BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 261/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU VIỆT NAM ĐẾN 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 128/2007/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược tài chính đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 958/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý thị trường chứng khoán;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính các Ngân hàng và Tổ chức tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Định hướng phát triển:

1.1. Xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế, đồng bộ với sự phát triển của các hợp phần khác của thị trường tài chính gồm thị trường cổ phiếu và thị trường tiền tệ - tín dụng ngân hàng;

1.2. Phát triển thị trường trái phiếu một cách bền vững, đảm bảo an toàn hệ thống, và từng bước tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế để trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, an toàn, hiệu quả cho nền kinh tế;

1.3. Ưu tiên phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, làm nền tảng cho sự phát triển của thị trường trái phiếu nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng;

1.4. Bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Tăng tỷ trọng dư nợ trái phiếu/GDP từ 18% (2011) lên khoảng 38% GDP (2020); trong đó dư nợ trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 22% GDP và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đạt khoảng 8% GDP, dư nợ trái phiếu chính quyền địa phương đạt khoảng 1% GDP; và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 7% GDP.

2.2. Kéo dài kỳ hạn vay qua phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước giai đoạn 2011 - 2015 trung bình khoảng từ 4 - 6 năm và giai đoạn 2016 - 2020 lên khoảng từ 6 - 8 năm.

2.3. Tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do khối các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, công ty quản lý quỹ nắm giữ từ mức 12% (2011) lên mức 20% (2020).

2.4. Tăng khối lượng giao dịch trái phiếu giao ngay bình quân phiên từ mức khoảng 0,2% dư nợ trái phiếu niêm yết (2011) lên mức khoảng 0,3 - 0,4% dư nợ trái phiếu niêm yết (2020).

3. Các giải pháp

3.1. Về khuôn khổ pháp lý

3.1.1. Nghiên cứu trình Chính phủ:

a) Cơ chế, chính sách về thành lập, tổ chức và hoạt động của công ty định mức tín nhiệm tại thị trường trong nước.

b) Cơ chế, chính sách về hình thành và phát triển quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.

c) Cơ chế, chính sách về quản lý ngân quỹ để gắn quản lý ngân quỹ với quản lý nợ và phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ.

3.1.2. Nghiên cứu trình Chính phủ và các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung:

a) Cơ chế, chính sách về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương theo hướng thống nhất địa điểm đấu thầu trái phiếu Chính phủ tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, thiết lập cơ chế nhà tạo lập thị trường trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp trái phiếu Chính phủ và cơ chế thanh toán trái phiếu qua Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo sự thống nhất của thị trường.

b) Cơ chế, chính sách về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hướng rà soát lại điều kiện phát hành trái phiếu trên cơ sở xem xét việc quy định bắt buộc có hệ số tín nhiệm đối với các đợt phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước sau khi cơ chế về xếp hạng tín nhiệm được ban hành.

c) Cơ chế chính sách về: thẩm quyền của Bộ Tài chính trong việc quản lý rủi ro danh mục trái phiếu Chính phủ; hạn mức và thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; hạch toán và trích lập dự phòng giảm giá công cụ tài chính theo giá thị trường; cơ chế mua lại, cho vay trái phiếu Chính phủ; các sản phẩm phái sinh trái phiếu; và cho phép sử dụng trái phiếu Chính phủ làm công cụ dự trữ bắt buộc của ngân hàng thương mại.

