Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

Phòng, chống tham nhũng trong pháp luật phong kiến Việt Nam

Trong cách hiểu của người Việt xưa, tham quan ô lại, sách nhiễu nhân dân, ăn hối lộ, đục khoét của công, vơ vét tiền của dân, cậy quyền làm bậy… được dùng để chỉ những kẻ có chức, quyền và lợi dụng chức, quyền đó, bằng những thủ đoạn, cách thức khác nhau để mưu lợi cho riêng mình.

Những hành vi này xâm hại đến trật tự kinh tế của xã hội phong kiến, phá hoại kỷ cương phép nước, khiến dân chúng lầm than, cực khổ và sinh lòng oán thán triều đình. Chính vì vậy, ngăn chặn, đầy lùi tệ nạn tham nhũng là một trong những mục tiêu quan trọng của các triều đại phong kiến, không những để bảo vệ quyền lợi kinh tế của giai cấp cầm quyền mà nó còn nhằm xây dựng một trật tự xã hội ổn định, thịnh vượng, một chế độ hợp lòng dân. Bởi sự vững mạnh, lâu bền của ngôi thiên tử trong bất kỳ triều đại nào đều không chỉ nhờ thấm nhuần và thực thi Vương đạo mà cần được sự trung thành và thương yêu nhà vua của quần thần, sự “tâm quy” của muôn dân. Do vậy, “công tâm” là chiến thuật lấy lòng dân của bất cứ triều đại nào cần duy trì sự ổn định để xây dựng và bảo vệ vương quyền. Triết lý này được thể hiện rõ nét trong các quy định pháp luật của các triều đại phong kiến Việt nam, thể hiện qua các Chỉ, Dụ, Sắc, Lệnh của Nhà vua và triều đình phong kiến. Các thiết chế về tổ chức bộ máy hành chính cùng với chế độ, chính sách quản lý đội ngũ quan lại đã được hình thành và phát triển cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước trong từng giai đoạn, từng thời kỳ lịch sử.

               Đề ngăn chặn tham nhũng trong bộ máy, các nhà nước phong kiến đã tiến hành rất nhiều biện pháp như từ việc cải cách bộ máy nhà nước, tuyển chọn người hiền tài để giúp dân, giúp nước, giám sát bộ máy quan lại để đánh giá đạo đức và năng lực làm việc, xử lý hành vi tham nhũng...

  

               Các biện pháp phòng, chống tham nhũng thời kỳ phong kiến nhìn chung đều thể hiện khá rõ tư tưởng và quan điểm của các triều đại. Đó là luôn đề cao biện pháp phòng ngừa tham nhũng, coi phòng ngừa là một trong những biện pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng và duy trì một bộ máy nhà nước phong kiến trong sạch, không có chỗ cho những tên tham quan, ô lại.

1. Pháp luật phong kiến coi trọng phòng ngừa tham nhũng

Ngày nay, phòng ngừa tham nhũng được coi là một cách thức chống tham nhũng căn bản và triệt để được các nước trên thế giới lựa chọn. Kinh nghiệm cho thấy, biện pháp phòng ngừa nếu được thực hiện tốt sẽ có tác dụng ngăn chặn ngay từ đầu các điều kiện, cơ hội sản sinh ra tham nhũng, nói cách khác nó thủ tiêu các nguyên nhân của tham nhũng và do vậy nó mang lại hiệu quả rộng lớn, lâu dài và triệt để. Thực hiện phòng ngừa tham nhũng tốt sẽ tránh được sự mất ổn định xã hội do hậu quả của tham nhũng mang lại nên nó là biện pháp chống tham nhũng rất hiệu quả và triệt để.

