Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.
THU HÚT DÒNG VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TRONG BỐI CẢNH  ĐỔI MỚI KINH TẾ TẠI MIANMA (2011-2015)

THU HÚT DÒNG VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TRONG BỐI CẢNH

 ĐỔI MỚI KINH TẾ TẠI MIANMA (2011-2015)

TS.Trần Thị Ngọc Quyên

NCS.Trịnh Quang Hưng

 

Tóm tắt

Thực tế, trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bên cạnh các địa điểm hấp dẫn các chủ đầu tư nước ngoài như Singapore, Malayxia, Thái Lan, thì gần đây, trong số các nước CLMV[1], Mianma được đánh giá cao với triển vọng phát triển kinh tế. Năm 2011, chính phủ nước này đã tuyên bố mở cửa nền kinh tế và cũng là mốc đánh dấu tăng trưởng ấn tượng trong thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Một trong những cải cách nổi bật của chính phủ Mianma là tập trung từng bước hoàn thiện quy định pháp lý liên quan đến FDI. Trong bài viết này, tác giả sẽ tập trung phân tích rõ thực tiễn thu hút FDI và một số nhân tố ảnh hưởng đến thu hút dòng vốn này tại Mianma trong bối cảnh đổi mới nền kinh tế.

Từ khóa: thu hút, FDI, Mianma, đổi mới.

Abstract:

In the Association of South-East Asian Nation (ASEAN), besides the locations such as Singapore, Malaysia, Thailand, nowadays, Myanmar, one of the members of the group CLMV,  has been considered recently as the potential economy with the prospect of the economic development. In 2011, its government has announced to open the economy and this year also has been as the period of the significant growth of attracting foreign direct investment (FDI) flow. One of the specific reconstruction of Myanmar’s government is gradually concentration on improving the legal framework relating FDI. In this paper, the authors will focus on the reality of FDI and some significant factors affecting this investment flow in Myanmar in the context of the economy renovation.

Key words: Attracting, FDI, Myanmar, renovation.

 1. Mianma với quá trình đổi mới nền kinh tế

1.1 Giới thiệu chung

Mianma là một trong những nước có nhiều tiềm năng phát triển tại ASEAN. Quốc gia này thuộc nhóm nước có diện tích lớn tại ASEAN với 678.500 km2, đường biên giới giáp với 5 quốc gia là Ấn Độ, Ápganistan, Trung Quốc, Thái Lan và Lào, với dân số hơn 51 triệu người. Quốc gia này có các nguồn tài nguyên thiên nhiên khá phong phú, đặc biệt là khoáng sản, dầu lửa và gas tự nhiên, gỗ quý, đất đai phì nhiêu và hầu như còn khá hoang sơ, nguồn thủy sản có trữ lượng lớn, đã tạo nên sức hấp dẫn khá lớn đối với thu hút dòng vốn FDI. Vì vậy, khi còn ở giai đoạn chưa mở cửa nền kinh tế, Mianma là đại điểm đầu tư hứa hẹn đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, Mianma được biết đến là nhà sản xuất thực phẩm và các nông sản khác như gạo và đậu, tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng và công nghiệp (CN) tại nước này đều được nhập khẩu. Bên cạnh đó, theo đánh giá của ADB, năm 2013 tốc độ tăng trưởng GDP của quốc gia này là 6,5%. Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ASEAN đang nỗ lực thực hiện quá trình công nghiệp hóa, đạt được tăng trưởng ổn định, đồng thời điều chỉnh chính sách đối ngoại trong đó có thu hút FDI, cùng với Việt Nam, Mianma được đánh giá là thành viên trong nhóm các nước CLMV có những nỗ lực nổi bật. Trong hơn 5 năm gần đây, với quyết tâm đổi mới của chính phủ Mianma, nền kinh tế đã dần có thay đổi toàn diện. [2]

