QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 76/2015/QH13

Hà Nội, ngày 19 tháng 06 năm 2015

 

LUẬT

TỔ CHỨC CHÍNH PHỦ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật tổ chức Chính phủ.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Vị trí, chức năng của Chính phủ

Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Điều 2. Cơ cấu tổ chức và thành viên của Chính phủ

1. Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

2. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm các bộ, cơ quan ngang bộ.

Việc thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

Điều 3. Nhiệm kỳ của Chính phủ

Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới thành lập Chính phủ.

Điều 4. Thủ tướng Chính phủ

1. Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.

2. Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước.

Điều 5. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; bảo đảm bình đẳng giới.

2. Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chức năng, phạm vi quản lý giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.

3. Tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, năng động, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm nguyên tắc cơ quan cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cơ quan cấp trên.

4. Phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

5. Minh bạch, hiện đại hóa hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp; bảo đảm thực hiện một nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, hiện đại, phục vụ Nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân.

Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CHÍNH PHỦ

Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật

1. Ban hành kịp thời và đầy đủ các văn bản pháp luật để thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước và để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và của chính quyền địa phương; kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái Hiến pháp và pháp luật.

2. Quyết định các biện pháp để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; chỉ đạo triển khai và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, nghị định, chương trình công tác của Chính phủ.

3. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và các nguồn lực khác để thi hành Hiến pháp và pháp luật; thống nhất quản lý công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, bồi thường nhà nước, thi hành án.

4. Tổng hợp đánh giá tình hình thi hành Hiến pháp, pháp luật và báo cáo với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong hoạch định chính sách và trình dự án luật, pháp lệnh

1. Đề xuất, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và các chương trình, dự án khác trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

2. Quyết định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và các chương trình, dự án khác theo thẩm quyền.

3. Xây dựng các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.

4. Báo cáo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ý kiến của Chính phủ về các dự án luật, pháp lệnh do các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình.

Điều 8. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý và phát triển kinh tế

1. Thống nhất quản lý nhà nước nền kinh tế quốc dân, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; củng cố và phát triển kinh tế nhà nước; thúc đẩy liên kết kinh tế vùng; phát huy tiềm năng các thành phần kinh tế, các nguồn lực xã hội để phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế quốc dân.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường bình đẳng, cạnh tranh và hợp tác giữa các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế; tạo lập, phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường và bảo đảm vận hành có hiệu quả các loại thị trường.

3. Xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trình Quốc hội; quyết định chính sách cụ thể về tài chính, tiền tệ quốc gia, tiền lương, giá cả. Quyết định, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

4. Trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương hằng năm; quyết toán ngân sách nhà nước, quyết toán chương trình, dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; tổ chức và điều hành thực hiện ngân sách nhà nước theo nghị quyết của Quốc hội. Báo cáo Quốc hội về tình hình tài chính nhà nước, các rủi ro tài khóa gắn với yêu cầu bảo đảm tính bền vững của ngân sách và an toàn nợ công.

5. Quyết định chính sách cụ thể thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế về kinh tế, phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

6. Thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với các tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, thực hiện chức năng chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định của pháp luật. Thống nhất quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực quốc gia; thống nhất quản lý việc sử dụng ngân sách nhà nước, các tài sản công khác và thực hiện các chế độ tài chính theo quy định của pháp luật trong các cơ quan nhà nước; thi hành chính sách tiết kiệm, chống lãng phí.

7. Thống nhất quản lý hoạt động hội nhập quốc tế về kinh tế trên cơ sở phát huy nội lực của đất nước, phát triển các hình thức hợp tác kinh tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và cùng có lợi, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất trong nước. Quyết định chính sách cụ thể khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế về kinh tế; khuyến khích đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư về nước.

8. Chỉ đạo, tổ chức và quản lý việc thực hiện công tác kế toán và công tác thống kê của Nhà nước.

Điều 9. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

1. Thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức quy hoạch, kế hoạch và xây dựng chính sách bảo vệ, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch; phát triển các dịch vụ môi trường và xử lý chất thải.

3. Thống nhất quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, dự báo khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu và đánh giá tác động môi trường để chủ động triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

4. Quyết định chính sách cụ thể về bảo vệ, cải thiện và giữ gìn môi trường; chỉ đạo tập trung giải quyết tình trạng suy thoái môi trường ở các khu vực trọng điểm; kiểm soát ô nhiễm, ứng cứu và khắc phục sự cố môi trường.

5. Thi hành chính sách về bảo vệ, cải tạo, tái sinh và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Điều 10. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý khoa học và công nghệ

1. Thống nhất quản lý nhà nước và phát triển hoạt động khoa học và công nghệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ.

2. Chỉ đạo thực hiện chính sách, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ; ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học và công nghệ.

3. Quyết định chính sách cụ thể về khoa học và công nghệ để phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

4. Huy động các nguồn lực xã hội để phát triển khoa học và công nghệ, đa dạng hóa và sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư phát triển khoa học và công nghệ; ưu tiên đầu tư phát triển khoa học và công nghệ hiện đại, công nghệ cao, khoa học cơ bản; chú trọng các lĩnh vực công nghệ mà Việt Nam có thế mạnh.

5. Xây dựng cơ chế, chính sách để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ.

Điều 11. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong giáo dục và đào tạo

1. Thống nhất quản lý nhà nước hệ thống giáo dục quốc dân.

2. Quyết định chính sách cụ thể về giáo dục để bảo đảm phát triển giáo dục phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên đầu tư, khuyến khích các nguồn lực để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài.

3. Xây dựng cơ chế, chính sách phát huy các nguồn lực xã hội nhằm phát triển giáo dục và đào tạo; tạo điều kiện xây dựng xã hội học tập.

4. Ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề.

Điều 12. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý văn hóa, thể thao và du lịch

1. Thống nhất quản lý nhà nước và phát triển văn hóa, thể thao và du lịch.

2. Quyết định chính sách cụ thể để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; khuyến khích phát triển các tài năng sáng tạo văn hóa, nghệ thuật.

3. Quyết định chính sách cụ thể để phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao; ưu tiên đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao.

4. Xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển du lịch; nâng cao chất lượng hoạt động du lịch trong nước và phát triển du lịch quốc tế.

Điều 13. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý thông tin và truyền thông

1. Thống nhất quản lý nhà nước và phát triển hoạt động thông tin và truyền thông.

2. Xây dựng chính sách và các biện pháp phát triển, quản lý và bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin và truyền thông; ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông vào phát triển kinh tế - xã hội.

3. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, bảo đảm các điều kiện cần thiết để đẩy mạnh ứng dụng tin học vào hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp thông tin cho người dân theo quy định của pháp luật.

4. Quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp ngăn chặn có hiệu quả những hoạt động truyền bá tư tưởng và sản phẩm văn hóa độc hại; thông tin xuyên tạc, sai lệch làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam.

Điều 14. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý y tế, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân và dân số

1. Thống nhất quản lý nhà nước về y tế, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân và dân số.

2. Đầu tư, phát triển nhân lực y tế có chất lượng ngày càng cao; phát triển nền y tế Việt Nam theo hướng kết hợp y tế dự phòng và khám bệnh, chữa bệnh, kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền; phát triển công nghiệp dược theo hướng hiện đại, cung ứng đủ thuốc và trang thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của Nhân dân.

3. Tạo nguồn tài chính y tế bền vững để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân dựa trên thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.

4. Xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe của Nhân dân trình Quốc hội quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền để thực hiện các chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

5. Thống nhất quản lý và thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Duy trì quy mô và cơ cấu dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số và phân bố dân cư phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị của cả nước.

Điều 15. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong thực hiện các chính sách xã hội

1. Thống nhất quản lý nhà nước về thực hiện các chính sách xã hội.

2. Quyết định chính sách cụ thể nhằm phát triển nguồn nhân lực; hướng nghiệp, tạo việc làm, cải thiện điều kiện làm việc; nâng cao năng suất lao động; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động; tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

3. Thực hiện chính sách tôn vinh, khen thưởng, ưu đãi đối với người có công và gia đình có công với nước. Phát triển hệ thống an sinh xã hội; chỉ đạo thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo; thực hiện trợ giúp xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn; có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở.

4. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách xây dựng gia đình Việt Nam bình đẳng, ấm no, hạnh phúc; bảo đảm quyền bình đẳng nam, nữ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình; bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ và trẻ em; có biện pháp ngăn ngừa và chống mọi hành vi bạo lực, xúc phạm nhân phẩm đối với phụ nữ và trẻ em.

5. Tổ chức và tạo điều kiện cho thanh niên, thiếu niên được học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân, phát huy khả năng của thanh niên trong công cuộc lao động sáng tạo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

6. Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh, ngăn chặn các tệ nạn xã hội.

Điều 16. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ đối với công tác dân tộc

1. Xây dựng và trình Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước.

2. Quyết định chính sách cụ thể nhằm bảo đảm thực hiện chính sách các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; thực hiện công bằng xã hội giữa các dân tộc, quyền dùng tiếng nói, chữ viết của các dân tộc; giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.

3. Quyết định chính sách cụ thể, các biện pháp ưu tiên phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước; xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số.

4. Thực hiện quy hoạch và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng người dân tộc thiểu số.

Điều 17. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ đối với công tác tín ngưỡng, tôn giáo

1. Xây dựng và trình Quốc hội quyết định chính sách tôn giáo của Nhà nước.

2. Quản lý và tổ chức thực hiện chính sách tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân.

3. Bảo đảm sự bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật; chống mọi hành vi xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Điều 18. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về quốc phòng

1. Thống nhất quản lý nhà nước về quốc phòng.

2. Thực hiện chính sách, pháp luật nhằm xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

3. Tổ chức giáo dục quốc phòng, an ninh cho toàn dân, củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh. Tổ chức thực hiện các biện pháp để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

4. Tổ chức thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân.

5. Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân, thực hiện chính sách ưu đãi, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sỹ, công nhân, viên chức quốc phòng và chính sách hậu phương quân đội.

Điều 19. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về cơ yếu

1. Thống nhất quản lý nhà nước về cơ yếu.

2. Thực hiện chính sách, pháp luật nhằm xây dựng lực lượng cơ yếu chính quy, hiện đại, được tổ chức thống nhất, chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ thông tin bí mật nhà nước.

3. Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin mật mã quốc gia, hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng, hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng công nghệ thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã.

4. Thực hiện chính sách ưu đãi, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần đối với người làm công tác cơ yếu.

Điều 20. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội

1. Thống nhất quản lý nhà nước về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

2. Thực hiện chính sách, pháp luật nhằm xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

3. Tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật xây dựng nền an ninh nhân dân, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, phòng ngừa và đấu tranh chống các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

4. Thực hiện chính sách ưu đãi, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần và chính sách đối với cán bộ, chiến sỹ, công nhân công an.

Điều 21. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân

1. Xây dựng và trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước quyết định các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân.

2. Quyết định những biện pháp cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân.

3. Tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Điều 22. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong đối ngoại và hội nhập quốc tế

1. Thống nhất quản lý nhà nước về đối ngoại và hội nhập quốc tế; xây dựng và trình Quốc hội quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại.

