Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

Mấy suy nghĩ về hoạt động nghiên cứu khoa học của

sinh viên Trường ĐH Luật TP HCM

NGUYỄN VĂN VÂN

TS. GV Khoa Luật Thương mại trường ĐH Luật TP HCM

Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên (NCKHSV) Trường ĐH Luật TP HCM là một trong những hoạt động mang tính truyền thống và là thế mạnh của Trường. Liên tục trong nhiều năm, sinh viên (SV) của Trường ĐH Luật TP HCM đạt được nhiều giải của Thành Đoàn TP HCM và của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ của một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học pháp lý, tuyên truyền kiến thức pháp luật ở phía nam, phát huy thế mạnh truyền thống của Nhà trừơng, công tác NCKHSV cần phải đầu tư hơn nữa. Sẽ không có những nhà nghiên cứu lớn trong lĩnh vực khoa học pháp lý nếu không có những khởi đầu bằng niềm say mê với công việc tìm tòi nghiên cứu từ lúc còn là SV trên giảng đường.

Bài viết này không có tham vọng đi sâu phân tích, luận bàn về phương pháp nghiên cứu khoa học hoặc đánh giá tổng kết hoạt động NCKHSV mà chỉ nêu ra vài suy nghĩ tản mạn xung quanh vấn đề cụ thể về NCKHSV để các đồng nghiệp trẻ, SV cùng trao đổi.

1/ Quan niệm, nhận thức về hoạt động NCKHSV

Khoa học pháp lý là một trong những ngành khoa học xã hội, cũng như những ngành khoa học xã hội- nhân văn khác, kết quả nghiên cứu trong khoa học pháp lý có thể được nhìn nhận, đánh giá theo những quan điểm khác nhau nhiều lúc trái ngược nhau tại mỗi thời điểm cụ thể, Ngoài ra, việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn không như các khoa học tự nhiên, tức hiệu quả mang lại không tức thì và rõ ràng. Trong suy nghĩ của đa số SV là chỉ có các ngành tự nhiên mới là khoa học vì vậy phần lớn SV không mặn mà với việc nghiên cứu trong lĩnh vực pháp lý.

Một số SV khác nghĩ rằng NCKH chỉ là công việc của các nhà nghiên cứu “cây cao bóng cả” ở các Viện nghiên cứu mà không phải là công việc của một SV bình thường. Số còn lại coi NCKH như một công tác xã hội, một phong trào nhằm mang điểm thi đua về cho Chi đoàn, cho lớp.

Niềm say mê nghiên cứu của SV không được khơi nguồn, hâm nóng, bởi trong quá trình giảng dạy giáo viên đã vắt kiệt những kiến thức và hiểu biết của mình truyền đạt cho SV. SV tiếp nhận kiến thức ấy như là một chuẩn mực duy nhất đúng và đã là tận cùng mà hầu như không còn vấn đề gì phải suy nghĩ, phát triển hoặc tìm tòi nghiên cứu. Sự độc lập và khả năng suy nghĩ, sáng tạo, niềm đam mê nghiên cứu của SV dần dần thay thế bằng sự tiếp thu bị động.

2/ Về hình thức tổ chức NCKHSV

Xuất phát từ nhận thức rằng NCKHSV mang tính thời vụ (mỗi năm 1 lần) dành riêng cho SV năm thứ 3 &4 và chỉ gói gọn trong khuôn khổ thực hiện một đề tài khoảng 40-60 trang, nộp cho Phòng NCKH và bảo vệ trước Hội đồng. Hoạt động NCKH cần phải được hiểu theo nghĩa rộng hơn bao gồm những công việc tìm tòi nghiên cứu như việc chuẩn bị một báo cáo cho buổi thảo luận, tóm tắt một bài báo, cuốn sách; nhận xét khoa học; bài báo khoa học, cũng có thể ở cấp độ cao hơn là một công trình nghiên cứu, khoá luận, tiểu luận, luận án, giáo trình... Vì vậy, hoạt động NCKHSV là hoạt động thường xuyên liên tục, xuyên suốt và gắn liền với nhiệm vụ học tập của mỗi SV. Tùy vào khả năng điều kiện của mỗi SV mà có các hình thức tham gia thích hợp. NCKHSV có chất lượng, hiệu quả không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ của riêng Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế mà còn là công việc của từng giáo viên, từng Tổ bộ môn, từng Khoa.

