QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 09/2007/KDTM-GĐT NGÀY 04/10/2007 VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG 

 

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

 

Ngày 04 tháng 10 năm 2007, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp về hợp đồng xây dựng giữa:

Nguyên đơn: Công ty TNHH Xây dựng Song Hui; địa chỉ; 25C khu công nghiệp Nhơn Trạch II, huyên Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Do ông Trần Sen, Phó giám đốc Công ty đại diện, theo ủy quyền của Tổng giám đốc Công ty.

Bị đơn: Công ty TNHH Thực phẩm Đài Việt Hưng; địa chỉ: ấp Thạnh An 3, xã Thạn Thới Thuận, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Do ông Nguyễn Gia Huy Chương đại diện, theo ủy quyền của Phó Tổng giám đốc Công ty- đại diện theo pháp luật của Công ty.

NHẬN THẤY

Ngày 23-02-2006 và ngày 22-7-2006, Công ty TNHH Xây dựng Song Hui có đơn khởi kiện Công ty TNHH Thực phẩm Đài Việt Hưng ( viết tắt là Đài Việt Hưng ) đến Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng, yêu cầu giải quyết tranh chấp về thanh toán hợp đồng xây dựng nhà xưởng Đài Việt Hưng.

1. Theo trình bày của nguyên đơn:

a. Hợp đồng.

ngày 28-12-2004, ông Phó tổng giám đốc Huang Hung Chieh đại diện của Đài Việt Hưng ( viết tắt là bên A) và ông Tổng giám đốc Chien Chil Ming đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Xây dựng Song Hui ( viết tắt là bên B) ký với nhau bản hợp đồng số SH-Việt Nam -2004-BO7 với nội dung:

Bên A giao cho bên B thầu trọn gói việc thiết kế và xây dựng công trình nhà xưởng của bên A, bao gồm cả thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng, giấy phép sử dụng công trình ( Điều 1.1). Thời gian thi công là 5 tháng, kể từ ngày khởi công công trình, được trừ đi thời gian ngừng thi công do mưa, bão và các ngày nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước Việt Nam. Nếu công trình có sự thay đổi hoặc tăng thêm hạng mục công trình thì thời gian thi công sẽ kéo dài theo thực tế ( Điều 1); Nếu kéo dài thời gian thi công thì cứ chậm trễ 1 ngày nhà thầu phải bồi thường 0,1% tổng giá trị của hợp đồng đã nhận ( Điều 4.3).

Hạng mục thi công công trình gồm: Công trình giả thiết, nhà xưởng, con tàu Container, văn phòng và nhà ở, tường rào, nhà bảo vệ, trạm kiểm tra, tháp nước, nhà để xe hơi, phòng phát điện, đường nội bộ, hệ thống thoát nước, bể nước ngầm, trạm biến điện, lò hơi, bình biến áp, và thiết bị điện bàn phân phối điện, hệ thống dây điện, khống chế điện lực, hộp điện, đèn chiếu sáng và phích cắm, máy lạnh và hệ thống quạt hút, thiết bị viễn thông điện thoại, thiết bị tivi, cấp thiết bị nhược điện và tiếp đất bảo hộ, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống báo cháy vv…. Các hạng mục được thể hiện trong bản vẽ thiết kế công trình ( Điều 1.5). Nếu có sự thay đổi hạng mục thì tính phát sinh tăng, giảm hoặc cả đơn giá mới tăng thêm, nếu tổng giá trị phát sinh nhỏ hơn 5% sai khi hoàn thành công trình nghiệm thu sẽ thanh toán hết, nếu lớn hơn 5% thì sau khi thi công xong sẽ làm thủ tục đề nghị thanh toán ( Điều 1.6).

Tổng giá trị của hợp đồng là 15.900.000.000 VNĐ ( gồm thuế, bao trọn gói); Thanh toán theo thực thi thực tính. Tỷ lệ thanh toán 90%, khoản bảo lưu công trình là 10% đợi sau khi hoàn thành công trình nghiệm thu sẽ thanh toán 5% nhận được giấy phép sử dụng công trình thanh toán 5% ( Điều 2).

