THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 188/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ký ngày 03 tháng 3 năm 2015;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Tờ trình số 11248/TTr-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTN, KTTH, V.III, Công báo;
- Lưu: VT, QHQT (3b). HC

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai thực hiện có hiệu quả Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (sau đây gọi tắt là Hiệp định).

2. Yêu cầu

Quy định cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, tạo thuận lợi trong công tác phối hợp thực hiện giữa các Bộ, ngành, địa phương.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH

1. Thành lập Tổ công tác theo dõi, thúc đẩy việc thực hiện Hiệp định

2. Ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện hạn ngạch thuế quan với thuế suất nhập khẩu 0% đối với hàng hóa có xuất xứ từ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Thông tư hướng dẫn về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các mặt hàng có xuất xứ từ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

3. Tuyên truyền, phổ biến nội dung Hiệp định

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Hiệp định và các văn bản hướng dẫn thực hiện Hiệp định cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và Lào trên phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm...

4. Thuận lợi hóa thương mại

- Rà soát, đánh giá việc áp dụng các biện pháp đơn giản hóa thủ tục hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp hai nước; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và công tác phối hợp thu thập số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa hai nước.

- Tổng kết kinh nghiệm hoạt động của Mô hình “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Đen Sa Vẳn, đề xuất các giải pháp cải tiến và xem xét việc áp dụng kinh nghiệm, thành công trong sử dụng mô hình này tại các cặp cửa khẩu quốc tế khác đủ điều kiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

5. Xúc tiến thương mại

- Tổ chức hội chợ Thương mại Việt - Lào định kỳ hàng năm tại thủ đô Viêng Chăn, Lào theo chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp nhằm kết nối doanh nghiệp hai nước; nghiên cứu, đề xuất cơ chế nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ xuất khẩu và phân phối hàng Việt Nam tại Lào.

- Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của Việt Nam trên toàn nước Lào, trong đó tập trung hơn nữa vào các thành phố lớn tại các tỉnh miền Nam và miền Bắc của Lào.

- Giới thiệu doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ quốc tế, truyền thống do Lào tổ chức trên địa bàn Lào, đồng thời, có cơ chế ưu đãi dành cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia phù hợp với quy định hiện hành.

6. Hợp tác phòng chống buôn lậu

Định kỳ rà soát, nâng cao khả năng phối hợp trong công tác phòng chống buôn lậu qua các vùng biên giới hai nước.

7. Thương mại dịch vụ

Thỏa thuận lộ trình giảm dần hoặc loại bỏ các biện pháp hạn chế hiện có đối với các dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ, tiến tới tự do hóa hoàn toàn thương mại dịch vụ giữa hai nước theo các chuẩn mực của WTO.

8. Thương mại điện tử

Tăng cường công bố thông tin, tổ chức hướng dẫn thương mại điện tử ở mỗi nước, đặc biệt là khối doanh nghiệp, nhằm mục đích hỗ trợ, tạo thuận lợi thúc đẩy quá trình mua bán, trao đổi hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo và ứng dụng trong lĩnh vực thương mại điện tử cho phía Lào.

9. Hỗ trợ trong quá trình hội nhập

Tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp trên các diễn đàn kinh tế, thương mại quốc tế và khu vực; hỗ trợ nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm về hội nhập kinh tế quốc tế.

III. THỜI GIAN THỰC HIỆN

Kế hoạch này được thực hiện kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành cho đến khi Hiệp định hết hiệu lực.

IV. KINH PHÍ

Hàng năm, các Bộ, ngành, địa phương được phân công trong Kế hoạch này chủ động lập dự toán ngân sách chi thường xuyên hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Công Thương:

- Thành lập Tổ công tác phía Việt Nam (thành phần do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định cụ thể), là đầu mối phối hợp với cơ quan đầu mối phía Lào (Bộ Công Thương Lào) triển khai các nhiệm vụ liên quan của Hiệp định; phối hợp, đôn đốc các cơ quan hữu quan triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch thực hiện Hiệp định; thực hiện các nhiệm vụ của ngành Công Thương trong Hiệp định.

- Ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện hạn ngạch thuế quan với thuế suất nhập khẩu 0% đối với hàng hóa có xuất xứ từ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Thời gian thực hiện trong Quý I năm 2016.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện kế hoạch thúc đẩy xúc tiến thương mại giữa hai nước Việt Nam - Lào, tìm kiếm các biện pháp kết nối doanh nghiệp giữa hai nước, nâng cao hoạt động xuất khẩu và phân phối hàng hóa Việt Nam tại Lào.

- Phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và Bộ Công Thương Lào tuyên truyền/phổ biến Hiệp định và các văn bản hướng dẫn thực hiện Hiệp định; nâng cao công tác phối hợp trong phòng chống buôn lậu qua biên giới hai nước nghiên cứu, xem xét các biện pháp tiến tới tự do hóa hoàn toàn thương mại dịch vụ giữa hai nước theo các chuẩn mực WTO; đẩy mạnh triển khai thương mại điện tử ở mỗi nước; hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với Lào về hội nhập quốc tế.

2. Bộ Tài chính:

- Ban hành Thông tư hướng dẫn về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các mặt hàng có xuất xứ từ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Thời gian thực hiện trong Quý I năm 2016.

- Chỉ đạo Tổng cục Hải quan rà soát, đánh giá việc áp dụng các biện pháp đơn giản hóa thủ tục hải quan nhằm tạo điều kiện, thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp hai nước; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và công tác phối hợp thu thập số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa hai nước.

3. Bộ Ngoại giao:

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng kết kinh nghiệm hoạt động của Mô hình “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Đen Sa Vẳn, đề xuất các giải pháp cải tiến và xem xét nhân rộng mô hình này tại các cặp cửa khẩu quốc tế khác đủ điều kiện.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các tỉnh có tuyến biên giới giáp với Lào gồm Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến Hiệp định; tìm kiếm các biện pháp tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tìm kiếm đối tác, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa; đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu qua biên giới hai nước.

5. Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Công Thương định kỳ kiểm tra, giám sát việc thực hiện Hiệp định, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình hai nước; định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Kế hoạch này./.

THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 07/02/2017

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Quyết định 188/QĐ-TTg năm 2016 về Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam - Lào do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 188/QĐ-TTg Ngày ban hành 07/02/2017
Ngày có hiệu lực 07/02/2017 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Tình trạng Đang có hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Quyết định 188/QĐ-TTg năm 2016 về Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam - Lào do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Mục lục

Mục lục

Close