2. Tổ chức thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi; quyết định các chủ trương và biện pháp để tăng cường và mở rộng quan hệ với nước ngoài và các tổ chức quốc tế; bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

3. Trình Quốc hội, Chủ tịch nước xem xét, quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực đối với điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chủ tịch nước. Tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước. Quyết định việc ký, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ.

4. Quyết định và chỉ đạo việc thực hiện chính sách cụ thể về hợp tác kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và các lĩnh vực khác với các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế; phát triển, tăng cường công tác thông tin đối ngoại.

5. Trình Hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

6. Tổ chức và chỉ đạo hoạt động của các cơ quan đại diện của Nhà nước tại nước ngoài và tại các tổ chức quốc tế; bảo vệ lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quản lý hoạt động của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

7. Quyết định chính sách cụ thể nhằm khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài đoàn kết cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Điều 23. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức và công tác thi đua, khen thưởng

1. Thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, công chức, viên chức.

2. Trình Quốc hội quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ; thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh.

3. Quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan thuộc Chính phủ; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).

4. Thống nhất quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ trung ương đến địa phương.

5. Thống nhất quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp và các chế độ, chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương.

6. Chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, công chức; bảo đảm thực hiện một nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân.

7. Thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động của các hội, tổ chức phi chính phủ.

8. Thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng.

Điều 24. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ đối với công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí

1. Thống nhất quản lý nhà nước về công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong bộ máy nhà nước.

2. Chỉ đạo việc thực hiện công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động của bộ máy nhà nước và các hoạt động kinh tế - xã hội.

3. Kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Điều 25. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ đối với chính quyền địa phương

1. Thực hiện việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Trên cơ sở bảo đảm sự quản lý thống nhất của trung ương, Chính phủ phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định hoặc thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực trên địa bàn quản lý phù hợp với điều kiện và khả năng của chính quyền địa phương.

Căn cứ vào năng lực và điều kiện cụ thể của chính quyền địa phương, Chính phủ có thể ủy quyền cho chính quyền địa phương thực hiện một số nhiệm vụ với các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đó.

2. Hướng dẫn và kiểm tra Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp của các nghị quyết của Hội đồng nhân dân; tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo luật định.

3. Lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra hoạt động của Ủy ban nhân dân các cấp.

4. Giải quyết kiến nghị của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và cử tri.

5. Quy định các chế độ, chính sách đối với các chức danh của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp.

Điều 26. Quan hệ của Chính phủ với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội

1. Chính phủ phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

2. Chính phủ và Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội xây dựng quy chế phối hợp công tác.

3. Khi xây dựng dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định của Chính phủ, Chính phủ gửi dự thảo văn bản để Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tham gia ý kiến.

4. Chính phủ thường xuyên thông báo cho Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội về tình hình kinh tế - xã hội và các quyết định, chủ trương quan trọng của Chính phủ liên quan đến nhiều tầng lớp Nhân dân.

5. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong Nhân dân, động viên, tổ chức Nhân dân tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức và viên chức.

6. Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết và trả lời các kiến nghị của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.

Điều 27. Trách nhiệm của Chính phủ

1. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; về kết quả, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước; về các chủ trương, chính sách do mình đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Chính phủ báo cáo công tác của Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước một năm hai lần.

Chính phủ báo cáo công tác đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Chương III

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Điều 28. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ

1. Lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật; phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí:

a) Lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội;

b) Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các văn bản pháp luật và các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và các dự án khác thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

c) Chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giữa các thành viên Chính phủ; quyết định các vấn đề khi còn có ý kiến khác nhau giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ;

d) Lãnh đạo việc thực hiện công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động của bộ máy nhà nước và các hoạt động kinh tế - xã hội;

đ) Lãnh đạo, chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các quy định của pháp luật và các chương trình, kế hoạch, chiến lược của Chính phủ trên các lĩnh vực quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh;

e) Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Hiến pháp và pháp luật trong phạm vi toàn quốc.

2. Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, liên tục của nền hành chính quốc gia:

a) Quản lý và điều hành hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương trong quá trình phục vụ Nhân dân, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và tăng cường quốc phòng, an ninh;

b) Chỉ đạo và thống nhất quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương;

c) Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước;

d) Lãnh đạo, chỉ đạo việc kiểm tra, thanh tra công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương;

đ) Quyết định việc phân cấp quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính của bộ máy nhà nước;

e) Lãnh đạo, chỉ đạo việc quản lý, điều hành toàn bộ cơ sở vật chất, tài chính và nguồn ngân sách nhà nước để phục vụ cho sự vận hành của bộ máy nhà nước;

g) Ủy quyền cho Phó Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ trong phạm vi thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

h) Lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương;

i) Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.

3. Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; trong thời gian Quốc hội không họp, trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

4. Trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

5. Trong thời gian Quốc hội không họp, quyết định giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, quyết định giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong trường hợp khuyết Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

6. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức Thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ.

7. Phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động, đình chỉ công tác, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đình chỉ công tác, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới khi không hoàn thành nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao hoặc vi phạm pháp luật.

8. Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ.

9. Quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, chỉ đạo việc ký, gia nhập điều ước quốc tế thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; tổ chức thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

10. Quyết định các tiêu chí, điều kiện thành lập hoặc giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, chuyên ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Quyết định thành lập các cơ quan, tổ chức khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quyết định thành lập hội đồng, Ủy ban hoặc ban khi cần thiết để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành.

11. Triệu tập và chủ trì các phiên họp của Chính phủ.

Điều 29. Trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ

1. Chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

2. Thực hiện báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, trường hợp vắng mặt thì ủy quyền cho Phó Thủ tướng Chính phủ thực hiện.

3. Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Điều 30. Thẩm quyền ban hành văn bản

1. Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản pháp luật theo thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái Hiến pháp và pháp luật.

2. Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ ký các văn bản của Chính phủ; ban hành quyết định, chỉ thị và hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Điều 31. Phó Thủ tướng Chính phủ

1. Phó Thủ tướng Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ được phân công.

2. Khi Thủ tướng Chính phủ vắng mặt, một Phó Thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm thay mặt Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo công tác của Chính phủ.

Chương IV

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA BỘ TRƯỞNG, THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN NGANG BỘ

Điều 32. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ, cơ quan ngang bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.

Điều 33. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên Chính phủ

1. Tham gia giải quyết các công việc chung của tập thể Chính phủ; cùng tập thể Chính phủ quyết định và liên đới chịu trách nhiệm các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

2. Đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chủ trương, chính sách, cơ chế, văn bản pháp luật cần thiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về công việc của Chính phủ và công việc khác có liên quan; chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao.

3. Tham dự phiên họp Chính phủ và tham gia biểu quyết tại phiên họp Chính phủ.

4. Thực hiện các công việc cụ thể theo ngành, lĩnh vực được phân công hoặc ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành pháp luật, việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ngành, lĩnh vực được phân công.

5. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ ủy quyền.

Điều 34. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ

1. Lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm cá nhân về mọi mặt công tác của bộ, cơ quan ngang bộ; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đã được phê duyệt, các nhiệm vụ của bộ, cơ quan ngang bộ được Chính phủ giao.

2. Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ mà mình là người đứng đầu.

3. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức Thứ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

4. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực được phân công; ban hành hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách phát triển ngành, lĩnh vực được phân công.

5. Thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện phân cấp quản lý công chức, viên chức đối với các tổ chức, đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.

6. Quyết định phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao quản lý theo phạm vi lãnh thổ; phân cấp, ủy quyền cho các tổ chức, đơn vị trực thuộc.

7. Quyết định chương trình nghiên cứu khoa học, công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm và các định mức kinh tế - kỹ thuật của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền.

8. Quyết định thành lập các tổ chức phối hợp liên ngành, tổ chức sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

9. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức, đình chỉ công tác, khen thưởng, kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tổ chức, đơn vị trực thuộc.

10. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.

11. Quản lý và tổ chức sử dụng có hiệu quả công sở, tài sản, phương tiện làm việc và tài chính, ngân sách nhà nước được giao; quyết định biện pháp tổ chức phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong ngành, lĩnh vực được phân công.

12. Lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức trong ngành, lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ.

13. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội; giải trình về những vấn đề Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội quan tâm; trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội về những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý.

14. Thực hiện những nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Điều 35. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong mối quan hệ với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ hướng dẫn và kiểm tra, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ công tác thuộc ngành, lĩnh vực được phân công.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có quyền kiến nghị với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do các cơ quan đó ban hành trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc của bộ, cơ quan ngang bộ về ngành, lĩnh vực do bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm quản lý. Trong trường hợp kiến nghị không được chấp thuận thì trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 36. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong mối quan hệ với chính quyền địa phương

1. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các nhiệm vụ công tác thuộc ngành, lĩnh vực được phân công hoặc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

2. Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên về ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm quản lý.

Đề nghị Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những văn bản pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trái với các văn bản về ngành, lĩnh vực được phân công. Nếu Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không chấp hành thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 37. Trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ

1. Chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công; về kết quả, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ, cơ quan ngang bộ; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao; cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ.

2. Thực hiện báo cáo công tác trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

3. Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý.

Điều 38. Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ

1. Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện nhiệm vụ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phân công và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ về nhiệm vụ được phân công.

2. Số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 05; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 06. Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Chương V

BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ

Điều 39. Bộ, cơ quan ngang bộ

1. Bộ, cơ quan ngang bộ là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một hoặc một số ngành, lĩnh vực và dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.

2. Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, cơ quan ngang bộ.

Điều 40. Cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ

1. Cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ gồm vụ, văn phòng, thanh tra, cục, tổng cục, đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Vụ, văn phòng, thanh tra, cục, tổng cục, đơn vị sự nghiệp công lập có người đứng đầu.

Số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập không quá 03; số lượng cấp phó của người đứng đầu tổng cục không quá 04.

3. Việc thành lập các đơn vị quy định tại khoản 1 Điều này do Chính phủ quyết định căn cứ vào tính chất, phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng bộ, cơ quan ngang bộ.

Điều 41. Văn phòng Chính phủ

1. Văn phòng Chính phủ là bộ máy giúp việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, có chức năng tham mưu tổng hợp, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Chính phủ.

2. Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đứng đầu.

Điều 42. Cơ quan thuộc Chính phủ

1. Cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan do Chính phủ thành lập.

2. Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Chính phủ; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương VI

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CỦA CHÍNH PHỦ

Điều 43. Chế độ làm việc của Chính phủ và từng thành viên Chính phủ

Chế độ làm việc của Chính phủ và từng thành viên Chính phủ được thực hiện kết hợp giữa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể Chính phủ với quyền hạn, trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ và cá nhân từng thành viên Chính phủ.

Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số.

Chính phủ ban hành quy chế làm việc của Chính phủ.

Điều 44. Hình thức hoạt động của Chính phủ

1. Chính phủ họp thường kỳ mỗi tháng một phiên hoặc họp bất thường theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, theo yêu cầu của Chủ tịch nước hoặc của ít nhất một phần ba tổng số thành viên Chính phủ.

2. Trong trường hợp Chính phủ không họp, Thủ tướng Chính phủ quyết định gửi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ bằng văn bản.

