THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1618/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG HỆ CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ QUAN TRẮC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020;

Căn cứ Nghị định số 73/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường;

Căn cứ Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Thiết lập Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường, một thành phần trong Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường, trên cơ sở Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ứng dụng giải pháp công nghệ hiện đại nhằm thu nhận, quản lý thống nhất, đáp ứng yêu cầu công bố, cung cấp, khai thác, chia sẻ kịp thời thông tin quan trắc tài nguyên và môi trường phục vụ mục tiêu hoạch định chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh - quốc phòng.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Thu nhận đầy đủ, tích hợp, tổ chức xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường thống nhất trên cơ sở áp dụng các giải pháp công nghệ, hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, tiên tiến, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

b) Hoàn thiện cơ chế chính sách và quy định kỹ thuật bảo đảm thu thập công bố, chia sẻ, cung cấp, khai thác sử dụng thông tin, dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường một cách thuận tiện, kịp thời, chính xác.

c) Tạo lập điều kiện sử dụng kịp thời, hiệu quả thông tin, dữ liệu của Mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia và các hệ thống quan trắc của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp.

d) Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ thiết lập, quản lý, duy trì và vận hành hệ thống hiệu quả, lâu dài.

II. PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

Đề án được thực hiện trên phạm vi toàn bộ các số liệu quan trắc về tài nguyên và môi trường của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động quan trắc về tài nguyên và môi trường, bao gồm:

1. Số liệu từ các trạm quan trắc cố định;

2. Số liệu từ các hoạt động quan trắc định kỳ;

3. Các số liệu quan trắc ngoài lãnh thổ Việt Nam phù hợp với các thỏa thuận, điều ước quốc tế;

4. Số liệu quan trắc từ các hoạt động không thường xuyên sẽ được chọn lọc, tích hợp các kết quả quan trắc phù hợp.

III. THỜI GIAN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Đề án thực hiện trong 06 năm 2017 - 2022, chia thành 2 giai đoạn:

1. Giai đoạn 1 (2017 - 2020) tập trung thực hiện các công việc sau:

a) Hoàn thiện cơ chế chính sách và các quy định kỹ thuật phục vụ thu nhận, xây dựng, quản lý, công bố, chia sẻ, cung cấp, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường;

b) Đầu tư trang thiết bị, phần cứng, phần mềm, thiết lập Trung tâm tích hợp và xử lý dữ liệu; liên kết với các Trung tâm dữ liệu thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường; kết nối với các bộ, ngành, địa phương;

c) Thu thập, thu nhận, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường (bao gồm các dữ liệu quan trắc lịch sử và các dữ liệu điều tra cơ bản có liên quan khác) từ số liệu quan trắc của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức và doanh nghiệp có quan trắc về tài nguyên và môi trường;

d) Thiết lập các hệ thống tích hợp, phân tích, xử lý chuyên ngành phục vụ cung cấp, khai thác, sử dụng dữ liệu quan trắc phục vụ nhu cầu của các cơ quan nhà nước, người dân và cộng đồng doanh nghiệp;

đ) Công bố, cung cấp, chia sẻ, khai thác sử dụng thông tin, dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường cho các đối tượng có nhu cầu theo quy định của pháp luật.

Trong giai đoạn 1, ưu tiên quan trắc lĩnh vực môi trường và lĩnh vực biển và hải đảo, chi tiết các nhiệm vụ ưu tiên tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này.

2. Giai đoạn 2 (2020 - 2022) thực hiện các công việc sau:

a) Hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực tế;

b) Hoàn thành kết nối tới tất cả các trung tâm dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và các trạm quan trắc ngành tài nguyên và môi trường;

c) Tiếp tục thu nhận, tích hợp dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường vào hệ thống cơ sở dữ liệu, mở rộng đến tất cả các đối tượng có quan trắc về tài nguyên và môi trường;

d) Hoàn thiện cơ sở dữ liệu kết hợp xử lý, phân tích dữ liệu quan trắc bảo đảm công bố, cung cấp, chia sẻ, khai thác sử dụng thông tin, dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường;

đ) Duy trì, vận hành, cập nhật, nâng cấp Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường đáp ứng mục tiêu đề ra.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ

a) Hoàn thiện cơ chế chính sách và các quy định kỹ thuật phục vụ thu thập, tích hợp, xây dựng, quản lý và vận hành, khai thác, sử dụng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường.

b) Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin

- Đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa Trung tâm tích hợp và xử lý dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường trên cơ sở các Trung tâm dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đảm bảo kế thừa tối đa hạ tầng công nghệ thông tin đã có, tiết kiệm, giảm chi phí đầu tư từ ngân sách.

- Kết nối, tích hợp, trao đổi thông tin giữa Trung tâm tích hợp và xử lý dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường với các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, địa phương.

- Xây dựng hệ thống phần mềm phục vụ thu nhận, cập nhật, chuẩn hóa, tích hợp, quản lý, phân tích, khai thác, chia sẻ thông tin dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường.

