ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3715/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 25 tháng 09 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN GIẢM THIỂU TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025;

Căn cứ Văn bản số 834/UBDT-DTTS ngày 13/8/2015 của Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 227/QĐ-UBND ngày 22/01/2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành Chương trình công tác năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa;

Căn cứ Quyết định số 1207/QĐ-UBND ngày 08/04/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt Đề cương Đề án Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa, đến năm 2020;

Xét đề nghị của Trưởng Ban Dân tộc tại Tờ trình số 343/TTr-BDT ngày 14/9/2015 về việc đề nghị phê duyệt Đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, với nội dung chính như sau:

I. TÊN ĐỀ ÁN

Đề án Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Đối tượng áp dụng

- Hộ gia đình, phụ nữ và nam giới người dân tộc thiểu số;

- Nhóm vị thành niên, thanh niên là người dân tộc thiểu số; phụ huynh, học sinh các trường phổ thông, trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú vùng dân tộc thiểu số;

- Cán bộ, công chức xã, thôn bản và người có uy tín trong đồng bào người dân tộc thiểu số;

- Các đối tượng có liên quan khác.

2. Phạm vi thực hiện

Đề án được thực hiện trên địa bàn 11 huyện miền núi gồm: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Thạch Thành, Cẩm Thủy và 07 huyện, thị có xã, phường miền núi (có người dân tộc thiểu số sinh sống): Thọ Xuân, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Yên Định, Tĩnh Gia, Thị xã Bỉm Sơn.

3. Thời gian thực hiện

Đề án thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020

III. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu tổng quát

Đến năm 2020 ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

2.1. Nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong lĩnh vực hôn nhân trong đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2020

- 100% cán bộ, công chức xã, thôn bản vùng dân tộc, miền núi; người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được quán triệt, phổ biến cung cấp thông tin, kiến thức và cam kết thực hiện các quy định của pháp luật liên quan lĩnh vực hôn nhân và gia đình;

- 80% đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng vị thành niên, thanh niên người dân tộc thiểu số, phụ huynh, học sinh các trường phổ thông, trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú được tuyên truyền cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật liên quan về lĩnh vực hôn nhân, về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình;

2.2. Giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng

- Giảm thiểu số cặp tảo hôn, phấn đấu đến năm 2020 không còn tảo hôn;

- Đến năm 2020 về cơ bản giảm tối thiểu kết hôn cận huyết thống.

IV. NỘI DUNG

1. Giai đoạn 1: Từ năm 2016 - 2018

1.1. Tổ chức biên soạn các loại tài liệu tiếng Việt, phiên âm tiếng dân tộc có nội dung tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bao gồm: Tờ rơi, tờ gấp, sổ tay hỏi đáp, Pa nô, áp phích.

1.2. Xây dựng Mô hình giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống quy mô cấp xã, nhà trường trên địa bàn các huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Ngọc Lặc, Bá Thước (mỗi huyện 02 Mô hình). Đối với 05 huyện biên giới lựa chọn 01 xã và trường dân tộc nội trú huyện để thực hiện Mô hình; các huyện còn lại Như Xuân, Như Thanh, Ngọc Lặc, Bá Thước lựa chọn 01 xã và 01 trường Trung học cơ sở để thực hiện Mô hình.

* Nội dung hoạt động cụ thể của Mô hình

- Tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật hôn nhân, gia đình và các vấn đề về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (do tư pháp xã tham mưu thực hiện);

- Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã (do Ban văn hóa xã tổ chức thực hiện);

- Hỗ trợ sinh hoạt câu lạc bộ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (do Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ xã tổ chức thực hiện);

- Hỗ trợ hoạt động tư vấn sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân (do Y tế xã thực hiện);

- Hỗ trợ thôn điểm trong các xã thực hiện Mô hình (02 thôn/xã) trong các hoạt động của thôn, bản có lồng ghép nội dung truyền thông liên quan đến giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống;

- Tổ chức các hoạt động ngoại khóa có nội dung truyền thông về luật hôn nhân và gia đình (đối với các trường Mô hình điểm) do Nhà trường thực hiện.

1.3. Tổ chức hoạt động truyền thông, cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình trong cộng đồng người dân tộc thiểu số bằng hình thức tổ chức các Hội nghị tuyên truyền và tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề về Luật hôn nhân và gia đình trong các trường THCS, THPT và trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Tổ chức thực hiện trên địa bàn 11 huyện miền núi.

