Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.
THẨM QUYỀN ĐIỀU TRA CỦA CƠ QUAN CẠNH TRANH CHÂU ÂU

Thẩm quyền điều tra của cơ quan cạnh tranh Châu Âu

Đảm bảo các hoạt động cạnh tranh trên toàn khu vực thị trường chung được lành mạnh, hiệu quả, không bị cản trở, bóp méo là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Liên minh Châu Âu. Cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả được coi là nhân tố tạo ra các điều kiện tốt nhất cho các hoạt động sáng tạo đổi mới, khuyến khích các hoạt động kinh doanh và là môi trường tốt nhất mang lại lợi ích tối ưu cho người tiêu dùng cũng như cộng đồng các doanh nghiệp. Vì vậy, chính sách cạnh tranh của Liên minh Châu Âu nhằm hướng tới đạt được ba mục tiêu trọng tâm gồm (i) nâng cao phúc lợi cho người tiêu dùng thông qua việc duy trì và bảo vệ môi trường cạnh tranh tự do và lành mạnh, (ii) hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao tính cạnh tranh của cả khu vực kinh tế Châu Âu, và (iii) thúc đẩy hình thành một nền tảng văn hoá cạnh tranh chung[1]. Để đạt được mục tiêu đề ra, Ủy ban Châu Âu có nhiệm vụ phải thực thi hiệu quả các quy định tại Điều 101 và 102, Hiệp ước về hoạt động của Liên minh Châu Âu (TFEU), trong đó Điều 101 quy định cấm đối với các hành vi thoả thuận gây hạn chế cạnh tranh và Điều 102 quy định cấm đối với các hành vi lạm dụng sức mạnh thống lĩnh thị trường.

Việc thực thi của Ủy ban Châu Âu được tiến hành thông qua các hoạt động điều tra, xử lý đối với các chủ thể vi phạm, tức có các hành vi phản cạnh tranh như thoả thuận hạn chế cạnh tranh hay lạm dụng sức mạnh thống lĩnh thị trường. Để làm được điều này, Ủy ban Châu Âu phải có những thẩm quyền nhất định trong quá trình điều tra. Theo quy định tại Quy chế số 1/2003 ngày 16 tháng 12 năm 2002 của Hội đồng Châu Âu nhằm thực thi các điều khoản về cạnh tranh trong Hiệp ước hoạt động của Liên minh Châu Âu, Ủy ban Châu Âu có thẩm quyền tiến hành điều tra (Điều 17) và cùng với đó là quyền yêu cầu cung cấp thông tin (Điều 18), quyền thực hiện thẩm vấn lấy lời khai (Điều 19) và quyền thực hiện khám xét (Điều 20).

1. Quyền điều tra của Ủy ban Châu Âu

Trong trường hợp khi Ủy ban Châu Âu thấy rằng cạnh tranh trên thị trường đang có vấn đề thì có thể thực hiện điều tra. Cuộc điều tra có thể nhắm đến một ngành, lĩnh vực nhất định hoặc một dạng hành vi thoả thuận, lạm dụng cụ thể nào đó trên thị trường. Trong quá trình điều tra, Ủy ban Châu Âu có thể yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin cần thiết hoặc tiến hành bất kỳ một hoạt động điều tra cần thiết nào nhằm đạt được kết quả điều tra.

2. Yêu cầu cung cấp thông tin

Để phục vụ công tác điều tra, Ủy ban Châu Âu có thể thông qua phương thức gửi thư yêu cầu hoặc mạnh hơn nữa là ra quyết định yêu cầu các bên liên quan cung cấp toàn bộ các thông tin cần thiết.

Trong cả hai trường hợp gửi thư hoặc ra quyết định yêu cầu cung cấp thông tin, trong thư hoặc trong quyết định Ủy ban Châu Âu phải nêu rõ cơ sở pháp lý và mục đích của việc cung cấp thông tin, nêu rõ các loại thông tin nào được yêu cầu cung cấp và xác định rõ thời hạn cung cấp, đồng thời nêu rõ hình thức và mức độ xử lý có thể được đưa ra trong trường hợp không cung cấp thông tin, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp các thông tin sai lệch.

Ngay khi gửi thư hoặc quyết định yêu cầu cung cấp thông tin cho các bên liên quan, Ủy ban Châu Âu đồng thời phải gửi một bản sao thư hoặc quyết định đó cho cơ quan cạnh tranh ở nước sở tại. Cơ quan cạnh tranh hay thậm chí Chính phủ nước sở tại cũng cần phối hợp cung cấp các thông tin cần thiết cho Ủy ban Châu Âu.