3. Chính phủ họp theo yêu cầu của Chủ tịch nước để bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.

Điều 45. Trách nhiệm tham dự phiên họp của thành viên Chính phủ

1. Thành viên Chính phủ có trách nhiệm tham dự phiên họp của Chính phủ, nếu vắng mặt trong phiên họp hoặc vắng mặt một số thời gian của phiên họp thì phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Thủ tướng Chính phủ có thể cho phép thành viên Chính phủ vắng mặt và được cử cấp phó tham dự phiên họp của Chính phủ.

2. Khi cần thiết, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được mời tham dự phiên họp của Chính phủ.

3. Người tham dự phiên họp của Chính phủ không phải là thành viên Chính phủ có quyền phát biểu ý kiến nhưng không có quyền biểu quyết.

Điều 46. Phiên họp của Chính phủ

1. Phiên họp của Chính phủ chỉ được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Chính phủ tham dự.

2. Nội dung phiên họp của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ đề nghị và thông báo đến các thành viên Chính phủ.

3. Các quyết định của Chính phủ phải được quá nửa tổng số thành viên Chính phủ biểu quyết tán thành. Trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến mà Thủ tướng Chính phủ đã biểu quyết.

Điều 47. Thành phần mời tham dự phiên họp của Chính phủ

1. Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của Chính phủ.

2. Chính phủ mời Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội tham dự phiên họp của Chính phủ khi bàn về việc thực hiện chính sách dân tộc. Khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc, Chính phủ phải lấy ý kiến của Hội đồng dân tộc.

3. Chính phủ mời Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội tham dự phiên họp của Chính phủ khi bàn các vấn đề có liên quan.

Điều 48. Kinh phí hoạt động của Chính phủ

Kinh phí hoạt động của Chính phủ do Quốc hội quyết định từ ngân sách nhà nước.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 49. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

Luật tổ chức Chính phủ số 32/2001/QH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 50. Quy định chi tiết

Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2015.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Sinh Hùng

 

THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 01/01/2016
 QUỐC HỘI
THE NATIONAL ASSEMBLY
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness

---------------
Luật số: 76/2015/QH13
Law No. 76/2015/QH13
Hà Nội, ngày 19 tháng 06 năm 2015
Hanoi, June 19, 2015

