BỘ TÀI CHÍNH -
BỘ CÔNG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 96/2014/TTLT-BTC-BCA

Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 2014

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG MA TUÝ GIAI ĐOẠN 2012 – 2015

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/11/2015 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; Nghị định số 21/2014/NĐ-CP ngày 25/3/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung điều 3 Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 1203/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý giai đoạn 2012-2015.

Căn cứ công văn số 258/UBTVQH13 - TCNS ngày 29/10/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần thuộc từng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý giai đoạn 2012 - 2015.

Điều 1. Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh.

1. Thông tư liên tịch này áp dụng đối với các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là các địa phương) được giao nhiệm vụ, kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định số 1203/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Thông tư liên tịch này thực hiện đối với các Dự án, Tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý theo quy định tại Quyết định số 1203/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Nguồn vốn thực hiện Chương trình gồm:

Nguồn vốn từ Ngân sách trung ương.

a) Vốn đầu tư phát triển.

b) Vốn sự nghiệp.

2. Nguồn vốn từ Ngân sách địa phương.

3. Nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Điều 3. Nội dung chi, mức chi của dự án: “Trang bị phương tiện chiến đấu và giám định ma tuý của lực lượng Công an nhân dân”; dự án “Trang bị phương tiện, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm về ma tuý của lực lượng chuyên trách phòng, chống ma tuý thuộc Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển - Bộ Quốc phòng”; dự án “Tăng cường năng lực đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý của lực lượng Hải quan” thực hiện như sau:

1. Đối với những nội dung chi sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện theo các chế độ, quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn Ngân sách nhà nước.

2. Đối với dự án “Tăng cường năng lực đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý của lực lượng Hải quan”, nội dung chi hỗ trợ nâng cao năng lực cho lực lượng chuyên trách, phòng, chống ma tuý của lực lượng Hải quan có sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp: Căn cứ từng nội dung chi của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt để áp dụng mức chi theo các quy định tại Thông tư liên tịch này.

3. Đối với những dự án có sử dụng nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác. Nội dung chi, mức chi thực hiện theo quy định của nhà tài trợ tại các thỏa thuận tài trợ, hoặc thực hiện theo mức chi do đại diện nhà tài trợ, Bộ Tài chính, cơ quan chủ quản dự án quy định.

Trường hợp nhà tài trợ, đại diện nhà tài trợ, Bộ Tài chính không quy định nội dung chi, mức chi thì áp dụng theo các quy định tại Thông tư liên tịch này.

Điều 4. Nội dung, mức chi của dự án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma tuý”:

1. Chi tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ tham gia công tác phòng, chống ma tuý tại xã, phường, thị trấn: Nội dung, mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí từ Ngân sách Nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

2. Chi giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức trong phòng, chống ma tuý; tổ chức các chiến dịch tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về phòng, chống ma tuý, vận động nhân dân không trồng cây có chứa chất ma tuý trên các phương tiện thông tin đại chúng (các báo, đài phát thanh, đài truyền hình) và các hình thức tuyên truyền khác: Nội dung, mức chi thực hiện theo các quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

3. Chi hỗ trợ hoạt động truyền thông, tuyên truyền cấp xã, phường, thị trấn gồm: Chi hỗ trợ biên tập, in, phát tài liệu tuyên truyền, thông tin truyền thông, về phòng, chống ma túy, mức chi biên tập, tối đa: 75.000 đồng/trang 350 từ; chi bồi dưỡng phát thanh, tối đa: 30.000 đồng/lần.

4. Chi hỗ trợ hoạt động kiểm tra, phát hiện và phá bỏ diện tích cây trồng có chứa chất ma tuý: Mức hỗ trợ căn cứ vào số người, số ngày công thực tế tham gia phá bỏ cây có chất ma tuý, cơ quan chủ trì việc phá bỏ diện tích cây trồng có chất ma túy thực hiện việc hỗ trợ như sau:

a) Những người không hưởng lương từ Ngân sách nhà nước: Mức hỗ trợ tối đa 250.000 đồng/ngày/người.

b) Những người hưởng lương từ Ngân sách nhà nước: Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Để tránh chi trùng lắp, cơ quan, đơn vị chủ trì việc phá bỏ cây có chứa chất ma tuý thông báo bằng văn bản (trong giấy mời, triệu tập) cho cơ quan, đơn vị cử người tham gia phá bỏ cây có chất ma tuý không phải chi trả khoản chi này.

