BỘ TÀI CHÍNH

*******

 

Số: 20-TC/VP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 1979

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC XÂY DỰNG VÀ TỔNG HỢP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH

CÁC NGÀNH SẢN XUẤT KINH DOANH BẮT ĐẦU TỪ NĂM 1980 VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ KẾ TOÁN VỀ SẢN XUẤT MẶT HÀNG NGOÀI KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC

Thi hành các nghị quyết của hội nghị lần thứ năm và lần thứ sáu của Ban chấp hành trung ương Đảng về việc đổi mới cách làm kế hoạch từ cơ sở lên, nghị quyết số 279-CP ngày 02/8/1979 của Hội đồng Chính phủ về chính sách khuyến khích sản xuất và lưu thông những mặt hàng không do Nhà nước quản lý và cung ứng vật tư, theo tinh thần báo cáo của Hội đồng Chính phủ trình bày trước Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ 6 vừa qua về việc xây dựng kế hoạch Nhà nước năm 1980, Bộ Tài chính hướng dẫn dưới đây nội dung và phương pháp xây dựng kế hoạch và tổng hợp kế hoạch tài chính của các ngành sản xuất kinh doanh năm 1980.

Phần thứ nhất:

XÂY DỰNG KẾ HOẠCH VÀ TỔNG HỢP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH BẮT ĐẦU TỪ  NĂM 1980

I. YÊU CẦU XÂY DỰNG VÀ TỔNG HỢP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH CỦA CÁC NGÀNH SẢN XUẤT KINH DOANH NĂM 1980

Theo tinh thần mới của các chỉ thị và nghị quyết trung ương và Hội đồng Chính phủ về kế hoạch năm 1980 là phải kiên quyết thực hiện việc xây dựng và tổng hợp kế hoạch từ cơ sở lên, các xí nghiệp quốc doanh phải xuất phát chủ yếu từ lao động, đất đai, rừng, biển, các tài nguyên thiên nhiên khác và năng lực sản xuất hiện có để xây dựng kế hoạch Nhà nước một cách tích cực, vững chắc, chủ động cân đối các mặt kế hoạch, đề ra mức phấn đấu cao hơn số kiểm tra của Nhà nước, chú trọng các kế hoạch ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác nguồn nguyên liệu địa phương và vật liệu thay thế, tận dụng phế liệu phế phẩm, làm ra nhiều mặt hàng mới, bảo đảm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, hạ giá thành, tăng lợi nhuận.

Trên cơ sở kế hoạch của xí nghiệp, các ngành, các cấp tổng hợp kế hoạch của ngành, cấp mình, xác định và báo cáo với Nhà nước khả năng chắc chắn làm được theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và khả năng có thể làm tăng thêm ngoài kế hoạch trong năm 1980.

Theo tinh thần trên, nội dung kế hoạch tài chính năm 1980 của từng xí nghiệp, từng ngành, từng cấp cũng phải gồm hai phần: phần kế hoạch tài chính cơ bản thuộc chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và phần kế hoạch tài chính ngoài chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

1. Đối với phần kế hoạch tài chính cơ bản thuộc chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

Kế hoạch tài chính cơ bản của xí nghiệp được tính toán theo các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh chính hay phụ nằm trong nhiệm vụ thiết kế ban đầu hay thiết kế bổ sung của xí nghiệp. Đối với sản phẩm sản xuất bằng phế liệu phế phẩm đã được hưởng chế độ khuyến khích 2-3 năm liền, điều kiện sản xuất đã ổn định thì nay cơ quan chủ quản cần xem xét để ghi thành mặt hàng giao chỉ tiêu kế hoạch chính thức cho xí nghiệp. Có như vậy thì phần kinh doanh cơ bản mới khai thác được tối đa năng lực sản xuất hiện có của xí nghiệp, bảo đảm được hiệu quả sản xuất kinh doanh.

