Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.
10 NĂM THAM GIA CÔNG ƯỚC BERNE - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG HỘI NHẬP
10 NĂM THAM GIA CÔNG ƯỚC BERNE - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG HỘI NHẬP​

VIỆT LINH

Ngày 26 tháng 10 năm 2014 đánh dấu tròn 10 năm ngày Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật có hiệu lực tại Việt Nam. Ngày này cách đây 10 năm được coi là ngày mở đầu quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam về quyền tác giả và mở ra một tương lai hợp tác quốc tế về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sáng tạo của Việt Nam. Với việc tham gia Công ước Berne, Việt Nam đã hội nhập vào một sân chơi toàn cầu nhằm tạo dựng một môi trường lành mạnh cho hoạt động sáng tạo và qua đó, khuyến khích lao động sáng tạo và đổi mới. góp phần tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.

Công ước Berne quy định các nước áp dụng công ước này hợp thành một Liên hiệp để bảo hộ các quyền của tác giả đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Mỗi quốc gia tham gia Công ước sẽ công nhận và bảo hộ bản quyền các tác phẩm của tác giả các nước khác trong Liên hiệp. Từ khi trở thành thành viên của Công ước Berne, Việt Nam có trách nhiệm bảo hộ quyền tác giả cho các tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả trong nước cũng như cho các tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả của các quốc gia khác là thành viên Công ước, đồng thời các quốc gia thành viên khác của Công ước cũng sẽ có nghĩa vụ bảo hộ quyền tác giả cho các tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả Việt Nam.

Sau khi gia nhập Công ước Berne, Việt Nam tiếp tục tham gia vào các Điều ước quốc tế quan trọng khác về quyền tác giả, quyền liên quan. Vào ngày 6 tháng 7 năm 2005, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước Geneva về bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống lại việc sao chép trái phép bản ghi của họ. Tiếp đó, Công ước Brussels bảo vệ quyền của các tổ chức phát sóng đối với tín hiệu mang chương trình đã được mã hóa truyền qua vệ tinh có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 12 tháng 1 năm 2006. Kể từ 

Như vây, chỉ một thời gian ngắn sau khi tham gia Công ước Berne, Việt Nam đã tham gia vào hầu hết các Công ước và Hiệp định quốc tế quan trọng nhất về quyền tác giả, quyền liên quan. Việc tham gia vào các Điều ước quốc tế cũng là cơ hội để Việt Nam xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình về quyền tác giả và quyền liên quan, phù hợp với pháp luật quốc tế.

Xây dựng và hoàn thiện Hệ thống pháp luật Việt Nam bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan

Luật Sở hữu trí tuệ, được Quốc hội thông qua tại khóa XI kỳ họp thứ 8 ngày 29 tháng 11 năm 2005 và có hiệu lực vào ngày 01 tháng 7 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, được Quốc hội thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2009 và có hiệu lực từ 01 tháng 01 năm 2010, là luật quy định về các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và công tác bảo hộ các quyền đó. Luật Sở hữu trí tuệ ra đời đã tạo ra hành lang pháp lý khuyến khích lao động sáng tạo và bảo vệ thành quả của lao động sáng tạo. Luật Sở hữu trí tuệ bảo vệ lợi ích quốc gia, tương thích với pháp luật quốc tế, thể hiện được tính minh bạch và tính khả thi cao. Luật Sở hữu trí tuệ thúc đẩy hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam và thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế về thương mại và đầu tư.

Cùng với Luật Sở hữu trí tuệ, các luật chuyên ngành như Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật Di sản văn hoá, Luật Điện ảnh, Luật Quảng cáo, ... đều có các quy định liên quan đến bảo hộ quyền tác giả, phù hợp với từng ngành. Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hải quan, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng có các quy định quan hệ tới quyền tác giả và quyền liên quan tùy theo tính chất và phạm vi điều chỉnh của mỗi luật. Hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của nước ta còn bao gồm một loạt các nghị định và các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Như vậy, các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền tác giả và quyền liên quan đã được ban hành tương đối đồng bộ. Hệ thống pháp luật của Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng hoàn thiện và phù hợp hơn với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đủ điều kiện để điều chỉnh các mối quan hệ về quyền tác giả và quyền liên quan tại Việt Nam và tạo môi trường pháp lý cho tiến trình hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trong thời gian 10 năm qua, việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan có những tiến bộ quan trọng. Quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể đã từng bước được bảo hộ. Hoạt động tự bảo vệ quyền đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan đã hình thành với 4 tổ chức để thực hiện việc đàm phán, cấp phép sử dụng, thu và phân phối tiền bản quyền cho các chủ thể đã ủy thác quyền cho các tổ chức này.