3.1.3. Cơ chế, chính sách khác

a) Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phối hợp giữa việc phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và phát hành tín phiếu kho bạc nhằm đảm bảo sự phát triển thống nhất của thị trường và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

b) Rà soát, đánh giá về các khung khổ luật pháp có liên quan đến phát triển thị trường trái phiếu để sửa đổi bổ sung, bao gồm: chính sách giao dịch kỳ hạn trái phiếu, chính sách thuế và phí giao dịch.

c) Nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn về phát hành trái phiếu Chính phủ theo lãi suất thả nổi, theo chỉ số, và các sản phẩm trái phiếu phái sinh khi điều kiện cho phép.

d) Nghiên cứu cơ chế giao dịch trái phiếu Chính phủ ngay sau phiên đấu thầu/bảo lãnh nhằm tăng tính thanh khoản của trái phiếu sau khi có khung khổ pháp lý và hệ thống công nghệ thông tin, cơ chế thanh toán đáp ứng đủ điều kiện cho phép thực hiện nghiệp vụ này.

đ) Xây dựng cơ chế pháp lý để Bảo hiểm tiền gửi mua trái phiếu Chính phủ theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi.

3.2. Về phát triển thị trường sơ cấp

3.2.1. Đối với trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh:

a) Xây dựng kế hoạch và lịch biểu phát hành trái phiếu Chính phủ, đảm bảo sự hài hòa với lịch biểu phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, phù hợp với tình hình phát triển thị trường và nhu cầu của các nhà đầu tư nhằm huy động tối đa các nguồn vốn cho ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển với chi phí hợp lý và thúc đẩy phát triển thị trường thứ cấp.

b) Thực hiện công bố công khai kế hoạch phát hành theo quý, năm để tăng cường tính dự báo của thị trường, tạo điều kiện cho thành viên thị trường chủ động tham gia thị trường.

c) Xây dựng và phát triển hệ thống đại lý cấp I với những chức năng tạo lập thị trường cơ bản trên thị trường sơ cấp, làm cơ sở để xây dựng hệ thống tạo lập thị trường trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp khi khung khổ pháp lý cho phép.

d) Tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo phương thức đấu thầu nhằm tăng cường tính cạnh tranh và thiết lập mặt bằng giá chuẩn trên thị trường. Thí điểm áp dụng phương thức đấu thầu đa giá đối với các sản phẩm trái phiếu đã có tính cạnh tranh cao và áp dụng phương thức bảo lãnh phát hành theo thông lệ quốc tế đối với các loại trái phiếu mới đưa ra thị trường.

đ) Thực hiện các nghiệp vụ thị trường bao gồm: phát hành bổ sung trái phiếu, hoán đổi trái phiếu, mua lại trái phiếu khi có nguồn mua lại theo quy định của pháp luật nhằm góp phần hình thành các mã trái phiếu chuẩn, tăng cường tính thanh khoản trên thị trường và tăng cường công tác quản lý dòng tiền của ngân sách nhà nước và của các ngân hàng chính sách

e) Xây dựng đường cong lãi suất đối với trái phiếu Chính phủ trên cơ sở lãi suất phát hành sơ cấp và lãi suất giao dịch thứ cấp.

g) Nghiên cứu phát triển các sản phẩm phái sinh trái phiếu phù hợp với nhu cầu đầu tư của thị trường như giao dịch tương lai, giao dịch quyền chọn, giao dịch tách biệt lãi, gốc.

h) Thí điểm phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn dài hạn để thu hút các nhà đầu tư là các công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí khi có các chỉ số có tính chất tham chiếu tốt.

3.2.2 Đối với trái phiếu doanh nghiệp

a) Nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin về phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp để phục vụ cho công tác quản lý và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tìm hiểu về nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam.

b) Nghiên cứu xây dựng đường cong lãi suất trái phiếu doanh nghiệp trên cơ sở đường cong lãi suất trái phiếu Chính phủ và giao dịch của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

c) Khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa các loại hình trái phiếu doanh nghiệp khi thị trường phát triển ở trình độ cao hơn, như giấy tờ có giá có lãi suất thả nổi, chương trình phát hành trái phiếu trung - dài hạn, chứng khoán hóa trên cơ sở các khoản vay mua nhà hoặc các tài sản đảm bảo.

