Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

 

KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ BẢO ĐẢM QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN

 

I. Pháp luật quốc tế về bảo đảm quyền tiếp cận thông tin

1. Sự phát triển của quyền tiếp cận thông tin theo pháp luật quốc tế, pháp luật khu vực và pháp luật quốc gia

Quyền tiếp cận thông tin (hay còn gọi là quyền tự do thông tin hoặc quyền tiếp cận thông tin) được ghi nhận như một trong những quyền cơ bản của con người và được các văn kiện pháp lý quốc tế xếp trong nhóm các quyền dân sự – chính trị. Dưới góc độ pháp lý, khái niệm “quyền tiếp cận thông tin” được sử dụng để biểu đạt một loại quyền rất căn bản mà mọi người ở tất cả các quốc gia đều có quyền được hưởng, dù theo cách thức trực tiếp hay gián tiếp, đó là quyền được biết thông tin của nhà nước để thỏa mãn các nhu cầu trong cuộc sống của mình cũng như để bảo vệ và thực hiện các quyền năng khác đã được pháp luật ghi nhận.

a) Pháp luật quốc tế về bảo đảm quyền tiếp cận thông tin:

Khái niệm quyền được thông tin xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1766 tại Thụy Điển trong Luật về Tự do báo chí[1]. Đạo luật này, một mặt, cho phép tự do ngôn luận “trừ trường hợp báng bổ và chỉ trích Nhà nước”, mặt khác, công nhận cho công dân có quyền được “tiếp cận tài liệu công”[2]. Đây là hai khía cạnh cơ bản, quan trọng nhất trong nội hàm của khái niệm quyền tiếp cận thông tin. Về mặt lịch sử lập pháp, có lẽ trong suốt gần hai thế kỷ sau khi các nhà lập pháp Thụy Điển cho ra đời khái niệm quyền được thông tin nói trên, chưa ghi nhận được văn bản pháp lý nào chứa đựng những quy phạm tiến bộ hơn và sâu sắc hơn khái niệm quyền được thông tin của Luật về Tự do báo chí của Thụy Điển.

Chỉ sang đến Thế kỷ XX, trong bối cảnh sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các nhà lập pháp quốc tế mới phát triển khái niệm này đến một biên độ mới, đem đến cho nó những sắc thái mới của thời kỳ dân chủ và quyền bình đẳng của con người trên bình diện toàn thế giới. Đó chính là nền tảng để khái niệm này được chính thức ghi nhận trong hai công ước quốc tế là Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc năm 1948[3] và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966[4]. Đây chính là hai văn kiện pháp lý quốc tế có tính chất nền tảng ghi nhận các quyền pháp lý cơ bản của con người về dân sự, chính trị, mà quyền tiếp cận thông tin được coi là quyền cơ bản nhất trong nhóm các quyền dân sự, chính trị đó. Sau khi được chính thức ghi nhận trong hai văn kiện pháp lý quốc tế nêu trên, quyền tiếp cận thông tin tiếp tục được ghi nhận trong nhiều văn bản quốc tế quan trọng khác như Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003, Tuyên bố Rio về Môi trường và phát triển năm 1992, Công ước UNECE về tiếp cận thông tin môi trường[5] v.v…

Cùng với Liên Hợp Quốc, Tổ chức vì An Ninh và Hợp tác của Châu Âu (OSCE), Tổ chức các quốc gia châu Mỹ cũng đã cùng nhau tuyên bố quyền tiếp cận thông tin là quyền con người đồng thời đưa ra những luận điểm và nguyên tắc chính cho quyền tiếp cận thông tin (Tuyên bố ngày 6/12/2004[6]).

Tự do thông tin cũng được đề cập trong các văn kiện pháp lý quốc tế khác như: Hiến chương Châu Phi về Quyền con người (Điều 9); Hiến chương Châu Mỹ về Quyền con người (Điều 13).

Hội Đồng Châu Âu cũng có Công ước về tiếp cận các tài liệu chính thức, thông qua ngày 17/11/2008, trong đó ghi nhận tính minh bạch của các cơ quan công quyền là yếu tố then chốt của quản trị nhà nước, là một biểu hiện của tính dân chủ và là công cụ giúp chống tham nhũng và tăng cường sự tham gia của công dân trong các vấn đề công.

Trong Nguyên tắc Johannesburg về An ninh quốc gia, Tự do ngôn luận và Tiếp cận thông tin năm 1995[7] cũng ghi nhận quyền tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin, thẩm quyền của Chính phủ trong việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin nhưng chỉ trong trường hợp cần thiết và chỉ khi ảnh hưởng tới quyền lợi và an ninh quốc gia một cách hợp pháp (cơ sở này là tiêu chuẩn của luật quốc tế và khu vực).

Kể từ đó đến nay, trên bình diện quốc tế cũng như ở phạm vi quốc gia, quyền tiếp cận thông tin ngày càng được công nhận rộng rãi. Nhiều điều ước, hiệp ước quốc tế, kế hoạch hành động, các tuyên bố quốc tế đã đưa ra những yêu cầu có tính ràng buộc hoặc khuyến nghị các quốc gia thành viên ban hành văn bản pháp luật ghi nhận quyền được thông tin. Ngày càng có nhiều quốc gia công nhận tầm quan trọng của tiếp cận thông tin không chỉ với tư cách là một trong những quyền cơ bản của con người mà còn là một công cụ quan trọng góp phần nâng cao khả năng điều hành của Chính phủ, tăng cường tính minh bạch, phòng và chống tham nhũng trong hoạt động của các cơ quan Chính phủ[8].

b) Pháp luật khu vực về bảo đảm quyền tiếp cận thông tin

Ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, việc ban hành pháp luật trong lĩnh vực này có phần chậm hơn và hạn chế hơn. Ôxtralia và Newzeland là những quốc gia đầu tiên của châu Á ban hành Luật liên quan đến quyền tiếp cận thông tin nhưng Luật Tự do thông tin Liên bang của Ôxtralia phần lớn bị ảnh hưởng tiêu cực từ các Chính phủ kế nhiệm nên chưa thực sự phát huy tác dụng. Thái Lan cũng đã ban hành Luật Tự do thông tin nhưng ảnh hưởng của đạo luật này chưa được rõ ràng. Nhật Bản ban hành Luật Tự do thông tin vào năm 2000 và sau đó các chính quyền địa phương của Nhật Bản cũng đã ban hành văn bản pháp luật về tự do thông tin trong phạm vi địa phương mình.