Thể thúc thanh toán: Làm thủ tục nghiệm thu vào ngày cuối tháng, bên A sẽ thanh toán vào ngày 05 tháng sau theo khối lượng công tác mỗi tháng, nhưng không được vượt quá tổng giá trị đã thầu ( Điều 2.1).

Thời hạn bảo hành công trình là 1 năm ( Điều 2.3).

b. Thực hiện hợp đồng:

Bên B đã thực hiện hợp đồng đúng tiến độ và chất lượng, công trình đạt tiến độ 95%, chỉ còn thi công phần nền xưởng là hoàn thành, nhưng bên A không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng tiến độ thi công Tính đến ngày 16.9.2005, bên A mới thanh toán cho bên B được 10.000.211.715 đồng, tương đương với 50% khối lượng công trình.

Tháng 12/2005, hai bên đã lập “ Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình”; đã đối chiếu và cùng thống nhất xác định khối lượng phát sinh thêm của công trình trị giá là 5.111.499.565 đồng, nâng tổng giá trị của công trình lên thành 21.011.499.565 đồng, đồng thời nhất ký bản thanh lý hợp đồng theo tổng giá trị mới này. Sau khi ký “ Biên bản thanh lý hợp đồng”, bên A hứa sẽ thanh toán toàn bộ số tiền còn lại, nhưng cho đến nay vẫn không thực hiện, mặc dù Song Hui đã yêu cầu nhiều lần.

c. Yêu cầu của nguyên đơn:

- Buộc bên A phải thanh toán toàn bộ số tiền còn lại của hợp đồng là 11..011.267.840 đồng;

- Buộc bên A phải thanh toán tiền lãi của số tiền chậm trả theo lãi suất quá hạn của ngân hàng nhà nước Việt Nam, tính từ thời điểm thanh lý hợp đồng đến khi vụ án được đưa ra xét xử.

2. Theo trình bày của bị đơn:

a. Hợp đồng:

Xác nhận có việc đăng ký và nội dung của hợp đồng SH-Việt Nam - 2004-B07 như nguyên đơn trình bày.

b. Thực hiện hợp đồng.

Bên B thi công không đúng tiến độ. Căn cứ vào mức độ thi công đã đạt được, bên A đã thanh toán cho bên B 10.000.211.725 đồng, khoản chênh lệch còn lại do bên B chưa làm xong công trình nên không thể thanh toán.

Ngày 10-12-2005, bên B đã tự ý chấm dứt thi công công trình mà không hề thông báo cho bên A. Bên A phải tự thuê công nhân tại địa phương để hoàn thành nốt công trình vào ngày 31-01-2006.

Bên A không chấp nhận các khoản chi phí phát sinh lên đến 5.111.499.565 đồng vì đây là do lỗi của bên B đã không tiên lượng trước trong thiết kế và lập dự toán công trình - không khảo sát kỹ lưỡng địa chất nên không đưa vào tổng tự toán công trình chi phí đóng cọc móng; không tiên lượng được trước các chi phí vận chuyển nguyên vật liệu…

Bên A xác nhận: khi ngưng thi công công trình, bên B có gửi đến bên B “ Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình” và bản thanh lý hợp đồng và đề nghị xác nhận giá trị thanh quyết toán công trình là 21.011.499.565 đồng. Lúc đó bên A không chấp nhận các số liệu và các văn bản này (BL 283). Do ông Phó tổng giám đốc không am hiểu pháp luật Việt Nam và tin tưởng Công ty TNHH Xây dựng Song Hui nên đã ký tên và đóng dấu lên các văn bản này.

Bên A không có ý kiến về chữ ký và con dấu của mình trên “ Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình”, “ Biên bản thanh lý hợp đồng”, nhưng các con số trong các văn bản này có dấu hiệu chỉnh sửa không hợp pháp ( không có chữ ký và con dấu xác nhận của cả hai bên).Nội dung và hình thức của các văn bản này không đúng quy định của pháp luật vì thiếu sự chứng kiến và xác nhận của các cơ quan có chức năng của nhà nước. Đề nghị Tòa án cho giám định lại con số 21 tỷ trên các văn bản này.

