Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.
ĐỀ ÁN 112: ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ

 

ĐỀ ÁN 112: ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ

VŨ VĂN NHIÊM*

*ThS. luật học, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

1. Đặt vấn đề

Khi vết thương do hậu quả của Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin (giai đoạn 1996 -1998) - một Chương trình do ngân sách nhà nước đầu tư với kinh phí 150 tỉ đồng nhưng không thu được kết quả gì[1] - vẫn còn rỉ máu thì những ngày gần đây, người ta lại râm ran bàn luận về một Đề án được ngụy trang bằng một tên gọi hấp dẫn không kém: “Đề án Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2005” (Đề án 112). Khi các phương tiện truyền thông đưa ra số liệu về hậu quả của nó mặc dù chưa phải là con số cuối cùng[2], song đã khiến nhiều người giật mình về sự đào tẩu, lãng phí tài sản Nhà nước và có lẽ không ít người ngạc nhiên về “cách” mà tài sản của nhân dân bị thất thoát. Có lẽ báo chí và công luận sẽ còn tốn nhiều giấy mực để phân tích, mổ xẻ về thẩm quyền, trách nhiệm, về khắc phục hậu quả và cách thức xử lý đối với những tổ chức, cá nhân sai phạm...

Đã có khá nhiều bài viết, ý kiến phân tích nguyên nhân dẫn đến thất bại của Đề án này. Đã có một số cá nhân bị bắt giam, và có thể còn một số người nữa sẽ vào vòng lao lý. Làm sai thì phải chịu trách nhiệm! Xử lý nghiêm minh những kẻ gây thất thoát tài sản của Nhà nước, nhất là những kẻ cơ hội, phủ lên mình áo khoác “công bộc của dân” để trục lợi, âu cũng là một lẽ thường tình để giữ nghiêm kỷ cương phép nước!

Rõ ràng, không có lý do gì có thể bào chữa cho sai phạm của một số người lợi dụng chức quyền để vơ vét và làm thất thoát tài sản của nhân dân. Tuy nhiên, nếu bình tâm để suy ngẫm sự việc một cách toàn diện, công luận có quyền đặt ra câu hỏi: Tại sao với một Hệ thống chính trị vững mạnh, một bộ máy nhà nước hùng hậu trong thời bình lại để những sự việc như vậy xảy ra như ở “chốn không người”. Có thể có người cho rằng trong muôn vàn hoạt động của bộ máy nhà nước - là hoạt động của con người, không thể không xảy ra sai phạm và đây chẳng qua là một “tai nạn nghề nghiệp”. Nếu nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, toàn diện, chúng tôi không cho là như vậy. Không chỉ có một Đề án 112, mà trước đó đã có một Đề án tương tự và một số đề án khác đã “có vấn đề”, tức là sai phạm đã có tính hệ thống. Trong một cuộc đối thoại với sinh viên, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã từng bộc bạch rất chân tình “Chúng ta quản lý yếu kém nên có người không muốn tham nhũng nhưng thấy dễ quá, cầm lòng không đậu nên vướng vào. Trong khi đó, có nhiều nước quản lý theo kiểu muốn tham, tham cũng không được. Chúng ta diệt mầm mống tham nhũng, đồng thời phải nâng tầm quản lý”[3]. Không thể chấp nhận tiền của từ lao động nhọc nhằn của nhân dân tích cóp cho đất nước lại “đội nón” ra đi một cách... vô duyên và... vô lý như vậy.

Với cách đặt vấn đề như vậy, bài viết sẽ phân tích, mổ xẻ vấn đề để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm pháp lý về hậu quả của Đề án. Với một Chính phủ đang trong tiến trình đổi mới mạnh mẽ, dưới sự chèo lái của một Thủ tướng trẻ trung, đầy nhiệt huyết nhưng không thiếu kinh nghiệm, rất quyết tâm chống tham nhũng, lãng phí, hy vọng Đề án 112 sẽ được “đại phẫu” để làm sáng tỏ bản chất của sự việc. Ngoài việc xử lý nghiêm minh những cá nhân sai phạm, sự bất cập của cơ chế cần được làm rõ và khắc phục, bởi lẽ nếu không như vậy, rất có thể một ngày nào đó không xa, mặc dù chúng ta không muốn, nhưng trên trang nhất của các tờ báo lại xuất hiện các tít lớn, đại loại như “Đề án 113: đổ vỡ”, “Trao ngôi “vô địch” về thất thoát tiền của cho Đề án 114”...

2. Cơ sở pháp lý của Đề án 112

Khoản 4 Điều 20 Luật Tổ chức Chính phủ 2001 qui định Thủ tướng có quyền “Thành lập hội đồng, ủy ban thường xuyên hoặc lâm thời khi cần thiết để giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành”.

Như vậy, với tư cách là người đứng đầu quyền hành pháp, để lãnh đạo và điều hành Chính phủ, Luật Tổ chức Chính phủ trao quyền cho Thủ tướng có thể Thành lập hội đồng, ủy ban để “giúp” Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành.

