Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.
Những điểm mới của pháp luật Việt Nam liên quan đến hợp đồng có yếu tố nước ngoài

Những điểm mới của pháp luật Việt Nam liên quan đến hợp đồng có yếu tố nước ngoài

Nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đưa ra nhiều quan điểm, đường lối, chính sách nhằm tăng cường giao lưu dân sự, thương mại quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ...

Điều này làm nảy sinh ngày càng nhiều các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, tố tụng dân sự giữa cá nhân, tổ chức Việt Nam với cá nhân, tổ chức nước ngoài. Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2015 và viễn cảnh Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-châu Âu, thì sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, công nghệ cũng như người lao động sẽ còn trở nên mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, các quy phạm cấu thành tư pháp quốc tế (TPQT) của Việt Nam quá rải rác, chồng chéo và chứa đựng một số mâu thuẫn. Thậm chí, một số quy định của TPQT Việt Nam còn gần như tuyệt đối hóa việc áp dụng pháp luật Việt Nam và vô hiệu hóa quyền được chọn pháp luật áp dụng trong một số quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài[1], gây tâm lý e ngại đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. Trước thực trạng đó, Việt Nam đã tiến hành sửa đổi một loạt các quy định cấu thành TPQT hiện đang nằm rải rác trong các văn bản luật chung cũng như luật chuyên ngành. Cải cách quan trọng nhất hệ thống TPQT Việt Nam đã được thực hiện năm 2015 với việc thông qua hai bộ luật: Bộ luật Dân sự (BLDS)[2] và Tố tụng dân sự (BLTTDS)[3]. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung phân tích những quy định mới liên quan đến hợp đồng có yếu tố nước ngoài, lĩnh vực mà chúng tôi cho rằng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chính sách hội nhập kinh tế của Việt Nam.

Luật áp dụng cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài

Trong quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài, việc cho phép các bên tự do lựa chọn pháp luật áp dụng là một quy định rất quan trọng được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, trong các điều ước quốc tế, cũng như trong các đạo luật quốc gia. Ở Việt Nam, trước năm 2016, khả năng tự do lựa chọn pháp luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài chưa được nêu thành nguyên tắc chung. Thật vậy, Điều 769 BLDS 2005 quy định: “Quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng, nếu không có thỏa thuận khác”. Như vậy, khả năng lựa chọn pháp luật áp dụng của các bên trong quan hệ hợp đồng chỉ được suy ra từ quy định “nếu không có thỏa thuận khác”. Điều này có thể dẫn tới sự mất an toàn pháp lý, gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, BLDS 2015 đã có cải cách quan trọng khi ghi nhận: “Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng…” (khoản 1, Điều 683). Các bên cũng có thể thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng đối với hợp đồng với điều kiện việc thay đổi đó “không được ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba được hưởng trước khi thay đổi pháp luật áp dụng, trừ trường hợp người thứ ba đồng ý” (khoản 6, Điều 683).

Như vậy, cứ hợp đồng có yếu tố nước ngoài là các bên được quyền tự do lựa chọn pháp luật mà không cần phân biệt đó là hợp đồng dân sự hay hợp đồng thương mại, hợp đồng mua bán hàng hóa hay hợp đồng cung cấp dịch vụ.

Cũng giống như mọi quyền dân sự khác, quyền của các bên lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng không phải là một quyền tuyệt đối, mà có những giới hạn nhất định. BLDS 2015 đã đặt ra các giới hạn về: phạm vi, nội dung pháp luật và hậu quả pháp luật nước ngoài.

Giới hạn về phạm vi: Hợp đồng có đối tượng là bất động sản. Theo khoản 4, Điều 683 BLDS 2015, khi hợp đồng có đối tượng là bất động sản thì “pháp luật áp dụng đối với việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động sản hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là pháp luật của nước nơi có bất động sản”. Nói cách khác, các bên không thể lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng có đối tượng là bất động sản. Đây là quy định hợp lý và phù hợp với TPQT của nhiều nước.