Do bên B thi công không đúng thiết kế, nên một số hạng mục không thể đưa vào sử dụng được. Bên A đã nhiều lần yêu cầu bên B sửa chữa nhưng bên B không làm, vì vậy bên A phải thuê bên ngoài làm với số tiền phát sinh là 1.618.618.936 đồng.

c. Yêu cầu của bị đơn:

- Không chấp nhận giá trị pháp lý của các “ Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình”, “ Biên bản thanh lý hợp đồng”. Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

- Chấp nhận các yêu cầu phản tố của bị đơn: Buộc bên B phải bồi thường và nộp phạt vi phạm tổng cộng là: 6.078.993.556 đồng gồm:

+ Bồi thường ko kéo dài thời gian xây dựng công trình 236 ngày ( tính từ ngày hoàn thành công trình theo hợp đồng 05-6-2005 đến ngày thực tế hoàn thành công trình 31-1-2006) theo quy định tại Điều 4.3 của hợp đồng, cụ thể:

236 ngày x 0,1% ngày x 15.900.000.000 đồng = 3.752.400.000 đồng;

+ Bồi thường các chi phí bên A phải thuê bên ngoài tiếp tục thực hiên công trình ( sau ngày bên B tự ý ngừng thi công) với tổng số tiền là 1.618.618.963 đồng, cụ thể:

Chi phí biển hiệu Công ty TNHH Thực phẩm Đài Việt Hưng : 12.250.000 đồng.

Chi phí thi công hạng mục sân đal khu vực nhà máy: 371.754.756 đồng;

Chi phí thi công công trình chống thấm và mở rộng hầm máy 116.543.633 đồng.

Chi phí điện nước do bị chậm tiến độ 5.941.074 đồng.

+ Phạt vi phạm do đơn phương chấm dứt hợp đồng với mức là 12% giá trị hợp đồng bị vi phạm, cụ thể:

(15.900.000.000 đồng - 10.000.211.725 đồng) x = 707.974.593 đồng.

3. Giải quyết của Tòa án:

a. Tòa án cấp sơ thẩm:

Tại bản án sơ thẩm số 04/2006/KDTM-ST ngày 31.8.2006, Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã nhận định:

- Căn cứ vào “ Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình”, “ Biên bản thanh lý hợpđồng”, chấp nhận yêu cầu của Song Hui, và buộc Đài Việt Hưng phải trả tiếp 11..011.267.840 đồng cho đủ 21.011.499.565 đồng giá trị công trình.

- Căn cứ vào văn bản đề ngày 12-6-2005 của Song Hui, xin gia hạn thêm thời gian thi công 60 ngày, xác định Song Hui chậm tiến độ là 60 ngày và phải chịu phạt 0,1%/ngày theo quy định của hợp đồng với số tiền cụ thể là: 954.000.000 đồng;

- Căn cứ vào thực tế Đài Việt Hưng phải thuê người ngoài thi công sau khi ký “ Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình”, “ Biên bản thanh lý hợp đồng’, chấp nhận yêu cầu phản tố của Đài Việt Hưng , buộc Song Hui phải bồi thường toàn bộ số tiền này cho Đài Việt Hưng là 1.618.618.936 đồng.

Áp dụng khoản 3 Điều 33, điểm khoản 1 Điều 34, kiểm tra khoản 1 Điều 35, Điều 131 BLTTDS; Điều 290, khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự.

Xử:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Xây dựng Song Hui, buộc Công ty TNHH Thực phẩm Đài Việt Hưng có trách nhiệm hoàn trả cho Công ty TNHH Xây dựng Song Hui số tiền là 8.897.711.404 đồng.

- Án phí sơ thẩm:

Song Hui phải chịu 29.113.550 đồng.

Đài Việt Hưng phải chịu : 65.944.648 đồng.

b. Tòa án cấp phúc thẩm

Ngày 11-9-2006, Đài Việt Hưng có đơn kháng cáo yêu cầu:

- Xem xét lại tính pháp lý của “ Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình”, “ Biên bản thanh lý hợp đồng” vì có sự chỉnh sửa không hợp pháp.

- Thanh toán đầy đủ thời gian chậm tiến độ thi công do lỗi của Song Hui

Ngày 13-9-2006, Song Hui có đơn kháng cáo cho rằng:

- Đã được Đài Việt Hưng chấp nhận gia hạn thêm 60 ngày, công trình có phát sinh thêm nên tiến độ thi công sẽ kéo dài thêm theo thực tế quy định tại Điều 1 hợp đồng.