Do vậy, cần phải được nhận thức thống nhất: Một là, các tổ chức (hội đồng, ủy ban) do Thủ tướng Chính phủ thành lập không phải là cơ quan hành chính nhà nước nên đương nhiên các tổ chức này không có chức năng quản lý. Nói cách khác, những tổ chức này không có thẩm quyền ra quyết định quản lý, không có thẩm quyền ban hành văn bản qui phạm pháp luật cũng như văn bản áp dụng pháp luật. Theo chúng tôi, không cần căn cứ vào quyết định thành lập hay qui chế hoạt động của các tổ chức này cũng đã có thể có kết luận này, vì Luật Tổ chức Chính phủ đã qui định rõ ràng các tổ chức đó đơn thuần chỉ là những tổ chức tư vấn, giúp việc (nói nôm là quân sư) cho Thủ tướng. Mọi quyết định hành chính (nếu cần) phải do Thủ tướng quyết định; Hai là, hoạt động của các tổ chức này hoàn toàn đặt dưới sự điều hành của Thủ tướng. Việc Thủ tướng trực tiếp điều hành hay Thủ tướng giao cho một thành viên Chính phủ, hoặc một cá nhân nào khác – đó là quyền của Thủ tướng. Một mặt, người được giao phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và mặt khác, hành vi của họ cũng như những cá nhân liên quan khác nếu cấu thành tội phạm thì họ phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về hành vi của mình. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng người trực tiếp chịu trách nhiệm về hoạt động của các tổ chức này là Thủ tướng. Có thể có ý kiến cho rằng Thủ tướng chỉ điều hành chung chứ không thể trực tiếp giải quyết mọi công việc nên khó có thể nói Thủ tướng chịu trách nhiệm về các công việc mang tính sự vụ này. Vấn đề ở chỗ: i) Luật đã qui định rất rõ ràng về chế độ trách nhiệm của Thủ tướng đối với các tổ chức này. Không những thế, chúng tôi cho rằng việc luật qui định như vậy là đúng đắn và cần thiết, vì chế độ trách nhiệm minh bạch, cụ thể, rõ ràng là vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với quyền hành pháp. Đó là chưa nói qui định như vậy là theo hướng xây dựng một Chính phủ mạnh - một xu hướng hiện đại và là xu thế phổ biến hiện nay; ii) Thiệt hại do Đề án 112 gây ra là rất nghiêm trọng: thất thoát lớn về tiền của và ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Chính phủ, Thủ tướng là “nhân vật chính trị”, hoạt động của Thủ tướng là hoạt động chính trị, do đó trách nhiệm trước hết và chủ yếu của Thủ tướng là trách nhiệm chính trị, nó có thể được áp dụng cả khi không có hành vi vi phạm mà chỉ cần ảnh hưởng đến sự tín nhiệm là đủ. Chẳng thế mà trong xã hội dân chủ, chế định từ chức trở nên quen thuộc và cần thiết đối với các chính khách: không vi phạm, nhưng nếu có hậu quả nghiêm trọng xảy ra, người phụ trách lĩnh vực đó phải chịu trách nhiệm. Đó là trách nhiệm chính trị. Kể cả khi một đề án nào đó không phải do Thủ tướng thành lập, nhưng nó xảy ra “ở” Chính phủ, có bê bối thì Thủ tướng phải có trách nhiệm về sự bê bối đó. Đề án 112 đích thị do chính Thủ tướng thành lập, vậy chẳng lẽ Thủ tướng vô can[4]? Ba là, Thủ tướng chỉ thành lập các tổ chức (hội đồng, ủy ban) để giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành.

Có thể có ý kiến băn khoăn cho rằng, khoản 4 Điều 20 Luật Tổ chức Chính phủ 2001 nói về hội đồng, ủy ban do Thủ tướng thành lập mới có tính chất giúp việc cho Thủ tướng, còn các Ban điều hành, trong đó có Ban điều hành Đề án 112 là loại cơ quan khác. Chúng tôi khẳng định rằng Ban điều hành Đề án 112 là một “Ban” được thành lập theo khoản 4 Điều 20 Luật Tổ chức Chính phủ 2001, nó chỉ là một tổ chức giúp việc cho Thủ tướng, chứ không phải là cơ quan quản lý nhà nước, bởi lẽ: i) Hiến pháp 1992 tại Điều 114 qui định nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng không có khoản nào nói về các tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập; ii) Luật tổ chức Chính phủ 2001 tại Điều 20 qui định nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng, duy nhất tại khoản 4 có qui định Thủ tướng có quyền “Thành lập hội đồng, ủy ban thường xuyên hoặc lâm thời khi cần thiết để giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành” như đã trích dẫn ở trên; iii) Luật qui định tên các tổ chức do Thủ tướng thành lập là hội đồng, ủy ban với hàm ý: các hội đồng, ủy ban này không phải là các cơ quan nhà nước, không có chức năng quản lý nhà nước, mà chỉ là các “bộ phận” giúp việc cho Thủ tướng.

Ban Điều hành Đề án Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước được thành lập theo Quyết định số 137/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Ban Điều hành Đề án 112)[5] có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện Đề án Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước Giai đoạn 2001-2005 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 112/2001/QĐ-TTg ngày 25/7/2001.

Như vậy, Ban điều hành Đề án 112 là một “Ban” do Thủ tướng Chính phủ thành lập có nhiệm vụ giúp Thủ tướng tổ chức chỉ đạo thực hiện Đề án Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước (giai đoạn 2001 - 2005)[6], Trưởng Ban chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Ban trước Thủ tướng Chính phủ (Điều 5 - Qui chế làm việc của Ban điều hành Đề án 112 còn qui định chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ). Do đó, một điều rõ ràng là nó không có chức năng quản lý nhà nước về công nghệ thông tin. Theo Quyết định số 137/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 về việc thành lập Ban điều hành Đề án 112, Quyết định số 27/2002/QĐ-TTg ngày 05/02/2002 về việc ban hành Qui chế làm việc của Ban điều hành Đề án 112 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Điều hành Đề án có nhiệm vụ thẩm định các vấn đề về kỹ thuật, công nghệ, tin học.

Do vậy, Ban điều hành Đề án 112 không có thẩm quyền thẩm định dự án, không có quyền thẩm định về dự toán của các dự án. Về nguyên tắc, các thẩm quyền này như trên đã phân tích, phải thuộc về Thủ tướng. Việc Thủ tướng trực tiếp quyết định (điều này khó thực hiện vì Thủ tướng phải điều hành vĩ mô) hay giao cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền là do Thủ tướng quyết định.

3. Thất bại của Đề án 112 và những nguyên nhân cơ bản

Tổng kết hiệu quả năm nhóm mục tiêu của Đề án 112:

Thứ nhất: Xây dựng hệ thống tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, phục vụ trực tiếp công tác chỉ đạo điều hành trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, hoàn thiện và thống nhất áp dụng các chương trình ứng dụng phục vụ quản lý điều hành: các mạng cục bộ (mạng LAN) không thể kết nối, chưa phục vụ được công tác chỉ đạo điều hành của Thủ tướng, lãnh đạo bộ ngành, địa phương; các phần mềm chưa thể hoạt động và vẫn thiết kế dựa vào qui trình thủ tục hành chính cũ.

Thứ hai: Tổ chức xây dựng và tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia: quá chậm, mới chỉ xác định xong giải pháp khả thi.

Thứ ba: Tin học hóa các dịch vụ công: mới đang thử nghiệm một số dịch vụ tại TP. Hồ Chí Minh và các ngành thuế, hải quan, hàng không...