Nghiên cứu các quy định pháp luật phong kiến cũng có thể nhận thấy rằng, mặc dù những đạo luật nổi tiếng của các triều đại phong kiến Việt Nam mà chúng ta còn lưu giữ được cho đến ngày nay là những Bộ hình luật thì thấy pháp luật thiên về việc quy định các biện pháp trừng phạt. Tuy vậy, các Bộ hình luật cũng như những Sắc, Lệnh, Chỉ dụ, của các vị vua phong kiến cũng thể hiện rất rõ tinh thần, tư tưởng phòng ngừa tham nhũng. Tuy rằng trong từng giai đoạn, thời kỳ khác nhau ứng với mỗi triều đại khác nhau, những tinh thần ấy được cụ thể hoá bằng những biện pháp khác nhau song luôn góp phần quan trọng vào việc xây dựng một bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, một đội ngũ quan lại thanh liêm. Tinh thần, tư tưởng đó được thể hiện rõ qua các biện pháp chính sau:

Chú trọng cải cách hành chính

Các đạo luật phong kiến Việt Nam đều có rất nhiều quy định về xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh. Bộ luật Hồng Đức có nhiều điều luật thể hiện sự cải cách mạnh mẽ dưới triều Lê. Dưới thời vua Lê Thánh Tông, cải cách mạnh mẽ và hiệu quả nhất đó là chế độ quan lại luôn ràng buộc, giám sát lẫn nhau. Quyền hạn, trách nhiệm của từng bộ phận, khu vực, quan lại được quy định rõ ràng và có sự giám sát lẫn nhau. Mỗi bộ phụ trách một việc, các bộ chịu sự giám sát của các khoa, các hiến ty giám sát công việc của các Đạo; các quan lại giám sát lẫn nhau, quan trên giám sát quan dưới. Bộ máy nhà nước phong kiến thời Lê Thánh Tông được xem là bộ máy phong kiến tập quyền vững mạnh, chặt chẽ, thể hiện sức mạnh chi phối của chính quyền Trung ương xuống địa phương trong cả nước và quyền lực tối cao của người đứng đầu nhà nước.

Việc tuyển chọn quan lại thời Lê dựa vào nhiều con đường như khoa cử, tiến cử, khảo công, khảo khoá... Triều đình còn thường xuyên tổ chức các kỳ khảo công nhằm khảo xét việc hay, dở và năng lực của quan lại hàng năm. Nhà vua còn tổ chức các khoa thi Hoành từ để chọn người hiền tài trong số quan lại đương chức. Trong việc lựa chọn quan lại, thanh liêm luôn được xem là tiêu chuẩn hàng đầu. Đặc biệt dưới thời Lê Thánh Tông, lần đầu tiên chế độ thử việc đối với quan lại đã được áp dụng.

Dưới thời Nguyễn, mặc dù tuyển chọn và tin dùng quan lại chưa được xây dựng thành một chính sách, quốc sách xuyên suốt, rõ ràng, bài bản… nhưng cách lựa chọn người tài của các vị vua cũng luôn thể hiện sự chú trọng, quan tâm, cất nhắc người xuất thân từ giới tinh hoa xã hội, có công trạng với dân tộc, quốc gia… quan tâm đến nguồn gốc gia đình tinh hoa, khí phách để phát hiện, bồi dưỡng[1]. Với phương châm của vua Minh Mạng: Hiền tài là đồ dùng của nhà nước, vì vậy rất muốn trong triều có người tài giỏi, ngoài nội không sót người hiền, để tô điểm mưu to, vang lừng đức hoá. Đây chính là những nguyên tắc mang lại hiệu quả trong việc chọn người điều hành quản lý và duy trì trật tự xã hội của triều Nguyễn.

Một trong những biện pháp rất được các triều đại tin dùng đó là lệ hồi tỵ. Theo lệ này thì viên quan đứng đầu một địa hạt không được phép nhậm chức tại quê hương mình, không được lấy vợ là người sở tại, không được phép có bất động sản trên địa hạt mình cai quản, không được có người cấp phó là đồng hương, và điều quan trọng là các quan lại này đều được dịch chuyển địa hạt cai quản theo một chu trình nhất định. Dưới thời Lê, lệ này được áp dụng thường xuyên nhằm hạn chế và ngăn chặn khả năng nảy sinh hành vi trái với chức trách được giao của quan lại. Dưới triều Nguyễn, kinh nghiệm áp dụng luật hồi tỵ được nâng thành phương châm dùng người đó là Khi đã dùng người khoa bảng, triều đình thường giao nhiều trọng trách khác nhau để họ có điều kiện luân chuyển, rèn luyện, thử thách, mài dũa, trưởng thành[2]. Năm 1831, Vua Minh Mạng ban hành luật Hồi tỵ, nhằm nghiêm cấm các mối quan hệ trên một số lĩnh vực như việc thanh tra, xử án, chấm thi... Đến đời vua Thiệu Trị, nhà vua bổ sung thêm một số điều của luật xử án trong đó có các quy định ngăn chặn các mối quan hệ đồng hương, bè cánh, gia đình, tránh tình trạng bao che, thông đồng để thực hiện những hành vi tham nhũng, hối lộ, cũng như ngăn ngừa những biểu hiện trù dập người tố cáo, hoặc cố ý làm sai lệch cán cân công lý. Việc không ngừng hoàn thiện các quy định pháp luật trên đây một mặt nhằm đảm bảo sự công minh trong giải quyết công việc nhà nước, hạn chế việc quan có quan thể thông đồng với người thân nơi đang làm việc. Bên cạnh đó, các quy định đó còn khắc phục tình trạng hà hiếp, ỷ thân, ỷ thế, nhũng nhiễu làm hại lương dân.