- Các phần thi công tiếp theo của Đài Việt Hưng là những hạng mục không có trong hợp đồng SH- Việt Nam 2004 - BO7 ngày 28-12-2004.

- Theo nội quy của “ Biên bản thanh lý hợp đồng”, Song Hui không phải chịu trách nhiệm bồi thường về bất cứ điều gì có liên quan đến bản hợp đồng giữa hai bên.

Yêu cầu: Bác toàn bộ yêu cầu phản tố của Đài Việt Hưng; tính tiền lãi theo lãi suất quá hạn trên số tiền 11.011.267.840 đồng mà Đài Việt Hưng chưa thanh toán.

Tại bản án phúc thẩm số 119/2006/KDTM-PT ngày 29-12-2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã nhận định:

 - Công nhận giá trị pháp lý của “ Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình”, “ Biên bản thanh lý hợp đồng”. Buộc Đài Việt Hưng phải chịu thêm khoản tiền lãi theo lãi suất 0,68%/tháng ( 598.400.000 đồng) do chậm thanh toán số tiền 11.011.267.840 đồng trong 8 tháng ( từ ngày 01-01-2006 đến ngày xét xử sơ thẩm 30-8-2006).

- Căn cứ vào thỏa thuận tại Điều 1 của hợp đồng, do công trình có phát sinh thêm hơn 5 tỷ đồng, nên thời gian thi công đương nhiên bị kéo dài, không có căn cứ để buộc nguyên đơn - Song Hui phải chịu tiền phạt chậm tiến độ 2 tháng.

- Đài Việt Hưng đã ký “ Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình”, “ Biên bản thanh lý hợp đồng”, cùng với các cơ quan chức năng quản lý xây dựng của tỉnh ký biên bản kiểm tra công trình hoàn thành. Trong thời gian bảo hành công trình không yêu cầu Song Hui đến sửa chữa, khắc phục thiếu sót mà lại tư ý đi thuê các đơn vị thi công khác, nên không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu phản tố của Đài Việt Hưng , đòi Song Hui phải bồi thường số tiền chi phí hoàn thiện và sửa chữa công trình là 1.618.618.963 đồng.

Vì vậy, Tòa án cấp phúc thẩm đã áp dụng khoản 2 Điều 275 BLTTDS Chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn - Song Hui, không chấp nhận kháng cáo và yêu cầu phản tố của bị đơn - Đài Việt Hưng , sửa bản án sơ thẩm.

Áp dụng khoản 3 Điều 33, điểm c khoản 1 Điều 34, điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 131 BLTTDS; Điều 290, khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự.

Xử : Chấp nhận yêu cầu của Công ty TNHH Xây dựng Song Hui.

Buộc Công ty TNHH Thực thẩm Đài Việt Hưng có trách nhiệm trả tiếp cho Công ty TNHH Xây dựng Song Hui tổng số tiền là : 11.609.667.840 ( cả gốc và lãi).

Án phí : Công ty TNHH Thực phẩm Đài Việt Hưng nộp 29.609.674 đồng án phí kinh tế sơ thẩm và 200.000 đồng án phí kinh tế phúc thẩm.

4. Khiếu nại và kháng nghị giám đốc thẩm:

Ngày 27-01-2007, Đài Việt Hưng có đơn khiếu kiện nại giám đốc thẩm cho rằng.

- Tòa án cấp phúc thẩm buộc Đài Việt Hưng phải trả tiếp số tiền 11.609.667.480 là không có căn cứ.

- Tòa án cấp phúc thẩm không cho Đài Việt Hưng được hưởng tiền phạt chậm tiến độ và chấp nhận việc sửa chữa “ Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình”, “ Biên bản thanh lý hợp đồng” của Song Hui là không đúng pháp luật.

Tại Quyết định kháng nghị số 11/QĐKNGĐT-KDTM ngày 15-5-2007, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nhận định:

1. Về các chi phí bổ sung ( 1.618.618.963 đồng) của Đài Việt Hưng.

Hợp đồng kinh tế số SH-Việt Nam - 2004 - BO7 ngày 28-12-2004 là hợp đồng khoán gọn. Vì vậy, các phần việc mà Đài Việt Hưng phải chi phí bổ sung để thuê công nhân thực hiện sau khi hai bên đã thiết lập “Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình” nhưng vẫn trong thời hạn bảo hành phải được khấu trừ vào tổng giá trị của hợp đồng.

