QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Luật số: 18/2008/QH12

Hà Nội, ngày 03 tháng 06 năm 2008

 

LUẬT

NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật năng lượng nguyên tử,

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh trong các hoạt động đó.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tiến hành các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Năng lượng nguyên tử là năng lượng được giải phóng trong quá trình biến đổi hạt nhân bao gồm năng lượng phân hạch, năng lượng nhiệt hạch, năng lượng do phân rã chất phóng xạ; là năng lượng sóng điện từ có khả năng ion hóa vật chất và năng lượng các hạt được gia tốc.

2. Hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; xây dựng, vận hành, bảo dưỡng, khai thác, quản lý và tháo dỡ cơ sở hạt nhân, cơ sở bức xạ; thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng phóng xạ; sản xuất, lưu giữ, sử dụng, vận chuyển, chuyển giao, xuất khẩu, nhập khẩu nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, nhiên liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân; xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ và các dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử.

3. Bức xạ là chùm hạt hoặc sóng điện từ có khả năng ion hóa vật chất.

4. Nguồn bức xạ là nguồn phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ.

5. Nguồn phóng xạ là chất phóng xạ được chế tạo để sử dụng, không bao gồm vật liệu hạt nhân.

6. Thiết bị bức xạ là thiết bị phát ra bức xạ hoặc có khả năng phát ra bức xạ.

7. Hoạt độ phóng xạ là đại lượng biểu thị số hạt nhân phân rã phóng xạ trong một đơn vị thời gian.

8. Chất phóng xạ là chất phát ra bức xạ do quá trình phân rã hạt nhân, chuyển mức năng lượng hạt nhân, có hoạt độ phóng xạ riêng hoặc tổng hoạt độ lớn hơn mức miễn trừ.

9. Dược chất phóng xạ là dược chất có chứa chất phóng xạ dùng cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh.

10. Đồng vị phóng xạ là các dạng khác nhau của một nguyên tố hóa học có khả năng phân rã phóng xạ.

11. Chất thải phóng xạ là chất thải chứa chất phóng xạ hoặc vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ phải thải bỏ.

12. Chiếu xạ là sự tác động của bức xạ vào con người, môi trường, động vật, thực vật hoặc đối tượng vật chất khác.

13. Liều chiếu xạ là đại lượng đo mức độ chiếu xạ.

14. Kiểm xạ là việc đo liều chiếu xạ hoặc đo mức nhiễm bẩn phóng xạ để đánh giá, kiểm soát mức độ chiếu xạ do bức xạ hoặc chất phóng xạ gây ra.

15. Vật liệu hạt nhân nguồn là một trong các vật liệu sau đây: urani, thori dưới dạng quặng hoặc đuôi quặng; urani chứa thành phần đồng vị urani 235 ít hơn urani trong tự nhiên; các quặng chứa thori, urani bằng hoặc lớn hơn 0,05% tính theo trọng lượng; các hợp chất của thori và urani khác chưa đủ hàm lượng để được xác định là vật liệu hạt nhân.

16. Vật liệu hạt nhân là vật liệu có khả năng phân hạch bao gồm plutoni có hàm lượng đồng vị plutoni 238 không lớn hơn 80%, urani 233, urani đã làm giàu đồng vị urani 235 hoặc đồng vị urani 233, urani có thành phần đồng vị như trong tự nhiên trừ urani dưới dạng quặng hoặc đuôi quặng.

17. Nhiêu liệu hạt nhân là vật liệu hạt nhân được chế tạo làm nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân.

18. Thiết bị hạt nhân là lò phản ứng hạt nhân, thiết bị làm giàu urani, thiết bị chế tạo nhiên liệu hạt nhân hoặc thiết bị xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

19. Chu trình nhiên liệu hạt nhân là một chuỗi hoạt động liên quan đến tạo ra năng lượng hạt nhân từ khai thác, chế biến quặng urani hoặc thori; làm giàu urani; chế tạo nhiên liệu hạt nhân; sử dụng nhiên liệu trong lò phản ứng hạt nhân; tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng đến các hoạt động xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ sinh ra từ việc tạo ra năng lượng hạt nhân và các hoạt động nghiên cứu, phát triển có liên quan.

20. An toàn bức xạ là việc thực hiện các biện pháp chống lại tác hại của bức xạ, ngăn ngừa sự cố hoặc giảm thiểu hậu quả của chiếu xạ đối với con người, môi trường.

21. An toàn hạt nhân là việc thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự cố hoặc giảm thiểu hậu quả sự cố do thiết bị hạt nhân, vật liệu hạt nhân gây ra cho con người, môi trường.

22. An ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân là việc thực hiện các biện pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn, đối phó với các hành vi chiếm đoạt, phá hoại, chuyển giao hoặc sử dụng bất hợp pháp nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân và nguy cơ thất lạc nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân.

23. Mức miễn trừ khai báo, cấp phép là mức hoạt độ phóng xạ hoặc công suất của thiết bị bức xạ mà từ mức đó trở xuống chất phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ được coi là không nguy hại cho con người, môi trường.

Điều 4. Áp dụng pháp luật và điều ước quốc tế

1. Hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân (sau đây gọi chung là an toàn), an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân (sau đây gọi chung là an ninh) trong các hoạt động đó phải tuân thủ quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật luật có liên quan.

2. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với quy định của luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh trong các hoạt động đó thì áp dụng quy định của Luật này.

3. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

1. Đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế đầu tư vào hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

2. Tập trung đầu tư phát triển điện hạt nhân, xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật, đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển điện hạt nhân.

3. Chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật và đào tạo nhân lực để bảo đảm an toàn, an ninh cho các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

4. Ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển văn hóa, giáo dục, phúc lợi xã hội ở khu vực có nhà máy điện hạt nhân.

5. Tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển điện hạt nhân.

Điều 6. Nguyên tắc hoạt động và bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

1. Hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được thực hiện vì mục đích hòa bình, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

2. Hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phải bảo đảm an toàn cho sức khỏe, tính mạng con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội.

3. Hoạt động quản lý về an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phải bảo đảm khách quan, khoa học.

Điều 7. Trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử theo phân công của Chính phủ.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử theo phân cấp của Chính phủ.

Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân

Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân;

2. Tổ chức việc khai báo chất phóng xạ, thiết bị bức xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân và việc cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo thẩm quyền;

3. Thẩm định và tổ chức thẩm định an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân;

4. Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, tạm dừng công việc bức xạ theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm dừng vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, vận hành nhà máy điện hạt nhân khi phát hiện các yếu tố không an toàn;

5. Tổ chức thực hiện hoạt động kiểm soát hạt nhân theo quy định của pháp luật;

6. Tham gia ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân theo thẩm quyền;

7. Xây dựng và cập nhật hệ thống thông tin quốc gia về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân;

8. Tổ chức và phối hợp tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân;

9. Tổ chức thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.

Điều 9. Hội đồng phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia và Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia

1. Hội đồng phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, có trách nhiệm giúp Thủ tướng về chiến lược, chính sách phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; quy hoạch, kế hoạch nghiên cứu, phát triển và sử dụng năng lượng nguyên tử.

2. Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, có trách nhiệm giúp Thủ tướng về chính sách, biện pháp bảo đảm an toàn hạt nhân trong sử dụng năng lượng nguyên tử, trong quá trình hoạt động của nhà máy điện hạt nhân và biện pháp xử lý đối với sự cố hạt nhân đặc biệt nghiêm trọng; xem xét, đánh giá báo cáo an toàn của nhà máy điện hạt nhân, kết quả thẩm định của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân.

3. Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia và Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia.

Điều 10. Kiểm soát hạt nhân

1. Việc kiểm soát sử dụng vật liệu hạt nhân, kiểm soát vật liệu và thiết bị sử dụng trong chu trình nhiên liệu hạt nhân và kiểm soát hoạt động có liên quan nhằm ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, vận chuyển và sử dụng bất hợp pháp vật liệu hạt nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ quy định về hoạt động kiểm soát hạt nhân.

2. Tổ chức, cá nhân quản lý cơ sở hạt nhân, vật liệu hạt nhân, vật liệu và thiết bị sử dụng trong chu trình nhiên liệu hạt nhân, tiến hành hoạt động có liên quan phải tuân thủ yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện hoạt động kiểm soát hạt nhân.

Điều 11. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

1. Nhà nước thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi.

2. Nhà nước tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức quốc tế hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Lợi dụng, lạm dụng hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử để xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, can thiệp vào công việc nội bộ, đe dọa an ninh và lợi ích quốc gia; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây tổn hại cho sức khỏe, tính mạng con người, môi trường.

2. Nghiên cứu, phát triển, chế tạo, mua bán, vận chuyển, chuyển giao, tàng trữ, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, vũ khí bức xạ.

3. Tiến hành công việc bức xạ mà chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.

4. Nhập khẩu chất thải phóng xạ.

5. Vận chuyển chất thải phóng xạ, vật liệu hạt nhân bằng đường bưu điện.

6. Vận chuyển chất phóng xạ, chất thải phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân (sau đây gọi chung là vật liệu phóng xạ) bằng các phương tiện không được thiết kế bảo đảm an toàn, an ninh hoặc không có thiết bị bảo đảm an toàn, an ninh.

7. Sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, đồ chơi, đồ trang sức, sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng khác có hoạt độ phóng xạ cao hơn mức quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

8. Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn, an ninh và các điều kiện ghi trong giấy phép.

9. Cản trở trái pháp luật hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

10. Trợ giúp dưới mọi hình thức hoạt động trái pháp luật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

11. Xâm phạm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

12. Chiếm đoạt, phá hoại; chuyển giao, sử dụng bất hợp pháp nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân.

13. Che dấu thông tin về sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; đưa thông tin không có căn cứ, không đúng sự thật về sự cố làm tổn hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

14. Sử dụng sai mục đích, tiết lộ thông tin bí mật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Chương 2.

CÁC BIỆN PHÁP ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN, ỨNG DỤNG NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ

Điều 13. Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử

1. Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử bao gồm quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết cho từng lĩnh vực cụ thể.

2. Quy hoạch tổng thể là quy hoạch nhằm định hướng cơ bản dài hạn, xác định các mục tiêu tổng quát phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Quy hoạch tổng thể được lập trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Nội dung quy hoạch tổng thể bao gồm quan điểm phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; mục tiêu tổng quát; chỉ tiêu chung phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; giải pháp thực hiện.

3. Quy hoạch chi tiết cho từng lĩnh vực cụ thể là quy hoạch nhằm định hướng dài hạn, xác định các mục tiêu cụ thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử cho các lĩnh vực y tế; khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản, bảo vệ môi trường; nông nghiệp; công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật khác; phát triển điện hạt nhân; thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ và quy hoạch địa điểm chôn cất, lưu giữ chất thải phóng xạ.

Quy hoạch chi tiết được lập trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử, quy hoạch phát triển của ngành có liên quan. Nội dung quy hoạch chi tiết cho từng lĩnh vực cụ thể bao gồm quan điểm phát triển, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện và đánh giá môi trường chiến lược đã được thẩm định.

Điều 14. Trách nhiệm lập, phê duyệt quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử

1. Trách nhiệm lập quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử được quy định như sau:

a) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì lập quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử;

b) Bộ Y tế chủ trì lập quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong y tế;

 

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì lập quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản, bảo vệ môi trường;

d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì lập quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp;

đ) Bộ Công thương chủ trì lập quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật khác; quy hoạch phát triển điện hạt nhân; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ;

e) Bộ Xây dựng chủ trì lập quy hoạch địa điểm chôn cất, lưu giữ chất thải phóng xạ.

2. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử.

3. Cơ quan lập quy hoạch quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt.

Điều 15. Điều chỉnh quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử

Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử được điều chỉnh khi căn cứ xây dựng quy hoạch quy định tại Điều 13 của Luật này thay đổi và phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 16. Phát triển nguồn nhân lực

1. Nhà nước có chương trình đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực, đặc biệt là chuyên gia có trình độ cao đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

2. Nhà nước có chính sách ưu đãi, thu hút chuyên gia có trình độ cao trong và ngoài nước làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức quốc tế tham gia thực hiện chương trình đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 17. Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử

1. Nhà nước có chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực kinh tế - xã hội.

2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức quốc tế tham gia thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ quy định tại khoản 1 Điều này.

Chương 3.

AN TOÀN BỨC XẠ, AN TOÀN HẠT NHÂN VÀ AN NINH NGUỒN PHÓNG XẠ, VẬT LIỆU HẠT NHÂN, THIẾT BỊ HẠT NHÂN

Điều 18. Công việc bức xạ

Công việc bức xạ bao gồm các hoạt động sau đây:

1. Vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu và nhà máy điện hạt nhân;

2. Vận hành thiết bị chiếu xạ gồm máy gia tốc; thiết bị xạ trị; thiết bị chiếu xạ khử trùng, xử lý vật liệu và sử dụng các thiết bị bức xạ khác;

3. Sản xuất, chế biến chất phóng xạ;

4. Lưu giữ, sử dụng chất phóng xạ;

5. Thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ;

6. Làm giàu urani; chế tạo nhiên liệu hạt nhân;

7. Xử lý, lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng;

8. Xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động, chấm dứt hoạt động của cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân;

9. Sử dụng vật liệu hạt nhân ngoài chu trình nhiên liệu hạt nhân;

10. Nhập khẩu, xuất khẩu chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân;

11. Đóng gói, vận chuyển vật liệu phóng xạ;

12. Vận chuyển vật liệu phóng xạ quá cảnh lãnh thổ Việt Nam;

13. Vận hành tàu biển, phương tiện khác có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân;

14. Hoạt động khác tạo ra chất thải phóng xạ.

Điều 19. Báo cáo đánh giá an toàn đối với công việc bức xạ

1. Tổ chức, cá nhân phải lập báo cáo đánh giá an toàn đối với công việc bức xạ khi xin cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ, trừ hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 8 Điều 18 của Luật này.

2. Báo cáo đánh giá an toàn đối với công việc bức xạ phải phù hợp với từng công việc bức xạ và có các nội dung chính sau đây:

a) Quy trình tiến hành công việc bức xạ gồm các bước chuẩn bị, triển khai và kết thúc công việc;

b) Quy định về việc đo liều chiếu xạ cá nhân và kiểm xạ khu vực làm việc;

c) Quy định về việc ghi nhật ký tiến hành công việc bức xạ;

d) Nội quy tiến hành công việc bức xạ;

đ) Dự kiến sự cố có thể xảy ra và biện pháp khắc phục;

e) Phân công trách nhiệm cá nhân tiến hành công việc bức xạ;

g) Phân công trách nhiệm giám sát, phụ trách an toàn và điều hành chung.

Điều 20. Báo cáo thực trạng an toàn tiến hành công việc bức xạ

1. Định kỳ hằng năm hoặc khi có yêu cầu của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân, tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải lập báo cáo thực trạng an toàn tiến hành công việc bức xạ gửi đến cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân.

2. Báo cáo thực trạng an toàn tiến hành công việc bức xạ bao gồm các nội dung sau đây:

a) Việc tuân thủ các điều kiện ghi trong giấy phép;

b) Những thay đổi so với hồ sơ xin cấp giấy phép (nếu có);

c) Sự cố bức xạ (nếu có) và các biện pháp khắc phục.

Điều 21. Kiểm soát chiếu xạ do công việc bức xạ gây ra

1. Kiểm soát chiếu xạ gồm có:

a) Kiểm soát chiếu xạ nghề nghiệp là kiểm soát liều chiếu xạ đối với nhân viên bức xạ khi tiến hành công việc bức xạ;

b) Kiểm soát chiếu xạ y tế là kiểm soát liều chiếu xạ đối với bệnh nhân trong chẩn đoán và điều trị;

c) Kiểm soát chiếu xạ công chúng là kiểm soát liều chiếu xạ do công việc bức xạ gây ra đối với những người không thuộc các đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

2. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải tuân thủ các nguyên tắc kiểm soát chiếu xạ sau đây:

a) Bảo đảm cho liều chiếu xạ đối với công chúng và đối với nhân viên bức xạ không vượt quá liều giới hạn; bảo đảm cho liều chiếu xạ đối với bệnh nhân theo mức chỉ dẫn;

b) Bảo đảm giữ cho liều chiếu xạ cá nhân, số người bị chiếu xạ và khả năng bị chiếu xạ ở mức thấp nhất có thể đạt được một cách hợp lý;

c) Bảo đảm để lợi ích do công việc bức xạ mang lại phải đủ bù đắp cho những rủi ro, thiệt hại có thể gây ra cho con người, môi trường.

Điều 22. An ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân

1. Tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân phải có các biện pháp bảo đảm an ninh sau đây:

a) Kiểm soát việc tiếp cận nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân;

b) Không cho phép cá nhân không có nhiệm vụ tiếp cận nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân;

c) Thực hiện quy định về kiểm soát nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân ghi trong giấy phép;

d) Việc chuyển giao nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân trong nội bộ cơ sở tiến hành công việc bức xạ phải có văn bản cho phép của người đứng đầu cơ sở hoặc người được ủy quyền và có biên bản bàn giao;

đ) Tiến hành kiểm đếm định kỳ ít nhất một năm một lần để bảo đảm nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân được để đúng nơi quy định trong điều kiện an ninh;

e) Bảo vệ bí mật các biện pháp an ninh, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Tổ chức, cá nhân quản lý nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm từ trung bình trở lên và quản lý vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân ngoài việc thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này còn phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Có kế hoạch bảo đảm an ninh;

b) Phát hiện kịp thời và ngăn chặn việc tiếp cận trái phép nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân;

c) Áp dụng ngay biện pháp cần thiết để thu hồi nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị chiếm đoạt, chuyển giao hoặc sử dụng bất hợp pháp;

d) Ngăn chặn kịp thời việc phá hoại nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân; có kế hoạch kiểm đếm thường xuyên hằng tháng, hằng tuần hoặc hằng ngày theo hướng dẫn của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân;

đ) Có phương án giảm thiểu tác hại khi nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị phá hoại;

e) Bảo vệ bí mật thông tin về hệ thống an ninh, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân có trách nhiệm xây dựng và thường xuyên cập nhật hệ thống kiểm soát nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân trong phạm vi cả nước, bao gồm các thông tin sau đây:

a) Loại nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân;

b) Số nhận dạng nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân và côngtenơ bảo vệ;

c) Tên đồng vị phóng xạ đối với nguồn phóng xạ; thành phần hóa học đối với vật liệu hạt nhân;

d) Hoạt độ, ngày xác định hoạt độ đối với nguồn phóng xạ; khối lượng plutoni, urani đối với vật liệu hạt nhân;

đ) Nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp;

e) Chứng chỉ xuất xứ;

g) Chủ sở hữu;

h) Tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, sử dụng;

i) Tổ chức, cá nhân lưu giữ, sử dụng trước đó;

k) Địa chỉ nơi đang lưu giữ, sử dụng.

4. Việc phân loại nguồn phóng xạ theo mức độ nguy hiểm dưới trung bình, trung bình và trên trung bình được thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Điều 23. Bảo vệ nhiều lớp

1. Bảo vệ nhiều lớp là việc áp dụng đồng thời nhiều giải pháp, nhiều lớp bảo vệ nhằm duy trì an toàn, an ninh.

2. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải tuân thủ nguyên tắc bảo vệ nhiều lớp tương ứng với khả năng gây hại của nguồn bức xạ, vật liệu hạt nhân đối với con người, môi trường.

Điều 24. Kiểm xạ khu vực làm việc

1. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải thực hiện thường xuyên và có hệ thống việc kiểm xạ khu vực làm việc, đo đạc các thông số cần thiết làm cơ sở cho việc đánh giá an toàn.

2. Máy móc, thiết bị sử dụng cho việc kiểm xạ, đo đạc phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phải được bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn định kỳ.

3. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải lập, cập nhật, bảo quản hồ sơ kiểm xạ, đo đạc và hồ sơ bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn.

Điều 25. Xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng

1. Tổ chức, cá nhân có chất thải phóng xạ phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu chất thải phóng xạ ngay tại nguồn phát sinh;

b) Tách chất thải phóng xạ ra khỏi chất thải thường khi thu gom, xử lý;

c) Có phương án phân loại và xử lý chất thải phóng xạ.

2. Chất thải phóng xạ được xử lý bằng các giải pháp sau đây:

a) Lưu giữ để phân rã đối với chất thải phóng xạ có chu kỳ bán rã ngắn;

b) Chôn cất chất thải phóng xạ, nếu việc chôn cất không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường;

c) Chuyển chất thải phóng xạ về dạng ít gây nguy hiểm cho con người, môi trường;

d) Lưu giữ tạm thời trong điều kiện bảo đảm an toàn, an ninh chờ xử lý nếu không thể áp dụng các biện pháp quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

3. Tổ chức, cá nhân sử dụng nhiên liệu hạt nhân phải có phương án xử lý, lưu giữ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng trong điều kiện bảo đảm an toàn, an ninh.

4. Tổ chức, cá nhân phải khai báo chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng do việc tiến hành công việc bức xạ sinh ra.

5. Tổ chức, cá nhân phải xin cấp giấy phép thực hiện dịch vụ lưu giữ chất thải phóng xạ.

6. Tổ chức, cá nhân chỉ được chôn cất chất thải phóng xạ khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép, báo cáo tình trạng chôn cất và lập bản đồ địa điểm chôn cất gửi cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân.

7. Nhà nước đầu tư xây dựng kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia.

8. Việc phân loại, xử lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và việc lựa chọn địa điểm xây dựng kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia, lựa chọn địa điểm chôn cất chất thải phóng xạ được thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

9. Bộ Xây dựng phê duyệt địa điểm kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia, địa điểm chôn cất chất thải phóng xạ theo quy hoạch đã được phê duyệt và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 26. Trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ

1. Chịu trách nhiệm về an toàn, an ninh và thực hiện các quy định của Luật này đối với việc tiến hành công việc bức xạ.

2. Bố trí người phụ trách an toàn theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ; quy định trách nhiệm và quyền hạn của người phụ trách an toàn bằng văn bản.

3. Thực hiện đầy đủ các quy định trong giấy phép.

4. Xây dựng và tổ chức thực hiện nội quy, các chỉ dẫn về an toàn, an ninh.

5. Bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, tổ chức khám sức khỏe định kỳ và theo dõi liều chiếu xạ đối với nhân viên bức xạ.

6. Tạo điều kiện cho kiểm tra viên, thanh tra viên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra về an toàn, an ninh; cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

7. Tổ chức kiểm xạ, kiểm soát chất thải phóng xạ, bảo đảm liều chiếu xạ không vượt quá liều giới hạn.

8. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở.

Điều 27. Trách nhiệm của nhân viên bức xạ

1. Nhân viên bức xạ là người làm việc trực tiếp với bức xạ, được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và nắm vững quy định của pháp luật về an toàn, có trách nhiệm chính sau đây:

a) Thực hiện quy định của pháp luật và tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, hướng dẫn về an toàn phù hợp với mỗi hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử;

b) Sử dụng phương tiện theo dõi liều chiếu xạ và phương tiện bảo vệ khi tiến hành công việc bức xạ, khám sức khỏe định kỳ theo chỉ dẫn của người phụ trách an toàn; từ chối làm việc khi điều kiện bảo đảm an toàn không đầy đủ, trừ trường hợp tham gia khắc phục sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân;

c) Báo cáo ngay cho người phụ trách an toàn hiện tượng bất thường về an toàn, an ninh trong việc tiến hành công việc bức xạ;

d) Thực hiện biện pháp khắc phục sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân theo chỉ dẫn của người phụ trách an toàn.

2. Người phụ trách an toàn là nhân viên bức xạ có chuyên môn, nghiệp vụ, nắm vững quy định của pháp luật về an toàn, có trách nhiệm chính sau đây:

a) Giúp người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ thực hiện quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 26 của Luật này;

b) Giúp người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ xây dựng và tổ chức thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết để tuân thủ các điều kiện về an toàn, an ninh;

c) Thường xuyên liên lạc với các cá nhân, bộ phận lưu giữ, sử dụng nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân trong phạm vi trách nhiệm của mình; thực hiện tư vấn và hướng dẫn về bảo đảm an toàn; thường xuyên kiểm tra tình trạng an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân;

d) Báo cáo người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ khi phát hiện có dấu hiệu bất thường về an toàn, an ninh, khi có sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân;

đ) Lập và lưu giữ hồ sơ liên quan đến an toàn, an ninh.

Điều 28. Chứng chỉ nhân viên bức xạ

1. Người đảm nhiệm một trong các công việc sau đây phải có chứng chỉ nhân viên bức xạ:

a) Kỹ sư trưởng lò phản ứng hạt nhân;

b) Trưởng ca vận hành lò phản ứng hạt nhân;

c) Người phụ trách an toàn;

d) Người phụ trách tẩy xạ;

đ) Người phụ trách ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân;

e) Người quản lý nhiên liệu hạt nhân;

g) Nhân viên vận hành lò phản ứng hạt nhân;

h) Nhân viên vận hành máy gia tốc;

i) Nhân viên vận hành thiết bị chiếu xạ sử dụng nguồn phóng xạ;

k) Nhân viên sản xuất đồng vị phóng xạ;

l) Nhân viên chụp ảnh phóng xạ công nghiệp.

2. Người có đủ điều kiện sau đây được cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ quy định tại khoản 1 Điều này:

a) Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;

b) Có trình độ chuyên môn và kiến thức về an toàn phù hợp.

3. Người được cấp chứng chỉ quy định tại khoản 1 Điều này phải thường xuyên cập nhật kiến thức liên quan.

Điều 29. Hồ sơ an toàn bức xạ

1. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải lập, thường xuyên cập nhật, lưu giữ các hồ sơ sau đây:

a) Hồ sơ về nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân; các thay đổi, sửa chữa, nâng cấp thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân;

b) Hồ sơ kiểm xạ, đo đạc và hồ sơ bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn;

c) Nhật ký và hồ sơ về sự cố trong quá trình tiến hành công việc bức xạ;

d) Hồ sơ đào tạo, hồ sơ sức khỏe và hồ sơ liều chiếu xạ của nhân viên bức xạ;

đ) Kết luận thanh tra, kiểm tra và tài liệu về việc thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

2. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải trình các hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi được yêu cầu.

3. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ có trách nhiệm chuyển giao hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này theo quy định sau đây:

a) Hồ sơ được chuyển giao cho cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân, khi tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ chấm dứt hoạt động;

b) Hồ sơ quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân sở hữu, sử dụng mới, khi nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân sở hữu, sử dụng mới;

c) Hồ sơ quy định tại điểm c và điểm đ khoản 1 Điều này được chuyển giao cho cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân, khi nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân sở hữu, sử dụng mới;

d) Hồ sơ quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tiếp nhận nhân viên bức xạ, khi nhân viên bức xạ chuyển đi làm việc cho tổ chức, cá nhân mới.

Điều 30. Xử lý tình huống nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị thất lạc, bị chiếm đoạt, bị bỏ rơi, bị chuyển giao bất hợp pháp, chưa được khai báo

1. Tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị thất lạc, bị chiếm đoạt phải báo cáo ngay cho Ủy ban nhân dân, cơ quan công an nơi gần nhất, cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân; chịu trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức tìm kiếm, thu hồi nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị thất lạc, bị chiếm đoạt.

2. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị thất lạc, bị chiếm đoạt, bị bỏ rơi, bị chuyển giao bất hợp pháp hoặc chưa được khai báo phải thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan công an nơi gần nhất hoặc cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân.

3. Khi nhận được báo cáo hoặc thông báo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân, cơ quan công an, cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân có trách nhiệm sau đây:

a) Ủy ban nhân dân thông báo cho nhân dân địa phương biết để chủ động phòng, tránh bị chiếu xạ, tham gia cùng các cơ quan chức năng phát hiện, tìm kiếm nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị thất lạc, bị chiếm đoạt, bị bỏ rơi, bị chuyển giao bất hợp pháp;

b) Cơ quan công an chủ trì, phối hợp với cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tìm kiếm, xác định chủ sở hữu, người quản lý nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị thất lạc, bị chiếm đoạt, bị bỏ rơi;

c) Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xử lý nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị chuyển giao bất hợp pháp hoặc chưa được khai báo; xử lý nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị thất lạc, bị chiếm đoạt, bị bỏ rơi đã được tìm thấy.

4. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu, lưu giữ nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân phải chịu toàn bộ chi phí tìm kiếm và xử lý nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị thất lạc, bị chiếm đoạt, bị bỏ rơi, bị chuyển giao bất hợp pháp; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 31. Lưu giữ và thanh lý vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ

1. Vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ là vật thể có chất phóng xạ bám trên bề mặt hoặc trong thành phần của nó.

2. Tổ chức, cá nhân có vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện các biện pháp lưu giữ, xử lý vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ như quy định đối với chất thải phóng xạ;

b) Xin phép cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thực hiện các biện pháp thanh lý vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ khi mức nhiễm bẩn phóng xạ thấp hơn hoặc bằng mức thanh lý. Khi được phép thanh lý, thì việc thanh lý vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ được thực hiện như loại bỏ chất thải thông thường.

Điều 32. Hạn chế tác hại của chiếu xạ tự nhiên đối với con người

1. Chiếu xạ tự nhiên là chiếu xạ bởi bức xạ từ vũ trụ và các vật thể tự nhiên xung quanh.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân có trách nhiệm xác định địa điểm có mức chiếu xạ tự nhiên có khả năng gây hại cho con người cần có sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền; tổ chức khảo sát, đánh giá khả năng gây hại; thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp lập kế hoạch và triển khai thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm giảm đến mức thấp nhất tác hại đối với con người.

Điều 33. Trách nhiệm quy định chi tiết về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, an ninh các nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, cơ sở hạt nhân

1. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm quy định và hướng dẫn cụ thể các nội dung sau đây:

a) Liều giới hạn, kiểm soát chiếu xạ nghề nghiệp và kiểm soát chiếu xạ công chúng;

b) Việc thực hiện nguyên tắc bảo vệ nhiều lớp;

c) Việc thực hiện kiểm xạ khi tiến hành công việc bức xạ;

d) Việc tẩy xạ sau khi kết thúc công việc bức xạ;

đ) Những công việc bức xạ yêu cầu phải có người phụ trách an toàn;

e) Chuyên môn, nghiệp vụ, yêu cầu đào tạo về an toàn đối với nhân viên bức xạ;

g) Điều kiện, trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ, thời hạn của chứng chỉ, việc gia hạn chứng chỉ nhân viên bức xạ và việc công nhận chứng chỉ nhân viên bức xạ do tổ chức nước ngoài cấp;

h) Báo cáo tình trạng chôn cất và lập bản đồ địa điểm chôn cất chất thải phóng xạ;

i) Nội dung hồ sơ an toàn bức xạ, thời gian lưu giữ đối với từng loại hồ sơ;

k) Xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng;

l) Mức miễn trừ khai báo, cấp phép, mức thanh lý, thủ tục thẩm định, đánh giá, phê chuẩn và các biện pháp thanh lý nguồn phóng xạ, vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ;

m) Việc xác định địa điểm có mức chiếu xạ tự nhiên có khả năng gây hại cho con người cần có sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền;

n) Quy định về kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia, địa điểm chôn cất chất thải phóng xạ, an ninh và các vấn đề khác theo thẩm quyền.

2. Bộ Y tế có trách nhiệm quy định và hướng dẫn cụ thể các nội dung sau đây:

a) Kiểm tra sức khỏe định kỳ đối với nhân viên bức xạ;

b) Mức chỉ dẫn liều chiếu xạ đối với bệnh nhân và kiểm soát chiếu xạ y tế.

3. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với bộ, ngành có liên quan quy định và hướng dẫn cụ thể về tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, phụ cấp nghề nghiệp, chế độ đặc thù khác đối với nhân viên bức xạ và người làm việc trong môi trường có độc hại phóng xạ.

Chương 4.

CƠ SỞ BỨC XẠ

Điều 34. Cơ sở bức xạ và thiết kế cơ sở bức xạ

1. Các loại cơ sở bức xạ bao gồm:

a) Cơ sở vận hành máy gia tốc;

b) Cơ sở xạ trị;

c) Cơ sở chiếu xạ khử trùng, chiếu xạ xử lý vật liệu;

d) Cơ sở sản xuất, chế biến chất phóng xạ;

đ) Kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia; cơ sở lưu giữ, xử lý, chôn cất chất thải có hoạt độ phóng xạ lớn hơn mười nghìn lần mức miễn trừ khai báo.

