Văn bản "Thông tư 19-LĐTBXH/TT-1997 hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường cho người bị tai nạn lao động do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành" đã HẾT HIỆU LỰC từ ngày 30/05.2003 và được thay thế bởi Thông tư 10/2003/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường và trợ cấp đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành, có hiệu lực từ 30/05/2003

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19-LĐTBXH/TT

Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 1997

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 19-LĐTBXH/TT NGÀY 02 THÁNG 08 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ BỒI THƯỜNG CHO NGƯỜI BỊ TAI NẠN LAO ĐỘNG

Căn cứ Điều 107 Bộ Luật Lao động và Điều 11 Nghị định số 06/CP ngày 20 tháng 1 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về an toàn lao động và vệ sinh lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc thực hiện chế độ bồi thường cho người bị tai nạn lao động như sau:

I- ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC BỒI THƯỜNG TAI NẠN LAO ĐỘNG

Đối tượng được bồi thường tai nạn lao động là ngưòi lao động (bao gồm cả người học nghề, tập nghề) bị tai nạn trong quá trình lao động hoặc các hoạt động gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là bị chết hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên do tai nạn lao động trong các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sau đây:

- Các doanh nghiệp nhà nước;

- Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế khác;

- Các cá nhân có sử dụng lao động để tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, giúp việc gia đình;

- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao;

- Các đơn vị kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể nhân dân, các doanh nghiệp của lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân;

- Các cơ quan hành chính sự nghiệp

- Các cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể nhân dân;

- Các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.

Người nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức và cho cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam đều thuộc phạm vi áp dụng Thông tư này, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

II- TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CHO NGƯỜI BỊ TAI NẠN LAO ĐỘNG

1- Người sử dụng lao động (người trực tiếp ký hợp đồng lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động) thuộc các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức quy định ở mục I nói trên có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người chết do tai nạn lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 107 của Bộ luật Lao động và Điều 11 Nghị định số 06/CP ngày 20 tháng 1 năm 1995 của Chính phủ.

2- Trường hợp người sử dụng lao động đã mua bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động tại các cơ quan bảo hiểm thì cơ quan bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường thay cho người sử dụng lao động. Trong trường hợp số tiền mà cơ quan bảo hiểm bồi thường cho người bị tai nạn lao động thấp hơn mức Bộ Luật Lao động quy định thì người sử dụng lao động phải trả phần còn thiếu để tổng số tiền người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân cuả người bị tai nạn lao động được bồi thường ít nhất cũng bằng mức quy định tại khoản 23 Điều 107 của Bộ Luật lao động.

3- Trường hợp bị tai nạn lao động ngoài phạm vi doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức mà do lỗi của người khác gây ra, thì người gây ra tai nạn phải bồi thường cho người bị tai nạn lao động tương ứng với mức độ lỗi của mình theo quy định tại Chương V phần thứ 3 của Bộ Luật dân sự. Người sử dụng lao động của người bị nạn có trách nhiệm yêu cầu người gây ra tai nạn thực hiện đầy đủ các trách nhiệm theo quy định của Bộ Luật Dân sự đối với người bị tai nạn lao động; nếu mức bồi thường thấp hơn mức Bộ Luật Lao động quy định hoặc người gây ra tai nạn không có khả năng bồi thường đầy đủ thì người sử dụng lao động phải bồi thưòng phần còn thiếu để tổng số tiền người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân của người bị tai nạn lao động được bồi thường ít nhất cũng bằng mức quy định tại khoản 3 Điều 107 của Bộ luật Lao động.

4- Trường hợp bị tai nạn lao động do nguyên nhân khách quan như: thiên tai, hoả hoạn hoặc các trường hợp rủi ro khác hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết toàn bộ chi phí y tế và bồi thường cho người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân của người bị tai nạn lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 107 của Bộ Luật lao động.

