 38 of this Law.
2. Quốc hội quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế nhiều bên khi quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập điều ước quốc tế đó hoặc sau khi nhận được tờ trình bổ sung về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu.
2. The National Assembly shall decide to accept or object to reservations made by foreign contracting parties with respect to multilateral treaties upon deciding on the ratification or accession to the multilateral treaties or after the receipt of the supplementary submission documents on the acceptance of or objection to the reservations.
3. Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế nhiều bên khi quyết định ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế đó hoặc trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được tờ trình bổ sung về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu.
3. The State President or the Government shall decide to accept or object to reservations made by foreign contracting parties with respect to multilateral treaties upon deciding on the signing, ratification, approval of or accession to the treaties or within thirty days after the date of receipt of the supplementary submission documents on the acceptance of or objection to the reservations.
Điều 59. Thông báo về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài
Article 59.- Notification of the acceptance of or objection to reservations made by foreign contracting parties
1. Cơ quan đề xuất phối hợp với Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên tuyên bố của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 
1. The recommending agencies shall coordinate with the Ministry of Foreign Affairs in notifying the depository of multilateral treaties of the declarations made by the Socialist Republic of Vietnam on the acceptance of or objection to reservations made by foreign contracting parties, within fifteen days after the date of receipt of the decisions made by competent state agencies.
2. Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài khi gửi các văn kiện phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. The Ministry of Foreign Affairs, when sending the instruments of ratification, approval of or accession to treaties, shall notify the depository of the multilateral treaties of the acceptance of or objection to reservations made by foreign contracting parties within fifteen days after the date of receipt of the decisions made by competent state agencies.
3. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký thông báo đối ngoại về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu gửi cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. The Minister of Foreign Affairs shall sign the diplomatic notices on the acceptance of or objection to reservations to be sent to the depository of the multilateral treaties within fifteen days after the date of receipt of the decisions made by competent state agencies.
Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vắng mặt thì một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được Bộ trưởng ủy nhiệm ký, trừ trường hợp có quy định khác của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
In cases where the Minister of Foreign Affairs is absent, a Vice-Minister of Foreign Affairs, who is authorized by the Minister of Foreign Affairs, shall sign such notices, unless otherwise provided for by the depository of the multilateral treaties.
4. Bộ Ngoại giao thông báo cho các cơ quan nhà nước hữu quan về ngày có hiệu lực của việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
4. The Ministry of Foreign Affairs shall notify concerned state agencies of the entry into force of the acceptance of or objection to reservations within fifteen days after the date of receipt of the notification from the depository of the multilateral treaty.
Điều 60. Rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu
Article 60.- Withdrawal of reservations or withdrawal of objection to reservations
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình Chính phủ về việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
1. The recommending agencies shall have to submit to the Government the withdrawal of reservations or withdrawal of objection to reservations, after obtaining written opinions from the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Justice and concerned agencies and organizations.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đưa ra bảo lưu hoặc phản đối bảo lưu có quyền quyết định rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu đó.
2. State agencies competent to decide to make reservations or object to reservations shall be competent to decide to withdraw such reservations or such objection to reservations.
Trình tự, thủ tục trình, quyết định rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu được thực hiện tương tự quy định tại Điều 38 của Luật này.
The order and procedures for submitting recommendations and deciding on the withdrawal of reservations or withdrawal of objection to reservations shall be similar to those provided for in Article 38 of this Law.
Việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu phải được thể hiện bằng văn bản.
The withdrawal of reservations or withdrawal of objection to reservations must be expressed in writing.
3. Hồ sơ trình về việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu bao gồm:
3. A dossier submitted for withdrawal of a reservation or withdrawal of objection to a reservation shall comprise:
a) Tờ trình về việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu, hậu quả pháp lý của việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu;
a/ The submission document on the withdrawal of the reservation or withdrawal of the objection to the reservation, the legal consequences of the withdrawal of the reservation or withdrawal of objection to the reservation;
b) Bản sao điều ước quốc tế, bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt;
b/ A copy of the treaty and the Vietnamese translation of the treaty;
c) Ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan;
c/ Opinions of the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Justice and concerned agencies and organizations;
d) Các tài liệu cần thiết khác.
d/ Other necessary documents;
4. Thủ tục thông báo về việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu được thực hiện tương tự quy định tại Điều 55 và Điều 59 của Luật này.
4. The procedures for notification of withdrawal of reservations or withdrawal of objection to reservations shall be similar to those provided for in Articles 55 and 59 of this Law.
CHƯƠNG V
Chapter V
HIỆU LỰC, ÁP DỤNG TẠM THỜI TOÀN BỘ HOẶC MỘT PHẦN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
ENTRY INTO FORCE, PROVISIONAL APPLICATION OF THE WHOLE OR PART OF TREATIES
Điều 61. Hiệu lực của điều ước quốc tế
Article 61.- Entry in to force of treaties
Điều ước quốc tế có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam theo thể thức và thời hạn được quy định trong điều ước quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.
A treaty shall enter into force for the Socialist Republic of Vietnam in the manner and for the duration as provided in the treaty or as agreed upon by the Vietnamese side and the foreign contracting parties.
Điều 62. áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế
Article 62.- Provisional application of the whole or part of treaties
Điều ước quốc tế hoặc một phần của điều ước quốc tế có thể được áp dụng tạm thời trong thời gian hoàn thành thủ tục để điều ước quốc tế có hiệu lực theo quy định của điều ước quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.
A treaty or part of a treaty may be provisionally applied pending the completion of procedures for the entry into force of the treaty as provided in the treaty or as agreed upon by the Vietnamese side and the foreign contracting parties.
Điều 63. Chấm dứt áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế
Article 63.- Termination of provisional application of the whole or part of treaties
1. Việc áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế chấm dứt nếu bên Việt Nam thông báo cho bên ký kết nước ngoài hoặc bên ký kết nước ngoài thông báo cho bên Việt Nam về việc chấm dứt áp dụng tạm thời điều ước quốc tế đó, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác hoặc bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài có thỏa thuận khác.
1. The provisional application of the whole or part of a treaty shall be terminated if the Vietnamese side or the foreign contracting party notifies each other of the termination of the provisional application of the treaty, unless otherwise provided for in the treaty or otherwise agreed upon by the Vietnamese side and the foreign contracting parties.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định ký điều ước quốc tế có quyền quyết định chấm dứt áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó.
2. State agencies competent to decide on the signing of a treaty shall be competent to decide on the termination of the provisional application of the whole or part of the treaty.
3. Trình tự, thủ tục chấm dứt áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế được thực hiện tương tự quy định tại các điều 12, 14 và 15 của Luật này.
3. The order and procedures for terminating the provisional application of the whole or part of a treaty shall be similar to those provided for in Articles 12, 14 and 15 of this Law.
Điều 64. Thông báo về việc chấm dứt áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế
Article 64.- Notification of the termination of the provisional application of the whole or part of treaties
1. Bộ Ngoại giao thông báo cho bên ký kết nước ngoài quyết định của bên Việt Nam về việc chấm dứt áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế hoặc trả lời của bên Việt Nam đối với quyết định của bên ký kết nước ngoài về việc chấm dứt áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
1. The Ministry of Foreign Affairs shall notify the foreign contracting party/parties of the decision made by the Vietnamese side to terminate the provisional application of the whole or part of a treaty or of the reply of the Vietnamese side to the decision made by a foreign contracting party on the termination of the provisional application of the whole or part of the treaty, within fifteen days after the date of receipt of the decisions made by competent state agencies.
2. Bộ Ngoại giao thông báo cho các cơ quan nhà nước hữu quan về ngày chấm dứt áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày việc chấm dứt có hiệu lực.
2. The Ministry of Foreign Affairs shall notify concerned state agencies of the date of termination of the provisional application of the whole or part of a treaty within fifteen days after the date such termination becomes effective.
CHƯƠNG VI
Chapter VI
LƯU CHIỂU, LƯU TRỮ, SAO LỤC, CÔNG BỐ, ĐĂNG KÝ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
DEPOSIT, KEEPING CUSTODY, MAKING OF CERTIFIED COPIES, PUBLICATION AND REGISTRATION OF TREATIES
Điều 65. Cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên
Article 65.- Depository of multilateral treaties
Bộ Ngoại giao thực hiện việc lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được chỉ định là cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên đó.
The Ministry of Foreign Affairs shall perform the functions of a depository of a multilateral treaty in case the Socialist Republic of Vietnam is designated as the depository of such multilateral treaty.
Điều 66. Nội dung lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên
Article 66.- Functions of a depository of multilateral treaties
1. Nội dung lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên bao gồm:
1. The functions of a depository of a multilateral treaty shall include:
a) Lưu giữ bản chính của điều ước quốc tế nhiều bên và Giấy ủy quyền;
a/ Keeping custody of the original text of the treaty and Full Powers;
b) Chứng thực bản sao điều ước quốc tế nhiều bên, lập văn bản điều ước quốc tế nhiều bên bằng các thứ tiếng theo quy định của điều ước quốc tế đó và gửi cho các thành viên điều ước quốc tế, các quốc gia có quyền trở thành thành viên điều ước quốc tế nhiều bên;
b/ Authenticating copies of the multilateral treaty and making other texts of the multilateral treaty in the languages as provided for in the treaty and then sending those texts to the parties to the treaty and States entitled to become parties to the treaty;
c) Tiếp nhận văn bản chữ ký đối với điều ước quốc tế nhiều bên, nhận và lưu giữ văn kiện, thông báo và các thông tin có liên quan đến điều ước quốc tế đó;
c/ Receiving signatures to the treaty, receiving and keeping custody of instruments, notifications and information relating to the treaty;
d) Kiểm tra tính hợp thức và hợp lệ của các chữ ký, văn kiện, thông báo hoặc thông tin liên quan đến điều ước quốc tế nhiều bên;
d/ Checking whether signatures or documents, notifications or information relating to the multilateral treaty in due and proper form;
đ) Thông báo cho các thành viên điều ước quốc tế nhiều bên và các quốc gia có quyền trở thành thành viên điều ước quốc tế nhiều bên về những văn kiện, thông báo và thông tin liên quan đến điều ước quốc tế đó;
e/ Notifying the parties to the multilateral treaty and States entitled to become parties to the multilateral treaty of the instruments, notifications and information relating to the treaty;
e) Thông báo cho các quốc gia có quyền trở thành thành viên điều ước quốc tế nhiều bên về thời điểm đã nhận hoặc lưu chiểu đủ số lượng văn bản chữ ký, văn kiện phê chuẩn, phê duyệt, chấp thuận hoặc gia nhập để điều ước quốc tế đó có hiệu lực;
f/ Notifying States entitled to become parties to the treaty of the time of receipt of the adequate number of signatures or deposit of the adequate number of instruments of ratification, approval, acceptance or accession required for the entry into force of the treaty;
g) Đăng ký điều ước quốc tế nhiều bên tại Ban thư ký của Liên hợp quốc.
g/ Registering the multilateral treaty at the Secretariat of the United Nations.
