NHÂN DANH

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HÓC MÔN

 

Với thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có:

Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa: Ông Bùi Tô Đông Đức.

Các Hội thẩm nhân dân:

1. Ông Phạm Văn Chính.

2. Ba Lê Thi Xin.

Thư ký ghi biên bản phiên tòa: Ông Nguyễn Hữu Nguyên - Cán bộ tòa án nhân dân huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 30 tháng 3 năm 2015, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Hóc Môn xét xử sơ thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số: 69/2014/TLST-LĐ ngày 04 tháng 6 năm 2014 về “Tranh chấp bồi thường thiệt hại và trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 35/2015/QĐST– LĐ ngày 11/3/2015 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Huệ, sinh năm: 1981. (có mặt)

Địa chỉ: 363/12/4 Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, Tp.HCM.

Bị đơn: Công ty Cổ phần Sơn Hà Sài Gòn.

Địa  chỉ:  292/5  ấp  Tam Đông  2, xã  Thới  Tam Thôn, huyện  Hóc Môn,

Tp.HCM.

Đại diện theo ủy quyền: Bà Phạm Thị Thiên Hà, sinh năm: 1981. (có mặt) Chức vụ: Trưởng phòng Hành chính nhân sự.

Địa  chỉ:  109  Chung  cư  EHome  KP6,  phường  Phước  Long  B,  quận  9, TP.HCM.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Luật sư Lê Song Tùng, Văn phòng Luật sư Tùng Lâm, thuộc Đoàn luật sư Tp.Hồ Chí Minh (có mặt) Địa chỉ: 363/12/4 Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, Tp.HCM.

NHẬN THẤY:

Trong đơn khởi kiện ngày 28/04/2014, các bản tự khai ngày 16/7/2014,

24/09/2014, biên bản hòa giải ngày 08/8/2014, 24/9/2014, 30/10/2014, 19/01/2015 và trong suốt quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn bà Nguyễn Thị Huệ trình bày:

Bà Huệ vào làm việc tại công ty Cổ phần Sơn Hà Sài Gòn từ năm 2009 với công việc là nhân viên hành chánh bán hàng, mức lương 2.540.000 đồng (Hợp đồng lao động ký với công ty từ ngày 01/4/2011). Tuy nhiên mức lương 2.540.000 đồng là mức lương để đóng bảo hiểm xã hội, thực tế bà Huệ lãnh hàng tháng từ 5.700.000 đồng – 5.800.000 đồng.

Ngày 25/01/2014, công ty mở cuộc họp thông báo cho bà Huệ phải bàn giao công việc và chuyển sang phòng nhân sự chờ việc.

Ngày 12/02/2014 công ty ra Quyết định số 01/QĐ-SH/2014 buộc bà phải chuyển sang làm công nhân sản xuất, hạ bậc lương, hạ bậc công tác.

Ngày 01/3/2014, công ty triệu tập cuộc họp thông báo cho bà Huệ chuyển từ nhân viên phòng sản xuất sang nhân viên phòng kinh doanh nhưng không có bàn giao công việc.

Ngày 13/3/2014, bà Huệ có đơn khiếu nại với công ty về việc chuyển từ phòng sản xuất sang phòng kinh doanh và đã thông báo cho công ty biết về việc bà không tiếp tục làm việc tại công ty từ ngày 13/3/2014. Việc thông báo này bà thực hiện bằng cách điện thoại báo cho bà Phạm Thị Thiên Hà. Bà Hà có động viên bà đi làm nhưng bà không đồng ý. Sau đó, bà Huệ nhận được Email của bà Hà yêu cầu bà phải đi làm lại nhưng bà từ chối.

Ngày 05/4/2014 công ty có mở cuộc họp yêu cầu bà Huệ tham gia với lý do bà vắng mặt tại nơi làm việc chứ không thông báo nội dung xử lý kỷ luật nên bà không ký vào biên bản cuộc họp.

 Ngày 26/04/2014 công ty ra Quyết định số 15/QĐ-SH về việc sa thải bà Huệ với lý do nghỉ việc trên 05 ngày trong tháng 03/2014. Đến 01/7/2014 thì bà nhận được quyết định kỷ luật sa thải.

