Văn bản "Nghị định 86/1999/NĐ-CP về việc quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước" đã HẾT HIỆU LỰC từ ngày 15/07.2014 và được thay thế bởi Nghị định 50/2014/NĐ-CP về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, có hiệu lực từ 15/07/2014

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 86/1999/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 1999

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 86/1999/NĐ-CP NGÀY 30 THÁNG 8 NĂM 1999 VỀ QUẢN LÝ DỰ TRỮ NGOẠI HỐI NHÀ NƯỚC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 ngày 12 tháng 12 năm 1997;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Dự trữ ngoại hối nhà nước là tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước được thể hiện trong bảng cân đối tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bảo đảm khả năng thanh toán quốc tế, bảo toàn dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Điều 2. Dự trữ ngoại hối nhà nước bao gồm:

1. Ngoại tệ tiền mặt, số dư ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi ở nước ngoài;

2. Hối phiếu và các giấy nhận nợ của nước ngoài bằng ngoại tệ;

3. Các chứng khoán nợ do Chính phủ, ngân hàng nước ngoài, tổ chức tiền tệ hoặc ngân hàng quốc tế phát hành, bảo lãnh;

4. Vàng tiêu chuẩn quốc tế;

5. Các loại ngoại hối khác.

Điều 3. Dự trữ ngoại hối nhà nước được hình thành từ các nguồn:

1. Ngoại hối hiện có thuộc sở hữu của Nhà nước do Ngân hàng Nhà nước quản lý;

2. Ngoại hối mua từ ngân sách nhà nước và mua từ thị trường ngoại tệ và thị trường vàng trong nước;

3. Ngoại hối từ các khoản vay ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế;

4. Ngoại hối từ các nguồn khác.

Điều 4. Dự trữ ngoại hối nhà nước được quản lý theo nguyên tắc:

1. Bảo toàn dự trữ;

2. Bảo đảm khả năng sẵn sàng thanh toán, đáp ứng các nhu cầu ngoại hối khi cần thiết;

3. Sinh lời thông qua các nghiệp vụ đầu tư quy định tại Điều 7, Điều 16 của Nghị định này.

Điều 5. Dự trữ ngoại hối nhà nước được lập thành hai quỹ:

1. Quỹ dự trữ ngoại hối;

2. Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng.

Chương 2:

QUẢN LÝ QUỸ DỰ TRỮ NGOẠI HỐI

Điều 6. Quỹ dự trữ ngoại hối được sử dụng trong các trường hợp sau:

1. Điều hoà nguồn ngoại hối với Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng khi cần thiết;

2. Thực hiện các nghiệp vụ đầu tư quy định tại Điều 7 của Nghị định này;

3. Tạm ứng cho ngân sách nhà nước để đáp ứng nhu cầu ngoại hối đột xuất, cấp bách của Nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 7. Ngân hàng Nhà nước quản lý Quỹ dự trữ ngoại hối thông qua các nghiệp vụ đầu tư sau:

1. Gửi, mua, bán ngoại tệ và vàng ở nước ngoài;

2. Mua, bán các giấy nhận nợ, chứng khoán nợ bằng ngoại tệ;

3. Các hình thức giao dịch ngoại hối khác khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Điều 8. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định:

1. Cơ cấu Quỹ dự trữ ngoại hối, bao gồm:

a) Tỷ lệ dự trữ bằng ngoại tệ và bằng vàng;

b) Loại ngoại tệ và tỷ lệ giữa các loại ngoại tệ;

c) Tỷ lệ giữa đầu tư ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

2. Hình thức đầu tư và thời hạn đầu tư.

3. Lựa chọn tổ chức đối tác để thực hiện đầu tư.

Điều 9. Cơ cấu của Quỹ dự trữ ngoại hối được xác định trên cơ sở:

1. Tỷ trọng các loại ngoại tệ sử dụng trong thanh toán xuất, nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam;

2. Tỷ trọng các loại ngoại tệ vay và trả nợ nước ngoài của Việt Nam;

3. Dự báo xu hướng biến động của từng loại ngoại tệ và vàng;

4. Tỷ trọng của từng loại ngoại tệ trong dự trữ quốc tế và thanh toán quốc tế của các nước trên thế giới.

Điều 10. Các loại ngoại tệ của Quỹ dự trữ ngoại hối phải là ngoại tệ tự do chuyển đổi. Vàng của Quỹ dự trữ ngoại hối phải là vàng tiêu chuẩn quốc tế.

Điều 11. Các giấy nhận nợ, chứng khoán nợ bằng ngoại tệ của Quỹ dự trữ ngoại hối phải do Chính phủ, ngân hàng nước ngoài, tổ chức tiền tệ hoặc ngân hàng quốc tế có uy tín, được xếp hạng tín nhiệm quốc tế cao phát hành hoặc bảo lãnh.