1.2 Quá trình đổi mới

Trước đây, Hội đồng cải cách của Mianma đã phác thảo Ý tưởng kinh tế mới của quốc gia này trong con đường Miến Điện đến xã hội chủ nghĩa, nhằm chống đối quan điểm mở cửa đối với hoạt động kinh doanh, thể hiện rõ như cấm các doanh nghiệp tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài được thành lập vào năm 1963 (Turnell S. , 2009). Chính phủ đã triển khai chính sách quốc hữu hóa đối với các khu vực tư nhân bao gồm hoạt động sản xuất nông nghiệp và CN, phân phối, vận tải, truyền thông, bán buôn và bán lẻ cũng như ngân hàng, giáo dục tư nhân và nhiều lĩnh vực dịch vụ khác (Than, 2006). Trong thời gian dài, chính phủ Mianma đã kiểm soát chặt chẽ các nguồn lực của nền kinh tế. Chính phủ nước này đóng vai trò kiểm soát đối với nền kinh tế chuyển đổi hướng tới thị trường thông qua các doanh nghiệp sở hữu nhà nước (SOEs) và kết hợp với kiểm soát nền kinh tế.

Từ năm 2011, Mianma bắt đầu quá trình chuyển đổi, trong đó một nhân tố cốt lõi của chương trình nghị sự đổi mới kinh tế là xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh và hiệu quả hơn.[3] Để hướng đến đổi mới và phát triển kinh tế dài hạn, chính phủ Mianma đã phát triển Khung đổi mới kinh tế và chính trị (The Framework for Economic and Social Reforms).[4] Về tổng thể, chính phủ cần có các ưu tiên chính sách trong thời gian tới nhằm đưa nước này trở thành một quốc gia dân chủ và hiện đại vào năm 2030, trong đó bao gồm hàng loạt các chính sách liên quan trực tiếp đến SMEs, bao gồm kinh tế vĩ mô, cải hiện quản trị và tăng cường chi tiêu công (Bisinger & Maung, 2014).

Từ 19/6/2012, Thủ tướng Thein Sein đã tuyên bố rằng chính phủ nước này đang bước vào giai đoạn thứ 2 của chiến lược đổi mới quốc gia tập trung vào phát triển kinh tế. Bốn chính sách kinh tế cụ thể đó là: phát triển nông nghiệp bền vững hướng tới công nghiệp hóa và phát triển tổng thể; phát triển cân bằng, đặc biệt giữa các địa phương và các vùng với tỷ trọng cân bằng từ ngân sách và thuế, viện trợ nước ngoài và đầu tư trong nước và nước ngoài; tăng trưởng đối với các nhóm dân cư và cuối cùng là kết hợp giữa chất lượng và tính xác thực của nguồn thống kê. Đồng thời, một trong 5 chiến lược quan trọng của Mianma chính là chiến lược thúc đẩy FDI (FDI-driven) và thu hút FDI được coi là một ưu tiên hàng đầu. Chiến lược kinh tế của Mianma rõ ràng, hoạt động ngoại thương, chế độ tỷ giá, tài chính và ngân hàng và môi trường kinh doanh là những nhân tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế của quốc gia này sang nền kinh tế thị trường và những nội dung này được chính phủ lựa chọn nhằm tập trung vào đổi mới kinh tế.[5]

Hiện nay, mối quan hệ của Mianma với các nhà cung cấp tín dụng song phương và đa phương được bình thường hóa. Vào tháng 4/2012, nước này đã đồng ý triển khai kế hoạch tái cấu trúc các khoản nợ với Nhật Bản và các đối tác cấp tín dụng lớn nhất của quốc gia này. Tiếp đến vào tháng 01/2013, Mianma đã nhận được cam kết về các nguồn hỗ trợ đến từ Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).

Trong những năm qua, chính phủ nước này đã theo đuổi quá trình đổi mới về kinh tế sâu rộng. Nhân tố trung tâm được nuôi dưỡng chính là thay đổi chế độ quản lý mềm dẻo. Chính phủ cũng giảm bớt những rào cản liên quan đến nhập khẩu và hạn chế chuyển đổi, từng bước tự do hóa trong lĩnh vực ngân hàng và các lĩnh vực dịch vụ khác.