2. Đối với phần kế hoạch tài chính làm ngoài chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

Các xí nghiệp mới bắt đầu tổ chức sản xuất mặt hàng phụ bằng phế liệu, phế phẩm, bằng nguyên liệu địa phương không do Nhà nước thống nhất quản lý để giải quyết năng lực sản xuất dôi thừa cũng cần tính toán kế hoạch sản xuất và kế hoạch tiêu thụ sản phẩm. Yêu cầu về mặt tài chính là khuyến khích hoạt động sản xuất phụ ngoài kế hoạch Nhà nước nhưng không để ảnh hưởng đến kinh doanh cơ bản của xí nghiệp, phải chấp hành đúng chế độ hạch toán kinh tế và chế độ quản lý tài chính của Nhà nước. Lợi nhuận thu được về sản xuất mặt hàng này được trích vào 3 quỹ xí nghiệp theo nghị quyết số 279-CP, cụ thể là 60-65% lợi nhuận sản xuất mặt hàng ngoài kế hoạch Nhà nước được dùng cho phúc lợi tập thể và khen thưởng cho người lao động theo quyết định của giám đốc xí nghiệp, 20-30% trích lập quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, đảm bảo dành 15% nộp vào ngân sách Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết theo quyết định của cơ quan chủ quản cấp trên, có sự thỏa thuận của cơ quan tài chính cùng cấp, thì xí nghiệp mới được nộp 10% lợi nhuận này vào ngân sách Nhà nước.

Kế hoạch Nhà nước năm 1980 đòi hỏi từng Bộ chủ quản, từng ngành, từng địa phương phải xây dựng và tổng hợp từ cơ sở. Để làm việc đó từng Bộ, ngành, địa phương cần cử cán bộ về xí nghiệp hoặc mời cán bộ chuyên trách của xí nghiệp về Bộ, ngành để cùng tính toán xây dựng kế hoạch. Trên cơ sở kế hoạch đã được tính toán cùng xí nghiệp, các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp kế hoạch tài chính của ngành, địa phương.

II. NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG VÀ TỔNG HỢP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH NĂM 1980

1. Nội dung và phương pháp xây dựng kế hoạch tài chính cơ bản thuộc chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

a) Đối với kế hoạch tài chính cơ bản của xí nghiệp, nội dung và các biểu mẫu lập kế hoạch tài chính hàng năm và phương pháp tính toán đã được giải thích và hướng dẫn trong Chế độ báo cáo về hệ thống chỉ tiêu, biểu mẫu kế hoạch hàng năm của xí nghiệp công nghiệp quốc doanh (ban hành theo quyết định số 302-TTg ngày 07/07/1976 của Thủ tướng Chính phủ). Nay theo yêu cầu mới xí nghiệp cần bổ sung thêm các chỉ tiêu sau đây:

- Số lao động được tận dụng theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 1980. Định mức năng suất lao động sẽ đạt được và số lao động còn dôi thừa.

- Năng lực sản xuất được huy động theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 1980, năng lực sản xuất còn dôi thừa.

- Giá trị tài sản cố định huy động vào sản xuất năm 1980, giá trị tài sản cố định chưa dùng, được Bộ chủ quản (hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố) quyết định tạm giữ lại và được miễn khấu hao, giá trị tài sản cố định ứ đọng không dùng cần điều đi và giá trị tài sản cố định cần thanh lý.

- Vốn lưu động tự có đến ngày 31 tháng 12 năm 1979, vốn lưu động ứ đọng không cần dùng, vốn lưu động định mức được sử dụng trong năm 1980 chia ra phần ngân sách cấp, phần vay ngân hàng, vòng quay vốn.

 - Giá thành và doanh thu tiêu thụ sản phẩm theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 1980.

- Tích lũy thực hiện, lợi nhuận để lại xí nghiệp, lợi nhuận trả nợ ngân hàng và các khoản nợ nộp ngân sách Nhà nước thuộc chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 1980.

b) Tổng hợp kế hoạch tài chính cơ bản thuộc chỉ tiêu Nhà nước của từng ngành, từng cấp. Sau khi xây dựng xong kế hoạch, các xí nghiệp bảo vệ kế hoạch trước ngành và cấp mình. Căn cứ vào kế hoạch đã được duyệt, từng ngành tổng hợp kế hoạch tài chính của ngành mình, trong đó có chi tiết theo từng xí nghiệp theo các biểu số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 đính kèm.

Biểu số 1: Tổng hợp kế hoạch Nhà nước về sản xuất sản phẩm năm 1980.