LUẬT
LAW

TỔ CHỨC CHÍNH PHỦ
ORGANIZING THE GOVERNMENT
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;
Quốc hội ban hành Luật tổ chức Chính phủ.
The National Assembly hereby promulgates the Law on Government Organization
Chương I
Chapter I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
GENERAL PROVISIONS
Điều 1. Vị trí, chức năng của Chính phủ
Article 1. Position and functions of the Government
Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
The Government is the highest administrative organ of the Socialist Republic of Vietnam, exercises the executive powers and is the executive branch of the National Assembly.
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
The Government shall be held accountable to the National Assembly and responsible to the National Assembly, the Standing Committee of the National Assembly and the President.
Điều 2. Cơ cấu tổ chức và thành viên của Chính phủ
Article 2. Organizational structure and members of the Government
1. Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định.
1. The Government shall be composed of the Prime Minister, Deputy Prime Ministers, Ministers and Heads of Ministry-levels. The structure and number of Government members shall be submitted by the Prime Minister to the National Assembly for decision.
2. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm các bộ, cơ quan ngang bộ.
2. The organizational structure of the Government shall be composed of Ministries and ministerial-level agencies.
Việc thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định.
Request for the National Assembly's decision on establishment or dissolution of a Ministry or ministerial-level agency shall be submitted by the Government.
Điều 3. Nhiệm kỳ của Chính phủ
Article 3. Tenure of the Government
Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới thành lập Chính phủ.
Tenure of the Government shall coincide with that of the National Assembly. When tenure of the National Assembly ends, the Government shall continue to perform its duties until the new Government is established by the newly-elected National Assembly.
Điều 4. Thủ tướng Chính phủ
Article 4. Prime Minister
1. Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.
1. The Prime Minister shall be chosen by the deputies of the National Assembly upon the request of the President.
2. Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước.
2. The Prime Minister is the head of the Government and the State administrative system.
Điều 5. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ
Article 5. Principles of organization and operation of the Government
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; bảo đảm bình đẳng giới.
1. Comply with the Constitution and legislation, and rule over society by the Constitution and legislation, and implement the principle of democratic concentration; ensure the sexual equality.
2. Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chức năng, phạm vi quản lý giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.
2. Clearly distinguish between duties, powers and responsibilities of the Government and the Prime Minister and those of Ministers and Heads of Ministry-level agencies, and functions and governing scope of Ministries and Ministry-level agencies; enhance personal responsibilities of heads.
3. Tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, năng động, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm nguyên tắc cơ quan cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cơ quan cấp trên.
3. Set up the administrative machinery of government in a lean, dynamic, efficacious and efficient manner; guarantee to adhere to the principle that inferior government agencies should submit to the leadership, directions and strictly comply with decisions of superior government agencies.
4. Phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
4. Properly delegate and decentralize governing powers between the Government and local governments, and assure the consistent management power of the Government and promote initiative, creativity and responsible autonomy of local governments.
5. Minh bạch, hiện đại hóa hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp; bảo đảm thực hiện một nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, hiện đại, phục vụ Nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân.
5. Clarify and modernize operations of the Government, Ministries, Ministry-level agencies and state administrative organs at all levels; ensure that the administrative system has the consistency, transparency, continuity, democracy and modernity, serves the people and is subject to the people’s inspection and supervision.
Chương II
Chapter II
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CHÍNH PHỦ
DUTIES AND POWERS OF THE GOVERNMENT
Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật
Article 6. Duties and powers of the Government to organize the enforcement of the Constitution and legislation
1. Ban hành kịp thời và đầy đủ các văn bản pháp luật để thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước và để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và của chính quyền địa phương; kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái Hiến pháp và pháp luật.
1. Punctually and sufficiently introduce legal documents to enforce the Constitution, legislation, resolutions of the National Assembly, ordinances, resolutions of the National Assembly Standing Committee, orders and decisions of the President of Vietnam, and to implement assigned duties and delegated powers; ensure the constitutionality, legality and consistency in legislative documents of the Government, the Prime Minister, the Ministers, the Heads of the Ministry-level agencies and local governments; examine the implementation of such instruments as well as deal with any instruments in breach of the Constitution and legislation.
2. Quyết định các biện pháp để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; chỉ đạo triển khai và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, nghị định, chương trình công tác của Chính phủ.
2. Decide on measures to organize the implementation of the Constitution, legislation, the National Assembly’s resolutions, ordinances, resolutions of the National Assembly Standing Committee, orders and decisions of the President of Vietnam; direct and examine the implementation of resolutions, decrees and action plans of the Government.
3. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và các nguồn lực khác để thi hành Hiến pháp và pháp luật; thống nhất quản lý công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, bồi thường nhà nước, thi hành án.
3. Lead and direct the work of propagating, disseminating and educating people on the Constitution and legislation; provide necessary conditions such as facilities, personnel and other resources to enforce the Constitution and legislation; consistently manage justice administration, assistance, state compensation and court judgment enforcement affairs.
4. Tổng hợp đánh giá tình hình thi hành Hiến pháp, pháp luật và báo cáo với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước theo quy định của pháp luật.
4. Aggregate and assess the result of enforcement of the Constitution, legislation and report to the National Assembly, the National Assembly Standing Committee and the President of Vietnam in accordance with legal regulations.
Điều 7. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong hoạch định chính sách và trình dự án luật, pháp lệnh
Article 7. Duties and powers of the Government to plan policies and propose law and ordinance projects
1. Đề xuất, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và các chương trình, dự án khác trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
1. Suggesting and formulating the strategy, program, planning, proposal, policy and other program or project for submission to the National Assembly and the National Assembly Standing Committee for consideration and decision.
2. Quyết định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và các chương trình, dự án khác theo thẩm quyền.
2. Grant a decision on the strategy, planning, proposal, policy and other program or project within its jurisdiction.
3. Xây dựng các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.
3. Prepare law and draft resolution projects for submission to the National Assembly, and ordinance and draft resolution projects for submission to the National Assembly Standing Committee.
4. Báo cáo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ý kiến của Chính phủ về các dự án luật, pháp lệnh do các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình.
4. Report to the National Assembly and the National Assembly Standing Committee on the Government’s opinions on law and ordinance projects submitted by agencies, organizations and the National Assembly’s deputies.
Điều 8. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý và phát triển kinh tế
Article 8. Duties and powers of the Government to manage and develop the economy
1. Thống nhất quản lý nhà nước nền kinh tế quốc dân, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; củng cố và phát triển kinh tế nhà nước; thúc đẩy liên kết kinh tế vùng; phát huy tiềm năng các thành phần kinh tế, các nguồn lực xã hội để phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế quốc dân.
1. Execute the consistent state management of national economy, promote the development of socialist-oriented market economy; assure the macroeconomic stability and major balances of the economy; reinforce and develop the state economy; encourage economic links between regions; make the best use of potentials of economic sectors and social resources so as to develop the national economy in a rapid and sustainable manner.
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường bình đẳng, cạnh tranh và hợp tác giữa các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế; tạo lập, phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường và bảo đảm vận hành có hiệu quả các loại thị trường.
2. Establish and organize the implementation of institutions of socialist-oriented market economy, create the equity, competition and cooperation between entities coming from different economic sectors; form and enhance economic elements and ensure the effective operation of a wide variety of markets.
3. Xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trình Quốc hội; quyết định chính sách cụ thể về tài chính, tiền tệ quốc gia, tiền lương, giá cả. Quyết định, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
3. Formulate basic socio-economic development objectives, criteria, policies and tasks in the country for submission to the National Assembly; decide specific policies on finance, national currency, salary and price. Decide, direct and organize the execution of the strategy, planning and proposal for socio-economic development.
4. Trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương hằng năm; quyết toán ngân sách nhà nước, quyết toán chương trình, dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; tổ chức và điều hành thực hiện ngân sách nhà nước theo nghị quyết của Quốc hội. Báo cáo Quốc hội về tình hình tài chính nhà nước, các rủi ro tài khóa gắn với yêu cầu bảo đảm tính bền vững của ngân sách và an toàn nợ công.
4. Submit the state budget estimate and central budget distribution plan on an annual basis; state budget balance, or balance of state budget for national important programs or projects in which the plan for investment is approved by the National Assembly; organize and direct the execution of the state budget under the resolution issued by the National Assembly. Report to the National Assembly on the state financial situation and fiscal risks associated with the requirements for assurance that the state budget would be sustainable and the public debt is maintained at the safe level.
5. Quyết định chính sách cụ thể thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế về kinh tế, phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
5. Decide specific policies on industrialization, modernization and international economic integration, and agricultural development and new rural construction.
6. Thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với các tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, thực hiện chức năng chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định của pháp luật. Thống nhất quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực quốc gia; thống nhất quản lý việc sử dụng ngân sách nhà nước, các tài sản công khác và thực hiện các chế độ tài chính theo quy định của pháp luật trong các cơ quan nhà nước; thi hành chính sách tiết kiệm, chống lãng phí.
6. Function as the representative of the owner of public property of all the people, and the owner of state-owned capital portion invested in the state-owned enterprise in accordance with legal regulations. Consistently manage and use national resources in an effective manner; consistently manage use of the state budget, other public property and implement financial practices in accordance with legal regulations applicable to state organs; implement policies on reduction in spending and prevention of extravagance.
7. Thống nhất quản lý hoạt động hội nhập quốc tế về kinh tế trên cơ sở phát huy nội lực của đất nước, phát triển các hình thức hợp tác kinh tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và cùng có lợi, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất trong nước. Quyết định chính sách cụ thể khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế về kinh tế; khuyến khích đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư về nước.
7. Consistently manage international economic integration activities on the basis of promoting national internal resources and developing various forms of economic cooperation with countries, territories and international organizations in principle that independence, sovereignty and mutual benefit would be respected as well as domestic production would be promoted. Decide specific policies on promotion of enterprises that belong to different economic sectors. Enthusiastically and actively carry out international economic integration; promote outward investments and create favorable conditions to enable Vietnamese expatriates to make their investments in their home countries.
8. Chỉ đạo, tổ chức và quản lý việc thực hiện công tác kế toán và công tác thống kê của Nhà nước.
8. Direct, organize and manage implementation of accounting and statistical tasks of the State.
Điều 9. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
Article 9. Duties and powers of the Government to manage natural resources, environment, and respond to climate change
1. Thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức quy hoạch, kế hoạch và xây dựng chính sách bảo vệ, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
1. Carry out the consistent state management of natural resources, environment and response to climate change; organize the planning, proposal and establishment of policies on protecting, improving and enhancing the environmental quality; have initiative in preventing and controlling natural disasters, and respond to the climate change.
2. Quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch; phát triển các dịch vụ môi trường và xử lý chất thải.
2. Manage and use natural resources associated with environmental protection in an effective manner; preserve nature and biodiversity; develop clean energy, production and consumption; develop environment-related and waste treatment services.
3. Thống nhất quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, dự báo khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu và đánh giá tác động môi trường để chủ động triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
3. Consistently manage, improve the quality of operations relating to researches, meteorological and hydrological forecast, climate change and environmental impact assessment in order to show initiative in implementing measures to prevent and mitigate disaster disasters and respond to the climate change.
4. Quyết định chính sách cụ thể về bảo vệ, cải thiện và giữ gìn môi trường; chỉ đạo tập trung giải quyết tình trạng suy thoái môi trường ở các khu vực trọng điểm; kiểm soát ô nhiễm, ứng cứu và khắc phục sự cố môi trường.
4. Decide on specific policies on protecting, improving and preserving environment; direct greater concentration on dealing with environmental degradation at significant regions; control environmental pollution, respond to and confront environmental emergencies.
5. Thi hành chính sách về bảo vệ, cải tạo, tái sinh và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
5. Implement policies on protecting, improving, renewing and using a wide range of natural resources in a proper manner.
Điều 10. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý khoa học và công nghệ
Article 10. Duties and powers of the Government to manage science and technology
1. Thống nhất quản lý nhà nước và phát triển hoạt động khoa học và công nghệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ.
1. Execute the consistent state management and development of science and technology activities, product quality standards, control and measurement, and intellectual property and technology transfer.
2. Chỉ đạo thực hiện chính sách, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ; ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học và công nghệ.
2. Direct implementation of policies and plans for scientific and technological development; apply scientific and technological advances in an effective manner.
3. Quyết định chính sách cụ thể về khoa học và công nghệ để phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
3. Decide specific policies on science and technology with the aim of developing science and technology markets.
4. Huy động các nguồn lực xã hội để phát triển khoa học và công nghệ, đa dạng hóa và sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư phát triển khoa học và công nghệ; ưu tiên đầu tư phát triển khoa học và công nghệ hiện đại, công nghệ cao, khoa học cơ bản; chú trọng các lĩnh vực công nghệ mà Việt Nam có thế mạnh.
4. Mobilize social resources to develop science and technology, and diversify and use investments in scientific and technological development in an efficient manner; prioritize to invest in development of modern sciences and technologies, high technologies and fundamental sciences; concentrate on technological sectors of which Vietnam has more advantages.
5. Xây dựng cơ chế, chính sách để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ.