Theo bà, Quyết định xử lý kỷ luật sa thải không đúng theo quy định của pháp luật (Thông tư số 19/2003): không đúng về trình tự thủ tục ban hành là trước khi xử lý kỷ luật lao động, công ty phải gửi thông báo về việc xử lý kỷ luật lao động; không đúng về nội dung, hình thức quy định theo mẫu, biên bản họp xét kỷ luật lao động; không đúng về thành phần tổ chức phiên họp xử lý kỷ luật, không có biên bản xử lý kỷ luật.

Bà Huệ đã nhận được lương những ngày làm việc trong tháng 03/2014 tại công ty và nhận sổ bảo hiểm đã chốt (công ty đã trả 07 ngày lương). Do không đồng ý với quyết định sa thải nêu trên mà công ty ban hành vì quyết định này là trái pháp luật nên bà Huệ khởi kiện yêu cầu công ty bồi thường cho bà 06 tháng tiền lương (từ tháng 06 đến tháng 12/2013) là 30.600.000 đồng, tiền trợ cấp thôi việc  là  11.475.000  đồng,  tiền  bồi  thường  là  30.600.000  đồng.  Tổng  cộng  là 72.675.000 đồng.

Tại  bản  tự  khai  ngày  08/8/2014,  biên  bản  hòa  giải  ngày  08/8/2014,

24/9/2014, 30/10/2014, 19/01/2015 và trong suốt quá trình giải quyết vụ án người đại diện theo ủy quyền của bị đơn bà Phạm Thị Thiên Hà trình bày:

Công ty Cổ phần Sơn Hà Sài Gòn xác nhận việc bà Nguyễn Thị Huệ vào làm việc tại công ty từ năm 2009 nhưng đến ngày 01/4/2011 công ty mới ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, chức danh nhân viên hành chánh bán hàng, công việc theo bản mô tả công việc, mức lương 2.540.000 đồng. Tuy nhiên, thực tế bà Huệ thực lãnh 5.700.000 đồng/tháng (bà Huệ được nhận thêm phụ cấp công việc, phụ cấp xăng và tiền thưởng hàng tháng). Do trong quá trình làm việc bà Huệ liên tiếp sai phạm, cụ thể như:

- Ngày 09/12/2010 bà Huệ bị xử lý kỷ luật với lỗi bán hàng cho khách không đúng giá quy định, gây thiệt hại cho công ty số tiền 2.300.000 đồng.

- Ngày 24/3/2011 bà Huệ bị xử lý kỷ luật với lỗi gây gỗ, cãi nhau với đồng nghiệp gây mất trật tự công ty.

- Ngày 06/10/2011 bà Huệ bị xử lý kỷ luật với lỗi bấm thẻ chấm công cho cả phòng ống thép.

- Ngày 14/10/2013 bà Huệ bị xử lý kỷ luật với lỗi không lưu trữ, cập nhật hồ sơ, chứng từ theo khoa học, đầy đủ, chuyển chứng từ trễ hạn.

- Ngày 12/02/2014 bà Huệ bị xử lý kỷ luật với lỗi sử dụng mật mã điện thoại của người khác để gọi ra ngoài trong thời gian từ tháng 11/2012 đến tháng 12/2013 đã vi phạm nguyên tắc bảo mật thông tin của công ty. Đồng thời, bà Huệ gọi vượt định mức.

Vì  vậy,  ngày 12/02/2014  Công  ty đã  ra quyết  định  kỷ luật  số  01/QĐ- SH/2014 hạ bậc công tác với mức lương thấp hơn và chuyển bà Huệ từ nhân viên phòng kinh doanh gia dụng đến phòng sản xuất. Tuy nhiên bà Huệ xin nghỉ việc riêng vào ngày 11 và ngày 13/02/2014 nên bà chưa làm việc tại phòng sản xuất ngày nào. Đến ngày 14/02/2014, bà Huệ gửi đơn xin công ty xem xét lại quyết định kỷ luật số 01/QĐ-SH/2014 ngày 12/02/2014, cùng ngày 14/02/2014 Trưởng phòng hành chính nhân sự và Chủ tịch Công đoàn đã đề xuất Tổng giám đốc công ty giữ nguyên mức lương cho bà Huệ và để bà Huệ làm nhân viên hành chính thuộc phòng sản xuất. Bà Huệ tiếp tục không đến công ty làm việc từ 15/02/2014 đến 25/02/2014 không xin phép và không có lý do chính đáng.