Giới hạn về nội dung pháp luật: Hợp đồng lao động và hợp đồng tiêu dùng. Hợp đồng lao động và hợp đồng tiêu dùng có bản chất là hợp đồng gia nhập. Người lao động và người tiêu dùng hầu như không có cơ hội để đàm phán các nội dung của hợp đồng. Khi được trao quyền lựa chọn pháp luật, bên đề nghị giao kết hợp đồng (thường là bên sử dụng lao động và bên chuyên nghiệp có nhiều thông tin và kinh nghiệm hơn) sẽ có xu hướng đưa vào trong hợp đồng điều khoản lựa chọn áp dụng hệ thống pháp luật có lợi nhất cho mình, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và người tiêu dùng. Để khắc phục tình trạng này, khoản 5 Điều 683 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp pháp luật do các bên lựa chọn trong hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu dùng có ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng”. Theo chúng tôi, giới hạn này là hợp lý và tương thích với các quy định của nhiều nước.

Giới hạn về hậu quả áp dụng pháp luật nước ngoài và chứng minh pháp luật nước ngoài: Theo Điều 670 BLDS 2015, pháp luật nước ngoài do các bên lựa chọn cũng sẽ không được áp dụng khi hậu quả của việc áp dụng pháp luật đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, hoặc không chứng minh được nội dung pháp luật nước ngoài. Điểm đáng lưu ý ở đây là BLTTDS 2015 đã có một quy định mới về nghĩa vụ xác định và cung cấp pháp luật nước ngoài. Theo đó, trường hợp các bên được lựa chọn và đã lựa chọn pháp luật nước ngoài thì các bên “có nghĩa vụ cung cấp pháp luật nước ngoài đó cho tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự. Các đương sự chịu trách nhiệm về tính chính xác và hợp pháp của pháp luật nước ngoài đã cung cấp”. Như vậy, khi các bên trong hợp đồng có thỏa thuận chọn pháp luật nước ngoài áp dụng cho hợp đồng của mình thì khi giải quyết tranh chấp trước tòa án Việt Nam, các bên có nghĩa vụ chứng minh pháp luật nước ngoài. Nếu các bên không thống nhất được với nhau về pháp luật nước ngoài thì cũng chưa có nghĩa là thỏa thuận chọn pháp luật nước ngoài của các bên không được áp dụng. Khi đó tòa án sẽ “yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài hoặc thông qua Bộ Ngoại giao đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam cung cấp pháp luật nước ngoài”. Chỉ khi việc này không đạt kết quả thì thỏa thuận lựa chọn pháp luật của các bên mới không phát huy tác dụng và pháp luật áp dụng sẽ là pháp luật Việt Nam.

Một số lưu ý khi áp dụng các quy định mới

Về quyền chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng

Trước khi thỏa thuận lựa chọn pháp luật nước ngoài, các bên nên tìm hiểu xem lĩnh vực hợp đồng của mình có thuộc trường hợp được phép thỏa thuận chọn pháp luật áp dụng hay không. Nếu có thì bước tiếp theo là cần tìm hiểu nội dung pháp luật của nước mà các bên muốn lựa chọn. Việc này có hai ý nghĩa: vừa để biết mình có các quyền và nghĩa vụ gì theo pháp luật mà mình đã lựa chọn, vừa để có thể cung cấp nội dung pháp luật đó cho tòa án khi tranh chấp xảy ra. Ngoài ra, các bên cũng cần dự phòng trường hợp pháp luật được lựa chọn không được tòa án áp dụng trong thực tế bởi hậu quả của việc áp dụng vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Pháp luật Việt Nam không định nghĩa thế nào là “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật”. Tòa án sẽ là cơ quan xác định hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài có vi phạm các nguyên tắc cơ bản hay không. Vì vậy, ngoài việc tìm hiểu nội dung của pháp luật, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên thường xuyên theo dõi thực tiễn xét xử, bởi các bản án có hiệu lực pháp luật, đặc biệt là các bản án của Tòa án nhân dân tối cao, có giá trị tham khảo cao.

Về điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng

BLDS 2015 không có quy định nào về điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng. Do thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng là một thỏa thuận hợp đồng, nên có thể suy ra rằng nó phải tuân thủ các quy định chung về giao dịch dân sự. Theo Điều 117 BLDS 2015, để có hiệu lực, thỏa thuận lựa chọn pháp luật phải đáp ứng được các điều kiện sau: “a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”.