Thiết lập một chế độ lương bổng công bằng, hợp lý cho đội ngũ quan lại

Một trong những biện pháp được các triều đình phong kiến thiết lập và luôn cố gắng thực hiện đó là định rõ chế độ bổng lộc cho đội ngũ quan lại tuỳ thuộc vào chức quan và tính chất công việc cũng như khả năng của từng người. Ngay khi lên ngôi, Vua Lê Thánh Tông đã lập ra quan chế, lễ nghi, chế độ lộc điền, tiền tuế bổng cho các quan văn võ trong triều. Những ai làm điều gì nhũng lãm thì đều phải nghiêm trị[3]. Chế độ bổng lộc này được xác định trên nguyên tắc: “Cấp bổng lộc để khuyến khích người có công, tùy theo trách nhiệm nặng hay nhẹ, những hoàng tông và công thần tuy không có hạng định về phẩm tước, mà cấp lộc còn có từng bậc khác nhau, huống chi các quan văn, quan võ trong kinh và ngoài các đạo chức việc không giống nhau, thì việc cấp lộc nên làm cho tỏ rõ việc nặng nhọc, việc nhàn rỗi…”[4]. Vua Lê Thánh Tông còn ra lệnh để khiển trách và răn đe các quan phải thực hiện nghiêm chế độ lương bổng: “Nhà nước đã có quy định lương bổng để giữ liêm khiết, lại có ban bố phép tắc để theo đó mà làm. Nay bọn các ngươi không chịu giữ phép, khi làm việc công thì mượn tiếng việc công để lo chạy việc tư, khi xét kiện tụng thì lo nhận hối lộ mà bẻ cong phép nước, khiến những người đi đường ai cũng than oán. Xét mối tệ hại này hẳn không là việc nhỏ. Nay các ngươi phải gột rửa lòng mình, giữ thân liêm khiết, gắng gỏi việc công, yêu thương quân dân, khiến chúng thần dân được yên nghiệp, thì các ngươi cũng được yên nghiệp. Nếu vẫn mê muộn không chừa, bị người cáo giác, hoặc dò xét được thực trạng sẽ bị trị năng hơn luật thường 2 bậc. Quan trên và đồng liêu không biết khuyên răn, thì khi việc bị phát giác, cũng bị trị tội theo luật và cắt phần thưởng”.[5]

Dưới triều Nguyễn, cùng với chế độ lương bổng được ban hành, cuối thời Gia Long, nhà vua còn quy định một khoản cấp thêm ngoài lương bổng để nuôi lòng liêm khiết của quan lại, còn gọi là tiền dưỡng liêm. Lúc đầu khoản tiền này chỉ để dành cho quan lại đứng đầu cấp phủ, huyện như Tri phủ, Tri huyện, bởi theo quan điểm của vua Gia Long thì “Phủ, huyện ở gần nhân dân, chức nhỏ nhưng việc nhiều, ngoài bổng chính ra, cấp thêm tiền gạo dưỡng liêm để tỏ đặc cách”[6]. Sau này dưới thời Vua Minh Mạng đối tượng được hưởng khoản tiền dưỡng liêm này được mở rộng hơn, ngoài Tri phủ, Tri huyện thì các quan giữ chức Tri Châu, Đồng tri phủ cũng được cấp loại tiền này, vì theo Vua Minh Mạng thì “tiền dưỡng liêm là để khuyến khích tiết tháo trong sạch[7]. Đặc biệt dưới thời Vua Tự Đức, tiền dưỡng liêm còn được cấp cho các phái viên thu thuế quan. Chế độ tiền dưỡng liêm chỉ được áp dụng cho các quan lại các cấp ở địa phương, quan chức thuộc bộ máy Trung ương ở kinh thành đều không nằm trong chế độ ưu đãi này.