Triển vọng trong trung hạn của quốc gia này là sáng sủa nếu như những rào cản về thể chế dần được dỡ bỏ nhiều hơn. Quốc gia này có tiềm năng kinh tế nhất định với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong trung hạn khoảng 7%. Hơn nữa, nguồn tài nguyên dồi dào, diện tích đất trồng trọt rộng lớn, nguồn lao động trẻ và rẻ và có vị trí địa lý chiến lược, nhờ đó đã tạo nên giấy thông hành cho Mianma tham gia vào chuỗi cung ứng không chỉ tại ASEAN mà ở khu vực châu Á. Mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng gia tăng, thậm chí còn nhiều hơn cả 3 quốc gia còn lại trong nhóm CLMV là Việt Nam, Lào và Campuchia. Tuy nhiên, để chuyển đổi những yếu tố vốn thuận lợi này trở thành hiện thực, tăng trưởng ổn định, thể chế và chính sách quản lý nền kinh tế và giám sát hệ thống tài chính cần được chính phủ quan tâm và xây dựng nhanh chóng. Hơn nữa, chính sách hỗ trợ đầu tư tư nhân cũng như đầu tư công đối với cơ sở hạ tầng, sức khỏe và giáo dục là cần thiết.

Từ những phân tích về tính hấp dẫn trong môi trường FDI tại Mianma, WB, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và ADB gần đây đã có nguồn số liệu tin cậy về các chỉ số kinh tế vĩ mô và tổng hợp về quá trình đổi mới kinh tế của Mianma.[6] Đặc biệt là Báo cáo của ADB năm 2012 đã nhìn nhận thấy cơ hội và thách thức đối với quá trình chuyển đổi của Mianma. Nghiên cứu Tổng hợp chính sách đầu tư do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã phân tích chi tiết và đầy đủ về môi trường đầu tư Mianma (OECD 2014), trong đó đã nhận ra những vấn đề liên quan đến tính không hiệu quả của các bên tham gia trong quá trình đổi mới pháp lý nhanh chóng, hợp tác giữa các bộ còn yếu và hạn chế về năng lực cả ở trong và ngoài bộ máy chính phủ.  

2. Thu hút FDI trong tại Mianma

2.1 Tình hình chung

Về quy mô đầu tư, trong nhóm nước CLMV, Mianma là quốc gia đạt tổng vốn FDI khá ấn tượng, vượt qua cả Lào và Campuchia.

Bảng 2.1: Quy mô đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nhóm nước CLMV tại ASEAN

(2010-2014)

                                                                                                           Đơn vị tính: triệu USD

         QUỐC GIA

2010

2011

2012

2013

2014

Campuchia

782,6

891,7

1.274,9

1.274,9

1.726,5

Lào

332,6

466,8

294,4

426,7

913,2

Mianma

2.248,8

2.058,2

1.354,2

2.620,9

946,2

Việt Nam

8000

7.519

8.368

8.900

9.200,1

Nguồn: ASEAN Secretariat tháng 5/2015

Về lĩnh vực đầu tư, giống như nhiều thành viên ASEAN, quốc gia này đã thu hút rất nhiều dự án FDI trong lĩnh vực khai khoáng như tìm kiếm và thăm dò dầu khí và năng lượng, khai thác khoáng sản,  tiếp đến là những dự án trong CN chế tạo.

Bảng 2: Quy mô đầu tư trực tiếp nước ngoài phân theo ngành vào Mianma (2011-2015)

STT

LĨNH VỰC

Số lượng

Tổng vốn đăng ký (Triệu USD)

Tỷ trọng (%)

1

Dầu khí

151

19.641.778

32,2

2

Năng lượng

9

19.371.542

32,75

3

Chế tạo

585

6.245.182

10,56

4

Vận tải và viễn thông

29

4.753.222

8,04

5

Khai khoáng

70

2.870.866

4,85

6

Bất động sản

32

2.517.411

4,26

7

Du lịch và khách sạn

58

2.270.800

3,84

8

Chăn nuôi và thủy sản

34

452.835

0,77

9

Nông nghiệp

17

242.686

0,41

10

Khu công nghiệp

4

203.113

0,34

11

Xây dựng

2

37.767

0,06

12

Các dịch vụ khác

42

545.916

0,92

 

Tổng

1033

59.153.118

100

Nguồn: Directorate of Investment and Company Administrator (DICA)

Trong số các ngành tiềm năng phát triển tại Mianma, lĩnh vực dịch vụ cũng đã bắt đầu thu hút được sự quan tâm của các chủ đầu tư nước ngoài, cụ thể trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, du lịch, khách sạn, y tế.

2.2 Một số đặc điểm nổi bật trong thu hút dòng vốn FDI tại Mianma

Gần đây, Mianma được đánh giá cao với triển vọng phát triển kinh tế thuộc nhóm các nước CLMV. Năm 2011, quốc gia này tuyên bố mở cửa nền kinh tế và cũng là mốc đánh dấu tăng trưởng ấn tượng trong thu hút dòng vốn FDI.

