Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.
Luật sư phải tố giác khách hàng: Góc nhìn người trong cuộc

Luật sư phải tố giác khách hàng: Góc nhìn người trong cuộc

Có nhiều ý kiến khác nhau về khoản 3 Điều 19 BLHS 2015, trong đó các ý kiến đồng thuận cho rằng, ngoài nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, luật sư còn phải thực hiện nghĩa vụ công dân, bảo vệ công lý, bảo vệ Tổ quốc và lợi ích chung của xã hội.

Dư luận xã hội đang đặc biệt quan tâm và có nhiều quan điểm tranh luận sôi nổi về quy định tại khoản 3 Điều 19 Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS năm 2015), theo dự luật thì: “Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.” Theo quy định này, người bào chữa (trong đó có luật sư) sẽ phải tố giác chính người mình đang có nhiệm vụ bào chữa nếu phát hiện họ thực hiện các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của BLHS năm 2015.

Có nhiều ý kiến khác nhau về khoản 3 Điều 19 dự luật, các ý kiến đồng thuận cho rằng ngoài nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, luật sư còn phải thực hiện nghĩa vụ công dân, bảo vệ công lý, bảo vệ Tổ Quốc và lợi ích chung của xã hội. Trong khi đó, các ý kiến phản đối lại cho rằng, luật sư tố khách hàng là không phù hợp với vai trò, nhiệm vụ gỡ tội của người bào chữa, đi ngược lại đạo đức nghề nghiệp của luật sư và xung đột, mâu thuẫn với các quy định về quyền bào chữa của người bị buộc tội, nghĩa vụ “bảo mật thông tin” của luật sư.

Là một luật sư, trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng quy định người bào chữa (chủ yếu là luật sư) phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm do chính người mình đang bào chữa thực hiện là không phù hợp về mặt lý luận, thực tiễn bởi những lý do như sau:

Thứ nhất: Mâu thuẫn, xung đột với chức năng, nghĩa vụ của người bào chữa, trái chế định bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội.

Trong tố tụng hình sự có sự tồn tại của ba chức năng cơ bản, được thực hiện bởi các chủ thể khác nhau với các vị trí và vai trò khác nhau đó là chức năng buộc tội, chức năng bào chữa và chức năng xét xử. Trong đó, Cơ quan Điều tra và Viện kiểm sát là các chủ thể chủ yếu thực hiện chức năng buộc tội, có nghĩa vụ thay mặt Nhà nước chứng minh tội phạm.

Nguyên tắc xác định sự thật của vụ án tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS năm 2015) quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. ”Các cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ chứng minh sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Chức năng bào chữa (gỡ tội) thuộc về người bị buộc tội (người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử) và người bào chữa (luật sư, người đại diện của người bị buộc tội, bào chữa viên nhân dân và trợ giúp viên pháp lý).

Quyền bào chữa của người bị buộc tội là một trong các quyền con người cơ bản, được ghi nhận trong các Điều ước quốc tế về quyền con người (Điều 11 Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948 và Điều 14 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Liên Hiệp Quốc), được Hiến định tại Điều 13 Hiến pháp năm 2013 và cụ thể hóa trong BLTTHS năm 2015, theo đó: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.”. Khi thực hiện quyền bào chữa, người bị buộc tội và/hoặc người bào chữa của họ có quyền chứng minh sự vô tội, bác bỏ một phần hay toàn bộ sự buộc tội của các cơ quan tiến hành tố tụng, làm giảm nhẹ hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự cho người bị buộc tội. Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội là cơ sở và điều kiện cần thiết cho chức năng bào chữa được thực hiện, giúp cho hoạt động tố tụng hình sự được dân chủ, chính xác và toàn diện, bảo vệ các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội.

Tòa án là cơ quan duy nhất thực hiện chức năng xét xử, là trọng tài phân xử giữa bên buộc tội và bên bào chữa trên cơ sở quy định của luật pháp, ra phán quyết cuối cùng về việc có tội hay vô tội của người bị buộc tội.

Khi tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa, luật sư là chủ thể thuộc về bên bào chữa, ngoài việc bảo vệ công lý thì luật sư có “thiên chức” thay mặt, giúp cho người bị buộc tội thực hiện quyền bào chữa.

