Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.
PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

 

HOÀNG ĐỨC CƯỜNG -  Viện Kiểm sát quân sự Khu vực 43

1. Lược sử pháp nhân thương mại ở Việt Nam

Các văn bản quy phạm pháp luật trước đây của Nhà nước ta đã mô tả các dấu hiệu của pháp nhân như tại Thông tư số 525 ngày 26//3/1975 của Trọng tài Kinh tế, Nghị định số 17 ngày 16/01/1990 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Trọng tài kinh tế, Pháp lệnh Hợp đồng dân sự ngày 01/7/1991. Điều 84 BLDS năm 2005 mô tả dấu hiệu (điều kiện) một tổ chức được công nhận là pháp nhân: “1. Được cơ quan có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, đăng ký hoặc công nhận; 2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; 3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; 4. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập”. Điều 74, BLDS năm 2016 mô tả về “pháp nhân”: “1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này; c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. 2…”. Qua các văn bản pháp luật đã ban hành, có thể đưa ra khái niệm pháp nhân như sau: Pháp nhân là tổ chức thống nhất, độc lập, hợp pháp có tài sản riêng và chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Ở nước ta, có các loại pháp nhân sau: (i) Các pháp nhân là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang; (ii) các pháp nhân là các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp; (iii) Các pháp nhân là các tổ chức kinh tế; (iv) các pháp nhân là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện (Điều 85, BLDS năm 2005). Như vậy, cho đến trước khi BLDS năm 2015 ban hành, pháp luật Việt Nam vẫn chưa hề có một văn bản quy phạm pháp luật nào đề cập đến “Pháp nhân thương mại”.

BLDS năm 2015 quy định về “Pháp nhân thương mại” tại Điều 75 như sau: “1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. 2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. 3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Như vậy, theo Điều 75 BLDS 2015 thì pháp nhân thương mại là doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Các công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), công ty cổ phần, công ty hợp danh,… được pháp luật công nhận tư cách pháp nhân hoạt động vì mục đích lợi nhuận thì được xem là pháp nhân thương mại.

Luật Thương mại: Trước khi thống nhất đất nước (năm 1975), ở miền Nam, Điều thứ 13 của Bộ Thương luật đã đề cập thể nhân hay pháp nhân có tư cách nhà buôn đều được gọi là doanh nghiệp: “Bất luận thể nhân hay pháp nhân có tư cách nhà buôn đều phải giữ một cuốn sổ nhựt ký ghi chép những nghiệp vụ doanh nghiệp và những chi thâu trong ngày…” nhưng chưa từng đề cập đến “Pháp nhân thương mại”.

Luật Thương mại năm 2015 và Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng như Luật Thương mại và Luật Doanh nghiệp năm 2005 trước đây không quy định thế nào là “Pháp nhân thương mại” mà chỉ quy định về Thương nhân và Hành vi thương mại. Nếu dẫn chiếu theo Điều 75 BLDS 2015 thì có thể coi đây là các văn bản quy định về các loại pháp nhân thương mại bên cạnh các cá nhân có tư cách thương gia (thương gia thể nhân).

Luật Thương mại về bản chất quy định thương nhân và hành vi thương mại. Tuy nhiên Luật Thương mại năm 2005 không có điều luật nào quy định thế nào là thương nhân và hành vi thương mại, lại không có một quy định nào được gọi là “Pháp nhân thương mại”, chỉ quy định về “hoạt động thương mại” là gì tại khoản 1 Điều 3, và thương nhân gồm những ai tại khoản 1 Điều 6. Tại khoản 1, Điều 6 Luật Thương mại 2005 chỉ quy định thương nhân gồm: “1. Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”.

