Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

Bàn về vai trò của luật sư trong thi hành án dân sự

 

Luật sư ngày càng giữ vai trò quan trọng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong tiến trình tố tụng. Tuy nhiên, phạm vi hoạt động của luật sư trong giai đoạn thi hành án dân sự vẫn còn ở mức độ hạn chế.

Bài viết dưới đây sẽ phân tích thực trạng quy định của pháp luật và vai trò thực tiễn của luật sư trong giai đoạn thi hành án dân sự ở Việt Nam, đồng thời tham khảo một vài kinh nghiệm quốc tế có liên quan, qua đó kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của luật sư cũng như hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới. 

Luật sư cùng với các chức danh tư pháp và bổ trợ tư pháp khác ngày càng giữ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong việc triển khai thực hiện các nội dung của chiến lược cải cách tư pháp và trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trước đây, vai trò của luật sư thường được nhấn mạnh và thể hiện rõ chủ yếu trong các giai đoạn của tiến trình tố tụng, tuy nhiên trước nhu cầu sử dụng các dịch vụ pháp lý gia tăng như hiện nay thì luật sư còn thực hiện nhiều nhiệm vụ ở những giai đoạn tiền tố tụng và giai đoạn sau khi có bản án, quyết định của Tòa án. Vậy trong các giai đoạn tổ chức thi hành án dân sự thì vị trí, vai trò và nhiệm vụ của luật sư được thể hiện như thế nào trong các quy định của pháp luật và cả trong thực tiễn? Phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích làm rõ những nội dung nêu trên từ thực trạng ở Việt Nam và một vài kinh nghiệm quốc tế có liên quan.

1. Nhiệm vụ, quyền hạn của luật sư trong thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật

Tính đến ngày 01/7/1993, công tác thi hành án dân sự đã được chuyển giao hoàn toàn từ Tòa án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ, khép lại 43 năm trong đó có 10 năm (từ tháng 5/1950 đến tháng 7/1960) công tác thi hành án dân sự do thẩm phán vừa xét xử, vừa tổ chức thi hành và 33 năm (từ tháng 7/1960 đến tháng 7/1993) nhiệm vụ thi hành án mặc dù đã được giao cho nhân viên chấp hành án, chấp hành viên thi hành án, nhưng hệ thống cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong giai đoạn này vẫn trực thuộc sự quản lý của Tòa án. Với một khoảng thời gian dài như vậy, tư duy gộp cả tranh tụng và thi hành án vào trong một dịch vụ cung cấp pháp lý đã ăn sâu vào trong tiềm thức của cả luật sư trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý và cả trong tư duy sử dụng dịch vụ pháp lý của người dân.

Kể từ ngày 01/7/1993 đến nay sau gần 25 năm hệ thống thi hành án dân sự có sự tách bạch về mặt tổ chức với hệ thống cơ quan xét xử, mặc dù nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý trong giai đoạn thi hành án có xu hướng tăng cao, nhưng cũng không có nhiều các công trình nghiên cứu hoặc những quy định cụ thể của pháp luật đề cập đến vai trò, vị trí của luật sư trong các giai đoạn của quá trình tổ chức thi hành án dân sự. Có quan điểm cho rằng trong giai đoạn thi hành án thì bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyền và nghĩa vụ dân sự của các đương sự đã được quy định rõ ràng, do vậy việc tham gia của luật sư vào giai đoạn này là không cần thiết. Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng, thi hành án dân sự là một giai đoạn đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo thực thi pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự trên thực tế, nên giai đoạn thi hành án là một giai đoạn rất cần có sự tham gia của luật sư.

Đề cập đến chức năng xã hội của luật sư, Điều 1 khoản 1 Luật Luật sư năm 2012 sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Luật sư năm 2006 quy định: “Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Để thực hiện chức năng đó, khoản 3, khoản 4 Điều 22 Luật Luật sư năm 2006 quy định phạm vi hành nghề của luật sư bao gồm cả thực hiện tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật. Ngoài ra, luật sư còn thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật Luật sư. Theo các quy định trên thì dù giai đoạn thi hành án dân sự có thuộc quá trình tố tụng hay không thì luật sư vẫn có thể tham gia vào việc bảo vệ quyền và lợi ích của các đương sự (bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) trong quá trình thi hành án. Có thể nói, trong các giai đoạn của quá trình tổ chức thi hành án dân sự, hoạt động của luật sư là rất đa dạng, phong phú, thể hiện ở các lĩnh vực công việc như sau:

Một là, cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật:

Trong giai đoạn này, luật sư có vai trò tích cực trong việc giải thích nội dung bản án, các quyền lợi và trách nhiệm của các bên đương sự. Luật sư hướng dẫn đương sự soạn thảo đơn yêu cầu thi hành án, chuẩn bị các tài liệu liên quan, hoàn tất các điều kiện để nộp đơn yêu cầu thi hành án. Trong quá trình tổ chức thi hành án, luật sư hướng dẫn các đương sự về trình tự, thủ tục thi hành án, khuyến khích các đương sự tự nguyện thi hành án, thỏa thuận về thi hành án. Luật sư cũng là người giúp đương sự thực hiện các công việc khác như: Xác minh tài sản của người phải thi hành án; tư vấn về các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án; hướng dẫn các quy trình, hướng dẫn làm đơn và các thủ tục, giấy tờ có liên quan để đương sự thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo về thi hành án theo quy định của pháp luật… Thực tế đã cho thấy, có rất nhiều trường hợp đương sự không hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự và các luật khác có liên quan, thậm chí hiểu sai chức năng của cơ quan thi hành án dân sự, cho nên họ không tự giác thi hành án, tuy nhiên sau khi có sự tư vấn, giải thích từ luật sư thì việc thi hành án trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn. Do đó, hoạt động tư vấn pháp luật của luật sư trong giai đoạn thi hành án là quan trọng và cần thiết.

Ngoài ra, đối với chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự thì khi luật sư tham gia vào quá trình thi hành án dân sự theo ủy quyền của đương sự, luật sư sẽ theo dõi các bước tổ chức thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự. Với kiến thức pháp lý và chuyên môn nghiệp vụ của mình, luật sư sẽ kịp thời phát hiện, chỉ ra những thiếu sót, sai phạm (nếu có) của không những chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự mà còn đối với Tòa án, Viện kiểm sát và của các cơ quan khác có liên quan, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự mà luật sư bảo vệ. Từ đó, luật sư kiến nghị, đề xuất hoặc khiếu nại để đảm bảo quá trình tổ chức thi hành án dân sự diễn ra khách quan, đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đương sự.

Hai là, đại diện cho đương sự theo ủy quyền để tham gia giải quyết việc thi hành án:
Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp, giai đoạn thi hành án quyết định sự “thành bại” của cả quá trình giải quyết tranh chấp giữa các bên trên thực tế. Có những trường hợp vì nhiều lý do khác nhau, các đương sự không muốn trực tiếp tham gia vào quá trình thi hành án, họ tìm đến luật sư để nhờ luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự năm 2014 (Luật năm 2014) đã bổ sung mới các quy định về ủy quyền thi hành án. Theo đó, người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án (điểm đ khoản 1 Điều 7 Luật năm 2014), ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình (điểm h khoản 1 Điều 7 Luật năm 2014). Người phải thi hành án cũng có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7a Luật năm 2014. Việc xác lập văn bản ủy quyền, cũng như các vấn đề pháp lý có liên quan về ủy quyền giữa luật sư với người được thi hành án và người phải thi hành án sẽ thực hiện theo quy định tại Chương IX Bộ luật Dân sự năm 2015 và các quy định pháp luật khác có liên quan. Theo các quy định nêu trên, thì luật sư có thể nhận ủy quyền của người được thi hành án, người phải thi hành án để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của đương sự với tư cách là người ủy quyền trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án nhằm bảo đảm tốt nhất các quyền và lợi ích của khách hàng.

anh-minh-hoa-59ec41f04660d 

Ảnh minh họa.