1.4. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về công tác tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ truyền thông cơ sở, công chức tư pháp xã, công chức công tác dân tộc, cán bộ thôn, bản và cộng tác viên dân số thôn, bản (thời gian thực hiện năm 2016-2017). Thực hiện đối với 223 xã miền núi thuộc 11 huyện miền núi và 07 huyện thị có xã miền núi.

1.5. Thực hiện tuyên truyền trên đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh, báo viết của tỉnh và Đài Phát thanh & Truyền hình 11 huyện miền núi và 07 huyện thị có xã miền núi.

1.6. Tổ chức các buổi trao đổi, nói chuyện về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các trường học trên địa bàn 11 huyện miền núi và 07 huyện thị có xã miền núi.

2. Giai đoạn 2: Từ năm 2019 - 2020 tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng thực hiện tuyên truyền trên toàn vùng dân tộc, miền núi.

2.1. Tổ chức các hội nghị tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các xã và thôn bản trên địa bàn 11 huyện miền núi.

2.2. Thực hiện tuyên truyền trên đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh, báo viết của tỉnh và Đài Phát thanh & Truyền hình 11 huyện miền núi và 07 huyện thị có xã miền núi.

2.3. Tổ chức các buổi trao đổi, nói chuyện về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các trường học trên địa bàn 11 huyện miền núi và 07 huyện thị có xã miền núi.

2.4. Tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ và trong sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trên địa bàn 11 huyện miền núi và 07 huyện thị có xã miền núi.

V. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ chủ yếu

- Hàng năm khảo sát đánh giá thực trạng nhận thức, hiểu biết của các đối tượng thuộc Đề án về các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình;

- Thực hiện các hoạt động truyền thông về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống;

- Tăng cường các hoạt động can thiệp, hỗ trợ nhằm giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số;

- Triển khai thực hiện Mô hình điểm đối với một số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao;

- Đánh giá sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.

2. Giải pháp thực hiện

2.1. Giải pháp quản lý chỉ đạo

Tăng cường hơn nữa sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn các huyện miền núi, dân tộc thông qua việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị và cách làm cụ thể phù hợp với đặc điểm của từng huyện. Thường xuyên kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện và phân công cán bộ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án. Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đề án.

Xử lý nghiêm việc vi phạm về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và các hành vi khác vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình theo đúng quy định của pháp luật.

2.2. Giải pháp tuyên truyền

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và Luật Hôn nhân và Gia đình cho các đối tượng của Đề án; đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền; sử dụng các hình thức gần gũi, trực tiếp với người dân, phù hợp với văn hóa, dân trí theo từng dân tộc, từng khu vực;

- Cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông, tài liệu tập huấn về kiến thức, kỹ năng vận động, tư vấn pháp luật về hôn nhân và gia đình ở vùng dân tộc thiểu số;

- Cụ thể hóa công tác tuyên truyền bằng việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, văn nghệ, lễ hội nhằm tuyên truyền hạn chế nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số;

- Phối kết hợp vai trò tuyên truyền của các tổ chức đoàn thể tại cơ sở như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi...; phát huy vai trò người có uy tín, già làng tại thôn bản.

2.3. Giải pháp về nguồn nhân lực

Kiện toàn và thường xuyên tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông tư vấn cho đội ngũ cộng tác viên dân số, y tế thôn bản, tuyên truyền viên xã, thị trấn, Đoàn thanh niên các trường THCS, THPT.

2.4. Giải pháp về vốn

Huy động vốn từ ngân sách Nhà nước, địa phương, thu hút vốn đầu tư từ các chương trình, dự án nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo nguồn lực để thực hiện tốt và đầy đủ các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình trong vùng Đề án.

2.5. Phối hợp, lồng ghép với các chương trình dự án khác

Chủ động phối hợp, lồng ghép với các dự án do các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đang hoạt động trên địa bàn có cùng mục tiêu, tranh thủ các nguồn lực: Kỹ thuật, kinh nghiệm, vốn để lồng ghép thực hiện đạt được mục tiêu chung.

