VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2019

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH PHÚ THỌ.

Ngày 25 tháng 01 năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đi thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, phương hướng nhiệm vụ năm 2019 và một số kiến nghị với Chính phủ. Cùng dự buổi làm việc với Phó Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Tỉnh và ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn và những thành tựu đạt được của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ trong những năm qua. Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng kinh tế của Tỉnh tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực đã thu hút các nguồn lực nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế của địa phương. Năm 2018, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của Tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch (12/12). Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,34% (công nghiệp - xây dựng tăng 10,75%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,29%; dịch vụ tăng 7,69%); GRDP bình quân đầu người đạt 40,8 triệu đồng; giá trị xuất khẩu đạt 1,33 tỷ USD; thu ngân sách trên địa bàn đạt 6.400 tỷ đồng; 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới (toàn tỉnh có 81 xã đạt chuẩn nông thôn mới). Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 89%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5% (đến hết năm 2018 là 7,4%). Các chính sách xã hội được tăng cường triển khai; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,5%; số lao động có việc làm tăng thêm là 16,1 nghìn người, xuất khẩu 2,5 nghìn lao động; khách du lịch lưu trú đạt 580 nghìn lượt, tăng 16% so cùng kỳ; doanh thu từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã tăng 2 bậc lên vị trí thứ 27, vào nhóm các tỉnh loại khá của cả nước. Đã thu hút 131 dự án đầu tư trong nước và 13 dự án đầu tư nước ngoài. Công tác phát triển doanh nghiệp được chú trọng, thành lập mới 810 doanh nghiệp, tăng 17% so với cùng kỳ (toàn tỉnh có 7.360 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có 76% doanh nghiệp hoạt động). Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhất là giao thông đầu tư khá đồng bộ; đặc biệt, Tỉnh chủ động đầu tư và kêu gọi đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp (7 khu công nghiệp; 26 cụm công nghiệp), phát triển đô thị; công tác quản lý đầu tư xây dựng được chú trọng; công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường tiếp tục được tăng cường. Đẩy mạnh triển khai công tác dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Công tác đảm bảo an sinh xã hội và giải quyết việc làm, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục, đào tạo và thực hiện các chính sách đối với người có công, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm; công tác quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại tiếp tục được tăng cường, mở rộng.

Tuy nhiên, Phú Thọ còn nhiều khó khăn, thách thức đó là: Tăng trưởng kinh tế khá nhưng quy mô kinh tế còn nhỏ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, nhưng chưa đột phá thúc đẩy tăng trưởng cao, các sản phẩm công nghiệp mới giá trị gia tăng còn thấp. Đặc biệt sản phẩm nội địa hóa, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao, tiềm năng du lịch lớn song việc huy động nguồn lực còn khó khăn. Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã được triển khai tích cực nhưng mô hình đưa ra sản phẩm có chất lượng cao giá trị gia tăng lớn còn hạn chế. Quy mô của nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn nhỏ, đầu tư đổi mới công nghệ còn hạn chế; chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư dự án quy mô lớn, có tác động lan tỏa. Sản xuất nông nghiệp phát triển chưa thật sự bền vững; liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn; công tác dồn đổi, tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp tại nhiều địa phương hiệu quả chưa cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số cơ sở sản xuất chưa được khắc phục triệt để. Phát triển kết cấu hạ tầng còn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn đầu tư công; thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển còn khó khăn; thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công - tư còn vướng mắc. Công tác quản lý đất đai; tài chính; bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án còn tồn tại nhiều vướng mắc. Tình trạng xây dựng trái phép, khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Về cơ bản nhất trí phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới của Tỉnh, Phú Thọ cần tiếp tục tập trung tranh thủ thời cơ khai thác lợi thế vượt qua khó khăn, thách thức khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém, khai thác tiềm năng, lợi thế để có giải pháp đột phá, thực hiện quyết liệt để xây dựng phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

1. Tập trung quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết 01/NQ-CP Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 để triển khai nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh năm 2019.

2. Rà soát, điều chỉnh bổ sung lập mới cập nhật các quy hoạch, đặc biệt quan tâm đến quy hoạch đô thị, điện, hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch...và tiến hành chuẩn bị lập quy hoạch tỉnh theo Luật quy hoạch trên cơ sở lập kế hoạch thực hiện quy hoạch từ đó xác định các dự án ưu tiên để chuẩn bị đầu tư và xây dựng kế hoạch đầu tư 2021-2025. Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật quy hoạch, trong đó chủ động nghiên cứu, rà soát, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của Luật quy hoạch.