2. Việc xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động của cơ sở bức xạ phải có thiết kế phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Điều 35. Báo cáo phân tích an toàn và báo cáo đánh giá an toàn đối với cơ sở bức xạ

1. Cơ sở bức xạ phải lập báo cáo phân tích an toàn khi xin cấp giấy phép xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động, chấm dứt hoạt động.

2. Cơ sở bức xạ phải lập báo cáo đánh giá an toàn khi xin cấp hoặc cấp lại giấy phép tiến hành công việc bức xạ khác quy định tại Điều 18 của Luật này.

3. Nội dung báo cáo phân tích an toàn khi xin cấp giấy phép xây dựng bao gồm:

a) Thiết kế, chế tạo;

b) Dự kiến kế hoạch lắp đặt, vận hành thử, nghiệm thu;

c) Phân tích an toàn khi đưa cơ sở vào vận hành;

d) Dự kiến kế hoạch chấm dứt hoạt động, tháo dỡ, tẩy xạ.

4. Nội dung báo cáo phân tích an toàn khi xin cấp giấy phép thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động bao gồm:

a) Lý do thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động;

b) Thiết kế, chế tạo;

c) Dự kiến kế hoạch lắp đặt, vận hành thử, nghiệm thu;

d) Phân tích an toàn khi đưa cơ sở vào vận hành;

đ) Dự kiến kế hoạch chấm dứt hoạt động, tháo dỡ, tẩy xạ.

5. Nội dung báo cáo phân tích an toàn khi xin cấp giấy phép chấm dứt hoạt động bao gồm:

a) Lý do chấm dứt hoạt động;

b) Kế hoạch tháo dỡ, tẩy xạ;

c) Kế hoạch xử lý nguồn bức xạ, chất thải phóng xạ.

6. Báo cáo đánh giá an toàn được lập cho từng công việc bức xạ theo quy định tại Điều 19 của Luật này.

Điều 36. Tháo dỡ, tẩy xạ cơ sở bức xạ

1. Khi chấm dứt hoạt động, cơ sở bức xạ phải trình cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân phê duyệt kế hoạch tháo dỡ, tẩy xạ, xử lý nguồn bức xạ, chất thải phóng xạ và tổ chức thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt.

2. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân tổ chức kiểm tra việc tháo dỡ, tẩy xạ, xử lý nguồn bức xạ, chất thải phóng xạ và ra quyết định công nhận cơ sở bức xạ đã hết trách nhiệm bảo đảm an toàn.

3. Cơ sở bức xạ phải chịu mọi chi phí tháo dỡ và chi phí lưu giữ, xử lý chất thải phóng xạ sinh ra do quá trình tháo dỡ.

4. Việc tháo dỡ, tẩy xạ, xử lý nguồn bức xạ, chất thải phóng xạ được thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

5. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt kế hoạch tháo dỡ, tẩy xạ, xử lý nguồn bức xạ, chất thải phóng xạ đối với cơ sở bức xạ.

Chương 5.

CƠ SỞ HẠT NHÂN

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ CƠ SỞ HẠT NHÂN

Điều 37. Cơ sở hạt nhân và thiết kế cơ sở hạt nhân

1. Các loại cơ sở hạt nhân bao gồm:

a) Lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu;

b) Nhà máy điện hạt nhân;

c) Cơ sở làm giàu urani, chế tạo nhiên liệu hạt nhân;

d) Cơ sở lưu giữ, xử lý, chôn cất nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

2. Việc xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động của cơ sở hạt nhân phải có thiết kế phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở hạt nhân, trừ tổ chức thẩm định thiết kế nhà máy điện hạt nhân.

Điều 38. Phê duyệt địa điểm xây dựng cơ sở hạt nhân

1. Địa điểm xây dựng cơ sở hạt nhân phải được phê duyệt trước khi xin cấp giấy phép xây dựng hoặc đồng thời với việc xin cấp giấy phép xây dựng. Hồ sơ đề nghị phê duyệt địa điểm xây dựng bao gồm các tài liệu sau đây:

a) Đơn đề nghị phê duyệt địa điểm;

b) Báo cáo tổng quan về việc lựa chọn địa điểm;

c) Thiết kế sơ bộ cơ sở hạt nhân;

d) Báo cáo đánh giá tác động môi trường;

đ) Kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;

e) Báo cáo phân tích an toàn sơ bộ;

g) Báo cáo thẩm định an toàn;

h) Kế hoạch kiểm xạ môi trường đất, không khí, nước dưới đất và nước mặt trong vùng bị ảnh hưởng khi cơ sở hoạt động.

2. Việc lựa chọn địa điểm xây dựng cơ sở hạt nhân phải căn cứ vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt địa điểm xây dựng cơ sở hạt nhân, trừ địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Điều 39. Báo cáo phân tích an toàn và báo cáo đánh giá an toàn đối với cơ sở hạt nhân

1. Cơ sở hạt nhân phải lập báo cáo phân tích an toàn khi xin cấp giấy phép xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động, chấm dứt hoạt động, vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu và vận hành nhà máy điện hạt nhân.

2. Cơ sở hạt nhân phải lập báo cáo đánh giá an toàn khi xin cấp hoặc cấp lại giấy phép tiến hành công việc bức xạ khác quy định tại Điều 18 của Luật này, trừ vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu và vận hành nhà máy điện hạt nhân.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể nội dung báo cáo phân tích an toàn và báo cáo đánh giá an toàn đối với cơ sở hạt nhân.

Điều 40. Tháo dỡ, tẩy xạ cơ sở hạt nhân, xử lý nhiên liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân, chất thải phóng xạ

1. Khi chấm dứt hoạt động, cơ sở hạt nhân phải trình cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân phê duyệt kế hoạch tháo dỡ, tẩy xạ, xử lý nhiên liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân, chất thải phóng xạ và tổ chức thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt.

2. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân tổ chức kiểm tra việc tháo dỡ, tẩy xạ, xử lý nhiên liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân, chất thải phóng xạ và ra quyết định công nhận cơ sở hạt nhân đã hết trách nhiệm bảo đảm an toàn.

3. Cơ sở hạt nhân phải chịu mọi chi phí tháo dỡ và chi phí lưu giữ, xử lý chất thải phóng xạ sinh ra từ quá trình tháo dỡ.

4. Việc tháo dỡ, tẩy xạ, xử lý nhiên liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân, chất thải phóng xạ được thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

5. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt kế hoạch tháo dỡ, tẩy xạ, xử lý nhiên liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân, chất thải phóng xạ đối với cơ sở hạt nhân.

Mục 2. LÒ PHẢN ỨNG HẠT NHÂN NGHIÊN CỨU

Điều 41. Xây dựng và vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu

1. Hồ sơ đề nghị cho phép xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu bao gồm:

a) Đơn xin cấp giấy phép xây dựng;

b) Thiết kế chi tiết lò phản ứng hạt nhân và các công trình có liên quan;

c) Báo cáo đánh giá tác động môi trường;

d) Kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;

đ) Báo cáo phân tích an toàn;

e) Quy trình bảo đảm chất lượng liên quan đến việc xây dựng;

g) Kế hoạch tháo dỡ lò phản ứng hạt nhân;

h) Báo cáo thẩm định an toàn;

i) Tài liệu khác có liên quan.

2. Lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu phải có giấy phép vận hành thử trước khi nạp nhiên liệu vào lò phản ứng.

3. Việc vận hành thử lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu phải được thực hiện ở các mức công suất thấp đồng thời với việc kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật, giới hạn vận hành và nâng dần công suất lên mức thiết kế. Tổ chức có lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu phải lập báo cáo vận hành thử và báo cáo phân tích an toàn của lò phản ứng hạt nhân, giải trình rõ các thay đổi về chỉ tiêu kỹ thuật, giới hạn vận hành so với thiết kế khi xin cấp giấy phép xây dựng, gửi cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân.

4. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thẩm định báo cáo kết quả vận hành thử và báo cáo phân tích an toàn của lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ về việc cấp giấy phép vận hành chính thức lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu.

5. Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy phép xây dựng và giấy phép vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu.

Điều 42. Kiểm tra an toàn đối với xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động của lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu

1. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân tổ chức kiểm tra an toàn đối với việc xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động của lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu và có quyền yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng hoặc tạm đình chỉ thi công nếu phát hiện những điểm không phù hợp với thiết kế và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

2. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân khi thực hiện kiểm tra theo quy định tại khoản 1 Điều này có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các tài liệu và báo cáo về các nội dung sau đây:

a) Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thi công và tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm giám sát thi công;

b) Thời gian nghiệm thu từng công đoạn xây dựng;

c) Việc chấp hành các quy định về an toàn đối với xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu.

3. Chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thi công phải tạo điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kiểm tra tại chỗ về việc tuân thủ thiết kế đã được phê duyệt.

Điều 43. Kiểm tra lắp đặt, vận hành thử, nghiệm thu an toàn đối với lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu

1. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân tổ chức kiểm tra an toàn đối với việc lắp đặt, vận hành thử, nghiệm thu lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu.

Việc kiểm tra lắp đặt, vận hành thử được thực hiện cho từng hạng mục công trình, có kết luận nghiệm thu sơ bộ trước khi cho phép vận hành thử công đoạn tiếp theo, vận hành thử toàn bộ hệ thống và nghiệm thu.

2. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân tổ chức kiểm tra theo quy định tại khoản 1 Điều này có quyền yêu cầu chủ đầu tư xây dựng cung cấp tài liệu và báo cáo về các nội dung sau đây:

a) Quy trình và lịch trình lắp đặt, vận hành thử, nghiệm thu;

b) Việc chấp hành quy định về an toàn đối với lắp đặt, vận hành thử, nghiệm thu.

3. Việc nghiệm thu tổng thể đối với lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu chỉ được thực hiện khi các hạng mục công trình đã được nghiệm thu.

Điều 44. Bảo vệ, quan trắc phóng xạ môi trường đối với lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu

1. Tổ chức có lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Tổ chức bảo vệ nghiêm ngặt, kiểm soát chặt chẽ việc ra vào khu vực lò phản ứng hạt nhân;

b) Thiết lập khu vực hạn chế người qua lại, khu vực bảo vệ an toàn xung quanh lò phản ứng hạt nhân;

c) Tiến hành quan trắc phóng xạ môi trường nơi có lò phản ứng hạt nhân, báo cáo cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân kết quả quan trắc định kỳ sáu tháng một lần và báo cáo ngay khi phát hiện kết quả quan trắc bất thường.

2. Việc bảo vệ lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu được thực hiện theo quy định của pháp luật đối với công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

Mục 3. NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN

Điều 45. Yêu cầu đối với nhà máy điện hạt nhân

1. Nhà máy điện hạt nhân là tổ hợp công trình bao gồm lò phản ứng hạt nhân và các công trình liên quan khác.

2. Việc đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải theo quy hoạch phát triển điện hạt nhân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Việc lựa chọn, phê duyệt địa điểm, thiết kế, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 46. Quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân

1. Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

2. Hồ sơ dự án nhà máy điện hạt nhân trình Quốc hội bao gồm:

a) Tờ trình của Chính phủ;

b) Báo cáo tiền khả thi (báo cáo đầu tư);

c) Báo cáo của Hội đồng thẩm định nhà nước;

d) Tài liệu khác có liên quan.

Điều 47. Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân

1. Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau đây:

a) Bảo đảm an toàn cho dân cư trên địa bàn;

b) Bảo đảm an toàn cho hoạt động của nhà máy điện hạt nhân có tính tới các yếu tố địa chất, thủy văn, thiên tai, giao thông và các yếu tố khác;

c) Bảo đảm an ninh cho hoạt động của nhà máy điện hạt nhân;

d) Giảm thiểu hậu quả khi xảy ra sự cố.

2. Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt địa điểm bao gồm:

a) Đơn đề nghị phê duyệt địa điểm;

b) Báo cáo tổng quan về việc lựa chọn địa điểm;

c) Thiết kế sơ bộ nhà máy điện hạt nhân;

d) Báo cáo đánh giá tác động môi trường;

đ) Kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;

e) Báo cáo phân tích an toàn sơ bộ;

g) Báo cáo thẩm định an toàn;

h) Kế hoạch kiểm xạ môi trường đất, không khí, nước dưới đất và nước mặt trong vùng bị ảnh hưởng khi vận hành nhà máy điện hạt nhân;

i) Báo cáo của Hội đồng thẩm định nhà nước;

k) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân thể hiện ý kiến nhân dân về các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh, chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển văn hóa, giáo dục, phúc lợi xã hội nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và dân cư trên địa bàn;

l) Tài liệu khác có liên quan.

Điều 48. Dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân

1. Dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải được lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đầu tư và pháp luật về đấu thầu.

2. Ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, hồ sơ dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân do chủ đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải có các tài liệu sau đây:

a) Đơn đề nghị cho phép đầu tư xây dựng;

b) Thiết kế chi tiết nhà máy điện hạt nhân;

c) Báo cáo đánh giá tác động môi trường;

d) Kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;

đ) Báo cáo phân tích an toàn;

e) Quy trình bảo đảm chất lượng liên quan đến việc xây dựng;

g) Kế hoạch tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân và việc bảo đảm tài chính cho tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân, quản lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, quản lý chất thải phóng xạ;

h) Báo cáo thẩm định an toàn;

i) Báo cáo của Hội đồng thẩm định nhà nước;

k) Tài liệu khác có liên quan.

Điều 49. Thi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân

1. Việc thi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân chỉ được tiến hành sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư quy định tại Điều 47 và Điều 48 của Luật này.

2. Chủ đầu tư và tổ chức thi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, bảo đảm an toàn hạt nhân theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 50. Vận hành nhà máy điện hạt nhân

1. Nhà máy điện hạt nhân phải có giấy phép vận hành thử trước khi nạp nhiên liệu vào lò phản ứng hạt nhân.

2. Việc vận hành thử nhà máy điện hạt nhân phải được thực hiện ở các mức công suất thấp đồng thời với việc kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật, giới hạn vận hành và nâng dần công suất lên mức thiết kế. Tổ chức có nhà máy điện hạt nhân phải lập báo cáo vận hành thử và báo cáo phân tích an toàn của nhà máy điện hạt nhân, giải trình rõ các thay đổi về chỉ tiêu kỹ thuật, giới hạn vận hành so với thiết kế khi xin cấp giấy phép xây dựng, gửi cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân.

3. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thẩm định báo cáo kết quả vận hành thử và báo cáo phân tích an toàn của nhà máy điện hạt nhân, đề xuất về việc cấp giấy phép vận hành chính thức nhà máy điện hạt nhân trình Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia đánh giá kết quả thẩm định.

Điều 51. Kiểm tra an toàn đối với xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động, lắp đặt, vận hành thử, nghiệm thu an toàn lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân

1. Việc kiểm tra an toàn đối với xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động, lắp đặt, vận hành thử, nghiệm thu an toàn lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân được thực hiện theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Luật này.

2. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân có trách nhiệm báo cáo Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia kết quả kiểm tra an toàn quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 52. Bảo vệ, quan trắc phóng xạ môi trường đối với nhà máy điện hạt nhân

Việc bảo vệ, quan trắc phóng xạ môi trường đối với nhà máy điện hạt nhân được thực hiện theo quy định tại Điều 44 của Luật này.

Điều 53. Kiểm tra thường xuyên tình trạng an toàn, an ninh của nhà máy điện hạt nhân

1. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thành lập văn phòng kiểm tra đặt tại nhà máy điện hạt nhân, làm nhiệm vụ kiểm tra thường xuyên tình trạng an toàn, an ninh của nhà máy điện hạt nhân.

2. Tổ chức có nhà máy điện hạt nhân có trách nhiệm tạo điều kiện cho cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thực hiện việc kiểm tra quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 54. Báo cáo thực trạng an toàn nhà máy điện hạt nhân

1. Tổ chức có nhà máy điện hạt nhân phải lập báo cáo thực trạng an toàn bao gồm các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật này gửi cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân theo quy định sau đây:

a) Báo cáo định kỳ hằng năm hoặc khi có yêu cầu của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân;

b) Báo cáo tổng thể định kỳ mười năm một lần.

2. Báo cáo tổng thể quy định tại điểm b khoản 1 Điều này phải đề xuất thời gian cho phép nhà máy được tiếp tục vận hành.

Điều 55. Xử lý kết quả kiểm tra, đánh giá an toàn nhà máy điện hạt nhân

1. Khi phát hiện sai sót về an toàn, an ninh, cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân có quyền yêu cầu nhà máy điện hạt nhân có biện pháp khắc phục; trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn, an ninh thì kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động của nhà máy.

2. Căn cứ báo cáo tổng thể quy định tại điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này, báo cáo thẩm định an toàn của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét việc gia hạn giấy phép vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Điều 56. Trách nhiệm bảo đảm nguồn nhân lực của tổ chức có nhà máy điện hạt nhân

1. Bảo đảm nguồn nhân lực đủ trình độ và kỹ năng cần thiết nhằm thực hiện an toàn việc vận hành nhà máy điện hạt nhân, quản lý nhiên liệu hạt nhân, lưu giữ và xử lý chất thải phóng xạ, tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân.

2. Tổ chức đào tạo và đào tạo lại nhân viên vận hành nhà máy điện hạt nhân.

3. Bổ nhiệm người có đủ điều kiện vào các chức danh kỹ sư trưởng, trưởng ca vận hành, người quản lý nhiên liệu hạt nhân, người phụ trách an toàn.

Điều 57. Công tác thông tin đại chúng

Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà máy điện hạt nhân và tổ chức có nhà máy điện hạt nhân tổ chức thực hiện các quy định sau đây:

1. Tuyên truyền, cung cấp thông tin nhằm nâng cao hiểu biết của nhân dân về nhà máy điện hạt nhân;

2. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn cho nhân dân địa phương nơi có nhà máy điện hạt nhân;

3. Cung cấp thường xuyên thông tin về tình trạng an toàn của nhà máy điện hạt nhân cho nhân dân địa phương nơi có nhà máy điện hạt nhân.

Chương 6.

THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN QUẶNG PHÓNG XẠ

Điều 58. Báo cáo đánh giá an toàn đối với cơ sở thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ

1. Cơ sở thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ là cơ sở tiến hành một hoặc một số công việc sau đây:

a) Thăm dò, khai thác và chế biến quặng urani, thori;

b) Khai thác, chế biến khoáng sản khác mà sản phẩm phụ hoặc chất thải sau chế biến có chứa chất phóng xạ có hoạt độ phóng xạ lớn hơn mười nghìn lần mức hoạt độ phóng xạ miễn trừ khai báo.

2. Cơ sở thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ phải lập báo cáo đánh giá an toàn quy định tại Điều 19 của Luật này trình cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thẩm định.

3. Báo cáo đánh giá an toàn đối với cơ sở thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ ngoài các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này còn phải có các nội dung sau đây: quy trình thăm dò, khai thác, chế biến; kho lưu giữ; các biện pháp giảm bụi phóng xạ; biện pháp thông gió, giảm nồng độ khí radon và các khí độc khác; đóng gói, lưu giữ, vận chuyển sản phẩm có chứa phóng xạ; thu gom, xử lý và lưu giữ chất thải phóng xạ.

Điều 59. Trách nhiệm của cơ sở thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ trong việc phục hồi môi trường

1. Thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế tối đa tác động xấu đến các thành phần môi trường; thực hiện việc phục hồi môi trường sau khi kết thúc từng giai đoạn hoặc toàn bộ hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến theo quy định của Luật khoáng sản, Luật bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn bức xạ theo quy định của Luật này; lập bản đồ khu vực khai thác, chế biến quặng đã chấm dứt hoạt động.

2. Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép về kết quả thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này.

Chương 7.

VẬN CHUYỂN VÀ NHẬP KHẨU, XUẤT KHẨU VẬT LIỆU PHÓNG XẠ, THIẾT BỊ HẠT NHÂN

Mục 1. VẬN CHUYỂN

Điều 60. Yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển vật liệu phóng xạ

1. Tổ chức, cá nhân chỉ được vận chuyển vật liệu phóng xạ sau khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép.

2. Tổ chức, cá nhân vận tải không được từ chối vận chuyển vật liệu phóng xạ đã được đóng gói theo quy định tại Điều 61 của Luật này và đã đủ điều kiện được vận chuyển theo quy định của pháp luật.

Điều 61. Đóng gói các kiện hàng phóng xạ để vận chuyển

1. Vật liệu phóng xạ phải được đóng gói trong các kiện hàng phóng xạ trước khi vận chuyển, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.

2. Kiện hàng phóng xạ được thiết kế, chế tạo, thử nghiệm bảo đảm an toàn tương xứng với mức độ nguy hiểm của vật liệu phóng xạ và phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng.

3. Kiện hàng phóng xạ chỉ được dùng để chứa vật liệu phóng xạ và các tài liệu, vật phụ trợ cần thiết liên quan đến vật liệu phóng xạ được vận chuyển.

4. Việc đóng gói vật liệu phóng xạ để vận chuyển được thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Điều 62. Kế hoạch bảo đảm an toàn, an ninh và kế hoạch ứng phó sự cố khi vận chuyển

1. Tổ chức, cá nhân khi vận chuyển vật liệu phóng xạ phải lập và thực hiện kế hoạch bảo đảm an toàn, an ninh đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Có phương án bảo vệ an toàn cho người trực tiếp tham gia vận chuyển và những người có liên quan khác; kiểm tra sự nhiễm bẩn phóng xạ của kiện hàng, khu vực chuẩn bị kiện hàng phóng xạ, khu vực kho và các phương tiện vận chuyển; lập và lưu giữ hồ sơ kiểm tra;

b) Nhân viên tham gia vào quá trình vận chuyển phải được đào tạo, cập nhật kiến thức về an toàn bức xạ, có hiểu biết về quy tắc phòng cháy, chữa cháy và quy định về vận chuyển an toàn vật liệu phóng xạ;

c) Xây dựng, kiểm soát lộ trình vận chuyển; phòng ngừa việc thất lạc vật liệu phóng xạ, việc chiếm đoạt, phá hoại vật liệu phóng xạ.

2. Tổ chức, cá nhân khi vận chuyển vật liệu phóng xạ phải lập kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở đáp ứng những yêu cầu sau đây:

a) Quy định cụ thể nhiệm vụ của các bộ phận, cá nhân khi có sự cố xảy ra;

b) Thông báo khẩn cấp cho các cơ quan có thẩm quyền về sự cố;

c) Có biện pháp và phương tiện kỹ thuật cần thiết ứng phó sự cố;

d) Cảnh báo cho dân chúng xung quanh nơi xảy ra sự cố;

đ) Khoanh vùng cách ly, ngăn chặn tiếp cận, khắc phục việc nhiễm bẩn phóng xạ;

e) Cấp cứu nạn nhân.

3. Kế hoạch ứng phó sự cố trong vận chuyển chất phóng xạ, chất thải phóng xạ có mức độ nguy hiểm trên trung bình và vận chuyển vật liệu hạt nhân phải được diễn tập và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép thẩm định.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chi tiết việc lập kế hoạch bảo đảm an toàn, an ninh và kế hoạch ứng phó sự cố trong vận chuyển vật liệu phóng xạ.

Điều 63. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong vận chuyển

1. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gửi hàng:

a) Xin cấp giấy phép vận chuyển vật liệu phóng xạ;

b) Đóng gói vận chuyển vật liệu phóng xạ theo quy định tại Điều 61 của Luật này;

c) Thông báo cho tổ chức, cá nhân vận chuyển những yêu cầu về an toàn, an ninh và cung cấp những tài liệu liên quan đến hàng vận chuyển;

d) Phối hợp với tổ chức, cá nhân vận chuyển hướng dẫn nhân viên vận chuyển thực hiện quy định của giấy phép vận chuyển và hợp đồng vận chuyển;

đ) Lưu giữ hồ sơ về việc gửi hàng.

2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vận chuyển:

a) Kiểm tra điều kiện an toàn của hàng gửi theo quy định;

b) Tuân thủ các quy định của giấy phép vận chuyển và hợp đồng vận chuyển; chỉ chấp nhận vận chuyển khi hàng gửi có đầy đủ thủ tục, hồ sơ hợp lệ, đóng gói bảo đảm an toàn trong vận chuyển;

c) Phối hợp với tổ chức, cá nhân gửi hàng hướng dẫn nhân viên vận chuyển thực hiện quy định của giấy phép vận chuyển và hợp đồng vận chuyển;

d) Báo cáo ngay với cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân khi kiện hàng phóng xạ không có người nhận.

3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhận hàng:

a) Phối hợp với tổ chức, cá nhân gửi hàng, tổ chức, cá nhân vận chuyển tiếp nhận an toàn, đúng hạn, nhanh chóng giải phóng kiện hàng phóng xạ ra khỏi nơi nhận hàng;

b) Tham gia khắc phục hậu quả cùng với tổ chức, cá nhân liên quan khi sự cố xảy ra;

c) Báo cáo ngay cho tổ chức, cá nhân gửi hàng và cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân khi phát hiện hàng hóa nhận được không đúng với hợp đồng vận chuyển về chủng loại, số lượng, kiện hàng phóng xạ có dấu hiệu bị hư hỏng, bị tháo dỡ, bị rò rỉ phóng xạ.

4. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân lưu giữ kiện hàng phóng xạ tại kho trung chuyển:

a) Phối hợp với tổ chức, cá nhân vận chuyển, tổ chức, cá nhân nhận hàng tiếp nhận an toàn, nhanh chóng giải phóng các kiện hàng phóng xạ ra khỏi nơi nhận hàng;

b) Tham gia khắc phục hậu quả cùng với các bên liên quan khi sự cố xảy ra;

c) Báo cáo ngay với cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân khi phát hiện các kiện hàng phóng xạ có dấu hiệu bị hư hỏng, bị tháo dỡ, bị rò rỉ phóng xạ; kiện hàng phóng xạ không có người nhận.

5. Tổ chức, cá nhân liên quan đến việc vận chuyển phải thực hiện kế hoạch bảo đảm an toàn, an ninh và ứng phó sự cố quy định tại Điều 62 của Luật này.

Điều 64. Kiểm soát an toàn đối với vận chuyển quá cảnh vật liệu phóng xạ và hoạt động của tàu biển, phương tiện khác có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân

Việc vận chuyển vật liệu phóng xạ quá cảnh lãnh thổ Việt Nam, hoạt động của tàu biển, phương tiện khác có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép và phải chịu sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Mục 2. NHẬP KHẨU VÀ XUẤT KHẨU

Điều 65. Kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân

1. Việc nhập khẩu, xuất khẩu vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân chỉ được nhập khẩu, xuất khẩu khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép;

b) Vật liệu phóng xạ phải được đóng gói trong kiện hàng theo quy định tại Điều 61 của Luật này;

2. Cơ quan hải quan phải ưu tiên làm thủ tục thông quan vật liệu phóng xạ đáp ứng đầy đủ quy định tại khoản 1 Điều này; nếu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền buộc phải khắc phục trước khi thông quan hoặc tái xuất hoặc tịch thu.

4. Tổ chức, cá nhân xuất khẩu vật liệu phóng xạ, thiết bị hạt nhân vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền buộc phải khắc phục trước khi thông quan.

5. Chính phủ quy định cụ thể cơ chế phối hợp giữa cơ quan hải quan, cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân, các cơ quan liên quan trong việc kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân tại cửa khẩu.

Điều 66. Kiểm soát nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng đã chiếu xạ hoặc chứa chất phóng xạ

1. Hàng hóa tiêu dùng đã chiếu xạ không có trong danh mục được phép nhập khẩu hoặc có trong danh mục được phép nhập khẩu nhưng đã chiếu xạ hoặc chứa chất phóng xạ quá mức quy định thì không được phép nhập khẩu.

2. Hàng hóa tiêu dùng đã chiếu xạ hoặc chứa chất phóng xạ được phép nhập khẩu phải ghi rõ trên nhãn.

3. Bộ Y tế quy định danh mục sản phẩm tiêu dùng đã chiếu xạ hoặc chứa chất phóng xạ được phép nhập khẩu và mức chiếu xạ đối với hàng hóa tiêu dùng trên cơ sở kết quả thẩm định an toàn của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân.

Điều 67. Kiểm soát hàng hóa nhập khẩu nghi ngờ chứa chất phóng xạ hoặc nhiễm phóng xạ

1. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân phối hợp với cơ quan hải quan triển khai các biện pháp cần thiết để phát hiện, kiểm tra hàng hóa nhập khẩu nghi ngờ chứa chất phóng xạ hoặc nhiễm phóng xạ.

2. Khi phát hiện hàng hóa nhập khẩu chứa chất phóng xạ hoặc nhiễm phóng xạ, cơ quan hải quan dừng làm thủ tục thông quan, thông báo cho chủ hàng để xử lý bằng các biện pháp sau đây:

a) Áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác hại đối với con người, môi trường;

b) Áp dụng các biện pháp loại bỏ chất phóng xạ, tẩy xạ hàng hóa chứa chất phóng xạ hoặc nhiễm phóng xạ, trừ trường hợp tái xuất ngay.

3. Cơ quan hải quan phối hợp với cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân kiểm soát việc thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Sau khi áp dụng các biện pháp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này mà hàng hóa đủ điều kiện nhập khẩu thì tiếp tục cho làm thủ tục thông quan, trường hợp không đủ điều kiện thì buộc tái xuất.

5. Chủ hàng có trách nhiệm khắc phục mọi hậu quả do hàng hóa nhập khẩu chứa chất phóng xạ hoặc nhiễm phóng xạ gây ra tại bến cảng.

Chương 8.

DỊCH VỤ HỖ TRỢ ỨNG DỤNG NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ

Điều 68. Hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử

1. Tư vấn kỹ thuật và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

2. Đánh giá, định giá, giám định công nghệ bức xạ, công nghệ hạt nhân.

3. Đào tạo nhân viên bức xạ; đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ.

4. Lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân.

5. Đo liều chiếu xạ cá nhân, đánh giá hoạt độ phóng xạ.

6. Kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị ghi đo bức xạ, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân.

7. Tẩy xạ.

8. Thay, đảo nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân.

9. Lắp đặt nguồn phóng xạ.

10. Các hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác.

Điều 69. Điều kiện hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử

1. Tổ chức tiến hành hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật;

b) Có ít nhất hai người có chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử;

c) Có cơ sở vật chất – kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động dịch vụ theo nội dung đăng ký.

2. Cá nhân hoạt động độc lập trong lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử phải có chứng chỉ hành nghề dịch vụ.

3. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử phải đăng ký hoạt động theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Điều 70. Chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử

1. Cá nhân có đủ điều kiện sau đây được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử:

a) Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;

b) Có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc phù hợp;

c) Đã qua khóa đào tạo dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử tại cơ sở đào tạo.

2. Người được cấp chứng chỉ quy định tại Điều này có trách nhiệm thường xuyên cập nhật kiến thức liên quan.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể về cơ sở đào tạo dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử; việc cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử và việc công nhận chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử do tổ chức nước ngoài cấp.

Điều 71. Quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử có các quyền sau đây:

a) Tiến hành hoạt động đã đăng ký;

b) Yêu cầu người sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc cung ứng dịch vụ;

c) Sử dụng cộng tác viên trong nước và nước ngoài để thực hiện hoạt động dịch vụ;

d) Nhận thù lao từ việc cung ứng dịch vụ theo thỏa thuận;

đ) Yêu cầu người sử dụng dịch vụ bồi thường thiệt hại do lỗi của người sử dụng dịch vụ gây ra cho mình;

e) Hợp tác, liên doanh với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài để tiến hành hoạt động dịch vụ;

g) Tham gia hiệp hội ngành, nghề trong nước, khu vực và quốc tế theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện việc cung ứng dịch vụ theo đúng nội dung đã đăng ký;

b) Thực hiện hợp đồng dịch vụ đã giao kết;

c) Chịu trách nhiệm với bên sử dụng dịch vụ về kết quả thực hiện dịch vụ của mình;

d) Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra cho bên sử dụng dịch vụ;

đ) Thực hiện nghĩa vụ về tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật;

e) Thông báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ và cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân khi phát hiện có nguy cơ phát sinh sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân.

Chương 9.

KHAI BÁO VÀ CẤP GIẤY PHÉP

Điều 72. Khai báo chất phóng xạ, thiết bị bức xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân

1. Tổ chức, cá nhân có chất phóng xạ hoặc chất thải phóng xạ với hoạt động trên mức miễn trừ khai báo, thiết bị bức xạ có công suất trên mức miễn trừ khai báo, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân phải khai báo với cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân về số lượng, loại, đặc tính, xuất xứ và các thông tin khác quy định tại khoản 3 Điều 22 của Luật này.