Mở rộng và tích cực hợp tác quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan

Ngoài 5 Công ước và Hiệp định quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế khác, trong đó có 2 Hiệp định song phương về quyền tác giả, quyền liên quan (Hiệp định giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về thiệt lập quan hệ quyền tác giả và Hiệp định giữa Việt Nam và Thụy Sỹ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ); 10 Hiệp định thương mại song phương và đa phương có các cam kết về quyền tác giả, quyền liên quan ((Hiệp định về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (BTA); Hiệp định khung về thương mại và đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ (TIFA); 2 Hiệp định Thương mại tự do song phương là Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Chile; 6 hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã cùng ASEAN ký kết là Hiệp định Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA,) Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Nhật Bản (AJFTA), Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA)). Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán 7 Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương có bao gồm nội dung về sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền tác giả, quyền liên quan ((Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Khối mậu dịch tự do Châu Âu EFTA, Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan (VCUFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Hồng Kông (AHKFTA).

Thực hiện các cam kết quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan là để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, pháp nhân Việt Nam, cũng như thực hiện nghĩa vụ pháp lý với các nước thành viên và các đối tác nước ngoài nhằm tạo môi trường thuận lợi và lành mạnh, thúc đẩy hoạt động đầu tư, thương mại giữa Việt Nam với các nước khác trên thế giới.

Việt Nam tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của WIPO, của các tổ chức quốc tế và một số quốc gia trong hoạt động xây dựng pháp luật, trao đổi kinh nghiệm thực thi và đào tạo nguồn nhân lực về quyền tác giả, quyền liên quan. WIPO đã mời Việt Nam tham dự nhiều hội thảo, hội nghị quốc tế hoặc lớp tập huấn về quyền tác giả, quyền liên quan. Việt Nam cũng đã phối hợp với WIPO tổ chức một số Hội nghị khu vực về quyền tác giả, quyền liên quan tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhằm thúc đẩy các hoạt động phát triển sở hữu trí tuệ cũng như cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc WIPO đã tới thăm và làm việc với các vị Lãnh đạo cao cấp của Việt Nam. Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có các cuộc tiếp xúc và làm việc với Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc WIPO để bàn về hợp tác giữa WIPO và Việt Nam trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Với các hoạt động tích cực của mình, Việt Nam đã được bầu vào Ủy ban Thường trực về quyền tác giả và quyền liên quan của WIPO 2 nhiệm kỳ liên tiếp 2011-2013 và 2013 – 2015. Đặc biệt, tại Đại hội đồng WIPO thường niên lần thứ 54 vừa diễn ra cuối tháng 9 năm 2014 tại Geneva, Việt Nam được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Điều phối của WIPO.

Cơ hội và thách thức trong thời đại số

Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa về kinh tế, văn hóa và cũng là thời đại bùng nổ thông tin và công nghệ, mà ở đó các loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được pháp luật bảo hộ đều có thể tồn tại trong môi trường kỹ thuật số nên người ta dễ dàng sao chép, dễ dàng phổ biến và dễ dàng lưu trữ chúng. Cuộc cách mạng công nghệ trong phương thức tái bản, sao chép, lưu trữ thông tin bằng kỹ thuật số đã tạo ra hai mặt đối lập nhau. Một mặt, nó giúp cho tác giả có thể quảng bá tác phẩm của mình tới đông đảo công chúng một cách nhanh chóng, thuận tiện và tiết kiệm hơn nhiều so với trước đây. Nhưng mặt khác, tiến bộ công nghệ này cũng tạo cơ hội cho việc phát sinh các hình thức khai thác và sử dụng bất hợp pháp mới. Thách thức trong vấn đề bản quyền ở kỷ nguyên kỹ thuật số là làm sao có thể vừa bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu quyền tác giả trong việc sử dụng công nghệ mới để sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm của mình, vừa phải ngăn chặn nạn khai thác và cạnh tranh bất hợp pháp ở khắp mọi nơi. Đó cũng là thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể quyền, đồng thời cũng là thách thức đối với các cơ quan quản lý và thực thi về bảo hộ quyền tác giả.

