ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2019/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 26 tháng 02 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 29/2018/NQ-HĐND CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Nghị quyết số 29/2018/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định chi tiết thực hiện Nghị quyết số 29/2018/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 3 năm 2019 và thay thế Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2017 của UBND tỉnh về ban hành Quy định chi tiết thực hiện Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết số 86/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Y tế; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Giang; Giám đốc các Ngân hàng thương mại tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ và Tổ chức chính trị xã hội;
- Sở Tư pháp, Báo Hà Giang, Đài PTTH tỉnh;
- Trung tâm Thông tin - Công báo;
- Lưu: VT, KTTH

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Nguyễn Văn Sơn

 

QUY ĐỊNH

CHI TIẾT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 29/2018/NQ-HĐND CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2019/QĐ-UBND ngày 26 tháng 02 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Nghị quyết số 29/2018/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang (sau đây gọi là Nghị quyết số 29/2018/NQ-HĐND).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức có tư cách pháp nhân, trang trại, cá nhân, hộ gia đình (gọi chung là tổ chức, cá nhân) thực hiện sản xuất hàng hóa những loại cây, con theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chăn nuôi trâu, bò, lợn, dê, gia cầm; lâm nghiệp, dồn điền đổi thửa; dự án ứng dụng công nghệ cao.

2. Cơ quan quản lý nhà nước.

3. Tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Là dự án sản xuất nông nghiệp phải đáp ứng được một trong các tiêu chí sau: Dự án đầu tư thực hiện trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Khu; Dự án trong Vùng Nông nghiệp ứng dụng nghệ cao đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định công nhận Vùng; Dự án của doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khác là dự án áp dụng các công nghệ được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

2. Giống cây lâm nghiệp tốt: Là giống cây được gieo ươm từ hạt, hom, mô có nguồn gốc xuất xứ theo quy định tại Thông tư số 30/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/01/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cây sinh trưởng phát triển tốt, cây không bị cong, gẫy, cụt ngọn, không bị sâu bệnh hại. Cây giống được cơ quan chuyên môn nghiệm thu, công nhận nguồn gốc lô cây con trước khi xuất vườn.

3. Vườn tạp: Là vườn gồm nhiều loại cây trồng xen lẫn nhau: cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp... hoặc một loài cây nhưng nhiều giống khác nhau, tuổi cây khác nhau, không xác định được cây chủ lực, cùng sinh sống trên một diện tích nhất định, là vườn quảng canh, đầu tư lao động, vật tư, kỹ thuật ít, sản phẩm thu hoạch rải nhiều tháng, không xác định được sản phẩm chính, năng suất và hiệu quả thấp. Nếu có cây gỗ thì đường kính bình quân dưới 8 cm, trữ lượng cây đứng dưới 10m3/ha, nếu có cây nứa thì dưới 5.000 cây/ha, cây vầu dưới 1.000 cây/ha, cây tre luồng dưới 1.000 cây/ha.

4. Giống lợn địa phương: Là những giống lợn đã được người dân Hà Giang nuôi thuần hóa từ lâu đời, có nguồn gốc xuất xứ tại địa phương trong tỉnh.

5. Giống gia cầm địa phương: Là những giống gia cầm đã được người dân Hà Giang nuôi thuần hóa từ lâu đời, có nguồn gốc xuất xứ tại các địa phương trong tỉnh.

6. VietGAHP nông hộ (quy trình thực hành chăn nuôi tốt trong nông hộ): Là những nguyên tắc, trình tự hướng dẫn nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm gia súc, gia cầm, sức khỏe người chăn nuôi, người tiêu dùng; bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

7. Công nghệ tiên tiến: Là công nghệ có trình độ công nghệ cao hơn trình độ công nghệ cùng loại hiện có tại Việt Nam, đã được ứng dụng trong thực tiễn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm vượt trội và thân thiện với môi trường.

8. Mặt bằng sạch: Được hiểu là quỹ đất đã được Nhà nước thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Chương II

ĐIỀU KIỆN, HỒ SƠ, TRÌNH TỰ THỰC HIỆN HỖ TRỢ

Điều 4. Điều kiện hưởng hỗ trợ lãi suất vay vốn

1. Điều kiện

a) Đối với cây chè theo quy định tại điểm a, khoản 1 điều 2 nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND.

- Thâm canh cây chè: có vườn chè đang cho sản phẩm diện tích tối thiểu 03 ha (đối với tổ chức), tối thiểu 01 ha (đối với cá nhân) và nằm trong danh sách tham gia thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc hữu cơ hàng năm (bao gồm cả các tổ chức, cá nhân đã được chứng nhận tiếp tục thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ).

- Đầu tư xây dựng nhà máy chế biến với dây chuyền công nghệ hiện đại, tiên tiến: Có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận; công suất tối thiểu 02 tấn chè búp tươi/ngày, có dây chuyền công nghệ tiên tiến được sản xuất từ năm 2015; đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật; cam kết của tổ chức, cá nhân về thời gian hoạt động tối thiểu của cơ sở chế biến là 60 tháng; được Sở Công thương chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan nghiệm thu dự án nhà máy hoàn thành.

Sau 24 tháng từ khi dự án hoàn thành, nếu không hoạt động phải nộp trả 60% kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ.

b) Đối với cây cam theo quy định tại điểm b, khoản 1 điều 2 nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND.

- Thâm canh vườn cam: có vườn cam đang cho sản phẩm diện tích tối thiểu 03 ha (đối với tổ chức), tối thiểu 01 ha (đối với cá nhân) và nằm trong danh sách tham gia thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc hữu cơ hàng năm (bao gồm cả các tổ chức, cá nhân đã được chứng nhận tiếp tục thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc hữu cơ).

- Cơ sở bảo quản cam: Đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế như: rửa quả, khử trùng, phân loại, bao gói hoặc xây dựng nhà xưởng bảo quản bằng phương pháp bảo quản lạnh trước khi xuất bán; công suất sơ chế, bảo quản tối thiểu 100 tấn/năm; đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.

Sau 24 tháng từ khi dự án đầu tư cơ sở sở chế biến hoàn thành, nếu không hoạt động phải nộp trả 60% kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ.

c) Đối với chăn nuôi trâu, bò theo quy định tại điểm c, khoản 1 điều 2 nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND.