 Một trong những cải cách nổi bật của chính phủ Mianma là tập trung hoàn thiện hệ thống luật liên quan đến FDI. Trong số các nhóm ngành, bên cạnh CN chế tạo, lĩnh vực khai khoáng, nhóm dịch vụ thường được coi là lĩnh vực khá nhạy cảm. Mianma được đánh giá là quốc gia có Khung pháp lý liên quan đến FDI ngày càng hoàn thiện: từ Luật đầu tư nước ngoài (2012) đến các luật cụ thể điều chỉnh từng lĩnh vực dịch vụ như Luật Ngân hàng Trung ương (2013), Luật Quản lý ngoại hối (2013),…Bên cạnh đó, chính phủ cũng có các quy định cụ thể trong từng lĩnh vực như như ngân hàng, du lịch, viễn thông,… cũng như các quy định liên quan trực tiếp đến lao động. Mianma đã thành lập hiệp hội cơ quan lao động quốc tế thông qua các văn phòng tại Malayxia và Thái Lan.

Về xếp hạng của WB liên quan đến hoạt động kinh doanh (Ease and Starting of Business), quốc gia này vẫn là thành viên đứng cuối cùng tại ASEAN và cũng là nước xếp cuối trong danh sách các nước châu Á, chỉ sau Apghanistan và Băngladesh. Tuy nhiên, Mianma đã dần trở thành quốc gia thuận lợi nhất đối với hoạt động khởi sự kinh doanh và đảm bảo cung cấp điện năng. Chính quyền cũng giảm bớt yêu cầu về vốn tối thiểu đối với các doanh nghiệp nội địa khởi nghiệp, thuận lợi hóa thủ tục doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ nhằm tiết kiệm thời gian và nguồn lực.[7] Chính phủ cũng giảm thời gian để kết nối điện năng mới tại Yangon, thông qua đề nghị với Bộ Năng lượng điện. Năm 2014, chính phủ Mianma đã cho phép các chính quyền địa phương thông qua các dự án thuộc danh mục đầu tư dưới 10 tỷ Kyat.

Các hoạt động hỗ trợ trong kinh doanh đối với doanh nghiệp nước ngoài ngày càng được cải thiện. Về cơ sở hạ tầng và dịch vụ, nhằm tạo điều kiện thu hút vốn FDI, chính phủ tập trung phát triển các khu kinh tế đặc biệt theo tiêu chuẩn quốc tế với sự hỗ trợ của TNCs của Nhật Bản, các đường bay quốc tế đã được mở từ Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đến thủ đô Yangon. Đồng thời, Chính phủ cho phép cấp visa ngay tại cửa khẩu cho các công dân nước ngoài đến Mianma, trong đó quy định khách du lịch được lưu trú tại Mianma 28 ngày, doanh nghiệp được lưu trú 70 ngày và công vụ là 28 ngày. Đối với các thành viên ASEAN, chính phủ đã áp dụng quy định miễn visa du lịch.  

   Bên cạnh đó, chính phủ nước này cũng đã triển khai khá linh hoạt nhiều chính sách mở trong một số lĩnh vực dịch vụ. Thời gian gần đây, các nhà đầu tư đã rất quan tâm triển khai các dự án như ngân hàng, y tế, du lịch, bất động sản, viễn thông. Trong bối cảnh chung trên thế giới, cụ thể là tại ASEAN, các quốc gia đều đang điều chỉnh chính sách FDI theo hướng tự do hóa, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ thì những quy định trên đây của Mianma là phù hợp với xu hướng chung trong khu vực, đặc biệt là những quy định thâm nhập và hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nhằm phù hợp và theo kịp với 9 nước thành viên.