5. Set up the mechanism and policy that enable all the people to engage in and enjoy benefits from science and technology activities.
Điều 11. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong giáo dục và đào tạo
Article 11. Duties and powers of the Government in education and training
1. Thống nhất quản lý nhà nước hệ thống giáo dục quốc dân.
1. Carry out the consistent state management of the national education system.
2. Quyết định chính sách cụ thể về giáo dục để bảo đảm phát triển giáo dục phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên đầu tư, khuyến khích các nguồn lực để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài.
2. Decide specific policies on education so as to ensure that educational development will meet socio-economic development demands; prioritize investments and encourage all kinds of resources to develop education and training, and increase people’s intellectual standards of the people, train personnel, and nurture and provide favorable conditions for talents to demonstrate their ability.
3. Xây dựng cơ chế, chính sách phát huy các nguồn lực xã hội nhằm phát triển giáo dục và đào tạo; tạo điều kiện xây dựng xã hội học tập.
3. Establish the mechanism and policies to make best use of social resources to serve the purpose of developing education and training; provide conditions for creation of a learning society.
4. Ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề.
4. Prioritize educational development at mountainous regions, islands and ethnic minority areas as well as those faced with extremely difficult socio-economic conditions; enable the disabled and the poor to have access to opportunities for knowledge acquisition and vocational education.
Điều 12. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý văn hóa, thể thao và du lịch
Article 12. Duties and powers of the Government to manage culture, sports and tourism
1. Thống nhất quản lý nhà nước và phát triển văn hóa, thể thao và du lịch.
1. Carry out the consistent state management and cultural, sports and tourism development.
2. Quyết định chính sách cụ thể để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; khuyến khích phát triển các tài năng sáng tạo văn hóa, nghệ thuật.
2. Decide specific policies on developing Vietnamese advanced culture imbued with national identity and unifying a variety of Vietnamese ethnic communities characterized by national values, humanity, democracy and science; protect and uphold values of cultural heritages; encourage talents to develop their ability in cultural and arts creativity.
3. Quyết định chính sách cụ thể để phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao; ưu tiên đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao.
3. Decide specific policies on development of physical exercise and sports affairs; prioritize investments and mobilize social resources to develop professional and high-achievement sports.
4. Xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển du lịch; nâng cao chất lượng hoạt động du lịch trong nước và phát triển du lịch quốc tế.
4. Establish the mechanism and policies on tourism development; improve the quality of domestic tourism operations and international tourism development.
Điều 13. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý thông tin và truyền thông
Article 13. Duties and powers of the Government to manage information and communications
1. Thống nhất quản lý nhà nước và phát triển hoạt động thông tin và truyền thông.
1. Carry out the consistent state management and development of information and communication activities.
2. Xây dựng chính sách và các biện pháp phát triển, quản lý và bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin và truyền thông; ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông vào phát triển kinh tế - xã hội.
2. Establish policies and measures to develop, manage and ensure security and safety for the information and communication system; apply information and communication science and technology to the socio-economic development.
3. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, bảo đảm các điều kiện cần thiết để đẩy mạnh ứng dụng tin học vào hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp thông tin cho người dân theo quy định của pháp luật.
3. Establish and develop the electronic government, and provide necessary conditions to enhance application of computer science to the state management and spreading of information to the people in accordance with legal regulations.
4. Quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp ngăn chặn có hiệu quả những hoạt động truyền bá tư tưởng và sản phẩm văn hóa độc hại; thông tin xuyên tạc, sai lệch làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam.
4. Decide and direct implementation of measures to prevent the spreading of poisonous ideologies and cultures, and distorted and misrepresented information causing harm to national interests, and ruining elegant personality, moral values and lifestyles of Vietnamese people.
Điều 14. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý y tế, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân và dân số
Article 14. Duties and powers of the Government to manage healthcare, and take care of the people’s health and population
1. Thống nhất quản lý nhà nước về y tế, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân và dân số.
1. Carry out the consistent state management in affairs concerning medicine and healthcare of the people and population.
2. Đầu tư, phát triển nhân lực y tế có chất lượng ngày càng cao; phát triển nền y tế Việt Nam theo hướng kết hợp y tế dự phòng và khám bệnh, chữa bệnh, kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền; phát triển công nghiệp dược theo hướng hiện đại, cung ứng đủ thuốc và trang thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của Nhân dân.
2. Invest in and develop healthcare workforce with higher quality standards; develop Vietnamese healthcare system with a view to combining the preventive medicine with medical examination, treatment as well as combining modern medicinal practices and traditional ones; develop the pharmaceutical industry with a view to make it modern and ensure sufficient supply of medicines and medical equipment to meet the increasing demands for daily healthcare of the people.
3. Tạo nguồn tài chính y tế bền vững để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân dựa trên thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.
3. Generate finances for healthcare affairs in a sustainable manner in order to protect and take care of the people’s health based on the practice of all-people health insurance.
4. Xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe của Nhân dân trình Quốc hội quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền để thực hiện các chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
4. Establish policies on taking care of the people’s health for submission to the National Assembly for decision, or exercise their delegated powers to implement priority policies on healthcare for ethnic minority communities, or communities living in mountainous regions, islands and those faced with extremely special socio-economic conditions.
5. Thống nhất quản lý và thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Duy trì quy mô và cơ cấu dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số và phân bố dân cư phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị của cả nước.
5. Consistently manage and implement policies on population and family planning. Maintain the relevant scale and structure of population, and improve the population quality and residential distribution in relevance to the demands for the socio-economic and urban development across the nation.
Điều 15. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong thực hiện các chính sách xã hội
Article 15. Duties and powers of the Government to implement social policies
1. Thống nhất quản lý nhà nước về thực hiện các chính sách xã hội.
1. Carry out the consistent state management in implementation of social policies.
2. Quyết định chính sách cụ thể nhằm phát triển nguồn nhân lực; hướng nghiệp, tạo việc làm, cải thiện điều kiện làm việc; nâng cao năng suất lao động; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động; tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
2. Decide specific policies on human resource development; carry out the career orientation, create employments and improve working conditions; increase the labor productivity; protect lawful rights and interests of employees and employers; create conditions for building advanced, harmonized and stable labor relationships.
3. Thực hiện chính sách tôn vinh, khen thưởng, ưu đãi đối với người có công và gia đình có công với nước. Phát triển hệ thống an sinh xã hội; chỉ đạo thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo; thực hiện trợ giúp xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn; có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở.
3. Implement policies on commendation, reward and preference granted to people and families that performed meritorious services towards the nation. Develop the social security system; direct implementation of programs on hunger eradication and poverty reduction; carry out social assistance and put forward policies on providing assistance for the elderly, the disabled and the poor as well as the underprivileged; prepare policies on housing development and enable all the people to have access to accommodations.
4. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách xây dựng gia đình Việt Nam bình đẳng, ấm no, hạnh phúc; bảo đảm quyền bình đẳng nam, nữ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình; bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ và trẻ em; có biện pháp ngăn ngừa và chống mọi hành vi bạo lực, xúc phạm nhân phẩm đối với phụ nữ và trẻ em.
4. Direct and organize the implementation of policies on guaranteeing the equality, prosperity and happiness for all Vietnamese families; make sure that men and women are vested with equal rights in terms of politics, economy, culture, society and family issues; protect and take care of health of mothers and children; adopt measures to prevent and struggle against violence or humiliation of human dignities of women and children.
5. Tổ chức và tạo điều kiện cho thanh niên, thiếu niên được học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân, phát huy khả năng của thanh niên trong công cuộc lao động sáng tạo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
5. Organize and provide favorable conditions for young people to take part in learning, working and recreational activities, and boost up their physical and intellectual capability, and take part in courses on codes of conduct, traditional values and citizen’s awareness and encourage young people to demonstrate their best ability in working and creativity with the aim of national construction and protection.
6. Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh, ngăn chặn các tệ nạn xã hội.
6. Organize the implementation of measures to prevent, combat and control social evils.
Điều 16. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ đối với công tác dân tộc
Article 16. Duties and powers of the Government in ethnicity affairs
1. Xây dựng và trình Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước.
1. Establish and propose the State’s ethnicity policies to the National Assembly to obtain their decision.
2. Quyết định chính sách cụ thể nhằm bảo đảm thực hiện chính sách các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; thực hiện công bằng xã hội giữa các dân tộc, quyền dùng tiếng nói, chữ viết của các dân tộc; giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.
2. Decide specific policies aimed at ensuring the equity, solidarity, respect and support for the sake of mutual development for all ethnic communities; prohibit ethnic discrimination and conflicts; establish the social equality between ethnic groups, rights to use their native written and oral languages; preserve ethnic identity and uphold customs, rites and traditional and cultural values of all ethnic groups.
3. Quyết định chính sách cụ thể, các biện pháp ưu tiên phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước; xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số.
3. Decide specific policies and measures to prioritize comprehensive development, and enable ethnic minorities to make best use of their resources to together develop the country; develop infrastructural facilities and execute programs or projects for socio-economic development, and step by step improve material and spiritual life of ethnic minorities.
4. Thực hiện quy hoạch và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng người dân tộc thiểu số.
4. Implement the planning and proposal to train and utilize employees coming from ethnic minorities.
Điều 17. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ đối với công tác tín ngưỡng, tôn giáo
Article 17. Duties and powers of the Government in belief and religion affairs
1. Xây dựng và trình Quốc hội quyết định chính sách tôn giáo của Nhà nước.
1. Establish and propose the State’s religion policies to the National Assembly.
2. Quản lý và tổ chức thực hiện chính sách tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân.
2. Manage and organize the implementation of religion polices and ensure the freedom of belief and religion whereby a citizen has the right to decide whether (s)he follows a religion.
3. Bảo đảm sự bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật; chống mọi hành vi xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
3. Ensure the legal equality between religions; prohibit any breach of the religion and belief freedom, or misuse of the belief and religion freedom to commit law violations.
Điều 18. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về quốc phòng
Article 18. Duties and powers of the Government to manage national defence
1. Thống nhất quản lý nhà nước về quốc phòng.
1. Carry out the consistent state management of the national defence system.
2. Thực hiện chính sách, pháp luật nhằm xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
2. Implement policies and laws on construction of the people’s army having the revolutionary spirit, and organized in a regular, elite and gradually modern manner, and constituted by appropriate standing force, large reserve force, and solid and widespread self-defense forces, as well as playing a key role in performing national defence duties and fulfilling international obligations.
3. Tổ chức giáo dục quốc phòng, an ninh cho toàn dân, củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh. Tổ chức thực hiện các biện pháp để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
3. Educate all the people on national defence and security, consolidate and strengthen all-people national defence, form the all-people national defence posture in conjunction with the people’s security position, and integrate economy into national defence and security. Organize the implementation of measures to protect the nation’s independence, sovereignty, unification and territorial integrity, and contribute to protection of peace in the region and across the globe.
4. Tổ chức thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân.
4. Organize the execution of general or partial mobilizations, state of emergency declarations, and implement necessary measures to protect the nation, human lives and assets of the people.
5. Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân, thực hiện chính sách ưu đãi, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sỹ, công nhân, viên chức quốc phòng và chính sách hậu phương quân đội.
5. Develop national defence and security industry, ensure an adequate amount of military equipment provided for the people's armed forces, implement incentive policies, guarantee an acceptable living standard both in material and spiritual aspects for national defence officials, soldiers, civil servants and public employees and ensure logistical services for the army.
Điều 19. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về cơ yếu
Article 19. Duties and powers of the Government to manage decipher affairs
1. Thống nhất quản lý nhà nước về cơ yếu.
1. Carry out the consistent state management of deciphers.
2. Thực hiện chính sách, pháp luật nhằm xây dựng lực lượng cơ yếu chính quy, hiện đại, được tổ chức thống nhất, chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ thông tin bí mật nhà nước.
2. Implement policies and laws in order to make a regular and modern decipher force which is organized in a consistent and firm manner and meets the demand for protection of state secrets.
3. Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin mật mã quốc gia, hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng, hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng công nghệ thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã.
3. Establish and develop national encrypted data system, dedicated digital signature authentication system and information security supervision system on the information technology deciphering network administrated by organs of the Communist Party and the State; manage research, development, trading and use of codes.
4. Thực hiện chính sách ưu đãi, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần đối với người làm công tác cơ yếu.
4. Implement preferential policies and give guarantees for secure material and spiritual life for deciphering officers.
Điều 20. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội
Article 20. Duties and powers of the Government to manage the national security, social order and safety
1. Thống nhất quản lý nhà nước về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
1. Carry out the consistent state management of national security, social order and safety.
2. Thực hiện chính sách, pháp luật nhằm xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
2. Implement policies and laws on construction of the people’s police force having the revolutionary spirit, and organized in a regular, elite and gradually modern manner as well as playing a key role in performing their duties to protect national security and guarantee social order and safety, prevent and combat criminals.
3. Tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật xây dựng nền an ninh nhân dân, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, phòng ngừa và đấu tranh chống các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