- Giống trâu, bò:

+ Đối với trâu: Là giống trâu đầm lầy, trâu lai F1 Murrah.

+ Đối với bò: Là giống Bò vàng vùng cao Hà Giang (giống bò Mông). Riêng các huyện vùng thấp: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Bắc Mê, thành phố Hà Giang và 2 huyện phía Tây phát triển các giống Red Sindhi, Sahiwal, Brahman, F1 BBB.

+ Tiêu chuẩn trâu, bò đực giống: Thân hình cân đối, chắc khỏe, biểu hiện rõ đặc điểm giới tính (đực). Tuổi bắt đầu sử dụng làm giống đối với bò từ 2 năm tuổi trở lên, trâu từ 3 năm tuổi trở lên.

+ Tiêu chuẩn trâu, bò cái giống: Là những con có tầm vóc to, sức khỏe tốt, các bộ phận thân hình cân đối. Tuổi sử dụng làm giống đối với bò cái sinh sản từ 2 năm tuổi đến dưới 10 năm tuổi; trâu từ 3 năm tuổi đến dưới 12 năm tuổi.

+ Đối với trâu, bò nuôi vỗ béo tổ chức, cá nhân tự lựa chọn mua trâu, bò từ 24 tháng tuổi trở lên. Thời gian được hỗ trợ lãi suất vay vốn không quá 12 tháng.

+ Con giống được kiểm dịch thú y và tiêm phòng đầy đủ.

- Cơ sở chế biến thực phẩm từ sản phẩm gia súc, gia cầm

+ Có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

+ Có cơ sở, trang trại chăn nuôi hoặc hợp đồng liên kết với các hộ chăn nuôi đảm bảo theo công suất của cơ sở chế biến.

+ Công suất giết mổ một ngày đêm phải đạt tối thiểu 15 con trâu, bò, ngựa hoặc 50 con tiểu gia súc (lợn, dê) hoặc 500 con gia cầm.

+ Đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.

+ Cam kết của tổ chức, cá nhân về thời gian hoạt động của cơ sở chế biến tối thiểu là 60 tháng.

+ Hỗ trợ 60% kinh phí được ngân sách nhà nước hỗ trợ sau khi cơ sở chế biến được cơ quan có thẩm quyền (Sở Công thương chủ trì) nghiệm thu các hạng mục theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hỗ trợ 40% kinh phí còn lại sau khi cơ sở chế biến đi vào hoạt động được 36 tháng theo báo cáo tài chính đã được Kiểm toán hoặc quyết toán thuế của cơ quan thuế của 2 năm trước liền kề.

d) Đối với nuôi ong theo quy định tại điểm d, khoản 1 điều 2 nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND.

- Hỗ trợ trong thời gian đàn ong được nuôi trên địa bàn tỉnh và có xác nhận của UBND cấp xã, trưởng thôn về thời gian nuôi ong tại địa bàn nhưng không quá 24 tháng.

- Tiêu chuẩn ong giống: Giống ong nội, chọn đàn nhanh nhẹn, khỏe mạnh không bị bệnh, có ít nhất 3 cầu tiêu chuẩn; ong chúa to, dài, thanh, nhanh nhẹn.

đ) Đối với chăn nuôi lợn bằng giống địa phương theo quy định tại điểm đ, khoản 1 điều 2 nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND.

- Phải là giống địa phương do UBND cấp xã nơi cung ứng con giống xác nhận hoặc các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống có tư cách pháp nhân xác nhận.

- Tiêu chuẩn giống: Chọn những con giống khỏe mạnh, thân hình cân đối, lông da bóng mượt, chân thẳng; bộ phận sinh dục phát triển bình thường không khuyết tật. Trọng lượng con giống từ 12 - 15 kg/con.

- Con giống được kiểm dịch thú y và tiêm phòng đầy đủ.

- Quy trình chăn nuôi theo hướng Quy trình VietGAHP nông hộ: Tổ chức, cá nhân vay vốn phải cam kết với chính quyền xã đạt tối thiểu 3/8 tiêu chí: (i) Vị trí, hệ thống hạ tầng chuồng trại và thiết bị dụng cụ chăn nuôi; (ii) Giống và quản lý giống; (iii) Thức ăn chăn nuôi và quản lý thức ăn; (iv) Nước; (v) Công tác thú y và vệ sinh thú y; (vi) Xuất bán; (vii) Môi trường; (viii) Ghi chép.

e) Đối với chăn nuôi gia cầm bằng giống địa phương theo quy định tại điểm a, khoản 1 điều 2 nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND.

- Phải là giống địa phương do UBND cấp xã nơi cung ứng con giống xác nhận hoặc các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống có tư cách pháp nhân xác nhận.

- Tiêu chuẩn giống: Giống gia cầm phải có đầy đủ các đặc trưng của giống, nhanh nhẹn, lông mượt, mắt tinh nhanh, ham ăn, khỏe mạnh.

- Con giống được kiểm dịch và tiêm chủng đầy đủ các loại vác xin theo lịch vác xin phòng bệnh cho gia cầm trong giai đoạn gia cầm mới nở.

- Quy trình chăn nuôi theo hướng Quy trình VietGAHP nông hộ: Tổ chức, cá nhân vay vốn phải cam kết với chính quyền xã đạt tối thiểu 3/8 tiêu chí: (i) Vị trí, hệ thống hạ tầng chuồng trại và thiết bị dụng cụ chăn nuôi; (ii) Giống và quản lý giống; (iii) Thức ăn chăn nuôi và quản lý thức ăn; (iv) Nước; (v) Công tác thú y và vệ sinh thú y; (vi) Xuất bán; (vii) Môi trường; (viii) Ghi chép.

g) Đối với chăn nuôi dê theo quy định tại điểm g, khoản 1 điều 2 nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND.

- Tiêu chuẩn giống: Chọn những con dê có thân hình cân đối, khỏe mạnh, biểu hiện rõ đặc điểm giới tính. Trọng lượng con giống từ 15 - 20 kg/con.