5. Chi tổ chức đăng ký và thực hiện cam kết xây dựng xã phường, thị trấn không tệ nạn ma tuý; chi tổ chức đăng ký quản lý người nghiện ma tuý, chi lập hồ sơ đề nghị xét duyệt những người có đủ tiêu chuẩn đi cai nghiện tập trung: Nội dung chi, mức chi thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, Thông tư liên tịch số 27/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH của Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, chế độ đóng góp và miễn giảm, hỗ trợ đối với đối tượng trong cơ sở chữa bệnh và tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng.

6. Tổ chức các hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm về ma tuý ở xã, phường, thị trấn: Căn cứ dự toán kinh phí, nhiệm vụ được giao, căn cứ tình hình tội phạm tại địa phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt nội dung, mức chi để tổ chức thực hiện cho phù hợp với thực tế của địa phương mình.

Điều 5. Nội dung, mức chi của dự án: “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma tuý, quản lý sau cai nghiện và nghiên cứu, triển khai ứng dụng các thuốc, phương pháp y học trong điều trị và phục hồi chức năng cho người nghiện ma tuý”:

1. Chi nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma tuý, gồm:

a) Chi đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ tham gia công tác phòng, chống ma tuý, phòng, chống tệ nạn xã hội và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, chuyên trách về phòng, chống ma tuý: Nội dung chi, mức chi theo Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí từ Ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

b) Chi rà soát, quy hoạch lại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội: Nội dung chi, mức chi thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê.

c) Chi hỗ trợ một phần kinh phí từ Ngân sách trung ương cho các địa phương trọng điểm và có khó khăn trong cân đối ngân sách cho đầu tư, nâng cấp, cải tạo các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và Trung tâm quản lý sau cai v.v... : Căn cứ tiêu chí để xác định “địa phương trọng điểm và có khó khăn trong cân đối ngân sách” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành. Các địa phương, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng phương án, dự án: “Hỗ trợ đầu tư, nâng cấp, cải tạo các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và Trung tâm quản lý sau cai tại các địa phương trọng điểm”, “Hỗ trợ nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các cơ sở cắt cơn tại cộng đồng, cụm xã, phường, thị trấn”, “Hỗ trợ công tác dạy nghề cho người sau cai nghiện tại cơ sở quản lý sau cai và tại nơi cư trú”, “Hỗ trợ các cơ sở cai nghiện tư nhân” gửi Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nội dung chi, mức chi thực hiện theo các quy định hiện hành về quản lý vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư.

d) Chi thí điểm, nhân rộng mô hình cai nghiện ở cộng đồng, xã, cụm xã, mô hình quản lý sau cai tại xã, cụm xã, mô hình “Quân, dân y cai nghiện ma tuý và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai cho người nghiện thuộc các xã khu vực biên giới”, mô hình “Trung tâm mở”, chi nghiên cứu thí điểm và tiến hành điều trị nghiện ma tuý tổng hợp tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, tại gia đình và cộng đồng: Tuỳ theo thực tế tình hình và mục tiêu cần đạt được khi xây dựng mô hình tại địa phương, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng mô hình thí điểm, hoặc nhân rộng mô hình căn cứ dự toán kinh phí được giao để quyết định nội dung, mức chi cụ thể, nhưng mức chi tối đa không vượt quá 15 triệu đồng/mô hình/năm.

đ) Chi kiểm tra, giám sát; chi tổ chức hội nghị, hội thảo bảo đảm yêu cầu chất lượng cai nghiện và hoạt động xã hội hoá công tác cai nghiện: Nội dung, mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 06/2007/TT-BTC ngày 26/01/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí đảm bảo cho công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với công tác kiểm tra giám sát, đánh giá của liên ngành, liên cơ quan: Cơ quan, đơn vị chủ trì đoàn công tác chịu trách nhiệm chi phí cho chuyến công tác theo chế độ quy định (tiền tầu xe đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê chỗ ở nơi đến và cước hành lý, tài liệu mang theo làm việc) cho các thành viên trong đoàn. Để tránh chi trùng lắp, cơ quan, đơn vị chủ trì đoàn công tác thông báo bằng văn bản (trong giấy mời, triệu tập) cho cơ quan, đơn vị cử người đi công tác không phải thanh toán khoản chi này.

e) Chi tuyên truyền về cai nghiên, phục hồi, điều trị nghiện ma tuý: Nội dung chi, mức chi áp dụng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