2. Về tiến độ thi công công trình:

- Xác định ngày khởi công công trình là ngày 05-01-2005 và thời hạn thi công theo thỏa thuận của hợp đồng là 5 tháng đối với công trình có tổng giá trị là 15.900.000.000 đồng. Vì vậy thời hạn thi công đến ngày 05-6-2005.

- Do công trình có khối lượng phát sinh tăng trị giá 5.111.499.565 đồng, nên thời gian thi công cũng kéo dài tương ứng. Cụ thể, giá trị phát sinh tăng bằng 32% tổng giá trị ban đầu của công trình. Vì vậy, thời gian thi công thực tế cũng chỉ được kéo dài thêm 32% so với thời gian thỏa thuận ban đầu ( 5 tháng) và bằng 6 tháng 18 ngày ( tăng thêm 1 tháng 18 ngày).

Như vậy, Song Hui phải hoàn thành công trình có tổng trị giá là 21.011.499.565 đồng vào ngày 23-7-2005. Nếu đề nghị gia hạn 60 ngày của Song Hui được Đài Việt Hưng chấp nhận thì thời hạn thi công tối đa cũng phải chấm dứt vào ngày 05-8-2005 ( 05-01 đến 05-8-2005). Từ ngày 06-8-2005 trở đi, Song Hui phải chịu phạt vi phạm thời gian thi công theo quy định tại Điều 4.3 của hợp đồng.

Vì vậy, quyết định kháng nghị bản án kinh tế phúc thẩm số 119/2006/KDTM-PT ngày 29-12-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao giữ nguyên quan điểm đã nêu trong bản kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

XÉT THẤY

1. Về tính pháp lý của “ Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình” và “ Biên bản thanh lý hợp đồng”.

- Tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn Đài Việt Hưng không phủ nhận chữ ký của người đại diện hợp pháp và con dấu của Công ty trên “ Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình”, cũng như “ Biên bản thanh lý hợp đồng”, xác định phải chịu trách nhiệm với chữ ký và con dấu của mình trên hai văn bản này, nhưng không công nhận hai văn bản này với lý do có sự chỉnh sửa con số không hợp pháp. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện của Đài Việt Hưng xác nhận có nhìn thấy việc tẩy xóa những vẫn ký vào hai biên bản này.

- Ngoài phần số có sự chỉnh sửa, “ Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình” còn có phần tổng giá trị quyết toán công trình viết bằng số và bằng chữ không có tẩy xóa và điều thống nhất là 21.011.499.565 VNĐ.

Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chậm nhận tính hợp pháp của hai biên bản này là có căn cứ.

2. Về số tiền phải thanh toán:

Luật xây dựng năm 2003 ( có hiệu lực pháp luật từ ngày 01-7-2004) quy định:

“ Chủ đầu tư xây dựng công trình có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu, tiếp nhận công trình xây dựng. Người tham gia nghiệm thu, bàn giao công trình phải chịu trách nhiệm cá nhân về sản phẩm do mình xác nhận trong quá trình thi công xây dựng công trình và bàn giao công trình xây dựng” (khoản 4 Điều 80).

“ Nhà thầy có trách nhiệm lập hồ sơ thanh toán, quyết toán khối lượng công việc đã thực hiện. Chủ đầu tư xây dựng công trình phải thanh toán cho nhà thầu theo khối lượng công việc được nghiệm thu” ( Khoản 1 Điều 81).

“ Người có trách nhiệm thanh toán, quyết toán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về công việc của mình và phải bồi thường thiệt hại do hậu quả của việc thanh toán, quyết toán hoặc sai so với quy định” . ( Khoản 3 Điều 81).

Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận tính hợp pháp và buộc Đài Việt Hưng phải thanh toán cho Song Hui theo tổng giá trị quyết toán công trình ( 21.011.499.565 đồng) thể hiện tại “ Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình” và “ Biên bản thanh lý hợp đồng”; Tòa án cấp phúc thẩm còn buộc Đài Việt Hưng phải thanh toán thêm tiền lãi trên số tiền chậm trả ( 598.400.000 đồng) là có căn cứ và đúng pháp luật.

