XỬ TRÍ RA SAO KHI BỊ "CẤM" LÀM VIỆC CHO ĐỐI THỦ

Bạn tìm được một công việc mới với một mức thù lao hấp dẫn và một chức vụ cao nhưng khi chuẩn bị ký hợp đồng lao động với công ty mới, bạn mới chợt phát hiện ra rằng sau khi nghỉ việc tại công ty cũ, trong một thời gian nhất định, bạn không được phép làm việc hoặc cộng tác với bất cứ một công ty cùng lĩnh vực nào
Tại nhiều quốc gia, người sử dụng lao động thường dùng một thoả thuận bằng văn bản (tạm dịch là: điều khoản không làm việc cho đối thủ cạnh tranh) để ngăn ngừa người lao động làm việc cho đối thủ cạnh tranh sau khi thôi việc. Điều khoản này nghe rất khó chịu nhưng nó là tình hình chung của rất nhiều công ty. Bạn hãy thử nghĩ xem công ty đã tốn rất nhiều tiền bạc, công sức và thời gian để tìm ra được những nhân sự có thể cùng họ xây dựng sự nghiệp trong tương lai. Vì thế, việc bạn nhảy sang công ty đối thủ không chỉ làm tốn nguồn lực của công ty mà còn dẫn đến nhiều thiệt hại cho các ông chủ, dù những thiệt hại đó là vô hình và khó định giá được.

Chẳng hạn như bạn đem hết bí mật công nghệ và kinh doanh sang  hay dùng danh sách khách hàng của công ty cũ sang công ty mới. Như vậy, công ty cũ của bạn không chỉ mất người mà còn mất luôn tiền, khách hàng và những thứ vô cùng giá trị khác.  Bạn sẽ quyết định ra sao trước khi cầm bút ký vào hợp đồng lao động mà trong đó có có ghi rõ rằng bạn sẽ không được phép làm việc khi Hợp đồng hết hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định? 
Việc đầu tiên bạn cần làm là tham khảo các quy định pháp luật liên quan. Tại Khoản 1, Điều 10, Bộ Luật Lao động 2012 quy định về quyền của người lao động: 
"Được làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm." 
Còn theo Khoản 2, Điều 23, Bộ Luật Lao động 2012 quy định rằng: 
" Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm."  

Vì thế, trước khi ký hợp đồng với bất kỳ công ty nào nếu hợp đồng lao đồng có điều khoản cấm làm việc cho đối thủ, bạn hãy đàm phán lại với nhà tuyển dụng và  cố gắng thuyết phục nhà tuyển dụng thay đổi điều khoản "cấm làm việc hoặc cộng tác với đối thủ cạnh tranh." bằng một điều khoản khác nhẹ nhàng hơn như "không tiết lộ bí mật kinh doanh cho một bên thứ ba nào" bởi vì mục đích của công ty vẫn là  bảo vệ các bí mật kinh doanh, tài nguyên và quyền lợi của họ.

Một lưu ý nữa dành cho các bạn có ý định nghỉ việc để sang công ty mới cùng lĩnh vực với công ty cũ: Bạn đừng nên  thu thập các thông tin số liệu, tài liệu của công ty hoặc mang chúng ra khỏi văn phòng và cũng nên nói rõ cho mọi người biết rằng bạn sẽ bàn giao công việc chu đáo, và tuyệt đối giữ kín các thông tin bí mật của công ty. Nếu cần thiết, bạn có thể ký với công ty cũ một biên bản thỏa thuận bảo mật thông tin. Các bạn hãy cố gắng xử lý khôn khéo vấn đề này, có thể nhờ những người có kinh nghiệm để không bị vụt mất cơ hội thăng tiến bản thân và những mối quan hệ đồng nghiệp tốt đẹp nhé
Bài viết có tham khảo thông tin từ careerbuilder.vn

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC