Tôi có người quen đến chơi nhà, tôi có cần thực hiện thủ tục khai báo, đăng ký thường trú, tạm trú gì không?

Cơ sở pháp lý

Luật cư trú 2006 ;

Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ ngày 28/12/2013 ;

Ý kiến tư vấn

1. Các trường hợp quy định phải đăng ký tạm trú

Theo quy định tại Điều 30 Luật cư trú 2006 về việc đăng ký tạm trú như sau:

“Điều 30. Đăng ký tạm trú
1. Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ.
2. Ng­ười đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.
3. Người đến đăng ký tạm trú phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đã đăng ký thường trú; giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở đó; nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản khai nhân khẩu; trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
4. Trưởng Công an xã, phường, thị trấn trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 3 Điều này phải cấp sổ tạm trú theo mẫu quy định của Bộ Công an.
Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và không xác định thời hạn.
Việc điều chỉnh thay đổi về sổ tạm trú được thực hiện theo quy định tại Điều 29 của Luật này. Sổ tạm trú bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại. Trường hợp đến tạm trú tại xã, phường, thị trấn khác thì phải đăng ký lại.
5. Trường hợp người đã đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống, làm việc, lao động, học tập từ sáu tháng trở lên tại địa phương đã đăng ký tạm trú thì cơ quan đã cấp sổ tạm trú phải xoá tên người đó trong sổ đăng ký tạm trú.”

Như vậy, các trường hợp phải đăng ký tạm trú là những người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó (các trường hợp được đăng ký thường trú được quy định tại Điều 18 – 22 Luật cư trú 2006) . Theo đó, các đối tượng này có nghĩa vụ đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó sinh sống, học tập và làm việc trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến.

2. Vấn đề thông báo lưu trú

Việc người quen đến chơi nhà không phải đăng ký tạm trú, thường trú theo quy định của Luật cư trú do không thuộc các trường hợp như sinh sống, học tập, làm việc được quy định cụ thể phải đăng ký. Trong trường hợp này, gia đình nơi có người đến chơi nhà chỉ cần thông báo lưu trú với công an xã, phường, thị trấn biết về việc lưu trú.

Theo quy định tại Điều 31 Luật cư trú 2006 quy định rõ về việc thông báo lưu trú như sau:

“Điều 31. Lưu trú và thông báo lưu trú
1. Lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú.
2. Gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác khi có người từ đủ mười bốn tuổi trở lên đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp hoặc bằng điện thoại. Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thông báo địa điểm, số điện thoại nơi tiếp nhận thông báo lưu trú cho nhân dân biết.
3. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ, nếu người đến lưu trú sau 23 giờ thì thông báo lưu trú vào sáng ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.
4. Việc thông báo lưu trú được ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú.

Như vậy, theo quy định hình thức thông báo có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp và việc thông báo lưu trú phải được thực hiện trước 23 giờ. Trong trường hợp quá 23 giờ việc thông báo này được thực hiện vào ngày hôm sau. Nếu người thân, họ hàng hoặc người quen lưu trú nhiều lần gia đình chỉ cần thông báo một lần về việc này.

Tóm lại trong với trường hợp này, bạn không cần phải đăng ký tạm trú, thường trú mà chỉ cần thông báo lưu trú với công an xã, phường, thị trấn nơi bạn đang cư trú.

Bên cạnh đó, nếu cá nhân hoặc chủ gia đình không thông báo lưu trú khi công an xã phường thị trấn đến kiểm tra sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 100.000 đến 300.000 đồng theo quy định tại Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn của chúng tôi về thắc mắc của Anh/Chị về vấn đề nêu trên. Câu trả lời này chỉ mang tính chất tham khảo, việc áp dụng nội dung tư vấn trên còn phụ thuộc vào từng vụ việc, hoàn cảnh cụ thể. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào xin vui lòng gửi câu hỏi trực tiếp qua mục Câu hỏi trên Website http://thegioiluat.vn để được giải đáp thắc mắc.

TRÂN TRỌNG

Tiếng Việt

Đây là văn bản biểu mẫu do Công ty tự soạn thảo, nếu Anh/Chị muốn sử dụng dịch vụ vui lòng liên lạc với chúng tôi để được nâng cấp tài khoản VIP. Xin cám ơn.

English

Đây là văn bản biểu mẫu do Công ty tự soạn thảo, nếu Anh/Chị muốn sử dụng dịch vụ vui lòng liên lạc với chúng tôi để được nâng cấp tài khoản VIP. Xin cám ơn.

Hướng dẫn

Biểu mẫu

Hỏi đáp

Biểu mẫu công vụ

Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.