3. Đẩy mạnh tái cấu trúc, tái cơ cấu nền kinh tế ngành, lĩnh vực, sản phẩm; tập trung sản phẩm chủ lực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững lấy công nghiệp làm nền tảng để thúc đẩy phát triển sản xuất, giải quyết lao động việc làm, thu ngân sách nhà nước. Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ giá trị gia tăng cao và thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ; đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và vận dụng thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế, chuyển đổi hoạt động của doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất, hạn chế doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động giản đơn.

4. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới hoạt động các tổ chức liên quan đến kêu gọi đầu tư, ban quản lý khu công nghiệp; cải cách hành chính đặc biệt là thủ tục hành chính. Tổ chức thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

5. Rà soát, hoàn thiện phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng nhất là hệ thống giao thông, các công trình trọng điểm; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm ưu tiên kết nối các khu vực phát triển và các dự án phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ...Huy động các nguồn vốn xã hội hóa, đẩy mạnh phát triển đô thị gắn với khu công nghiệp và đô thị nhà ở.

6. Tăng cường phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công; bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp hiệu quả đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo. Quan tâm các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chương trình, dự án về giảm nghèo

7. Tập trung xử lý những vấn đề bức xúc của người dân, kiểm tra xem xét, giải quyết việc khiếu nại tố cáo của công dân nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người kéo dài, kịp thời giải quyết những vướng mắc, tâm tư nguyện vọng của người dân không để xảy ra những điểm nóng phức tạp. Quan tâm đến các điều kiện đảm bảo ổn định xã hội xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, chất lượng. Chăm lo các đối tượng chính sách, đối tượng người nghèo trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc không để hộ gia đình không có tết. Thực hiện nghiêm Chỉ thị 34/CT-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

III. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH:

1. Về ủy quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Việt Trì đến năm 2030: Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan xem xét, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Về thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020): Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, hướng dẫn Tỉnh thực hiện các nội dung trên đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

3. Về đầu tư hoàn thiện tuyến Quốc lộ 32C đoạn qua thành phố Việt Trì (từ km11+585 - km21+100): Rà soát lại Dự án để đề xuất hoàn thiện đầu tư theo quy định; trước mắt, có các phương án xử lý phù hợp bảo đảm an toàn giao thông tại các điểm đen hay xảy ra tai nạn giao thông; giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan xem xét bố trí từ nguồn Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác để giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

4. Về bàn giao diện tích đất nông, lâm trường của Tổng Công ty giấy đang quản lý về địa phương: Giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 114/TB-VPCP ngày 22 tháng 3 năm 2018 khẩn trương trình duyệt phương án sử dụng đất làm cơ sở thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp theo quy định.

5. Về điều chỉnh vị trí các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ đến năm 2020: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xem xét, giải quyết kiến nghị của Tỉnh. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

6. Về điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2016: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, giải quyết kiến nghị của của Tỉnh theo thẩm quyền. Tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền. Đồng thời khẩn trương chỉ đạo tổ chức rà soát, thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong quý I năm 2019.

7. Về chuyển tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh Phú Thọ ra ngoài khu vực trung tâm của thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ: Giao Bộ Giao thông vận tải xem xét đề nghị của Tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư xây dựng cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai (Yên Viên - Lào Cai) và xây mới tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả đầu tư.

8. Về phân cấp quản lý cấp phép khoáng sản phục vụ sản xuất, chế biến cho Tỉnh: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, kiến nghị của Tỉnh trong quá trình sửa đổi Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 theo tinh thần phân cấp mạnh cho các địa phương như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương cuối tháng 12 năm 2018, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

9. Về hoàn trả kinh phí Tỉnh đã bố trí đầu tư Dự án nút giao IC-11 trong năm 2019 và những năm tiếp theo: Giao Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chỉ đạo Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) xem xét, xử lý kiến nghị của Tỉnh.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Lao động-Thương binh và Xã hội;
- Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ;
- Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC);
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, PTTg; TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, NN, CN, ĐMDN;
- Lưu: VT, QHĐP (3b). Thg

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục

 

THEGIOILUAT.VN
Không xác định

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Thông báo 49/TB-VPCP năm 2019 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 49/TB-VPCP Ngày ban hành 01/02/2019
Ngày có hiệu lực 01/02/2019 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Văn phòng chính phủ Tình trạng Không xác định

Tóm tắt nội dung

Thông báo 49/TB-VPCP năm 2019 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ do Văn phòng Chính phủ ban hành
Mục lục

Mục lục

Close