ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 249/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 20 tháng 01 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP VÀ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH CÂU LẠC BỘ LIÊN THẾ HỆ TỰ GIÚP NHAU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Người cao tuổi Việt Nam ngày 23/11/2009;

Căn cứ Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 02/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 15/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người cao tuổi;

Căn cứ Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 06/6/2013 của UBND tỉnh Lào Cai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi tỉnh Lào Cai giai đoạn 2013 - 2020;

Xét đề nghị của Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh tại Tờ trình số 06/TTr-NCT ngày 06/12/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án thành lập và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017 - 2020.

(Có Đề án chi tiết kèm theo)

Điều 2. Giao Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ, hiệu quả Đề án.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh; Giám đốc các sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Hội Người cao tuổi Việt Nam;
- TT: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- Như Điều 3 QĐ;
- Các sở: Lao động-TBXH, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Văn hóa-Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông;
- Ủy ban MTTQ tỉnh và các Đoàn thể tỉnh;
- Báo Lào Cai, Đài PT-TH tỉnh, Cổng TTĐT tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- CVP, PCVP2;
- Lưu: VT, TH1, VX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Hữu Thể

 

ĐỀ ÁN

THÀNH LẬP VÀ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH CÂU LẠC BỘ LIÊN THẾ HỆ TỰ GIÚP NHAU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 249/QĐ-UBND ngày 20/01/2017 của UBND tỉnh Lào Cai)

Phần thứ nhất

CĂN CỨ VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

Căn cứ Luật Người cao tuổi Việt Nam ngày 23/11/2009;

Căn cứ Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 02/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 15/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người cao tuổi;

Căn cứ Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 06/6/2013 của UBND tỉnh Lào Cai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi tỉnh Lào Cai giai đoạn 2013 -2020;

Căn cứ Hướng dẫn số 401/HD-HNCT ngày 24/10/2016 của Ban Thường vụ Hội Người cao tuổi Việt Nam về xây dựng Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016 - 2020 tại địa phương.

II. CƠ SỞ THỰC HIỆN

1. Sự cần thiết xây dựng Đề án

Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hội Người cao tuổi các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động, thu hút đông đảo người cao tuổi tham sinh hoạt, phát huy được trí tuệ của người cao tuổi, tiếp tục cống hiến những kinh nghiệm hay trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng đời sống văn hóa, khối đại đoàn kết toàn dân; góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người cao tuổi. Tuy nhiên công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn như: Nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện các hoạt động cho người cao tuổi, công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong công tác người cao tuổi còn hạn chế; trình độ dân trí, nhận thức của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn không đồng đều; công tác quản lý nhà nước về người cao tuổi ở các cấp chủ yếu là kiêm nhiệm nên đôi khi việc thực hiện còn chậm, chưa kịp thời...

Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh Lào Cai có 37.540 người cao tuổi, chiếm khoảng 5,7% dân số; trong đó chủ yếu người cao tuổi là đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở vùng nông thôn, có trình độ dân trí thấp, đời sống vật chất và tinh thần khó khăn. Số người cao tuổi nghèo 4.444 người; số người cao tuổi không có người có quyền, nghĩa vụ phục dưỡng 121 người; người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội 4.826 người, trong đó thuộc diện hộ nghèo 739 người. Tuy nhiên đến năm 2016, tổng số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh tăng lên, đạt 45.171 người, chiếm khoảng 6,7% dân số. Số người cao tuổi nghèo 9.436 người, tăng gần 5.000 người so với năm 2015. Số người cao tuổi không có người có quyền, nghĩa vụ phục dưỡng tăng lên 558 người. Người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội 5.710 người, trong đó thuộc diện hộ nghèo 1.542 người, tăng gấp đôi so với năm 2015.

Để chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh rất cần sự hỗ trợ và tạo điều kiện của các cấp, các ngành để họ tự vươn lên, phát huy vai trò và có những đóng góp thiết thực nâng cao chất lượng cuộc sống bản thân, gia đình, cộng đồng. Đồng thời cần phải có những mô hình tổ chức hoạt động năng động, sáng tạo, kết hợp sự chủ động của chính bản thân người cao tuổi và sự trợ giúp của cộng đồng liên thế hệ. Trong đó Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau chính là một trong các mô hình có tính nhân văn cao, hỗ trợ toàn diện cho người cao tuổi và có hiệu quả nhất.