BLTTHS năm 2015 quy định, người bị buộc tội có quyền nhưng không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội, họ không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Do đó, khi nhận sự tín thác, thay mặt người bị buộc tội thực hiện quyền bào chữa (do người bị buộc tội nhờ hoặc sự chỉ định của cơ quan tiến hành tố tụng), người bào chữa/luật sư có nghĩa vụ: “a) Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị buộc tội vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo; b) Giúp người bị buộc tội về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ” (Khoản 2 Điều 73 BLTTHS năm 2015).

Đồng thời, để đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội, luật sư/người bào chữa phải cẩn trọng, thực hiện đúng nhiệm vụ bào chữa, sự cân bằng giữa chức năng bào chữa và chức năng buộc tội, Luật luật sư, Luật trợ giúp pháp lý, BLTTHS năm 2015 và Quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp luật sư đều quy định người bào chữa/luật sư có nghĩa vụ “bảo mật thông tin”, không được tiết lộ thông tin về vụ việc, về khách hàng hoặc người được trợ giúp pháp lý mà mình biết được trong khi hành nghề. Do đó, người bào chữa/luật sư có nghĩa vụ tôn trọng sự thật khách quan, không được phép ngụy tạo chứng cứ, cung cấp các thông tin, tài liệu sai sự thật nhưng họ không có nghĩa vụ phải nói ra toàn bộ sự thật mà chỉ phải đưa ra một phần sự thật có lợi cho thân chủ. Nghĩa vụ chứng minh toàn diện và đầy đủ sự thật của vụ án thuộc về chức năng buộc tội của các cơ quan tiến hành tố tụng, không phải là nghĩa vụ pháp lý của người bào chữa/luật sư.

Vì vậy, quy định người bào chữa/luật sư phải tố giác khách hàng là trái ngược, xung đột với chức năng bào chữa, biến người bào chữa/luật sư trở thành “người buộc tội”, dẫn đến sự lẫn lộn và mất cân bằng giữa các chức năng trong tố tụng hình sự, có nguy cơ “xâm phạm” đến quyền bào chữa của người bị buộc tội, cũng như làm suy giảm nguyên tắc tranh tụng đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và BLTTHS năm 2015, ảnh hưởng đến tính dân chủ, toàn diện, chính xác  và gia tăng nguy cơ dẫn đến oan, sai.

Một người dù có phạm tội nghiêm trọng, tính chất và mức độ của tội phạm dù có nguy hiểm đến đâu thì cũng không ai có thể tước bỏ hoặc xâm phạm đến quyền bào chữa của họ. Luật sư cũng không thể vì lý do đó mà từ chối bào chữa hoặc “phản chủ”, gây bất lợi cho khách hàng của mình.

Hiến pháp năm 2013 và BLTTHS năm 2015 đều quy định nguyên tắc suy đoán vô tội: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Nguyên tắc này đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng, luật sư/người bào chữa cũng như tất cả các cá nhân, tổ chức khác đều phải coi và đối xử với người bị buộc tội như người vô tội đến khi có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Hơn ai hết, luật sư với vai trò là người bào chữa phải là người tin vào sự vô tội của khách hàng của mình nhất, để cố gắng cao nhất chứng minh sự vô tội, bảo vệ các quyền lợi hợp pháp và chính đáng của họ, chứ không phải “kẻ phản bội”, tố giác chính người mà mình đang có nghĩa vụ và bổn phận phải bảo vệ.

Một số ý kiến đã có sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa vai trò, chức năng và nhiệm vụ của luật sư/người bào chữa trong tố tụng hình sự và trách nhiệm của một công dân với Tổ quốc và xã hội. Xét trên vị trí và vai trò pháp lý khi bào chữa cho khách hàng, luật sư không thể tham gia tố tụng với tư cách cá nhân (một công dân) mà là tư cách “người bào chữa”, thực hiện chức năng bào chữa (gỡ tội) trong tố tụng hình sự, thay mặt người bị buộc tội thực hiện và bảo vệ quyền bào chữa (quyền con người đã được Hiến định của họ) với những quyền và nghĩa vụ pháp lý đặc thù.

Quyền không tố giác tội phạm do thân chủ thực hiện của luật sư/người bào chữa là quyền phát sinh từ quyền con người, quyền im lặng, quyền không phải “buộc tội chính mình” của người bị buộc tội, xuất phát từ nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng và các quy định pháp lý về nghĩa vụ của luật sư/người bào chữa, cũng như Quy tắc ứng xử và đạo dức nghề nghiệp của luật sư.