Ngày 26/02/2014 bà Huệ vào công ty, đại diện phòng hành chính nhân sự có động viên bà viết giấy phép bù lại những ngày nghỉ trên và bà Huệ đã làm.

Ngày 26/02/2014 bà Huệ làm việc tại phòng sản xuất một ngày và đến cuối ngày 26/02/2014 bà Huệ lại gửi tiếp 01 đơn khiếu nại xin xem xét vì không phù hợp làm việc tại phòng sản xuất.

Ngày 02/3/2014 Trưởng phòng hành chính nhân sự và Chủ tịch Công đoàn đã đề xuất Tổng giám đốc công ty cho bà Huệ trở lại làm việc tại phòng gia dụng. Từ ngày 27/02/2014 đến ngày 01/3/2014 bà Huệ không đến công ty làm việc và cũng không xin phép.

Ngày 03/3/2014 bà Huệ có đến làm việc buổi sáng. Ngày 04/3/2014 Trưởng phòng hành chính nhân sự và Chủ tịch Công đoàn đã đề xuất Tổng giám đốc công ty cho bà Huệ trở lại làm việc tại phòng gia dụng từ ngày 01/3/2014 và được giữ nguyên mức lương như trước. Ngày 10/3/2014, công ty ra Quyết định số 08/QĐ- SH/2014 không áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc công tác đối với bà Huệ.

Ngày 12/3/2014 bà Huệ bị lập biên bản về việc tự ý truy cập mạng Internet bằng USB 3G mà không xin phép và bà cũng không được phép truy cập.

Từ ngày 13/3/2014 bà Huệ không đến công ty làm việc, không xin phép mà không có lý do chính đáng.

Ngày 28/3/2014 công ty gửi thư mời bà Huệ đến họp vào ngày 04/4/2014 về việc bà Huệ vắng mặt tại nơi làm việc, không xin phép và giải quyết các nguyện vọng của bà. Bà Huệ đã nhận và có xin phép ngày 04/4/2014 không đến dự được và đề nghị dời cuộc họp sang ngày 05/4/2014.

Ngày 05/4/2014 hội đồng kỷ luật của công ty bao gồm Chủ tịch Công đoàn, Đại diện ban chấp hành công đoàn, Trưởng bộ phận gia dụng, Trường phòng hành chính nhân sự tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật bà Huệ với lý do nghỉ việc 05 ngày cộng dồn trong tháng mà không có lý do chính đáng, có bà Huệ tham dự nhưng bà không ký vào biên bản cuộc họp.

Ngày 26/4/2014 công ty ra quyết định số 15/QĐ-SH/2014 về việc sa thải bà Huệ do tự ý nghỉ việc trên 05 ngày trong tháng 03/2014. Công ty đã trả lương những ngày làm việc trong tháng 03/2014 cho bà Huệ cũng như chốt sổ bảo hiểm xã hội cho bà.

Việc bà Huệ khai ngày 13/4/2014 có gọi điện cho bà Hà thông báo không đi làm là đúng. Tuy nhiên, việc gọi điện thông báo của bà Huệ cho bà Hà chưa được bà Hà trả lời chấp nhận và bà Hà có đề nghị bà Huệ tiếp tục đi làm. Sau đó, bà Hà có gọi điện thoại và gửi Email yêu cầu bà Huệ đến công ty làm việc nhưng bà Huệ không đến.

Xét thấy việc công ty điều động, bố trí công việc khác cho bà Huệ là quyền của công ty và cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bà thì bà Huệ phải chấp hành. Nhưng thực tế, bà Huệ đã không chấp hành việc điều động này. Đó là chưa kể đến việc bà Huệ đã nhiều lần vi phạm kỷ luật lao động và công ty cũng đã châm chước bằng cách không hạ bậc lương, khi bà Huệ có đơn đề nghị công ty cũng xem xét để bà Huệ làm công tác khác. Việc bà Huệ tự ý bỏ việc từ ngày 13/3/2014 là vi phạm luật Lao động. Công ty Cổ phần Sơn Hà Sài Gòn đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật khi ra quyết định kỷ luật sa thải đối với bà Huệ nên không chấp nhận các yêu cầu bồi thường mà bà Huệ đã nêu.

