TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TOÀ KINH TẾ

 

Quyết định giám đốc thẩm Số: 70/2014/KDTM-GĐT

Ngày: 29/07/2014

V/v: “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

NHÂN DANH

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TOÀ KINH TẾ - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
 

Với thành phần Hội đồng giám đốc thẩm gồm có:

Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa:         1. Ông Hoàng Văn H

Các Thẩm phán:                                 2. Ông Nguyễn Văn S

3.Ông Nguyễn Lương T

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Ông Nguyễn Tá C, Kiểm sát viên Viện  kiểm sát nhân dân tối cao;

Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Bà Tô Thị Kim N, Thẩm tra viên Tòa án nhân dân tối cao.

Ngày 29 tháng 12 năm 2014, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa để giám đốc thẩm vụ án kinh doanh, thương mại “Tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa”, giữa các đương sự:

Nguyên đơn:

NĐ_Công ty Hà Thanh;

Có trụ sở tại số 99 LD, quận HK, thành phố HN;

Do ông Nguyễn Lê Sơn - Giám đốc Công ty làm đại diện.

Bị đơn:

BĐ_Công ty cổ phần Thép Thiên An;

Có trụ sở tại Km9 Quốc lộ M, phường HL, quận HM, thành phố HN; Do ông Trần Thanh Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị làm đại diện.

NHẬN THẤY:

Theo đơn khởi kiện, trình bày của nguyên đơn và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, thì:

Ngày 11/11/2009, NĐ_Công ty Hà Thanh — Bộ Quốc phòng (sau đây gọi tắt là NĐ_Công ty Hà Thanh - bên A) có ký Hợp đồng kinh tế 03-09/HT-PT với BĐ_Công ty cổ phần Thép Thiên An (sau đây gọi tắt là BĐ_Công ty Thiên An - bên B) với nội dung: NĐ_Công ty Hà Thanh bán cho Công ty Thụận Phát 816,97 tấn (+/- 10%) thép cán nóng, dạng cuộn, xuất xứ Nhật Bản; tổng trị giá là 7.422.000.000 đồng (+/-10%) (tỷ giá tạm tính 1USD = 18.500VND); giá trên là giá tạm tính đã bao gồm thuế VAT, trong trường hợp chính

 

sách thuế thay đổi thì giá trị hợp đồng sẽ thay đổi phù hợp; thời hạn giao hàng trong tháng 11-12/2009; Bên B thanh toán cho bên A bằng tiền mặt, chuyển séc hoặc chuyển khoản theo trình tự sau: Ngay sau khi ký hợp đồng, bên B đặt cọc cho bên A số tiền 1.114.000.000VNĐ tương đương 15% tổng giá trị hợp đồng; số tiền này được quyết toán vào ngày thanh lý hợp đồng. Trong vòng 145 ngày kể từ ngày bên A nhận nợ Ngân hàng, bên B phải thanh toán cho bên A số tiền hàng còn lại tương đương 85% trị giá hợp đồng. Quá thời hạn trên, bên B phải chịu phạt theo lãi suất phạt chậm của Ngân hàng nhưng không quá 5 ngày. Quá thời hạn 5 ngày, nếu bên B vẫn chưa thanh toán hết thì phải chịu phạt theo lãi suất 1%/ngày. Hai bên cam kết thực hiện nghiêm túc các điều khoản đã thỏa thuận, không được đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng. Bên nào không thực hiện hoặc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị phạt 8% trị giá hợp đồng áp dụng theo mức phạt của Luật thương mại. Mọi thay đổi, bổ sung các điều khoản của hợp đồng này phải được lập thành văn bản là phụ lục hợp đồng. Các bản phụ lục hợp đồng (nếu có) là một bộ phận không thể tách rời của hợp đồng này (BL40-41).