Như vậy, thương nhân gồm: tổ chức kinh tế và cá nhân có các điều kiện hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Vậy tổ chức kinh tế gắn liền với hoạt động thương mại được coi là pháp nhân thương mại. Nếu hiểu vậy thì HTX là tổ chức kinh tế, có tư cách pháp nhân theo khoản 1 Điều 3 Luật HTX 2012, thì có thể coi HTX là pháp nhân thương mại hay không? Khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định: 1. Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”. Như vậy, HTX quy định theo khoản 1 Điều 3 Luật HTX 2012 được coi là pháp nhân thương mại.

Luật Doanh nghiệp: Trước khi có Luật Doanh nghiệp năm 1999, sau đó được sửa đổi, bổ sung bằng Luật Doanh nghiệp năm 2005, chúng ta từng có Luật Công ty. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, nhà làm luật đã đưa ra khái niệm “doanh nghiệp tư nhân”, đồng thời đưa các loại hình công ty trong Luật Công ty vào trong một đạo luật, xây dựng thành Luật Doanh nghiệp năm 1999. Luật Doanh nghiệp năm 2005 tiếp tục đưa “doanh nghiệp tư nhân” vào Luật, bên cạnh các quy định về công ty.

Luật HTX: Khoản 1 Điều 3 Luật HTX năm 2012 quy định như sau: “1. HTX là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý HTX”. Như vậy, HTX là tổ chức kinh tế, có tư cách pháp nhân, thỏa mãn quy định về “Pháp nhân thương mại” theo quy định tại Điều 76 BLDS 2015.

2. Pháp nhân thương mại trong Bộ luật Hình sự năm 2015

BLHS năm 2015 có rất nhiều nội dung mới mà BLHS năm 1999 chưa quy định, trong đó có “Pháp nhân thương mại”. Đây là một nội dung quan trọng, làm thay đổi cơ bản chính sách hình sự truyền thống, bên cạnh nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự (TNHS), luật hình sự Việt Nam đã đặt ra TNHS đối với thực thể mà BLHS năm 2015 gọi là “Pháp nhân thương mại” trong một số tội. Điều này, đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về xử lý, phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.

Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu TNHS khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mạiPNTM; c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; d) Chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của BLHS2015.

2. Việc pháp nhân thương mại chịu TNHS không loại trừ TNHS của cá nhân.

Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu TNHS về các tội phạm sau đây: 1. Điều 188 (tội buôn lậu); Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 200 (tội trốn thuế); Điều 203 (tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ); Điều 209 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng); Điều 234 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã); 2. Điều 235 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản); Điều 243 (tội huỷ hoại rừng); Điều 244 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại).

3. Một số kiến nghị liên quan đến “pháp nhân thương mại”

3.1 Về cụm từ “doanh nghiệp” trong định nghĩa Pháp nhân thương mại

Pháp nhân thương mại theo quy định của BLDS năm 2015 gồm doanh nghiệp và tổ chức kinh tế. Nhưng Luật Doanh nghiệp chỉ có khái niệm về “doanh nghiệp tư nhân”, Doanh nghiệp tư nhân lại không có tư cách pháp nhân, trong khi các tổ chức kinh tế quy định ở Luật Doanh nghiệp lại được gọi là “Công ty”, quy định ở Luật HTX được gọi là “HTX” và “Liên hiệp HTX”. Vậy cụm từ “doanh nghiệp” theo định nghĩa của BLDS về “Pháp nhân thương mại” tại Điều 75 trở nên thừa thãi, không cần thiết.

Nhiều người cho rằng, doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo Luật Đầu tư năm 2005 (trước đây đăng ký và hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài năm 2000 và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước năm 1998) vẫn gọi là doanh nghiệp và họ vẫn có tư cách pháp nhân. Nhưng doanh nghiệp nhà nước trước đây hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003 phải chuyển đổi hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, tức là doanh nghiệp nhà nước chỉ tồn tại theo mô hình công ty. Điều 166 về chuyển đổi công ty nhà nước quy định: “1. Thực hiện theo lộ trình chuyển đổi hằng năm, nhưng chậm nhất trong thời hạn bốn năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực, các công ty nhà nước thành lập theo quy định Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 phải chuyển đổi thành công ty TNHH hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật này”. Điều 169 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “Doanh nghiệp do Nhà nước thành lập kể từ ngày Luật này có hiệu lực phải được đăng ký, tổ chức quản lý và hoạt động theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan”.