            3. Thực tiễn một số dự án FDI trong dịch vụ tại Mianma

3.1 Ngân hàng:

Số lượng các ngân hàng và chi nhánh ngân hàng tại nước này rất nhiều, do chính phủ Mianma đã nới lỏng các giấy phép đối với hàng loạt ngân hàng tư nhân nước ngoài, cho phép doanh nghiệp nước ngoài được cung cấp các dịch vụ ngân hàng quốc tế, bao gồm chuyển điện tín và thư tín dụng (L/C) trong thương mại (Yin, 2013). Điều này sẽ giảm bớt độc quyền của ngân hàng nhà nước đối với hoạt động của các ngân hàng quốc tế và thương mại trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó hạn chế chuyển tiền và các hoạt động thanh toán khác ở nước ngoài. (IMF, 2013) (Yin, 2013)

Phát triển hệ thống ngân hàng tại Mianma cho phép thúc đẩy tăng trưởng sản xuất thông qua tăng cường cung cấp các giải pháp tài chính xương sống cho thương mại. Năm 2013, Luật Ngân hàng trung ương (Central Bank Law – 2013) giúp cho NHTW độc lập hơn đối với Bộ Tài chính và linh hoạt hơn trong kiểm soát đồng tiền Mianma và lĩnh vực tài chính. Luật 2013, Luật quản lý Ngoại tệ, loại bỏ những rào cản đối với các giao dịch quốc tế. Năm 2015 chỉ có khoảng 4,8% người dân nước này có tài khoản tại ngân hàng, từ đó đã tạo ra cơ hội lớn đối với các ngân hàng nước ngoài trong cung cấp dịch vụ chuyển tiền trên điện thoại trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực ngân hàng, United Overseas Bank (UOB) đã ký thỏa thuận tài chính với công ty Royal GK Private Limited để phục vụ cho cơ sở năng lượng tại Yangon. UOB là 01 trong 9 ngân hàng nước ngoài đã nhận được giấy phép ngân hàng nước ngoài từ Ngân hàng trung tâm của Mianma. (The Central Bank of Myanmar)  vào tháng 10/2014.  Hiện nay chỉ có 1/4 dân số Mianma trong số hơn 51 triệu dân có thể tiếp cận điện.

Còn Malayan Banking Berhad (Maybank) cũng là một trong 9 ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Mianma. Ngân hàng này sẽ tập  trung các giải pháp vào hỗ trợ bán buôn và các khách hàng doanh nghiệp, cũng như các ngân hàng nội địa tại Mianmar với các dịch vụ như các tài khoản đặt cọc, hỗ trợ tài chính đối với tài sản lưu động, giao dịch ngân hàng, quản lý tiền mặt, thị trường vốn và tài sản có giá.  Maybank có khả năng cung cấp cho các khách hàng tại Mianma hàng loạt các giải pháp ngân hàng bán buôn tổng thể bao gồm cả dịch vụ hỗ trợ, hỗ trợ tài chính phân phối thương mại, cũng như các giải pháp nhằm quản lý tỷ giá hối đoái và rủi ro lãi suất. MB cũng là nhóm trong số 4 ngân hàng đứng đầu tại ASEAN về giá trị thị trường và tài sản trong số các ngân hàng.

            Thailand Bangkok Bank (BB) đã nhận định về hoạt động của chi nhánh tại Yankin- khu đô thị biển tại Yangon vào tháng 6/2015. Vào tháng 10/2014, BB đã trở thành một trong 9 ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng trung ương Mianma đồng ý cho thành lập chi nhánh. Với giấy phép đó, ngân hàng này của Thái Lan được phục vụ các công ty đầu tư nước ngoài và các ngân hàng trong nước của Mianma và cung cấp hàng loạt các dịch vụ tài chính như cho vay, các tài khoản cho vay của 4 đồng ( Kyat, Đôla Singapore, Euro và USD).

            Hiện nay, Mianma vẫn tiếp tục đạt được tiến bộ đối với quá trình đổi mới kinh tế. Đây là nhân tố thể hiện cách tiếp cận hệ thống và cẩn trọng trong quá trình mở cửa khu vực ngân hàng đối với đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tại Mianma vẫn có phân biệt đối xử giữa ngân hàng nội địa và ngân hàng nước ngoài. Cụ thể, điều khoản cho vay đối với ngân hàng Mianma cũng như sở hữu các công ty trong nước không được phép đối với bất kỳ ngân hàng nước ngoài nào. Các bước cần thiết tiếp theo trong quá trình đổi mới tại khu vực ngân hàng tại Mianma bao gồm cả hiện địa hóa khung pháp lý đối với khu vực ngân hàng, thay đổi lãi suất trần đối với các khoản vay bằng đồng Kyat, SMEs khó tiếp cận với nguồn lực tài chính, cần đưa ra nhiều đồng đồng tiền bán lẻ và các ngân hàng, đưa ra nhiều chính sách tiền tệ hướng ngoại hơn nữa và làm mạnh mẽ hơn thể chế công đối với  khu vực ngân hàng.