2. Cơ sở thực tiễn

Mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau là một tổ chức dựa vào cộng đồng, có mục tiêu liên kết các thành viên, thúc đẩy tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng, nhằm vừa chăm sóc vừa phát huy vai trò người cao tuổi tại cộng đồng khu dân cư. Nguyên tắc hoạt động của Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau là tự nguyện, tự quản, dân chủ, bình đẳng, không trục lợi cá nhân, tuân thủ pháp luật, quyết định theo đa số, đoàn kết, hợp tác, tương trợ nhau dưới sự điều hành của Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ, lấy mục tiêu chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi là chính.

Thời gian qua, cả nước có 70.000 câu lạc bộ các loại giúp người cao tuổi sống vui, khỏe, có ích; trong đó có mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau. Đến đầu năm 2016, hơn 1.000 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã được triển khai tại 14 tỉnh (tập trung nhiều ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thái Nguyên...) với sự tham gia trực tiếp của gần 50.000 thành viên. Đa số các câu lạc bộ này được xây dựng từ các nguồn dự án do EC, tổ chức AP, UNFPA... tài trợ; một số địa phương đã tự nhân rộng từ các nguồn khác nhau. Hầu hết các câu lạc bộ đều hoạt động tốt, kể cả các câu lạc bộ đã hết hỗ trợ của dự án với 8 hoạt động chính (gồm chăm sóc sức khỏe; tăng thu nhập, giảm nghèo; chăm sóc đời sống tinh thần thông qua văn hóa, văn nghệ, thăm hỏi, giao lưu; tình nguyện viên chăm sóc tại nhà; tự giúp nhau và hỗ trợ cộng đồng; bảo vệ quyền và lợi ích; nâng cao nhận thức, kiến thức; vận động nguồn lực).

Đây là mô hình có hoạt động đa dạng, thiết thực, được chính quyền, người cao tuổi và cộng đồng đánh giá cao. Hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 160 câu lạc bộ các loại hình có người cao tuổi tham gia với 7.505 người. Tuy nhiên đến nay Lào Cai vẫn chưa thành lập được mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau. Do đó nếu được thành lập và nhân rộng trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017 - 2020; mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau sẽ góp phần rất lớn trong thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi của tỉnh cũng như các chính sách của Đảng và Nhà nước, của địa phương về người cao tuổi.

Phần thứ hai

MỤC TIÊU, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỀ ÁN

I. MỤC TIÊU VÀ CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu

- Xây dựng và nhân rộng các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Lào Cai thông qua cách tiếp cận liên thế hệ, tự giúp nhau dựa vào cộng đồng; hỗ trợ cải thiện điều kiện sống nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người cao tuổi ở cộng đồng dân cư, giúp đỡ người cao tuổi nghèo, cận nghèo và khó khăn tại cộng đồng.

- Nâng cao vai trò của Hội Người cao tuổi và huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các đoàn thể và toàn xã hội trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Lào Cai; góp phần thực hiện thành công kế hoạch và các chỉ tiêu Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi tỉnh Lào Cai giai đoạn 2013 -2020.

2. Chỉ tiêu

- Năm 2017: Xây dựng 05 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở 5 huyện, thành phố: Lào Cai, Mường Khương, Bảo Thắng, Sa Pa, Bát Xát (mỗi câu lạc bộ có ít nhất 50 thành viên, trong đó có 70% người cao tuổi tham gia).

- Giai đoạn 2018 - 2020: Nhân rộng và xây dựng thêm 20 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở 9 huyện, thành phố với ít nhất 1.000 thành viên; đồng thời duy trì tốt hoạt động 05 câu lạc bộ đã được thành lập trong năm 2017.

Các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau bảo đảm chất lượng, chỉ tiêu theo quy định như: 70% là người cao tuổi (từ 55 tuổi trở lên), 60 - 70% là phụ nữ, 60% - 70% là người nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn; có ít nhất 50% thành viên được vay vốn bằng tiền hoặc hiện vật và cải thiện thu nhập; 80% Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được tập huấn và giám sát theo quy chế.

II. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

2. Đối tượng: Người cao tuổi và gia đình của họ, phụ nữ và các thành viên khác trong cộng đồng, đặc biệt người cao tuổi là phụ nữ nghèo, cận nghèo, khó khăn.

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Lập kế hoạch, xây dựng tài liệu hướng dẫn và tuyên truyền về đề án

- Lập Ban điều hành đề án, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lập kế hoạch cụ thể về tiến độ xây dựng Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, ngân sách, hoạt động.

- Xây dựng quy định về mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau bao gồm tiêu chí, quy định về cơ cấu tổ chức, điều lệ, nội dung hoạt động, cơ chế huy động nguồn lực, quản lý tài chính, quy trình thành lập.

- Huy động nguồn lực của địa phương, lồng ghép với các chương trình, dự án và các quỹ tại địa phương để hỗ trợ nguồn quỹ ban đầu cho các câu lạc bộ.

- Tổ chức hướng dẫn và tuyên truyền về Đề án và mô hình Câu lạc bộ theo hướng dẫn của Hội Người cao tuổi Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành Trung ương.

2. Tập huấn kỹ thuật để nhân rộng Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại địa phương

- Tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại địa phương do Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và các Bộ, ngành Trung ương tổ chức.

- Tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội người cao tuổi các cấp, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ và cán bộ liên quan cấp huyện, xã về phương pháp thành lập, quản lý, các mảng hoạt động của Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

- Hướng dẫn triển khai các hoạt động tại các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; biên soạn, cung cấp tài liệu kỹ thuật về Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau cho các địa phương.

- Tổ chức thăm quan mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở các tỉnh bạn, trên cơ sở đó lựa chọn các địa bàn phù hợp để thành lập, duy trì hoạt động Câu lạc bộ theo Kế hoạch.

3. Thành lập các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau

- Lựa chọn các địa bàn phù hợp, chuẩn bị các nguồn lực, nhân sự để thành lập các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

- Phối hợp với chính quyền và Ban đại diện Hội Người cao tuổi các huyện, thành phố, Hội người cao tuổi cơ sở thành lập Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau theo đúng quy trình quy định.

4. Giám sát, hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau

- Tổ chức giám sát và hướng dẫn kỹ thuật tại chỗ cho các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (giám sát mẫu, giám sát điểm...).

- Định kỳ hằng năm tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh.

Phần thứ ba

GIẢI PHÁP, KINH PHÍ, TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và về người cao tuổi

- Phối hợp với Hội Người cao tuổi Việt Nam và các cơ quan truyền thông địa phương để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác động và hiệu quả của Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và về chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.

- Tham dự các hội thảo, hội nghị do Trung ương tổ chức để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về phổ biến, xây dựng và duy trì hoạt động các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

- Tổ chức thăm quan mô hình, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm để phổ biến, xây dựng Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

- Tuyên truyền gương điển hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và tác động của mô hình trong công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

2. Huy động nguồn lực, vận động các tổ chức, xã hội, doanh nghiệp tham gia nhân rộng Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau

- Kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ Quỹ Toàn dân chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

- Vận dụng nguồn lực từ Quỹ Toàn dân chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; các nguồn Quỹ liên quan (Quỹ vì người nghèo; Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo; Quỹ hỗ trợ nông dân...).

- Huy động sự đóng góp của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng, hội viên Hội Người cao tuổi và các thành viên Câu lạc bộ.

- Lồng ghép nguồn lực của các chương trình, dự án có liên quan tại địa phương; tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực phân bổ từ Đề án của Trung ương...

3. Phối hợp với các sở, ngành tạo điều kiện hỗ trợ thành lập và hoạt động của Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau

- Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; lồng ghép với chính sách phát triển kinh tế - xã hội; huy động sự tham gia của chính quyền (theo Điều 24, Luật Người cao tuổi và Chương trình hành động quốc gia về Người cao tui) để các thành viên Câu lạc bộ được vay vốn sản xuất giảm nghèo.

- Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh để truyền thông, hướng dẫn Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau kiến thức sản xuất và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình nông nghiệp, nông thôn mới.

- Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền, thể dục thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ... của các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

- Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh phối hợp với Ban Công tác người cao tuổi tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh... tham gia huy động nguồn lực để thành lập, quản lý và giúp đỡ các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau hoạt động.

II. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các nhiệm vụ do Nhà nước giao trong phạm vi hoạt động của Đề án.

2. Huy động đóng góp từ các tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật; huy động đóng góp của các hội viên và từ các nguồn Quỹ tại địa phương.

3. Nguồn kinh phí hỗ trợ hợp pháp khác,

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh

- Căn cứ hướng dẫn của Hội Người cao tuổi Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành Trung ương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố:

+ Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án; hướng dẫn Hội Người cao tuổi các huyện, thành phố thành lập Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau theo kế hoạch; tạo điều kiện hỗ trợ thành lập và hoạt động của Câu lạc bộ.

+ Tổ chức giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện và các phát sinh trong quá trình triển khai; kiến nghị những điều chỉnh cần thiết, phù hợp với thực tế của từng giai đoạn.

- Phối hợp với chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội - nghề nghiệp vận dụng sử dụng nguồn Quỹ Toàn dân chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, các nguồn quỹ khác có liên quan để hỗ trợ thực hiện Đề án.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Phối hợp chặt chẽ với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án; lồng ghép vào các chương trình quốc gia và các dự án khác có liên quan để thực hiện; giám sát, đánh giá việc triển khai, thực hiện Đề án. Thực hiện tốt các chính sách về chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi theo quy định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan vận động, thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) và các nguồn vốn hỗ trợ phi Chính phủ; lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của tỉnh.

4. Sở Tài chính

Hằng năm, phối hợp với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí triển khai các nhiệm vụ do Nhà nước giao trong phạm vi Đề án và phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương theo đúng quy định hiện hành. Đồng thời hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố cân đối, phân bổ ngân sách hỗ trợ thực hiện Đề án tại địa phương.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chỉ đạo ngành dọc phối hợp tạo điều kiện hỗ trợ nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; tạo điều kiện cho các Câu lạc bộ tham gia các chương trình giảm nghèo bền vững, khuyến nông, xây dựng nông thôn mới.

6. Sở Y tế

Chỉ đạo ngành dọc tạo điều kiện cho các thành viên Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được khám sức khỏe định kỳ; tuyên truyền, phổ biến về chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi cô đơn, khó khăn. Hỗ trợ kỹ thuật để thành lập đội ngũ tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chỉ đạo ngành dọc tạo điều kiện cơ sở vật chất, giúp đỡ về chuyên môn cho các hoạt động thể dục thể thao, dưỡng sinh, sinh hoạt văn nghệ... của các Câu lạc bộ.

8. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí của tỉnh, cổng thông tin điện tử, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện, hệ thống truyền thanh cơ sở tuyên truyền và nâng cao nhận thức về Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

9. Báo Lào Cai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai

Phối hợp với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức về mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

Phối hợp tuyên truyền về Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi tại địa phương; chỉ đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh...) phối hợp, hỗ trợ thực hiện và giám sát.

11. UBND các huyện, thành phố

- Căn cứ vào tình hình thực tế địa phương, chỉ đạo Hội Người cao tuổi cùng cấp phối hợp với các phòng, ban liên quan triển khai việc thành lập và nhân rộng, duy trì hoạt động của các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn.

- Xem xét hỗ trợ kinh phí, lồng ghép các nguồn lực liên quan và huy động các nguồn lực xã hội hóa ở địa phương để thực hiện thành lập và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau có hiệu quả.

- Tuyên truyền về Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau để thực hiện tốt công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi địa phương.

Trên đây là Đề án Thành lập và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017 - 2020; yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan căn cứ triển khai thực hiện./.

THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 20/01/2017

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Quyết định 249/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án thành lập và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017-2020

Tên tiếng Anh Quyết định 249/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án thành lập và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017-2020
Số hiệu 249/QĐ-UBND Ngày ban hành 20/01/2017
Ngày có hiệu lực 20/01/2017 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Tỉnh Lào Cai Tình trạng Đang có hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Quyết định 249/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án thành lập và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017-2020
Mục lục

Mục lục

Close