Văn bản "Thông tư 144/1999/TT-BTC quy định chế độ hoa hồng bảo hiểm nhân thọ do Bộ Tài chính ban hành" đã HẾT HIỆU LỰC từ ngày 16/08.2001 và được thay thế bởi Thông tư 71/2001/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 42/2001/NĐ-CP thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ 16/08/2001

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 144/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 144/1999/TT-BTC NGÀY 13 THÁNG 12 NĂM 1999 QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ HOA HỒNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Căn cứ Nghị định số 100/CP ngày 18/12/1993 của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 74/CP ngày 14/6/1997 sửa đổi bổ sung một số điều quy định tại Nghị định số 100/CP ngày 18/12/1993 của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm;
Căn cứ Thông tư số 76 TC/TCNH ngày 25/10/1995 của Bộ Tài chính quy định chế độ hoa hồng bảo hiểm và Thông tư số 02 TC/TCNH ngày 4/1/1996 hướng dẫn sửa đổi, bổ sung việc thực hiện chế độ hoa hồng bảo hiểm;
Bộ Tài chính quy định chế độ hoa hồng bảo hiểm nhân thọ như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng áp dụng Thông tư này là doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm được phép thành lập và hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ hợp pháp tại Việt Nam; đại lý, cộng tác viên bảo hiểm đã ký hợp đồng đại lý, cộng tác viên bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm.

2. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ bao gồm các loại hình bảo hiểm cơ bản sau đây:

2.1. Bảo hiểm tử kỳ là loại hình bảo hiểm nhân thọ có đặc trưng cơ bản là số tiền bảo hiểm được trả một lần khi người được bảo hiểm chết trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định tại hợp đồng bảo hiểm.

2.2. Bảo hiểm sinh kỳ thuần tuý là loại hình bảo hiểm nhân thọ có đặc trưng cơ bản là số tiền bảo hiểm được trả một lần khi người được bảo hiểm sống đến thời điểm kết thúc thời hạn bảo hiểm theo quy định tại hợp đồng bảo hiểm.

2.3. Bảo hiểm hỗn hợp là loại hình bảo hiểm nhân thọ có đặc trưng cơ bản là số tiền bảo hiểm được trả khi người được bảo hiểm chết trong thời hạn bảo hiểm hoặc còn sống đến thời điểm kết thúc thời hạn bảo hiểm theo quy định tại hợp đồng bảo hiểm.

2.4. Bảo hiểm trọn đời là loại hình bảo hiểm nhân thọ có đặc trưng cơ bản là số tiền bảo hiểm được trả khi người được bảo hiểm chết tại bất cứ thời điểm nào theo quy định tại hợp đồng bảo hiểm.

2.5. Niên kim là loại hình bảo hiểm nhân thọ có đặc trưng cơ bản là số tiền bảo hiểm được trả định kỳ theo quy định tại hợp đồng bảo hiểm.

2.6. Bảo hiểm nhân thọ theo nhóm là việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ cho một nhóm người có chung mối quan hệ nhất định.

3. Bảo hiểm con người khác là loại hình bảo hiểm cho những rủi ro liên quan đến con người (bảo hiểm tai nạn cá nhân, bảo hiểm chi phí phẫu thuật, bảo hiểm trợ cấp y tế....).

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Đối tượng được hưởng hoa hồng bảo hiểm nhân thọ :

1.1. Đại lý, cộng tác viên bảo hiểm theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về hoạt động đại lý, cộng tác viên bảo hiểm.

1.2. Tổ chức môi giới bảo hiểm theo quy định hiện hành của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm.

2. Đối tượng không được hưởng hoa hồng bảo hiểm nhân thọ :

- Các tổ chức, cá nhân không được phép ký hợp đồng đại lý, cộng tác viên hoặc môi giới bảo hiểm theo quy định của pháp luật Việt Nam.

- Các tổ chức, cá nhân trực tiếp mua bảo hiểm.

- Cán bộ, nhân viên của chính doanh nghiệp bảo hiểm.

- Đại lý, cộng tác viên bảo hiểm chưa ký hợp đồng khai thác bảo hiểm nhân thọ với doanh nghiệp bảo hiểm.

3. Tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm:

3.1. Đối với loại hình bảo hiểm nhân thọ cá nhân; loại hình bảo hiểm nhân thọ nhóm:

Doanh nghiệp bảo hiểm phải căn cứ vào bảng tỷ lệ hoa hồng tối đa áp dụng cho các loại hình bảo hiểm nhân thọ được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này để xây dựng tỷ lệ hoa hồng đối với từng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của doanh nghiệp.

3.2. Đối với loại hình bảo hiểm con người khác có thời hạn một năm trở xuống: Tỷ lệ hoa hồng tối đa bằng 10% phí bảo hiểm toàn phần.

3.3. Đối với loại hình bảo hiểm nhân thọ không thuộc quy định tại điểm 2 Mục I của Thông tư này và loại hình bảo hiểm con người khác có thời hạn trên một năm, thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trình Bộ Tài chính phê chuẩn tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm trước khi áp dụng.