Có lẽ hiệu quả hoạt động NCKHSV sẽ cao hơn nếu đa dạng hoá hoạt động nghiên cứu của SV như tổ chức những buổi thảo luận về những chuyên đề, xây dựng nội san, diễn đàn... hoặc một hình thức nào đó tương tự để SV có thể trình làng những bài viết, những tìm tòi phát hiện của mình trong lĩnh vực khoa học pháp lý. Sẽ không có những công trình NCKHSV có chất lượng nếu không có sự say mê, tìm tòi nghiên cứu và những khởi đầu nhỏ bé, giản đơn này. Mô hình Diễn đàn Khoa học pháp lý trước đây của Hội SV Trường hoặc Tập san Diễn đàn TM 23A trong thời gian qua tỏ ra rất hữu hiệu trong việc thiết kế một sân chơi mang tính khoa học.

3/ Về định hướng đề tài nghiên cứu và chọn đề tài

Chọn đề tài là khâu quyết định thành công trong NCKH. Điểm lại những đề tài NCKH của SV trong thời gian qua phần lớn mang tính cấp thiết, mới, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, ví dụ như vấn đề thương mại điện tử, cạnh tranh và kiểm soát độc quyền, cải cách hành chính, pháp luật trong điều kiện hội nhập... Tuy nhiên, trong thực tế việc chọn đề tài của SV thường gặp những vấn đề sau:

Thứ nhất: Số lượng đề tài NCKH do GV đưa ra không phong phú, đa dạng, sự lựa chọn của SV không lớn. Việc đưa ra danh mục đề tài nghiên cứu cho SV là cần thiết nhưng có lẽ tốt nhất là chỉ định hướng theo từng lĩnh vực hoặc theo vấn đề, còn tên đề tài cụ thể và phạm vi nghiên cứu do SV tự thiết kế, tất nhiên là phải được sự đồng ý của GVHD sau này, như vậy sẽ đảm bảo được khả năng sáng tạo của SV. Thiết nghĩ, danh mục đề tài Khoá luận tốt nghiệp phải trong phạm vi nội dung chương trình đào tạo, nhưng danh mục đề tài NCKHSV có thể rộng hơn và không nhất thiết phải là một trong số những nội dung của chương trình đã học miễn đó là một vấn đề trong khoa học pháp lý, nghiên cứu vấn đề dưới phương diện pháp lý.

Thứ hai: Hiện tượng phổ biến là chạy đua theo các đề tài “mốt” lạ lẫm và “sang trọng”, song SV hoàn toàn chưa cómột khái niệm sơ đẳng nào hoặc còn hiểu rất mơ hồ về đối tượng nghiên cứu. Thực tế cho thấy những SV thuộc nhóm này thường bỏ cuộc giữa chừng khi nhận ra rằng không thể tiếp cận đối tượng nghiên cứu khi không có kiến thức tối thiểu về vấn đề đó. Một trong những yếu tố thành công trong nghiên cứu là đề tài nghiên cứu phải mới, mang tính cấp thiết. Song nếu chúng ta tuyệt đối hoá tính “mới” của đề tài khi cho rằng vấn đề nghiên cứu ấy chưa có ai nghiên cứu và phải mới về thời gian. Hiểu như vậy hoàn toàn không chính xác. Hiểu tính “mới ” của đề tài NCKH không hoàn toàn là vấn đề ấy chưa được nghiên cứu. Một số trường hợp những đề tài đã được nghiên cứu, nhưng dưới phương diện kinh tế, quản lý nhà nước, xã hội học... còn dưới phương diện luật học còn bỏ ngỏ, cũng có thể đề tài đã được nghiên cứu, đã công bố kết quả, song tại thời điểm hiện tại kết quả ấy không còn phù hợp mà cần phải lý giải, tìm tòi tiếp cận dưới giác độ khác phù hợp với thực tiễn. Ví dụ vấn đề pháp nhân, quyền sở hữu, hợp đồng kinh tế, dân sự... không hoàn toàn là mới bởi đã có quá nhiều tác giả nghiên cứu song tại thời điểm hiện nay trong điều kiện nền kinh tế thị trường cần phải xem xét nghiên cứu thông qua các phương pháp tiếp cận mới. Trong một số trường hợp, ở cấp độ NCKH của SV, các điểm mới của đề tài có khi chỉ đơn thuần là việc hệ thống lại, sắp xếp lại và phân tích những kết quả nghiên cứu của các tác giả trước đó về cùng một vấn đề, trên cơ sở đó tìm một kết luận chính xác nhất.