Tại khu vực Trung Đông hiện nay mới chỉ có Israel đã ban hành Luật Tự do thông tin quốc gia. Hiện nay, Jordan, Palestine, và gần đây là Morocco và Hy Lạp đang trong quá trình xem xét ban hành Luật này.

Ở Châu Phi, Luật Tăng cường tiếp cận thông tin của Nam Phi có một số điểm tiến bộ so với Luật của bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tuy nhiên, do thiếu ngân sách trong quá trình tổ chức thực hiện, hiện nay việc thi hành Luật này chưa đạt được hiệu quả thực tiễn. Gần đây nhất, Quốc hội Uganda đã ban hành Luật Tự do thông tin vào tháng 5 năm 2005 và đạo luật này mới có hiệu lực thi hành. Các nhà lãnh đạo của Kenya và Nigeria cũng đã cam kết sẽ ban hành Luật trong một tương lai gần. Rất nhiều các quốc gia khác ở châu Phi cũng đang trong quá trình xem xét để ban hành Luật này, đặc biệt là các quốc gia là thành viên Khối thịnh vượng chung.

Bên cạnh việc hiện diện một cách độc lập trong các đạo luật đơn hành, quyền tiếp cận thông tin hay quyền được thông tin – với tư cách là một trong những quyền cơ bản của công dân – đã được ghi nhận trong rất nhiều bản Hiến pháp của các quốc gia trên thế giới[9]. Trong vòng 10 năm qua, số lượng các bản Hiến pháp có các quy định về quyền tiếp cận thông tin đã tăng nhanh một cách đáng kể. Hầu hết trong các bản Hiến pháp thành văn mới ban hành của các quốc gia đang chuyển đổi, đặc biệt là ở Đông Âu, Trung Âu và Châu Mỹ La tinh đều có quy định về quyền tiếp cận thông tin. Ngoài ra, ở một số quốc gia mà Hiến pháp đã được ban hành từ lâu đời như Phần Lan, Nauy, gần đây đã có xu hướng sửa đổi Hiến pháp của mình để bổ sung một số quy định về quyền tiếp cận thông tin.

….

Chú thích:

[1] Luật Tự do báo chí của Thuỵ Điển năm 1766 là đạo luật về báo chí lâu đời nhất trên thế giới, trong đó lần đầu tiên quy định về quyền tíếp cận thông tin. Sau này, quyền tiếp cận thông tin còn được quy định trong Luật về Tự do ngôn luận năm 1991 của Thụy Điển. Đây là hai đạo luật chủ đạo liên quan đến quyền tiếp cận thông tin. Ngoài ra, một số quy định liên quan đến vấn đề này còn được quy định tại bộ Quy tắc điều hành Chính phủ năm 1974.

[2] Hội Luật gia Việt Nam, Nghiên cứu về Luật Tiếp cận thông tin của Bắc Âu, Tài liệu tại Hội thảo quốc tế “Xây dựng Luật Tiếp cận thông tin tại Việt Nam” tổ chức tại Hà Nội ngày 06 – 07/5/2009, trang 26.

[3] Việt Nam là thành viên của văn kiện này từ năm 1988. Điều 19 của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người quy định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến, kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất cứ phương tiện thông thông nào và không có giới hạn về biên giới".

[4] Việt Nam đã tham gia Công ước này năm 1982. Khoản 2 Điều 19 của Công ước Liên hợp quốc về các quyền dân sự, chính trị quy định: “Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi thông tin, ý kiến, bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩn dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ".

[5] Công ước này (còn gọi là Công ước Aarhus) có tên đầy đủ là Công ước về tiếp cận thông tin, tham gia của công chúng và tiếp cận công lý đối với các vấn đề về môi trường, được thông qua tháng 6 năm 1998, có hiệu lực tháng 10 năm 2001.

[6] Nguồn: http://www.cidh.org/Relatoria/showarticle.asp?artID=319&lID=1.

[7] Nguồn: http://www.article19.org/pdfs/standards/joburgprinciples.pdf .

[8] Xem: Báo cáo Tự do thông tin thế giới năm 2006.

[9] Theo Báo cáo Tự do thông tin thế giới năm 2006 (đã dẫn ở trên), có trên 90 quốc gia có các quy định trong Hiến pháp ghi nhận quyền tiếp cận thông tin của công dân.


SOURCE: HỒ SƠ DỰ ÁN LUẬT TIẾP CẬN THÔNG TIN TRÌNH QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIII (NGÀY 20/10/2015 –27/11/2015)

 

KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ BẢO ĐẢM QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN

Tác giả GS.TS. PAMELA S. KATZ – Đại học Sage (New York), Học giả Chương trình Fulbright tại Việt Nam năm 2012-2013; Chương trình Fulbright tại Ấn Độ năm 2016 NCS. LÊ NGUYỄN GIA THIỆN – Khoa Luật, Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TP.HCM
Tạp chí HỒ SƠ DỰ ÁN LUẬT TIẾP CẬN THÔNG TIN TRÌNH QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIII
Năm xuất bản 2015
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