4. Về mức chi hoa hồng và hạch toán:

4.1 Về mức chi hoa hồng: Căn cứ vào số phí bảo hiểm toàn phần và tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm nhân thọ đã quy định, doanh nghiệp bảo hiểm phải lập chứng từ chi theo chế độ hiện hành để chi trả cho đối tượng được hưởng hoa hồng bảo hiểm nhân thọ.

Mức trả hoa hồng bảo hiểm cho đối tượng được hưởng và mức hoa hồng bảo hiểm dùng để phục vụ cho việc quản lý đại lý chỉ được chi trong phạm vi tỷ lệ tối đa quy định tại bảng tỷ lệ hoa hồng trong phụ lục Thông tư này.

4.2 Về hạch toán chi hoa hồng: Khoản chi hoa hồng bảo hiểm nhân thọ được hạch toán vào chi phí trực tiếp kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm.

Cuối năm tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm được kết chuyển phần hoa hồng còn lại (chưa chi) để sử dụng trong các năm sau.

5. Sử dụng hoa hồng:

Doanh nghiệp bảo hiểm được dùng hoa hồng bảo hiểm nhân thọ để chi trả trực tiếp cho đại lý, cộng tác viên và tổ chức môi giới bảo hiểm sau khi họ mang lại dịch vụ cho doanh nghiệp nhằm bù đắp các chi phí như: Chi phí khai thác ban đầu (tìm hiểu, thuyết phục và giới thiệu khách hàng); chi phí thu phí bảo hiểm; chi phí theo dõi hợp đồng và thuyết phục khách hàng duy trì hợp đồng bảo hiểm.

Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm còn được chi hoa hồng bảo hiểm nhân thọ để phục vụ cho việc quản lý đại lý như: Chi cho người quản lý đại lý; chi phí khuyến khích đại lý khai thác vượt định mức về doanh thu, về số lượng hợp đồng bảo hiểm, đảm bảo tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm cao; chi phí để thực hiện một số chính sách phúc lợi và tạo điều kiện ổn định thu nhập cho đại lý.

6. Công tác kiểm tra:

Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ hoa hồng bảo hiểm nhân thọ cùng với việc kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm theo quy định của pháp luật hiện hành.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế các văn bản trước đây về chế độ hoa hồng bảo hiểm nhân thọ.

2. Căn cứ nội dung Thông tư, doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng quy chế hoa hồng đối với hoạt động bảo hiểm nhân thọ của doanh nghiệp cho phù hợp và gửi Bộ Tài chính để quản lý theo dõi.

3. Mọi trường hợp vi phạm chế độ hoa hồng bảo hiểm nhân thọ quy định tại Thông tư này đều bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, doanh nghiệp bảo hiểm phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết.

 

 

Trần Văn Tá

(Đã ký)

 

 

BẢNG TỶ LỆ HOA HỒNG TỐI ĐA ÁP DỤNG CHO CÁC LOẠI HÌNH BẢO HIỂM NHÂN THỌ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 144 /1999/TT-Bộ Tài chính ngày 13 tháng 12 năm 1999 của Bộ Tài chính)

I. ĐỐI VỚI LOẠI HÌNH BẢO HIỂM NHÂN THỌ CÁ NHÂN:

A.Trường hợp cho từng loại hình riêng biệt: Hoa hồng bảo hiểm nhân thọ được áp dụng theo bảng sau:

Đơn vị tính : %

Loại hình bảo hiểm nhân thọ

Tỷ lệ hoa hồng tối đa tính trên phí bảo hiểm toàn phần

 

Phương thức nộp phí bảo hiểm định kỳ

Phương thức nộp phí 1 lần

 

Năm hợp đồng thứ nhất

Năm hợp đồng thứ hai

Các năm hợp đồng tiếp theo

 

1. Bảo hiểm tử kỳ

40

20

15

3

2. Bảo hiểm sinh kỳ thuần tuý

15

10

7

1,5

Bảo hiểm hỗn hợp:

Thời hạn bảo hiểm 10 năm trở xuống

Thời hạn bảo hiểm trên 10 năm

25

40

7

10

5

10

1,5

2

4. Bảo hiểm trọn đời

30

20

15

3

5. Niên kim

15

10

7

1,5

 

B.Trường hợp kết hợp các loại hình bảo hiểm riêng biệt: Hoa hồng bảo hiểm nhân thọ được tính trên cơ sở tổng số hoa hồng của các loại hình bảo hiểm nhân thọ riêng biệt nêu trên.

II. ĐỐI VỚI LOẠI HÌNH BẢO HIỂM NHÂN THỌ NHÓM: Tỷ lệ hoa hồng tối đa bằng 50% các tỷ lệ tương ứng áp dụng cho các loại hình bảo hiểm nhân thọ cá nhân cùng loại.

THEGIOILUAT.VN
Hết hiệu lực
Hết HL: 16/08/2001

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Thông tư 144/1999/TT-BTC quy định chế độ hoa hồng bảo hiểm nhân thọ do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 144/1999/TT-BTC Ngày ban hành 13/12/1999
Ngày có hiệu lực 28/12/1999 Ngày hết hiệu lực 16/08/2001
Nơi ban hành Bộ Tài chính Tình trạng Hết hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Thông tư 144/1999/TT-BTC quy định chế độ hoa hồng bảo hiểm nhân thọ do Bộ Tài chính ban hành
Mục lục

Mục lục

Close