Theo các tài liệu lịch sử thì giá trị thực tế của khoản tiền dưỡng liêm dưới triều Nguyễn rất lớn, nó tương đương với số lương bổng họ được nhận thực hàng tháng. Điều này có ý nghĩa rất lớn về vật chất vì quan lại có thể dựa vào tiền dưỡng liêm để bảo vệ tính thanh liêm cần thiết cho mình. Tiền dưỡng liêm thật sự là một biện pháp tương đối hữu hiệu trong việc ngăn ngừa tệ nạn tham những trong hàng ngũ quan lại triều Nguyễn.

Thành lập các cơ quan giám sát thực quyền và hiệu quả

Cùng với việc cải cách, củng cố bộ máy quan lại, các triều đình phong kiến còn có những biện pháp, quy chế tương đối chặt chẽ để có thể giám sát hành vi của quan lại. Ngay từ thời nhà Trần, triều đình đã đặt Ngự sử đài là cơ quan làm nhiệm vụ giám sát các hoạt động của quan lại triều đình.

Dưới triều Lê, Vua Lê Thánh Tông đã đặt ra 6 khoa để giám sát các quan lại thi hành công vụ. Ngự sử đài được đặt ở vị trí quan trọng, đứng đầu các bộ phận trong Ngự sử đài thường là những người có học vị tiến sĩ nắm giữ. Ngoài Ngự sử đài, triều đình còn đặt ra Lục khoa là cơ quan thanh tra ở sáu bộ, có trách nhiệm tâu hặc quan lại sai trái và các việc không đúng thể thức ở mỗi bộ. Ở địa phương triều đình lập ra cơ quan Giám sát Ngự sử để đi xem xét công việc ở cấp đạo trở xuống. Mỗi đạo lại có Hiến sát sứ ty để thanh tra quan lại tránh sự nhũng nhiễu dân chúng, đồng thời còn để kịp thời phát giác và hạch tội các quan, làm rõ những điều uẩn khuất trong dân chúng.

Năm 1804, dưới triều Nguyễn, ngay sau khi lên ngôi, Vua Gia Long đặt các chức Đô ngự sử và Phó đô ngự sử. Năm 1827, vua Minh Mạng đặt thêm các chức Cấp sự trung và Giám sát ngự sử. Đến năm 1832, ông chính thức đặt Đô Sát viện với một quy chế đầy đủ bao gồm Lục khoa và Giám sát ngự sử các đạo. Đô Sát viện với một đội ngũ Ngôn quan được phép có lời nói thẳng, nói thật, khuyên ngăn việc nước. Chức năng của Đô Sát viện được xác định là: “Phàm hoàng thân quốc thích, quan viên lớn nhỏ có điều làm bất công, bất pháp, thực trạng tham nhũng hay liêm khiết, hay hoặc dở của quan chức trong ngoài, cùng các chương tấu có ý kiến không theo công lý đều được tham hặc….”[8]. Nhiệm vụ của Đô Sát Viện là giám sát hành vi của các quan lại trong triều kể cả hoàng thân quốc thích để phát hiện ra những hành vi khuất tất, không công bằng, không giữ phép, dối trá, bưng bít, chuyên quyền đều phải tham hặc. Đô Sát Viện còn giám sát cả việc thi cử tuyển chọn nhân tài cho đất nước nhằm đảm bảo sự công bằng trong thi tuyển, lựa chọn được người hiền tài giúp nước, giúp vua.