2. Trong trường hợp bên Việt Nam là cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên mà bên ký kết nước ngoài khiếu nại về việc lưu chiểu điều ước quốc tế đó thì Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan trình Chính phủ xem xét, quyết định. Chính phủ quyết định giải quyết khiếu nại trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Bộ Ngoại giao trình.
2. In cases where Vietnam is the depository of a multilateral treaty and a foreign contracting party lodges a complaint about the performance of the depository's functions, the Ministry of Foreign Affairs shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned state agencies in submitting the case to the Government for consideration and decision. The Government shall decide on the settlement of such complaint within fifteen days after the date of receipt of the dossier submitted by the Ministry of Foreign Affairs.
Bộ Ngoại giao thông báo kết quả giải quyết khiếu nại cho bên ký kết nước ngoài trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có quyết định của Chính phủ.
The Ministry of Foreign Affairs shall notify the foreign contracting party concerned of the result of settlement of complaints within fifteen days after the date decision is made by the Government.
Điều 67. Lưu trữ điều ước quốc tế
Article 67.- Keeping custody of treaties
1. Bộ Ngoại giao lưu trữ bản chính điều ước quốc tế hai bên; bản chính điều ước quốc tế nhiều bên trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên; bản sao được chứng thực của điều ước quốc tế nhiều bên mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; văn kiện phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế và các văn kiện khác có liên quan.
1. The Ministry of Foreign Affairs shall keep custody of the original texts of bilateral treaties; the original texts of multilateral treaties in case the Socialist Republic of Vietnam is the depository of the treaties; the authenticated copies of multilateral treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a party; instruments of ratification, approval of or accession to and other related documents.
2. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm gửi Bộ Ngoại giao bản chính hoặc bản sao được chứng thực và bản dịch bằng tiếng Việt của điều ước quốc tế theo thời hạn quy định tại Điều 29 của Luật này.
2. The recommending agencies shall have to send to the Ministry of Foreign Affairs the original texts or authenticated copies and the Vietnamese translations of the treaties within the time limit specified in Article 29 of this Law.
Điều 68. Sao lục điều ước quốc tế
Article 68.- Making of certified copies of treaties
Bộ Ngoại giao sao lục điều ước quốc tế có hiệu lực gửi Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ để báo cáo, gửi các cơ quan, tổ chức hữu quan để thực hiện, gửi Văn phòng Chính phủ để đăng Công báo của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được điều ước quốc tế hai bên có hiệu lực hoặc ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về hiệu lực của điều ước quốc tế nhiều bên đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
The Ministry of Foreign Affairs shall make certified copies of treaties and send them to the National Assembly, the State President and the Government for report, to concerned agencies and organizations for implementation, to the Government Office for publication in "CONG BAO" of the Socialist Republic of Vietnam, within fifteen days after the date of receipt of a bilateral treaty in force, within thirty days after the date of receipt of the notification by the depository of the entry into force of a multilateral treaty for the Socialist Republic of Vietnam.
Điều 69. Công bố điều ước quốc tế
Article 69.- Publication of treaties
1. Điều ước quốc tế có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được công bố trên Công báo của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Niên giám điều ước quốc tế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài hoặc có quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
1. Treaties which have entered into force for the Socialist Republic of Vietnam shall be published in 'CONG BAO" of the Socialist Republic of Vietnam and the Series of Treaties, unless otherwise agreed by the Vietnamese side and the foreign contracting parties or otherwise decided by competent state agencies.
Trong trường hợp có yêu cầu không công bố điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất trình Chính phủ quyết định sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
In case a treaty is requested not to be published, the recommending agency shall submit such request to the Government for decision, after having obtained written opinions from the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Justice and concerned agencies and organizations.
2. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được bản sao điều ước quốc tế có hiệu lực do Bộ Ngoại giao gửi, Văn phòng Chính phủ đăng điều ước quốc tế đó trên Công báo của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Within fifteen days after the date of receipt of the copy of an effective treaty, sent by the Ministry of Foreign Affairs, the Government Office shall publish such treaty in "CONG BAO" of the Socialist Republic of Vietnam.
3. Hằng năm, Bộ Ngoại giao tổ chức biên soạn và ấn hành Niên giám điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
3. The Ministry of Foreign Affairs shall annually compile and publish the Series of Treaties concluded or acceded to by the Socialist Republic of Vietnam.
Điều 70. Đăng ký điều ước quốc tế
Article 70.- Registration of treaties
Bộ Ngoại giao đăng ký tại Ban thư ký của Liên hợp quốc điều ước quốc tế hai bên có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và điều ước quốc tế nhiều bên có hiệu lực trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
The Ministry of Foreign Affairs shall register with the Secretariat of the United Nations bilateral treaties in force for the Socialist Republic of Vietnam, and multilateral treaties in force, in case the Socialist Republic of Vietnam is the depository of such treaties.

CHƯƠNG VII
THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
Chapter VIIIMPLEMENTATION OF TREATIES
MỤC 1
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
Section 1.PLANS FOR IMPLEMENTATION OF TREATIES
Điều 71. Kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế
Article 71.- Plans for implementation of treaties
1. Cơ quan đề xuất căn cứ vào tính chất, nội dung của điều ước quốc tế, nhiệm vụ và quyền hạn được giao trình Chính phủ quyết định kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
1. The recommending agency shall, on the basis of the nature and contents of a treaty and its assigned tasks and powers, submit to the Government for decision on the plan for implementation of the treaty which the Socialist Republic of Vietnam has concluded or acceded to.
2. Kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế bao gồm những nội dung sau đây:
2. A plan for implementation of a treaty shall contain the following contents:
a) Lộ trình thực hiện điều ước quốc tế;
a/ The implementation schedule;
b) Dự kiến phân công trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện điều ước quốc tế;
b/ Proposed responsibilities of concerned state agencies in the organization of the implementation of the treaty;
c) Kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế;
c/ Recommendations on amendment, supplementation, cancellation or promulgation of legal documents for the implementation of the treaty;
d) Các biện pháp tổ chức, quản lý, tài chính và các biện pháp cần thiết khác để thực hiện điều ước quốc tế;
d/ Measures of organization, management, financing and other necessary measures for the implementation of the treaty;
đ) Tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế.
e/ Popularization, dissemination of the contents of the treaty.
Điều 72. Trình tự, thủ tục trình phê duyệt kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế
Article 72.- Order and procedures for submitting for approval plans for implementation of treaties
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan về dự thảo kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về hiệu lực của điều ước quốc tế đó.
1. The recommending agency shall consult concerned agencies and organizations on the draft plan for implementation of a treaty within fifteen days after the date of receipt of the notification of the entry into force of the treaty.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến trả lời cơ quan đề xuất bằng văn bản trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
2. The consulted agencies and organizations shall make written replies to the recommending agency within fifteen days after the date of receipt of the written requests for opinions.
3. Cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được trả lời của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
3. The recommending agency shall submit to the Government for decision the plan for implementation of a treaty within fifteen days after the date of receipt of replies of concerned agencies and organizations.
4. Thủ tướng Chính phủ quyết định kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo kế hoạch do cơ quan đề xuất trình.
4. The Prime Minister shall decide on the plan for implementation of a treaty within thirty days after the date of receipt of the draft plan submitted by the recommending agency.
Điều 73. Triển khai kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế
Article 73.- Execution of plans for implementation of treaties
1. Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đó.
1. After the Prime Minister decides on the plan for implementation of a treaty, the recommending agency and concerned agencies and organizations shall, within the scope of their tasks and powers, be responsible for organizing the execution of the plan.
2. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, nếu phát sinh vấn đề liên quan đến việc giải thích, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế thì cơ quan đề xuất tiến hành các thủ tục theo quy định tại các mục 2, 3 và 4 của Chương này.
2. In the course of execution of the plan, if any problems arise in relation to the interpretation, amendment, supplementation, extension, termination, denunciation, withdrawal from, suspension of the implementation of the treaty, the recommending agency shall carry out relevant procedures as provided for in Sections 2, 3 and 4 of this Chapter.