Về hình thức thể hiện của thỏa thuận chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng

 BLDS 2015 không có quy định cụ thể về hình thức của thỏa thuận lựa chọn pháp luật mà chỉ có quy định về pháp luật áp dụng đối với hình thức của hợp đồng. Khoản 7 Điều 683 quy định: “Hình thức của hợp đồng được xác định theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó”. Thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng là một dạng thỏa thuận hợp đồng nên có thể áp dụng quy định về hình thức của hợp đồng cho hình thức của thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng. Khi đó, nếu các bên lựa chọn pháp luật Việt Nam để điều chỉnh hợp đồng của mình, thì bản thân thỏa thuận lựa chọn pháp luật đó phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về hình thức. Theo Điều 119 BLDS 2015, “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”. Như vậy, thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài có thể được lập thành văn bản, bằng lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các văn bản luật chuyên ngành lại có những quy định khác biệt về hình thức của hợp đồng. Chẳng hạn, khoản 2 Điều 27 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Mua bán hàng hóa quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”. Như vậy, có thể suy ra rằng thỏa thuận về luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cũng phải bằng văn bản nằm trong hợp đồng dưới dạng một điều khoản, hoặc trong một văn bản riêng.

Trước sự chưa rõ ràng của văn bản, các bên trong quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài nên thể hiện thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cũng như thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng cho hợp đồng của mình bằng văn bản.

Về thời điểm thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng

Các bên được tự do giao kết nhằm làm phát sinh, thay đổi và chấm dứt quan hệ dân sự, nên thỏa thuận chọn pháp luật cũng có thể được thực hiện ở mọi thời điểm. Tuy nhiên, sự lựa chọn này nên được thể hiện ngay từ thời điểm ký kết hợp đồng, bởi sau đó, khi có tranh chấp xảy ra thì việc đạt được thỏa thuận sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.

Về khả năng lựa chọn nhiều hệ thống pháp luật cho hợp đồng

BLDS 2015 không cho biết một cách minh thị các bên có được lựa chọn nhiều hệ thống luật áp dụng cho hợp đồng của mình hay không. Đây là điểm khác biệt của pháp luật Việt Nam với pháp luật của một số nước. Việc cho phép các bên lựa chọn nhiều hệ thống pháp luật được giải thích là tôn trọng quyền tự do lựa chọn, nhưng giải pháp này đặt ra nhiều khó khăn thực tiễn và có lẽ chỉ phù hợp với các quốc gia có hệ thống tư pháp phát triển. Ở Việt Nam, dựa vào nguyên tắc tự do thỏa thuận những nội dung mà pháp luật không cấm, thì việc lựa chọn nhiều hệ thống pháp luật áp dụng cho hợp đồng là có thể. Tuy nhiên, theo chúng tôi, khi các bên thỏa thuận lựa chọn tòa án để giải quyết tranh chấp thì chỉ nên lựa chọn một hệ thống luật duy nhất để áp dụng cho hợp đồng. Điều này có ý nghĩa thực tiễn bởi tìm kiếm và chứng minh pháp luật nước ngoài chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Hơn nữa, các hệ thống pháp luật khác nhau có thể có những quy định khác nhau, trong khi đó các nội dung của hợp đồng có thể có liên quan đến nhau và không áp dụng riêng rẽ từng hệ thống luật cho từng nội dung của hợp đồng. Sự khác nhau này có thể sẽ dẫn tới việc tòa án không áp dụng được đồng thời các hệ thống pháp luật nước ngoài mà các bên đã lựa chọn và khi đó sẽ áp dụng pháp luật nước mình để giải quyết.