Để thi hành công vụ, Đô Sát Viện có một hệ thống giám sát đoàn, Giám sát ngự sử 16 đạo trong Đô Sát Viện có nhiệm vụ giám sát dưới địa phương để phát hiện quan lại có tệ tham ô, tham hặc, những việc không công bằng, không giữ phép. Các quan chức trong Đô Sát Viện và các giám sát đoàn cũng có quyền “hặc tấu lẫn nhau”.

Đô Sát viện là cơ quan độc lập ở Trung ương chịu trách nhiệm trực tiếp trước Hoàng đế. Đó là cơ quan giám sát có quyền lực lớn nhất trong lịch sử tổ chức ngành Giám sát thời quân chủ ở Việt Nam. Có thể nói, Đô Sát Viện trên thực tế là cơ quan giám sát cao nhất và hoàn chỉnh nhất của triều Nguyễn, nó tạo nên một hệ thống giám sát từ Trung ương đến các địa phương chặt chẽ, vừa tăng cường được hiệu lực của cơ chế quân chủ tập quyền, vừa đảm bảo sự minh bạch, góp phần làm trong sạch bộ máy cai trị thời này.

Chống tham nhũng là việc của toàn dân

Các quy định của pháp luật phong kiến đều thể hiện sự đề cao chế định tố cáo tham nhũng. Các triều đại đều có cơ chế khuyến khích, động viên người tố cáo hành vi tham nhũng hiệu quả và coi đây là việc làm cần thiết vì phải có sự hợp lực bảo vệ, để người dân không bị trù dập khi tố cáo hành vi tham nhũng, ngăn chặn mọi yếu tố trả thù của kẻ tham nhũng và vây cánh.

Thời Lý quy định những người tố giác việc ăn trộm thuế triều đình của các viên quan thu thuế thì được miễn lao dịch ba năm, người ở kinh thành cáo giác thì được thưởng. Quốc triều Hình luật của Nhà Lê cũng có những quy định rõ ràng về chế độ thưởng xứng đáng cho người dân tố cáo đúng sự thật các hành vi tham nhũng: “Người thu lúa thuế ruộng, mà giấu giếm giảm bớt không đúng sự thực… thì người cáo giác được thưởng tùy theo việc nặng nhẹ” (Điều 351 Quốc triều Hình luật); Tuyển chọn quân lính không đúng quy định thì người tố giác đúng sự thật thì có thưởng tùy theo việc lớn nhỏ (Điều 170 Quốc triều Hình luật)…

Pháp luật triều Nguyễn cũng thế hiện rất rõ những quan niệm này, Vua Gia Long quy định nếu người coi kho và người bảo vệ biết được hành vi và thủ đoạn người lấy trộm và tố cáo thì được miễn tội. Nếu người bên ngoài phát hiện quả tang hành vi thì được thưởng gấp 10 lần số tang vật. Nếu chủ kho và lính bắt được quả tang thì thưởng gấp 5 lần.

Để phát huy vai trò của người dân trong việc tham gia vào công việc của triều đình nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng, các triều đại khác nhau đều có các hình thức thích hợp để khuyến khích họ. Vua Lê Thánh Tông cho đặt hòm thư tại sân đình để người dân có thể viết thư phản ảnh và bỏ vào đó; người dân được phép yết bảng nêu việc làm tốt, xấu của quan lại địa phương.

Dưới triều Nguyễn, Vua Gia Định đã mở hòm thư “dân ý” để thông suốt ý dân; nhà vua cũng ban chiếu “cầu ngôn” để được nghe lời nói thẳng, quy tụ nhân tâm, chiều mộ hiền tài. Để phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng, nhà Vua quy định tất cả các quy chế nội dung công việc đều được công khai minh bạch, tạo điều kiện cho người dân giám sát dễ dàng. Nhà nước yêu cầu dân chúng, đặc biệt là binh lính, thợ thuyền phải luôn quan tâm đến tài sản, vật tư của quốc gia. Trên các công trường, các chỉ dụ của Vua về tội tham nhũng, cách xử tội, danh sách các quan vi phạm được làm thành nhiều bản, niêm yết nhiều nơi, nhằm công khai cho mọi người biết thủ đoạn moi ruột công quỹ và biển thủ vật tư, từ đó để mọi người cảnh giác và phát hiện.