Ngoài ra, hai bên còn ký Phụ lục số 1 (kèm theo Hợp đồng số 02-09/HT- TP) không đề ngày tháng năm 2009, trong đó có chỉ định nhà cung cấp nước ngoài, tổng giá trị hợp đồng tạm tính vẫn là 7.422.000.000 đ; ngay khi có yêu cầu nộp thuế của cơ quan hải quan, bên B chuyển cho bên A toàn bộ số tiền thuế VAT và thuế nhập khẩu theo thông báo thuế của cơ quan hải quan nơi thông quan; giá trên là giá tạm tính đã bao gồm thuế VAT, bên B sẽ chịu thêm phần chênh lệch VAT (nếu có); bên B phải trả các chi phí sau: Chi phí giao nhận tại cảng, bốc xếp tại cảng, chi phí giám định, chi phí lưu kho, lưu bãi...; bên A căn cứ vào các chứng từ phát sinh chi phí như: Phí lưu kho, phí xếp dỡ hàng, phí lõng hàng, vận chuyển, bảo hiểm, phí ngân hàng, phí giám định vv để xuất hóa đơn hợp lý cho bên B; bên B thanh toán cho bên A bằng VNĐ; tỷ giá quy đổi là tỷ giá bán ra quy định của ngân hàng bên A (cộng phần chênh điểm nếu có) tại thời điểm ký hậu chứng từ; trường hợp phía nước ngoài yêu cầu ngân hàng xác nhận và/hoặc có thế xác nhận L/C do bên A mở thì chi phí xác nhận do bên B thanh toán; trong trường hợp bên A mở L/C mà không có hàng về thì bên B phải chịu toàn bộ chi phí L/C và các chi phí liên quan khác (ủy thác) (BL39).

Ngày 12/11/2009, BĐ_Công ty Thiên An đã đặt cọc cho NĐ_Công ty Hà Thanh 1.114.000.000 đồng. Ngày 14/11/2009, chuyển tiếp 53.000.000 đ, tổng cộng 1.167.000.000 đồng.

Ngày 08/01/2010 (khi chưa giao nhận hàng), hai bên đã ký biên bản nhận nợ, theo đó: Tổng giá trị hàng là 386.590,20USD; phí mở L/C (386.590,20USD X 0,15%) là 579,89USD; điện phí mở LC là 30USD; Phí thanh toán (0,2% X 386.590,20USD) là 773,18USD; điện phí thanh toán 20USD; lãi vay ngân hàng (386.590,20USD X 9,75%/12 X 154 ngày) là 13.705,43USD; Tổng cộng 401.698,69 USD; thuế giá trị gia tăng 10% là 40.169,87 USD; Phí ủy thác 386.590,20USD X 1,6% là 6.185,44USD; số tiền đặt cọc là 1.167.000.000/19377 là 60.226,04USD. số tiền nhận nợ gồm giá trị hàng nhập khẩu theo giá CIF và các chi phí khác là 387.827,97USD. Kể từ ngày 08/01/2010, BĐ_Công ty Thiên An nhận nợ NĐ_Công ty Hà Thanh số tiền là 387.827,97 USD. số tiền thực tính lãi được tính trên phần trị giá tiền hàng theo giá CIF, các phần chi phí khác bên B không phải thanh toán lãi. Thời gian tính lãi ngân hàng: từ ngày 08/01/2010 đến ngày 08/6/2010 trên giá trị lô hàng chưa thanh toán là 328.601,67 USD, đồng tiền thanh toán là đồng Việt Nam được quy đổi theo tỷ giá bán ra thực tế của Ngân hàng Habubank Chi nhánh Cầu Giấy (đã cộng chênh điểm nếu có) tại từng thời điểm thanh toán, lãi suất là 9,7%/năm. Tiền lãi thanh toán vào khi quyết toán hợp đồng. Bên B có trách nhiệm thanh toán số tiền hàng còn nợ cho bên A đúng thời hạn. BĐ_Công ty thép Thiên An cam kết thực hiện theo các điều khoản Hợp đồng kinh tế số 03- 09/HT-PT ngày 11/11/2009 ký giữa hai bên (BL44).

Cùng ngày 08/01/2010, hai bên đã ký Bản cam kết thanh toán với Ngân hàng TMCP nhà HN (nhận nợ với Ngân hàng) (BL108-109).