3.3 Về phát triển thị trường thứ cấp

a) Hoàn thiện cơ chế và hệ thống giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội theo hướng phù hợp với đặc thù giao dịch của trái phiếu, nhu cầu giao dịch thực tế của thị trường, tăng cường tính minh bạch và chính xác của thông tin lãi suất giao dịch.

b) Xây dựng và phát triển hệ thống các nhà tạo lập thị trường trái phiếu với các quyền và nghĩa vụ của tổ chức tạo lập thị trường trên thị trường sơ cấp và thứ cấp.

c) Xây dựng chỉ số trái phiếu Chính phủ nhằm hỗ trợ cho việc đánh giá hiệu quả tài chính của các danh mục đầu tư trái phiếu.

d) Thí điểm áp dụng cơ chế giao dịch trái phiếu Chính phủ ngay sau phiên đấu thầu/bảo lãnh nhằm tăng tính thanh khoản của trái phiếu sau khi có khung khổ pháp lý và hệ thống công nghệ thông tin, cơ chế thanh toán đáp ứng điều kiện cho phép.

3.4 Về phát triển và đa dạng hóa hệ thống nhà đầu tư trái phiếu

a) Khuyến khích việc Bảo hiểm Xã hội đầu tư trực tiếp vào thị trường trái phiếu Chính phủ sơ cấp và giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp phù hợp với các phương án quản lý dòng tiền, quản lý tài sản đầu tư của hệ thống Bảo hiểm Xã hội. Chuyển dần hình thức cho vay trực tiếp đối với ngân sách nhà nước của Bảo hiểm xã hội sang hình thức mua tín phiếu kho bạc và trái phiếu kho bạc.

b) Tổ chức triển khai cơ chế, chính sách về hình thành và phát triển Chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện để tạo nguồn vốn đầu tư dài hạn vào thị trường trái phiếu

c) Khuyến khích Bảo hiểm tiền gửi tăng tỷ trọng mua tín phiếu, trái phiếu Chính phủ theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi.

d) Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ mua trái phiếu Chính phủ theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm để thu hút thêm các nguồn vốn dài hạn từ dân cư.

đ) Đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư mục tiêu trong đó bao gồm các loại quỹ đầu tư trái phiếu.

e) Khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân thông qua các quỹ đầu tư trái phiếu; đồng thời nghiên cứu hiện đại hóa phương thức bán lẻ trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân để hình thành một kênh huy động vốn liên tục, đáp ứng nhu cầu đầu tư của dân cư vào các tài sản có tính an toàn cao.

g) Khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thông qua rà soát, điều chỉnh hợp lý chính sách thuế và phí giao dịch trái phiếu đối với nhà đầu tư nước ngoài; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để có cơ chế về các công cụ tài chính phòng ngừa rủi ro tỷ giá cho nhà đầu tư nước ngoài; khuyến khích các tổ chức nước ngoài phát hành các chứng chỉ lưu ký toàn cầu được niêm yết trên thị trường nước ngoài với tài sản cơ sở là trái phiếu Chính phủ trong nước.

3.5 Về phát triển các định chế trung gian và hạ tầng thị trường

a) Đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ theo các nguyên tắc và lộ trình quy định tại Quyết định số 252/QĐ- TTg ngày 01 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2012 phê duyệt Đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm nhằm tăng cường năng lực của các định chế này trong việc tham gia vào thị trường trái phiếu, đặc biệt là tham gia vào hệ thống giao dịch và hệ thống các tổ chức tạo lập thị trường.

b) Hiện đại hóa công nghệ thông tin và tăng cường sự kết nối giữa hoạt động đấu thầu, đăng ký, lưu ký và niêm yết trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh giữa các tổ chức phát hành, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam để rút ngắn thời gian từ khâu phát hành đến niêm yết trái phiếu, tạo điều kiện tăng tính thanh khoản của thị trường trái phiếu.

c) Nghiên cứu thí điểm phát triển hệ thống thanh toán tiền mua trái phiếu phát hành sơ cấp, giao dịch trái phiếu thứ cấp và thanh toán lãi, gốc trái phiếu thông qua Ngân hàng Nhà nước nhằm rút ngắn thời gian thanh toán, thời gian niêm yết và tạo điều kiện cho việc triển khai thí điểm cơ chế giao dịch trái phiếu ngay sau khi phát hành.

d) Tổ chức triển khai cơ chế, chính sách về tổ chức và hoạt động của công ty định mức tín nhiệm trong nước nhằm tăng cường tính minh bạch và công khai của thị trường.