- Con giống được kiểm dịch thú y và tiêm phòng đầy đủ.

h) Xây dựng chuồng nuôi nhốt gắn với xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định tại điểm h, khoản 1 điều 2 nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND.

- Đối với trâu bò nuôi vỗ béo: Diện tích chuồng nuôi tối thiểu 3m2/con.

- Đối với trâu bò sinh sản diện tích chuồng nuôi tối thiểu 5m2/con.

- Diện tích chuồng nuôi nhốt tối thiểu 1m2/con đối với lợn thịt; diện tích chuồng nuôi tối thiểu 5m2/con đối với lợn nái sinh sản; ngoài ra đảm bảo 5m2 sân chơi cho một nái.

- Diện tích nuôi nhốt tối thiểu: chăn nuôi gà từ 4 đến 8 con/m2 tùy thuộc vào tuần tuổi của gà; ngan, vịt: từ 2 đến 4 con/m2 và có sân chơi, chỗ tắm cho ngan, vịt.

- Diện tích nuôi nhốt tối thiểu từ 1 - 1,2m2/con đối với dê.

- Chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm phải là chuồng được xây dựng mới đáp ứng được các yêu cầu sau: Nền chuồng phải đảm bảo không trơn trượt và phải có rãnh thoát nước đối với chuồng sàn, nền và có độ dốc từ 3-5% về phía hố phân, hố thu phân phải có tường chắn và có nắp che đậy phía trên; mái chuồng phải đảm bảo không bị dột nước khi mưa. Tường bao có thể xây, dùng lưới bao quanh hoặc dùng các vật liệu khác đảm bảo chắc chắn. Khuyến khích sử dụng công trình khí sinh học bioga, đệm lót sinh học và các công nghệ xử lý môi trường khác đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm.

i) Các dự án ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại điểm i, khoản 1 điều 2 nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND.

- Dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

- Dự án đáp ứng các tiêu chí quy định tại Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp.

- Cam kết của tổ chức, cá nhân về thời gian triển khai thực hiện dự án tính từ thời điểm dự án đi vào hoạt động tối thiểu là 60 tháng.

- Trường hợp thời gian hoạt động sản xuất của Dự án dưới 60 tháng, thì tổ chức, cá nhân phải hoàn trả 50% số kinh phí đã được hỗ trợ cho ngân sách nhà nước. Trường hợp không triển khai dự án đầu tư kể từ khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận và giao mặt bằng sạch quá 12 tháng nhà nước sẽ thu hồi mặt bằng sạch đã giao cho tổ chức, cá nhân.

- Đối với nội dung hỗ trợ lãi suất: chỉ thực hiện hỗ trợ sau khi dự án được cơ quan có thẩm quyền (Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các Sở, ngành liên quan) nghiệm thu.

- Đối với hỗ trợ mặt bằng sạch: Thực hiện theo quy định hiện hành của Trung ương và của tỉnh Hà Giang.

k) Đối mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa theo quy định tại điểm đ, khoản 2, điều 2 nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND.

- Chỉ hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân đã được hưởng chính sách hỗ trợ trực tiếp để dồn điền, đổi thửa (Đối với cá nhân chỉ hỗ trợ cho 01 hộ đại diện để thực hiện cơ giới hóa đối với diện tích đã dồn điền, đổi thửa).

- Máy móc, thiết bị mới được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu theo danh mục của nhà nước và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định hiện hành và có hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính; được sản xuất từ năm 2015.

- Được phòng Kinh tế hạ tầng huyện chủ trì phối hợp với các phòng liên quan, UBND cấp xã nghiệm thu.

2. Hồ sơ, trình tự thực hiện

a) Đối với các chính sách hỗ trợ lãi suất để: thâm canh vườn chè; thâm canh vườn cam; chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn; gia cầm; nuôi ong; xây dựng chuồng nuôi; cơ sở bảo quản cam; vay vốn mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp dồn điền đổi thửa.

- Cá nhân, tổ chức có nhu cầu vay vốn làm đơn đăng ký gửi UBND cấp xã về nhu cầu vay vốn và hỗ trợ lãi suất (cá nhân theo mẫu 01; tổ chức theo mẫu 02).

- UBND cấp xã tiếp nhận đơn của các tổ chức, cá nhân xin vay vốn; rà soát đối tượng theo đúng quy định tại Nghị quyết số 29/2018/NQ-HĐND; quy định của UBND tỉnh, lập danh sách kèm theo đơn của tổ chức, cá nhân gửi Phòng Nông nghiệp và PTNT/Phòng Kinh tế (gọi chung là Phòng Nông nghiệp) để xem xét thẩm định.

- Phòng Nông nghiệp tổng hợp nhu cầu vay vốn của tổ chức, cá nhân, sau đó phối hợp với Ngân hàng thương mại, các đơn vị có liên quan hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lập phương án hoặc dự án sản xuất, kinh doanh; xây dựng kế hoạch thẩm định và thông báo cho các ngân hàng thương mại, Ủy ban nhân dân xã cùng phối hợp tổ chức thẩm định.

- Ngân hàng thương mại có trách nhiệm phối hợp với Phòng Nông nghiệp, các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thẩm định (thành phần tổ thẩm định do Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định); thông báo kết quả cho tổ chức, cá nhân đủ điều kiện vay vốn. Quy trình, hồ sơ, thủ tục vay vốn thực hiện theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và quy định nội bộ của các ngân hàng thương mại.

- Việc giải ngân vốn vay cho các tổ chức, cá nhân: do ngân hàng thương mại hướng dẫn theo quy định hiện hành của ngành ngân hàng.

- Hàng quý Ngân hàng thương mại tổng hợp danh sách, nội dung liên quan, gửi kèm bản sao Hợp đồng vay vốn ngân hàng của các tổ chức, cá nhân (chỉ gửi lần đầu trong cả thời gian vay) gửi Phòng Nông nghiệp. Phòng Nông nghiệp tiếp nhận, chủ trì phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định và trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định hỗ trợ lãi suất.

b) Đối với chính sách hỗ trợ lãi suất cho tổ chức, cá nhân vay vốn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chè; nhà máy chế biến thực phẩm từ sản phẩm gia súc, gia cầm; đầu tư dự án ứng dụng công nghệ cao

- Hồ sơ gồm đơn đề nghị (đối với cá nhân theo mẫu số 01; tổ chức theo mẫu số 02); Hồ sơ liên quan theo điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ tại Điều 4; hợp đồng vay vốn và đã rút vốn vay tại Ngân hàng thương mại

- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

- Trình tự thực hiện: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở, Ngành có liên quan thẩm định và trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định hỗ trợ lãi suất.