Tại  các  biên  bản  hòa  giải  ngày  08/8/2014,  24/9/2014,  30/10/2014,

19/01/2015 và trong suốt quá trình giải quyết vụ án người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn – Luật sư Lê Song Tùng: Luật sư thống nhất với lời trình bày và yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Huệ.

Toa an đa tiên hanh hoa giai cac bên nhưng không thành.

Tai phiên toa hôm nay, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn – Luật sư Lê Song Tùng trinh bay: Về nội dung sự việc bà Huệ vẫn giữ ý kiến như đã trình bày trong bản tự khai và các biên bản hòa giải. Do không đồng ý với quyết định kỷ luật lao động số 01/QĐ-SH/2014 ngày 12/2/2014 và Quyết định kỷ luật sa thải số 15/QĐ-SH/2014 ngày 26/4/2014 do trái pháp luật nên nay bà yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết:

1. Yêu cầu Công ty Cổ Phần Sơn Hà Sài Gòn phải trả cho bà Huệ khoản tiền bồi thường theo khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động bao gồm tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Thời gian bà Huệ không làm được làm việc từ ngày 28/4/2014 đến ngày xét xử là 11 tháng với mức lương là 5.100.000 đồng/ tháng và hai tháng tiền lương theo hợp đồng lao động là 2.540.000 đồng/tháng.

Tổng cộng: 11 x 5.100.000 đ/tháng + 2 x 2.540.000 đ/tháng = 61.180.000 đồng

2. Yêu cầu Công ty Cổ Phần Sơn Hà Sài Gòn chi trả cho bà Huệ trợ cấp thôi việc theo Điều 48 Bộ luật lao động. Vì bà Huệ không muốn tiếp tục làm việc tại công ty Sơn Hà nên bà yêu cầu Công ty Sơn Hà phải chi trả trợ cấp thôi việc cho bà, cụ thể:

Thời gian làm việc từ 16/9/2009 đến 28/4/2014 là hơn 4 năm 7 tháng, làm tròn 5 năm. Tiền lương theo hợp đồng lao động: 2.540.000 đ/tháng.

Khoản tiền trợ cấp thôi việc là: 2.540.000/2 x 5 = 6.350.000 đồng.

3. Yêu cầu Công ty Cổ Phần Sơn Hà Sài Gòn chi trả cho bà Huệ bồi thường theo khoản 3 Điều 42 Bộ luật lao động. Theo đó, Công ty cổ phần Sơn Hà Sài Gòn phải bồi thường thêm cho bà Huệ 02 tháng lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

Tiền lương theo hợp đồng lao động: 2.540.000 đ/tháng. Khoản tiền bồi thường là: 2.540.000 x 2 = 5.080.000 đồng.

Tổng cộng bà Huệ yêu cầu Công ty Cổ Phần Sơn Hà Sài Gòn phải trả số tiền là 72.610.000 đồng.

4. Buộc Công ty Cổ Phần Sơn Hà Sài Gòn phải hủy bỏ quyết định số 01/QĐ-SH/2014 ngày 12/2/2014 và Quyết định kỷ luật sa thải số 15/QĐ-SH/2014 ngày 26/4/2014 do ban hành trái pháp luật.

Tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của bị đơn bà Hà trình bày: Việc công ty thực hiện điều chuyển, xử lý kỷ luật, tổ chức cuộc họp và ban hành quyết định xử lý kỷ luật sa thải bà Huệ là đúng theo các quy định của pháp luật nên không chấp nhận tất cả các yêu cầu của bà Huệ.

Sau khi tranh luận, nguyên đơn vẫn giữ các yêu cầu nêu trên và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn không bổ sung gì thêm. Bị đơn cũng không thay đổi ý kiến đã trình bày tại phiên tòa.