đ) Nghiên cứu và thí điểm hình thành hệ thống công bố thông tin về phát hành, giao dịch đối với các trái phiếu trái phiếu doanh nghiệp để tăng cường phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

3.6. Các giải pháp khác

a) Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa để tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô cần thiết cho sự phát triển thị trường trái phiếu.

b) Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước rà soát các quy định hiện hành về ngoại hối để sửa đổi, hoàn thiện nhằm tạo các công cụ quản lý rủi ro, đặc biệt là rủi ro tỷ giá, để khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường trái phiếu Việt Nam.

c) Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, linh hoạt trong công tác quản lý ngân quỹ và quản lý nợ, đảm bảo đáp ứng các nhu cầu chi của ngân sách Nhà nước, duy trì tiêu chí an toàn nợ công và phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ.

d) Tổ chức đối thoại, trao đổi định kỳ với thành viên thị trường để nắm bắt nhu cầu đầu tư, cũng như các nhận định về xu hướng lãi suất để Bộ Tài chính có căn cứ điều chỉnh kế hoạch phát hành trái phiếu cho phù hợp.

đ) Tích cực tham gia các chương trình, diễn đàn hợp tác quốc tế và khu vực ASEAN, ASEAN + 3, ASEM, APEC, GEMLOC … nhằm tăng cường sự kết nối với các thị trường trái phiếu trong khu vực và phát triển thị trường trái phiếu trong nước.

e) Khuyến khích Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam hoàn thiện và ban hành các chuẩn mực về phát triển thị trường như chuẩn mực về đạo đức, chuẩn mực giao dịch, chuẩn mực về các phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bản cáo bạch mẫu trên cơ sở phù hợp với khung khổ luật pháp nhằm thống nhất các phương thức tính giá, yết giá và cách thức tiến hành giao dịch trên thị trường thứ cấp.

g) Nâng cao vai trò của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam thông qua việc cung cấp các thông tin về phát hành, giao dịch và đường cong lãi suất đối với trái phiếu doanh nghiệp.

h) Nâng cấp và hoàn thiện trang thông tin về thị trường trái phiếu theo hướng công khai minh bạch từ cơ chế chính sách, kế hoạch, lịch biểu phát hành, kết quả phát hành để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phân tích và tìm hiểu cơ hội đầu tư vào thị trường trái phiếu.

Điều 2. Lộ trình thực hiện

Các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu quy định tại Điều 1 được thực hiện theo lộ trình quy định chi tiết tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 3. Trách nhiệm của các đơn vị

1. Vụ Tài chính các Ngân hàng và tổ chức tài chính chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu báo cáo Lãnh đạo Bộ Tài chính để thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

a) Điều phối việc tổ chức thực hiện và tổng kết đánh giá việc triển khai thực hiện Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến 2020. Định kỳ báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính về tình hình triển khai Lộ trình và đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình phát triển của thị trường.

b) Xây dựng khung khổ pháp lý về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

c) Xây dựng khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động của tổ chức định mức tín nhiệm tại thị trường trong nước và tổ chức triển khai thực hiện khuôn khổ pháp lý này.

d) Xây dựng khung khổ pháp lý về hình thành và phát triển Chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện và tổ chức triển khai thực hiện.