Điều 5. Điều kiện, hồ sơ, trình tự thực hiện hỗ trợ trực tiếp

1. Hỗ trợ đăng ký thương hiệu sản phẩm theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 2 nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND.

a) Điều kiện:

- Tổ chức, cá nhân có sản phẩm hàng hóa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận thương hiệu sản phẩm lần đầu.

- Sản phẩm hàng hóa được sản xuất trên địa bàn tỉnh Hà Giang, trên bao bì có ghi rõ xuất xứ tại Hà Giang.

- Sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn từ hạng 3 sao cấp huyện hoặc cấp tỉnh trở lên.

b) Hồ sơ, trình tự thực hiện:

- Hồ sơ: 01 bộ hồ sơ gồm đơn đề nghị hỗ trợ (đối với cá nhân theo mẫu số 01; đối với tổ chức theo mẫu số 02); hợp đồng, thanh lý hợp đồng và hóa đơn giá trị gia tăng thanh toán chi phí xây dựng thương hiệu (bản sao); bản sao văn bằng bảo hộ đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp (bản sao); quyết định xếp loại sản phẩm của cấp tỉnh, huyện (bản sao); giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức (bản sao).

- Trình tự thực hiện: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Sở Khoa học và công nghệ thẩm định, phối hợp với Sở Tài chính trình Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định hỗ trợ. Trường hợp không đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ, Sở Khoa học và Công nghệ có văn bản trả lời cho tổ chức, cá nhân biết.

2. Hỗ trợ chế biến thức ăn chăn nuôi điểm b, khoản 2, điều 2 nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND.

a) Điều kiện:

- Dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

- Công suất cơ sở chế biến tối thiểu 4.000 tấn sản phẩm/năm.

- Cam kết thời gian hoạt động của cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi tối thiểu 60 tháng. Nếu thời gian hoạt động sản xuất của cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi dưới 60 tháng, thì tổ chức, cá nhân chủ đầu tư phải hoàn trả 50% số kinh phí đã được hỗ trợ cho ngân sách nhà nước.

- Cơ sở chế biến phải đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.

- Hỗ trợ 60% kinh phí được ngân sách nhà nước hỗ trợ sau khi cơ sở chế biến được cơ quan có thẩm quyền (Sở Công thương chủ trì) nghiệm thu các hạng mục theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hỗ trợ 40% kinh phí còn lại sau khi cơ sở chế biến đi vào hoạt động được 36 tháng theo báo cáo tài chính đã được Kiểm toán hoặc quyết toán thuế của cơ quan thuế của 2 năm trước liền kề.

b) Hồ sơ, trình tự thực hiện

- Hồ sơ: 01 bộ hồ sơ gồm đơn đề nghị hỗ trợ (đối với cá nhân theo mẫu số 01; đối với tổ chức theo mẫu số 02); hồ sơ liên quan theo điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ tại điểm a, khoản 2, Điều 5; biên bản nghiệm thu công suất đối với nhà máy đã hoàn thành đi vào hoạt động do Sở Công thương chủ trì.

- Trình tự thực hiện: Tổ chức cá nhân gửi hồ sơ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư (Trung tâm hành chính công tỉnh Hà Giang) tiếp nhận, lấy ý kiến tham gia của các sở, ngành có liên quan thẩm định trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định hỗ trợ đầu tư; Sở Tài chính có trách nhiệm thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ.

3. Đối với hỗ trợ tiền công cho dẫn tinh viên theo quy định tại điểm c, khoản 2, điều 2 nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND.

a) Điều kiện: Dẫn tinh viên yêu cầu phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp chăn nuôi, thú y hoặc đã được tập huấn, đào tạo về dẫn tinh viên do cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ đã qua đào tạo, bồi dưỡng.

b) Hồ sơ, trình tự thực hiện

- Hồ sơ: 01 bộ hồ sơ gồm đơn đề nghị hỗ trợ tiền công cho dẫn tinh viên theo mẫu quy định tại mẫu số 01; danh sách có xác nhận của từng hộ gia đình có đại gia súc được thụ tinh nhân tạo thành công và Trưởng thôn, Trưởng ban thú y và UBND cấp xã.

- Trình tự thực hiện: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Trạm Chăn nuôi và Thú y tiếp nhận, thẩm định gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch trình UBND cấp huyện xem xét quyết định hỗ trợ.

4. Đối với hỗ trợ khuyến khích phát triển lâm nghiệp theo quy định tại điểm d, khoản 2, điều 2 nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND.

a) Điều kiện

- Hỗ trợ chuyển đổi vườn tạp sang trồng rừng kinh tế: Phải được Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh giao kế hoạch thực hiện chỉ tiêu chuyển đổi vườn tạp (giao trước 30/10 năm trước); giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải thuộc diện tích đang sử dụng của tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ; có biên bản xác minh vườn tạp theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hỗ trợ sau khi có kết quả nghiệm thu chuyển đổi từ vườn tạp sang trồng rừng của cơ quan chuyên môn cấp huyện, UBND cấp xã và thôn theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trường hợp trồng rừng bằng cây giống tốt được hỗ trợ thêm như đối với htrợ trồng rừng bằng cây giống tốt).