Về xác định pháp luật áp dụng cho hợp đồng khi các bên không có thỏa thuận

Trong thực tế chúng ta thấy không hiếm trường hợp các bên trong hợp đồng mặc dù được pháp luật trao quyền lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng của mình, nhưng lại không thực hiện quyền đó. Dự trù trường hợp đó, BLDS 2015 vẫn quy định trình tự xác định luật áp dụng cho hợp đồng như quy định trong BLDS 2005, nhưng đã có nhiều thay đổi về nội dung của các quy định, đó là lựa chọn pháp luật dựa trên điều ước quốc tế (Điều 664-1 BLDS 2015) và lựa chọn pháp luật áp dụng dựa trên quy phạm xung đột (Điều 683 BLDS 2015). Điểm thay đổi căn bản đó là BLDS 2015 không còn sử dụng tiêu chí nơi thực hiện hợp đồng để xác định luật áp dụng cho hợp đồng, mà thay vào đó là tiêu chí “mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng”. Đây là một quy định được coi là tiến bộ hơn so với quy định của BLDS 2005, nhưng nó cũng đặt ra một số vấn đề về áp dụng trong thực tiễn. TPQT của nhiều nước cũng có quy định về xác định pháp luật áp dụng dựa trên tiêu chí “mối liên hệ gắn bó nhất” nhưng không định nghĩa thế nào là “mối liên hệ gắn bó nhất” mà trao cho thẩm phán quyền xác định dựa vào các hoàn cảnh thực tế của vụ việc cần giải quyết. Trước yêu cầu về sự rõ ràng và dễ áp dụng của luật, Việt Nam đã chọn cách liệt kê mối liên hệ gắn bó nhất trong một số hợp đồng cụ thể. Cách làm này giống với phương pháp được châu Âu áp dụng khi xây dựng Nghị định Rome năm 2008 về luật áp dụng cho nghĩa vụ hợp đồng. Tuy nhiên, nếu như khoản 1, Điều 4 của Nghị định này liệt kê 8 loại hợp đồng cụ thể, sau đó có một loạt các quy định chuyên biệt cho các loại hợp đồng chuyên biệt khác, thì khoản 2, Điều 683 BLDS 2015 của Việt Nam lại chỉ liệt kê 5 trường hợp. Cách quy định liệt kê có ưu điểm là rõ ràng, dễ áp dụng cho các hợp đồng chuyên biệt, nhưng có nhược điểm là không đầy đủ và khó áp dụng cho các hợp đồng phức tạp có bản chất hỗn hợp. Chúng ta hãy cùng xét ví dụ sau: Hợp đồng nhượng quyền thương mại được ký giữa bên nhượng quyền là một công ty đăng ký thành lập tại Pháp và bên nhận quyền là một công ty đăng ký thành lập tại Việt Nam. Hợp đồng này vừa có nội dung về mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, vừa có quy định về chuyển giao quyền sử dụng quyền sở hữu công nghiệp[4]. Hợp đồng không có điều khoản lựa chọn pháp luật áp dụng. Tranh chấp xảy ra liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ trợ giúp kỹ thuật và được giải quyết trước tòa án Việt Nam. Do các bên không lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng nên tòa án Việt Nam sẽ áp dụng Điều 683 BLDS 2015. Do hợp đồng này có đối tượng là mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ nên pháp luật áp dụng sẽ là pháp luật của nước người bán và cung ứng dịch vụ đăng ký thành lập, tức là pháp luật Pháp. Nhưng hợp đồng này cũng có đối tượng là chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, bí quyết kinh doanh từ bên nhượng quyền sang bên nhận quyền nên điểm c, khoản 2 Điều 683 được áp dụng và kết quả là pháp luật Việt Nam được áp dụng. Vấn đề còn phức tạp hơn nếu bên nhượng quyền chỉ định người người cung ứng dịch vụ cho bên nhận quyền là một pháp nhân đăng ký thành lập tại Mỹ. Lúc này sẽ có ba hệ thống luật được áp dụng: pháp luật của Pháp-pháp luật của nước người bán đăng ký thành lập; pháp luật của Mỹ - pháp luật của nước người cung cấp dịch vụ đăng ký thành lập; và pháp luật Việt Nam - pháp luật của nước người nhận quyền thành lập. Phải áp dụng pháp luật của nước nào trong ba hệ thống pháp luật kể trên? Quy định giải quyết xung đột luật của Việt Nam vô tình đã tạo ra thêm xung đột. Chúng ta cần lưu ý là Nghị định Rome năm 2008 nêu rõ luật áp dụng đối với hợp đồng nhượng quyền là luật của nước bên nhận quyền thường trú (Điều 4-1-e), chứ không nêu chung chung như pháp luật Việt Nam.

Trước sự chưa rõ ràng của quy phạm xung đột phân tích ở trên, các bên trong hợp đồng nên thực hiện quyền lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng của mình, đặc biệt khi hợp đồng phức tạp có bản chất hỗn hợp.

Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam giao kết hợp đồng mua bán hàng với một doanh nghiệp có trụ sở thương mại tại một quốc gia thành viên của Công ước Viên năm 1980 của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà các bên không lựa chọn pháp luật áp dụng thì Công ước này sẽ được áp dụng[5]. Nếu các bên không muốn áp dụng Công ước này thì phải có thỏa thuận rõ ràng về việc lựa chọn một hệ thống pháp luật cụ thể không bao gồm Công ước này.

Cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng có yếu tố nước ngoài

Thẩm quyền của tòa án dựa trên sự lựa chọn của các bên

Trước đây, quyền lựa chọn tòa án để giải quyết tranh chấp không được TPQT Việt Nam nêu thành nguyên tắc chung, mà chỉ được quy định rải rác trong một số lĩnh vực chuyên biệt như hàng hải, hàng không. Trong khi quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là một quyền đã được ghi nhận từ lâu trong nhiều hệ thống pháp luật lớn trên thế giới. Chính sự thiếu vắng quy định cho phép các bên lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp đã gây tâm lý e ngại cho các chủ thể khi ký kết hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Trong bối cảnh đó, BLTTDS đã có cải cách quan trọng khi công nhận, dù gián tiếp, quyền của các bên trong hợp đồng có yếu tố nước ngoài đựa lựa chọn cơ quan tài phán (Việt Nam hoặc nước ngoài) để giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng của mình. Theo điểm c, khoản 1 Điều 470 BLTTDS 2015, tòa án Việt Nam có thẩm quyền riêng biệt xét xử vụ án dân sự mà các bên được lựa chọn tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn tòa án Việt Nam. Tương tự, theo điểm a, khoản 1 Điều 772 BLTTDS 2015, tòa án Việt Nam phải trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nếu vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền chung của tòa án Việt Nam nhưng “các đương sự được thỏa thuận lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài và đã lựa chọn trọng tài hoặc tòa án nước ngoài giải quyết vụ việc đó”. Quy định này đã gián tiếp thừa nhận quyền của các bên được lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp nước ngoài.

Thẩm quyền của tòa án Việt Nam xét xử tranh chấp phát sinh từ hợp đồng có yếu tố nước ngoài khi các bên không lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp

Khi các bên không lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp thì khi tranh chấp xảy ra, thẩm quyền của tòa án Việt Nam sẽ được xác định dựa trên các Điều 470 và 471 BLTTDS 2015. Theo quy định tại khoản 1 Điều 469 BLTTDS 2015, trong lĩnh vực hợp đồng, tòa án Việt Nam sẽ có thẩm quyền xét xử chung trong các trường hợp sau:

i) Bị đơn cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam. BLTTDS không định nghĩa thế nào là “nơi cư trú”. Theo khoản 1 Điều 40 BLDS 2015, nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống. Còn theo khoản 1 Điều 12 Luật Cư trú 2006, nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Điểm đáng lưu ý ở đây là điều luật không cho chúng ta biết phải thỏa mãn tất cả các tiêu chí ở trên hay chỉ cần một trong các tiêu chí thì tòa án Việt Nam có thẩm quyền. Chẳng hạn, bị đơn chỉ “làm ăn lâu dài tại Việt Nam” nhưng không “sinh sống lâu dài tại Việt Nam” thì tòa án Việt Nam có thẩm quyền không? Ngoài ra, cũng còn phải trả lời câu hỏi, khoảng thời gian bao nhiêu lâu thì được coi là “lâu dài”?

ii) Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức đó tại Việt Nam.

iii) Bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, mặc dù hợp đồng được ký kết, thực hiện tại nước ngoài, nhưng bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam thì tòa án Việt Nam vẫn có thẩm quyền.

iv) Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.

v) Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam.

Ngoài ra, tòa án Việt Nam còn có thẩm quyền riêng biệt khi hợp đồng có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam (điểm a, khoản 1 Điều 470).