2. Chi nghiên cứu, thẩm định, triển khai ứng dụng, đánh giá theo dõi tác dụng và hiệu quả các thuốc, phương pháp y học, tiêu chuẩn chất lượng thuốc điều trị phục hồi chức năng cho người nghiện ma tuý, xây dựng quy trình cai nghiện đối với từng loại ma tuý: Mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 07/5/2007 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng Ngân sách nhà nước và các chế độ hiện hành của Nhà nước phù hợp với chuyên môn của ngành Y tế và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 6. Nội dung, mức chi của dự án “Thông tin, tuyên truyền phòng, chống ma tuý và giám sát thực hiện Chương trình”:

1. Chi hoạt động truyền thông về phòng, chống ma tuý, gồm:

a) Chi bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho phóng viên, báo chí, mạng lưới tuyên truyền viên về quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông phòng, chống và giảm thiểu tác hại của ma tuý trong xã hội: Nội dung, mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí từ Ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

b) Chi biên soạn, xây dựng, phát hành chương trình, ấn phẩm, tài liệu truyền thông về phòng, chống ma tuý: Nội dung, mức chi áp dụng theo quy định tại Thông tư số 123/2009/TT-BTC ngày 17/6/2009 của Bộ Tài chính quy định nội dung chi, mức chi xây dựng chương trình khung và biên tập chương trình, giáo trình các môn học đối với các ngành đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

c) Chi sản xuất phim tài liệu, các chương trình văn hoá, nghệ thuật, phát thanh, truyền hình, xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tin bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng về các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống ma tuý, cai nghiện ma tuý: Việc lựa chọn hình thức, nội dung tuyên truyền, chương trình truyền thông quyết định trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền giao và thực hiện theo quy định tại Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

d) Chi xây dựng và nhân rộng mô hình tư vấn cho thanh niên, mô hình truyền thông của Đoàn các trường đại học, các tỉnh đoàn về phòng, chống ma tuý:

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông về tiêu chí xây dựng và nhân rộng mô hình tư vấn cho thanh niên, mô hình truyền thông của Đoàn các trường đại học, các tỉnh đoàn về phòng, chống ma tuý, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn và quyết định việc xây dựng và nhân rộng mô hình tư vấn cho thanh niên, mô hình truyền thông của Đoàn các trường đại học, các tỉnh đoàn về phòng, chống ma tuý trên địa bàn. Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ và dự toán kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý được giao hàng năm để phê duyệt từng mô hình cụ thể. Nội dung chi, mức chi của các mô hình, căn cứ vào nội dung hoạt động của từng mô hình và và dự toán kinh phí được giao, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức chi cụ thể đối với từng mô hình tại địa phương.

đ) Chi thông tin, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức trong phòng, chống ma tuý trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức tuyên truyền khác: Nội dung, mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

2. Chi đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về phòng, chống ma tuý tại các địa phương trọng điểm về ma tuý, gồm:

a) Chi tổ chức sáng tác những tác phẩm tuyên truyền, sản xuất các chương trình tuyên truyền về phòng, chống ma tuý để cung cấp cho các Đội chiếu bóng lưu động, thư viện công cộng; chi biên tập và phát hành tài liệu tuyên truyền phòng, chống ma tuý cho các xã trọng điểm về tệ nạn ma tuý: Mức chi áp dụng theo quy định tại Thông tư số 123/2009/TT-BTC ngày 17/6/2009 của Bộ Tài chính quy định nội dung chi, mức chi xây dựng chương trình khung và biên tập chương trình, giáo trình các môn học đối với các ngành đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

b) Chi tổ chức biểu diễn văn nghệ, nghệ thuật, chiếu bóng lưu động chuyên đề về phòng, chống ma tuý, tổ chức các hoạt động tuyên truyền trong các đợt cao điểm phòng, chống ma tuý: Mức chi áp dụng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

3. Chi tăng cường năng lực phòng, chống ma tuý trong trường học.

a) Chi tổ chức điều tra, đánh giá thực trạng tình hình, nguy cơ của tệ nạn ma tuý xâm nhập vào trường học, khảo sát, đánh giá nhận thức của học sinh, sinh viên về ma tuý: Nội dung, mức chi thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê.

b) Chi tổ chức, cung cấp thiết bị, tài liệu tuyên truyền và duy trì hoạt động có hiệu quả các câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống ma tuý”: Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo về tiêu chí xây dựng, hoạt động, trang bị, tài liệu của câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống ma tuý”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn, quyết định việc xây dựng mô hình “Tuổi trẻ phòng, chống ma tuý” trên địa bàn, về mức chi, tuỳ theo yêu cầu, điều kiện cụ thể và dự toán kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý được giao hàng năm để quyết định cho từng mô hình cụ thể.

