BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH – BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV

Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 2014

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN VIỆC THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TẠI CÁC CƠ SỞ TÍN NGƯỠNG, CƠ SỞ TÔN GIÁO

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng;

Căn cứ Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo;

Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Nghị định số 61/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo trên lãnh thổ Việt Nam. Các hoạt động tín ngưỡng tại từ đường, nhà thờ họ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư liên tịch này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư liên tịch này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động hoặc có liên quan đến hoạt động tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo

Tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động hoặc có liên quan đến hoạt động tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

1. Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; tôn trọng giá trị văn hoá, đạo đức tôn giáo; đảm bảo sự trang trọng, tôn nghiêm của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

2. Không lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Nhà nước, gây mất đoàn kết tôn giáo, dân tộc; gây rối an ninh trật tự, vi phạm pháp luật và các quy định của địa phương.

3. Hoạt động thờ cúng, tham quan cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo phải đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của người tham gia và của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường

4. Tiền, tài sản được dâng cúng, công đức, tài trợ cho các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch.

Điều 4. Trách nhiệm của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo

1. Bảo đảm tính tôn nghiêm, trang trọng; có sơ đồ chỉ dẫn về các vị trí trong công trình thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

2. Có thông tin phù hợp giới thiệu tóm tắt lịch sử, giá trị kiến trúc, văn hoá nghệ thuật của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

3. Có nội quy, quy định đối với khách tham quan, người tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, trang phục, thái độ ứng xử có văn hoá phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; quy định nơi để, nơi tiếp nhận tiền, hiện vật công đức, dâng cúng.

Tuyên truyền cho khách tham quan, người tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo không mua bán, đốt pháo, đốt và thả đèn trời; không thực hiện các hoạt động mê tín, dị đoan, các hình thức cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

4. Bố trí nơi chứa rác thải, nhà vệ sinh và các hoạt động dịch vụ thuận lợi, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.

5. Đối với những cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật có liên quan.

6. Thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc trùng tu, nâng cấp, xây mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo.

7. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc; thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đúng quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật có liên quan.

8. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Điều 5. Trách nhiệm của người phụ trách (trụ trì), Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo (nếu có)

1. Hướng dẫn khách tham quan, người tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện đúng các quy định của pháp luật; theo nội quy, quy định của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

2. Bảo vệ, giữ gìn trật tự, cảnh quan, môi trường, phát huy giá trị lịch sử, văn hoá của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo theo quy định của pháp luật.

Khi cảnh quan, môi trường có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị hư hại phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn và thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

3. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức sắp xếp hợp lý các dịch vụ phục vụ khách tham quan, người tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; không tổ chức hoặc để người khác tổ chức các hoạt động mê tín, dị đoan và vi phạm pháp luật.

4. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho mọi người thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và khách tham quan, người tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện nếp sống văn minh theo quy định tại Thông tư liên tịch này.

5. Chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra tại cơ sở.

Điều 6. Trách nhiệm của khách tham quan, người tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo

1. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy, quy định của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia các hoạt động tại cơ sở.

2. Tôn trọng mọi người và bảo đảm sự tôn nghiêm của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo. Trang phục lịch sự, gọn gàng, phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc.

3. Giữ gìn vệ sinh, an ninh trật tự; bảo vệ cảnh quan, môi trường tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

4. Đặt tiền, hiện vật dâng cúng, công đức đúng nơi quy định.

5. Không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Điều 7. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc quản lý, sử dụng nguồn công đức

1. Người phụ trách (trụ trì), Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo (nếu có) phải có phương thức thu nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo thống nhất, đoàn kết giữa những người trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

2. Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch.

3. Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải tuân thủ các quy định của Thông tư liên tịch này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo theo quy định tại Thông tư liên tịch này và tổng hợp báo cáo Chính phủ theo quy định;

b) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc chỉ đạo các cơ quan truyền thông tuyên truyền việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo theo quy định tại Thông tư liên tịch này;

c) Chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Bộ Nội vụ có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo theo quy định tại Thông tư liên tịch này;

b) Chỉ đạo Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tôn giáo.

3. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo việc tổ chức thực hiện nếp sống văn minh ở các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo tại địa phương, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; hướng dẫn cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo trên địa bàn xây dựng nếp sống văn minh, thực hiện đúng quy định của pháp luật;

b) Đảm bảo việc giữ gìn an ninh trật tự, cảnh quan môi trường tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo;

c) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo trên địa bàn.

4. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai các công việc sau:

a) Hướng dẫn cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo xây dựng nội quy, quy định nhằm thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở;

b) Tuyên truyền, phổ biến các quy định về thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo;

c) Theo dõi và thường xuyên báo cáo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo trên địa bàn.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2014.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ để xem xét, giải quyết./.

 

BỘ NỘI VỤ
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Dũng

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Huỳnh Vĩnh Ái

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch Nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao;
- Toà án Nhân dân tối cao;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở VHTTDL, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ VHTTDL, Website Bộ Nội vụ;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, Bộ Nội vụ;
- Lưu: VT, Bộ VHTTDL, Bộ Nội vụ, KHTC, CTH (200).

 

THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 15/07/2014

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Thông tư liên tịch 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV Ngày ban hành 30/05/2014
Ngày có hiệu lực 15/07/2014 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Bộ Nội vụ Tình trạng Đang có hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Thông tư liên tịch 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ Nội vụ ban hành
Mục lục

Mục lục

Close