MỤC 2
GIẢI THÍCH ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
Section 2.INTERPRETATION OF TREATIES
Điều 74. Điều ước quốc tế được giải thích
Article 74.- Interpretation of treaties
Điều ước quốc tế được giải thích trong các trường hợp sau đây:
A treaty shall be interpreted in the following cases:
1. Có đề nghị giải thích điều ước quốc tế của bên ký kết nước ngoài;
1. There is a request made by a foreign contracting party for the interpretation of the treaty;
2. Có đề nghị giải thích điều ước quốc tế của cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan;
2. There is a request made by the concerned individual, agency or organization for the interpretation of the treaty;
3. Các trường hợp cần thiết khác.
3. Other cases where interpretation is needed.
Điều 75. Yêu cầu và căn cứ giải thích điều ước quốc tế
Article 75.- Requirements and grounds for interpretation of treaties
1. Điều ước quốc tế phải được giải thích phù hợp với tinh thần, mục đích và nội dung của điều ước quốc tế và nghĩa thông thường của những thuật ngữ được sử dụng trong điều ước quốc tế đó.
1. A treaty shall be interpreted in accordance with the spirit, purposes and contents of the treaty and the ordinary meaning of the terms used in the treaty.
2. Căn cứ để giải thích điều ước quốc tế bao gồm:
2. The grounds for the interpretation of a treaty include:
a) Văn bản điều ước quốc tế và các phụ lục kèm theo điều ước quốc tế đó;
a/ The text of the treaty and annexes attached thereto;
b) Thỏa thuận có liên quan đến điều ước quốc tế của toàn bộ thành viên điều ước quốc tế khi ký kết điều ước quốc tế đó;
b/ Any agreement relating to the treaty which was made between all the parties to the treaty in connection with the conclusion of the treaty;
c) Văn kiện có liên quan đến điều ước quốc tế do thành viên điều ước quốc tế đưa ra khi ký kết điều ước quốc tế đó và được các thành viên khác chấp nhận;
c/ Any instrument which was made by a party(ies) to the treaty in connection with the conclusion of the treaty and accepted by the other parties;
d) Thỏa thuận về việc giải thích hoặc thực hiện các quy định của điều ước quốc tế giữa các thành viên điều ước quốc tế sau khi ký điều ước quốc tế đó;
d/ Any agreement relating to the interpretation or implementation of the provisions of the treaty, which is made between the parties to the treaty after signing the treaty;
đ) Thực tiễn giải thích điều ước quốc tế được các thành viên điều ước quốc tế công nhận;
e/ Practice in the interpretation of the treaty, which is accepted by the parties to the treaty;
e) Quy định của pháp luật quốc tế được áp dụng trong quan hệ giữa các thành viên điều ước quốc tế.
f/ Relevant rules of international law applicable in the relations between the parties to the treaty.
3. Trong trường hợp đã áp dụng những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều này để giải thích nhưng kết quả giải thích vẫn chưa rõ ràng hoặc bất hợp lý thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào việc chuẩn bị điều ước quốc tế, hoàn cảnh ký kết điều ước quốc tế và những căn cứ khác để giải thích.
4. In cases where all the grounds stated in Clauses 2 of this Article had been applied for the interpretation but the results of interpretation remain unclear or unreasonable, competent state agencies shall give interpretation on the basis of the preparatory work of the treaty, the circumstances of the conclusion of the treaty and other grounds.
Điều 76. Thẩm quyền, nội dung quyết định giải thích điều ước quốc tế
Article 76.- Competence to interpret treaties, contents of decision to interpret treaties
1. Uỷ ban thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận và đại biểu Quốc hội quyết định việc giải thích điều ước quốc tế trong các trường hợp sau đây:
1. The National Assembly Standing Committee shall, on its own initiative or at the proposal of the State President, the Government, the Supreme People's Court, the Supreme People's Procuracy, the Ethnic Council, Committees of the National Assembly, the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front, the Front's members or National Assembly deputies, decide on the interpretation of treaties in the following cases;
a) Điều ước quốc tế do Quốc hội quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập;
a/ Treaties which the National Assembly has decided on the ratification of or accession to.
b) Điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội; điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội;
b/ Treaties containing provisions which contravene, or have not yet been made in, legal documents of the National Assembly; treaties the implementation of which requires amendment, supplementation, cancellation or promulgation of legal documents of the National Assembly;
c) Điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
c/ Treaties containing provisions which contravene, or have not yet been made in, legal documents of the National Assembly Standing Committee; treaties the implementation of which requires amendment, supplementation, cancellation or promulgation of legal documents of the National Assembly Standing Committee;
d) Các trường hợp cần thiết khác.
d/ Other necessary cases.
2. Chính phủ tự mình hoặc theo đề nghị của cơ quan đề xuất quyết định việc giải thích điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước và nhân danh Chính phủ, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
2. The Government shall, on its own initiative or at the request of the recommending agency, decide on the interpretation of treaties which were concluded or acceded to in the name of the State or in the name of the Government, except in the cases stated in Clause 1 of this Article.
3. Quyết định giải thích điều ước quốc tế phải được thể hiện bằng văn bản. Văn bản giải thích điều ước quốc tế có những nội dung sau đây:
3. Decisions on the interpretation of treaties must be expressed in writing. A written interpretation of a treaty shall contain the following contents:
a) Tên, thời gian và địa điểm ký điều ước quốc tế được giải thích;
a/ The title, time and place of signing of the treaty that is interpreted;
b) Nội dung giải thích điều ước quốc tế;
b/ The contents of the interpretation of the treaty;
c) Trách nhiệm của cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
c/ The responsibilities of the recommending agency, the Ministry of Foreign Affairs and other concerned agencies and organizations.
Điều 77. Trình tự, thủ tục trình, quyết định giải thích điều ước quốc tế
Article 77.- Order and procedures for submitting recommendations and deciding on interpretation of treaties
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị giải thích điều ước quốc tế do bên ký kết nước ngoài gửi hoặc do Bộ Ngoại giao chuyển đến hoặc do cơ quan, tổ chức hữu quan của Việt Nam yêu cầu.
1. The recommending agency shall have to obtain written opinions from the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Justice and concerned agencies and organizations within thirty days after the date of receipt of the request for interpretation of a treaty sent by a foreign contracting party or forwarded by the Ministry of Foreign Affairs or made by a concerned Vietnamese agency or organization.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời cơ quan đề xuất bằng văn bản trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
2. The consulted agencies and organizations shall have to make written replies to the recommending agency within fifteen days after the date of receipt of the written requests for opinions.
3. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình Chính phủ về việc giải thích điều ước quốc tế trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được trả lời bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này.
3. The recommending agency shall have to submit to the Government the contents of interpretation within thirty days after the date of receipt of the written opinions of the agencies and organizations stated in Clause 1 of this Article.
4. Chính phủ quyết định:
4. The Government shall decide:
a) Giải thích điều ước quốc tế quy định tại khoản 2 Điều 76 của Luật này trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình; trong trường hợp giải thích điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước thì phải báo cáo Chủ tịch nước chậm nhất là mười lăm ngày trước khi quyết định giải thích điều ước quốc tế đó;
a/ On the interpretation of a treaty specified in Clause 2, Article 76 of this Law within thirty days after the date of receipt of the dossier submitted by the recommending agency; to report to the State President on the interpretation of a treaty in the name of the State at least fifteen days before making decision on the interpretation of the treaty;
b) Trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc giải thích điều ước quốc tế quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 76 của Luật này trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình;
b/ To submit to the National Assembly Standing Committee the interpretation of a treaty stated at Point c or Point d, Clause 1, Article 76 of this Law, within thirty days after the date of receipt of the dossier submitted by the recommending agency.
c) Trình Chủ tịch nước để Chủ tịch nước trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội giải thích điều ước quốc tế quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 76 của Luật này trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình.
c/ To submit to the State President for further submission to the National Assembly Standing Committee the interpretation of a treaty stated at Point a or Point b, Clause 1, Article 76 of this Law, within thirty days after the date of receipt of the dossier submitted by the recommending agency.
5. Chủ tịch nước trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội giải thích điều ước quốc tế quy định tại điểm c khoản 4 Điều này trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình.
5. The State President shall submit to the National Assembly Standing Committee the interpretation of a treaty stated at Point c, Clause 4 of this Article, within thirty days after the date of receipt of the dossier submitted by the Government.
6. Uỷ ban thường vụ Quốc hội giải thích điều ước quốc tế trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chủ tịch nước hoặc Chính phủ trình.
6. The National Assembly Standing Committee shall interpret a treaty within thirty days after the date of receipt of the dossier submitted by the State President or the Government.
Điều 78. Hồ sơ trình, báo cáo về việc giải thích điều ước quốc tế
Article 78.- Dossiers of submission of or reporting on interpretation of treaties
Hồ sơ trình, báo cáo về việc giải thích điều ước quốc tế bao gồm:
A dossier of submission of or reporting on the interpretation of a treaty shall comprise:
1. Tờ trình hoặc báo cáo trong đó nêu rõ yêu cầu, căn cứ giải thích điều ước quốc tế, đề xuất nội dung giải thích điều ước quốc tế;
1. A submission document, which clearly states the requirement, grounds for interpretation of the treaty, and the proposed interpretation;
2. Bản sao điều ước quốc tế và bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài;
2. A copy of the treaty and the Vietnamese translation of the treaty in case the treaty was signed only in foreign language(s);
3. Đề nghị giải thích điều ước quốc tế của bên ký kết nước ngoài hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan của Việt Nam;
3. The request for interpretation, made by a foreign contracting party or a concerned Vietnamese agency or organization;
4. ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan;
4. Opinions of the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Justice and concerned Vietnamese agencies and organizations;
5. Các tài liệu cần thiết khác.
5. Other necessary documents.
Điều 79. Thông báo về việc giải thích điều ước quốc tế
Article 79.- Notification of the interpretation of treaties
1. Trong trường hợp bên ký kết nước ngoài đề nghị giải thích điều ước quốc tế thì Bộ Ngoại giao thông báo cho bên ký kết nước ngoài về nội dung giải thích điều ước quốc tế của bên Việt Nam trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản giải thích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
1. In case a request for interpretation of a treaty is made by a foreign contracting party, the Ministry of Foreign Affairs shall notify the foreign contracting party of the contents of the interpretation of the treaty by the Vietnamese side within fifteen days after the date of receipt of the written interpretation from the competent state agency.