Thứ ba: Giới hạn phạm vi nghiên cứu của đề tài. Việc lựa chọn giới hạn, phạm vi nghiên cứu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Số lượng trang tối đa, thời gian tiến hành, điều kiện tài chính, phương tiện nghiên cứu, địa bàn khảo sát, phương thức và đối tượng thực nghiệm, điều tra, phỏng vấn, đặc biệt là năng lực và trình độ của (những) người thực hiện đề tài. Độ “sâu” của công trình nghiên cứu luôn tỷ lệ nghịch với độ “rộng” của chính nó. Đa số các trường hợp sau khi chọn xong đề tài và triển khai thực hiện dưới sự hướng dẫn của GVHD, SV mới nhận ra điều này và sau đó mới tiến hành giới hạn phạm vi nghiên cứu. Tuy nhiên, việc giới hạn phạm vi nghiên cứu không được làm lệch đi nội dung của đề tài, yêu cầu chung nhất là tên đề tài phải thể hiện được nội dung đề tài.

4/ Tìm , thu thập và xử lý tài liệu thông tin

Hiện nay, với sự trợ giúp của các phương tiện kỹ thuật công nghệ như máy ghi, thu âm, máy copi, đặc biệt là Internet, cùng với sự nhạy bén của SV công việc thu thập tài liệu cho việc NCKH không còn là vấn đề nan giải kể cả việc tiếp cận các văn bản pháp luật mới ban hành. Tuy nhiên, vẫn còn một số khiếm khuyết nhất định:

Một là: Do không có định hướng của GVHD nên SV chưa tìm đúng nguồn tài liệu trong “rừng” tài liệu và thông tin, chưa có sự chọn lọc nhất là trong điều kiện “bội thực” về số lượng các đầu sách trong lĩnh vực pháp luật nhưng vắng bóng các nghiên cứu, chuyên khảo thực sự có chất lượng trong những lĩnh vực hẹp.

Hai là: Số liệu, thông tin dù đa dạng nhưng kỹ năng phân loại, đánh giá tài liệu và xử lý những thông tin, tài liệu thu thập được chưa đạt yêu cầu. SV chỉ chuyển tải tài liệu thu thập được dưới dạng “thô”, mang tính liệt kê vào công trình NCKH mà chưa qua khâu xử lý phân tích. Những con số và sự kiện đưa vào công trình nghiên cứu khoa học pháp lý phải phục vụ cho việc chứng minh, lý giải và dẫn đến một kết luận nào đó dưới phương diện pháp lý. Cùng một con số hoặc sự kiện nào đó song với nhà kinh tế , nhà nghiên cứu xã hội học, nhà luật học, nhà quản lý khác nhau có phương thức tiếp cận và xử lý khác nhau.

Ba là: Một số GVHD xem thường việc phụ đính, trích dẫn tài liệu tham khảo và cước chú (foot note) và cho rằng đây là yếu tố hình thức, máy móc. Kết quả là một số NCKH của SV và cả Khóa luận tốt nghiệp hầu như không có một cước chú nào, phần tài liệu tham khảo ghi chung chung như: “Công báo năm 2001 và 2002”, “Tạp chí Luật học” tạo một sự cẩu thả và phản khoa học trong nghiên cứu. Thông thường việc trích dẫn và cước chú phải tuân theo một chuẩn mực cách thức nhất định bất kể là công trình được thực hiện bằng ngôn ngữ nào.