Thứ tư: Đào tạo tin học, phổ cập công nghệ thông tin (CNTT) cho cán bộ lãnh đạo, chuyên viên và cán bộ nghiệp vụ của các cơ quan hành chính cấp huyện trở lên: nghiệp vụ cán bộ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Thứ năm: Thúc đẩy cải cách hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước: thất bại hoàn toàn[7].

Như vậy, có thể nói rằng: Đề án 112 đã thất bại toàn diện. Vậy, câu hỏi đặt ra là: nguyên nhân do đâu? Theo chúng tôi, thất bại của Đề án xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản sau đây:

a. Chưa có chiến lược tổng thể thống nhất về CNTT

Từ năm 1990, Văn phòng Chính phủ đã được Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng giao nhiệm vụ nghiên cứu và thực hiện Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước. Thực hiện nhiệm vụ đó, trong giai đoạn từ năm 1991 đến năm 1997, Văn phòng Chính phủ đã triển khai 4 Đề án, trong đó có 2 Đề án do Chính phủ Pháp tài trợ (giai đoạn 1991 - 1993 và giai đoạn 1994 - 1996); một Đề án do ngân sách nhà nước đầu tư theo Chương trình quốc gia về CNTT (giai đoạn 1996 - 1998); một Đề án mạng tin học diện rộng của Chính phủ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 280/TTg ngày 29/4/1997.

Chương trình Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010, Thủ tướng Chính phủ quyết định Đề án tổng thể tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005 và giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp triển khai thực hiện: Đề án 112 ra đời. Thế nhưng Ban điều hành Đề án 112 lại không có mối quan hệ với Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT (Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT cũng không chỉ đạo, bao quát đề án 112[8]) và Bộ Bưu chính - Viễn thông. Đến nay đã có tổng số 14 dự án trọng điểm, đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng để đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công việc quản lý điều hành bộ, ngành như ngân hàng, tài chính, hải quan...[9]. Theo thông tin từ Báo Thanh niên, dự án xây dựng cổng thông tin điện tử của Chính phủ trước đây do một công ty phần mềm là Việtsoftware được chỉ định làm thử nghiệm, nhưng đến tháng 9/2005, khi cổng thông tin này khai trương, họ mới biết họ không phải là đơn vị được chọn[10]. Các dự án về CNTT rơi vào tình trạng thiếu “nhạc trưởng”, mạnh ai nấy làm. Kiểu “giành nhau miếng bánh 112” trong việc thực hiện các đề án có lẽ là tình trạng phổ biến ở nước ta hiện nay.

Như vậy, cơ sở chiến lược mang tính thống nhất cho việc xây dựng CNTT cho hệ thống cơ quan hành chính nhà nước chưa được thiết lập. Điều này chẳng khác nào như xây dựng một ngôi nhà mà chưa có thiết kế. Có lẽ đây là hệ quả của lối suy nghĩ theo kiểu “tiểu nông”- nó chỉ có thể áp dụng để xây dựng một ngôi nhà cấp bốn, chứ không thể thực hiện khi xây dựng một ngôi nhà hiện đại. Đề án 112 là một “ngôi nhà” CNTT rất lớn và đồ sộ - vì đây là Đề án Tin học hóa trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, từ Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... Do đó, với một lối tư duy giản đơn nhất cũng có thể thấy rằng: không thể thành công khi chưa có chiến lược tổng thể thống nhất.

b. Thực hiện không đúng chức năng, thẩm quyền

Như phân tích ở Mục 2 (cơ sở pháp lý của Đề án 112) và Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cũng đã khẳng định: Ban điều hành Đề án 112 không có chức năng quản lý nhà nước nhưng vẫn tổ chức thẩm định các dự án phần mềm và hướng dẫn ban điều hành các tỉnh thẩm định thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, trái với nghị định, qui định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, tạo nên tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong đầu tư CNTT. Chức năng của Ban điều hành Đề án 112 đã chồng lấn chức năng của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước”[11].

Ông Lê Mạnh Hà, giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông TP. Hồ Chí Minh, được coi là một trong những người đầu tiên “bật đèn đỏ” về Đề án 112 ngay từ những ngày đầu thực hiện cũng đã cho rằng “Sai cơ bản là “anh” không phải cơ quan quản lý nhà nước, chỉ cơ quan quản lý nhà nước mới có quyền thẩm định dự án và phê duyệt dự án... Chúng tôi đã phát hiện thấy những điểm sai về pháp lý, về tài chính, về chuyên môn và đã nhiều lần báo cáo Thành phố”[12].

c. Ban Điều hành yếu kém và tinh thần trách nhiệm không cao

Một đề án lớn và quan trọng như vậy lại được giao cho Ban điều hành do một Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là Trưởng ban và thành viên là một số thứ trưởng kiêm nhiệm. Trong thời gian triển khai, một số thứ trưởng chuyển công tác, nhân sự Ban điều hành có những thay đổi. Một chuyên gia từng làm việc ở Ban điều hành đã thổ lộ rằng: Hầu như tôi chưa bao giờ thấy đủ 4 ủy viên có mặt trong một cuộc họp để giải quyết các vấn đề của 112, một số thứ trưởng là thành viên Ban điều hành rất ít khi dự họp, thường cử cán bộ dưới quyền đi thay[13]. Một số các ủy viên kiêm nhiệm của Ban điều hành khi được Thủ tướng quyết định phê chuẩn từ năm 2001 nhưng sau đó đã luân chuyển công tác (về địa phương), hoặc nghỉ hưu nhưng không báo cáo kịp thời và Trưởng Ban điều hành cũng không trình Thủ tướng để thay thế[14]. Một ủy viên Ban điều hành nói rằng “Thú thực là chỉ trước khi báo chí đăng mới nhớ ra là mình đã từng làm ở Ban Điều hành. Thực ra khi tham gia ban ấy, tôi chưa làm được gì vì quyết định (thành lập Ban Điều hành) xong thì tôi được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Đề án 112 sử dụng tiền Nhà nước thành ra phải có Bộ Tài chính, lúc đó tôi là Thứ trưởng Bộ Tài chính. Lúc đầu Ban Điều hành chưa hoạt động gì cả. Vì chưa có tiền nên tôi chẳng biết gì về 112. Trước khi báo đăng tôi mới nhớ hình như mình có tên trong đó. Tôi tham gia nhiều ban lắm”, “Chức danh Ủy viên Ban điều hành chỉ là “trên giấy thôi”, vai trò của Ban Chỉ đạo không có gì, chỉ có ông điều hành trực tiếp thôi”, “Tôi tham gia Ban Chỉ đạo mà tôi không biết gì cả. Tôi chỉ họp một lần khi ra mắt Ban Chỉ đạo là thôi. Họp cũng để tính thành lập tổ giúp việc, hoạt động ra sao. Thành lập Ban Chỉ đạo nhưng khi có sự thay đổi nhân sự, có người nghỉ hưu, có người chuyển công tác khác nhưng những tờ giấy đó không thay đổi gì”. Với tư cách là thành viên của Ban Điều hành, khi được hỏi về trách nhiệm, họ trả lời tỉnh queo rằng “Tôi đâu có trách nhiệm gì. Tôi đi rồi có ai mời họp nữa đâu. Nói chung cơ quan chủ trì, người chủ trì đề án và Ban Thư ký phải chịu trách nhiệm, còn các bộ tham gia với tư cách đại diện cho bộ, ngành có liên quan thôi. Nếu có họp thì cũng một tháng, vài tháng họp một lần để báo cáo tình hình. Nếu như một người nào đó tiếp tục tham gia tới cuối thì trách nhiệm của người ta cũng chỉ dừng ở chỗ đó thôi vì người ta đâu có điều hành”[15].