Trường hợp sau khi bên Việt Nam thông báo về nội dung giải thích điều ước quốc tế mà bên ký kết nước ngoài có đề nghị mới về giải thích điều ước quốc tế đó thì trình tự, thủ tục giải thích điều ước quốc tế được thực hiện theo quy định tại Điều 77 của Luật này.  
In cases where the foreign contracting party, after being notified by the Vietnamese side of the contents of the interpretation of a treaty, makes a new request for the interpretation of the treaty, the process and procedures for further interpretation of the treaty shall comply with the provisions of Article 77 of this Law.
2. Trong trường hợp cơ quan nhà nước hữu quan của Việt Nam đề nghị giải thích điều ước quốc tế thì cơ quan đề xuất thông báo cho cơ quan này về nội dung giải thích điều ước quốc tế trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được văn bản giải thích điều ước quốc tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. In cases where a concerned Vietnamese state agency requests the interpretation of a treaty, the recommending agency shall notify this agency of the contents of the interpretation within ten days after the date of receipt of the written interpretation from the competent state agency.
3. Trong trường hợp bên Việt Nam đề nghị bên ký kết nước ngoài giải thích điều ước quốc tế thì Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan đề xuất, cơ quan nhà nước hữu quan của Việt Nam về nội dung giải thích điều ước quốc tế của bên ký kết nước ngoài trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản giải thích điều ước quốc tế của bên ký kết nước ngoài.
3. In cases where the Vietnamese side requests a foreign contracting party to interpret a treaty, the Ministry of Foreign Affairs shall notify the recommending agency or concerned Vietnamese state agency of the contents of the interpretation of the treaty by the foreign contracting party within fifteen days after the date of receipt of the written interpretation from the foreign contracting party.
Trường hợp sau khi bên ký kết nước ngoài thông báo về nội dung giải thích điều ước quốc tế mà bên Việt Nam có đề nghị mới về giải thích điều ước quốc tế đó thì trình tự, thủ tục giải thích điều ước quốc tế được thực hiện theo quy định tại Điều 77 của Luật này.
In cases where the Vietnamese side, after being notified by the foreign contracting party of the contents of the interpretation of a treaty, makes a new request for the interpretation of the treaty, the process and procedures for further interpretation of the treaty shall comply with the provisions of Article 77 of this Law.
MỤC 3
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, GIA HẠN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
Section 3.AMENDMENT, SUPPLEMENTATION AND EXTENSION OF TREATIES
Điều 80. Sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế
Article 80.- Amendment, supplementation and extension of treaties
Điều ước quốc tế được sửa đổi, bổ sung, gia hạn theo quy định của điều ước quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.
Treaties may be amended, supplemented or extended as provided for in the treaties or as agreed upon between the Vietnamese side and the foreign contracting parties.
Điều 81. Thẩm quyền, nội dung quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế
Article 81.- Competence to decide on amendment, supplementation or extension of treaties and contents of such decision
1. Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế do Quốc hội quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập.
1. The National Assembly shall decide to amend, supplement or extend treaties which it has decided on the ratification of or accession to.
2. Chủ tịch nước quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế do Chủ tịch nước quyết định ký, phê chuẩn hoặc gia nhập.
2. The State President shall decide to amend, supplement or extend treaties which he/she has decided on the signing, ratification of or accession to.
3. Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế do Chính phủ quyết định phê duyệt, gia nhập hoặc ký nhưng không phải phê chuẩn.
3. The Government shall decide to amend, supplement or extend treaties of which it has decided on the approval, accession to or signing and which are not subject to ratification.
4. Quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế được thể hiện bằng văn bản với những nội dung sau đây:
4. Decisions on the amendment, supplementation or extension of treaties shall be made in writing. Such a decision shall contain the following contents:
a) Tên của điều ước quốc tế được sửa đổi, bổ sung, gia hạn; thời gian, địa điểm ký và thời điểm có hiệu lực;
a/ The title, time and place of signing and the date of entry into force of the treaty that is amended, supplemented or extended;
b) Nội dung sửa đổi, bổ sung, thời gian gia hạn điều ước quốc tế;
b/ The contents of amendment, supplementation or the duration for which the treaty is extended;
c) Trách nhiệm của cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
c/ The responsibilities of the recommending agency, the Ministry of Foreign Affairs and other concerned agencies and organizations.
Điều 82. Trình tự, thủ tục trình, quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế
Article 82.- Order and procedures for submitting and deciding on amendment, supplementation or extension of treaties
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế do bên ký kết nước ngoài gửi hoặc do Bộ Ngoại giao chuyển đến hoặc do cơ quan nhà nước hữu quan của Việt Nam yêu cầu.
1. The recommending agency shall have to obtain written opinions from the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Justice and concerned agencies and organizations within fifteen days after the date of receipt of the request for amendment, supplementation or extension of a treaty sent by a foreign contracting party or forwarded by the Ministry of Foreign Affairs or made by a concerned Vietnamese agency or organization.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời cơ quan đề xuất bằng văn bản trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
2. The consulted agencies and organizations shall have to make written replies to the recommending agency within fifteen days after the date of receipt of the written requests for opinions.
3. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được trả lời bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này.
3. The recommending agency shall have to submit to the Government the amendment, supplementation or extension of a treaty within thirty days after the date of receipt of the written opinions of the agencies and organizations stated in Clause 1 of this Article.
Chậm nhất là chín mươi ngày trước khi điều ước quốc tế chấm dứt hiệu lực, cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình Chính phủ về việc gia hạn hiệu lực của điều ước quốc tế, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác hoặc bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài có thoả thuận khác.
At least ninety days before a treaty ceases to be effective, the recommending agency shall have to submit to the Government the extension of the effect of the treaty, unless otherwise provided for in the treaty or otherwise agreed upon by the Vietnamese side and the foreign contracting party.
4. Chính phủ quyết định:
4. The Government shall decide:
a) Sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế quy định tại khoản 3 Điều 81 của Luật này trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình;
a/ On the amendment, supplementation or extension of a treaty specified in Clause 3, Article 81 of this Law within fifteen days after the date of receipt of the dossier submitted by the recommending agency;
b) Trình Chủ tịch nước quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế quy định tại khoản 2 Điều 81 của Luật này trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình.
b/ To submit to the State President for decision the amendment, supplementation or extension of a treaty specified in Clause 2, Article 81 of this Law within fifteen days after the date of receipt of the dossier submitted by the recommending agency.
5. Chủ tịch nước quyết định:
5. The State President shall decide:
a) Sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế quy định tại khoản 2 Điều 81 của Luật này trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình;
a/ On the amendment, supplementation or extension of a treaty specified in Clause 2, Article 81 of this Law within thirty days after the date of receipt of the dossier submitted by the Government;
b) Trình Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế  quy định tại khoản 1 Điều 81 của Luật này trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình.
b/ To submit to the National Assembly for decision the amendment, supplementation or extension of a treaty specified in Clause 1, Article 81 of this Law within fifteen days after the date of receipt of the dossier submitted by the Government.
6. Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế tại kỳ họp Quốc hội theo trình tự, thủ tục tương tự quy định tại Điều 39 của Luật này; trước khi trình Quốc hội thì điều ước quốc tế phải được thẩm tra theo trình tự, thủ tục tương tự quy định tại các điều từ Điều 34 đến Điều 37 của Luật này.
6. The National Assembly shall decide on the amendment, supplementation or extension of a treaty at its session in the order and according to the procedures similar to those provided for in Article 39 of this Law; before being submitted to the National Assembly, the treaty must be verified in the order and according to the procedures similar to those provided for in Articles 34 to 37 of this Law.
Điều 83. Hồ sơ trình về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế
Article 83.- Dossiers submitted for amendment, supplementation or extension of treaties
Hồ sơ trình về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế bao gồm:
A dossier submitted for the amendment, supplementation or extension of a treaty shall comprise:
1. Tờ trình, trong đó nêu rõ mục đích, yêu cầu, cơ sở pháp lý và hậu quả pháp lý của việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế;
1. A submission document, which clearly states the purpose, requirement, legal grounds and legal consequences of the amendment, supplementation or extension of the treaty;
2. Bản sao điều ước quốc tế, bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài;
2. A copy of the treaty and the Vietnamese translation in case the treaty was signed only in foreign language(s);
3. Đề nghị về việc sửa đổi, bổ sung, thời gian gia hạn điều ước quốc tế của bên ký kết nước ngoài hoặc cơ quan nhà nước hữu quan của Việt Nam;
3. The request made by a foreign contracting party or a concerned Vietnamese state agency, concerning the amendment, supplementation or the extended duration of the treaty;
4. ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan;
4. Opinions of the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Justice and concerned agencies and organizations;
5. Các tài liệu cần thiết khác.
5. Other necessary documents.
Điều 84. Thông báo về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế
Article 84.- Notification of amendment, supplementation or extension of treaties
1. Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan đề xuất thông báo cho bên ký kết nước ngoài về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế đó.
1. The Ministry of Foreign Affairs shall coordinate with the recommending agency in notifying the foreign contracting party(ies) of the amendment, supplementation or extension of a treaty within fifteen days after the date of receipt of the decision made by a competent state agency on the amendment, supplementation or extension of the treaty.
2. Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan đề xuất và các cơ quan nhà nước hữu quan về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế có hiệu lực.
2. The Ministry of Foreign Affairs shall notify the recommending agency and concerned state agencies of the amendment, supplementation or extension of a treaty within fifteen days after the date of entry into force of the amendment, supplementation or extension of the treaty.