3. Dự báo những khó khăn khi thực hiện Đề án

- Địa bàn thực hiện Đề án rộng, trong đó một số dân tộc có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn có phong tục tập quán khác nhau, dân trí còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến công tác DS-KHHGĐ cũng như việc kết hôn trước tuổi quy định;

- Năng lực của hệ thống cán bộ thực hiện công tác truyền thông về dân số KHHGĐ, Luật hôn nhân và gia đình, về giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn nhiều hạn chế, chưa được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tuyên truyền, bên cạnh đó chưa có chính sách động viên về vật chất để các tuyên truyền viên thực hiện tốt nhiệm vụ hơn;

- Nhận thức của đồng bào còn hạn chế, đồng thời chịu ảnh hưởng chi phối mạnh của các phong tục tập quán lạc hậu trong hôn nhân từ lâu đời để lại;

- Điều kiện giao thông trong vùng khó khăn, các công trình sinh hoạt cộng đồng nhà văn hóa xã, thôn bản và những trang thiết bị phục vụ cho công tác tuyên truyền còn thiếu nhiều, ảnh hưởng lớn đến công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, khó khăn cho việc triển khai thực hiện Đề án.

VI. KINH PHÍ VÀ CƠ CHẾ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện

Tổng kinh phí thực hiện Đề án là: 9.974.770 nghìn đồng (Chín tỉ chín trăm bảy tư triệu bảy trăm bảy mươi ngàn đồng).

(Có Phụ lục chi tiết gửi kèm)

2. Phân kỳ và nguồn vốn

Đơn vị tính: Nghìn đồng

Năm

Tng

Trong đó

Ngân sách tỉnh

Ngân sách huyện

2016

2.783.290

2.624.290

159.000

2017

1.939.940

1.780.940

159.000

2018

1.676.340

1.517.340

159.000

2019

1.782.300

508.300

1.274.000

2020

1.792.900

518.900

1.274.000

Tổng

9.974.770

6.949.770

3.025.000

3. Cơ chế quản lý tài chính

3.1. Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BTC-BYT ngày 20/2/2013 của Liên bộ Tài Chính, Y tế về quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2012 - 2015; Thông tư liên tịch số 56/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 09/4/2012 của Liên bộ Tài chính, Lao động, thương binh & xã hội về quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015.

3.2. Hàng năm căn cứ vào Đề án được phê duyệt, Ban Dân tộc lập dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính thẩm định trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán kinh phí gửi Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc xin hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện.

VII. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN

1. Hiệu quả về xã hội

Nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành luật pháp của nhân dân nói chung, đặc biệt trong việc chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình và Luật Bình đẳng giới, từ đó ngăn chặn và giảm thiểu được tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn vùng Đề án; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có khả năng hội nhập và phát triển trong khu vực và quốc tế.

Phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, hòa nhập với các dân tộc khác trong vùng góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam; đồng thời, tăng thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

2. Hiệu quả về kinh tế

Đề án được thực hiện sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về trí lực và thể lực, tạo ra lực lượng lao động có chất lượng là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trong vùng để đồng bào tự vươn lên thoát nghèo bền vững; đồng thời, Nhà nước cũng sẽ giảm được các chi phí cho công tác an sinh xã hội và các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người do hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây nên, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trong vùng tốt hơn.

VIII. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Các Sở, ban ngành cấp tnh

1.1. Ban Dân tộc tỉnh

- Là cơ quan Thường trực Đề án: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện Đề án;

- Xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm, tổ chức, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án, theo định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

1.2. Sở Kế hoạch & Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc và các sở, ngành liên quan bố trí vốn; lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.

1.3. Sở Tài chính

Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh phân bổ kinh phí hàng năm theo Đề án đã được phê duyệt và kiểm tra, giám sát công tác giải ngân, hướng dẫn sử dụng, quản lý và thanh quyết toán nguồn vốn thực hiện Đề án.

1.4. Sở Tư pháp

Tổ chức các chương trình, hoạt động tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, lồng ghép trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số.

1.5. Sở Y tế

- Chỉ đạo Chi cục Dân số - KHHGĐ phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện hoạt động Đề án Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống và đưa vào Chương trình Dân số - KHHGĐ hàng năm của đơn vị để tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số;

- Chỉ đạo các Trung tâm y tế huyện vùng miền núi dân tộc lồng ghép việc thực hiện Đề án vào các Chương trình công tác hàng năm của đơn vị, trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số - KHHGĐ và nâng cao sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số.

1.6. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chỉ đạo các đơn vị, trường học thực hiện lồng ghép các nội dung của Đề án vào trong các hoạt động giáo dục của nhà trường, xây dựng các chuyên đề ngoại khóa với các nội dung liên quan đến công tác tuyên truyền giáo dục vị thành niên, thanh niên về sức khỏe sinh sản; tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

1.7. Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa, triển khai lồng ghép các nội dung tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trên địa bàn dân tộc miền núi, tổ chức chỉ đạo các hoạt động văn hóa cộng đồng tại thôn bản. Đặc biệt là nội dung Đề án vào quy ước, hương ước thôn, bản.