XÉT THẤY:

Sau khi nghiên cứu tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:

Bà Nguyễn Thị Huệ được tuyển vào làm nhân viên hành chánh bán hàng tại Công ty Cổ phần Sơn Hà Sài Gòn từ năm 2009 nhưng đến ngày 01/4/2011 mới ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Đến ngày 26/4/2014 Công ty cổ phần Sơn Hà Sài Gòn ra Quyết định kỷ luật sa thải số 15/QĐ-SH/2014 đối với bà Huệ do tự ý nghỉ việc trên 05 ngày trong tháng 03/2014. Bà Huệ cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm nên đã nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện Hóc Môn. Bị đơn là Công ty cổ phần Sơn Hà Sài Gòn, có trụ sở chính đóng trên địa bàn huyện Hóc Môn. Tranh chấp giữa bà Huệ và công ty cổ phần Sơn Hà Sài Gòn đã được Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Hóc Môn tiến hành hòa giải vào ngày 16/4/2014 theo quy định pháp luật nhưng không thành. Ngày 28/4/2014, bà Huệ nộp đơn khởi kiện nên việc khởi kiện của bà Huệ còn nằm trong thời hạn luật định. Căn cứ vào khoản 1, Điều 31 ; Điểm c khoản 1 Điều 33 ; điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự được sửa đổi bổ sung năm 2011 thì vụ án thuộc thẩm quyền xem xét giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Hóc Môn.

Về tính hợp pháp của Quyết định kỷ luật lao động số 01/QĐ-SH/2014 ngày

12/02/2014: Ngày 12/02/2014 Công ty cổ phần Sơn Hà Sài Gòn ban hành Quyết định số 01/QĐ-SH/2014 có nội dung xử lý kỷ luật bà Huệ bằng hình thức: “Hạ bậc công tác với mức lương thấp hơn và chuyển sang phòng ban khác với vị trí là: Nhân viên sản xuất”. Theo quy định Điều 125 Bộ luật lao động năm 2012 (có hiệu lực ngày 01/5/2013) không có hình thức xử lý kỷ luật là “Hạ bậc công tác với mức lương thấp hơn”, như vậy quyết định số 01/QĐ-SH/2014  ban hành sai về mặt nội dung. Tuy nhiên, đến ngày 10/3/2014 nhận thấy việc ra Quyết định số 01/QĐ- SH/2014 là sai nên công ty cổ phần Sơn Hà Sài Gòn đã ban hành Quyết định số 08/QĐ-SH/2014 về việc không áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc công tác đối với chị Nguyễn Thị Huệ. Mặc dù, trong Quyết định số 08/QĐ-SH/2014 không quy định hủy bỏ Quyết định số 01/QĐ-SH/2014, tuy nhiên về nội dung đã phủ nhận các hình thức xử lý kỷ luật đã áp dụng đối với chị Huệ trong Quyết định số 01/QĐ- SH/2014. Như vậy, Quyết định 01/QĐ-SH/2014 đã bị thay thế và không còn giá trị hiệu lực.

Về tính hợp pháp của Quyết định kỷ luật lao động số 15/QĐ-SH/2014 ngày 26/04/2014:

Hai bên đương sự cùng xác nhận bà Nguyễn Thị Huệ vào làm việc tại Công ty cổ phần Sơn Hà Sài Gòn từ năm 2009 nhưng mới ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ ngày 01/4/2011 và đến ngày 26/4/2014 thì Công ty ra Quyết định kỷ luật sa thải đối với bà Huệ với lý do tự ý nghỉ việc trên 05 ngày trong tháng 03/2014 mà không có lý do chính đáng.

Trong quá trình hòa giải cũng như tại phiên tòa hôm nay bà Huệ xác định nghỉ việc từ ngày 13/3/2014 nhưng có điện thoại báo cho bà Hà đại diện của công ty biết. Phía đại diện công ty xác định bà Huệ có thông báo cho bà Hà biết và bà Hà có yêu cầu bà Huệ đi làm nhưng bà Huệ vẫn tiếp tục không đi làm. Việc bà Huệ nghỉ việc từ ngày 13/3/2014 cho đến khi công ty ra Quyết định sa thải chưa được sự chấp thuận của công ty. Như vậy, có đủ cơ sở để xác định bà Huệ đã tự ý nghỉ việc mà không có lý do chính đáng. Công ty cổ phần Sơn Hà Sài Gòn căn cứ vào lý do nêu trên để ra quyết định xử lý kỷ luật sa thải đối với bà Huệ là phù hợp với căn cứ “Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng …” quy định  tại  khoản  3  Điều  126  Bộ  luật  lao  động  năm  2012  (có  hiệu  lực  ngày 01/5/2013).