3.2 Lĩnh vực y tế

 Hiện nay, so với các thành viên khác tại ASEAN, Mianma có số lượng bác sĩ rất ít. Theo WHO, nước này chỉ có 6,1 bác sĩ /10000 dân, trong khi đó tại Việt Nam là 11,9, Singapore là 19,5 và Nhật Bản là 23. Chính phủ nước này cũng đang đầu tư để cải thiện và mở rộng dịch vụ ytế cơ bản và dự kiến gia tăng nhu cầu đối với dịch vụ ytế tư nhân. Với sự phát triển kinh tế, tại Mianma dần hình thành tầng lớp dân cư trung lưu, do đó sẽ tạo ra lượng lớn các khách hàng tiềm năng đối với các dịch vụ y tế cao cấp. Cùng với đó, gia tăng nhanh chóng lượng khách du lịch quốc tế và đã góp phần gia tăng nhu cầu khách hàng trong lĩnh vực này.

            Bumrungrad Hospital Pcl, Thái lan, nhà cung cấp dịch vụ y tế lớn thứ 2 của nước này đã nhận được giấy phép kinh doanh từ Ủy ban đầu tư Mianma (Myanmar Investment Commission) nhằm hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ bệnh viện tư nhân và chuẩn đoán bệnh tại Mianma. Công ty này là một trong những nhà cung cấp đang hướng đến mở rộng kinh doanh tại ASEAN nơi mà chi tiêu cho dịch vụ y tế tăng cao do tốc độ tăng dân số, thu nhập gia tăng và tuổi thọ tăng cao. Công ty này sẽ liên doanh với công ty của Mianma để triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh tại đây.[8]

3.3 Du lịch

 Trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn tại Mianma cũng được mở rộng không chỉ ở Yangon mà còn phát triển ở Mandalay. Do số lượng khách du lịch đến quốc gia này gia tăng, nhiều khu vực xây dựng khách sạn cũng được mở rộng (Kyi, 2015).[9] Hiện nay, tại Mianma có 19 khu khách sạn, trong đó 11 khu đã được xây dựng, số còn lại đang được triển khai. Theo chủ tịch Hiệp hội khách sạn của Mianmar, các chủ đầu tư đang thương lượng với nông dân để mua đất phục vụ cho kinh doanh khách sạn. Quốc gia này cũng đã có khách sạn nằm trong nhóm 5 sao của khu vực Mekong.[10] Đó là Kempinski Hotel Naypyidaw đã giành được giải thưởng “The Best Five Star Hotel of the Year 2015” cho Mianma từ Giải thưởng Liên minh du lịch Meekong (MTAA) (Mianmar Busuness Today, 2015).

3.3 Bất động sản

Tập đoàn Thanly trong lĩnh vực phát triển bất động sản đã lựa chọn liên kết với Dragages – Singapore nhằm thiết kế xây dựng  khu nhà cao tầng tại Mianma. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã khai trương tại Mianma Plaza, trung tâm của nước này vào tháng 12/12/ 2015. Địa điểm  này bao gồm hai khu là Blazon và MK, nơi mà các khách hàng có thể tìm thấy những thương hiệu, các sản phẩm thời trang.

 Viễn thông, với việc mở cửa thị trường viễn thông vào cuối năm 2014 để cho các doanh nghiệp có thể cạnh tranh cung cấp SIM card tại Mianma. Cụ thể, con số tăng từ 7% trong năm 2013 lên đến 54% vào tháng 3 năm 2015.

 Hàng không, năm 2015, Mianma Airline đã mở đường bay với tuyến đến Hồng Kông, Đài Loan và sau đó là đến Singapore.[11] Hàng không tại Minama tăng lên nhanh chóng từ 55% giữa năm 2005 và 2012. Chính phủ nước này đã có kế hoạch thu hút 7.5 triệu khách du lịch vào năm 2020 tuy nhiên hạ tầng cơ sở giao thông của quốc gia này kém phát triển và công đủ đáp ứng công suất. Vì vậy, chính phủ đã hiện đại hóa Quản lý hàng không nhằm tăng 55% quy mô các chuyến bay tại nước này.