- Xây dựng công cụ kiểm soát đo lường và kết nối, tích hợp dữ liệu.

- Xây dựng hệ thống bảo đảm an ninh thông tin và an toàn dữ liệu.

c) Xây dựng cơ sở dữ liệu

- Thu thập, thu nhận, chuẩn hóa, cập nhật thông tin, dữ liệu từ các trạm quan trắc tài nguyên và môi trường và thông tin, dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường đang được quản lý tại các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức.

- Tích hợp, liên thông, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường từ tất cả các nguồn dữ liệu.

- Hỗ trợ tổng hợp, phân tích xử lý thông tin, dữ liệu quan trắc phục vụ các yêu cầu nghiệp vụ và hỗ trợ ra quyết định.

- Công bố, cung cấp, chia sẻ, khai thác sử dụng thông tin quan trắc tài nguyên và môi trường cho mọi đối tượng theo quy định của pháp luật.

d) Đào tạo, tăng cường năng lực

Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng công tác thiết kế, xây dựng, quản lý, duy trì và vận hành Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường.

đ) Tăng cường công tác tuyên truyền

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, tác dụng và cách thức khai thác sử dụng thông tin, dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường.

Danh mục các nhiệm vụ, dự án để thực hiện Đề án tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định này.

2. Các giải pháp chủ yếu

a) Giải pháp về cơ chế, chính sách

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, quy định kỹ thuật về thu thập, công bố, chia sẻ, khai thác sử dụng thông tin, dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường. Ưu tiên các chính sách về ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp thông tin, dữ liệu vào Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường.

b) Giải pháp về nguồn lực

- Nguồn kinh phí thực hiện Đề án

+ Nguồn vốn:

Nguồn vốn thực hiện Đề án được bố trí từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác;

Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm ưu tiên bố trí kinh phí được giao hàng năm để thực hiện các nội dung của Đề án theo quy định của pháp luật.

+ Cơ cấu nguồn vốn:

Nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương theo chương trình đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo;

Nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì;

Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí đối với các dự án, nhiệm vụ do các cơ quan thuộc địa phương chủ trì thực hiện.

- Nhân lực thực hiện Đề án:

+ Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tạo cơ chế và bố trí nhân lực để thực hiện Đề án;

+ Đào tạo, tăng cường năng lực chuyên môn đáp ứng các nhiệm vụ thiết lập, xây dựng, quản lý, duy trì và vận hành Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường.

c) Giải pháp về khoa học công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế

- Ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ mới: Dữ liệu lớn (Bigdata), kết nối qua Internet (IoT), điện toán đám mây, học máy..., phát triển các ứng dụng khai phá dữ liệu phục vụ yêu cầu quản lý, phân tích và khai thác thông tin dữ liệu.

- Tích hợp nhu cầu nghiệp vụ chuyên ngành và xu hướng phát triển công nghệ, đa dạng hóa khả năng tiếp cận để cung cấp và khai thác hiệu quả nguồn thông tin dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường.

- Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong quản lý và khai thác thông tin, dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường cho các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp theo hướng vận hành thuận tiện, ổn định, hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển.

- Áp dụng, triển khai biện pháp quản lý, kỹ thuật theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thông tin và an ninh dữ liệu để phòng, chống nguy cơ, khắc phục sự cố trong quá trình truyền, nhận thông tin, dữ liệu, thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường.

- Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm đổi mới công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, mô hình, phương thức hiện đại, tiên tiến, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật có hiệu quả.

d) Giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức

- Tăng cường phổ biến, tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò và tác dụng của thông tin, dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường.

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các đoàn thể xã hội và mỗi người dân trong việc sử dụng, giám sát các thông tin quan trắc tài nguyên và môi trường.

- Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, nhận thức quan trắc tài nguyên và môi trường cho các cán bộ quản lý tài nguyên và môi trường, các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội và cộng đồng.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (có thực hiện quan trắc về tài nguyên và môi trường), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm:

a) Lập, phê duyệt các nhiệm vụ, dự án thực hiện Đề án tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định này. Hàng năm, tổng hợp, phê duyệt phân bổ kinh phí theo quy định của pháp luật;

b) Xây dựng, cung cấp, kết nối, liên thông thông tin, dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường trong phạm vi quản lý vào Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường;

c) Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Đề án về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc trung ương tổ chức triển khai, thực hiện Đề án;

b) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án; định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Đề án của các bộ, ngành, các địa phương; đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Đề án trong trường hợp cần thiết;

c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất hoàn thiện các văn bản pháp luật, các quy định kinh tế - kỹ thuật thuộc phạm vi thực hiện của Đề án; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các cơ quan có hoạt động quan trắc về tài nguyên và môi trường tham gia đóng góp và khai thác thông tin, dữ liệu vào Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường;

d) Cụ thể hóa các nội dung của Đề án trong các chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm và trung hạn của bộ.