2. Việc khai báo phải được thực hiện trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày có vật liệu phóng xạ, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân.

Điều 73. Giấy phép tiến hành công việc bức xạ

1. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải có giấy phép, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tổ chức, cá nhân được tiến hành các công việc bức xạ dưới đây không phải xin cấp giấy phép:

a) Sản xuất, chế biến, nhập khẩu, xuất khẩu, đóng gói, vận chuyển, lưu giữ, sử dụng chất phóng xạ có hoạt độ từ mức miễn trừ cấp phép trở xuống;

b) Sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ thuộc danh mục không phải xin cấp giấy phép.

Điều 74. Thời hạn của giấy phép tiến hành công việc bức xạ

1. Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm dưới trung bình được cấp cho nhiều chuyến hàng có thời hạn mười hai tháng.

2. Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm từ trung bình trở lên, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân được cấp cho từng chuyến hàng có thời hạn sáu tháng.

3. Giấy phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài vận chuyển vật liệu phóng xạ quá cảnh lãnh thổ Việt Nam; giấy phép cho tàu biển, phương tiện khác có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có thời hạn sáu tháng.

4. Giấy phép cho tàu biển, phương tiện khác có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân của tổ chức, cá nhân trong nước có thời hạn mười năm.

5. Giấy phép vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, vận hành nhà máy điện hạt nhân có thời hạn mười năm.

6. Giấy phép vận hành thiết bị chiếu xạ có thời hạn năm năm.

7. Giấy phép tiến hành công việc bức xạ khác có thời hạn ba năm.

Điều 75. Điều kiện cấp giấy phép

1. Tổ chức có đủ các điều kiện sau đây thì được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ:

a) Được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Tiến hành công việc bức xạ phù hợp với chức năng hoạt động;

c) Có đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất – kỹ thuật phù hợp;

d) Đáp ứng đủ các điều kiện bảo đảm an toàn, an ninh đối với từng công việc bức xạ cụ thể theo quy định của Luật này;

đ) Hoàn thành hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Cá nhân có đủ các điều kiện quy định sau đây thì được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ:

a) Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;

b) Tiến hành công việc bức xạ phù hợp với đăng ký hành nghề hoặc đăng ký kinh doanh;

c) Có trình độ chuyên môn phù hợp;

d) Đáp ứng đủ các điều kiện bảo đảm an toàn, an ninh đối với từng công việc bức xạ cụ thể theo quy định của Luật này;

đ) Hoàn thành hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 76. Các loại hồ sơ xin cấp giấy phép

1. Hồ sơ xin cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ có các tài liệu sau đây:

a) Đơn xin cấp giấy phép;

b) Số lượng, loại, đặc tính, xuất xứ và mục đích sử dụng của chất phóng xạ, thiết bị bức xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân;

c) Tài liệu chứng minh đủ điều kiện về nhân lực; kế hoạch đào tạo, huấn luyện nhân lực;

d) Báo cáo đánh giá an toàn hoặc báo cáo phân tích an toàn đối với từng công việc bức xạ cụ thể;

đ) Quy trình bảo đảm chất lượng;

e) Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân đối với từng công việc bức xạ cụ thể;

g) Dự kiến hệ thống hồ sơ lưu giữ và hệ thống báo cáo.

2. Hồ sơ xin cấp giấy phép xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng gồm các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này và các tài liệu sau đây:

a) Dự kiến số lượng, loại, đặc tính chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng được lưu giữ, xử lý;

b) Phương pháp, thiết bị xử lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng;

c) Dự kiến khả năng phát thải ra môi trường và kế hoạch kiểm xạ môi trường;

d) Dự kiến các nghiên cứu, triển khai hỗ trợ việc xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại cơ sở;

đ) Dự kiến địa điểm lưu giữ và chôn cất.

3. Hồ sơ xin cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ gồm các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này và các tài liệu sau đây:

a) Bản đồ khu vực thăm dò, khai thác, chế biến quặng;

b) Dự kiến địa điểm lưu giữ chất thải của hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến; phương pháp và thiết bị xử lý chất thải;

c) Dự kiến các biện pháp, kế hoạch phục hồi môi trường sau khi kết thúc từng giai đoạn và toàn bộ hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến.

4. Hồ sơ xin cấp giấy phép vận chuyển vật liệu phóng xạ gồm các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này và các tài liệu sau đây:

a) Tài liệu chứng minh phương tiện vận chuyển đáp ứng yêu cầu an toàn, an ninh;

b) Mô tả chi tiết kiện hàng;

c) Biện pháp cố định vật liệu phóng xạ trong kiện hàng, cố định nắp kiện hàng và cố định kiện hàng trên phương tiện vận chuyển;

d) Suất liều chiếu xạ cực đại trên bề mặt của kiện hàng và cách kiện hàng một mét;

đ) Tài liệu chứng minh bảo đảm an toàn đối với vật liệu phóng xạ xếp trong kiện hàng trong điều kiện bình thường cũng như khi có sự cố;

e) Hợp đồng vận chuyển.

5. Hồ sơ xin cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu vật liệu phóng xạ, thiết bị hạt nhân bao gồm các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này và các tài liệu sau đây:

a) Thông tin về tổ chức, cá nhân sử dụng vật liệu phóng xạ, thiết bị hạt nhân;

b) Hợp đồng nhập khẩu, xuất khẩu ghi rõ trách nhiệm của các bên khi tham gia nhập khẩu, xuất khẩu.

Điều 77. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp giấy phép

1. Thẩm quyền cấp giấy phép được quy định như sau:

a) Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ, trừ trường hợp quy định tại các điểm b, c và d Điều này;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế;

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ trên cơ sở kết quả thẩm định an toàn của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân;

d) Bộ Công thương cấp giấy phép vận hành thử và vận hành chính thức nhà máy điện hạt nhân sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Khoa học và Công nghệ và Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia.

2. Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải xem xét cấp giấy phép trong thời hạn sau đây:

a) Mười lăm ngày làm việc đối với nhập khẩu, xuất khẩu;

b) Ba mươi ngày đối với thiết bị X-quang sử dụng trong y tế;

c) Sáu mươi ngày đối với các công việc bức xạ khác, trừ giấy phép vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu và giấy phép vận hành nhà máy điện hạt nhân.

3. Trường hợp không cấp giấy phép thì chậm nhất trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 78. Sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép

1. Tổ chức, cá nhân muốn sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép tiến hành công việc bức xạ phải gửi hồ sơ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Tổ chức, cá nhân phải gửi hồ sơ xin gia hạn giấy phép trước khi giấy phép hết hạn ít nhất một trăm tám mươi ngày đối với vận hành lò phản ứng hạt nhân và vận hành nhà máy điện hạt nhân, sáu mươi ngày đối với các công việc bức xạ khác.

3. Hồ sơ, trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép được thực hiện theo quy định tại các điều 41, 47, 48, 50, 64, 76 và 77 của Luật này.

4. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép có quyền sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép.

Điều 79. Thu hồi giấy phép

1. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép tiến hành công việc bức xạ trong các trường hợp sau đây:

a) Vi phạm nghiêm trọng điều kiện về an toàn, an ninh;

b) Vi phạm điều kiện về an toàn, an ninh mà không khắc phục được trong thời hạn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;

c) Bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm quy định về an toàn, an ninh lần thứ hai trong khoảng thời gian mười hai tháng;

d) Bị buộc phải chấm dứt hoạt động tiến hành công việc bức xạ theo quy định của pháp luật;

đ) Xin chấm dứt tiến hành công việc bức xạ.

2. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép do vi phạm quy định về an toàn, an ninh chỉ được xem xét cấp lại giấy phép sau hai mươi bốn tháng, kể từ ngày bị thu hồi giấy phép.

3. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép có quyền thu hồi giấy phép.

Điều 80. Phí và lệ phí

1. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép phải nộp phí và lệ phí theo quy định của pháp luật.

2. Chính phủ quy định cụ thể việc thu phí, lệ phí và sử dụng phí, lệ phí đối với các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh trong các hoạt động đó.

Điều 81. Trách nhiệm quy định, hướng dẫn việc khai báo, cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ

1. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm quy định, hướng dẫn các nội dung sau đây:

a) Thủ tục, hồ sơ khai báo vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân;

b) Danh mục công việc bức xạ sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ không phải xin cấp giấy phép;

c) Hồ sơ xin cấp giấy phép vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu;

d) Hồ sơ xin cấp giấy phép vận chuyển vật liệu phóng xạ quá cảnh lãnh thổ Việt Nam; hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động của tàu biển, phương tiện khác có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam;

đ) Thời hạn xem xét hồ sơ cấp giấy phép xây dựng, vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu;

e) Nội dung và mẫu các loại giấy phép;

g) Điều kiện về nhân lực và kỹ thuật để được cấp giấy phép.

2. Bộ Công thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quy định, hướng dẫn về hồ sơ xin cấp giấy phép, thời hạn xem xét hồ sơ cấp giấy phép vận hành nhà máy điện hạt nhân; nội dung, mẫu giấy phép; điều kiện về tài chính, nhân lực và kỹ thuật để được cấp giấy phép.

Chương 10.

ỨNG PHÓ SỰ CỐ, BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI BỨC XẠ, HẠT NHÂN

Mục 1. ỨNG PHÓ SỰ CỐ BỨC XẠ, SỰ CỐ HẠT NHÂN

Điều 82. Sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân

1. Sự cố bức xạ là tình trạng mất an toàn bức xạ và mất an ninh đối với nguồn phóng xạ. Sự cố hạt nhân là tình trạng mất an toàn hạt nhân và mất an ninh đối với vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân.

2. Sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân (sau đây gọi chung là sự cố) được phân thành năm nhóm tình huống có thể xảy ra để xây dựng kế hoạch ứng phó:

a) Nhóm 1 là nhóm tình huống sự cố không nghiêm trọng do thiết bị bất bình thường hoặc do con người gây ra, nhưng chưa có rò rỉ phóng xạ, chưa gây hại đối với con người;

b) Nhóm 2 là nhóm tình huống sự cố ít nghiêm trọng do thiết bị bị hư hại hoặc do con người gây ra, làm rò rỉ phóng xạ, nhưng phát tán không rộng, chưa gây hại đối với con người;

c) Nhóm 3 là nhóm tình huống sự cố nghiêm trọng do thiết bị bị hư hại nặng hoặc do con người gây ra, làm rò rỉ phóng xạ, phát tán rộng, ảnh hưởng đối với con người trong cơ sở tiến hành công việc bức xạ;

d) Nhóm 4 là nhóm tình huống sự cố rất nghiêm trọng do thiết bị bị hư hại nặng hoặc do con người gây ra, làm rò rỉ phóng xạ, phát tán rộng, ảnh hưởng đối với con người và môi trường bên ngoài cơ sở tiến hành công việc bức xạ, phạm vi ảnh hưởng trong một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

đ) Nhóm 5 là nhóm tình huống sự cố đặc biệt nghiêm trọng do thiết bị bị hư hại nặng hoặc do con người gây ra, làm rò rỉ phóng xạ, phát tán mạnh, ảnh hưởng đối với con người và môi trường bên ngoài cơ sở ở diện rộng, phạm vi ảnh hưởng từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên hoặc ra ngoài biên giới quốc gia, kể cả sự cố xảy ra ở nước khác có phạm vi ảnh hưởng đến một hoặc nhiều địa phương của Việt Nam.

3. Mức sự cố để thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi xảy ra sự cố hạt nhân được xác định như sau:

a) Sự cố mức 1 là sự kiện bất thường vượt quá quy định, nhưng trong mức độ cho phép;

b) Sự cố mức 2 là sự cố khi thiết bị bảo vệ bị hư hại hoặc khi nhân viên bức xạ bị nhiễm xạ nhưng trong giới hạn cho phép;

c) Sự cố mức 3 là sự cố nghiêm trọng, có rò rỉ chất phóng xạ, người dân bị nhiễm xạ trong giới hạn cho phép;

d) Sự cố mức 4 là tai nạn, nhân viên bức xạ bị nhiễm xạ có nguy cơ tử vong, không gây tác hại ở ngoài cơ sở hạt nhân, người dân bị nhiễm xạ trong mức giới hạn cho phép;

đ) Sự cố mức 5 là tai nạn, gây tác hại ở ngoài cơ sở hạt nhân, nhưng chất phóng xạ thoát ra ngoài cơ sở hạt nhân không đáng kể, cần thực hiện một số biện pháp ứng phó sự cố;

e) Sự cố mức 6 là tai nạn nghiêm trọng, chất phóng xạ thoát ra ngoài cơ sở hạt nhân một lượng đáng kể, cần thực hiện tất cả các biện pháp ứng phó sự cố;

g) Sự cố mức 7 là tai nạn rất nghiêm trọng, chất phóng xạ thoát ra ngoài cơ sở hạt nhân rất nhiều, gây tác hại đối với con người và môi trường trên diện rộng.

4. Chính phủ quy định cụ thể việc xác định mức sự cố và việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi xảy ra sự cố.

Điều 83. Kế hoạch ứng phó sự cố

1. Kế hoạch ứng phó sự cố gồm có kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở, kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh và kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia.

2. Kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở được áp dụng khi sự cố xảy ra ở các nhóm 1, 2 và 3 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này.

Nội dung kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở bao gồm dự kiến các tình huống sự cố có thể xảy ra; phương án huy động nhân lực, phương tiện thực hiện các biện pháp ứng phó ban đầu, tổ chức cấp cứu người bị nạn, hạn chế sự cố lan rộng, hạn chế hậu quả, cô lập khu vực nguy hiểm và kiểm soát an toàn, an ninh; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố định kỳ hằng năm.

3. Kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh được áp dụng khi sự cố xảy ra ở nhóm 4 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này hoặc trong trường hợp sự cố xảy ra ở các nhóm 1, 2 và 3 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này nhưng vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở.

Nội dung kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh bao gồm dự kiến các tình huống sự cố có thể xảy ra; phương án huy động nhân lực, phương tiện thực hiện các biện pháp ứng phó ban đầu, tổ chức cấp cứu người bị nạn, hạn chế sự cố lan rộng, hạn chế hậu quả, cô lập khu vực nguy hiểm và kiểm soát an toàn, an ninh; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố định kỳ hằng năm.

4. Kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia được áp dụng khi sự cố xảy ra ở nhóm 5 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này hoặc trong trường hợp sự cố xảy ra ở nhóm 4 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này nhưng vượt quá khả năng ứng phó của cấp tỉnh.

Nội dung kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia bao gồm tổ chức bộ máy, dự kiến các tình huống sự cố có thể xảy ra, các phương án ứng phó sự cố, tổ chức diễn tập ứng phó sự cố định kỳ hai năm một lần.

5. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở. Cơ quan cấp giấy phép có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh; Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc lập kế hoạch và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 84. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan khi sự cố xảy ra

1. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ có trách nhiệm:

a) Xác định vị trí xảy ra sự cố, xác định sơ bộ nguyên nhân, tính chất và khả năng diễn biến sự cố tương ứng với nhóm tình huống quy định tại Điều 82 của Luật này để áp dụng các biện pháp ứng phó;

b) Huy động nhân lực, phương tiện của cơ sở để khắc phục sự cố, hạn chế sự cố lan rộng, hạn chế hậu quả, tổ chức cấp cứu người bị nạn, cô lập nơi nguy hiểm, kiểm soát an ninh;

c) Thông báo ngay cho cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp, Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan công an nơi xảy ra sự cố hoặc cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân về địa điểm xảy ra sự cố; đánh giá sơ bộ nguyên nhân xảy ra sự cố và ảnh hưởng đối với con người, môi trường;

d) Cung cấp thông tin, tài liệu, tạo mọi điều kiện hỗ trợ cần thiết cho việc khắc phục và điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố.

2. Bộ, ngành chủ quản, tổ chức cấp trên trực tiếp của tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ triển khai kế hoạch ứng phó sự cố;

b) Cử ngay cán bộ có thẩm quyền đến nơi xảy ra sự cố để giám sát, đôn đốc ứng phó sự cố;

c) Huy động nhân lực, phương tiện của bộ, ngành, tổ chức mình để hỗ trợ ứng phó sự cố trong trường hợp sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cấp cơ sở;

d) Trong thời hạn năm ngày kể từ ngày xảy ra sự cố thuộc các nhóm 1, 2 và 3 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này, phải thông báo cho Ủy ban nhân dân địa phương, cơ quan công an nơi xảy ra sự cố, cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân về các vấn đề liên quan đến sự cố và các biện pháp khắc phục sự cố đã được tiến hành.

đ) Kịp thời báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban quốc gia tìm kiếm – cứu nạn về sự cố xảy ra thuộc nhóm 4 và nhóm 5 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này và huy động nhân lực, phương tiện của bộ, ngành, tổ chức mình tham gia ứng phó sự cố theo điều động của Chủ tịch Ủy ban quốc gia tìm kiếm – cứu nạn;

e) Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan có liên quan điều tra, xác định nguyên nhân sự cố và mức sự cố theo quy định tại khoản 3 Điều 82 của Luật này.

g) Phối hợp với Bộ Y tế huy động nhân lực, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn;

h) Cung cấp thông tin, tài liệu và tạo mọi điều kiện hỗ trợ cần thiết cho việc cứu hộ, cứu nạn, khắc phục, điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện, chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh khi xảy ra sự cố thuộc nhóm 4 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này; kịp thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban quốc gia tìm kiếm – cứu nạn và yêu cầu hỗ trợ khi sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của địa phương;

b) Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở khi xảy ra sự cố thuộc các nhóm 1, 2 và 3 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này; kịp thời hỗ trợ trong trường hợp sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cấp cơ sở;

c) Huy động nhân lực, phương tiện ở địa phương tham gia ứng phó sự cố theo điều động của Chủ tịch Ủy ban quốc gia tìm kiếm – cứu nạn thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh và kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia;

d) Kịp thời báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ về sự cố xảy ra trên địa bàn;

đ) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương về sự cố xảy ra trên địa bàn.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thực hiện các biện pháp hỗ trợ, huy động nhân lực, phương tiện khắc phục sự cố; hạn chế sự cố lan rộng, hạn chế hậu quả, cô lập nơi nguy hiểm;

b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban quốc gia tìm kiếm – cứu nạn thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh và kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia;

c) Kịp thời báo cáo Ủy ban quốc gia tìm kiếm – cứu nạn trong trường hợp sự cố thuộc nhóm 5 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này;

d) Xác định nguyên nhân xảy ra sự cố và mức sự cố theo quy định tại khoản 3 Điều 82 của Luật này; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

đ) Thông báo về sự cố cho quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan và đề nghị trợ giúp quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về thông báo sự cố và trợ giúp quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong trường hợp sự cố không gây ảnh hưởng qua biên giới quốc gia.

5. Ủy ban quốc gia tìm kiếm – cứu nạn có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện, chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia khi xảy ra sự cố thuộc nhóm 5 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này;

b) Kịp thời hỗ trợ ứng phó sự cố thuộc nhóm 4 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này khi sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của địa phương.

6. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm:

a) Huy động nhân lực, phương tiện tham gia thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia khi xảy ra sự cố thuộc nhóm 5 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này;

b) Huy động nhân lực, phương tiện hỗ trợ ứng phó sự cố thuộc nhóm 4 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này khi sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của địa phương.

7. Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo, huy động nhân lực, phương tiện tham gia thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia; chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan có liên quan điều tra nguyên nhân sự cố.

8. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo về sự cố cho quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan và đề nghị trợ giúp quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về thông báo sự cố và trợ giúp quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong trường hợp sự cố có ảnh hưởng qua biên giới quốc gia.

9. Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, huy động nhân lực, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn.

10. Tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu và tạo mọi điều kiện hỗ trợ cần thiết cho việc khắc phục và điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố.

Điều 85. Nguyên tắc cung cấp thông tin về sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân

1. Thông tin về sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân có khả năng ảnh hưởng đối với khu vực xung quanh nơi xảy ra sự cố phải được cung cấp kịp thời, trung thực cho người dân trong khu vực.

2. Cơ quan thông tin đại chúng đưa tin về sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân phải bảo đảm tính trung thực, khách quan và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về báo chí.

Điều 86. Ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân khi có tình trạng khẩn cấp

Trong trường hợp xảy ra tình huống đặc biệt nghiêm trọng, gây thảm họa lớn, việc ban bố tình trạng khẩn cấp và chỉ đạo ứng phó sự cố được thực hiện theo pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

Mục 2. BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI  

Điều 87. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bức xạ, thiệt hại hạt nhân

1. Thiệt hại bức xạ là tổn thất đối với con người, tài sản, môi trường do sự cố bức xạ gây ra, bao gồm cả chi phí cho khắc phục hậu quả.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bức xạ được xác định theo quy định của pháp luật về dân sự.

2. Thiệt hại hạt nhân là tổn thất đối với con người, tài sản, môi trường do sự cố hạt nhân gây ra, bao gồm cả chi phí cho khắc phục hậu quả.

Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu giao quyền lưu trữ, sử dụng vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân phải bồi thường thiệt hại do sự cố hạt nhân gây ra cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sự cố xảy ra do chiến tranh, khủng bố, thảm họa thiên tai vượt quá giới hạn an toàn của thiết kế theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Điều 88. Mức bồi thường thiệt hại bức xạ, thiệt hại hạt nhân

1. Mức bồi thường thiệt hại bức xạ được xác định theo quy định của pháp luật về dân sự.

2. Mức bồi thường thiệt hại hạt nhân do các bên thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định sau đây:

a) Thiệt hại đối với con người được xác định theo quy định của pháp luật về dân sự;

b) Thiệt hại đối với môi trường được xác định theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

c) Tổng mức bồi thường thiệt hại đối với mỗi sự cố hạt nhân xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân không vượt quá một trăm năm mươi triệu SDR, đối với sự cố xảy ra tại các cơ sở hạt nhân khác và sự cố do vận chuyển vật liệu hạt nhân không vượt quá mười triệu SDR.

SDR quy định tại khoản này là đơn vị tiền tệ do Quỹ tiền tệ quốc tế xác định, là quyền rút vốn đặc biệt, được quy đổi thành tiền Việt Nam theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán bồi thường.

Điều 89. Thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại bức xạ, thiệt hại hạt nhân

1. Thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại bức xạ được xác định theo quy định của pháp luật về dân sự.

2. Thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại hạt nhân được quy định như sau:

a) Đối với thiệt hại về tài sản, môi trường là mười năm, kể từ ngày xảy ra sự cố hạt nhân;

b) Đối với thiệt hại về con người là ba mươi năm, kể từ ngày xảy ra sự cố hạt nhân.

Điều 90. Bảo hiểm nghề nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường

1. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải mua bảo hiểm nghề nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm dân sự; trường hợp công việc bức xạ có tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại lớn cho môi trường thì phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.

2. Chính phủ quy định cụ thể việc mua bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 91. Quỹ hỗ trợ khắc phục thiệt hại hạt nhân

1. Quỹ hỗ trợ khắc phục thiệt hại hạt nhân được sử dụng trong các trường hợp sau:

a) Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bồi thường thiệt hại không còn tồn tại;

b) Mức thiệt hại vượt quá giới hạn bồi thường cho mỗi sự cố hạt nhân quy định tại điểm c khoản 2 Điều 88 của Luật này.

2. Quỹ hỗ trợ khắc phục thiệt hại hạt nhân được hình thành từ các nguồn sau:

a) Đóng góp của các cơ sở hạt nhân;

b) Tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước;

c) Tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế;

d) Các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

3. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về quỹ hỗ trợ khắc phục thiệt hại hạt nhân.

Chương 11.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 92. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.

Bãi bỏ Pháp lệnh an toàn và kiểm soát bức xạ ngày 25 tháng 6 năm 1996.

Điều 93. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết các điều 65, 80, 82, 90 và những nội dung cần thiết khác của Luật này theo yêu cầu quản lý.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 03 tháng 6 năm 2008.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Phú Trọng

 

 

THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 01/01/2009
 
 QUỐC HỘI
THE NATIONAL ASSEMBLY
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness

---------------
Luật số: 18/2008/QH12
Law No. 18/2008/QH12
Hà Nội, ngày 03  tháng 06  năm 2008
Hanoi, June 3, 2008