 

Ngày 12/01/2010, NĐ_Công ty Hà Thanh đã giao đủ số lượng 816,97 tấn thép theo hợp đồng, hai bên đã làm biên bản giao nhận hàng (BL38).

Theo các tài liệu có trong hồ sơ là các lệnh chuyển tiền thì từ ngày 22/02/2010 đến 05/10/2010, BĐ_Công ty Thiên An đã thanh toán cho NĐ_Công ty Hà Thanh 14 lần với tổng số tiền là 5.693.582.000 đồng (BL01-15).

Theo trình bày của nguyên đơn thì từ ngày 14/7/2010 đến ngày  05/10/2010,  BĐ_Công ty Thiên An đã thanh toán cho NĐ_Công ty Hà Thanh 13 lần, tổng cộng là 5.000.000.000 đồng, tương đương 257.379,01 USD, quy đổi theo tỷ giá Ngân hàng vào từng thời điểm thanh toán. Từ ngày 05/10/2010 đến nay.

BĐ_Công ty Thiên An không thanh toán cho NĐ_Công ty Hà Thanh nữa.

 

Tại phiên tòa sơ thẩm, NĐ_Công ty Hà Thanh đề nghị Tòa án căn cứ vào Biên bản nhận nợ ngày 08/01/2010 để giải quyết, yêu cầu BĐ_Công ty Thiên An phải thanh toán gốc  là 1.821.360.000 đồng, lãi chậm trả 504.184.000 đồng, phạt vi phạm 545.778.000 đồng, tổng cộng: 2.871.253.702 đồng. Cụ thể:

Về nợ gốc: Đến ngày 05/10/2010, BĐ_Công ty Thiên An còn nợ tiền hàng chưa thanh toán là 76.573,66USD, tương đương 1.503.140.945 VND. Tiền nợ thuế VAT là 120.393.793 đồng; tiền phạt chậm nộp thuế là 2.080.744 đồng.

Về tiền lãi: Tại Biên bản nhận nợ ngày 08/01/2010, hai bên đã thỏa thuận thời gian tính lãi từ ngày 08/01/2010 đến 08/6/2010 trên giá trị lô hàng là 328.601,67USD. Trên cơ sở này, NĐ_Công ty Hà Thanh đã tính số lãi BĐ_Công ty Thiên An còn nợ tính đến ngày 25/02/2011 là 23.226,6 USD tương đương 499.139.634 đồng.

Về phạt vi phạm hợp đồng, đề nghị BĐ_Công ty Thiên An phải thanh toán tiền phạt 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm, số tiền phạt là 26.716,21 USD tương đương 574.131.352 đồng.

Về phí ủy thác: tại Biên bản nhận nợ ngày 08/01/2010, BĐ_Công ty Thiên An đông ý trả NĐ_Công ty Hà Thanh khoản phí này. Đây là thỏa thuận bổ sung Hợp đồng mua bán  ngày 11/11/2009. Thực tế, NĐ_Công ty Hà Thanh không ký hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa với bên thứ ba, vì vậy, NĐ_Công ty Hà Thanh không có chứng từ về việc ủy thác mua bán.

Về tiền thuế VAT: Căn cứ vào thỏa thuận giữa hai bên tại Phụ lục hợp đông thì BĐ_Công ty Thiên An phải trả cho NĐ_Công ty Hà Thanh toàn bộ tiền thuế VAT. NĐ_Công ty Hà Thanh đã phát hành hóa đon giá trị gia tăng ngày 18/01/2010 sô tiên thuế là 724.560.000 đồng nộp vào ngân sách nhà nước. Ngày 22/02/2010, BĐ_Công ty Thiên An đã chuyển cho NĐ_Công ty Hà Thanh 693.582.000 đồng tiền thuế, còn thiếu 120.000.000 đồng theo hóa đơn đã phát hành.

Về tiền phạt chậm nộp thuế: theo thỏa thuận thì BĐ_Công ty Thiên An phải chuyến toàn bộ số tiền thuế VAT và thuế nhập khẩu theo thông báo thuế của cơ quan hải quan nơi thông quan, nhưng do BĐ_Công ty Thiên An chuyển chậm tiền nên Hải quan Hải Phòng đã phạt NĐ_Công ty Hà Thanh 2.080.744 đồng tiền chậm nộp thuê, vì vậy yêu cầu BĐ_Công ty Thiên An phải thành toán khoản tiền này (BL48-50, 90-93, 110-119).

