BỘ CÔNG THƯƠNG - BỘ CÔNG AN - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2015/TTLT-BCT-BCA-VKSNDTC-TANDTC

Hà Nội, ngày 17 tháng 08 năm 2015

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN CHUYỂN HỒ SƠ VỤ TRỘM CẮP ĐIỆN ĐỂ TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

Căn cứ Bộ luật hình sự năm 1999; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2009;

Căn cứ Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012;

Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn chuyển hồ sơ vụ trộm cắp điện để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này hướng dẫn chuyển hồ sơ vụ trộm cắp điện có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư liên tịch này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chuyển giao và xử lý vụ trộm cắp điện có dấu hiệu tội phạm.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư liên tịch này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt là trước đó đã bị xử phạt hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính hoặc đã bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức, Điều lệnh, Điều lệ của lực lượng vũ trang nhân dân hoặc đã bị xử lý kỷ luật theo quy định của cơ quan có thẩm quyền về một trong các hành vi: Cướp tài sản; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; cưỡng đoạt tài sản; cướp giật tài sản; công nhiên chiếm đoạt tài sản; trộm cắp tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; tham ô tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật.

Hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật là hết thời hạn do Luật xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức, Điều lệnh hoặc Điều lệ của lực lượng vũ trang nhân dân quy định. Đối với các trường hợp bị xử lý mà chưa có quy định về thời hạn để hết thời hạn đó, người bị xử lý được coi là chưa bị xử lý, thì thời hạn đó là 01 năm, kể từ ngày bị xử lý.

2. Đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản là trước đó đã bị kết án về một trong các tội sau đây: Tội cướp tài sản; tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; tội cưỡng đoạt tài sản; tội cướp giật tài sản; tội công nhiên chiếm đoạt tài sản; tội trộm cắp tài sản; tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; tội tham ô tài sản; tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

3. Trộm cắp điện là hành vi lấy điện trái phép không qua công tơ, tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ và các thiết bị điện khác có liên quan đến đo đếm điện và các hành vi lấy điện gian lận khác.

Điều 4. Chuyển hồ sơ vụ trộm cắp điện để truy cứu trách nhiệm hình sự

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 33; khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 34 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sau đây viết tắt là Nghị định số 134/2013/NĐ-CP) có trách nhiệm chuyển hồ sơ vụ trộm cắp điện cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 Bộ luật hình sự trong các trường hợp sau:

1. Hành vi trộm cắp điện thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 44 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP.

2. Hành vi trộm cắp điện không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo hướng dẫn tại mục 3.4 phần I Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự năm 1999 hoặc trước đó người thực hiện hành vi trộm cắp điện đã bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật về hành vi chiếm đoạt tài sản mà chưa hết thời hạn bị coi là chưa bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích.

Khi áp dụng các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” về tài sản, việc xác định hậu quả thiệt hại về tài sản không phải căn cứ vào giá trị tài sản bị chiếm đoạt (điện năng bị trộm cắp) vì giá trị tài sản này đã được quy định thành tình tiết định khung riêng biệt. Hậu quả phải là thiệt hại về tài sản xảy ra ngoài giá trị tài sản bị chiếm đoạt.

Điều 5. Hồ sơ vụ trộm cắp điện chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra

1. Văn bản chuyển hồ sơ vụ trộm cắp điện.

2. Biên bản vi phạm hành chính.

3. Bản tính số lượng điện bị trộm cắp và giá trị thiệt hại do hành vi trộm cắp điện gây ra (tiền bồi thường đối với hành vi trộm cắp điện).

4. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (đối với vụ việc đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng sau đó lại phát hiện có dấu hiệu tội phạm).

5. Quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (đối với vụ việc đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và đang trong quá trình thi hành nhưng sau đó lại phát hiện có dấu hiệu tội phạm).

6. Biên bản kiểm tra sử dụng điện (nếu có), Biên bản kiểm tra hoạt động điện lực (nếu có).

7. Biên bản kiểm tra thiết bị đo đếm điện năng (nếu có), Biên bản kiểm định thiết bị đo đếm điện năng (nếu có).

8. Sơ đồ trộm cắp điện, ảnh, băng ghi hình, dữ liệu điện tử ghi nhận và mô tả hành vi vi phạm (nếu có).

9. Biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm và các tang vật, phương tiện vi phạm kèm theo (nếu có).

10. Các giấy tờ, tài liệu và đồ vật khác có liên quan.

Điều 6. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ vụ trộm cắp điện

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi xảy ra hành vi trộm cắp điện có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ vụ trộm cắp điện. Trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền điều tra, giải quyết của mình, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã nhận hồ sơ vụ việc có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết.

Điều 7. Phối hợp giải quyết trong trường hợp chuyển hồ sơ vụ trộm cắp điện để truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Khi nhận được hồ sơ vụ trộm cắp điện, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có trách nhiệm giải quyết theo quy định tại các Điều 9, 10, 11, 12 và Điều 13 Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 02 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC).

2. Quá thời hạn giải quyết theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC mà người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã chuyển hồ sơ vụ trộm cắp điện không nhận được thông báo bằng văn bản về việc xử lý của Cơ quan Cảnh sát điều tra thì có quyền kiến nghị với Cơ quan Cảnh sát điều tra đang giải quyết vụ việc hoặc Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp xem xét, giải quyết.

Điều 8. Chuyển trả hồ sơ vụ trộm cắp điện để xử lý hành chính

1. Đối với vụ trộm cắp điện đã được cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết nhưng sau đó lại có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính, thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển trả hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã chuyển hồ sơ đến để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

2. Đối với vụ trộm cắp điện đã được cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết nhưng sau đó lại có một trong các quyết định nêu tại khoản 1 Điều này và thuộc những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính, thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, cơ quan tố tụng hình sự đã ra quyết định đó phải chuyển trả hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã chuyển hồ sơ đến để xem xét áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

Bộ Công Thương, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện trong ngành Thông tư liên tịch này.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 10 năm 2015.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc hoặc cần được hướng dẫn, đề nghị phản ánh kịp thời đến Bộ Công Thương, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung kịp thời./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG




Thượng tướng Lê Quý Vương

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Quốc Vượng

KT. VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Hải Phong

KT. CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN




Nguyễn Sơn

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công an, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Website Chính phủ;
- Website Bộ Công Thương;
- Lưu: VT (Bộ Công Thương, Bộ Công an, Viện kiểm sát NDTC, Tòa án NDTC).

 

THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 05/10/2015

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT-BCT-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn chuyển hồ sơ vụ trộm cắp điện để truy cứu trách nhiệm hình sự

Số hiệu 27/2015/TTLT-BCT-BCA-VKSNDTC-TANDTC Ngày ban hành 17/08/2015
Ngày có hiệu lực 05/10/2015 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Bộ Công An, Bộ Công thương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Tình trạng Đang có hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT-BCT-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn chuyển hồ sơ vụ trộm cắp điện để truy cứu trách nhiệm hình sự
Mục lục

Mục lục

Close