3. Organize the implementation of policies and laws on establishing the foundation for the people’s security, and movements which all the people will get involved in to protect national security, and keep political system firmly stable, prevent and combat crimes, violations against laws, and guarantee social order and safety.
4. Thực hiện chính sách ưu đãi, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần và chính sách đối với cán bộ, chiến sỹ, công nhân công an.
4. Implement preferential policies and give guarantees for secure material and spiritual life as well as policies for civil servants, soldiers and public security employees.
Điều 21. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân
Article 21. Duties and powers of the Government to protect rights and interests of the State and society, human and civil rights
1. Xây dựng và trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước quyết định các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân.
1. Propose and submit measures to protect rights and interests of the State and society, and human and civil rights to the National Assembly, the National Assembly Standing Committee and the President of Vietnam for decision.
2. Quyết định những biện pháp cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân.
2. Decide specific measures to protect rights and interests of the State and society, and human and civil rights.
3. Tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
3. Enable citizens to exercise their rights and fulfill their obligations under the provisions of the Constitution and legislation.
Điều 22. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong đối ngoại và hội nhập quốc tế
Article 22. Duties and powers of the Government in foreign and international integration affairs
1. Thống nhất quản lý nhà nước về đối ngoại và hội nhập quốc tế; xây dựng và trình Quốc hội quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại.
1. Carry out the consistent state management of foreign affairs and international integration; establish and propose fundamental foreign policies to the National Assembly.
2. Tổ chức thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi; quyết định các chủ trương và biện pháp để tăng cường và mở rộng quan hệ với nước ngoài và các tổ chức quốc tế; bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
2. Organize the implementation of the foreign policy line of independence, self-reliance, peace, friendship, cooperation and development, and multilateralization and diversification of international relations; proactively and actively engage in international integration and cooperation in the principles of respect for each other's independence, sovereignty and territorial integrity, and non-interference in each other's international affairs as well as equality and mutual benefit; decide policies and measures to enhance and expand international relations with foreign countries and international organizations; protect independence, sovereignty and territorial integrity and national interests as well as increase Vietnam's position in the international arena.
3. Trình Quốc hội, Chủ tịch nước xem xét, quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực đối với điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chủ tịch nước. Tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước. Quyết định việc ký, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ.
3. Request the National Assembly and the President of Vietnam to consider, decide ratification, accession to or cancellation of International Agreements under the authority of the National Assembly and the President of Vietnam. Organize the negotiation and conclusion of International Agreements in the name of the State as authorized by the President of Vietnam. Decide the conclusion, accession to, ratification or cancellation of International Agreements in the name of the Government.
4. Quyết định và chỉ đạo việc thực hiện chính sách cụ thể về hợp tác kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và các lĩnh vực khác với các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế; phát triển, tăng cường công tác thông tin đối ngoại.
4. Decide and direct the implementation of specific policies on cooperations in the economy, science and technology, education and training, culture and other fields with nations, territories and international organizations; develop and intensify foreign information affairs.
5. Trình Hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
5. Request the Council on national defence and security to decide, or decide the participation of the People’s armed force in activities to contribute to protecting peace in the region and in the globe.
6. Tổ chức và chỉ đạo hoạt động của các cơ quan đại diện của Nhà nước tại nước ngoài và tại các tổ chức quốc tế; bảo vệ lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quản lý hoạt động của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
6. Organize and direct operations of the State's representative offices in foreign countries and international organizations; protect lawful interests of Vietnamese organizations, citizens and Vietnamese people settling in overseas countries; supervise operations of foreign organizations or individuals in Vietnam in accordance with Vietnam’s laws and the international agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.
7. Quyết định chính sách cụ thể nhằm khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài đoàn kết cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
7. Decide specific policies to encourage Vietnamese people settling overseas to form solid communities, preserve respectful cultural heritages and traditional values of Vietnamese people, maintain a close relationship with their families and homeland, and contribute to the construction of homeland and country.
Điều 23. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức và công tác thi đua, khen thưởng
Article 23. Duties and powers of the Government to manage the State’s administrative organizational machinery, civil services, civil servants and public employees, and emulation and reward activities
1. Thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, công chức, viên chức.
1. Carry out the consistent state management of administrative organizational machinery, and civil services, civil servants and public employees.
2. Trình Quốc hội quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ; thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh.
2. Request the National Assembly to decide the organizational structure of the Government; establish or close any Ministry or Ministry-level agencies; establish, dissolve, merge, split and adjust administrative divisions of a centrally-affiliated city or province (hereinafter referred to as provincial level), special administrative – economic units; request the National Assembly Standing Committee to decide to establish, dissolve, merge, split and adjust administrative divisions at the level inferior to the provincial level.
3. Quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan thuộc Chính phủ; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).
3. Decide to establish, merge and dissolve Government agencies; stipulate functions, tasks, powers and organizational structure of Ministries, Ministry-level agencies and Government agencies; regulate organization of professional affiliates of the provincial People’s Committee and the People’s Committee of rural districts, urban districts, district-level towns, provincial cities and municipality-controlled cities (hereinafter referred to as district level).
4. Thống nhất quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ trung ương đến địa phương.
4. Carry out the consistent state management of officials, civil servants and public employees as well as civil services at state organs and public non-business units; manage public personnel structure and the number of employees working for state administrative agencies, public non-business units at the central level through the local level.
5. Thống nhất quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp và các chế độ, chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương.
5. Carry out the consistent state management and organize the implementation of regulations on salary, allowances and other regulations or policies applicable to officials, civil servants and public employees working for state organs at the central level through the local level.
6. Chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, công chức; bảo đảm thực hiện một nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân.
6. Direct the state administrative and civil service reform; ensure that the administrative system has the consistency, transparency, continuity, democracy, clarity, professionalism, modernity, effectiveness, efficiency, and serves the People and is subjected to the People's examination and supervision.
7. Thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động của các hội, tổ chức phi chính phủ.
7. Carry out the consistent state management in relation to organization and operation of associations and non-governmental organizations.
8. Thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng.
8. Carry out the consistent state management of emulation and reward activities.
Điều 24. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ đối với công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí
Article 24. Duties and powers of the Government to carry out inspection, examination, citizen reception, and resolve complaints, indictments, and prevent and combat bureaucracy, corruption and extravagance
1. Thống nhất quản lý nhà nước về công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong bộ máy nhà nước.
1. Carry out the consistent state management of inspection, examination, citizen reception, and resolution of complaints, indictments, and prevention and control of bureaucracy, corruption and extravagance in the state machinery.
2. Chỉ đạo việc thực hiện công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động của bộ máy nhà nước và các hoạt động kinh tế - xã hội.
2. Direct the performance of duties to prevent and combat bureaucracy, corruption and extravagance in operations of the state machinery and socioeconomic activities.
3. Kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
3. Examine the performance of task of preventing and combating bureaucracy, corruption and extravagance.
Điều 25. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ đối với chính quyền địa phương
Article 25. Duties and powers of the Government in local governments
1. Thực hiện việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
1. Execute the decentralization, delegation of powers to local governments under the provisions of laws and resolutions of the National Assembly, ordinances and resolutions of the National Assembly Standing Committee.
Trên cơ sở bảo đảm sự quản lý thống nhất của trung ương, Chính phủ phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định hoặc thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực trên địa bàn quản lý phù hợp với điều kiện và khả năng của chính quyền địa phương.
On the basis of guaranteeing the consistent central management, the Government shall decentralize authority to local governments to decide or perform several state management tasks in industries and fields within their areas in relevance to these local governments' conditions and capacity.
Căn cứ vào năng lực và điều kiện cụ thể của chính quyền địa phương, Chính phủ có thể ủy quyền cho chính quyền địa phương thực hiện một số nhiệm vụ với các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đó.
Based on local governments’ capacity and specific conditions, the Government can delegate its powers to local governments to perform certain duties as well as provide necessary conditions to ensure such duties are fulfilled.
2. Hướng dẫn và kiểm tra Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp của các nghị quyết của Hội đồng nhân dân; tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo luật định.
2. Instruct and examine the People’s Council in terms of its implementation of the Constitution, laws and resolutions of the National Assembly, and ordinances and resolutions of the National Assembly Standing Committee, and orders and decisions of the President of Vietnam, and resolutions and decrees of the Government, and decisions and directives of the Prime Minister; inspect the constitutionality and legality of resolutions issued by the People’s Council; provide necessary conditions for the People’s Council to implement their delegated duties and powers as stated in laws.
3. Lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra hoạt động của Ủy ban nhân dân các cấp.
3. Lead, direct, provide guidance on, inspect and check the performance of the People's Committee at all levels.
4. Giải quyết kiến nghị của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và cử tri.
4. Handle recommendations made by the People’s Council, the People’s Committee and the electorate.
5. Quy định các chế độ, chính sách đối với các chức danh của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp.
5. Set out regulations and policies on positions held in the People’s Council and the People’s Committee at all levels.
Điều 26. Quan hệ của Chính phủ với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội
Article 26. Relationship of the Government with the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front Committee and socio-political organizations
1. Chính phủ phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
1. The Government shall collaborate with the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front Committee and central organs of socio-political organizations in implementation of its duties and powers.
2. Chính phủ và Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội xây dựng quy chế phối hợp công tác.
2. The Government, the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front Committee and central organs of socio-political organizations shall adopt regulations on collaboration in task performance.
3. Khi xây dựng dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định của Chính phủ, Chính phủ gửi dự thảo văn bản để Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tham gia ý kiến.
3. When preparing law projects, draft resolutions for submission to the National Assembly, and ordinance projects and draft resolutions for submission to the National Assembly Standing Committee, and draft decrees of the Government, the Government shall send draft documents to the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front Committee and central organs of relevant socio-political organizations for consultation.
4. Chính phủ thường xuyên thông báo cho Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội về tình hình kinh tế - xã hội và các quyết định, chủ trương quan trọng của Chính phủ liên quan đến nhiều tầng lớp Nhân dân.
4. The Government shall regularly notify the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front Committee and central organs of socio-political organizations of socio-economic situations and decisions or policies of the Government in relation to various social classes.
5. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong Nhân dân, động viên, tổ chức Nhân dân tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức và viên chức.
5. The Government shall provide favorable conditions for the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front Committee and central organs of socio-political organizations to disseminate and communicate laws amongst the people, and encourage and mobilize the people to get involved in establishing and consolidating the people’s government, and organize the implementation of the State’s intentions, policies and laws, and supervise the performance of state organs, elected delegates of the people, officials, civil servants and public employees.
6. Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết và trả lời các kiến nghị của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.
6. The Government shall be responsible for examining, handling and responding to recommendations of the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front Committee and central organs of socio-political organizations.
Điều 27. Trách nhiệm của Chính phủ
Article 27. Responsibilities of the Government
1. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; về kết quả, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước; về các chủ trương, chính sách do mình đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
1. The Government shall be responsible to the National Assembly for its implementation of powers and duties, and the result, efficiency and effectiveness in management and administration of the state administrative machinery, and policies suggested to competent government agencies.
2. Chính phủ báo cáo công tác của Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước một năm hai lần.
2. The Government shall submit the report on its performance to the National Assembly, the National Assembly Standing Committee and the President of Vietnam twice a year.
Chính phủ báo cáo công tác đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
The Government shall submit the occasional report on its performance upon the request of the National Assembly, the National Assembly Standing Committee and the President of Vietnam.
Chương III
Chapter III
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
DUTIES AND POWERS OF THE PRIME MINISTER
Điều 28. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ
Article 28. Duties and powers of the Prime Minister
1. Lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật; phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí:
1. Lead the tasks of the Government; lead the formulation of policies and organize the implementation of laws; prevent and combat bureaucracy, corruption and extravagance as follows:
a) Lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội;
a) Lead and direct formulation of law projects, ordinances and draft resolutions for submission to the National Assembly and the National Assembly Standing Committee;
b) Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các văn bản pháp luật và các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và các dự án khác thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
b) Lead and direct formulation of legislative documents, strategies, proposals, plans, policies and other projects under the decision-making authority of the Government and the Prime Minister;
c) Chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giữa các thành viên Chính phủ; quyết định các vấn đề khi còn có ý kiến khác nhau giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ;