Thế là quá rõ! Một thành viên của Chính phủ không thể nhớ mình là thành viên của bao nhiêu ban: “Chắc phải mấy chục ban”?! Có thể cơ chế còn nhiều bất cập nhưng không thể chối bỏ trách nhiệm một cách thản nhiên như vậy. Dù biện hộ như thế nào, những cá nhân trong Ban điều hành Đề án 112 đã không làm tròn trách nhiệm. Có ít nhất hai lý do để họ phải chịu trách nhiệm về Đề án. Một là, cơ chế là gì, nếu không phải là do con người, trong đó chính họ (với tư cách là đại biểu Quốc hội, là thành viên của Chính phủ) là những người làm ra? Hai là, là một thành viên, họ phải có trách nhiệm trước Trưởng ban về “phần” công việc được phân công và cùng với các thành viên khác chịu trách nhiệm tập thể trước Thủ tướng về Đề án. Ở đây, chuyện “ngược đời” đã xảy ra: là một thành viên của Ban Điều hành, đã không thấy trách nhiệm của mình, lại còn đổ lỗi cho Ban Thư ký - chỉ là bộ phận giúp việc cho Ban Điều hành.

d. Quản lý và sử dụng kinh phí không đúng nguyên tắc

Ngày 26/10, Kiểm toán Nhà nước đã chính thức hoàn thành kết luận kiểm toán Đề án 112. Cách sử dụng, chi tiêu đồng vốn nhà nước trong đề án này đã thể hiện sự vô lối, bừa bãi “từ A đến Z”. Theo ông Lê Hoàng Quân, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước, mặc dù không thực hiện kiểm toán hết được tất cả các đơn vị triển khai Đề án 112 nhưng “kiểm toán vào chỗ nào cũng sai”: từ khâu khảo sát, thiết kế, dự toán cho đến các khâu lập kế hoạch vốn, phân bổ vốn, chi tiêu và nghiệm thu, quyết toán, không có khâu nào không có tiêu cực sai phạm. Kiểm toán Nhà nước nhận định “hầu hết các đề án (thuộc Đề án tổng thể 112) được lập không sát với tình hình thực tế, chưa gắn với nội dung cải cách hành chính Nhà nước”, công tác thẩm định đề án của Ban điều hành Đề án 112 lại sơ sài, không định hướng rõ ràng cho các bộ, ngành, địa phương, nhiều đơn vị không tiến hành khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Hầu hết các đơn vị kiểm toán không lập cả kế hoạch vốn đầu tư cho dự án tại đơn vị mình để gửi lên cấp trên tổng hợp... Tình trạng vi phạm các quy định về quản lý vốn đầu tư càng nghiêm trọng hơn ở khâu nghiệm thu, quyết toán. Có tình trạng nghiệm thu, quyết toán “khống”. Ví dụ ở Đồng Nai, Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa lắp đặt 2 máy chủ, 3 máy trạm (đến thời điểm 15/4/2007, các máy này đã hết thời gian bảo hành nhưng vẫn vứt trong kho), các chức năng của phần mềm chưa hề được sử dụng nhưng vẫn làm thủ tục nghiệm thu, bàn giao, quyết toán. Tại Yên Bái có tình trạng nghiệm thu cả khối lượng trước khi đề án được phê duyệt, cho thanh toán nhiều khoản không có chứng từ... Chi tiêu vô tội vạ, vô lối trong cung cách quản lý ở tất cả các khâu của Đề án khiến tiền đầu tư từ Trung ương rót xuống đến các bộ, ngành, các địa phương đã được chi tiêu bừa bãi. Một thành viên của đoàn Kiểm toán Nhà nước phải thốt lên: Chưa từng thấy ở dự án, đề án nào lấy chỉ tiêu phân bổ vốn cho từng tiểu đề án là “tốc độ giải ngân”. Nhiều nơi không lập báo cáo nghiên cứu khả thi, kế hoạch sử dụng vốn, thấy Ban điều hành đề án Trung ương có chỉ tiêu kỳ cục thế lại càng ra tay tiêu xài cho chóng hết”. Thậm chí, Ban điều hành đề án Trung ương còn kết hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khen thưởng cho các đơn vị, nơi nào giải ngân nhanh được tăng thêm vốn. Nhiều đơn vị vội vã quyết toán cho vô số khoản chưa chi, chưa được duyệt chi, không được phép chi[16].

