UỶ BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 8-TT-MTTW

Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 1991

 

THÔNG TƯ

CỦA UỶ BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM SỐ 8-TT-MTTW NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 1991 HƯỚNG DẪN VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN THANH TRA NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn là tổ chức do nhân dân trực tiếp bầu ra từ địa bàn dân cư, để giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách và pháp luật đối với mọi tổ chức, cá nhân tại địa phương, do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn tổ chức, chỉ đạo hoạt động.

Thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn có thêm điều kiện thực hiện chức năng giám sát, phát hiện kịp thời những việc làm vi phạm pháp luật; vận động nhân dân thi hành đúng chính sách và pháp luật.

Thực hiện Pháp lệnh thanh tra do Hội đồng Nhà nước công bố ngày 1-4-1990, sau khi được sự thỏa thuận của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 241-HĐBT ngày 5-8-1991 quy định về tổ chức và hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân.

Nay Ban Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thêm một số điểm về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn như sau:

1. Tổ chức Ban Thanh tra nhân dân:

a. Nguyên tắc thành lập. Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn được thành lập theo thể thức bầu trực tiếp từ dưới lên; tuỳ điều kiện thực tế từng nơi mà việc bầu có thể tiến hành bằng bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết bằng giơ tay do hội nghị nhân dân quyết định trong cuộc bầu cử đó; việc bầu căn cứ vào tiêu chuẩn là chính, tuy nhiên cần chú ý trong cơ cấu nên có một uỷ viên (không là Chủ tịch) của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn có tín nhiệm, có năng lực làm Trưởng Ban thanh tra nhân dân. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn thông báo với Hội đồng nhân dân cùng cấp trong phiên họp gần nhất và dùng các hình thức công khai để báo nhân dân biết.

b. Số lượng Uỷ viên thanh tra nhân dân.

- Những xã, phường, thị trấn ở đồng bằng có số dân dưới 5 nghìn thì cử 5 Uỷ viên; từ 5 đến 9 nghìn thì cử 5 đến 7 Uỷ viên; từ 10 đến 15 nghìn thì cử từ 7 đến 9 Uỷ viên; nơi có số dân cao trên 15 nghìn thì cử 11 Uỷ viên.

Trường hợp xã, phường nào có trên 10 ấp, tổ dân phố thì có thể cử mỗi ấp, tổ có 1 Uỷ viên (như vậy có thể cơ động từ 11 đến 15 Uỷ viên).

- Những xã vùng trung du và vùng cao cần đảm bảo mỗi xóm có 1 Uỷ viên.

c. Cách bầu.

- Ở xóm, ấp, bản, cụm dân cư. Ban công tác Mặt trận tổ chức cuộc họp đại biểu của các hộ gia đình để phổ biến về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và tiêu chuẩn Ban thanh tra nhân dân. Kết hợp giữa sự giới thiệu nhân sự của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc với sự giới thiệu của nhân dân để lập danh sách cho hội nghị xem xét và bầu 1 Uỷ viên Ban thanh tra nhân dân của địa bàn mình.

- Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn lập danh sách và tổ chức họp mặt những người đã được các xóm, ấp, bản, cụm dân cư bầu làm thanh tra nhân dân để những người này bầu ra Trưởng ban, Phó ban Ban thanh tra nhân dân. Cuối cùng tuyên bố thành lập Ban thanh tra nhân dân.

2. Phương châm hoạt động.

- Những Uỷ viên thanh tra nhân dân là thân nhân với đối tượng mà Ban thanh tra đang phát hiện và kiểm tra thì không nên phân công làm việc đó.

- Những vấn đề kiến nghị nhất thiết phải được bàn bạc trong tập thể Ban thanh tra nhân dân và phải được thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường thông qua.

- Mọi vấn đề nghi vấn nhất thiết phải được tìm hiểu, lắng nghe ý kiến nhiều bên, trao đổi với những người có liên quan để xác minh đúng sự thật.

- Trường hợp phạm pháp quả tang được thông báo gấp thì nhanh chóng xử lý theo những biện pháp mà luật pháp cho phép, sau đó báo ngay đến cơ quan có trách nhiệm xử lý.