 

Bị đơn trình bày:

Ngày 11/11/2009, BĐ_Công ty Thiên An có ký Hợp đồng kinh tế số 03- 09/HT-TP và Phụ lục hợp đồng số 01 với NĐ_Công ty Hà Thanh như nguyên đơn trình bày. Tính đến ngày 05/10/2010, BĐ_Công ty Thiên An đã trả NĐ_Công ty Hà Thanh số tiền 6.860.581.999 đồng (như bản kê của NĐ_Công ty Hà Thanh), còn nợ gốc là: 561.418.000 đồng, tiền chậm trả tính đến ngày xét xử là 290.607.451 đồng. Tổng cộng, BĐ_Công ty Thiên An chấp nhận trả cho NĐ_Công ty Hà Thanh 852.025.451 đồng. BĐ_Công ty Thiên An không chấp nhận yêu cầu phạt hợp đồng của nguyên đơn vì từ ngày giao hàng bị đơn vẫn chuyển trả tiền cho nguyên

 

đơn. Bị đơn sẽ không trả tiếp vì đã yêu cầu nguyên đơn xuất hóa đơn bán hàng nên bị đơn không vi phạm hợp đồng. Không chấp nhận nguyên đơn căn cứ vào Biên bản nhận nợ ngày 08/01/2010 và đồng tiền thanh toán là USD là vi phạm pháp luật. Đề nghị nguyên đơn  chuyển cho bị đơn hóa đơn bán hàng để bị đơn thanh toán nốt khoản tiền còn lại (90-93; 110- 119).

 

Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 02/2011/KDTM-ST ngày 09/4/2011, Toà án nhân dân quận HM, thành phố HN đã quyết định:

“7. Chấp nhận một phần yêu cầu của NĐ_Công ty Hà Thanh Bộ quốc phòng. Buộc BĐ_Công ty cổ phần Thép Thiên An phải thanh toán cho NĐ_Công ty Hà Thanh Bộ quốc phòng những khoản sau:

-    Khoản tiền hàng còn phải thanh toán là 561.418.000 đồng;

-    Khoản tiền lãi chậm trả tính đến ngày xét xử là 297.660.264 đồng;

-    Khoản tiền phạt hợp đồng là 44.913.440 đồng;

-    Khoản tiền phạt chậm nộp thuế: 2.080.744 đồng;

Tổng số tiền BĐ_Công ty cổ phần Thép Thiên An phải thanh toán trả NĐ_Công ty Hà Thanh Bộ quốc phòng là 906.072.500 đồng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật... hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thỉ hành án... cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước quy định tương úng với thời gian chưa thi hành án.

Về án phí:

-  NĐ_Công  ty  Hà  Thanh  phải  chịu  án  phí  kinh  doanh,  thương  mại  sơ  thẩm là

70.955.500 đồng. Xác nhận NĐ_Công ty Hà Thanh Bộ quốc phòng đã nộp tạm ứng án phí sơ thẩm là 43.000.000 đồng...NĐ_Công ty Hà Thanh Bộ quốc phòng còn phải nộp tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 27.955.500 đồng.

- BĐ_Công ty cổ phần Thép Thiên An phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 39.182.0000 đồng.

 

Ngày 15/4/2011, NĐ_Công ty Hà Thanh có đơn kháng cáo.

 

Tại Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 16/2011/KDTM-PT ngày  19/7/2011, Toà án nhân dân thành phố HN đã quyết định: “Sửa Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2011/KDTM-ST ngày 06 và 09/4/2011 của Tòa án nhân dân quận HM và xử như sau:

1.  Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của NĐ_Công ty   Hà

Thanh.

2.   Buộc BĐ_Công ty cổ phần Thép Thiên An phải thanh toán cho NĐ_Công ty Hà

Thanh các khoản tiền sau:

Khoản tiền hàng còn phải thanh toán: 1.690.233.428 đồng. Tiền phạt hợp đồng 8%: 535.218.674,24 đồng.