1.8. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Có trách nhiệm chỉ đạo các đồn Biên phòng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thuộc khu vực biên giới thực hiện tốt pháp luật hôn nhân và gia đình.

1.9. Các sở, ban ngành liên quan

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện Đề án.

1.10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên

Tổ chức vận động thành viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt Đề án.

1.11. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

Lồng ghép với chương trình hoạt động của mình để truyền thông sâu, rộng việc chấp hành tốt Luật hôn nhân và gia đình trong phụ nữ, đồng thời quan tâm giáo dục lớp trẻ không kết hôn trước tuổi quy định và không hôn nhân cận huyết thống.

1.12. Đề nghị Tỉnh đoàn

Đẩy mạnh các phong trào hoạt động trong thanh niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tuyên truyền cho các đối tượng vị thành niên, thanh niên không kết hôn sớm trước tuổi pháp luật quy định, có lối sống lành mạnh, thực hiện tốt Luật Hôn nhân và Gia đình đối với thanh thiếu niên trên địa bàn vùng dân tộc, miền núi.

1.13. Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa và Đài phát thanh - truyền hình các huyện vùng miền núi:

Có trách nhiệm xây dựng các nội dung Tuyên truyền về hậu quả, tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

2. Cấp huyện

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các đoàn thể, các trạm y tế phối hợp lồng ghép thực hiện Đề án trong chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của địa phương. Huy động các nguồn lực khác trong xã hội cùng tham gia thực hiện Đề án.

3. Chế độ báo cáo

UBND các huyện báo cáo kết quả thực hiện về Ban dân tộc (cơ quan chủ trì Đề án) để tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, định kỳ báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm (trước ngày 10 tháng 6); báo cáo tổng kết năm (trước ngày 05 tháng 12).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng Ban Dân tộc; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tư pháp; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; UBMTTQ tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn; Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa; Chủ tịch UBND 11 huyện miền núi và 7 huyện, thị xã giáp ranh có xã miền núi; các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 QĐ này (để thực hiện);
- Ủy ban Dân tộc
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- PCT UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền;
- Lưu: VT, VX, V1.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Đăng Quyền

 

PHỤ LỤC

KINH PHÍ THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG ĐỀ ÁN
(Kèm theo Quyết định số: 3715/QĐ-UBND ngày 25/9/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)

Đơn vị: Nghìn đồng

STT

Nội dung

Tng

Trong đó

Tỉnh

Huyện

1

Xây dựng các sản phẩm truyền thông (pa nô, áp phích, tờ rơi, tờ gấp, sổ tay)

2.285.750

2.285.750

0

2

Tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ truyền thông xã thôn bản

335.700

335.700

0

3

Tổ chức Hội nghị tuyên truyền tại xã thôn bản

1.034.000

1.034.000

0

4

Tuyên truyền trên sóng Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, huyện và các Báo của tỉnh

870.000

870.000

0

5

Xây dựng Mô hình điểm là: nghìn đồng

1.689.120

1.689.120

0

6

Thực hiện lồng ghép nội dung tuyên truyền trong hoạt động hội nghị, hội thảo, giao lưu văn hóa lễ hội nhằm tuyên truyền hạn chế nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

2.230.000

0

2.230.000

7

Tổ chức các cuộc truyền thông chuyên đề tại các trường THCS và THPT

435.000

435.000

0

8

Chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án là:

1.095.200

 

 

 

Kinh phí chỉ đạo của các Sở, ban ngành cấp tỉnh

300.200

300.200

0

 

Kinh phí chỉ đạo của các huyện: nghìn đồng

795.000

0

795.000

 

Tng

9.974.770

6.949.770

3.025.000

 

THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 25/09/2015

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Quyết định 3715/qđ-ubnd năm 2015 về phê duyệt đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh thanh hóa đến năm 2020

Số hiệu 3715/QĐ-UBND Ngày ban hành 25/09/2015
Ngày có hiệu lực 25/09/2015 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Tỉnh Thanh Hóa Tình trạng Đang có hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Quyết định 3715/qđ-ubnd năm 2015 về phê duyệt đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh thanh hóa đến năm 2020
Mục lục

Mục lục

Close