Biểu số 2: Tổng hợp kế hoạch Nhà nước về lao động và tiền lương năm 1980. Trong biểu nay chỉ tiêu lao động dôi thừa = (bằng) số lao động có mặt đến ngày 31 tháng 12 năm 1979 – (trừ) số lao động bình quân sử dụng trong kế hoạch năm 1980.

Biểu số 3: Tổng hợp kế hoạch Nhà nước về sử dụng và khấu hao tài sản cố định năm 1980. Trong biểu này chú ý cách tính các chỉ tiêu sau đây:

- Năng lực sản xuất: chỉ tiêu này phản ánh mức độ sử dụng năng lực sản xuất, công suất thiết bị máy móc một cách tổng hợp, thể hiện bằng số lượng sản phẩm có thể làm ra. Ví dụ: năng lực sản xuất ngành đường là tấn đường, ngành chè là tấn chè, ngành dệt là mét vải, ngành giấy là tấn giấy, v.v…

Riêng các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông, v.v... tùy theo đặc điểm của ngành mà hướng dẫn các ghi chỉ tiêu này cho thích hợp.

- Năng lực sản xuất có thể huy động là số sản phẩm thực tế có thể đạt được ở mức độ tích cực. Hiện nay mức huy động công suất còn thấp so với khả năng có thể thực hiện được, do đó khi lập kế hoạch phải phân tích chi tiết để tìm ra biện pháp huy động.

- Tài sản cố định được miễn khấu hao là những tài sản cố định không cần dùng hoặc chưa cần dùng được Bộ chủ quản (hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố) quyết định cho tạm giữ lại và không tính khấu hao.

Biểu số 4: Tổng hợp kế hoạch nhu cầu vốn lưu động. Trong biểu này chú ý cách tính các chỉ tiêu sau đây:

- Giá trị vật tư ứ đọng là các loại vật tư còn tốt hoặc kém phẩm chất, nhưng không cần dùng trong kế hoạch Nhà nước của xí nghiệp.

- Vốn ngân sách cấp hoặc thu hồi phải tính toán điều chỉnh theo quyết định số 32-CP ngày 11/02/1977 và thông tư hướng dẫn thực hiện số 14-TT/LB ngày 24/02/1977.

Biểu số 6: Tổng hợp kế hoạch Nhà nước về tiêu thụ và tích lũy năm 1980. Trong biểu này chú ý chỉ tiêu: khoản chi ngoài giá thành được trừ vào lợi nhuận chỉ áp dụng đối với các xí nghiệp miền Nam.

Biểu số 7: Tổng hợp kế hoạch Nhà nước chi xây dựng cơ bản năm 1980. Trong biểu này chú ý các chỉ tiêu: chi xây dựng cơ bản dở dang = (bằng) số dở dang năm trước chuyển sang + số cấp phát kế hoạch năm 1980 –(trừ) số tài sản cố định bàn giao sử dụng trong năm kế hoạch.

Biểu số 8: Tổng hợp kế hoạch Nhà nước chi sự nghiệp năm 1980.

2. Nội dung kế hoạch tài chính ngoài chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

a) Mỗi xí nghiệp cơ sở phải lập được kế hoạch tài chính ngoài chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, gồm những biểu cần thiết như biểu sản xuất sản phẩm, biểu lao động tiền lương, biểu huy động tài sản vốn liếng, biểu tiêu thụ lỗ lãi và trong nội dung các kế hoạch đó cần xác định rõ các chỉ tiêu sau đây:

- Các sản phẩm sản xuất thêm, số lượng sản xuất;

- Số lao động dôi thừa huy động vào sản xuất ngoài chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước;

- Số vốn lưu động được huy động vào sản xuất ngoài chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước;

- Giá thành, doanh thu tiêu thụ và lợi nhuận của sản xuất ngoài chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước trong đó phân biệt lợi nhuận nộp ngân sách Nhà nước và lợi nhuận để lại cho 3 quỹ xí nghiệp.

b) Căn cứ vào kế hoạch tài chính ngoài chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước của các xí nghiệp, từng ngành, từng cấp (Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Ủy ban nhân dân huyện) tổng hợp kế hoạch tài chính của mình, trong đó có chi tiết theo từng xí nghiệp và tổng hợp theo biểu số 9 đính kèm.