Điều 12. Các tổ chức đối tác được lựa chọn để gửi ngoại tệ và vàng, ủy thác đầu tư phải là tổ chức được xếp hạng tín nhiệm quốc tế cao.

Chương 3:

QUẢN LÝ QUỸ BÌNH ỔN TỶ GIÁ VÀ GIÁ VÀNG

Điều 13. Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng được sử dụng trong các trường hợp sau:

1. Can thiệp thị trường ngoại tệ và thị trường vàng trong nước;

2. Điều hoà nguồn ngoại hối với Quỹ dự trữ ngoại hối khi cần thiết;

3. Thực hiện các nghiệp vụ đầu tư theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này.

Điều 14. Hạn mức ngoại hối của Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trong trường hợp hạn mức Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng không đáp ứng được yêu cầu can thiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chuyển ngoại hối từ Quỹ dự trữ ngoại hối sang Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng.

Điều 15. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định:

1. Cơ cấu Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng, bao gồm:

a) Tỷ lệ dự trữ bằng ngoại tệ và bằng vàng;

b) Loại ngoại tệ và tỷ lệ giữa các loại ngoại tệ.

2. Can thiệp thị trường ngoại tệ và thị trường vàng trong nước khi cần thiết để thực hiện các mục tiêu của chính sách tiền tệ từng thời kỳ, bao gồm:

a) Thời điểm can thiệp;

b) Loại ngoại tệ can thiệp;

c) Tỷ giá và giá vàng can thiệp;

d) Số lượng ngoại tệ và vàng can thiệp;

đ) Hình thức can thiệp: giao ngay, kỳ hạn, hoán đổi và các hình thức giao dịch ngoại hối khác;

e) Đối tác thực hiện hình thức can thiệp.

3. Điều chuyển ngoại hối từ Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng sang Quỹ dự trữ ngoại hối trong trường hợp mức ngoại hối của Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng vượt hạn mức đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 16. Căn cứ nhu cầu sử dụng ngoại hối của Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng để can thiệp trong từng thời kỳ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc sử dụng Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng để đầu tư ngắn hạn trên các thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế theo các quy định tại Điều 10, Điều 11 và Điều 12 của Nghị định này.

Chương 4:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUẢN LÝ DỰ TRỮ NGOẠI HỐI NHÀ NƯỚC

Điều 17. Thủ tướng Chính phủ quyết định:

1. Mức Dự trữ ngoại hối nhà nước dự kiến đạt được hàng năm do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình;

2. Tạm ứng từ Quỹ dự trữ ngoại hối cho ngân sách nhà nước để đáp ứng các nhu cầu đột xuất, cấp bách của Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính trình;

3. Hạn mức ngoại hối của Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng;

4. Điều chuyển ngoại hối từ Quỹ dự trữ ngoại hối sang Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 18. Căn cứ mục tiêu của chính sách tiền tệ, tình hình cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam, hàng năm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước dự kiến mức dự trữ ngoại hối nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 8, Điều 15, Điều 16, Điều 20, Điều 21 của Nghị định này.

Điều 19. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm:

1. Kiểm tra việc quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước của Ngân hàng Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao và việc chấp hành các quy định tại Nghị định này;

2. Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm ứng từ Quỹ dự trữ ngoại hối cho ngân sách nhà nước để đáp ứng các nhu cầu đột xuất, cấp bách của Nhà nước;

3. Sử dụng và hoàn trả các khoản tạm ứng từ Quỹ dự trữ ngoại hối theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chương 5:

BÁO CÁO , HẠCH TOÁN KẾ TOÁN

Điều 20. Hàng năm hoặc khi cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm:

1. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện việc quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước; tình hình thực tế sử dụng dự trữ ngoại hối Nhà nước; các báo cáo này đồng gửi Bộ Tài chính;

2. Báo cáo Chính phủ và ủy ban thường vụ Quốc hội tình hình biến động dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Điều 21. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm tổ chức hạch toán kế toán dự trữ ngoại hối nhà nước theo quy định của pháp luật. Thu nhập và các chi phí phát sinh trong qúa trình quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước được hạch toán vào thu nhập và chi phí nghiệp vụ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22.

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

2.Quyết định số 105/CT ngày 10 tháng 4 năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập Quỹ điều hoà ngoại tệ hết hiệu lực thi hành.

Điều 23. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

THEGIOILUAT.VN
Hết hiệu lực
Hết HL: 15/07/2014

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Nghị định 86/1999/NĐ-CP về việc quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước

Số hiệu 86/1999/NĐ-CP Ngày ban hành 30/08/1999
Ngày có hiệu lực 14/09/1999 Ngày hết hiệu lực 15/07/2014
Nơi ban hành Chính phủ Tình trạng Hết hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Nghị định 86/1999/NĐ-CP về việc quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước
Mục lục

Mục lục

Close