Một số khuyến nghị

BLTTDS 2015 đã quy định rõ hơn quyền của các bên trong hợp đồng có yếu tố nước ngoài được lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp. Khi ký kết hợp đồng, các bên nên thực hiện quyền này để tránh phải áp dụng các quy phạm xung đột để xác định thẩm quyền khi tranh chấp xảy ra. BLTTDS 2015 không có quy định về điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận chọn cơ quan giải quyết tranh chấp, nhưng do đây là một loại giao dịch dân sự nên có thể áp dụng các quy định chung của BLDS về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như chúng tôi đã phân tích ở phần trên liên quan đến điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận chọn luật áp dụng cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Điểm đáng lưu ý ở đây là BLDS đã công nhận sự tồn tại độc lập của điều khoản lựa chọn cơ quan giải quyết so với hợp đồng chứa nó. Theo khoản 1 Điều 427 BLDS 2015, khi hợp đồng bị hủy bỏ thì “hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp”. Điều đó có nghĩa là khi đã được thỏa thuận một cách hợp pháp thì điều khoản giải quyết tranh chấp tồn tại độc lập với hợp đồng ngay cả khi hợp đồng đó bị hủy. Nói cách khác, thỏa thuận chọn cơ quan giải quyết tranh chấp vẫn làm phát sinh hiệu lực ràng buộc các bên.

Điểm cần lưu ý tiếp theo là quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng không phải là một quyền tuyệt đối, mà có giới hạn. Giới hạn của quyền này thể hiện ở chỗ các bên chỉ được chọn trong những trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật Việt Nam cho phép chọn. Như vậy, trước khi thỏa thuận chọn cơ quan giải quyết tranh chấp, các bên nên tìm hiểu xem lĩnh vực hợp đồng của mình có thuộc trường hợp pháp luật cho phép chọn cơ quan giải quyết tranh chấp hay không. Giới hạn của quyền chọn cơ quan giải quyết tranh chấp còn bị giới hạn ở thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam xét xử các tranh chấp liên quan đến bất động sản nằm trên lãnh thổ Việt Nam.

Cuối cùng, cần lưu ý là khi các bên đã lựa chọn tòa án Việt Nam thì tòa án Việt Nam sẽ có thẩm quyền riêng biệt, tức thẩm quyền của mọi cơ quan tài phán khác sẽ bị loại trừ. Điều đó có nghĩa là khi có tranh chấp xảy ra, một bên không thể viện dẫn các quy phạm xung đột để khởi kiện ra một tòa án khác tòa án mà mình đã lựa chọn.

  ---*---

[1]Chẳng hạn Điều 769 BLDS năm 2005 quy định: “Hợp đồng được giao kết tại VN và thực hiện hoàn toàn tại VN thì phải tuân theo pháp luật CHXHCNVN”. Tương tự, khoản 3 Điều 759 quy định pháp luật nước ngoài được áp dụng trong trường hợp các bên có thỏa thuận trong hợp đồng “nếu sự thỏa thuận đó không trái với quy định của Bộ luật này và các văn bản pháp luật khác của CHXHCNVN”.

[2] Có hiệu lực từ 01/01/2017.

[3] Có hiệu lực từ 01/7/2016.

[4]Thông thường các hợp đồng nhượng quyền thương mại đều có điều khoản theo đó bên nhận quyền phải mua một lượng hàng hóa và dịch vụ nhất định của bên nhượng quyền hoặc của bên do bên nhượng quyền chỉ định.

Về vấn đề này xem: Ngô Quốc Chiến, Một số điều khoản độc quyền trong hợp đồng nhượng quyền thương mại.

So sánh pháp luật Việt Nam, Pháp và Liên minh châu Âu, tạp chí Kinh tế đối ngoại, số 67, tháng 6/2014.

[5] Ngoại trừ đối với một số loại hợp đồng có đối tượng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước.

TS Ngô Quốc Chiến (Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương, thành viên Trung tâm Nghiên cứu pháp luật châu Âu và quốc tế (GERCIE), ĐH Tours, CH Pháp)Ths. LS Nguyễn Tiến Nùng (Văn phòng Luật sư Kinh Đô)

Những điểm mới của pháp luật Việt Nam liên quan đến hợp đồng có yếu tố nước ngoài

Tác giả TS Ngô Quốc Chiến, Ths. LS Nguyễn Tiến Nùng
Tạp chí lsvn.vn
Năm xuất bản 2017
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