Kết luận

Như vậy, chính phủ Mianma đã có những nỗ lực trong quá trình thu hút FDI và thể hiện quyết tâm thực hiện chiến lược quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế. Với những đổi mới trong 5 năm qua, chính sách liên quan đến FDI đã được quốc gia này quan tâm nhằm cải thiện môi trường đầu tư và đây chính là một trong những yếu tố trọng tâm được FIEs và các nhà nghiên cứu đánh giá cao. Chính phủ Mianma đã từng bước giảm dần các rào cản liên quan đến FDI, từ đó từng bước cải thiện môi trường kinh doanh và hài hòa với chính sách FDI của các nước thành viên ASEAN. Là quốc gia đi sau, tuy nhiên quá trình mở cửa nền kinh tế nước này đã lựa chọn hướng đi cẩn trọng, phù hợp với chiến lược đổi mới nền kinh tế và học hỏi kinh nghiệm từ các nước thành viên ASEAN để có những chính sách phù hợp. Nó giúp nền kinh tế này hội nhập sâu vào khu vực, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia thành viên đang nỗ lực nhằm thực hiện những cam kết trong lĩnh vực kinh tế trong khuôn khổ AEC. Những nghiên cứu cụ thể trong lĩnh vực dịch vụ tại Mianma đã minh chứng cho những nỗ lực thực hiện các cam kết cụ thể liên quan đến hội nhập sâu rộng trong khu vực của quốc gia thành viên ASEAN này. Nó sẽ tạo cơ hội trong quá trình thâm nhập và hoạt động của nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại quốc gia này trong giai đoạn tới và cho thấy một khái cạnh cụ thể của quá trình đổi mới nền kinh tế.

Tài liệu tham khảo

1.      , Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, tháng 4/2015.Đổi mới kinh tế và môi trường đầu tư tại MianmaTrần Thị Ngọc Quyên, Trịnh Quang Hưng,

2.      , Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, tháng 01/2016. Đổi mới kinh tế và chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nhóm nước Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam (CLMV) và một số vấn đề đặt ra cho Việt NamTrần Thị Ngọc Quyên,

3.      ADB, 2013, Asian Development Outlook 2013.

4.      Aye Myat, Myanmar Business Today, 19 October, 2015.

5.      , Journal of Southeast Asian Economies, 2014, tr.241-255.Myanmar’s Economic Institutions in TransitionBissinger,

6.      , 20 July 2011Exporters want Burmese Government to reduce export taxes moreBurma News International,

7.      People’s Daily Online 2011

8.      , Myanmar Business Today, 8 June 2015Transformation of Banking Sector Continues as Bangkok Bank opens Yangon BranchFelix Haas and Zin Thu Tun,

9.      Foreign Business person, Y. M, 2014, January 22.

10. , Yagon: Deutsche Gesellschaft Fur Internationale Zusammenarbeit, 2013.From  Isolation to Opening Up: A challenging Environment for Banks in MyanmarFoerch, Thomas, San Thein and Sophie Waldschmidt,

11. , IMF Country Report No. 13/250, Washington, D.C.: International Monetary Fund, 2013a, p.7.Myanmar: 2013 Article IV Consultation and First Review under the Staff - Monitored ProgramInternational Monetary Fund, IMF,

12. IMF, 2013, IMF 2013a.

13. , Institute of Southeast Asian Studies , 117-167.An economic Analysis of Burmese Rice Policies. In Myanmar Dilemmas and Options: The Challenge of Economic Transition in the 1990sFisher, T. S., 1990,

14. , ERIA Discussion Paper Series, No.ERIA-DP-2010-09, September 2010.International Production networks in Machinery Industries: Structure and Its EvolutionKimura, Fukunari and Ayako Obashi,

15. , Myanmar Business Today, 19th October, 2015.Thai Bumrungrad get Licence to open clinic in MyanmarKhettiya Jittapong,

16. , Myanmar Business Today, 12 October, 2015.Maybank Yangon to focus on transaction Banking, Corporate Lending and Treasury ServicesMoh moh Kyi,

17. Myanmar Business Today, 21 Octorber 2015.

18. , Copenhagen: Nordic Institute of Asian Studies, 2009, p.226.Sean Fiery Dragons: Banks, Moneylenders and Microfinance in BurmaTurnell,

