QUYẾT ĐỊNH 01/2002/HĐTP-KT NGÀY 26/12/2002 VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM HÀNG HOÁ VẬN CHUYỂN BẰNG ĐƯỜNG BIỂN.

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
 

........................

Tại phiên toà ngày 26-12-2002 xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm hàng hoá vận chuyển bằng đường biển giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty kinh doanh sản xuất Sài Gòn - Dăk Lăk, có trụ sở tại số 200 Bis Lý Chính Thắng, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh;

Bị đơnCông ty bảo hiểm thành phố Hồ Chí Minh, có trụ sở tại số 26 Tôn Thất Đạm, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh;

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn công thương, có trụ sở tại số 18 - 19 - 20 Tôn Đức Thắng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn đại lý và dịch vụ vận tải Sài Gòn, có trụ sở tại số 215F/16 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh.

NHẬN THẤY

Ngày 18-09-1995, theo đơn xin mua bảo hiểm của Công ty sản xuất kinh doanh Sài Gòn - Đăk Lăk (sau đây viết tắt là SADACO), Công ty bảo hiểm thành phố Hồ Chí Minh (sau đây viết tắt là Bảo Minh) đã cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm số A 11 64/95 AAH để bảo hiểm cho lô hàng bột mỳ loại A đóng trong bao HDPE được vận chuyển từ cảng Bom Bay (Ấn Độ) về cảng thành phố Hồ Chí Minh với số lượng 12.500 MT ± 5%, trị giá CIF của lô hàng + 10% là 3.486.656,6USD. Điều kiện bảo hiểm theo INSTITUTE CARGO CLAUSES (A) 1.1.82 của Hội bảo hiểm Luân Đôn, trách nhiệm bảo hiểm được chấm dứt khi hàng được dỡ khỏi lan can tàu biển tại cảng đến.

Do ký hợp đồng mua lô hàng bột mỳ với BANFUS FOUNDATION -LTD (sau đây viết tắt là BFL) nên ngày 22- 11- l995 SADACO đã ký hợp đồng số 06/95-HĐĐLVT với Công ty trách nhiệm hữu hạn đại lý và dịch vụ vận tải Sài Gòn (sau đây viết tắt là TRANCOSI) để thuê Công ty này vận chuyển lô hàng về Việt Nam. Ngày 15-02-1996, SADACO và TRANCOSI ký tiếp phụ lục hợp đồng, trong đó xác định hiệu lực của hợp đồng vận chuyển trên được kết thúc khi tàu Romashka (tàu chở lô hàng bột mỳ) dỡ hàng xong tại cảng thành phố Hồ Chí Minh; SADACO phải chuyển trước 1/3 tiền cước là 100.000 USD để chủ tàu thanh toán các chi phí trước khi tàu rời cảng Bom Bay (Số tiền này là nằm ngoài hợp đồng vận chuyển, lý do chuyển trước là do tàu neo đậu quá lâu tại cảng Bom Bay). Để thanh toán tiền mua hàng cho BFL, theo yêu cầu của SADACO ngày 17-02-1996 Sài Gòn Bank đã mở L/C (tín dụng thư) không huỷ ngang với trị giá 1.755.480 USD.

Theo thông báo của SADACO về tên tàu, trọng lượng hàng, vận đơn..., ngày 01-03-1996 Bảo Minh cấp tiếp Giấy sửa đổi bổ sung số BO 106/96 AAH với nội dung chủ yếu sau: Trọng lượng cả bì là 9.125,706 tấn; trị giá hàng được bảo hiểm là 24.764.441.994 đồng Việt Nam (CIF + 10%); tổng phí bảo hiểm là 284.791.000 đồng gồm phí bảo hiểm hàng hoá 173.351.000 đồng do SADACO nộp và phụ phí bảo hiểm tàu là 111.434.000 đồng do TRANCOSI nộp. Các điều khoản khác của Giấy chứng nhận bảo hiểm số A1164/95 AAH không thay đổi. Theo yêu cầu của SADACO tại công văn số 194/CV ngày 04-03-1996, ngày 04-03-1996 Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn công thương (sau đây viết tắt là Sài Gòn Bank - Ngân hàng mở L/C để SADACO thanh toán tiền hàng) có văn bản xác định trách nhiệm bảo hiểm lô hàng bột mỳ 9.125,706 tấn của SADACO với trị giá bảo hiểm CIF + 10% là 2.243.969,01 USD và cam kết: ''Nếu lô hàng bị tổn thất toàn bộ hoặc tàu chở hàng bị mất tích, khi người được bảo hiểm hội đủ các chứng từ liên quan gồm cả bản chính vận đơn thì trách nhiệm này thuộc người bảo hiểm bồi thường và Công ty bảo hiểm thành phố Hồ Chí Minh thanh toán tiền bồi thường ưu tiên pháp định thứ nhất, nếu có, cho Sài Gòn Bank đền số tiền mà Sài gòn Bank đã cho Công ty SADACO vay, cộng tiền lãi do Sài Gòn Bank xác định bằng văn bản''.

Theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trên, SADACO và TRANCOSI đã nộp phí bảo hiểm. Ngày 08-03-1996 SADACO đã vay 100.000 USD của Sài Gòn Bank và chuyển cho TRANCOSI. Về thanh toán tiền hàng, ngày 06-03-1996, Ngân hàng RAJAS. THAN LTD (Ấn Độ - Ngân hàng thông báo) đã cnuyển L/C do Sài Gòn Bank mở cho Ngân hàng STANDARD CHATTERED (sau đây viết tắt là SCB - ngân hàng xác nhận và chiết khấu). Qua trao đổi giữa các ngân hàng, ngày 14-03-1996 SCB đã chiết khấu chứng từ và chuyển cho BFL số tiền 1.742.246,4 USD (tương đương 58 triệu Ru Pi), đồng thời phát hành hối phiếu số CBN 852/965953 trị giá là 1.742.246,4 USD kèm theo bộ chứng từ gửi đến Sài Gòn Bank yêu cầu thanh toán theo hối phiếu. Do bộ chứng từ thanh toán có 3 điểm bất hợp lệ (hối phiếu ký phát sai người trả tiền; vận đơn ghi không đúng với L/C; giấy chứng nhận kiểm định thực vật không ghi ngày phát hành) nên SADACO và Sài Gòn Bank đã từ chối thanh toán. Sau nhiều lần thương lượng về sửa đổi các điểm bất hợp lệ không thành, ngày 30-05-l996, SCB yêu cầu Sài Gòn Bank chuyển lại bộ chứng từ. Ngày 31 -05- 1996 Sài Gòn Bank đã chuyển bộ chứng từ nêu trên cho SCB.

Sau sự việc trên, ngày 05-06-1996, SADACO có công văn số 598/CV gửi TRANCOSI thông báo huỷ hợp đồng vận chuyển, xác nhận không còn là chủ sở hữu lô hàng đã xếp trên tàu Romashka. Ngày 06-06-1996 TRANCOSI có công văn số 64/CV gửi SADACO với nội dung: xác nhận quan hệ vận tải về thuê tàu của SADACO buộc phải chấm dứt, đồng thời cho rằng số tiền cước 100.000 USD do SADACO đã thanh toán sẽ do các bên liên quan về quyền và nghĩa vụ bàn bạc giải quyết trong quá trình thanh lý để chấm dứt hiệu lực của hợp đồng thuê tàu. Trong thời gian các bên 1iên quan tiếp tục thương lượng thì ngày 23-07-1996, sau khi gặp bão, tàu Romashka bị mắc cạn và chìm tại vùng biển Bom Bay (Ấn Độ) dẫn đến lô hàng bột mỳ xếp trên tàu bị tổn thất toàn bộ. Ngày 31-07-1996, SADACO có Công văn số 747/TB thông báo sự kiện trên cho Bảo Minh. Ngày 03-08-1996, Bảo Minh có công văn số 741/HH96 gửi SADACO, từ chối bồi thường tổn thất với lý do SADACO không còn là chủ sở hữu lô hàng bột mỳ xếp trên tàu Romashka và hợp đồng bảo hiểm giữa hai bên đã mặc nhiên chấm dứt theo Điều 48 Luật bảo hiểm Anh năm 1906.

Ngày 19-09-1996, SADACO gửi công văn số 891/KNBT-SDC yêu cầu Bảo Minh phải bồi thường tổn thất của lô hàng theo quy định về bảo hiểm.Ngày 01-10- l996, Bảo Minh có công văn số 608/BT 96 từ chối trách nhiệm bảo hiểm đối với lô hàng với lý do SADACO không còn là chủ sở hữu lô hàng.