Tương tự, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo Luật Đầu tư cũng vậy, họ được coi là các tổ chức kinh tế hoạt động theo mô hình công ty. Khoản 6 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2005 quy định: “6. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam; doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại”. Khoản 2 Điều 170 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định về hình thức hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trước khi Luật này có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, có quyền thực hiện theo một trong hai cách sau đây: a) Đăng ký lại và tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; việc đăng ký lại được thực hiện trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực; b) Không đăng ký lại; trong trường hợp này, doanh nghiệp chỉ được quyền hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề và thời hạn được ghi trong Giấy phép đầu tư và tiếp tục được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ”.

Khoản 1 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 định nghĩa về doanh nghiệp: “Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh”. Khoản 7 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 định nghĩa lại về doanh nghiệp: “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”. Như vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ từ “kinh tế”, trong cụm từ “tổ chức kinh tế” trong Luật Doanh nghiệp năm 2005. Phải chăng nhà làm luật đã đưa “doanh nghiệp” ra khỏi nội hàm khái niệm “tổ chức kinh tế” nên khiến cho định nghĩa pháp nhân thương mại theo Bộ luật Dân sự 2015 là “doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế”.

Việc tách bạch “doanh nghiệp” và “tổ chức kinh tế”, “doanh nghiệp” đơn thuần chỉ là các “tổ chức” sẽ phù hợp hơn với mục đích hoạt động của một số doanh nghiệp công ích hiện nay – chỉ nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng, giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường…

Vì vậy, cần sớm bỏ cụm từ “doanh nghiệp” tại Điều 75 BLDS năm 2015. Và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi hướng dẫn áp dụng BLHS năm 2015 cần hướng dẫn cụ thể thế nào là pháp nhân thương mại trong khi dẫn chiếu tới Điều 75 BLDS năm 2015 sẽ bãi bỏ cụm từ “doanh nghiệp” để phù hợp với các quy định pháp luật liên quan (Tác giả chưa đề cập hết đến các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp dương nhiên là một tổ chức kinh tế, nhưng một tổ chức kinh tế chưa hẳn đã là doanh nghiệp, ví dụ: Quỹ đầu tư thường được xếp vào loại pháp nhân tài sản mà không hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Do đó, để bảo đảm bao quát hết các pháp nhân thương mại, BLDS 2015 quy định pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác – Civillawinfor).

3.2 Về phân biệt hành vi của pháp nhân và người đại diện cho pháp nhân và một số vấn đề về sự thành lập, chấm dứt tồn tại của pháp nhân

Trên thực tế, hoạt động của pháp nhân đều thông qua người đại diện, vậy nên việc phân biệt hành vi của người đại diện và pháp nhân để truy cứu TNHS của pháp nhân có ý nghĩa to lớn và cần quy định chặt chẽ. Việc hình sự hóa các quan hệ dân sự, thương mại trong thời gian qua là minh chứng cho việc luật pháp đã không quy định rõ bằng các định nghĩa pháp lý có tính thực tiễn cao. Nếu không phân biệt rõ, dễ nhầm lần truy cứu TNHS của pháp nhân và người đại diện pháp nhân.

Cần quy định rõ, pháp nhân phải chịu TNHS về những giao ước, thỏa thuận (hợp đồng) tuy do người đại diện ký kết hoặc những hành vi khác nhưng nhân danh pháp nhân. Khoản 1 Điều 75 BLHS năm 2015 quy định Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu TNHS khi có đủ các điều kiện sau: a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Quy định của BLHS về điều kiện thứ ba là sự khó khăn trong áp dụng pháp luật thời gian tới, bởi lẽ pháp nhân không có tri giác để tự hành động. Mọi hoạt động của pháp nhân đều thông qua người đại diện. Do đó, không thể nào có việc người đại diện hoạt động lại thông qua sự chỉ đạo, điều hành chấp thuận của chính mình được. Do đó, chỉ cần giữ hai điều kiện a) và b) tại Khoản 1 Điều 75 BLHS năm 2015 là được.