Rõ ràng, tiền ở Đề án 112 đã bị đào tẩu qua quá nhiều “lỗ thủng”: không có sản phẩm cũng chi tiền; không có đơn giá cũng bán hàng; không có dự án cũng giao vốn; khách hàng không đủ điều kiện cũng ký kết; không có nhiệm vụ cũng chi hộ; tiền chưa chi cũng đã được quyết toán và tự vẽ ra các sản phẩm, hạng mục để chi tiền rồi “bỏ xó”; thay vì phân bổ vốn theo dự toán và quyết định đầu tư thì Ban Điều hành 112 đã phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư “treo giải” cho các đề án: ở đâu tiêu tiền nhanh thì ở đó sẽ được cấp thêm tiền. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Viện thi đua khen thưởng, Văn phòng Chủ tịch nước, Quĩ hỗ trợ phát triển, Hội cựu chiến binh, UBND tỉnh Lai Châu; không có đề án hoặc có đề án nhưng chưa được duyệt cũng được nhận tiền; dự án xin ít nhưng lại được cấp nhiều; có đơn vị được cấp nhiều tiền quá không biết chi vào đâu nên chi lung tung và thành ra... vi phạm[17]; tương tự như vậy, trong khoản tiền vay Ngân hàng Phát triển châu Á cũng có tới 29,751 tỉ đồng đã được quyết toán sẵn dù chưa hề được đụng đến dự án. Có nhiều khoản tiền tuy chưa chi nhưng vẫn quyết toán “để dành” chi sau này, trong “cơn say” chi tiền, thậm chí không có gì... cũng chi[18].

đ. Không phần mềm nào “ra hồn”

Hai mục tiêu đáng chú ý nhất trong số các mục tiêu cụ thể của Đề án 112 là xây dựng một hệ thống các trung tâm tích hợp và phát triển một số phần mềm dùng chung. Tuy nhiên, kết quả thực hiện là chưa có địa phương nào làm được việc tích hợp thông tin. Ngay cả TP. Hồ Chí Minh, một trong những địa phương đi đầu cả nước về CNTT cũng chưa thể làm được việc tích hợp thông tin của tất cả các quận, huyện, ban ngành trên địa bàn Thành phố phục vụ cho việc quản lý theo đề án. Số tiền hơn 200 tỉ đồng do ngân sách đầu tư cho mục tiêu này xem như “ném” qua cửa sổ.

Với mục tiêu phát triển một số phần mềm dùng chung, Ban Điều hành Đề án đã ký hợp đồng triển khai 3 phần mềm dùng chung cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ tháng 2/2005. Đó là phần mềm hệ thông tin tổng hợp kinh tế xã hội; hệ quản lý văn bản và hồ sơ công việc; trang thông tin điện tử phục vụ điều hành. Một chuyên gia trong ngành CNTT nhận xét “không có phần mềm nào ra hồn”. Tại TP. Hồ Chí Minh, trước khi 3 phần mềm dùng chung được cài đặt, một số quận huyện và sở ngành đã sử dụng các trang điều hành tác nghiệp và quản lý văn bản với hơn 20 phần mềm khác nhau. Các trang điều hành này có ưu điểm là tích hợp được các phần mềm đã và sẽ triển khai vào một trang điều hành để quản lý tập trung. Trong khi đó, trang Thông tin điện tử phục vụ điều hành của Đề án 112 chỉ có khả năng liên kết với các trang tin khác mà không có khả năng tích hợp các phần mềm ứng dụng[19]. Nhiều ý kiến còn cho rằng phần mềm dùng chung (của Đề án 112) “thua” phần mềm tự viết của một quận ở TP. Hồ Chí Minh[20].

e. Lộ trình thực hiện thiếu định hướng, không xác định rõ mục đích, ý nghĩa của Đề án

Một cán bộ phụ trách Đề án 112 ở một tỉnh có nói rằng “Dự án mới nhưng lại được triển khai quá ồ ạt, đổ đồng, kinh phí rót cho các tỉnh gần như không có căn cứ xác đáng, thiếu bộ máy lãnh đạo đủ tầm. Đội ngũ kỹ thuật hướng dẫn các tỉnh thiếu kiến thức công nghệ, nhưng lại trở thành người tham mưu cho cả tỉnh. Các lãnh đạo tỉnh không biết về tin học, nên dù mang tiếng điều hành đề án của tỉnh nhưng thực ra là một vài nhân viên làm”. Một cán bộ ở một tỉnh khác thổ lộ “Nhiều đơn vị còn coi đây là chương trình khoa học công nghệ, chỉ mong muốn được đầu tư thiết bị máy tính để soạn thảo văn bản, chứ không phải là chương trình cải cách hành chính”[21].

Đúng ra, không phải đến bây giờ, thất bại của Đề án 112 giai đoạn 1 (2001 - 2005) mới được nói đến, mà ngay từ đầu năm 2006, vấn đề này đã được đề cập đến rất nhiều. Tuy nhiên, không hiểu sao lại không có sự tổng kết rút kinh nghiệm cần thiết mà tiếp tục triển khai giai đoạn 2 (2006 - 2010)[22].

Một Đề án mang tính liên ngành, qui mô lớn như vậy mà không có chiến lược, không tổng kết, rút kinh nghiệm, thử hỏi làm sao có thể thành công?

4. Giải pháp nào cho hậu Đề án 112

Một bản báo cáo mới đây được đưa ra tại hội nghị tổng kết năm năm thực hiện Chỉ thị 58[23]cho thấy, không chỉ có Đề án 112, mà còn có hàng chục đề án, dự án trọng điểm, ngốn tiền tỉ của ngân sách nhưng hiệu quả chưa cao[24]. Có tổng số 14 dự án trọng điểm, đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng để đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công việc quản lý điều hành bộ, ngành nhưng kết quả thì hầu như không dự án nào đạt được như mong muốn. Dự án được đầu tư nhiều nhất là dự án Hiện đại hóa hệ thống ngân hàng, đã đầu tư 9.755 tỉ đồng, dù đã đạt được một số kết quả, nhưng theo Báo cáo: “Trình độ ứng dụng CNTN trong ngân hàng còn cách xa và có nguy cơ tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tốc độ phát triển và ứng dụng CNTT còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu về hội nhập quốc tế. Chưa có kiến trúc CNTT thống nhất cho ngành ngân hàng làm cơ sở cho phát triển đồng bộ giữa các ngân hàng”. Tổng kinh phí đầu tư cho CNTT trong toàn ngành Tài chính là 530 tỉ đồng với 8 dự án nhỏ nhưng “Các ứng dụng CNTT mới chỉ dừng ở mức thấp hỗ trợ tác nghiệp thay thế một phần các lao động thủ công mà chưa giúp tái cơ cấu lại quy trình nghiệp vụ. Đội ngũ cán bộ tin học, nhất là ở các địa phương còn yếu kém về số lượng và chất lượng, cả về CNTT và nghiệp vụ tài chính. Các ứng dụng tác nghiệp chưa có khả năng kết xuất tự động số liệu”. Dự án Tổ chức triển khai phát triển thương mại điện tử, mới giải ngân được 10 tỉ đồng và kết quả, theo Báo cáo “các sàn giao dịch thương mại điện tử tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng vẫn chưa hoàn thành như dự kiến. Ngoài ra còn gần chục dự án khác, hoặc chưa triển khai, hoặc đang trong giai đoạn làm dự án, và những dự án đã triển khai, dù đầu tư vài tỉ hay vài trăm tỉ thì kết quả đạt được vẫn chưa có gì nổi bật trong khi những hạn chế, tồn tại còn quá nhiều”.