MỤC 4
CHẤM DỨT HIỆU LỰC, TỪ BỎ, RÚT KHỎI, TẠM ĐÌNH CHỈ THỰC HIỆN TOÀN BỘ HOẶC MỘT PHẦN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
Section 4.TERMINATION, DENUNCIATION, WITHDRAWAL FROM, SUSPENSION OF APPLICATION OF THE WHOLE OR PART OF TREATIES
Điều 85. Căn cứ chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế
Article 85.- Grounds for termination, denunciation, withdrawal from, suspension of application of the whole or part of treaties
1. Việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.
1. The termination, denunciation, withdrawal from, or suspension of application of the whole or part of a treaty shall be effected in accordance with the provisions of the treaty or with the agreement between the Vietnamese side and the foreign contracting party(ies).
2. Điều ước quốc tế bị chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện trong những trường hợp sau đây:
2. A treaty may be terminated, denounced, withdrawn or suspended from application in the following cases:
a) Theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo thỏa thuận của toàn bộ thành viên điều ước quốc tế đó;
a/ In accordance with the provisions of the treaty or the agreement of all parties to the treaty;
b) Có điều ước quốc tế được ký kết sau quy định về cùng một nội dung với điều ước quốc tế đó;
b/ Due to the conclusion of a later treaty relating to the same subject matter;
c) Do hậu quả của việc vi phạm điều ước quốc tế đó;
c/ As a consequence of an infringement of the treaty;
d) Do đối tượng điều chỉnh của điều ước quốc tế đó không còn tồn tại hoặc bị hủy bỏ;
d/ As the subject of the treaty ceases to exist or is cancelled;
đ) Do sự thay đổi cơ bản hoàn cảnh khi ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế làm ảnh hưởng đến việc thực hiện điều ước quốc tế đó;
e/ Due to a fundamental change of the circumstances which existed at the time of the conclusion of or accession to the treaty, which affects the implementation of the treaty;
e) Do cắt quan hệ ngoại giao hoặc quan hệ lãnh sự;
f/ As a consequence of the severance of diplomatic or consular relations;
g) Do xung đột với một quy phạm bắt buộc mới được hình thành của pháp luật quốc tế.
g/ Due to the emergence of a newly formed peremptory norm of general international law.
3. Điều ước quốc tế nhiều bên có thể bị tạm đình chỉ thực hiện theo thỏa thuận của một số thành viên điều ước quốc tế đó.
3. A multilateral treaty may be suspended from application by agreement between only a certain numbers of the parties to the treaty.
Điều 86. Chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế do có điều ước quốc tế được ký kết sau về cùng một nội dung
Article 86.- Termination or suspension of application of the whole or part of a treaty due to the conclusion of a later treaty on the same subject matter
1. Điều ước quốc tế giữa bên Việt Nam và thành viên khác chấm dứt hiệu lực nếu bên Việt Nam và thành viên này ký một điều ước quốc tế mới về cùng một nội dung, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
1. A treaty between Vietnamese side and another party shall terminate in case the Vietnamese side and such party subsequently sign a new treaty on the same subject matter, except for the case stated in Clause 2 of this Article.
2. Điều ước quốc tế được ký trước quy định tại khoản 1 Điều này tạm đình chỉ thực hiện trong trường hợp có thỏa thuận giữa bên Việt Nam và thành viên khác của điều ước quốc tế đó.
2. The previously signed treaty stated in Clause 1 of this Article shall be provisionally suspended from application if it is so agreed between the Vietnamese side and the other party(ies) to the treaty.
Điều 87. Chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế do hậu quả của việc vi phạm điều ước quốc tế
Article 87.- Termination or suspension of application of the whole or part of a treaty as a consequence of its infringement
1. Trong trường hợp bên ký kết nước ngoài vi phạm nghiêm trọng điều ước quốc tế hai bên mà Việt Nam là thành viên thì bên Việt Nam có quyền chấm dứt hiệu lực hoặc tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó.
1. The Socialist Republic of Vietnam may terminate or suspend the application of the whole or part of a bilateral treaty in case the foreign contracting party makes a serious infringement of the treaty.
2. Trong trường hợp có sự vi phạm rõ ràng điều ước quốc tế của một hoặc nhiều thành viên điều ước quốc tế nhiều bên mà Việt Nam là thành viên thì bên Việt Nam có quyền:
2. In case of an express infringement made by one or more parties of a multilateral treaty to which Vietnam is a party, the Vietnamese side may:
a) Thỏa thuận với các thành viên khác về việc chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó trong quan hệ giữa bên Việt Nam và các thành viên này với thành viên vi phạm hoặc giữa bên Việt Nam và các thành viên này với nhau;
a/ Reach agreement with other parties on the termination or suspension of application of the whole or part of the treaty in the relations between the Vietnam, such parties and the infringing party or between the Vietnamese side and such parties.
b) Tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế nhiều bên trong quan hệ giữa bên Việt Nam và thành viên vi phạm điều ước quốc tế đó khi bên Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng do vi phạm này gây ra;
b/ Suspend from application the whole or part of the multilateral treaty in the relations between the Vietnamese party and the infringing party if the Vietnamese side is seriously affected by such infringement.
c) Tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó trong quan hệ giữa bên Việt Nam và các thành viên khác khi vi phạm này làm thay đổi cơ bản việc bên Việt Nam và các thành viên khác tiếp tục thực hiện những nghĩa vụ phát sinh từ điều ước quốc tế đó.
c/ Suspend from application the whole or part of the multilateral treaty in the relations between the Vietnamese side and other parties if the infringement fundamentally changes the continued performance of the obligations arising under the treaty by the Vietnamese side and other parties.
Điều 88. Chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế do đối tượng điều chỉnh không còn tồn tại hoặc bị hủy bỏ
Article 88.- Termination, denunciation, withdrawal from, or suspension of, application of treaties as their objects cease to exist or are cancelled
1. Bên Việt Nam có quyền chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi điều ước quốc tế trong trường hợp đối tượng gắn liền với việc thực hiện điều ước quốc tế đó không còn tồn tại hoặc đã bị hủy bỏ.
1. The Vietnamese side may terminate, denounce, or withdraw from a treaty in case the object that is closely linked to the application of the treaty ceases to exist or was cancelled.
2. Bên Việt Nam có quyền tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế trong trường hợp việc không thể thực hiện được điều ước quốc tế đó chỉ là tạm thời.
2. The Vietnamese side may suspend the application of a treaty in case of temporary impossibility of application of the treaty.
Điều 89. Chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế do sự thay đổi cơ bản hoàn cảnh khi ký kết hoặc gia nhập
Article 89.- Termination, denunciation, withdrawal from, or suspension of, application of treaties due to fundamental change of circumstances existing at the time of the conclusion or accession
1. Bên Việt Nam có quyền viện dẫn sự thay đổi cơ bản hoàn cảnh khi ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế để chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế đó trong trường hợp sự tồn tại của hoàn cảnh đó là cơ sở chủ yếu để bên Việt Nam đồng ý chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế và thay đổi đó làm thay đổi cơ bản phạm vi các nghĩa vụ mà bên Việt Nam còn phải thực hiện theo điều ước quốc tế.
1. The Vietnamese side may invoke a fundamental change of the circumstances existing at the time of conclusion of or accession to a treaty as a ground for terminating, denouncing or withdrawing from, or suspending the application of a treaty if the existence of such circumstances constitutes an essential basis of the consent of the Vietnamese side to be bound by the treaty and such change radically transforms the scope of obligations still to be performed by the Vietnamese side under the treaty.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với điều ước quốc tế xác định đường biên giới quốc gia giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.
2. The provisions of Clause 1 of this Article shall not apply to treaties defining national boundaries between the Vietnamese side and other parties to such treaties.
Điều 90. Chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế do cắt quan hệ ngoại giao hoặc quan hệ lãnh sự
Article 90.- Termination or suspension of application of treaties due to severance of diplomatic or consular relations
Trong trường hợp cắt quan hệ ngoại giao hoặc quan hệ lãnh sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và thành viên khác của điều ước quốc tế mà việc tồn tại quan hệ ngoại giao hoặc quan hệ lãnh sự là điều kiện không thể thiếu được để thực hiện điều ước quốc tế thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình Chính phủ về việc chấm dứt hiệu lực hoặc tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế đó.
In case of a severance of the diplomatic relations or consular relations between the Socialist Republic of Vietnam and another party to a treaty and the existence of such diplomatic relations or consular relations is indispensable for the application of the treaty, the recommending agency shall have to submit to the Government the termination or suspension of application of the treaty.
Điều 91. Chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế do xung đột với một quy phạm bắt buộc mới hình thành của pháp luật quốc tế
Article 91.- Termination of treaties due to their conflict with newly emerging peremptory norm of general international law
Điều ước quốc tế đang có hiệu lực mà xung đột với quy phạm bắt buộc mới hình thành của pháp luật quốc tế thì vô hiệu và bị chấm dứt hiệu lực.
In cases where a new peremptory norm of general international law emerges, any treaties in force which are in conflict with such new norm shall become void and terminate.
Điều 92. Tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế nhiều bên theo thỏa thuận của một số thành viên điều ước quốc tế
Article 92.- Suspension of application of multilateral treaties by agreement between certain parties to the treaties
1. Bên Việt Nam có thể ký kết thỏa thuận với một số thành viên của điều ước quốc tế nhiều bên về việc tạm đình chỉ thực hiện một số quy định của điều ước quốc tế đó trong quan hệ giữa bên Việt Nam và các thành viên này trong các trường hợp sau đây:
1. The Vietnamese side may conclude an agreement with certain parties to a multilateral treaty on the suspension of the application of some provisions of the treaty in the relations between the Vietnamese side and such parties in the following cases:
a) Điều ước quốc tế có quy định cho phép việc thỏa thuận giữa các thành viên trong việc tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế;
a/ The treaty contains a provision to that effect;
b) Việc tạm đình chỉ không bị điều ước quốc tế đó cấm, với điều kiện không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ phát sinh từ điều ước quốc tế của các thành viên khác còn lại và không mâu thuẫn với đối tượng và mục đích của điều ước quốc tế đó.
b/ Such suspension of application is not prohibited by the treaty, provided that such suspension does not affect the rights and obligations of other parties arising under the treaty and is not in conflict with the object and purpose of the treaty.