Luật sư cũng không phải cơ quan xét xử, không phải là một vị quan tòa “công tâm”, để thực thực hiện nghĩa vụ “bảo vệ công lý” theo cách hiểu giản đơn của khái niệm này. Luật sư giữ gìn và bảo vệ công lý thông qua việc thực hiện nhiệm vụ bào chữa, phản bác lại các quan điểm buộc tội thiếu căn cứ, minh oan người bị buộc tội oan, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ, chống lại các hành vi tố tụng trái pháp luật, vi phạm quyền con người của các cơ quan và người tiến hành tố tụng, góp phần bảo đảm pháp chế, giúp cho việc giải quyết vụ án là dân chủ, khách quan và chính xác. Đó mới là cách hiểu chính xác và đầy đủ về nghĩa vụ “bảo vệ công lý” của luật sư.

Thứ 2: Luật sư tố giác khách hàng sẽ tạo ra những hệ lụy tiêu cực cho nghề luật sư và là bước thụt lùi của công cuộc cải cách tư pháp

Quan hệ giữa luật sư và khách hàng là quan hệ đặc biệt, một trong những nền tảng quan trọng nhất cho sự tồn tại của mối quan hệ này là sự tin cậy giữa luật sư và khách hàng. Khách hàng nhờ luật sư (mà phần lớn là thuê luật sư) là để bảo vệ quyền lợi cho mình, chứ không phải để luật sư mang chuyện của mình kể cho người khác biết chứ đừng nói đến việc luật sư tố giác, buộc tội khách hàng. Do đó, quyền và nghĩa vụ “bảo mật thông tin” là điều kiện không thể thiếu để xây dựng sự tin tưởng giữa luật sư và khách hàng. Đó chính là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của nghề luật sư.

Quy định luật sư phải tố giác khách hàng có nguy cơ hủy hoại mối quan hệ giữa thân chủ và luật sư. Những người bị buộc tội sẽ ngại, thậm chí không chỉ là lo sợ mà là quay lưng lại với luật sư, có thể sẽ không ai dám nhờ luật sư bào chữa (kể cả trong trường hợp bào chữa theo chỉ định), khi biết rằng người đó sẽ có thể là “người chỉ điểm”, tố giác mình bất kỳ lúc nào. Thực tế, chỉ cần một vụ việc luật sư tố giác thân chủ xảy ra sẽ có hiệu ứng lan tỏa, làm mất niềm tin của xã hội vào nghề luật sư, thậm chí tẩy chay nghề luật sư.

Theo tâm lý tội phạm thì người phạm tội luôn luôn muốn giấu kín hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, giới hạn của sự hiểu biết pháp luật dẫn đến có thể người bị buộc tội hiểu sai về hành vi mình đã thực hiện như họ đã thực hiện một hành vi không phải là tội phạm nhưng họ lại nghĩ đó là hành vi phạm tội và ngược lại. Nếu họ không nói ra điều đó với luật sư thì họ sẽ không thể nhận được sự phân tích, trợ giúp của luật sư để hiểu đúng hành vi của mình, từ đó đấu tranh với các cáo buộc thiếu căn cứ pháp lý. Nếu quy định luật sư phải tố khách hàng thì người bị buộc tội sẽ có tư tưởng càng phải giấu kín, hoặc cung cấp các thông tin không chính xác cho luật sư, gây khó khăn và làm giảm hiệu quả của hoạt động bào chữa của luật sư. Khi đó, luật sư khó có thể đưa ra được những ý kiến tư vấn và phương hướng bào chữa đúng đắn, trong đó có việc  tư vấn, đông viên người bị buộc tội nên tự thú, lập công chuộc tội, để được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Việc kết luận một người là tội phạm phải dựa trên những chứng cứ xác thực và đầy đủ, phải trải qua quá trình điều tra, chứng minh rất kỹ lưỡng. Các cơ quan tiến hành tố tụng, với hệ thống đồ sộ về cả nhân lực (được đào tạo và hoạt động chuyên nghiệp) và đầy đủ cơ sở vật chất và các phương tiện kỹ thuật, cùng với ưu thế của quyền lực nhà nước vẫn có những sai lầm, buộc tội oan, sai.

Như vậy, luật sư sẽ dựa vào căn cứ nào để khẳng định khách hàng của mình đã phạm tội, để thực hiện nghĩa vụ tố giác tội phạm? Nếu khách hàng chỉ nói miệng với luật sư là mình đã thực hiện một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nào đó thì luật sư có phải ngay lập tức tố giác thân chủ hay không?

