Những trường hợp nào trốn đóng bảo hiểm cho người lao động sẽ bị xử phạt ? Trồn đóng bảo hiểm cho 300 người lao động sẽ bị xử phạt như thế nào ?

Trả lời:

1. Cơ sở pháp lý:

- Bộ luật hình sự năm 2015;
- Luật bảo hiểm xã hội năm 2014;
- Luật bảo hiểm y tế năm 2008;
- Luật việc làm năm 2013;
- Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014;
- Nghị định 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
Nghị định 115/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc;
- Nghị quyết 93/2015/QH13 thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động do Quốc hội ban hành;
- Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành.

2. Ý kiến tư vấn:

I. Những trường hợp xử phạt và hình thức xử phạt tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được quy định tại Điều 216 của Bộ Luật hình sự năm 2015:
1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;
d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;
c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

Trường hợp Anh/Chị đã đặt vấn đề với chúng tôi được quy định tại điểm b khoản 3 Điều 216 của Bộ Luật này, sẽ bị xử phạt theo 2 hình thức như sau: 
1. Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
2. Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Ngoài ra, theo quy định trong Bộ luật này thì người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
II. Mặt khác, trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội sẽ bị xử phạt tiền từ 1 tỷ đến 3 tỷ đồng.

Sau đây là một số phân tích của chúng tôi. Anh/Chị có thể tham khảo thêm để hiểu rõ hơn những vấn đề của Anh/Chị:

1. Chủ thể của hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là “Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động”.

a) Tại khoản 2 Điều 21 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động:
Người sử dụng lao động trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
b) Tại khoản 1 Điều 13 Luật bảo hiểm y tế được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 của luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014 và khoản 1 Điều 44 Luật việc làm 2013 quy định:
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Như vậy, Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội quy định tại điều này là người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm cho người lao động.
 c) Tại khoản 3 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về người sử dụng lao động:
Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
d) Tại khoản 4 Điều 2 Luật bảo hiểm y tế cũng quy định về người sử dụng lao động:
Người sử dụng lao động bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể và tổ chức khác; tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế.

e) Chương XI Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là người sử dụng lao động, kể cả tổ chức là “pháp nhân thương mại”.
f) Theo quy định tại điều 75 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Pháp nhân thương mại" là được hiểu như là một thực thể vô hình nên sẽ không thể chịu hình thức phạt tù. 
g) Theo quy định tại khoản 1 Điều 75 và khoản 1 Điều 76 Bộ luật Hình sự này, pháp nhân thương mại sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi phạm tội khi hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại, vì lợi ích của pháp nhân thương mại và hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại.

Ngoài ra, vấn đề pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Trong trường hợp hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân và vì lợi ích của pháp nhân thì những người nhân danh pháp nhân đó cấu thành hành vi phạm tội cũng đồng thời liên đới chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi phạm tội của mình.

2. Việc không đóng hoặc không đóng đầy đủ được thực hiện bằng hành vi gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác. 
a) Theo quy định tại khoản 1 Điều 216, người không đóng hoặc đóng không đầy đủ chỉ cấu thành hành vi tội phạm khi chủ thể của hành vi  thực hiện các hành vi gian dối hoặc thủ đoạn khác để trốn đóng bảo hiểm.
b) Những hành vi không đóng bảo hiểm nhưng có lý do chính đáng, không phải do gian dối hoặc thủ đoạn khác sẽ không phải là yếu tố cấu thành nên tội phạm theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015.
3. Số tiền trốn đóng hoặc đóng không đầy đủ là số tiền bảo hiểm phải đóng cho người lao động theo quy định tại điều 216 của Bộ luật hình sự năm 2015:
Tùy vào từng trường hợp trốn đóng bảo hiểm có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự. Trong các trường hợp cụ thể như: người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm cho người lao động trong thời hạn và số tiền phải đóng hoặc không đóng tiền bảo hiểm cho theo quy định tại Điều 216 của Bộ luật hình sự năm 2015.

4. Hành vi vi phạm đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng người sử dụng lao động vẫn tiếp tục có hành vi vi phạm tương tự.
 Người có các hành vi cấu thành “Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động” chỉ phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự này, khi hành vi vi phạm có đầy đủ các yếu tố đã phân tích. Trong trường hợp có hành vi không đóng bảo hiểm cho người lao động nhưng thiếu một trong các yếu tố trên thì hành vi vi phạm sẽ chưa đủ căn cứ để xử phạt hình sự mà có thể xử phạt hành chính.

Chúng tôi hy vọng ý kiến tư vấn trên có thể giải đáp phần nào vướng mắc của anh/chị. Đồng thời, Anh/Chị lưu ý, nội dung tư vấn nêu trên chỉ có giá trị tham khảo, việc áp dụng nội dung tư vấn trên còn phụ thuộc vào từng vụ việc, hoàn cảnh cụ thể.
TRÂN TRỌNG./.
 

Tiếng Việt

Đây là văn bản biểu mẫu do Công ty tự soạn thảo, nếu Anh/Chị muốn sử dụng dịch vụ vui lòng liên lạc với chúng tôi để được nâng cấp tài khoản VIP. Xin cám ơn.

English

Đây là văn bản biểu mẫu do Công ty tự soạn thảo, nếu Anh/Chị muốn sử dụng dịch vụ vui lòng liên lạc với chúng tôi để được nâng cấp tài khoản VIP. Xin cám ơn.

Hướng dẫn

Biểu mẫu

Hỏi đáp

Biểu mẫu công vụ

Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.