đ) Xây dựng cơ chế tài chính để khuyến khích Bảo hiểm tiền gửi đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.

e) Tổ chức thực hiện các biện pháp phát triển thị trường bao gồm: ban hành cơ chế về phát triển sản phẩm mới, điều hành lãi suất trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức tạo lập thị trường.

g) Nghiên cứu, đề xuất đối với các đơn vị liên quan trong quá trình soạn thảo, sửa đổi và bổ sung cơ chế, chính sách có liên quan đến nội dung nêu tại điểm c, khoản 3.1.2, Điều 1 Quyết định này nhằm góp phần khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu.

h) Phối hợp với Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) để nâng cao vai trò của Hiệp hội nhằm hỗ trợ sự phát triển của thị trường, tăng cường tính tuân thủ và đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.

2. Ủy ban chứng khoán Nhà nước chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính để thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

a) Chủ trì triển khai các nội dung về tái cơ cấu công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ theo các nguyên tắc và lộ trình quy định tại Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 1 tháng 3 năm 2012 về việc phê duyệt chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2012 phê duyệt Đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm nhằm đảm bảo phát triển bền vững thị trường chứng khoán, nâng cao năng lực của các tổ chức trung gian tham gia thị trường trái phiếu.

b) Chủ trì xây dựng cơ chế về giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội

c) Chủ trì triển khai việc phát hành các chứng chỉ lưu ký trái phiếu toàn cầu với tài sản cơ sở là trái phiếu Chính phủ để thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư gián tiếp vào thị trường trái phiếu Việt Nam.

3. Vụ Ngân sách Nhà nước chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính để thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

a) Sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, bao gồm cả các nội dung về huy động vốn để bù đắp bội chi và huy động vốn của chính quyền địa phương.

b) Xây dựng kế hoạch huy động vốn bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước hàng năm, bao gồm cả huy động từ trái phiếu Chính phủ phù hợp với khả năng huy động thực tế của thị trường.

4. Kho bạc Nhà nước chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu báo cáo Lãnh đạo Bộ Tài chính để thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

a) Tổ chức việc phát hành, thanh toán trái phiếu Chính phủ theo phân công bao gồm: xây dựng và công bố kế hoạch phát hành trái phiếu; tổ chức phát hành trái phiếu và thanh toán trái phiếu khi đến hạn.

b) Xây dựng cơ chế, chính sách về quản lý ngân quỹ Kho bạc góp phần thúc đẩy việc phát triển thị trường trái phiếu thông qua việc quản lý dòng tiền.

c) Tổ chức thực hiện các nghiệp vụ về hoán đổi, mua lại trái phiếu Chính phủ theo đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm nâng cao tính thanh khoản của trái phiếu trên thị trường.

5. Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu báo cáo Lãnh đạo Bộ Tài chính để thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

a) Triển khai Chiến lược Quản lý nợ công đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 958/QĐ-TTg theo chức năng nhiệm vụ được phân công.

b) Đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn theo Chiến lược Quản lý nợ công theo chương trình xây dựng văn bản pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, bao gồm cả các nội dung liên quan đến phát triển thị trường trái phiếu, cụ thể: quản lý rủi ro danh mục trái phiếu, cơ chế huy động vốn qua phát hành trái phiếu Chính phủ, cơ chế cấp và quản lý bảo lãnh đối với phát hành trái phiếu, cơ chế vay nợ của chính quyền địa phương qua phát hành trái phiếu.

6. Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu báo cáo Lãnh đạo Bộ Tài chính để thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

a) Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 (ban hành kèm theo Quyết định số 2330/QĐ-BTC ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) để tạo điều kiện phát triển và củng cố cơ sở nhà đầu tư tham gia thị trường.

b) Xây dựng và triển khai các sản phẩm bảo hiểm hưu trí, khuyến khích các tổ chức kinh doanh bảo hiểm tăng cường hoạt động đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.