3. Về phạt tiến độ thi công:

- Theo quy định tại Điều 1 của hợp đồng, nếu công trình có sự thay đổi hoặc tăng thêm hạng mục thì thời gian thi công sẽ kéo dài theo thực tế. Theo nội dung của “ Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình” và “ Biên bản thanh lý hợp đồng” thì tổng trị giá công trình đã có phát sinh tăng thêm hơn 5 tỷ đồng ( tăng thêm 31%). Vì vậy, thời gian thi công cũng phải kéo dài theo thực tế. Việc xác định thời gian thi công cũng chỉ được tăng thêm 32% như nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát là không đúng với thỏa thuận trên của các đương sự và không đảm bảo tính khoa học vì: Khối lượng phát sinh tốn thêm bao nhiêu thời gian phụ thuộc vào khối lượng công việc và tính chất phức tạp hay giản đơn khi thi công các hạng mục công trình phát sinh sau này. Do không thể tính được thời gian cụ thể đối với không lượng phát sinh, nên mới có thỏa thuận về thời gian thi công thực tế.

 - Theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 17/HĐBT ngày 16-01-1990 của Hội đồng Bộ trưởng ( hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh về Hợp đồng kinh tế). “ Từ thời gian các bên đã ký vào biên bản thanh lý, quan hệ hợp đồng kinh tế đó coi như đã được chấm dứt. Riêng quyền và nghĩa vụ của mỗi bên được xác nhận trong biên bản thanh lý vẫn có hiệu lực pháp luật cho đến khi các bên hoàn thành nghĩa vụ của mình”. Quy định này của pháp luật cũng phù hợp với nội dung các đương sự thỏa thuận trong “ Biên bản thanh lý hợp đồng”. “ Ngay sau khi đôi bên ký kết bản thanh quyết toán này, bên A phải thanh toán khoản tiền thanh quyết toán nói trên cho bên B”, “ Hợp đồng SH- Việt Nam - 2004 - BO7, ký ngày 28-12-2004, sau khi bên B đã nhận đủ tiền thanh quyết toán thì đôi bên chấm dứt công nợ.

Mọi tranh chấp về sau hoàn toàn không có hiệu lực pháp lý.  

Tại biên bản thanh lý hợp đồng giữa hai bên chỉ ghi nhận duy nhất nghĩa vụ thanh toán của bên A- Đài Việt Hưng , không có bất cứ nghĩa vụ nào của bên B Song Hui. Vì vậy hợp đồng số Hợp đồng SH- Việt Nam - 2004 - BO7 giữa hai bên đã chấm dứt, quyền và nghĩa vụ giữa hai bên phải thực hiện với nhau chỉ còn lại duy nhất nghĩa vụ trả tiền của bên A theo số tiền đã ghi trên biên bản thanh lý hợp đồng. Việc xác định thời điểm khởi công công trình là ngày 05-01-2005 trong kháng nghị của Viện kiểm sát không còn có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án.

4. Về số tiền 1.618.618.963 đồng - Đài Việt Hưng phải bỏ ra để hoàn thiện và sửa chữa công trình:

Theo trình bày của Đài Việt Hưng:

- Trước khi ký “Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình”: ngày 03-8-2005, Đài Việt Hưng ký hợp đồng với Điện lực Sóc Trăng để thi công xây dựng lắp mới trạm biến áp 3 pha 1.25. KVA và kéo mới đường dây trung thế 3 pha dài 32 m; ngày 26-12-2005 ,  ký hợp đồng với Công ty TNHH cơ khí Núi Thành để thuê Chế tạo và lắp đặt sàn nhà của dây chuyền sản xuất, trị giá 637.822.500 đồng.

- Sau khi ký “Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình”: Ngày 02-01-2006, Đài Việt Hưng ký hợp đồng thuê nhà vẽ Ca Thy làm biển hiệu Công ty trị giá 12.250.000 đồng; Ngày 03-4-2006,  ký hợp đồng với Công ty cổ phần xây dựng giao thông Sóc Trăng để thi công sân đai trị giá 371.754.756 đồng; Ngày 14-4-2006, ký hợp đồng với Công ty cổ phần cơ khí và xây lắp công nghiệp để chống thấm và mở rộng hầm máy, trị giá 116.543.633 đồng.