Trước thách thức của công nghệ số đối với quyền tác giả và các quyền liên quan, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO tiến hành nhiều Hội nghị toàn cầu vào thời gian 1993 -1995. Tại Diễn đàn thế giới của WIPO về bảo hộ sáng tạo trí tuệ trong Xã hội thông tin, tổ chức tại Naples tháng 10 năm 1995, các câu trả lời đối với thách thức của công nghệ số và Internet đã được tổng kết. Cuối cùng, Hội nghị ngoại giao của WIPO tại Geneva tháng 12 năm 1996 đã thông qua Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước của WIPO về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT). WCT và WPPT, mà ta thường gọi là các “Hiệp ước Internet” về quyền tác giả và quyền liên quan, có hiệu lực lần lượt vào các ngày 6 tháng 3 năm 2002 và ngày 20 tháng 5 năm 2002. Hiệp ước WCT chính là sự phát triển và làm mới Công ước Berne bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật để phù hợp với các điều kiện mới phát sinh của thời đại công nghệ số và Internet. Vì vậy nó còn được gọi là Công ước Berne cộng (+). Trong khi hầu như không sửa đổi gì đến nội dụng các đặc quyền, Hiệp ước WCT đã bổ sung một số điều khoản khá mới mẻ đối với các điều ước quốc tế về quyền tác giả, đó là về các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ để bảo hộ bản quyền, yêu cầu các quốc gia thành viên phải quy định sự bảo hộ pháp lý tương xứng và các biện pháp thực thi pháp lý hiệu quả đối với việc vô hiệu hóa các biện pháp công nghệ được chủ thể quyền sử dụng trong việc thực thi các quyền của mình đồng thời ngăn chặn các hành vi không được chủ thể quyền cho phép.

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng đã hàm chứa nhiều nội dung phù hợp với Hiệp ước WCT và WPPT. Chúng ta đang nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể tham gia vào hai Hiệp ước này vào thời điểm thích hợp.

Tiếp tục tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan

Công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong thời gian qua đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường kỹ thuật số và Internet. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 về tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả , quyền liên quan

Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã ra Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9 tháng 6 năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết đã nêu một số nội dung trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, đó là: “Nâng cao ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội. Củng cố và tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý và cơ quan thực thi quyền tác giả từ Trung ương đến địa phương”. Để thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và các Nghị quyết khác của Đảng, thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 36/2008 /CT-TTg của Thủ tướng Chính phủvề tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 36 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra 5 giải pháp cơ bản để tiếp tục thúc đẩy hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan:

“Một là, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đề ra các chính sách phù hợp, hướng tới mục tiêu tạo ra nhiều các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học có giá trị, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước; nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Hai là, tổ chức thực hiện các hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan theo đúng luật pháp, nhằm bảo đảm cân bằng lợi ích giữa người sáng tạo, nhà sử dụng và công chúng hưởng thụ. Với sự đầu tư và lao động sáng tạo, công dân có quyền được hưởng lợi từ tài sản trí tuệ do mình sáng tạo ra. Mọi tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng tài sản trí tuệ của tổ chức và cá nhân khác đều phải xin phép, trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thực thi pháp luật, các công việc liên quan đến tuyên truyền, giáo dục pháp luật phải được tăng cường với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của công chúng nói chung, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan nói riêng.

Ba là, xây dựng một nền công nghiệp văn hóa phát triển, đủ sức cạnh tranh, trong đó xuất bản, báo chí, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, cùng các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin v.v... là những ngành nghề cần tập trung đầu tư. Chúng ta cũng cần sớm đánh giá về vai trò và đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự tăng trưởng của đất nước, để có thể hoạch định chính sách phù hợp với sự phát triển các ngành, nghề cho tương lai.

Bốn là, tăng cường sự hợp tác, thi hành có hiệu quả các điều ước quốc tế đa phương và song phương về quyền tác giả, quyền liên quan đang có hiệu lực tại Việt Nam. Chúng ta phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, pháp nhân Việt Nam, đảm bảo cho công chúng được thưởng thức các giá trị văn học nghệ thuật và khoa học tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Mặt khác, chúng ta cũng phải từng bước thực hiện nghĩa vụ pháp lý với các nước, mở rộng quan hệ quốc tế thông qua các giao dịch về việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng với tổ chức, pháp nhân các quốc gia khác trên thế giới.

Năm là, các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi xâm phạm quyền tác giả trên Internet, trong môi trường kỹ thuật số. Tình trạng các loại hình từ tác phẩm viết, điêu khắc, hội hoạ, sân khấu, âm nhạc, chương trình phát thanh, truyền hình đến trò chơi trí tuệ, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, v.v... đang được truyền phát trên Internet bất hợp pháp, ở rất nhiều địa chỉ tên miền khác nhau, phải được kiểm tra và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.

Thực hiện được những điều này cũng là cách tốt nhất để tham gia tích cực, chủ động và trách nhiệm vào hội nhập quốc tế toàn diện, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hoá, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước./.

 

10 NĂM THAM GIA CÔNG ƯỚC BERNE - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG HỘI NHẬP

Tác giả VIỆT LINH
Tạp chí CỤC BẢN QUYỀN TÁC GIẢ
Năm xuất bản 2014
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