7. Vụ Hành chính sự nghiệp chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế đầu tư của Bảo hiểm xã hội theo hướng chuyển các khoản cho vay trực tiếp đối với ngân sách nhà nước sang cơ chế đầu tư tín phiếu kho bạc và trái phiếu kho bạc; khuyến khích Bảo hiểm xã hội tham gia mua trái phiếu Chính phủ tại các phiên đấu thầu, bảo lãnh phát hành trên thị trường sơ cấp.

8. Vụ Chính sách thuế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát đánh giá khuôn khổ pháp lý về cơ chế thuế và phí đối với hoạt động giao dịch trái phiếu để khuyến khích giao dịch thứ cấp và thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

9. Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì phối hợp với Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính và các đơn vị liên quan làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị trong Bộ Tài chính tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong các diễn đàn quốc tế và khu vực về phát triển thị trường trái phiếu.

10. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu báo cáo Lãnh đạo Bộ Tài chính để thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

a) Hoàn thiện, vận hành và giám sát hệ thống giao dịch trái phiếu, tín phiếu kho bạc; đảm bảo hoạt động giao dịch thông suốt, an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung cấp kịp thời thông tin đấu thầu, giao dịch trái phiếu.

b) Xây dựng phần mềm xác định đường cong lãi suất đối với trái phiếu Chính phủ.

c) Xây dựng quy chế về niêm yết giá chào mua, chào bán bắt buộc đối với thành viên giao dịch trái phiếu thứ cấp trên cơ sở khung pháp lý về nhà tạo lập thị trường được ban hành.

d) Phối hợp với Kho bạc Nhà nước, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Trung tâm lưu ký chứng khoán để hài hòa và hiện đại hóa công nghệ thông tin nhằm đảm bảo sự kết nối giữa việc phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch và thanh toán trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

11. Trung tâm Lưu ký chứng khoán chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu báo cáo Lãnh đạo Bộ Tài chính để thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

a) Hoàn thiện hệ thống thanh toán bù trừ theo mô hình đối tác trung tâm.

b) Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để hoàn thiện và xây dựng hệ thống thanh toán trái phiếu chính phủ nhanh chóng, giảm thiểu rủi ro đối tác trong giao dịch trái phiếu.

12. Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo Bộ Tài chính để thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

a) Hoàn thiện và ban hành các chuẩn mực về phát triển thị trường như chuẩn mực về đạo đức, chuẩn mực giao dịch, chuẩn mực về các phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bản cáo bạch mẫu trên cơ sở phù hợp với khung khổ luật pháp nhằm thống nhất các phương thức tính giá, yết giá và cách thức tiến hành giao dịch trên thị trường thứ cấp;

b) Phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất mô hình trung tâm thông tin về phát hành, giao dịch đối với các trái phiếu trái phiếu doanh nghiệp để tăng cường phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 5. Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng Giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Hà nội, Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 5;
- Website Bộ Tài chính;
- Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam;
- Lưu: VT, Vụ TCNH (5b),

BỘ TRƯỞNG




Vương Đình Huệ

 

PHỤ LỤC 1

LỘ TRÌNH THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 261/QĐ-BTC ngày 01 tháng 02 năm 2013 về phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến 2020)

TT

Nội dung

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Khung thời gian triển khai

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

I. Hoàn thin khuôn khpháp lý

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Ban hành cơ chế, chính sách về thành lập, tổ chức và hoạt động của công ty định mức tín nhiệm.

Vụ TCNH

UBCK, Cục TCDN, Vụ PC

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

Ban hành cơ chế, chính sách về Chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện.

Vụ TCNH

Cục BH, UBCK, Viện CL, Vụ PC

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

Sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương.

Vụ TCNH

KBNN, UBCK, Vụ PC

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4

Sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Vụ TCNH

UBCK, Cục TCDN, Vụ PC

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5

Ban hành cơ chế, chính sách về quản lý ngân quỹ, gắn với quản lý nợ và phát triển thị trường trái phiếu.