Có thể thấy rằng ông cha ta trước đây luôn quan niệm coi phòng, chống tham nhũng là việc của toàn dân để từ đó đề ra những biện pháp, hình thức khuyến khích hợp lý để người dân tố cáo tham nhũng đã mang lại những hiệu quả nhất định trong việc xây dựng bộ máy phong kiếm vững mạnh, thanh liêm, xây dựng niềm tin trong dân chúng.

2. Xử lý khiêm khắc vụ việc tham nhũng

Xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng

Trong các Bộ luật cũng như trong những văn bản pháp luật khác của các triều đại phong kiến đều có những quy định nghiêm cấm các hành vi mà quan lại không được làm:

- Không được tham lam, vơ vét của cải của dân;

- Quan lại không được nhận hối lộ, nếu nhận thì tuỳ theo số lượng tiền mà trị tội;

- Quan thu thuế không được ẩn lậu;

- Không được phép lợi dụng việc công để mưu lợi việc riêng;

- Nghiêm cấm việc vì tình riêng, vì nhận hối lộ mà tiến cử người kém tài, kém đức;

- Các quan xét xử phải giữ phép công bằng, không được nhận đút lót mà làm sai, để có người bị oan uổng.

Trong tất cả các trường hợp, những hành vi tham nhũng đều bị xử lý rất nghiêm khắc bất kể kẻ tham nhũng là quan lại hay là người trong hoàng tộc. Ngay từ thời nhà Lý đã có những quy định cụ thể về việc trừng trị những hành vi tham ô, ăn trộm của công. Trong quy định về thể lệ thu thuế có định rõ, các quan lại thu thuế của nhân dân, ngoài mười phần đóng vào kho nhà nước, được thu riêng một phần gọi là “hoành đầu”. Kẻ nào thu quá số ấy thì bị khép vào tội ăn trộm. Khố ty thu thuế lụa, nếu ăn lễ lấy lụa của nhân dân thì cứ mỗi thước lụa phạt 100 trượng; một tấm lụa đến trên 10 tấm thì theo số tấm, thêm phối dịch 10 năm.

Bộ Luật Hồng Đức thời Lê có gần 30 điều khoản quy định chế tài áp dụng cho các hành vi tham nhũng, trong đó các hình có quy định: “Những người quyền quý thế gia và các hoạn quan nội thần không được cầu cạnh nhờ cậy việc quân với các quan tướng hiệu, nếu trái thì quan nhất phẩm, nhị phẩm bị phạt hay biếm, quan tam phẩm, tứ phẩm thì bị cách chức hay bị đồ; quan ngũ phẩm, lục phẩm thì bị đồ hoặc lưu, quan thất phẩm trở xuống thì bị lưu hoặc tử hình. Quan tướng hiệu nhận lời thì bị tội đồ hoặc lưu, nếu không thiệt hại đến việc quân thì được giảm…”[9].

Trong các quy định của Luật Gia Long có 17 quyển quy định riêng về Luật hình đối với tội nhận hối lộ (đút lót) và gần 20 điều khoản quy định cụ thể về vấn đề này. Điều 392 Bộ Luật Gia Long : “Người nào dùng các thủ đoạn biển thủ, lấy trộm tiền lương, vật tư ở kho, cũng như mạo phá vật liệu đem về nhà. Nếu tang vật lên đến 40 lượng thì bị chém”. Người phụ trách việc xây dựng, không được lợi dụng quyền để mượn vật tư, tiền công dù rất nhỏ, nếu bị phát giác sẽ bị quy tội nặng. Các quan cậy thế hoặc dùng sức ép để buộc người khác cho mình mượn hàng hoá, vật tư, tiền công thì tuỳ theo tang vật để xử phạt: Nếu nhẹ thì mỗi thứ hàng hoá phạt 100 trượng, bị lưu 3.000 dặm, thu hồi hết tang vật, nếu nặng thì tử hình.