Trong đó, 3 hạng mục đầu là Đài Việt Hưng phải bỏ tiền ra để hoàn thiện công trình trước ngày hoàn công 27-02-2006; 2 hạng mục tiếp theo là thuộc loại Đài Việt Hưng phải bỏ tiền ra để sửa chữa do chất lượng thi công của Song Hui làm không đảm bảo.

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 Luật xây dựng, “Công trình chỉ được nghiệm thu đưa vào sử dụng khi đảm bảo đúng yêu cầu thiết kế, bảo đảm chất lượng và đạt các tiêu chuẩn theo quy định.”.

Theo quy định tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16.12.2004 (về quản lý chất lượng công trình xây dựng),“Chủ  đầu tư…; chịu trách nhiệm trước pháp luật khi nghiệm thu không bảo đảm chất lượng làm sai lệch kết quả nghiệm thu, nghiệm thu khối lượng không đúng, sai thiết kế và các hành vi vi phạm khác”. (khoản 4 Điều 21);

“Đối với công việc, giai đoạn thi công xây dựng sau khi nghiệm thu được chuyển nhà thầu khác thực hiện tiếp thì phải được nhà thầu đó xác nhận , nghiệm thu” (khoản 1 Điều 23).

Vì vậy, nếu trước và sau khi ký “Biên bả nghiệm thu và bàn giao công trình” với Song Hui, Đài Việt Hưng đã tự ý bỏ tiền ra thuê các đơn vị thi công khác để hoàn thiện công trình mà Song Hui đang thi công dở dang hoặc chưa thi công mà khong bàn bạc, thống nhất với Song Hui, thì Đài Việt Hưng đã vị phạm các quy định trên của pháp luật trong công tác nghiệm thu với Song Hui và phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả đó chứ không thể trừ vào tổng giá trị công trình đã quyết toán với Song Hui.

Mặt khác, khi ký “Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình” và đặc biệt là “Biên bản thanh lý hợp đồng” với Song Hui, Đài Việt Hưng đã không nêu ra bất cứ vướng mắc nào về vấn đề này, mà chỉ xác nhận duy nhất nghĩa vụ thanh toán của mình đối với Song Hui. Vì vậy, không có cơ sở để xem xét yêu cầu của Đài Việt Hưng.

Theo quy định tại Điều 82 Luật xây dựng,

“1.Nhà thầu thi công xây dựng công trình có trách nhiệm bảo hành công trình ; nhà thầu cung ứng thiết bị công trình có trách nhiệm bảo hành thiết bị công trình.

2.Nội dung bảo hành công trình bao gồm khắc phục, sửa chữa , thay thế thiết bị hư hỏng , khiếm khuyết hoặc khi công trình vận hành, sử dụng không bình thường do lỗi của nhà thầu gây ra”.

Trong thời hạn bảo hành công trình, Đài Việt Hưng không yêu cầu Song Hui phải thực hiện nghĩa vụ bảo hành của mình(không xuất trình được chứng cứ) mà lại tự ý đi thuê các đơn vị khác đến sửa chữa công trình và yêu cầu trừ vào tổng giá trị phải thanh toán của công trình là không phù hợp với quy định trên của Luật xây dựng.

Tòa án cấp phúc thẩm bác yêu cầu phản tố này của Công ty TNHH Thực phẩm Đài Việt Hưng là có căn cứ và đúng pháp ,luật.

Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 291;khoản 1 điều 297 của Bộ luật tố tụng dân sự,

QUYẾT ĐỊNH

Không chấp nhận kháng nghị số 11/QĐKNĐT-KDTM ngày 15-5-2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, giữ nguyên bản án kinh tế phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật số 119/2006/KDTM-PT ngày 29-12-2006 của Tòa  phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

Tên bản án

Quyết định giám đốc thẩm 09/2007/KDTM-GĐT ngày 04/10/2007 về vụ án tranh chấp hợp đồng xây dựng

Số hiệu Ngày xét xử
Bình luận án