2. Bên Việt Nam thông báo cho các thành viên khác còn lại về việc ký kết thỏa thuận và các quy định cụ thể của điều ước quốc tế mà bên Việt Nam có ý định tạm đình chỉ thực hiện, trừ trường hợp điều ước quốc tế đó có quy định khác.
2. The Vietnamese side shall notify other remaining parties of the conclusion of the agreement and the specified provisions of the treaty that the Socialist Republic of Vietnam has the intention to suspend their application, unless otherwise provided for in the treaty.
Điều 93. Thẩm quyền, nội dung quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế
Article 93.- Competence to decide on the termination, denunciation, withdrawal from and suspension of the application of treaties and contents of such decision
1. Quốc hội quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế mà Quốc hội quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập.
1. The National Assembly shall decide on the termination, denunciation, withdrawal from or suspension of the application of treaties to which it has decided on the ratification or accession.
2. Chủ tịch nước quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế mà Chủ tịch nước quyết định ký, phê chuẩn hoặc gia nhập.
2. The State President shall decide on the termination, denunciation, withdrawal from or suspension of application of treaties to which he/she has decided on the signing, ratification or accession to.
3. Chính phủ quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế mà Chính phủ quyết định phê duyệt, gia nhập, ký điều ước quốc tế không phải phê chuẩn.
3. The Government shall decide on the termination, denunciation, withdrawal from, or suspension of the application of treaties of which it has decided on the approval, accession to, or signing and which are not subject to ratification.
4. Quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế được thể hiện bằng văn bản với những nội dung sau đây:
4. Decisions to terminate, denounce, withdraw from, or suspend the application of treaties shall be expressed in writing, each containing the following contents:
a) Tên điều ước quốc tế bị chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, thời gian, địa điểm ký và thời hạn có hiệu lực của điều ước quốc tế;
a/ The title, time and place of signing and the valid duration of the treaty to be terminated, withdrawn from, denounced or suspended of application.
b) Trách nhiệm của cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
b/ The responsibilities of the recommending agency, the Ministry of Foreign Affairs and concerned agencies and organizations.
Điều 94. Trình tự, thủ tục trình, quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế
Article 94.- Order and procedures for submitting and deciding on termination, denunciation, withdrawal from and suspension of the application of treaties
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế do bên ký kết nước ngoài gửi hoặc do Bộ Ngoại giao chuyển đến hoặc do cơ quan nhà nước hữu quan của Việt Nam yêu cầu.
1. The recommending agency shall have to obtain written opinions from the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Justice and concerned agencies and organizations within fifteen days after the date of receipt of the request for termination, denunciation, withdrawal from or suspension of the application of a treaty sent by a foreign contracting party or forwarded by the Ministry of Foreign Affairs or made by a concerned Vietnamese state agency.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời cơ quan đề xuất bằng văn bản trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
2. The consulted agencies and organizations shall have to make written replies to the recommending agency within fifteen days after the date of receipt of the written requests for opinions.
3. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình Chính phủ về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được trả lời bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này.
3. The recommending agency shall have to submit to the Government the termination, denunciation, withdrawal from or suspension of the application of a treaty within thirty days after the date of receipt of the written opinions of the agencies and organizations stated in Clause 1 of this Article.
4. Chính phủ quyết định:
4. The Government shall decide:
a) Chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế quy định tại khoản 3 Điều 93 của Luật này trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình;
a/ On termination, denunciation, withdrawal from or suspension of the application of a treaty specified in Clause 3, Article 93 of this Law within fifteen days after the date of receipt of the dossier submitted by the recommending agency;
b) Trình Chủ tịch nước quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế quy định tại khoản 2 Điều 93 của Luật này trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình.
b/ To submit to the State President for decision termination, denunciation, withdrawal from or suspension of the application of a treaty specified in Clause 2, Article 93 of this Law within fifteen days after the date of receipt of the dossier submitted by the recommending agency.
5. Chủ tịch nước quyết định:
5. The State President shall decide:
a) Chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế quy định tại khoản 2 Điều 93 của Luật này trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình;
a/ On termination, denunciation, withdrawal from or suspension of the application of a treaty specified in Clause 2, Article 93 of this Law within fifteen days after the date of receipt of the dossier submitted by the Government;
b) Trình Quốc hội quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế quy định tại khoản 1 Điều 93 của Luật này trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình.
b/ To submit to the National Assembly for decision termination, denunciation, withdrawal from or suspension of the application of a treaty specified in Clause 1, Article 93 of this Law within fifteen days after the date of receipt of the dossier submitted by the Government.
6. Quốc hội quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế tại kỳ họp Quốc hội theo trình tự, thủ tục tương tự quy định tại Điều 39 của Luật này; trước khi trình Quốc hội thì điều ước quốc tế phải được thẩm tra theo trình tự, thủ tục tương tự quy định tại các điều từ Điều 34 đến Điều 37 của Luật này.
6. The National Assembly shall decide on the termination, denunciation, withdrawal from or suspension of the application of a treaty at its session in the order and according to the procedures similar to those provided for in Article 39 of this Law; before being submitted to the National Assembly, the treaty must be verified in the order and according to the procedures similar to those provided for in Articles 34 to 37 of this Law.
Điều 95. Hồ sơ trình về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế
Article 95.- Dossiers submitted for the termination, denunciation, withdrawal from, suspension of the application of treaties
Hồ sơ trình về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế bao gồm:
A dossier submitted for the termination, denunciation, withdrawal from or suspension of the application of a treaty shall comprise:
1. Tờ trình, trong đó nêu rõ lý do, cơ sở pháp lý và hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế;
1. A submission document, which clearly states the reasons, legal grounds and legal consequences of the termination, denunciation, withdrawal from or suspension of the application of the treaty;
2. Bản sao điều ước quốc tế, bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài;
2. A copy of the treaty and the Vietnamese translation in case the treaty was signed only in foreign language(s);
3. Đề nghị chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế của bên ký kết nước ngoài hoặc cơ quan nhà nước hữu quan của Việt Nam;
3. The request made by a foreign contracting party or a concerned Vietnamese state agency, concerning the termination, denunciation, withdrawal from or suspension of the application of the treaty;
4. Ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan;
4. Opinions of the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Justice and concerned agencies and organizations;
5. Các tài liệu cần thiết khác.
5. Other necessary documents.
Điều 96. Thông báo về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế
Article 96.- Notification on the termination, denunciation, withdrawal from or suspension of the application of treaties
1. Cơ quan đề xuất phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện các thủ tục chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 93 của Luật này.
1. The recommending agencies shall coordinate with the Ministry of Foreign Affairs in carrying out the procedures for terminating, denouncing, withdrawing from or suspending the application of treaties within thirty days after the date of receipt of the decisions made by competent state agencies specified in Article 93 of this Law.
Bộ Ngoại giao thông báo cho bên ký kết nước ngoài về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế hai bên đã được ký kết với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
The Ministry of Foreign Affairs shall notify the foreign contracting parties of the termination, denunciation, withdrawal from or suspension of the application of bilateral treaties which were concluded by the Socialist Republic of Vietnam.
2. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký thông báo về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế nhiều bên gửi cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
2. The Minister of Foreign Affairs shall sign the notifications on the termination, denunciation, withdrawal from or suspension of the application of multilateral treaties to be sent to the depositories of such multilateral treaties.
Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vắng mặt thì một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được Bộ trưởng ủy nhiệm ký, trừ trường hợp có quy định khác của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
In cases where the Minister of Foreign Affairs is absent, a Vice-Minister of Foreign Affairs, who is authorized by the Minister of Foreign Affairs, shall sign such notifications, unless otherwise provided for by the depository of the multilateral treaty.
3. Bộ Ngoại giao thông báo cho các cơ quan nhà nước hữu quan về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế có hiệu lực.
3. The Ministry of Foreign Affairs shall notify concerned state agencies of the termination, denunciation, withdrawal from or suspension of the application of treaties within fifteen days after the date the termination, denunciation, withdrawal from or suspension of the application of treaties becomes effective.

CHƯƠNG VIII
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
TRONG HOẠT ĐỘNG KÝ KẾT, GIA NHẬP VÀ
THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Chapter VIIIRESPONSIBILITIES OF AGENCIES, ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS IN THE CONCLUSION, ACCESSION TO AND IMPLEMENTATION OF TREATIES
Điều 97. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân
Article 97.- Responsibilities of agencies, organizations and individuals
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tuân thủ điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Agencies, organizations and individuals shall have to comply with treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a party.