c) Chi biên tập, cung cấp tài liệu, học cụ phục vụ giảng dạy về phòng, chống ma tuý cho các Sở giáo dục và Đào tạo, các Trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp: Mức chi áp dụng theo quy định tại Thông tư số 123/2009/TT-BTC ngày 17/6/2009 của Bộ Tài chính quy định nội dung chi, mức chi xây dựng chương trình khung và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học đối với các ngành đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

d) Chi tổ chức hoạt động ngoại khoá, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống ma tuý cho cán bộ làm công tác học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn, Hội, Giáo viên cốt cán các Sở giáo dục và Đào tạo, các Trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp: Nội dung, mức chi thực hiện theo Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính Quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ Ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

4. Chi hỗ trợ hoạt động giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình:

a) Chi thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát định kỳ việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, dự án của Chương trình: Nội dung chi, mức chi thực hiện theo Thông tư số 137/2007/TT-BTC ngày 28/11/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử và Thông tư liên tịch số 43/2008/TTLT-BTC-BTTTT ngày 26/5/2008 của Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí chi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

b) Chi xây dựng bộ chỉ số nhằm cung cấp thông tin định tính và định lượng đánh giá việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu và tác động của Chương trình và của các dự án thuộc Chương trình: Nội dung, mức chi thực hiện theo các quy định tại Thông tư 06/2007/TT-BTC ngày 26/01/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo cho công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

c) Chi hỗ trợ hoạt động của Ban quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý, gồm:

- Chi tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, điều hành các dự án, Chương trình cho lực lượng trực tiếp tham gia thực hiện các dự án của chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí từ Ngân sách Nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

- Chi hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết công tác quản lý, điều hành, thực hiện dự án, Chương trình: Nội dung, mức chi thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

- Chi hỗ trợ văn phòng phẩm, thiết bị văn phòng; bưu cước phí, thông tin liên lạc cho Ban quản lý Chương trình và Tổ chuyên viên liên ngành: Căn cứ dự toán kinh phí hàng năm được phân bổ, nội dung công việc cần triển khai trong năm và các chế độ, tiêu chuẩn, nội dung, định mức chi theo quy định hiện hành, Trưởng Ban quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý triển khai xây dựng dự toán kinh phí đảm bảo cho hoạt động của Ban quản lý chương trình và Tổ chuyên viên liên ngành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng các quy định về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước trước khi triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung chi tiêu này.

- Chi hỗ trợ hoạt động hợp tác quốc tế: Nội dung, mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 102/2012/TTLT-BTC ngày 21/6/2012 quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí và Thông tư số 01/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 06/01/2010 quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước .

- Chi kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý: Nội dung, mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 06/2007/TT-BTC ngày 26/01/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí đảm bảo cho công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với công tác kiểm tra giám sát, đánh giá liên ngành, liên cơ quan: cơ quan, đơn vị chủ trì đoàn công tác đảm bảo chi phí cho chuyến công tác theo chế độ quy định (tiền tầu, xe đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê chỗ ở nơi đến và cước hành lý, tài liệu mang theo làm việc) cho các thành viên trong đoàn. Để tránh chi trùng lắp, cơ quan, đơn vị chủ trì đoàn công tác thông báo bằng văn bản (trong giấy mời, triệu tập) cho cơ quan, đơn vị cử người đi công tác không phải thanh toán khoản chi này.

- Chi làm đêm, làm thêm giờ cho các hoạt động của các dự án, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý: Nội dung chi, mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 25/01/2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 7. Lập và chấp hành dự toán.

Việc lập, phân bổ, chấp hành dự toán kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước và các quy định dưới đây:

1. Hàng năm, cùng với thời điểm lập dự toán Ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước, các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương được giao nhiệm vụ tham gia, thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý lập dự toán ngân sách cho việc thực hiện nhiệm vụ được giao theo từng dự án có liên quan, gửi cơ quan chủ trì dự án (quy định tại Quyết định số 1203/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và cơ quan quản lý Chương trình - Bộ Công an để tổng hợp chung.

Ngoài ra, căn cứ vào tình hình và diễn biến của tình hình và tội phạm về ma tuý trên địa bàn, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ có mục tiêu từ Ngân sách trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí từ nguồn Ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể được giao của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý trên địa bàn của tỉnh (hoặc thành phố trực thuộc Trung ương), trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định.