19. , Journal of Southeast Asian Economies Vol.31, No.2 (2014), p.225-40.Banking and Financial Regulation and Reform in MyanmarTurnell,

20. , 2006.Economic Reforms in MyanmarTin Maung Maung Than,

21. , Journal of Southeast Asian Economies Vol.31,No.2 (2014), pp.165-72.Myanmar’s Economic ReformsTin Maung Maung Than,

22. .Southeast Asia in a new era: ten countries, one region in ASEANTin Maung Maung Than and Kyaw Yin Hlaing,

23. , Myanmar Business Today, 10 August 2015.Myanmar Airline to start flying to Hong Kong and TaiwanTin Mg Oo,

24. , p.173-192, Volume 31, Number 2 August 2014.Strategies for Mianmar, Re-engagement with the Global EconomyToshihiro Kudo, Satoru Kumagai and So Umezaki, Five Growth,

25. Singapore Institute of International Affairs 2010, p.4.

26. Delhi, India: Conference Presentation.Progress of reforms in Myanmar, 46th Asian Development Bank Annual Meeting,Yin, Y. M, 2013,

27. 2010, 2011, 2015.World Investment Report (WIR)UNCTAD,

[1] Đây là nhóm 4 nước Lào, Campuchia, Mianma và Việt Nam

[2] Tháng 3 năm 2010, quốc gia này đã công bố luật bầu cử.

[3] Tháng 7/2012, lần đầu tiên sau 15 năm dòng vốn đầu tư mới và xuất khẩu dịch vụ tài chính của Mỹ đã vào Mianma.

[4] Government of the Republic of the Union of Myanmar, Framework for Economic and Social Reforms: Policy Priorities for 2012-15 towards the Long-term goals of the National Comprehensive Development Plan (Nay Ryi Taw: Government of the Republic of the Union of Myanmar, 2012)

[5]Trần Thị Ngọc Quyên, Trịnh Quang Hưng,  Đổi mới kinh tế và môi trường đầu tư tại Mianma, Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, tháng 4/2015. Xem chi tiết

[6] World Bank. Doing Business 2014: Understanding Regulations for Small and Medium-Size Enterprises. Washington, D.C.: World Bank Group: 2013

IMF.”Myanmar : Second Review under the Staff-Monitored Program”. IMF Country Report No.14/91.Washington, D.C: International Monetary Fund, 18 February 2014 http://www.imf.org/external/pubs/ft/scr/2014/cr1491.pdf

ADB. Myanmar in Trannsition: Opportunities and Challenges. Manila: Asian Development Bank, August 2012

____. “Myanmar”. In Asian Development Outlook 2014, pp.212-14. Manila: Asian Development Bank, 2014.

[7] Tuy nhiên, tại Mianma lại có quy định về thanh toán thuế doanh nghiệp gây ra nhiều chi phí và phức tạp hơn, bằng cách tăng thuế đối với chủ lao động, yêu cầu nhiều giấy tờ bổ sung đối với hoàn thuế thương mại và đưa ra tờ khai thuế thu nhập và thanh toán hàng quý.

[8] Bumrungrad Health Network sẽ sở hữu 80% vốn sở hữu và Yangon International Medical Services Co Ltd nắm giữ 20%

[9] Theo ước tính của Bộ Khách sạn và du lịch nước này, tại Mandalay, nếu như năm 2011 mới chỉ có 76 khách sạn thì tháng 9/2015 con số này tăng lên 164 khách sạn với 6.671 phòng. Đến năm 2017-2018, tại khu vực này sẽ có 200 khách sạn với 10.000 phòng. Năm 2014, có 250.000 du khách đến Mandalay, đến 2015, chính phủ hy vọng con số sẽ là 300.000 người.

[10] Giải thưởng này được đề xuất nhằm tăng cường ý nghĩa lớn hơn của giải thưởng và đạt được những thành công về nghề nghiệp và tổ chức tại Campuchia, Lào, Mianma, Thái Lan và Việt Nam.

Các chuyến bay đến Singapo hàng ngày trong tuần trừ ngày thứ bảy.

THU HÚT DÒNG VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TRONG BỐI CẢNH ĐỔI MỚI KINH TẾ TẠI MIANMA (2011-2015)

Tác giả TS.Trần Thị Ngọc Quyên NCS.Trịnh Quang Hưng
Tạp chí tạp chí khoa học pháp lý
Năm xuất bản 2016
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