Văn bản "Thông tư 66/THA-1996 hướng dẫn quản lý, trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ trong công tác thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp ban hành" đã HẾT HIỆU LỰC từ ngày 28/09.2006

BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 66/THA

Hà Nội, ngày 04 tháng 7 năm 1996

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TƯ PHÁP SỐ 66/THA NGÀY 4 THÁNG 7 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ, TRANG BỊ, SỬ DỤNG CÔNG CỤ HỖ TRỢ TRONG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Để thống nhất quản lý, trang bị và sử dụng công cụ hỗ trợ trong việc giữ gìn trật tự, bảo vệ tài sản Nhà nước, tài sản công dân, đảm bảo an toàn cho cán bộ, chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự khi thi hành công vụ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bộ Tư pháp hướng dẫn việc quản lý, trang bị và sử dụng công cụ hỗ trợ trong công tác thi hành án như sau:

I- LOẠI CÔNG CỤ HỖ TRỢ TRONG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

- Công cụ hỗ trợ được sử dụng trong công tác thi hành án dân sự là "gậy điện".

II- ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC TRANG BỊ, SỬ DỤNG GẬY ĐIỆN

- Phòng thi hành án tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Đội thi hành án quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

III- NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG GẬY ĐIỆN

Đơn vị, cá nhân được trang bị gậy điện phải thực hiện đúng những quy định tại điểm 1, 2, 3 và 4 Điều 5 của Quyết định số 404/QĐ-BNV ngày 15-7-1995 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ngoài ra việc sử dụng gậy điện trong công tác thi hành án dân sự phải tuân theo các quy định sau đây:

1. Các đơn vị thi hành án dân sự chỉ được sử dụng gậy điện sau khi đã kê khai, đăng ký và có giấy phép sử dụng của cơ quan Công an có thẩm quyền cấp; khi sử dụng phải kèm theo giấy phép;

2. Gậy điện chỉ được sử dụng trong trường hợp:

- Ngăn chặn những hành vi đang đe dọa tính mạng, sức khỏe của cán bộ, chấp hành viên hoặc người khác trong khi thực hiện việc cưỡng chế thi hành án hoặc tự vệ trong các trường hợp khác khi bị tấn công;

- Chỉ được sử dụng gậy điện khi đã áp dụng các biện pháp giải thích, thuyết phục, yêu cầu lực lượng tham gia cưỡng chế thi hành án hỗ trợ nhưng không có kết quả, vẫn bị đe doạ, tấn công.

3. Nghiêm cấm sử dụng gậy điện vào mục đích cá nhân. Không được đổi chác, cho người không có chức năng, nhiệm vụ hoặc cá nhân, đơn vị, tổ chức... ngoài cơ quan thi hành án mượn.

IV- TRANG BỊ VÀ QUẢN LÝ GẬY ĐIỆN

- Gậy điện được cấp cho Phòng thi hành án và Đội thi hành án để Thủ trưởng cơ quan thi hành án giao cho Chấp hành viên hoặc cán bộ sử dụng theo yêu cầu công tác;

- Cán bộ, chấp hành viên sử dụng gậy điện phải bảo đảm an toàn, sử dụng đúng mục đích, sau mỗi lần công tác phải giao lại cho Thủ trưởng cơ quan quản lý;

- Trưởng phòng, Đội trưởng đội thi hành án khi thuyên chuyển công tác, nghỉ chế độ... phải bàn giao lại cho Thủ trưởng cơ quan mới hoặc người được giao phụ trách cơ quan thi hành án đó quản lý. Trong trường hợp xảy ra việc mất mát phải lập biên bản và báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất, đồng thời báo cáo cơ quan thi hành án cấp trên và Cục quản lý thi hành án dân sự. Người để mất mát không có lý do chính đáng, thì tùy theo mức độ lỗi có thể bị xử lý kỷ luật và phải bồi thường.

- Khi cấp phát, giao gậy điện cho đơn vị, cá nhân sử dụng phải có danh sách, có ký nhận của Thủ trưởng đơn vị hoặc cá nhân sử dụng; khi hết thời hạn sử dụng cần đổi, phải báo cáo cơ quan thi hành án cấp trên và Cục quản lý thi hành án dân sự để thực hiện theo chế độ thanh lý vũ khí quy định trong ngành Công an;

- Việc cấp gậy điện phải theo đúng kế hoạch, quyết định đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp duyệt và Cục trưởng Cục quản lý thi hành án dân sự phân bổ. Hàng năm, Cục quản lý thi hành án dân sự lập kế hoạch về trang bị gậy điện cho cơ quan thi hành án địa pghưong trình lãnh đạo Bộ duyệt cấp.

V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Cục quản lý thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp, Trưởng phòng thi hành án tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt, phổ biến, giới thiệu cách sử dụng gậy điện đến từng cán bộ, chấp hành viên làm công tác thi hành án dân sự;

- Cục quản lý thi hành án dân sự giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thống nhất quản lý việc trang bị và sử dụng gậy điện của các cơ quan thi hành án địa phương.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì vướng mắc Thủ trưởng các cơ quan thi hành án báo cáo về Bộ Tư pháp (Cục quản lý thi hành án dân sự) để hướng dẫn thực hiện.

 

 

Nguyễn Đình Lộc

(Đã ký)

 

THEGIOILUAT.VN
Hết hiệu lực
Hết HL: 28/09/2006

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Thông tư 66/THA-1996 hướng dẫn quản lý, trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ trong công tác thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 66/THA Ngày ban hành 04/07/1996
Ngày có hiệu lực 19/07/1996 Ngày hết hiệu lực 28/09/2006
Nơi ban hành Bộ Tư pháp Tình trạng Hết hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Thông tư 66/THA-1996 hướng dẫn quản lý, trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ trong công tác thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp ban hành
Mục lục

Mục lục

Close