3. Lập dự toán ngân sách năm 1980 của từng Bộ, từng địa phương trên cơ sở tổng hợp kế hoạch tài chính của các ngành kinh tế – kỹ thuật, các tổ chức trực thuộc Bộ, tỉnh, thành phố và huyện.

Từ nay các Bộ, các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Ủy ban nhân dân huyện kiên quyết tổ chức việc tổng hợp kế hoạch tài chính từ cơ sở, từ các ngành trực thuộc để có căn cứ lập dự toán ngân sách, bảo đảm dự toán ngân sách được gắn liền với kế hoạch kinh tế – kỹ thuật của các ngành sản xuất kinh doanh.

- Ở trung ương, các liên hiệp các xí nghiệp, tổng công ty và công ty tổng hợp kế hoạch tài chính của ngành mình từ các xí nghiệp trực thuộc, những ngành chưa thành lập liên hiệp các xí nghiệp thì Bộ tổng hợp kế hoạch tài chính của các xí nghiệp trực thuộc Bộ và cũng tổng hợp theo ngành theo hệ thống biểu nói trên.

- Ở địa phương, các sở, ty sản xuất kinh doanh tổng hợp kế hoạch tài chính của các xí nghiệp trực thuộc tỉnh, thành phố theo ngành và theo hệ thống biểu mẫu nói trên (phân biệt các xí nghiệp trực thuộc huyện, nếu có).

- Các Bộ sản xuất kinh doanh tổng hợp kế hoạch tài chính của Bộ mình theo biểu số 10 và số 11 kèm theo. Nội dung hai biểu này có phần tổng hợp chung của Bộ, có phần tổng hợp theo ngành trực thuộc, có phần tổng hợp những đơn vị trực thuộc Bộ. Khi các Bộ gửi về Bộ Tài chính kế hoạch tài chính của các Bộ cần gửi kèm theo các biểu tổng hợp kế hoạch tài chính của từng ngành sản xuất kinh doanh trực thuộc Bộ.

- Các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố khi lập dự toán ngân sách tỉnh, thành phố mình phải căn cứ vào các kế hoạch tài chính của các ngành sản xuất – kinh doanh trực thuộc tỉnh và các kế hoạch tài chính của các xí nghiệp trung ương đóng trên lãnh thổ tỉnh, thành phố để tính toán nguồn thu của ngân sách trung ương điều tiết cho ngân sách địa phương theo tỷ lệ quy định. Khi gửi dự toán ngân sách về Bộ Tài chính cần gửi kèm theo các biểu tổng hợp kế hoạch tài chính của các ngành sản xuất kinh doanh.

Trình tự và thời gian giao số kiểm tra và lập kế hoạch tài chính cũng như bảo vệ và tổng hợp kế hoạch tài chính hàng năm đều theo quy định chung hiện hành của Nhà nước.

Riêng kế hoạch năm 1980 là kế hoạch đầu tiên kết hợp việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước với kế hoạch tận dụng năng lực của bản thân xí nghiệp ngoài chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước là một việc làm mới mẻ đối với các xí nghiệp, nên trong một lúc khó phát hiện được hết mọi khả năng tiềm tàng và nắm được hết mọi nhu cầu muôn màu muôn vẻ ngoài kế hoạch Nhà nước. Vì vậy, việc xây dựng và tổng hợp kế hoạch nhất là phần kế hoạch sản xuất ngoài chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước có thể làm từng bước như sau:

- Bước đầu có thể là bước tính toán và tổng hợp sơ bộ để nắm khả năng huy động thêm lao động, tài sản cố định và vốn để làm thêm sản phẩm và tăng thêm thu nhập.

- Bước tiếp theo là bước tính toán và tổng hợp cụ thể phần sản xuất ngoài chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước của các đơn vị, của các ngành và các cấp.

Các Bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố theo từng bước xây dựng và tổng hợp kế hoạch tài chính và ngân sách gửi kết quả về Bộ Tài chính để Bộ Tài chính tổng hợp và trình Hội đồng Chính phủ.

Để bảo đảm tổng hợp kế hoạch tài chính theo các chỉ tiêu thống nhất, các Bộ, các địa phương cần thông báo cho Bộ Tài chính biết những trường hợp phải sửa đổi các biểu mẫu kèm theo (nếu thực tế có ngành nào chưa phù hợp).