Mặc khác, trước khi tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật công ty Cổ phần Sơn Hà Sài Gòn đã thông báo bằng thư mời cho bà Hà biết vào ngày 28/3/2014. Bà Huệ xác nhận có nhận thư mời và vì việc riêng không thể đến dự cuộc họp diễn ra vào  ngày  04/4/2014  nên  hai  bên  đã  thống  nhất  mở  lại  cuộc  họp  vào  ngày 05/4/2014. Hội đồng xem xét kỷ luật bao gồm Chủ tịch Công đoàn, Đại diện ban chấp hành công đoàn, Trưởng bộ phận gia dụng, Trường phòng hành chính nhân sự của công ty Cổ phần Sơn Hà Sài Gòn, có lập biên bản cuộc họp và có sự tham dự của bà Huệ dù bà không ký vào biên bản. Như vậy, về trình tự thủ tục xem xét xử lý kỷ luật bằng hình thức sa thải của công ty cổ phần Sơn Hà Sài Gòn đối với bà Huệ đã thực hiện đúng với nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động quy định tại Điều 123 Bộ luật lao động năm 2012.

Bà Huệ bắt đầu tự ý nghỉ việc từ ngày 13/03/2014. Công ty cổ phần Sơn Hà Sài Gòn tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật vào ngày 05/4/2014 là còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động quy định tại Điều 124 Bộ luật lao động năm 2012.

Như vậy, Quyết định xử lý kỷ luật số 15/QĐ-SH/2014 của Công ty cổ phần

Sơn Hà Sài Gòn là đúng theo các quy định của pháp luật.

Về yêu cầu của các bên đương sự:

Do Quyết định xử lý kỷ luật số 15/QĐ-SH/2014 của Công ty cổ phần Sơn Hà Sài Gòn là hợp pháp nên Hội đồng xét xử xét thấy các yêu cầu bồi thường của nguyên đơn là không có cơ sở để chấp nhận.

Về án phí: Bà Nguyễn Thị Huệ được miễn nộp tiền án phí.

Vì các lẽ trên,


QUYẾT ĐỊNH

 

- Căn cứ khoản 1, Điều 31; điểm c khoản 1 Điều 33; điểm a khoản 1 Điều 35; Điều 131, khoản 1 Điều 245, khoản 1 Điều 252 Bộ luật tố tụng dân sự;

- Căn cứ Điều 36, 123, 124, 125, khoản Điều 126 Bộ luật lao động;
- Căn cứ pháp lênh án phí, lệ phí tòa án 2009, tuyên xử:

Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn:

Tuyên bố: Công ty cổ phần Sơn Hà Sài Gòn ban hành Quyết định xử lý kỷ luật sa thải số 15/QĐ-SH/2014 với bà Nguyễn Thị Huệ là đúng theo quy định của pháp luật.

Không chấp nhận đối với yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc Công ty Cổ Phần Sơn Hà Sài Gòn phải trả cho bà Huệ khoản tiền bồi thường theo khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động 2012 với số tiền là 61.180.000 đồng.

Không chấp nhận đối với yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc Công ty Cổ Phần Sơn Hà Sài Gòn chi trả cho bà Huệ trợ cấp thôi việc theo Điều 48 Bộ luật lao động năm 2012 với số tiền là 6.350.000 đồng.

Không chấp nhận đối với yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc Công ty Cổ Phần Sơn Hà Sài Gòn chi trả cho bà Huệ bồi thường theo khoản 3 Điều 42 Bộ luật lao động năm 2012 với số tiền là 5.080.000 đồng.

Không chấp nhận đối với yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc Công ty Cổ Phần Sơn Hà Sài Gòn phải hủy bỏ quyết định số 01/QĐ-SH/2014 ngày 12/2/2014 và Quyết định kỷ luật sa thải số 15/QĐ-SH/2014 ngày 26/4/2014 do ban hành trái pháp luật.

2. Án phí lao động sơ thẩm: Bà Nguyễn Thị Huệ miễn nộp tiền án phí.

3. Quyền kháng cáo:

Các đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Tên bản án

Bản án số: 23/2015/LĐST :Tranh chấp bồi thường thiệt hại và trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động

Số hiệu Ngày xét xử
Bình luận án