2. Những hạn chế và nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của luật sư trong giai đoạn thi hành án dân sự

Từ những quy định trên cho thấy việc tham gia của luật sư vào quá trình thi hành án dân sự là rất cần thiết, với tư cách là người tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và đại diện cho các đương sự trong quá trình thi hành án dân sự, luật sư có vai trò thúc đẩy, nâng cao hiệu quả quá trình tổ chức thi hành án. Tuy nhiên, thực tế thời gian vừa qua việc tham gia của luật sư vào giai đoạn thi hành án vẫn còn khá mờ nhạt, rất ít vụ việc có luật sư tham gia, nếu có tham gia thì cũng ở mức độ hạn chế, nên chưa phát huy hết được vai trò vốn có của luật sư trong hoạt động này. Dưới đây là một vài nguyên nhân cả chủ quan và khách quan.

Một là, do tính chất đặc thù của công việc thi hành án nên rất khó để xác định được trong thời gian bao lâu thì phải thi hành xong một vụ việc, nên việc thi hành án có thể thi hành xong trong một thời gian ngắn nhưng cũng thể bị kéo dài trong một thời gian dài, thậm chí có vụ việc kéo dài hàng chục năm, do đó tâm lý chung của các luật sư là “ngại” tham gia vào quá trình này. Vì thời gian giải quyết việc thi hành án có liên quan đến các chi phí phát sinh kéo theo nên nếu phải theo đuổi một việc thi hành án kéo dài trong nhiều năm sẽ không là lựa chọn tối ưu cho các hoạt động nghề nghiệp của luật sư.

Hai là, trong giới luật sư hiện nay thì số lượng luật sư có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực pháp luật thi hành án dân sự cũng không nhiều dẫn đến khách hàng cũng có ít sự lựa chọn.

Ba là, việc tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bên trong quá trình tố tụng đã được quy định khá rõ ràng, đầy đủ trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hành chính và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan, trong khi pháp luật về thi hành án dân sự lại chưa có nhiều quy định, hướng dẫn cụ thể về việc tham gia của luật sư trong giai đoạn thi hành án, do đó luật sư cũng gặp những khó khăn nhất định trong việc viện dẫn cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các đương sự trong quá trình thi hành án dân sự.

Xét dưới góc độ pháp lý thì thủ tục thi hành án dân sự cũng có nhiều điểm tương đồng với các quá trình tố tụng trước đó, ví dụ thủ tục nộp đơn để yêu cầu thi hành án, ra các quyết định về thi hành án, hòa giải, ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các bên đương sự trong quá trình thi hành án... Hơn nữa, số lượng các vụ việc phát sinh ngày càng nhiều và tính chất ngày càng phức tạp hơn, nên việc tham gia của luật sư trong giai đoạn thi hành án đã dần trở nên quen thuộc hơn. Vai trò của luật sư khi nhận ủy quyền thực hiện thay các công việc cụ thể của đương sự có những điểm khác với vai trò của luật sư khi tham gia vào quá trình thi hành án để bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự. Vấn đề đặt ra là đối với giai đoạn thi hành án, thì luật sư được tham gia đến mức độ nào và việc tiếp cận hồ sơ của luật sư đến đâu thì pháp luật lại chưa quy định rõ ràng. Trên thực tế, đã có những trường hợp luật sư xuất trình giấy giới thiệu, giấy ủy quyền và đề nghị được tiếp cận hồ sơ thi hành án nhưng cơ quan thi hành án dân sự chưa có đủ căn cứ pháp luật rõ ràng để từ chối hay chấp nhận đề nghị này của luật sư.