- Hỗ trợ trồng rừng bằng cây giống tốt: Được Ủy ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu thực hiện trồng rừng bằng cây giống tốt hàng năm (giao trước 30/10 năm trước); đã được cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất để trồng rừng kinh tế. Trong trường hợp đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, không có tranh chấp, nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải được cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân xã xác minh, thẩm định đất trồng rừng; sử dụng giống cây lâm nghiệp tốt để trồng rừng theo đúng tiêu chuẩn về giống tốt gồm cây Keo và cây gỗ lớn, cây giống phải có nguồn gốc xuất xứ được mua tại các cơ sở có đủ điều kiện sản xuất kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh; thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất. Không thuộc đối tượng được hỗ trợ đầu tư từ các nguồn vốn ngân sách Nhà nước khác; hỗ trợ sau khi có kết quả nghiệm thu của cơ quan chuyên môn cấp huyện theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Hồ sơ, trình tự thực hiện

- Hỗ trợ trực tiếp chuyển đổi vườn tạp

+ Hồ sơ: 01 bộ hồ sơ gồm đơn đề nghị; bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải thuộc diện tích đang sử dụng của tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ.

+ Trình tự thực hiện: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến UBND xã tổng hợp gửi Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định và trình UBND cấp huyện quyết định hỗ trợ.

- Hỗ trợ trồng rừng kinh tế bằng giống tốt

+ Hồ sơ: 01 bộ hồ sơ gồm đơn đề nghị; hóa đơn mua cây giống và giấy chứng nhận nguồn gốc của lô cây giống theo quy định hiện hành.

+ Trình tự thực hiện: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến UBND xã tổng hợp gửi Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định và trình UBND cấp huyện quyết định hỗ trợ một lần.

5. Đối với dồn điền đổi thửa theo quy định tại điểm đ, khoản 2, điều 2 nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND.

a) Điều kiện:

- Có trong kế hoạch dồn điền đổi thửa được UBND cấp huyện phê duyệt.

- Có hợp đồng liên kết với tổ chức có tư cách pháp nhân để sản xuất hàng hóa; thời gian hợp đồng 24 tháng trở lên.

b) Hồ sơ, trình tự thực hiện

- Hồ sơ: 01 bộ hồ sơ gồm đơn đề nghị; hợp đồng liên kết giữa tổ chức có tư cách pháp nhân với với các hộ gia đình để sản xuất hàng hóa; hợp đồng ký kết có thời gian từ 24 tháng trở lên; biên bản nghiệm thu kết quả dồn điền, đổi thửa của UBND cấp xã kèm theo Danh sách thống kê diện tích trước, sau dồn điền của từng cá nhân có xác nhận của UBND cấp xã.

- Trình tự thực hiện: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với phòng Tài nguyên và MT, Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định, trình UBND cấp huyện quyết định hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân đủ điều kiện.

6. Hỗ trợ xử lý rủi ro theo quy định tại khoản 3, điều 2 nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND.

a) Điều kiện: Các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng hưởng chính sách này khi xẩy ra rủi ro do thiên tai, dịch bệnh được hỗ trợ trực tiếp theo các quy định sau:

- Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

- Quyết định số 806/QĐ-UBND ngày 20 tháng 05 năm 2017 của UBND tỉnh Hà Giang về ban hành định mức hỗ trợ nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

- Được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và xử lý rủi ro theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 116/2018/NĐ-CP, ngày 07 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP.

b) Hồ sơ, trình tự thực hiện

- Trình tự, thủ tục hỗ trợ, định mức hỗ trợ được thực hiện theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ và Quyết định số 806/QĐ-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành định mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

- Trình tự, thủ tục cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ thực hiện theo hướng dẫn của các ngân hàng thương mại giải ngân cho tổ chức, cá nhân vay vốn.

- Các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được vay vốn để khôi phục lại sản xuất. Trình tự, hồ sơ, thủ tục được thực hiện theo quyết định này.

Điều 6. Điều kiện, trình tự thực hiện hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại điều 3, nghị quyết số 29/2018/NQ-HĐND tỉnh

Thực hiện theo Điều 4, Điều 8 và Điều 17 quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ và Thông tư số 04/2018/TT-BKHĐT ngày 06/12/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Chương III

NGUỒN VỐN, LẬP DỰ TOÁN VÀ PHƯƠNG THỨC CẤP PHÁT, THANH TOÁN, QUYẾT TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH

Điều 7. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách

1. Bố trí từ nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các chính sách hỗ trợ sau:

a) Hỗ trợ chế biến thức ăn chăn nuôi quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 2 Nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND.

c) Hỗ trợ trồng rừng kinh tế bằng giống tốt quy định tại tiết 2, điểm d, Khoản 2, Điều 2, Nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND.

2. Bố trí từ nguồn sự nghiệp kinh tế để hỗ trợ cho các nội dung còn lại của Nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND.

Điều 8. Lập dự toán kinh phí thực hiện chính sách

1. Căn cứ kết quả thực hiện năm trước, ước thực hiện năm hiện hành, UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các ngân hàng thương mại lập dự toán kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất.

2. Căn cứ dự toán kinh phí do các huyện, thành phố lập, Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm tổng hợp dự toán gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính tổng hợp trình Chủ tịch UBND tỉnh cân đối bố trí nguồn kinh phí thực hiện chính sách.

Điều 9. Phương thức cấp phát, thanh toán

1. Cấp phát, thanh toán đối với các chính sách hỗ trợ lãi suất do cơ quan cấp huyện thẩm định (tại Điểm a, Khoản 2 Điều 4):

a) Trước ngày 15 của tháng cuối quý, căn cứ các hợp đồng vay vốn theo chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 29/2018/NQ-HĐND; các ngân hàng thương mại có trách nhiệm lập bảng kê chi tiết lãi tiền vay của các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ lãi suất gửi Phòng Nông nghiệp và PTNT, lãi tiền vay được tính đến hết thời điểm ngày cuối quý.

Định kỳ vào ngày mùng 05 của quý tiếp theo, Ngân hàng thương mại có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện và bảng kê chi tiết lãi tiền vay phát sinh thực tế trong quý trước của các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 29/2018/NQ-HĐND cho Phòng Nông nghiệp và PTNT và Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, làm cơ sở để tính bù trừ phần chênh lệch lãi tiền vay do tăng giảm đối tượng vay (của tháng cuối quý) trong quý tiếp theo.

b) Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định đối tượng, nội dung hỗ trợ và số tiền vay vốn theo Hợp đồng ký kết giữa Ngân hàng thương mại với các tổ chức, cá nhân được vay vốn, trình UBND cấp huyện tạm cấp kinh phí hỗ trợ lãi suất trước ngày 25 của tháng cuối quý.

c) Căn cứ Quyết định tạm cấp kinh phí của UBND huyện, Phòng Tài chính - KH chuyển trả trực tiếp kinh phí hỗ trợ lãi suất cho Ngân hàng thương mại bằng hình thức Lệnh chi tiền đối với hỗ trợ lãi suất cho các cá nhân. Đối với hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, chuyển trực tiếp cho các tổ chức bằng hình thức Lệnh chi tiền vào tài khoản của tổ chức mở tại ngân hàng thương mại nơi cho vay. Thời gian chuyển trả kinh phí hỗ trợ lãi suất trước ngày cuối quý.