5/ Bố cục của NCKHSV và phương pháp nghiên cứu

Đây là khâu khó khăn nhất của SV, bởi không có một khuôn mẫu, công thức chuẩn nào về phương pháp nghiên cứu, đặc biệt là trong lĩnh vực pháp lý. Tuỳ thuộc và từng đề tài, từng đối tượng nghiên cứu cũng như khả năng nhận thức, trình độ lý luận của SV mà có nhiều cách tiếp cận đối tượng nghiên cứu khác nhau.

Thông thường cấu trúc truyền thống một nghiên cứu khoa học SV (và cả Khóa luận ) có 3 phần tương ứng với 3 chương : Lý luận - luật thực định - thực trạng, hướng hoàn thiện. Đây là một cấu trúc tương đối hợp lý khi nghiên cứu một vấn đề nào đó của khoa học pháp lý. Song, trong thực tế, một số người hiểu nhầm và đồng nhất “lý luận” và “lý thuyết” cho nên trong chương I thông thường chỉ chép lại những khái niệm ở đâu đó trong giáo trình, bài giảng... Sự sao chép này tất nhiên là đúng về nội dung nhưng không cần thiết bởi không có gì mới và đó không là kết quả nghiên cứu của SV. Có nhiều SV sợ rằng nếu không có phần dẫn dắt lý thuyết như vậy làm cho công trình nghiên cứu không tròn trĩnh, người đọc không có cơ sở để hiểu những nội dung tiếp theo... Thật là một sự lo lắng không cần thiết bởi người đọc là người đánh giá, phản biện nghiệm thu đề tài, không cần thiết những nội dung ấy họ vẫn nắm bắt được nội dung của đề tài.

Khác với lý thuyết, lý luận trong khoa học pháp lý là sự tìm tòi nghiên cứu phần gốc, phần chìm, phần cơ sở, nền tảng đồng thời là bản chất của hiện tượng pháp lý hoặc thực thể pháp lý đó. Muốn vậy SV phải xuất phát từ nguồn gốc hình thành, phát triển vấn đề, tồn tại những học thuyết pháp lý nào về vấn đề đó hay ít ra là những trường phái, quan điểm, ý kiến của các tác giả, cơ sở hình thành, tồn tại, phát triển và nội dung của các học thuyết hay các quan điểm đó. Đặt đối tượng cần nghiên cứu trong sự vận động và phát triển cũng như sự tương tác, liên hệ với các yếu tố lịch sử, kinh tế, xã hội thông qua các phương pháp phân tích, diễn dịch, lý giải , tổng hợp, so sánh, đánh giá của chính tác giả thông qua các lập luận thuyết phục.

Vì vậy, có lẽ cần thiết phải thay đổi quan niệm, thói quen về sự tròn trĩnh, cầu toàn của một NCKH hoặc Khóa luận tốt nghiệp tức là không nên đưa ra các yêu cầu cao về lý luận mà nên tập trung nghiên cứu thực trạng phân tích, lý giải được thực trạng chỉ ra được các vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện, tuân thủ pháp luật.

Cấu trúc thứ hai: là tiếp cận vấn đề nghiên cứu theo mặt cắt dọc, tức đối tượng nghiên cứu được chia thành từng vấn đề nhỏ, cụ thể...theo các chương, đề mục trong Khoá luận hoặc NCKH, điều quan trọng là phải đảm bảo có sự liên kết, thống nhất, lô gích về mặt cấu trúc giữa các chương, các phần trong một chương. Trong từng vấn đề nhỏ dù là nhỏ nhất, tác giả nên tiếp cận theo trình tự: Cơ sở lý luận của vấn đề, pháp luật thực định trong sự so sánh và vận động của nó, thực trạng áp dụng pháp luật, những bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật, nguyên nhân và hướng khắc phục, giải pháp hoàn thiện vấn đề nghiên cứu dưới phương diện lý luận và phương diện luật thực định. Phương thức này rất khó áp dụng, đòi hỏi người nghiên cứu phải có trình độ lập luận lô gích cao, đồng thời sử dụng thành thạo các kỹ năng, các phương pháp so sánh, tổng hợp.