Tiền phạt chậm nộp thuế: 2.080.744 đồng. Tiền lãi chậm trả: 461.120.288,6 đồng Tổng cộng: 2.688.653.135 đồng.

Kể từ khi án có hiệu lực pháp luật mà bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành  án mà bên phải thi hành chưa trả tiền thì còn phải chịu lãi suất trên số tiền trả chậm trả theo mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án...

 

3.  Về án phí: 3.1. NĐ_Công ty Hà Thanh không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. NĐ_Công ty Hà Thanh phải chịu 9.130.000 đồng (chín triệu một trăm ba mươi nghìn đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm; được trừ vào số tiền tạm ímg án  phí kinh doanh thương mại sơ thẩm 43.000.000 đồng... và tiên tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm 200.000 đồng... được hoàn lại 34.070.000 đồng.

3.2. BĐ_Công ty cổ phần Thép Thiên An phải chịu 85.773.000 đồng (tám mươi năm triệu bảy trăm bảy mươi ba nghìn đỏng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm”.

 

Sau khi xét xử phúc thẩm, BĐ_Công ty cổ phần Thép Thiên An có đơn đề nghị hoãn thi hành án và xem xét lại bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm.

 

Tại Quyết định kháng nghị số 33/2014/KDTM-KN ngày 16/7/2014, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 16/2011/KDTM-PT ngày 19/7/2011 của Toà án nhân dân thành phố HN và Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 02/2011/KDTM-ST ngày 09/4/2011 của Toà án nhân dân quận HM, thành phố HN; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân quận HM, thành phố HN xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

 

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là cần thiết, tuy nhiên, đề nghị Hội đồng xét xử giám đốc thẩm xem xét lại về nội dung phạt vi phạm hợp đồng theo hướng cần phải áp dụng phạt vi hợp đồng đối với BĐ_Công ty thép Thiên An.

XÉT THẤY:

Ngày 11/11/2009, NĐ_Công ty Hà Thanh - Bộ Quốc Phòng (bên A) và BĐ_Công ty cổ phần Thép Thiên An (bên B - sau đây viết tắt là BĐ_Công ty Thiên An) đã ký Hợp đồng kinh tế 03-09/HT-PT về việc mua bán 816,97 tấn (+/- 10%) thép cán nóng, dạng cuộn, xuất xứ Nhật Bản, tổng trị giá hợp đồng là 7.422.000.000 đồng, giá này là giá tạm tính, đã bao  gồm thuế giá trị gia tăng. Sau đó, hai bên còn ký Phụ lục hợp đồng số 1 (không đề ngày tháng năm 2009) để chỉ định nhà cung cấp nước ngoài, và bên B sẽ chịu thêm phần chênh lệch  VAT (nếu có); chi phí giao nhận tại cảng, bốc xếp tại cảng, chi phí giám định, chi phí lưu  kho, lưu bãi...

Ngày 08/01/2010 (khi chưa giao nhận hàng), hai bên đã ký biên bản nhận nợ, theo đó: Tổng trị giá hàng là 386.590,20USD; phí mở L/C (386.590,20USD X 0,15%) là 579,89USD; điện phí mở LC là 30USD; Phí thanh toán (0,2% X 386.590,20USD) là 773,18USD; điện phí thanh toán 20USD; lãi vay ngân hàng (328.601,67USD X 9,75%/12 X 154 ngày) là 13.705,43USD; Tổng cộng 401.698,69USD; thuế giá trị gia tăng 10% là 40.169,87USD; Phí ủy thác (386.590,20USD X 1,6%) là 6.185,44 USD; tổng cộng là 448.054,01USD; số tiền đặt cọc (1.167.000.000/19.377) la 60.226,04 USD. số tiền nhận nợ gồm giá trị hàng nhập khẩu theo giá CIF và các chi phí khác là 387.827,97 USD. Kể từ ngày 08/01/2010, BĐ_Công ty Thiên An nhận nợ NĐ_Công ty Hà Thanh số tiền là 387.827,97 USD. số tiền thực tính lãi được tính trên phần trị giá tiền hàng theo giá CIF, các phần chi phí khác bên B không phải thanh toán lãi. Thời gian tính lãi ngân hàng: từ ngày 08/01/2010 đến ngày 08/6/2010 trên giá trị lô hàng chưa thanh toán là 328.601,67 USD, đồng tiền thanh toán là đồng Việt Nam được quy đổi theo tỷ giá bán ra thực tế của Ngân hàng Habubank (Ngân hàng TMCP Nhà HN) Chi nhánh Cầu Giấy (đã cộng chênh điểm nếu có) tại từng thời điểm thanh toán, lãi suất là 9,75%/năm. Tiền lãi thanh toán vào khi quyết toán hợp đồng. Bên B có trách nhiệm thanh toán số tiền hàng còn nợ cho bên A đúng thời hạn. BĐ_Công ty Thiên An cam kết thực hiện theo các điều khoản Hợp đồng kinh tế số 03-09/HT-PT ngày 11/11/2009 ký giữa hai bên.