3. Bộ Quốc phòng (Ban Cơ yếu Chính phủ) chịu trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai các biện pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn thông tin và an ninh dữ liệu trong quá trình truyền, nhận thông tin, dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước vào Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra về kết nối, liên thông, đảm bảo an toàn thông tin và an ninh dữ liệu cho Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường.

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác để thực hiện Đề án theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ, Cục, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KGVX (2b). HĐC.

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trịnh Đình Dũng

 

PHỤ LỤC I

DANH MỤC DỰ ÁN, NHIỆM VỤ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN XÂY DỰNG HỆ CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ QUAN TRẮC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
(Kèm theo Quyết định số 1618/QĐ-TTg ngày 24 tháng 10 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

TÊN DỰ ÁN/NHIỆM VỤ

THỜI GIAN THỰC HIỆN

ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ

ĐƠN VỊ PHỐI HỢP

GHI CHÚ

I

Khảo sát lập Đề án

2016

Bộ Tài nguyên và Môi trường

 

 

II

Triển khai thực hiện Đề án

2017-2022

 

 

 

1

Dự án Xây dựng hành lang pháp lý phục vụ thiết lập, quản lý và vận hành Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường

2017-2022

Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Các bộ, ngành có quan trắc tài nguyên và môi trường;

- Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

 

2

Dự án Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ hiện đại đáp ứng nhu cầu tích hợp xử lý dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường

2017-2022

Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Các bộ, ngành có quan trắc tài nguyên và môi trường;

- Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Thuộc danh mục các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020

3

Dự án Xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường

 

 

 

 

a

Dự án Xây dựng dữ liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết nối với Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường

2017-2022

Bộ Tài nguyên và Môi trường

 

 

 

Xây dựng kiến trúc tổng thể hệ thống thông tin quan trắc tài nguyên và môi trường

 

Xây dựng dữ liệu quan trắc do đạc và bản đồ, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước, viễn thám

 

Xây dựng dữ liệu quan trắc lĩnh vực môi trường

 

Xây dựng dữ liệu quan trác lĩnh vực biển và hải đảo

b

Dự án Xây dựng dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường của các bộ, ngành, kết nối với Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường

2017 - 2022

Các bộ, ngành có quan trắc tài nguyên và môi trường

 

 

c

Dự án Xây dựng dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường của các địa phương, kết nối với Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường

2017-2022

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

 

 

4

Dự án Đào tạo, tăng cường năng lực chuyên môn đáp ứng các nhiệm vụ thiết lập, quản lý, duy trì và vận hành Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường và Truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên

2018-2022

Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Các bộ, ngành có quan trắc tài nguyên và môi trường;

- Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

 

III

Duy trì hệ thống sau khi Đề án kết thúc

 

- Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Các bộ, ngành có quan trắc tài nguyên và môi trường;

- Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

 

 

 

PHỤ LỤC II

MỘT SỐ NHIỆM VỤ ƯU TIÊN THỰC HIỆN TRONG GIAI ĐOẠN 1 CỦA ĐỀ ÁN
(Kèm theo Quyết định số 1618/QĐ-TTg ngày 24 tháng 10 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ)

1. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định, hướng dẫn về quan trắc lĩnh vực môi trường, quan trắc lĩnh vực biển và hải đảo:

a) Xây dựng và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc;

b) Chế độ báo cáo, tích hợp thông tin, số liệu, dữ liệu quan trắc;

c) Khai thác, phổ biến thông tin, chia sẻ, trao đổi và xử lý, phân tích thông tin, số liệu, dữ liệu quan trắc.

2. Xây dựng và ban hành các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia, quan trắc lĩnh vực biển và hải đảo.

3. Kiểm soát đo lường và kết nối số liệu quan trắc từ các trạm quan trắc tự động, liên tục.

4. Xây dựng công cụ kết nối trực tiếp, tích hợp dữ liệu từ các thiết bị quan trắc vào hệ thống cơ sở dữ liệu: Nghiên cứu chuẩn kết nối, đặc điểm dữ liệu, phương thức tích hợp thông tin của các thiết bị quan trắc.

5. Xây dựng công cụ kết nối trực tiếp, tích hợp dữ liệu từ các thiết bị phòng thí nghiệm vào hệ thống cơ sở dữ liệu: Nghiên cứu chuẩn kết nối, đặc điểm dữ liệu, phương thức tích hợp thông tin của các thiết bị phân tích phòng thí nghiệm; xây dựng các công cụ, mô hình dự báo chất lượng môi trường.

6. Xây dựng các công cụ, mô hình xử lý, tính toán, dự báo trên cơ sở thông tin, số liệu quan trắc về tài nguyên và môi trường biển và hải đảo.

THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 24/10/2017

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Quyết định 1618/QĐ-TTg năm 2017 về việc Phê duyệt Đề án Xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/10/2017

Số hiệu 1618/QĐ-TTg Ngày ban hành 24/10/2017
Ngày có hiệu lực 24/10/2017 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Thủ tướng Chính phủ Tình trạng Đang có hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Quyết định 1618/QĐ-TTg năm 2017 về việc Phê duyệt Đề án Xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/10/2017
Mục lục

Mục lục

Close