3. Thẩm vấn lấy lời khai

Trong quá trình điều tra, Ủy ban Châu Âu cũng có thể tiến hành phỏng vấn hoặc thẩm vấn lấy lời khai của bất kỳ một cá nhân hoặc thể nhân nào với mục tiêu thu thập các thông tin, chứng cứ cần thiết hoặc có liên quan đến các vấn đề đang được điều tra.

Trường hợp nếu cuộc phỏng vấn hay thẩm vấn lấy lời khai được thực hiện tại địa điểm của các bên liên quan, Ủy ban Châu Âu phải thông báo cho cơ quan cạnh tranh nước sở tại và có thể tranh thủ sự giúp đỡ từ các cán bộ điều tra từ cơ quan cạnh tranh của nước sở tại.

4. Khám xét

Khám xét là một trong những quyền năng rất lớn của Ủy ban Châu Âu trong quá trình thực hiện điều tra. Các điều tra viên và cán bộ hỗ trợ được Ủy ban Châu Âu giao thẩm quyền thực hiện khám xét có quyền:

- Tiếp cận và khám xét bất kỳ khu vực trụ sở, văn phòng, nhà xưởng, phạm vi địa lý hay bất kỳ một phương tiện giao thông nào của các đối tượng bị tình nghi,

-  Kiểm tra xem xét bất kỳ một quyển sổ ghi chép hay bất cứ một phương tiện ghi chép nào có liên quan tới các hoạt động kinh doanh hoặc nghi vấn có chứa đựng thông tin về hành vi vi phạm,

- Thu giữ bản sao dưới bất kỳ phương thức nào hoặc sao trích bất kỳ nội dung nào trong các sổ ghi chép hoặc các phương tiện ghi chép,

- Niêm phong bất kỳ khu vực trụ sở, văn phòng, nhà xưởng hay bất kỳ sổ ghi chép, các phương tiện ghi chép khác trong một khoảng thời gian và ở một chừng mực nào đó mà thấy cần thiết cho việc điều tra,

- Yêu cầu bất kỳ một đại diện hoặc nhân viên nào đó của đương sự giải thích hoặc lý giải về những bằng chứng hoặc tài liệu liên quan đến nội dung điều tra và câu trả lời được ghi lại để phục vụ điều tra.

Ngoài ra, nếu có cơ sở tình nghi xác đáng về việc các sổ hoặc các phương tiện ghi chép khác liên quan đến hoạt động kinh doanh và liên quan đến nội dung điều tra, có thể được dùng để chứng minh cho hành vi vi phạm đang được cất giữ tại bất kỳ một địa điểm nào khác, khu vực địa lý nào khác hoặc trong một loại phương tiện giao thông nào khác, bao gồm cả nơi ở của các lãnh đạo doanh nghiệp hoặc các nhân viên khác liên quan, Ủy ban cạnh tranh Châu Âu có thể đưa ra quyết định để thực hiện khám xét trong khuôn khổ của các địa điểm, khu vực địa lý hay phương tiện đó. Trong trường hợp này, Quyết định khám xét của Ủy ban Châu Âu phải nêu rõ nội dung và mục tiêu khám xét, chỉ rõ thời gian cuộc khám xét bắt đầu và chỉ rõ quyền của các bên liên quan được yêu cầu Toà công lý Châu Âu xem xét đối với quyết định khám xét được đưa ra. Việc đưa ra quyết định khám xét cũng cần phải có sự tham vấn từ phía cơ quan cạnh tranh của nước sở tại.

Các thẩm quyền trên đây cần phải được thể hiện một cách rõ ràng và thống nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan cạnh tranh trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Ví dụ như tại Quy chế số 1/2003 ngày 16 tháng 12 năm 2002 của Hội đồng Châu Âu để thực thi các điều khoản về cạnh tranh trong Hiệp ước hoạt động của Liên minh Châu Âu có quy định cụ thể về thẩm quyền của cơ quan cạnh tranh bao gồm thẩm quyền điều tra tại Điều 17, thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin tại Điều 18, thẩm quyền thực hiện lấy lời khai tại Điều 19, và thẩm quyền thực hiện khám xét tại Điều 20.

Phùng Văn Thành

(Phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh)

 

[1] Trích nội dung Báo cáo của Ủy ban Châu Âu năm 2011 về vấn đề chính sách cạnh tranh.

THẨM QUYỀN ĐIỀU TRA CỦA CƠ QUAN CẠNH TRANH CHÂU ÂU

Tác giả PHÙNG VĂN THÀNH
Tạp chí 2015
Năm xuất bản 0
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