Bốn là, nhận thức của người dân về vai trò của luật sư trong thi hành án dân sư còn hạn chế nên nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư tham gia hoạt động này cũng chưa nhiều. Trong một số trường hợp mức lệ phí luật sư cũng chưa hợp lý, dẫn đến người được thi hành án khó tiếp cận được dịch vụ pháp lý của luật sư. Có thể do hiểu biết về thi hành án dân sự của người dân chưa cao, vẫn còn có tư tưởng lạc quan cho rằng, chỉ cần có bản án, quyết định của Tòa án tuyên theo hướng bảo vệ quyền lợi cho họ thì bản án, quyết định đương nhiên được thi hành triệt để trên thực tế và lẽ dĩ nhiên họ sẽ được nhận lại tất cả những gì thuộc về họ theo bản án, quyết định. Tuy nhiên, thực tế lại không phải hoàn toàn lúc nào cũng diễn ra như thế mà sau khi có được bản án, quyết định, người được thi hành án sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn xảy ra trong quá trình thi hành án, đặc biệt khi người phải thi hành án có tư tưởng chống đối, chây ì và tìm cách tẩu tán tài sản thi hành án. Trong thực tế không ít trường hợp, do những khoản chi phí có thể đã được đầu tư để thuê luật sư trong các giai đoạn tố tụng trước đó, nên khi đến giai đoạn thi hành án gặp khó khăn thì họ lại không còn đủ khả năng để tiếp tục thuê luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình.

Năm là, có thể vẫn còn có quan điểm cho rằng sự tham gia của luật sư vào hoạt động thi hành án dân sự sẽ làm phức tạp thêm vụ việc, sẽ vì lợi ích của đương sự được luật sư bảo vệ mà gây khó khăn, cản trở hoạt động thi hành án dân sự, dẫn đến việc phối hợp giữa cơ quan chức năng và luật sư chưa thật sự nhịp nhàng, hiệu quả.
3. Một vài kinh nghiệm quốc tế có liên quan

Nhìn chung, quy định của pháp luật Việt Nam về sự tham gia của luật sư trong giai đoạn thi hành án cũng có những nét tương đồng với thông lệ nhiều nước trên thế giới, theo đó, luật sư có thể tham gia bảo vệ quyền lợi của người được thi hành án, của người phải thi hành án và người thứ ba có liên quan. Ngoại lệ, có những nước thì luật sư lại giữ vai trò quan trọng và không thể thiếu trong việc tổ chức thi hành án trong những trường hợp nhất định.

Ví dụ, ở nước Cộng hòa Chile theo mô hình hệ thống thi hành án dân sự thuộc về Tòa án, mọi hoạt động thi hành án được thực hiện và đặt dưới sự quản lý của Thẩm phán, tuy nhiên, việc đại diện của luật sư vào quá trình thi hành án là bắt buộc[1]. Theo pháp luật Tây Ban Nha, thì việc tham gia của luật sư vào giai đoạn thi hành án dân sự là bắt buộc đối với các vụ thi hành án có giá trị trên 2000 USD[2]. Ở Bồ Đào Nha, sự tham gia hỗ trợ về mặt pháp lý của luật sư vào quá trình thi hành án dân sự là bắt buộc đối với các vụ án có giá trị trên 30.000 Euro hoặc trong những vụ việc có giá trị thi hành lớn hơn 5000 Euro nhưng có khiếu nại của người phải thi hành án chống lại việc thi hành án[3].

Theo kết quả nghiên cứu của Tiến sỹ Wendy Kennett[4], thì ở những nước có mô hình thi hành án mà người được thi hành án có vai trò quyết định việc lựa chọn phương pháp thi hành án, thì luật sư của người được thi hành án giữ vai trò quan trọng giúp người được thi hành án điều tra để tìm ra các thông tin quan trọng về người phải thi hành án, bao gồm các thông tin cá nhân và thông tin về tài sản. Ở những mô hình này sự tham gia của luật sư vào giai đoạn thi hành án dân sự ngày càng trở nên phổ biến.