Do vậy, cùng với việc “đại phẫu” Đề án 112, đã đến lúc tiến hành một cuộc tổng rà soát tất cả các đề án khác để sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm nghiêm túc để từ đó chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời những sai phạm, thất thoát có thể xảy ra.

Tin học hóa trong hoạt động của Bộ máy nhà nước, nhất là trong hoạt động quản lý nhà nước là rất cần thiết và một nội dung quan trọng trong cải cách hành chính. Tuy nhiên, thực hiện nó như thế nào - đây không phải là vấn đề đơn giản và cần có sự bàn bạc và phản biện xã hội.

Có ý kiến cho rằng nên có những “quả đấm thép” về cải cách hành chính với sự hỗ trợ của công nghệ như triển khai những dự án mang tính toàn quốc và trực tiếp với người dân như chứng minh thư điện tử, giấy khai sinh điện tử, đăng ký xe điện tử... Một vài ứng dựng như vậy được triển khai thành công sẽ có sức cổ vũ rất to lớn để các địa phương nỗ lực xây dựng hệ thống tin học hóa cải cách hành chính của mình.

Một số chuyên gia cho rằng mặc dù rất cần thiết nhưng không thể nôn nóng. Trong điều kiện trình độ và nhận thức về CNTT còn hạn chế và chưa đồng đều giữa cán bộ các cấp, ngành; cơ chế chính sách chưa rõ ràng... thì bài toán ứng dụng tin học vào cải cách hành chính có thể giải được bằng cách “chậm và chắc”. Có ý kiến lại băn khoăn rằng nếu “Phân về địa phương và giao cho các nơi làm độc lập rất có thể sẽ thất bại. Một hệ thống quản lý cần có sự tổ chức và nhất quán, thông suốt ở tất cả mọi khâu từ chuyện rất nhỏ. Tất nhiên, “hậu Đề án 112” có những phần việc có thể phân về địa phương nhưng trước hết cần sửa lại mục tiêu và tư duy quản lý.

Đó là vấn đề của CNTT và bài viết này không đi sâu bàn luận về vấn đề đó. Chúng tôi cho rằng trên phương diện tổng thể và dưới góc độ pháp lý, chương trình CNTT ở nước ta, cần làm rõ các vấn đề sau đây:

Một là, phải xây dựng một chiến lược tổng thể về CNTT trong hệ thống cơ quan quản lý, từ Chính phủ đến UBND các cấp. Tin học hóa quản lý hành chính, các Đề án, chương trình liên quan đến CNTT của từng bộ, từng ngành, từng cấp chỉ là các bộ phận, các đề án “con” trong chiến lược tổng thể ấy. Thủ tướng nên chỉ định Bộ trưởng Bưu chính viễn thông là Chủ tịch (hay Trưởng ban) và là người chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về chiến lược tổng thể.

Nếu có một tầm nhìn chiến lược mang tính lâu dài, không những phải xây dựng chương trình CNTT trong hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở, chúng tôi cho rằng cần có kế hoạch tổng thể hơn: xây dựng một chương trình CNTT đồng bộ và thống nhất trong toàn bộ bộ máy nhà nước, không những trong hệ thống cơ quan quản lý, mà còn bao trùm cả các cơ quan dân cử như Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân các cấp.

Hai là, cần làm rõ về chế độ trách nhiệm trong việc thành lập, trong tổ chức và hoạt động của các định chế nói chung cũng như các bộ phận do Thủ tướng thành lập (Hội đồng, Ủy ban, Ban điều hành, Tổ công tác...). Không những làm rõ về trách nhiệm pháp lý đối với cá nhân, tập thể, mà cần làm rõ trách nhiệm chính trị của Thủ tướng, từng thành viên Chính phủ. Đề cập và làm rõ trách nhiệm chính trị của Chính phủ là “chế định kinh điển” của hiến pháp ở hầu hết các nước trên thế giới[25]. Phải xác định rõ Thủ tướng Chính phủ phải là người chịu trách nhiệm trong việc thành lập các bộ phận giúp việc và hoạt động của các bộ phận đó. Các bộ phận đó mang tính chất như những “quân sư” cho Thủ tướng. Việc Thủ tướng giao cho ai: Bộ trưởng Bưu chính – Viễn thông, Chủ nhiệm hay Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là việc của Thủ tướng. Đương nhiên, người được Thủ tướng giao nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Tuy nhiên, người chịu trách nhiệm về hoạt động của các bộ phận đó phải là Thủ tướng. Đó không những là trách nhiệm chính trị mà còn là trách nhiệm pháp lý. Quyền gắn liền với trách nhiệm - điều này Luật Tổ chức Chính phủ qui định rõ ràng và theo chúng tôi là rất hợp lý, vì nó một biện pháp đảm bảo cho một Chính phủ mạnh dưới quyền điều hành của Thủ tướng.