3. Lề lối làm việc.

- Ban thanh tra nhân dân thực hiện nhiệm vụ theo chế độ làm việc tập thể và biểu quyết theo đa số (quá bán); Trưởng ban chịu trách nhiệm chung về mọi hoạt động của Ban, mỗi Uỷ viên Ban chịu trách nhiệm về công việc của mình được phân công.

- Căn cứ nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn, Ban thanh tra nhân dân đề ra kế hoạch hoạt động cụ thể từng tháng và thực hiện chế độ báo cáo 1 quý một lần trước Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn.

- Các Uỷ viên Ban thanh tra nhân dân thường xuyên nắm tình hình ở địa bàn dân cư nơi mình cư trú.

4. Quan hệ công tác.

- Ban thanh tra nhân dân, ngoài việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, khi có việc phức tạp thì xin ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn; Ban thanh tra nhân dân khi được Thanh tra Nhà nước giao kiểm tra vụ việc nào thì phải báo cáo với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn trước khi làm, nếu không nhất trí thì Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn bàn bạc lại với Thanh tra Nhà nước. Ban thanh tra nhân dân sau khi đã kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì không tham gia vào việc xử lý cụ thể mà chỉ giám sát việc xử lý sao cho khách quan, đúng pháp luật; Ban thanh tra nhân dân được tham gia các cuộc họp thường kỳ và bất thường có liên quan của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn. Hoạt động của Ban thanh tra và từng Uỷ viên phải bảo đảm đúng mối quan hệ trên, dưới, ngang, dọc.

- Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chỉ đạo về mặt tổ chức như: bầu cử, theo dõi tư cách Uỷ viên thanh tra để có cơ sở khen thưởng, kỷ luật, bãi miễn hoặc tái cử. Ngoài việc chỉ đạo nội dung hoạt động như trên đã nêu đối với Ban thanh tra nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn còn chỉ đạo về các hoạt động khác như: phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật và các văn kiện của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp trên có liên quan cho Ban thanh tra nhân dân; kịp thời có những biện pháp đối với trường hợp kiến nghị của Ban thanh tra nhân dân không nhất trí với đoàn kiểm tra của Thanh tra Nhà nước.

5. Tổ chức chỉ đạo và thực hiện.

Ban Thư ký Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành:

1. Triển khai phổ biến Pháp lệnh thanh tra của Hội đồng Nhà nước, Nghị định số 24-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tri này đến Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn và chỉ đạo việc thành lập Ban thanh tra nhân dân.

2. Phối hợp với Thanh tra Nhà nước cùng cấp chuẩn bị nội dung tập huấn nghiệp vụ kiểm tra cho Ban thanh tra nhân dân.

3. Phân công đồng chí trong Ban thường trực phụ trách công tác này; ở các thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh lớn cần thảo luận với Ban tổ chức Tỉnh uỷ để có một biên chế chuyên trách công tác này.

4. Chỉ đạo điểm một số loại cơ sở (xã, phường, thị trấn) để rút kinh nghiệm chỉ đạo cấp huyện; các quận, huyện thị, thành phố chỉ đạo điểm rút kinh nghiệm, sau đó mới triển khai ra diện.

5. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc cần phản ảnh ngay về Ban thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

*

* *

Đây là một tổ chức mới của Mặt trận cơ sở, vừa cần thiết, quan trọng, lại vừa khó khăn phức tạp, nên các cấp trên của Mặt trận cơ sở cần đặc biệt quan tâm hướng dẫn giúp đỡ và từng bước chỉ đạo điểm cho có kinh nghiệm rồi mới nhân ra diện rộng. Hết sức chú ý tranh thủ ra lãnh đạo của cấp uỷ, sự phối hợp và tạo điều kiện của Uỷ ban nhân dân, sự phối hợp với Thanh tra Nhà nước. Hàng quý, Ban thường trực Mặt trận cấp thành, tỉnh đến cơ sở sơ kết chỉ đạo công tác này.

 

Phạm Văn Kiết

(Đã ký)

 

THEGIOILUAT.VN
Không còn phù hợp

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Thông tư 8-TT-MTTW năm 1991 về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành

Số hiệu 8-TT-MTTW Ngày ban hành 25/11/1991
Ngày có hiệu lực 10/12/1991 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Tình trạng Không còn phù hợp

Tóm tắt nội dung

Thông tư 8-TT-MTTW năm 1991 về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành
Mục lục

Mục lục

Close