THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1436/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BẢO ĐẢM CƠ SỞ VẬT CHẤT CHO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC MẦM NON VÀ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG GIAI ĐOẠN 2017 - 2025

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09 tháng 6 tháng 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 (sau đây gọi là Đề án) với những nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU

Bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa, cụ thể:

1. Giai đoạn 2017 - 2020:

a) Đối với giáo dục mầm non

- Kiên cố hóa trường, lớp học: Đầu tư xây dựng 4.300 phòng học thay thế các phòng học tạm thời (bao gồm: phòng học tranh tre, nứa lá, phòng học xây dựng tạm bằng các loại vật liệu khác); phòng học bán kiên cố đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống cấp, cần xây dựng lại; phòng học nhờ, mượn, thuê tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

- Xây dựng bổ sung: 4.360 phòng học; 3.070 phòng giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật; 1.220 nhà bếp và nhà kho;

- Mua sắm bổ sung: 16.290 bộ thiết bị dạy học tối thiểu và 1.020 bộ thiết bị đồ chơi ngoài trời theo chương trình.

b) Đối với giáo dục tiểu học

- Kiên cố hóa trường, lớp học: Đầu tư xây dựng 5.900 phòng học tiểu học thay thế các phòng học tạm thời (bao gồm: phòng học tranh tre, nứa lá, đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống cấp, cần xây dựng lại; phòng học nhờ, mượn, thuê tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

- Xây dựng bổ sung: 6.000 phòng học; 7.770 phòng chức năng (giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ, thiết bị giáo dục, hỗ trợ giáo dục khuyết tật học hòa nhập); 3.420 phòng thư viện;

- Mua sắm bổ sung: 39.070 bộ thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 1 và lớp 2; 258.620 bộ bàn ghế hai chỗ ngồi; 13.910 bộ máy tính; 1.980 bộ thiết bị phòng học ngoại ngữ.

c) Đối với giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông

- Xây dựng bổ sung: 5.670 phòng học bộ môn, 1.450 phòng chuẩn bị và 790 phòng thư viện cấp trung học cơ sở; 1.560 phòng học bộ môn, 340 phòng chuẩn bị và 530 phòng thư viện cấp trung học phổ thông;

- Mua sắm bổ sung: 670 bộ thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 6; 4.190 bộ thiết bị phòng học bộ môn; 182.110 bộ bàn ghế hai chỗ ngồi; 8.220 bộ máy tính; 5.900 bộ thiết bị phòng học ngoại ngữ.

2. Giai đoạn 2021 - 2025:

- Kiên cố hóa trường, lớp học: Tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học, đầu tư xây dựng số phòng học còn lại thay thế các phòng học tạm thời (bao gồm: phòng học tranh tre, nứa lá, phòng học xây dựng tạm bằng các loại vật liệu khác); phòng học bán kiên cố đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống cấp, cần xây dựng lại; phòng học nhờ, mượn, thuê;

- Phấn đấu xây dựng bổ sung đủ số phòng học đạt chuẩn 1 lớp/1 phòng cấp mầm non và tiểu học; đủ số phòng phục vụ học tập, phòng bộ môn và thư viện;

- Mua sắm bổ sung đủ thiết bị dạy học tối thiểu cho giáo dục mầm non và phổ thông; trong đó, ưu tiên cho lớp 3, lớp 4, lớp 5, lớp 7, lớp 8, lớp 9, lớp 10, lớp 11 và lớp 12 theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa;

Đến thời điểm chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 của Đề án, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn các địa phương rà soát, thống kê, xác định nhu cầu đầu tư; báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đầu tư và cơ chế huy động vốn bảo đảm khả thi, phù hợp với các mục tiêu nêu trên.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Quản lý hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị trường học

- Rà soát, thống kê, xác định nhu cầu đầu tư, mua sắm thiết bị của từng địa phương;

- Tổng hợp và xác định số lượng phòng học cần kiên cố hóa, danh mục công trình cần được đầu tư xây dựng, mua sắm thiết bị theo từng giai đoạn.

2. Thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường, lớp học

- Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và quy mô phát triển giáo dục của địa phương;

- Bảo đảm quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường, lớp học.

3. Hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về cơ sở vật chất trường học

- Nghiên cứu, bổ sung, ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, quy phạm xây dựng và thiết kế mẫu từng loại trường học, lớp học; hướng dẫn thiết kế xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục mầm non, phổ thông;

- Nghiên cứu, bổ sung danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho từng cấp học theo chương trình đổi mới, thiết bị dạy tin học, ngoại ngữ và phòng học bộ môn, hướng dẫn đầu tư mua sắm trang thiết bị theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa, gắn với định hướng phân luồng và định hướng nghề nghiệp ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

4. Tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho trường học

- Lồng ghép hỗ trợ thực hiện Đề án thông qua chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu của ngành giáo dục và các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương bảo đảm đủ nguồn vốn đáp ứng việc thực hiện các mục tiêu của Đề án;

- Tổng hợp cân đối các nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương thực hiện Đề án. Trong đó, ưu tiên đầu tư cho cấp mầm non, tiểu học và bảo đảm thiết bị tối thiểu theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa; ưu tiên các tỉnh, các vùng kinh tế phát triển chậm, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, các tỉnh thuộc các vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số;

- Huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn vốn của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ, góp vốn xây dựng, hiến đất, cho vay vốn đầu tư;

- Đổi mới cơ chế, chính sách phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập góp phần giải quyết các nhu cầu về đầu tư cơ sở vật chất các trường học.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện Đề án gồm có:

- Ngân sách nhà nước: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, trái phiếu Chính phủ, các chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.

2. Cơ cấu nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2017 - 2020:

- Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 để thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học chiếm 20,9% tổng nhu cầu vốn của giai đoạn;

- Nguồn vốn hỗ trợ thực hiện thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 để hỗ trợ xây dựng bổ sung phòng học và khối phòng phục vụ học tập chiếm 22,8% tổng nhu cầu vốn của giai đoạn;

- Nguồn vốn ngân sách trung ương cho sự nghiệp giáo dục (chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục đào tạo) để hỗ trợ mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học được ưu tiên cân đối, bố trí từng năm, phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước và không vượt quá 8,9% tổng nhu cầu vốn của giai đoạn;

- Nguồn vốn ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác chiếm 47,6% tổng nhu cầu vốn của giai đoạn.

3. Nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025:

Căn cứ quy mô cần đầu tư xây dựng theo mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương rà soát, cân đối, lựa chọn các mục tiêu ưu tiên đầu tư theo lộ trình đổi mới giáo dục mầm non và chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Đề án; hướng dẫn chi tiết cơ cấu các nguồn vốn để triển khai thực hiện Đề án đến từng cấp học; tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện Đề án, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện;

- Chủ trì thực hiện nhiệm vụ nêu tại khoản 1 mục II Điều này; tổng hợp, đề xuất giải quyết những phát sinh trong quá trình thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

- Hướng dẫn các địa phương thực hiện các nhiệm vụ nêu tại khoản 2 mục II Điều này;

- Phối hợp với các bộ, ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ nêu tại các khoản 1, 2, 3 và 4 mục II Điều này.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì thực hiện nhiệm vụ nêu tại khoản 4 mục II Điều này đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn đầu tư phát triển của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;

- Phối hợp trong việc thực hiện các nhiệm vụ nêu tại khoản 1 mục II Điều này.

3. Bộ Tài chính

- Chủ trì thực hiện nhiệm vụ nêu tại khoản 4 mục II Điều này, ưu tiên cân đối, bố trí hàng năm nguồn vốn ngân sách trung ương cho sự nghiệp giáo dục (chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục đào tạo) phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 - 2020;

- Phối hợp trong việc thực hiện các nhiệm vụ nêu tại khoản 1 mục II Điều này.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì tổng hợp kế hoạch về mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp và nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;

- Phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ nêu tại khoản 4 mục II Điều này về nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;

- Tham gia kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện Đề án của các địa phương, gắn với tiêu chí giáo dục trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

5. Bộ Xây dựng

- Chủ trì thực hiện nhiệm vụ nêu tại khoản 3 mục II Điều này đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng;

- Tham gia kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện Đề án của các địa phương.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì thực hiện nhiệm vụ nêu tại khoản 2 mục II Điều này;

- Tham gia kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện Đề án của các địa phương.

7. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

- Thực hiện các nhiệm vụ nêu tại các khoản 1, 2, 4 mục II Điều này;

- Xây dựng kế hoạch cụ thể, ưu tiên lồng ghép bố trí vốn đã phân bổ và dự phòng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện các mục tiêu của Đề án;

- Phân công, phân cấp trách nhiệm của từng cấp và các sở, ban, ngành của địa phương trong việc tổ chức thực hiện Đề án;

- Chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn với sự tham gia kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương để thực hiện các mục tiêu của Đề án theo đúng kế hoạch, đúng quy định, bảo đảm chất lượng, chống thất thoát, tiêu cực;

- Tổ chức giao ban, sơ kết đánh giá kết quả thực hiện, định kỳ 06 tháng và hàng năm, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ: KTTH, CN, NN, PL, TH;
- Lưu: VT, KGVX (2).XH114

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 29/10/2018

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Quyết định 1436/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1436/QĐ-TTg Ngày ban hành 29/10/2018
Ngày có hiệu lực 29/10/2018 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Thủ tướng Chính phủ Tình trạng Đang có hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Quyết định 1436/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Mục lục

Mục lục

Close