Huyện nào thực hiện chuyển trả kinh phí hỗ trợ lãi suất không đúng quy định để phát sinh lãi trả chậm, thì huyện đó phải tự cân đối ngân sách để thanh toán lãi chậm trả theo mức lãi suất quy định của ngân hàng thương mại.

d) Hàng quý, Phòng Tài chính - Kế hoạch tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất báo cáo UBND cấp huyện trình tỉnh (qua Sở Tài chính) cấp kinh phí trước ngày 15 của tháng đầu quý sau.

đ) Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ trình Chủ tịch UBND tỉnh bổ sung kinh phí cho các huyện, thành phố.

e) Căn cứ Quyết định cấp bổ sung kinh phí của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Tài chính thông báo bổ sung có mục tiêu kinh phí về huyện, thành phố.

g) Căn cứ nguồn kinh phí do ngân sách tỉnh cấp bổ sung, các huyện, thành phố thực hiện hoàn trả nguồn kinh phí đã tạm cấp cho ngân sách huyện.

2. Cấp phát, thanh toán đối với các chính sách hỗ trợ lãi suất do cơ quan cấp tỉnh thẩm định (tại Điểm b, Khoản 2 Điều 4):

a) Căn cứ quyết định hỗ trợ lãi suất của Chủ tịch UBND tỉnh, căn cứ hợp đồng vay vốn, vào ngày đầu tiên của tháng đầu quý sau Ngân hàng thương mại có trách nhiệm lập bảng kê chi tiết tiền vay của tổ chức, cá nhân được hỗ trợ lãi suất gửi Sở Tài chính, lãi tiền vay được tính đến hết thời điểm ngày cuối quý.

b) Sở Tài chính trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí và chuyển trả trực tiếp cho cho tổ chức, cá nhân được hỗ trợ bằng hình thức Lệnh chi tiền vào tài khoản của tổ chức, cá nhân mở tại ngân hàng thương mại nơi cho vay sau 10 ngày kể từ ngày nhận được bảng kê của Ngân hàng thương mại.

3. Cấp phát, thanh toán đối với các chính sách hỗ trợ trực tiếp (Điều 5)

a) Đối với chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư:

- Cơ quan chủ trì phối hợp với đơn vị liên quan thẩm định hồ sơ của các tổ chức, cá nhân:

+ Trường hợp đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ: trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định hỗ trợ.

+ Trường hợp không đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ: có văn bản trả lời cho tổ chức, cá nhân biết.

- Căn cứ Quyết định hỗ trợ của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Tài chính cấp kinh phí cho tổ chức, cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ băng hình thức Lệnh chi tiền.

b) Đối với chính sách hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp

- Cấp tỉnh thực hiện (Chính sách hỗ trợ đăng ký thương hiệu sản phẩm):

+ Sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ để hỗ trợ.

+ Căn cứ quyết định hỗ trợ của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm quản lý và chi trả kinh phí hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân.

- Cấp huyện thực hiện:

+ Chính sách hỗ trợ phát triển giống đại gia súc:

Căn cứ Quyết định hỗ trợ của UBND cấp huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch trình UBND cấp huyện tạm cấp kinh phí để hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân.

Phòng Tài chính - Kế hoạch chuyển kinh phí hỗ trợ tiền công cho dẫn tinh viên về Trạm Chăn nuôi và Thú y.

Trạm Chăn nuôi và Thú y căn cứ hồ sơ được duyệt để chi trả tiền công cho dẫn tinh viên.

+ Chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển lâm nghiệp, dồn điền, đổi thừa:

Căn cứ quyết định hỗ trợ của UBND cấp huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch trình UBND huyện tạm cấp kinh phí để hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân.

Căn cứ Quyết định tạm cấp kinh phí của UBND huyện cấp huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch chuyển kinh phí hỗ trợ cho Phòng Nông nghiệp và PTNT.

Phòng Nông nghiệp và PTNT căn cứ hồ sơ được duyệt để chi trả tiền cho các tổ chức, cá nhân.

+ Sau khi hoàn thành việc chi trả chính sách hỗ trợ cho các đối tượng, phòng Tài chính - Kế hoạch tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách báo cáo UBND huyện trình UBND tỉnh (qua Sở Tài chính) cấp kinh phí.

+ Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ trình Chủ tịch UBND tỉnh bổ sung kinh phí cho các huyện, thành phố.

+ Căn cứ Quyết định cấp bổ sung kinh phí của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Tài chính thông báo bổ sung có mục tiêu kinh phí về huyện, thành phố.

+ Căn cứ nguồn kinh phí do ngân sách tỉnh cấp bổ sung, các huyện, thành phố thực hiện hoàn trả nguồn đã tạm cấp cho ngân sách huyện.

Điều 10. Quyết toán kinh phí

Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND được quyết toán theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước và chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Điều khoản chuyển tiếp

Các tổ chức, cá nhân đã gửi hồ sơ thẩm định đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước thời điểm ngày 31/12/2018 thì tiếp tục thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2017 của UBND tỉnh.

Điều 12. Trách nhiệm của các cơ quan

1. Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân trên địa bàn hiểu biết về chính sách và triển khai thực hiện tốt chính sách.

b) Tiếp nhận đơn đề nghị vay vốn và hỗ trợ lãi suất của các tổ chức, cá nhân; rà soát sơ bộ, sàng lọc đối tượng vay vốn theo các tiêu chí, điều kiện hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ trực tiếp theo quy định; kịp thời gửi đến các đơn vị liên quan đề nghị hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân theo quy định.