Phần thứ hai:

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ KẾ TOÁN SẢN XUẤT MẶT HÀNG NGOÀI KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC BẰNG PHẾ LIỆU, PHẾ PHẨM VÀ BẰNG NGUYÊN VẬT LIỆU THU MUA THEO GIÁ THỎA THUẬN

I. KẾ TOÁN PHẾ LIỆU, PHẾ PHẨM

Từ năm 1970 Nhà nước đã có chỉ thị về việc khuyến khích sử dụng phế liệu, phế phẩm để sản xuất hàng tiêu dùng (chỉ thị số 69-TTg ngày 24/04/1970). Bộ Tài chính đã có thông tư số 13-TC/CNXD ngày 30/7/1976 để hướng dẫn việc hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành mặt hàng phụ bằng phế liệu, phế phẩm.

Qua thực hiện có mấy vấn đề cần xác định rõ thêm:

1. Thế nào là phế liệu, phế phẩm:

- Phế liệu là những thứ đầu mẩu, cặn bã của nguyên vật liệu do quá trình sản xuất loại ra mà theo quy trình công nghệ của xí nghiệp không thể sử dụng được cho sản xuất sản phẩm chính, là những thứ bao bì loại bỏ, là những vật tư thu hồi được do thanh lý tài sản cố định và công cụ lao động thuộc tài sản lưu động, là những vật tư, hàng hóa bị hư hỏng, kém phẩm chất không còn khả năng sửa chữa phục hồi để sử dụng theo mục đích đã quy định trong quá trình công nghệ của xí nghiệp.

- Phế phẩm là những sản phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật, không đúng quy cách phẩm chất và công dụng đã quy định mà không sửa chữa được.

2. Kế toán thu mua, nhập, xuất phế liệu, phế phẩm:

- Thủ tục, chứng từ nhập xuất kho: Phải chấp hành đúng các quy định hiện hành về kế toán vật liệu của Nhà nước, phải có kho bảo quản, có thủ kho là người chịu trách nhiệm vật chất. Mọi trường hợp nhập, xuất phải làm thủ tục giao nhận chính xác về số lượng, chất lượng và phải lập chứng từ nhập, xuất có chữ ký xác minh của người giao và người nhận, trong trường hợp cần thiết phải có thêm chữ ký của người vận chuyển.

- Định giá: Nếu là loại phế liệu có giá quy định của Nhà nước thì phải áp dụng giá của Nhà nước, nếu không có giá của Nhà nước thì giám đốc xí nghiệp căn cứ vào giá trị sử dụng của phế liệu mà định giá hợp lý.

- Sổ kế toán: Tại kho phải mở thẻ kho và tại phòng kế toán phải mở sổ kế toán chi tiết để hạch toán nhập, xuất và tồn kho đối với từng loại phế liệu, phế phẩm.

Để tổng hợp và kiểm tra tình hình quản lý và sử dụng phế liệu, phế phẩm, cuối quý và cuối năm kế toán kho phế liệu phải lập báo cáo tổng hợp nhập, xuất, tồn kho phế liệu, phế phẩm (phân loại theo nguồn nhập và đối tượng sử dụng) và đối chiếu với báo cáo tổng hợp tình hình sử dụng vật liệu của các phân xưởng (chỉ tiêu phế liệu thu hồi)

II. KẾ TOÁN THU MUA VẬT LIỆU THEO GIÁ THỎA THUẬN

1. Kế toán việc thu mua:

Nguồn cung cấp vật liệu theo giá thỏa thuận có thể do cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, các hợp tác xã hoặc tư nhân. Trong mọi trường hợp dù mua của các cơ quan Nhà nước, hợp tác xã hay tư nhân đều phải có những chứng từ thu mua hợp lệ, có xác nhận của người bán.

Đối với mặt hàng Nhà nước thống nhất quản lý, hàng nhập khẩu, hàng sản xuất của xí nghiệp quốc doanh theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, thì xí nghiệp phải mua bán theo giá chỉ đạo, không có giá thỏa thuận.