KBNN

Vụ NSNN, Tổng Cục Thuế, Tổng Cục HQ, TCNH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

6

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật, Nghị định khác có liên quan để tạo điều kiện phát triển thị trường trái phiếu.

Vụ TCNH

Cục QLN, Vụ CĐKT, NSNN, UBCK, NHNN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7

Ban hành cơ chế, chính sách về phát hành trái phiếu theo lãi suất thả nổi, gắn với chỉ số, và phát hành các sản phẩm trái phiếu phái sinh.

Vụ TCNH

UBCK

 

 

 

 

 

 

 

 

 

8

Đề xuất cơ chế phối hợp giữa NHNN và Bộ Tài chính trong công tác phát hành tín phiếu kho bạc và tín phiếu NHNN.

Vụ TCNH

KBNN, NSNN, NHNN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

9

Ban hành cơ chế giao dịch trái phiếu Chính phủ ngay sau phiên đấu thầu, bảo lãnh phát hành.

Vụ TCNH

UBCK, KBNN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

10

Xây dựng cơ chế pháp lý để Bảo hiểm tiền gửi mua TPCP.

Vụ TCNH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

II. Thị trường sơ cấp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

A. Trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Xây dựng kế hoạch phát hành TPCP hàng năm phù hợp với nhu cầu đầu tư và phân bổ hợp lý cho các kỳ hạn.

KBNN

Vụ NSNN, Cục QLN, Vụ TCNH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

Công khai kế hoạch phát hành theo quý, năm.

KBNN

HNX, VBMA

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

Xây dựng và phát triển hệ thống đại lý cấp I với chức năng tạo lập thị trường, đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ thành viên.

Vụ TCNH

Vụ NSNN, KBNN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4

Tập trung phát hành trái phiếu theo phương thức đấu thầu, thí điểm đấu thầu đa giá; tổ chức bảo lãnh phát hành trái phiếu theo hình thức dựng sổ phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

KBNN

Vụ TCNH, HNX

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5

Phát hành bổ sung, tổ chức mua lại, hoán đổi trái phiếu, hình thành trái phiếu chuẩn trên thị trường thứ cấp.

KBNN

Vụ TCNH, Cục QLN, HNX

 

 

 

 

 

 

 

 

 

6

Xây dựng đường cong lãi suất chuẩn của TPCP.

HNX

Vụ TCNH, KBNN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7

Phát triển các sản phẩm trái phiếu phái sinh phù hợp với mức độ phát triển của thị trường.

UBCK

Vụ TCNH, HNX, KBNN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

8

Phát hành các trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài cho các công ty bảo hiểm, các quỹ hưu trí.

Vụ TCNH

KBNN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

B. Trái phiếu doanh nghiệp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

9

Xây dựng hệ thống thông tin trái phiếu doanh nghiệp.

Vụ TCNH

VBMA

 

 

 

 

 

 

 

 

 

10

Xây dựng đường cong lãi suất trái phiếu doanh nghiệp.

VBMA

Vụ TCNH, HNX

 

 

 

 

 

 

 

 

 

11

Đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp như trái phiếu có lãi suất thả nổi, chương trình trái phiếu trung - dài hạn, chứng khoán hóa trên tài sản cơ sở.

Vụ TCNH và UBCK

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

III. Thị trường thứ cấp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống giao dịch trái phiếu tại HNX.

UBCK, HNX

Vụ TCNH, KBNN, VSD

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

Củng cố và hoàn thiện hệ thống tạo lập thị trường trái phiếu thứ cấp với quyền và nghĩa vụ của thành viên.

Vụ TCNH

Vụ NSNN, HNX, KBNN, NHNN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

Xây dựng chỉ số trái phiếu Chính phủ nhằm đánh giá hiệu quả tài chính của các danh mục đầu tư.

UBCK

Vụ TCNH, HNX, KBNN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4

Xây dựng cơ chế giao dịch TPCP ngay sau phiên phát hành trái phiếu.