LUẬT
LAW

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật năng lượng nguyên tử,

Pursuant to the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam which was amended and supplemented under Resolution No. 51/2001/ QH10;The National Assembly promulgates the Law on Atomic Energy.
Chương 1.
Chapter I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
GENERAL PROVISIONS
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Article 1.- Scope of regulation
Luật này quy định về các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh trong các hoạt động đó.
This Law provides for activities in the domain of atomic energy and the assurance of safety and security in these activities.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Article 2.- Subjects of application
Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tiến hành các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại Việt Nam.
This Law applies to domestic organizations and individuals, overseas Vietnamese, foreign organizations and individuals, and international organizations that conduct activities in the domain of atomic energy in Vietnam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Article 3.- Interpretation of terms
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
In this Law, the terms and phrases below are construed as follows:
1. Năng lượng nguyên tử là năng lượng được giải phóng trong quá trình biến đổi hạt nhân bao gồm năng lượng phân hạch, năng lượng nhiệt hạch, năng lượng do phân rã chất phóng xạ; là năng lượng sóng điện từ có khả năng ion hóa vật chất và năng lượng các hạt được gia tốc.
1. Atomic energy means energy released from the transformation of atomic nuclei, including fission energy, fusion energy and energy released from radioactive decay. It is a kind of energy of ionizing electromagnetic waves or accelerated panicles.
2. Hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; xây dựng, vận hành, bảo dưỡng, khai thác, quản lý và tháo dỡ cơ sở hạt nhân, cơ sở bức xạ; thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng phóng xạ; sản xuất, lưu giữ, sử dụng, vận chuyển, chuyển giao, xuất khẩu, nhập khẩu nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, nhiên liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân; xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ và các dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử.
2. Atomic energy activities means activities of scientific research and technological development in the domain of atomic energy; building, operation, maintenance, exploitation, management and dismantlement of nuclear facilities and radiation facilities; exploration, exploitation, processing and use of radioactive ores; production, storage, use, transportation, transfer, export and import of radioactive sources, radiation equipment, nuclear fuel, nuclear source material, nuclear material and equipment; disposal and storage of radioactive waste and atomic energy application services.
3. Bức xạ là chùm hạt hoặc sóng điện từ có khả năng ion hóa vật chất.
3. Radiation means a beam of particles or ionizing electromagnetic waves.
4. Nguồn bức xạ là nguồn phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ.
4. Radiation source means a radioactive source or radiation equipment.
5. Nguồn phóng xạ là chất phóng xạ được chế tạo để sử dụng, không bao gồm vật liệu hạt nhân.
5. Radioactive source means a radioactive substance produced for use, not including nuclear material.
6. Thiết bị bức xạ là thiết bị phát ra bức xạ hoặc có khả năng phát ra bức xạ.
6. Radiation equipment means an equipment that radiates or capable of radiating.
7. Hoạt độ phóng xạ là đại lượng biểu thị số hạt nhân phân rã phóng xạ trong một đơn vị thời gian.
7. Radioactivity means a quantity denoting the number of disintegrated nuclei per unit of time.
8. Chất phóng xạ là chất phát ra bức xạ do quá trình phân rã hạt nhân, chuyển mức năng lượng hạt nhân, có hoạt độ phóng xạ riêng hoặc tổng hoạt độ lớn hơn mức miễn trừ.
8. Radioactive substance means a substance that radiates as a result of nuclear decay or transition of nuclear energy level, and has a specific radioactivity or a total activity exceeding the exemption level.
9. Dược chất phóng xạ là dược chất có chứa chất phóng xạ dùng cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh.
9. Radioactive pharmaceutical means a pharmaceutical containing a radioactive substance and used for disease diagnosis and treatment.
10. Đồng vị phóng xạ là các dạng khác nhau của một nguyên tố hóa học có khả năng phân rã phóng xạ.
Radioactive isotope (radioisotope) means a variant of a chemical element that can radioactively disintegrate.
11. Chất thải phóng xạ là chất thải chứa chất phóng xạ hoặc vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ phải thải bỏ.
11. Radioactive waste means a refuse containing a radioactive substance or a radioactively contaminated object which must be disposed of.
12. Chiếu xạ là sự tác động của bức xạ vào con người, môi trường, động vật, thực vật hoặc đối tượng vật chất khác.
12. Irradiation means the effect of radiation on human beings, the environment, animals, plants or other material objects.
13. Liều chiếu xạ là đại lượng đo mức độ chiếu xạ.
13. Irradiation dose means a quantity measuring the level of irradiation.
14. Kiểm xạ là việc đo liều chiếu xạ hoặc đo mức nhiễm bẩn phóng xạ để đánh giá, kiểm soát mức độ chiếu xạ do bức xạ hoặc chất phóng xạ gây ra.
14. Radiation inspection means the measurement of irradiation doses or levels of radioactive contamination for the purpose of assessing and controlling the level of irradiation caused by radiation or radioactive substances.
15. Vật liệu hạt nhân nguồn là một trong các vật liệu sau đây: urani, thori dưới dạng quặng hoặc đuôi quặng; urani chứa thành phần đồng vị urani 235 ít hơn urani trong tự nhiên; các quặng chứa thori, urani bằng hoặc lớn hơn 0,05% tính theo trọng lượng; các hợp chất của thori và urani khác chưa đủ hàm lượng để được xác định là vật liệu hạt nhân.
15. Nuclear source material means any of the following materials: uranium or thorium in the form of ore or mine tailings; uranium containing the isotope 235 less than natural uranium; ores containing by weight 0.05% or more of thorium or uranium; other uranium or thorium compounds of a concentration not up to the level for being treated as nuclear material.
16. Vật liệu hạt nhân là vật liệu có khả năng phân hạch bao gồm plutoni có hàm lượng đồng vị plutoni 238 không lớn hơn 80%, urani 233, urani đã làm giàu đồng vị urani 235 hoặc đồng vị urani 233, urani có thành phần đồng vị như trong tự nhiên trừ urani dưới dạng quặng hoặc đuôi quặng.
16. Nuclear material means a fissionable material, including plutonium with isotopic concentration not exceeding 80% in plutonium 238, uranium 233. uranium enriched in the isotope 235 or 253, or uranium with an isotopic composition as occurring in nature other than in the form of ore or mine tailings.
17. Nhiêu liệu hạt nhân là vật liệu hạt nhân được chế tạo làm nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân.
17. Nuclear fuel means a nuclear material produced for use as a fuel for nuclear reactors.
18. Thiết bị hạt nhân là lò phản ứng hạt nhân, thiết bị làm giàu urani, thiết bị chế tạo nhiên liệu hạt nhân hoặc thiết bị xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
18. Nuclear equipment means a nuclear reactor or an equipment for enriching uranium, producing nuclear fuel or disposing of spent nuclear fuel.
19. Chu trình nhiên liệu hạt nhân là một chuỗi hoạt động liên quan đến tạo ra năng lượng hạt nhân từ khai thác, chế biến quặng urani hoặc thori; làm giàu urani; chế tạo nhiên liệu hạt nhân; sử dụng nhiên liệu trong lò phản ứng hạt nhân; tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng đến các hoạt động xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ sinh ra từ việc tạo ra năng lượng hạt nhân và các hoạt động nghiên cứu, phát triển có liên quan.
19. Nuclear fuel cycle means a series of operations associated with the generation of nuclear energy, from mining and processing of uranium or thorium ores; enrichment of uranium: production of nuclear fuel: use of fuel in nuclear reactors: reprocessing of spent nuclear fuel, to disposal and storage of radioactive waste discharged from the generation of nuclear energy, and related research and development activities.
20. An toàn bức xạ là việc thực hiện các biện pháp chống lại tác hại của bức xạ, ngăn ngừa sự cố hoặc giảm thiểu hậu quả của chiếu xạ đối với con người, môi trường.
20. Radiation safety means the application of measures against radiation hazards, prevention of incidents or mitigation of irradiation consequences for human beings and the environment.
21. An toàn hạt nhân là việc thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự cố hoặc giảm thiểu hậu quả sự cố do thiết bị hạt nhân, vật liệu hạt nhân gây ra cho con người, môi trường.
21. Nuclear safety means the application of measures to prevent incidents or mitigate consequences of incidents caused by nuclear equipment or material to human beings and the environment.
22. An ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân là việc thực hiện các biện pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn, đối phó với các hành vi chiếm đoạt, phá hoại, chuyển giao hoặc sử dụng bất hợp pháp nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân và nguy cơ thất lạc nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân.
22. Security of radioactive source, nuclear material and equipment means the application of measures to detect, prevent and respond to acts of misappropriating, sabotaging, illegally transferring or using radioactive source, nuclear material or equipment, and the risk of loss of radioactive source, nuclear material or equipment.
23. Mức miễn trừ khai báo, cấp phép là mức hoạt độ phóng xạ hoặc công suất của thiết bị bức xạ mà từ mức đó trở xuống chất phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ được coi là không nguy hại cho con người, môi trường.
23. Level for exemption from declaration or licensing means a level of radioactivity or capacity of radiation equipment at or below which radioactive substances or radiation equipment are considered harmless to human beings and the environment.
Điều 4. Áp dụng pháp luật và điều ước quốc tế
Article 4.- Application of international laws and treaties
1. Hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân (sau đây gọi chung là an toàn), an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân (sau đây gọi chung là an ninh) trong các hoạt động đó phải tuân thủ quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật luật có liên quan.
1. Atomic energy activities and assurance of radiation safety and nuclear safety (below collectively referred to as safety) and security of radioactive source, nuclear material and equipment (below collectively referred to as security) in these activities comply with the provisions of this Law and other relevant provisions of law.
2. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với quy định của luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh trong các hoạt động đó thì áp dụng quy định của Luật này.
2. In case the provisions of this Law are different from those of another law on the same content related to atomic energy activities and assurance of safety and security in these activities, the provisions of this Law prevail.
3. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
3. In case a treaty to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party contains provisions different from those of this Law, that treaty prevails.
Điều 5. Chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử
Article 5.- The State's policies on the domain of atomic energy
1. Đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế đầu tư vào hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
1. To invest and encourage domestic organizations and individuals, overseas Vietnamese, foreign organizations and individuals, and international organizations to invest in atomic energy activities for socio-economic development
2. Tập trung đầu tư phát triển điện hạt nhân, xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật, đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển điện hạt nhân.
2. To concentrate investment in developing nuclear power, building physical and technical foundations, training human resources, conducting scientific research and technological development for developing nuclear power.
3. Chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật và đào tạo nhân lực để bảo đảm an toàn, an ninh cho các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
3. To attach importance to investment in building physical and technical foundations and training human resources to ensure safety and security of atomic energy activities.
4. Ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển văn hóa, giáo dục, phúc lợi xã hội ở khu vực có nhà máy điện hạt nhân.
4. To prioritize investment in building technical infrastructure, developing culture and education and ensuring social welfare in areas where nuclear power plants are located.
5. Tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển điện hạt nhân.
5. To create conditions for organizations and individuals to invest in developing nuclear power.
Điều 6. Nguyên tắc hoạt động và bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử
Article 6.- Principles for atomic energy activities and assurance of safety and security in these activities
1. Hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được thực hiện vì mục đích hòa bình, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
1. Atomic energy activities are conducted for peaceful purposes and serving socio-economic development.
2. Hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phải bảo đảm an toàn cho sức khỏe, tính mạng con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội.
2. Atomic energy activities must ensure safety for human health and life and the environment, and social order and safety.
3. Hoạt động quản lý về an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phải bảo đảm khách quan, khoa học.
3. Management of safety and security in atomic energy activities must be objective and scientific.
Điều 7. Trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử
Article 7.- State management responsibilities in the domain of atomic energy
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
1. The Government shall perform the unified state management of atomic energy.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
2. The Science and Technology Ministry shall take responsibility before the Government for performing the state management of atomic energy.
3. Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử theo phân công của Chính phủ.
3. Ministries and ministerial-level agencies shall, within the ambit of their tasks and powers, perform the state management of atomic energy according to the Government's assignment.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử theo phân cấp của Chính phủ.
4. People's Committees of provinces and centrally run cities (below referred to as provincial-level People's Committees) shall perform the state management of atomic energy according to the Government's decentralization.
Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân
Article 8.- Tasks and powers of the radiation and nuclear safety agency
Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
The radiation and nuclear safety agency under the Science and Technology Ministry shall assist the Minister in performing the following tasks and exercising the following powers:
1. Xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân;
1. Elaborating draft legal documents on radiation and nuclear safety;
2. Tổ chức việc khai báo chất phóng xạ, thiết bị bức xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân và việc cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo thẩm quyền;
2. Organizing the declaration of radioactive substances, radiation equipment nuclear material, nuclear equipment, and the grant of licenses to perform radiation jobs according to its competence;
3. Thẩm định và tổ chức thẩm định an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân;
3. Assessing and organizing the assessment of radiation and nuclear safety;
4. Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, tạm dừng công việc bức xạ theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm dừng vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, vận hành nhà máy điện hạt nhân khi phát hiện các yếu tố không an toàn;
4. Inspecting, examining, and handling violations of regulations on radiation and nuclear safety; ordering cessation of radiation jobs according toits competence; proposing competent state agencies to suspend the operation of research nuclear reactors or nuclear power plants upon detecting signs of unsafety;
5. Tổ chức thực hiện hoạt động kiểm soát hạt nhân theo quy định của pháp luật;
5. Organizing nuclear control activities under law;
6. Tham gia ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân theo thẩm quyền;
6. Participating in dealing with radiation or nuclear incidents according to its competence;
7. Xây dựng và cập nhật hệ thống thông tin quốc gia về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân;
7. Building and updating a national system of information on radiation and nuclear safety;
8. Tổ chức và phối hợp tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân;
8. Organizing and coordinating with other agencies in organizing professional training, retraining or guidance on radiation and nuclear safety;
9. Tổ chức thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.
9. Organizing activities of international cooperation in radiation and nuclear safety.
Điều 9. Hội đồng phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia và Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia
Article 9.- The National Council for Atomic Energy Development and Application and the National Council for Nuclear Safety
1. Hội đồng phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, có trách nhiệm giúp Thủ tướng về chiến lược, chính sách phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; quy hoạch, kế hoạch nghiên cứu, phát triển và sử dụng năng lượng nguyên tử.
1. The National Council for Atomic Energy Development and Application is a body functioning to advise the Prime Minister on strategies and policies on atomic energy development and application: plannings and plans on atomic energy research, development and use.
2. Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, có trách nhiệm giúp Thủ tướng về chính sách, biện pháp bảo đảm an toàn hạt nhân trong sử dụng năng lượng nguyên tử, trong quá trình hoạt động của nhà máy điện hạt nhân và biện pháp xử lý đối với sự cố hạt nhân đặc biệt nghiêm trọng; xem xét, đánh giá báo cáo an toàn của nhà máy điện hạt nhân, kết quả thẩm định của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân.
2. The National Council for Nuclear Safety is a body functioning to advise the Prime Minister on policies and measures to assure nuclear safety in the use of atomic energy, in the course of operation of nuclear power plants as well as measures to remedy particularly serious nuclear incidents; to examine and evaluate safety reports of nuclear power plants and results of assessment by the radiation and nuclear safety agency.
3. Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia và Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia.
3. The Prime Minister shall specify the organization and operation of the National Council for Atomic Energy Development and Application and the National Council for Nuclear Safety.
Điều 10. Kiểm soát hạt nhân
Article 10.- Nuclear control
1. Việc kiểm soát sử dụng vật liệu hạt nhân, kiểm soát vật liệu và thiết bị sử dụng trong chu trình nhiên liệu hạt nhân và kiểm soát hoạt động có liên quan nhằm ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, vận chuyển và sử dụng bất hợp pháp vật liệu hạt nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
1. The control of the use of nuclear material, the control of material and equipment used in the nuclear fuel cycle, and the control of related activities in order to prevent the proliferation of nuclear weapons, illegal transportation and use of nuclear material comply with law.
Thủ tướng Chính phủ quy định về hoạt động kiểm soát hạt nhân.
The Prime Minister shall specify nuclear control activities.
2. Tổ chức, cá nhân quản lý cơ sở hạt nhân, vật liệu hạt nhân, vật liệu và thiết bị sử dụng trong chu trình nhiên liệu hạt nhân, tiến hành hoạt động có liên quan phải tuân thủ yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện hoạt động kiểm soát hạt nhân.
2. Organizations and individuals that control nuclear facilities, nuclear material, materials and equipment used in the nuclear fuel cycle, or carry out related activities shall abide by requests of competent state management agencies conducting nuclear control activities.
Điều 11. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử
Article 11.- International cooperation in the domain of atomic energy
1. Nhà nước thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi.
1. The State undertakes international cooperation in the domain of atomic energy on the principles of respect for independence and sovereignty of other nations, equality and mutual benefit.
2. Nhà nước tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức quốc tế hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
2. The State creates conditions for domestic organizations and individuals, overseas Vietnamese, foreign organizations and individuals, and international organizations to enter into cooperation in the domain of atomic energy for socio-economic development.
Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm
Article 12.- Prohibited acts
1. Lợi dụng, lạm dụng hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử để xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, can thiệp vào công việc nội bộ, đe dọa an ninh và lợi ích quốc gia; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây tổn hại cho sức khỏe, tính mạng con người, môi trường.
1. Taking advantage of or abusing atomic energy activities to infringe upon independence, sovereignty or territorial integrity, interfere in internal affairs or threaten national security and interests; infringe upon lawful rights and interests of organizations and individuals, or harm human health or life or the environment.
2. Nghiên cứu, phát triển, chế tạo, mua bán, vận chuyển, chuyển giao, tàng trữ, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, vũ khí bức xạ.
2. Researching, developing, manufacturing, trading in. transporting, transferring, storing, using, or threatening to use nuclear or radiation weapons.
3. Tiến hành công việc bức xạ mà chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.
3. Performing radiation jobs without licenses issued by competent state management agencies under law.
4. Nhập khẩu chất thải phóng xạ.
4. Importing radioactive waste.
5. Vận chuyển chất thải phóng xạ, vật liệu hạt nhân bằng đường bưu điện.
5. Carrying radioactive waste or nuclear material by post.
6. Vận chuyển chất phóng xạ, chất thải phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân (sau đây gọi chung là vật liệu phóng xạ) bằng các phương tiện không được thiết kế bảo đảm an toàn, an ninh hoặc không có thiết bị bảo đảm an toàn, an ninh.
6. Transporting radioactive substances or waste, nuclear source material or nuclear material (below collectively referred to as radioactive material) by vehicles or crafts neither designed nor furnished with equipment to assure safety or security.
7. Sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, đồ chơi, đồ trang sức, sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng khác có hoạt độ phóng xạ cao hơn mức quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
7. Manufacturing, trading in. importing or exporting food, drinks, cosmetics, toys, jewelry or other consumer products and goods which have a radioactivity exceeding the level specified in relevant national technical regulations.
8. Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn, an ninh và các điều kiện ghi trong giấy phép.
8. Violating regulations on safety and security assurance and conditions specified in licenses.
9. Cản trở trái pháp luật hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
9. Illegally obstructing atomic energy activities.
10. Trợ giúp dưới mọi hình thức hoạt động trái pháp luật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
10. Abetting in any form illegal atomic energy activities.
11. Xâm phạm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
11. Encroaching works, equipment or means used for assuring atomic energy safety and security.
12. Chiếm đoạt, phá hoại; chuyển giao, sử dụng bất hợp pháp nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân.
12. Appropriating, sabotaging or illegally transferring or using radioactive sources, nuclear source material, nuclear material and equipment.
13. Che dấu thông tin về sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; đưa thông tin không có căn cứ, không đúng sự thật về sự cố làm tổn hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
13. Covering up information on radiation or nuclear incidents; supplying groundless or untruthful information on incidents, thus harming the Stale's interests or citizens' lawful rights and interests.
14. Sử dụng sai mục đích, tiết lộ thông tin bí mật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
14. Using for improper purposes or disclosing confidential information relating to atomic energy.
Chương 2.
Chapter II
CÁC BIỆN PHÁP ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN, ỨNG DỤNG NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ
MEASURES TO PROMOTE ATOMIC ENERGY DEVELOPMENT AND APPLICATION
Điều 13. Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử
Article 13.- Planning on atomic energy development and application
1. Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử bao gồm quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết cho từng lĩnh vực cụ thể.
1. Planning on atomic energy development and application covers a master plan and detailed plans on specific fields.
2. Quy hoạch tổng thể là quy hoạch nhằm định hướng cơ bản dài hạn, xác định các mục tiêu tổng quát phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
2. Master plan is a plan setting forth basic and long-term orientations and general objectives of the development and application of atomic energy for peaceful purposes.
Quy hoạch tổng thể được lập trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Nội dung quy hoạch tổng thể bao gồm quan điểm phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; mục tiêu tổng quát; chỉ tiêu chung phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; giải pháp thực hiện.
A master plan shall be elaborated in line with the socio-economic development strategy and the strategy on application of atomic energy for peaceful purposes. It contains the viewpoint on atomic energy development and application; overall objectives and general targets for atomic energy development and application; and implementation measures.
3. Quy hoạch chi tiết cho từng lĩnh vực cụ thể là quy hoạch nhằm định hướng dài hạn, xác định các mục tiêu cụ thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử cho các lĩnh vực y tế; khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản, bảo vệ môi trường; nông nghiệp; công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật khác; phát triển điện hạt nhân; thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ và quy hoạch địa điểm chôn cất, lưu giữ chất thải phóng xạ.
3. Detailed plans on specific fields are those setting forth long-term orientations and specific objectives of atomic energy development and application to health care; meteorology, hydrology, geology, mineral, environmental protection, agriculture, industry and other econo-technical sectors; development of nuclear power; exploration, exploitation, processing and use of radioactive ores and planning on radioactive waste burial and storage sites.
Quy hoạch chi tiết được lập trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử, quy hoạch phát triển của ngành có liên quan. Nội dung quy hoạch chi tiết cho từng lĩnh vực cụ thể bao gồm quan điểm phát triển, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện và đánh giá môi trường chiến lược đã được thẩm định.
Detailed plans are elaborated in line with the master plan on atomic energy development and application and development plannings of related branches. A detailed plan for a specific field contains development viewpoints, objectives, targets, implementation measures and evaluated strategic environmental assessments.
Điều 14. Trách nhiệm lập, phê duyệt quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử
Article 14.- Responsibilities to elaborate and approve the planning on atomic energy development and application
1. Trách nhiệm lập quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử được quy định như sau:
1. Responsibilities to elaborate the planning on atomic energy development and application are specified as follows:
a) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì lập quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử;
a/ The Science and Technology Ministry shall assume the prime responsibility for elaborating a master plan on atomic energy development and application;
b) Bộ Y tế chủ trì lập quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong y tế;
b/ The Health Ministry shall assume the prime responsibility for elaborating a detailed plan on radiation development and application to health care;
 
c) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì lập quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản, bảo vệ môi trường;
c/ The Natural Resources and Environment Ministry shall assume the prime responsibility for elaborating a detailed plan on radiation development and application to meteorology, hydrology, geology, mineral and environmental protection;
d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì lập quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp;
d/ The Agriculture and Rural Development Ministry shall assume the prime responsibility for elaborating a detailed plan on radiation development and application to agriculture;
đ) Bộ Công thương chủ trì lập quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật khác; quy hoạch phát triển điện hạt nhân; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ;
e/ The Industry and Trade Ministry shall assume the prime responsibility for elaborating a detailed plan on radiation development and application to industry and other econo-technical branches; nuclear power development; exploration, exploitation, processing and use of radioactive ores;
e) Bộ Xây dựng chủ trì lập quy hoạch địa điểm chôn cất, lưu giữ chất thải phóng xạ.
f/ The Construction Ministry shall assume the prime responsibility for elaborating a planning on radioactive waste burial and storage sites.
2. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử.
2. The Prime Minister shall approve the master plan and detailed plans on atomic energy development and application.
3. Cơ quan lập quy hoạch quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt.
3. Planning agencies specified in Clause 1 of . this Article shall organize, guide, oversee and inspect the implementation of approved plans.
Điều 15. Điều chỉnh quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử
Article 15.- Adjustment of the planning on atomic energy development and application
Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử được điều chỉnh khi căn cứ xây dựng quy hoạch quy định tại Điều 13 của Luật này thay đổi và phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
The planning on atomic energy development and application will be adjusted when the bases for its elaboration specified in Article 13 of this Law change and the adjusted planning must be approved by the Prime Minister.
Điều 16. Phát triển nguồn nhân lực
Article 16.- Development of human resources
1. Nhà nước có chương trình đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực, đặc biệt là chuyên gia có trình độ cao đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
1. The State formulates programs on training and building of human resources, especially high-level experts, to meet the requirements of research, development, application and assurance of safety and security in the domain of atomic energy.
2. Nhà nước có chính sách ưu đãi, thu hút chuyên gia có trình độ cao trong và ngoài nước làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
2. The State adopts policies on preferential treatment and attraction of high-level experts at home and abroad to work in the domain of atomic energy.
3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức quốc tế tham gia thực hiện chương trình đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực quy định tại khoản 1 Điều này.
3. The State encourages domestic organizations and individuals, overseas Vietnamese, foreign organizations and individuals, and international organizations to participate in implementing programs on training and building of human resources specified in Clause 1 of this Article.
Điều 17. Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử
Article 17.- Atomic energy research, development and application
1. Nhà nước có chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực kinh tế - xã hội.
1. The State formulates scientific research and technological development programs to meet the requirements of atomic energy research development and application to socio-economic domains.
2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức quốc tế tham gia thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ quy định tại khoản 1 Điều này.
2. The State encourages domestic organizations and individuals, overseas Vietnamese, foreign organizations and individuals, and international organizations to participate in implementing scientific research and technological development programs specified in Clause 1 of this Article.
Chương 3.
Chapter III
AN TOÀN BỨC XẠ, AN TOÀN HẠT NHÂN VÀ AN NINH NGUỒN PHÓNG XẠ, VẬT LIỆU HẠT NHÂN, THIẾT BỊ HẠT NHÂN
RADIATION SAFETY, NUCLEAR SAFETY, AND SECURITY OF RADIOACTIVE SOURCES, NUCLEAR MATERIAL AND EQUIPMENT
Điều 18. Công việc bức xạ
Article 18.- Radiation jobs
Công việc bức xạ bao gồm các hoạt động sau đây:
Radiation jobs include the following activities:
1. Vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu và nhà máy điện hạt nhân;
1. Operating research nuclear reactors and nuclear power plants:
2. Vận hành thiết bị chiếu xạ gồm máy gia tốc; thiết bị xạ trị; thiết bị chiếu xạ khử trùng, xử lý vật liệu và sử dụng các thiết bị bức xạ khác;
2. Operating irradiation equipment, including accelerators: radiotherapeutic equipment; irradiation equipment for sterilization, treatment of materials and use of other radiation equipment;
3. Sản xuất, chế biến chất phóng xạ;
3. Producing and processing radioactive substances;
4. Lưu giữ, sử dụng chất phóng xạ;
4. Storing and using radioactive substances;
5. Thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ;
5. Exploring, exploiting and processing radioactive ores;
6. Làm giàu urani; chế tạo nhiên liệu hạt nhân;
6. Enriching uranium; producing nuclear fuel;
7. Xử lý, lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng;
7. Disposing of, storing and burying radioactive waste and used radioactive sources and spent nuclear fuel;
8. Xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động, chấm dứt hoạt động của cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân;
8. Building, changing the operation scale and scope or terminating operation of radiation facilities and nuclear facilities;
9. Sử dụng vật liệu hạt nhân ngoài chu trình nhiên liệu hạt nhân;
9. Using nuclear material outside the nuclear fuel cycle;
10. Nhập khẩu, xuất khẩu chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân;
10. Importing or exporting radioactive substances, nuclear source material, nuclear material and equipment;
11. Đóng gói, vận chuyển vật liệu phóng xạ;
11. Packing and transporting radioactive material;
12. Vận chuyển vật liệu phóng xạ quá cảnh lãnh thổ Việt Nam;
12. Transporting radioactive material in transit via the Vietnamese territory;
13. Vận hành tàu biển, phương tiện khác có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân;
13. Operating seagoing ships and other vehicles that are nuclear-powered;
14. Hoạt động khác tạo ra chất thải phóng xạ.
14. Carrying out other activities which generate radioactive waste.
Điều 19. Báo cáo đánh giá an toàn đối với công việc bức xạ
Article 19.- Reports on radiation job safety assessment
1. Tổ chức, cá nhân phải lập báo cáo đánh giá an toàn đối với công việc bức xạ khi xin cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ, trừ hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 8 Điều 18 của Luật này.
1. When applying for licenses to perform radiation jobs, organizations and individuals shall make reports on safety assessment of radiation jobs other than those specified in Clauses 1 and 8, Article 18 of this Law.
2. Báo cáo đánh giá an toàn đối với công việc bức xạ phải phù hợp với từng công việc bức xạ và có các nội dung chính sau đây:
2. A report on radiation job safety assessment must be appropriate to each radiation job and has the following principal contents:
a) Quy trình tiến hành công việc bức xạ gồm các bước chuẩn bị, triển khai và kết thúc công việc;
a/ Procedures for performing the radiation job, covering steps of preparation for. commencement and completion of the job;
b) Quy định về việc đo liều chiếu xạ cá nhân và kiểm xạ khu vực làm việc;
b/ Regulations on measurement of individual irradiation doses and inspection of radiation at working places;
c) Quy định về việc ghi nhật ký tiến hành công việc bức xạ;
c/ Regulations on recording of a diary on radiation job performance;
d) Nội quy tiến hành công việc bức xạ;
d/ Rules on radiation job performance;
đ) Dự kiến sự cố có thể xảy ra và biện pháp khắc phục;
e/ Anticipated potential incidents and response measures;
e) Phân công trách nhiệm cá nhân tiến hành công việc bức xạ;
f/ Responsibilities of individuals performing radiation jobs;
g) Phân công trách nhiệm giám sát, phụ trách an toàn và điều hành chung.
g/ Responsibilities to supervise safety and conduct general administration.
Điều 20. Báo cáo thực trạng an toàn tiến hành công việc bức xạ
Article 20.- Reports on the actual state of safety of radiation job performance
1. Định kỳ hằng năm hoặc khi có yêu cầu của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân, tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải lập báo cáo thực trạng an toàn tiến hành công việc bức xạ gửi đến cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân.
1. On an annual basis or at the request of the radiation and nuclear safety agency, organizations and individuals performing radiation jobs shall make and send reports on the actual state of safety of radiation job performance to the radiation and nuclear safety agency.
2. Báo cáo thực trạng an toàn tiến hành công việc bức xạ bao gồm các nội dung sau đây:
2. A report on the actual state of safety of radiation job performance contains the following:
a) Việc tuân thủ các điều kiện ghi trong giấy phép;
a/ Satisfaction of conditions specified in the license:
b) Những thay đổi so với hồ sơ xin cấp giấy phép (nếu có);
b/ Changes compared with the dossier of application for the license (if any);
c) Sự cố bức xạ (nếu có) và các biện pháp khắc phục.
c/ Radiation incident(s) (if any) and response measures taken.
Điều 21. Kiểm soát chiếu xạ do công việc bức xạ gây ra
Article 21.- Control of irradiation caused by radiation jobs
1. Kiểm soát chiếu xạ gồm có:
1. Control of irradiation covers:
a) Kiểm soát chiếu xạ nghề nghiệp là kiểm soát liều chiếu xạ đối với nhân viên bức xạ khi tiến hành công việc bức xạ;
a/ Control of occupational irradiation, which means control of irradiation doses for radiation workers while performing a radiation job;
b) Kiểm soát chiếu xạ y tế là kiểm soát liều chiếu xạ đối với bệnh nhân trong chẩn đoán và điều trị;
b/ Control of medical irradiation, which means control of irradiation doses for patients in disease diagnosis and treatment;
c) Kiểm soát chiếu xạ công chúng là kiểm soát liều chiếu xạ do công việc bức xạ gây ra đối với những người không thuộc các đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
c/ Control of public irradiation, which means control of irradiation doses caused by a radiation job to persons other than those specified at Points a and b of this Clause.
2. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải tuân thủ các nguyên tắc kiểm soát chiếu xạ sau đây:
2. Organizations and individuals that perform radiation jobs shall abide by the following irradiation control principles:
a) Bảo đảm cho liều chiếu xạ đối với công chúng và đối với nhân viên bức xạ không vượt quá liều giới hạn; bảo đảm cho liều chiếu xạ đối với bệnh nhân theo mức chỉ dẫn;
a/ Ensuring that irradiation doses to the public and radiation workers do not exceed the dose limit; and that irradiation doses to patients are at guided levels;
b) Bảo đảm giữ cho liều chiếu xạ cá nhân, số người bị chiếu xạ và khả năng bị chiếu xạ ở mức thấp nhất có thể đạt được một cách hợp lý;
b/ Keeping individual irradiation doses, the number of irradiated persons and the possibility of irradiation exposure as low as reasonably achievable;
c) Bảo đảm để lợi ích do công việc bức xạ mang lại phải đủ bù đắp cho những rủi ro, thiệt hại có thể gây ra cho con người, môi trường.
c/ Ensuring that benefits brought about by radiation jobs are enough to offset risks and harms likely to be caused to human beings and the environment.
Điều 22. An ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân
Article 22.- Security of radioactive source, nuclear material and equipment
1. Tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân phải có các biện pháp bảo đảm an ninh sau đây:
1. Organizations and individuals that have radioactive sources, nuclear material or equipment shall apply the following security measures:
a) Kiểm soát việc tiếp cận nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân;
a/ Controlling access to their radioactive sources, nuclear material or equipment;
b) Không cho phép cá nhân không có nhiệm vụ tiếp cận nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân;
b/ Disallowing unauthorized individuals to access their radioactive sources, nuclear material or equipment;
c) Thực hiện quy định về kiểm soát nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân ghi trong giấy phép;
c/ Enacting their licenses' provisions on control of radioactive sources, nuclear material or equipment;
d) Việc chuyển giao nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân trong nội bộ cơ sở tiến hành công việc bức xạ phải có văn bản cho phép của người đứng đầu cơ sở hoặc người được ủy quyền và có biên bản bàn giao;
d/ Subjecting the transfer of radioactive sources or nuclear material within an radiation facility to written permission of the head of the facility or an authorized person, and recording the transfer in a minutes;
đ) Tiến hành kiểm đếm định kỳ ít nhất một năm một lần để bảo đảm nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân được để đúng nơi quy định trong điều kiện an ninh;
e/ Conducting regular checking and counting at least once a year to ensure that their radioactive sources, nuclear material or equipment are properly placed under security conditions;
e) Bảo vệ bí mật các biện pháp an ninh, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
f/ Keeping confidential security measures, unless otherwise provided for by law.
2. Tổ chức, cá nhân quản lý nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm từ trung bình trở lên và quản lý vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân ngoài việc thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này còn phải thực hiện các quy định sau đây:
2. Apart from complying with the provisions of Clause 1 of this Article, organizations and individuals that manage radioactive sources of medium or higher level of danger, or manage nuclear material or equipment shall:
a) Có kế hoạch bảo đảm an ninh;
a/ Work out security plans;
b) Phát hiện kịp thời và ngăn chặn việc tiếp cận trái phép nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân;
b/ Promptly detect and prevent unauthorized access to radioactive sources, nuclear material or equipment;
c) Áp dụng ngay biện pháp cần thiết để thu hồi nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị chiếm đoạt, chuyển giao hoặc sử dụng bất hợp pháp;
c/ Promptly apply necessary measures to recover radioactive sources, nuclear material or equipment which have been illegally appropriated, transferred or used:
d) Ngăn chặn kịp thời việc phá hoại nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân; có kế hoạch kiểm đếm thường xuyên hằng tháng, hằng tuần hoặc hằng ngày theo hướng dẫn của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân;
d/ Promptly prevent any sabotage against radioactive sources, nuclear material or equipment: work out plans on monthly, weekly or daily checking and counting under the guidance of the radiation and nuclear safety agency;
đ) Có phương án giảm thiểu tác hại khi nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị phá hoại;
e/ Adopt plans to mitigate hazards caused by sabotaged radioactive sources, nuclear material or equipment;
e) Bảo vệ bí mật thông tin về hệ thống an ninh, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
f/ Keep confidential information on the security system, unless otherwise provided for by law.
3. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân có trách nhiệm xây dựng và thường xuyên cập nhật hệ thống kiểm soát nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân trong phạm vi cả nước, bao gồm các thông tin sau đây:
3. The radiation and nuclear safety agency shall develop and regularly update an information system to control radioactive sources, nuclear material and equipment nationwide, containing the following information:
a) Loại nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân;
a/ Types of radioactive sources, nuclear material and equipment;
b) Số nhận dạng nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân và côngtenơ bảo vệ;
b/ Identification numbers of radioactive sources, nuclear material or equipment and protective containers:
c) Tên đồng vị phóng xạ đối với nguồn phóng xạ; thành phần hóa học đối với vật liệu hạt nhân;
c/ Radioisotope names, for radioactive sources; chemical compositions, for nuclear material;
d) Hoạt độ, ngày xác định hoạt độ đối với nguồn phóng xạ; khối lượng plutoni, urani đối với vật liệu hạt nhân;
d/ Radioactivity and date of radioactivity determination, for radioactive sources; amount of plutonium or uranium, for nuclear material;
đ) Nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp;
e/ Manufacturers or suppliers;
e) Chứng chỉ xuất xứ;
f/ Certificates of origin;
g) Chủ sở hữu;
g/ Owners:
h) Tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, sử dụng;
h/ Organizations and individuals that are storing or using radioactive sources, nuclear material or equipment;
i) Tổ chức, cá nhân lưu giữ, sử dụng trước đó;
i/ Organizations and individuals that previously stored or used radioactive sources, nuclear material and equipment;
k) Địa chỉ nơi đang lưu giữ, sử dụng.
j/ Addresses of places where radioactive sources, nuclear material and equipment are stored or used.
4. Việc phân loại nguồn phóng xạ theo mức độ nguy hiểm dưới trung bình, trung bình và trên trung bình được thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
4. The classification of radioactive sources according to their level of danger (below medium, medium or above medium) complies with national technical regulations.
Điều 23. Bảo vệ nhiều lớp
Article 23.- Multi-layer protection
1. Bảo vệ nhiều lớp là việc áp dụng đồng thời nhiều giải pháp, nhiều lớp bảo vệ nhằm duy trì an toàn, an ninh.
1. Multi-layer protection means the simultaneous application of many protective measures or lines to maintain safety and security.
2. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải tuân thủ nguyên tắc bảo vệ nhiều lớp tương ứng với khả năng gây hại của nguồn bức xạ, vật liệu hạt nhân đối với con người, môi trường.
2. Organizations and individuals performing radiation jobs shall adhere to the principle of multi-layer protection corresponding to the harms caused by radioactive sources, nuclear material and equipment to human beings and the environment.
Điều 24. Kiểm xạ khu vực làm việc
Article 24.- Radiation inspection of working places
1. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải thực hiện thường xuyên và có hệ thống việc kiểm xạ khu vực làm việc, đo đạc các thông số cần thiết làm cơ sở cho việc đánh giá an toàn.
1. Organizations and individuals performing radiation jobs shall conduct regular and systematic radiation inspection of their working places and measure necessary parameters to serve as a basis for safety assessment.
2. Máy móc, thiết bị sử dụng cho việc kiểm xạ, đo đạc phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phải được bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn định kỳ.
2. Machinery and equipment used for the radiation inspection and measurement must satisfy national technical regulations and be regularly maintained, tested and adjusted.
3. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải lập, cập nhật, bảo quản hồ sơ kiểm xạ, đo đạc và hồ sơ bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn.
3. Organizations and individuals performing radiation jobs shall make, update and keep radiation inspection and measurement records and maintenance, testing and adjustment records.
Điều 25. Xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng
Article 25.- Disposal and storage of radioactive waste, used radioactive sources and spent nuclear fuel
1. Tổ chức, cá nhân có chất thải phóng xạ phải thực hiện các quy định sau đây:
1. Organizations and individuals that have radioactive waste shall comply with the following provisions:
a) Thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu chất thải phóng xạ ngay tại nguồn phát sinh;
a/ To apply measures to minimize radioactive waste right at source:
b) Tách chất thải phóng xạ ra khỏi chất thải thường khi thu gom, xử lý;
b/To separate radioactive waste from ordinary-waste in the course of collection and disposal;
c) Có phương án phân loại và xử lý chất thải phóng xạ.
c/To devise plans on classification and disposal of radioactive waste.
2. Chất thải phóng xạ được xử lý bằng các giải pháp sau đây:
2. Radioactive waste may be disposed of as follows:
a) Lưu giữ để phân rã đối với chất thải phóng xạ có chu kỳ bán rã ngắn;
a/ Storage for disintegration, for radioactive waste with a short semi-disintegration period (half-life);
b) Chôn cất chất thải phóng xạ, nếu việc chôn cất không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường;
b/ Burial, provided this burial does not effect human health and the environment;
c) Chuyển chất thải phóng xạ về dạng ít gây nguy hiểm cho con người, môi trường;
c/ Transformation into a form less harmful to human beings and the environment;
d) Lưu giữ tạm thời trong điều kiện bảo đảm an toàn, an ninh chờ xử lý nếu không thể áp dụng các biện pháp quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
d/ Temporary storage under safety and security conditions pending disposal in case solutions specified at Points a, b and c of this Clause cannot be applied.
3. Tổ chức, cá nhân sử dụng nhiên liệu hạt nhân phải có phương án xử lý, lưu giữ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng trong điều kiện bảo đảm an toàn, an ninh.
3. Organizations and individuals that use nuclear fuel shall devise plans on disposal and storage of spent nuclear fuel under safety and security conditions.
4. Tổ chức, cá nhân phải khai báo chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng do việc tiến hành công việc bức xạ sinh ra.
4. Organizations and individuals shall declare radioactive waste, used radioactive sources and spent nuclear fuel generated from the performance of radiation jobs.
5. Tổ chức, cá nhân phải xin cấp giấy phép thực hiện dịch vụ lưu giữ chất thải phóng xạ.
5. Organizations and individuals shall apply for licenses to provide radioactive waste storage services.
6. Tổ chức, cá nhân chỉ được chôn cất chất thải phóng xạ khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép, báo cáo tình trạng chôn cất và lập bản đồ địa điểm chôn cất gửi cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân.
6. Organizations and individuals may only bury radioactive waste after being permitted by a competent state agency, reporting the state of burial and drawing and sending maps of burial sites to the radiation and nuclear safety agency
7. Nhà nước đầu tư xây dựng kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia.
7. The State invests in building a national radioactive waste repository.
8. Việc phân loại, xử lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và việc lựa chọn địa điểm xây dựng kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia, lựa chọn địa điểm chôn cất chất thải phóng xạ được thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
8. The classification and disposal of radioactive waste, used radioactive sources and spent nuclear fuel, and the selection of a location for building a national radioactive waste repository and radioactive waste burial site comply with national technical regulations.
9. Bộ Xây dựng phê duyệt địa điểm kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia, địa điểm chôn cất chất thải phóng xạ theo quy hoạch đã được phê duyệt và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
9. The Construction Ministry shall approve locations of the national radioactive waste repository and radioactive waste burial sites under the approved planning and the environmental protection law.
Điều 26. Trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ
Article 26.- Responsibilities of heads of organizations or individuals licensed to perform radiation jobs
1. Chịu trách nhiệm về an toàn, an ninh và thực hiện các quy định của Luật này đối với việc tiến hành công việc bức xạ.
1. To bear responsibility for safety and security, and comply with this Law's provisions on performance of radiation jobs.
2. Bố trí người phụ trách an toàn theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ; quy định trách nhiệm và quyền hạn của người phụ trách an toàn bằng văn bản.
2. To arrange safety officers under regulations of the Science and Technology Ministry; to define in writing responsibilities and powers of safety officers.
3. Thực hiện đầy đủ các quy định trong giấy phép.
3. To fully comply with the terms of their licenses.
4. Xây dựng và tổ chức thực hiện nội quy, các chỉ dẫn về an toàn, an ninh.
4. To elaborate, and organize the implementation of. safety and security rules and instructions.
5. Bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, tổ chức khám sức khỏe định kỳ và theo dõi liều chiếu xạ đối với nhân viên bức xạ.
5. To ensure safe working conditions and organize professional training, give regular health-checks and monitor irradiation doses for radiation workers.
6. Tạo điều kiện cho kiểm tra viên, thanh tra viên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra về an toàn, an ninh; cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
6. To create conditions for examiners and inspectors to perform their tasks of examination and inspection of safety and security: to supply sufficient necessary information when requested by a competent state agency.
7. Tổ chức kiểm xạ, kiểm soát chất thải phóng xạ, bảo đảm liều chiếu xạ không vượt quá liều giới hạn.
7. To organize radiation inspection and radioactive waste control, ensuring that irradiation doses do not exceed the dose limit.
8. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở.
8. To work out, and organize the implementation of, plans on response to incidents at their facilities.
Điều 27. Trách nhiệm của nhân viên bức xạ
Article 27.- Responsibilities of radiation workers
1. Nhân viên bức xạ là người làm việc trực tiếp với bức xạ, được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và nắm vững quy định của pháp luật về an toàn, có trách nhiệm chính sau đây:
1. Radiation workers are persons who work in direct contact with radiation, have been professionally trained, and firmly grasp legal provisions on safety, having the following main responsibilities:
a) Thực hiện quy định của pháp luật và tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, hướng dẫn về an toàn phù hợp với mỗi hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử;
a/ To observe relevant legal provisions and adhere to relevant national technical regulations and safety guidance as appropriate to each atomic energy activity;
b) Sử dụng phương tiện theo dõi liều chiếu xạ và phương tiện bảo vệ khi tiến hành công việc bức xạ, khám sức khỏe định kỳ theo chỉ dẫn của người phụ trách an toàn; từ chối làm việc khi điều kiện bảo đảm an toàn không đầy đủ, trừ trường hợp tham gia khắc phục sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân;
b/To use devices to monitor irradiation doses and protect themselves while performing radiation jobs, and take regular health-checks under instructions of safety officers; to refuse working when safety conditions are insufficient, except when participating in remedying radiation or nuclear incidents;
c) Báo cáo ngay cho người phụ trách an toàn hiện tượng bất thường về an toàn, an ninh trong việc tiến hành công việc bức xạ;
c/ To promptly report to safety officers any abnormal events related to safety or security in the course of performance of radiation jobs;
d) Thực hiện biện pháp khắc phục sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân theo chỉ dẫn của người phụ trách an toàn.
d/ To take measures to remedy radiation or nuclear incidents under instructions of safety officers.
2. Người phụ trách an toàn là nhân viên bức xạ có chuyên môn, nghiệp vụ, nắm vững quy định của pháp luật về an toàn, có trách nhiệm chính sau đây:
2. Safety officers are radiation workers who have professional knowledge and skills and firmly grasp legal provisions on safety, having the following main responsibilities:
a) Giúp người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ thực hiện quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 26 của Luật này;
a/To help heads of organizations or individuals licensed to perform radiation jobs comply with the provisions of Clauses 3,4,5,6,7 and 8, Article 26 of this Law;
b) Giúp người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ xây dựng và tổ chức thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết để tuân thủ các điều kiện về an toàn, an ninh;
b/To help heads of organizations or individuals licensed to perform radiation jobs develop, and organize the application of, necessary technical solutions to satisfy safety and security conditions;
c) Thường xuyên liên lạc với các cá nhân, bộ phận lưu giữ, sử dụng nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân trong phạm vi trách nhiệm của mình; thực hiện tư vấn và hướng dẫn về bảo đảm an toàn; thường xuyên kiểm tra tình trạng an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân;
c/To keep regular contact with individuals and sections that store and use radioactive sources, nuclear material and equipment within the ambit of their responsibilities; to provide consultancy and guidance on safety assurance; to regularly inspect the security of radioactive sources, nuclear material and equipment;
d) Báo cáo người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ khi phát hiện có dấu hiệu bất thường về an toàn, an ninh, khi có sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân;
d/ To report to heads of organizations or individuals licensed to perform radiation jobs upon detecting abnormal signs of safety and security or signs of radiation or nuclear incidents;
đ) Lập và lưu giữ hồ sơ liên quan đến an toàn, an ninh.
e/ To compile and keep safety and security records.
Điều 28. Chứng chỉ nhân viên bức xạ
Article 28.- Radiation worker certificates
1. Người đảm nhiệm một trong các công việc sau đây phải có chứng chỉ nhân viên bức xạ:
1. The following persons must have radiation worker certificates:
a) Kỹ sư trưởng lò phản ứng hạt nhân;
a/ Chief engineers of nuclear reactors;
b) Trưởng ca vận hành lò phản ứng hạt nhân;
b/ Heads of operation shifts of nuclear reactors;
c) Người phụ trách an toàn;
c/ Safety officers;
d) Người phụ trách tẩy xạ;
d/ Persons in charge of radioactive decontamination;
đ) Người phụ trách ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân;
e/ Persons in charge of response to radiation incidents and nuclear incidents;
e) Người quản lý nhiên liệu hạt nhân;
f/ Persons managing nuclear fuel;
g) Nhân viên vận hành lò phản ứng hạt nhân;
d Operators of nuclear reactors:
h) Nhân viên vận hành máy gia tốc;
h/ Operators of accelerators:
i) Nhân viên vận hành thiết bị chiếu xạ sử dụng nguồn phóng xạ;
i/ Operators of irradiation equipment using radioactive sources;
k) Nhân viên sản xuất đồng vị phóng xạ;
j/ Producers of radioisotopes;
l) Nhân viên chụp ảnh phóng xạ công nghiệp.
k/ Photographers of industrial radioactivity.
2. Người có đủ điều kiện sau đây được cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ quy định tại khoản 1 Điều này:
2. Persons who fully satisfy the following conditions will be granted radiation worker certificates specified in Clause 1 of this Article:
a) Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
a/ Having the full civil act capacity;
b) Có trình độ chuyên môn và kiến thức về an toàn phù hợp.
b/ Having appropriate professional qualifications and knowledge about safety.
3. Người được cấp chứng chỉ quy định tại khoản 1 Điều này phải thường xuyên cập nhật kiến thức liên quan.
3. Certificate holders specified in Clause 1 of this Article shall constantly update relevant knowledge.
Điều 29. Hồ sơ an toàn bức xạ
Article 29.- Radiation safety records
1. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải lập, thường xuyên cập nhật, lưu giữ các hồ sơ sau đây:
1. Organizations and individuals performing radiation jobs shall compile, regularly update and keep the following records:
a) Hồ sơ về nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân; các thay đổi, sửa chữa, nâng cấp thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân;
a/ Records of radioactive sources, nuclear material and equipment: changes, modifications or upgrading of radiation or nuclear equipment;
b) Hồ sơ kiểm xạ, đo đạc và hồ sơ bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn;
b/ Radiation inspection and measurement records and maintenance, testing and adjustment records;
c) Nhật ký và hồ sơ về sự cố trong quá trình tiến hành công việc bức xạ;
c/ Diaries and records of incidents in the course of radiation job performance;
d) Hồ sơ đào tạo, hồ sơ sức khỏe và hồ sơ liều chiếu xạ của nhân viên bức xạ;
d/ Training documents, health records and irradiation dose records of radiation workers;
đ) Kết luận thanh tra, kiểm tra và tài liệu về việc thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
d Examination and inspection conclusions and documents on compliance with requests of competent agencies.
2. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải trình các hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi được yêu cầu.
2. Organizations and individuals performing radiation jobs shall produce dossiers specified in Clause 1 of this Article to competent state management agencies at the latter's request.
3. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ có trách nhiệm chuyển giao hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này theo quy định sau đây:
3. Organizations and individuals performing radiation jobs shall transfer records specified in Clause 1 of this Article according to the following provisions:
a) Hồ sơ được chuyển giao cho cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân, khi tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ chấm dứt hoạt động;
a/ Records are transferred to the radiation and nuclear safety agency when organizations and individuals performing radiation jobs terminate their operation;
b) Hồ sơ quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân sở hữu, sử dụng mới, khi nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân sở hữu, sử dụng mới;
b/ Records specified at Points a and b. Clause 1 of this Article are transferred to new owners or users to which radioactive sources, nuclear material, radiation or nuclear equipment have been transferred;
c) Hồ sơ quy định tại điểm c và điểm đ khoản 1 Điều này được chuyển giao cho cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân, khi nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân sở hữu, sử dụng mới;
c/ Records specified at Points c and e, Clause 1 of this Article are transferred to the radiation and nuclear safety agency when radioactive sources, nuclear material, radiation or nuclear equipment are transferred to new owners or users:
d) Hồ sơ quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tiếp nhận nhân viên bức xạ, khi nhân viên bức xạ chuyển đi làm việc cho tổ chức, cá nhân mới.
d/ Records specified at Point d, Clause 1 of this Article are transferred to new employing organizations and individuals for which/whom radiation workers are transferred to work.
Điều 30. Xử lý tình huống nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị thất lạc, bị chiếm đoạt, bị bỏ rơi, bị chuyển giao bất hợp pháp, chưa được khai báo
Article 30.- Handling of cases in which radioactive sources, nuclear material or equipment are lost, appropriated, abandoned, illegally transferred or left undeclared
1. Tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị thất lạc, bị chiếm đoạt phải báo cáo ngay cho Ủy ban nhân dân, cơ quan công an nơi gần nhất, cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân; chịu trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức tìm kiếm, thu hồi nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị thất lạc, bị chiếm đoạt.
1. Organizations and individuals that have their radioactive sources, nuclear material or equipment lost or appropriated shall promptly report such to the nearest local Peoples Committee or police office or the radiation and nuclear safety agency coordinate with the police office and concerned agencies, organizations and individuals in organizing the search for and recovery of these radioactive sources, nuclear material or equipment.
2. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị thất lạc, bị chiếm đoạt, bị bỏ rơi, bị chuyển giao bất hợp pháp hoặc chưa được khai báo phải thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan công an nơi gần nhất hoặc cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân.
2. When discovering radioactive sources, nuclear material or equipment which have been lost, appropriated, abandoned, illegally transferred or left undeclared, organizations and individuals shall promptly report them to the nearest People's Committee or police office or the radiation and nuclear safety agency.
3. Khi nhận được báo cáo hoặc thông báo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân, cơ quan công an, cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân có trách nhiệm sau đây:
3. Upon receiving reports or notices specified in Clauses. 1 and 2 of this Article, People's Committees, police offices and the radiation and nuclear safety agency have the following responsibilities:
a) Ủy ban nhân dân thông báo cho nhân dân địa phương biết để chủ động phòng, tránh bị chiếu xạ, tham gia cùng các cơ quan chức năng phát hiện, tìm kiếm nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị thất lạc, bị chiếm đoạt, bị bỏ rơi, bị chuyển giao bất hợp pháp;
a/ People's Committees shall notify such to local people so that they can proactively prevent themselves from irradiation, and join functional agencies in searching for lost, appropriated, abandoned or illegally transferred radioactive sources, nuclear material or equipment;
b) Cơ quan công an chủ trì, phối hợp với cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tìm kiếm, xác định chủ sở hữu, người quản lý nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị thất lạc, bị chiếm đoạt, bị bỏ rơi;
b/ Police offices shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the radiation and nuclear safety agency and concerned agencies, organizations and individuals in, searching for and identifying owners or managers of lost, appropriated or abandoned radioactive sources, nuclear material or equipment;
c) Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xử lý nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị chuyển giao bất hợp pháp hoặc chưa được khai báo; xử lý nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị thất lạc, bị chiếm đoạt, bị bỏ rơi đã được tìm thấy.
c/ The radiation and nuclear safety agency shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned agencies, organizations and individuals in. handling illegally transferred or undeclared radioactive sources, nuclear material or equipment; or handling lost, appropriated or abandoned radioactive sources, nuclear material or equipment which are now found.
4. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu, lưu giữ nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân phải chịu toàn bộ chi phí tìm kiếm và xử lý nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị thất lạc, bị chiếm đoạt, bị bỏ rơi, bị chuyển giao bất hợp pháp; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Organizations and individuals that own or store radioactive sources, nuclear material or equipment shall bear all expenses for the search for and handling of their lost, appropriated, abandoned or illegally transferred radioactive sources, nuclear material or equipment; and shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined, administratively sanctioned or examined for penal liability.
Điều 31. Lưu giữ và thanh lý vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ
Article 31.- Storage and disposal of radioactively contaminated objects
1. Vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ là vật thể có chất phóng xạ bám trên bề mặt hoặc trong thành phần của nó.
1.Radioactively contaminated objects are those having radioactive substances on their surface or in their composition.
2. Tổ chức, cá nhân có vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ có trách nhiệm sau đây:
2. Organizations and individuals that have radioactively contaminated objects shall:
a) Thực hiện các biện pháp lưu giữ, xử lý vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ như quy định đối với chất thải phóng xạ;
a/ Take measures to store or dispose of radioactively contaminated objects under regulations applicable to radioactive waste;
b) Xin phép cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thực hiện các biện pháp thanh lý vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ khi mức nhiễm bẩn phóng xạ thấp hơn hoặc bằng mức thanh lý. Khi được phép thanh lý, thì việc thanh lý vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ được thực hiện như loại bỏ chất thải thông thường.
b/ Ask for permission of the radiation and nuclear safety agency to take measures to dispose of radioactively contaminated objects in case the radioactive contamination level is lower than or equal to that eligible for disposal. When obtaining the disposal permission, conduct the disposal of radioactively contaminated objects like discharge of ordinary waste.
Điều 32. Hạn chế tác hại của chiếu xạ tự nhiên đối với con người
Article 32.- Minimization of harms caused by natural irradiation to human beings
1. Chiếu xạ tự nhiên là chiếu xạ bởi bức xạ từ vũ trụ và các vật thể tự nhiên xung quanh.
1. Natural irradiation means irradiation by radiation from the outer space and surrounding natural objects.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân có trách nhiệm xác định địa điểm có mức chiếu xạ tự nhiên có khả năng gây hại cho con người cần có sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền; tổ chức khảo sát, đánh giá khả năng gây hại; thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp lập kế hoạch và triển khai thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm giảm đến mức thấp nhất tác hại đối với con người.
2. The Natural Resources and Environment Ministry and the radiation and nuclear safety agency shall identify places where natural irradiation is at a level harmful to human beings and intervention by competent authorities is needed; organize survey and assessment of possible harms; notify such to provincial-level People's Committees for coordination in working out plans and organizing the application of necessary measures to minimize harms to human beings.
Điều 33. Trách nhiệm quy định chi tiết về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, an ninh các nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, cơ sở hạt nhân
Article 33.- Responsibility to provide in detail for radiation safety, nuclear safety and security of radioactive sources, nuclear material and nuclear facilities
1. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm quy định và hướng dẫn cụ thể các nội dung sau đây:
1. The Science and Technology Ministry shall provide for and guide in detail the following:
a) Liều giới hạn, kiểm soát chiếu xạ nghề nghiệp và kiểm soát chiếu xạ công chúng;
a/ Dose limit, control of occupational irradiation and control of irradiation to the public;
b) Việc thực hiện nguyên tắc bảo vệ nhiều lớp;
b/ Adherence to the principle of multi-layer protection;
c) Việc thực hiện kiểm xạ khi tiến hành công việc bức xạ;
c/ Radiation inspection in the performance of radiation jobs;
d) Việc tẩy xạ sau khi kết thúc công việc bức xạ;
d/ Radioactive decontamination upon completion of radiation jobs;
đ) Những công việc bức xạ yêu cầu phải có người phụ trách an toàn;
e/ Radiation jobs requiring safety officers;
e) Chuyên môn, nghiệp vụ, yêu cầu đào tạo về an toàn đối với nhân viên bức xạ;
f/ Professional qualifications of and requirements of safety training for radiation workers;
g) Điều kiện, trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ, thời hạn của chứng chỉ, việc gia hạn chứng chỉ nhân viên bức xạ và việc công nhận chứng chỉ nhân viên bức xạ do tổ chức nước ngoài cấp;
g/ Conditions, order and procedures for granting radiation worker certificates, valid terms and extension of these certificates, and recognition of radiation worker certificates granted by foreign organizations;
h) Báo cáo tình trạng chôn cất và lập bản đồ địa điểm chôn cất chất thải phóng xạ;
h/ Reports on the state of radioactive waste burial and mapping of burial sites:
i) Nội dung hồ sơ an toàn bức xạ, thời gian lưu giữ đối với từng loại hồ sơ;
i/ Contents of radiation safety records and the preservation duration for each type of record;
k) Xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng;
j/ Disposal and storage of radioactive waste, used radioactive sources and spent nuclear fuel;
l) Mức miễn trừ khai báo, cấp phép, mức thanh lý, thủ tục thẩm định, đánh giá, phê chuẩn và các biện pháp thanh lý nguồn phóng xạ, vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ;
k/ Level for exemption from declaration or licensing, level eligible for disposal, procedures for assessment, evaluation or approval, and measures to dispose of radioactive sources and radioactively contaminated objects;
m) Việc xác định địa điểm có mức chiếu xạ tự nhiên có khả năng gây hại cho con người cần có sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền;
1/ Identification of places where natural irradiation is at a level harmful to human beings and intervention by competent authorities is needed;
n) Quy định về kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia, địa điểm chôn cất chất thải phóng xạ, an ninh và các vấn đề khác theo thẩm quyền.
m/ Regulations on the national radioactive waste repository, radioactive waste burial sites security and other matters falling within its competence.
2. Bộ Y tế có trách nhiệm quy định và hướng dẫn cụ thể các nội dung sau đây:
2. The Health Ministry shall provide for and guide in detail the following:
a) Kiểm tra sức khỏe định kỳ đối với nhân viên bức xạ;
a/ Regular health-checks for radiation; workers;
b) Mức chỉ dẫn liều chiếu xạ đối với bệnh nhân và kiểm soát chiếu xạ y tế.
b/ Guided levels of irradiation doses for patients and control of medical irradiation.
3. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với bộ, ngành có liên quan quy định và hướng dẫn cụ thể về tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, phụ cấp nghề nghiệp, chế độ đặc thù khác đối với nhân viên bức xạ và người làm việc trong môi trường có độc hại phóng xạ.
3. The Labor, War Invalids and Social Affairs Ministry shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries and branches in, provide for and guide in detail salaries, working time, rest time, occupational allowances and other special entitlements for radiation workers and persons working in radioactively hazardous environments.
Chương 4.
Chapter IV
CƠ SỞ BỨC XẠ
RADIATION FACILITIES
Điều 34. Cơ sở bức xạ và thiết kế cơ sở bức xạ
Article 34.- Radiation facilities and their designs
1. Các loại cơ sở bức xạ bao gồm:
1. Radiation facilities include:
a) Cơ sở vận hành máy gia tốc;
a/ Facilities operating accelerators:
b) Cơ sở xạ trị;
b/ Facilities engaged in radiotherapy:
c) Cơ sở chiếu xạ khử trùng, chiếu xạ xử lý vật liệu;
c/ Facilities engaged in irradiation for sterilization or treatment of materials;
d) Cơ sở sản xuất, chế biến chất phóng xạ;
d/ Facilities producing or processing radioactive substances;
đ) Kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia; cơ sở lưu giữ, xử lý, chôn cất chất thải có hoạt độ phóng xạ lớn hơn mười nghìn lần mức miễn trừ khai báo.
e/ The national radioactive waste repository; facilities storing, disposing of or burying waste of a radioactivity ten thousand times higher than the level for exemption from declaration.
2. Việc xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động của cơ sở bức xạ phải có thiết kế phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
2. The building or changes in the size and operation scope of radiation facilities must be designed in compliance with national technical regulations.
Điều 35. Báo cáo phân tích an toàn và báo cáo đánh giá an toàn đối với cơ sở bức xạ
Article 35.- Reports on safety analysis and reports on safety assessment of radiation facilities
1. Cơ sở bức xạ phải lập báo cáo phân tích an toàn khi xin cấp giấy phép xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động, chấm dứt hoạt động.
1. Radiation facilities shall make reports on safety analysis when applying for construction licenses, changing their operation scale and scope or terminating their operation.
2. Cơ sở bức xạ phải lập báo cáo đánh giá an toàn khi xin cấp hoặc cấp lại giấy phép tiến hành công việc bức xạ khác quy định tại Điều 18 của Luật này.
2. Radiation facilities shall make reports on safety assessment when applying for licenses or renewed licenses to perform radiation jobs other than those specified in Article 18 of this Law.
3. Nội dung báo cáo phân tích an toàn khi xin cấp giấy phép xây dựng bao gồm:
3. A report on safety analysis upon application for a construction license has the following contents:
a) Thiết kế, chế tạo;
a/ Design and manufacture:
b) Dự kiến kế hoạch lắp đặt, vận hành thử, nghiệm thu;
b/ Tentative plan on installation, test operation and pre-handover test;
c) Phân tích an toàn khi đưa cơ sở vào vận hành;
c/ Safety analysis when the facility is put into operation:
d) Dự kiến kế hoạch chấm dứt hoạt động, tháo dỡ, tẩy xạ.
d/ Tentative plan on operation termination, dismantlement and radioactive decontamination.
4. Nội dung báo cáo phân tích an toàn khi xin cấp giấy phép thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động bao gồm:
4. A report on safety assessment upon application for a license for change in operation scale and scope has the following contents:
a) Lý do thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động;
a/ Reason for the change in operation scale and scope;
b) Thiết kế, chế tạo;
b/ Design and manufacture:
c) Dự kiến kế hoạch lắp đặt, vận hành thử, nghiệm thu;
c/ Tentative plan on installation, test operation and pre-handover test;
d) Phân tích an toàn khi đưa cơ sở vào vận hành;
d/ Safety analysis when the facility is put into operation;
đ) Dự kiến kế hoạch chấm dứt hoạt động, tháo dỡ, tẩy xạ.
e/ Tentative plan on operation termination, dismantlement and radioactive decontamination.
5. Nội dung báo cáo phân tích an toàn khi xin cấp giấy phép chấm dứt hoạt động bao gồm:
5. A report on safety analysis upon application for a license for operation termination has the following contents:
a) Lý do chấm dứt hoạt động;
a/ Reason for operation termination;
b) Kế hoạch tháo dỡ, tẩy xạ;
b/ Plan on dismantlement and radioactive decontamination;
c) Kế hoạch xử lý nguồn bức xạ, chất thải phóng xạ.
c/ Plan on disposal of radiation source or radioactive waste.
6. Báo cáo đánh giá an toàn được lập cho từng công việc bức xạ theo quy định tại Điều 19 của Luật này.
6. Safety analysis reports shall be made for each radiation job according to Article 19 of this Law.
Điều 36. Tháo dỡ, tẩy xạ cơ sở bức xạ
Article 36.- Dismantlement and radioactive decontamination of radiation facilities
1. Khi chấm dứt hoạt động, cơ sở bức xạ phải trình cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân phê duyệt kế hoạch tháo dỡ, tẩy xạ, xử lý nguồn bức xạ, chất thải phóng xạ và tổ chức thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt.
1. When terminating its operation, a radiation facility shall submit to the radiation and nuclear safety agency for approval a plan on dismantlement, radioactive decontamination and disposal of its radiation source or radioactive waste, and organize the implementation of the approved plan.
2. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân tổ chức kiểm tra việc tháo dỡ, tẩy xạ, xử lý nguồn bức xạ, chất thải phóng xạ và ra quyết định công nhận cơ sở bức xạ đã hết trách nhiệm bảo đảm an toàn.
2. The radiation and nuclear safety agency shall organize the inspection of the dismantlement, radioactive decontamination and disposal of radiation sources and radioactive waste, and issue decisions to recognize the radiation facility's discharge of the responsibility to assure safety.
3. Cơ sở bức xạ phải chịu mọi chi phí tháo dỡ và chi phí lưu giữ, xử lý chất thải phóng xạ sinh ra do quá trình tháo dỡ.
3. Radiation facility shall bear all expenses for the dismantlement and storage or disposal of radioactive wastes generated in the process of dismantlement.
4. Việc tháo dỡ, tẩy xạ, xử lý nguồn bức xạ, chất thải phóng xạ được thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
4. The dismantlement, radioactive decontamination and disposal of radiation sources and radioactive waste comply with national technical regulations.
5. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt kế hoạch tháo dỡ, tẩy xạ, xử lý nguồn bức xạ, chất thải phóng xạ đối với cơ sở bức xạ.
5. The Science and Technology Ministry shall specify the order and procedures for the evaluation and approval of radiation facilities' plans on dismantlement, radioactive decontamination and disposal of radiation sources and radioactive waste.
Chương 5.
Chapter V
CƠ SỞ HẠT NHÂN
NUCLEAR FACILITIES
Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ CƠ SỞ HẠT NHÂN
Section I. GENERAL PROVISIONS ON NUCLEAR FACILITIES
Điều 37. Cơ sở hạt nhân và thiết kế cơ sở hạt nhân
Article 37.- Nuclear facilities and their designs
1. Các loại cơ sở hạt nhân bao gồm:
1. Nuclear facilities include:
a) Lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu;
a/ Research nuclear reactors;
b) Nhà máy điện hạt nhân;
b/ Nuclear power plants;
c) Cơ sở làm giàu urani, chế tạo nhiên liệu hạt nhân;
c/ Facilities that enrich uranium or produce nuclear fuel;
d) Cơ sở lưu giữ, xử lý, chôn cất nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
d/ Facilities that store, dispose of or bury spent nuclear fuel.
2. Việc xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động của cơ sở hạt nhân phải có thiết kế phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
2. The building or changes in the size and operation scope of nuclear facilities must be designed in compliance with national technical regulations.
Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở hạt nhân, trừ tổ chức thẩm định thiết kế nhà máy điện hạt nhân.
The Science and Technology Ministry shall organize the evaluation of designs of nuclear facilities other than nuclear power plants.
Điều 38. Phê duyệt địa điểm xây dựng cơ sở hạt nhân
Article 38.- Approval of locations of nuclear facilities
1. Địa điểm xây dựng cơ sở hạt nhân phải được phê duyệt trước khi xin cấp giấy phép xây dựng hoặc đồng thời với việc xin cấp giấy phép xây dựng. Hồ sơ đề nghị phê duyệt địa điểm xây dựng bao gồm các tài liệu sau đây:
1. Locations of nuclear facilities must be approved before or at the same time with the filing of applications for construction licenses. A dossier of request for approval of a building location comprises the following documents:
a) Đơn đề nghị phê duyệt địa điểm;
a/ Application for approval of the location:
b) Báo cáo tổng quan về việc lựa chọn địa điểm;
b/ General report on the selection of the location;
c) Thiết kế sơ bộ cơ sở hạt nhân;
c/ Preliminary design of the nuclear facility;
d) Báo cáo đánh giá tác động môi trường;
d/ Report on environmental impact assessment;
đ) Kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;
e/ Evaluation results of the report on environmental impact assessment;
e) Báo cáo phân tích an toàn sơ bộ;
f/ Preliminary safety analysis report:
g) Báo cáo thẩm định an toàn;
g/ Safety assessment report;
h) Kế hoạch kiểm xạ môi trường đất, không khí, nước dưới đất và nước mặt trong vùng bị ảnh hưởng khi cơ sở hoạt động.
h/ Plan on radiation inspection of earth, air, ground water and surface water environments in the area to be affected by the facility's operation.
2. Việc lựa chọn địa điểm xây dựng cơ sở hạt nhân phải căn cứ vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
The selection of locations of nuclear facilities must be based on national technical regulations.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt địa điểm xây dựng cơ sở hạt nhân, trừ địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
2. The Science and Technology Ministry shall approve locations of nuclear facilities other than nuclear power plants.
Điều 39. Báo cáo phân tích an toàn và báo cáo đánh giá an toàn đối với cơ sở hạt nhân
Article 39.- Reports on safety analysis and reports on safety assessment of nuclear facilities
1. Cơ sở hạt nhân phải lập báo cáo phân tích an toàn khi xin cấp giấy phép xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động, chấm dứt hoạt động, vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu và vận hành nhà máy điện hạt nhân.
1. Nuclear facilities shall make reports on safety analysis when applying for construction licenses, changing their operation scale and scope, terminating their operation, or operating research nuclear reactors or nuclear power plants.
2. Cơ sở hạt nhân phải lập báo cáo đánh giá an toàn khi xin cấp hoặc cấp lại giấy phép tiến hành công việc bức xạ khác quy định tại Điều 18 của Luật này, trừ vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu và vận hành nhà máy điện hạt nhân.
2. Nuclear facilities shall make reports on safety assessment when applying for licenses or renewed licenses to perform radiation jobs specified in Article 18 of this Law other than operation of research nuclear reactors or nuclear power plants.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể nội dung báo cáo phân tích an toàn và báo cáo đánh giá an toàn đối với cơ sở hạt nhân.
3. The Science and Technology Ministry shall specify contents of safety analysis and reports on safety assessment of nuclear facilities.
Điều 40. Tháo dỡ, tẩy xạ cơ sở hạt nhân, xử lý nhiên liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân, chất thải phóng xạ
Article 40 - Dismantlement and radioactive decontamination of nuclear facilities, disposal of nuclear fuel and equipment and radioactive waste
1. Khi chấm dứt hoạt động, cơ sở hạt nhân phải trình cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân phê duyệt kế hoạch tháo dỡ, tẩy xạ, xử lý nhiên liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân, chất thải phóng xạ và tổ chức thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt.
1. When terminating its operation, a nuclear facility shall submit to the radiation and nuclear safety agency for approval a plan on dismantlement radioactive decontamination and disposal of nuclear fuel and equipment or radioactive waste, and organize the implementation of the approved plan.
2. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân tổ chức kiểm tra việc tháo dỡ, tẩy xạ, xử lý nhiên liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân, chất thải phóng xạ và ra quyết định công nhận cơ sở hạt nhân đã hết trách nhiệm bảo đảm an toàn.
2. The radiation and nuclear safety agency shall organize the inspection of the dismantlement, radioactive decontamination and disposal of nuclear fuel and equipment or radioactive waste, and issue decisions to recognize the nuclear facilities' discharge of the responsibility to assure safety.
3. Cơ sở hạt nhân phải chịu mọi chi phí tháo dỡ và chi phí lưu giữ, xử lý chất thải phóng xạ sinh ra từ quá trình tháo dỡ.
3. Nuclear facilities shall bear all expenses for the dismantlement and storage or disposal of radioactive waste generated from the dismantlement.
4. Việc tháo dỡ, tẩy xạ, xử lý nhiên liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân, chất thải phóng xạ được thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
4. The dismantlement, radioactive decontamination and disposal of nuclear fuel and equipment or radioactive waste comply with national technical regulations.
5. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt kế hoạch tháo dỡ, tẩy xạ, xử lý nhiên liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân, chất thải phóng xạ đối với cơ sở hạt nhân.
5. The Science and Technology Ministry shall specify the order of and procedures for the evaluation and approval of nuclear facilities" plans on dismantlement, radioactive decontamination and disposal of nuclear fuel and equipment or radioactive waste.
Mục 2. LÒ PHẢN ỨNG HẠT NHÂN NGHIÊN CỨU
Section 2. RESEARCH NUCLEAR REACTORS
Điều 41. Xây dựng và vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu
Article 41.- Building and operation of research nuclear reactors
1. Hồ sơ đề nghị cho phép xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu bao gồm:
1. A dossier of application for a license to construct a research nuclear reactor comprises:
a) Đơn xin cấp giấy phép xây dựng;
a/ Application for a construction license;
b) Thiết kế chi tiết lò phản ứng hạt nhân và các công trình có liên quan;
b/ Detailed design of the nuclear reactor and related works;
c) Báo cáo đánh giá tác động môi trường;
c/ Report on environmental impact assessment;
d) Kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;
d/ Results of evaluation of the report on environmental impact assessment;
đ) Báo cáo phân tích an toàn;
e/ Safety analysis report;
e) Quy trình bảo đảm chất lượng liên quan đến việc xây dựng;
f/ Process of ensuring construction-related quality;
g) Kế hoạch tháo dỡ lò phản ứng hạt nhân;
g/ Plan on dismantlement of the nuclear reactor;
h) Báo cáo thẩm định an toàn;
h/ Safety assessment report;
i) Tài liệu khác có liên quan.
i/ Other related documents.
2. Lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu phải có giấy phép vận hành thử trước khi nạp nhiên liệu vào lò phản ứng.
2. Research nuclear reactors shall obtain test operation permits before they are fed with fuel.
3. Việc vận hành thử lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu phải được thực hiện ở các mức công suất thấp đồng thời với việc kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật, giới hạn vận hành và nâng dần công suất lên mức thiết kế. Tổ chức có lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu phải lập báo cáo vận hành thử và báo cáo phân tích an toàn của lò phản ứng hạt nhân, giải trình rõ các thay đổi về chỉ tiêu kỹ thuật, giới hạn vận hành so với thiết kế khi xin cấp giấy phép xây dựng, gửi cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân.
3. The test operation of a research nuclear reactor must be conducted at a low capacity level concurrently with the checking of technical norms and operational limit and gradual increase of its capacity to the designed level. Upon applying for construction licenses, organizations having research nuclear reactors shall make nuclear reactor test operations reports and safety analysis reports, clearly explaining changes in technical parameters and operational limits compared with designs, and send them to the radiation and nuclear safety agency.
4. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thẩm định báo cáo kết quả vận hành thử và báo cáo phân tích an toàn của lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ về việc cấp giấy phép vận hành chính thức lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu.
4. The radiation and nuclear safety agency shall evaluate research nuclear reactor test operation reports and safety analysis reports, then propose the Science and Technology Ministry to grant official licenses for operation of research nuclear reactors.
5. Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy phép xây dựng và giấy phép vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu.
5. The Science and Technology Ministry shall grant licenses for construction and licenses for operation of research nuclear reactors.
Điều 42. Kiểm tra an toàn đối với xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động của lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu
Article 42.- Safety inspection of construction or change in operation scale and scope of research nuclear reactors
1. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân tổ chức kiểm tra an toàn đối với việc xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động của lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu và có quyền yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng hoặc tạm đình chỉ thi công nếu phát hiện những điểm không phù hợp với thiết kế và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
1. The radiation and nuclear safety agency shall organize safety inspection of the construction or change in the operation scale and scope of a research nuclear reactor and may request the investor to suspend or temporarily stop the construction if it detects any detail of the reactor under construction which is different from design and shall bear responsibility before law for its decision.
2. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân khi thực hiện kiểm tra theo quy định tại khoản 1 Điều này có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các tài liệu và báo cáo về các nội dung sau đây:
2. When conducting an inspection under Clause 1 of this Article, the radiation and nuclear safety agency may request the investor to supply documents and reports on the following:
a) Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thi công và tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm giám sát thi công;
a/ Capability, professional qualifications and skills of organizations or individuals responsible for construction and construction supervision:
b) Thời gian nghiệm thu từng công đoạn xây dựng;
b/ Time for the pre-handover test of each construction stage;
c) Việc chấp hành các quy định về an toàn đối với xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu.
c/ Observance of safety regulations in the course of construction of the research nuclear reactor.
3. Chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thi công phải tạo điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kiểm tra tại chỗ về việc tuân thủ thiết kế đã được phê duyệt.
3. The investor, organizations or individuals responsible for construction shall create conditions for competent state management agencies to conduct a site inspection of compliance with the approved design.
Điều 43. Kiểm tra lắp đặt, vận hành thử, nghiệm thu an toàn đối với lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu
Article 43.- Inspection of installation test operation and pre-handover test of safety of research nuclear reactors
1. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân tổ chức kiểm tra an toàn đối với việc lắp đặt, vận hành thử, nghiệm thu lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu.
1. The radiation and nuclear safety agency shall organize safety inspection of the installation, test operation and pre-handover test of research nuclear reactors.
Việc kiểm tra lắp đặt, vận hành thử được thực hiện cho từng hạng mục công trình, có kết luận nghiệm thu sơ bộ trước khi cho phép vận hành thử công đoạn tiếp theo, vận hành thử toàn bộ hệ thống và nghiệm thu.
The inspection of installation or test operation shall be conducted for each construction item for which preliminary pre-handover test conclusions has been made before the test operation of the next construction item or the whole system is permitted and a pre-handover test is conducted.
2. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân tổ chức kiểm tra theo quy định tại khoản 1 Điều này có quyền yêu cầu chủ đầu tư xây dựng cung cấp tài liệu và báo cáo về các nội dung sau đây:
2. The radiation and nuclear safety agency that organizes inspection under Clause 1 of this Article may request construction investors to supply documents and report on the following
a) Quy trình và lịch trình lắp đặt, vận hành thử, nghiệm thu;
a/ Process and schedule of installation, test operation and pre handover test:
b) Việc chấp hành quy định về an toàn đối với lắp đặt, vận hành thử, nghiệm thu.
b/ Observance of safety regulations in the course of installation, test operation and pre-handover test.
3. Việc nghiệm thu tổng thể đối với lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu chỉ được thực hiện khi các hạng mục công trình đã được nghiệm thu.
3. The overall pre-handover test of research nuclear reactors may only be conducted after all construction items are tested.
Điều 44. Bảo vệ, quan trắc phóng xạ môi trường đối với lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu
Article 44.- Protection and observation of environmental radioactivity of research nuclear reactors
1. Tổ chức có lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu phải thực hiện các quy định sau đây:
1. Organizations that have research nuclear reactors shall:
a) Tổ chức bảo vệ nghiêm ngặt, kiểm soát chặt chẽ việc ra vào khu vực lò phản ứng hạt nhân;
a/ Organize strict protection and control of persons and vehicles entering and leaving nuclear reactor areas;
b) Thiết lập khu vực hạn chế người qua lại, khu vực bảo vệ an toàn xung quanh lò phản ứng hạt nhân;
b/ Establish restricted areas and safety protection areas surrounding nuclear reactors;
c) Tiến hành quan trắc phóng xạ môi trường nơi có lò phản ứng hạt nhân, báo cáo cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân kết quả quan trắc định kỳ sáu tháng một lần và báo cáo ngay khi phát hiện kết quả quan trắc bất thường.
c/ Conduct observation of environmental radioactivity in the locations of nuclear reactors, biannually report to the radiation and nuclear safety agency on observation results, and immediately report on abnormal observation results.
2. Việc bảo vệ lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu được thực hiện theo quy định của pháp luật đối với công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
2. The protection of research nuclear reactors complies with legal provisions applicable to works important to national security.
Mục 3. NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN
Section 3. NUCLEAR POWER PLANTS
Điều 45. Yêu cầu đối với nhà máy điện hạt nhân
Article 45.- Requirements on nuclear power plants
1. Nhà máy điện hạt nhân là tổ hợp công trình bao gồm lò phản ứng hạt nhân và các công trình liên quan khác.
1. A nuclear power plant means a complex of works, including a nuclear reactor and other affiliated works.
2. Việc đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải theo quy hoạch phát triển điện hạt nhân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Investment in building nuclear power plants must be in line the planning on nuclear power development already approved by the Prime Minister.
3. Việc lựa chọn, phê duyệt địa điểm, thiết kế, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. The selection and approval of locations, designing, building, installation, operation and assurance of safety of nuclear power plants comply with the provisions of this Law and other relevant laws.
Điều 46. Quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Article 46.- Decision on policies on investment in building nuclear power plants
1. Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
1. The Government shall submit to the National Assembly for consideration and decision policies on investment in building nuclear power plants.
2. Hồ sơ dự án nhà máy điện hạt nhân trình Quốc hội bao gồm:
2. A dossier of a nuclear power plant project to be submitted to the National Assembly comprises:
a) Tờ trình của Chính phủ;
a/The Government's written exposition;
b) Báo cáo tiền khả thi (báo cáo đầu tư);
b/ Pre-feasibility report (investment report);
c) Báo cáo của Hội đồng thẩm định nhà nước;
c/ Report of the State Evaluation Council;
d) Tài liệu khác có liên quan.
d/ Other relevant documents.
Điều 47. Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Article 47.- Locations of nuclear power plants
1. Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau đây:
1. The location of a nuclear power plant must satisfy the following basic requirements;
a) Bảo đảm an toàn cho dân cư trên địa bàn;
a/ Assuring safety for local people;
b) Bảo đảm an toàn cho hoạt động của nhà máy điện hạt nhân có tính tới các yếu tố địa chất, thủy văn, thiên tai, giao thông và các yếu tố khác;
b/ Assuring safety of operation of the nuclear power plant, with geological, hydrological, natural disaster, transport and other factors taken into consideration;
c) Bảo đảm an ninh cho hoạt động của nhà máy điện hạt nhân;
c/ Assuring security for operation of the nuclear power plant;
d) Giảm thiểu hậu quả khi xảy ra sự cố.
d/ Mitigating consequences upon occurrence of an incident.
2. Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt địa điểm bao gồm:
2. A dossier on the location of a nuclear power plant to be submitted to the Prime Minister for approval comprises:
a) Đơn đề nghị phê duyệt địa điểm;
a/ Application for approval of the location;
b) Báo cáo tổng quan về việc lựa chọn địa điểm;
b/ General report on the location selection;
c) Thiết kế sơ bộ nhà máy điện hạt nhân;
c/ Preliminary design of the nuclear power plant;
d) Báo cáo đánh giá tác động môi trường;
d/ Environmental impact assessment report; e/ Results of evaluation of the report on environmental impact assessment;
đ) Kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;
f/ Preliminary safety analysis report;
e) Báo cáo phân tích an toàn sơ bộ;
g/ Safety assessment report;
g) Báo cáo thẩm định an toàn;
h/ Plan on radiation inspection of earth, air, ground water and surface water environments in the area to be affected by the operation of the nuclear power plant;
h) Kế hoạch kiểm xạ môi trường đất, không khí, nước dưới đất và nước mặt trong vùng bị ảnh hưởng khi vận hành nhà máy điện hạt nhân;
i/ Report of the State Evaluation Council;
i) Báo cáo của Hội đồng thẩm định nhà nước;
j/ Resolution of the provincial-level People's Council of the locality in which the nuclear power plant is planned to be located, stating local people's opinions on measures to assure safety and security, policies on investment in technical infrastructure construction, development of culture, education and social welfare in order to ensure harmony between the interests of the State and the investors and local people's benefits;
k) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân thể hiện ý kiến nhân dân về các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh, chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển văn hóa, giáo dục, phúc lợi xã hội nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và dân cư trên địa bàn;
k/ Other relevant documents
l) Tài liệu khác có liên quan.
Article 48.- Investment projects on building nuclear power plants
Điều 48. Dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân
1. An investment project on building a nuclear power plant must be formulated, evaluated and approved under the construction, investment and bidding laws.
1. Dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải được lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đầu tư và pháp luật về đấu thầu.
2. Apart from complying with the provisions of Clause 1 of this Article, a dossier of an investment project on building a nuclear power plant to be submitted by the investor to the Prime Minister must contain the following documents:
2. Ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, hồ sơ dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân do chủ đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải có các tài liệu sau đây:
a/ Application for a construction investment license;
a) Đơn đề nghị cho phép đầu tư xây dựng;
b/ Detailed design of the nuclear power plant;
b) Thiết kế chi tiết nhà máy điện hạt nhân;
c/ Environmental impact assessment report;
c) Báo cáo đánh giá tác động môi trường;
d/ Results of evaluation of the environmental
d) Kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;
impact assessment report:
đ) Báo cáo phân tích an toàn;
e/ Safety analysis report:
e) Quy trình bảo đảm chất lượng liên quan đến việc xây dựng;
f/ Process for assuring construction-related quality;
g) Kế hoạch tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân và việc bảo đảm tài chính cho tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân, quản lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, quản lý chất thải phóng xạ;
g/ Plan on dismantlement of the nuclear power plant and payment of dismantlement expenses; management of spent nuclear fuel and radioactive waste;
h) Báo cáo thẩm định an toàn;
h/ Safety assessment report;
i) Báo cáo của Hội đồng thẩm định nhà nước;
i/ Report of the State Evaluation Council;
k) Tài liệu khác có liên quan.
j/ Other relevant documents.
Điều 49. Thi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Article 49.- Construction of nuclear power plants
1. Việc thi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân chỉ được tiến hành sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư quy định tại Điều 47 và Điều 48 của Luật này.
1. A nuclear power plant may only be constructed after the Prime Minister approves its location and investment project under Articles 47 and 48 of this Law.
2. Chủ đầu tư và tổ chức thi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, bảo đảm an toàn hạt nhân theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Investors and organizations constructing nuclear power plants shall comply with national technical regulations and assure nuclear safety under this Law and other relevant provisions of law.
Điều 50. Vận hành nhà máy điện hạt nhân
Article 50.- Operation of nuclear power plants
1. Nhà máy điện hạt nhân phải có giấy phép vận hành thử trước khi nạp nhiên liệu vào lò phản ứng hạt nhân.
1. A nuclear power plant must obtain a test operation license before fuelling its nuclear reactor.
2. Việc vận hành thử nhà máy điện hạt nhân phải được thực hiện ở các mức công suất thấp đồng thời với việc kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật, giới hạn vận hành và nâng dần công suất lên mức thiết kế. Tổ chức có nhà máy điện hạt nhân phải lập báo cáo vận hành thử và báo cáo phân tích an toàn của nhà máy điện hạt nhân, giải trình rõ các thay đổi về chỉ tiêu kỹ thuật, giới hạn vận hành so với thiết kế khi xin cấp giấy phép xây dựng, gửi cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân.
2. The test operation of a nuclear power plant must be conducted at a low-capacity level concurrently with the checking of technical norms and operational limit and gradual increase of its capacity to the designed level. Organizations having nuclear power plants shall make reports on test operation and reports on safety analysis of nuclear power plants, clearly explaining changes in technical norms and operational limits compared with their designs submitted upon applying for construction licenses, then send them to the radiation and nuclear safety agency.
3. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thẩm định báo cáo kết quả vận hành thử và báo cáo phân tích an toàn của nhà máy điện hạt nhân, đề xuất về việc cấp giấy phép vận hành chính thức nhà máy điện hạt nhân trình Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia đánh giá kết quả thẩm định.
3. The radiation and nuclear safety agency shall evaluate reports on test operation results and reports on safety analysis of nuclear power plants, and propose the National Council for Nuclear Safety to assess evaluation results and issue licenses for official operation of nuclear power plants.
Điều 51. Kiểm tra an toàn đối với xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động, lắp đặt, vận hành thử, nghiệm thu an toàn lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân
Article 51,- Inspection of safety in construction, change in operation scale and scope, installation, test operation and pre-handover safety test of nuclear reactors of nuclear power plants
1. Việc kiểm tra an toàn đối với xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động, lắp đặt, vận hành thử, nghiệm thu an toàn lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân được thực hiện theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Luật này.
1. The inspection of safety in construction, change in the operation scale and scope, installation, test operation and pre-handover safety test of nuclear reactors of nuclear power plants shall be conducted under the provisions of Articles 42 and 43 of this Law.
2. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân có trách nhiệm báo cáo Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia kết quả kiểm tra an toàn quy định tại khoản 1 Điều này.
2. The radiation and nuclear safety agency shall report to the National Council for Nuclear Safety on results of safety inspection specified in Clause 1 of this Article.
Điều 52. Bảo vệ, quan trắc phóng xạ môi trường đối với nhà máy điện hạt nhân
Article 52.- Protection and observation of environmental radioactivity of nuclear power plants
Việc bảo vệ, quan trắc phóng xạ môi trường đối với nhà máy điện hạt nhân được thực hiện theo quy định tại Điều 44 của Luật này.
The protection and observation of environmental radioactivity of nuclear power plants comply with Article 44 of this Law.
Điều 53. Kiểm tra thường xuyên tình trạng an toàn, an ninh của nhà máy điện hạt nhân
Article 53.- Regular inspection of safety and security of nuclear power plants
1. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thành lập văn phòng kiểm tra đặt tại nhà máy điện hạt nhân, làm nhiệm vụ kiểm tra thường xuyên tình trạng an toàn, an ninh của nhà máy điện hạt nhân.
1. The radiation and nuclear safety agency shall set up inspection offices at nuclear power plants to regularly inspect safety and security of these nuclear power plants.
2. Tổ chức có nhà máy điện hạt nhân có trách nhiệm tạo điều kiện cho cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thực hiện việc kiểm tra quy định tại khoản 1 Điều này.
2. Organizations having nuclear power plants shall create conditions for the radiation and nuclear safety agency to conduct inspections specified in Clause 1 of this Article.
Điều 54. Báo cáo thực trạng an toàn nhà máy điện hạt nhân
Article 54.- Reports on the actual state of safety of nuclear power plants
1. Tổ chức có nhà máy điện hạt nhân phải lập báo cáo thực trạng an toàn bao gồm các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật này gửi cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân theo quy định sau đây:
1. Organizations having nuclear power plants shall make reports on the actual state of safety, which must have the contents specified in Clause 2, Article 20 of this Law, and send them to the radiation and nuclear safety agency according to the following provisions:
a) Báo cáo định kỳ hằng năm hoặc khi có yêu cầu của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân;
a/ Annual reports or reports made at the request of the radiation and nuclear safety agency;
b) Báo cáo tổng thể định kỳ mười năm một lần.
b/ General reports made once every ten years;
2. Báo cáo tổng thể quy định tại điểm b khoản 1 Điều này phải đề xuất thời gian cho phép nhà máy được tiếp tục vận hành.
2. General reports specified at Point b, Clause 1 of this Article must propose the duration in which nuclear power plants are allowed to continue operating.
Điều 55. Xử lý kết quả kiểm tra, đánh giá an toàn nhà máy điện hạt nhân
Article 55.- Handling of results of safety inspection and assessment of nuclear power plants
1. Khi phát hiện sai sót về an toàn, an ninh, cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân có quyền yêu cầu nhà máy điện hạt nhân có biện pháp khắc phục; trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn, an ninh thì kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động của nhà máy.
1. Upon detecting safety or security loopholes, the radiation and nuclear safety agency may request nuclear power plants to apply remedial measures. In case of serious violation of safety and security regulations, they shall propose competent state agencies to stop operation of violating plants.
2. Căn cứ báo cáo tổng thể quy định tại điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này, báo cáo thẩm định an toàn của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét việc gia hạn giấy phép vận hành nhà máy điện hạt nhân.
2. Based on general reports specified at Point b. Clause 1, Article 54 of this Law and safety assessment reports of the radiation and nuclear safety agency, competent state agencies shall consider the extension of nuclear power plant operation licenses.
Điều 56. Trách nhiệm bảo đảm nguồn nhân lực của tổ chức có nhà máy điện hạt nhân
Article 56.- Responsibility of organizations having nuclear power plants to ensure sufficient personnel
1. Bảo đảm nguồn nhân lực đủ trình độ và kỹ năng cần thiết nhằm thực hiện an toàn việc vận hành nhà máy điện hạt nhân, quản lý nhiên liệu hạt nhân, lưu giữ và xử lý chất thải phóng xạ, tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân.
1. To ensure sufficient personnel who are fully qualified and have necessary skills for safely operating nuclear power plants, managing nuclear fuel, storing and disposing of radioactive waste and dismantling nuclear power plants.
2. Tổ chức đào tạo và đào tạo lại nhân viên vận hành nhà máy điện hạt nhân.
2. To organize the training and re-training of nuclear power plant operators.
3. Bổ nhiệm người có đủ điều kiện vào các chức danh kỹ sư trưởng, trưởng ca vận hành, người quản lý nhiên liệu hạt nhân, người phụ trách an toàn.
3. To appoint qualified persons to the post of chief engineer, head of operation shift, manager of nuclear fuel or safety officer.
Điều 57. Công tác thông tin đại chúng
Article 57.- Public information
Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà máy điện hạt nhân và tổ chức có nhà máy điện hạt nhân tổ chức thực hiện các quy định sau đây:
The Industry and Trade Ministry shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Science and Technology Ministry, the Information and Communication Ministry and provincial-level People's Committees of localities where nuclear power plants are located and organizations having nuclear power plants in, organizing the following:
1. Tuyên truyền, cung cấp thông tin nhằm nâng cao hiểu biết của nhân dân về nhà máy điện hạt nhân;
1. Propaganda and supply of information for raising public awareness about nuclear power plants;
2. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn cho nhân dân địa phương nơi có nhà máy điện hạt nhân;
2. Propaganda and popularization of knowledge on safety among people in localities where nuclear power plants are located:
3. Cung cấp thường xuyên thông tin về tình trạng an toàn của nhà máy điện hạt nhân cho nhân dân địa phương nơi có nhà máy điện hạt nhân.
3. Regular supply of information on the actual state of safety of nuclear power plants to people in localities where nuclear power plants are located.
Chương 6.
Chapter VI
THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN QUẶNG PHÓNG XẠ
EXPLORATION, EXPLOITATION AND PROCESSING OF RADIOACTIVE ORES
Điều 58. Báo cáo đánh giá an toàn đối với cơ sở thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ
Article 58.- Safety assessment reports of establishments exploring, exploiting or processing radioactive ores
