Văn bản "Quyết định 41/2005/QĐ-BGTVT về trình tự, thủ tục xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành" đã HẾT HIỆU LỰC từ ngày 01/07.2017 và được thay thế bởi Thông tư 30/2016/TT-BGTVT quy định về thủ tục trình tự và xác nhận kháng nghị hàng hải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, có hiệu lực từ 01/07/2017

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 41/2005/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 16 tháng 09 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÁC NHẬN VIỆC TRÌNH KHÁNG NGHỊ HÀNG HẢI TẠI VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005.
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định về trình tự, thủ tục xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải của thuyền trưởng tàu biển Việt Nam và thuyền trưởng tàu biển nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với thuyền trưởng tàu biển Việt Nam, thuyền trưởng tàu biển nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Giá trị pháp lý của kháng nghị hàng hải

1. Kháng nghị hàng hải được xác nhận theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Quyết định này có giá trị chứng cứ pháp lý khi giải quyết các tranh chấp có liên quan.

2. Kháng nghị hàng hải đã được xác nhận theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Quyết định này không miễn trừ trách nhiệm pháp lý của thuyền trưởng đối với các sự kiện có liên quan.

Điều 4. Ngôn ngữ trong việc lập, xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải

Kháng nghị hàng hải được lập, xác nhận bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, trường hợp kháng nghị hàng hải được lập bằng tiếng Anh thì theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền xác nhân việc trình kháng nghị hàng hải, thuyền trưởng phải trình kèm theo bản dịch bằng tiếng Việt.

Điều 5. Cơ quan xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải tại Việt Nam

Cảng vụ hàng hải xác nhân việc trình kháng nghị hàng hải của thuyền trưởng tàu biển Việt Nam, thuyền trưởng tàu biển nước ngoài hoạt động tại các cảng biển và khu vực quản lý của Cảng vụ hàng hải đó.

Trường hợp tàu biển hoạt động trong các vùng nước khác của Việt Nam thì thuyền trưởng có thể trình kháng nghị hàng hải tại một trong các cơ quan sau Cảng vụ hàng hải, Phòng Công chứng nhà nước, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cấp huyện nơi gần nhất:

Điều 6. Thời gian trình kháng nghị hàng hải

1. Nếu tai nạn, sự cố xảy ra trong khi tàu hành trình trên biển thì kháng nghị hàng hải phải được trình cơ quan có thẩm quyền xác nhận quy định tại Điều 5 của Quyết định này trong vòng 24 giờ kể từ khi tàu ghé vào cảng biển đầu tiên.

2. Nếu tai nạn, sự cố xảy ra tại cảng biển Việt Nam thì kháng nghị hàng hải phải được trình cơ quan có thẩm quyền xác nhận quy định tại Điều 5 của Quyết định này trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra tai nạn, sự cố đó.

3. Nếu tai nạn, sự cố xảy ra có liên quan đến hàng hóa trong hầm hàng thì kháng nghị hàng hải phải được trình cơ quan có thẩm quyền xác nhận quy định tại Điều 5 của Quyết định này trước khi mở nắp hầm hàng.

4. Nếu không thể trình kháng nghị hàng hải trong thời hạn quy định tại các khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này thì trong kháng nghị hàng hải phải ghi rõ nguyên nhân của sự chậm trễ đó.

Điều 7. Thủ tục trình kháng nghị hàng hải

Trừ trường hợp bất khả kháng, khi trình xác nhận kháng nghị hàng hải cho cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 5 Quyết định này, thuyền trưởng phải nộp và xuất trình các giấy tờ sau;

1. Các giấy tờ phải nộp:

a) Kháng nghị hàng hải (02 bản);

b) Bản trích sao Nhật ký hàng hải những phần có liên quan đến vụ việc (02 bản);

c) Bản trích sao hải đồ liên quan đến vụ việc (02 bản).

2. Các giấy tờ xuất trình:

a) Nhật ký hàng hải (bản chính);

b) Hải đồ liên quan đến vụ việc (bản chính).

3. Giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này phải có chữ ký của thuyền trưởng và đóng dấu của tàu; đối với bản kháng nghị hàng hải, ngoài chữ ký của thuyền trưởng có đóng dấu tàu còn phải có chữ ký của máy trưởng, một sĩ quan hoặc một thủy thủ với tư cách là những người làm chứng.

4. Ngoài số lượng bản kháng nghị hàng hải được quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, thuyền trưởng có thể yêu cầu xác nhận thêm các bản khác có cùng nội dung, nếu thấy cần thiết.

Điều 8. Xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải

1. Khi thuyền trưởng hoặc người được thuyền trưởng uỷ quyền xuất trình và nộp đủ các giấy tờ quy định tại Điều 7 của Quyết định này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải vào bản kháng nghị hàng hải.

2. Xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải gồm các nội dung sau đây:

a) Ngày, giờ nhận trình kháng nghị hàng hải;

b) Xác nhận việc đã nhận trình kháng nghị hàng hải;

c) Họ, tên, chức danh và chữ ký của người xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải;

d) Đóng dấu của cơ quan xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải.

3. Thời hạn giải quyết xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải không quá một giờ làm việc đối với Cảng vụ hàng hải và ba giờ làm việc đối với các cơ quan có thẩm quyền khác, kể từ khi đã nhận đủ các giấy tờ hợp lệ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7 của Quyết định này.

4. Cơ quan xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải lưu 01 bộ giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 7 của Quyết định này, 01 bộ giấy tờ còn lại trả cho thuyền trưởng.

Điều 9. Trình kháng nghị hàng hải bổ sung

1. Thuyền trưởng có quyền lập kháng nghị hàng hải bổ sung nếu thấy cần thiết.

2. Kháng nghị hàng hải bổ sung cũng phải được trình cho cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Trình tự, thủ tục xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải bổ sung được áp dụng tương tự như trình tự, thủ tục xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải.

Điều 10. Lệ phí xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải

Cơ quan có thẩm quyền xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải được thu lệ phí xác nhận trình kháng nghị hàng hải theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2006 và thay thế Quyết định số 1438/QĐ-PC ngày 08 tháng 9 năm 1994 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về cơ quan, trình tự và thủ tục xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải ở Việt Nam.

Điều 12. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nơi nhận:
- Như Điều 12;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, ngành;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Lưu: VT, PC.

BỘ TRƯỞNG
 



Đào Đình Bình


 

THEGIOILUAT.VN
Hết hiệu lực
Hết HL: 01/07/2017

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Quyết định 41/2005/QĐ-BGTVT về trình tự, thủ tục xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 41/2005/QĐ-BGTVT Ngày ban hành 16/09/2005
Ngày có hiệu lực 01/01/2006 Ngày hết hiệu lực 01/07/2017
Nơi ban hành Bộ Giao thông vận tải Tình trạng Hết hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Quyết định 41/2005/QĐ-BGTVT về trình tự, thủ tục xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
Mục lục

Mục lục

Close