Điều 98. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao
Article 98.- Responsibilities of the Ministry of Foreign Affairs
Trong việc thực hiện quản lý nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
In performing the state management over the conclusion, accession to and implementation of treaties, the Ministry of Foreign Affairs shall have the following tasks and powers:
1. Chủ trì hoặc phối hợp soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
1. To assume the prime responsibility for and coordinate the drafting of legal documents relating to the conclusion, accession to and implementation of treaties;
2. Chủ trì tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
2. To assume the prime responsibility for organizing the communication and popularization and guiding the implementation of the law on the conclusion, accession to and implementation of treaties;
3. Trình Chính phủ kế hoạch dài hạn và kế hoạch hằng năm về việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
3. To submit to the Government long-term and annual plans on the conclusion, accession to and implementation of treaties;
4. Báo cáo Chính phủ theo định kỳ hằng năm hoặc theo yêu cầu; báo cáo  Chủ tịch nước theo yêu cầu về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
4. To submit to the Government reports on an annual basis or when requested; submit to the State President, when requested, reports on the conclusion, accession to and implementation of treaties;
5. Hoàn thành các thủ tục đối ngoại liên quan đến ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
5. To complete diplomatic procedures in relation to the conclusion, accession to and implementation of treaties;
6. Hoàn thành các thủ tục đối ngoại để bảo vệ quyền và lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp bên ký kết nước ngoài vi phạm điều ước quốc tế;
6. To complete diplomatic procedures for the protection of the rights and interests of the Socialist Republic of Vietnam, in case a foreign contracting party infringes a treaty;
7. Trực tiếp tham gia phục vụ hoạt động ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế trong chuyến thăm của Đoàn cấp cao Việt Nam ở nước ngoài và của Đoàn cấp cao nước ngoài tại Việt Nam;
7. To take part directly in assisting the conclusion of or accession to treaties during visits by high-level Vietnamese delegations to foreign countries and by high-level foreign delegations to Vietnam;
8. Hợp tác quốc tế trong việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế theo thẩm quyền hoặc theo sự phân công của Chính phủ;
8. To undertake international cooperation in the conclusion, accession to and implementation of treaties within its competence or as assigned by the Government;
9. Tổ chức lưu trữ, lưu chiểu, sao lục, công bố và đăng ký điều ước quốc tế;
9. To organize the custody, deposit, making of certified copies, publication and registration of treaties;
10. Chủ trì hoặc phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
10. To assume the prime responsibility for or coordinate the organization of the popularization and dissemination of treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a party;
11. Thống kê, rà soát điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
11. To make statistics on, review treaties which the Socialist Republic of Vietnam has concluded or acceded to.
Điều 99. Trách nhiệm của cơ quan đề xuất
Article 99.- Responsibilities of recommending agencies
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan đề xuất có những trách nhiệm sau đây:
Within the scope of their respective tasks and powers, the recommending agencies shall have the following duties:
1. Xây dựng kế hoạch dài hạn, kế hoạch hằng năm về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Ngoại giao để tổng hợp trình Chính phủ; kế hoạch hằng năm được gửi đến Bộ Ngoại giao chậm nhất vào ngày 15 tháng 10 năm trước;
1. To draw up long- term and annual plans for the conclusion, accession to and implementation of treaties falling within the scope of their state management and to transmit them to the Ministry of Foreign Affairs for sum-up and submission to the Government; annual plans shall be sent to the Ministry of Foreign Affairs on the 15th of October of the previous year at the latest.
2. Chủ động đề xuất hoàn thành thủ tục pháp lý đối với điều ước quốc tế;
2. To take initiative in recommending the completion of legal procedures for treaties;
3. Xây dựng lộ trình và biện pháp cụ thể để thực hiện điều ước quốc tế có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do mình đề xuất ký kết hoặc gia nhập;
3. To work out roadmaps and specific measures for the implementation of treaties which are in force for the Socialist Republic of Vietnam and to which they have made recommendations on their conclusion or accession;
4. Chủ trì tổ chức hoặc phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do mình đề xuất ký kết hoặc gia nhập;
4. To assume the prime responsibility for or coordinate the popularization and dissemination of treaties which are in force for the Socialist Republic of Vietnam and to which they have made recommendations on their conclusion or accession;
5. Kiến nghị Chính phủ những biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp điều ước quốc tế do mình đề xuất ký kết hoặc gia nhập bị vi phạm;
5. To make recommendations to the Government on necessary measures to protect the rights and interests of the Socialist Republic of Vietnam, in case the treaties to which they have made recommendations on the conclusion or accession are infringed;
6. Xây dựng báo cáo về tình hình ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Ngoại giao để tổng hợp trình Chính phủ chậm nhất vào ngày 15 tháng 11 hằng năm. Báo cáo của cơ quan đề xuất được xây dựng theo mẫu do Bộ Ngoại giao quy định.
6. To make reports on the conclusion, accession to and implementation of treaties within the scope of their state management and send them on the 15th of November at the latest annually to the Ministry of Foreign Affairs for sum-up and submission to the Government. Such reports shall be made in a form set by the Ministry of Foreign Affairs.
Trong trường hợp có yêu cầu, cơ quan đề xuất báo cáo về tình hình ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế với Chủ tịch nước, Chính phủ. 
When requested, the recommending agencies shall report on the conclusion, accession to and implementation of treaties to the State President or the Government.
Điều 100. Trách nhiệm giám sát hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế
Article 100.- Responsibilities for supervision of the conclusion, accession to and implementation of treaties
1. Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội có trách nhiệm giám sát hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.
1. The National Assembly, the National Assembly Standing Committee, the Ethnic Council and Committees of the National Assembly, National Assembly deputies' delegations and individual National Assembly deputies shall be responsible for supervising the conclusion, accession to and implementation of treaties by agencies, organizations and individuals subject to supervision.
2. Hoạt động giám sát được thực hiện công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.
2. Supervisory activities shall be carried out in an open and objective manner and in conformity with the legally established competence, process and procedures, and shall not obstruct the normal operation of supervised agencies, organizations and individuals.
Điều 101. Phạm vi giám sát, chương trình giám sát
Article 101.- Scope of supervision, supervision programs
1. Phạm vi giám sát hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế bao gồm:
1. The scope of supervision of the conclusion, accession to and implementation of treaties shall cover:
a) Giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
a/ Supervision of the implementation of the provisions of law on the conclusion, accession to and implementation of treaties;
b) Giám sát việc thực hiện điều ước quốc tế.
b/ Supervision of the implementation of treaties.
2. Giám sát hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế là một nội dung thuộc chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội.
2. The supervision of the conclusion, accession to and implementation of treaties constitutes a content of the National Assembly's annual supervision program.
Điều 102. Các hoạt động giám sát
Article 102.- Supervisory activities
1. Quốc hội giám sát thông qua các hoạt động sau đây:
1. The National Assembly shall conduct supervision through the following:
a) Xem xét báo cáo về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Chủ tịch nước, Chính phủ;
a/ To review reports of the State President or the Government on the conclusion, accession to and implementation of treaties;
b) Xem xét báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến đối với việc đàm phán, ký, gia nhập điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội;
b/ To review reports of the National Assembly Standing Committee on its consideration on the negotiation, signing of and accession to treaties containing provisions that contravene, or have not been made in, legal documents of the National Assembly, or treaties the implementation of which requires amendment, supplementation, cancellation or promulgation of legal documents of the National Assembly;
c) Xem xét điều ước quốc tế đang có hiệu lực do Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định ký kết, gia nhập có dấu hiệu trái với Hiến pháp;
c/ To review treaties which are in force and to which the State President or the Government has decided on the conclusion and accession but which show signs contrary to the Constitution;
d) Xem xét việc trả lời chất vấn của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
d/ To review answers to inquiries by the State President, the National Assembly chairman, the Prime Minister, ministers and other members of the Government, the president of the Supreme People's Court and the director of the Supreme People's Procuracy about the conclusion, accession to and implementation of treaties.
2. Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát thông qua các hoạt động sau đây:
2. The National Assembly Standing Committee shall conduct supervision through the following activities:
a) Xem xét báo cáo về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Chính phủ;
a/ To review reports of the Government on the conclusion, accession to and implementation of treaties;
b) Xem xét tờ trình của Chính phủ về việc đàm phán, ký, gia nhập điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
b/ To review the Government's submission documents on the negotiation, signing of and accession to treaties containing provisions that contravene, or have not been made in, legal documents of the National Assembly, the National Assembly Standing Committee or treaties the implementation of which requires amendment, supplementation, cancellation or promulgation of legal documents of the National Assembly or the National Assembly Standing Committee;
c) Xem xét điều ước quốc tế đang có hiệu lực do Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định ký kết, gia nhập có dấu hiệu trái với Hiến pháp;
c/ To review treaties which are in force and to which the State President or the Government has decided on the conclusion and accession but which show signs contrary to the Constitution;
d) Xem xét việc trả lời chất vấn của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội.
d/ Review answers to inquiries by the State President, the National Assembly chairman, the Prime Minister, ministers and other members of the Government, the president of the Supreme People's Court, and the director of the Supreme People's Procuracy about the conclusion, accession to and implementation of treaties during the interval between two National Assembly sessions.
3. Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội giám sát thông qua các hoạt động sau đây:
3. The Ethnic Council, Committees of the National Assembly shall conduct supervision through the following activities:
a) Xem xét báo cáo hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Chính phủ thuộc lĩnh vực Hội đồng, Uỷ ban phụ trách hoặc theo sự phân công của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
a/ To examine reports of the Government on the conclusion, accession to and implementation of treaties in the domains under the management of the Council or Committees or as assigned by the National Assembly Standing Committee;
b) Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về các vấn đề liên quan đến hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế mà Hội đồng, Uỷ ban quan tâm.
b/ To request, in case of necessity, the Government, ministries, ministerial-level agencies, the Supreme People's Court and the Supreme People's Procuracy to report on the issues relating to the conclusion, accession to and implementation of treaties, which are of concern to the Council or Committees.
4. Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát thông qua các hoạt động sau đây:
4. National Assembly deputies' delegations shall conduct supervision through the following activities:
a) Tổ chức Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế và việc thực hiện điều ước quốc tế tại địa phương;
a/ To organize supervisory teams of National Assembly deputies' delegations and make arrangement for the National Assembly deputies of their delegations to supervise the implementation of the provisions of law on the conclusion, accession to and implementation of treaties, and the implementation of treaties in localities;
b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương trả lời về những vấn đề liên quan đến hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế mà Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm;
b/ To request agencies, organizations and individuals in localities to give answers about the issues relating to the conclusion, accession to and implementation of treaties, which are of concern to the National Assembly deputies' delegations;
c) Cử đại biểu Quốc hội trong Đoàn tham gia Đoàn giám sát của các cơ quan của Quốc hội giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế và việc thực hiện điều ước quốc tế tại địa phương khi có yêu cầu.
c/ To appoint, when requested, National Assembly deputies in their delegations to join in the supervisory teams of the National Assembly's bodies to supervise the implementation of the provisions of law on the conclusion, accession to and implementation of treaties, and the implementation of treaties in localities.
5. Đại biểu Quốc hội giám sát thông qua các hoạt động sau đây:
5. Individual National Assembly deputies shall conduct supervision through the following activities:
a) Chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
a/ To raise questions to the State President, the National Assembly chairman, the Prime Minister, ministers and other members of the Government, the president of the Supreme People’s Court, and the director of the Supreme People's Procuracy about the conclusion, accession to and implementation of treaties;
b) Giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế và việc thực hiện các điều ước quốc tế tại địa phương.
b/ To supervise the implementation of the provisions of law on the conclusion, accession to and implementation of treaties, and the implementation of treaties in localities.
Điều 103. Thẩm quyền xem xét kết quả giám sát
Article 103.- Competence to review supervision results
1. Căn cứ vào kết quả giám sát, Quốc hội có các quyền sau đây:
1. On the basis of supervision results, the National Assembly shall have the following powers:
a) Yêu cầu Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện điều ước quốc tế;
a/ To request the National Assembly Standing Committee, the Government, the Prime Minister, the Supreme People's Court and the Supreme People's Procuracy to issue documents guiding the implementation of treaties;
b) Yêu cầu Chính phủ quyết định hoặc Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định về việc sửa đổi, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế có dấu hiệu trái với Hiến pháp; trong trường hợp quyết định này thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định;
b/ To request the Government to decide on or to submit to the State President for decision the amendment, termination, denunciation, withdrawal from and suspension of application of the whole or part of a treaty containing provisions showing signs contrary to the Constitution; in cases where such decision falls within the competence of the National Assembly, the State President shall submit the case to the National Assembly for decision;
c) Ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn trong trường hợp cần thiết.
c/ To issue resolutions on the answers to inquiries and on the responsibilities of answerers, if necessary.
2. Căn cứ vào kết quả giám sát, Uỷ ban thường vụ Quốc hội có các quyền sau đây:
2. On the basis of supervision results, the National Assembly Standing Committee shall have the following powers:
a) Yêu cầu Chính phủ quyết định hoặc Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định về việc sửa đổi, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế có dấu hiệu trái với Hiến pháp; trong trường hợp quyết định này thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định;
a/ To request the Government to decide or to submit to the State President for decision on the amendment, termination, denunciation, withdrawal from and suspension of application of the whole or part of a treaty containing provisions which show signs contrary to the Constitution; in cases where such decision falls within the competence of the National Assembly, the State President shall submit the case to the National Assembly for decision;
b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm điều ước quốc tế tại Việt Nam; yêu cầu Chính phủ quyết định hoặc Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm điều ước quốc tế của bên ký kết nước ngoài gây thiệt hại đến lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; trong trường hợp quyết định này thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định;
b/ To request competent agencies, organizations and individuals to take measures to promptly terminate the infringement of treaties in Vietnam; request the Government to decide on or to submit to the State President for decision the termination, denunciation, withdrawal from or suspension of application of treaties in case it detects that the infringement of a treaty by a foreign contracting party causes harms to national interests, rights and legitimate interests of organizations and individuals; in cases where such decision falls within the competence of the National Assembly, the State President shall submit the case to the National Assembly for decision;
c) Ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn trong trường hợp cần thiết.
c/ To issue resolutions on the answers to inquiries and on the responsibilities of the answerers, if necessary.
3. Căn cứ vào kết quả giám sát, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội có các quyền sau đây:
3. On the basis of supervision results, the Ethnic Council and Committees of the National Assembly shall have the following powers:
a) Kiến nghị, yêu cầu Chính phủ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xuất hoặc quyết định về việc sửa đổi, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế do Chính phủ quyết định ký kết hoặc gia nhập có dấu hiệu trái với Hiến pháp;
a/ To recommend, request the Government, competent agencies to propose or decide on the amendment, termination, denunciation, withdrawal from or suspension of application of the whole or part of a treaty already concluded or acceded by decision of the Government, which shows signs contrary to the Constitution;
b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm điều ước quốc tế tại Việt Nam; yêu cầu Chính phủ quyết định hoặc trình Chủ tịch nước quyết định về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm điều ước quốc tế của bên ký kết nước ngoài gây thiệt hại đến lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; trong trường hợp quyết định này thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định.
b/ To requests competent agencies, organizations and individuals to take measures to promptly terminate the infringement of treaties in Vietnam; request the Government to decide on or to submit to the State President for decision the termination, denunciation, withdrawal from or suspension of application of treaties in case it detects that the infringement of a treaty by a foreign contracting party causes harms to national interests, rights and legitimate interests of organizations and individuals; in cases where such decision falls within the competence of the National Assembly, the State President shall submit the case to the National Assembly for decision;
4. Căn cứ vào kết quả giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội có các quyền sau đây:
4. On the basis of supervision results, National Assembly deputies' delegations and individual National Assembly deputies shall have the following powers:
a) Kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế;
a/ To recommend, request competent agencies, organizations and individuals to amend, supplement, suspend the implementation of, or cancel the whole or part of legal documents for the implementation of treaties;
b) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vấn đề có liên quan đến chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
b/ To recommend, request competent agencies, organizations and individuals to consider and settle the issues relating to state policies and laws on the conclusion, accession to and implementation of treaties;
c) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm điều ước quốc tế tại địa phương.
c/ To recommend, request competent agencies, organizations and individuals to take measures to promptly terminate the infringement of treaties in localities.
Điều 104. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát
Article 104.- Responsibilities of supervised agencies, organizations and individuals
Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có trách nhiệm theo quy định tại Luật này và pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội.
Supervised agencies, organizations and individuals shall have the responsibilities provided for in this Law and in the law on the National Assembly's supervisory activities.
CHƯƠNG IX
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Chapter IXIMPLEMENTATION PROVISIONS
Điều 105. Kinh phí ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế
Article 105.- Budgets for the conclusion, accession to and implementation of treaties
Kinh phí ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ khác.
The budgets for the conclusion, accession to and implementation of treaties in the name of the State or in the name of the Government shall be ensured by the State budget and other financial sources.
Chính phủ hướng dẫn cụ thể việc cấp, sử dụng và quản lý kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
The Government shall guide in detail the allocation, use and management of State budget funds for the conclusion, accession to and implementation of treaties.
Điều 106. Điều khoản chuyển tiếp
Article 106.- Transitional provisions
1. Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên đã được ký kết hoặc gia nhập trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp cần thiết.
1. The National Assembly, the State President and the Government shall decide on the direct application of the whole or part of treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a party and which were concluded or acceded to before the date this Law takes effect, to agencies, organizations and individuals, if necessary.
2. Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện cho đến khi chấm dứt hiệu lực theo quy định của điều ước quốc tế đó; trong trường hợp điều ước quốc tế có quy định về việc mặc nhiên gia hạn hiệu lực, không quy định về thời hạn hiệu lực hoặc quy định có giá trị vô thời hạn thì Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định về việc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế đó.
2. Treaties concluded in the name of the Supreme People's Court, the Supreme People's Procuracy, ministries, ministerial-level agencies or Government-attached agencies before the date this Law takes effect shall be further implemented until the termination of such treaties; in case of treaties containing provisions on the automatic extension, containing no provisions on the effective duration or containing provisions on an indefinite effective duration, the Supreme People's Court, the Supreme People's Procuracy, ministries, ministerial-level agencies or Government-attached agencies shall have to make recommendation to competent state agencies to decide on the termination of such treaties.
3. Trong thời hạn một năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, căn cứ vào tình hình thực hiện điều ước quốc tế, các cơ quan quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm sau đây:
3. Within one year after the date this Law takes effect, one the basis of the implementation of treaties, the agencies stated in Clause 2 of this Article shall have the following duties:
a) Đề xuất áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế quy định tại khoản 1 Điều này; 
a/ To make recommendation on the application of the whole or part of a treaty specified in Clause 1 of this Article;
b) Đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế mới nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ để thay thế điều ước quốc tế quy định tại khoản 2 Điều này trong trường hợp cần thiết.
b/ To make recommendation on the negotiation and signing of a new treaty in the name of the State or in the name of the Government in replacement of a treaty specified in Clause 2 of this Article, if necessary.
Điều 107. Hiệu lực thi hành
Article 107.- Implementation effect
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2006.
1. This Law shall take effect as from January 1st, 2006.
2. Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế ngày 20 tháng 8 năm 1998 hết hiệu lực từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
2. The August 20, 1998 Ordinance on the Conclusion and Implementation of Treaties shall cease to be effective from the date this Law takes effect.
3. Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.
3. The Government shall detail and guide the implementation of this Law.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005.
This Law was passed on June 14, 2005, by the XIth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its 7th session.
   

 
QUỐC HỘI
NATIONAL ASSEMBLY




Nguyễn Văn An
 
 
THEGIOILUAT.VN
Hết hiệu lực
Hết HL: 01/07/2016

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005

Số hiệu 41/2005/QH11 Ngày ban hành 14/06/2005
Ngày có hiệu lực 01/01/2006 Ngày hết hiệu lực 01/07/2016
Nơi ban hành Quốc hội Tình trạng Hết hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005
Mục lục

Mục lục

Close