Những khiếm khuyết thường gặp là trong phần thực trạng SV liệt kê các thông tin, số liệu, vụ việc cụ thể nhưng không có phân tích và nhận định của tác giả, phần giải pháp hoàn thiện SV nêu ra những kiến nghị to tát và thường là không có tính thuyết phục, tức không dựa trên một sơ sở lý luận hoặc thực tiễn nào vì vậy thường là không khả thi.

6/ Cách diễn đạt

Đây có lẽ là điểm yếu nhất của SV hiện nay. Thực tế đáng buồn là có một số SV tốt nghiệp ra trường không viết được, viết đúng một đơn khởi kiện, một biên bản hội nghị hoặc một bản án. Phải nhìn nhận một cách công bằng rằng, sự yếu kém ấy một phần là hậu quả của sự khiếm khuyết trong chương trình đào tạo, chế độ thi cử của hệ thống đào tạo nói chung. Trong suốt thời gian ở ĐH, SV hầu như không được rèn luyện kỹ năng viết. Đa số các môn thi được tổ chức dưới hình thức vấn đáp hoặc hình thức thi viết dạng trắc nghiệm giản đơn, hình thức thi viết dạng tự luận hoặc trắc nghiệm kết hợp lý giải, lập luận chưa nhiều. Giáo viên chấm thi chưa chú trọng đến cách trình bày, diễn đạt, lập luận, lô gích, sử dụng thuật ngữ của SV mà thông thường tìm ý cho điểm. Cuối các năm học SV không được viết tiểu luận hàng năm (niên luận) mà chỉ được viết 01 lần duy nhất ở cuối khoá dưới hình thức Tiểu luận (không có GV hướng dẫn) hoặc Khoá Luận TN (đối với một số ít SV và có GV hướng dẫn).

7/ Vai trò của giáo viên hướng dẫn

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý rằng hơn 95% nội dung của NCKH là lao động của SV, song không thể xem thường phần 5% còn lại, bởi thiếu nó thì một NCKH không thể thành công và đi đúng hướng. Vì vậy, việc phân công GVHD phù hợp với đề tài NCKH của SV là rất quan trọng. Hàng năm chúng ta tổ chức các tọa đàm về phương pháp giảng dạy nhưng thiếu vắng những buổi trao đổi về cách thức, phương pháp và công việc của một GV hướng dẫn NCKH, Khoá luận. Phần lớn công việc hướng dẫn của GV được tiến hành theo kinh nghiệm của chính mình hoặc kế thừa kinh nghiệm của chính Thầy, Cô đã hướng dẫn mình.

Sự dễ dãi của giáo viên hướng dẫn làm ảnh hưởng phần nào đến tác phong và kết quả nghiên cứu SV. Mọi sự dễ dãi trong nghiên cứu đều không thể chấp nhận, đặc biệt là trong nghiên cứu pháp luật. Nếu GVHD không sửa chữa kịp thời thì sẽ hình thành một sự cẩu thả, tuỳ tiện và thậm chí gian dối trong nghiên cứu. Hiện tượng “ăn cắp” tài liệu của người khác sửa chữa đôi chút và đưa vào công trình của mình không còn là hiện tượng hiếm trong các tiểu luận, luận văn. GVHD và GV phản biện không phải không biết việc này song vì sự dễ dãi, châm chước nên bỏ qua tạo cho SV một thói quen nguy hiểm.

Tóm lại, khoa học là sáng tạo và không có một công thức chung hoặc một phương pháp chuẩn mực nào cho hoạt động NCKH. Tuy nhiên, chuẩn bị cho SV một nhìn nhận sơ khai ban đầu về NCKH, đồng thời khơi nguồn cho niềm đam mê nghiên cứu cho SV là điều cần thiết. Mong rằng, để đạt được mục đích ấy, sẽ có nhiều trao đổi hơn về vấn đề này.

Mấy suy nghĩ về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường ĐH Luật TP HCM

Tác giả TS. NGUYỄN VĂN VÂN
Tạp chí TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ
Năm xuất bản 2003
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