Vụ TCNH

UBCK, HNX, VSD, KBNN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

IV. Hệ thống nhà đầu tư

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Khuyến khích Bảo hiểm Xã hội mua TPCP và từng bước thay thế hình thức vay trực tiếp bằng phát hành TPCP.

Vụ HCSN

KBNN, Vụ TCNH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

Triển khai cơ chế, chính sách về quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.

Vụ TCNH

Cục BH, UBCK

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

Khuyến khích Bảo hiểm tiền gửi tăng tỷ trọng mua TPCP.

Vụ TCNH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4

Khuyến khích các tổ chức kinh doanh bảo hiểm tăng tỷ trọng đầu tư vào TPCP.

Cục BH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5

Đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư, gồm cả quỹ trái phiếu.

UBCK

Vụ TCNH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

6

Khuyến khích các nhà đầu tư cá nhân tham gia mua TPCP.

KBNN

Vụ TCNH, HNX, VSD

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7

Đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia, thông qua các cơ chế thuế, phí giao dịch hợp lý, công cụ phòng ngừa rủi ro, GDNs.

Vụ TCNH

NHNN, UBCK, Vụ CST, KBNN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

V. Hạ tầng cơ sở

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Thực hiện tái cơ cấu công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, theo nguyên tắc, lộ trình tại Quyết định số 252/QĐ-TTg

UBCK

Vụ TCNH, Vụ PC.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

Hiện đại hóa công nghệ thông tin, giảm thời gian đăng ký, niêm yết TPCP từ T+4 xuống T+2.

HNX và VSD

UBCK, KBNN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

Thí điểm phát triển hệ thống thanh toán qua NHNN.

VSD

NHNN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4

Triển khai cơ chế, chính sách về công ty định mức tín nhiệm

Vụ TCNH

UBCK, Cục TCDN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5

Thí điểm công bố thông tin giao dịch và phát hành đối với TPDN (hệ thống giao dịch ngoài Sở GD).

Vụ TCNH

VBMA, UBCK

 

 

 

 

 

 

 

 

 

VI. Các giải pháp khác

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Phối hợp điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa.

Bộ Tài chính và NHNN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

Phối hợp NHNN rà soát các quy định về ngoại hối để sửa đổi, bổ sung công cụ phòng ngừa rủi ro, thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Vụ TCNH

NHNN, UBCK, Vụ PC

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

Xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác quản lý ngân quỹ và quản lý nợ.

KBNN

Vụ NSNN, Cục QLN, Vụ TCNH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4

Tổ chức đối thoại định kỳ với thành viên thị trường.

Vụ TCNH

KBNN, HNX, VSD, UBCK.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5

Tham gia các diễn đàn khu vực ASEAN, ASEAN + 3, ASEM, APEC, …

Vụ HTQT

UBCK, Vụ TCNH, Cục QLN, KBNN, HNX, VSD

 

 

 

 

 

 

 

 

 

6

Khuyến khích VBMA ban hành các chuẩn mực thị trường phù hợp với khuôn khổ pháp luật hiện hành.

VBMA

Vụ TCNH, UBCK, HNX

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7

Nâng cao vai trò của VBMA thông qua việc cung cấp các thông tin về phát hành, giao dịch, lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp

Vụ TCNH

VBMA, UBCK

 

 

 

 

 

 

 

 

 

8

Nâng cấp và hoàn thiện trang thông tin về thị trường trái phiếu Việt Nam cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế

Vụ HTQT

Vụ TCNH, UBCK, KBNN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 01/02/2013

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Quyết định 261/QĐ-BTC năm 2013 phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 261/QĐ-BTC Ngày ban hành 01/02/2013
Ngày có hiệu lực 01/02/2013 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Bộ Tài chính Tình trạng Đang có hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Quyết định 261/QĐ-BTC năm 2013 phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Mục lục

Mục lục

Close