Từ những phân tích trên đây có thể thấy các triều đại phong kiến Việt nam đều có thái độ kiên quyết trong việc ngăn chặn và xử lý nạn tham nhũng. Các hình phạt dành cho tội tham nhũng thường rất nghiêm khắc, nhẹ thì làm bãi chức, Lưu (đày đi xa và bắt làm việc khổ sai); Đồ (bắt làm các công việc khổ nhục)… mức hình phạt nặng có thể bị chém đầu. Các biện pháp xử lý cũng rất đa dạng nhằm hạn chế tối đa sự phát triển của tệ nạn này. Chính nhờ những biện pháp kiên quyết và phù hợp như vậy mà nhiều triều đại đã duy trì được sự ổn định chính trị, xã hội, đồng thời quản lý điều hành đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn bởi thiên tai, địch họa.

Xử lý tài sản tham nhũng trong pháp luật phong kiến

Bên cạnh các hình phạt hình sự, tuỳ từng trường hợp, người có hành vi tham nhũng còn bị áp dụng một số hình phạt phụ như: Phạt tiền, tịch thu tài sản, biếm tước… Những quy định của Bộ Luật Hồng Đức về vấn đề xử lý tài sản tham nhũng khá rõ ràng và dựa trên nguyên tắc người có hành vi tham nhũng đều phải bồi thường gấp đôi số tài sản tham nhũng và sung công hoặc trả lại cho người dân. Đây cũng là nguyên tắc xử lý tài sản tham nhũng được quy định trong Bộ luật Gia Long triều Nguyễn.

Những quy định thời Lê được thể hiện rõ trong Quốc triều Hình luật, Bộ luật này đã xác định khá rõ ràng vấn đề xử lý tài sản tham nhũng, về nguyên tắc người có hành vi tham nhũng đều phải bồi thường gấp đôi số tài sản tham nhũng và sung công (nếu tham nhũng của công): Quan lại ăn hối lộ (Điều 138): Quan ty làm trái pháp luật mà ăn hối lộ thì bị xử phạt gấp đôi nộp vào kho; Lãng phí của công (Điều 560) thì phải bồi thường gấp đôi; Thu thuế thóc lúa mà giấu bớt, không đúng sự thật (Điều 351): Người thu lúa thuế ruộng, mà giấu giếm giảm bớt không đúng sự thực thì bồi thường gấp đôi số thóc vào kho...

Qua những phân tích trên đây về xử lý hành vi và tài sản tham nhũng cho thấy, ngay từ thời phong kiến, ông cha ta đã có quan điểm, nguyên tắc phòng, chống tệ tham nhũng khá toàn diện, triệt để. Những hình phạt dành cho tội tham nhũng khá bao quát, từ nhẹ đến nặng, phương pháp xử lý luôn hướng tới triệt tiêu tài sản có được từ tham nhũng, không những vậy, với nguyên tắc bồi thường gấp đôi số tài sản tham nhũng được còn có ý nghĩa răn đe quan lại để họ không dám tham nhũng./.

TS. Phạm Thị Huệ

Phó Trưởng phòng Thông tin, Viện KHTT

Nguồn http://giri.ac.vn

 

 


 

[1] Nghĩ về phương sách dùng người giỏi thời nhà Nguyễn. Nguồn: www.hue.vn  Ngày 24/1/2006

[2] Nghĩ về phương sách dùng người giỏi thời nhà Nguyễn. Nguồn: www.hue.vn  Ngày 24/1/2006

[3] Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, NXB Tổng hợp TP HCM, tr. 230

[4]Đại Việt sử ký toàn thư. NXB Khoa học xã hội. H.1998. tr. 469-474.

[5] Đại Việt sử ký toàn thư.Tập II, NXB Khoa học xã hội. H.1998. tr. 361.

[6]Nguồn www. Wikipedia.org, từ khoá “dưỡng liêm” + “thời Nguyễn”

[7]Nguồn www. Wikipedia.org, từ khoá “dưỡng liêm” + “thời Nguyễn”

[8] Các biện pháp chế tài để điều tiết cực quyền của bộ máy nhà nước tập quyền triều Nguyễn. Nguồn www.hue.vnn.vn.  Ngày 24/11/2006

[9] Điều 172 Bộ luật Hồng Đức

 

 

Phòng, chống tham nhũng trong pháp luật phong kiến Việt Nam

Tác giả TS. Phạm Thị Huệ - Phó Trưởng phòng Thông tin, Viện KHTT
Tạp chí http://giri.ac.vn
Năm xuất bản 2018
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