Trong khi đó, theo quy đinh của BLTTHS lời khai hay lời nhận tội của người bị buộc tội không được coi là chứng cứ duy nhất buộc tội họ. Nếu luật sư tố giác mà sau này các cơ quan tiến hành tố tụng kết luận người đó không phạm tội thì uy tín và trách nhiệm của luật sư sẽ thế nào? Nguy cơ luật sư bị khách hàng kiện ngược hoặc bị buộc vào tội “vu khống” khi tố giác thiếu căn cứ là hiển nhiên mà khi đó thì luật sư phải tự chịu trách nhiệm với hành vi tố giác khách hàng của mình, làm gì có chuyện ngân sách nhà nước bỏ ra đền oan sai như khi các cơ quan tiến hành tố tụng gây oan sai?

Khi đó thì đến viên gạch cuối cùng ở móng nhà của luật sư nếu còn cũng sẽ đấu giá để thi hành án trả tiền cho hậu của của việc “tố giác “ khách hàng vô căn cứ. Ngược lại, nếu luật sư không tố giác thì lại có nguy cơ phải chịu trách nhiệm hình sự, vì đã nghe thân chủ nói mà không tố giác. Khi đó, luật sư sẽ không còn con đường để lựa chọn. Đằng nào cũng chết bởi tố thì không đủ chứng cứ còn không tố thì bị khởi tố (nhanh thành tội phạm hơn).

Mặt khác, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng không khách quan, công tâm, thì có thể vin vào quy định này để gây áp lực đối với luật sư, biến luật sư từ người bảo vệ khách hàng trở thành đối tượng của hoạt động điều tra, tác động rất xấu đến tính độc lập, sự bình đẳng giữa chức năng buộc tội và chức năng bào chữa.

Người viết bài này cũng đặt một câu hỏi: Vậy thì có bao nhiêu chủ thể tham gia vào một vụ án hình sự mà sao lại chỉ quy định một mình người bào chữa phải có nghĩa vụ tố giác khách hàng của mình? Còn Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán thì sao? Chẳng nhẽ quá trình tác nghiệp của họ phát hiện tội phạm mà họ không thực hiện việc “tố” thì lại ổn trong khi người bào chữa thì bất ổn? Nếu vậy thì nguyên tắc công bằng, bình đẳng có còn nguyên giá trị không nhỉ?

Vì vậy, quy định luật sư phải tố giác thân chủ sẽ tạo rào cản rất lớn cho nghề luật sư, đặt luật sư vào thế khó, thậm chí là nguy hiểm khi hành nghề. Có thể khiến các luật sư vào tâm lý bất an, ngại không muốn tham gia bào chữa cho người bị buộc tội hoặc phải điếc hoặc giả vờ mù thậm chí là thực hiện ba không: không biết, không nhìn, không nghe để chẳng có gì phải tố giác.

Những hệ quả tiêu cực nêu trên sẽ khiến cho vị trí và vai trò của luật sư/người bào chữa bị suy giảm nghiêm trọng, quyền bào chữa cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội sẽ khó có thể được bảo đảm một cách tốt nhất, ảnh hưởng tiêu cực đến tính dân chủ, khách quan và toàn diện trong hoạt động tố tụng hình sự, dễ dẫn đến các vụ án oan, sai.

Chính vì vậy, để phù hợp với vị trí, vai trò pháp lý của người bào chữa/luật sư, tính độc lập và sự hiệu quả của chức năng bào chữa, bảo đảm tốt nhất quyền bào chữa của người bị buộc tội thì cần phải xem xét việc bỏ hẳn Khoản 3 Điều 19 BLHS năm 2015, đồng thời ghi nhận quyền miễn trừ nghĩa vụ tố giác khách hàng của người bào chữa. Điều đó cũng đảm bảo được sự thống nhất của pháp luật, phù hợp với các quyền con người, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật đã được ghi nhận trong Hiến pháp và cụ thể hóa trong BLTTH năm 2015, cũng như các quy định của Luật luật sư, Luật trợ giúp pháp lý) và Quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của luật sư.   

Luật sư Nguyễn Hồng Bách

Luật sư phải tố giác khách hàng: Góc nhìn người trong cuộc

Tác giả Luật sư Nguyễn Hồng Bách
Tạp chí lsvn.vn
Năm xuất bản 2017
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