Do không tự giải quyết được tranh chấp trên, nên ngày 22-02-1997, SADACO có đơn khởi kiện tại Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh với yêu cầu buộc Bảo Minh phải bồi thường tổn thất toàn bộ lô hàng bột mỳ là 24.776.441.994 đồng Việt Nam. Tại các phiên toà sơ thẩm ngày 01-10-1999 và ngày 26-10-1999, SADACO yêu cầu Bảo Minh phải bồi thường tổn thất lô hàng trên là 2.246.338,31 USD.

Tại Bản án kinh tế sơ thẩm số 36/KTST ngày 26-10-1999, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu của SADACO, buộc Bảo Minh phải bồi thường cho SADACO số tiền là 22.554.820.497 đồng, ngoài ra còn quyết định về mức án phí kinh tế sơ thẩm và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 01-11-1999Bảo Minh có đơn kháng cáo với nội dung: Toà án cấp sơ thẩm áp dụng Quy tắc chung 1990 (A) (Ban hành kèm theo Quyết định số 305/TC/BH ngày 09-08-l990 của Bộ Tài chính) để giải quyết vụ án là không phù hợp với thoả thuận của các bên theo hợp đồng bảo hiểm và từ chối trách nhiệm bảo hiểm với lý do SADACO không bị tổn thất và nếu có thì phải chứng minh được ở thời điểm xảy ra tổn thất họ phải có quyền lợi trên đối tượng bảo hiểm; Hợp đồng bảo hiểm đã hết hiệu lực; hàng hoá bị tổn thất tự nhiên và do chậm trễ trong vận chuyển; chủ tàu thiếu thốn về khả năng tài chính; và có hành vi xấu của người được bảo hiểm.

Ngày 05-11-1999SADACO có đơn kháng cáo với yêu cầu được tính số tiền bồi thường theo tỷ giá USD/ĐVN tại thời điểm xét xử sơ thẩm.

Tại Bản án kinh tế phúc thẩm số 20/PTKT ngày 11-07-2001 , Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: Giữ nguyên Bản án kinh tế sơ thẩm nêu trên của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và buộc SADACO, BẢO MINH phải chịu án phí kinh tế phúc thẩm.

Sau khi vụ án được xét xử phúc thẩm, Bảo Minh có đơn khiếu nại giám đốc thẩm đối với Bản án kinh tế phúc thẩm nêu trên.

Tại Bản kháng nghị số 03/2002/TK-KT ngày 05-4-2002, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án kinh tế phúc thẩm số 20/PTKT ngày 11-07-2001 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh với các lý do:

- Về quyền sở hữu lô hàng của SADACO: Việc Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm căn cứ Công văn số 598/CV ngày 05-06-l996 của SADACO và Công văn số 64/CV ngày 06-06-1996 của TRANCOSI về việc chấm dứt hợp đồng vận chuyển để đưa TRANCOSI vào tham gia trong vụ án này là đúng, nhưng chưa làm rõ trách nhiệm của TRANCOSI sau khi đã chấm dứt hợp đồng vận chuyển với SADACO như: Có thông báo cho BFL biết việc chấm dứt hợp đồng vận chuyển? Nếu có thì BFL có ý kiến như thế nào?

- Về việc SADACO từ chối thanh toán tiền hàng do bộ chứng từ có những sai sót: Theo văn bản ngày 24-08-1998 của SCB và văn bản ngày 25-10- 1999 của Luật sư đại diện cho SCB thì giữa SCB và BFL, COMODITIES ECHENGE CORPRATION LIMITED (Sau đây viết tắt là CECL - bên thụ hưởng của bên BFL) đã có thoả thuận về việc giao lại bộ chứng từ thanh toán và nhận lại số tiền đã chiết khấu. SCB đã giao bộ chứng từ nhưng mới nhận được 14.000.000 Ru Pi từ BFL và CECL. Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm hàng hoá, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không đưa BFL và SCB vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên đã không làm rõ được các nội dung:

+ Vì sao BFL đã giao hàng, CECL đã nhận tiền bán hàng, nay lại thoả thuận trả lại tiền bán hàng để nhận bộ chứng từ thanh toán?

+ Chưa xác minh được những nội dung nêu trong văn bản ngày 24-08-1998 và văn bản ngày 25-10-1999 của SCB để từ đó làm rõ BFL đã chấp nhận lấy lại hàng, chấm dứt hợp đồng mua bán với SADACO.