Trong khi đó, vẫn có nghiên cứu chỉ ra rằng thi hành án dân sự là lĩnh vực khó khăn, phức tạp và chưa bao giờ là dịch vụ hấp dẫn đối với giới luật sư, đặc biệt là những vụ thi hành án dân sự có yếu tố nước ngoài. Giáo sư Paul Oberhammer[5] đã thừa nhận rằng những đồng nghiệp, luật sư và học viên của ông có rất ít kiến thức về những gì thực sự xảy ra đối với pháp luật, quy trình, thủ tục thi hành án dân sự ở nước ngoài và họ thiếu kết quả nghiên cứu cơ bản về lĩnh vực này. Đối với luật sư thì thi hành án dân sự chưa bao giờ là lĩnh vực yêu thích của họ. Khi Giáo sư phải chuẩn bị bài giảng về Luật thi hành án dân sự ở Thụy Sỹ, từ kinh nghiệm cá nhân và với tư cách là một giáo sư đại học, tác giả đã thừa nhận rằng việc giảng dạy Pháp luật về Hợp đồng hoặc thậm chí là Pháp luật Tố tụng ở nhiều quốc gia khác nhau còn dễ dàng hơn gấp nhiều lần so với việc giảng dạy các vấn đề về Thi hành án dân sự.

Từ những nghiên cứu về thực trạng vai trò của luật sư trong giai đoạn thi hành án dân sự ở Việt Nam và ở một vài nước trên thế giới cho thấy vai trò của luật sư trong thi hành án dân sự là quan trọng và đáng ghi nhận. Ngoài tác dụng tích cực không chỉ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự mà còn góp phần làm minh bạch hóa quá trình tổ chức thi hành án của các chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan. Để phát huy hết vai trò của luật sư trong giai đoạn thi hành án dân sự góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân và của Nhà nước

4. Giải pháp nhằm nâng cao vị thế, vai trò của luật sư và hiệu quả của công tác thi hành án dân sự ở Việt Nam trong thời gian tới

Một là, có thể nghiên cứu, xem xét sự tham gia bắt buộc của luật sư trong một số vụ việc thi hành án dân sự cụ thể, ví dụ những vụ việc thi hành án dân sự có giá trị lớn; những vụ việc thi hành án dân sự kinh tế, tham nhũng liên quan đến việc thu hồi tài sản cho Nhà nước hoặc những vụ thi hành án dù có giá trị kinh tế không lớn nhưng ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến quyền con người, các quyền cơ bản của công dân…

Hai là, nghiên cứu bổ sung chế định luật sư công song song cùng với chế định luật sư hiện hành nhằm đại diện, bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của người thực thi công vụ; quyền và lợi ích công trong quá trình tố tụng cũng như trong giai đoạn thi hành án dân sự.

Ba là, bổ sung các quy định về sự tham gia của luật sư vào quá trình thi hành án dân sự trong Luật Thi hành án dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành. Luật Thi hành án dân sự cần quy định cụ thể, rõ ràng về vai trò, vị trí, nhiệm vụ của luật sư trong giai đoạn thi hành án để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động hiệu quả của luật sư trong các giai đoạn thi hành án. Mặt khác, cũng cần có các quy định hạn chế, và các chế tài phù hợp trong trường hợp luật sư có những hành vi vi phạm pháp luật, cố tình cản trở, gây khó khăn cho hoạt động bình thường của cơ quan thi hành án và các cơ quan hữu quan.

Bốn là, để nâng cao kiến thức, chất lượng hành nghề của luật sư trong các giai đoạn thi hành án dân sự, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục quan tâm, nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng luật sư ngay từ giai đoạn đào tạo nghề, ví dụ cần có thêm các chuyên đề về pháp luật, nghiệp vụ thi hành án dân sự trong các chương trình đào tạo luật sư hoặc tập huấn các chuyên đề về pháp luật thi hành án dân sự cho đội ngũ luật sư…

Để thực hiện được chủ trương bảo đảm mọi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành theo tinh thần cải cách tư pháp, đòi hỏi phải có một hệ thống tổng thể các giải pháp, trong đó việc sử dụng sức mạnh chất xám của đội ngũ luật sư trong nước tham gia vào các giai đoạn thi hành án dân sự cũng là một trong những hướng cần tích cực đầu tư nghiên cứu.

(Nguồn: Tạp chí Dân chủ & Pháp luật)

 

Bàn về vai trò của luật sư trong thi hành án dân sự

Tác giả
Tạp chí Tạp chí Dân chủ & Pháp luật
Năm xuất bản 2017
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