BỘ TÀI CHÍNH - BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 213/2013/TTLT/BTC-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2013

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CHĂM SÓC TRẺ EM MỒ CÔI KHÔNG NƠI NƯƠNG TỰA, TRẺ EM BỊ BỎ RƠI, TRẺ EM NHIỄM HIV/AIDS, TRẺ EM LÀ NẠN NHÂN CỦA CHẤT ĐỘC HÓA HỌC, TRẺ EM KHUYẾT TẬT NẶNG VÀ TRẺ EM BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI THIÊN TAI, THẢM HỌA DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2013-2020.

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;

Thực hiện Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2020;

Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2020 (sau đây gọi tắt là Đề án) như sau:

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:

1. Phạm vi áp dụng:

a) Thông tư này quy định việc quản lý và sử dụng nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện các hoạt động của Đề án.

b) Trường hợp Đề án sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển, vốn viện trợ, tài trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho các hoạt động của Đề án thì thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước và của nhà tài trợ hướng dẫn riêng cho các nguồn vốn này. Đối với vốn viện trợ, tài trợ, trường hợp nhà tài trợ hoặc đại diện có thẩm quyền của nhà tài trợ và Bộ Tài chính chưa có thỏa thuận về mức chi thì áp dụng mức chi quy định tại Thông tư này.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách nhà nước để thực hiện các hoạt động của Đề án.

b) Trẻ em dưới mười sáu tuổi thuộc đối tượng trợ giúp của Đề án (sau đây gọi là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn), bao gồm:

- Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi theo quy định hiện hành của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

- Trẻ em nhiễm HIV/AIDS theo xác nhận của cơ sở y tế đã được Bộ trưởng Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện khẳng định các trường hợp HIV dương tính.

- Trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học theo giấy chứng nhận của Sở Y tế chứng nhận bệnh tật do nhiễm chất độc hóa học hoặc dị dạng, dị tật do ảnh hưởng của chất độc hóa học.

- Trẻ em khuyết tật nặng theo quy định của Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn Luật.

- Trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa.

c) Gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án

1. Ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.

3. Các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Nội dung và mức chi cho các hoạt động và giải pháp của Đề án

1. Chi xây dựng chính sách, pháp luật về huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc chăm sóc và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 192/2010/TTLT-BTC-BTP-VPCP ngày 02/12/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

2. Chi thí điểm mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng và một số mô hình trợ giúp khác.

a) Mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch số 181/2011/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 15/12/2011 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015 (sau đây gọi là Thông tư liên tịch số 181/2011/TTLT-BTC-BLĐTBXH). Ngoài ra, Thông tư này quy định một số nội dung và mức chi sau:

- Hỗ trợ cho gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn:

+ Trợ cấp hàng tháng và các chế độ trợ giúp khác theo quy định hiện hành của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật.

+ Hỗ trợ một lần để mua sắm đồ dùng cá nhân cho trẻ em: mức tối thiểu 500.000 đồng/em.

- Hỗ trợ cho cơ sở bảo trợ xã hội trong trường hợp cơ sở bảo trợ xã hội trực tiếp đưa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về cộng đồng để gia đình, cá nhân nuôi dưỡng:

+ Chi phí đưa trẻ em về nơi cư trú. Mức chi theo giá phương tiện công cộng phổ thông áp dụng tại địa phương. Trường hợp bố trí bằng phương tiện của cơ quan, đơn vị, chi phí tính theo số km và tiêu hao nhiên liệu thực tế; trường hợp thuê xe bên ngoài thì giá thuê xe theo hợp đồng thỏa thuận và phù hợp với giá cả trên địa bàn cùng thời điểm.

+ Chi hướng dẫn gia đình cách chăm sóc trẻ em và mua quà cho trẻ tối thiểu 500.000 đồng/em.

+ Chi phí thông tin liên lạc với gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo thực tế phát sinh.

b) Mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn:

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, xây dựng mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện mô hình.

- Căn cứ vào mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định lựa chọn mô hình để áp dụng thí điểm, bảo đảm phù hợp với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng.

- Nội dung và mức chi xây dựng và triển khai thực hiện mô hình:

+ Chi nghiên cứu và xây dựng mô hình: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ tại Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT-BTC-BKHCN ngày 04/10/2006 hướng dẫn chế độ khoán kinh phí thực hiện đề tài, dự án khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây gọi là Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT-BTC-BKHCN) và Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 07/5/2007 hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây gọi là Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN).

+ Chi hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng học nghề: Mức hỗ trợ chi phí học nghề, tiền ăn và chi phí đi lại theo mức quy định đối với người lao động nông thôn thuộc hộ nghèo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng đối với trẻ em khuyết tật được hỗ trợ học nghề theo mức quy định tại Thông tư liên tịch số 48/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 26/4/2013 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020.

+ Chi khảo sát, xác định lựa chọn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng có nhu cầu và khả năng để tham gia học nghề; đánh giá, tổng kết mô hình: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi là Thông tư số 97/2010/TT-BTC) và Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê.

+ Đối với nội dung, mức chi đặc thù phát sinh khi triển khai thực hiện mô hình và chưa được quy định trong chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và Thông tư này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định nội dung và mức chi cụ thể trong quyết định phê duyệt mô hình.