+ Vì sao SADACO lại có công văn số 598/CV ngày 05-06-1996 từ chối không còn là chủ sở hữu lô hàng đã xếp lên tàu?

+ Vì sao ngày 11-10-1996 SADACO lại có thoả thuận với CECL nhận lại bộ vận đơn đường biển bản chính để khởi kiện yêu cầu Bảo Minh phải bồi thường thiệt hại do lô hàng bị tổn thất?

- Về tổn thất, mất mát và tranh chấp của SADACO theo hợp đồng mua bán đã ký với BFL thì chưa có căn cứ nào chứng minh SADACO đã phải chịu tổn thất, mất mát hay tranh chấp với BFL về hợp đồng mua bán bột mỳ, cũng như tranh chấp về thanh toán tiền hàng với BFL trong khi tổn thất đã xảy ra từ tháng 7-1996.

Bản Kháng nghị còn cho rằng nếu có căn cứ xác định SADACO là chủ sở hữu lô hàng thì phải xem xét các điều kiện Bảo Minh được miễn, giảm trách nhiệm bảo hiểm theo Điều khoản bảo hiểm mà SADACO và Bảo Minh đã thoả thuận nếu SADACO là bên có lỗi.

Từ các lý do trên, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tuyên huỷ Bản án kinh tế sơ thẩm số 36/KTST ngày 26-10-1999 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Bản án kinh tế phúc thẩm số 20/PTKT ngày 11-07-2001 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung có sự tham gia của SCB và BFL với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Tại Kết luận số 12/KL-AKT ngày 30-05-2002, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã nhất trí với kháng nghị nêu trên của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

XÉT THẤY

Để xem xét trách nhiệm bảo hiểm của Bảo Minh đối với lô hàng bột mỳ bị tổn thất toàn bộ, cần xác định được tại thời điểm xảy ra tổn thất ai là người có quyền lợi trên đối tượng bảo hiểm. Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì đối tượng của hợp đồng bảo hiểm được ký kết giữa Bảo Minh với SADACO được hình thành từ hợp đồng mua bán hàng hoá ký giữa BFL với SADACO, tiền hàng được thanh toán theo L/C (tín dụng thư) không huỷ ngang thông qua Sài Gòn Bank (Ngân hàng mở L/C) và SCB (Ngân hàng xác nhận). SCB đã chiết khấu hối phiếu (trả tiền hàng) cho BFL và nhận bộ chứng từ, đồng thời đã chuyển bộ chứng từ đã chiết khấu cho Sài Gòn Bank để yêu cầu thanh toán, nhưng Sài Gòn Bank đã phát hiện thấy bộ chứng từ đó có nhiều sai sót, có sai sót rất nghiêm trọng nên chủ động lấy ý kiến của SADACO - là người mua hàng. SADACO đã trả lời bằng văn bản cho Sài Gòn Bank với nội dung không chấp nhận bộ chứng từ (không thanh toán). Sau thời gian thương lượng giữa hai ngân hàng trên không thành, Sài Gòn Bank đã trả lại bộ chứng từ trên cho SCB và được SCB chấp nhận. Vào thời điểm tàu Romashka bị chìm thì SCB đang nắm giữ bộ chứng từ đã chiết khấu. Theo thông lệ quốc tế thì người nắm giữ bộ vận đơn là người có quyền định đoạt lô hàng. Hơn nữa, SADACO không những chỉ từ chối thanh toán bộ chứng từ mà còn có Công văn số 598/CV ngày 05-06-1996 gửi TRANCOSI (chủ tàu) thông báo không còn là chủ sở hữu lô hàng xếp trên tàu Romashka và yêu cầu TRANCOSI chấm dứt hợp đồng vận chuyển. TRANCOSI cũng đã có Công văn số 64/CV ngày 06-06-1996 gửi SADACO đồng ý chấm dứt hợp đồng vận chuyển.

Như vậy, vào thời điểm tàu Romashka bị chìm, SADACO hay SCB là người có quyền lợi trên đối tượng bảo hiểm. Toà án các cấp chỉ căn cứ vào việc SADACO là chủ hàng, lại mua bảo hiểm lô hàng theo điều kiện bảo hiểm đã thoả thuận với Bảo Minh để xác định SADACO là người có quyền lợi trên đối tượng bảo hiểm là chưa thoả đáng, cần phải được xác minh làm rõ hơn vấn đề này.