c) Direct, regulate and collaborate in operations of the cabinet members; make a decision on dealing with discrepancies between Ministers and Heads of Ministry-level agencies;
d) Lãnh đạo việc thực hiện công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động của bộ máy nhà nước và các hoạt động kinh tế - xã hội;
d) Lead the performance of duties to prevent and combat bureaucracy, corruption and extravagance in operations of the state machinery and socioeconomic activities;
đ) Lãnh đạo, chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các quy định của pháp luật và các chương trình, kế hoạch, chiến lược của Chính phủ trên các lĩnh vực quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh;
dd) Guide and direct the President of the provincial People’s Committee to implement legal regulations and programs, plans and strategies of the Government in terms of economic management, culture, society and national defence and security;
e) Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Hiến pháp và pháp luật trong phạm vi toàn quốc.
e) Lead, direct inspection and settlement of violations in the course of implementation of the Constitution and legislation across the country.
2. Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, liên tục của nền hành chính quốc gia:
2. Lead and take responsibility for operations of the state administrative system at the central level through the local one, and ensure the consistency, transparency and continuity of the national administrative foundation as follows:
a) Quản lý và điều hành hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương trong quá trình phục vụ Nhân dân, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và tăng cường quốc phòng, an ninh;
a) Manage and direct operations of the state administrative system at the central level through the local one during the process of serving the people, and implement duties to develop economy, culture, society as well as improve national defence and security;
b) Chỉ đạo và thống nhất quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương;
b) Direct and ensure the consistency in management of officials, civil servants and public employees in the state administrative system at the central level through the local one;
c) Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước;
c) Lead, direct and organize the inspection and examination of rendering of civil services carried out by officials and civil servants in the state administrative system;
d) Lãnh đạo, chỉ đạo việc kiểm tra, thanh tra công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương;
d) Lead and direct inspection and examination of management of officials, civil servants and public employees in the state administrative system at the central level through the local one;
đ) Quyết định việc phân cấp quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính của bộ máy nhà nước;
dd) Decide the decentralization to disperse powers to manage civil servants and public employees in state administrative organs that belong to the government machinery;
e) Lãnh đạo, chỉ đạo việc quản lý, điều hành toàn bộ cơ sở vật chất, tài chính và nguồn ngân sách nhà nước để phục vụ cho sự vận hành của bộ máy nhà nước;
e) Lead and direct management and administration of all facilities, finances and state budget resources used for supporting operations of the state machinery;
g) Ủy quyền cho Phó Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ trong phạm vi thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
g) Authorize Deputies of the Prime Minister and Ministers or Heads of Ministry-level agencies to implement one or several duties under the authority of the Minister;
h) Lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương;
h) Lead and direct the work of administrative and civil service reform in the state administrative system at the central level through the local one;
i) Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.
i) Lead, direct and check activities of Ministers, Heads of Ministry-level agencies, local governments and heads of organs or agencies in the state administrative system at the central level through the local one.
3. Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; trong thời gian Quốc hội không họp, trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
3. Request the National Assembly to ratify the proposal to appoint, discharge and dismiss the Deputies of the Prime Minister, Ministers and other cabinet members; during the National Assembly's meeting, request the President of Vietnam to decide the temporary suspension of the capacity of the Prime Minister's Deputies, Ministers and other cabinet members.
4. Trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
4. Request the National Assembly Standing Committee to ratify the appointment and discharge of Ambassadors Extraordinary and Plenipotentiary of the Socialist Republic of Vietnam
5. Trong thời gian Quốc hội không họp, quyết định giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, quyết định giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong trường hợp khuyết Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
5. In between the National Assembly’s meetings, decide to choose acting Ministers or Heads of Ministry-level agencies upon the request of the Minister of Home Affairs in case there is any vacancy for a Minister or Head of a Ministry-level agency. In between the provincial People’s Council’s meetings, decide to choose acting Presidents of the provincial People’s Committee upon the request of the Minister of Home Affairs in case there is any vacancy for a President of the provincial People’s Committee.
6. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức Thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ.
6. Decide the appointment, discharge, dismissal and resignation of Deputy Ministers, equivalent positions of Ministries and Ministry-level agencies; decide the appointment, discharge and resignation of heads and vice heads of Government agencies.
7. Phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động, đình chỉ công tác, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đình chỉ công tác, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới khi không hoàn thành nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao hoặc vi phạm pháp luật.
7. Ratify the election, discharge and dispatch, work suspension and dismissal of the President and Vice President of the provincial People’s Committee. Request the President of the provincial People’s Committee to suspend and discharge the President and Vice President of the People's Committee at the inferior level if they fail to perform duties delegated by competent authorities or they commit law violations.
8. Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ.
8. Suspend the enforcement or abolishment of documents issued by Ministers, Heads of Ministry-level agencies, the People's Committees and Presidents of the provincial People’s Committees which are in breach of the Constitution, legislation and documents of state organs at the superior level; suspend the implementation of resolutions of the provincial People's Council in breach of the Constitution, legislation and documents issued by state organs at the superior level, and concurrently request the National Assembly Standing Committee to abolish them.
9. Quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, chỉ đạo việc ký, gia nhập điều ước quốc tế thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; tổ chức thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
9. Decide and direct the negotiation, and direct conclusion of and accession to International Agreements under the authority of the Government; organize the implementation of the international agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.
10. Quyết định các tiêu chí, điều kiện thành lập hoặc giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, chuyên ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Quyết định thành lập các cơ quan, tổ chức khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quyết định thành lập hội đồng, Ủy ban hoặc ban khi cần thiết để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành.
10. Decide criteria and conditions for establishment or dissolution of particular and specialized professional affiliates of the People's Committee at the provincial and district level. Decide establishment of other agencies or organizations affiliated to the provincial People’s Committee; decide establishment of the councils, committees or others when necessary in order to assist the Prime Minister to examine, direct and collaborate in dealing with important interdisciplinary issues.
11. Triệu tập và chủ trì các phiên họp của Chính phủ.
11. Convene and preside at the Government’s meetings.
Điều 29. Trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ
Article 29. Responsibilities of the Prime Minister
1. Chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
1. Take his responsibility to the National Assembly for the Government’s performance and state administrative system at the central level through the local one; for decisions and the result of implementation of his decisions within his/her delegated duties and powers.
2. Thực hiện báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, trường hợp vắng mặt thì ủy quyền cho Phó Thủ tướng Chính phủ thực hiện.
2. Take on the performance reporting obligations of the Government and the Prime Minister; give explanations and answer questions in front of the National Assembly and National Assembly Standing Committee. If (s)he is absent, the Prime Minister’s Deputies shall be authorized to perform these tasks.
3. Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
3. Implement regulations on report to the People through means of mass media in terms of important issues under the decision-making authority of the Government and the Prime Minister.
Điều 30. Thẩm quyền ban hành văn bản
Article 30. Authority to issue documents
1. Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản pháp luật theo thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái Hiến pháp và pháp luật.
1. The Prime Minister shall promulgate legislative documents within his/her jurisdiction so as to perform his/her duties and powers, and inspect the implementation of such documents and deal with documents in breach of the Constitution and legislation.
2. Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ ký các văn bản của Chính phủ; ban hành quyết định, chỉ thị và hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.
2. The Prime Minister shall act on behalf of the Government to sign the Government’s documents; issue decisions, directives and instructions, and examine the implementation of such documents in state administrative organs at the central level through the local one.
Điều 31. Phó Thủ tướng Chính phủ
Article 31. Deputy Prime Minister
1. Phó Thủ tướng Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ được phân công.
1. The Deputy Prime Minister shall assist the Prime Minister in performing duties as assigned by the Prime Minister, and shall be responsible to the Prime Minister for performance of these assigned duties.
2. Khi Thủ tướng Chính phủ vắng mặt, một Phó Thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm thay mặt Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo công tác của Chính phủ.
2. When the Prime Minister is absent, one Deputy Prime Minister shall be authorized by the Prime Minister to act on behalf of the Prime Minister to lead the Government’s tasks.
Chương IV
Chapter IV
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA BỘ TRƯỞNG, THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN NGANG BỘ
DUTIES AND POWERS OF MINISTERS AND HEADS OF MINISTRY-LEVEL AGENCIES
Điều 32. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ
Article 32. Ministers and Heads of Ministry-level agencies
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ, cơ quan ngang bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.
Ministers and Heads of Ministry-level agencies are cabinet members and head persons of Ministries, Ministry-level agencies, and lead tasks of Ministries and Ministry-level agencies; bear responsibility for the state management of assigned industries and sectors; organize and monitor the implementation of laws relating to industries and sectors across the country.
Điều 33. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên Chính phủ
Article 33. Duties and powers of Ministers and Heads of Ministry-level agencies as cabinet members
1. Tham gia giải quyết các công việc chung của tập thể Chính phủ; cùng tập thể Chính phủ quyết định và liên đới chịu trách nhiệm các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
1. Get involved in dealing with the Government’s collective tasks; collaborate with other members of the Government to make decisions and take joint responsibility for issues under the Government’s authority.
2. Đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chủ trương, chính sách, cơ chế, văn bản pháp luật cần thiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về công việc của Chính phủ và công việc khác có liên quan; chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao.
2. Propose necessary regulations, policies and documents under the Government’s authority to the Government and the Prime Minister; proactively work with the Prime Minister and Deputy Prime Ministers to deal with the Government's tasks and other relevant ones; take responsibility for all contents and progress of proposing assigned projects, proposals and documents.
3. Tham dự phiên họp Chính phủ và tham gia biểu quyết tại phiên họp Chính phủ.
3. Attend the Government’s meetings and take part in voting at the Government’s meetings.
4. Thực hiện các công việc cụ thể theo ngành, lĩnh vực được phân công hoặc ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành pháp luật, việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ngành, lĩnh vực được phân công.
4. Take on specific duties by industries or sectors assigned or delegated by the Government and the Prime Minister. Direct, provide guidance on, examine the enforcement of laws, implementation of strategies, proposals, programs and decisions of the Government and the Prime Minister in relation to assigned industries or sectors.
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ ủy quyền.
5. Perform other duties delegated by the Prime Minister.
Điều 34. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ
Article 34. Duties and powers of Ministers and Heads of Ministry-level agencies as head persons of Ministries and Ministry-level agencies
1. Lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm cá nhân về mọi mặt công tác của bộ, cơ quan ngang bộ; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đã được phê duyệt, các nhiệm vụ của bộ, cơ quan ngang bộ được Chính phủ giao.
1. Lead, direct and take sole responsibility for all aspects of work of Ministries and Ministry-level agencies; direct their affiliates to execute approved strategies, proposals, plans, programs or projects, and implement duties of Ministries and Ministry-level agencies assigned by the Government.
2. Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ mà mình là người đứng đầu.
2. Decide within their jurisdiction or request the Government and the Prime Minister to decide issues under the functions, duties and powers of Ministries and Ministry-level agencies of which they are head persons.
3. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức Thứ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
3. Request the Prime Minister to appoint, discharge, dismiss or accept the resignation of Deputy Ministers or Vice Heads of Ministry-level agencies.
4. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực được phân công; ban hành hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách phát triển ngành, lĩnh vực được phân công.
4. Issue legislative documents within their jurisdiction so as to perform functions or duties of state management of assigned industries and sectors; issue or request the Prime Minister to issue the policies on development of assigned industries or sectors.
5. Thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện phân cấp quản lý công chức, viên chức đối với các tổ chức, đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.
5. Carry out the recruitment, appointment, discharge, dismissal, dispatch, alternation, assessment, planning, training, nurturing, rewarding and punishment of officials, civil servants and public employees, and decentralize powers to manage civil servants and public employees working for affiliates in accordance with legal regulations.
6. Quyết định phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao quản lý theo phạm vi lãnh thổ; phân cấp, ủy quyền cho các tổ chức, đơn vị trực thuộc.
6. Decide the decentralization of powers to local governments to perform certain duties relating to industries or sectors within their remit; decentralize and delegate powers to affiliated organizations or agencies.
7. Quyết định chương trình nghiên cứu khoa học, công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm và các định mức kinh tế - kỹ thuật của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền.
7. Decide programs for scientific and technological researches, and application of scientific or technological advances; standards, procedures and regulations as well an economic-technical norms in specific industries and sectors within their jurisdiction.
8. Quyết định thành lập các tổ chức phối hợp liên ngành, tổ chức sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
8. Decide establishment of interdisciplinary organizations and public non-business organizations in accordance with laws.
9. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức, đình chỉ công tác, khen thưởng, kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tổ chức, đơn vị trực thuộc.
9. Appoint, discharge, dismiss, accept the resignation of, suspend, reward and punish head persons and their deputies of affiliates.
10. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.
10. Lead and direct inspection and examination of the implementation of legal regulations in industries or sectors in the nation.
11. Quản lý và tổ chức sử dụng có hiệu quả công sở, tài sản, phương tiện làm việc và tài chính, ngân sách nhà nước được giao; quyết định biện pháp tổ chức phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong ngành, lĩnh vực được phân công.