1. Cơ sở thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ là cơ sở tiến hành một hoặc một số công việc sau đây:
1. Establishments exploring, exploiting or processing radioactive ores are those conducting one or several of the following activities:
a) Thăm dò, khai thác và chế biến quặng urani, thori;
a/ Exploring, exploiting and processing uranium and thorium ores;
b) Khai thác, chế biến khoáng sản khác mà sản phẩm phụ hoặc chất thải sau chế biến có chứa chất phóng xạ có hoạt độ phóng xạ lớn hơn mười nghìn lần mức hoạt độ phóng xạ miễn trừ khai báo.
b/ Exploiting and processing other minerals with byproducts or post-processing wastes containing radioactive substances of a radioactivity ten thousand times higher than the level of exemption from declaration.
2. Cơ sở thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ phải lập báo cáo đánh giá an toàn quy định tại Điều 19 của Luật này trình cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thẩm định.
2. Establishments exploring, exploiting or processing radioactive ores shall make and submit safety assessment reports specified in Article 19 of this Law to the radiation and nuclear safety agency for evaluation.
3. Báo cáo đánh giá an toàn đối với cơ sở thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ ngoài các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này còn phải có các nội dung sau đây: quy trình thăm dò, khai thác, chế biến; kho lưu giữ; các biện pháp giảm bụi phóng xạ; biện pháp thông gió, giảm nồng độ khí radon và các khí độc khác; đóng gói, lưu giữ, vận chuyển sản phẩm có chứa phóng xạ; thu gom, xử lý và lưu giữ chất thải phóng xạ.
3. Apart from the contents specified in Clause 2, Article 19 of this Law, a safety assessment report of an establishment exploring, exploiting or processing radioactive ores must also have the following contents: exploration, exploitation and processing processes: storages; measures to reduce radioactive dust; measures to ensure ventilation and reduce the concentration of radon and other toxic gases: packaging, storing and transportation of products containing radioactive substances; collection, disposal and storage of radioactive waste.
Điều 59. Trách nhiệm của cơ sở thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ trong việc phục hồi môi trường
Article 59.- Responsibility of establishments exploring, exploiting or processing radioactive ores to rehabilitate the environment
1. Thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế tối đa tác động xấu đến các thành phần môi trường; thực hiện việc phục hồi môi trường sau khi kết thúc từng giai đoạn hoặc toàn bộ hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến theo quy định của Luật khoáng sản, Luật bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn bức xạ theo quy định của Luật này; lập bản đồ khu vực khai thác, chế biến quặng đã chấm dứt hoạt động.
1. To apply measures to minimize adverse impacts on the environmental elements; to rehabilitate the environment upon completion of each stage or the whole exploration, exploitation and processing process under the Mineral Law and the Environmental Protection Law. and assure radiation safety under this Law; to make maps of areas in which ore exploitation or processing is no longer conducted.
2. Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép về kết quả thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này.
2. To report to the state management agencies on results of application of measures specified in Clause 1 of this Article.
Chương 7.
Chapter VII
VẬN CHUYỂN VÀ NHẬP KHẨU, XUẤT KHẨU VẬT LIỆU PHÓNG XẠ, THIẾT BỊ HẠT NHÂN
TRANSPORTATION, IMPORT AND EXPORT OF RADIOACTIVE MATERIAL AND NUCLEAR EQUIPMENT
Mục 1. VẬN CHUYỂN
Section 1. TRANSPORTATION
Điều 60. Yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển vật liệu phóng xạ
Article 60.- Requirements on organizations and individuals transporting radioactive material
1. Tổ chức, cá nhân chỉ được vận chuyển vật liệu phóng xạ sau khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép.
1. Organizations and individuals may only transport radioactive material after being licensed by competent state management agencies.
2. Tổ chức, cá nhân vận tải không được từ chối vận chuyển vật liệu phóng xạ đã được đóng gói theo quy định tại Điều 61 của Luật này và đã đủ điều kiện được vận chuyển theo quy định của pháp luật.
2. Transporting organizations and individuals may not refuse to transport radioactive material already packaged under Article 61 of this Law and satisfying all conditions for transportation under law.
Điều 61. Đóng gói các kiện hàng phóng xạ để vận chuyển
Article 61.- Packaging of radioactive materials for transportation
1. Vật liệu phóng xạ phải được đóng gói trong các kiện hàng phóng xạ trước khi vận chuyển, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.
1. Before being transported, radioactive materials must be packaged to assure their safety during transportation.
2. Kiện hàng phóng xạ được thiết kế, chế tạo, thử nghiệm bảo đảm an toàn tương xứng với mức độ nguy hiểm của vật liệu phóng xạ và phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng.
2. Radioactive packages must be designed, manufactured and tested to assure their safety level corresponding to the level of danger of radioactive material and may only be used after obtaining permission of competent state management agencies.
3. Kiện hàng phóng xạ chỉ được dùng để chứa vật liệu phóng xạ và các tài liệu, vật phụ trợ cần thiết liên quan đến vật liệu phóng xạ được vận chuyển.
3. Radioactive packages may be used to contain only radioactive materials and necessary proof documents and objects related to the transported radioactive material.
4. Việc đóng gói vật liệu phóng xạ để vận chuyển được thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
4. The packaging of radioactive materials for transportation must comply with national technical regulations.
Điều 62. Kế hoạch bảo đảm an toàn, an ninh và kế hoạch ứng phó sự cố khi vận chuyển
Article 62.- Plans on assurance of safety and security and plans on response to incidents during transportation
1. Tổ chức, cá nhân khi vận chuyển vật liệu phóng xạ phải lập và thực hiện kế hoạch bảo đảm an toàn, an ninh đáp ứng các yêu cầu sau đây:
1. When transporting radioactive material, organizations and individuals shall work out and implement plans on safety and security assurance, satisfying the following requirements:
a) Có phương án bảo vệ an toàn cho người trực tiếp tham gia vận chuyển và những người có liên quan khác; kiểm tra sự nhiễm bẩn phóng xạ của kiện hàng, khu vực chuẩn bị kiện hàng phóng xạ, khu vực kho và các phương tiện vận chuyển; lập và lưu giữ hồ sơ kiểm tra;
a/ To devise plans on protection of safety for persons directly involved in the transportation and other related persons; and to check the radioactive contamination of packages, areas where radioactive packages are prepared, warehouses and vehicles: compile and preserve checking dossiers;
b) Nhân viên tham gia vào quá trình vận chuyển phải được đào tạo, cập nhật kiến thức về an toàn bức xạ, có hiểu biết về quy tắc phòng cháy, chữa cháy và quy định về vận chuyển an toàn vật liệu phóng xạ;
b/ Persons involved in the transportation must be trained and provided with updated knowledge about radiation safety and knowledgeable about fire protection rules and regulations on safe transportation of radioactive material:
c) Xây dựng, kiểm soát lộ trình vận chuyển; phòng ngừa việc thất lạc vật liệu phóng xạ, việc chiếm đoạt, phá hoại vật liệu phóng xạ.
c/ To work out and control the transportation itinerary; to prevent loss, misappropriation or destruction of radioactive material.
2. Tổ chức, cá nhân khi vận chuyển vật liệu phóng xạ phải lập kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở đáp ứng những yêu cầu sau đây:
2. hen transporting radioactive material, organizations and individuals shall work out plans on response to a facility-level incident, satisfying the following requirements:
a) Quy định cụ thể nhiệm vụ của các bộ phận, cá nhân khi có sự cố xảy ra;
a/To specify tasks of sections and individuals upon the occurrence of an incident;
b) Thông báo khẩn cấp cho các cơ quan có thẩm quyền về sự cố;
b/ To make an emergency notification of the incident to competent agencies;
c) Có biện pháp và phương tiện kỹ thuật cần thiết ứng phó sự cố;
c/ To apply necessary measures and technical devices to respond to the incident;
d) Cảnh báo cho dân chúng xung quanh nơi xảy ra sự cố;
d/ To issue a warning to inhabitants in areas surrounding the incident site;
đ) Khoanh vùng cách ly, ngăn chặn tiếp cận, khắc phục việc nhiễm bẩn phóng xạ;
e/ To zone off the radioactively contaminated area for segregation, prevent any access to this area and remedy the radioactive contamination;
e) Cấp cứu nạn nhân.
f/To give first aid to victims.
3. Kế hoạch ứng phó sự cố trong vận chuyển chất phóng xạ, chất thải phóng xạ có mức độ nguy hiểm trên trung bình và vận chuyển vật liệu hạt nhân phải được diễn tập và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép thẩm định.
3. Plans on response to incidents in the transportation of radioactive substances or waste of an above-medium level of danger and the transportation of nuclear material must be maneuvered and evaluated by state management agencies competent to license the transportation.
4. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chi tiết việc lập kế hoạch bảo đảm an toàn, an ninh và kế hoạch ứng phó sự cố trong vận chuyển vật liệu phóng xạ.
4. The Science and Technology Ministry shall guide in detail the elaboration of plans on assurance of safety and security and plans on response to incidents in the transportation of radioactive material.
Điều 63. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong vận chuyển
Article 63.- Responsibilities of organizations and individuals involved in transportation
1. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gửi hàng:
1. Responsibilities of consignors:
a) Xin cấp giấy phép vận chuyển vật liệu phóng xạ;
a/To apply for licenses to transport radioactive material;
b) Đóng gói vận chuyển vật liệu phóng xạ theo quy định tại Điều 61 của Luật này;
b/ To package radioactive material for transportation under Article 61 of this Law;
c) Thông báo cho tổ chức, cá nhân vận chuyển những yêu cầu về an toàn, an ninh và cung cấp những tài liệu liên quan đến hàng vận chuyển;
c/ To inform transporting organizations and individuals of safety and security requirements, and supply documents relevant to transported goods;
d) Phối hợp với tổ chức, cá nhân vận chuyển hướng dẫn nhân viên vận chuyển thực hiện quy định của giấy phép vận chuyển và hợp đồng vận chuyển;
d/ To coordinate with transporting organizations and individuals in guiding transportation staff in observing the terms of transportation licenses and contracts;
đ) Lưu giữ hồ sơ về việc gửi hàng.
e/ To keep consignment documents
2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vận chuyển:
2. Responsibilities of transporters:
a) Kiểm tra điều kiện an toàn của hàng gửi theo quy định;
a/ To check safety conditions of consigned goods under regulations;
b) Tuân thủ các quy định của giấy phép vận chuyển và hợp đồng vận chuyển; chỉ chấp nhận vận chuyển khi hàng gửi có đầy đủ thủ tục, hồ sơ hợp lệ, đóng gói bảo đảm an toàn trong vận chuyển;
b/To comply with the terms of transportation licenses and contracts; to undertake to transport goods only if these goods are accompanied with valid documents and properly packaged to assure safety in transportation and all procedures for these goods have been completed;
c) Phối hợp với tổ chức, cá nhân gửi hàng hướng dẫn nhân viên vận chuyển thực hiện quy định của giấy phép vận chuyển và hợp đồng vận chuyển;
c/To coordinate with consigning organizations and individuals in guiding transportation staff in observing the terms of transportation licenses and contracts;
d) Báo cáo ngay với cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân khi kiện hàng phóng xạ không có người nhận.
d/ To promptly report to the radiation and nuclear safety agency on unclaimed radioactive packages.
3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhận hàng:
3. Responsibilities of consignees:
a) Phối hợp với tổ chức, cá nhân gửi hàng, tổ chức, cá nhân vận chuyển tiếp nhận an toàn, đúng hạn, nhanh chóng giải phóng kiện hàng phóng xạ ra khỏi nơi nhận hàng;
a/ To coordinate with consignors and transporters in receiving safely and in time radioactive packages in order to swiftly release these packages from places of delivery;
b) Tham gia khắc phục hậu quả cùng với tổ chức, cá nhân liên quan khi sự cố xảy ra;
b/ To join involved organizations and individuals in mitigating incident consequences:
c) Báo cáo ngay cho tổ chức, cá nhân gửi hàng và cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân khi phát hiện hàng hóa nhận được không đúng với hợp đồng vận chuyển về chủng loại, số lượng, kiện hàng phóng xạ có dấu hiệu bị hư hỏng, bị tháo dỡ, bị rò rỉ phóng xạ.
c/ To report promptly to consignors and the radiation and nuclear safety agency upon detecting that received goods are different in category and quantity from those stated in transportation contracts, or radioactive packages show signs of deterioration, unpacking or radioactive leakage.
4. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân lưu giữ kiện hàng phóng xạ tại kho trung chuyển:
4. Responsibilities of organizations and individuals storing radioactive packages at entrepot warehouses:
a) Phối hợp với tổ chức, cá nhân vận chuyển, tổ chức, cá nhân nhận hàng tiếp nhận an toàn, nhanh chóng giải phóng các kiện hàng phóng xạ ra khỏi nơi nhận hàng;
a/ To coordinate with transporters and consignees in receiving safely and in time radioactive packages in order to swiftly release these packages from places of delivery;
b) Tham gia khắc phục hậu quả cùng với các bên liên quan khi sự cố xảy ra;
b/ To join involved parties in mitigating incident consequences;
c) Báo cáo ngay với cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân khi phát hiện các kiện hàng phóng xạ có dấu hiệu bị hư hỏng, bị tháo dỡ, bị rò rỉ phóng xạ; kiện hàng phóng xạ không có người nhận.
c/ To report promptly to the radiation and nuclear safety agency upon detecting that radioactive packages show signs of deterioration, unpacking or radioactive leakage; or on unclaimed radioactive packages.
5. Tổ chức, cá nhân liên quan đến việc vận chuyển phải thực hiện kế hoạch bảo đảm an toàn, an ninh và ứng phó sự cố quy định tại Điều 62 của Luật này.
5. Organizations and individuals involved in the transportation shall implement plans on safety and security assurance and response to incidents as specified in Article 62 of this Law.
Điều 64. Kiểm soát an toàn đối với vận chuyển quá cảnh vật liệu phóng xạ và hoạt động của tàu biển, phương tiện khác có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân
Article 64.- Safety control of transit transportation of radioactive material and operation of seagoing ships and other vehicles that are nuclear-powered
Việc vận chuyển vật liệu phóng xạ quá cảnh lãnh thổ Việt Nam, hoạt động của tàu biển, phương tiện khác có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép và phải chịu sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
The transportation of radioactive materials transiting the Vietnamese territory, operation of seagoing ships and other vehicles that are nuclear-powered in the Vietnamese territory must be permitted by the Prime Minister and supervised by competent state management agencies.
Mục 2. NHẬP KHẨU VÀ XUẤT KHẨU
Section 2. IMPORT AND EXPORT
Điều 65. Kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân
Article 65.- Control of import and export of radioactive material and nuclear equipment
1. Việc nhập khẩu, xuất khẩu vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân được thực hiện theo quy định sau đây:
1. The import and export of radioactive material and nuclear equipment must comply with the following provisions:
a) Vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân chỉ được nhập khẩu, xuất khẩu khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép;
a/ Radioactive material and nuclear equipment may only be imported or exported under licenses issued by competent state management agencies;
b) Vật liệu phóng xạ phải được đóng gói trong kiện hàng theo quy định tại Điều 61 của Luật này;
b/ Radioactive material must be packaged under Article 61 of this Law.
2. Cơ quan hải quan phải ưu tiên làm thủ tục thông quan vật liệu phóng xạ đáp ứng đầy đủ quy định tại khoản 1 Điều này; nếu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Customs offices shall prioritize the custom clearance of radioactive material which fully satisfies the conditions specified in Clause 1 of this Article. Any violation shall, depending on its nature and seriousness and consequences caused, be handled under law.
3. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền buộc phải khắc phục trước khi thông quan hoặc tái xuất hoặc tịch thu.
3. Organizations and individuals that import radioactive material and nuclear equipment in violation of Clause 1 of this Article shall, depending on the nature, seriousness and consequences of their violations, be forced by competent state management agencies to remedy their violations before customs clearance, reexport the imported goods or have their goods confiscated.
4. Tổ chức, cá nhân xuất khẩu vật liệu phóng xạ, thiết bị hạt nhân vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền buộc phải khắc phục trước khi thông quan.
4. Organizations and individuals that export radioactive material and nuclear equipment in violation of Clause 1 of this Article shall, depending on the nature, seriousness and consequences of their violations, be forced by competent state management agencies to remedy their violations before customs clearance.
5. Chính phủ quy định cụ thể cơ chế phối hợp giữa cơ quan hải quan, cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân, các cơ quan liên quan trong việc kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân tại cửa khẩu.
5. The Government shall specify a mechanism for coordination among customs offices, the radiation and nuclear safety agency and concerned agencies in controlling the import and export of radioactive material and nuclear equipment at border gates.
Điều 66. Kiểm soát nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng đã chiếu xạ hoặc chứa chất phóng xạ
Article 66.- Control of import of consumer goods which have been irradiated or contain radioactive substances
1. Hàng hóa tiêu dùng đã chiếu xạ không có trong danh mục được phép nhập khẩu hoặc có trong danh mục được phép nhập khẩu nhưng đã chiếu xạ hoặc chứa chất phóng xạ quá mức quy định thì không được phép nhập khẩu.
1. Consumer goods which have been irradiated and are not on the list of goods permitted for import or which are on such list but have been excessively irradiated or which contain radioactive substances in excess of the prescribed level are not permitted for import.
2. Hàng hóa tiêu dùng đã chiếu xạ hoặc chứa chất phóng xạ được phép nhập khẩu phải ghi rõ trên nhãn.
2. Consumer goods which have been irradiated or contain radioactive substances permitted for export must have labels clearly stating the irradiation or contained radioactive substances.
3. Bộ Y tế quy định danh mục sản phẩm tiêu dùng đã chiếu xạ hoặc chứa chất phóng xạ được phép nhập khẩu và mức chiếu xạ đối với hàng hóa tiêu dùng trên cơ sở kết quả thẩm định an toàn của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân.
3. The Health Ministry shall specify a list of consumer goods which have been irradiated or contain radioactive substances permitted for export and the permitted radiation level applicable to consumer goods on the basis of results of safety assessment by the radiation and nuclear safety agency.
Điều 67. Kiểm soát hàng hóa nhập khẩu nghi ngờ chứa chất phóng xạ hoặc nhiễm phóng xạ
Article 67.- Control of imported goods suspected of containing radioactive substances or being radioactively contaminated
1. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân phối hợp với cơ quan hải quan triển khai các biện pháp cần thiết để phát hiện, kiểm tra hàng hóa nhập khẩu nghi ngờ chứa chất phóng xạ hoặc nhiễm phóng xạ.
1. The radiation and nuclear safety agency shall coordinate with customs offices in applying necessary measures to detect and inspect imported goods suspected of containing radioactive substances or being radioactively contaminated.
2. Khi phát hiện hàng hóa nhập khẩu chứa chất phóng xạ hoặc nhiễm phóng xạ, cơ quan hải quan dừng làm thủ tục thông quan, thông báo cho chủ hàng để xử lý bằng các biện pháp sau đây:
2. Upon detecting imported goods which contain radioactive substances or are radioactively contaminated, customs offices shall stop carrying out customs clearance procedures and notify such to goods owners for handling with the following measures:
a) Áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác hại đối với con người, môi trường;
a/ Immediately applying necessary measures to assure safety in order to minimize harms to human beings and the environment;
b) Áp dụng các biện pháp loại bỏ chất phóng xạ, tẩy xạ hàng hóa chứa chất phóng xạ hoặc nhiễm phóng xạ, trừ trường hợp tái xuất ngay.
b/ Applying measures to remove radioactive substances from or decontaminate the goods, except for the case of immediate re-export.
3. Cơ quan hải quan phối hợp với cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân kiểm soát việc thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 2 Điều này.
3. Customs offices shall coordinate with the radiation and nuclear safety agency in controlling the application of measures specified in Clause 2 of this Article.
4. Sau khi áp dụng các biện pháp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này mà hàng hóa đủ điều kiện nhập khẩu thì tiếp tục cho làm thủ tục thông quan, trường hợp không đủ điều kiện thì buộc tái xuất.
4. After applying measures specified at Point b, Clause 2 of this Article, if the goods satisfy the conditions for import, customs clearance procedures may be resumed. If such goods still fail to satisfy the conditions for import, they shall be re-exported.
5. Chủ hàng có trách nhiệm khắc phục mọi hậu quả do hàng hóa nhập khẩu chứa chất phóng xạ hoặc nhiễm phóng xạ gây ra tại bến cảng.
5. Goods owners shall mitigate all consequences caused at ports by imported goods which contain radioactive substances or are radioactively contaminated.
Chương 8.
Chapter VIII
DỊCH VỤ HỖ TRỢ ỨNG DỤNG NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ
ATOMIC ENERGY APPLICATION SERVICES
Điều 68. Hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử
Article 68.- Atomic energy application services
1. Tư vấn kỹ thuật và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
1. Technical and technological consultancy in the domain of atomic energy.
2. Đánh giá, định giá, giám định công nghệ bức xạ, công nghệ hạt nhân.
2. Assessment, appraisal and verification of radiation and nuclear technologies.
3. Đào tạo nhân viên bức xạ; đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ.
3. Training of radiation workers: organization of training and retraining courses at the request of organizations and individuals performing radiation jobs.
4. Lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân.
4. Installation, maintenance and repair of radiation and nuclear equipment.
5. Đo liều chiếu xạ cá nhân, đánh giá hoạt độ phóng xạ.
5. Measurement of individual irradiation doses and assessment of radioactivity.
6. Kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị ghi đo bức xạ, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân.
6. Inspection and calibration of radiation recording and measuring devices, radiation and nuclear equipment.
7. Tẩy xạ.
7. Radioactive decontamination.
8. Thay, đảo nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân.
8. Replacement and renewal of fuel for nuclear reactors.
9. Lắp đặt nguồn phóng xạ.
9. Installation of radioactive sources.
10. Các hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác.
10. Other support services.
Điều 69. Điều kiện hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử
Article 69.- Conditions for provision of atomic energy application services
1. Tổ chức tiến hành hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. An organization providing atomic energy application services shall satisfy the following conditions:
a) Được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật;
a/ Being established and operating under law.
b) Có ít nhất hai người có chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử;
b/ Having at least two persons possessing practice certificates for providing atomic energy application services;
c) Có cơ sở vật chất – kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động dịch vụ theo nội dung đăng ký.
c/ Having physical and technical foundations meeting the requirements of registered service operations.
2. Cá nhân hoạt động độc lập trong lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử phải có chứng chỉ hành nghề dịch vụ.
2. Individuals being independent providers of atomic energy application services must possess service-providing practice certificates.
3. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử phải đăng ký hoạt động theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.
3. Organizations and individuals providing atomic energy application services shall register their operations under regulations of the Science and Technology Ministry.
Điều 70. Chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử
Article 70.- Practice certificates for providing atomic energy application services
1. Cá nhân có đủ điều kiện sau đây được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử:
1. An individual that fully satisfies the following conditions may be issued a practice certificate for providing atomic energy application services:
a) Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
a/ Having the full civil act capacity;
b) Có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc phù hợp;
b/ Having appropriate professional qualifications and working experience;
c) Đã qua khóa đào tạo dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử tại cơ sở đào tạo.
c/ Having been trained in provision of atomic energy application services at a training establishment.
2. Người được cấp chứng chỉ quy định tại Điều này có trách nhiệm thường xuyên cập nhật kiến thức liên quan.
2. Certificate holders specified in this Article shall constantly update relevant knowledge.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể về cơ sở đào tạo dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử; việc cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử và việc công nhận chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử do tổ chức nước ngoài cấp.
3. The Science and Technology Ministry shall specify establishments training providers of atomic energy application services; the issuance and withdrawal of practice certificates for providing atomic energy application services and the recognition of such certificates issued by foreign organizations.
Điều 71. Quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử
Article 71.- Rights and obligations of organizations and individuals providing atomic energy application services
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử có các quyền sau đây:
1. Organizations and individuals providing atomic energy application services have the following rights:
a) Tiến hành hoạt động đã đăng ký;
a/To conduct registered operations;
b) Yêu cầu người sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc cung ứng dịch vụ;
b/ To request service users to supply information and documents necessary for the provision of services;
c) Sử dụng cộng tác viên trong nước và nước ngoài để thực hiện hoạt động dịch vụ;
c/ To employ domestic and foreign collaborators in providing services;
d) Nhận thù lao từ việc cung ứng dịch vụ theo thỏa thuận;
d/ To receive service charges as agreed upon;
đ) Yêu cầu người sử dụng dịch vụ bồi thường thiệt hại do lỗi của người sử dụng dịch vụ gây ra cho mình;
e/ To request service users to compensate for damage caused by service users to them;
e) Hợp tác, liên doanh với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài để tiến hành hoạt động dịch vụ;
f/ To cooperate or enter into joint ventures with domestic and foreign organizations and individuals in providing services:
g) Tham gia hiệp hội ngành, nghề trong nước, khu vực và quốc tế theo quy định của pháp luật.
g/ To join in domestic, regional and international professional associations in accordance with law.
2. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử có các nghĩa vụ sau đây:
2. Organizations and individuals providing atomic energy application services have the following obligations:
a) Thực hiện việc cung ứng dịch vụ theo đúng nội dung đã đăng ký;
a/ To provide services in accordance with registered contents:
b) Thực hiện hợp đồng dịch vụ đã giao kết;
b/ To perform service contracts already concluded;
c) Chịu trách nhiệm với bên sử dụng dịch vụ về kết quả thực hiện dịch vụ của mình;
c/To be responsible to service users for results of services they provide;
d) Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra cho bên sử dụng dịch vụ;
d/To compensate for damage caused by them to service users;
đ) Thực hiện nghĩa vụ về tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật;
e/ To fulfill financial obligations and other obligations under law;
e) Thông báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ và cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân khi phát hiện có nguy cơ phát sinh sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân.
f/ To promptly notify service users and the radiation and nuclear safety agency of any risk of occurrence of a radiation or nuclear incident.
Chương 9.
Chapter IX
KHAI BÁO VÀ CẤP GIẤY PHÉP
DECLARATION AND LICENSING
Điều 72. Khai báo chất phóng xạ, thiết bị bức xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân
Article 72.- Declaration of radioactive substances, radiation equipment nuclear material and nuclear equipment
1. Tổ chức, cá nhân có chất phóng xạ hoặc chất thải phóng xạ với hoạt động trên mức miễn trừ khai báo, thiết bị bức xạ có công suất trên mức miễn trừ khai báo, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân phải khai báo với cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân về số lượng, loại, đặc tính, xuất xứ và các thông tin khác quy định tại khoản 3 Điều 22 của Luật này.
1. Organizations and individuals having radioactive substances or waste of a radioactivity above the level for exemption from declaration: radiation equipment of a capacity above the level for exemption from declaration; nuclear source material, nuclear material and nuclear equipment shall declare them to the radiation and nuclear safety agency on their quantity, category, characteristic and origin, and supply other information as specified in Clause 3, Article 22 of this Law.
2. Việc khai báo phải được thực hiện trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày có vật liệu phóng xạ, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân.
2. Declaration must be made within seven working days after declarants process radioactive material, radiation equipment or nuclear equipment.
Điều 73. Giấy phép tiến hành công việc bức xạ
Article 73.- Licenses to perform radiation jobs
1. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải có giấy phép, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
1. Organizations and individuals performing radiation jobs must be licensed, except for cases specified in Clause 2 of this Article.
2. Tổ chức, cá nhân được tiến hành các công việc bức xạ dưới đây không phải xin cấp giấy phép:
2. Organizations and individuals may perform the following radiation jobs without a license:
a) Sản xuất, chế biến, nhập khẩu, xuất khẩu, đóng gói, vận chuyển, lưu giữ, sử dụng chất phóng xạ có hoạt độ từ mức miễn trừ cấp phép trở xuống;
a/ Producing, processing, importing, exporting, packaging, transporting, storing or using radioactive substances of a radioactivity at or below the level for exemption from licensing;
b) Sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ thuộc danh mục không phải xin cấp giấy phép.
b/ Using radioactive sources or radiation equipment on the list of these for which licenses are not required.
Điều 74. Thời hạn của giấy phép tiến hành công việc bức xạ
Article 74.- Term of licenses to perform radiation jobs
1. Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm dưới trung bình được cấp cho nhiều chuyến hàng có thời hạn mười hai tháng.
1. Licenses for multiple import or export of radioactive sources of under-medium danger level are valid for twelve months.
2. Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm từ trung bình trở lên, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân được cấp cho từng chuyến hàng có thời hạn sáu tháng.
2. Licenses for single import or export of radioactive sources of medium danger level or higher, nuclear material and equipment are valid for six months.
3. Giấy phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài vận chuyển vật liệu phóng xạ quá cảnh lãnh thổ Việt Nam; giấy phép cho tàu biển, phương tiện khác có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có thời hạn sáu tháng.
3. Licenses for foreign organizations andindividuals to transport radioactive material in transit via the Vietnamese territory: and licenses for nuclear-powered seagoing ships and other vehicles to operate in the Vietnamese territory are valid for six months.
4. Giấy phép cho tàu biển, phương tiện khác có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân của tổ chức, cá nhân trong nước có thời hạn mười năm.
4. Licenses for nuclear-powered seagoing ships and other vehicles of domestic organizations and individuals are valid for ten years.
5. Giấy phép vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, vận hành nhà máy điện hạt nhân có thời hạn mười năm.
5. Licenses to operate research nuclear reactors or nuclear power plants are valid for ten years.
6. Giấy phép vận hành thiết bị chiếu xạ có thời hạn năm năm.
3. Licenses to operate irradiation equipment are valid for five years.
7. Giấy phép tiến hành công việc bức xạ khác có thời hạn ba năm.
7. Licenses to perform other radiation jobs are valid for three years.
Điều 75. Điều kiện cấp giấy phép
Article 75.- Licensing conditions
1. Tổ chức có đủ các điều kiện sau đây thì được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ:
1. An organization that fully satisfies the following conditions may be licensed to perform radiation jobs:
a) Được thành lập theo quy định của pháp luật;
a/ Being established under law;
b) Tiến hành công việc bức xạ phù hợp với chức năng hoạt động;
b/ Performing radiation jobs suitable to its operating functions;
c) Có đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất – kỹ thuật phù hợp;
c/ Having qualified staff and appropriate physical-technical foundation;
d) Đáp ứng đủ các điều kiện bảo đảm an toàn, an ninh đối với từng công việc bức xạ cụ thể theo quy định của Luật này;
d/ Fully satisfying the conditions for assurance of safety and security for each radiation job specified in this Law;
đ) Hoàn thành hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
e/ Having completed the dossier and procedures for applying for a license under this Law and other relevant laws.
2. Cá nhân có đủ các điều kiện quy định sau đây thì được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ:
2. An individual who fully satisfies the following conditions may be licensed to perform radiation jobs:
a) Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
a/ Having the full civil act capacity;
b) Tiến hành công việc bức xạ phù hợp với đăng ký hành nghề hoặc đăng ký kinh doanh;
b/ Performing radiation jobs in accordance with his/her practice or business registration:
c) Có trình độ chuyên môn phù hợp;
c/ Having appropriate professional qualifications:
d) Đáp ứng đủ các điều kiện bảo đảm an toàn, an ninh đối với từng công việc bức xạ cụ thể theo quy định của Luật này;
d/ Fully satisfying the conditions for assurance of safety and security for each radiation job specified in this Law;
đ) Hoàn thành hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
e/ Having completed the dossier and procedures for applying for a license under this Law and other relevant laws.
Điều 76. Các loại hồ sơ xin cấp giấy phép
Article 76.- License application dossiers
1. Hồ sơ xin cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ có các tài liệu sau đây:
1. A dossier of application for a license to perform radiation jobs comprises the following documents:
a) Đơn xin cấp giấy phép;
a/ Application for a license;
b) Số lượng, loại, đặc tính, xuất xứ và mục đích sử dụng của chất phóng xạ, thiết bị bức xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân;
b/ Quantity, category, characteristics, origin and use purpose of the radioactive substance, radiation equipment, nuclear material or equipment;
c) Tài liệu chứng minh đủ điều kiện về nhân lực; kế hoạch đào tạo, huấn luyện nhân lực;
c/ Documents evidencing sufficient and qualified personnel; plan on personnel training;
d) Báo cáo đánh giá an toàn hoặc báo cáo phân tích an toàn đối với từng công việc bức xạ cụ thể;
d/ Safety assessment or safety analysis report for each specific radiation job;
đ) Quy trình bảo đảm chất lượng;
e/ Process of quality assurance;
e) Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân đối với từng công việc bức xạ cụ thể;
f/ Plan on response to a radiation or nuclear incident for each specific radiation job:
g) Dự kiến hệ thống hồ sơ lưu giữ và hệ thống báo cáo.
g/ Planned record-keeping and reporting systems.
2. Hồ sơ xin cấp giấy phép xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng gồm các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này và các tài liệu sau đây:
2. A dossier of application for a license to dispose of or store radioactive waste, used radioactive sources and spent nuclear fuel comprises the documents specified in Clause 1 of this Article and the following documents:
a) Dự kiến số lượng, loại, đặc tính chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng được lưu giữ, xử lý;
a/ Expected quantities, categories, characteristics of radioactive waste, used radioactive sources and spent nuclear fuel to be stored or disposed of;
b) Phương pháp, thiết bị xử lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng;
b/ Methods of and equipment for disposing of radioactive waste, used radioactive sources and spent nuclear fuel;
c) Dự kiến khả năng phát thải ra môi trường và kế hoạch kiểm xạ môi trường;
c/ Anticipated emissions into the environment and plan on radiation inspection of the environment;
d) Dự kiến các nghiên cứu, triển khai hỗ trợ việc xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại cơ sở;
d/ Planned research and development activities in support of the disposal or storage of radioactive-waste, used radioactive sources and spent nuclear fuel at the disposal or storage facility;
đ) Dự kiến địa điểm lưu giữ và chôn cất.
e/ Planned storage and burial places.
3. Hồ sơ xin cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ gồm các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này và các tài liệu sau đây:
3. A dossier of application for a license to explore, exploit or process radioactive ores comprises the documents specified in Clause 1 of this Article and the following documents:
a) Bản đồ khu vực thăm dò, khai thác, chế biến quặng;
a/ Map of the area in which the ore exploration, exploitation or processing is to be conducted:
b) Dự kiến địa điểm lưu giữ chất thải của hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến; phương pháp và thiết bị xử lý chất thải;
b/ Planned place for storing waste from the exploration, exploitation or processing; waste disposal method(s) and equipment;
c) Dự kiến các biện pháp, kế hoạch phục hồi môi trường sau khi kết thúc từng giai đoạn và toàn bộ hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến.
c/ Planned measures for and plan on environmental rehabilitation after the completion of each stage and the whole process of exploration, exploitation or processing.
4. Hồ sơ xin cấp giấy phép vận chuyển vật liệu phóng xạ gồm các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này và các tài liệu sau đây:
4. A dossier of application for a license to transport radioactive material comprises the documents specified in Clause 1 of this Article and the following documents:
a) Tài liệu chứng minh phương tiện vận chuyển đáp ứng yêu cầu an toàn, an ninh;
a/ Documents evidencing the satisfaction of safety and security requirements by transport vehicles:
b) Mô tả chi tiết kiện hàng;
b/ Detailed description of goods packages: c/ Measures to fix radioactive material inside a package, package covers and packages on transport vehicles;
c) Biện pháp cố định vật liệu phóng xạ trong kiện hàng, cố định nắp kiện hàng và cố định kiện hàng trên phương tiện vận chuyển;
d/ Maximum irradiation dose ratio on the surface of a package and surrounding area within one meter from a package;
d) Suất liều chiếu xạ cực đại trên bề mặt của kiện hàng và cách kiện hàng một mét;
e/ Documents evidencing the assurance of safety of radioactive material contained in a package under normal conditions as well as upon occurrence of an incident;
đ) Tài liệu chứng minh bảo đảm an toàn đối với vật liệu phóng xạ xếp trong kiện hàng trong điều kiện bình thường cũng như khi có sự cố;
f/ Transportation contract. -
e) Hợp đồng vận chuyển.
5. A dossier of application for a license to import or export radioactive material or nuclear equipment comprises the documents specified in Clause 1 of this Article and the following documents:
5. Hồ sơ xin cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu vật liệu phóng xạ, thiết bị hạt nhân bao gồm các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này và các tài liệu sau đây:
a/ Information on organizations and individuals using radioactive material or nuclear equipment;
a) Thông tin về tổ chức, cá nhân sử dụng vật liệu phóng xạ, thiết bị hạt nhân;
b/ Import or export contract, clearly stating responsibilities of parties involved in import or export.
b) Hợp đồng nhập khẩu, xuất khẩu ghi rõ trách nhiệm của các bên khi tham gia nhập khẩu, xuất khẩu.
Article 77.- Licensing competence, order and procedures
Điều 77. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp giấy phép
1. Licensing competence is provided for as follows:
1. Thẩm quyền cấp giấy phép được quy định như sau:
a/ The Science and Technology Ministry issues licenses to perform radiation jobs, except for the cases specified at Points b, c and d of this Article;
a) Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ, trừ trường hợp quy định tại các điểm b, c và d Điều này;
b/ Provincial-level People's Committees issue licenses to use X-ray equipment in medical diagnosis:
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế;
c/ The Natural Resources and Environment Ministry issues licenses to explore, exploit and process radioactive ores on the basis of results of safety assessment by the radiation and nuclear safety agency:
c) Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ trên cơ sở kết quả thẩm định an toàn của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân;
d/ The Industry and Trade Ministry issues licenses to conduct test operation and official operation of nuclear power plants after reaching agreement with the Science and Technology Ministry and the National Council for Nuclear Safety.
d) Bộ Công thương cấp giấy phép vận hành thử và vận hành chính thức nhà máy điện hạt nhân sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Khoa học và Công nghệ và Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia.
2. After receiving complete and valid dossiers, competent state agencies specified in Clause 1 of this Article shall consider and issue licenses within the following time limits:
2. Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải xem xét cấp giấy phép trong thời hạn sau đây:
a/ Fifteen working days, for import or export:
a) Mười lăm ngày làm việc đối với nhập khẩu, xuất khẩu;
b/ Thirty days, for X-ray equipment for medical use;
b) Ba mươi ngày đối với thiết bị X-quang sử dụng trong y tế;
c/ Sixty days, for other radiation jobs, except for licenses to operate research nuclear reactors and licenses to operate nuclear power plants.
c) Sáu mươi ngày đối với các công việc bức xạ khác, trừ giấy phép vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu và giấy phép vận hành nhà máy điện hạt nhân.
3. In case of refusal to issue licenses, state management agencies competent to issue licenses shall, within the time limits specified in Clause 2 of this Article, reply applicants in writing, clearly stating the reason.
3. Trường hợp không cấp giấy phép thì chậm nhất trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Article 78. Modification, supplementation, extension or re-issuance of licenses
Điều 78. Sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép
1. Organizations and individuals that wish to have their licenses to perform radiation jobs modified, supplemented, extended or re-issued shall send dossiers of application to competent
1. Tổ chức, cá nhân muốn sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép tiến hành công việc bức xạ phải gửi hồ sơ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
state agencies.
2. Tổ chức, cá nhân phải gửi hồ sơ xin gia hạn giấy phép trước khi giấy phép hết hạn ít nhất một trăm tám mươi ngày đối với vận hành lò phản ứng hạt nhân và vận hành nhà máy điện hạt nhân, sáu mươi ngày đối với các công việc bức xạ khác.
2. Organizations and individuals shall send dossiers of application for license extension at least one hundred and eighty days before the expiration of licenses to operate nuclear reactors or nuclear power plants, or sixty days before the expiration of licenses for other radiation jobs.
3. Hồ sơ, trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép được thực hiện theo quy định tại các điều 41, 47, 48, 50, 64, 76 và 77 của Luật này.
3. Dossiers, order and procedures for modifying, supplementing, extending or reissuing licenses comply with Articles 41,47,48. 55,64, 76 and 77 of this Law.
4. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép có quyền sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép.
4. State management agencies competent to issue licenses may modify, supplement, extend and re-issue licenses.
Điều 79. Thu hồi giấy phép
Article 79.- Withdrawal of licenses
1. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép tiến hành công việc bức xạ trong các trường hợp sau đây:
1. Organizations and individuals have their licenses to perform radiation jobs withdrawn in the following cases:
a) Vi phạm nghiêm trọng điều kiện về an toàn, an ninh;
a/ They seriously violate the provisions on safety and security conditions;
b) Vi phạm điều kiện về an toàn, an ninh mà không khắc phục được trong thời hạn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
b/ They violate the provisions of safety and security conditions and fail to remedy their violations within time limits prescribed by competent state agencies;
c) Bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm quy định về an toàn, an ninh lần thứ hai trong khoảng thời gian mười hai tháng;
c/ They are administratively sanctioned for violations of the safety and security provisions for the second time within twelve months;
d) Bị buộc phải chấm dứt hoạt động tiến hành công việc bức xạ theo quy định của pháp luật;
d/ They are forced to terminate the performance of radiation jobs under law;
đ) Xin chấm dứt tiến hành công việc bức xạ.
e/They wish to terminate the performance of radiation jobs.
2. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép do vi phạm quy định về an toàn, an ninh chỉ được xem xét cấp lại giấy phép sau hai mươi bốn tháng, kể từ ngày bị thu hồi giấy phép.
2. Organizations and individuals that have their licenses withdrawn for violation of safety and security provisions may only be considered for re-issuance of licenses twenty four months after the license withdrawal.
3. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép có quyền thu hồi giấy phép.
3. State management agencies competent to issue licenses may withdraw these licenses.
Điều 80. Phí và lệ phí
Article 80.- Charges and fees
1. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép phải nộp phí và lệ phí theo quy định của pháp luật.
1. Organizations and individuals that apply for issuance, re-issuance, extension, amendment or supplementation of their licenses shall pay charges and fees prescribed by law.
2. Chính phủ quy định cụ thể việc thu phí, lệ phí và sử dụng phí, lệ phí đối với các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh trong các hoạt động đó.
2. The Government shall specify the collection and use of charges and fees for atomic energy activities and assurance of safety and security in these activities.
Điều 81. Trách nhiệm quy định, hướng dẫn việc khai báo, cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ
Article 81.- Responsibilities to specify and guide the declaration and issuance of licenses to perform radiation jobs
1. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm quy định, hướng dẫn các nội dung sau đây:
1. The Science and Technology Ministry shall specify and guide the following contents:
a) Thủ tục, hồ sơ khai báo vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân;
a/ Procedures and dossiers for declaration of radioactive material and nuclear equipment;
b) Danh mục công việc bức xạ sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ không phải xin cấp giấy phép;
b/ List of radiation jobs involving the use of radioactive sources and radiation equipment for which licenses are not required;
c) Hồ sơ xin cấp giấy phép vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu;
c/ Dossiers of application for licenses to operate research nuclear reactors;
d) Hồ sơ xin cấp giấy phép vận chuyển vật liệu phóng xạ quá cảnh lãnh thổ Việt Nam; hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động của tàu biển, phương tiện khác có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam;
d/ Dossiers of application for licenses to transport radioactive material in transit via the Vietnamese territory; dossiers of application for licenses to operate nuclear-powered seagoing ships and other vehicles in the Vietnamese territory;
đ) Thời hạn xem xét hồ sơ cấp giấy phép xây dựng, vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu;
e/ Time limits for examination of dossiers of application for licenses to construct or operate research nuclear reactors;
e) Nội dung và mẫu các loại giấy phép;
f/ Contents and set forms of licenses;
g) Điều kiện về nhân lực và kỹ thuật để được cấp giấy phép.
g/ Personnel and technical conditions for being licensed.
2. Bộ Công thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quy định, hướng dẫn về hồ sơ xin cấp giấy phép, thời hạn xem xét hồ sơ cấp giấy phép vận hành nhà máy điện hạt nhân; nội dung, mẫu giấy phép; điều kiện về tài chính, nhân lực và kỹ thuật để được cấp giấy phép.
2.The Industry and Trade Ministry shall assume the prime responsibility for. and coordinate with the Science and Technology Ministry in. specifying and guiding dossiers of application for licenses, time limits for examination of dossiers of application for licenses to operate nuclear power plants: contents and set forms of licenses; financial, personnel and technical conditions for being licensed.
Chương 10.
Chapter X
ỨNG PHÓ SỰ CỐ, BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI BỨC XẠ, HẠT NHÂN
RESPONSE TO RADIATION OR NUCLEAR INCIDENTS AND COMPENSATION FOR DAMAGE CAUSED BY THESE INCIDENTS
Mục 1. ỨNG PHÓ SỰ CỐ BỨC XẠ, SỰ CỐ HẠT NHÂN
Section 1. RESPONSE TO RADIATION INCIDENTS, NUCLEAR INCIDENTS
Điều 82. Sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân
Article 82.- Radiation incidents, nuclear incidents
1. Sự cố bức xạ là tình trạng mất an toàn bức xạ và mất an ninh đối với nguồn phóng xạ. Sự cố hạt nhân là tình trạng mất an toàn hạt nhân và mất an ninh đối với vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân.
1. A radiation incident means the state of radiation unsafety or insecurity of radioactive sources. A nuclear incident means the state of nuclear unsafety or insecurity of nuclear material or equipment.
2. Sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân (sau đây gọi chung là sự cố) được phân thành năm nhóm tình huống có thể xảy ra để xây dựng kế hoạch ứng phó:
2. Radiation incidents and nuclear incidents (below collectively referred to as incidents) are divided into five groups of potential circumstances for the purpose of working out appropriate response plans:
a) Nhóm 1 là nhóm tình huống sự cố không nghiêm trọng do thiết bị bất bình thường hoặc do con người gây ra, nhưng chưa có rò rỉ phóng xạ, chưa gây hại đối với con người;
a/ Group 1: Circumstances of unserious incidents caused by abnormal operation of equipment or by human beings, in which no radioactive leakage or harm to human beings is detected:
b) Nhóm 2 là nhóm tình huống sự cố ít nghiêm trọng do thiết bị bị hư hại hoặc do con người gây ra, làm rò rỉ phóng xạ, nhưng phát tán không rộng, chưa gây hại đối với con người;
b/ Group 2: Circumstances of less serious incidents caused by damaged equipment or human beings, resulting in a radioactive leakage which, however, does not widely spread and causes no harm to human beings:
c) Nhóm 3 là nhóm tình huống sự cố nghiêm trọng do thiết bị bị hư hại nặng hoặc do con người gây ra, làm rò rỉ phóng xạ, phát tán rộng, ảnh hưởng đối với con người trong cơ sở tiến hành công việc bức xạ;
c/ Group 3: Circumstances of serious incidents caused by heavily damaged equipment or human beings, resulting in a radioactive leakage which widely spreads and causes harms to human beings within the facility performing radiation jobs;
d) Nhóm 4 là nhóm tình huống sự cố rất nghiêm trọng do thiết bị bị hư hại nặng hoặc do con người gây ra, làm rò rỉ phóng xạ, phát tán rộng, ảnh hưởng đối với con người và môi trường bên ngoài cơ sở tiến hành công việc bức xạ, phạm vi ảnh hưởng trong một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
d/ Group 4: Circumstances of very serious incidents caused by heavily damaged equipment or human beings, resulting in a radioactive leakage which widely spreads and causes harms to human beings and the environment outside the facility performing radiation jobs but within a province or centrally run city.
đ) Nhóm 5 là nhóm tình huống sự cố đặc biệt nghiêm trọng do thiết bị bị hư hại nặng hoặc do con người gây ra, làm rò rỉ phóng xạ, phát tán mạnh, ảnh hưởng đối với con người và môi trường bên ngoài cơ sở ở diện rộng, phạm vi ảnh hưởng từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên hoặc ra ngoài biên giới quốc gia, kể cả sự cố xảy ra ở nước khác có phạm vi ảnh hưởng đến một hoặc nhiều địa phương của Việt Nam.
e/ Group 5: Circumstance of particularly serious incidents caused by heavily damaged equipment or human beings, resulting in a radioactive leakage which strongly spreads and causes harms to human beings and the environment in wide areas outside the facility performing radiation jobs, affecting two or more provinces and centrally run cities or beyond the national boundary. This group covers also incidents occurring in foreign countries but affecting one or more than one locality of Vietnam.
3. Mức sự cố để thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi xảy ra sự cố hạt nhân được xác định như sau:
3. Levels of nuclear incidents to be announced on the mass media upon their occurrence are determined as follows:
a) Sự cố mức 1 là sự kiện bất thường vượt quá quy định, nhưng trong mức độ cho phép;
a/ An incident of level 1 means an anomaly beyond the prescribed operation regime but still within permitted limits;
b) Sự cố mức 2 là sự cố khi thiết bị bảo vệ bị hư hại hoặc khi nhân viên bức xạ bị nhiễm xạ nhưng trong giới hạn cho phép;
b/ An incident of level 2 means an incident occurring when a protection device is damaged or a radiation worker is irradiated within permitted limits;
c) Sự cố mức 3 là sự cố nghiêm trọng, có rò rỉ chất phóng xạ, người dân bị nhiễm xạ trong giới hạn cho phép;
c/ An incident of level 3 means a serious incident resulting in a leakage of radioactive substances and irradiation of local inhabitants within permitted limits:
d) Sự cố mức 4 là tai nạn, nhân viên bức xạ bị nhiễm xạ có nguy cơ tử vong, không gây tác hại ở ngoài cơ sở hạt nhân, người dân bị nhiễm xạ trong mức giới hạn cho phép;
d/ An incident of level 4 means an accident in which a radiation worker is irradiated at a fatal level, no harm is caused outside the nuclear facility, and local inhabitants is irradiated within permitted limits;
đ) Sự cố mức 5 là tai nạn, gây tác hại ở ngoài cơ sở hạt nhân, nhưng chất phóng xạ thoát ra ngoài cơ sở hạt nhân không đáng kể, cần thực hiện một số biện pháp ứng phó sự cố;
e/An incident of level 5 means an accident in which harms are caused outside the nuclear facility but the amount of radioactive substances leaked out of the nuclear facility is negligible, and it is necessary to take some of the response measures;
e) Sự cố mức 6 là tai nạn nghiêm trọng, chất phóng xạ thoát ra ngoài cơ sở hạt nhân một lượng đáng kể, cần thực hiện tất cả các biện pháp ứng phó sự cố;
f/ An incident of level 6 means a serious accident in which a considerable amount of radioactive substances is leaked out of the nuclear facility and it is necessary to take all of the response measures;
g) Sự cố mức 7 là tai nạn rất nghiêm trọng, chất phóng xạ thoát ra ngoài cơ sở hạt nhân rất nhiều, gây tác hại đối với con người và môi trường trên diện rộng.
g/An incident of level 7 means a particularly serious accident in which a large amount of radioactive substances is leaked out of the nuclear facility, causing harms to human beings and the environment.
4. Chính phủ quy định cụ thể việc xác định mức sự cố và việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi xảy ra sự cố.
4. The Government shall specify the determination of incident levels and the announcement on the mass media upon the occurrence of incidents.
Điều 83. Kế hoạch ứng phó sự cố
Article 83.- Incident response plans
1. Kế hoạch ứng phó sự cố gồm có kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở, kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh và kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia.
1. Incident response plans include plans on response to Facility-level incidents, plans on response to provincial-level incidents and plans on response to national-level incidents.
2. Kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở được áp dụng khi sự cố xảy ra ở các nhóm 1, 2 và 3 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này.
2. Plans on response to facility-level incidents are applied when incidents of group 1. 2 or 3 specified in Clause 2. Article 82 of this Law occur.
Nội dung kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở bao gồm dự kiến các tình huống sự cố có thể xảy ra; phương án huy động nhân lực, phương tiện thực hiện các biện pháp ứng phó ban đầu, tổ chức cấp cứu người bị nạn, hạn chế sự cố lan rộng, hạn chế hậu quả, cô lập khu vực nguy hiểm và kiểm soát an toàn, an ninh; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố định kỳ hằng năm.
A plan on response to a facility-level incident covers the anticipation of potential incidental circumstances; plan on mobilization of manpower and vehicles for application of initial response measures, organization of the giving of first aid to victims, prevention of the incident from widely spreading and mitigation of its consequences, segregation of the dangerous area and control of safety and security; and organization of annual incident response maneuvers.
3. Kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh được áp dụng khi sự cố xảy ra ở nhóm 4 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này hoặc trong trường hợp sự cố xảy ra ở các nhóm 1, 2 và 3 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này nhưng vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở.
3. Plans on response to provincial-level incidents are applied when incidents of group 4 specified in Clause 2. Article 82 of this Law occur or incidents of group 1,2 or 3 specified in Clause 2, Article 82 of this Law occur beyond the responding capability of facilities.
Nội dung kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh bao gồm dự kiến các tình huống sự cố có thể xảy ra; phương án huy động nhân lực, phương tiện thực hiện các biện pháp ứng phó ban đầu, tổ chức cấp cứu người bị nạn, hạn chế sự cố lan rộng, hạn chế hậu quả, cô lập khu vực nguy hiểm và kiểm soát an toàn, an ninh; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố định kỳ hằng năm.
A plan on response to a provincial-level incident covers the anticipation of potential incidental circumstances; plan on mobilization of manpower and vehicles for application of initial response measures, organization of the giving of first aid to victims, prevention of the incident from widely spreading and mitigation of its consequences, segregation of the dangerous area and control of safety and security; and organization of annual incident response maneuvers.
4. Kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia được áp dụng khi sự cố xảy ra ở nhóm 5 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này hoặc trong trường hợp sự cố xảy ra ở nhóm 4 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này nhưng vượt quá khả năng ứng phó của cấp tỉnh.
4. Plans on response to national-level incidents are applied when incidents of group 5 specified in Clause 2. Article 82 of this Law occur or incidents of group 4 specified in Clause 2, Article 82 of this Law occur beyond the responding capability of provinces.
Nội dung kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia bao gồm tổ chức bộ máy, dự kiến các tình huống sự cố có thể xảy ra, các phương án ứng phó sự cố, tổ chức diễn tập ứng phó sự cố định kỳ hai năm một lần.
A plan on response to a national-level incident covers the organization of an apparatus, anticipation of potential incidental circumstances, plan on response to an incident, and organization of biennial incident response maneuvers.
5. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở. Cơ quan cấp giấy phép có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở.
5. Organizations and individuals performing radiation jobs shall elaborate plans on response to facility-level incidents. Licensing agencies are competent to approve plans on response to facility-level incidents.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh; Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc lập kế hoạch và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh.
Provincial-level People's Committees shall elaborate plans on response to provincial-level incidents. The Science and Technology Ministry shall guide the elaboration of plans on response to provincial-level incidents and approve these plans.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
The Science and Technology Ministry shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Industry and Trade Ministry, the Health Ministry, the Defense Ministry, the Public Security Ministry and provincial-level People's Committees of localities where radiation or nuclear facilities are located and concerned agencies, organizations and individuals in, elaborating plans on response to national-level incidents and submitting them to the. Prime Minister for approval.
Điều 84. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan khi sự cố xảy ra
Article 84.- Responsibilities of concerned organizations and individuals upon the occurrence of incidents
1. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ có trách nhiệm:
1. Organizations and individuals performing radiation jobs shall:
a) Xác định vị trí xảy ra sự cố, xác định sơ bộ nguyên nhân, tính chất và khả năng diễn biến sự cố tương ứng với nhóm tình huống quy định tại Điều 82 của Luật này để áp dụng các biện pháp ứng phó;
a/ Identify places where incidents occur, and preliminarily identify their causes and characteristics as well as their possible progression corresponding to groups of incident circumstances specified in .Article 82 of this Law before applying response measures:
b) Huy động nhân lực, phương tiện của cơ sở để khắc phục sự cố, hạn chế sự cố lan rộng, hạn chế hậu quả, tổ chức cấp cứu người bị nạn, cô lập nơi nguy hiểm, kiểm soát an ninh;
b/ Mobilize manpower and vehicles of concerned facilities to remedy and prevent incidents from widely spreading, mitigate their consequences, organize the giving of fust aid to victims, segregate dangerous areas, and control security;
c) Thông báo ngay cho cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp, Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan công an nơi xảy ra sự cố hoặc cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân về địa điểm xảy ra sự cố; đánh giá sơ bộ nguyên nhân xảy ra sự cố và ảnh hưởng đối với con người, môi trường;
c/ Promptly notify their immediate superior agencies or organizations. People's Committees or police offices of localities where incidents occur or the radiation and nuclear safety agency of places where incidents occur; preliminarily verify causes of incidents and their effects on human beings and the environment:
d) Cung cấp thông tin, tài liệu, tạo mọi điều kiện hỗ trợ cần thiết cho việc khắc phục và điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố.
d/ Supply information and documents and create all necessary conditions for remedying and investigating causes of incidents.
2. Bộ, ngành chủ quản, tổ chức cấp trên trực tiếp của tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ có trách nhiệm:
2. Ministries and branches directly managing organizations and individuals performing radiation jobs and their immediate superior organizations shall:
a) Chỉ đạo tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ triển khai kế hoạch ứng phó sự cố;
a/ Direct these organizations and individuals performing radiation jobs in implementing incident response plans;
b) Cử ngay cán bộ có thẩm quyền đến nơi xảy ra sự cố để giám sát, đôn đốc ứng phó sự cố;
b/ Immediately send their authorized personnel to places where incidents occur to supervise and urge the response to incidents;
c) Huy động nhân lực, phương tiện của bộ, ngành, tổ chức mình để hỗ trợ ứng phó sự cố trong trường hợp sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cấp cơ sở;
c/ Mobilize their own manpower and vehicles to support the response to incidents in case incidents go beyond the responding capability of
d) Trong thời hạn năm ngày kể từ ngày xảy ra sự cố thuộc các nhóm 1, 2 và 3 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này, phải thông báo cho Ủy ban nhân dân địa phương, cơ quan công an nơi xảy ra sự cố, cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân về các vấn đề liên quan đến sự cố và các biện pháp khắc phục sự cố đã được tiến hành.
facilities:
đ) Kịp thời báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban quốc gia tìm kiếm – cứu nạn về sự cố xảy ra thuộc nhóm 4 và nhóm 5 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này và huy động nhân lực, phương tiện của bộ, ngành, tổ chức mình tham gia ứng phó sự cố theo điều động của Chủ tịch Ủy ban quốc gia tìm kiếm – cứu nạn;
d/ Notify, within five days after the occurrence of incidents of group 1,2 or 3 specified in Clause 2, Article 82 of this Law, People's Committees and police offices of localities where incidents occur and the radiation and nuclear safety agency of matters related to incidents and applied measures to remedy incidents.
e) Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan có liên quan điều tra, xác định nguyên nhân sự cố và mức sự cố theo quy định tại khoản 3 Điều 82 của Luật này.
e/ Promptly report to the Science and Technology Ministry and the National Search and Rescue Committee on incidents of groups 4 and 5 specified in Clause 2. Article 82 of this Law. and mobilize their own manpower and vehicles to take pan in responding to incidents at the request of the National Search and Rescue Committee.
g) Phối hợp với Bộ Y tế huy động nhân lực, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn;
f/ Coordinate with the Science and Technology Ministry and concerned agencies in investigating and identifying causes and levels of incidents as specified in Clause 3, Article 82 of this Law.
h) Cung cấp thông tin, tài liệu và tạo mọi điều kiện hỗ trợ cần thiết cho việc cứu hộ, cứu nạn, khắc phục, điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố.
g/ Coordinate with the Health Ministry in mobilizing manpower and vehicles to take part in rescue and salvage operations;
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
h/ Supply information and documents, and create all necessary conditions for conducting rescue and salvage operations, remedying and investigating causes of incidents.
a) Tổ chức thực hiện, chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh khi xảy ra sự cố thuộc nhóm 4 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này; kịp thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban quốc gia tìm kiếm – cứu nạn và yêu cầu hỗ trợ khi sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của địa phương;
3. Provincial-level People's Committees shall: a/ Organize the implementation of. and direct concerned agencies in their localities in implementing, provincial-level incident response plans upon the occurrence of incidents of group 4 specified in Clause 2. Article 82 of this Law; promptly report to the Chairman of the National Search and Rescue Committee and ask for support in case incidents go beyond the responding capability of their localities:
b) Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở khi xảy ra sự cố thuộc các nhóm 1, 2 và 3 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này; kịp thời hỗ trợ trong trường hợp sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cấp cơ sở;
b/ Direct and inspect the implementation of establishment-level response plans upon the occurrence of incidents of groups 1, 2 and 3 specified in Clause 2. Article 82 of this Law: and provide timely support in case incidents go beyond the responding capability of facilities;
c) Huy động nhân lực, phương tiện ở địa phương tham gia ứng phó sự cố theo điều động của Chủ tịch Ủy ban quốc gia tìm kiếm – cứu nạn thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh và kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia;
c/ Mobilize local manpower and vehicles to take part in responding to incidents at the request of the Chairman of the National Search and Rescue Committee for implementation of provincial-level or national-level incident response plans;
d) Kịp thời báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ về sự cố xảy ra trên địa bàn;
d/ Promptly report to the Science and Technology Ministry on incidents occurring in their localities;
đ) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương về sự cố xảy ra trên địa bàn.
e/ Notify incidents occurring in their locality on the local mass media.
4. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:
4. The Science and Technology Ministry shall:
a) Chỉ đạo cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thực hiện các biện pháp hỗ trợ, huy động nhân lực, phương tiện khắc phục sự cố; hạn chế sự cố lan rộng, hạn chế hậu quả, cô lập nơi nguy hiểm;
a/ Direct the radiation and nuclear safety agency in taking support measures, mobilizing manpower and vehicles to remedy incidents; prevent incidents from widely spreading, mitigate their consequences and segregate dangerous areas:
b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban quốc gia tìm kiếm – cứu nạn thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh và kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia;
b/ Coordinate with provincial-level People's Committees and the National Search and Rescue Committee in implementing provincial-level and national-level incident response plans;
c) Kịp thời báo cáo Ủy ban quốc gia tìm kiếm – cứu nạn trong trường hợp sự cố thuộc nhóm 5 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này;
c/ Promptly report to the National Search and Rescue Committee on incidents of group 5 specified in Clause 2. Article 82 of this Law;
d) Xác định nguyên nhân xảy ra sự cố và mức sự cố theo quy định tại khoản 3 Điều 82 của Luật này; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
d/ Identify causes and levels of incidents as specified in Clause 3, Article 82 of this Law; and notify them on the mass media;
đ) Thông báo về sự cố cho quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan và đề nghị trợ giúp quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về thông báo sự cố và trợ giúp quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong trường hợp sự cố không gây ảnh hưởng qua biên giới quốc gia.
e/ Notify incidents to concerned countries and international organizations and ask for international supports under treaties and international agreements on notification of incidents and international support to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party in case these incidents cause no effects beyond the national boundary.
5. Ủy ban quốc gia tìm kiếm – cứu nạn có trách nhiệm:
5. The National Search and Rescue Committee shall:
a) Tổ chức thực hiện, chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia khi xảy ra sự cố thuộc nhóm 5 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này;
a/ Organize the implementation of. and direct concerned agencies in implementing, national-level incident response plans upon the occurrence of incidents of group 5 specified in Clause 2, Article 82 of this Law;
b) Kịp thời hỗ trợ ứng phó sự cố thuộc nhóm 4 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này khi sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của địa phương.
b/ Provide timely supports for the response to incidents of group 4 specified in Clause 2. Article 82 of this Law if these incidents go beyond the responding capability of localities.
6. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm:
6. The Defense Ministry shall:
a) Huy động nhân lực, phương tiện tham gia thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia khi xảy ra sự cố thuộc nhóm 5 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này;
a/ Mobilize manpower and vehicles to take part in the implementation of national-level incident response plans upon the occurrence of incidents of group 5 specified in Clause 2, Article 82 of this Law;
b) Huy động nhân lực, phương tiện hỗ trợ ứng phó sự cố thuộc nhóm 4 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này khi sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của địa phương.
b/ Mobilize manpower and vehicles to support the response to incidents of group 4 specified in Clause 2, Article 82 of this Law if these incidents go beyond the responding capability of localities.
7. Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo, huy động nhân lực, phương tiện tham gia thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia; chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan có liên quan điều tra nguyên nhân sự cố.
7. The Public Security Ministry shall direct and mobilize manpower and vehicles to take part in the implementation of national-level incident response plans; assume the prime responsibility for, and coordinate with the Science and Technology Ministry and concerned agencies in, investigating causes of incidents.
8. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo về sự cố cho quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan và đề nghị trợ giúp quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về thông báo sự cố và trợ giúp quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong trường hợp sự cố có ảnh hưởng qua biên giới quốc gia.
8. The Foreign Affairs Ministry shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Science and Technology Ministry in. notifying incidents to concerned countries and international organizations, and asking for international support under treaties and international agreements on notification of incidents and international support to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party in case these incidents cause effects beyond the national boundary.
9. Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, huy động nhân lực, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn.
9. The Health Ministry shall direct and mobilize manpower and vehicles to take part in rescue and salvage operations.
10. Tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu và tạo mọi điều kiện hỗ trợ cần thiết cho việc khắc phục và điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố.
10. Concerned organizations and individuals shall supply information and documents, and create all necessary conditions for remedying and investigating causes of incidents.
Điều 85. Nguyên tắc cung cấp thông tin về sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân
Article 85.- Principles on supply of information on radiation incidents, nuclear incidents
1. Thông tin về sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân có khả năng ảnh hưởng đối với khu vực xung quanh nơi xảy ra sự cố phải được cung cấp kịp thời, trung thực cho người dân trong khu vực.
1. Information on a radiation incident or nuclear incident which is likely to impact areas surrounding the place where it occurs must be promptly and truthfully supplied to local inhabitants.
2. Cơ quan thông tin đại chúng đưa tin về sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân phải bảo đảm tính trung thực, khách quan và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về báo chí.
2. The mass media agencies reporting on radiation incidents and nuclear incidents shall ensure the truthfulness and objectiveness of reported information and be held responsible under the press law.
Điều 86. Ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân khi có tình trạng khẩn cấp
Article 86.- Response to radiation incidents, nuclear incidents in emergency circumstances
Trong trường hợp xảy ra tình huống đặc biệt nghiêm trọng, gây thảm họa lớn, việc ban bố tình trạng khẩn cấp và chỉ đạo ứng phó sự cố được thực hiện theo pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
Upon the occurrence of a particularly serious incidental circumstance which might cause a big disaster, the declaration of a state of emergency and direction of response to the incident comply with the law on the state of emergency.
Mục 2. BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI  
Section 2. COMPENSATIONS FOR DAMAGE
Điều 87. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bức xạ, thiệt hại hạt nhân
Article 87.- Responsibility to pay compensations for radiation damage, nuclear damage
1. Thiệt hại bức xạ là tổn thất đối với con người, tài sản, môi trường do sự cố bức xạ gây ra, bao gồm cả chi phí cho khắc phục hậu quả.
1. Radiation damage means a loss caused by a radiation incident to human beings, property and the environment, including expenses for mitigating consequences.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bức xạ được xác định theo quy định của pháp luật về dân sự.
The responsibility to pay compensations for radiation damage is determined under the civil law.
2. Thiệt hại hạt nhân là tổn thất đối với con người, tài sản, môi trường do sự cố hạt nhân gây ra, bao gồm cả chi phí cho khắc phục hậu quả.
2. Nuclear damage means a loss caused by a nuclear incident to human beings, property and the environment, including expenses for mitigating consequences.
Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu giao quyền lưu trữ, sử dụng vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân phải bồi thường thiệt hại do sự cố hạt nhân gây ra cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sự cố xảy ra do chiến tranh, khủng bố, thảm họa thiên tai vượt quá giới hạn an toàn của thiết kế theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Organizations and individuals that are owners of nuclear material or equipment or those authorized by owners to store or use these materials or equipment shall pay compensations for damage caused by nuclear incidents even though it is not their fault, except for incidents occurring due to wars, terrorism or natural disasters beyond the designed safety limits under national technical regulations.
Điều 88. Mức bồi thường thiệt hại bức xạ, thiệt hại hạt nhân
Article 88.- Levels of compensations for radiation damage, nuclear damage
1. Mức bồi thường thiệt hại bức xạ được xác định theo quy định của pháp luật về dân sự.
1. For radiation damage, compensation levels are determined under the civil law.
2. Mức bồi thường thiệt hại hạt nhân do các bên thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định sau đây:
2. For nuclear damage, compensation levels are agreed upon by involved parties. If these parties cannot reach agreement, compensation levels comply with the following provisions:
a) Thiệt hại đối với con người được xác định theo quy định của pháp luật về dân sự;
a/ Damage to human beings shall be determined under the civil law;
b) Thiệt hại đối với môi trường được xác định theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
b/ Damage to the environment shall be determined under the environmental protection law;
c) Tổng mức bồi thường thiệt hại đối với mỗi sự cố hạt nhân xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân không vượt quá một trăm năm mươi triệu SDR, đối với sự cố xảy ra tại các cơ sở hạt nhân khác và sự cố do vận chuyển vật liệu hạt nhân không vượt quá mười triệu SDR.
c/ Total compensation per nuclear incident occurring in a nuclear power plant must not exceed SDR 150 million. For incidents occurring in other nuclear facilities and facilities in the transportation of nuclear material, the total compensation must not exceed SDR 10 million.
SDR quy định tại khoản này là đơn vị tiền tệ do Quỹ tiền tệ quốc tế xác định, là quyền rút vốn đặc biệt, được quy đổi thành tiền Việt Nam theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán bồi thường.
SDR specified in this Clause means a currency unit defined by the International Monetary Fund, standing for the special drawing right, and may be converted into Vietnam dong at the exchange rate applicable at the time of compensation payment.
Điều 89. Thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại bức xạ, thiệt hại hạt nhân
Article 89.- Statute of limitations for instituting lawsuits to claim compensations for radiation damage, nuclear damage
1. Thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại bức xạ được xác định theo quy định của pháp luật về dân sự.
1. The statute of limitations for instituting lawsuits to claim compensations for radiation damage is determined under the civil law.
2. Thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại hạt nhân được quy định như sau:
2. The statute of limitations for instituting lawsuits to claim compensations for nuclear damage is specified as follows:
a) Đối với thiệt hại về tài sản, môi trường là mười năm, kể từ ngày xảy ra sự cố hạt nhân;
a/ For property and environmental damage, this statute of limitations is ten years after the occurrence of a nuclear incident.
b) Đối với thiệt hại về con người là ba mươi năm, kể từ ngày xảy ra sự cố hạt nhân.
b/ For human damage, this statute of limitations is thirty years after the occurrence of a nuclear incident.
Điều 90. Bảo hiểm nghề nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường
Article 90.- Occupational insurance, civil liability insurance and insurance for liability to pay compensations for environmental damage
1. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải mua bảo hiểm nghề nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm dân sự; trường hợp công việc bức xạ có tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại lớn cho môi trường thì phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.
1. Organizations and individuals performing radiation jobs shall purchase occupational insurance and civil liability insurance. For radiation jobs which might cause severe damage to the environment, insurance for the liability to pay compensations for environmental damage is required.
2. Chính phủ quy định cụ thể việc mua bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều này.
2. The Government shall specify the purchase insurance prescribed in Clause 1 of this Article.
Điều 91. Quỹ hỗ trợ khắc phục thiệt hại hạt nhân
Article 91.- Support fund for remedying nuclear damage
1. Quỹ hỗ trợ khắc phục thiệt hại hạt nhân được sử dụng trong các trường hợp sau:
1. The support fund for remedying nuclear damage is used in the following cases:
a) Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bồi thường thiệt hại không còn tồn tại;
a/ Organizations and individuals responsible to pay compensations for damage no longer exist;
b) Mức thiệt hại vượt quá giới hạn bồi thường cho mỗi sự cố hạt nhân quy định tại điểm c khoản 2 Điều 88 của Luật này.
b/ Damage extent exceeds the maximum compensation level per nuclear incident-specified at Point c, Clause 2, Article 88 of this Law.
2. Quỹ hỗ trợ khắc phục thiệt hại hạt nhân được hình thành từ các nguồn sau:
2. The support fund for remedying nuclear damage is raised from the following sources:
a) Đóng góp của các cơ sở hạt nhân;
a/ Contributions of nuclear facilities;
b) Tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước;
b/ Financial supports of domestic organizations and individuals;
c) Tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế;
c/ Financial supports of foreign organizations and individuals and international organizations;
d) Các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
d/ Other sources as specified by law.
3. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về quỹ hỗ trợ khắc phục thiệt hại hạt nhân.
3. The Prime Minister shall specify this fund.
Chương 11.
Chapter XI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
IMPLEMENTATION PROVISIONS
Điều 92. Hiệu lực thi hành
Article 92.- Implementation effect
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.
This Law takes effect on January 1, 2009.
Bãi bỏ Pháp lệnh an toàn và kiểm soát bức xạ ngày 25 tháng 6 năm 1996.
To annul the June 25. 1996 Ordinance on radiation safety and control.
Điều 93. Hướng dẫn thi hành
Article 93.- Implementation guidance
Chính phủ quy định chi tiết các điều 65, 80, 82, 90 và những nội dung cần thiết khác của Luật này theo yêu cầu quản lý.
The Government shall detail Articles 65. 80. 82 and 90 and other necessary contents of this Law to meet management requirements.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 03 tháng 6 năm 2008.
This Law was passed on June 3, 2008, by the XIIth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its third session.
   

 
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
PRESIDENT OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Phu Trong
 
 
THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 01/01/2009

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Luật năng lượng nguyên tử 2008

Số hiệu 18/2008/QH12 Ngày ban hành 03/06/2008
Ngày có hiệu lực 01/01/2009 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Quốc hội Tình trạng Đang có hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Luật năng lượng nguyên tử 2008 quy định về các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh trong các hoạt động đó.
Mục lục

Mục lục

Close