2. Cơ quan chủ trì dự án căn cứ nội dung và tổng mức vốn của dự án có trách nhiệm xem xét, tổng hợp dự toán của các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương cùng với phần dự toán do cơ quan mình trực tiếp tham gia thực hiện (thuộc phạm vi dự án do mình phụ trách), gửi cơ quan quản lý Chương trình - Bộ Công an, đồng gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp chung.

3. Bộ Công an có trách nhiệm tổng hợp toàn bộ dự toán kinh phí của Chương trình theo từng Dự án và từng địa phương và từng Bộ, cơ quan Trung ương được giao nhiệm vụ tham gia Chương trình, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp vào dự toán Ngân sách Nhà nước theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

4. Căn cứ tổng mức dự toán kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý được cấp có thẩm quyền thông báo, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chủ trì Dự án dự kiến phương án phân bổ kinh phí của Chương trình cho từng Dự án và chi tiết cho từng đơn vị, địa phương tham gia Chương trình, phù hợp với mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ được giao. Bộ Công an tổng hợp kết quả phân bổ, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp chung vào dự toán Ngân sách nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 8. Quản lý, sử dụng, và thanh, quyết toán kinh phí của Chương trình và chế độ báo cáo.

1. Các nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý được quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thực hiện các Luật này, các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí Chương trình phải mở số kế toán để ghi chép, hạch toán và thanh, quyết toán các nguồn kinh phí của Chương trình theo đúng quy định.

2. Hàng năm, các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương tham gia dự án, Chương trình lập báo cáo quyết toán kinh phí thực hiện, tổng hợp vào báo cáo quyết toán ngân sách năm và tổng hợp báo cáo quyết toán khi kết thúc dự án, Chương trình, đồng gửi cơ quan chủ trì dự án, cơ quan quản lý Chương trình (quy định tại Quyết định số 1203/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ), để tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

3. Đối với dự án sử dụng nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác thực hiện quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán theo quy định của nhà tài trợ tại các thỏa thuận tài trợ hoặc do đại diện nhà tài trợ, Bộ Tài chính hoặc cơ quan chủ quản dự án quy định.

4. Chế độ báo cáo.

a) Thủ trưởng các Bộ, cơ quan Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia thực hiện Chương trình có trách nhiệm gửi báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm, giữa kỳ, kết thúc Chương trình về tình hình tài chính, kết quả thực hiện các Dự án, Chương trình với cơ quan quản lý Chương trình (Bộ Công an), Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

b) Cơ quan chủ trì dự án có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát, tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các Dự án được phân công quản lý và gửi báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm, giữa kỳ, kết thúc dự án cho cơ quan quản lý Chương trình (Bộ Công an).

c) Bộ Công an - Cơ quan quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, tổng hợp số liệu, tình hình thực hiện các mục tiêu, nội dung của Chương trình, tình hình quản lý, sử dụng kinh phí của Chương trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Uỷ ban quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý mại dâm theo quy định hiện hành.

Điều 9. Tổ chức thực hiện.

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014.

2. Bãi bỏ Thông tư liên tịch số 57/2008/TTLB-BTC-BCA ngày 25/6/2008 của Bộ Tài chính, Bộ Công an hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý giai đoạn 2006-2010.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Công an để phối hợp xem xét, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG




Thượng tướng Lê Quý Vương

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Công Nghiệp

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- VP TW và các Ban của Đảng;
- VP Quốc hội, VP Chủ tịch nước, VP Chính phủ;
- VP BCĐTW về chống tham nhũng;
- Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ngân hàng CSXH;
- Công an, Biên phòng cấp tỉnh, các sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư,
Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp;
- Công báo, Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính, Bộ Công an;
- Các đơn vị thuộc, trực thuộc BTC, BCA;
- Lưu: VT (Bộ Tài chính, Bộ Công an).

 

 

 

 

THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 01/09/2014

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Thông tư liên tịch 96/2014/TTLT-BTC-BCA hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý giai đoạn 2012 - 2015 do Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ Công an ban hành

Số hiệu 96/2014/TTLT-BTC-BCA Ngày ban hành 17/07/2014
Ngày có hiệu lực 01/09/2014 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Bộ Công An, Bộ Tài chính Tình trạng Đang có hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Thông tư liên tịch 96/2014/TTLT-BTC-BCA hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý giai đoạn 2012 - 2015 do Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ Công an ban hành
Mục lục

Mục lục

Close