Ba là, trong công tác cán bộ, cần lựa chọn người không những có năng lực, mà cần có trách nhiệm trước xã hội, trước nhân dân. Cơ chế, công cụ, phương tiện là do con người vận hành. Nếu không có những con người có tâm, có tầm thì dù cơ chế phù hợp, biện pháp đúng đắn, phương tiện hiện đại cũng trở nên vô nghĩa. Đây là điều rất quan trọng đối với Thủ tướng - người đứng đầu Chính phủ, bởi lẽ Thủ tướng không thể trực tiếp giải quyết mọi công việc mà cần thông qua các thành viên và bộ phận giúp việc. Có câu châm ngôn rằng “thủ lĩnh giỏi là một thủ lĩnh có tài sử dụng người”. Điều này rất có ý nghĩa đối với Thủ tướng, đặc biệt trong tiến trình đổi mới Chính phủ theo hướng trao quyền ngày càng nhiều hơn cho cá nhân Thủ tướng.

Bốn là, cần chấn chỉnh và nâng cao năng lực quản lý và sử dụng kinh phí. Một điều dễ hiểu là: nếu thực hiện đúng nguyên tắc chi tiêu tài chính thì dù năng lực của Ban điều hành Đề án 112 có yếu kém đến mấy, cũng khó có thể để xảy ra tình trạng thất thoát tài chính như thể ở “chốn không người” như phân tích ở trên. Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc xem xét, chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý tài chính của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành và các cấp chính quyền.

Năm là, cần xác định “hành chính” là cốt lõi của vấn đề , “tin học” chỉ là một công cụ hỗ trợ. Tiến sĩ Nguyễn Quang A trên tờ Thời báo Kinh tế Sài gòn cho rằng các hậu quả trên là do nhận thức sai lầm về tin học hóa cải cách hành chính. “Cải cách hành chính phải lấy cốt lõi là các quy trình, cung cách làm việc và tin học chỉ là công cụ. Tức tin học không phải cái quan trọng nhất trong đề án mà chỉ đứng thứ hai, thứ ba. Tôi cho rằng hai phần ba công việc tin học hóa cải cách hành chính là phải tập trung vào chuyện quy trình thủ tục hành chính của các cơ quan và nghiên cứu thay đổi toàn bộ hệ thống và cung cách làm việc. Trên cơ sở thống nhất cải cách quy trình, cung cách làm việc rồi thì tin học mới là công cụ thực hiện. Nếu giả sử không có tin học, phải làm bằng tay thì vẫn phải cải cách hành chính”. Cũng theo ông, nếu nhìn Đề án 112 ở góc độ là hệ thống đan xen giữa cải cách hành chính và tin học hóa, thì những người điều hành dự án phải là những người lãnh đạo rành về cải cách hành chính hơn là tin học chứ không phải như thực tế hiện nay, hầu hết các thành viên trong Ban điều hành đề án là những người làm tin học và còn làm kiêm nhiệm[26]. Đó là những ý kiến rất đáng suy ngẫm.

Sáu là, đối với những đề án lớn và dài hạn, lộ trình thực hiện cần chia thành nhiều giai đoạn. Mỗi giai đoạn cần định rõ mục tiêu, ý nghĩa, các công việc phải làm. Kết thúc mỗi giai đoạn đó cần sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Không có đề án, dự án nào là đơn giản, dễ dàng, nhất là đối với những vấn đề còn mới mẻ, mang tính thử nghiệm đối với nước ta như CNTT, tin học hóa. Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế thế giới cho chúng ta thấy điều đó.

Bảy là, cần có cơ chế phản biện xã hội, nhất là đối với những chủ trương, đường lối, đề án, công trình kinh tế - xã hội quan trọng, giá trị lớn. Điều này không những thực hiện theo định hướng của Đảng[27], mà còn tạo điều kiện cho nhân dân tham gia quản lý các công việc của Nhà nước và xã hội, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân ở nước ta.

 

[1] Đề án 112 thất bại: Lãng phí hàng trăm tỉ đồng, http://vietnamnet.vn/tinnoibat/2006/04/560052/

Nghị quyết số 49/CP về phát triển công nghệ thông tin (8/1993), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch 5 năm (1995 - 2000) triển khai Chương trình Quốc gia về Công nghệ thông tin. Trong giai đoạn 1996 - 1998, Chương trình đã tập trung khoảng 50% kinh phí (160 tỷ đồng) cho mục tiêu tin học hóa hệ thống thông tin quản lý nhà nước. Xem: Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước Giai đoạn 2001 - 2005, Ban hành kèm theo Quyết định số 112/2001/QĐ-TTg ngày 25/7/2001 của Thủ tướng Chính phủ.

[2] Số tiền đầu tư đến tháng 9/2003 đã là 3.730 tỉ đồng. (Xem: An Nguyên, Đề án 112: Còn nhiều câu hỏi lớn, Báo Thanh niên ngày 15/9/2007, trang 4, 5). Theo Tuổi trẻ, tính đến 26/10/2007, theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước: tổng mức đầu tư được duyệt cho đề án 112 là 3.836,85 tỉ đồng. Tổng kinh phí đã được cấp phát là 1.534,325 tỉ đồng. Tổng kinh phí đã sử dụng là 1.159,636 tỉ đồng. Tại khoản chi xây dựng cơ bản từ ngân sách trung ương, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện: 55,702 tỉ đồng chi sai nguyên tắc. Khoản chi thường xuyên từ ngân sách trung ương có 43,99 tỉ đồng phải loại khỏi quyết toán, nộp ngân sách nhà nước do chi chưa có đơn giá, chi sai nhiệm vụ, chi nhưng không có sản phẩm... Nguồn vay Ngân hàng Phát triển châu Á có 103,848 tỉ đồng cũng có tình trạng như trên. Nguồn ngân sách địa phương có 1,315 tỉ đồng chi vượt định mức, sai chế độ... (Theo Quang Thiện, Kết quả kiểm toán đề án 112: hơn 200 tỉ đồng thất thoát, sai phạm, Tuổi trẻ online, thứ 7, 27/10/2007).

[3] Đặng Tươi ghi, Đối thoại với thanh niên, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Mong các bạn trau dồi bản lĩnh và trí tuệ, http://www.giaitri.mobi/vcms/html/news_detail.php?nid=6736

[4] Chúng tôi không ám chỉ Thủ tướng nào, mà chỉ phân tích, nhìn nhận dưới lăng kính khoa học.