 

Ngày 12/01/2010, NĐ_Công ty Hà Thanh đã giao đủ số lượng 816,97 tấn thép theo hợp đồng và hai bên đã làm biên bản giao nhận hàng.

Theo các tài liệu có trong hồ sơ thì từ ngày 12/11/2009 đến ngày 05/10/2010, BĐ_Công ty Thiên An đã phát hành các lệnh chuyển tiền thanh toán cho NĐ_Công ty Hà Thanh 16 lần (bao gồm cả tiền đặt cọc) với tổng số tiền là 6.860.582.000 đồng qua Ngân  hàng TMCP Nhà HN, chi nhánh Cầu Giấy.

Xét Biên bản nhận nợ ngày 08/01/2010 thì thấy: Biên bản nhận nợ ngày 08/01/2010 được người đại diện theo pháp luật của hai bên Công ty ký kết sau Hợp đồng kinh tế 03- 09/HT-PT ngày 11/11/2009, và trước khi các bên giao nhận hàng (ngày 12/01/2010). Tại Khoản 1.1 Điều 1 Hợp đồng số 03-09 ngày 11/11/2009 quy định thì tổng trị giá lô hàng là 7.422.000.000 đ (+/-10%), tỷ giá tạm tính 1 USD = 18.5000VNĐ; “giá trên là giá tạm tính”, nên sau đó vào ngày 08/01/2010, các bên kỷ Biên bản nhận nợ xác định lại trị giá lô hàng là có căn cứ chấp nhận. Như vậy, mặc dù Biên bản có tiêu đề là nhận nợ nhưng thực chất là thỏa thuận mới của các bên về giá trị hợp đồng, các khoản thuế, phí đều được thỏa thuận tính bằng đồng đô la Mỹ làm đồng tiền định giá (để bảo đảm ổn định giá trị của hợp đồng) nhưng việc thanh toán là đồng tiền Việt Nam được quy đổi theo tỷ giá bán ra thực tế của Ngân hàng TMCP Nhà HN... tại từng thời điểm thanh toán. Trên thực tế, BĐ_Công ty Thiên An cũng thanh toán cho NĐ_Công ty Hà Thanh bằng tiền đồng Việt Nam thông qua chuyển khoản tại Ngân hàng TMCP Nhà HN, chi nhánh Cầu Giấy nên thỏa thuận của các bên không bị coi là vô hiệu và cũng không vi phạm Pháp lệnh về quản lý ngoại hối.

Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng Biên bản nhận nợ vô hiệu do các bên thỏa thuận giá trị hợp đồng bằng ngoại tệ, từ đó không căn cứ vào Biên bản nhận nợ để giải quyết vụ án là không đúng. Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng Biên bản nhận nợ không vô hiệu là có căn cứ.