3. Chi nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở bảo trợ xã hội và nhà xã hội để đủ điều kiện chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn:

a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định danh mục trang thiết bị phù hợp với quy mô của cơ sở bảo trợ xã hội và nhà xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

b) Tùy theo yêu cầu, điều kiện cụ thể và khả năng của ngân sách địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) phê duyệt Dự án nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở bảo trợ xã hội và nhà xã hội hiện có để đủ điều kiện chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

4. Chi xây dựng mô hình ngôi nhà tạm lánh để tiếp nhận, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng tại một số địa phương:

a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu xây dựng mô hình ngôi nhà tạm lánh và hướng dẫn địa phương thực hiện thí điểm mô hình ngôi nhà tạm lánh để tiếp nhận, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng.

b) Các địa phương căn cứ vào mô hình ngôi nhà tạm lánh do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, lựa chọn địa bàn thực hiện thí điểm mô hình ngôi nhà tạm lánh. Tùy theo điều kiện, yêu cầu cụ thể và khả năng của ngân sách địa phương, cấp có thẩm quyền phê duyệt Dự án xây dựng mới ngôi nhà tạm lánh hoặc nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị của cơ sở đã có được sử dụng làm ngôi nhà tạm lánh để tiếp nhận, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng.

c) Ngân sách nhà nước bảo đảm chi hoạt động thường xuyên của ngôi nhà tạm lánh theo phân cấp ngân sách của Luật Ngân sách nhà nước. Nội dung và mức chi thực hiện theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành của Nhà nước đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và một số nội dung chi đặc thù sau:

- Lập hồ sơ trẻ em 30.000 đồng/hồ sơ (bao gồm cả ảnh).

- Hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa được tiếp nhận, chăm sóc tại nhà tạm lánh: Mức hỗ trợ tối thiểu 30.000 đồng/người/ngày.

- Hỗ trợ cho cán bộ được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý cho trẻ em. Mức chi thù lao là 10.000 đồng/trẻ được tư vấn/lần tư vấn nhưng tối đa 500.000 đồng/cán bộ/tháng.

- Mua tài liệu hướng dẫn chuyên môn về chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa.

- Mua sắm vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết cho trẻ em; chi phí khám, chữa bệnh thông thường trong thời gian trẻ em lưu trú tại cơ sở: Cơ sở lập dự toán phù hợp với tình hình thực tế hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Hỗ trợ chi phí điều trị đối với trẻ em dưới 6 tuổi; trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng khi đi điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không có thẻ bảo hiểm y tế. Mức hỗ trợ bằng mức quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho các đối tượng tương ứng. Đối với trẻ em không thuộc các đối tượng này nhưng không còn thân nhân, mức hỗ trợ bằng mức quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho đối tượng thuộc hộ nghèo.

- Chi phí đưa trẻ em đến cơ sở bảo trợ xã hội hoặc về nơi cư trú (nếu có). Mức chi theo giá phương tiện công cộng phổ thông áp dụng tại địa phương. Trường hợp bố trí bằng phương tiện của cơ quan, đơn vị, chi phí tính theo số km và tiêu hao nhiên liệu thực tế; trường hợp thuê xe bên ngoài thì giá thuê xe theo hợp đồng thỏa thuận và phù hợp với giá cả trên địa bàn cùng thời điểm.

5. Chi xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin bảo trợ xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 19/2012/TTLT-BTC-BKH&ĐT-BTTTT ngày 15/02/2012 của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

6. Chi truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc chăm sóc và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng: Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 181/2011/TTLT-BTC-BLĐTBXH.

7. Chi cho công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các nội dung hoạt động của Đề án. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC.

8. Chi nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực phòng ngừa, phát hiện, can thiệp sớm và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng: nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT-BTC-BKHCN và Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

9. Chi hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn lực để chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng: nội dung và mức chi thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21/6/2012 quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức Nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí; Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06/01/2010 quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước.

Điều 4. Lập, chấp hành và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án

1. Việc lập, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.

2. Kinh phí thực hiện các hoạt động của Đề án được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm theo lĩnh vực chi của các cơ quan, đơn vị theo mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

3. Các Bộ, cơ quan Trung ương căn cứ nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch, dự toán ngân sách triển khai thực hiện Đề án, có văn bản hướng dẫn thực hiện các hoạt động của Đề án theo thẩm quyền và gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch, dự toán ngân sách thực hiện Đề án trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, trong đó quy định rõ các chỉ tiêu, các hoạt động của Đề án và trách nhiệm của từng cơ quan trong việc tổ chức thực hiện Đề án; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện hàng năm về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

5. Việc quản lý và sử dụng kinh phí sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về đấu thầu và của Bộ Tài chính tại Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 hướng dẫn về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và Thông tư số 68/2012/TT-BTC ngày 26/4/2012 quy định việc đấu thầu để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.

Điều 5. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2014.

2. Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo văn bản mới ban hành.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trọng Đàm

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Thị Minh

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW, Thủ tướng Chính phủ, các Phó TTCP;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- VP Quốc hội, VP Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng BCĐTW về phòng chống tham nhũng;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Sở LĐTBXH, Sở Tài chính các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật-Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Cổng TTĐT: Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH;
- Các đơn vị thuộc BTC, Bộ LĐTBXH;
- Lưu VT: Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH (400b).

 

 

THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 15/02/2014

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Thông tư liên tịch 213/2013/TTLT/BTC-BLĐTBXH Hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Đề án chăm sóc trẻ em: mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, nhiễm HIV/AIDS, là nạn nhân của chất độc hóa học, khuyết tật nặng, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2020 do Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 213/2013/TTLT/BTC-BLĐTBXH Ngày ban hành 30/12/2013
Ngày có hiệu lực 15/02/2014 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Tình trạng Đang có hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Thông tư liên tịch 213/2013/TTLT/BTC-BLĐTBXH Hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Đề án chăm sóc trẻ em: mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, nhiễm HIV/AIDS, là nạn nhân của chất độc hóa học, khuyết tật nặng, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2020 do Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Mục lục

Mục lục

Close