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin xác nhận vào hồ sơ đề nghị hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân theo quy định.

d) Kiểm tra việc thực hiện chính sách tại địa bàn mình quản lý, kịp thời phát hiện và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý đối với các đối tượng lợi dụng chính sách để sử dụng vốn vay, kinh phí hỗ trợ trực tiếp không đúng mục đích.

đ) Phối hợp với ngân hàng thương mại, phòng Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan có liên quan thẩm định hồ sơ, điều kiện vay vốn, giải ngân vốn vay, kiểm tra sử dụng vốn vay, đôn đốc, thu hồi công nợ khi đến hạn. Tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ các ngân hàng thương mại trong việc xử lý các khoản nợ xấu và các vấn đề phát sinh trong quá trình cho vay.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Chỉ đạo các ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, phổ biến chính sách đến các tổ chức, cá nhân biết để tiếp cận với chính sách của Nghị quyết.

b) Hàng năm chỉ đạo rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh để tham mưu giao kế hoạch cho các huyện, thành phố và chuẩn bị nguồn kinh phí hỗ trợ.

c) Thành lập tổ thẩm định do Phòng Nông nghiệp làm Tổ trưởng, thành phần tham gia là các ngân hàng cho vay và một số thành viên là các phòng, ban khác do huyện quyết định. Tổ thẩm định có trách nhiệm thẩm định điều kiện vay vốn và điều kiện hỗ trợ lãi suất theo quy định để công tác thẩm định được thực hiện thống nhất chung toàn tỉnh.

d) Phối hợp với các Ngân hàng thương mại trên địa bàn huyện, thành phố kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay của các tổ chức, cá nhân đúng mục đích, phát huy hiệu quả.

đ) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cập nhật đầy đủ diện tích rừng trồng vào bản đồ theo dõi diễn biến rừng hàng năm. Giao Ban quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng làm đầu mối liên hệ với các chủ vườn ươm được phép sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn để đặt hàng cung ứng giống tốt cho các hộ dân trồng rừng theo chính sách. Tạm cấp kinh phí từ ngân sách huyện để chi trả cho các đối tượng khi đủ điều kiện quy định tại Quyết định này.

e) Định kỳ hàng tháng, UBND cấp huyện, thành phố tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.

f) Các huyện căn cứ vào khả năng ngân sách, hàng năm cân đối bố trí kinh phí hỗ trợ cho tổ thẩm định do huyện quyết định thành lập.

g) Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân vay vốn theo chính sách mua bảo hiểm cho người vay vốn để phòng tránh rủi ro.

3. Trách nhiệm của các Ngân hàng thương mại

a) Các ngân hàng thương mại áp dụng cơ chế cho vay và lãi suất cho vay đối với các nhu cầu vay vốn thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất phù hợp với quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ; Quy chế cho vay hiện hành của Ngân hàng Nhà nước (hoặc các văn bản bổ sung, sửa đổi) và các văn bản pháp luật có liên quan.

b) Căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất để ghi trong hợp đồng tín dụng các nội dung về hỗ trợ lãi suất theo quy định. Hướng dẫn khách hàng vay, bảo đảm việc cho vay được thuận tiện, an toàn và đúng đối tượng. Nghiêm cấm việc cho vay mới để trả nợ cũ.

c) Trường hợp ngân hàng kiểm tra phát hiện khách hàng sử dụng vốn sai mục đích hoặc ngân hàng nhận được thông báo của UBND xã về kết quả kiểm tra phát hiện khách hàng sử dụng vốn sai mục đích thì tiến hành thu hồi vốn vay trước hạn (thu hồi toàn bộ hoặc một phần vốn vay tương ứng với số tiền sử dụng sai mục đích) và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.

d) Định kỳ hàng quý tổng hợp danh sách các tổ chức, cá nhân đã được vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 29/2018/NQ-HĐND gửi Phòng Nông nghiệp và PTNT, đồng gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch làm cơ sở để ngân sách thanh toán tiền hỗ trợ lãi suất.

đ) Tổ chức việc theo dõi, thống kê kịp thời, chính xác các khoản cho vay được hỗ trợ lãi suất để phục vụ cho việc báo cáo các cấp, ngân hàng cấp trên và việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền.

e) Lưu hồ sơ các khoản cho vay được hỗ trợ lãi suất theo quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các hồ sơ, tài liệu về cho vay hỗ trợ lãi suất theo quy định.

4. Các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh

a) Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (cơ quan thường trực tham mưu thực hiện chính sách)

- Hàng năm hướng dẫn UBND cấp huyện lập kế hoạch các nội dung hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ đầu tư theo các nội dung chính sách hỗ trợ của Nghị quyết; trong đó có trích yếu cụ thể các quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã được nêu tại Quy định này (thời gian hoàn thành theo thời gian có hiệu lực của Quyết định).

- Phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh giao kế hoạch, cân đối kinh phí cấp cho các huyện, thành phố.

- Chủ trì cùng các sở, ngành liên quan thực hiện kiểm tra việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tại các huyện, thành phố theo quy định của pháp luật.

- Hướng dẫn về quy trình kỹ thuật, các hướng dẫn về chuyên ngành, mẫu biểu để thực hiện chính sách.

- Định kỳ hàng tháng tổng hợp kết quả thực hiện chính sách báo cáo UBND tỉnh; đồng thời chủ trì tham mưu cho tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì tiếp nhận hồ sơ của các tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ trực tiếp; phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh bố trí kế hoạch vốn đầu tư để thực hiện các chính sách hỗ trợ.

c) Sở Tài chính

- Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh cân đối bố trí kinh phí sự nghiệp thực hiện các chính sách hỗ trợ.

- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân và cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí; phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ..

d) Sở Khoa học và Công nghệ

Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh thẩm định các hồ sơ, thủ tục của các tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, các dự án ứng dụng công nghệ cao và phối hợp với các ngành có liên quan đề xuất nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách.

e) Sở Tài nguyên và Môi trường

Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh hướng dẫn, thẩm định các hồ sơ, thủ tục của các tổ chức, cá nhân đề nghị giao đất, cho thuê đất và phối hợp với các ngành có liên quan đề xuất nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách.

f) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Giang

- Chỉ đạo các các Ngân hàng thương mại có chi nhánh trên địa bàn tỉnh Hà Giang thực hiện cho vay theo quy định của pháp luật và quy định tại Nghị quyết số 29/2018/NQ-HĐND thực hiện chế độ báo cáo theo đúng quy định.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ lãi suất khi có yêu cầu.

g) Các cơ quan có liên quan (Sở Công Thương và các tổ chức chính trị xã hội) căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp triển khai thực hiện nghị quyết có hiệu quả.

5. Đối với các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ lãi suất tiền vay, hỗ trợ trực tiếp

a) Cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin, tài liệu để chứng minh mục đích vay vốn được hỗ trợ lãi suất; hỗ trợ trực tiếp và chịu trách nhiệm trước pháp luật và tính chính xác của các thông tin, tài liệu đã cung cấp.

b) Sử dụng vốn vay, kinh phí hỗ trợ trực tiếp đúng mục đích. Nếu sử dụng vốn vay, kinh phí hỗ trợ trực tiếp không đúng mục đích, đúng đối tượng sẽ bị thu hồi và xử lý theo quy định của pháp luật.

c) Thực hiện các quy định của ngân hàng thương mại cho vay về thủ tục vay vốn, điều kiện vay vốn, thủ tục hỗ trợ lãi suất và chế độ báo cáo theo quy định.

d) Chịu sự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Pháp luật.

Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc đề nghị các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.

 

Mu số 01: ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ ĐỐI VỚI CÁ NHÂN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2019/QĐ-UBND ngày 26 tháng 02 năm 2019 của UBND tỉnh Hà Giang)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ

nh gửi: UBND huyện …………………………………………………

Tôi là: ……………………………………………………. Nam/Nữ: ……………………………

Sinh ngày: ………/……. /………….. Dân tộc ………………………………………………….

Chứng minh nhân dân số: …………………….. Cấp ngày: …… /..../ …….. Nơi cấp: …….

Chỗ ở hiện tại: …………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………………………

Điện thoại (nếu có): ……………….. Di động (nếu có): ……………………………………….

Căn cứ Nghị quyết số 29/2018/NQ-HĐND, ngày 07 tháng 12 năm 2018 của Hội Đồng Nhân dân về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Căn cứ Quyết định số:         /QĐ-UBND, ngày….. tháng...năm 2019 của UBND tỉnh Hà Giang quy định chi tiết thực hiện Nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND.

Nay tôi làm đơn đề nghị được hỗ trợ nội dung sau: (Ghi nội dung đề nghị htrợ)

1. Đối với hỗ trợ lãi suất:

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

2. Đối với hỗ trợ trực tiếp:

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

Tôi xin cam kết nếu được hỗ trợ, tôi sẽ thực hiện đúng các quy định đối với người được hưởng hỗ trợ. Nếu làm sai, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

 

XÁC NHẬN CỦA UBND CẤP XÃ

…………., ngày ... tháng ... năm …....
Người làm đơn
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

Mẫu số 02: ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ ĐỐI VỚI TỔ CHỨC

(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2019/QĐ-UBND ngày 26 tháng 02 năm 2019 của UBND tỉnh Hà Giang)

TÊN TỔ CHỨC
Số: ……….

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

BẢN ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ

Kính gửi: UBND ………………………………………………………….

Tên tổ chức: ………………………………………………………………………………………

Loại hình tổ chức …………………………………………………………………………………

Ngành nghề kinh doanh: …………………………………………………………………………

Trụ sở chính: ………………………………………………………………………………………

Điện thoại (nếu có): …………………. Di động (nếu có): ………………………………………

Fax: …………………………………………………………………………………………………

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động/Giấy phép kinh doanh/Giấy chứng nhận đầu tư: số: ……………………………………….

Do: ……………………………………………….. Ngày …… tháng …….. năm ………………

Căn cứ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Nghị quyết số: 29/2018/NQ-HĐND, ngày 07 tháng 12 năm 2018 của Hội Đồng Nhân dân về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Căn cứ quy định theo quyết định số:     /QĐ - UBND, Ngày...tháng...năm 2019, của UBND tỉnh Hà Giang; V/v Quy định chi tiết thực hiện Nghị Quyết 29/2018/NQ-HĐND.

I. Thông tin chung

1. Tên dự án: ………………………………………………………………………………………

2. Lĩnh vực hoạt động, đầu tư; …………………………………………………………………..

3. Địa điểm thực hiện: …………………………………………………………………………….

4. Mục tiêu và quy mô …………………………………………………………………………….

5. Tổng vốn đầu tư: ……………………………………………………………………………….

6. Diện tích đất dự kiến sử dụng: ………………………………………………………………..

7. Số lao động dự kiến sử dụng trong năm; ……………………………………………………

8. Tiến độ dự kiến: …………………………………………………………………………………

9. Vùng nguyên liệu dự kiến: ………………………………………… tấn/năm ……………….

10. Thời gian hoạt động của nhà máy/cơ sở (nếu có) …………………………………………

11. Công suất dự kiến: …………………………………………………………………………….

Tổ chức: (tên tổ chức): …………………………………………………………………………….

II. Nội dung đề nghị được hưởng chính sách hỗ trợ

TT

NỘI DUNG

SỐ TIỀN

THỜI GIAN HỖ TRỢ

GHI CHÚ

1

 

 

 

 

2

 

 

 

 

...

 

 

 

 

III. Cam kết

1. Về tính chính xác của những thông tin trên;

2. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật Việt Nam.

 

XÁC NHẬN CỦA UBND CẤP XÃ

……………., ngày ... tháng ... năm …....
Chức danh người đại diện
(Ký, ghi rõ họ tên)

Hồ sơ kèm theo:

THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 07/03/2019

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Quyết định 05/2019/QĐ-UBND hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Số hiệu 05/2019/QĐ-UBND Ngày ban hành 26/02/2019
Ngày có hiệu lực 07/03/2019 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Tỉnh Hà Giang Tình trạng Đang có hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Quyết định 05/2019/QĐ-UBND hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang
Mục lục

Mục lục

Close