III- MỨC BỒI THƯỜNG CHO NGƯỜI BỊ TAI NẠN LAO ĐỘNG

1- Mức bồi thường thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 107 của Bộ Luật lao động và Điều 11 Nghị định số 06/CP ngày 20 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Bộ Luật Lao động về an toàn lao động và vệ sinh lao động cụ thể như sau:

- Mức bồi thường ít nhất bằng 30 tháng lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người chết do tai nạn lao động mà không do lỗi của người lao động. Trường hợp do lỗi của người lao động thì cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 12 tháng lương.

Tiền lương làm căn cứ để tính chế độ bồi dưỡng cho người bị tai nạn lao động thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 197/CP ngày 31 tháng 12 năm 1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Bộ Luật Lao động về tiền lương, là tiền lương theo hợp đồng lao động, được tính bình quân của 6 tháng liền trước khi tai nạn lao động xảy ra gồm: Lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp đắt đỏ và phụ cấp chức vụ (nếu có). Trường hợp người lao động làm việc chưa đủ 6 tháng thì tiền lương làm căn cứ để tính chế độ bồi thường cho người bị tai nạn lao động là tiền lương bình quân tương ứng với thời gian làm việc của các tháng trước khi xảy ra tai nạn;

- Đối với người học nghề, tập nghề để làm việc tại doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 23 của Bộ Luật Lao động, nếu bị tai nạn lao động, thì mức bồi thường ít nhất bằng 30 tháng lương tối thiểu cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người chết do tai nạn lao động mà không do lỗi của người học nghề, tập nghề. Trường hợp do lỗi của người học nghề, tập nghề thì cũng đựơc trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 12 tháng lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ tại thời điểm xảy ra tai nạn lao động.

2- Chi phí bồi thường cho người bị tai nạn lao động được hạch toán vào giá thành sản phẩm hoặc phí lưu thông của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp được tính vào chi phí thường xuyên của cơ quan.

IV- THỦ TỤC BỒI THƯỜNG TAI NẠN LAO ĐỘNG

1- Thủ tục, hồ sơ làm căn cứ để người sử dụng lao động bồi thường cho người bị tai nạn lao động:

a) Đối với người bị chết vì tai nạn lao động là biên bản điều tra tai nạn lao động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định chết do tai nạn lao động.

b) Đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên gồm:

- Biên bản điều tra tai nạn lao động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là tai nạn lao động;

- Giấy xác định mức độ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên của Hội đồng giám định Y khoa.

2- Tiền bồi thường cho người bị tai nạn lao động phải được thanh toán một lần cho người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân ngươì bị tai nạn lao động trong thời hạn 5 ngày kể từ khi có đầy đủ các thủ tục, hồ sơ quy định trên.

V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định khác về bồi thường tai nạn lao động trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Các vụ tai nạn lao động xảy ra từ ngày 01-01-1995 đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà chưa được bồi thường, thì người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị tai nạn lao động theo các quy định tại Thông tư này.

Các đối tượng được bồi thường tai nạn lao động theo Thông tư này vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động (nếu có tham gia bảo hiểm xã hội) quy định tại Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 1 năm 1995 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ bảo hiểm xã hội. Trường hợp không tham gia bảo hiểm xã hội thì chỉ được thanh toán các khoản chi phí về y tế và bồi thường tai nạn lao động theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật Lao động.

2- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành ở Trung ương chịu trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn thực hiện Thông tư này cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thuộc quyền quản lý.

3- Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu.

 

Trần Đình Hoan

(Đã ký)

 

THEGIOILUAT.VN
Hết hiệu lực
Hết HL: 30/05/2003

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Thông tư 19-LĐTBXH/TT-1997 hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường cho người bị tai nạn lao động do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 19-LĐTBXH/TT Ngày ban hành 02/08/1997
Ngày có hiệu lực 17/08/1997 Ngày hết hiệu lực 30/05/2003
Nơi ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Tình trạng Hết hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Thông tư 19-LĐTBXH/TT-1997 hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường cho người bị tai nạn lao động do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành
Mục lục

Mục lục

Close