Cần quy định rõ việc thay đổi người đại diện theo điều lệ thành lập pháp nhân, hay theo sự lựa chọn của thành viên pháp nhân (Ví dụ: thay đổi giám đốc hoặc tổng giám đốc theo sự lựa chọn của thành viên hội đồng thành viên hoặc cổ đông sáng lập trong công ty TNHH và công ty cổ phần) không ảnh hưởng gì đến thân phận, trách nhiệm của người đại diện trước. Trong “Luật Thương mại toát yếu”, Lê Tài Triển viết: “Hội – đoàn tuy có pháp nhân nhưng không có trí óc như người để quyết đoán mọi việc, tất nhiên sự điều khiển đó phải do những cá nhân đảm nhiệm, cá nhân ấy đại diện cho hội – đoàn nhưng nhiều khi không hẳn đã được mỗi hội viên ủy quyền riêng biệt, nhất là những công ty thương mại họ được lựa chọn do đa số”. Vì vậy, khi truy cứu TNHS của pháp nhân thông qua người đại diện thì phải là người đại diện trước đó tại thời điểm pháp nhân phạm tội.

Cần quy định rõ thời điểm ra đời của pháp nhân thương mại. Nếu như năng lực chịu TNHS của cá nhân còn phụ thuộc vào độ tuổi, thì hành vi phải chịu TNHS của pháp nhân tính từ thời điểm nào, từ thời điểm thành lập giữa các thành viên ngồi lại với nhau hoặc mua bán, sáp nhập công ty ra bản điều lệ hay từ thời điểm đăng ký kinh doanh. Đăng ký kinh doanh không được tính là thời điểm ra đời của pháp nhân thương mại, bởi giống như cá nhân, giấy khai sinh không làm cá nhân đó ra đời được.

Cần quy định rõ, pháp nhân thương mại chấm dứt hoạt động (giải thể, phá sản, sáp nhập, chia tách) có thể bị truy cứu TNHS không. Theo quy định của pháp luật hiện hành, cá nhân bị truy cứu TNHS sẽ bị đình chỉ, vậy pháp nhân khi “chết” (giải thể, phá sản, sáp nhập, chia tách) có được đình chỉ không?

Những vấn đề trên trong việc truy cứu TNHS pháp nhân còn phải được kiểm nghiệm qua thực tiễn. Dù không mới so với pháp luật một số nước, nhưng ở nước ta, những quy định của BLHS năm 2015 còn gặp phải sự không đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh thương mại./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Thương luật, Thần chung xuất bản, Sài Gòn, năm 1972;

2. Lê Tài Triển, Thương mại toát yếu, Sài Gòn 1972;

3. Bộ luật Hình sự năm 2015;

4. Bộ luật Dân sự năm 2015;

5. Luật Doanh nghiệp các năm 1999; 2005 và 2014;

6. Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003;

7. Luật Đầu tư năm 2005;

8. Luật HTX năm 2012;

9. http://vpluatsu.org/luat-su-phan-tich-quy-dinh-phap-nhan-thuong-mai-pham-toi

10. Nguyễn Ngọc Hòa (2016), “Khái niệm tội phạm và việc quy định TNHS của PNTM trong Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015”, Tạp chí Luật học, số tháng 2/2016 (189), tr. 3-13.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://www.nclp.org.vn/phap-nhan-thuong-mai-trong-phap-luat-viet-nam-va-mot-so-kien-nghi

PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Tác giả HOÀNG ĐỨC CƯỜNG - Viện Kiểm sát quân sự Khu vực 43
Tạp chí TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ
Năm xuất bản 2017
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