[5] Ban Điều hành Đề án Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2005, gồm các thành viên sau đây: Trưởng ban: Ông Vũ Đình Thuần, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Các ủy viên:- Ông Phan Quang Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; - Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài chính; - Ông Nguyễn Trọng Điều, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ; - Ông Bùi Mạnh Hải, Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy viên Thư ký: Ông Lương Cao Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học, Văn phòng Chính phủ (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 137/2001/ QĐ-TTg ngày 17/9/2001 về việc thành lập Ban điều hành Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2005).

[6] Tuy nhiên, cách dùng thuật ngữ giữa Luật tổ chức Chính phủ với tên của các tổ chức được Thủ tướng thành lập thường không thống nhất ( rất ít các tổ chức do Thủ tướng thành lập có tên là “Hội đồng...” hoặc “ Ủy ban...” mà thường là các “Ban điều hành...”, “Tổ công tác...”). Chúng tôi cho rằng cần khắc phục hiện tượng này.

[7] Theo Quang Thiện, Kết quả kiểm toán đề án 112: Cả ngàn tỉ đồng để mua những gì?, Tuổi trẻ online, Chủ nhật, 28/10/2007

[8] Đề án 112: Ban điều hành “vừa đá bóng vừa thổi còi”, http://vietnamnet.vn/cntt/2007/04/680772/

[9] Bản báo cáo được đưa ra ngày 15/6/2007 tại hội nghị tổng kết năm năm thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị (giai đoạn 2001-2005, về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước) do Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT phối hợp cùng Bộ Bưu chính - Viễn thông tổ chức tại Hà Nội.

[10] Hoàng Ly, Đâu chỉ là “tội” thiếu hiểu biết! Báo Thanh niên ngày 15/9/2007, tr. 5.

[11] http://docbao.dec.vn/enewsdetail/14/23937/default.dec

[12] Trao đổi với người đầu tiên "bật đèn đỏ" Đề án 112, http://vietnamnet.vn/cntt/2007/04/688949/

[13] Hàng chục đề án có nguy cơ giống 112, http://home.netnam.vn/live/FrontPage06/Khoa-hoc-cong-nghe/News-page?contentId=35349

[14] Đề án 112: Sẽ mở rộng điều tra, http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=96202&ChannelID=2

[15] Mạnh Quân (ghi), Chuyện không thể tưởng tượng nổi tại Đề án 112, Báo Thanh niên ngày 20/9/2007, tr. 3.

[16] Theo Mạnh Quân, Đề án 112: Bê bối, tiêu cực và... tệ hại! Thanh niên online, Chủ Nhật, 28/10/2007.

[17] Trong 116 đơn vị đầu mối được cấp vốn đầu tư bao gồm 64 tỉnh, thành và 52 bộ, ngành, có tới 43 đơn vị được cấp vốn vượt mức tổng đầu tư của đề án được thẩm định, số tiền “bắt phải tiêu” này lên đến 109,728 tỉ đồng. Theo Quang Thiện, Kết quả kiểm toán đề án 112: hơn 200 tỉ đồng thất thoát, sai phạm, Tuổi trẻ online, thứ Bảy, 27/10/2007.

[18] Theo Quang Thiện, Kết quả kiểm toán đề án 112: hơn 200 tỉ đồng thất thoát, sai phạm, Tuổi trẻ online, Thứ Bảy, 27/10/2007.

[19] Công văn số 160 do Giám đốc Sở BCVT TP. Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà ký, ghi rõ: “Phần mềm dùng chung của Ban điều hành chỉ thực hiện được chức năng điện tử hóa sổ công văn vào - ra. Chi phí triển khai cho mỗi phần mềm trên địa bàn thành phố là 2,1 tỉ đồng. Như vậy, việc triển khai các phần mềm dùng chung này rất tốn kém trong khi hiệu quả rất thấp”. Do đó, Sở BCVT đã kiến nghị nên tạm ngừng triển khai diện rộng các phần mềm này tại TP.Hồ Chí Minh mà chỉ triển khai thí điểm tại 1-2 đơn vị để xem xét, đánh giá lại.

[20] Mai Phương, Đề án 112: Phần mềm dùng chung thua phần mềm tự viết của quận.http://www1.thanhnien.com.vn/CNTT/2007/5/11/192240.tno

[21] http://www.saigontimes.com.vn/tbktsg/detail.asp?muc=29&Sobao=854&SoTT=8

[22] http://www.vietnamnet.vn/cntt/2007/04/688064/

[23] Chỉ thị số 58/CT-TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương khóa 8 đã nêu nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin đối với các cơ quan Đảng và Nhà nước trong giai đoạn 2001-2005 như sau: “các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội đi đầu trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động theo phương châm bảo đảm tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả lâu dài. Tin học hóa hoạt động của các cơ quan Đảng và Nhà nước là bộ phận hữu cơ quan trọng của cải cách nền hành chính quốc gia, là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan nhằm tăng cường năng lực quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức Đảng chỉ đạo khẩn trương xây dựng các hệ thống thông tin cần thiết phục vụ lợi ích công cộng của nhân dân, phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước. Sớm hoàn thiện, thường xuyên nâng cấp và sử dụng có hiệu quả mạng thông tin diện rộng của Đảng và Chính phủ. Bảo đảm đến năm 2005, về cơ bản xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống thông tin điện tử của Đảng và Chính phủ”.

[24] Bản báo cáo được đưa ra ngày 15/6/2007 tại hội nghị tổng kết năm năm thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị (giai đoạn 2001-2005, về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước) do Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT phối hợp cùng Bộ Bưu chính - Viễn thông tổ chức tại Hà Nội, http://home.netnam.vn/live/FrontPage06/Khoa-hoc-cong-nghe/News-page?contentId=35349

[25] Xem: Nguyễn Cửu Việt, Vấn đề cải cách tổ chức và hoạt động của Chính phủ và Ủy ban nhân dân: nhìn từ nguyên tắc kết hợp chế độ tập thể lãnh đạo với chế độ thủ trưởng, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 6 (134)/1999, tr. 48.

[26] http://www.saigontimes.com.vn/tbktsg/detail.asp?muc=29&Sobao=854&SoTT=8

[27] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, trang 44 có nêu: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới... Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều phải phản ánh lợi ích của đại đa số nhân dân. Nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định và thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.

ĐỀ ÁN 112: ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ

Tác giả VŨ VĂN NHIÊM* *ThS. luật học, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Tạp chí TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ 6(43)/2007
Năm xuất bản 2007
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