Đối với hàng nông sản thực phẩm thì xí nghiệp chỉ được mua bán theo giá thỏa thuận sau khi các tổ chức sản xuất đã làm đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước (nộp thuế, giao nộp sản phẩm theo kế hoạch Nhà nước hoặc hợp đồng hai chiều); giá thỏa thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định cho từng vùng và từng thời gian nhất định.

Đối với nguyên liệu địa phương Nhà nước chưa quản lý và phế liệu, phế phẩm không có giá quy định của Nhà nước, xí nghiệp được mua theo giá thỏa thuận, thì giám đốc xí nghiệp cần nghiên cứu thị trường thực tế định ra giá tiêu chuẩn để khống chế giá thu mua ở từng thời điểm nhất định, bảo đảm giá tiêu chuẩn thu mua thấp hơn 10-15% so với giá thị trường, và có tác dụng kéo dần giá thị trường không có tổ chức xuống.

Nhân viên thu mua dưới giá tiêu chuẩn có thể được giám đốc xí nghiệp thưởng tỷ lệ thích đáng theo mức giảm giá tiêu chuẩn; trường hợp cần mua trên giá tiêu chuẩn phải được giám đốc xí nghiệp kiểm tra lý do và quyết định mới được mua.

2. Thủ tục bảo quản và nhập xuất kho:

- Về bảo quản: Nếu là vật liệu cùng loại với vật liệu Nhà nước cung cấp thì được bảo quản chung trong kho; nếu không cùng loại thì bảo quản riêng. Trường hợp bảo quản chung nếu khi kiểm kê phát hiện thiếu, thì số thiếu trong định mức hao hụt được phân bố theo tỷ lệ, còn số thiếu vượt định mức hao hụt phải tính vào giá trị vật liệu thu mua theo giá thỏa thuận hoặc giá thành sản phẩm ngoài kế hoạch Nhà nước.

- Thủ tục nhập kho được tiến hành từng lần, từng chuyến. Mỗi lần, mỗi chuyến phải có phiếu nhập riêng theo giá thực tế thu mua.

- Xuất theo từng thứ vào các đối tượng sử dụng và tính theo giá bình quân thực tế. Nếu xí nghiệp dùng giá hạch toán thì ghi chép theo giá hạch toán, nhưng sau đó phải phân bổ số chênh lệch giữa giá thành thực tế thu mua theo giá thỏa thuận và giá hạch toán.

3. Sổ kế toán:

Trong mọi trường hợp dù bảo quản chung với vật liệu thu mua theo giá chỉ đạo Nhà nước hay bảo quản riêng xí nghiệp đều phải mở thẻ kho và sổ kế toán chi tiết để theo dõi tình hình nhập, xuất và tồn kho đối với từng thứ, từng loại vật liệu thu mua theo giá thỏa thuận. Ngoài ra phải mở một sổ riêng để tổng hợp về giá trị thực tế của vật liệu thu mua theo giá thỏa thuận và số chênh lệch giữa giá thỏa thuận và giá chỉ đạo của Nhà nước và giá hạch toán (nếu có).

Trên các báo cáo kế toán giá trị vật liệu thu mua theo giá thỏa thuận được phản ánh chung trong giá trị vật liệu (gồm cả phần cung cấp theo kế hoạch của Nhà nước và phần thu mua theo giá thỏa thuận) của xí nghiệp nhưng phải chú tích “trong đó giá trị vật liệu thu mua theo giá thỏa thuận” để thuận tiện cho việc kiểm tra và quyết toán.

III. KẾ TOÁN CHI PHÍ SẢN XUẤT VÀ TÍNH GIÁ THÀNH SẢN PHẨM SẢN XUẤT NGOÀI CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC

1. Hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm bằng phế liệu, phế phẩm:

Vấn đề này đã được hướng dẫn trong thông tư số 13-TC/CNXD ngày 30/7/1976 của Bộ Tài chính. Ở đây lưu ý thêm:

- Trước hết xí nghiệp cần phải xác định sản xuất mặt hàng phụ bằng phế liệu, phế phẩm là sản xuất ra sản phẩm hàng hóa nên phải tính toán xác định hiệu quả kinh tế tài chính.

- Phải tổ chức việc phản ánh và kiểm tra chặt chẽ các hoạt động về sản xuất mặt hàng phụ như xây dựng quy tắc hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm, hạch toán lãi lỗ, phân tích hoạt động kinh tế.

2. Hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm sản xuất bằng vật liệu thu mua theo giá thỏa thuận.

Về cơ bản công việc kế toán tiến hành như sản xuất sản phẩm trong kế hoạch Nhà nước. Nhưng có mấy vấn đề cần chú ý:

a) Sản xuất cùng mặt hàng trong kế hoạch Nhà nước:

- Trường hợp vật liệu Nhà nước cung cấp đủ để hoàn thành kế hoạch cả năm thì sau khi hoàn thành kế hoạch sản xuất cả năm xí nghiệp mới được bắt đầu sản xuất mặt hàng ngoài kế hoạch Nhà nước.

- Trường hợp vật liệu Nhà nước cung cấp không bảo đảm sản xuất liên tục phải sản xuất xen kẽ giữa hàng trong kế hoạch và hàng ngoài kế hoạch thì trong mỗi tháng (hoặc quý) xí nghiệp phải bảo đảm hoàn thành trước hết kế hoạch sản xuất sản phẩm trong kế hoạch Nhà nước rồi mới dùng thời gian còn lại để sản xuất sản phẩm ngoài kế hoạch.

Trong cả hai trường hợp từ khâu giao nhận nhiệm vụ sản xuất đến khi nhập kho thành phẩm, tiêu thụ và tính lãi lỗ, xí nghiệp đều phải có ký hiệu riêng ghi trên chứng từ để tiện phân biệt khi ghi chép sổ kế toán và tính toán kết quả tài chính.

b) Sản xuất khác mặt hàng của kế hoạch Nhà nước:

Đối với mặt hàng xí nghiệp sản xuất ngoài kế hoạch Nhà nước không giống mặt hàng trong kế hoạch Nhà nước thì việc hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm phải tổ chức riêng.

Phương pháp tập hợp và phân bổ và các chi phí trực tiếp, gián tiếp, phương pháp tính giá thành sản phẩm ngoài chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước cũng thực hiện như quy định chung hiện nay, chỉ khác là chi phí vật liệu được tính theo giá thỏa thuận thu mua thực tế.

Để cho các quy định về nội dung, phương pháp xây dựng và tổng hợp kế hoạch tài chính từ cơ sở lên và về kế toán sản xuất mặt hàng ngoài chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước trên đây được thực hiện thống nhất trên cơ sở quán triệt các nghị quyết và chỉ thị mới của Đảng và Chính phủ, yêu cầu các Bộ, các ngành, địa phương tổ chức chỉ đạo phát huy sáng kiến của cán bộ, công nhân viên thực hiện thông tư này phù hợp với tình hình của từng ngành và địa phương nhằm tăng cường công tác kế hoạch hóa của Nhà nước, thực hiện nghiêm chỉnh giá chỉ đạo; còn đối với sản xuất ngoài kế hoạch Nhà nước mua bán theo giá thỏa thuận thì phải bảo đảm thu đủ chi và có lãi hợp lý. Những trường hợp cố tình làm sai chế độ Nhà nước, gây thiệt hại hoặc xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa cần nghiêm trị theo bốn chế độ trách nhiệm, kỷ luật lao động, bảo vệ của công, phục vụ nhân dân và xử lý theo pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa trong những trường hợp cần thiết.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

THỨ TRƯỞNG

 

 

 

 

Võ Trí Cao

 

 

THEGIOILUAT.VN
Không còn phù hợp

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Thông tư 20-TC/VP-1979 hướng dẫn xây dựng và tổng hợp kế hoạch tài chính các ngành sản xuất kinh doanh bắt đầu từ năm 1980 và một số vấn đề kế toán về sản xuất mặt hàng ngoài kế hoạch nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 20-TC/VP Ngày ban hành 17/12/1979
Ngày có hiệu lực 01/01/1980 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Bộ Tài chính Tình trạng Không còn phù hợp

Tóm tắt nội dung

Thông tư 20-TC/VP-1979 hướng dẫn xây dựng và tổng hợp kế hoạch tài chính các ngành sản xuất kinh doanh bắt đầu từ năm 1980 và một số vấn đề kế toán về sản xuất mặt hàng ngoài kế hoạch nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
Mục lục

Mục lục

Close