*  Về giá trị của Hợp đồng:

Do Biên bản nhận nợ ngày 08/01/2010 được coi là thỏa thuận mới về giá trị hợp đồng nên các khoản mà NĐ_Công ty Hà Thanh và BĐ_Công ty Thiên An đã thỏa thuận như: Tổng giá trị lô hàng; phí mở L/C; điện phí mở L/C; phí thanh toán; điện phí thanh toán được Tòa  án cấp phúc thẩm chấp nhận là có căn cứ. Tuy nhiên, trong thỏa thuận này có nội dung tính  lãi ngân hàng và ngày tính lãi thì chưa được Tòa án cấp phúc thẩm làm rõ xem tính lãi bắt  đầu từ ngày nào, mặc dù tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn khai tính lãi từ ngày 08/01/2010 (ngày ký Biên bản nhận nợ) và số ngày tính lãi tại sao lại là 154 ngày, chưa được làm rõ.

Riêng về phí ủy thác: quá trình giải quyết vụ án, NĐ_Công ty Hà Thanh thừa nhận không có việc ủy thác nên Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận phần này là có căn cứ.

*  Về tiền phạt chậm nộp thuế: Tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn - BĐ_Công ty Thiên An chấp nhận trả NĐ_Công ty Hà Thanh số tiền phạt chậm nộp thuế là 2.080.744 đồng, nên tòa án chấp nhận là có căn cứ.

*  Về tiền lãi do chậm thanh toán:

Tại Điều 3.2 của Hợp đồng các bên có thỏa thuận: trong vòng 145 ngày kể từ ngày NĐ_Công ty Hà Thanh nhận nợ Ngân hàng (08/01/2010), BĐ_Công ty Thiên An phải thanh toán cho NĐ_Công ty Hà Thanh số tiền hàng còn lại tương đương 85% trị giá hợp đồng. Quá thời hạn trên, bên B phải chịu phạt theo lãi suất phạt chậm của Ngân hàng nhưng không quá 5 ngày. Quá thời hạn 05 ngày, nếu vẫn chưa thanh toán hết thì phải chịu phạt theo lãi suất 1

%/ngày.

Thực chất đây là thỏa thuận của các bên về nghĩa vụ thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán. Theo thỏa thuận nói trên thì trong vòng 145 ngày kể từ ngày 08/1/2010, BĐ_Công ty Thiên An phải thanh toán nốt 85% giá trị hợp đồng cho NĐ_Hà Thanh, nhưng cũng không được quá 5 ngày. Vì vậy, thời diêm xác định BĐ_Công ty Thiên An vi phạm nghĩa vụ thanh toán là 03/6/2010 (sau 145 ngày). Tại phiên tòa sơ thẩm (BL114), bị đơn cũng thừa nhận thời điểm vi phạm hợp đồng là ngày 03/6/2010. Việc các bên thỏa thuận sau 150 ngày (145   ngày

+ 5 ngày) mà BĐ_Công ty Thiên An vẫn không thanh toán thì phải chịu mức lãi suât là 1%/ngày (30%/tháng) là mức lãi suất quá cao, không đúng quy định của pháp luật nên phải

 

tính lại cho đúng. Trong trường hợp này phải tính mức lãi suất theo quy định tại Điều 306 Luật thương mại đó là lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường tại tìmg thời điểm thanh toán.

* Về tiền phạt vi phạm hợp đồng:

Theo thỏa thuận của các bên tại Điều 5 Hợp đồng kinh tế số 03 ngày 11/11/2009 thì: “Hai bên cam kết thực hiện nghiêm túc các điều khoản đã thỏa thuận, không được đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng. Bên nào không thực hiện hoặc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị phạt 8% trị giá hợp đồng áp dụng theo mức phạt của Luật thương mại”. Như vậy, các bên thỏa thuận “bên nào không thực  hiện” hoặc “đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng” thì mới bị phạt vi phạm hợp đồng. Ở đây, BĐ_Công ty Thiên An vẫn thực hiện hợp đồng cũng không đơn phương đình chỉ hợp đồng mà chỉ chậm thanh toán thì đã phải chịu tiền lãi do chậm thanh toán. Do đó, không thể phạt vi phạm đối với BĐ_Công ty Thiên An. Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng tại Tòa án, NĐ_Công ty Hà Thanh thay đổi yêu cầu chỉ yêu cầu Tòa án phạt 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm nên phù hợp với mức phạt vi phạm theo quy định tại Điều 301 Luật thương mại năm 2005 nên Hội đồng xét xử phúc thẩm đã chấp nhận yêu cầu này và buộc BĐ_Công ty Thiên An phải chịu phạt vi phạm hợp đồng với số tiền là 535.218.674,24 đồng là không đúng.

Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định: “Kể từ khi án có hiệu lực pháp luật mà bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà bên phải thi hành chưa trả tiền thì còn phải chịu lãi suất trên số tiền trả chậm trả theo mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án” là không đúng mà phải tuyên theo mức lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán theo quy định tại Điều 306 Luật thương mại 2005.

Bởi các lẽ trên, căn cứ vào Khoản 2 Điều 296; Khoản 3 Điều 297; Điều 299 của Bộ luật tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011),

QUYẾT ĐỊNH:

1.         Hủy Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 16/2011/KDTM-PT ngày 19/7/2011 của Toà án nhân dân thành phố HN và Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 02/2011/KDTM-ST ngày 09/4/2011 của Toà án nhân dân quận HM, thành phố HN;

2.      Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân quận HM, thành phố HN xét xử lại theo quy định của pháp luật.

 

 

Tên bản án

Bản án số 70/KDTM-GĐT/2014 Tranh chấp Hợp đồng mua bán thép

Số hiệu Ngày xét xử
Bình luận án

BÌNH LUẬN VỤ ÁN SỐ  70/KDTM-GĐT/2014 TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN THÉP

1.              Sử dụng ngoại tệ làm đồng tiền định giá cho hợp đồng trong nước

Theo nhận định của HĐXX, Biên bản nhận nợ trong trường hợp này  được  xem là thoả thuận của các bên về giá trị hợp đồng (giá trị trong hợp đồng chính chỉ là giá trị tạm tính). Như vậy nội dung hợp đồng có sử dụng đồng tiên USD để làm đồng tiền định giá trong hợp đồng. Nội dung tranh luận giữa các bên xoay quanh vấn đề là các bên chỉ dùng ngoại tệ là đồng tiền định giá, giá trị hợp đồng và đồng tiền thanh toán trên thực tế vẫn bằng VNĐ, điều này có dẫn đến Hợp dồng bị vô hiệu hay không. Theo phán quyết của HĐXX, hợp đồng này và thoả thuận nhận nợ không bị vô hiệu vì các bên thực tế thanh toán bằng tiền Việt Nam đồng và quy định này không trái với nội dung của Pháp lệnh Ngoại hối hiện hành (Toà sơ thẩm tuyên vô hiệu, toà phúc thẩm và giám đốc thẩm thì thừa nhận hiệu lực của thoả thuận giữa các bên).

 

2.              Lãi chậm thanh toán (Điều 306 Luật Thương Mại 2005)

Mặc dù các bên có thoả thuận về mức lãi chậm thanh toán là 1%/ngày hay 30%/tháng, theo quan điểm HĐXX mức lãi này quá cao và toà án thay vì áp dụng mức lãi suất đó đã áp dụng mức LÃI SUẤT QUÁ HẠN TRUNG BÌNH TRÊN THỊ TRƯỜNG tại thời điểm thanh toán. Vấn đề xác định mức lãi suất quá hạn trung bình này không được thể hiện rõ trong nội dung bản án. Quý khách vui long tham khảo them nội dung các bản án khác để biết thêm chi tiết.

 

3.              Các trường hợp áp dụng phạt vi phạm

Các bên chỉ quy định trong trường hợp một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc huỷ bỏ hợp đồng mà không có lý do chính đáng thì bị phạt 8% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, bị đơn không hề có hành vi đơn phương chấm dứt hay huỷ bỏ mà vẫn thực hiện (mặc dù không thực hiện đầy đủ). Do đó quan điểm của HĐXX là không thể áp dụng việc phạt vi phạm trong trường hợp này với lý do việc phạt vi phạm chỉ có thể được áp dụng trong trường hợp các bên có thoả thuận cụ thể.

 

Tiếng Việt

English