11. Manage and organize effective use of offices, assets and instruments used for work, allocated funds and state budgets; decide measures to prevent and combat corruption and carry out thrift practices and avoid extravagance as well as bureaucracy, imperious and authoritarian behaviors in assigned industries and sectors.
12. Lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức trong ngành, lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ.
12. Lead and direct the implementation of administrative and civil service reforms in industries or sectors that fall within the state management of Ministries or Ministry-level agencies.
13. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội; giải trình về những vấn đề Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội quan tâm; trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội về những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý.
13. Proactively build a firm cooperation with organs of the Communist Party, the National Assembly, the Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy, the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front Committee and central organs of socio-political organizations; give explanations for issues that the Ethnic Council and Committees of the National Assembly are interested in; answer questions posed by the National Assembly's elected deputies, recommendations of the electorate and the Vietnam Fatherland Front Committee and socio-political organizations in relation to issues that fall within their remit.
14. Thực hiện những nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
14. Perform other duties delegated by the Government and the Prime Minister.
Điều 35. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong mối quan hệ với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
Article 35. Duties and powers of Ministers and Heads of Ministry-level agencies in a relationship with Ministries, Ministry-level agencies and Government agencies
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ hướng dẫn và kiểm tra, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ công tác thuộc ngành, lĩnh vực được phân công.
1. Ministers and Heads of Ministry-level agencies shall provide guidance on, examine and collaborate with Ministries, Ministry-level agencies and Government agencies to perform duties in assigned industries and sectors.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có quyền kiến nghị với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do các cơ quan đó ban hành trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc của bộ, cơ quan ngang bộ về ngành, lĩnh vực do bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm quản lý. Trong trường hợp kiến nghị không được chấp thuận thì trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Ministers and Heads of Ministry-level agencies shall have the right to request the Ministers and Heads of other Ministry-level agencies to suspend the implementation or abolish regulations issued by these Ministries or agencies which are in breach of the Constitution, legislation, and documents issued by state agencies at the superior level, or Ministries or Ministry-level agencies on industries or sectors managed by these Ministries or Ministry-level agencies. In case the request is not accepted, the Prime Minister shall grant his decision on this.
Điều 36. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong mối quan hệ với chính quyền địa phương
Article 36. Duties and powers of Ministers and Heads of Ministry-level agencies in a relationship with local governments
1. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các nhiệm vụ công tác thuộc ngành, lĩnh vực được phân công hoặc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
1. Direct, provide guidance on and inspect the People’s Committee at all levels to perform duties within assigned industries and sectors, or those delegated by the Prime Minister.
2. Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên về ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm quản lý.
2. Request the Prime Minister to suspend the enforcement of resolutions of the provincial People’s Council in breach of the Constitution, legislation, and documents issued by the state organs at the superior level on industries or sectors that fall within their remit.
Đề nghị Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những văn bản pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trái với các văn bản về ngành, lĩnh vực được phân công. Nếu Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không chấp hành thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Request the People’s Committee, the President of the provincial People’s Committee to suspend the implementation or abolish legislative documents issued by the People’s Committee, the President of the provincial People’s Committee in breach of documents on assigned industries and sectors. In case the People’s Committee or the President of the People's Committee at the provincial level refuses to accept these documents, a report should be submitted to the Prime Minister for his decision.
Điều 37. Trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ
Article 37. Duties of Ministers and Heads of Ministry-level agencies
1. Chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công; về kết quả, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ, cơ quan ngang bộ; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao; cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ.
1. Take sole responsibility to the Prime Minister, the Government and the National Assembly for assigned industries and sectors; for the result, effect and performance of Ministries and Ministry-level agencies; for their decisions and results of implementation of their decisions within delegated duties and powers; collaborate with other cabinet members to bear collective responsibility for the Government's operations.
2. Thực hiện báo cáo công tác trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
2. Be responsible to the Government and the Prime Minister; give explanations and answer questions in front of the National Assembly and National Assembly Standing Committee.
3. Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý.
3. Report to the people on important issues within their management.
Điều 38. Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ
Article 38. Deputy Ministers and Vice Heads of Ministry-level agencies
1. Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện nhiệm vụ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phân công và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ về nhiệm vụ được phân công.
1. Deputy Ministers and Vice Heads of Ministry-level agencies shall assist Ministers and Heads of Ministry-level agencies in performing duties assigned by Ministers or Heads of Ministry-level agencies, and bear accountability to Ministers and Heads of Ministry-level agencies for their assigned duties.
2. Số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 05; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 06. Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
2. The number of Deputy Ministers and Vice Heads of Ministry-level agencies shall be restricted to a maximum of 05 persons; as for the Ministry of National Defense, the Ministry of Public Security and the Ministry of Foreign Affairs, this number is restricted to a maximum of 06 persons. In the event of merging of Ministries or Ministry-level agencies, or upon the request of competent authorities for dispatch or alteration of civil servants, the Prime Minister shall request the National Assembly Standing Committee to consider and make its decision on this.
Chương V
Chapter V
BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ
MINISTRIES, MINISTRY-LEVEL AGENCIES AND GOVERNMENT AGENCIES
Điều 39. Bộ, cơ quan ngang bộ
Article 39. Ministries and Ministry-level agencies
1. Bộ, cơ quan ngang bộ là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một hoặc một số ngành, lĩnh vực và dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.
1. Ministries and Ministry-level agencies are the Government’s organs charged with performing function to carry out the state management of one or certain industries or sectors and civil services within industries or sectors across the nation.
2. Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, cơ quan ngang bộ.
2. The Government shall provide specific provisions on functions, duties, powers and organizational structure of each Ministry and Ministry-level agency.
Điều 40. Cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ
Article 40. Organizational structure of Ministries and Ministry-level agencies
1. Cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ gồm vụ, văn phòng, thanh tra, cục, tổng cục, đơn vị sự nghiệp công lập.
1. The organizational structure of Ministries and Ministry-level agencies includes departments, offices, inspectorates, bureaus, general departments and public non-business agencies.
2. Vụ, văn phòng, thanh tra, cục, tổng cục, đơn vị sự nghiệp công lập có người đứng đầu.
2. Departments, offices, inspectorates, bureaus, general departments and public non-business agencies shall have head persons.
Số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập không quá 03; số lượng cấp phó của người đứng đầu tổng cục không quá 04.
Vice heads of departments, offices, inspectorates, bureaus, general departments and public non-business agencies shall be restricted to a maximum of 03 persons; the number of vide heads of general departments shall be restricted to a maximum of 04 persons.
3. Việc thành lập các đơn vị quy định tại khoản 1 Điều này do Chính phủ quyết định căn cứ vào tính chất, phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng bộ, cơ quan ngang bộ.
3. Establishment of agencies as stipulated in Clause 1 of this Article shall be decided by the Government, depending on the nature and scope of management, functions, tasks and powers of each Ministry and Ministry-level agency.
Điều 41. Văn phòng Chính phủ
Article 41. Government office
1. Văn phòng Chính phủ là bộ máy giúp việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, có chức năng tham mưu tổng hợp, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Chính phủ.
1. The Government Office assists the Government and the Prime Minister and performs functions to generally advise and assist the Government and the Prime Minister to implement duties and powers as prescribed by the Government.
2. Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đứng đầu.
2. The Government Office shall be headed by the Minister and the Chief of the Government Office.
Điều 42. Cơ quan thuộc Chính phủ
Article 42. Government agencies
1. Cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan do Chính phủ thành lập.
1. Government agencies shall be established by the Government.
2. Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Chính phủ; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
2. The Heads of government agencies shall have duties and powers stipulated by the Government; assume accountability to the Government, the Prime Minister for their delegated duties and powers.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
3. The Government shall provide specific provisions on this Article.
Chương VI
Chapter VI
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CỦA CHÍNH PHỦ
WORKING REGIME OF THE GOVERNMENT
Điều 43. Chế độ làm việc của Chính phủ và từng thành viên Chính phủ
Article 43. Working regime of the Government and each cabinet member
Chế độ làm việc của Chính phủ và từng thành viên Chính phủ được thực hiện kết hợp giữa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể Chính phủ với quyền hạn, trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ và cá nhân từng thành viên Chính phủ.
The working regime of the Government and each cabinet member shall adhere to the principle of combining collective powers and responsibilities of the Government with sole powers and responsibilities of the Prime Minister and each cabinet member.
Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số.
The Government shall work under the collective working regime and the majority rule.
Chính phủ ban hành quy chế làm việc của Chính phủ.
The Government shall promulgate its own working regime.
Điều 44. Hình thức hoạt động của Chính phủ
Article 44. Forms of the Government’s operations
1. Chính phủ họp thường kỳ mỗi tháng một phiên hoặc họp bất thường theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, theo yêu cầu của Chủ tịch nước hoặc của ít nhất một phần ba tổng số thành viên Chính phủ.
1. The Government shall convene the regular meeting session once a month or the unscheduled meeting under the Prime Minister's decision or as requested by the President of Vietnam or at least one thirds of total cabinet members.
2. Trong trường hợp Chính phủ không họp, Thủ tướng Chính phủ quyết định gửi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ bằng văn bản.
2. In case the Government does not convene the meeting, the Prime Minister shall decide to ask for written opinions from its members.
3. Chính phủ họp theo yêu cầu của Chủ tịch nước để bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.
3. The Government shall convene the meeting as requested by the President of Vietnam to discuss issues that the President of Vietnam finds it necessary to perform duties and powers of the President.
Điều 45. Trách nhiệm tham dự phiên họp của thành viên Chính phủ
Article 45. Responsibilities of cabinet members for attending meeting sessions
1. Thành viên Chính phủ có trách nhiệm tham dự phiên họp của Chính phủ, nếu vắng mặt trong phiên họp hoặc vắng mặt một số thời gian của phiên họp thì phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
1. Cabinet members shall be responsible for attending the Government’s meeting sessions. If they are absent from meetings or in some time of the meeting, they must ask for a leave of absence from the Government.
Thủ tướng Chính phủ có thể cho phép thành viên Chính phủ vắng mặt và được cử cấp phó tham dự phiên họp của Chính phủ.
The Prime Minister can offer a leave of absence to cabinet members and request them to send their deputies to attend the meeting.
2. Khi cần thiết, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được mời tham dự phiên họp của Chính phủ.
2. When necessary, the Heads of Government agencies or the Presidents of the provincial People’s Committee shall be invited to attend the Government’s meeting sessions.
3. Người tham dự phiên họp của Chính phủ không phải là thành viên Chính phủ có quyền phát biểu ý kiến nhưng không có quyền biểu quyết.
3. Participants in the Government’s meetings who are not cabinet members shall have the rights to voice their opinions but shall not have the right to vote.
Điều 46. Phiên họp của Chính phủ
Article 46. Meeting sessions of the Government
1. Phiên họp của Chính phủ chỉ được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Chính phủ tham dự.
1. The Government’s meeting shall proceed only if two thirds of total cabinet members attend.
2. Nội dung phiên họp của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ đề nghị và thông báo đến các thành viên Chính phủ.
2. Contents of the Government’s meeting shall be approved by the Government and made known to cabinet members.
3. Các quyết định của Chính phủ phải được quá nửa tổng số thành viên Chính phủ biểu quyết tán thành. Trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến mà Thủ tướng Chính phủ đã biểu quyết.
3. The Government's decisions must obtain more than half of cabinet members voting in favor. In case the vote is equal, the Prime Minister shall have the deciding vote.
Điều 47. Thành phần mời tham dự phiên họp của Chính phủ
Article 47. Composition of participants in the Government’s meeting sessions
1. Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của Chính phủ.
1. The President of Vietnam shall be vested with the right to attend the Government’s meeting sessions.
2. Chính phủ mời Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội tham dự phiên họp của Chính phủ khi bàn về việc thực hiện chính sách dân tộc. Khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc, Chính phủ phải lấy ý kiến của Hội đồng dân tộc.
2. The Government shall invite the Chairperson of the Ethnic Council to attend the Government’s meeting sessions if the meeting is about the implementation of the ethnic policies. When issuing regulations on implementation of ethnic policies, the Government shall confer with the Ethnic Council.
3. Chính phủ mời Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội tham dự phiên họp của Chính phủ khi bàn các vấn đề có liên quan.
3. The Government shall invite the Chairperson of the Vietnam Fatherland Front Committee and heads of central organs of socio-political organizations to attend the Government’s meetings about relevant issues.
Điều 48. Kinh phí hoạt động của Chính phủ
Article 48. Operating budget of the Government
Kinh phí hoạt động của Chính phủ do Quốc hội quyết định từ ngân sách nhà nước.
The Government’s operating budget shall be funded by the state budget after the National Assembly makes its decision on this.
Chương VII
Chapter VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
IMPLEMENTARY PROVISIONS
Điều 49. Hiệu lực thi hành
Article 49. Effect
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
This Law shall enter into force since January 1, 2016.
Luật tổ chức Chính phủ số 32/2001/QH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
The Law on Organizing the Government No. 32/2001/QH10 shall be annulled from the effective date of this Law.
Điều 50. Quy định chi tiết
Article 50. Specific provisions
Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.
The Government shall provide specific articles and clauses enshrined in this Law.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2015.
This Law is passed in the 9th meeting session of the National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam Tenure XIII on June 19, 2015.
  CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
PRESIDENT OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Sinh Hung
 
THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 01/01/2016

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Luật tổ chức Chính phủ 2015

Số hiệu 76/2015/QH13 Ngày ban hành 19/06/2015
Ngày có hiệu lực 01/01/2016 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Quốc hội Tình trạng Đang có hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Luật tổ chức Chính phủ 2015 (76/2015/QH13) quy định chức năng, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Chính Phủ
Mục lục

Mục lục

Close