Theo Điều 213 Bộ luật Hàng hải Việt Nam thì ''các quyền theo hợp đồng bảo hiểm hàng hải chỉ được chuyển cho người đã được chuyển nhượng đối tượng bảo hiểm; nếu các quyền đó không được chuyển cho người được chuyển nhượng đối tượng bảo hiểm, thì hợp đồng mặc nhiên chấm dứt và người bảo hiểm vẫn có nghĩa vụ bồi thường các tổn thất liên quan, xảy ra trước khi đối tượng bảo hiểm được chuyển nhượng''. Trong vụ án cụ thể này SCB đã chiết khấu trả tiền hàng và đã nắm giữ bộ chứng từ có giá trị chuyển nhượng sau khi SADACO và Sài Gòn Bank từ chối thanh toán. Theo thông lệ quốc tế thì SCB có toàn quyền được định đoạt lô hàng bột mỳ nêu trên và thực tế, SCB, sau khi nhận lại bộ chứng từ, đã thương lượng với BFL bằng một hợp đồng, theo đó BFL nhận lại bộ chứng từ sau khi SCB đã ký hậu ô trống để chuyển nhượng và BFL đã trả lại cho SCB được 14 triệu/58 triệu Ru Pi mà SCB đã chiết khấu cho BFL. Vậy trong trường hợp này, đối tượng bảo hiểm (lô hàng bột mỳ và cũng là bộ vận đơn) đã được chuyển từ SADACO cho SCB và từ SCB cho BFL có phải là đối tượng bảo hiểm đã được chuyển nhượng hay không? Nội dung này chưa được Toà án các cấp làm rõ. Mặt khác, cần làm rõ việc tại sao BFL đã nắm giữ bộ vận đơn gốc, tức là chủ của lô hàng lại không kiện Bảo Minh để đòi bồi thường? lý do có phải là vì BFL không được SADACO chuyển giao quyền bảo hiểm nên phải nhờ đến SADACO? .

Trong quan hệ mua bán, thanh toán bằng tín dụng thư (L/C) thì người mua hàng chỉ có bộ vận đơn sau khi đã thanh toán tiền mua hàng. SADACO đã từ chối thanh toán nên bộ chứng từ đã được trả lại cho SCB, SCB đã chuyển cho BFL nhưng nay SADACO lại có bộ chứng từ gốc để với tư cách là người định đoạt (sở hữu) lô hàng (mà trước đây đã từ chối tư cách chủ sở hữu ngay từ khi lô hàng chưa bị tổn thất toàn bộ do tàu Romashka bị chìm) kiện Bảo Minh yêu cầu bồi thường tổn thất. Vậy việc SADACO có được bộ chứng từ đó có phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế hay không? Tại nhiều văn bản, BẢO MINH cho rằng đã có sự móc ngoặc giữa SADACO và BFL để làm thiệt hại cho Bảo Minh. Tất cả những nội dung trên chưa được Toà án các cấp làm rõ.

Với các lý do như đã phân tích ở trên, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thấy cần phải huỷ Bản án kinh tế sơ thẩm số 36/KTST ngày 26-10- 1999 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Bản án kinh tế phúc thẩm số 20/PTKT ngày 11-07-2001 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân  thành phố Hồ Chí Minh điều tra, giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung. Trong quá trình điều tra, xác minh cần xác định rõ tư cách tham gia tố tụng của BFL, SCB theo quy định của pháp luật, bảo đảm việc giải quyết vụ án đúng pháp luật.

Bởi các lẽ nêu trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 80 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế,

QUYẾT ĐỊNH

Huỷ Bản án kinh tế sơ thẩm số 36/KTST ngày 26-10-1999 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Bản án kinh tế phúc thẩm số 20/PTKT ngày 11-07-2001 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết lại vụ án theo đúng qui định của pháp luật.

Một số lý do cơ bản mà các Bản án sơ thẩm và phúc thẩm bị huỷ:

1. Cơ sở pháp lý để xác định người có quyền lợi trên đối tượng được bảo hiểm là chưa thoả đáng;

2. Xác định việc chuyển đối tượng được bảo hiểm chưa rõ ràng;

3. Xác định cơ sở pháp lý để SADACO có được bộ chứng từ là cần được làm rõ. 

 

Tên bản án

Quyết định 01/2002/HĐTP-KT ngày 26/12/2002 về vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm hàng hoá vận chuyển bằng đường biển

Số hiệu Ngày xét xử
Bình luận án